Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Luyện Khí Công Phòng Bệnh - Chữa Bệnh - Giữ Sức Khỏe -, Huy Vũ
delta
post Apr 27 2008, 10:58 AM
Post #1


Chốn Xưa
***

Group: Members
Posts: 585
Joined: 7-April 08
Member No.: 7
Country



Luyện Khí Công Phòng Bệnh - Chữa Bệnh - Giữ Sức Khỏe

Huy Vũ


Khí công là một phương pháp hô hấp dưỡng khí, khơi thông kinh mạch, điều chỉnh khí huyết trong cơ thể con người để âm dương cân bằng, Tinh-Khí-Thần hợp nhất, phủ tạng điều hòa, nhờ đó dẫn đến tác dụng phòng chữa bệnh, tăng sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.

Khí công tuy có nhiều phương pháp nhưng cũng không khác biệt lớn, mỗi phương pháp đều có cái hay riêng. Khí công là phương pháp luyện tập đã có từ xưa, nhưng rất cần thiết cho đời sống hiện đại.

Tập khí công cần thư giãn mọi cơ bắp, não nhập định, điều hòa hô hấp để khơi thông kinh lạc, Tinh-Khí-Thần hợp nhất, nhờ đó năng lượng hoạt động của Tâm-Trí-Thể được thanh lọc, nâng cao.

Người xưa nhận thức đơn giản, coi "Khí" là hiện tượng tự nhiên: Con người nhờ khí mà sống. "Khí tụ thì hình thành, khí tán thì hình mất. Khí trong cơ thể có hình thái biểu hiện phong phú và đa dạng.

Khí cơ bản là "Nguyên khí", còn gọi là "Chân khí", tức "Khí Chân Nguyên", trong đó gồm khí trời đất và khí bẩm sinh từ cha mẹ.
Tiếp đến là "Khí Thủy Cốc", còn gọi là "Địa khí" (bởi ngũ cốc mọc lên từ đất), là loại khí được chuyển hóa từ các chất dinh dưỡng trong thức ăn.
Sau hết là "Không khí", do phổi hô hấp.
Ba loại "Khí" này cấu tạo nên một loại vật chất tinh vi, có sức hoạt động rất mạnh, chúng lưu thông khắp mọi ngõ ngách trong cơ thể. Vật chất tinh vi, đó là một trong những chất cơ bản để duy trì sự sống của con người. Nó được thể hiện bằng các hoạt động sinh lý trong những tổ chức khác nhau như phủ, tạng, Kinh, Lạc... Có bốn hình thức hoạt động Thăng - Giáng - Xuất - Nhập, và có những tên gọi khác nhau. ví dụ: Khí của phủ, tạng gồm có Tâm khí, Vị khí, Thận khí... Ngoài ra, còn có khí của kinh, lạc như Vinh (Dinh) khí, Vệ khí...

Khí của khí công là tín hiệu của sinh mạng vận chuyển theo hệ thống kinh lạc. Việc rèn luyện khí mà khí công nói tới là sự điều hòa Tâm, Ý để nguyên khí nơi con người được phát huy trọn vẹn. Loại nguyên khí hoặc chân khí đó có khả năng kháng bệnh tật trong cơ thể, và là năng lực giúp con người thích ứng với môi trường bên ngoài.

Công phu luyện khí được dùng để chỉ thời gian luyện công, chất lượng luyện công, đồng thời còn có thể dùng để chỉ phương pháp, trình độ, bản lãnh luyện công.

Người khởi luyện khí công phải:

