Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Ngày càng nhiều anh chồng không sợ 'chui gầm chạn'
lalan
post May 10 2008, 04:44 PM
Post #1


Phố Cũ
***

Group: Năng Động
Posts: 2,691
Joined: 21-April 08
Member No.: 43
Country



Ngày càng nhiều anh chồng không sợ 'chui gầm chạn'


Ở nhà vợ không còn là nỗi sợ của nhiều đấng mày râu. Ảnh: corbis.


Sau đám cưới, Hùng (32 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) dọn hòm xiểng sang nhà bố mẹ vợ. Đến nay đã gần 4 năm, hầu như không ai trêu chọc hay hỏi han anh về chuyện ở rể nữa, vì lúc nào anh cũng hơn hớn trả lời: "Sướng lắm!".

Điều kiện để Như nhận lời cầu hôn của Hùng là: Hai vợ chồng sẽ về sống với bố mẹ cô. Như chỉ có một em gái đã theo chồng định cư ở nước ngoài, nên nếu cô cũng xuất giá theo chồng nốt thì bố mẹ sẽ phải thui thủi với nhau trong ngôi nhà lớn 5 tầng.

Không ngại việc ở chung với ông bà nhạc, nhưng Hùng phải mất mấy tháng để thuyết phục gia đình. Bố anh bảo: "Mình có nhà cao cửa rộng không ở, tội gì sang đó cho người ta nói ra nói vào hả con? Mà vợ thì phải theo chồng chứ". Cuối cùng thì đám cưới đã diễn ra và chú rể khăn gói về nhà cô dâu. Đến nay sau gần 4 năm, hầu như không ai trêu chọc hay hỏi han Hùng về chuyện ở nhà vợ nữa, vì lúc nào anh cũng hơn hớn trả lời: "Sướng lắm!".

Quả thật, ông bà nhạc không có con trai nên Hùng được đối xử như con cưng. Mẹ vợ làm cơm lúc nào cũng hỏi con rể thích gì. Anh chàng không khách sáo liệt kê ngay các món, rồi đến bữa thì khen lấy khen để và ăn uống nhiệt tình khiến bà rất phấn khởi. Với bố vợ, anh càng thân thiết bởi có cùng sở thích câu cá và uống rượu ngoại. Hai bố con thường cùng nhau ngâm nga thù tạc, hoặc "trốn vợ" đi câu ở ngoại thành, cùng bênh nhau hoặc tung hứng pha trò để xoa dịu cơn tam bành của hai người phụ nữ.

Còn bố mẹ Hùng cũng hết băn khoăn về chuyện sĩ diện khi chấp nhận cho con đi ở rể. "Nói cho cùng chả ai dám bảo nó không có nhà nên phải ở nhờ vợ. Ai cũng biết nó kiếm tiền khá" - mẹ Hùng chép miệng.

Không có thế mạnh kinh tế để hậu thuẫn cho lòng tự tin như Hùng nhưng anh Dương (28 tuổi, Kim Liên, Hà Nội) vẫn thấy thoải mái với cuộc sống ở rể. Dương vốn quê Thái Bình, lên Hà Nội học đại học rồi trở thành một chuyên gia về công nghệ thông tin. Cách đây 2 năm khi quyết định cưới một cô gái Hà Nội, anh định thuê nhà, nhưng bố mẹ vợ đã thuyết phục rể út sang ở với mình, bởi các con lớn của ông bà đều đã ra riêng. Dương nghĩ, có nhà mà không ở thì rõ ràng là cố chấp, nếu ở thì cả vợ và bố mẹ vợ đều vui, lại tiết kiệm được tiền thuê nhà, sau này mua căn hộ riêng.

Tiền chi tiêu hằng tháng, Dương yêu cầu vợ đóng thật "xông xênh", nhà có việc gì anh cũng xung phong đóng góp. Anh thấy cuộc sống với gia đình vợ khá dễ chịu.

Nhiều người đàn ông khác cũng đang sống cùng bố mẹ vợ mà không băn khoăn đến câu "chó chui gầm chạn". Thường đây là những trường hợp rể chưa có nhà, nhà quá xa không tiện việc đi lại, công tác, bố mẹ vợ không có con trai, hoặc các con đã ra ở riêng...

Nếu như trước đây, việc ở rể với cánh đàn ông chỉ là chuyện cực chẳng đã thì hiện nay, suy nghĩ về việc này đã thoáng hơn rất nhiều. Theo một điều tra mới đây của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, tỷ lệ sống chung với bố mẹ vợ đang tăng lên ở nhóm tuổi trẻ; hiện có trên 11% các cặp vợ chồng ăn ở cùng nhà vợ sau khi kết hôn.

