![]() |
Warning: Declaration of class_bbcode::convert_emoticon($matches = Array) should be compatible with class_bbcode_core::convert_emoticon($code = '', $image = '') in /hermes/bosnacweb07/bosnacweb07as/b283/d5.kekho/public_html/forums/sources/classes/bbcode/class_bbcode.php on line 641
![]() |
![]() ![]()
Post
#1
|
|
Bảo vệ tổ quốc ![]() ![]() ![]() Group: Năng Động Posts: 1,585 Joined: 11-April 08 Member No.: 18 Country ![]() ![]() |
Tôi Phải Sống
Lời Mở Đầu - Bút Ký Năm Quý Mùi 2003 Kính Dâng Lên Mẹ Việt Nam Với tâm tình Vọng Cố Hương Để Tưởng Nhớ Hương Hồn Cha Má Để nhớ ơn Sinh Thành Dưỡng Dục Anh Linh các người anh Đặng Văn Tiếp Trịnh Tiếu Lâm Thành Văn Để nhớ thời gian trong trại tù Thanh Cẩm Vong Linh người em Đỗ Thanh Bình (Bình Thanh) Để nhớ tình anh em kết nghĩa trong tù Những người đã nằm xuống trong cuộc chiến tương tàn trên quê hương. Để chia sẻ quãng đời bất hạnh Lạy Chúa! Xin cho lời con nguyện cầu. Tựa hương thơm bay lên tôn nhan Chúa” TỰA Tháng 6 năm nay (2003), từ Tân Tây Lan, linh mục Nguyễn Hữu Lễ gọi điện thoại và ngỏ ý muốn tôi viết lời tựa cho cuốn bút ký “Tôi phải sống" mà ông vừa hoàn tất. Tôi nhận lời không một chút đắn đo vì coi đó là một vinh dự. Tác phẩm này, từ lâu tôi vẫn mong được đọc vì chính bản thân tôi cũng muốn làm một công việc tương tự nhưng không gặp điều kiện thuận lợi để thực hiện. Sau khi nhận bản thảo, tôi lao vào đọc cuốn bút ký một cách mê say, không ngừng nghỉ. Trải dài trên hơn 400 trang giấy, tác phẩm này được chia thành 11 chương. Mỗi chương gồm một số bài viết có vóc dáng như những bài luận văn được trau chuốt tận tình để quảng bá những dòng suy nghĩ cần phổ biến. Dọc theo chiều dài của tập bút ký, những tình cảnh éo le và những trạng huống hiểm nghèo, bi đát, trong các trại tù cộng sản đã được tác giả thuật lại sống động và trung thực, với một văn phong nhẹ nhàng và tự nhiên như hơi thở. Mặc dầu không phải là một pho truyện trinh thám nhưng người đọc luôn luôn ở trong trạng thái nôn nóng vì muốn biết tác giả viết gì thêm trong những trang kế tiếp. Các liều lượng hỉ, nộ, ai, lạc được phân bổ hài hòa và sử dụng một cách cân nhắc để tránh cho nội dung tác phẩm sự nhàm chán thường gặp. Lược qua những dòng viết tâm tình ta được biết tác giả sinh ra và lớn lên tại một vùng quê thuộc tỉnh Vĩnh Long. Gia đình theo đạo Công Giáo và cư ngụ trong vòng đai của ngôi thánh đường nhỏ trong làng có tên là nhà thờ Bưng Trường. Ngày tác giả mở mắt chào đời là ngày đất nước đang bị chiến tranh tàn phá. Tiếng bom đạn và những xác chết trôi sông, đối với tác giả cũng như đối với các bạn cùng lứa tuổi, là những âm thanh và cảnh tượng quen thuộc hàng ngày. Kiếp sống lầm than, cơ cực và hoàn toàn thiếu an ninh của người dân thôn dã đã làm mủi lòng người thanh niên mới lớn giàu lòng bác ái. Ta hãy đọc những dòng viết sau đây của tác giả khi ông chuẩn bị bước vào đời. “Tôi nghĩ tới con đường làm linh mục năm tôi 20 tuổi sau khi học xong ban trung học. “Cái