Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Tìm hiểu cái chết của Tạ Thu Thâu - Tấn Đức
M&N
post Jan 9 2009, 12:25 PM
Post #1


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Trang Chủ
Posts: 11,665
Joined: 7-April 08
Member No.: 6
Country




Tìm hiểu cái chết của Tạ Thu Thâu


Trong số các tư liệu Việt ngữ, phải đặc biệt nhấn mạnh những tìm tòi của nhóm trốt-kít Việt Nam tại Pháp, dựa trên các sự kiện mới, các văn bản mới được phanh phui, bạch hóa, dựa trên lời thuật lại của một số người trốt-kít cựu trào còn sống sót. Những tìm tòi ấy được ông Hoàng Khoa Khôi, người đứng đầu nhóm, tổng kết lại trong bài viết Ai đã ám sát Tạ Thu Thâu và những người trốt-kít Việt Nam?, đăng trên Hồ sơ về phong trào Đệ tứ Việt Nam. Trong bài viết này, ông Hoàng Khoa Khôi đã lần lượt điểm qua ba giả thuyết của sử gia Daniel Hémery về người chủ mưu ám sát Tạ Thu Thâu :

— 1. Tướng Nguyễn Bình, chỉ huy quân đội miền Nam,

— 2. Trần Văn Giàu và Dương Bạch Mai, hai lãnh tụ công khai của đảng Cộng sản Việt Nam ở Sài Gòn, đồng thời là những người xta-lin-nít khét tiếng,

— 3. Chính ông Hồ Chí Minh, lãnh tụ tối cao của đảng.

Với những lập luận cùng bằng cớ sắc sảo và đầy tính thuyết phục, tác giả bài viết loại trừ hai khả năng đầu và thiên về khả năng thứ ba. Vì theo ông, chính ông Hồ Chí Minh là người cha tinh thần của tất cả những cuộc thanh trừng, khủng bố các tổ chức trốt-kít Việt Nam, kể từ khi ông còn lưu lạc ở nước ngoài và hoạt động dưới sự điều khiển của Đệ tam Quốc tế. Chúng ta cũng được biết rằng sáu năm trước khi Việt Minh tổ chức vụ đại thảm sát toàn bộ các chiến sĩ trốt-kít yêu nước, sáu năm trước khi bài Phải triệt ngay bọn trốt-kít! được đưa ra chính thức trên tờ Cờ giải phóng của đảng Cộng sản Việt Nam như một lời hô hào chém giết khát máu, thì ông Hồ Chí Minh, ở nước ngoài, đã dùng những lời lẽ hết sức kích động để kêu gọi tiêu diệt những người trốt-kít, ỏỏtay sai của phát-xít, bất lương, chó săn, bán rẻ tổ quốc... Như thế, ông Hồ Chí Minh và những người nối nghiệp ông sẽ phải trả lời ra sao khi trong một cuộc hội kiến diễn ra vào năm 1946 với nhà văn Pháp Daniel Guérin, người bạn và đồng chí cũ của Tạ Thu Thâu trong Tả đối lập Pháp, ông đã tuyên bố: Tạ Thu Thâu là người yêu nước tầm cỡ lớn. Tôi khóc cái chết của ông ấy (Ta Thu Thau était un grand patriote, nous le pleurons!)? Nhưng ngay sau đó, ông Hồ Chí Minh đã bồi thêm: Nhưng tất cả những ai không đi theo đường lối do tôi vạch ra sẽ đều bị bẻ gẫy. Có thể hiểu câu nói thứ hai này - mà ông Trần Văn Giàu, trong một cuộc nói chuyện ở Paris mùa hè năm 1989, đã cho là không đúng sự thật - là một lời thú nhận thành thực về trách nhiệm của ông Hồ Chí Minh về cái chết của Tạ Thu Thâu? Vụ ám sát Tạ Thu Thâu đã được diễn ra như thế nào? Ông Hoàng Khoa Khôi, trong bài báo nói trên, đã có một nhận định xác đáng: ... người cầm dao hay nổ súng chỉ là người thừa hành, không phải thủ phạm chính. Thủ phạm chính phải tìm trong đám người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, kể cả Hồ Chí Minh. [...] Thủ phạm chính là kẻ đã mài dao, lắp đạn cho đao thủ phủ. Tuy nhiên, để lịch sử được rạch ròi, cũng nên tìm hiểu hoàn cảnh Tạ Thu Thâu bị sát hại và vạch mặt chỉ tên cả những kẻ đao phủ trực tiếp này.

