Warning: Declaration of class_bbcode::convert_emoticon($matches = Array) should be compatible with class_bbcode_core::convert_emoticon($code = '', $image = '') in /hermes/bosnacweb07/bosnacweb07as/b283/d5.kekho/public_html/forums/sources/classes/bbcode/class_bbcode.php on line 641 Bình Yên Một Thoáng ... - PLEIKU PHỐ NÚI FORUMS

Welcome Guest ( Log In | Register )

> Bình Yên Một Thoáng ...
Hoài Yên
post May 9 2008, 09:23 AM
Post #1


Bình Yên Một Thoáng
**

Group: Members
Posts: 28
Joined: 9-May 08
Member No.: 70
Country



Tí Dần

Tí Dần năm nay hai mươi ba tuổi, cao to hơn cả bố mẹ và mọi người trong gia đình nên đã không còn là "tí" từ lâu lắm rồi . Tí Dần cũng chẳng phải tuổi con cọp để được gọi là "dần" . Tên Việt Nam của Tí Dần là Minh Đăng, cái tên mà ông nội đã cẩn thận chọn cho thằng cháu đầu tiên như một ngọn đèn sáng soi cho cả dòng họ . Tóm lại hai chữ "Tí Dần" chẳng ... ăn nhập gì đến Tí Dần một li ông cụ nào cả . Vậy mà nó đã trở thành một cái tên thông dụng nhất, được mọi người từ trong gia đình cho đến những người thân quen cũng như bạn bè Việt Nam dùng để gọi Tí Dần . Và bây giờ thì ngay cả Sarah, cô bạn gái không cùng chủng tộc cũng ... ưu ái gọi Tí Dần như thế . Tí Dần được thừa hưởng cái tên ... hách xì xằng như thế chỉ vì:

- Tí Dần may mắn có được một người dì với đầu óc phong phú như dì Đông Nghi đấy .

Đó là câu nói tôi hay hất mặt nghênh ngang dùng để giải thích với Tí Dần từ những ngày Tí Dần còn nhỏ xíu mặc cái lườm đe doạ và cái nguýt dài thườn thượt của chị Đan Chi :

- Nó xui xẻo có một con dì cà chớn như mi thì có . Người ta bảo "chém cha không bằng pha tiếng". Hên cho mi là ba má anh Minh hiền chứ nếu không thì mi chết .

Để tôi lại bai bải:

- Ai chẳng biết ba má chồng của bà hiền . Khoe hoài . Mà ai nói với bà là tui pha tiếng, bà nội Tí Dần gọi nó làm sao thì tui bắt chước gọi làm vậy thôi chứ bộ, tui có thêm thắt gì đâu .

Gia đình tôi là bắc kỳ di cư chính hiệu ... ông cả cần . Mặc dầu sinh ra trong nam nhưng vì bị nhốt ở trong nhà không được ra đường chơi nhiều với con nít hàng xóm nên chị em chúng tôi nói rặt giọng bắc . Sau ngày mất nước tôi không được học trường ma-soeur của các chị ngày xưa mà phải học trường "thuộc khu vực", đi học tôi cứ nghe tụi nó chọc là "bắc kỳ ăn cá rô cây ăn nhằm lựu đạn chết cha bắc kỳ " . Hồi nhỏ tôi ma lanh lắm (nói thế không có nghĩa là bây giờ tôi đã hết ma lanh, phải đính chính liền như thế kẻo mất công bị ... chỉnh) nên dĩ nhiên là tôi thuộc cái câu phản kháng lại "bắc kỳ ăn cá rô cây ăn nhằm trứng cá đẻ ra nam kỳ", nhưng tôi rất ít khi trả đũa . Bởi cho dù ở cái tuổi còn vẩy mực vào áo đứa nào chọc tức mình thuở đó tôi cũng đã biết "hy sinh vì đại nghĩa" đủ để nhận ra rằng tôi không bắc kỳ bằng bọn ... bắc kỳ thứ thiệt . Có khi tôi còn "cẩn thận" hỏi lại đứa đang chọc mình:

- Mày chửi tao hay là mày chửi tụi nó vậy ?

Rồi để ... chứng minh rằng mình không đứng chung hàng ngũ với những kẻ vừa nghênh ngang "tiến vào thành phố" tôi bèn bắt chước nói giọng Nam . Ngặt một điều lúc đó ngôn từ văn phạm chẳng hiểu là bao nhiêu nên tôi ... dịch hết những từ ngữ thường dùng của người bắc ra chữ tiếng Nam cứ loạn xạ cả lên làm chẳng ai hiểu tôi muốn nói gì . Lũ bạn hàng xóm thấy cái thiện cảm của tôi bèn tội nghiệp an ủi:

- Thôi Đông Nghi ơi, mày cứ nói tiếng Bắc đi, tụi tao không có chọc mày đâu .

Thật ra thì tôi cũng chẳng biết mình nói giọng Nam hay giọng Bắc nữa, vì ở trong Nam thì người ta bảo tôi nói giọng Bắc, sau này khi ra ngoài Bắc thăm nuôi Bố trong tù thì mấy người ngoài đó lại nói với Mẹ tôi:

- Sao Bác nói giọng Bắc mà con bé lại nói giọng Nam ?

Thật là chẳng biết đường đâu mà lần .

Giọng miền nam thì tôi không bắt chước được nhưng đồ ăn của người miền nam thì tôi ... rành sáu câu bởi vậy nên bạn bè của tôi toàn người miền nam . Gia đình anh Minh chồng chị Đan Chi gốc Bến Tre . Không hiểu ngày đám cưới chị Đan Chi, tôi với chị ai là người vui hơn vì má của anh Minh nấu đồ ăn ngon không chê chỗ nào được . Hai Bác Tư có hai người con trai, anh của anh Minh lấy vợ trên miền Bắc, nhà chỉ còn một mình anh Minh nên hai bác đề nghị anh Minh lấy vợ xong thì ở luôn với hai bác . Bà Đan Chi nhà tôi khôn khỏi biết, hai bác vừa hiền lành vừa chiều con nên chị Đan Chi gật đầu bằng lòng lia lịa . Chả là chị em chúng tôi chỉ hạp với ... ăn thôi chứ không hạp với ... nấu . Nhà hai bác lại nằm gần trường tôi học nên tôi đến thăm chị Đan Chi rất thường xuyên . Mặc dầu có khi ở nhà hai bác cả buổi về đến nhà mẹ hỏi:

- Chị Chi hết bịnh chưa Nghi ?

Tôi mới ngớ ra vì tôi đâu có biết chị Đan Chi bị bịnh đâu mà biết khỏi hay chưa . Rồi từ lúc nào chẳng rõ tôi thân với Bác Tư gái còn hơn là chị Đan Chi vì tôi hay luẩn quẩn bên chân Bác để nếm đồ ăn dùm Bác . Tí Dần chào đời trong sự vui mừng và đón đợi của cả gia đình nội ngoại hai bên . Steven Minh Đăng Nguyễn, tên trên giấy khai sinh của Tí Dần cũng dài ngoằng như cái tình thương yêu Tí Dần được thừa hưởng . Hai Bác Tư vui lắm vì anh hai của anh Minh lập gia đình trước anh Minh nhưng lại chưa có con nên Tí Dần đương nhiên được mang chức cháu đích tôn đương thời . Bác Tư gái đi đâu cũng bỏm bẻm khoe thằng cháu . Bác gọi Steven nghe như "sờ-tí-dần" . Từ đó tên Steven bị tôi đặt lại cho thành "Tí Dần" trước cặp mắt hốt hoảng của mẹ vì sợ hai bác giận . Mẹ đâu có biết bác Tư gái cùng ... phe với tôi nên bác chỉ cười hiền lành:

- Mày nhái bác đó hở Nghi ? Ừa, mà nghe cũng xuôi tai đó chớ chị xui, thôi từ nay ở nhà gọi nó là Tí Dần đi cho tiện .

Thế là tên Steven được chính thức đổi thành "Tí Dần" trước sự hả hê của cả hai họ . Từ những giây phút đầu tiên gặp Tí Dần là tôi đã khoái thằng bé liền tù tì . Tí Dần là một đứa bé rất ... quậy, nó chẳng bao giờ chịu nằm yên, hết quay qua bên trái lại quay qua bên phải, hai tay thì cứ giơ ra trước mặt quơ quàng như Muhammad Ali thuở còn đánh bốc . Tí Dần rất ít khóc, chừng như nó cảm thấy cười phải vận dụng ít bắp thịt hơn là khóc nên lúc nào nó cũng nhe ... lợi ra cười . Lần đầu tiên làm mẹ nên chị Đan Chi lo lắng rất chu đáo, chị có cả một tủ sách, tiếng việt cũng như tiếng mỹ nói về cách nuôi dưỡng và sự phát triển của trẻ em . Chị tiên đoán và háo hức mong chờ từng cái mốc quan trọng từ cái sự sống nhỏ bé anh chị mới hình thành . Khổ một nỗi Tí Dần dường như muốn trêu tức mẹ nó hay sao đó mà nó cứ ... phe lờ những công việc mà nó có bổn phận phải hoàn tất theo đúng sự ghi chép trong sách vở . "Ba tháng biết lật, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi" gì gì đó đều bị Tí Dần coi như pha, nó cứ tà tà đi theo cái chu kỳ của riêng nó mặc cho bà chị tội nghiệp của tôi lo xanh cả mặt . Lần nào đi bác sĩ chị cũng căn vặn và lần nào thì chị cũng được trấn an rằng mỗi đứa bé có sự phát triển riêng của nó không thể so sánh đứa bé này với đứa bé kia được . Chị thắc mắc hỏi tôi:

- Họ nói vậy thì tại sao họ lại để những cái mốc đó vào sách vở để làm gì ?

Tôi nhún vai:

- Để dụ tiền mấy người cả tin như bà .

Nhưng rồi khi nhìn thấy vẻ mặt lo lắng của chị tôi lại tội nghiệp trấn an:

- Tí Dần mạnh khoẻ như vậy bà lo làm gì . Vả lại nó có gene của ... gia đình mình sợ gì không thông minh ?

Chị cười:

- Tao chỉ sợ nó khờ giống mi .

Tí Dần không biết có khờ giống tôi không nhưng chắc chắn một điều là nó lười giống tôi . Nó gom bao nhiêu chuyện cần thi hành lại làm một lúc cho tiện . Mãi đến hơn sáu tháng Tí Dần mới nhẩn nha tập lật nhưng sau đó thì nó biết bò luôn . Chín tháng Tí Dần bắt đầu tập nói và cứ thế ngồi một chỗ mà nói chứ không thèm tập đi . Cách phát âm của Tí Dần pha trộn cả giọng bắc lẫn giọng nam, ngôn ngữ thì lai cả tiếng An Nam lẫn tiếng ... Ăng Lê học lóm nghe trọ trẹ dễ thương vô cùng . Bác Tư hay để Tí Dần ngồi trong cái xe tập đi, bác bắt bác trai thay hết thảm trong phòng khách và phòng ăn thành sàn gỗ, bao nhiều bàn ghế hai bác thu gọn hết lại một góc để Tí Dần ... đi lại cho tiện . Mỗi lần thấy bóng tôi từ đàng xa là Tí Dần phóng xe vù ra đón và luôn miệng bi bô:

- Ni, Ni ... ai chớp du ... Ni, Ni ...

Lần đầu tiên mấy nhỏ bạn theo tôi đến nhà hai bác chúng nó đã ngớ ra không hiểu Tí Dần muốn nói gì . Tôi lại phải thông dịch :

- Tí Dần nói "Nghi, Nghi, I love you" đó mà . Tụi bay thấy thằng cháu tao khôn ngoan hết xẩy chưa ? Còn chưa biết đi mà đã rành tâm lý con gái rồi .

