Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Ngọc Giàu không biết chữ mà... đọc cuốn bài ca, Ngành Mai
Tulip
post Feb 5 2012, 01:16 PM
Post #1


Hoa cô đơn
***

Group: Năng Động
Posts: 5,417
Joined: 28-October 08
Member No.: 516
Country







Ngọc Giàu không biết chữ mà... đọc cuốn bài ca



Nói về cuốn bài ca nhỏ được các tay bán bài ca rao hàng bằng cách vừa đi, vừa cầm cuốn bài ca đọc lên bằng lời ca vọng cổ, là hình ảnh quen thuộc ở các chợ làng quê nông thôn của thời thập niên 1950-1960.

Cuốn bài ca nhỏ đã lôi cuốn người đi chợ phải bỏ tiền ra mua, một phần lớn là nhờ người bán bài ca có làn hơi ca vọng cổ thu hút được người nghe lúc ấy. Thông thường nếu như ai đó dù nam hay nữ, có được giọng ca tương đối hay thì được các đại lý ở tỉnh tin cậy giao cuốn bài ca đi bán ăn tiền huê hồng, tính trên số lượng cuốn bài ca được bán ra.

Trong số những người đi chợ, giới mua cuốn bài ca nhiều nhứt là các cô gái, chính các cô thiếu nữ tuổi từ mười mấy là khách hàng tiêu thụ cuốn bài ca này mạnh nhứt. Cái điều đáng nói ở đây là không những các cô biết đọc chữ Quốc ngữ mua về để tập ca, mà luôn cả các cô không biết chữ nhưng nghe người bán bài ca cất tiếng hát nghe hay quá rồi cũng mua để đọc. Ðó mới là chuyện lạ đời, là “đặc thù” của cổ nhạc miền Nam vậy. Như thế đủ biết sức thu hút của bài vọng cổ mạnh mẽ đến cỡ nào, và trong số những cô không biết chữ mà bỏ tiền ra mua ấy có cả Ngọc Giàu, một trong hai cô đào đoạt giải triển vọng Giải Thanh Tâm 1960.

Lúc còn bé thấy thiên hạ mua những cuốn bài ca có in hình nghệ sĩ, Ngọc Giàu cũng dành tiền để mua cả đống, để rồi tối ngày lúc rảnh rang cô cầm tập bài ca lên ca, giọng sang sảng, ai nhìn thấy cũng khen. Cô đã thuộc lòng các bản “Cô Bán Ðèn Hoa Giấy” do Thanh Hương ca, và bản “Sầu Vương Biên Ải” do Út Trà Ôn ca. Nhưng thiệt tình bài ca nào cô cũng thấy chữ đen ngòm, bài nào cũng giống bài nào, bởi có biết đọc chữ đâu! Ngọc Giàu nói:

- Tôi dốt mà. Tôi học ca theo radio hoặc nghe người ta ca mà bắt chước, riết rồi thuộc lòng.

Ấy vậy mà nổi danh, nổi danh cả xóm. Cứ có đông người tụ tập là người ta mời cô ca, đứng ca ngon lành, không hề biết mắc cỡ. Tức cười nhứt là ai ai cũng tưởng cô biết chữ, học ca ngay trong những cuốn bài ca in bán khắp mọi nơi đó.

Ðến lúc người anh thứ ba là kép Thanh Tâm về nhà mới phát hiện ra là Ngọc Giàu không biết chữ. Anh bảo:

- Mày có giọng ca tốt lắm ít ai bằng, nhưng phải học chữ để đọc lời ca. Có ca sĩ nào mà ca tuồng bụng như mày đâu!

Sau đó thì từ nhà ở xóm Cầu Cống xuống chợ Thủ Thiêm đi chừng hai cây số, cô đến nhà thờ xin bà phước cho đi học. Bà gật đầu ưng thuận, nhờ đó mà đọc được cuốn bài ca.

