![]() |
![]() ![]() |
![]() |
![]()
Post
#1
|
|
![]() Tiếng Hát Liêu Trai ![]() ![]() ![]() Group: Năng Động Posts: 6,277 Joined: 31-May 08 Member No.: 105 Country ![]() ![]() |
![]() Phỏng vấn Phan Văn Hưng Saigon Times (Úc), 21/10/02 Thực hiện: Bích Hằng Về CD Mới Nhất của Anh: Nam Dao: Quyển Nhật Ký Của Một Dân Tộc LGT (emviet): Anh Phan Văn Hưng và chị Nam Dao vừa hoàn thành cuốn CD mới nhất do hai anh chị sáng tác. CD này sẽ có mặt ở khắp nơi vào giữa tháng 10 năm 2002 và được nhóm EM Viet (www.emviet.com) phát hành. Anh Phan Văn Hưng là người nhạc sĩ được biết đến qua các ca khúc bất hủ "Ai Về Xứ Việt", "Thằng Bé Tát Dầu", "Hai Mươi Năm", "Bạn Bè Của Tôi" và khoảng 100 bài hát khác được sáng tác trong 3 thập niên qua. Phan Văn Hưng và Nam Dao vẫn tiếp tục vẽ lên bức tranh hiện thực và sâu sắc của đời sống người dân nước Việt qua nét âm họa có một không hai của anh chị. Cuốn CD mới này gồm có tổng cộng 12 ca khúc, và mỗi ca khúc một sắc thái riêng biệt. Nhưng góp chung lại là một bức tranh rõ nét của xã hội Việt Nam ngày hôm naỵ Xin kính mời quý vị tìm hiểu thêm về cuốn CD này qua cuộc tiếp chuyện của Bích Hằng với nhạc sĩ Phan Văn Hưng. BH: Sau CD Khát phát hành vào năm 2001, chủ đề cho CD này là gì và tại sao anh chọn tên đó? PVH: CD này là sự góp nhặt những sáng tác của Nam Dao và tôi trong 2 năm qua, nên nếu chị hỏi là chúng tôi đã có chủ đề ngay từ ban đầu không, thì câu trả lời có lẽ là không. Rất khác với CD trước phải không chị, khi mục đích của tôi lúc đó là phổ nhạc một số bài thơ của những nhà thơ trong nước? Nhưng nói như thế không có nghĩa là CD này không có một cốt chuyện. Tôi xin kể như thế nàỵ Khi đặt tựa cho CD này, tôi đã do dự mãi, vì thường người ta hay lấy tên một ca khúc để đặt tựa cho CD, nhưng trong trường hợp của tôi, không có tên ca khúc nào là bộc lộ được tất cả những gì tôi muốn nói cả. Chẳng hạn bài "Tôi Vẫn Đợi" thơ của Tuệ Sỹ, tuy bài thơ thật hay đấy, nhưng đặt tên CD như thế thì nghe hơi yếm thế. Do dự mãi thì đùng một cái, tôi nhận được email của một bạn trẻ từ VN vào thăm trang web của chúng tôị Trong bức thư này và nhiều lá thư kế tiếp, anh bạn trẻ này tỏ nỗi tuyệt vọng của mình khi phải sống dưới một chế độ quá bất công và tàn nhẫn. Tôi đọc thư của anh mà tôi vừa thương vừa giận, chỉ trong một buổi tôi viết xong ca khúc "Sinh Ra Làm Người VN". Viết xong, tôi mới nhận thấy tựa bài hát thật là thích hợp với những điều tôi đang muốn nói, nên tôi lấy luôn tên CD là "Sinh Ra Làm Người VN". Bài hát này là bài mới nhất mà cũng là bài tiêu biểu cho CD. Hóa ra, tuy không khởi đầu với một chủ đề nhất định nào hết, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng trở về với câu hỏi muôn thuở: kiếp làm người VN là như thế nào? BH: Khi anh nói đến những bài hát về kiếp làm người VN, có lẽ anh muốn nói đến những bài như "Chúng Đi Buôn" và "Những Đứa Bé" phải không ạ? PVH: Thưa vâng, tôi hát về sự kiện ở nước ta thứ gì người ta cũng có thể buôn được, từ mảnh bằng, máu và nước mắt cho đến lương tâm và sự thật. "Chúng đi buôn", chúng người ấy, mọi người VN đều biết cả. Và tôi cũng hát về những đứa bé ở đầu đường xó chợ, phải bán thân hay lượm rác để nuôi gia đình. Tôi hát về tất cả những câu chuyện trào ra nước mắt đó, những câu chuyện thật "bình thường" mà mọi người VN đều biết cả nhưng chẳng có bài hát nào chịu nói đến. Nhạc "nhắm mắt mộng mơ" thì nhiều, tôi nghĩ chúng ta cũng cần có loại nhạc "mở mắt mà nhìn", nhìn thấy để mà còn có tấm lòng với nhau, chứ không lẽ chỉ còn biết "đi buôn" thôi sao? BH: Vâng, nhạc của anh và Nam Dao có khuynh hướng rất hiện thực, nghĩa là mô tả rất chính xác, như một bức tranh, một tấm ảnh, những hiện tượng xã hội của nước mình, nhưng song song, anh chị cũng lại đem vào bức tranh đó rất nhiều cảm xúc riêng của mình. Thế còn bài "Vọng Nam Quan", anh có coi bản đó nằm trong cái bức tranh mà anh chị đang vẽ về nước mình không? PVH: Làm sao mà không nói cho được về chuyện mất Ải Nam Quan sau hàng chục thế kỷ tổ tiên ta đã giữ vững bờ cõi ở phương Bắc? Đau mất đất chỉ là một, nhưng đau và tủi nhục đối với tổ tiên là mười. Đã hát về đất nước VN ngày hôm nay thì đương nhiên ta phải hát về Nam Quan chứ. BH: Trong CD này tôi nhận thấy có một bài hát, nhạc của anh viết, nhưng lời thì có tới ba mươi mấy tác giả lận. Xin anh cho biết tại sao có sự kiện lạ đời này? PVH: À, đó là bài "Tôi Thương" phải không chị? Vâng ba mươi mấy tác giả đó là những bạn đọc trang web của tôi đã gửi lời ca về đóng góp cho một bài hát mà tôi đã đặt nhạc mà chưa có lời. Tôi để bản nhạc không lời của tôi lên trang web, đối với những bạn biết đọc nốt nhạc thì tôi để bản ký âm, còn đối với những bạn thích nghe nhạc trực tiếp thì tôi để âm thanh dưới dạng mp3. Xong tôi mời bà con bốn phương gửi lời ca về, chỉ với một điều kiện thôi, là mỗi câu hát phải bắt đầu bằng hai chữ "tôi thương". Thương điều gì hay thương ai, thì cứ viết ra. Từ đó tôi mới thu xếp lời ca lại thành một bản nhạc mà tôi nghĩ nó thể hiện tình thương yêu của tập thể người Việt chúng ta. Mới đầu tôi cũng hơi lo sợ là với nhiều người đóng góp như thế, nhất là những người chưa từng quen biết nhau và chưa từng bàn bạc với nhau, bố cục bài hát có thể sẽ rời rạc lắm. Nhưng không, bài hát nghe chẳng khác gì một người viết từ đầu đến đuôi! Vì vậy tôi mới có ý nghĩ, người Việt chúng ta rất đồng tình đồng ý chí với nhau, và cuối cùng tôi đã phải thêm một câu kết cho bài hát để thể hiện điều này. Câu kết đó là: "suốt đời tôi thương mãi Việt Nam". Tình yêu của chúng ta có thể gói ghém trong câu này. BH: Vâng, hay quá hả thưa anh? Chắc đó là bài sáng tác tập thể đầu tiên của người Việt qua internet, phải không anh? Lại có một bài nữa cũng lạ không kém với nhan đề "Những Tình Khúc Dở Dang", nhạc của anh, còn lời thì ghi là của Trịnh Công Sơn. Anh có thể cho biết làm sao lại có sự cộng tác kỳ dị giữa anh và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không ạ? PVH: Thưa không, tôi chưa bao giờ được gặp hay được quen biết Trịnh Công Sơn cả. Câu chuyện như thế này. Hồi tôi là sinh viên, tôi rất mê nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc của ông rất mới đối với thời đó, về cả lời lẫn nhạc. Là người trẻ, tôi mơ ước hòa bình cho đất nước, nên không mê sao được? Nhưng với biến cố tháng tư 75, tôi như người bị phụ tình, đã càng yêu bao nhiêu thì lúc đó tôi càng ghét bấy nhiêu. Tôi không thể hát nhạc Trịnh Công Sơn được nữa và tôi đã vứt mười mấy tập nhạc của ông vào thùng bỏ trong kho. Năm ngoái khi nghe tin ông qua đời, tôi mới giở lại chồng nhạc cũ đã vàng úa, hát lại những bài hát năm xưa, hát đến đâu thì bao nhiêu tình cảm lại sống lại trong tôi. Nhưng tôi cũng chợt để ý một điều, những lời lẽ của ông mô tả xã hội VN thời thập niên 70 vẫn còn đúng vô cùng cho thời hôm nay. Chẳng hạn như câu: "Đêm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui", hay "Một ngục tù hai mươi năm nuôi da