Không biết Tí Dần "chớp" tôi bao nhiêu nhưng tôi thì mê Tí Dần như điếu đổ . Những ngày Tí Dần lớn ngoài giờ đi học, đi làm và dĩ nhiên là giờ đi chơi với bạn bè ra tôi dành hết thời gian còn lại cho Tí Dần . Tôi làm vậy cũng chỉ vì tôi thương Tí Dần chứ đâu phải tại tôi ... "nhác việc nhà chẩu đi chơi" như mọi người nghĩ đâu . Chị Đan Chi cứ "vu oan giáng họa" cho tôi là làm Tí Dần hư:

- Người ta bảo con hư tại mẹ, cháu hư tại bà chứ thằng Tí Dần nó mà hư là chỉ tại con Nghi tất cả .

Nói thế thì cũng oan uổng cho tôi vô cùng vì tôi đâu có làm hư Tí Dần hồi nào đâu . Tôi chỉ dạy cho Tí Dần những điều ... căn bản cần thiết để sinh tồn trong cái thế giới nhiễu nhương này thôi . Thí dụ như lần tôi đưa Tí Dần ra công viên gần nhà chơi, mấy đứa con nít mỹ ỷ thân hình phương phi vạm vỡ hơn Tí Dần nên cứ lấy hết đồ chơi trong thùng cát của Tí Dần, tôi nhìn mà ... ngứa mắt bèn nói với Tí Dần:

- Đứa nào lấy đồ chơi của Tí Dần thì Tí Dần đánh vào tay của nó rồi nói "It's mine" nghe chưa ?

Chỉ có vậy thôi mà chẳng biết bà mẹ nào "mách lẻo" lại với chị Đan Chi, lần sau vừa thấy mặt tôi là chị xỉa xói:

- Con khỉ, mi dạy thằng Tí Dần cái gì mà mấy bà hàng xóm nói với tao là Tí Dần không chịu chơi chung với mấy đứa bé khác, cái gì nó cũng bảo "của tao, của tao" là sao ?

Tôi cãi:

- Thì đồ chơi của nó thật thì nó bảo của nó chứ sao ?
- Nhưng nó phải biết chia xẻ với bạn bè chứ, mi dạy cho nó ích kỷ như vậy ai mà thèm chơi với nó nữa ?

Tôi bĩu môi:

- Không thèm chơi thì thôi, báu gì mấy đứa bé đó mà bà phải tiếc ? Tui thấy tụi nó bốc cát bỏ đầy túi áo, túi quần . Nói năng thì câu không thành câu, vần không ra vần . Tí Dần nhà mình chơi với mấy đứa đó phí cả trí thông minh của nó .

Chị thở dài:

- Tao rầu mi quá Nghi ơi . Tí Dần nó mới có ba tuổi, nó cần chơi với bạn bè đồng trang lứa, nó phải học cách chia xẻ, cách hoà đồng chứ .

Mỗi lần về nhà ông bà ngoại Tí Dần thích vô phòng tôi lắm vì đó là nơi lưu trữ bánh kẹo . Tí Dần mở ngăn kéo nào ra cũng thấy toàn là "đồ ăn dự trữ" của dì Nghi . Nó bắt chước đem kẹo về nhà giấu đầy trong ngăn tủ, chị Đan Chi khám phòng nó thấy bao kẹo ném đầy gầm giường và kẹo để đầy ngăn tủ . Thế là tôi lại một phen bị mắng:

- Tao không mua kẹo vì không muốn nó ăn kẹo nhiều thì mi lại cung cấp cho nó thì cũng như không .

Tôi hậm hực:

- Bà cấm nó làm gì vậy ? Hồi mình còn nhỏ ở Việt Nam không có kẹo ăn thèm nhỏ rãi bây giờ con bà sinh đẻ ở đây tại sao lại bắt nó nhịn ?
- Ăn kẹo nhiều hư hết răng thì sao ?
- Sao bà lo bò trắng răng quá bà Chi ơi . Ở đây Colgates với Aquafresh đầy chứ có phải dánh răng bằng muối với bằng vỏ cau đâu mà sợ sún răng ? Bà có thấy đứa con nít mỹ nào sún răng chưa ?
- Ừ, mi cứ chỉ cho Tí Dần cách giấu kẹo với ăn kẹo lén như vậy hoài thì cháu của mi sẽ là đứa con nít đầu tiên ở mỹ sún răng .

Lần khác khi tôi ghé ngang trường mẫu giáo của Tí Dần thăm thấy thằng bé đang đứng ủ rũ ở góc phòng . Tôi hỏi thì cô giáo Tí Dần cho biết Tí Dần nghịch trong giờ ngủ trưa nên bị phạt . Tôi nhớ lại những giờ trốn ngủ trưa của mình xưa kia nên giải thích với cô giáo rằng Tí Dần không ngủ được nên cựa quậy vậy thôi chứ không có ý "phá rối trị an" lớp học đâu . Nhỏ nhẹ giải thích vậy rồi mà cô giáo cũng không tha cho Tí Dần, tôi tức mình dẫn Tí Dần về hai dì cháu đưa nhau đi ăn kem . Trường học không nói gì được vì chị Đan Chi đã lỡ để tên tôi vào trong danh sách những người có thể đón Tí Dần . Cũng may thuở đó điện thoại cầm tay chưa thông dụng nên hai dì cháu đã yên ổn rong chơi cả buổi chiều mà không bị chị Đan Chi tóm cổ về.

Đại khái "mối thâm giao" của Tí Dần và tôi nổi trôi như vận mệnh nước nhà như thế đó . Sau này tôi hay than thở với Tí Dần:

- Hồi xưa dì Đông Nghi độc bị mẹ mắng vì Tí Dần .

Tí Dần cười:

- Mẹ bảo Tí Dần hư là tại dì Đông Nghi đấy . Thành ra Tí Dần hay bị phạt cũng là do dì Đông Nghi bày đầu têu thôi . Dì Đông Nghi không kể công được đâu .

Ai cũng bảo Tí Dần giống tôi nhất ở cái tài hay cãi và ưa lý luận . Nhưng nếu tôi hay lý luận cùn thì Tí Dần lý luận có bài bản, nói có sách mách có chứng đàng hoàng . Chị Đan Chi bảo:

- Nhiều khi tao đang la nó mà nó lý luận một hồi tao lại thấy là mình sai .

Tôi thường nghĩ Tí Dần mà học luật thì chắc cỡ Judge Judy cũng còn thua xa lắc xa lơ . Nhưng Tí Dần có những tính toán riêng của Tí Dần . Ngay từ hồi còn bé Tí Dần đã mê đời binh ngũ . Tí Dần có thể bày trận với những chú lính mủ xanh xanh chơi hàng giờ không chán . Mỗi lần đến nhà ông bà ngoại Tí Dần lại xà vào lòng ông ngoại đòi kể chuyện hồi xưa ông ngoại chỉ huy lính cho Tí Dần nghe . Muốn Tí Dần làm điều gì chỉ cần thòng vô câu "muốn làm lính thì ...", ắt Tí Dần sẽ làm theo ngay . Năm Tí Dần hơn ba tuổi, chị Đan Chi có bé Na rồi mà Tí Dần vẫn ... thản nhiên mặc tã . Bác Tư làm thế nào Tí Dần cũng không chịu bỏ tã . Tí Dần tỉnh bơ lấy tã tự mặc cho mình mỗi khi phải làm những ... phế thải cần thiết chứ không chịu vô toilet. Vậy mà ông ngoại chỉ tuyên bố mỗi một câu:

- Tí Dần không bỏ tã không đi lính được đâu .

Thế là Tí Dần bỏ tã cái rụp .

Những ngày Tí Dần còn nhỏ, khi chiến tranh chỉ là những gợi nhớ xa xôi của một ký ức cũ mờ, khi cái chết của những người lính Mỹ trẻ tuổi chỉ là những trường hợp cá biệt, lẻ tẻ, khi tin tức chiến sự ở Bosnia hoạ hoằn lắm mới được nhắc tới trên truyền hình thì ước mơ làm lính của Tí Dần chỉ đem lại những nụ cười hóm hỉnh cho chúng tôi . Có chú nhóc tì nào mà không mê mặc áo trận, không thích làm anh hùng, không "hiên ngang anh giơ súng ngay tim bang-bang" ? Tôi là đứa lớn miệng cổ võ sở thích của Tí Dần nhất:

- Con trai phải "làm trai cho đáng nên trai" như vậy chứ . Dì Đông Nghi mà là con trai dì Đông Nghi cũng thích làm lính .
- Ca dao có câu "trai khôn tìm vợ chợ Đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân" mà . Tí Dần đi lính có làm nên "công cán" gì hay không thì không biết nhưng chắc chắn một điều là không lo ế vợ .
- Tướng Tí Dần mà mặc quân phục thì chẳng thua gì Richard Gere trong phim "An officer and a gentleman" đâu .

Chẳng biết những câu ba hoa chích choè của tôi có ảnh hưởng tí gì đến lý tưởng của Tí Dần hay không nhưng càng lớn Tí Dần lại càng chuẩn bị kỹ càng cho đời sống binh nghiệp của mình . Tí Dần tham gia mọi đoàn thể từ sói con cho đến hướng đạo . Làm đủ mọi việc thiện nguyện từ rửa xe quyên tiền cứu lũ lụt cho đến đi vận động bầu cử . Hăng hái trong tất cả những công tác xã hội mà Tí Dần được phép tham dự . Hết học võ lại quay qua chơi thể thao để rèn luyện thân thể . Ước mơ lớn nhất của Tí Dần là được vào trường đại học quân sự West Point . Trường đại học West Point không phải là một nơi dễ vào . Trường dành quyền ưu tiên cho những thí sinh có thân nhân trong quân đội . Dân dã như Tí Dần để có cơ hội vào trường ngoài điểm cao ở trung học, điểm thi vào đại học, sức khoẻ tốt ra còn phải chứng minh được rằng mình có khả năng lãnh đạo và nhất là phải có lời giới thiệu của thượng nghị sĩ hay dân biểu của tiểu bang mình cư ngụ . Mỗi năm các vị này chỉ được đề cử 10 học sinh . Tôi xúi:

- Tí Dần viết thư cho người ta bảo ông ngoại của Tí Dần cũng ở trong quân đội chứ bộ, là quân lực Việt Nam Cộng Hoà . Biết đâu họ chẳng vị tình đồng minh mà cho Tí Dần vào học .

Mùa hè trước năm Tí Dần lên lớp mười một Tí Dần được chọn vào chương trình học hè của đại học West Point . Tôi chưa bao giờ được chứng kiến cảnh một người trúng vé số vui mừng ra sao vì gia đình tôi chẳng có ai được cái may mắn đó nhưng tôi nghĩ cũng khó mà vui hơn niềm vui của Tí Dần ngày hay tin . Tí Dần gọi điện thoại cho tôi hét vào trong máy to đến độ tôi bị điếc đến vài ngày sau đó . Tí Dần hứa sẽ "làm bất cứ điều gì dì Nghi muốn" nếu tôi năn nỉ bố mẹ Tí Dần cho Tí Dần tham dự khóa học . Nhờ vào sự hỗ trợ, năn nỉ cũng như ... doạ nạt của cả ông bà ngoại, ông bà nội và các chú dì hai bên mà cuối cùng thì chị Đan Chi cũng phải miễn cưỡng chấp nhận cho thằng trưởng nam "bé bỏng" của chị lên đường đi New York . Ngày Tí Dần trở về Tí Dần người lớn hẳn lên và càng tin tưởng rằng những gì Tí Dần đang theo đuổi là đúng . Chị Đan Chi thì ỉu xìu:

- Bao nhiêu ngành nghề, công việc nó không chọn lại chọn đi về quân sự .

Tôi an ủi:

- Để nó vô đó nó học cho có kỷ luật . Bây giờ Mỹ và Nga vui vẻ đề huề, bức tường Tây Bá Linh xụp đổ, mấy nước cộng sản thay nhau chuyển hướng . Hết chiến tranh rồi, chỉ có đánh đấm lẻ tẻ chẳng đến phiên Tí Dần của bà ra chiến trường đâu mà bà cứ lo cho rách chuyện .