Tuần tự nhi tiến, không hấp tấp, nôn nóng mới mong đạt được kết quả chắc chắn vững vàng.
Phải thật kiên trì, nhẫn nại, không đứng núi này trông núi nọ, đang tập phương pháp này chưa thuần đã chuyển sang tập lối khác.
Giữ tâm thân bình thản, an định, ngưng mọi tạp niệm. Khi khởi luyện, nét mặt hồn nhiên tươi tắn, nhưng lát sau tự nhiên đi vào im lặng (bởi người luyện công phải giữ cơ thể luôn ở trong một cái "khung" chính xác, đầu thẳng với cột xương sống). Tới khi có "Khí cảm" tự khắc sẽ "đứng trong sự an tĩnh", thậm chí còn có cảm giác "phiêu diêu sảng khoái", quên cản hiện tại.
Trong khi tập, có nước bọt ứa ra miệng, không được nhổ, phải nuốt vào bụng, vì đó là Tân dịch do lưỡi chạm vào hàm trên gây nên. Người luyện khí công thường để "lưỡi dính hàm trên" là vị trí của huyệt "Thiên trì". Khi lưỡi đặt vào huyệt đó, trong miệng sẽ tiết ra Tân dịch (nước bọt). Tân dịch đó là dịch tiêu hóa, không những giúp cho việc tiêu hóa tốt, mà còn nuôi dưỡng khí huyết khi nuốt nước bọt xuống dưới Đan điền. Bởi vậy, khi luyện khí công chớ bao giờ nhỏ nước bọt đi, phải nuốt vào cho cổ họng khỏi bị khô. Nhổ nước bọt nhiều sẽ tổn khí.
Cần lưu ý: Dưới lưỡi có 4 khiếu: 4 khiếu Thông Tâm khí và 2 khiếu Thông Thận khí, gọi là "Thiệt Tuyền". Còn các chất khác bài tiết ra khỏi cơ thể như mồ hôi, nước tiểu đều có mùi hôi và mặn, duy có nước bọt là hơi ngòn ngọt, nuốt vào bụng sẽ có tác dụng "trợ tỳ, khai vị". Điều đó chứng tỏ Tân dịch là rất quý.

Khí công còn có một phương pháp tự điều hòa thân tâm, được nhận thức và sáng tạo qua đời sống. Trong thực tiễn, khí công phấn đấu chống lại già yếu và bệnh tật, Khí công có những chức năng sau:

A. Kiện toàn thân tâm

Đầu óc được thư giãn, tỉnh táo, tư duy mẫn tiệp.
Thúc đẩy sự tuần hoàn máu, nâng cao chức năng của tim.
Điều tiết tâm lý, khiến tinh thần luôn luôn phấn chấn, đầy sức sống.
Nâng cao ba năng lực: năng lực thích ứng, năng lực phục hồi, và năng lực miễn dịch.
B. Giải trí

Nhờ có khí công, con người sau những lúc làm việc bận rộn có thể nghỉ ngơi một cách tích cực, thỏa mãn cuộc sống tinh thần, tu dưỡng tâm hồn, bồi dưỡng những phẩm chất cao thượng, làm trong sạch tình cảm để được sống vô tư, hồn hậu. Như thế, không những phục hồi được nguyên khí mà còn là một loại hưởng thụ tinh thần cao cấp, loại hưởng thụ mà người bình thường không thể có được.

Vui trong niềm vui đó ta dễ thỏa mãn với mọi người, dễ giao lưu chan hòa tình cảm, khiến con người sống cởi mở, gắn bó với quần thể, tâm trí sáng suốt, tâm hồn khoáng đạt, luôn vui tươi, dũng cảm tiến lên phía trước với một cảm giác cực kỳ tốt đẹp. Trạng thái tâm lý đó có thể sinh lòng tự tin và tự hào, xác lập chính khí, trừ bỏ tà khí và có thể giải tỏa được những căng thẳng thần kinh, mệt mỏi của trí óc, rối loạn tinh thần do làm việc quá tải và các quan hệ xã hội phức tạp gây nên. Đến với khí công, người già được bảo dưỡng, sức khỏe tăng tiến, được sống vui, hưởng trọn một tuổi trời và vẫn phát huy được năng lực của mình để phục vụ xã hội.

C. Tình cảm xã hội

Khí công có liên quan trực tiếp đến sự ổn định tâm lý xã hội của con người. Cái gọi là "sự cân bằng tâm lý xã hội của con người". Ví dụ: Ai cũng ham sống, nhưng cũng có người vì quá đau khổ mà muốn quyên sinh. Mọi người đều có tình yêu đối với tổ quốc, nhưng trong hoàn cảnh hỗn loạn, chết chóc khiến người chán nản, tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm. Có người tuyệt vọng vì bệnh chữa chạy khắp nơi không có kết quả. Có người vi nguyên nhân này nọ sinh ra mất chỗ dựa về tinh thần... Khí công có thể xua tan những đám mây u tối đó trong tâm hồn họ, khiến họ phấn chấn trở lại. Khí công trở thành ngọn đuốc, giơ cao, hiệu triệu mọi người chiến đấu với già, yếu, bệnh.