vàng", hay "Gia tài của mẹ để lại cho con, một nước Việt buồn và lũ con bội tình". Thật chẳng sai vào đâu cho tình trạng đất nước chúng ta ngày hôm nay. Hóa ra, tôi nghĩ, những giấc mơ của người thanh niên Trịnh Công Sơn dành cho quê hương đất nước thời đó, ngày nay vẫn chưa thành tựu, vẫn chỉ là những giấc mơ dở dang mà thôi. Từ ý tưởng đó, tôi mới góp nhặt lời ca của Trịnh Công Sơn qua nhiều ca khúc, góp lại thành một bài như một lời tiễn đưa cuối cùng của tôi. Nghe bài này, thế nào quý vị cũng sẽ nhận ra bút ký quen thuộc của một người nhạc sĩ kỳ tài nhưng cũng vô cùng đáng thương, đáng thương chẳng khác gì tất cả những người trẻ tuổi VN vào thời buổi đó. BH: Xin anh có thể cho biết thêm về hai ca khúc anh phổ thơ trong nước không ạ? Một là bài "Tôi Vẫn Đợi" của Thượng Tọa Tuệ Sỹ, còn bài kia là bài "Giết Một Ước Mơ" của Chế Lan Viên. PVH: Bài thơ "Tôi Vẫn Đợi", thầy Tuệ Sỹ viết lúc ông bị CS bắt giam. Bài thơ này rõ ràng là của một người thấm tất cả những nỗi đau đớn của con người chung quanh, thế nhưng sao nó vẫn nhẹ nhàng thanh thoát như người đang ngồi thiền vậy. Tôi yêu thích bài thơ này ở chỗ đó, và khi phổ nhạc, tôi đã cố giữ cái bầu không khí vừa rất an tịnh, vừa rất động cảm này, không hiểu tôi có diễn tả bài thơ được đúng mức hay không? Còn bài "Giết Một Ước Mơ" thơ Chế Lan Viên cũng là một bài đáng ghi nhớ. Sau nhiều năm Chế Lan Viên làm thơ phục vụ cho Đảng CS, đây là một trong những bài thơ cuối đời ông, khi ông viết: "Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ, có phải tôi viết đâu những giòng thơ. Những điều cần đưa vào thơ tôi đã giết rồi. Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười, giết một ước mơ v.v.." Chẳng khác gì trước khi nhắm mắt, ông chối bỏ tất cả những bài thơ giả dối ông đã làm để tô bóng cho chế độ. Một cử chỉ muộn màng thật, nhưng người ta thường có câu "thà muộn còn hơn không", phải không thưa chị? BH: Mỗi ca khúc của anh và Nam Dao chứa đựng những câu chuyện thật là sâu sắc. Khi lắng nghe những ca khúc này, tôi có cảm tưởng như cuốn CD của hai anh chị là một quyển nhật ký của những gì đã xảy ra cho dân tộc ta trong hai năm qua, nhưng là một quyển nhật ký nơi anh chị đã ghi lại những cảm xúc riêng tư của mình trước mỗi biến cố, mỗi cảnh tươ.ng. Nói vậy có sai không thưa anh? PVH: Người làm nhạc, hay người làm thơ, rung cảm với những gì xảy ra chung quanh mình và trong lòng mình. Nhiều khi tôi cũng không hiểu đây là quyển nhật ký của dân tộc hay là quyển nhật ký của cá nhân chúng tôi nữa. BH: Được biết anh sắp đi lưu diễn tại Âu Châu và Hoa Kỳ, không hiểu anh có thể cho biết chi tiết chuyến đi của anh không ạ? PVH: Vâng, chuyến lưu diễn này sẽ kéo dài suốt tháng 11 qua 7 nước khác nhau, Pháp, Bỉ, Na Uy, Đức, Tiệp Khắc, Đan Mạch và Hoa Kỳ. Ở mỗi nơi tôi sẽ có dịp gặp gỡ cũng như sinh hoạt với đồng hương của mình. Những buổi trình diễn thì tập trung vào những dịp cuối tuần và đại đa số là do những đoàn thể thanh niên sinh viên đứng ra đảm trách. Còn những buổi sinh hoạt thì dồn vào trong tuần. Đi chỉ có 4 tuần thôi mà tới bấy nhiêu nước, bấy nhiêu buổi văn nghệ, tôi biết là mình hơi quá tham lam, nhưng tôi rất yêu mến tinh thần thương nước thương người của những anh em trẻ VN khắp nơi, và tôi phải thú thật là tôi đã rút được từ tinh thần trong sáng của tuổi trẻ VN thật nhiều cảm hứng trong công việc làm nhạc và trình diễn nhạc. Tôi nghĩ chuyến đi sẽ khá mệt, nhưng bù lại, tôi sẽ được hưởng nhiều món bồi dưỡng tinh thần từ các anh em đó. BH: Anh Hưng trước kia ở Pháp, bây giờ trở về đó hát, anh cảm thấy ra sao? PVH: Tôi đã rời Pháp 20 năm rồi đó, thời gian đã qua rất nhanh. Trở về Paris là nơi tôi đã trưởng thành và tập tành sinh hoạt, có một ý nghĩa đặc biệt đối với tôi. Tôi sẽ gặp lại nhiều bạn cũ, tuy xa nhau đã nhiều năm, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ gặp nhau mà cảm thấy như mới hôm quạ Chúng tôi sẽ tiếp nối câu chuyện cũ như không có gì ngắt đoạn, và dĩ nhiên, tôi cũng sẽ gặp gỡ những bạn trẻ của ngày hôm nay. Hai thế hệ nhưng vẫn một tấm lòng. Tôi sẽ hát lại những bài hát đầu tay của Nam Dao và tôi, những bài hát mộc mạc không tham vọng, nhưng cũng là những bài hát đã đánh dấu cuộc đời chúng tôi cũng như của các bạn của tôị Thời đó chúng tôi đã khóc cho quê hương, cho đồng bào mình, thì ngày hôm nay tiếng khóc đó vẫn chưa dứt. Ngày hôm nay chúng tôi vẫn viết ca khúc, có thể kỹ thuật làm nhạc đã già dặn hơn, đề tài cũng có thể đã thay đổi theo những biến đổi của đất nước, nhưng trong tiếng uất nghẹn chưa nguôi đó, tôi vẫn cảm thấy lòng mình rực lửa vì con đường dân tộc mình đi nhất định sẽ có ngày rực sáng. BH: Còn dự tính lâu dài hơn của anh, anh có thể chia sẻ cho đồng hương được không ạ? PVH: Vâng, sau chuyến đi này, tôi còn nhiều dự án phải hoàn thành lắm, nghĩ tới mà đã thấy lọ Trước hết là tôi phải viết cho xong phương pháp tự tập đàn guitar và sáng tác ca khúc mà tôi đã khởi sự viết trên internet cho bà con bốn phương từ 6 tháng nay, đến bây giờ vẫn mới xong độ một nửa thôị Hàng tuần tôi nhận được thư của đồng hương gửi về hối thúc tôi làm cho xong, tôi biết nhiều người nóng lòng lắm. Tôi đành tạ lỗi vậy vì tôi đã cố hết sức nhưng vẫn không xuể. Điều thứ nhì tôi muốn làm là thâu lại một số ca khúc xưa của Nam Dao và tôi. Đây cũng lại do sự hối thúc của bạn đọc trang web của chúng tôi. Tôi mong sẽ thực hiện được điều này trong đầu năm tới, nếu Trời Phật cho phép. BH: BH cám ơn anh Phan Văn Hưng đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn nàỵ Được biết anh Phan Văn Hưng sẽ đi Âu Châu và Mỹ vào tháng 11 này và sẽ có những buổi trình diễn văn nghệ với cộng đồng Việt Nam ở các nơi đó. Xin kính chúc anh nhiều sức khoẻ và thành công trong các chuyến đi sắp tớị Nếu quý vị nào muốn biết thêm về chuyến đi của anh Phan Văn Hưng xin lên trang web của EM Viet, tức là www.emviet.com/pvh PVH: Xin cám ơn BH. -------------------- Em cứng đầu như một Hòn Sỏi Hòn Sỏi có chút tóc mọc lưa thưa Hòn Sỏi lầm lì và Lém Lỉnh Hòn Sỏi đã ném thủng trái tim anh .... |
|
|
![]()
Post
#2
|
|
![]() Ba Của Bé ![]() ![]() ![]() Group: Năng Động Posts: 1,296 Joined: 5-July 08 Member No.: 153 Country ![]() ![]() |
![]() ![]() ![]() |
|
|
![]()
Post
#3
|
|
![]() Bảo vệ tổ quốc ![]() ![]() ![]() Group: Năng Động Posts: 56 Joined: 12-October 08 Member No.: 352 Country ![]() ![]() |
![]() ![]() |
|
|
![]()
Post
#4
|
|
![]() Tiếng Hát Liêu Trai ![]() ![]() ![]() Group: Năng Động Posts: 6,277 Joined: 31-May 08 Member No.: 105 Country ![]() ![]() |
![]() Phan Văn Hưng là một tên tuổi mới lạ trong làng âm nhạc Việt Nam, tuy anh đã hoạt động từ lâu. Anh Hưng, sinh năm 1950 tại Hà Nội, 1954 vào Nam, xa rời đất mẹ Việt Nam từ 1968. Anh du học và tốt nghiệp về Kỹ Sư Hầm Mỏ và Cơ Khí ở Pháp. Trước khi rời Pháp để định cư tại Úc, Phan Văn Hưng đã sinh hoạt với Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris. Trong suốt 10 năm sinh sống ở Pháp, ngoài những sáng tác và trình diễn âm nhạc, anh còn là sáng lập viên của “Văn Đoàn Lam Sơn” và của tờ báo “Nhân Bản”, một trong những tờ báo Việt ngữ phổ biến rộng rãi ở Âu Châu. Nhạc Phan Văn Hưng là một nét chấm phá khác thường, chưa thấy bao giờ trong âm nhạc Việt Nam. Đã khoảng một phần tư thế kỷ hoạt động âm nhạc, với hơn 100 bản nhạc, Hưng đã có một con đường, có một hướng đi, khác hẳn những nhạc sĩ khác. Những tác phẩm đã phát hành gồm tập nhạc “Trái Tim Tôi Là Bến” với ba cái CD “Trái Tim Tôi Là Bến”, “Có Phải Em Chờ Mùa Xuân” và “20 Năm”. Nếu nói nhạc Phan Văn Hưng là nhạc của những tình yêu lứa đôi như nhạc của những nhạc sĩ viết tình ca ngày xưa Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng ... hoặc nhạc tình ngày nay của Đức Huy, Trịnh Nam Sơn, Mai Anh Việt, Nguyên Bích... thì là một điều sai lầm lớn lao. Nhạc của anh, có một phần nào đó, ảnh hưởng loại nhạc tranh đấu, nhưng không hoàn toàn “lớn giọng” như vậy, dù là tác dụng có thể sâu đậm hơn nhiều. Hãy tạm thử so sánh với “nhạc phản chiến” của Trịnh Công Sơn ngày xưa (ở đây không bàn đến những bản “tình ca” của Trịnh Công Sơn). Một điều khá rõ ràng, “nhạc phản chiến” Trịnh Công Sơn lời lẽ thường mơ hồ, ám chỉ, chứ không bàn thẳng vào sự việc và nhạc Phan Văn Hưng thường từ những bài thơ diễn tả những sự kiện có thật. Có lẽ cả hai loại nhạc đều có thể gây ảnh hưởng, xúc động mạnh đến người nghe, nhưng hai nhạc sĩ đã có hai con đường, có hai mục đích, hai lý tưởng trái ngược hẳn với nhau. Nhạc của Phan Văn Hưng, hình như đa số là những bức tranh xã hội, mờ ảo nhưng có thật. Những bức tranh màu đen, những hình ảnh cực tối của những con người Việt Nam điển hình, những người thật. Những người Việt trong nhạc của họ Phan là những nhân vật có thật, họ đã chết tuyệt vọng, hay họ đang và sẽ bám víu vào tương lai mờ mịt... Nhạc Phan Văn Hưng cũng có những người Việt đang sống sót một cách trầm, hùng, anh dũng... trong trận cuồng phong phủ kín bao tối tăm của nước Việt Nam, sau những ngày cuối của tháng Tư Đen 1975. Đây cũng còn là tâm sự của những người Việt ly hương, những người đã phải đau đớn bỏ lại một đất nước đen tối, bỏ lại gia đình, tài sản, bỏ lại bạn bè trong những trại học tập, những trại tù, những địa ngục của nhân loại: “... Ai trở về xứ Việt Nhắn giùm ta, người ấy ở trong tù Nghe đâu đây vang giọng hờn rên xiết Dài lắm không, đằng đẳng mấy mùa Thu Ai đi về xứ Việt Thăm dùm ta người ấy ở trong tù Cho ta gửi một mảnh trời xanh biếc Thay dùm ai màu trời ngục âm u Các bạn ta ơi, bao giờ được thả Đến bao giờ ăn được bát cơm tươi Được lắng nghe tiếng chim cười Đến bao giờ, đến bao giờ?...” (Ai Trở Về Xứ Việt/thơ Minh Đức Hoài Trinh-Nhạc Phan Văn Hưng) Phan Văn Hưng đã viết lên những “thương khúc” rất cảm động về các đồng bào ở trong và ngoài nước. Anh viết về những con người có cùng một tiếng nói, cùng một mầu da vàng, cùng một lịch sử Lạc Hồng như anh. Niềm đau của những người Việt khốn khổ còn ở lại Việt Nam, hay những di dân gốc Việt mất nước, phải lang thang khắp tứ xứ, năm châu là niềm đau của Phan Văn Hưng. Và đấy cũng là nỗi đau của Nguyễn Chí Thiện, của Minh Đức Hoài Trinh, của Đinh Tuấn, của Bắc Phong, của Nguyễn Song Pha, của Giang Hữu Tuyên, của Nguyễn Phương Lam, của Nam Dao... là những thi sĩ có thơ được anh phổ nhạc. Và đấy cũng là tâm sự xót xa của tất cả các người Việt Nam khác hãy còn là “Người Việt Nam”. Bao nhiêu là những mẩu chuyện có thật, của những người không may mắn ở lại Việt Nam, đa số là những bài thơ đã được Hưng viết thành nhạc, để đưa đến hàng triệu người Việt trong và ngoài nước. “Bài Ca Cho Em Bé Thảo”, nhạc Phan Văn Hưng phổ vào thơ Nam Dao, là một thương khúc cảm động. Em bé Thảo bệnh nặng, được cha mẹ đem vào nhà thương. Bị bỏ quên, mãi sau một bác sĩ Xã Hội Chủ Nghĩa mới đến kê toa thuốc, nhưng cho biết “nhà thương không có thuốc”. Cha mẹ vội mượn tiền hàng xóm ra chợ trời, mua được thuốc, đem vào nhà thương, nhưng bé Thảo... đã lìa đời! Nhà nghèo, phải cưa chiếc bàn cũ long chân đóng đinh làm quan tài. Cha đạp xe lọc cọc chở áo quan ra nghĩa trang. Mẹ chạy theo cầm giữ chiếc quan tài nhỏ bé. Còn có gì đau đớn hơn hình ảnh này? Nhưng, không phải chỉ có dân chúng miền Nam Việt Nam mới khổ. Những người dân ngoài Bắc còn có thể xấu số hơn. Những người theo kháng chiến ngày xưa cũng có những cay đắng, những hờn tủi không thể nói ra được. Họ Phan đã giúp họ và viết thành những lời nhạc chua xót. Đó là nội dung một số bài hát như “Bậu” (thơ Bắc Phong-nhạc Phan Văn Hưng). Bậu là tên một thôn nữ đẹp và thích làm dáng, ngay cả sau khi gia nhập kháng chiến. Ngờ đâu, cái chết tức tưởi của người yêu khiến Bậu không còn là Bậu ngày xưa nữa. Rồi đến bài “Có Phải Em Là Em Bé”, thơ Nguyễn Chí Thiện-nhạc Phan Văn Hưng. Thi sĩ của “Hoa Địa Ngục”, Nguyễn Chí Thiện, đã kể chuyện một em bé có cha bị ở tù đã hơn mười năm. Mẹ em bé, buộc lòng phải lấy một bí thư đảng nơi mẹ công tác. Còn em, còn em bé đáng thương chỉ mơ có được một đôi dép, chỉ mơ được đi học. Và đau đớn thay em, ngây thơ, lại mơ được trở thành thiếu nhi... quàng khăn đỏ! Những câu chuyện thương tâm như vậy. Những câu chuyện xã hội tưởng chừng như nối tiếp nhau trong những bài hát tràn đầy những khổ đau, triền miên, bất tận... tưởng như không bao giờ có thể hết được những khổ sở, những chua cay. Hãy cùng ngậm ngùi trong câu chuyện của hai em bé nhỏ, vẫn còn trong tuổi vô tư, đi tát dầu cặn nổi lềnh bềnh trên nước sông Sàigòn, gần xưởng Ba Son, lọc lấy dầu bán, để làm kế sinh nhai. Thằng bé anh, tuổi mười ba, đã bị gục ngã dưới làn đạn AK của Công An. Thằng bé em khóc ngất, ôm anh mình đã chết, máu nhuộm đầy người. Mọi người chắc phải có một cảm giác ớn lạnh ở xương sống khi nghe bài thơ nhạc sau đây: “... Tôi muốn hát cho thằng bé nước Việt Chết như một kẻ thù vô danh Phản động chăng hay là đế quốc? Biết đâu rằng chỉ chủ nghĩa giết em! Bé tát dầu, thằng bé tát dầu! Chết nơi cầu cạnh xưởng Ba Son Thằng nhỏ chết với đôi mắt mở trừng Trên giòng sông sóng gợn rưng rưng” (Thằng Bé Tát Dầu / ý Nguyễn Song Pha - nhạc Nam Dao và Phan Văn Hưng) Thật là đau thương: “Thằng nhỏ chết với đôi mắt mở trừng” làm cho giòng sông phải “rưng rưng” nước mắt! Nhạc Phan Văn Hưng nhiều chuyện buồn. Nhưng không những chỉ kể lể những chuyện buồn như vậy đâu. Anh còn cho thấy có những hy vọng. Trong một cuộc biểu tình tranh đấu cho Tự Do Nhân Quyền, tại một công trường ở Paris, Nam Dao và Phan Văn Hưng đã tình cờ bắt gặp những giọt lệ trên đôi má nhăn nheo của một người Mẹ Việt Nam. Giọt nước mắt của người mẹ già có mái tóc bạc phơ, tay cầm lá cờ vàng ba sọc đỏ, đã là cảm hứng cho bài hát “Giọt Nước Mắt Của Mẹ”. Bài hát này đã cho những giọt nước mắt của MeÏ là những giòng suối man mác tình người, niềm kiêu hãnh của 4000 năm Con Rồng Cháu Tiên, niềm hy vọng một ngày sẽ có ánh sáng ban mai. Giọt nước mắt của Mẹ sẽ là những dòng sông cuồn cuộn lên, là những thác