![]() |
Warning: Declaration of class_bbcode::convert_emoticon($matches = Array) should be compatible with class_bbcode_core::convert_emoticon($code = '', $image = '') in /hermes/bosnacweb07/bosnacweb07as/b283/d5.kekho/public_html/forums/sources/classes/bbcode/class_bbcode.php on line 641
![]() |
![]() ![]()
Post
#1
|
|
![]() Nữ Hoàng Lướt Mạng ![]() ![]() ![]() Group: Sinh Họat Posts: 1,895 Joined: 9-April 08 Member No.: 10 Country ![]() ![]() |
Thép Đen (Chương 1 -- 42) Tâm tư khi in lại Thép Đen Năm 1985, tôi viết xong hai tập hồi ký Thép Đen I & II. Hai năm sau mới tìm được nhà in và phát hành. Năm năm sau Thép Đen tập III mới ra đời. Từ khi Thép Đen I & II được in đến nay đã 15 năm. Trong thời gian đó phần vì sức khoẻ, phần vì gánh nặng gia đình, tôi hầu như không viết lách gì, cũng không sinh hoạt báo chí gì cả. Nhưng thật ngạc nhiên, cứ thỉnh thoảng tôi nhận được một lá thư độc giả nói về Thép Đen. Cả thảy có hơn 300 lá thư. Đài phát thanh Việt Ngữ Quê Hương ở Bắc Cali, Đài Sống Trên Đất Mỹ ở Nam Cali... cho đọc Thép Đen. Có cả những đài cho đọc mà tôi không được biết, chỉ biết do thính giả quen. Bây giờ thì ngoài sách Thép Đen, còn có cả băng audio và đĩa CD Thép Đen nữa. Trong hân hạnh ấy, tôi tự hỏi làm sao mà Thép Đen được đón nhận như vậy? Trước và sau Thép Đen có biết bao hồi ký về lao tù và thời cuộc. Có nhiều bí mật chính trị được phanh phui. Bao nhiêu vị tướng lãnh thuật lại những giai đoạn gay go của đất nước. Bao nhiêu nhà văn tên tuổi ghi lại những cảnh sống tù đầy mà nếu không có văn chương tài năng, khó có thể nói lên những trạng huống cũng như cảm xúc day dứt và cùng cực. Trong khi đó tôi chỉ là một điệp viên không tên tuổi, thi hành một công tác giới hạn, hầu như bị bịt mặt trước thời cuộc, cũng chưa bao giờ viết văn, và ngoài Thép Đen cũng chưa viết gì đáng kể. Hỏi bạn bè, mỗi người cho một ý kiến. Cuối cùng tôi đoán rằng, ngoài một số yếu tố về văn mà Thép Đen cùng góp phần với các tác phẩm khác, có lẽ tính xác thực một cách mộc mạc của Thép Đen đã lôi cuốn độc giả suốt mười mấy năm nay chăng? Có độc giả gửi thư sửa cho tôi số nhà ở phố Hàng Bạc. Có người nhận là vợ của một trung tá cho tôi biết rõ nhiều chi tiết của sự việc ngày ấy v.v... Nhiều độc giả hỏi cô Vân bây giờ ra sao? Nếu các độc giả muốn biết về cô Vân ra sao một phần, thì tôi muốn biết đến một trăm phần, và không phải chỉ có cô ấy mà là tất cả cảnh cũ người xưa của 40 năm trước. Tôi mơ ước có một ngày được về rờ những bức tường xà lim, cái cùm chân và cùm mồm. Tôi khát khao được nhìn thấy cô Vân để tìm xem cô còn những nét gì ngày xưa, và cô còn nhớ tôi không. Tôi muốn được tay bắt mặt mừng với những bạn tù, nếu họ còn sống, để ôn lại những ngày bị đầy đọa trong 2 kiểu tù đầy chắc chỉ còn sót lại cuối cùng trong bước tiến hóa của con người nhân tính từ thế kỷ này. Đã gần 20 năm, tôi chưa về được. Nhưng may cho tôi, có một vị linh mục trẻ và một bạn trẻ độc giả đã lần theo giai đoạn của Thép Đen để đến tận nơi, ghi lại bằng hình ảnh, và quí nhất một anh chị bạn đã gặp “người muôn năm cũ”, của đất Hưng Yên nhiều mầu mỡ, còn thu vào băng hình video mang về cho tôi. Xin quý vị tha lỗi, nếu tôi nói rằng, không ai có thể hiểu hết được tôi sung sướng đến mức độ nào! Có đến vài tháng trời, tôi như sống trở lại những ngày xưa ấy, chỉ trừ không có cái xà lim và không có cùm. Cho nên, một phần để đáp lại sự đón nhận của độc giả, một phần Thép Đen những lần in trước đã không còn, tôi quyết định cho tái bản với sự bổ sung nhiều hình ảnh mới có được. Một điều ngạc nhiên cho chính tôi là, cũng như viết văn, tôi chưa hề vẽ bao giờ, vậy mà chỉ bằng trí nhớ, tôi vẽ được cái cùm mồm, cùm chân, xà lim... trong khi viết Thép Đen gần giống như cái hình chụp bây giờ, cả về hình dáng cũng như kích thước. Vậy, chính vì tính xác thực tạo nên sự hấp dẫn và thuyết phục cho Thép Đen thì lần tái bản này, tôi hy vọng có thể góp thêm vào sự xác thực ấy. Sau hết, tôi xin cảm tạ vị linh mục trẻ, anh chị bạn thân và một độc giả thanh niên nhiều nghĩa tình. Đã giúp tôi giải tỏa được phần nào nỗi niềm trong lòng tôi. Boston ngày 29 tháng 10 năm 200 Hồi Ký Đặng Chí Bình This post has been edited by M&N: Dec 20 2010, 02:10 PM |