nhìn của tôi về hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ... đã ảnh hưởng tới sự lựa chọn của tôi. Tôi quyết định chọn đời linh mục vì tôi biết trong cương vị đó tôi sẽ phục vụ người dân thấp cổ bé miệng hữu hiệu hơn.” ( trang 51 ). Thụ phong linh mục năm 1970, lúc vừa tròn 27 tuổi, tác giả hăng say làm công việc cứu nhân độ thế, nhưng không may, chưa được bao lâu, thì họa cộng sản đổ sập xuống miền Nam, và chính bản thân ông cũng bị cuốn vào vòng lao lý như hàng triệu người công dân vô tội khác của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Sau ngày 30 tháng Tư đen của năm định mệnh 1975, ông lê gót chân, hết nhà tù này đến trại giam khác, từ Nam chí Bắc, để chịu kiếp đọa đầy mà những người cộng sản Việt Nam đã nhẫn tâm áp dụng đối với đồng bào ruột thịt, trong ý đồ vừa trả thù vừa tránh hậu họa sau này cho cái chế độ sâu dân mọt nước. Tắm máu đã không xẩy ra sau khi miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm bằng võ lực, nhưng những gì mà độc giả cảm nhận sau khi đọc cuốn bút ký của linh mục Nguyễn Hữu Lễ, sẽ còn ghê tởm, thâm độc và ác nghiệt gấp triệu lần. Một phần bút ký “Tôi Phải Sống" tả lại cái khung cảnh hãi hùng của 13 năm tù cộng sản. Vì phải tiếp giáp hàng ngày với thần chết trong suốt quãng đời cơ cực ấy nên tác giả đã xuống quyết tâm phải tồn tại để làm nhân chứng sống cho một giai đoạn cực kỳ thảm thương của đất nước và thay đổi quan điểm sai lầm của một phần dân tộc về một thứ chủ nghĩa ngoại lai đã lỗi thời và đã đi vào sọt rác của lịch sử. Những chương trong bút ký liên quan đến hệ thống trại tù của cộng sản Việt Nam đã được tác giả ghi lại với một bút pháp tuyệt vời, với một mức độ chính xác chưa từng thấy và với một tấm lòng tha thứ, bao dung hiếm có ngay cả đối với những người rắp tâm tiêu diệt bản thân mình. Đọc tác phẩm này, nếu độc giả không phải là người mau nước mắt thì cũng sẽ rùng mình ghê sợ và xót thương cho số phận của những con người Việt Nam bị chính đồng bào mình đầy đọa xuống đáy tầng của địa ngục trần gian. Mức độ độc ác và tàn nhẫn không thua kém gì những “holocaust" Đức Quốc Xã dành cho người Do Thái trong Thế Chiến thứ hai. Chế độ tù trong xã hội cộng sản Việt Nam là sản phẩm của một chính sách hủy diệt dấu tay kinh tởm ngoài sức tưởng tượng của con người. Với một thời gian giam giữ vô hạn định giữa bốn bức tường kiên cố của các trại tù hôi hám thiết lập tại những nơi thâm sơn cùng cốc, chính sách này đã biến con người thành con vật. Bằng phép thuật khủng bố tư tưởng nó đã tạo nên những tên phản thầy phản Chúa, phản lại lý tưởng mình theo đuổi. Bằng chủ trương "bỏ đói" nó đã đưa dẫn tù nhân tới chỗ giết nhau chỉ vì một miếng cơm hay mẫu bánh. Thậm chí nó đã thúc đẩy con người nghĩ cả đến việc ăn thịt đồng cảnh để sống còn. Tác giả Nguyễn Hữu Lễ đã thuật lại những "chuyện khó tin nhưng có thật" đó với những giọt nước mắt chảy ngược vào tim vì chính ông là nạn nhân của những hiện tượng kinh hoàng vừa