nước đổ dồn dập ập xuống để phá tan gông cùm, xiềng xích. Ba cái CD của Phan Văn Hưng rất giản dị. Anh Hưng hát tất cả. Cũng có đủ những nhạc cụ như tây ban cầm, dương cầm, vĩ cầm, trống... tuy nhiên, đa số phần hoà âm khá đơn giản do chính anh thực hiện. Nhưng nghe “thấm” nhiều. Nghe thấm thía nhiều lắm! Giọng hát của Phan Văn Hưng không phải là để hát tình ca. Giọng hát của anh, không thể điêu luyện như Anh Ngọc, không ấm áp và không ngọt ngào đằm thấm như giọng ca Duy Trác và cũng chẳng có cái ngang tàng nhưng ru hồn người của tiếng ca Tuấn Ngọc. Hưng cũng không có giọng hát thính phòng opéra của Vũ Anh, của Đoàn Chính. Nhưng nghe Hưng hát, hát một cách mộc mạc và chân phương, người nghe sẽ thấy tiếng nói xoáy sâu vút lên từ đáy lòng, thấy những rung động của con tim người nghệ sĩ. Có những lúc, tiếng nói người nhạc sĩ là những lời ao ước được góp phần vào công cuộc tranh đấu, giải phóng dân tộc. Không phải là những lời hô hào, những lời ồn ào...nhưng trống rỗng. Đây là tiếng nói từ tim, từ xương máu. Đây như là những lời chúc tụng, những câu nguyện cầu, đã và đang dìu những cánh buồm rách nát trong cơn bão tố đến bờ bến của Tình Thương. Bởi vì, từ mỗi một dập vùi sẽ nẩy ra một niềm tin. Bởi vì, từ mỗi một gục ngã sẽ đem lại một chí quật cường. Để làm gì? Để cho bạo lực, để cho dối trá ngày hôm nay được thay thế bởi lòng bao dung và chân lý của Tình Người: “Buồm của anh rách nát Bởi bao đợt sóng nhồi Thì xin anh hãy vá Bằng những miếng da tôi Ngòi của anh đã gẫy Hãy mài trên xương tôi Chấm máu tôi mà viết Về lương tâm con người Dù đêm trăng không lên Nhưng mắt trẻ là sao Trái tim tôi là bến Xin anh cứ bơi vào...” (Trái Tim Tôi Là Bến/thơ Bắc Phong-nhạc Phan Văn Hưng) Một thi sĩ được Phan Văn Hưng phổ thơ thành nhạc nhiều nhất là Nam Dao. Không thể tránh được, vì Nam Dao cũng là người bạn đường, đã chia sẻ cùng Phan Văn Hưng hàng chục năm đời. Nhưng, hình như cũng chính vì vậy, anh đã “cảm” được thơ Nam Dao, “cảm” hơn thơ của tất cả mọi người khác. Những khúc hát anh viết vào thơ Nam Dao, thật phải nói là đến mức độ tài tình. Một bài ca, có thể làm người nghe rung động đến tuyệt đỉnh, và dễ “thấm”, dễ phải rưng rưng nước mắt là bài “Nếu Em Nghe Bài Hát Này”. Bản nhạc chắc phải là hòa hợp tuyệt diệu nhất của đôi uyên ương tài hoa Nam Dao và Phan Văn Hưng. Thoáng nghe cung điệu như là một bản tình ca. Nhưng không phải vậy! Không phải như vậy đâu! Đây không là một bản tình ca lứa đôi mượt mà. Đây là bài thương ca rên xiết, hấp hối từ trong ngục tù đen tối, gửi ra ngoài về cho người vợ, cho đứa con... Đây là lời vĩnh biệt của một người đã đang chết thảm khốc trong ngục tù. Bài hát để gửi đến những người tuy ở ngoài tù, nhưng cũng đau khổ trần ai. Vì người còn lại sẽ không bao giờ gặp lại được người tình, sẽ không nhìn thấy được người chồng yêu dấu. Vì người còn sống sót sẽ không thể gặp, dù chỉ một lần, để được biết mặt ai là người cha kính yêu của mình: “Nếu em nghe qua bài hát này Thì anh đã khuất theo rặng đường mây Nếu em nghe những lời giã từ Thì xin đôi mắt ngưng đọng mùa Thu Tình anh ao ước trao muôn ngàn gió Gởi bao trăn trối trong cơn mù xa Giờ anh thoi thóp giữa gian ngục tối Nào được thoát ly tâm hồn bay xa... Nếu con nghe qua bài hát này Thì con sẽ biết cha mình là ai Nếu có đi qua vùng nước lầy Mộ cha nằm đó trái tim nằm đây” (Nếu Em Nghe Bài Hát Này / Thơ Nam Dao - nhạc Phan Văn Hưng) Năm 1997, Phan Văn Hưng và Nam Dao, qua tập nhạc “Trái Tim Tôi Là Bến” được Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh Việt Nam do Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam trao tặng. Tháng Ba, 1999 Santa Maria, California, USA B.S. Phạm Anh Dũng Phan Văn Hưng Và Bi Phẫn Ca TRỊNH THANH THỦY Người nghệ sĩ cúi xuống trên mười ngón tay nhả những thanh âm phừng phừng rực lửa. Khuôn mặt anh chứa chan cảm xúc, rập rờn âm điệu. Thính giác khán giả căng, dãn, đàn hồi, nhảy múa theo hấp lực của từng làn điệu, lời ca. Những ca từ hiện thực, tả chân cuộc sống con người đang ở đáy địa ngục. Những truyện ca có thật tạo năng lực cấu nhoi nhói tim đỏ người nghe. Nếu mỗi người là một cá nhân khác biệt có nhiều điểm khó hoà hợp, thì phút giây hiện tại này, mức đồng cảm giữa người và người ở khán giả đang lên cao nhất. Mọi vật rơi vào thể tĩnh của bất động ngoại trừ anh. Những đôi mắt không kịp nháy, tụ hội về vóc hình người đàn ông có dáng dấp thư sinh. Thế rồi bất chợt họ hiểu ra bài hát đã đến hồi dứt. Tiếng chuyển động rào rào của những bàn tay vỗ nhất loạt oà lên bao vây lấy hội trường, phủ lấp hình hài nhỏ bé của người đàn ông đang ngồi ôm đàn ấy. Anh cúi chào khán giả với một phong thái nho nhã, điềm đạm. Anh, Phan Văn Hưng, đến từ Úc, đem tiếng hát, dòng nhạc trải dài khắp vòng quay trái đất. Nơi nào mời anh, anh đến, nơi nào đón anh, anh lại. Anh giản dị, chân tình, nhẹ nhàng, thư thái, nhưng khi cây đàn được đặt vào vòng tay bồng bế, nó biến anh thành một con người khác. Nhắc đến Phan Văn Hưng người ta không nhắc đến một giọng hát điêu luyện, trầm ấm hay đằm thắm mà người ta tưởng tượng ra được một giọng hát thấm đẫm chân thật, xoáy sâu chọc thủng bức tường trái tim con người. Chúng ta cảm được cái hay của nó nhưng không phân tích được tại sao. Bởi anh hát từ tim nên tim ta và tim người giao cảm. Giọng anh không thể lẫn với bất cứ giọng hát nào khác vì anh có một phong cách rất riêng trong lối nhả chữ. Kỹ thuật luyến láy chữ của anh phải nói là “được tinh luyện và rất khác biệt’. Một phong cách rất “Phan Văn Hưng”. Vả lại khi anh hay bất cứ ai hát loại nhạc của anh sáng tác, người ấy không cần một giọng hát thiên phú thật hay mà chỉ cần hát thật có hồn, hát bằng tất cả trái tim của người ấy. Phan văn Hưng không những mang giọng hát của mình đến với khán thính giả khắp nơi ở hải ngoại mà anh còn đem dòng nhạc rất đặc biệt của mình gieo rải bất cứ nơi nào người nghe muốn nghe. Nhạc của anh phần lớn là phổ thơ nhưng anh nổi tiếng đầu tiên ở những ca khúc chính anh viết như “Bạn bè của tôi”, sau này là “Bài ca tuổi trẻ”, “Dìu nhau”, “Nhớ những dòng sông” ..... Thơ anh phổ nhiều nhất của Nam Dao, “người bạn đời” của anh từ những ngày hoạt động trong các phong trào sinh viên ở Paris. Người bạn đời sát cánh bên anh còn chung lưng cùng anh trong việc sáng tác. Có khi anh phổ thơ Nam Dao, có khi anh viết dựa trên lời thơ ND, rồi từ đó viết cả ca từ và nhạc. Có lúc anh viết cả hai nhưng ND sửa lời và góp ý. Cũng có một vài bài ND viết cả nhạc lẫn lời, anh sửa nhạc. Ngoài ra anh phổ thơ của nhiều thi sĩ khác trong cũng như ngoài nước. Mối giao cảm giữa thi sĩ và nhạc sĩ trong một bài thơ phổ nhạc như một hôn ước nhịp nhàng, du dương và hoà điệu. Nhưng không phải cuộc hôn phối nào cũng đẹp đẽ và hạnh phúc. Có những bài thơ hay bị giết chết thê thảm khi được phổ nhạc nhưng cũng có những bài thơ khi được phổ nhạc bỗng trở thành vang danh và bất tử. Theo ý riêng của tôi những bài thơ được anh Hưng