|
|
![]() |
![]()
Post
#2
|
|
![]() Nữ Hoàng Lướt Mạng ![]() ![]() ![]() Group: Sinh Họat Posts: 1,895 Joined: 9-April 08 Member No.: 10 Country ![]() ![]() |
Bốn Mươi Tám
Một tổ chức tình báo từ… trước 1954… Hồn tôi còn đang bập bềnh, nổi trôi, dập dờn giữa nửa trong là mộng, nửa ngoài là …xà lim, bỗng nhiên cửa sổ nhỏ xịch mở. Tôi giật mình, lúc này đã hết giờ làm việc chiều rồi, chẳng lẽ gọi đi cung? Có tiếng xọch xạch, rồi chốt cùm được rút ra, giọng tên Lê, Phó Giám Thị, rành rọt từ phía cửa sổ nhỏ: - Anh có cái gì mang hết đi! Tôi hơi ngỡ ngàng, nhưng chợt hiểu ngay là mình chuyển xà lim. Tôi vội vàng chấn chiếc cùm, rút chân ra, trong khi nghe tiếng mở khóa cửa lớn. Tôi chẳng có cái quái gì, ngoài một bộ quần áo sọc tù đã sắp mục; chiếc ba lô cũ, vật kỷ niệm của anh Hoàng Hùng; chiếc túi con nhiều màu đựng ít giẻ rách và các thứ lặt vặt. Tôi ôm gọn tất cả trong tay, tiến ra cửa, dạ băn khoăn chẳng hiểu chúng còn đẩy tôi đến xà lim nào nữa đây? Thân mình, bây giờ có còn là của mình nữa đâu, mặc cho sóng đời dập vùi, đẩy đưa. TÔI đang bần thần ngơ ngác, tên Lê đã ra hiệu tay, hất vào phía trong xà lim: - Vào trong kia! À, thì ra chỉ chuyển buồng thôi; vậy mà cứ tưởng đưa người ta đi đâu. Tôi vào xà lim I đã 5, 6 tháng rồi, nhưng chỉ ở buồng số 3 phía ngoài này, nên những lúc đổ bô, lấy cơm, đôi khi liếc mắt nhìn sâu vào trong, tôi chỉ thấy mờ mờ, hun hút chẳng thấy rõ các buồng. Hơn nữa, như đã nói trên, lúc ấy ngày cũng như đêm, tôi chỉ ngụp lặn trong nỗi sầu tê tái của người sắp tìm tới cái chết, nên tôi đâu cần biết đến những gì xảy ra chung quanh tôi. Đến trước buồng số 6, y mở khóa rồi mở cửa buồng đồng thời, y cúi xuống rút chốt cùm phía bên phải. Buồng số 6 hơi chéo nên trông có vẻ rộng hơn các buồng khác vài chục phân. Sau khi tên Lê chốt cùm, khóa cửa và đã đi rồi, tôi ngước mắt nhìn toàn bộ căn buồng. Vì theo hình thể của Hỏa Lò, nên xà lim I giống như hình một chữ “V” gioãng. Tôi đang lúi húi dùng chiếc chiếu con, và lựa thế xoay cái chân trong cùm để phủi bụi bẩn trên sàn xi măng, đột nhiên một giọng đùng đục cất lên ở buồng số 12: - Anh bạn ở số 3 chuyển vào đấy à? Anh có khỏe không? Tôi mở mắt to ngạc nhiên, phán đoán: - Ai đây? Sao họ bạo thế! Chắc anh này cũng phải nắm vững được tụi cán bộ ra vào, nên mới đường hoàng nói năng như vậy. Nghĩ như thế, tôi cũng lên tiếng: - Cảm ơn anh, tôi bình thường! Anh ở 12 hả? - Tôi ở 12 đây! Rồi như ngập ngừng dè dặt, anh hỏi tiếp: - Mấy tháng trước, anh có chuyện gì buồn, phải tự tử? Hôm đó, tôi tưởng anh đi rồi. Đêm ấy, cán bộ tụi nó chạy ra vào huỳnh huỵch ấy! Đột nhiên, một giọng ông ổng, trọ trẹ tiếng miền Nam, ngay phía phải sát buồng tôi: - Đ. má, chết làm gì! Các em thơm như múi sầu riêng để cho ai? Tôi cau mặt. Tên số 7! Thật là cộc cằn lỗ mãng! Không biết y tội gì? Ngay khi tôi còn ở buồng số 3, thỉnh thoảng vẫn thoáng nghe tiếng hắn om xòm ở phía trong này. Tôi không trả lời hắn và quay sang buồng số 12: - Anh 12 khỏe không? - Khỏe thôi. Vụ án tôi 15 tháng này xử rồi! Chưa biết ra sao? Vì tôi bị cùm chân, không đứng lên được để nắm rõ tình hình, nên tôi e dè hỏi chuyện: - Này anh bạn 12! Anh có quan sát được cán bộ ra vào không, mà nói chuyện đường hoàng thế? Tiếng xìn xịt cười: - Anh yên tâm, tôi đã ở xà lim hơn 5 năm rồi. Tôi đã là vua xà lim, chúng nó, thằng nào ra vào tôi biết hết. Hễ khi nào tôi ho thì đừng nói nữa. Tôi giật mình ngỡ ngàng. Chà! Anh này tội gì mà ở xà lim lâu thế! Không thể kìm được sự tò mò, tôi hỏi: - Anh bị bắt về tội gì? - Hoạt động tình báo! Tôi choáng người, hỏi tiếp: - Bị bắt từ bao giờ? - Đầu 1959. Trong lòng tôi nôn nóng băn khoăn, phải chăng đây là một đồng chí, một đồng nghiệp của tôi? Tôi vội hỏi để thăm dò: - Anh ở đâu? - 80 Quan Thánh, chỗ cửa hiệu sửa xe đạp ấy! Ủa! Như vậy là thế nào? Anh này là ở miền Bắc, vậy tội tình báo của anh là sao đây? Giữa lúc đó, tiếng ho của anh nổi lên. Xà lim trở lại im lặng, tôi vểnh tai nghe ngóng. Quả thật