Trong vấn đề này, nguồn tư liệu mà chúng tôi hiện có cũng hết sức hạn chế. Sau khi đặt câu hỏi ở Việt Nam, ai đã hạ sát Tạ Thu Thâu và các đồng chí của ông?, ông Hoàng Khoa Khôi cho biết: Sau khi điều tra, chúng tôi biết được ba thủ phạm. Họ đều là những người cộng sản. Người thứ nhất là Kiều Đắc Thắng, trách nhiệm Nghiệp đoàn. Người thứ hai là Nguyễn Văn Trấn, đã từng được đi học tập ở Moscow. Người thứ ba tên là Nguyễn Văn Tây, cựu bộ trưởng chính phủ Trần Văn Giàu. Cần nói thêm rằng nhân vật Nguyễn Văn Trấn được nhắc đến ở đây chính là ông Nguyễn Văn Trấn đã mất ít lâu nay, một người cộng sản phản tỉnh, tác giả cuốn Viết cho Mẹ và Quốc hội được nhiều người ưa thích, trong đó ông vẫn dùng nhiều từ ngữ và luận điệu thô thiển, thậm chí bất nhã, khi nhắc đến Tạ Thu Thâu và những người yêu nước trốt-kít ở Việt Nam. Trong cuốn sách Việt Nam 1920 - 1945 (Cách mạng và phản cách mạng dưới thời thuộc địa) của ông Ngô Văn, một người trốt-kít cựu trào, từng là đồng chí của Tạ Thu Thâu ở Việt Nam, tác giả cũng chỉ viết một cách rất sơ lược: ... Thâu lên đường trở về Nam. [...] Dân chúng kể lại khác nhau về những gì xảy ra sau đó. Chúng ta không biết đích xác nơi Thâu bị bắt, nhưng mọi người đều nói là ở Quảng Ngãi và gán cho Việt Minh chịu trách nhiệm. Họ cũng nói về sự nghi ngại của các vệ quân được lệnh bắn Tạ Thu Thâu, khi nghe anh tự bảo vệ trong một vụ gọi là xét xử: anh đã biện minh về cuộc đời cách mạng của mình. Lệnh hô bắn ba lần, cả ba lần các tay súng đều hạ xuống, lúc đó viên thẩm phán đã kết thúc bằng một phát súng lục vào lưng (người hạ sát tên là Tư Ty). Đó là vào một ngày đầu tháng Chín năm 1945. Tác giả Trần Ngươn Phiêu trong bài viết Những nhân chứng cuối cùng cho biết thêm:... ông Tạ Thu Thâu] bị bắt khi đi ngang qua Quảng Ngãi ngày 18 tháng Tám năm 1945, bị giam ở đình Xuân Phổ và sau đó bị giết ở cánh đồng Dương, bờ biển Mỹ Khê .

Trong số những tư liệu trong tay chúng tôi, riêng chỉ có bài báo nhan đề Tôi thấy Tạ Thu Thâu chết của một người ký tên là Nguyễn Văn Thiệt, đăng trên tờ tuần báo Hồn nước của Tập đoàn công binh Việt Nam (Rassemblement des travailleurs vietnamiens) vùng Paris trong hai số 7 (ngày 30-7) và số 8 (ngày 7-8) năm 1949, là thuật lại một cách chi tiết và kỹ lưỡng về cái chết của Tạ Thu Thâu. Bài báo này đã được đăng lại trong công trình sử học Người Việt ở Pháp 1940 - 1954 của ông Đặng Văn Long, một người trốt-kít cựu trào sống ở Pháp. Trong một số cuộc điện đàm với tác giả cuốn sách, chúng tôi được ông cho biết: theo ông, đa phần những thông tin trong bài báo có thể coi là trung thực. Cũng theo lời ông, cách đây vài ba năm, dường như có người còn gặp thủ phạm hạ sát Tạ Thu Thâu ở Việt Nam.

Chúng tôi xin dẫn nguyên văn bài báo để bạn đọc tham khảo:

Ai đi ngang Quảng Ngãi vào khoảng tháng 9 năm 1945, cũng biết đến không khí hãi hùng của cái thành phố tự cho mình có tinh thần cách mạng cao ấy.