nói. Mặc dù vậy sau khi xếp sách lại chúng ta mới cảm nhận được hết sự chan hòa với tâm tình yêu mến quê hương và dân tộc của một Linh mục tù nhân, chứng nhân và là nạn nhân của bao nhiêu tình cảnh đau thương. Tác giả kết luận: “Hãy để cho bóng tối đi qua và cùng nhau hướng về nguồn sáng của bình minh dân tộc” "Xã hội tù’” của CSVN là hình ảnh thu hẹp của một xã hội lớn hơn: xã hội Việt Nam sau ngày 30 tháng tư đen tối. Mười ba năm dài đằng đẵng, với thiên chức của một vị linh mục, tác giả đã thành công trong việc cảm hóa và cải tà quy chính rất nhiều đối tượng đã mất hết tính người vì chính sách trại giam của cộng sản. Mong rằng tác giả cũng sẽ thành công một lần thứ hai khi trở lại đời sống bình thường, cho đúng với ước nguyện của ông lúc ban đầu, cho dân tộc được hưởng không khí tự do và cho tổ quốc có điều kiện vươn lên cùng nhân loại văn minh. Maryland ngày 20 tháng 6 năm 2003 Nguyễn Cao Quyền |
|
|
![]() |
![]()
Post
#2
|
|
Bảo vệ tổ quốc ![]() ![]() ![]() Group: Năng Động Posts: 1,585 Joined: 11-April 08 Member No.: 18 Country ![]() ![]() |
Chương 1: Bước Ngoặt Cuộc Đời
1 Bước Ngoặt Cuộc Đời Từ giã Thạnh, anh bạn Linh mục thân nhất, tôi bước lên chiếc xe lô Minh Chánh tại ngã ba Trung Lương để lên Sài Gòn. Lúc bấy giờ trời đã về chiều. Chiếc xe hôm đó chật như nêm. Hành khách phần đông là các chị em bạn hàng ngồi chen lẫn với các bao bị, túi cói căng phồng, cố nhét vào chỗ nào đó trong xe mà người ta có thể nhét được. Tôi được xếp ngồi chen vào giữa anh tài xế và một người đàn ông đứng tuổi, vì tôi chẳng có hành lý gì ngoài cái túi đeo vai chỉ nặng chừng hơn ký-lô. Trong vị trí đó, có lẽ tôi là hành khách chiếm ít khoảng trống nhất trên chuyến xe có giá vé đồng hạng này. Chiếc xe tôi đang đi là loại xe Hoa Kỳ hình dáng rườm rà, to và dài như một con kình ngư bằng sắt. Hai cái đèn trước đầu xe như đôi mắt thật lớn và đuôi là cặp đèn lái rườm rà vểnh lên cao. Không kể băng tài xế, xe còn hai băng ngang phía sau, và một khoảng trống khá rộng dùng để chở hàng hóa và cuối xe là cái bửng cao độ 50 phân chặn ngang. Kiểu xe của thập niên 60 này được tung ra thị trường có lẽ để nhắm vào nhu cầu của các gia đình đông người. Tuy nhiên, khi qua tới Việt Nam xe đã được cải biến lại cho phù hợp để chuyên chở hành khách nên được gọi là xe 'lô', bởi chữ 'location' trong tiếng Pháp. Loại xe lô này đưa rước khách trên những tuyến đường ngắn, trên dưới trăm cây số, để nhắm vào những người cần đi gấp. Xe chạy rất nhanh so với xe đò bình thường. Mặc dù giá vé đắt hơn xe lớn và trên xe phải chen lấn chật chội, nhưng xe lô rất tiện dụng và đúng giờ nên lúc nào cũng đông khách. Thông thường xe có đủ chỗ cho tám người, kể cả tài xế, nhưng khi biến thành xe lô, có thể “nhét” tới 15 người hoặc hơn nữa. Riêng khoảng trống phía sau, có thể chứa năm sáu người ngồi bệt xuống sàn xe quay mặt tứ phía. Khi cần, cái bửng ở cuối xe cũng được hạ xuống để có thể chở thêm vài ba người ngồi nhìn ngược về phía sau. Nói