có tiếng động, rất nhỏ ngoài sân, lẫn với tiếng xào xạc của những chiếc lá bàng khô. Rồi tiếng mở từng cửa sổ con mỗi buồng. À, cán bộ đi kiểm tra. Đến buồng tôi, tôi cố nhìn xem tên cán bộ nào, nhưng cửa nhỏ mở ra đóng vào rất nhanh, nên tôi không kịp thấy rõ đó là ai. Một lúc lâu, tiếng lá bàng lại khua động ngoài sân. Chắc rằng trong lòng anh số 12 cũng nôn nóng muốn hỏi chuyện tôi, cho nên tên cán bộ vừa ra, anh đã lên tiếng: - Anh số 6 tên gì? - Bình! Còn anh? - Căn! Nguyễn Văn Căn! - Anh có đồng vụ không? Số 7 lại ông ổng giọng miền Nam: - Chỉ có tôi với thằng chó đó một vụ thôi! Như vậy, từ nãy, số 7 vẫn lắng nghe tôi với anh Căn nói chuyện. Đột nhiên, số 7 đổi giọng ỏn ẻn: - Em Hương ơi! Đêm nay, trời đẹp như thơ, sang đây nằm với anh, anh sẽ cho em hạnh phúc tuyệt vời! Tôi biết là buồng số 9 ở trong cùng, phía cuối dẫy, có hai cô gái. Nhưng, tôi vẫn ngạc nhiên không ngờ tên số 7 lại thả những lời thô lỗ như vậy. Tên số 7 vẫn tiếp tục: - Người đẹp của anh ơi! Trong suốt hai tỉnh Châu Đốc và Hà Nội này, em cứ hỏi một đứa nhỏ nào, có cũng biết Long Châu Sa này là ai. Anh đã đạp trời, khuấy nước. Lấy anh, em sướng cả đời. Của anh, lại thuộc loại ngoại cở, em sẽ phải rú lên vì sướng. Rồi như để tán thưởng cho những lời tán tỉnh ấy, y cười lên sằng sặc, chân y đạp xuống sàn xi măng thình thình. Xà lim vẫn yên ắng, không một tiếng ai trả lời, trong khi tôi mở to mắt ngạc nhiên: Tại sao lại có cảnh này trong xà lim? Thằng này thật đểu cáng, như một tên côn đồ vậy. Có thể vì nó ở xà lim lâu ngày quá, tinh thần ức chế, nên như một tên điên khùng chăng? Tên số 7 lại lên tiếng, giọng rè rè như say rượu. - Em Hương, em không trả lời anh một câu thì anh không ngủ được, anh sẽ không cho buồng nào ngủ hết. Ngày mai, là ngày tắm giặt, anh sẽ quệt phân vào đôi đũa của em, và quần áo của em phơi ở ngoài sân! Đang bực tức y, tôi cũng phải mỉm cười. Cũng có vài tiếng xìn xịt ở các buồng chung quanh. Tôi hiểu là nó đe dọa, nhưng cũng có thể nó làm được, khi nó là một tên không còn là một con người nữa. Có lẽ buồng số 9 cũng nghĩ vậy, nên một giọng nữ cất lên, nghe như tiếng khánh, tiếng ngọc chạm nhau: - Số 7 ngủ đi! Giọng ồng ộc như con heo của số 7 ré lên: - Ồ, ồ, công nương đã lên tiếng! Xin đa tạ, bỉ nhân đêm nay sẽ ngủ ngon lành.Và xin chấp hành mệnh lệnh của công nương. Vài tiếng xì xí. Bản thân tôi cũng phải nhếch mép. Chẳng hiểu số 9 tội gì? Tôi chỉ nhớ ang áng hai cô vào xà lim từ hơn một tháng nay. Trong thâm tâm lúc này, tôi cũng còn muốn hỏi tiếp chuyện với anh Căn để sáng tỏ về vụ án của anh. Nhưng vì chân bị cùm, tôi không chủ động được, phải tùy thuộc vào số 12. Xà lim vẫn vắng lặng, khí hậu hanh hanh dìu dịu, thoảng vài hơi heo may nhè nhẹ đẩy mùa Thu về. Đêm Thu, ngoài trời chỉ biết có trăng không? Hôm nay là ngày bao nhiêu của Âm lịch, tôi cũng không biết. Tôi đang triền miên mong chờ anh 12 lên tiếng để nối lại chuyện cuộc đời đang bỏ dở, đột nhiên tiếng ngọc buồng số 9 lại khua lên: - Số 6 vì sao bị bắt? Tôi hơi bâng khuâng hướng về số 9, nhưng im lặng. Xà lim lại chìm vào hoang vắng, chẳng nghe thấy cả tiếng ho. Tôi hiểu, nếu có buồng nào được ra sân phơi áo, lượt buồng phía ngoài từ số 9 đến số 14 nếu tinh quái đoán được vị trí của cán bộ đứng, có thể đứng lên sàn để nhìn ra sân và thấy rõ được người ở ngoài. Vì thế, cũng có thể những ngày trước đây khi tôi ra sân phơi quần áo, họ đã thấy tôi rồi chăng, cũng như họ có thể đã nhìn được khắp lượt các buồng rồi. Cả anh Căn buồng 12 cũng vậy, hẳn cũng đã tò mò. Cũng có nhiều tên cán bộ rất tinh quái, nhất là tên Chiến. Y thường đứng ở bàn trực nhìn theo người ra sân phơi quần áo. Nếu người đứng phơi, lại đưa mắt nhìn về phía cửa sổ các buồng thì qua thái độ, y cũng có thể biết được buồng nào đã đứng lên nhìn ra sân. Khi đã nghi rồi, y sẽ rình bắt. Lần sau, cũng buồng ấy ra, y sẽ đi vào trong theo dõi qua khe hở của cửa sổ nhỏ, nếu người trong buồng nhấp nhổm đứng lên là chết ngay với y. Những tháng trước, dù không để ý, tôi cũng đã nghe thấy mấy buồng bị bắt cùm rồi. Nhưng, trừ có buồng 12, tôi chưa thấy