Warning: Declaration of class_bbcode::convert_emoticon($matches = Array) should be compatible with class_bbcode_core::convert_emoticon($code = '', $image = '') in /hermes/bosnacweb07/bosnacweb07as/b283/d5.kekho/public_html/forums/sources/classes/bbcode/class_bbcode.php on line 641 Trường Xưa Ngày Ấy - Nguyên Hiền ( Cựu Nữ Sinh Gia Long ) - PLEIKU PHỐ NÚI FORUMS

Welcome Guest ( Log In | Register )

> Trường Xưa Ngày Ấy - Nguyên Hiền ( Cựu Nữ Sinh Gia Long )
M&N
post Mar 21 2009, 02:09 PM
Post #1


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Trang Chủ
Posts: 11,665
Joined: 7-April 08
Member No.: 6
Country



TRƯỜNG XƯA NGÀY ẤY

NGUYÊN HIỀN

PHẦN MỘT


Kim đến trường Mỹ Ðức Ðông vào một ngày mưa dầm. Sau khi nhóm họp, các giáo viên mới ra trường được chia làm ba nhóm đến nhà các anh chị giáo viên ở gần trường để lo ăn uống và nghỉ tạm qua đêm.Kim, Lệ và hai bạn khác cùng đến nhà chị Son.
Trước khi xuống Mỹ Ðức Ðông Kim đã ghé Ba Dừa ở Cai Lậy, quê của Lệ, một người bạn học chung khóa sư phạm cấp tốc, và về cùng một nhiệm sở với nàng. Chiều ở nhà Lệ Kim được uống nước dừa, nước dừa ở Ba Dừa ngọt thanh làm sao ! Nhưng đến khi gần sáng Kim chợt phát lảnh rung cầm cập. Má của Lệ vội xong rượu cho Kim. Bà nói có lẽ vì cơn cảm mạo của nàng chưa dứt mà uống nước dừa nên bị vật. Không biết má của Lệ xông rượu làm sao đó mà Kim cảm thấy hơi nóng bốc lên từ dưới bàn chân, rồi lan dần cả toàn thân. Buổi sáng trước khi Kim và Lệ ra đi, bà còn nhét thêm cho Kim vài viên thuốc cảm, và căn dặn không được ăn cơm. Giờ đây Kim phải nhịn cơm ăn cháo. Khi Kim nấu xong nồi cháo thương hàn với cái trứng gà thì chiều đã sụp xuống. Hai cô giáo mới và Lệ tiếp tục mượn bếp nhà chị Son để lo cơm nước.
Kim chọn một chỗ ngồi ngó ra bờ sông. Con sông Cá Thia rộng gấp ba nhánh sông chảy qua chợ Gò Công, nơi mà khi còn bé Kim đã từng ôm phao đùa với nước. Mưa ngoài trời tầm tả làm xóa mờ bên kia bờ sông thuộc xã Mỹ Lương, tạo cho Kim một nỗi buồn mênh mông. Gió thổi tạt vào tấm bạt chắn ở cửa sổ kêu lật phật, làm buốt giá lòng nàng. Ðây là ngày đầu tiên Kim thật sự bước vào cuộc đời, một cuộc đời do chính nàng chọn lựa. Kim chưa cảm thấy nhớ gia đình vì nàng đã từng xa gia đình thời kỳ học sư phạm ở Mỹ Tho, nhưng nàng thấy lẻ loi, và se thắt tự cõi lòng.
“ Cô lên phía trước ngồi, phía sau này gió lắm. Cháo có bỏ tiêu không, cho ấm ! “
“ Dạ có, cám ơn anh ba ! “
“ Chừng mười phút nữa là họp đứơc rồi ! “
“ Dạ ! ”
Ăn cháo xong, Kim liền bước lên nhà trên theo lời anh ba Nghĩa, hiệu trưởng của trường. Anh cũng yêu cầu các chị trong bếp cho anh vài giây phút để nói thêm đôi điều trước khi từ biệt. Khi Kim bước lên phía trên thì thấy các anh chị giáo viên khác cũng đã tề tựu đầy đủ. Anh Nghĩa giới thiệu một người đẹp ngồi xéo ở một góc bàn.
“ Cô Hồng Nhung_ hiệu phó của trường.! “
Quả cô hiệu phó xứng đáng với cái tên, cô đẹp như một đóa hoa hồng mới nở. Kim thầm nghĩ ở một xã hẻo lánh như thế này có một người đẹp như cô làm hiệu phó thật là hiếm hoi. Buổi sáng Hồng Nhung về phòng giáo dục họp nên đến bây giờ mọi người mới gặp mặt. Chị Son đã đốt ngọn đèn hoa kỳ để ở giữa bàn làm cho căn phòng trở nên ấm cúng. Lệ và Kim cùng ngồi vào bàn với anh Nghĩa và Hồng Nhung, còn các anh chị khác ngồi trên bộ divan đặt ở sát vách. Mọi người lắng nghe anh Nghĩa và Hồng Nhung thay nhau hướng dẫn lối sống và làm việc với người dân ở đây. Anh Nghĩa có nét mặt và vóc dáng của một quân nhân hơn là một ông thầy giáo. Anh được biệt phái về làm hiệu trưởng của trường Mỹ Ðức Ðông vài năm trước ngày ba mươi tháng tư. Thoạt nhìn anh với nét mặt già dăn và hàm râu mép rậm rạp rất dễ làm khiếp vía học trò. Tuy nhiên khi anh cười để lộ hàm răng rắn chắc đầy khói thuốc_ một nụ cười rất đôn hậu !. Lời ăn tiếng nói của anh rất gọn gảy, chân tình, dễ tạo cảm tình với bất cứ ai. Kim nghĩ nàng sẽ làm việc được với anh. Trước khi chia tay ra về, anh Nghĩa còn nhắc các giáo viên mới ngày mai vào khoảng tám giờ sáng ban giám hiệu sẽ đưa mọi người vào các điểm trường bằng tắc ráng. Anh cũng nói thêm một câu mà hồi sáng anh đã nói trong phiên họp: “ Trường Mỹ Ðức Ðông may mắn có một đội ngủ giáo viên trẻ, khỏe, nhiệt tình....”. Có lẽ vì quá mệt và cũng nhờ mưa xuống mát trời nên đêm đó Kim ngủ thiệt ngon.
Xã Mỹ Ðức Ðông thuộc huyện Cái Bè, tĩnh Tiền Giang. Ðịa hình xã Mỹ Ðức Ðông ( hay Mỹ Ðông) chạy dài theo nhánh sông Cá Thia, vắt qua quốc lộ bốn (người dân thường gọi tắt là lộ bốn) bởi cầu Mỹ Quới. Cầu Mỹ Qưới coi như là ranh giới của Bắc lộ và Nam lộ. Bắc lộ gồm các điểm trường Bà Năm, Kỳ Ðà và Kênh Lạc. Nam lộ gồm có điểm trường Mỹ Qưới nằm ngay chân cầu, ba bốn điểm trường khác nằm sọc theo dòng sông, và trường chánh nằm ngay chợ Cá Thia. Kỳ Ðà là điểm trường cuối cùng thuộc vùng hẻo lánh của xã. Ðiểm trường Bà Năm mà anh Nghĩa chỉ định Kim và Lệ về công tác cách quốc lộ chừng tám trăm mét.