phổ nhạc là những đứa con may mắn được đặc biệt ưu ái chạm vào van tim của những người nghe biết mở lòng. Phan Văn Hưng biết chọn cho mình một phong cách riêng trong âm sắc cũng như lối soạn nhạc và chơi đàn của mình. Âm Sắc là thứ màu sắc của âm thanh. Màu Sắc đóng vai trò tối quan trọng trong một tác phẩm nghệ thuật của người hoạ sĩ thì đối với nhạc sĩ, Âm Sắc cũng đóng vai trò tương tự. Nó là chữ ký, ngôn ngữ, âm thanh, tính khác biệt, nét độc đáo, tất cả đúc kết thành phong cách của một nhạc sĩ. Anh kể cho tôi nghe một thói quen đặc thù khác người. Người chơi guitar classic thường bằng bốn ngón trong khi anh chơi chỉ bằng hai ngón, ngón trỏ và ngón cái. Thế hệ ngày mới lớn của anh là những thập niên 60, 70, được nuôi dưỡng bằng dòng nhạc của The Beatles, Simon & Garfunkel, Peter,Paul & Mary và Cat Stevens nên một điều không thể phủ nhận là nhạc anh có mang âm hưởng nhạc Mỹ và dân ca Mỹ(Folk Music). Sau này khi ra ngoại quốc anh lại chỉ chơi nhạc Việt Nam, tuy nhiên, vì sống trong một môi trường đa dạng và phong phú ở hải ngoại nên anh biết cách pha chế rồi tổng hợp nên một dòng nhạc riêng cho mình bằng một tinh thần bạo dạn khai phá của người làm nhạc. Tỷ như trong bài “Những đứa bé” có nhiều gam chõi, lạ, và mang âm hưởng jazz và blues. “Những đứa bé không chiếu chăn/ Nằm lây lất giữa hè phố Nằm chui rúc nơi những xó tối tăm, rác rưởi. ..... Những đứa bé trong quán bia/ Em đón khách nơi phồn hoa Những đứa bé không cánh tay/ Những đôi mắt không còn thấy Đời em giam trong ngõ tối/ Hắt hiu, lụt lội Những đứa bé đi bán rong/ Đạp xe mướn hay lượm rác Một ngày về trên quê hương Tôi muốn nấc lên đau thương Tôi muốn khóc cho tủi hờn Tôi muốn ôm em vào lòng (Những đứa bẻ/Phan văn Hưng-Nam Dao) Nói đến PVH người ta nhớ ngay đến bài hát “Bạn bè của tôi”. “Bạn bè của Tôi” không những là nhân chứng của một thế hệ, hai thế hệ mà có lẽ của các thế hệ tiếp nối. Nó không đơn thuần là một bài hát mà là cuốn nhật ký ghi lại sự thật xảy ra ở Việt Nam, không chỉ của một cá nhân mà cả một dân tộc. Nó gắn chặt tên tuổi anh vào nó hay nói ngược lại nó đã khai sáng một PVH, một dòng nhạc mới ở hải ngoại. Bạn bè của tôi, Từng chiếc lá trong trận bão dân tộc Tuổi trẻ đôi mươi bị lãng phí như cỏ rác thôi ....... Bạn bè của tôi đi lây lất trong cuộc sống vô vọng Ai thấu cho oan khiên này Người có lắng nghe .... Tiếng ai than dài (Bạn bè của tôi/Phan Văn Hưng) Trong một bài phỏng vấn anh Hưng tâm sự: “Tôi sẽ hát những bài hát đầu tay của Nam Dao và tôi, những bài hát mộc mạc không tham vọng, nhưng cũng là những bài hát đã đánh dấu cuộc đời chúng tôi cũng như của các bạn của tôi. Thời đó chúng tôi đã khóc cho quê hương, cho đồng bào mình, thì ngày hôm nay tiếng khóc đó vẫn chưa dứt. Ngày hôm nay chúng tôi vẫn viết ca khúc, có thể kỹ thuật làm nhạc đã già dặn hơn, đề tài cũng có thể đã thay đổi theo những biến đổi của đất nước, nhưng trong tiếng uất nghẹn chưa nguôi đó, tôi vẫn cảm thấy lòng mình rực lửa vì con đường dân tộc mình đi nhất định sẽ có ngày rực sáng.” Anh khóc cho quê hương trong ca khúc “Hai mươi năm” “Hai mươi năm, nhiều kẻ gian trong làng xóm Người hiền khô mang gông cùm Kẻ mộng du lên bạo chúa Người ngồi khóc trên sân chùa ..... Hai mươi năm, những nụ hoa cho người hái Những thể xác cho ai đầy Một thầy cô trong nhà chứa Gặp trò xưa bỗng khóc òa” (Hai mươi năm/ Phan Văn Hưng-Nam Dao) Anh cũng đã khóc cho quê hương khi khúc đầu, khúc trán, khúc tai, hình chữ S bị xẻo ngang ngày đó, bây giờ lần lượt tới Trường Sa, Hoàng Sa: “PVH: Làm sao mà không nói cho được về chuyện mất Ải Nam Quan sau hàng chục thế kỷ tổ tiên ta đã giữ vững bờ cõi ở phương Bắc? Đau mất đất chỉ là một, nhưng đau và tủi nhục đối với tổ tiên là mười. Đã hát về đất nước VN ngày hôm nay thì đương nhiên ta phải hát về Nam Quan chứ.” “Ải Nam Quan ơi ta đã mất tên em/ Như một phần hồn tự nghìn năm. Lòng ta đau như ai đem dao/ Xé nát da non cứa trên thịt gan. Ai đem hình hài/ Giang sơn đọa đày/ Cho thân lìa cành/ Cho cây lìa đất Cho ta lìa cội/ Như sông bỏ nguồn/ Ta nghe tủi nhục/ Dâng vào lòng” (Vọng Nam Quan/ Phan Văn Hưng-Nam Dao) Ba mươi ba năm lưu vong, dòng nhạc Phan Văn Hưng để lại cho kho tàng âm nhạc hải ngoại một dòng nhạc tranh vẽ những thao thức, khắc khoải tâm tư: “Trái tim tôi là bến” phổ thơ Bắc Phong, “Giết một ước mơ” phổ thơ Chế Lan Viên, “Nơi phía bình nguyên” Ý văn Dương Thu Hương, “Kiểm tra” phổ thơ Hà Sĩ Phu, “Khát” ý thơ Thanh Thảo, “Ai trở về xứ Việt” thơ Minh Đức Hoài Trinh. Dòng nhạc truyện kể những mảnh đời bi thảm của “Bài ca cho bé Thảo” phổ thơ Nam Dao, “Em bé và viên sỏi” phổ thơ Trần Trung Đạo, “Em bé lên 6 tuổi” phổ thơ Hoàng Cầm, “Bậu”, “Con bé nhà quê” phổ thơ Thái Sơn, “Tiễn em rời K18”.... và còn nhiều nữa. Anh bắt đầu sáng tác từ năm 1970 cho tới nay, 38 năm anh có tất cả là 121 ca khúc. Bấy nhiêu tâm huyết làm nên dòng nhạc Phan Văn Hưng. Có người gọi dòng nhạc này là nhạc Tranh Đấu. Nghe kỹ lại những CD anh đã phát hành, từ “Sinh ra là người Việt Nam”, “Khát”, “Có phải em chờ mùa Xuân”, “Hai mươi năm”, cho đến “Nơi phía bình nguyên” ....người ta không thấy một dấu hiệu nào anh gào thét tranh đấu, đòi cái này, cái nọ. Anh không kêu gọi, ủng hộ, hay tuyên dương cho một chủ nghĩa nào. Người bảo nhạc anh là Hưng Ca. Tôi không thấy anh có ý phục quốc, xây dựng một chính thể khác, đòi làm mới hay ẩn dấu trong dòng nhạc một tư tưởng vùng dậy nào cả. Nhưng có lẽ tác động tranh đấu và phục hưng của nó nảy sinh từ trong tâm thức thính giả sau khi nghe các bài nhạc vạch rõ những áp bức, bất công, lầm than, nên người ta đặt tên cho dòng nhạc này như thế chăng? Kẻ góp ý nhạc anh là Dân Ca. Tuy những dòng nhạc anh viết hầu hết cho người dân lầm than nhưng không thể ghép nó vào dòng nhạc dân gian. Theo giáo sư Trần Quang Hải, Dân Ca nghĩa là: “Định nghĩa danh từ dân ca, theo tôi, là những bài ca không biết ai là tác giả, được truyền miệng từ đời này sang đời khác, dính liền với đời sống hàng ngày của người dân quê, từ bài hát ru con, sang các bài hát trẻ em lúc vui chơi, đến các loại hát lúc làm việc, hát đối đáp lúc lễ hội thường niên. Dân ca lại mang một màu sắc địa phương đặc biệt, tùy theo phong tục, ngôn ngữ, giọng nói, và âm nhạc tính từng vùng mà khác đi đôi chút. Nhưng nhìn chung, vẫn là bài hát thoát thai từ lòng dân quê với tính chất mộc mạc, giản dị của nó. (Trích Dân Ca Việt Nam-Giáo sư Trần Quang Hải) Nét bi ca và phẫn uất rực lên trong dòng nhạc. Riêng tôi, tôi nghĩ chúng ta nên gọi dòng nhạc này là “Bi phẫn ca” thì đúng hơn. Chữ “Bi” ở đây có thể hiểu là buồn vì cái buồn của người khác và khổ vì cái khổ của người khác. Bàng bạc trong những ca khúc của anh điều nguời ta phát hiện nhiều nhất, rõ nhất là tính nhân bản của con người. Nghệ sĩ thì nhạy cảm. Họ nhìn thấy trước cái thiên hạ thấy, cảm trước cái thiên hạ cảm. Nên anh cảm và thấy cái khổ đau, thống thiết, bất công, tàn nhẫn, ngược đãi, nghèo đói, bạo