Nhưng có lẽ tại tôi độc mồm độc miệng nên đã tuyên bố hơi sớm . Vụ khủng bố 9-11 xảy ra khi Tí Dần mới bắt đầu vào năm cuối trung học, chiến tranh Afganistan bùng nổ ngay sau đó . Chị Đan Chi cương quyết dẹp bỏ "ý định điên rồ" của Tí Dần không mảy may thương tiếc . Tí Dần buồn lắm, lần đầu tiên tôi thấy nó vừa cãi mẹ vừa khóc:

- Mẹ có biết sau ngày 9-11 số người đăng ký vào lính tăng bao nhiêu phần trăm không ? Mẹ có biết khi trước đa số những người đăng lính chỉ có trình độ trung học không ? Người ta đi lính với mục đích để chính phủ trả tiền cho người ta đi học đại học . Vậy mà sau ngày 9-11 biết bao nhiêu người đang học đại học, đã tốt nghiệp đại học, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, và đủ mọi ngành nghề khác xin vào lính . Có nhiều người đã quá tuổi làm lính cũng năn nỉ xin đầu quân . Những người chưa bao giờ có ý nghĩ mặc áo trận bây giờ cũng tình nguyện xin vào quân trường . Còn con, con là một đứa mê đời quân ngũ từ khi con có chú lính mủ đầu tiên dì Nghi mua cho con . Con chưa bao giờ muốn làm gì khác hơn là làm lính, con chưa bao giờ tưởng tượng ra mình có một cuộc sống nào khác hơn là đời sống quân nhân, con chưa bao giờ cố gắng làm điều gì nhiều hơn là chuẩn bị cho cái ngày mình được đứng trong hàng ngũ của những người chiến đấu cho tổ quốc đó thì mẹ lại không cho con đi . Mẹ biết con đã phải khó khăn bao nhiêu mới xin được vào trường West Point mà .

Chị Đan Chi cũng nghẹn ngào không kém :

- Mẹ chưa bao giờ tán thành quyết định đi học ở West Point của Tí Dần . Ngoài việc không cho Tí Dần đi lính vì một lý do rất ích kỷ là Tí Dần là đứa con trai duy nhất của mẹ ra, mẹ còn một lý do khác để không muốn Tí Dần cầm súng . Mẹ không thích chiến tranh Tí Dần biết không ?

Tí Dần nghiêm mặt:

- Mẹ có bao giờ nghĩ con cũng như mẹ không ? Con muốn làm lính chỉ vì con yêu hoà bình . Không phải mẹ vẫn dạy con khi mình yêu điều gì thì mình phải bảo vệ gìn giữ điều đó sao ?

Nói xong Tí Dần tiu nghỉu nhìn tôi đầy thắc mắc . Tôi lắc đầu buồn bã nhìn xuống chân tránh ánh mắt của Tí Dần . Đó cũng là lần đầu tiên tôi không lên tiếng bênh vực cho Tí Dần với chị Đan Chi . Bởi cũng như chị tôi không còn muốn Tí Dần vào trường đại học West Point nữa . Cũng như chị tôi không còn thấy ý định làm lính của Tí Dần là một điều đáng được khích lệ nữa . Làm sao chị Đan Chi có thể chấp nhận cho Tí Dần bước vào một con đường mà chị biết chắc rằng cùng đích của sự thành danh là nơi chiến trường lửa máu ? Bom đạn vốn không có tình thương, chiến trường vốn thiếu sự bao dung, hận thù vốn không kén chọn từ khước . Nhưng cũng làm sao để nói với một thằng bé 17 tuổi rằng lý tưởng rất cao đẹp mà nó hằng ấp ủ là một điều không được hoan nghênh ?

Không có một người mẹ nào có can đảm nhìn đứa con mình đã bảo bọc cưu mang, đã thương yêu dạy dỗ lao người vào chốn hiểm nguy mà không lên tiếng cản ngăn, không làm tất cả những gì mình có thể làm được để giữ chặt lấy nó trong vòng tay, trong bình yên . Nhưng rồi cũng không có người mẹ nào có can đảm nhìn đứa con thông minh yêu đời của mình đắm chìm vào một vũng buồn tuyệt vọng . Thế nên cuối cùng thì tình yêu mẹ dành cho con cũng vẫn lớn hơn tình yêu mẹ dành cho mẹ, cuối cùng thì mẹ cũng đành mím chặt đớn đau để cho con có một nụ cười trên môi, cuối cùng thì mẹ cũng đành ôm lấy niềm lo để cho con đạt được điều con ước mơ . Cuối cùng thì Tí Dần cũng lên đường vào đại học West Point giữa nụ cười đưa tiễn méo xệch của chị Đan Chi .

Anh Minh ôm chị dỗ dành an ủi:

- Em à, mình sinh con ra nuôi dạy và thương yêu chúng với tất cả khả năng của mình nhưng cũng phải tôn trọng cái bản chất riêng tư của chúng nữa . Em nên mừng vì em đã thành công trong việc đem lại cho đời một thằng con trai đầy lý tưởng như Tí Dần . Trong lúc biết bao đứa bé bằng tuổi nó chỉ lo ăn chơi hoang đàng, lạc lõng không hướng đi thì con trai mình lúc nào cũng biết nó muốn gì và cần phải làm gì cho nó và cho những người chung quanh . Đó là một điều đáng hãnh diện mà Đan Chi .

Nhưng xui cho anh là chị em nhà tôi không những bướng mà còn ... chướng nên chị Đan Chi ném cho anh một cái nhìn đầy đe doạ:

- Em chẳng muốn đem lại cho đời một cái quái gì hết . Em chỉ muốn con có một giấc mơ bình thường như mọi người khác . Em chỉ muốn con luôn ở bên mình để em có thể săn sóc chở che . Em không cần hãnh diện vì con, em chỉ cần sự hiện diện của con thôi anh biết không ?

Bốn năm đại học của Tí Dần là bốn năm chúng tôi hồi hộp theo dõi từng biến chuyển chính trị thế giới . Chưa bao giờ tôi lại chăm chỉ theo dõi tin tức từ một miền đất xa lạ nhiều như thế . Chưa bao giờ những địa danh khó đọc như Kabul, Kandahar hay Baghdad, Suni Triagle ... lại in hằn trong đầu tôi nhiều đến thế . Mỗi năm vào dịp nghỉ lễ Tí Dần về Tí Dần lại rắn rỏi ra một chút, người lớn lên một chút nhưng duy mãi những thương yêu lém lỉnh, những gần gũi thân quen là vẫn như ngày tháng cũ, như Tí Dần chưa hề xa chúng tôi bao giờ . Như Tí Dần chưa hề có những buổi tập quân sự lao khổ, những buổi học chính trị khô khan . Tôi hỏi Tí Dần:

- Học ở đó chắc chán lắm phải không Tí Dần vì dì Đông Nghi chẳng thấy cô nữ quân nhân nào xinh bao giờ .

Tí Dần cười lém lỉnh:

- Không phải dì Đông Nghi vẫn dạy Tí Dần rằng lấy vợ chỉ nên lấy người thông minh chứ không nên lấy người đẹp mà rỗng sao ? Vì con gái thông minh thì sẽ biết cách làm cho mình đẹp còn người rỗng tuếch thì chẳng làm sao cho ... đặc được . Học ở đó mệt nhưng vui lắm dì Đông Nghi à . Tí Dần nghĩ khi mình được làm việc gì mà mình mong muốn thì bao giờ mình cũng thấy nó dễ dàng và hạnh phúc .

Tí Dần nói đúng vì trong lúc bao nhiêu người bạn của Tí Dần phải khốn khó lao đao với chương trình học và chương trình tập luyện thì lúc nào nhìn Tí Dần cũng ung dung nhàn nhã . Tí Dần tiếp tục là một sinh viên xuất sắc trong mọi môn học . Lần về nào Tí Dần cũng đem theo vô số giấy khen, phần thưởng đưa chị Đan Chi . Chị Đan Chi luôn luôn đón Tí Dần bằng nụ cười rạng rỡ thản nhiên nhưng tôi biết càng gần đến ngày Tí Dần ra trường chị lại càng siêng năng đi nhà thờ nhiều hơn . Dường như chúng tôi sinh ra là để nguyện cầu cho hòa bình . Hết lo cho chiến tranh nơi quê hương mình lại lo cho chiến tranh ở nơi đâu đâu đó . Nhưng chưa dứt trận chiến này thì họ lại bắt đầu một trận chiến khác . Ngày Tí Dần mũ áo ra trường đâu đó trong những giọt nước mắt hãnh diện của chị Đan Chi là những giọt nước mắt lo lắng cho một thực tại phũ phàng mà chị có thể tiên liệu nhưng lại vô phương kềm chế . Tí Dần chỉ ở nhà có vài tuần rồi lại hăm hở lên đường vô trại lính . Tí Dần chọn binh chủng hải quân với mơ ước được tham gia vô đội tuyển Navy Seal . Tí Dần càng hăm hở bao nhiêu thì tôi lại càng cáu kỉnh bấy nhiêu . Tôi không lo lắng trong sự trầm tĩnh và phó thác được như chị Đan Chi . Tôi bực tức với chính phủ, với chiến tranh quay qua nhấm nhẳng luôn cả với Tí Dần:

- Dì Đông Nghi thấy cuộc chiến này nó vô lý lắm Tí Dần biết không ?

Tí Dần cười:

- Có cuộc chiến nào là cuộc chiến có lý đâu hở dì Đông Nghi ? Nói đến chiến tranh là nói đến những điều vô lý bắt nguồn từ sự vô tâm nào đó .

- Đành rằng như thế, nhưng có những cuộc chiến cái óc bé nhỏ như hạt đậu của dì Đông Nghi có thể hiểu được thí dụ như cuộc chiến ở Afghanistan chẳng hạn . Vì cuộc khủng bố 9-11 nên mình phải đi tìm bọn Taliban mình ... dằn mặt để phòng ngừa . Nhưng còn cuộc chiến mà Tí Dần sắp sửa lao đầu vào đó thì chẳng ai đụng gì đến mình, đương không mình đổ thừa tại nước người ta có vũ khí hạt nhân rồi mình đem quân đi xâm lăng nước người ta rồi có kiếm được cái gì đâu . Vô duyên thì thôi đi .

Tí Dần trầm ngâm:

- Tí Dần không biết chắc rằng họ có hay không có vũ khí hạt nhân, có hay không có khả năng tạo ra những cuộc chiến tranh vi trùng, sinh học hay hoá học để tiêu diệt nhân loại . Mình không kiếm ra không có nghĩa là họ chưa từng có nhưng đã hủy diệt kịp thời . Tí Dần không dám xác quyết một điều gì, Tí Dần chỉ biết họ từ chối không cho những vị thanh tra từ cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế liên hiệp quốc đến khám xét . Chính thái độ mập mờ đó của họ đã tạo ra nghi vấn . Tí Dần cũng biết được rằng Sadam Husein là một nhà lãnh đạo độc tài, đã từng gây ra nhiều vụ thảm sát không căn cơ . Tí Dần nghĩ cuộc chiến có thể bắt đầu từ những tin tức trinh thám không chính xác nhưng cái kết quả của nó là đem lại cho vương quốc Iraq một nền dân chủ thì cuộc chiến cũng không phải là một việc làm vô ích đâu dì Đông Nghi .

Tôi bĩu môi:

- Sao Tí Dần biết được rằng người dân Iraq cần sự dân chủ đó ? Biết đâu họ bị đè nén lâu rồi nên ... quen . Tí Dần không thấy bây giờ họ còn bị náo loạn hơn xưa, khổ cực hơn xưa sao ?