Buổi sáng sau khi ăn qua loa mọi người xuống tắc ráng. Ðến bấy giờ Kim mới tĩnh táo để biết rằng ngoài nàng và Lệ còn có tám giáo viên khác về Mỹ Ðức Ðông, ba nam năm nữ. Ðến bến đò mọi người dẳ thấy hai chiếc tắc ráng đã đậu sẵn. Anh Nghĩa chỉ cả bọn xuống chiếc neo sát cầu nước. Có lẽ đám giáo viên mới ai cũng như Kim chưa hề quen đi xuồng hay tắc ráng nên khi vài người trong bọn vừa bước xuống chiếc tắc ráng chòng chành như muốn nghiêng về một bên, anh Nghĩa phải yêu cầu ngồi yên. Chiếc tắc ráng dài hoằng giống như thân con cá kìm, có mui che mưa nắng, chở được khá nhiều hành khách. Hôm nay cô hiệu phó Hồng Nhung ở lại trường, chỉ có anh Nghĩa và chị Chi trưởng ban đời sống cùng đi với các giáo viên mới.
Chiếc tắc ráng từ từ rời bến chạy với một tốc độ vừa phải. Nắng bắt đầu lên, phong cảnh hai bên bờ trở nên rạng rỡ. Kim chọn một chỗ ngồi thuận tiện có thể xoai lưng ra ngoài để vừa ngắm cảnh, vừa lắng nghe được mọi người trò chuyện. Con sông dài ngoằn ngèo như một con rắn khổng lồ. Hai bên bờ là rừng cây, nào xoài, ổi, cóc,...chen chúc. Có những cây xoài, cây dừa thân cong vòng de mình ra dòng sông, che mát cho những chiếc xuồng neo tại đó. Mỗi bên bờ có một lối mòn uốn khúc theo dòng sông, khi bị mất khuất trong cỏ tranh, khi bị ngắt đoạn bởi chiếc cầu khỉ nho nhỏ. Ðây là vùng nước ngọt Tiền Giang lắm trái ngọt cây lành. Kim cảm thấy mát mẻ và thích thú với sông nước hữu tình nơi này.
Anh ba Nghĩa cười nói huyên thuyên. Anh nói về các điểm trường, pha lẫn những câu khôi hài, có lẽ để xóa đi nét u sầu, lo lắng của các cô giáo mới. Các điểm trường lần lượt được mọi người dến thăm viếng. Chị Chị cũng không quên gửi gạo và nhu yếu phẩm cho các giáo viên ở các điểm trường. Nhiều điểm trường mới được cất do nhu cầu của học sinh gia tăng, hầu hết là một phòng, ván lá ọp ẹp, bàn ghế được đóng sơ sài. Vùng đất này trù phú, song người dân chỉ được thật sự an tâm làm ăn sau ngày ba mươi tháng tư khi tiếng súng đã ngưng hẳn, chỉ có trường chánh Cá Thia và trường Mỹ Quới được cất từ lâu là coi tạm được mà thôi.