lực, lầm than, áp bức, tù tội ... nhan nhản trên đất nước Việt Nam từ thời điểm 1975 cho đến nay. Sự nhạy cảm cấu mềm sự tích cực, lúc ấy người ta chỉ thấy toàn tiêu cực. Khi nước mắt người nghệ sĩ nhỏ xuống cung bậc sẽ lên ngôi. Dòng nhạc hát cho người dân, hát cho đồng bào tôi ra đời. Hầu hết các ca khúc của anh viết cho quần chúng, đối tượng của anh phần lớn là trẻ thơ, người nghèo, anh bạn tù, những thân phận bị vùi dập, những cay đắng, thống khổ triền miên mà những kẻ yếu không thể nói hay không có cơ hội nói lên được. Anh không bao giờ nghĩ rằng chính mình mang sứ mạng của một người đánh chuông, nhưng dòng nhạc thay anh gióng tiếng chuông tỉnh thức tới mọi nơi, mọi nhà, viết dùm, nói dùm nỗi uất ức của những người không nói được. Những nét chấm phá bi thảm cuộc sống ấy pha màu cho những bức tranh màu xám, đầy gai, bấu rách màng tim người nghe. Dòng nhạc vô tình chuyên chở được nhu cầu được nói của kẻ yếu trong cái hữu tình của người soạn nên ca khúc. Tất cả sự việc vô tình và hữu tình ấy tình cờ kết duyên tao ngộ làm nên dòng nhạc “Bi Phẫn Ca” của Phan văn Hưng. Để nghe và biết thêm về dòng nhạc “Bi Phẫn Ca” này các bạn có thể bấm vào các link sau: Em bé và viên sỏi/ Phan văn Hưng http://www.youtube.com/watch?v=VltsSNsY4Kc Sinh ra là người Việt Nam/ Phan văn Hưng http://www.youtube.com/watch?v=pKxIJJedUdo...feature=related Hai mươi năm Nhạc sĩ du ca Phan Văn Hưng: hát cho tuổi thơ và quê hương đọa đày *Huy Phương Nhạc sĩ Phan Văn Hưng và nhà văn Nam Dao là đôi vợ chồng đã hoạt động cho âm nhạc và văn chương trong nhiều năm ở hải ngoại. Trong những ca khúc phổ biến đặc biệt chúng ta đã thưởng ngoạn, nhạc do Phan Van Hưng và lời của Nam Dao viết. 1970-1982: Thời là sinh viên tại Pháp, Phan Văn Hưng và Nam Dao tham gia các hoạt động của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris, cùng thời với Trần Văn Bá. Trong thời gian này, Hưng khởi xướng Ðoàn Du Ca Paris, điều khiển ban hợp xướng và đạo diễn những đêm hội Tết trong nhiều năm. 1977: Phan Văn Hưng khởi xướng tạp chí Nhân Bản. 1979: Phan Văn Hưng thành lập Văn Ðoàn Lam Sơn, xuất bản nhạc và thơ. Vào thời gian này chúng ta biết đến thơ Nam Dao trong tập “Cho Ngày Mai Lúa Chín”. Sau biến cố Tháng Tư 1975, sau khi miền Nam sụp đổ và đất nước sống dưới ách thống trị của Cộng Sản, tuy ở xa quê hương, nhưng những nỗi đau của cả dân tộc đã làm cho lòng người nghệ sĩ yêu nước cảm thông, xót xa và không thể không viết lên những ca khúc vang động đến lòng người. Những ca khúc của Phan Văn Hưng và Nam Dao như tiếng gào thét phẫn nộ, tiếng kêu của phận người, tiếng rên siết khổ đau của người Việt Nam. Tất cả những điều này chúng ta đã tìm thấy trong khoảng thời gian từ 1975 đến 1982, qua một số ca khúc bất hủ như: “Ai Về Xứ Việt”, “Thằng Bé Tát Dầu”, “Tiễn Em Rời K18”, “Tôi Thấy Tôi Về”, “Còn Ai Thương Dân Tôi”, “Bài Ca Cho Bé Hải”, “Giọt Nước Mắt Của Mẹ” v.v... Năm 1982, đôi bạn Phan Văn Hưng-Nam Dao đến định cư tại Úc và vẫn tiếp tục sáng tác, điển hình là những bài hát được vô cùng ưa chuộng như: “Bạn Bè Của Tôi”, “Hai Mươi Năm”, “Trái Tim Tôi Là Bến”, “Nếu Em Nghe Bài Hát Này”, “Bài Ca Cho Bé Thảo”, “Việt Nam Vinh Quang”... Nhưng mãi đến năm 1991, nhạc sĩ Phan Văn Hưng-Nam Dao mới thực hiện tập nhạc và CD “Trái Tim Tôi Là Bến” gồm 25 “Thương Khúc” vẽ lên một bức tranh cực kỳ sống động của xã hội Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản. Năm 1994: CD “Có Phải Em Chờ Mùa Xuân” ra đời. Trong những năm sau 1995, Phan Văn Hưng bắt đầu chú ý đến các ý tưởng trong thơ, không phải với những bài thơ mượt mà nói đến những lãng mạn của tình yêu đôi lứa, hồi tưởng những kỷ niệm đã qua, hay nhớ về quê hương, mà là những bài thơ đôi khi bốc lửa, hay nói đến chế độ bất nhân ở quê nhà, kể cả những bài thơ viết trong tù. Ðây là những bài thơ của những thi sĩ trong nước, những bài thơ mang tính chất đối kháng, điển hình như những bài: “Khát” (thơ Thanh Thảo), “Em Bé Lên Sáu Tuổi” (thơ Hoàng Cầm), “Sự Thật Ơi” (thơ Nguyễn Thân Văn), “Kiểm Tra” (thơ Hà Sĩ Phu), “Nơi Phía Bình Nguyên” (Dương Thu Hương), “Yêu Ai Cứ Bảo Là Yêu” (Phùng Quán), “Chợt Gió Chợt Mưa” (thơ Lý Hoài Xuân) cùng nhiều bài thơ tù của Nguyễn Chí Thiện. Nhạc sĩ Phan Văn Hưng đã bước sang địa hạt trình diễn khi ông cộng tác với ban nhạc Bamboo Ochre bắt đầu vào năm 1995, hát dân ca Việt Nam theo chiều hướng World Music. Ông đi trình diễn khắp nước Úc, một mình hoặc cùng với Bamboo Ochre, nhất là tại National Folk Festival tại Canberra, Adelaide Fringe Festival, Victor Harbour Folk Festival, WOMAD. Ðể dưa đòng nhạc Việt đi xa hơn, từ năm 1994, Phan Văn Hưng bắt đầu sáng tác ca khúc bằng tiếng Anh như phổ thơ của thi sĩ thổ dân Úc Margaret Brusnahan, những bài như Didgeridoo, The Searching Wind, Christmas Is Christmas, If I Close My Eyes, trình bày tại Viện Văn Hóa Thổ Dân Úc Tandanya. Những CD Phan Văn Hưng và Nam Dao phát hành sau năm 2000 là “Khát” với những ca khúc như: “Khát”, “Bài Ca Tuổi Trẻ”, “Bài Thơ Ngỗ Nghịch” (thơ Bùi Minh Quốc), “Con Bé Nhà Quê”... Năm 2002, phát hành CD “Sinh Ra Làm Người Việt Nam” với những ca khúc bất hủ như: “Sinh Ra Làm Người Việt Nam”, “Vọng Nam Quan”, “Chúng Ði Buôn”, “Những Ðứa Bé”, “Những Tình Khúc Dở Dang”... Năm 2004, phát hành CD “Nơi Phía Bình Nguyên”: “Em Bé và Viên Sỏi” (thơ Trần Trung Ðạo), “Dưới U Minh Hạ”, “Một Ngày Trong Thành Phố”, “Một Chiều Tháng Sáu” (thơ Nguyễn Chí Thiện)... Năm 2005, phát hành CD Trường Ca “Hôm Nay Ngày Mai” trong đó có bài: “Ðừng Sợ Nữa”, “Tôi Muốn Ðưa Em”... Ðôi bạn Phan Văn Hưng và Nam Dao không phải là những nhạc sĩ bình thường của người đời, nhạc sĩ ca ngợi tình yêu của một thời lãng mạn, họ cũng không nhắc đến tình yêu đối với quê hương. Nghe nhạc của Phan Văn Hưng-Nam Dao chúng ta như nghe thấy lời rên siết của quê hương đọa đày, trong đó con người sống thấp gần với con vật, những phi lý ngang trái của một cuộc đổi đời. Ở đây không có một lời chống đối, không một tiếng hô hào lật đổ, nhưng tất cả những gì chúng ta nghe được trong nhạc Phan Văn Hưng là những mảnh đời đen tối, bất hạnh của kiếp con người, con người dưới chế độ hiện nay ở quê nhà. Nhạc Phan Văn Hưng không kêu gọi đấu tranh, nhưng đã thắp sáng lên trong trái tim chúng ta niềm đấu tranh vì trước số phận của con người Việt Nam với những gì đang xẩy ra trên đất nước, quê hương này làm chúng ta không thể ngồi yên. Trong nhạc quê hương của Phan Văn Hưng-Nam Dao chúng ta không thấy hình ảnh của những nhịp cầu tre, dòng sông đỏ phù sa, cánh cò hay ruộng lúa, mà chỉ thấy những mảnh đời bị dày xéo, những tuổi thơ bị lưu lạc bỏ quên, những giá trị đạo đức bị chà đạp với lời kêu gọi cho yêu thương tha thiết. Phần lớn nhạc Phan Văn Hưng viết về tuổi thơ ảm đạm “Ðứa Bé và Viên Sỏi” viết về một em bé mất cả gia đình trên biển Ðông, những đứa bé đang sống vùi dập nơi quê nhà, “Thằng Bé Tát Dầu”, “Bà Ca Cho Thảo”, “Những Ðứa Bé”... Thấp thoáng trong