tóm lại, hễ còn chỗ trống là cứ nhét, càng nhiều người càng tốt, có khi người này ngồi lên đùi người khác cũng không ai lấy thế làm phiền. Có điều hay là, khi xe đã chật ních cả người lẫn hành lý, nhưng hễ có khách đón, xe vẫn ngừng và còn đủ chỗ cho khách mới. Tôi phục tài thu xếp và miệng mồm khéo nói của mấy anh tài xế xe lô. Hầu như anh nào cũng trẻ trung vui tính, lúc nào cũng cười tươi khi xếp chỗ kèm theo câu nói:“Chịu khó ngồi chật chút nghe bà con, sắp tới nơi rồi!” Và lúc nào câu nói ấy cũng có hiệu nghiệm. Đoàn xe lô Minh Chánh hoạt động song song với những hãng xe đò lớn khác trên tuyến đường Sài Gòn - Mỹ Tho, và cách mười phút là có một chuyến rời bến, trong khi xe lớn phải đợi tới nửa giờ hoặc hơn. Trên quốc lộ 4 nối liền Sài Gòn và các tỉnh miền Tây vào buổi chiều tà này, đường bắt đầu vắng, xe cộ thưa thớt, nên xe tôi chạy rất nhanh. Ngồi yên trên xe một lúc, sự mệt nhọc và chán chường choáng ngộp, như biến tôi thành người mộng du. Tôi lặng nhìn về phía trước, cảnh vật vùn vụt chạy ngược chiều khi chiếc xe cứ ngon trớn nuốt ngắn đoạn đường. Tôi nhìn nhưng dường như chẳng thấy gì và cũng chẳng buồn để ý tới tiếng cười nói ồn ào từ phía sau. Bất thần, tôi có cảm giác lừ đừ như người vừa uống ly rượu mạnh, nên tựa đầu vào thành ghế, xoay người tìm tư thế thoải mái, trong cái hốc nhỏ xíu giữa hai con người. Tôi nhắm mắt và cố gạt những ý tưởng vụn vặt rối bời đang lẩn quẩn trong đầu, nhưng nào có quên được dễ dàng. Quá khứ lại vồ lấy tôi. Những tháng ngày về làm nhiệm vụ Linh mục trong tỉnh Bến Tre chưa được bao lâu, nhưng sao có quá nhiều việc xảy ra, và dường như từ chuyện lớn tới chuyện nhỏ đều góp phần dẫn đưa tôi đến bước đường này. Câu chuyện giữa anh tài xế và các cô các bà phía sau càng lúc càng náo nhiệt. Họ cười nói huyên thuyên, nhưng tôi chẳng chú ý nghe được chuyện gì ra chuyện gì. Người đàn ông ngồi cạnh tôi phía ngoài có dáng khắc khổ, gương mặt sạm nắng, ra dáng một người nông dân hơn là người làm việc trong bàn giấy. Nhận xét này làm tôi cảm thấy dễ chịu, vì thời buổi bấy giờ tôi rất dè dặt khi phải tiếp xúc với người lạ, nhất là những người nào có vẻ “cán bộ” thì càng phải giữ kẽ nhiều hơn. Người đàn ông này, không có vẻ gì là cán bộ và cũng tỏ ra không hào hứng góp chuyện với anh tài xế và bà con ở phía sau. Tôi ngồi lặng yên, mơ màng nhớ lại những ngày tháng qua... Gần một năm trước đây, tôi được bổ nhiệm về làm cha sở họ đạo La Mã, thuộc huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre. Vùng này, trước kia có tên là Bàu Dơi, một nơi nghèo nàn, dân cư thưa thớt. Tới đầu thập niên 50, ở đây có xảy ra hiện tượng Đức Mẹ hiện ra, khiến nơi vắng vẻ này được nhiều người biết tới và dần dần trở nên một trung tâm hành hương khá sầm uất, sau đó được nâng lên thành giáo xứ. Theo lời kể lại, một hôm có người đàn bà đi mò cá dưới sông, nhặt được một khung ảnh cỡ lớn nhưng không còn thấy hình ảnh gì. Có lẽ khung ảnh này chìm dưới nước đã lâu. Người