Chiếc tắc ráng chạy qua cầu Ông Vẽ. Kim đoán từ Cá Thia ra đến cầu này phải trên một cây số. Nhà cửa bên Bắc lộ trông thưa thớt hơn. Theo lời anh Nghĩa từ vùng này trở vào trong ruộng nhiều hơn vườn. Trên đường đến trường Bà Năm có những dãy vườn mận, ổi, xoài xen nhau ...Kim thích thú bấm tay Lệ nói : “ Trời nắng đi dạy có mận ăn thích ghê, Lệ nhỉ ! “. Có những hàng dừa soi bóng xuống dòng sông. Kim tưởng tượng sẽ có lúc ngồi trên thân dừa thẩn thờ ngắm trời mây sông nước. Anh ba Nghĩa yêu cầu tắc ráng đổ lại nhà bác sáu Ban, ông trưởng ấp ở đây để giới thiệu Kim và Lệ về dạy điểm Bà Năm. Sau vài câu giới thiệu, thăm hỏi, và gửi gấm Kim và Lệ sẽ ở trọ nhà bác sáu Ban, anh Nghĩa yêu cầu bác tài chạy sang trường Bà Năm trước, anh sẽ dẫn các giáo viêni đi bộ đến sau
“ Cô Kim coi chừng đi cẩn thận nha, tôi nghĩ cô không quen đi cầu tre.’Cầu tre lắc lẻo gập gềnh khó đi...’ !”
Anh Nghĩa vừa nói vừa chỉ chiếc cầu tre trước mặt, chênh vênh trên con rạch Bà Năm. Kim than thầm trong lòng nhưng ngại lên tiếng. Chiếc cầu đã cao lại dài, được chấp nối lỏng lẻo, rung lên theo từng bước chân đi. Kim vội lột dép ra cầm một tay, còn tay kia vịn thân tre lần dò từng bước mà đi. Ngay cả tay vịn chỉ có thể giúp cho người qua cầu có thể an tâm mà gĩu được thăng băng chớ thật sự không thể tựa vào được vì cũng quá lỏng lẻo Kim thầm nghĩ nếu một mai nàng đi qua cầu này mà bị rớt xuống thì tệ hại vô cùng. Qua khỏi cầu, đặt chân lên mặt đất rồi Kim mới hoàn hồn.
Trường Bà Năm nằm trên một voi đất. Trước mặt trường là ngã ba nơi gặp gỡ của nhánh sông Cá Thia và con rạch Bà Năm; từ đó hai dòng nước họp lại thành một con sông lớn đổ vào Kỳ Ðà. Mặt sau của trường là ruộng lúa mênh mông. Cũng như những trường mới cất ở đây, trường Bà Năm chỉ có một phòng rất ọp ẹp. Sân trước cho học sinh nô đùa nằm trên đường người dân ở đây qua lại, cũng chen được một cột cờ ở giữa, khẳng khiu chịu đựng cùng mưa gió. Bên cạnh trường, cách vài bước là cái quán nhỏ xíu, treo lủng lẳng bánh kẹo ở phía trước. Nhìn qua cánh đồng, xa xa vài căn nhà rải rác, ẩn khuất trong đám cây xanh um.
Vừa dến trường Lệ và Kim vội bước vào lớp dể quan sát. Anh Nghĩa cũng theo sau nói cười rổn rảng:
“ Sao, hai cô có yên tâm công tác nơi này không ? “
Kim và Lệ lặng nhìn những dãy bàn ghế thô sơ, sần sùi, đầy đắp vá, cùng mĩm cười và lí nhí trả lời anh Nghĩa:
“ Dạ được anh ! “
“ Thôi xuống tắc ráng đi các anh chị, để vô Kỳ Ðà còn kịp con nước ! “
Nghe tiếng anh Nghĩa hối thúc Kim và các ban vội vào khoang ngồi Anh Nghĩa đứng trên bờ từ biệt gia đình chị ba Phích, chị chủ quán,. Bác tài đã sẵn sàng cho ghe rời trường Bà Năm. Từ nơi này vào Kỳ Ðà là ruộng bạt ngàn; tuy vậy, cũng có một vài khu vườn ổi mới lên liếp. Dọc theo hai bờ sông, càng vào trong càng có nhiều điên điển, bần, bằng lăng, và dừa lá. Ðến Kỳ Ðà thì dòng sông trở nên hẹp lại. Nhà cửa hai bên sông thưa thớt. Cảnh trí buồn tẻ và hoang vắng quá !.Gió đồng thổi lồng lộng. Vài tiếng chim kêu lạc loài...khiến bốn giáo viên mới vào đây không khỏi ủ ê mày mặt.
Tắc rang vừa cặp bến mọi người vội bước lên bờ. Người không ngớt chắc hít than thở là Nguyễn văn Mạnh. Mạnh và Lý thị Bảy ở Gò Công, cùng quê với Kim; chưa ai đã từng biết bơi xuồng, hay quen đi cầu tre lắc lẻo. Các giáo viên mói ngơ ngác trước một ngôi trường cheo leo, xung quanh chỉ toàn là sông rạch và ruộng lúa mênh mông. Cũng như lần trước, anh Nghĩa dẫn mọi người đến nhà dì ba Nhân để gửi gấm các giáo viên mới. Nhà dì ba Nhân ở sát một bên trường, còn bên kia giáp với đám dừa lá. Trường ở đây có hai phòng, cũng vách lá sơ sài. Giáo viên đang công tác là một cặp mới hứa hôn, sẽ ra trường chánh Cá Thia để nhường lớp lại cho các giáo viên mới ra trường năm nay. Năm rồi ở đây có ba lớp, hai giáo viên. Năm nay bốn lớp, bốn giáo viên mới, đó là Lý thị Bảy, Nguyễn văn Mạnh, Nguyễn Ngọc Hạnh và Trần Duy Lâm. Lý thị Bảy là người mà Kim chú ý nhất. Trên tắc ráng cô ngồi đối diện với Kim; Kim nghĩ nàng không dễ quên đôi mắt đẹp u buồn, có một bớt ruồi trong tròng mắt bên trái của cô _đó là dấu hiệu buồn khổ vì tình duyên (?) Khuôn mặt cô buồn rười rượi, cô ngồi co ro như con mèo ướt. Làn da trắng trẻo và lối ăn diện của cô cho Kim thấy cô khó thich ứng nơi này. Hai cô Bảy và Hạnh trông buồn bả và chán nãn ra mặt. Lâm và Mạnh vào trong xem xét phòng ốc và bàn ghế, rồi trở ra cười méo mó, không nói tiếng nào.
Dì ba Nhân ở đây đã từng giúp đỡ giáo viên, rất ân cần với mọi người, nhưng rồi mọi người cũng không thể nấn ná lâu hơn. Kim và các bạn xuống tắc ráng. để lại bốn giáo viên mới và hành lý của họ. Hai cô giáo mới Bảy và Hạnh bịn rịn tiễn đưa không dằn được nước mắt_ giống như một đám cưới, lúc đàn gái ra về để cô dâu ở lại nhà chồng vậy. Tắc ráng quay trở ra đến trường Bà Năm thì đã quá trưa. Bước lên nhà bác sáu Ban là Kim cảm thấy mệt nên đi nằm một lát.
Nhà bác sáu Ban rất sạch sẽ và khang trang. Qua câu chuyện thăm hỏi Kim được biết nhà bác sáu được sửa lại sau ngày ba mươi tháng tư. Nền được đôn lên cao để tránh nước tràn vào nhà vào mùa nước nổi. Nền nhà được lót gạch tàu còn mới. Cũng như những căn nhà ở vùng này, vách nhà bác sáu được làm bằng nan tre,bên trong nhà ngó ra ngoài rất rõ, nhưng ở ngoài không dễ gì nhìn lọt vào bên trong nếu không đứng sát vách ngó vào. Mái nhà lại được lợp lá chằm nên mát mẻ vô cùng. Nhà trên có hai bô ván ngựa ở sát hai bên vách; bàn thờ và một cái bàn khách hột xoài nằm ở giữa. Nhà trong có một lẩm lúa cao ngất, cái giường và một cái tủ đứng. Căn nhà bếp nối liền nhà trên, ngăn cách nhau bởi một tấm vách. Nhà bếp không có cửa, chỉ làm che đủ cho dàn bếp, và một bộ vạt để ngồi ăn cơm. Dàn bếp được cất cao, xung quanh treo lủ khủ xon nồi ơ chảo. Trong nhà bếp này đặc biệt có một cái cối đá mà bác gái cứ phải bận bịu xay mỗi lần một cối gạo đầy thành một thứ sữa bột cho con hẻo nái sồ sề nằm trên vũng sình phía sau hè. Con heo nái nhà bác sáu mỗi ngày uống ba cữ nước bột như vậy làm cho nó mâp ú.
Hai bác không có con, nuôi một đứa cháu gái_ Cúc , tên đứa cháu của hai bác, thường đi làm vần công với bạn bè đến chiều tối mới về. Bác trai khoảng sáu mươi, trung người, còn gân cốt, rất ít nói, thường ngồi nhấp nháp trà ở bàn khách nhà trên. Bác gái có lẽ cùng khoảng tuổi bác trai, người gầy gò nhưng mạnh khỏe, làm việc lanh lẹ. Căn nhà bác sáu vì vậy ít tiếng cười, tiếng nói.

