Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Bạn là dạng cha mẹ nào?, Sưu tầm
lalan
post Oct 4 2016, 11:28 AM
Post #1


Phố Cũ
***

Group: Năng Động
Posts: 2,691
Joined: 21-April 08
Member No.: 43
Country





Bạn là dạng cha mẹ nào?



Có bao giờ chúng ta tự hỏi, mình là một dạng cha mẹ như thế nào và đang hướng dẫn con cái ra sao? Một số người chịu ảnh hưởng và đi theo kinh nghiệm giáo huấn mà cha mẹ họ đã áp dụng với mình, trong khi có những người không chấp nhận cách giáo dục mà họ đã từng trải qua để đi theo con đường khác hơn. Cách nào chăng nữa thì thông thường, phần lớn các em sẽ phát triển theo ảnh hưởng của nền tảng gia đình và cách giáo dục từ cha mẹ. Chính vì vậy, việc giải mã và nhận biết mình thuộc dạng cha mẹ như thế nào là điều cần thiết, để từ đó tự cải đổi cho phù hợp hơn trong việc hướng dẫn con cái. Tất cả không ngoài mục đích mang đến cho con cái những điều tốt nhất về lâu dài.

Mối quan hệ và hành xử giữa cha mẹ và con cái trong mỗi gia đình luôn có nhiều khác biệt khi nền tảng, nhận thức và tính cách của mỗi người không hề giống nhau. Có những điều áp dụng thành công với đứa trẻ trong gia đình này nhưng lại thất bại với đứa bé ở gia đình khác. Hay có khi, cùng thừa hưởng một phương cách giáo dục như nhau nhưng con cái trong nhà lại phát triển theo những hướng khác nhau. Nhưng dù có những riêng biệt như vậy, tựu trung thì mỗi cách giáo dục sẽ tạo ra các kết quả và các nhóm con cái khác nhau. Theo các nhà tâm lý học, có bốn dạng cha mẹ, bao gồm nhóm dễ dãi, nhóm độc đoán, nhóm xao lãng trách nhiệm và nhóm có thẩm quyền với con cái. Một số cha mẹ cũng có thể có một vài tính cách hay hành xử lẫn lộn giữa các nhóm với nhau, cũng như sự phát triển của con cái có thể biến chuyển khác đi trong một số trường hợp ngoại lệ. Hơn ai hết, mỗi người sẽ tự nhận biết mình có xu hướng thuộc về dạng cha mẹ nào theo phân chia theo sau.

Dạng cha mẹ dễ dãi (Permissive)


Ðây là dạng cha mẹ dễ dãi, nuông chiều con hết mực. Họ rất yêu thương con, luôn đáp ứng mọi nhu cầu, đòi hỏi của con cái mà không đòi hỏi hay buộc con cái phải tuân thủ theo những phép tắc, luật lệ nào. Như thành ngữ “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, sự nuông chiều con cái quá mức này có khả năng gây hại cho con cái hơn là giúp các em đi theo một tiến trình phát triển có quy củ cần thiết. Những cha mẹ trong nhóm dễ dãi này bao gồm vài đặc điểm chưa đầy đủ như sau:

– Chúng ta có những quy tắc gia đình, những giới hạn đặt ra mà con cái cần tuân thủ?

– Nếu có dăm quy tắc nhưng chúng rất dễ thay đổi tùy theo phản ứng và trạng thái cảm xúc nhất thời của con cái?

– Chúng ta sợ và né tránh những việc có thể gây nên sự giận dỗi, phật ý nơi con cái.

– Chúng ta thường “dỗ ngọt” khi con cái sai trái hay làm nư.

– Chúng ta thường “mua chuộc” con cái bằng tiền bạc, quà hay vật dụng đắt giá.

– Chúng ta chỉ muốn là một người bạn của con cái chứ không phải là cha mẹ.

Mặt tích cực của dạng cha mẹ này là hết mực thương con, nhưng vì chiều chuộng và không hoặc hiếm khi uốn nắn và kỷ luật con cái, họ thường xem nhẹ và bỏ qua những thói hư tật xấu của con, thậm chí có người còn binh vực cho các hành động sai quấy. Dạng cha mẹ này tạo nên những tác động xấu lên các em, hình thành các thói quen như vô kỷ luật, tùy tiện và bướng bỉnh khi còn bé và dễ sa ngã khi lớn hơn. Một số em còn có xu hướng trở thành những người ỷ lại, thiếu cố gắng, vô kỷ luật và thiếu tự chế. Các tính cách như ích kỷ và thiếu sự quan tâm và tinh thần đồng đội cũng dễ xảy ra vì các em chỉ thích làm theo ý mình.