Tí Dần cười hiền hòa:

- Tí Dần không đồng ý với lập luận đó của dì Đông Nghi đâu . Con người sinh ra ai cũng muốn có cái quyền nói lên tiếng nói của chính mình . Tại sao một đứa bé vừa rời lòng mẹ lại khóc oe oe ? Tại sao không cần chỉ hít vào lồng ngực một luồng không khí là buồng phổi tự động nở ra mà phải khóc thét lên một tiếng ? Tí Dần nghĩ tiếng khóc của đứa trẻ sơ sinh cũng như một tiếng nói của riêng nó hầu nhấn mạnh sự có mặt của nó trên cuộc đời này . Thế giới ngày càng tiến bộ, dân trí ngày càng cao, chỉ có những người lãnh đạo bất tài và kém tự tin mới không cho người ta nói lên những điều người ta suy nghĩ, mới muốn cai trị ngu dân . Dường như có một danh hào người Tây nào đó đã nói "Tôi phản đối điều anh nói nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền được nói ra điều đó của anh" (*). Tí Dần cũng có cùng một suy nghĩ như ông ta . Mình có quyền không đồng ý với những điều người khác nói nhưng không có cái quyền cấm người ta không được nói lên điều người ta nghĩ dì Đông Nghi biết không ? Bố mẹ vẫn kể cho Tí Dần nghe cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi xưa đã bị buộc vào tội sáng tác ra những bản nhạc phản chiến giữa lúc chiến tranh Việt Nam đang trong thời kỳ khốc liệt nhất làm chao động lòng chiến sĩ . Tí Dần thì không nghĩ về ông như thế . Tí Dần nghĩ ông chỉ làm những bản nhạc nói lên cảm giác của ông, nói lên một thân phận con người sinh ra trong khói lửa điêu tàn . Nhưng điều đáng nói là trước ngày mất nước, ngay cả lúc có những người nghĩ về ông như một người đi ngược với quyền lợi quốc gia như thế ông vẫn được tự do sáng tác, tự do phổ biến nhạc của mình mà không hề bị bắt bớ cầm tù . Còn bây giờ, khi nước Việt Nam mình đã được "giải phóng", đã dành được "tự do" thì dì Đông Nghi cứ thử về Việt Nam hát nhạc Nhật Trường coi dì Đông Nghi có được "nhà nước ta" mời vô khám chí hoà không cho biết . Tí Dần cảm thấy rất buồn cười mỗi lần Tí Dần nghe một ai đó nói "Việt Nam bây giờ đổi mới lắm, muốn làm gì thì làm, miễn là đừng phê bình chế độ hay phản đối nhà nước" . Dì Đông Nghi nè, làm sao những cụm từ "tự do", "đổi mới" lại có thể đi cùng với "miễn" và "đừng" được hở dì Đông Nghi ? Tí Dần không thể đem lại cái quyền được nói, được phát biểu linh tinh như dì Đông Nghi thường làm cho những người cùng tiếng nói màu da ở bên kia đại dương ngay lúc này được . Tí Dần chỉ có thể làm được những gì nằm trong khả năng hạn hẹp của Tí Dần thôi . Tí Dần tin rằng những gì Tí Dần đang làm là đúng . Dì Đông Nghi đừng hậm hực nữa nhe .

Rồi cái ngày mà chúng tôi lo lắng sợ sệt sẽ xảy ra rốt cuộc cũng phải đến . Tí Dần được về nhà chơi một tuần trước khi trở lại đơn vị chuẩn bị qua Iraq. Ngày chia tay Tí Dần ở phi trường Tí Dần đã ôm lấy tôi ngậm ngùi:

- Dì Đông Nghi, cám ơn dì Đông Nghi lúc nào cũng là chất keo của Tí Dần .

Tôi cố gắng pha trò mà cổ họng nghẹn đắng:

- Ý Tí Dần nói dì Đông Nghi keo kiết đó hở ?

Tí Dần lắc đầu nghiêm trang:

- Không, ý Tí Dần muốn nói dì Đông Nghi bao giờ cũng là một chất cement gắn chặt những gì thân thương của Tí Dần . Nếu ông bà nội, ông bà ngoại, bố mẹ, Na, Ni, và các chú dì là những viên gạch xây lên bức tường cho Tí Dần dựa thì dì Đông Nghi chính là chất hồ giữ những viên gạch đó lại với nhau cho Tí Dần . Người ta có thể chỉ nhìn thấy viên gạch nhưng chất keo mới thật sự đóng phần quan trọng cho bức tường .

Tôi chớp mắt nhìn Tí Dần, Tí Dần của tôi đã từ một đứa bé biến thành một người đàn ông từ lúc nào chẳng rõ . Tôi biết chị Đan Chi đã phải vận dụng một sức mạnh hết sức phi thường mới không khóc trước mặt Tí Dần . Tí Dần lần lượt ôm chặt từng người thân yêu trước khi lên máy bay . Chị Đan Chi là người cuối cùng Tí Dần ôm, hai mẹ con ôm nhau rất lâu, thời gian dường như đứng lặng . Khi rời vòng tay Tí Dần tôi thấy chị Đan Chi đưa hai tay nắm chặt hai bàn tay của Tí Dần, nhìn sững một lúc rồi mới từ từ buông ra ...

Ừ, cuối cùng thì con cũng thực sự vuột khỏi vòng tay của mẹ . Cuối cùng thì mẹ cũng phải nhìn con rời xa cái nôi ấm áp bình yên lao người vào chốn hiểm nguy giông bão, một nơi mẹ chưa hề đặt chân đến nhưng vẫn hiện về hãi hùng trong giấc ngủ từng đêm . Hãy cho mẹ được nhìn hai bàn tay con một lần nữa . Hai bàn tay bé nhỏ ngày nào quơ quàng trong vô thức sờ chạm khuôn mặt mẹ, nghịch ngợm níu kéo những sợi tóc mẹ đến đau điếng . Từ khi có con mẹ cắt luôn mái tóc dài mượt mà một thời con gái không mảy may nuối tiếc . Không phải chỉ vừa mới ngày hôm qua hai bàn tay này còn nhỏ xíu nắm lấy những ngón tay mẹ chập chững bước đi đầu tiên hay sao ? Không phải chỉ vừa trong chớp mắt cái ngày mẹ cầm lấy bàn tay con nắn nót tập cho con viết A, B hay sao ? Ôi, hai bàn tay xinh xinh đã từng bị mẹ bắt xoè ra vờ khẻ lên bằng ngón tay của mẹ với lời doạ nạt "lần sau con còn hư mẹ sẽ lấy cái cây đánh cho như vầy nè" . Hai bàn tay với những ngón dài mỗi mùa đông bị mẹ bắt bôi kem cho khỏi khô để nghe con phụng phịu "con không phải là con gái" . Ừ, những ngón tay ngô ngây một thuở còn nằm yên cho mẹ cắt móng giờ đây sắp phải dùng để đặt vào cò súng buốt lạnh vô tâm . Hai bàn tay của mẹ bỗng trở thành thừa thãi bất lực trước những hiểm nguy con sắp phải đối diện . Hai bàn tay của mẹ vốn không có khả năng giơ ra chống đỡ cho con những viên đạn vô tình . Hai bàn tay của mẹ xa xôi quá để chở che săn sóc, rồi đây chúng sẽ chỉ còn dùng để ôm lấy niềm lo, để chắp lại trong tiếng nguyện cầu bình an cho con . Phải mà con đừng lớn, phải mà con cứ bé bỏng như hôm xưa để mãi mãi mẹ được giữ con trong vòng tay thương yêu của mình . Hãy cho mẹ được bấu chặt những ngón tay của con một lần nữa như luồng sức mạnh trấn áp những cơn ác mộng sắp đến . Ngày con trở về mẹ có còn được cầm lấy hai bàn tay con nóng hổi như hôm nay ? Ngày con trở về con có còn nguyên vẹn thể xác cũng như tâm linh ? Ngày con trở về con có còn là đứa con đầy nhân hậu yêu thương của mẹ hay những va chạm thảm khốc nơi đó sẽ để lại tì vết trong con, sẽ làm con chai hằn trước tha nhân ? Ngày con trở về con có đem về cho mẹ hết từng phần chi thể mẹ đã góp phần tạo dựng và nâng niu ? Ngày con trở về ... ơi con, mẹ phải tin tưởng rằng sẽ có ngày con trở về . Con phải trở về với mẹ đứa con trai thương yêu của mẹ . Con phải trở về với mẹ vì con chính là trái tim, sự sống, và nguồn tâm linh của mẹ hỡi con yêu dấu ...

(như một lời nguyện cầu bình an gửi đến những đứa con không thể về trong ngày của mẹ ...)

05.07.08
Hoài Yên

(*) I do not agree with what you have to say, but I will defend to the death your right to say it. (Voltaire)




--------------------
"bình yên một thoáng cho tim mềm ... "
Go to the top of the page
 
+Quote Post
 
Start new topic
Replies
Hoài Yên
post Jun 10 2008, 04:05 AM
Post #2


Bình Yên Một Thoáng
**

Group: Members
Posts: 28
Joined: 9-May 08
Member No.: 70
Country



Khoảng Lặng ...

Nguyên An đưa tay kéo sợi giây bằng vải cho cái mành bằng gỗ dạt qua một bên nhường chỗ cho những tia nắng rực rỡ ban mai ùa vào trong gian phòng nhỏ . Nguyên An thích cái ánh sáng thiên nhiên này hơn là cái ánh sáng nhân tạo từ những ngọn đèn chói lòa trên trần rọi xuống . Cũng như Nguyên An vẫn thường cãi với James rằng cơn gió hè thoảng qua dù rất nhẹ cũng có khả năng làm mát thịt da gấp mấy lần cái máy lạnh vài tấn . James chọc Nguyên An:

- Tại đất nước Annie bé tí xíu, nghèo nàn không có đầy đủ những tiện nghi vật chất nên Annie đành phải tự an ủi mình là Annie yêu thiên nhiên .

Biết James giỡn nên Nguyên An chỉ cười không giận . Ừ, mà làm sao giận được khi cái sự thật nó là thế . Ở một khía cạnh nào đó Nguyên An vẫn thoải mái với cách sống đơn giản rất Việt Nam của mình hơn là lối sống trưởng giả sung túc của James . Thoải mái đến độ nhà quê . Như khi James dẫn đi coi Opera, Nguyên An đã phải cố gắng lắm mới không ngủ gật, lòng cứ thắp thỏm tiếc số tiền James đã bỏ ra để hai đứa có chỗ ngồi thượng hạng trên balcony . Rồi lại nhớ da diết những buổi xúm xít nhau cả chục đứa bạn trong phòng ngủ của mấy chị em nghe lén nhạc vàng từ cái máy cassette nhỏ xíu . Như khi James đưa Nguyên An vào những nhà hàng sang trọng gọi toàn những món đắt tiền thì Nguyên An lại ngồi thừ người so sánh món ăn và giá tiền rồi nghẹn nghẹn cổ không muốn ăn . Cái miếng thịt bò dầy cui để trước mặt mà James nói nặng đến 20 oz kia nếu ở Việt Nam thái nhỏ ra xào chắc cả nhà ăn được mấy bữa . Cái món ăn khai vị Escargot gì gì đó của Pháp, tên nghe thì kêu nhưng thật ra đó chỉ là những con ốc được dầm trong cả đống bơ . Nguyên An ăn mà chẳng thấy ngon lành gì, chỉ thấy nhớ ơi là nhớ những lần ngồi lê la ăn ốc với bạn bè, những con ốc nhỏ tí xíu phải dùng cây kim moi ra, ăn thịt ốc thì ít húp nước mắm thì nhiều mà vẫn ngon chi lạ . Nhỏ em họ Nguyên An cứ cười Nguyên An là:

- Bà làm ơn đừng nói cho James nghe những so sánh miệt vườn của bà nha bà An . Người ta cười cho chết .