những bài nhạc khác, ta cũng thấy hình như Phan Văn Hưng và Nam Dao bị ám ảnh bởi hình ảnh của tuổi thơ bất hạnh bị bỏ quên trên quê hương hôm nay. Chúng ta sẽ thấy những hoạt cảnh đổi đời mỉa mai của đất nước với những “kẻ gian ác đi nghênh ngang” (Hai Mươi Năm), “thằng thật tài ba thì đạp xích lô, còn thằng giàu cha là thằng ma cô” (Bạn Bè của Tôi), “chúng ăn chơi xương máu đồng loại”, “chúng vui chơi trên kiếp nghèo đói”(Chúng Ði Buôn), “một thầy cô trong nhà chứa, gặp trò xưa bỗng khóc òa (20 Năm), “phập phồng nơi công viên, mấy trăm chị em ngồi” (Một Ngày Trong Thành Phố)... Trong ba mươi năm trở lại đây, trong và ngoài nước, chưa có ai mô tả, hát lên được những lời ca thống thiết về quê hương đến như thế. Tuy vậy, Phan Văn Hưng đã nói rằng: “Người còn tha thiết núi sông, thì sẽ thấy cơn mưa nguồn” (20 Năm), vì “đừng sợ nữa bóng đêm đe dọa, đừng sợ nữa tối tăm man rợ”, “đừng sợ nữa, hỡi ai phẫn nộ, đừng ngậm im kéo thân trâu ngựa” (Ðừng Sợ Nữa). Ở Trịnh Công Sơn, thơ và nhạc song hành như những bài hát đồng dao về mẹ, quê hương, tình tự, cuộc sống và hoạt cảnh chiến tranh qua người kể chuyện, chậm rãi, ung dung. Ở Phan Văn Văn Hưng là sự phẫn nộ, kêu gào, nhức nhối và đầy nỗi xót xa. Nhưng cũng ở trong nhạc Phan Văn Hưng, chúng ta thấy cái bừng sáng của tình người, của những hy vọng không bao giờ tắt như trong các ca khúc “Bài Ca Tuổi Trẻ”, “Sinh Ra Làm Người Việt Nam”. Với nhạc sĩ Phan Văn Hưng, các địa hạt sáng tác, ca hát hòa âm, sử dụng nhạc khí cho tới lối trình diễn và cả điều khiển hợp xướng đều là những địa hạt sở trường. Lối trình diễn đàn guitar của ông có những nét độc đáo rất khó nhầm lẫn với bất cứ ai. Chắc các bạn đã hơn một lần nghe Phan Văn Hưng hát, trong đó than khóc lẫn tiếng kêu gào, giọng hát “rung” lên ở từng cuối câu hay “run rẩy” như những lời thương xót, cho con người đọa đày hay cho quê hương lầm than! Trình bày những ca khúc do mình viết từ những xúc cảm sâu đậm, Phan Văn Hưng cũng đã hát những lời hát do người bạn đời Nam Dao đóng góp, chia xẻ, cảm thông bằng tất cả rung động tự con tim. Nếu không, chúng ta đã không còn nhớ đến Phan Văn Hưng khi nốt nhạc cuối cùng trên phím đàn của ông lặng tiếng. Nhạc của Phan Văn Hưng chưa được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại, một phần vì Phan Văn Hưng ở tận bên đất Úc xa xôi, một phần vì đây không phải là một loại nhạc phổ thông có thể đưa ra thị trường như một món hàng thương mãi vì kén người “tri âm”. Xin hãy đến với Phan Văn Hưng một lần, lắng nghe và để nhớ rằng chúng ta phải làm một điều gì cho con người và quê hương Việt Nam thống khổ. Nhạc sĩ Phan Văn Hưng trả lời nhá báo Từ Nhân ( nguyệt san Canh Tân 12 tháng 6-1991) Phải thú thật , tôi chưa bao giờ đi học một trường nhạc. âm nhạc đến với tôi rất tự nhiên. Vì thích nhạc, tôi tự học tây ban cầm, mãi sau này mới đi học thêm về lý thuyết hòa âm. Nếu hỏi sáng tác thế nào, tôi không biết trả lời làm sao ! Sáng tác đối với tôi là cầm cây đàn lên và hát. Hôm nào hát ra một bài nghe được thì gọi là sáng tác. Sáng tác là bắt được một số âm hưởng tự nó đã có sẵn tự ngàn xưa. Mình chỉ là một trung gian diễn tả nó qua bàn tay và cây đàn của mình. Lấy hình ảnh như sau : ngoài bãi biển có vô số hòn đá. Người nghệ sĩ nhặt về đem trưng trong nhà. Khách đến nhà khen đẹp. Người nghệ sĩ đáp : ‘đá ở ngoài biển, không thuộc về tôi, không do tôi làm ra, công duy nhất là đứng ở đó, lúc đó và nhặt đem về’.Nói về hòa âm thì hoà âm và sáng tác là một, là cùng một tiến trình. Khi sáng tác một bài nhạc là đã nghe ra phần hòa âm. Một bản nhạc không thể nào tách rời với phần hòa âm bởi vì cùng một bài nhạc, nếu hòa âm khác đi hoặc giả đổi nhịp sẽ đổi thành một bản nhạc khác. Trong băng nhạc ‘Trái Tim Tôi Là Bến’, tôi dùng tây ban cầm, đàn tranh, măng đô-lin và synthesizer trong phần hòa âm. Synthesizer có thể nhại tiếng đàn vĩ cầm (viola), hồ cầm (violoncello), sáo, trống sấm (timpant) vv...Tôi cố gắng sao cho mỗi bài có nét đặc sắc của nó, cần phong phú nhưng hòa âm cũng cần được thống nhất, nhạc diễn tả sát ý lời và các đoạn được liên hợp nhau không rời rạc. Tuy dùng nhiều khí cụ tây phương, tôi cố không đi quá trớn sao cho giữ được âm huởng và tinh thần Việt Nam.Nhạc cổ truyền Việt nam không có hoà âm (harmonie), chỉ có giai điệu (mélodie) mà thôi. Nói như vậy, khi chúng ta chơi một hợp âm thì không còn là nhạc Việt Nam nữa sao? Nhưng tôi không nghĩ rằng có một kỹ thuật để làm nhạc Việt Nam, không phải cứ dùng ngũ cung là thành nhạc Việt Nam. Không phải cứ dùng những hoà âm đặc biệt mới lạ là biến thành nhạc ngoại quốc. Có những bài tân nhạc dùng hoà âm tây phương mà người nghe lại cảm thấy rất là Việt Nam, như Hội Trùng Dương của Phạm đình Chương hay Tiếng Sáo Thiên Thai của Phạm Duy. Ngược lại, có những bài đàn tranh, đàn tỳ, người Việt ta không cảm thông được thì cho đó là nhạc Tàu ! Có thuyết cho rằng muốn có âm hưởng Việt Nam, câu nhạc cần nhiều nốt láy ngân dài, giống như trong dân ca. Lại có người bảo đặc tính nhạc Việt là lời lẽ có nhiều tính chất thơ, không bao giờ lộ liễu và cộc lốc như trong một số bài nhạc sau này. Những nhận xét này đều đúng, tôi nghĩ, người nhạc sĩ trong lúc sáng tác không đặt vấn đề quy luật. Miễn mỗi nhạc phẩm phản ảnh tâm hồn mình là được . Vả lại, tiêu chuẩn ‘Việt Nam tính’ không do nhạc sĩ mà do người nghe phẩm định bằng lỗ tai của mình. Khi một bản nhạc đi quá mức độ chấp nhận của người Việt Nam bình thường thì có thể bị gọi là lai căng .Theo tôi, đàn synthesizer là một phương tiện qúy báu để quảng bá âm nhạc. Thời nay synthesizer giúp cho người chơi nhạc tài tử biến thành nhạc trưởng mà không cần phải mất nhiều năm công phu tập nhiều khí cụ khác nhau, giúp cho âm nhạc dễ phổ biến rộng rãi. Với synthesizer, chúng ta không cần phát triển kỹ thuật chơi nhạc mà phát triển tai nghe nhạc và cách hoà âm.Tôi có một ý nghĩ như thế này. Con người phát triển tuần tự trên ba mặt thể xác, tình cảm và trí. Nhạc là một khía cạnh của sự phát triển này.Các nhạc khí kích tiết(instruments à percusion) như trống, chũm chọe tương ứng với giai đoạn phát triển của xác thân. Các nhạc khí thổi (instruments à vent) như sáo, tiêu, kèn tương ứng với giai đoạn phát triển tình cảm. Tùy theo hơi thở, các nhạc cụ này có thể tạo ra những âm thanh khi mạnh, khi nhẹ , khi réo rắt, lúc khoan thai, uốn éo, trầm bỗng thay đổi giống như tình cảm con người nhiều sắc thái và dễ đổi thasy. Các loại đàn dây (instruments à cordes) như vĩ cầm, hồ cầm, dương cầm vv..tương ứng với giai đoạn phát triển về trí của nhân loại vì tiếng đàn dây lúc nào cũng đều hơn, phản ảnh đặc tính chừng mực, tiết độ hơn của cái trí. Phan Văn Hưng Vài bài hát của nhạc sĩ Phan Văn Hưng: 1.Bạn Bè Của Tôi Nhạc và lời: Phan Văn Hưng Bạn bè của tôi là nhân chứng cho cả thế hệ này Mười thằng bạn thân, mười con số trong một kiếp trần Thằng thì đã khuất bỏ mạng rừng xanh Thằng thì cụt mất cánh tay của anh Bạn bè của tôi, Từng chiếc lá trong trận bão dân tộc Tuổi trẻ đôi mươi bị lãng phí như cỏ rác thôi Thằng thật tài ba thì đạp xích lô Còn thằng giàu cha là thằng ma cô (Đ.K.) Ai thấu cho oan khiên này Người có lắng nghe .... Tiếng ai than dài Thuyền nào cứ trôi dạt ....