có được khung ảnh cũng chẳng biết làm gì với nó, nên đưa về nhà, chèn vào vách lá che mưa che gió. Một hôm, tình cờ một người có đạo trong vùng tới chơi và thấy khung ảnh, nghĩ trước kia có thể là ảnh thờ phượng nên xin về để trên bàn thờ trong gia đình. Thời đó trong vùng có chiến tranh. Ngày nọ có cuộc hành quân trên sông của binh lính Pháp. Tàu Pháp bắn súng lớn, súng nhỏ, làm hư hại và sập nhiều nhà cửa của dân chúng. Trong cơn lửa đạn, gia đình có khung ảnh lo sợ vội chui xuống dưới bàn thờ nấp và cầu nguyện xin Chúa và Đức Mẹ che chở. Điều rất ngạc nhiên, là sau khi êm tiếng súng, người nhà bò ra và nhìn lên bàn thờ thì thấy khung ảnh mờ đục trước kia đã lộ ra hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp một cách khá tỏ tường! Sự kiện đó được trình cho giáo quyền đến chứng nhận và lập biên bản. Tin lành đồn ra, và càng ngày càng có nhiều người tin tưởng tới kính viếng và cầu nguyện với Đức Mẹ. Dĩ nhiên giáo quyền không chính thức công nhận, nhưng cũng không ngăn cấm lòng sùng kính của giáo dân. Có rất nhiều người tới đây kính viếng, cầu xin và được ơn. Chứng tích này còn lưu lại trong các bia đá “Tạ Ơn” gắn khá nhiều trong nhà thờ. Vùng Bàu Dơi hẻo lánh trước kia, nay đã trở thành một trung tâm hành hương thu hút nhiều người từ phương xa tới kính viếng. Đường sá được sửa sang và một số dân các nơi khác về đây sinh sống. Tới năm 1953, khách hành hương dâng cúng tiền xây một ngôi nhà thờ, tuy nhỏ nhưng rất khang trang, có cả các dãy nhà cho khách hành hương tạm trú. Nơi này được Giám mục Ngô Đình Thục nâng lên thành họ đạo, tiếng miền Bắc là giáo xứ, lấy tên là họ đạo La Mã để kính nhớ giáo đô Rôma. Năm 1960 Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) ra đời, đã tạo nên một giai đoạn mới trong lịch sử chính trị Miền Nam. Tình trạng an ninh người dân được hưởng những năm đầu của Chánh quyền Ngô Đình Diệm dần dần giảm đi, theo nhịp độ hoạt động và sự lớn mạnh của MTGPMN. Riêng tỉnh Bến Tre, có tên là “Quê Hương Đồng Khởi”, nơi mà MTGPMN hoạt động mạnh mẽ, làm cho tình hình càng ngày càng căng thẳng hơn. Những năm tiếp theo, cuộc giao tranh Quốc - Cộng càng lúc càng leo thang và bành trướng tới nhiều nơi, đặc biệt trong tỉnh Bến Tre nói chung và tại họ đạo La Mã này nói riêng. Trong tình thế đó, một số đông giáo dân trong họ đạo đã tản cư lánh nạn. Khách hành hương cũng thưa thớt, và họ đạo dần dần trở nên tiêu điều. Vì giáo dân tản cư lánh nạn gần hết, nên năm 1961 cha sở họ La Mã cũng rút đi, chỉ còn mấy Dì phước dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn và một số rất ít giáo dân ở lại trông coi nhà thờ và vườn tược. Từ đó, cha sở họ đạo Cái Bông, cách đó 6 cây số, lên xuống dâng lễ và phụ trách mặt tinh thần cho giáo dân. Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mà giáo dân các nơi thường về kính viếng cũng được đưa về nhà thờ Cái Bông cho an toàn hơn. Chiến tranh càng ngày càng leo thang. Trong thời chiến, Nhà thờ La Mã trở thành nơi trú ẩn và dung thân cho cán bộ cộng-sản trong vùng. Ai cũng biết phía quốc-gia không bắn phá hoặc giội bom các cơ sở tôn giáo, nên các nơi đó là điểm trú ẩn an toàn cho dân chúng và cán bộ khi có cuộc hành quân. Để cho danh chính ngôn thuận, một số cán bộ MTGPMN cỡ lớn trong vùng, đã xin chịu phép Rửa tội và nấp dưới bóng áo dòng của các Linh mục và các Dì phước, để che mắt cơ quan an ninh phía quốc-gia. Nếu không tránh được mà phải bị bắt, thì cũng chính các Linh mục và các Dì phước là những người họ chạy tới trước tiên. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm đã tạo nên sự gắn bó khá mật thiết giữa các Linh mục, các Dì phước với các cán bộ của MTGPMN trong vùng. Cho tới ngày 30 tháng Tư năm 1975, miền Nam rơi vào tay cộng-sản. Lúc bấy giờ, tôi đang phục vụ tại Nhà thờ Chánh tòa Vĩnh Long. Đối với rất nhiều người, ngày 30 tháng Tư năm 1975 là một cuộc đổi đời. Cá nhân tôi cũng nhận thấy rỏ điều đó. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc chiến tranh bom đạn đã chấm dứt, nên ở khắp nơi, người dân tản cư lánh nạn trong thời kỳ chiến tranh, bắt đầu thu xếp trở về sinh sống nơi quê xưa chốn cũ. Tại họ đạo La Mã cũng vậy, số giáo dân tản cư lánh nạn trong thời kỳ chiến tranh nay cũng lần lượt quay về. Trong một thời gian ngắn, số giáo dân trở nên càng lúc càng đông, nên có nhu cầu cần một Linh mục phụ trách. Tôi được đức Giám mục Nguyễn Văn Mầu, Giám mục Vĩnh Long chỉ định vào nhiệm vụ cha sở họ đạo này. Lúc bấy giờ, tình thế đã hoàn toàn thay đổi. Những cán bộ cộng sản nằm vùng đã từng núp bóng các Linh mục và các Dì phước trước đây, bây giờ là những kẻ chiến thắng và một vài người trong số đó đang nắm quyền ở địa phương này. Lúc tôi tới, họ đạo còn có hai Dì phước thuộc dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn, và một Ban quí chức, tiếng miền Bắc gọi là Hội đồng Giáo xứ, mà đa số trong đó là những cán bộ hoặc gia đình cán bộ. Tôi là người từ tỉnh khác mới đổi về và là một gương mặt mới, hoàn toàn xa lạ với tất cả mọi người trong giáo xứ và trong vùng. Mặc dù cố gắng tối đa để sống hòa đồng với mọi người, nhưng dần dần tôi cũng trở thành người bị nghi kỵ và bị chú ý theo dõi, ngay cả trong số những người gần gũi nhất với tôi trong họ đạo. Đàng khác, trong cương vị một cha sở, tôi không thể im lặng trước một thứ tà thuyết vô thần và thái độ chống báng tôn giáo một cách quá trắng trợn của một số người trong chánh quyền địa phương. Tôi cũng không thể làm ngơ trước sự can thiệp vào nội bộ tôn giáo và áp bức tôn giáo một cách ngang ngược của hạng người đang bị lên cơn sốt thời cuộc. Họ đã gây nên không biết bao nhiêu đau khổ và uất ức cho những người thất thế vì thời cuộc đổi thay. Những kinh nghiệm đau lòng của buổi giao thời này tôi không bao giờ quên. Trong bối cảnh đó, tôi có gặp khó khăn và áp lực từ nhiều phía và nhiều người cũng không phải là chuyện khó hiểu. |
|
|
![]() ![]() |
Lo-Fi Version | Time is now: 22nd July 2025 - 11:43 AM |