Nguyên An nhún vai cươì . Ừ, thì Nguyên An nhà quê . Cô Tấm ngày xưa cho dù có được khoác cho chiếc áo lông đắt tiền đi chăng nữa thì cũng chỉ để đi qua đi lại làm dáng cho thiên hạ coi thôi chứ trong thâm tâm vẫn không nhìn thấy mình đẹp bằng cái áo vải tơ quen thuộc .

Nguyên An cầm cây chổi lông gà nhỏ cẩn thận quét hết những lớp bụi trên nóc cái tủ sách cao nghều nghệu của James . James là con mọt sách, chuyện gì thì James còn cẩu thả chứ động đến những cuốn sách là James cẩn thận hơn ai hết . Những cuốn sách được xếp theo vần mẫu tự y như trong thư viện . James hay nửa đùa nửa thật nói với Nguyên An là:

- Sách là người tình đầu tiên, Annie là người yêu cuối cùng .

Mỗi lần như thế Nguyên An lại khoả lấp sự ngượng ngùng bằng cách chọc ghẹo:

- Ừ, thì James gần xuống lỗ rồi có ai thèm đụng tới nữa đâu, Annie là người cuối cùng cũng phải thôi .

Nguyên An cố tình nói lấp lửng "người cuối cùng" chứ chẳng thể nào lập lại hai chữ "người yêu" với James. Cũng như chưa bao giờ Nguyên An có thể dùng chữ "chồng" khi nói về James cả . Nguyên An biết mình làm vậy là bất công với James vô cùng nhưng cùng một lúc chẳng ép mình làm được điều mà mình không thể làm . Lời nói cứ bị tắc nghẽn nơi cửa miệng mặc dầu trong suốt ba năm chung sống Nguyên An đã chăm sóc và lo lắng cho James tận tụy như một người vợ lo cho chồng . Hình như ai đó đã nói "nếu mình không thể sống thành thực với chính mình thì làm sao có thể sống thành thực được với người chung quanh " . Lý trí và con tim dường như ít khi nào chịu đồng hành trên cùng một con đường .

Nguyên An đưa tay sắp xếp những giấy tờ bừa bộn trên bàn vô một góc . Cúi người đổ cái thùng đựng giấy bên cạnh bàn làm việc vô cái túi rác rồi quay qua định mở cái máy xay giấy ra đổ đám giấy vụn vào luôn . Nguyên An chợt nhíu mày khi nhìn thấy một tờ giấy nằm lơ lửng khúc trên khúc dưới trên cái máy . Nguyên An đưa tay bật cái nút "tắt/mở" thêm vài lần nữa nhưng cái máy vẫn đứng im lìm . Nguyên An thở dài, chắc lại hư nữa rồi . James có cái tật hay bỏ một lúc cả xấp giấy vô xay một lúc nên cứ hết cái máy này hư đến cái máy kia hỏng . Nguyên An kéo tờ giấy chỉ mới được xay một phần ba lên, đó là bản kê khai những chi tiêu trong tháng cho thẻ tín dụng của James . James và Nguyên An đều có trương mục riêng, có thẻ tín dụng riêng nên ít khi nào Nguyên An để ý coi James tiêu xài những gì . Khi Nguyên An bắt đầu đi làm Nguyên An đã đòi đóng góp với James trong việc chi tiêu trong gia đình, James nhất định không chịu:

- Annie giữ đó để lo cho gia đình ở Việt Nam đi . Có hay không có Annie thì anh cũng phải chi tiêu bằng ấy thứ thôi .

Nhưng Nguyên An vẫn bỏ đều đặn một nửa tháng lương của mình vào quỹ ngân hàng cho James . Tuy biết rằng số tiền đó không thấm vào đâu với đồng lương của James và càng chẳng là bao nhiêu so với những món quà James thường xuyên mua cho mình nhưng Nguyên An cảm thấy thoải mái hơn khi nghĩ rằng mình không phải là một gánh nặng cho James . Tò mò Nguyên An nhìn vào tờ giấy còn hơn nửa chưa bị máy nghiến nát ...Rồi nhíu mày ngạc nhiên khi thấy tên của một vài cái nhà hàng thật lạ cùng với hai mục tính tiền từ một khách sạn ... Ngôi khách sạn khá nổi tiếng nằm ngay trong thành phố ...


***

James đứng tần ngần một tí trước cánh cửa phòng ngủ trước khi thở dài xoay nhẹ nắm cửa . Chàng mường tượng ra cái khung cảnh tiêu điều lạnh lẽo phía đàng sau khung cửa khi không còn bóng dáng của Annie . Bất chợt thấy lòng mình chùng xuống một nỗi buồn vô tả, quặn đau, mặc dầu đã biết trước được những gì đang xảy ra ngày hôm nay, đã chuẩn bị sẵn sàng tư tưởng, tình cảm cho một ngày Annie không còn hiện diện bên cạnh . James chợt thở dài cho cái mâu thuẫn của chính mình . Không phải đây là điều chàng đã mong muốn hay sao ? Màn kịch thật khéo léo mà chàng là đạo diễn kiêm diễn viên đã kết thúc một cách thật thành công . Tấm màn nhung đã hạ xuống rồi, đàng sau hậu trường ... đàng sau hậu trường là tiếng vỗ tay lẻ loi, chua chát ... và một nỗi trống vắng mênh mông ... mênh mông .

Gian phòng thoạt nhìn dường như chẳng có gì thay đổi . Tấm phủ giường với sắc màu vàng úa của những chiếc lá thu trải thẳng thắn như Annie vẫn làm mỗi buổi sáng trước khi đến sở . Trên chiếc bàn phấn nơi góc phòng, những lọ nước hoa đắt tiền đủ mọi hình dáng James mua cho Annie vẫn đứng ngay hàng . Mắt James chợt dừng lại ở cái phong bì màu trắng được đặt ngay ngắn trên bàn, chiếc phong bì với nét chữ Annie, nét chữ ẻo lả và nhẹ nhàng hơn so với nét chữ quen thuộc của những người bắc mỹ:

James thương của em,

Thật khó để viết một lá thư tạm biệt phải không James ? Nhất là khi em chẳng bao giờ mường tượng ra cái ngày em cần phải viết nó . Từ lúc gặp James, được James bảo bọc thương yêu rồi đem về chung sống em cứ ngỡ đời mình từ đây sẽ thôi sóng gió, sẽ êm đềm trôi qua như dòng sông hiền ngoan về biển . Em cứ nghĩ mình sẽ sống bên James như thế hoài hoài, chia những niềm vui nhỏ của James, san sẻ những nỗi buồn lớn của em, săn sóc James những khi James bệnh hoạn, nương tựa vào James những lúc em yếu đuối ... cho đến già, đến chết . Em thật chẳng bao giờ ngờ rằng sẽ có ngày hôm nay, cái ngày em phải thu dọn hành trang cho một cuộc ra đi khác, tạm biệt những gì thân quen, rời bỏ cái nôi ấm áp an bình để lại bước ra với những ba chìm bảy nổi của cuộc đời . Hôm qua sau khi ký giấy tờ li dị James đã ngỏ lời xin lỗi em vì những thay đổi trong James . James bảo James hy vọng em sẽ không hận không ghét James . James ạ, làm sao em có thể hận và ghét James được hở James ?


Viết làm sao cho James hiểu những cảm xúc trong em lúc này ? Lời lẽ nào diễn tả cho hết được lòng tri ân của em dành cho James ? Giấy nào dài, mực nào đậm cho vừa cái ơn trời biển của người đã vớt đời mình lên từ cái hố sâu nghiệt ngã, đã cho mình một niềm tin vào cuộc đời vốn dư thừa giả dối, chật hẹp bao dung ? Bởi ngôn từ chẳng thể nào đủ để nói cho trọn tâm ý nên em sẽ cả đời cưu mang ân tình đó của James trong tim cho đến ngày em không còn trên cuộc đời này nữa . Nhớ ngày nào khi James gọi em là Annie thay vào cái tên Nguyên An cha mẹ đặt cho, em đã thích thú vì thấy cái tên ấy thật thích hợp với hoàn cảnh của mình . Em, con bé lạc lõng giữa xứ người có khác gì cô bé mồ côi với cái đầu xoăn tít dễ thương trong phim "Annie" đâu . May nhờ có James bước chân vào cuộc đời em như vị cứu tinh, như ông triệu phú Warbucks đã đem Annie ra khỏi cuộc sống lầm than của viện mồ côi, James cũng đã kéo em ra khỏi cơn gian nan khốn khó, nỗi tuyệt vọng cùng cực mà người đời đã đẩy em vào .

James thương,

Em xin gửi lại cho James tất cả những vòng vàng nữ trang James đã mua tặng cho em cũng như em đã chuyển vô lại trong trương mục của James số tiền James bỏ vào ngân hàng cho em . Em chỉ muốn đem theo sợi dây đeo cổ với chữ "A" mà James mua cho em ngày kỷ niệm một năm mình thành hôn thôi . Đừng lo lắng gì cho em nhé . Những gì James vun xới cho em trong suốt những tháng ngày qua đã có giá trị hơn tiền bạc vật chất rất nhiều . Hành trang của em khi bước chân vào căn nhà này chỉ vỏn vẹn một cái sắc tay nhẹ tâng đồ đạc và nặng trĩu mặc cảm ưu phiền . Giờ đây em ra đi với một tấm lòng tự tin nhiệt thành . Tin vào khả năng học hỏi, tin vào vốn liếng ngôn ngữ, tin vào sức chịu đựng dai dẳng của mình . Và quý giá hơn hết là em đã gầy dựng lại niềm tin vào tình người . Vâng, tương lai trước mặt chắc chắn không phải là một ngõ cụt vì đời sống vẫn còn những người như James . Con đường nào mà không chông chênh gập ghềnh nhưng em sẽ không chùn chân ngại bước nhờ vào những hành trang James đã gầy dựng cho em . Vậy thì hãy an tâm nhé thiên thần hộ mệnh của em .

Dù ở bất cứ phương trời nào em cũng luôn nghĩ đến James và cầu mong James luôn bình an hạnh phúc bên người James yêu .

Annie


James mân mê lá thư trên tay mà cảm thấy nghèn nghẹn nơi cổ, lời thư đơn giản và chân thành như người con gái nhỏ nhắn đã tình cờ bước vào cuộc đời chàng hơn ba năm qua . Lần đó James đi công tác ở Los Angeles, nơi có số người Việt tị nạn đông nhất Hoa Kỳ . Ngày đầu tiên sau buổi họp kéo dài đến tám giờ tối James từ chối lời mời đi ăn của bạn đồng nghiệp, định ghé đại vào quán ăn nào đó trên đường ăn qua loa rồi trở về khách sạn nghỉ ngơi . Quán ăn James tình cờ bước vào không ngờ lại là quán ăn Annie làm việc . Người con gái Việt Nam vừa đặt chân đến Hoa Kỳ chưa đến một tháng nhưng lại nói tiếng Anh khá lưu loát và thật tự nhiên đó đã khiến James trở thành một người thực khách trung thành suốt tuần lễ . Annie kể cho James nghe nàng qua Mỹ theo diện "hôn thê" và trong thời gian chờ đợi hợp thức hoá giấy tờ để đi học lại nàng đi làm thêm kiếm tiền . Sau chuyến công tác James trở về lại miền bắc hai người vẫn thường xuyên liên lạc bằng điện thư . James thích cách nói chuyện cởi mở và đầu óc cầu tiến chịu khó học hỏi của Annie . Chàng đã tận tình chỉ vẽ cho Annie lối sống và cách làm việc của xứ sở chàng, lòng không khỏi thắc mắc khi thấy hình như Annie phải một mình lo toan mọi giấy tờ thủ tục di trú . Không thấy Annie nhắc nhiều đến cái người mà Annie gọi là "vị hôn phu" . Cho đến một hôm James giật mình khi nhận được tờ điện thư giã từ của Annie . Annie chào chàng để trở về Việt Nam . Cho đến bây giờ James cũng không thể giải thích được tại sao ngay sau khi đọc bức điện thư đó chàng đã hoảng hốt kiếm số điện thoại của tiệm ăn xưa để gọi cho Annie như vậy . Cũng như chẳng thể nào hiểu tại sao mình lại có mặt trong chuyến bay sớm nhất ngày hôm sau đến thành phố của Annie làm người khách hàng đầu tiên tại nhà hàng, gây ngạc nhiên không những chỉ cho những người làm ở đó mà còn cho cả người trong cuộc . Bạn bè và người thân đã tròn mắt ngạc nhiên khi một tuần sau James trở về lại thành phố đem theo một người con gái Á Đông mà James giới thiệu là vợ của mình . Họ gọi hành động đó của James là một triệu chứng của cái gọi là "hồi xuân" . James chỉ cười không giải thích, làm sao giải thích được cho những người chung quanh hiểu khi ngay chính bản thân chàng cũng không có câu trả lời . Nhưng có một điều James biết rất rõ đó là việc làm giấy hôn thú cho Annie ở lại đất nước này không phải là một việc làm bốc đồng . James không còn trẻ để có những việc làm không suy nghĩ như thế, nhưng cũng chưa đủ già để có thể dửng dưng lạnh lùng trước vẻ cam chịu của người con gái vừa đánh mất tất cả: niềm tin, sự hy vọng và ngay cả lòng kiêu hãnh trong cái ván cờ được gọi là "tình yêu" như vậy . James vẫn còn nhớ mãi cái dáng ngồi co ro, với bờ vai xuôi dài chịu đựng và ánh mắt mất hồn của Annie hôm đó . James đã hỏi một câu thật thừa thãi:

- Vậy bây giờ cô có dự định gì không ?