Để ai khóc trong cười Ngổn ngang những bóng đời ....Chẳng thiết ngày mai Bạn bè của tôi đi lây lất trong cuộc sống vô vọng Từng ngày từng đêm ... Mờ đôi mắt vì một miếng ăn Thằng thì nghèo tơi gục đầu trần ai Còn thằng làm oai cũng chỉ loay hoay Bạn bè của tôi Bị chia cách theo làn ranh căm hờn Mười thằng bạn thân ... Nào có biết thương và ghét không Thằng ngụy gần điên nằm tù mục xương Còn thằng đảng viên sống trong ân hận (Hát Đ.K. và để chấm dứt) Bạn bè của tôi Bạn bè của tôi Bạn bè của tôi ... 2. Hai Mươi Năm 20 năm...Đàn trẻ thơ nay đã lớn và chàng trai nay đã già Những người xưa đã nằm xuống và rừng núi đã héo nhòa 20 năm...Người cụt chân trên hè phố kẻ quyền uy trong căn nhà Người nằm rên trong hộ xá là người sáng hay đã lòa Người bỏ thây nơi trùng dương, mộng nhổ neo trên sông Gầm Những hồn ma sau hàng kẽm, những con mắt sao trừng trừng Người nằm chết trên núi sâu Người đào sắn trên ruộng đồng Người lặn lội vẫn đi tìm bao con đường dấu quê hương20 năm... Những người đi đã về bến, một vùng quê hương không còn Nhiều người điên trong ngục khám - Một đoàn quân trong khách sạn 20 năm...Nhiều kẻ gian trong làng xóm - Người hiền khô mang gông cùm Kẻ mộng du lên bạo chúa - Người ngồi khóc trên sân chùa Người hùng xưa nay giàu sang Một thằng bé đứng trần truồng Nhìn người qua buôn và bán, kẻ gian ác đi nghênh ngang Người già nua có nhớ không hay đã quên những mối tình Người đập đá trên nông trường cho lưng còm cõi gió sương 20 năm...Những nụ hoa cho người hái, những thể xác cho ai dày Một thầy cô trong nhà chứa, gặp trò xưa bỗng khóc òa20 năm... Người còn tâm hay còn trí lòng sục sôi như vỡ bờ Đà Lạt xây đã bỏ xó còn vọng nghe tiếng nức nở Người chạy quanh theo thời thế Ruồi nhặng xanh bu lối về Mẹ lặng im bên mộ đá Nào có biết gió thu qua Một người đi trong đám ma Mà cười vui trong xa hoa Người tù tội trước quan tòa Chịu gục đầu giấc mơ xa 20 năm...Triệu người đi trong cuộc sống mà thể xác như không hồn Triệu người lao trong cùng khốn và buồn vui như bao lần20 năm... Người hiền lương dẫu còn sống phải cật lưng trong thiên đường những vệt nhăn trên vầng trán và hòn than nung trong lòng Người còn yêu hay còn nhớ phải vượt qua những bến bờ Phải tìm sâu trong hồn nước những thoi thóp nghiêng mong chờ Người còn tha thiết núi sông thì sẽ thấy cơn mưa nguồn Người lặn lội vẫn đi tìm Sẽ thấy đường dấu quê hương Người còn tha thiết núi sông thì sẽ thấy cơn mưa nguồn Người lặn lội vẫn đi tìm Sẽ thấy đường dấu quê hương 20 năm.... 3.Chúng đi buôn(thơ: Nam Dao) Chúng đi buôn buôn tước buôn quyền Chúng đi buôn cho nước đảo điên Chúng đi buôn buôn núi buôn non Buôn tủi hờn buôn cả giang sơn 1-Chúng đi buôn buôn sắc buôn sầu Chúng đi buôn nước mắt lòng đau Chúng đi buôn thân xác xanh xao Buôn đời mình buôn cả thâm sâu Chúng đi buôn buôn bến buôn bờ Chúng đi buôn ánh mắt trẻ thơ Chúng đi buôn tiếng khóc đơn sơ Cho đời càng gian khổ cam go 2-Chúng ăn vuông ăn méo ăn tròn Chúng ăn to ăn bé cỏn con Chúng ăn trên ăn dưới ăn ngang Cho mặc người ai thở ai than Chúng đi buôn giấy phép văn bằng Chúng đi buôn công lý (với) lòng nhân Chúng đi buôn buôn nghĩa buôn danh Buôn sự thật buôn cả lương tâm 3-Chúng ăn chơi xương máu đồng lọai Chúng chơi vui trên kiếp nghèo đói Chúng chơi sang chơi xấu chơi oai Chơi như đời không còn ngày mai Chúng đi buôn chia chác sang giầu Chúng đi buôn lừa dối gạt nhau Chúng đi buôn cho mắt thêm sâu Nỗi khổ này sẽ còn bao lâu Rồi một mai em lên non cao Trông về xa núi rác ngập sầu Nhưng thành phố chen chúc bụi nâu Nơi kiếp người tranh thủ miếng đau Và lòng em sẽ trong xôn xao Tim thật chân vỡ lên nghẹn ngào Kẻ cùng khốn trong kiếp khổ lao Cũng chính là những người đồng bào 4.Thằng Bé Tát Dầu Thơ: Nguyễn Song Pha Tôi muốn hát cho thằng bé tát dầu Chết nơi cầu cạnh xưởng Ba Son Tuổi mười ba da trần xạm nắng Vớt cặn dầu về đổi lấy miếng cơm Hai đứa bé bơi xuồng đến gầm cầu Đứa quơ dầm miệng giục em ơi Phải làm nhanh coi chừng họ thấy Tát lẹ vào dầu đổ ướt chiếc khoang Ôi quá nhiều dầu sao quá nhiều Chắc phen này hẳn được cơm no ! Ngày chợ đến sẽ mua sữa một lần Cho thằng Cu nếm thử nghe em Mơ chưa dứt, trên cầu chúng thấy rồi Mắt lạnh lùng nạp khẩu AK Ở ngoài kia con thuyền vùng vẫy Cố vào bờ liều mạng trốn thoát thân Cố sức chèo thằng bé cố chèo ! Tay quơ dầm mà thuyền như không đi ! Tràng đạn bắn chết em quá vội vàng Buông dầm rơi ngỡ ngàng trên khoang... Thuyền không lái nghiêng nghiêng xoáy giữa giòng Máu em trào nhuộm cả hai vai Thằng nhỏ ôm anh mình bật khóc Lớp cặn dầu này đổi lấy xác anh ! Bé tát dầu, thằng bé tát dầu ! Chết nơi cầu cạnh xưởng Ba Son Thằng nhỏ chết vớ đôi mắt mở trừng Trên giòng sông sóng gợn rưng rưng Tôi muốn hát cho thằng bé nước Việt Chết như một kẻ thùvô danh Phản động chăng hay là đế quốc ? Biết đâu rằng chỉ chủ nghĩa giết em ! Bé tát dầu, thằng bé tát dầu ! Chết nơi cầu cạnh xưởng Ba Son Thằng nhỏ chết vớ đôi mắt mở trừng Trên giòng sông sóng gợn rưng rưng 5.Bài Thơ Ngỗ Nghịch Anh ghi vội trên tờ giấy gói thịt Những câu thơ vừa đến thật bất ngờ Miếng đậu phụ đang xào trên xó bếp Mắt ngó chừng là hồn vẫn đòi thơ Em vẫn biết vì độc lập anh đâu nề Và bây giờ vào bếp chẳng xoàng chi Vì tự do anh lại ra đi. Dẫu chỉ bằng cánh thơ từ xó bếp Em bươn chải lăng xăng trên phố phường Để nuôi chồng không uốn cong ngoài bút Còn anh đây anh thủ gôn xó bếp Để hầu em anh chăm lo cho con Có vui nào là niềm vui hơn hết Chiều hôm nay anh xin được tặng em Món riêu cua và đậu chiên em thích Món tuyệt vời là bài thơ ngỗ nghịch hmmm hmmm -------------------- Em cứng đầu như một Hòn Sỏi Hòn Sỏi có chút tóc mọc lưa thưa Hòn Sỏi lầm lì và Lém Lỉnh Hòn Sỏi đã ném thủng trái tim anh .... |
|
|
![]()
Post
#5
|
|
![]() Ba Của Bé ![]() ![]() ![]() Group: Năng Động Posts: 1,296 Joined: 5-July 08 Member No.: 153 Country ![]() ![]() |
![]() ![]() ![]() |
|
|
![]()
Post
#6
|
|
![]() Màu Xanh Paris ![]() ![]() ![]() Group: Năng Động Posts: 3,266 Joined: 9-February 09 Member No.: 1,975 Country ![]() ![]() |
tt cảm ơn Sỏi nhiều thật nhiều đă bỏ thời gian tìm tòi về tác giả và những tác phẩm của Anh Phan Văn Hưng ![]() ![]() Nhạc và lời của Anh Phan Văn Hưng thật giản di mộc mạc ... nhưng thật gần gũi, sâu sắc và thấm đấy tình người ... ![]() tt chỉ tiếc là nhạc của Anh ít được phổ biến và ít người biết đến ... ![]() ![]() ![]() -------------------- ... douceur ... joie ... altruisme ... amour ... |
|
|
![]()
Post
#7
|
|
![]() Bảo vệ tổ quốc ![]() ![]() ![]() Group: Năng Động Posts: 51 Joined: 8-December 08 Member No.: 1,109 Country ![]() ![]() |
cám ơn bạn ![]() |
|
|
![]() ![]() |
Lo-Fi Version | Time is now: 4th July 2025 - 12:37 PM |