Vũ Hữu Định, thơ, rượu và sự cứu rỗi, Đynh Trầm Ca |
Vũ Hữu Định, thơ, rượu và sự cứu rỗi, Đynh Trầm Ca |
Nov 8 2014, 11:25 AM
Post
#1
|
|
Phố Cũ Group: Năng Động Posts: 2,691 Joined: 21-April 08 Member No.: 43 Country |
Vũ Hữu Định, thơ, rượu và sự cứu rỗi Bút hiệu đầu tiên của Vũ Hữu Định là Hàn Phong Lệ, làm thơ vào những năm 60. Tôi đã thấy cái tên này trên những tờ báo không có "tầm cở" cho lắm. Những năm đó tại Quảng Nam Đà Nẵng có những cây viết xuất hiện trên những tạp chí "bề thế" của Sài gòn và gây ấn tượng ngay cho người đọc. Những Nguyễn Nho Sa Mạc, Thái Tú Hạp, Luân Hoán, Phương Tấn, Hoàng Thị Bích Ni, Phan Duy Nhân, Hoàng Lộc, Nguyễn Nho Nhượn, Hà Nguyên Thạch,Đynh Hoàng Sa,Tần Hoài Dạ Vũ, Triều Hoa Đại, Chu Tân, Hạ Đình Thao, Hạ Quốc Huy..vv...cứ mỗi năm một đầy thêm, đã làm mờ lấp Hàn Phong Lệ và nhiều người làm thơ khác cùng thời. Tôi cũng là người làm thơ từ thuở ấy, nhưng chẳng hề giao du với ai. Có vài anh em do "trời đất xui khiến" mà gặp nhau. Trong số hiếm hoi đó có Vũ Hữu Định. Hình như lần tương ngộ đầu tiên là một ngày mùa đông năm 67,68 gì đó. Tôi đang ở nhà mẹ tôi sau lưng thị trấn Vĩnh Điện thì có hai người, một mặc quân phục, một mặc đồ đen XDNT (xây dựng nông thôn), đẩy chiếc xe Gobel trên đường lầy lội vào nhà. Anh Nguyễn Tam Phù Sa giới thiệu tôi biết Vũ Hữu Định. Vũ Hữu Định đang đi giang hồ qua chỗ Phù Sa đóng quân thì hết xăng. Anh đâu định ghé nhà tôi mà rồi lại ghé. Tôi chưa biết anh là ai nhưng anh thì biết tất cả những người trong làng văn nghệ từ những nhà thơ, nhà văn, đến các nhạc sĩ, họa sĩ...kể cả những người không mấy tên tuổi. Anh biết gần hết những nơi có văn nghệ sĩ ở trên các tỉnh miền Nam. Anh nói chuyện có duyên và vui vẻ. Qua anh, tôi biết được những "cái tật" lạ thường của nhiều người tôi đã từng biết tên hoặc chưa biết. Anh thật sự hấp dẫn tôi về những "chuyện trên trời, dưới đất" nhưng vẫn chưa hấp dẫn tôi về thơ anh. Sau ngày đó thì anh mất biệt và tôi cũng chẳng còn nhớ anh. Những năm tiếp theo, chiến tranh đã quá khốc liệt nơi tôi ở. Anh em văn nghệ đã tứ tán về nhiều hướng khác nhau. Hoàng Lộc là người gần gũi nhất với cũng nghỉ dạy học vào lính.Gần như còn mình tôi ở lại Quảng Nam. Tôi khủng hoảng trầm trọng và gần như bỏ viết. Tuy nhiên, ở đó, trong cái không khí, vẫn tiếp tục có những cây viết mới nổi lên và thỉnh thoảng họ tổ chức sinh hoạt đọc thơ hát nhạc với nhau, nhất là ở Đà Nẵng, ở Hội An. Có ba người vừa đi giang hồ vừa ca hát, đọc thơ hay tạt vào căn phòng rách nát bom đạn của tôi ở ngã tư Vĩnh Điện, đó là Vũ Hữu Định, Trần Quang Lộc và A khuê. Những nơi Hội