Buổi chiều Kim ra bờ sông.Nhìn dòng sông chảy lờ lửng Kim nhớ đến bài “Chiều Trên Sông” của nhạc sỹ Phạm Duy: “ Chiều buông trên dòng sông Cửu Long....Có khi buông lửng lơ, có khi tuôn sầu u....” Kim nghĩ có lẽ nhạc sỹ Phạm Duy cũng đã từng nhìn dòng sông như nàng. Ôi con sông miền Nam hiền hòa làm sao ! Kim là người miền Nam mà đến bây giờ nàng mới thấy cái đẹp của dòng sông như các nhạc sỹ thường ca ngợi. Nhìn dòng sông tâm hồn Kim trở nên thanh thản, bình lặng như mặt nước, tạm quên đi những lo lắng, buồn phiền....
“ Ngày mai Lệ về Cai Lậy, Kim đứng lớp cho Lệ được không ? “
Kim quay lưng lại:
“ Ngồi xuống một lát đi Lệ, chuyện đó được mà ! “
Lệ ngồi xuống cạnh Kim.
“ Ơ đây còn nghe tiếng xe ngoài lộ bốn, ở Kỳ Ðà buồn quá Kim hả ? “
Kim vẫn dõi mắt nhìn theo đám lục bình trôi lềnh bềnh trên sông. Thỉnh thoảng vài chiếc xuồng bé tẻo teo xuôi theo dòng nhẹ tênh lã lướt. Giờ này con nước bắt đầu lên, gió cũng lên theo, làm gợn sóng vỗ vào bờ nhè nhẹ như an ủi, vỗ về...
“ Về chừng nào trở lại Lệ ? “
“ Chỉ lấy đồ đạc cần dùng, châm lắm là ba ngày. “
“ Cuối tuần này tôi về, nếu thứ hai lên không kip nhờ Lệ đứng lớp giùm. “
Lệ gật đầu đồng ý. Lệ học cùng lớp với Kim ở sư phạm, lại cùng chung một tổ học tập nên khá thân tình. Lê mới lớn, yêu phải môt anh chàng có vợ học cùng lớp. Lệ buồn vụ này nên từ chối về Cai Lậy mà theo Kim về công tác ở Cái Bè, hay có ý muốn gặp lại người yêu vì anh ấy về dạy ở quê nhà An Hữu cách đây không xa (?)
“ Ngày mai chị Vân ra Cá Thia rồi, Kim ở lai môt mình tội nghiệp quá! “
Lệ vừa nói vừa cười mơn như để an ũi Kim. Kim ngó vào nhà bác sáu Ban đã lên đèn, chị Vân đang cặm cụi viết sổ sách nơi bàn khách. Chi Vân là giáo viên hai năm rồi dạy tại điểm trường Bà Năm, phụ trách hai lớp. Năm nay mở ba lớp, chị Vân đứng lớp ba, Kim lớp hai và Lê lớp một. Con nước lớn rất nhanh, chạy ngâp gần hết chiếc cầu nước bằng sắt của Mỹ thời chiến tranh. Bóng tối lan dần, gió thổi lạnh hơn, mặt sông trở nên huyền ảo, xung quanh cây cối trở nên ma quái.... Kim rùng mình, cùng Lệ bước vào nhà.
Hôm Kim đưa Lệ ra xe găp người bà con của Lệ làm ở phòng giáo dục Cai Lậy. Chị theo lời yêu cầu của gia đình Lệ xuồng Mỹ Ðức Ðông để kêu Lệ phải trở về làm việc ở Cai Lậy. Và Lệ phải theo chị trở về ngay ngày ấy. Chị Vân phải ra trường chánh do yêu cầu dạy Anh văn cho cấp hai, một mình Kim phải coi ba lớp. Kim mệt nhoài và khàn tiếng mà chẳng than vản được với ai. Có lẽ cũng hiểu được sự khó khăn đó, vài ngày sau anh Nghĩa xuất hiện báo cho Kim biết sẽ có hai giáo viên đổi về điểm trường Bà Năm. Kim sẽ phụ trách lớp hai, hai mươi lăm em. Cô Ý từ Hòa Khánh về sẽ phụ trách lớp ba, và cô Hảo từ Sài Gòn về sẽ phụ trách lớp một.

Những năm đầu sau khi miền Nam bị tiếp thu, người từ Sài Gòn và nhũng thành phố khác lần lượt kéo nhau về quê xây dưng đòi sống mới. Gia đình Kim cũng như gia đình cô sáu Hảo nằm trong hoàn cảnh đó. Sài Gòn lúc này ăn độn bảy mươi lăm phần trăm. Cô sáu Hảo để lại hai người con gái lớn ở lại Sài Gòn sống bên ngoại để tự xoay trở. Còn cô, người chồng hưu trí, và ba con nhỏ về quê đùm bọc nhau. Cô mua ba công vườn của bác sáu Ban. Sau khi nhờ người quen thỏa thuận giá cả, gia đình cô rút gọn về đây. Nhìn đồ đạc của gia đình cô bày ngổn ngang trước sân nhà bác sáu Ban, Kim có thể đoán gia đình cô trước đây có cuộc sống kha khá. Căn nhà cô sáu Hảo được dựng lên cấp tốc, sơ sài như một túp lều lý tưởng ngay cạnh nhà bác sáu Ban. Những lúc nhàn rỗi Kim chỉ thích đến ngồi trước sân nhà cô nhìn dòng song lững lờ trôi……




--------------------
Mmm
Go to the top of the page
 
+Quote Post
 
Start new topic
Replies
M&N
post Mar 21 2009, 02:22 PM
Post #2


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Trang Chủ
Posts: 11,665
Joined: 7-April 08
Member No.: 6
Country