Các tín đồ Cao Đài, các nhà trí thức, các nhà phú hộ, các nhà cách mạng quốc gia, tất cả những hạng người ấy cùng với vợ, con, anh em họ được Việt Minh cẩn thận chém giết, chôn sống, thiêu cháy, mổ bụng v.v... mỗi ngày theo chính sách Tru di tam tộc để trừ hậu họa. Người chết nhiều đến nỗi độ ấy ở Hà Nội, tờ báo Gió mới của Tổng hội sinh viên, một tờ báo rất thiên Việt Minh đã phải lên tiếng rằng ở Quảng Ngãi, ngày ngày đầu người rụng như sung . Anh Lê Xán, bạn tôi, một đồ đệ của cụ Phan Bội Châu, bị Pháp đày Lao Bảo, vừa được thả ra thì bị Việt Minh Quảng Ngãi bắt lại. Vì sự tình cờ của chiếc xe lửa ngừng lại nghỉ đêm ở Quảng Ngãi (độ ấy đường xe lửa Sài Gòn - Hà Nội bị hư nhiều nơi, xe lửa chạy rất chậm và hay nghỉ dọc đường) nên bắt buộc tôi phải xuống xe định kiếm một quán trọ ở cạnh ga mà nghỉ đêm. Trong lúc ngồi uống nước, sực nhớ đến Lê Xán, tôi tò mò hỏi bà chủ quán tin tức về bạn tôi. Lập tức tôi bị một trinh sát viên mặc áo nâu, đi chân không, đang đứng vớ vẩn ở cửa tóm lấy buộc tôi là đồng lõa với tội nhân và điệu tôi về Sở Công an.

Bị giam ở Sở Công an hai hôm, nhốt trong một xà-lim cũ của Pháp, tôi dò hỏi thì được biết tin bạn tôi đã bị xử tử rồi. Nhưng tôi cũng lại biết thêm rằng người ta buộc tôi về tội định đến Quảng Ngãi giải vây cho Lê Xán và ngày hôm ấy tôi bị mang đi để giam ở một nơi xa...

Tôi đang lo sợ một nơi xa ấy là cõi âm ti thì chiếc xe ngựa chở tôi và một người lính gác, tay cầm một con dao dài, một quả lựu đạn buộc tòng teng vào giây nịt bằng một sợi lạt, từ từ rẽ vào con đường đi về Phú Thọ. Tôi hết lo bị chém liền vì tôi biết rằng ở làng Phú Thọ, Ủy ban vừa dựng một nhà lao to để chứa cho đủ tội nhân xa thành phố sợ có chuyện bất trắc chăng.

Nhưng tôi lại sợ quả lựu đạn đứt giây buộc nên cứ xem hoài. Nhà lao Phú Thọ xây trên một khoảng đất rộng, trong cùng là một nhà ngang, hai bên hai dãy nhà dọc, giữa sân trường một cột cờ. Mỗi sáng, mỗi chiều đều có tu-huýt thổi để chào cờ, và lính cũng như phạm nhân đều phải đứng dậy, nắm tay phải đưa lên ngang đầu, sẵn sàng hễ ông sếp lao hô Việt Nam Dân chủ Cộng hòa! thì tất cả đồng hô: Muôn năm! và Hồ Chí Minh!, thì tất cả Muôn năm! . Phòng giam tôi vuông vức mỗi bề độ hai

thước và cùng giam chung với tôi còn có mười sáu người nữa. Tứ bề bít kín, chỉ có một cái cửa để thông với ngoài, nhưng song cửa lại làm bằng mấy cây gỗ lim to quá, gần như khít với nhau, nên khó thở vô cùng. Trong những bạn đồng cảnh ngộ với tôi, tôi còn nhớ có tên Bùi Trọng Lệ trước làm mật thám cho Pháp (sau này y bị xử tám năm tù), và ba người con trai của Tổng đốc Nguyễn Hy.

Ba người này bị bắt vì tội trong thời kỳ cách mạng toàn dân mà trong nhà chứa đờn và bài ca ủy mị, và đã bị xử tử một tuần lễ sau khi tôi đến.

Một buổi sáng, tôi đang đứng dựa vào cửa cố thiu thiu ngủ thì bỗng giật mình vì những tiếng các bạn tôi kêu lên: Tạ Thu Thâu! Tạ Thu Thâu! Tôi tỉnh hẳn người. Tạ Thu Thâu? Trời ơi! Trong bao lâu, khi tôi còn đi học, tôi đã nghe đến tên Người, đã bị mê hoặc vì cái oai hùng của đời Người, dệt toàn bằng tranh đấu, hy sinh và đau khổ.