anh ta bị bắt lần nào. Đây cũng có thể coi như một cuộc đấu trí nhỏ. Anh nào quái hơn, anh đó thắng. Mãi gần một tiếng đồng hồ sau, buồng 12 lại lên tiếng: - Số 6 ngủ chưa? - Chưa, anh ạ. Bây giờ mới khoảng chín giờ chứ mấy! - Anh bị bắt vì tội gì mà bị cùm? Tôi thấy nói ở đây lại có nhiều buồng khác cùng nghe, rất bất lợi. Do đó, để khỏi rắc rối về sau, tôi trả lời: - Đi tìm tự do! Lúc bị vây hắt, tôi đã đánh nhau với cán bộ nên bị họ cùm! - Lúc chưa bị bắt, anh làm gì! - Giáo viên cấp II. - Ở đâu? - Phủ Lý. Để chuyển ý, tôi chủ động hỏi về anh: - Số 7 với anh cùng vụ? - Cùng vụ! - Vì sao bị bắt? - Tại thằng Long Châu Sa giết một đứa bé 12 tuổi ở Hàng Bạc, để đậy miệng nó lại. Vỡ lở nên bị vồ! - Gia đình anh cũng ở 10 Quan Thánh? - Đấy là nhà bố mẹ vợ…..Tôi đã có 2 cháu. - Năm nay, anh bao nhiêu tuổi? - 33. - Tình báo của các anh là do miền Nam, hay thời Pháp còn lại? Im ắng một lúc, có lẽ anh ta đắn đo trả lời, hoặc anh thoáng nghe hiện tượng có cán bộ vào. Mãi sau, anh mới nhỏ nhẹ, nói vừa đủ buồng tôi nghe: - Từ trước 1954 cài lại. Chúng tôi có liên quan đến Trần Minh Châu, tức Cập. Tôi thót người lại, hỏi kỹ thêm: - Tôi tưởng Trần Minh Châu đã xử năm 1958 rồi? - Anh Cập bị xử tử rồi, chuyện về sau mới vỡ. - Còn hơn một tuần nữa xử các anh. Vậy các anh có đoán, các anh sẽ bị bao nhiêu năm không? Như dè dặt, cân nhắc, một lúc sau anh trả lời: - Tôi, nhẹ thì 15 năm, nặng thì 20 năm. Còn số 7, nhẹ từ 10 đến 12 năm, nặng thì 15 năm. Để có ý niệm về vụ mình, tôi hỏi tiếp: - Vì sao họ giam lâu thế, các anh có bị cùm không? - Vì có nhiều rắc rối! Điểm chính là anh Cập đầu vụ đã chết rồi, nên chúng nó khó điều tra. Chúng nó cùm tôi gần 2 năm trời, bán sống, bán chết, tôi đã phải bò lê, bò càng, chân của tôi bị xuội mấy tháng trời. Nếu không có vợ tôi tiếp tế, thuốc men, tôi đã sống không được. - Thế, số 7 thì sao? - Ồ, cái thằng đó, cán bộ tập kết đấy, nhưng là loại lưu manh giở, anh thấy nó vơ vét nịnh bợ cán bộ… Đột nhiên, buồng số 7 gầm lên: - Đ. M mày, thằng Căn, thằng con heo ghẻ! Mày tốt đẹp lắm đấy! Thế là im lặng luôn. Xà lim chìm sâu vào đêm Thu với nhiều nỗi đầy vơi, khắc khoải của mỗi buồng. Tôi lại miên man suy nghĩ! Chợt nhớ lại trước đây, khi tôi còn giam chung với tên Tân ở xà lim II, có lần Tân nói đến một vụ gián điệp, đã giết một đứa bé ở Hàng Bạc. Vụ này đã làm xôn xao cả Hà Nội lúc ấy, không ngờ bây giờ là đây. Phải, có như vậy tôi mới khỏi băn khoăn thắc mắc, khi nghe “12” là gián điệp tình báo. Với sự hiểu biết của tôi, tụi chấp pháp và cán bộ Hỏa Lò cũng thừa hiểu, dù nội quy nghiêm khắc, cán bộ xà lim báo cáo theo dõi tốt; nhưng những lúc sơ hở, những giờ khuya khoắt, làm sao chả có lúc bị can liên lạc với nhau. Vậy, chỉ những bị can nào xét ra vô hại với nhau, hoặc nếu có cũng không đáng kể, chúng mới cho giam chung một xà lim mà thôi. Từ ý nghĩ này, tôi tin chắc tôi khó có thể gặp một đồng chí, một đồng nghiệp cùng ở miền Nam ra, trong thời gian chúng còn đang thẩm tra cung tôi. Sáng hôm sau là ngày tắm giặt! Khi đến buồng tôi tắm xong, tên Chiến ngồi ở bàn quát: - Ra đi! Ở xà lim ai cũng hiểu là khi đổ bộ, hoặc tắm xong rồi, nếu muốn ra trước khi cán bộ giục, phải báo cáo: “Báo cáo, nhà tắm xong!”. Nếu cho ra mới được ra, còn không phải đợi. Vì, đơi khi có buồng khác ra vào, đi cung chẳng hạn. Khi tôi ôm bô với quần áo đã giặt qua bàn y, tôi báo cáo: - Báo cáo, cho phơi quần áo? Mỗi buồng 15 phút (tắm), 10 buồng 150 phút, lại còn lấy cơm, trả bát, như vậy gần hết buổi sáng. Vì thế, để nhanh, khi buồng này báo cáo phơi, y đứng dậy mở cho buồng khác ra. Do đó, buồng ra sân, khi phơi xong, cũng phải báo cáo vào, vì sợ gặp người ở rong đang đi vào nhà tắm. Ra sân, trong khi phơi quần áo, tôi nhìn trên chiếc dây phơi, thấy ngoài một số đồ trại vải sòng sọc, và một số quần áo tư của nam giới, lại còn mấy quần áo phụ nữ ở trong góc. Tôi chợt liếc lên, thấy buồng số 9 và 12 đang đứng lấp ló chỗ cửa sổ rồi. Tôi phải cảnh giác tên Chiến, nếu nó đi vào trong, tôi sẽ lập tức ra hiệu cho 2 buồng đó ngồi xuống. Trong buồng nhìn ra sân thì rất rõ, vì từ tối nhìn ra sáng. Ngược lại, từ ngoài sân nhìn vào, vì qua một lượt lưới thép nên trông không rõ lắm, mặc dù cửa sổ khá to. Tuy vậy, tôi cũng thấy bóng trong buồng 12 có bộ mặt tròn trịa, đầu tóc hớt cao, nhọn hoắt, dạng người mập tròn. Còn bên buồng số 9, cả hai cô đều đứng lên, một cao, một thấp. Tôi đoán, có lẽ cô Hương là cô cao, có mớ tóc dài, bộ mặt trái soan. Cả hai cô cứ rối rít vời như chào tôi. Để giữ cho các cô, tôi không tỏ thái độ gì vì biết tên Chiến, đang đứng chỗ bàn trực nhìn về phía mình.Tôi đang đứng quay lưng về phía hắn, tay vẫn vờ sờ sờ, kéo kéo quần áo ra trên đây, y không thấy mặt tôi, và tôi cũng không dám cử động cái đầu quay về phía các cô. Chỉ dám cười, như để đáp trả những cái vời của các cô. Vào trong buồng, tôi cũng thấy bâng khuâng, lòng nao nao vui. Giữa chốn tù đày cùng khổ thế này, mà tình người vẫn nồng đượm chơi vơi. Ngay chiều hôm ấy, khi trả bát, tôi xin ra ngoài sân lấy quần áo phơi, buồng số 9, hai cô cũng đứng lên. Họ dũng cảm thật, không sợ cùm! Nhưng, cũng chỉ là nhìn nhau thôi, chứ nói chuyện hỏi thăm nhau làm sao được….. Tối hôm ấy, cán bộ trực là tên Điền, người vẫn phụ trách phòng tiếp tế. Tên này có tính ít đi “tua”, và cũng không hay rình rập, thường kiểm tra xong là đi đâu mất, có thể lại ra phòng trực ngoài trại chung, ngồi đấu láo với nhau bên ấm trà cho đỡ sầu đêm Thu. Theo tôi hiểu, một ca trực đêm các khu trong Hỏa Lò, gồm cả trại chung, xà lim và cơ quan, cũng chỉ 4, 5 tên công an; còn vũ trang đi tuần phòng và canh gác bên ngoài thì không kể. Cho nên, chúng nó cũng buồn. Ca sau lại 4, 5 tên khác. Hơn nữa, Ban Giám Thị cũng như cán bộ thường ở ngay những dãy nhà phía cổng Hỏa Lò. Do đấy, có chuyện gì đột xuất, chúng vẫn có đầy đủ người để giải quyết. Mới từ hôm qua đến nay, để ý, theo dõi, tôi đã nắm được toàn bộ số người trong xà lim (tất nhiên, cũng nhờ có sẵn kinh nghiệm của hơn 2 năm nằm xà lim nên mới vững nhanh như vậy). Tổng số: 17 người. Có 7 người cùm một chân; chia ra: Buồng số 1, một người; buồng số 2, không người; buồng số 3, 2 người, một bị cùm một chân; buồng số 4, 2 người; buồng số 5, 1 người; buồng số 6, là tôi; buồng số 8, 2 người, cả hai bị cùm một chân; buồng số 8, 2 người; buồng số 10, 1 người; buồng số 11, 1 người, bị cùm một chân; buồng số 12, 1 người; buồng số 13, không có người; và buồng số 14, 2 người, một người bị cùm một chân. Tôi thắc mắc, không hiểu tại sao hai buồng số 2 và số 13 luôn luôn không mở cửa đến. Nhưng, thỉnh thoảng vào những ngày Chủ Nhật, lại có hàng đoàn người, cả đàn ông đàn bà vào ra im lìm trong buồng này. Như vậy để làm gì? Giữa lúc này, số 12 lên tiếng: - Số 6 quê ở đâu, hở anh bạn? - Hà Nội! - Năm nay bao nhiêu tuổi? - 26 Bỗng buồng số 9 lên tiếng, giọng ngập ngừng: - Số 6 chỉ có quần áo trại, vậy ra không không có người tiếp tế à? Chà cô này để ý thật, tôi cũng mềm dẻo cho qua: - Cảm ơn sự quan tâm, vì một lý do riêng, tôi không có người tiếp tế! - Thế bị bắt đã lâu chưa? Tên Long Châu Sa bỗng hộc lên như con lợn nái đòi ăn: - Công nương của tôi hôm nay nói nhiều quá! Em có biết không? Nghe giọng em nói, anh muốn tụt quần ra thôi! Thật là bỉ ổi. Tôi lờ đi, quay sang 12: - Này, 12 ơi! Anh có biết buồng số 2 và 13 chúng để làm cái gì không? - Ồ, tôi đã ở xà lim này hai năm rồi, năm ngoái, khi ông Vân còn trực ở đây, thấy tôi tù lâu xà lim, nên thỉnh thoảng chiếu cố cho tôi ra quét dọn. Có lần, tôi phải lấy nước dội rửa và quét hai buồng ấy. Theo chúng nói, thời Pháp thuộc, buồng số 2 là chỗ giam Hoàng Văn Thụ, và buồng số 13 giam Trần Đăng Ninh. Bây giờ, chúng để hai buồng đó lại làm lưu niệm. Thỉnh thoảng có các phái đoàn ở các tỉnh, cũng như các cơ quan vào thăm để thấy cái…dã man, tàn ác của thực dân Pháp. Đột nhiên, buồng số 7 ư ử rên, gọi số 10: - Anh bạn số 10, ngày mai là Chủ Nhật, cán bộ khác trực, không phải ông Chiến là được rồi, anh báo cáo, có ít thuốc lào muốn cho cái thằng Căm pu chia điên khùng này nhé! Tôi biết anh bạn có nhiều thuốc lào. Tôi lại hết rồi, 5 năm nay không ai tiếp tế cho cả. Anh bạn nhớ nhé “bố thí” nhé!? Nếu không, tôi bảo đảm