Annie nhếch mép với nụ cười buồn:

- Tôi có quyền tính toán hay dự định gì sao ông ? Tôi đến đất nước này theo diện hôn thê, có nghĩa là trong vòng 3 tháng nếu không có một tờ giấy hôn thú để hợp thức hoá thì tôi sẽ phải trở về Việt Nam . Bây giờ cái thời hạn 3 tháng đó đã gần kề, khi tôi hỏi thì người ta cho biết người ta ... đổi ý . Sự có mặt của tôi trên đất nước của ông không phải là một đổi chác hay vụ lợi . Nó hoàn toàn là một điều tự nguyện cho cái gọi là tình yêu . Ở Việt Nam tôi may mắn hơn nhiều người vì tôi có sự nghiệp, tương lai vững vàng . Tôi không lấy chồng Việt Kiều để được đi Mỹ . Tôi lấy chồng Việt Kiều vì tôi yêu người đàn ông ấy . Bỏ bố mẹ, gia đình, bạn bè và ngay cả đời sống của mình lại đàng sau lưng không phải là một điều dễ dàng với tôi nhưng lấy chồng thì phải theo chồng nên tôi đã không mảy may nuối tiếc hay so đo . Bây giờ tôi trở về với mang theo mình cái nhãn hiệu bị chồng bỏ . Nơi quê hương tôi hai chữ "li dị" hay "chồng bỏ" không phải là một điều dễ được đón nhận hay thông cảm ông à .

Đó là lần đầu tiên James nghe Annie nói về cái người là căn nguyên cho sự có mặt của Annie nơi quê hương chàng . Đó là lời trách móc duy nhất, nếu có thể gọi những tỏ bày nhẹ nhàng buồn tênh như màu mắt sẫm nước mưa đó là lời trách móc, dành cho người đàn ông James chưa hề và cũng chẳng muốn gặp mặt . James ngại ngần không dám hỏi tiếp tại sao ở quê hương Annie người đàn bà lại bị luận tội nhiều như thế trước một cuộc hôn nhân không thành . Sự chia tay tự nó đã là một nghiệt ngã đắng cay rồi đâu cần phải chia phần đổ lỗi cho ai . Điều đổ vỡ vốn dĩ đã là nỗi mất mát đớn đau khôn cùng cho người trong cuộc rồi cần chi đến lời gán tội thêm thắt của những người luôn sáng suốt trong những chuyện không phải của mình . Dưng không James muốn nói cho Annie nghe về mẹ chàng, người đàn bà đã một thời đẹp nổi tiếng một vùng, là homecoming queen của trường, cũng đã bị "chồng bỏ" theo định nghĩa của Annie . Người đàn bà đó đã một mình đứng lên bươn chải với đời từ hai bàn tay trắng để nuôi anh em chàng lớn . Người đàn bà cho đến cuối cuộc đời chưa hề chịu khuất phục bất cứ một trở ngại nào ngay cả với chứng bịnh ung thư quái ác nhưng cũng phải cúi đầu chấp nhận khi tình yêu ra đi . Nhưng James lại im lặng không nói . Ngôn ngữ của chàng liệu có đủ để bày tỏ cho Annie hiểu tình yêu cho dù có phi thường bao nhiêu cũng không đủ để giữ cho người mình yêu ở lại nơi mà họ không muốn dừng chân, để ngăn ngừa cho họ đừng ... đổi ý . Ngôn ngữ của chàng có lẽ không cùng để giải thích cho Annie hiểu đâu đó chàng vừa thấy hình dáng kiên cường của người đàn bà đã đồng nghĩa với hai chữ hy sinh trong cuộc đời chàng nơi người con gái Á Đông vẫn còn lạ xa đang ngồi trước mặt . Lời cầu hôn được thoát ra từ chàng đã dễ dàng hơn sự ưng thuận nơi Annie rất nhiều .

- Tại sao ông lại muốn giúp đỡ tôi ? Tôi với ông chẳng qua chỉ là những kẻ sơ giao không có một điểm gì tương đồng, ngay cả tiếng nói màu da .

- Tôi không có gì để đền bù lại cho sự hy sinh của ông đâu . Tôi là một con bé xa quê lạc lõng, vô gia cư, vô nghề nghiệp, trắng tay và trắng cả tâm hồn .

- Giấy tờ hồ sơ làm rất phức tạp . Ông còn gia đình, còn bạn bè, còn đời sống riêng của ông . Tại sao lại mua những phiền phức vào người cho một người con gái ông chỉ mới gặp qua có vài lần ?

Chàng đã ngồi im lắng nghe những lời cật vấn của Annie với nụ cười bình thản trên môi . Tránh làm sao cho Annie khỏi nghi ngờ khi những hạt hào quang giả trá được gắn trên cái vương miện tình yêu ngày thành hôn vừa rơi vụn vỡ dưới chân mình . Đợi cho Annie nói xong James mới nhẹ nhàng lấy trong túi ra con dao nhỏ vẫn gắn trên chùm chìa khoá, lấy cạnh nhọn của con dao rạch nhẹ lên đầu ngón tay trước cặp mắt mở to của Annie . Một giọt máu đỏ ứa ra trên thịt da trắng . James từ tốn:

- Cô nói đúng, tôi với cô không cùng tiếng nói màu da nhưng máu của tôi cũng đỏ như máu của cô đúng không ? Và tôi dám đoan chắc rằng khi bị cứa vào da cô cũng biết đau như tôi . Tôi muốn giúp cô đơn thuần chỉ vì tôi muốn giúp một người đang lâm vào một hoàn cảnh khó khăn . Mặc dầu tôi chưa có cơ hội gặp gỡ tiếp xúc với cô nhiều nhưng qua những trao đổi của mình tôi biết cô là một người thông minh và có ý chí, một người có óc cầu tiến và tự lập . Một người sẽ đem lại nhiều ích lợi cho đất nước tôi nếu có cơ hội ở lại . Tiếc rằng với những luật lệ khắt khe của sở di trú cùng thời gian hạn hẹp điều duy nhất có thể giữ cô ở lại đây hợp pháp là tờ giấy hôn thú . Tôi không có gia đình, không chút gì ràng buộc, tôi lại rất quý cô nên với tôi đây là một việc làm hoàn toàn hợp lý . Tôi không đòi hỏi bất cứ một điều gì từ cô đâu . Theo như những gì tôi biết thì sau khi cô đã chính thức trở thành công dân mỹ cô có quyền li dị tôi mà - James cười - thời gian qua nhanh lắm mà tôi thì không có dự định lấy ai làm vợ trong ba năm sắp tới .

Nhìn thấy nét bối rối do dự trong mắt Annie, James đã để tay mình lên hai bàn tay nhỏ nhắn đang để trên bàn nói khẽ:

- Hãy nhận lấy tấm lòng và sự giúp đỡ của tôi bằng một lời cám ơn thật hồn nhiên vô tư . Đó là điều đòi hỏi duy nhất của tôi .

Đó là chuyện xảy ra của hơn ba năm trước . Sự thành công vượt bực của Annie nơi đất nước chàng đã làm ngạc nhiên nhiều người ngay cả James . James biết sự hội nhập đó không đến dễ dàng với Annie nhưng với khả năng sẵn có cùng ý chí cương quyết phải tự mình đứng vững đã không cho phép Annie đầu hàng . James nhớ đến những ngày đầu khi mới đặt chân đến thành phố của chàng, thành phố với những cơn bão tuyết se sắt không phải là nơi dừng chân lý tưởng cho người Việt Nam James đã lo ngại Annie sẽ bị cô lập, buồn chán nhưng lần nào chàng hỏi Annie cũng cười thật tươi, cũng hăm hở với những học hỏi mới lạ . Một đôi lần James vô tình thấy Annie đưa tay gạt nước mắt nhưng chàng vờ không để ý . Thay đổi nào cũng cần thời gian thích ứng, huống hồ gì sự đổi thay quá to tát mà Annie đang phải trải qua . Ngay cả James cũng phải mất một thời gian mới làm quen được với sự có mặt của một người thứ hai trong căn nhà vắng vẻ bừa bộn của mình, mới quy củ lại lối sống không còn ... độc thân dưới cặp mắt của những người chung quanh . Bạn bè chàng khi gặp Annie đã nhốn nháo:

- Không ngờ một người con gái Á Đông nhỏ tí ti như vậy lại có khả năng bứng được cái gốc cây tưởng muôn đời đứng một mình như mày .

- Bây giờ mày cũng ở chung hàng ngũ những kẻ bị tù như chúng tao rồi đã thấy thông cảm cho chúng ông chưa ?

- Một người đàn ông chỉ thực sự trưởng thành khi người đàn ông đó nằm dưới quyền thống trị của một người đàn bà thôi James ạ .

- Đời sống hôn nhân làm cho cuộc đời có ý nghĩa . Ý nghĩa của sự ... tranh đấu đó James .

Mỗi đứa một câu chọc ghẹo, mỗi đứa một tiếng phê bình, cả chồng cũng như vợ cứ nhao nhao cả lên trong những buổi họp mặt . Annie chỉ cười, hay đáp lễ bằng những cử chỉ giao tiếp thật khéo léo . Nhìn cái dáng nhỏ nhắn thoăn thoắt của Annie ngẫu nhiên James muốn nói với mọi người rằng:
- Hôn nhân không phải là một điều khó khăn để thích ứng khi cái nửa kia của chàng là Annie . Cuộc sống chung không phải là một hy sinh khổ cực khi cái người chung sống với chàng là Annie . Cái khó khăn phức tạp duy nhất mà chàng đang phải trải qua là phải hững hờ dửng dưng như mình không yêu với cái người mình đã yêu từ mấy tháng nay ...

***


Một năm sau ngày họ chính thức thành hôn, một hôm James đi làm về và ngạc nhiên khi bước vào căn phòng của mình mà thấy nó là lạ . Đồ đạc, quần áo của chàng đã được ai đó dọn sạch sẽ . Mắt chàng chợt dừng lại ở những tờ giấy "post-it" nho nhỏ với mũi tên gắn đầy lên tường . James lần theo những mũi tên đó thì thấy chúng chỉ về căn phòng ngủ chính, căn phòng chàng đã phải năn nỉ đến gần như bắt buộc Annie dọn vào từ ngày Annie mới đến . Bước chân vào căn phòng James đã cảm động đến nghẹn lời khi nhìn thấy Annie đang ngồi trên giường với nụ cười hiền lành quen thuộc:

- Đã đến lúc người chủ của gia đình dọn vào phòng ngủ chính rồi đó James biết không ?