Hàng nhu yếu phẩm Tết năm này mỗi giáo viên có một chai rượu ngũ gia bì. Dù là nhu yếu phẩm nhưng lắm lúc chẳng yếu phẩm chút nào ! Nữ giáo viên được phát thuốc lá, rượu....Nam giáo viên được phát vải hồng, vải bông, kim chỉ...loạn xạ.
Thôi thì trước khi chia tay về quê ăn Tết, nhà tập thể Mỹ Qưới bày một tiệc nhậu. Cô Bảy khéo tay đã chuẩn bị cho món lỗ tai heo làm thấu chua. Buổi tối, sau khi tán gẩu với nhau, mọi người ngồi vào bàn, có cả chị Lành. Rượu được khui ra, Mạnh rót vào từng ly xây chừng mời mọi người.:
“ Không biết ngày mai ra sao, hôm nay cứ lai rai trước đã ! Mời chị Lành, mời các chị, sáu Hạnh và út Thu nha ! “
Chị Cẩm nhìn chung rượu của mình lè lưỡi:
“ Mạnh uống phụ chị đi Mạnh, chị yếu lắm, uống bao nhiêu đây chắc chị chết quá Mạnh ! “
“ Không chết đâu mà ! Sĩn một chút cho vui mà ! “
“ Cha mẹ ơi ! Hồi nào giờ tui đâu có uống rượu ! Nhiều lắm Mạnh ơi !!! Bớt bớt chút cho chị nhờ ! “
“ Thôi mà....!!! “
Bảy nói lớn
:” Làm một hốp trước đi nha ! Nào nâng chung rượu lên ! Uống ! “
Chị Lành đề nghị :
“ Kim à, ca một bài đi Kim. Rồi lần lượt mỗi người ca một bài.! “
“ Trước khi em ca, mọi người phải uống một hốp nữa để ủng hộ chương trình văn nghệ ! “
Tức thì mọi người đồng ý và nâng chung. Kim đứng ra ngoài bàn để tiện việc ca diễn bài “ Hội Ca Cầm ” Kim nhái theo giọng của quái kiệt Trần văn Trạch:
“ Này hội ca cầm. Này hội ca cầm. Chúc cậu chúc mợ giàu sang. Giàu sang, giàu sang phú quí ớ ơ ơ ! Trên thì ô tô, dưới thì ca nô. Nằm là nằm giường lèo, đắp thêm cái mà nệm gấm. Mang giày là giày Gia Ðịnh. Nằm chiếu là chiếu phượng loan. Cậu bịt hai cái răng vàng, trên đầu cậu xiiiiit dầu thơm, dầu thom...”
Bạn bè Kim và chị Lành cười nghiêng ngữa.
“ Hôm nào mi đi thi ca bài này đi Kim, thế nào cũng đậu ! “
“ Tao thích hai cái răng vàng cười ra le lói ! “
“ Mày làm con ông Trần văn Trạch được rồi ! “ Chị Lành nói xen vào.
Bảy làm bộ nghiêm giọng:
“ Chúc cái gì mà nhà lầu xe hơi không vây ? Tư sản hả ? Ði học tập cả đám nha cưng ! “
Bảy ca bài mới học ở trường đoàn, mọi người đồng vỗ tay : “ Trái đất này là của chúng mình, quả bóng xanh bay giữa trời xanh. Bồ câu ơi tiếng chim gù thương mến....Cùng ca nào, cùng ca nào cho trái đất quay ! Cùng ca nào, cùng ca nào cho trái đất quay !,...”
Hạnh nhìn chị Cẩm thúc dục:
“ Bây giờ chị Cẩm ca đi ! “
“ Tao không biết ca bài nào bây giờ ! “
“ Không được thoái thác ! Ðây nè, có bài Hôi Nghị Diên Hồng, chị ca lời vua Trần Nhân Tôn đi, tụi em làm bô lão cho ! “
Vừa nói Kim vừa trãi bài nhạc trước mặt chị Cẩm. Quay sang Mạnh, Kim yêu cầu:
“ Mạnh lấy nắp cơm làm chặp chả đi, ta gõ nhịp ở trên bàn....Nào bắt đầu ! “
“ Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến
Hận thù đằng đằng, nên hòa hay chiến....”
Uống rượu đến quá nửa chai thì chị Cẩm, Hạnh và Thu đều lè nhè, con mắt lừ đừ.
“ Thôi tao ngưng, thằng Mạnh mà rót nữa là tao bẻ tay ngay ! “
Hạnh rên rĩ : “ Ta bị nhức cái đầu rồi ! “
Thu than vãn: “ Lỗ tai của em bị lùng bùng, em muốn đi ngủ ! “
Khuôn mặt của chị Lành và Mạnh đỏ gất. Bảy có vẻ tĩnh nhất, rượu chỉ làm cho môi mắt của cô thêm quyến rũ mà thôi. Chị Lành đề nghị
“ Ca một bài đi rồi mới đi ngủ ! “
“ Ca gì nỗi nữa mà ca, tha cho tụi tôi đi ngủ đi mà ! “
“ Thôi ba người đồng ca một bài cũng được ! “
“ Làm bài “Ðèo Cao Dô Ta “đi nha.! “
“ Ðược rồi ! Nào vỗ tay :’ Ðèo cao , dô ta ! Là mặc đèo cao, dô ta ! Nhưng lòng yêu nước, dô ta ! Còn cao hơn đèo, dô hò là hò dô ta , dô ta !...’ . “
Ca xong ba cô lăn xuống giường nằm rù rì với nhau một chặp là ngủ như chết. Chị Lành cũng vào giường trong với bé Tâm. Còn lại Kim, Bảy và Mạnh lai rai cho hết đồ nhắm và rượu còn lại. Khi ấy Kim cảm thấy ngà ngà vừa đủ để đánh một giấc thật ngon.


*******************

Ðầu năm, sau khi ở quê ăn Tết trở lên trường, những ngày vui xuân vẫn chưa lắng đọng trong lòng thì cả trường xôn xao tin Hữu Thiện bị tai nạn. Anh đi họp tài vụ dưới huyện bị xe đụng nặng phải vào bệnh viện điều trị. Ngay khi Kim được tin thì buổi chiều hôm ấy cô Tám đã đến nhà cô sáu Hảo đợi Kim tan lớp đi ngang qua. Cô được một người quen tình cờ kể lại tai nạn đã xảy ra cho Thiện nên vội quày quả về đây hỏi cho tường tận. Kim biết trong lòng cô lo lắng cho Thiện rất nhiều vì cô đã yêu anh chân tình.
Kim nhớ lại lúc nàng và Thiện đứng cạnh bờ ao nhà chị Lành nói chuyên sau khi nàng vừa đọc xong một truyện dịch về tình yêu . Người đàn ông trong truyện đã yêu một người đàn bà ngay khi bà ta lảnh đạm với ông, và sau đó đã kiêu hảnh thành hôn với một người đàn ông khác. Ông vẫn âm thầm yêu bà... Ðến khi chồng bà mất đi, bà quay lại với ông, ông vẫn mở rộng cửa lòng chào đón bà. Kim nhớ khi đó Thiện đã nói với nàng một câu mà nàng nhớ mãi. “ Kim à, đối với tôi, người đàn ông yêu một người đàn bà mà người này đã yêu một người đàn ông khác thì chẳng khác nào ăn xác mía vậy ! Nó không còn cái chất ngọt ái tình ! Chất ngọt ấy bà đã hiến dâng cho mối tình trước!!!... “.
Kim nhìn cô Tám khóc đỏ con mắt mà lòng xúc động. Kim đưa cho cô số phòng Thiện đang nằm và dục cô đến thăm anh. Cô có vẻ e ngại nhưng Kim không muốn đi thăm Thiện lúc này, Kim muốn Thiện thấy rõ tình yêu của cô Tám dành cho anh. Với tất cả chân tình của Kim mong muốn hai người thành hôn với nhau, nàng đôn đốc và khẳng định với cô Tám là Thiện và gia đình anh sẽ rất xúc động nếu cô đến thăm anh.
Việc cô Tám đến thăm Thiện được giáo viên cả trường rĩ tai nhau. Anh bị xe honda cán dập xương cánh tay, phải băng bột khá lâu. Dưỡng thương không bao lâu anh phải trỏ về trường tiếp tuc công tác. Thật ra ở quê nhà Thiện cũng có một cô bạn rất thương mến anh. Có lẽ tơ duyên ràng buộc anh với cô Tám nên tại nạn đã xảy ra ở Cái Bè chớ không ở Gò Công, cô Tám mới có dịp thăm anh. Mọi người chờ đợi cái ngày ấy xảy ra. Riêng Kim, Kim biết chắc ngày ấy sẽ đến trong một thời gian thật gần.