Tình cảm ý chí của con người biểu hiện qua thất tình: hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, cụ không chỉ là sự phản ánh chủ quan của con người với những kích thích của ngoại cảnh, mà còn là những yếu tố quyết định sự sinh tử, tồn vong của con người. Các chuyên gia y học cho rằng: khi nẩy sinh bất cứ một biến đổi nào về tình cảm thì "bộ tư lệnh tối cao" của cơ thể con người là đại não đều cơ động "điều binh khiển tướng", tiếp đó dẫn đến một loại những biến đổi phức tạp về nhịp tim, nhiệt độ... Cho dù trên gương mặt chỉ "hơi gợn sóng", nhưng thế giới nội tâm đã như "bão táp". Ngay khi chỉ cần nhăn mặt, cau có thì bên trong cơ thể đã có những tổn thương nghiêm trọng. Bởi bất cứ một việc gì gây ra sự phản ứng đều gây tổn thất chứ không phải là tăng cường cho hệ thống miễn dịch.

Khi vui thì khí hòa hoãn, nhưng quá vui cũng có thể đưa đến cái chết đột ngột. Có thể nói "tình cảm là chiếc gậy chỉ huy cuộc sống". Điều khiển được sự phiền nhiều của thất tình là điều hết sức quan trọng đối với những người luyện khí công. Sách thuốc có viết:

Giận quá tổn thương Can
Vui quá tổn thương Tâm
Lo lắng quá tổn thương Tỳ Vị
Buồn bã quá tổn thương Phế
Kinh sợ quá tổn thương Thận
Thất tình thái quá sẽ tổn thương Thân và Tâm, phát sinh bệnh tật. Cách đề phòng là tăng cường sự tu dưỡng tư tưởng, loại bỏ những suy tư tạp niệm, "vô ngã", không chỉ biết có mình, không quá ư thiết tha, mong mỏi một cái gì ngoài tầm tay mình, cứ sống theo quy luật tự nhiên, vui với những gì đang có quanh mình thì tâm hồn sẽ thanh thản, ung dung, tự tại. Tóm lại, bách bệnh đều do khí sinh ra. Bằng việc điều lý khí công một cách thích đáng sẽ chữa trị được mọi bệnh tật và thân, tâm sẽ luôn mạnh khỏe, thư thái.

Về mặt sinh hoạt, người luyện khí công phải biết cách sắp xếp cho tốt. Ăn uống phải điều độ, không ăn quá no, cũng không để quá đói mới ăn, thức ăn đừng để quá nguội lạnh, ăn ít những vị cay, nồng, đắng hay quá mặn. Ngủ nghỉ và làm việc có giờ giấc, không nghiện rượu, thuốc lá, mọi sinh hoạt đều chừng mực, tiết độ.

Thường ngày phải có ý thức sửa đổi, chỉnh đốn tư thế đứng, ngồi, nằm, và dáng đi cho chững chạc. Phải đứng như cây tùng, ngồi như chuông đồng, nằm như cái cung, đi như gió lướt.


Ý và Khí
Trong thân người, ý và khí vô hình, vô sắc, mắt không thể thấy được. Cần biết: khí chiếm một địa vị cực kỳ quan trọng, khí vận hành khắp cơ thể, có công dụng vừa thúc đẩy huyết vừa dưỡng huyết. Khí do chân hỏa ở mệnh môn chưng cất tinh dinh rồi nuôi lớn lên mà thành. Sự hình thành đó gọi là "Thủy hỏa ký tế". Khí được nuôi dưỡng và rèn luyện mà phát huy tiềm lực, gọi là "Nội đan", mà chỗ cất giữ là "Đan điền". Khí có giá trị cao hơn huyết. Khí huyết thường đi chung, nhưng khí là chủ, huyết là phụ, khí là vệ, huyết là doanh. Sự sống của con người hoàn toàn do doanh vệ, nếu có daonh, không vệ ắt không vận hóa được. Nói cách khác, vệ là trọng, doanh là khinh. Huyết thiếu còn có thể tạm sống được, chứ khí không đủ thì nguy cho tính mạng. Cho nên, việc dưỡng khí là rất trọng yếu.