Năm 9 tuổi Ngọc Giàu đã đi theo gánh hát cúng đình cúng miễu ở Xóm Gà, Gia Ðịnh. Tối đi hát, ngày đi bán sương sâm ở chợ Bà Chiểu. Nhờ nổi tiếng có giọng ca hay nên ngày nọ có người ở đoàn hát Hoàng Sơn-Kim Phụng đến bảo ca thử, và sau đó thì cô đi theo gánh hát này.

Ði hát mấy năm tập hát, tập múa, đánh võ, đánh kiếm. Ðoàn hát đã không khá thì đời sống của Ngọc Giàu càng khốn khổ hơn. Nhưng đến năm 16 tuổi Ngọc Giàu được lãnh giải Thanh Tâm 1960 cùng một năm với kiều nữ Bích Sơn.

Trước đây báo chí kịch trường có những bài nói về Ngọc Giàu, hầu như tờ báo nào cũng nói Ngọc Giàu là cô gái Huế, bởi cô có cái tên Công Tằng Tôn Nữ... nhưng nhờ vô Nam từ lâu nên ca được vọng cổ.

Thế nhưng, tìm hiểu cặn kẽ hơn thì thân sinh của Ngọc Giàu thuộc Hoàng tộc, dòng con thứ 7 của Vua Gia Long. Triều đình nhà Nguyễn suy tàn, cha mẹ vào Nam sinh sống ở Thủ Thiêm, phía bên kia sông Sài Gòn, và Ngọc Giàu được sinh ra tại đây. Như vậy xét ra Ngọc Giàu là người Nam chớ đâu phải người Huế.

Trong cuộc đời đi hát, Ngọc Giàu đã thành công nhiều, đoạt huy chương vàng đều là từ những vai phụ. Ði gánh Út Bạch Lan Thành Ðược thì cũng đóng vai đào nhì, đào mụ, bởi vai chánh do cô Út nắm giữ. Sang qua gánh Thanh Minh Thanh Nga thì đương nhiên phải đóng đào nhì, bởi đào chánh thì đã có Thanh Nga rồi.

Có điều kể ra cũng buồn cười là Ngọc Giàu nhỏ hơn Thanh Nga 4 tuổi, nhưng nếu tuồng có vai mẹ, con thì Ngọc Giàu đóng vai mẹ, Thanh Nga đóng vai con. Trong vở hát “Chuyện Tình 17” của soạn giả Nguyễn Phương, Ngọc Giàu cũng đóng vai mẹ, và Thanh Nga vai đứa con lạc lõng về quỳ bên gối mẹ.

Về đoàn Thanh Minh Thanh Nga, Ngọc Giàu như đang đứng ở thế con diều gặp gió vậy. Với vai bà Tư trong vở Bông Hồng Cài Áo của Hoàng Khâm, Ngọc Giàu đã nghiễm nhiên trở thành một diễn viên lớn trong loại tuồng xã hội. Qua những nét diễn xuất thuần hậu, Ngọc Giàu đóng vai người mẹ tảo tần với áo rách, khăn rằn, chiếc gánh, đã được soạn giả khai thác tài nghệ một cách đúng mức. Khán giả đã khóc với Ngọc Giàu lúc bị hai con bỏ rơi. Người ta càng nức nở lúc Ngọc Giàu ôm gói đến tìm hai con ở nhà bà nội giàu rồi thui thủi trở về quê ngoại.

Trong cuộc đời vàng son của nghệ sĩ, soạn giả đã dự một phần lớn trong việc tô điểm, nâng cao ngôi vị. Hoàng Khâm là người biết khai thác Ngọc Giàu trong vai người mẹ hiền.

Trong vở tuồng Nhựt Bổn thì Ngọc Giàu trở thành cô gái của xứ hoa anh đào. Với gương mặt no tròn, Ngọc Giàu gần giống như con búp bê qua lốt áo của cô gái Nhựt.

Với lối ca êm như ru, tuy không gây sóng gió trong âm thanh nhưng Ngọc Giàu vẫn rót nhẹ vào tai thính giả những cảm giác tươi mát như giọt suối lành.


--------------------

*******
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 5th June 2024 - 09:01 PM