********************

Qua Tết không bao lâu cái gió mát của mùa xuân biến mất. Bấy giờ thời tiết chuyển nóng dần và khô ráo, nhất là vào buổi trưa. Vào cuối tuần, nước trong mương vườn tràn vào cái ao của chị Lành gợi hứng cho Kim giũ cái nóng nực ra khỏi thân thể. Kim đã chuẩn bị cái áo thun sát cánh và cái quần cụt để tắm sông với bé Lan con cô sáu Hảo nhưng thấy ngai ngùng, rồi thôi. Còn ở đây, buổi trưa này vắng vẻ, Kim có thể tha hồ tắm ao. Mặc vào áo thun và quần cụt xong là Kim ào xuống ao tắm thỏa thích. Thật không có gì lý thú hơn nữa ! Kim như con cá bơi lượn từ dầu này sang đầu kia của ao và ngược lại. Bên trong nhà bạn bè Kim đang tán gẩu. Kim nghe tiếng chị Cẩm hỏi vọng ra:
“ Kim à , mày làm gì ngoài đó ? “
KIm rướn cổ lên trả lời thiệt lớn :
“ Tắm ao ! Chị Cẩm ơi ra đây tắm với em, nước lớn rồi, mát ơi là mát ! “
“ Kim ơi, có đĩa đó, bộ mày không sợ sao ? Nó chui vào cái quần của mày cho coi ! “
“ Thiệt không ??? “
Nói là như vây nhưng Kim biết chị Cẩm nói rất thiệt. Cách đây không lâu, khi mọi người về quê, chị Lành và bé Tâm cũng đã lên thành phố, chỉ còn lại Kim và Bảy. Hai đứa chong đèn nằm bên nhau tâm tình , bỗng Bảy ngồi nhổm dây la toáng lên. Thì ra tay của hắn vừa đụng phải một cục mềm mềm _ con đĩa !!! Bảy mạnh tay giựt con đĩa ra rồi bỏ lên bàn. Hai đứa trợn mắt nhìn con đĩa thun vô dãn ra mà phát sợ ! Có lẽ Bảy mới tắm vào, con đỉa mới đeo nên không thấy no máu. Nhưng rồi cũng phải giải quyết cái nợ đời ! Bảy cho con đĩa vào cái bình mực đậy nắp kín lại và quăng vào gốc chuối, không biết nó sống chết ra sao.
Xứ này là xứ đĩa mà. Nhưng rồi cũng phải tắm gội, giặt giũ chớ ! Phải có cách ! Thế là Kim nhảy phóc lên bờ xé toạt dây chuối khô để cột cái quần cụt thật chặc vào đùi, rồi trở xuống ao tắm cho bằng sướng Tắm xong Kim vào nhà trong xem xét lại thân thể kỹ lưỡng coi có đĩa đeo không. Cứ như vậy mỗi buổi trưa có nước mương tràn đầy vào ao là Kim ra tắm thỏa thích. Một buổi chiều dì sáu Trọng kế bên sang chơi, vừa gặp Kim là bà nói ngay:
“ Mày tắm ao có ngày gặp đĩa. Xứ này đĩa dữ lắm nghe ! “
“ Con có cột sợi dây chuối chặt cứng hai ống quần rồi.. “
“ Con đĩa mén có thể vào lỗ tai như chơi ! “
“ Sao dượng sáu với thằng Thưởng tắm ao hà rằm đó ? “
“ Da thịt đàn bà con gái ngọt hơn đàn ông nên đĩa thích đeo. “
“ Ở đây con thấy đàn bà con gái tắm sông thiếu gì (? ) “
“ Nhưng có mấy ai lặn hụp suốt cả giờ đâu hử ? “
Thật vậy, vùng này rất ít nhà nào có nhà tắm. Hầu hết người dân ở đây cứ đầm mình dưới sông tắm rất thoải mái. Thời gian ở cái chái sát bên trường Bà Năm, Kim chưa bao giờ dám tắm như vậy trước mặt người qua kẻ lại. Kim có một tấm màn ni lông làm cái chắn để tắm. Cô sáu Hảo ở Sài Gòn mới về đã vội làm cái nhà tắm cho kín đáo. Mấy cô giáo nhà này cũng bắt chước chị Lành và dì sáu Trọng ra cầu nước phía sau mương vườn mà tắm, ở đấy vắng vẻ không ai để ý. Tắm như thế nào cũng có cái bất tiện và cái thú riêng của nó.
Dì sáu hắng giọng, rít thêm một hơi thuốc, chậm rãi nói:
“ Ðể tao kể mầy nghe câu chuyện rồi sau đó tắm ao nữa hay không tùy mày ! “
“ Dạ mời dì sáu ngồi ! “
Dì sáu liền ngồi vào bàn, bắt đầu kể chuyện:
“ Có một cô nọ đi làm ruộng bị đĩa vô lỗ tai mà không biết. Lâu ngày nó ăn lên tới óc, nó đẻ trứng lúc nhúc trong đầu cô. Cứ mỗi lần xuống bếp nấu cơm là cô lấy cái nắp nồi dằn dằn lên cái đầu cho đã ngứa hay sao đó. Bà mẹ chồng thấy vậy tức tối lấy đũa bếp đập lên cái nắp trên đầu cô. Tức thì đĩa trong đầu cô văng ra....”.
Nghe xong câu chuyện Kim cảm thấy muốn nôn mữa vì tưởng đến hình ảnh những con đĩa lúc nhúc trong đầu cô gái. Không cần bàn luận câu chuyện có thật hay không, từ đó Kim không bao giờ tắm ao nữa. Mỗi lần nước lên, nhìn dòng nước trong mát róc rách chảy qua ụ đổ vào ao, thích lắm Kim chỉ biết ngồi đó dọc nước đở ghiền !