An, Đà Nẵng, Tam Kỳ...có văn nghệ, có thi ca là có Vũ Hữu Định, trừ phi gặp phải những ngày anh giang hồ quá xa. Lần giang hồ quan trọng nhất đời anh và cả Trần Quang Lộc (nhạc sĩ) có lẽ là chuyến vào Sài gòn mượn quán của ca sĩ Khánh Ly để giới thiệu thơ anh và nhạc Trần Quang Lộc. Tôi không còn nhớ năm nào, chỉ nhớ hôm đó Đoàn Huy Giao kể tôi nghe là hai anh đã mời tất cả báo chí và các nhạc sĩ tên tuổi đến dự. Các tạp chí có giá trị đang thơ Vũ Hữu Định nhiều hơn và Trần Quang Lộc cũng từ đó sống bằng nghề ca nhạc tại Sài gòn. Tôi biết Vũ Hữu Định là biết vậy nhưng phải chờ đến khi nghe Thái Thanh hát "Còn Một Chút Gì Để Nhớ" do Phạm Duy phổ nhạc, tôi mới để ý về anh hơn. Anh cầm cái băng cassette do chính nhạc sĩ Phạm Duy ký tặng vào nhà tôi như một cơn gió mạnh. Tôi mở nghe. Một mặt băng là những bài thơ của nhiều tác giả mới được phổ, mặt kia là 10 bài tục ca do chính Phạm Duy hát. Lại một phen ồn ào rôm rã. Rôm rã vì ở chung với tôi còn có một đám học sinh rất yêu thơ, nhạc và sính chuyện làng văn. Mấy em học sinh tha hồ mượn để sang và để hát theo. Vũ Hữu Định cũng biết đánh đàn Guitar và hát rất tốt. Hình như thời gian này là thời gian anh có việc làm ở Đà Nẵng nên anh năng ghé tôi nhiều hơn. Mỗi lần anh đến là một chương trình "thế giới đó đây" được mở ra với chúng tôi. Anh luôn sôi động, luôn có cái mới để nói, để kể. Chính anh đã ít nhiều nhen nhóm lại trong tôi một chút lửa văn nghệ để tôi tham gia một vài buổi thơ nhạc tại Hội An, Tam Kỳ, Huế...và viết lại khá nhiều trong những năm 73 đến 75 để rồi chẳng còn gì sau ngày 30-4-75. Bây giờ ở Sài gòn, cũng như các tỉnh, cả nước, có rất nhiều nhà thơ. Họ được gọi nhà thơ tương đối khá dễ dàng, chỉ cần có dăm bài đăng báo (mà báo ở đây thì nhiều vô kể), hoặc sinh hoạt ở các câu lạc bộ thơ văn (quận, huyện nào cũng có), và một ít giao du... Thế là họ được đi vào các tuyển tập, tự nhiên đứng ngang hàng với những bậc tiền bối. Họ có thể sánh vai cùng Nguyễn Du, Tản Đà đến Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Xuân Diệu, Huy Cận, Bùi Giáng, Nguyên Sa...và cả các thi hào thế giới để nói chuyện gái, chuyện rượu.. Các báo và các nhà xuất bản công nhận họ một cách tự nhiên hơn là vì sự rộng rãi. Không như thời của Vũ Hữu Định phải vất vả gần mười năm với bao lần thay đổi bút hiệu, bút pháp.. Nghĩ mà thương anh và thán phục anh. Quả là lòng đam mê của anh quá lớn ! Quả là trời sinh anh để bắt anh làm thơ, đeo đẳng nghiệp thơ ! Ấy vậy mà nỗi khao khát in một tập thơ trình làng đến chết vẫn chưa thực hiện được ! Tôi muốn mở một dấu ngoặc ở đây để đề cao nhiệt tình hiếm