với bạn là đũa và bát cơm của bạn thế nào cũng có phân! Thật đúng là một tên vô liêm sỉ. Tôi nghĩ rằng, loại người như tên Việt gốc Căm pu chia này, ở bất cứ một chế độ nào, hay một tập thể nào, cũng chỉ đập phá, làm ung thối tập thể hoặc chế độ đó mà thôi. Vậy tại sao, nó lại là cán bộ tập kết ra Bắc? Rồi màng lưới tình báo của Trần Minh Châu tức Cập lại thu nhận những con người như vậy, dù cho là chỉ với tính cách giai đoạn? Nó là loại “mất nhân tính”, không có cách gì cải hóa được, sớm hay muộn nó cũng phản; như một con chó mà cắn lại chủ, chủ nào nuôi? Ngày hôm sau, trực xà lim lại là tên Nhiễm. Đã lâu rồi, từ hôm tôi tự tử, bây giờ tôi mới lại trông thấy y. Tên này rất nghiêm và khó tính. Thế mà, buồng số 7 vòi vĩnh, nịnh bợ thế nào không biết, tên Nhiễm đã hỏi số 10, có thuốc lào hãy cho thằng khốn nạn ấy một ít. Thực ra, nếu ai có thuốc lào, cũng không hối tiếc gì đối với một người bạn tù; nhưng đâu dám báo cáo cho buồng khác. Như vậy, các anh đã liên lạc với nhau khi vắng cán bộ à? Nếu không, làm sao biết buồng kia hết thuốc lào? Nhưng, có lẽ riêng tên Căm pu chia mất gốc này, ai cũng thấy nó chẳng có chính “chị”, chính “em” gì cả, mà chỉ là loại “chính ăn” hay “lưu manh chính trị”. Cho nên, hầu như tên cán bộ nào cũng có đôi chút dễ dãi với nó. Còn mọi người đồng phạm trong buồng thì coi nó như người hủi, không một ai muốn dây. Tôi chợt nghĩ, nếu đây là một phương pháp đóng kịch tuyệt hảo của y thì sao? Có như vậy mới qua mặt được hết mọi người. Suy nghĩ, và nhận thức về một con người mà mình ít nhiều tiếp xúc (tôi đã có một số kinh nghiệm nghiệp vụ, qua nhiều thực tiễn, đến giai đoạn là “ngửi” vấn đề), chủ quan, tôi thấy y là một tên vô lại từ bản chất. Dù vậy, tôi chưa khẳng định, còn đợi thời gian và sự việc để bổ sung cho nhận thức của tôi thêm bén nhậy sau này. Chả bao lâu đã tới ngày 15. Ngay từ sáng sớm, tên Chiến trực xà lim chưa đến, đã thấy có mấy tên cán bộ lạ vào, mở buồng số 7 và 12 dẫn đi. Mãi tới 12 giờ, hai buồng mới về. Tôi rất nóng lòng muốn biết họ bị xử bao nhiêu năm. Có lẽ, một số buồng khác chung quanh cũng cùng có một tâm trạng như tôi. Lúc này đang là giờ trưa, nhiều lần tôi định lên tiếng hỏi thăm buồng 12 mà cứ ngập ngừng không dám, vì tôi chưa nắm chắc được là cán bộ tinh quái (như tên Thế “mũi cà chua” chẳng hạn) giả vờ nặng chân đi ra cổng, đóng cửa nghe đánh thình một cái, nhưng y lại chưa ra, rón rén trở vào, đứng yên chờ nghe các buồng nói chuyện. Buồng nào chủ quan không để ý kỹ, ôi thôi lại đặt chân vào “cạm”. Cũng có tên, theo kiểu ngồi lì như tên Chiến, y để một cái ghế giữa hai dẫy buồng xà lim, rồi ngồi im đọc sách, hàng mấy tiếng đồng hồ. Buồng nào đứng lên nhìn cổng, rồi nghe ngóng mãi không thấy động tĩnh, hiện tượng gì tỏ ra là có cán bộ ở trong, tưởng là an toàn, bấy giờ lên tiếng gọi nhau, chỉ còn nước há hốc mồm ra mà đút chân vào cùm. Ngập ngừng mãi, không làm sao được, tôi ho hắng gọi 12, nhưng mãi cũng không thấy 12 lên tiếng gì cả. Chắc buổi xử án căng thẳng thế nào đó, nên 12 về nằm liệt không thiết nói chuyện với ai nữa. Tôi suy đoán tới lui, đưa ra nhiều lý do, trường hợp, nhưng tất nhiên là không có lời giải đáp nào chắc chắn. Tôi lại nằm chiếc sàn cạnh buồng số 5, nên không có cách nào để gõ vào tường phía số 7 để hỏi được. Mãi gần tới giờ trưa, giờ làm việc chiều đã tới, bỗng dưng cô Hương buồng số 9 lên tiếng: - 12 và số 7 xử án thế nào? Giọng ìn ịt rên rỉ của số 7: - Người đẹp ơi! Vụ án của anh căng quá, xử từ sáng tới giờ chưa xong. Phen này chắc anh đi “mò tôm” mất em ơi!... Đột nhiên, tiếng cửa sổ nhỏ buồng số 7 xoạch mở, một tiếng quát làm nẩy tim mọi người: - Anh nói chuyện với buồng nào? - Tôi nói chuyện với nàng tiên của tôi! - Nàng tiên nào? - Ở trong mộng! - Tôi cùm cổ anh vào bây giờ, mặc quần áo vào! Cửa buồng số 7 mở, rồi đến phòng 12. Thì ra là tên Bằng! Chắc là nó vào từ lúc buồng 9 vừa hỏi xong, vậy mà không ai biết. Số 7 cũng nhanh trí, không thì số 9 kẹt. Vả lại, tên Bằng này cũng dễ! Thêm nữa, chắc y cũng thông cảm với tên tù đã lâu, lại đang trong ngày xử án tinh thần căng