*********************

Khi những đoàn xe đưa quân sang Kampuchia không còn rầm rộ nữa thì không lâu sau đó những xe cây từ Kampuchia chay đỗ về miền Nam. Ðầu năm 1979 trở đi, đâu đâu cũng xôn xao vụ mua bán cây. Xe cây của một cán bộ nào đó đổ dọc theo quốc lộ bốn trước nhà dì sáu Trọng và chị Lành. Dì sáu cũng vội cắt bán ba công vườn để hùn hạp mua bán cây. Nhiều người giàu nhờ mua bán cây lúc này, nhưng cũng không ít người bị sạt nghiệp vì vậy. Tiền của dì sáu đưa đi không bao giờ trở lại ! Bà cũng chẳng biết vì lý do gì hay bị gạt gẩm. Kim và các bạn thờ ơ nhìn những kíp cây đổ dọc dài theo quốc lộ bốn rồi lại được âm thầm kéo đi mà không biết chủ nhân là ai, có dín líu gì đến vụ mua bán cây của dì sáu hay không.
Ði day về Kim được giấy mời tập thể giáo viên Mỹ Quới và Kim dự lễ hỏi của Hữu Thiện và cô Tám. Các bạn dồng ý để Kim đại diện. Gia dình Hữu Thiện từ Gò Công lên nhà cô Tám ở Mỹ đức Ðông từ sáng sớm, đến trưa là vội trở về ngay trong ngày. Thiện mời bạn bè đến chung vui với anh sau đó. Kim đã chuẩn bị sẵn chiếc áo dài tơ bông cúc màu vàng, và những món trang điểm cần thiết. Thời buổi này lễ hỏi cưới làm rất đơn giản, nhất là trường hợp hai bên xuôi gia ở cách xa nhau.
Khi Kim đến nhà đàn gái thì các bạn Hữu Thiện ngoài trường chánh cũng vừa đến đông đủ. Hữu Thiện và cô Tám đón Kim với nụ cười thật tươi. Vào bàn tiệc,Thiện ân cần gắp thức ăn cho Kim. Kim biết đây là giây phút cuối cùng Thiện giành cho nàng, để rồi Kim và anh không còn ăn chung, không còn ngồi bên nhau đàm đạo. Và đôi mắt của Thiện sẽ không còn những tia nhìn ấm áp đối với những người bạn gái độc thân của anh nữa.
Kim đi đám hỏi của Thiện về là các bạn xúm lại hỏi lăng xăng.
“ Có dủ mặt ngoài trường chánh hả Kim ? “
“ Vợ chồng anh Chung và chị Khuê vừa ra thì nguyên băng nhà tập thể ở ngoải và em vừa đến.”
“ Chà chà , thằng Bình hôm nay thấy con Kim mặc áo hoa cúc vàng này là mê trết thôi. Báo hại nó về trồng cúc vàng đầy nhà đi ! “
Bình công tác trong Mỹ Trung mới xin đổi ra Mỹ Ðức Ðông năm này. Không hiểu sao bạn bè lại cáp đôi anh cho Kim trong khi ngay lúc đầu tiên gặp nhau anh đã dùng chiến thuật “phớt tĩnh” đối với nàng; anh cho Hạnh và Bảy mượn sách và nhạc, nhưng với Kim thì anh từ chối. Ði họp gặp Kim anh lờ đi, trong khi với người khác thì anh rất vồn vã.
“ Ảnh bẻ cho em trái quít này ! “
Vừa nói Kim vừa tháo túi quít ra chỉ chị Cẩm trái quít chín nhất. Trái quít này to và chín vàng trông rất ngon, nhưng lại nằm chót vót ở trên; khi Kim vừa thấy đã vọt miệng nói “Ô ! trái quít đó ngon mắt làm sao ! “ thì Bình đã lanh lẹ phóng lên vói hái cho Kim_ anh đã thay đổi chiến thuật đối với Kim. Kiến vàng rớt đầy trên người anh, Kim phải đến gỡ phụ. Lúc đó Kim mới thấy anh cười với nàng đầu tiên, nụ cười hồn nhiên như trẻ con, làm anh trông khác hẳn.
Bảy hỏi xen vào:
” Bộ có đi vườn hả ? “
“ Có, vườn quít nhà chị Tám rộng lắm, kiếng vàng nhiều quá, nuôi kiến vàng để ngọt trái quit đó mà, hái được trái quít ăn cũng phải chịu cắn mấy nhát !. Ra chơi một chút cho biết là mọi người rút vô nhà ngay. “
“ Ðãi ăn món gì Kim ? “
“ Gà nấu khóm, vịt tiềm ăn bún, tôm càng nướng, canh chua, cá thịt kho. “
“ Ở ngoải ăn mặc sao, mi ? “
Kim hiêu ý của Hạnh hỏi các nữ giáo viên ngoài trường chánh ăn mặc ra sao.
“ Chỉ có ta, chị Trân và cô Tám mặc áo dài mà thôi. Các chị mặc đồ ngắn, ăn diện rất vừa phải. “
Thu nói như kết luận :
“ Thôi cũng xong, mừng cho cô Tám ! Nhưng từ nay thầy của mình thuộc về người ta rồi ! “
Kim ngó ra ngoài lộ, chị Lành và chị ba, vợ anh ba hội trưởng hội phụ huynh đang đứng trên bờ ruộng trước nhà. Họ như đang to tiếng với nhau. Kim quay sang chị Cẩm hỏi :
“ Hai người như đang gây nhau chị à, vụ gì vậy kìa ? “
“ Hồi mày mới đi đám hỏi là đã xực nhau một chập rồi. Vụ phân phướng gì đó ! “
Chị Lành đã giao ruộng cho anh ba làm với điều kiện anh ba giao cho chị mười lăm giạ lúa mỗi thời vụ, nhưng chị Lành phải nhượng lại số phân bón giá chánh thức cho anh ba. Chị Lành đã lấy số phân bón bán sạch làm anh ba rất đỗi bất bình nên anh để cho vợ ra mặt nói chuyện với chị Lành. Vợ anh ba đến nói với chị Lành nếu chị không nhượng lại đúng số phân giá chánh thức cho vợ chồng chị thì giao kèo mỗi vụ mùa mười lăm giạ sẽ bị giảm.
Chắc chắn chị Lành không tìm đâu ra số phân bón để giao lại cho anh ba.Tuần vừa rồi chị mới bị sạt gạo tại trạm Tân Hương nên tiền bạc không còn có bao nhiêu. Từ đó mối duyên hờ giữa anh ba và chị Lành đành chấm dứt, anh không bao giờ đến chuyện trò với chị Lành nữa !!!