Dưới thời Pháp thuộc, trong lúc các nhà cách mạng khác trốn ở hải ngoại thì Tạ Thu Thâu dám về trong nước hoạt động chánh trị ngay trong nước và chịu tù, chịu tội. Cái tên Tạ Thu Thâu tự bao nhiêu lâu và ngay cả đến bây giờ, luôn luôn gợi ra trong óc tôi hình ảnh của một người ngang tàng khí phách, coi sự tù tội, sự hình phạt về xác thịt như một sứ mệnh thiêng liêng mà Người phải riêng chịu đựng lấy, để giải thoát cho đồng bào. Trên đời mỗi khi thất bại vì một bất trắc gì, tôi thường hay nghĩ tới Người để tìm nguồn an ủi và lý do phấn khởi cho lòng mình.

Các bạn tù của tôi tranh nhau nhìn qua cửa. Từ một phòng giam phía bên kia sân, độ bảy, tám người dân quân mang súng, gươm, lựu đạn và ông chủ tịch làng - vừa là sếp lao thì phải - kéo ra một người đàn ông ốm lỏng khỏng mà tôi nhìn ra ngay là ông Tạ Thu Thâu. Ông mặc một sơ-mi cụt tay có hai túi trên ngực, một cái quần Tây dài, chân đi giày vàng. Áo quần trắng đã bàu nhàu và bẩn thỉu, dây do những vết đen đỏ còn đọng, dấu tích của những sự tra tấn vừa qua.

Râu tóc của ông Thâu rối beng, mặt mày hốc hác, nhưng cặp mắt vẫn bình tĩnh nhìn mọi người, mọi vật - không biết tôi có lầm chăng - miệng ông hơi nhếch một nụ cười.

Các bạn tôi lao xao:

- Lần này thì Tạ Thu Thâu phải chết.

Một người nào đó nói nhỏ:

- Quân khốn nạn!

Tôi gián một con mắt vào khoảng hở giữa hai song cửa, hai tay muốn tét ra cho rộng để nhìn cho rõ đám người hùng hổ đi với ông chủ tịch luôn mồm la hét, nạt người này, cho lệnh kẻ kia và ở giữa, một bóng trắng chập choạng, khập khiễng đi... đi... dễ biến sau mộr rặng cây mà ở đó tôi biết có một khoảnh đất trống gọi là pháp trường.

Tôi bàng hoàng quá đỗi, không còn biết mình tỉnh hay mê. Tôi biết Tạ Thu Thâu bị Pháp bắt vừa mới ở tù ra, thân thể bị tiêm thuốc cho chết xuội đi một bên, nếu không có Chánh phủ Trần Trọng Kim thì ông đã chết trong khám rồi. Một người như Người suốt đời hy sinh cho dân tộc Việt Nam, bị tật nguyền vì dân tộc Việt Nam, thì còn có thể phạm tội gì với quốc gia mà đến nỗi khi Việt Nam vừa mới có ít chủ quyền thì dân Việt Nam liền bắt bớ, đọa đày và xử tử.

Các bạn tôi nói là Tạ Thu Thâu bị buộc về tội phản cách mạng và âm mưu lật đổ chánh quyền, nhưng tra tấn bao nhiêu ông ta cũng đếch thèm khai. Bùi Trọng Lệ, đứng cạnh tôi, nói một cách nghiêm nghị quá đến nỗi tôi không cho là một lời mỉa mai:

- Tội Tạ Thu Thâu nặng hơn nữa nhiều. Ông phạm cái tội rất lớn là được dân chúng thương yêu.

Nhưng anh lính gác trước cửa phòng chúng tôi (không hiểu vì sao anh ta lại có cảm tình với tôi và thường hay nói chuyện cùng tôi) anh ta lại nói khác. Theo anh ta thì Ủy ban tỉnh Quảng Ngãi cũng không biết ông Tạ Thu Thâu bị bắt vì tội gì. Chỉ được điện tín của Trần Văn Giầu đánh ra cho các tỉnh, ra lệnh hễ ai gặp Tạ Thu Thâu thì bắt lại.

Sau khi Ủy ban tỉnh đánh điện cho Sài Gòn biết là mình đã bắt và giam Tạ Thu Thâu thì liền được lệnh trả lời là phải giết ngay lập tức. Nhưng khi đem ra pháp trường thì ông Tạ Thu Thâu diễn thuyết cho mấy người lính, ông nói hay quá với lại đúng quá nên ai nấy đều bỏ súng buông lơ, có anh khóc, không ai dám béng. Nên lại đem ông về lao và Ủy ban lại đánh giây thép vào Sài Gòn hỏi nữa sợ có giết lầm chăng. Và đã hai lần như thế rồi, Trần Văn Giầu đánh giây thép ra biểu phải giết, Tạ Thu Thâu đứng trước mũi súng lại diễn thuyết kêu gọi một mảy may lương tâm còn sót lại của đám người chỉ biết có vâng lệnh trên, rồi không ai nỡ bắn. Không dám bắn thì đúng hơn, rồi lại mang về, rồi lại đem đi.