Anh Dương giải thích về lý do có thể sống thoải mái với bố mẹ vợ: "Tuy ở chung nhưng tôi không phụ thuộc về kinh tế, ông bà nhạc cũng biết là một ngày nào đó khi tích lũy đủ tiền là tôi có thể mua nhà chứ không phải là loại rể dựa dẫm, ỷ lại" - anh Dương tâm sự. Thực ra, sau 2 năm kết hôn, anh thấy việc mua nhà riêng là không còn cần thiết. Dương dự tính sẽ đưa cho bố mẹ vợ số tiền dự tính mua căn hộ, coi như đóng góp tiền nhà.

Còn Hùng thì cho rằng việc ở rể không phải là vấn đề gì ghê gớm, bởi quan hệ giữa bố mẹ vợ và con rể vốn dễ dàng hơn là bố mẹ chồng với con dâu rất nhiều, ít có chuyện liên quan đến bếp núc, chợ búa nên cũng đỡ va chạm hơn.

Nhưng hầu hết các chàng rể đều cho rằng, nguyên nhân quan trọng khiến họ chấp nhận ở nhà vợ là cái nhìn của xã hội về điều này đã cởi mở hơn rất nhiều, nhất là ở thành phố, nên họ ít phải chịu áp lực của điều tiếng dư luận. Mức độ bình đẳng nam nữ ngày càng cao, quan điểm "gia đình chồng quan trọng hơn gia đình vợ" mờ nhạt dần khiến người đời không còn nhìn chuyện ở rể như một hiện tượng trái lẽ thường nữa.

Theo một khảo sát nhanh với gần 2.800 người tham gia, chỉ có gần 29% số nam độc giả thực sự phản đối chuyện ở nhà vợ. 11% các quý ông thừa nhận rằng bản thân thấy việc ở rể cũng không vấn đề gì, chẳng qua sợ thiên hạ nói ra nói vào. Có đến hơn một nửa số nam giới được hỏi cho rằng ở nhà ai cũng được, miễn là có sự độc lập về kinh tế. Số chàng rể hoàn toàn cổ vũ cho việc sống chung với bố mẹ vợ cũng không quá hiếm, chiếm đến 8%.


Thực tế phần lớn các trường hợp ở rể không được cơm lành canh ngọt đều không phải vì tính nết không hợp, mà do tư tưởng kỳ thị đối với việc này. Nhiều khi lại xuất phát từ chính ông con rể. Trường hợp của anh Thạch (Đống Đa, Hà Nội) là một ví dụ. Đại gia đình Thạch gồm bố mẹ, vợ chồng anh trai và cô em gái sống chung trong căn hộ rộng chưa đầy 50 m2. Do đó khi kết hôn, phía vợ đề nghị anh sang ở cùng bởi ông bà nhạc chỉ có một cô con gái. Phải thuyết phục mãi, anh mới bỏ ý định thuê nhà ở riêng (dù thu nhập của anh thấp).

Trong quá trình chung sống, anh luôn luôn cảm thấy bức bối vì mặc cảm ở nhờ. Chỉ một câu nói vô tình của gia đình vợ hay những người xung quanh cũng đủ để anh cay mũi, đâm ra vùng vằng, gây gổ. Trong 2 năm qua, đã có hơn chục lần anh nằng nặc đòi vợ ra ở riêng. Bố mẹ, họ hàng nhà vợ đều phải hết sức thận trọng khi trò chuyện, cư xử với Thạch, trong khi anh cảnh giác với từng lời lẽ, cử chỉ của họ, do đó tình cảm không được mặn mà. Còn vợ Thạch thì bao phen khóc hết nước mắt và luôn luôn trong trạng thái căng thẳng theo dõi thái độ của hai bên.

Theo anh Dương, những trường hợp như trên không chỉ vì người rể còn nặng tư tưởng phong kiến, mà còn do anh ta nghĩ hơi nhiều đến sĩ diện của mình mà ít quan tâm đến cảm xúc của những người xung quanh: "Nếu cứ nghĩ quan trọng là ai nấy đều được vui vẻ thì ông con rể sẽ biết cách cư xử hợp lý thôi".

Ngoài ra, kinh nghiệm thực tế của những chàng trai ở rể đều cho thấy, dù sống ở nhà chồng hay nhà vợ, điều quan trọng để tạo quan hệ tốt đẹp giữa hai thế hệ vẫn là tình cảm. Nếu chàng rể thực sự cho rằng bố mẹ của vợ và chồng đều cần được coi trọng như nhau, quan tâm, giúp đỡ ông bà nhạc với tình cảm chân thành của một người con thì cuộc sống sẽ êm ấm.

Hải Hà


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 28th September 2024 - 10:59 AM