Dạng cha mẹ độc đoán (Authoritarian)


Ðối nghịch với dạng cha mẹ dễ dãi nói trên là dạng cha mẹ độc đoán, chỉ có mệnh lệnh mà không có sự đáp ứng. Những cha mẹ này buộc con cái tuân thủ tuyệt đối những điều mình đưa ra, không có sự du di và không cần sự giải thích hay tranh luận gì khác. Con cái không tuân thủ sẽ bị trừng phạt. Có người la hét, mắng chửi thậm chí dùng hình phạt hay bạo hành thể xác. Việc này có phần hạn chế nơi xứ người vì sợ liên đới pháp luật hơn là ý thức. Những cha mẹ này đòi hỏi rất cao nơi con cái, ít khi hài lòng với các kết quả của con cái nên các phản hồi thường chê bai, mang tính tiêu cực hơn là khuyến khích, khen ngợi. Ở đây có thể mở ngoặc nói thêm rằng, dạng cha mẹ “độc đoán”, nghiêm ngặt kiểu “thương cho roi, cho vọt” này khá phổ biến trong văn hóa Á Ðông và Việt Nam nói riêng từ đôi thế hệ trước. Hệ lụy là đã để lại một thứ “văn hóa” chỉ trích, phê phán hơn là khuyến khích, khen ngợi , hiện diện từ trong gia đình ra đến cộng đồng. Vài điều để nhận dạng nhóm cha mẹ này theo sau:

– Chúng ta có những luật lệ, quy tắc nghiêm ngặt và buộc con cái phải tuân thủ một cách vô điều kiện?

– Chúng ta không cần giải thích, cấm con cái tranh luận và phản đối.

– Chúng ta thường kết thúc câu chuyện đại loại rằng, “Ba/Mẹ biểu/muốn vậy”, “Cứ làm theo ba/mẹ nói, không hỏi nữa”.

– Chúng ta quyết định hầu hết mọi việc cho con cái, không cho con cái quyền chọn lựa.

– Chúng ta tin và áp dụng việc trừng phạt như là biện pháp giáo huấn trẻ nhỏ tốt nhất.

– Chúng ta ít bày tỏ sự thân mật, âu yếm và yêu thương với con cái.

Dạng cha mẹ này có thể tạo nên những đứa con phục tùng, không dám xao nhãng học hành hay những việc mà cha mẹ đã chọn lựa hay sắp đặt cho mình vì sợ bị trừng phạt. Các em có xu hướng sẽ trở thành người nhút nhát, sợ hãi, luôn phục tùng và thiếu sự quyết đoán và xoay trở cá nhân. Ở mặt khác, một số em có thể dễ mất tự chủ, cộc cằn, tiềm ẩn sự hung dữ vì mang trong lòng sự ức chế, nỗi oán giận với cha mẹ, bộc phát ra với người ngoài một khi mất kiềm chế. Nặng nề hơn là có em tự hủy hoại thân thể hay lén lút xài bia rượu, cần sa như cách phản kháng và trả thù cha mẹ. Trẻ em lớn lên trong sự giáo huấn nghiêm ngặt này có thể đạt kết quả tốt về học hành và dù có đạt được bằng cấp nào đó trong tương lai, phần lớn sẽ thích hợp công việc thừa hành hơn là người có khả năng lãnh đạo.

Dạng cha mẹ xao nhãng (Neglectful)


Trong tất cả các dạng cha mẹ vừa kể, dạng cha mẹ xao nhãng, không gắn bó với con cái là dạng có hại nhất cho sự phát triển thể chất, tinh thần và tâm lý của những đứa con. Ðây là dạng cha mẹ thiếu đáp ứng các nhu cầu chung của con cái, và cũng chẳng đòi hỏi, giám sát hay đặt ra những quy tắc, giới hạn nào với các em. Họ thường thờ ơ, xao nhãng trách nhiệm, chẳng ngó ngàng hay quan tâm gì đến con cái, dù vẫn cung cấp các em các nhu cầu về ăn mặc căn bản.Thông thường, những cha mẹ trong dạng này đặt ưu tiên cho việc sinh kế lên trên hay xem các mối giao tiếp và quan hệ trong công việc và cá nhân hơn con cái. Hay đơn giản là họ hờ hững trách nhiệm làm cha mẹ của mình. Một số người đang gặp những khó khăn, khủng hoảng về tinh thần, tình cảm, tài chính nên cũng dễ lơ là, bỏ mặc con cái. Những khi có thể, cha mẹ dạng này phó thác và thường đẩy trách nhiệm của mình cho trường học, ông bà, người thân trong gia đình, người giữ trẻ hay những tổ chức tư nhân và tôn giáo mà các em sinh hoạt. Các câu hỏi sau về dạng cha mẹ này như sau:

– Mình có quan tâm đủ đến những nhu cầu thể chất, tinh thần và tình cảm của con?