- Hôm nay thì chắc Tạ Thu Thâu phải chết!

Các bạn tôi và cả anh lính cũng bảo thế, vì vừa được lệnh riêng của Cụ Hồ ở Hà Nội điện vô khiển trách Ủy ban bất tuân thượng lệnh.

Tôi bàng hoàng lo sợ, ngồi bệt xuống đất, hồi hộp đợi chờ, trong cái im lặng rợn người, một tiếng đoành.

Bỗng người lính gác kêu lên:

- Châu cha! Tạ Thu Thâu lại về!

Tất cả đều nhao nhao. Quả Tạ Thu Thâu về thiệt. Đám người đi qua rặng cây và đang tiến về phía trái.

Nước mắt tôi trào lên, sung sướng khi thấy cái bóng trắng khấp khểnh kia có vẻ vững chắc hơn và trên môi lạt tôi tưởng tượng thoáng thấy một nụ cười ngạo mạn.

Sự sung sướng của tôi không được lâu. Đám người đi vừa đến gần cổng lao thì một người trai trẻ mặc áo nâu quần sọc trắng ra vẻ học trò, tuổi lối mười bảy, mười tám đang đứng ở cạnh cổng, hung hăng nhảy ra, rút cây dao găm dắt ở lưng đâm vào vai Tạ Thu Thâu, miệng vừa hét:

- Đồ Việt gian phản động !

Rồi đạp Tạ Thu Thâu vào bụng cho ngã quay ra đất, đoạn đấm, đá túi bụi.

Câu chuyện xảy ra rất mau, kể lại thì xem ra lâu quá. Thêm chỗ tôi đứng và chỗ tấn kịch rùng rợn đang diễn ra hơi xa nhau, mắt tôi lại đẫm lệ nên không thấy được tường tận. Tôi chỉ còn nhớ hình ảnh của một đám người bao quanh một bóng trắng đang quằn quại giữa vũng máu. Và tự đó, một giọng the thé rất trong của người thiếu niên vang lên:

- Các đồng chí hèn quá, một thằng Việt gian cũng không dám giết!

Đến nay, bao nhiêu ngày tháng đã trôi qua rồi mà không mấy đêm nằm ngủ tôi không thấy trước mắt cái bóng người quằn quại kia và nghe cái giọng nói the thé ấy.

Viết bài này tôi chỉ mong làm tròn một bổn phận với Người mà tuy rằng không cùng một quan niệm chánh trị với tôi, tôi vẫn phụng thờ ý chí hy sinh và tâm hồn cao quí. Những kẻ khốn nạn đã vì đảng phái mà ám sát Người cũng như bao nhiêu kẻ xấu số khác, rồi đây khi hòa bình trở lại Việt Nam, họ sẽ ra trước tòa án quốc dân mà đền tội ác của họ. Chỉ lúc đó thù của Tạ Thu Thâu, quốc dân Việt Nam mới trả được .

Tấn Đức


— Tròn nửa thế kỷ kể từ ngày bài báo nói trên ra đời, dường như quốc dân Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng tha thiết của người viết bài báo trên, là ỏỏtrả được cái thù của Tạ Thu Thâuõõ: đưa những thủ phạm trực tiếp và gián tiếp ra trước tòa án quốc dân.


— Ở vào thời điểm mà hòa giải hòa hợp đang là một khẩu hiệu được nhiều người tán thưởng, nhắc lại sự thực của một số sự kiện lịch sử xảy ra đã lâu cũng chỉ nhằm mục đích gột rửa những nhơ nhớp trong quá khứ, phục hồi danh dự cho những người ái quốc đã bị thảm sát oan uổng. Sự thật, chỉ nói sự thật!, khẩu hiệu rất hay được nhắc đến trong thời cải tổ ở Liên Xô mươi năm trước đây, có thể là một phép màu cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ trước thiên niên kỷ thứ ba này.


— Người viết xin cám ơn các thành viên của nhóm Đệ tứ Việt Nam ở Pháp đã cho phép sử dụng một số tư liệu, công trình nghiên cứu của nhóm.


--------------------
Mmm
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 18th April 2024 - 02:35 PM