thẳng, nếu không nó cứ truy hỏi tới, thì chắc cũng ra buồng số 9 để cùm. Hoặc giả nó có chủ ý để bắt, nó cứ đứng yên một lúc nữa để nghe hai bên đối đáp, rồi chỉ việc rút chốt cùm là xong! Khoảng 4 giờ chiều, bỗng có tiếng động ở ngoài cổng xà lim, rồi những tiếng xụt xịt đi đang vào trong sân. - Có gan làm, có gan chịu, khóc lóc cái gì! Tòa xử bao nhiêu năm? Tên Chiến vừa hỏi, vừa đập đập chùm chìa khóa lên mặt bàn. Giọng số 7 nói trong nức nở: - Chung thân! - Còn anh kia? Tiếng một tên cán bộ trả lời, giọng miền Trung nặng chịch: - Nguyễn Văn Căn, tử hình. Lê Văn Lượng, chung thân! Có cả tiếng tên Tư trực xà lim III: - Anh kia! Vào dọn quần áo ra trại! Những tiếng bước chân xoèn xoẹt của 4, 5 người đi vào buồng số 7 và 12. Tôi điếng người khi nghe anh Căn bị tử hình, bản thân tôi cũng không ngờ. Tôi liên tưởng tới bản án của Phạm Huy Tân. Hai vụ án, tất cả bị can đều ước đoán mức án dưới sự thực xa. Phải chăng đây là một chủ trương của ngành hành pháp và tư pháp của cộng sản? Tuy mới biết có hai vụ, chưa gọi là đủ để kết luận, nhưng tôi đã thấy chiều hướng đúng, ngả về phía dự đoán của mình. Từ nãy, tôi vẫn chỉ nghe tiếng xụt xịt của Lượng, mà không thấy tiếng của Căn. Trong khi lục đục dọn quần áo ở trong buồng, bỗng số 7 gào to: - Công nương ơi! Từ nay ngàn dậm phương trời, làm sao anh sống được! Có lẽ mấy tên cán bộ, nhất là Chiến, biết số 7 nói với ai rồi. Nhưng, chúng không chấp trong những phút như thế này, vì thế, tên Chiến chỉ quát: - Im ngay cái mồm, ra đi! Lừng khừng mãi! Trong lúc một tên cán bộ dẫn số 7 đi, thì nghe tiếng chốt cùm buồng 12 rút ra đến xoạch một cái. Giọng miền Trung nghe nặng như tiếng giã gạo trong cối đất: - Lúc ở phòng Ban Giám Thị, anh đã nghe đọc quyết định rồi, bây giờ hãy chấp hành! Lúc này, tôi mới nghe tiếng của anh Căn, run run như đang lên cơn sốt: - Vợ con tôi từ nay sống làm sao? - Ngoài tòa, anh có ký đơn xin Chủ Tịch nước, ân xá tội tử hình không? Vừa đóng chốt, tên Chiến vừa hỏi. Tiếng anh Căn: - Báo cáo, có! - Như vậy, anh còn sống thêm 6 tháng nữa, để chờ quyết định tối hậu. - Thưa ông, về tội chính trị từ trước tới giờ, Chủ Tịch nước có tha ai đâu! Tên miền Trung có vẻ cáu tiết: Anh đừng nói láo! Hãy tin tưởng, nghe không! Cửa đóng, tiếng những bước chân xền xệt nhỏ dần ra phía cổng xà lim. Lòng tôi dâng lên một niềm thương mến anh Căn vô độ. Sau khi vểnh tai nghe ngóng và phán đoán là lúc này không còn tên cán bộ nào trong xà lim, tôi liền lên tiếng. Vì tôi muốn là người đầu tiên nói với anh những lời thăm hỏi, ủi an thầm kín, của một người đồng chí hướng: - Anh Căn ơi! Tôi xin chia xẻ nỗi đau buồn của anh. Giọng anh run run, xúc động: - Cám ơn anh, tôi chỉ thuơng vợ con tôi thôi! - Anh hãy nên….. Đột nhiên, tiếng cô Hương buồng số 9 chận ngang câu nói của tôi, bằng một giọng thì thào vội vã: - Cán bộ vào! Tôi thầm cảm ơn người số 9. Trong khi hai bên nói chuyện, lại đều bị cùm, cô đã gác tụi áo vàng cho chúng tôi. Từ lúc này, nếu chúng tôi muốn nói chuyện đều phải nhờ buống số 9. Chẳng hiểu buồng số 9 có thấy như vậy không? Đêm hôm đó, và cả ngày hôm sau, lòng tôi đầy vơi bao nhiêu ngả vì anh Căn. Anh và tôi, tuy mới vừa biết nhau, thậm chí tôi còn chưa trông rõ mặt anh, thế mà lòng tôi cảm thấy thân thương, gần gũi. Có phải lòng tôi như vậy, vì anh là một người lính chiến của thế giới tự do, mang trong mình giòng máu Quốc Gia chống cộng? Điều ấy, có lẽ tôi không phủ nhận. Vâng, có! Nhưng chỉ một phần thôi, phần đó lại chưa phải là phần cơ bản. Bởi vì, trên đường tôi đi, tôi đã gặp nhiều, nhan nhãn, đâu mà chả có những người lính chiến, vào sinh ra tử, không từ nan gian khổ, dù có phải hy sinh tính mệnh, vẫn cầm chắc tay súng, ghim những viên đạn thù vào đầu lũ giặc cộng, vì tự do cho mọi người. Phần chính làm tôi dạt dào mến mộ anh, đó là, anh đã chiến đấu, và không may anh bị rơi vào tay kẻ thù. Bây giờ, anh đã nhận lãnh một bản án tử hình, do tòa án phi công lý của kẻ thù kết tội. Anh đang nằm chờ ngày anh về với cát bụi, một mình giữa đơn lạnh, hoang vắng trong tăm tối gông cùm, không một ai hay. Có chăng, chỉ người vợ dại và hai đứa con thơ của anh. Trong đêm tối mịt mùng này, chỉ có mình tôi, tôi đại diện cho tất cả mọi người đang được hưởng tự do và hạnh phúc, biết ơn anh. Nếu không có hàng triệu triệu những chiến sĩ vô danh như anh, ngoài chiến trường, trong rừng sâu, ngoài biên cương hẻo lánh, hay trong nơi tăm tối ngục tù, thì làm sao có những người đang được nhởn nhơ, ngụp lặn trong đống vàng, và đang bơi lội trong hạnh phúc. Tôi cứ miên man nghĩ ngợi, rồi đi dần vào giấc ngủ muộn đêm thâu. Đang mơ màng, đột nhiên một tiếng cười ré lên làm tôi giật mình tỉnh dậy. Lúc này, có lẽ khoảng 2, 3 giờ đêm, tôi đã ngủ được một giấc khá dài. Đêm càng về khuya, xà lim càng vắng lặng heo hút. Ngoài trời, đêm nay gió thật nhiều! Tiếng gió gầm gào vi vu, nhiều lúc như rít lên trên mái nhà. Tiếng xào xạc, sôi réo từng hồi củ những chiếc lá bàng, lắc lư đập vào nhau theo từng đợt gió mạnh. Tiếng xột xoạt của những chiếc lá rời cành, báo cho thế nhân nàng Thu đã về. Tiếng rên từng chập dài lê thê của buồng số 8; tiếng cò cử như bễ thợ rèn của buồng số 5;…tất cả tạo thành một bản nhạc đêm Thu, cho người không ngủ não nề nằm…..nghe. Hồi nãy, rõ ràng có một gọng cười đã đánh thức tôi dậy, không biết của buồng nào? Tôi đang nằm tỉnh mơ, lòng băn khoăn vì tiếng cười, tai vẫn thuởng thức đệu nhạc Thu đêm dài, đột nhiên, tiếng cười lại ré lên. Lần này nghe rõ mồn một, của buồng số 10; cứ im một tí lại cười. Có lúc dòn khậc khậc như con gà Tây gáy, có lúc ngắc ngư khìn khịt như con heo nái, đang hục mõm trong máng cám tìm ăn; lại có lúc nghe ọt ẹt, õng ẹo như con gà mái muốn đẻ đang gại trứng. Những tiếng cười này làm cho tôi, và có lẽ cho một số buồng khác chung quanh, không ngủ được cho tới sáng. Một tên cán bộ từ ngoài cổng xà lim đi vào, quát ầm lên: - Buồng nào làm ầm thế? Chẳng có tiếng trả lời! Vẫn chỉ là những tiếng sằng sặc như lắc lẻ của buồng số 10. Tên cán bộ vào, mở cửa sổ nhỏ buồng 10, hỏi: - Anh cười cái gì thế! Anh điên à? Im lặng, cả tiếng cười cũng bặt luôn. Tên cán bộ vừa đóng cửa sổ nhỏ lại, vừa gằn giọng: - Anh không ngậm ngay cái miệng của anh lại, tôi vào cùm đầu anh bây giờ! Chỉ im được một lúc, rồi vẫn tiếng cười ấy nổi lên. Có khi, cười chán lại khóc, hễ có cán bộ vào quát thì im, khi cán bộ ra, lại tiếp tục như cũ. Suốt ngày đêm! Sáng hôm nay cũng vậy, nhưng tên Chiến trực chính của xà lim I, xưa nay vẫn có tiếng trị những người tù dở chứng. Y vào, mở cửa buồng số 10: - Anh bỏ ngay cái trò con tiều đó đi! Anh muốn giả điên hả? Tôi đã trị bao nhiêu thằng điên như anh rồi. Anh có ăn được cứt ngon như ăn cơm không? Im lặng, không hề nghe tiếng số 10. Tên Chiến đi ra, số 10 lại tiếp tục cười. Tên Chiến trở vào, rút chốt cùm, quát to: - Bỏ chân vào! Lục đục một lát, tên Chiến lại quát: - Bỏ 2 chân vào! Nếu biết điều, không làm ồn nữa, tôi tha cho, nếu tiếp tục làm ồn, tôi sẽ cùm mồm lại. Anh càng dở chứng, anh càng chết sớm! Nhiều buổi, tôi thấy số 10 đổ cơm nước, linh tinh ra lối đi. Dạo này, cũng không thấy số 10 đi đổ bô hay tắm rữa. Vẫn ngày đêm, lúc cười, lúc khóc. Những tiếng cười, tiếng khóc này càng gợi thêm nỗi não nề, cay đắng cho người chung quanh. Mấy ngày sau, chẳng hiểu cứt, đái của anh ta trong buồng thế nào, mùi thối hoăng xông lên. Ngày cũng như đêm, cứ thỉnh thoảng lại một cơn heo may nhè nhẹ, đẩy vào buồng tôi mùi phân khăn khẳn buồn nôn. Chứng kiến buồng số 10, và bao nhiêu buồng trước đây nữa của xà lim III, xà lim II, tôi lại hình dung cảnh tù đầy của chính mình. Thú thật, tôi rất sợ bệnh thần kinh. Ở trong xà lim như thế này, lâu ngày, rất dễ bị thác loạn tinh thần. Nào là cực khổ đói rét, thần kinh căng thẳng ngày đêm vì cung kẹo, rồi những suy tưởng đến gia đình, bạn bè, xã hội, cuộc đời…..bao nhiêu thứ giằng co, cào xé bộ óc. Miệng thì câm như hến, nhưng đầu óc thì cứ căng ra suốt đêm ngày. Tinh thần bị ức chế tối đa! Vậy, nếu không chịu tìm nhiều lối thoát cho tư tưởng, và có một nghị lực chế ngự mạnh, không sớm thì muộn, tinh thần sẽ không còn bình thường nữa. |
|
|
![]() ![]() |
Lo-Fi Version | Time is now: 22nd July 2025 - 09:18 PM |