*********************

Sau những ngày nắng chói chang trời bắt đầu vần vũ, oi bức. Một vài cơn mưa đầu mùa đổ xuống càng làm cho sự oi bức gia tăng. Ngày hè sắp đến, cây phượng trước sân trường Mỹ Quới đã trổ bông đỏ ối Buổi trưa, tiếng quốc kêu buồn bã.
Kim và chị Cẩm ngồi ngoài hè mong hưởng một ít gió. Chị Cẩm nói bâng quơ:
“ Buồn ngủ quá ! “
Kim bước vào nhà bưng ra thúng mận mà dì sáu Trọng mới cho; Bảy và Hạnh cũng đã thu xếp sổ sách để nhập cuộc. Hôm nay Mạnh và Thu lại vắng mặt, chị Lành đã vào xóm trong gọi người bẻ xoài.
Bảy nhìn dĩa muối tiêu nhăn mặt:
“ Kim, sao mi không làm muối ớt phải hơn ? “
“ Thử ăn muối tiêu một lần đi rồi ghiền luôn cưng à ! Dân nhà vườn mới biết ăn muối tiêu với mận hồng đào đó nghe ! “
Chị Cẩm xuýt xoa sau khi đớp hết một trái mận :
“ Tuyệt cú mèo ! “
Hạnh chợt nói to:
” Có vòi nha bà con ! “
“ Trái có trái không, phải coi chừng ! Hồi nãy dì sáu có dặn. “
“ Cuối mùa rồi mà ! “
Mưa xuống là mận có vòi . Ăn mận lúc này thường chỉ là ăn được nửa trái. Những trái mận cuối mùa trở nên ngon lạ. Kim được dì sáu chỉ cách chọn trái mận nào bị nám một chút lại ngọt vô cùng. Ở nhà dì sáu có cây mận hồng đào đá, có đầy kiến vàng, hột nhỏ xíu, ngon ngọt nhất vườn. Kim thích leo lên cây mận đó chụp lấy một chùm và ăn ngay tại chỗ, không cần muối ớt hay muối tiêu gì cũng ngon lạ lùng.
“ Mày đọc người đàn bà ngoại tình đến đâu rồi Kim ? “ Chị Cẩm chợt hỏi Kim.
“ Mới xong ! “
“ Hay không ? “
“ Tuyệt tác ! “
Hạnh chợt to tiếng phản đối
: “ Một tác phẩm đáng lên án ! “
Ở đây Kim và các bạn vẫn thường chuyền tay nhau đọc những quyển sách thuộc về văn hóa đồi trụy của Nguyễn hiến Lê, Hoàng xuân Việt, Nguyễn đình Toàn ..., hoặc những sách dịch của Leo-Tolstoy, Albert Camus, Ernest Hemingway...Kim biết Hạnh và Bảy cũng đã đọc tác phẩm “Người Ðàn Bà Ngoại Tình “ của Pearl Buck. Hạnh nói tiếp một cách mai mĩa:
“ Ngoại tình là một việc đáng lên án ! Người đàn bà thời đó ngoại tình lại càng đáng lên án ! “
Trong tập thể Mỹ Qưới, Thu và Hạnh nhỏ tuổi hơn hết và cũng thường có nhũng suy nghĩ khác với Kim, Bảy, và chị Cẩm.
“ Ðúng ra đó chỉ là sự ngoại tình tư tưởng ! “ Bảy góp ý.
Nhưng Hạnh gạt ngang :
“ Ngoại tình tư tưởng cũng vậy, cũng là sự ngoại tình ! Với bất cứ lý do gì sự ngoại tình không thể chấp nhận được ! Bà ta hăng hái làm việc từ thiện để có dịp gặp gỡ nhà truyền giáo chớ không phải do lòng thiện nguyện.”
Nhân vật chính trong tác phẩm là một mệnh phụ Trung Hoa, vì tập tục phải chịu sống ly thân với chồng. Tứ đó bà giành thời gian vào những công tác xã hội và từ thiện, và nhờ đó bà gặp một nhà truyền giáo người Tây phương. Sự giao cảm giữa bà và nhà truyền giáo đã tạo nên ý chính của tác phẩm. Kim thấy mình cần phải có ý kiến để bênh vực cho nhân vật chánh.
“ Mi lầm rồi, bà là một người có lòng từ thiện và có tính xã hội trước hết, sự hoạt động xã hội dẫn đến cuộc gặp gỡ của hai người “
Chị Cẩm xen vào:
“ Pearl Buck là một nhà văn lớn, đã từng lảnh giải Nobel. Bà đã từng sống ỏ Trung Hoa nên biết rõ phong tục tập quán xứ này. Chuyện ngoại tình hôi xưa thì bị bôi vôi cạo đầu chớ đâu phải lên án không đâu. Nhưng hai người này chỉ mới đá lông nheo thôi mà ! “
Câu nói của chị Cẩm làm Kim và Bảy bật cười, nhưng rồi Kim cũng giải thích:
“ Không phải Pearl Buck viết về chuyện một người đàn bà ngoại tình để rồi kết tội hay không kết tội. Pearl Buck muốn nói lên sự khai phóng tư tưởng của một người đàn bà Á Ðông trong một xã hội phong kiến. Albert Camus trong L’exil et Le Royaume cũng có nói đến một người đàn bà ngoại tình với trăng sao, quên đi ông chồng chỉ lo tính toán tiền bạc và sự mua bán đổi chác nhàm chán mỗi ngày. Ðó là những phút giây quên lãng cần thiết ! Những giây phút con người được trở về với tĩnh lặng và thiêng liêng.
Chị Cẩm đã quá mõi mệt với đấu lý nên nói :
“ Mận còn vài trái nè, ăn hết cho rồi đi để tụi mày có sức cải tiếp ! “
Hạnh nói giơng châm chước:
“ Trong một cuộc tranh luận không ai là kẻ thắng, không ai là kẻ thua “
Kim ăn trái mận cuối cùng, không có vòi, nhưng không còn thấy ngon như lúc đầu nữa !


******************

Chị Lành đã vô đủ một chục cần xoài, bỏ những gói khí đá ở giữa rồi tủ giấy lại kín đáo. Những trái xoài này dã chín cây nên chỉ cần hai ba ngày sau khi vô cần là chín đỏ và thơm lừng. Còn một cần chị để khơi ra đó cho các thầy cô giáo chia nhau làm quà. Xoài cát ở đây ngon nổi tiếng. Loại xoài cát đen ở vườn chị Lành ăn sống chấm với nước mắm đường ngon mê tơi. Kim thích lựa trái xoài nào hơi hườm hườm ăn thịt xốp và giòn, ngon lạ lùng. Trái xoài cát đen để chín ăn ngọt lịm và đậm vị vô cùng
Chị Lành đã nhắn tài xế xe hàng của má chị trên đường trở về Sài Gòn ghé lại chở một chục cần xoài cho chị. Thời gian chờ đợi, chị rảnh rỗi sang nhà dì sáu đánh tứ sắc giải khuây.
Thu, Mạnh, Hạnh và chị Cẩm đã trở về quê nhà ngày hôm trước, chỉ còn lại Kim và Bảy. Bảy muốn ghé Long Ðịnh để thăm Vinh nên yêu cầu Kim ở lại vơi nàng thêm một ngày. Chỉ còn đôi bạn với nhau, Bảy thủ thỉ tâm tình với Kim. Kim thương người bạn gái của mình. Bảy có đôi mắt đẹp và gợn buồn, lại có một chấm ruồi đen ở tròng mắt _ một dấu hiệu không tốt ! Kim tin như vậy. Kim e tình duyên của Bảy sẽ không suông sẻ, nhưng nàng không dám thố lộ suy nghĩ của mình. Kim để Bảy dệt mộng với Vinh, mơ ước dựng xây túp lều lý tưởng.
Sáng hôm sau Kim và Bảy cùng nhau lôi hành lý ra quốc lộ bốn đón xe. Ðến Long Ðịnh, nơi công trường xây dựng Bảy gọi xuống xe, hai bạn xiết tay nhau thân ái.... Bảy xoay lưng đi rồi Kim bâng khuâng tự hỏi không biết đến lúc nào nàng có cuộc thăm viếng như vậy (!)


--------------------
Mmm
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Posts in this topic


Reply to this topicStart new topic

 



Lo-Fi Version Time is now: 23rd July 2025 - 06:42 AM