Cần hiểu rõ: Tâm chỉ là chủ của Ý, Ý là dụng của Tâm, Tâm động thì Ý khởi, Ý sinh thì Khí tùy (theo). Nói cách khác Tâm - Ý - Khí có mối quan hệ gắn bó tương liên tuần hoàn. Tâm loạn thì Ý tán, Ý tán thì Khí phù. Ngược lại, Khí trầm thì Ý tụ, Ý tụ thì Tâm định. Cho nên ba thứ đó vận dụng hỗ tương không thể tách rời.

Có hai cách xoay chuyển nội khí trong cơ thể con người. Ý đến nơi nào thì Khí theo đến đó, bất luận chỗ nào cũng có thể vận hành tới được. Các động tác khai hợp, hô hấp, tiến lui trong Nhu khí công nhằm mục đích luyện tập vận khí ra toàn thân, khiến có thể từ chỗ thể giác, cảm giác, xúc giác mà tiến đến chỗ mẫn tiệp linh lợi như thần. Trong thân người có ba trạng thái khí:

Khí ngốc trệ (ngưng đọng)
Khí phù táo hay bạo khí do cơn giận phát ra, có thể làm chân bị phù, trọng tâm không vững nên vô lực.
Khí thanh bình tụ ở đan điền; hễ khí bình ắt hòa, hòa ắt đạt, đạt ắt thông hành không trở ngại. Cho nên, phải luyện tập để cơ khí thanh bình và tiêu trừ khí trệ, bạo.

Kình và Lực
Lúc chưa thực tập đối kháng trong giao đấu, ta chưa phân biệt rõ ràng Kình và Lực. Lực xuất từ xương bị giữ lại ở lưng và vai, nên không phát ra hết được. Kình xuất từ gân đi tới tay chân để phát ra. Lực hữu hình, còn Kình vô hình. Lực vuông mà Kình tròn. Lực trệ rít mà Kình thông suốt. Lực tán ra, Kình tụ lại. Lực trôi nổi, Kình trầm lắng. Lực cùn nhưng Kình bén.

Khi phát Kình tấn công, cần chú ý ba điểm:

Cơ thế, tức ta thuận thế, còn địch nghịch thế. Trọng tâm của địch thiên về một bên, thân địch không linh hoạt, khí của địch thượng thăng không trầm xuống được.
Địch đang ở phương hướng nghịch thế, ta nhằm vào đó mà phát Kình.
Phải đúng thời điểm, tức là nhằm vào lúc mà kình của địch vừa dứt, chưa kịp sinh kình mới hoặc địch lui về sau. Ta phải phát kình địch đúng lúc, không sớm không trễ, vì sớm ắt kình của địch chưa dứt có thể kháng cự lại, trễ ắt địch phát giác mà biến chế được. Ba điểm này không thể thiếu một, ngoài ra còn phải chú ý đến cự ly giữa ta và địch: quá xa kình không tới, quá gần ắt kình bị trở ngại. Kình lực và nội khí như ngày và đêm, ngày đến thì đêm lui.
Có hai cách vận dụng nội khí phát kình:

Từ phía trước ra phía sau. Khí trầm ở Đan điền, từ đó bức xuất mà quá ra tứ chi. Ngày hiện thì đêm ẩn.
Từ phía sau đi ra phía trước. Khí thấm vào sống lưng và tay, từ đó xuất ra mà quán vào tứ chi.
Xuất kình như ném một đồ vật, muốn ném là ném. Nhất thiết không ngập ngừng hay do dự, nếu có chút chi phân vân thì không sao phát được. Phải phát kình như phónt mũi tên, vút buông dây, không còn chi trong tay cả. Cho nên khi phát kình đánh địch cần phải liễm khí, ngưng thần, mắt nhìn thẳng đối phương, nhất thiết không nhìn xuống, dù trường hợp muốn đề phòng địch tấn công hạ thể, vì nhìn xuống là kình đi xuống.


Kinh Lạc
Trong cơ thể con người có 12 đường lộ tuyến và đó là những đường liên hệ ngũ tạng, lục phủ, thân mình, tứ chi của con người, đó là đường khí vận hành, và cũng là đường sinh lý cảm ứng trong cơ thể con người gọi chung là 12 kinh.