– Mình có thường bày tỏ sự yêu thương, âu yếm với con cái?

– Mình có hiểu những gì đang xảy ra trong suy nghĩ và đời sống của con cái? Có biết con cái yêu thích thứ gì, mong muốn được làm gì?

– Mình có viện nhiều lý do để bào chữa cho việc không dành thời gian cho con cái?

– Mình có hướng dẫn, giải thích con cái cách hành xử đúng-sai, có chia sẻ những kỳ vọng và khen ngợi, khuyến khích khi các em đạt được những nỗ lực đáng khen.

– Mình có biết đến thầy cô, bạn bè của con mình? Mình có tham gia những buổi họp phụ huynh, những hoạt động trường học hay ngoại khóa và có tiếp xúc, trao đổi thông tin với thầy cô giáo?

Những đứa trẻ có cha mẹ thuộc nhóm này sẽ phải tự mình học cách tự xoay trở trong sự lạc lõng và thiếu phương hướng vì thiếu sự chia sẻ, hướng dẫn của cha mẹ. Không có sự quan tâm của cha mẹ, các em không xác định được điều đúng-sai, những giới hạn về hành động của mình. Tâm trạng lo lắng, sợ hãi, bất an, mặc cảm và dễ có cảm xúc thất thường hay che giấu cảm xúc, các em có xu hướng dễ phạm pháp hay uống rượu, sử dụng chất kích thích hơn các trẻ em thông thường khác khi bước vào tuổi thanh niên. Về lâu dài, các em có nguy cơ trở thành người trưởng thành thiếu phép cư xử, nhận thức kém, thua sút bạn bè những kỹ năng về tình cảm, xã hội và giao tiếp.

Dạng cha mẹ đủ thẩm quyền (Authoritative)


Ðây là dạng cha mẹ lý tưởng, là những bậc phụ huynh thấu hiểu mức quan trọng và khó khăn của việc giáo dục con cái, đồng thời có khả năng giúp các em phát triển một cách đúng đắn. Còn được gọi là nhóm cha mẹ “dân chủ”, đây là phương pháp có hiệu quả và tốt nhất cho chính họ cùng các em nhỏ. Nhóm cha mẹ này vừa bày tỏ sự yêu thương, gần gũi nhưng đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu, kỳ vọng nơi con cái và có những nỗ lực để giúp các em đạt đến những điều này. Họ tạo điều kiện và luôn hiện diện trong các nhu cầu phát triển của con cái. Thiết lập một nếp nhà có quy củ, đặt ra những giới hạn nhưng dựa trên yêu thương và tôn trọng, những cha mẹ này luôn biết lắng nghe và khuyến khích con cái bày tỏ suy nghĩ cùng sự độc lập của mình. Những uốn nắn và kỷ luật mang tính tích cực và hợp lý, nhằm giúp các em nhận thức được trách nhiệm, hậu quả của những hành động và thái độ sai trái của mình, hơn là để trừng phạt. Vài câu hỏi để nhận diện các cha mẹ thuộc nhóm này như sau:

– Chúng ta có giải thích cho con cái biết những giá trị và quy tắc gia đình một cách rõ ràng?

– Chúng ta áp dụng biện pháp tích cực nào khi con cái vượt qua giới hạn đã định hay các luật lệ trong gia đình.

– Con cái chúng ta có hiểu những mong đợi của chúng ta về thái độ, hành xử của các em?

– Chúng ta có cởi mở để cho con cái tin tưởng kể chuyện trường học, bạn bè và giãi bày các suy nghĩ, khó khăn đang gặp.

– Chúng ta có khuyến khích con cái tìm tòi, thực hiện những điều mới lạ, khám phá thế giới chung quanh?

– Con cái có can đảm kể những lỗi lầm phạm phải mà không sợ phải gánh chịu những phán xét, khiển trách hay hình phạt nặng nề.

Con cái trong các gia đình có cha mẹ dạng này thông thường có năng lực, vui vẻ, tự tin và dễ thành công hơn các em trong những dạng gia đình kể trên. Ðược khuyến khích việc đối thoại trong sự thông hiểu, các em có kỹ năng lý luận và giao tiếp tốt, dễ hòa nhập với số đông và từ đó có cơ hội phát triển kỹ năng lãnh đạo. Mặt khác, óc mạo hiểm và sáng tạo nơi các em cũng sẽ cao hơn vì dám chấp nhận những sai sót và thử thách trước các điều mới lạ. Tinh thần và truyền thống giáo dục này đã giúp nước Mỹ tạo nên những thế hệ công dân tích cực và có trách nhiệm, biết dấn thân và khai phá, tạo nên một nước Mỹ hùng mạnh như hiện nay.

Sưu tầm


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 12th June 2024 - 07:36 AM