Sau này có những khi ngồi một mình nhớ về buổi tối hôm đó, nhớ về lần đầu tiên đó James vẫn còn có thể nghe được nhịp tim rộn ràng của mình, y như là chú bé mới lớn lần đầu tiên biết yêu . Bởi sự hiến dâng trong Annie cũng nhẹ nhàng và hiền ngoan như những sợi tóc dài màu đen phủ trên nền gối trắng, như đôi mắt nhắm ghiền không dám nhìn chàng . Mặc cho bao lần James bảo nàng mở mắt nhìn vào mắt chàng Annie cũng không chịu:

- Nhắm mắt để mơ . James có thấy ai mơ mà mở mắt chưa ?

Lời từ chối khéo léo như lời ru êm đưa chàng đến với những cơn mơ đẹp để James cảm nhận ra rằng cho dù đã trải qua bao nhiêu cuộc tình nhưng hình như chàng chưa thực sự yêu bao giờ . James vẫn thường đùa với Annie là bây giờ chàng mới hiểu tại sao ngày xưa Adam đã nghe lời Eve ăn trái táo cấm một cách mau mắn và ngoan ngoãn như vậy . Mới hết dám lên án ông vua Edward ngu muội bỏ ngai vàng để lấy lại vợ người ta . Mỗi lúc như thế Annie chỉ mỉm cười, một nụ cười mơ hồ khó giải thích .

Những ngày tháng bên Annie đã tạo cho James nhiều cơ hội tìm tòi thêm về cái đất nước nhỏ xíu hình chữ S nằm bên bờ thái bình dương xa hơn nửa vòng trái đất cơ mà lại gắn liền với lịch sử quê hương chàng một cách lạ kỳ . Đã giúp James hiểu thêm về cái dân tộc với thân hình "lùn tịt" mà ý chí cao vọi . James thích thú so sánh những phong tục cổ truyền giữa hai đất nước . Những tập quán lạ lùng như vào giữa trưa ngày giáp tết nguyên đán, Annie đã trịnh trọng nhìn về hướng đông khấn vái rồi cắm những nén nhang lên nền tuyết trắng đàng sau nhà . Annie giải thích:

- Bây giờ là giờ giao thừa bên nhà, em thắp nhang để tưởng nhớ ông bà tổ tiên .

James lắc đầu khó hiểu, ở quê hương chàng những phút cuối cùng của năm người ta thường hăm hở ồn ào đếm từng giây xuống để mở những chai rượu champagne ăn mừng một năm mới đến, để chúc tụng nhau những lời cầu chúc tưng bừng dành cho người sống . Còn quê hương Annie thì lại nhớ về những người đã qua đời . James chọc:

- Nếu phân tích theo nhà tâm lý học Freud thì dường như người Việt Nam thích nhìn về quá khứ hơn hướng tới tương lai .

Annie bùi ngùi:

- Chắc có lẽ tại quê hương em lúc nào cũng khổ cực lầm than . "Một ngàn năm nô lệ giặc tầu , một trăm năm đô hộ giặc tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày " (* ) đến chừng tiếng súng im thì những người chiến thắng lại thi nhau tham nhũng, công khai lạm dụng quyền hành, áp chế tự do và chà đạp nhân quyền . James nghĩ đi, những người dân bé cổ thấp miệng ở đất nước em có cái tương lai gì để nhìn tới, nên họ đành phải quay về quá khứ . Bởi dù cái quá khứ nó có buồn bã nhưng nó vẫn hiện hữu rõ ràng hơn cái tương lai vô định bấp bênh .

Annie nghiêm giọng:

- Ngoài ra, cái giờ phút thiêng liêng nhất của năm là cái giây phút người Việt Nam trang trọng dành vào việc tạ ơn . Để nhớ đến những linh hồn ông bà tổ tiên . Những người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng mình . James biết không, dân tộc em là một dân tộc rất biết ơn . "Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy" là những điều em đã thuộc nằm lòng từ khi chưa cắp sách đến trường . Đôi khi em nghĩ có lẽ đất nước James hay những quốc gia đã ra tay cứu vớt người tị nạn Việt Nam không mường tượng được hết tấm lòng tri ân của dân tộc em đâu . "Làm ơn chớ nên nhớ, chịu ơn chớ nên quên" đã là cái luân lý ngàn đời của người dân em .

James pha trò:

- Vậy nếu muốn làm việc nghĩa thì nên làm cho người Việt Nam ha, để được nhớ ơn hoài hoài .

- Em nói thật đó mà . Người Việt em trọng tình nghĩa lắm . James có biết ở Việt Nam có rất nhiều cặp vợ chồng thật sự sống với nhau đến khi răng long tóc bạc không ? Chẳng phải vì họ không có những xung khắc trong hôn nhân . Có cuộc sống chung nào mà không có những đụng chạm sây sát đâu nhưng cái bí quyết để ở với nhau đến khi già, khi chết là cái "nghĩa vợ chồng" .

James ngắt lời:

- Nghĩa là nghĩa vụ, bổn phận đó hở ? Nếu người ta chỉ ở với nhau vì bổn phận thì buồn quá Annie ạ .

Annie lắc đầu:

- Em nghĩ nếu chữ "tình" là tình yêu từ tim thì chữ "nghĩa" là tình yêu từ óc .

James bướng bỉnh:

- Anh thích tình yêu phát xuất từ tim hơn, vì chỉ có từ tim mới có những đam mê chất ngất, chỉ có từ tim mới không có những tính toán thiệt hơn . Chỉ có tình yêu từ trái tim mới là tình yêu không điều kiện thôi Annie à .

Annie cười:

- James nên nhớ bộ não là nơi điều khiển mọi hành động cảm giác của người ta đấy nhé . Khoa học bây giờ tiến bộ đến nỗi người ta có thể lấy trái tim ra khỏi lồng ngực trong những cuộc giải phẫu rồi bỏ trở lại mà trái tim vẫn hoạt động bình thường . Nhưng em chưa nghe nói đến ai thay óc cả James ạ . Một khi bộ óc chết đi thì trái tim cũng có thể cho người khác .

Ngày tháng cứ thế êm đềm trôi qua, họ đã trở thành một trong những cặp vợ chồng lý tưởng nhất dưới ánh mắt mọi người . Sự khiếm khuyết có chăng chỉ là thiếu tiếng khóc cười của một đứa con nít cho căn nhà đỡ im ắng . Một điều mà James không còn khả năng mang lại, chàng tâm sự với Annie:

- Ba anh bỏ mẹ và tụi anh lúc anh mới hơn một tuổi, John 5 tuổi và Jeff 3 tuổi . John lập gia đình sớm khi chưa học xong trung học vì lỡ làm cô bạn gái mang thai . Việc học vì thế thành ra dở dang, John thông minh ghê lắm mà rồi cũng nửa thầy, nửa thợ, anh biết John cũng cố gắng làm một người cha tốt lắm nhưng rồi cuối cùng hôn nhân cũng tan vỡ, cha một nơi, con một nẻo . Jeff thì như Annie thấy đó, học hành đến nơi đến chốn, giàu có thành công nhưng rồi cũng li dị vì chỉ lo cho sự nghiệp mà bỏ bê gia đình . Anh nghĩ có lẽ những người đàn ông nhà anh đều không có khả năng làm những người chồng, người cha tốt . Trước khi gặp Annie anh không bao giờ nghĩ đến chuyện lập gia đình, anh bằng lòng với cuộc sống độc thân của mình . Ràng buộc một người khác để làm gì khi mình không có khả năng đem lại hạnh phúc cho người ta . Và anh càng không nghĩ đến chuyện tạo ra những đứa trẻ vô tội để chúng mang cùng một số phận như tụi anh . Đất nước này đã có quá nhiều những đứa trẻ bị sinh ra trong những gia đình tan vỡ rồi, không cần sự đóng góp của anh . Chính vì nghĩ như thế nên anh đã giải phẫu để không có con . Anh không thể nào ngờ có một ngày anh gặp và yêu một người con gái như Annie . Anh xin lỗi Annie .

Annie đã nắm tay chàng mỉm cười hiền lành an ủi:

- James không có lỗi gì với em cả . Con cái cũng như vợ chồng đều là ý Trời cả James ạ . Đôi khi quyền lựa chọn không thuộc về mình đâu . Vả lại em cũng không thích làm mẹ cho lắm, em không quen chìu chuộng người khác .

James nghe Annie giải thích mà thấy đau đau . Annie không phải là người nói dối thành công . Có người đàn bà nào mà không thích được làm mẹ, không mơ ước một lần được cưu mang sự sống mình góp phần hình thành trong lòng đâu, cái ước mơ dường như đã tiềm tàng từ những ngày lê la chơi búp bê . Nhất là người đàn bà đó lại là Annie, một người sống cho người khác nhiều hơn cho mình, vui vì niềm vui mình đem lại cho người khác nhiều hơn niềm vui mình nhận lãnh . Ngay từ tấm check đầu tiên khi James nhất quyết không chịu nhận Annie đã dùng hết để mua đồ gửi về Việt Nam cho gia đình . Từ đó cứ mỗi tấm check là lại một thùng quà được gom góp . James đã phải để riêng một gian phòng trong nhà để những đồ đạc Annie tha về qua những cuộc bán sale . Hết lo cho người thân rồi lại lo đến người quen . James đã vui lây với những ríu rít của Annie mỗi lần Annie làm được một điều gì đó cho những người còn ở quê nhà:

- Em mới nhận được thư con bé học trò cũ, thật không ngờ chỉ cần một món tiền không đủ mua cái áo dạ hội ở đây mà đã giúp cho nó có được một gian hàng bán bánh kẹo, đủ nuôi sống ba mẹ con nó .

- James thấy chưa, hôm nọ James cứ nói em đừng nhận lời làm thêm cuối tuần . Chỉ cần một ngày làm việc của em mà cô Oanh sửa được cái mái nhà .

- James coi hình con của chị Bé nè, con nhỏ ngồi trên cái xe đạp em mua cho đó, nhìn thấy ghét ghê .

Vậy đó, trong khi những người con gái James quen biết khác quần kiểu áo hiệu thì Annie đi đâu cũng chỉ cái quần jean và cái áo chemise đơn giản . Annie sẵn sàng bỏ ra cả mấy trăm đồng mua một cái lap top gửi về cho cháu ở Việt Nam nhưng lại ngại ngần khi phải sắm cho mình một đôi giày vài chục . Ngay cả những món quà James mua tặng cho Annie vào những dịp lễ, sinh nhật cũng bị Annie suýt soa chê đắt và cứ chực trả lại . James đã phải gắt:

- Người ta tặng quà cho mình mà cứ hỏi tới hỏi lui bao nhiêu tiền là ... bất lịch sự lắm Annie biết không ?

Annie cười:

- Ai biểu James cứ mua đồ đắt tiền quá làm chi . Một cái vòng James mua cho em nuôi sống được một gia đình mấy người ở Việt Nam cả năm đó James à .

- Gia đình ai đó ở Việt Nam có ăn nhằm gì đến anh đâu . Anh chỉ biết có Annie ở bên cạnh anh thôi . Annie phải biết lo cho mình nữa Annie à .

- Sống ở đời đôi khi chỉ cần một tấm lòng thôi James ạ . Em đã may mắn có được quá nhiều rồi, em phải biết cho lại chứ.