Thập nhị kinh lạc, tức là 12 kinh, thêm vào mạch Nhâm và mạch Đốc. Hai kinh Nhâm và Đốc ấy, một đường đi phía sau lưng ngay chính giữa cơ thể, còn một đường thì đi ngay chính giữa phía trước.

Kinh lạc có liên quan mật thiết với phủ tạng "Máu sinh khí, khí điều hành máu". Do đó, thông qua sự ban, ấn, chỉ đúng quy luật sẽ làm cho phụ tạng đầy đủ khí huyết, làm cho các cơ quan bị nhiễm bệnh có thể lui bệnh và hồi phục, âm dương cân bằng. Với tứ chi, kinh lạc như cái ổ khóa, ngón tay và ngón chân như cái chìa. Cho nên mối tương quan giữa chúng như khóa với chìa vậy. Tay chân có thể điều khiển nội khí thăng giáng, xuất nhập, đạo dẫn thoải mái để chữa bệnh và nâng thể lực. Ngoài ra, người luyện khí thành công có thể tích lũy nội kình, nâng cao công lực "phát phóng ngoại khí" chữa bệnh. Khí vận dụng "nội khí phóng ngoại" để hướng dẫn chữa bệnh cho người khác.

Mối quan hệ giữa các ngón tay với kinh lạc:

Ngón cái là điểm Kết của Thủ Thái âm Phế kinh.
Ngón trỏ là điểm Khởi của Thủ Dương minh Đại trường kinh.
Ngón giữa là điểm Kết của Thủ quyết Âm Tâm bào kinh.
Ngón áp út là điểm Khởi của Thủ thiếu Dương Tam tiêu kinh.
Ngón út là điểm Kết của Thủ thiếu Âm Tâm kinh và là điểm khởi của Thủ thái dương Tiểu trường kinh.
Cơ thể con người tuy chia thành các phủ, tạng, cửu khiếu, tứ chi... song chúng lại là từng bộ phận của một chỉnh thể, đồng thời một bộ phận lại là một chỉnh thể nhỏ. Tai không chỉ là cơ quan thính giác đơn lẻ mà còn liên quan mật thiết với các phủ, tạng, kinh lạc. Khí huyết của 12 kinh mạch, 365 lạc thăng lên mặt rồi đi tới các thông khiếu, dương khí của chúng lên đến mặt tạo nên chức năng Nhìn, biệt khí của chúng tích lại ở tai tạo nên chức năng Nghe. Thận đi vào tai, phế khí hư thì thiếu khí... sẽ làm tai điếc. Đó là mối quan hệ giữa tai với kinh lạc và phủ tạng.

Về kinh lạc, thì không thể mổ tử thi con người mà tìm thấy. Nó không trùng với thần kinh hay huyết quản để có thể giải phẫu mà thấy được, nhưng nó tồn tại, đó là một điều không thể nghi ngờ. Một người bị bệnh bao tử, châm huyệt Túc Tam Lý nằm phía dưới đầu gối, bên ngoài ống quyển thì người bệnh sẽ lành, nhưng nếu xét theo giải phẫu học thì không tìm thấy một sự liên hệ nào bằng đường thần kinh hay huyết quản giữa huyệt Túc tam lý với Bao tử. Một bệnh nhân khó thở, nếu châm cứu ở xương quay nằm phía ngoài bàn tay thì thấy dễ thở ngay, xét phương diện giải phẫu thì ở đầu xương quay có nhánh của thần kinh quay, nhưng dây thần kinh ấy không có quan hệ gì đến phổi và khí quản cả.

Kinh lạc là những bí mật trong thân thể con người, các bậc Đông y xưa, trải qua một thời gian dài trị liệu mới tìm ra được. Mặc dù ngày nay khoa giải phẫu chưa tìm được thực chất của kinh lạc, nhưng trên lộ tuyến của những kinh lạc ấy lại phát hiện những cảm ứng có liên thuộc quan hệ với các quan trong nội tạng. Thế nên trên phương diện y học, kích thích những chỗ trên lộ tuyến ấy là trị lành được những bệnh trong nội tạng.


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 10th June 2024 - 05:05 AM