Ừ, Annie là vậy đó, thân xác Annie ở trên đất nước Hoa Kỳ mà hình như tâm hồn Annie đã để lại hết ở bên kia bờ đại dương rồi . Chừng như người ta chỉ có thể lấy cái người con gái đó ra khỏi Việt Nam chứ không thể lấy Việt Nam ra khỏi người con gái đang ở bên chàng . Người con gái da vàng sống lạc lõng giữa một thành phố hiếm hoi lắm mới thấy một người đồng hương nhưng vẫn còn những suy nghĩ, những xử sự và những thói quen rất Việt Nam . Người con gái rất dè dặt nhỏ nhẹ trong câu chuyện với những người bạn chàng nhưng lại có thể ôm điện thoại nói tíu tít, cười vỡ ran khi nhận được một cú phone từ Việt Nam . Người con gái, James chua xót nhận ra rằng mình không thể đem lại một hạnh phúc trọn vẹn cho được dù mình có cố gắng bao nhiêu ... Người con gái đã là một người bạn đường thật tuyệt vời nhưng không bao giờ có thể là cái "nửa kia" của chàng . Người con gái đã tận tụy chăm sóc và thương yêu chàng từ hơn ba năm qua bằng một tình yêu chân thành từ ... óc . Ngày Annie chính thức trở thành công dân Hoa Kỳ James đã nửa đùa nửa thật nói với Annie rằng:

- Chúc mừng Annie . Bây giờ thì Annie có quyền ngang nhiên ra toà li dị với anh rồi phe phẩy tờ giấy trước mặt ngài di trú rồi .

Annie đã giận chàng nguyên một ngày sau câu nói đó . James đã phải xin lỗi lên năn nỉ xuống bao nhiêu lần Annie mới nguôi . Annie nói:

- James nghĩ về em ra sao mà James đùa với em như vậy ? Nếu không có James em không hiểu cuộc đời của em đã ra sao ? Ngày nào James yêu người khác James muốn li dị em sẽ sẵn sàng để James tự do nhưng em thì không bao giờ làm điều đó . Em là con người có tim óc James à .

James im lặng thở dài nhè nhẹ, phải chi em nói em sẽ không bao giờ xa tôi vì em yêu tôi, vì em không thể mường tượng ra cuộc sống không có tôi . Em có biết có những nỗi cô đơn đến rợp người khi mình thực sự đang có đôi không ? James biết mình đang tự làm khổ mình với những suy nghĩ vẩn vơ như vậy . Phải tập sống đơn giản, đừng phức tạp hoá những gì vốn không cần phức tạp . Cuộc sống chung quanh chàng không phải đã đủ nỗi buồn rồi hay sao mà không biết trân trọng những niềm vui, đã đủ những thất vọng để phải yêu qúy những phút giây hy vọng . Và trên hết không phải chàng đã trả đủ giá cho nỗi cô đơn bằng những tháng ngày sống một mình rồi sao mà không biết gìn giữ những gì mình đang có, cho riêng mình . Nhưng chàng kiếm hoài cũng không đủ bằng chứng để thuyết phục chính mình, không tìm ra những điều hợp lý để trấn áp những mâu thuẫn tự tạo . Cho dù có bắt mình phải quay đi cũng không thể chối bỏ được rằng sự có mặt của Annie bên cạnh chàng không phải là một điều mà Annie tự chọn . Em sinh ra và lớn lên trong một xã hội mà mọi chuyện đều đã được an bày, sắp sẵn nên em nghĩ em không có quyền lựa chọn bất cứ điều gì cho riêng em . Nhưng tôi lớn lên ở một đất nước mà mọi việc đều có thể chọn lựa . Tôi lấy quyền gì để giữ em ở lại bên cạnh một người đàn ông dị chủng mà em không yêu ? Những giọt nước mắt âm thầm của em nhỏ trên áo gối từng đêm khi em ngỡ tôi đã ngủ yên đã không cho phép tôi dửng dưng tiếp tục níu lấy lý do "vì tôi yêu em" để giữ em lại cho mình . Nếu cái nghĩa trong em có thể lớn đủ để em sống suốt đời bên một người ân, thì cái tình trong tôi cũng phải lớn đủ để tôi rời xa em, một người con gái tôi nói tôi yêu . Em là một con chim đã cứng cáp đủ để bay, để tìm cho mình một phương hướng, một hạnh phúc, tôi không cho phép mình được nhốt mãi em trong một chiếc lồng, cho dù đó là chiếc lồng tôi đã điểm son, tô hoa vì như thế tất cả những việc tôi đã làm để cho em được ở lại một đất nước tự do như đất nước tôi bỗng trở thành vô nghĩa, em có biết không ?

Cuối cùng rồi thì cái cơ hội đã đến để James quyết định một việc ngỡ không bao giờ có thể quyết định được . Công ty Annie làm mở thêm một chi nhánh mới ở miền nam California và họ đề nghị Annie về đó giúp đỡ họ trong thời gian đầu nhưng Annie từ chối . Annie đã đem bản tin đó về khoe với chàng một cách thật dửng dưng . James hỏi:

- Annie thích ở chỗ đông người Việt Nam lắm mà, sao Annie lại không đi ?

Annie nhún vai:

- James sinh ra và lớn lên ở thành phố này, bạn bè James ở đây, việc làm của James ở đây, nhà cửa của James ở đây . Em thì tứ cố vô thân, không nguồn cội rễ gốc, làm ở đâu cũng thế vậy thì mình đi làm gì ?

Những ngày sau đó James đã thu hết tất cả những nghị lực mà chàng có để sắp xếp một vở kịch . Một bi kịch cần thiết mà chàng biết mình sẽ không thể không làm cho dù lòng có quặn đau . Một vài tờ hoá đơn từ tiệm hoa cho những bó hoa được vất vào thùng rác ven đường được chàng vờ bỏ quên trong túi áo, một vài lần đi vào khách sạn trong thành phố được trả bằng thẻ tín dụng, một vài ngày đi sớm về trễ không lý do và sự giúp đỡ tận tình của Karen, cô bạn làm cùng sở đã khiến Annie tin rằng chàng đã có một tình yêu mới .

Giờ đây, khi còn lại một mình, James ngắm nghía tấm hình Annie chụp nghiêng nghiêng để trên bàn, thì thầm:

- Em có biết đôi khi con đường dài nhất của đời người là con đường từ đầu xuống trái tim không em ?

James gấp lá thư Annie lại để vào túi áo bên trái, bước ra ngoài phòng khách tiến đến bar rượu rót cho mình một ly whiskey thật mạnh . Đã lâu lắm rồi chàng mới cảm thấy mình cần say như ngày hôm nay ...

(viết cho những mối tình đến từ tim cùng những mối tình được giữ lại bằng óc …)

03.04.08
Hoài Yên

(*)- gia tài của mẹ - cố nhạc sĩ Trịnh công Sơn


--------------------
"bình yên một thoáng cho tim mềm ... "
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Posts in this topic
Hoài Yên   Bình Yên Một Thoáng ...   May 9 2008, 09:23 AM
M&N   Cám ơn Hoài Yên ... câu chuyện cảm đ...   May 9 2008, 05:32 PM
Hoài Yên   QUOTE(M&N @ May 9 2008, 06:32 PM) Cá...   Jun 6 2008, 09:03 AM
Hoài Yên   Cõi Về ... Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra ...   Jun 6 2008, 09:10 AM
tdao   Hoài Yên ơi ! tdao đọc đi đọc lại ...   Jun 6 2008, 08:20 PM
Hoài Yên   QUOTE(tdao @ Jun 6 2008, 09:20 PM) Hoài ...   Jun 9 2008, 03:31 AM
M&N   QUOTE(Hoài Yên @ Jun 9 2008, 04:31 AM) ...   Jun 9 2008, 07:56 AM
tdao   QUOTE(Hoài Yên @ Jun 9 2008, 04:31 AM) ...   Jun 9 2008, 09:25 PM
tuyettinh   QUOTE(tdao @ Jun 9 2008, 10:25 PM) Nhưng...   Jun 10 2008, 02:48 AM
Hoài Yên   QUOTE(tuyettinh @ Jun 10 2008, 03:48 AM) ...   Jun 10 2008, 04:03 AM
Hoài Yên   QUOTE(tdao @ Jun 9 2008, 10:25 PM) HY th...   Jun 10 2008, 04:01 AM
Hoài Yên   Định Nghĩa ... - Hôm nay ngồi buồn lôi...   Jun 9 2008, 03:33 AM
DarkAngel   QUOTE(Hoài Yên @ Jun 9 2008, 04:33 AM) ...   Jun 9 2008, 08:20 AM
Bryce   Here is my two-cent comments: Công trình ngư...   Jun 9 2008, 05:03 PM
Hoài Yên   QUOTE(Bryce @ Jun 9 2008, 06:03 PM) Ráng...   Jun 10 2008, 03:58 AM
Hoài Yên   wow, wow ... cám ơn mọi người đã ghé nh...   Jun 10 2008, 03:57 AM
M&N   QUOTE(Hoài Yên @ Jun 10 2008, 04:57 AM)...   Jun 10 2008, 08:51 AM
Hoài Yên   QUOTE(M&N @ Jun 10 2008, 09:51 AM) Xi...   Jun 11 2008, 04:07 AM
DarkAngel   QUOTE(Hoài Yên @ Jun 10 2008, 04:57 AM)...   Jun 11 2008, 04:30 AM
Hoài Yên   QUOTE(DarkAngel @ Jun 11 2008, 05:30 AM) ...   Jun 13 2008, 04:07 AM
Hoài Yên   Khoảng Lặng ... Nguyên An đưa tay kéo s...   Jun 10 2008, 04:05 AM
tdao   Cảm ơn một bài viết nữa của HY ,HY bi...   Jun 10 2008, 06:51 PM
Hoài Yên   QUOTE(tdao @ Jun 10 2008, 07:51 PM) Cảm...   Jun 11 2008, 04:10 AM
Hòn Sỏi   Nhẹ nhàng, dễ thương, vui buồn lẫn lộ...   Jun 13 2008, 01:58 AM
Hoài Yên   QUOTE(Hòn Sỏi @ Jun 13 2008, 02:58 AM)...   Jun 13 2008, 04:10 AM
Hoài Yên   Không Là Cổ Tích ... lời người viết:...   Jun 20 2008, 05:17 AM
DarkAngel   Chérie, mấy bữa nay moi định đăng báo t...   Jun 20 2008, 10:42 AM
Hoài Yên   QUOTE(DarkAngel @ Jun 20 2008, 11:42 AM) ...   Jun 25 2008, 05:09 AM
Hoài Yên   Không Là Cổ Tích ... (tt) ngày ... tháng ....   Jun 25 2008, 05:10 AM
Bryce   HY, Thanks. Cho Bryce biết HY làm hảng nào d...   Jun 25 2008, 09:36 PM
Hoài Yên   QUOTE(Bryce @ Jun 25 2008, 10:36 PM) HY, ...   Jun 26 2008, 03:36 AM
Hoài Yên   Không Là Cổ Tích ... (tt) ngày ... tháng ....   Jul 9 2008, 08:09 AM
tuyettinh   Cho hỏi thăm chủ nhân chút: Kỳ rày Hoài...   Jul 14 2008, 07:22 AM
Hoài Yên   QUOTE(tuyettinh @ Jul 14 2008, 08:22 AM) ...   Jul 14 2008, 08:17 AM
tuyettinh   QUOTE(Hoài Yên @ Jul 14 2008, 09:17 AM)...   Jul 18 2008, 08:01 PM
Hoài Yên   QUOTE(tuyettinh @ Jul 18 2008, 09:01 PM) ...   Jul 23 2008, 04:07 AM
Hoài Yên   Đại Bàng Cánh Soãi ... Tôi tình cờ tìm...   Jul 23 2008, 04:07 AM
tuyettinh   Thanks Hoài Yên đã cầm bút trở lại ...   Jul 23 2008, 06:38 AM
HoangVang!!!   RE: Bình Yên Một Thoáng ...   Jun 7 2010, 02:31 PM


Reply to this topicStart new topic

 



Lo-Fi Version Time is now: 21st July 2025 - 02:34 PM