có của Trần Từ Duy, một người bạn nhỏ của Vũ Hữu Định hiện nay đang viết báo Cười, đã in được tập thơ "Còn Một Chút Gì Để Nhớ" cho Vũ Hữu Định trong năm 96 vừa qua. Không những xuất bản mà anh còn vận động bán được một số tiền khá lớn để xây lại mộ cho Vũ Hữu Định. Thật đáng qúi ! đáng qúi ! Tiếc rằng thơ Định còn nhiều bài hay đã thiếu vắng trong tập nói trên. Theo tôi biết thì Vũ Hữu Định làm thơ tương đối dễ dàng nên thơ anh có số lượng khá lớn. Trước khi mất độ bốn, năm tháng gì đó, anh ghé nhà tôi với một nhà văn, nhà báo tên là Cao Trần. Hai anh đã mua sẵn mồi, rượu từ đâu xách tới. Ở nhà chỉ có mẹ tôi mắt đã mờ nhưng vẫn nhận ra tiếng Định. Tôi đang làm ruộng cho hợp tác xã để ăn "công điểm" trên cánh đồng cách nhà chừng vài cây số. Hai anh đã lặn lội đến tận nơi để xin phép đội trưởng cho tôi về. Dĩ nhiên tôi đã mất "công điểm". Từ sau 75 cho đến lúc đó (mùa đông năm 1980) tôi chưa hề uống giọt rượu nào. Tôi lại đang còn bị quản chế nên lo ngại vô kể, nhưng từ chối anh thì không được, mọi việc đã bị anh cho vào thế rồi. Mẹ tôi sợ và rầu lắm nhưng bà cũng biết tính Định nên chỉ dặn dò nhẹ nhàng...Định thì rất giỏi vỗ về, nịnh nọt các bà mẹ nên cuối cùng tôi "chết tại chỗ"hôm đó. Khi tỉnh dậy đã là sáng hôm sau. Hai ông đã bỏ di trước tối đó vì mẹ tôi sợ phải đi khai báo phiền phức. Anh bỏ lại tại nhà tôi một tập thơ chép tay do anh đóng bằng giấy trắng khá dày, có tựa là "Năm Năm". Tôi đọc trong đó có nhiều bài hay, nhiều tâm sự hơn những bài thơ anh đã đăng báo trước kia. Anh qua đời khá lâu tôi mới biết và tôi đã mang tập thơ ra gởi lại cho Lê Quang Tấn, em ruột của anh. Tấn và các anh Ba, anh Tô Như Châu...ở An Hải chỉ cho tôi xem chiếc giường sắtnhỏ trong nhà Tấn mà anh đã ngủ đêm cuốo cùng của đời thơ và chẳng bao giờ trở dậy nữa. Có thể anh chám cuộc đời công nhân điện nhưng chắc chắn anh không thể chán đời làm thơ. Bữa nhậu ở nhà tôi kể trên anh còn khuyên nhủ tôi viết lại. Anh kể về sinh hoạt viết lách tại Đà Nẵng với tất cả nhiệt tình thuở nào. Tôi đã nói với anh : "Tôi chẳng bao giờ viết nữa. Chiếu đó chẳng có tôi đâu" và tôi đã nân ly cùng anh hát vang một câu thơ Hoàng Lộc : "Đời chẳng còn ai qúy kẻ làm thơ Ta mới bỏ văn chương, tìm quán rượu !" Anh đã chửi Hoàng Lộc xong rồi chửi tôi. Anh la oai oải. Anh thề rằng sẽ có ngày tôi gọi anh để đọc thơ hát nhạc cho anh nghe. Tôi bảo chẳng bao giờ. Thế mà nay tôi viết. Tôi muốn Định đọc xiết bao. Tôi chưa lần nào diện kiến chị Vân, vợ anh. Nhưng qua Đoàn Huy Giao kể, tôi rất kính trọng chị ấy. Tôi cảm nhận chị ngang hàng với bà Tú Xương. Sanh tiền Vụ Hữu Định chẳng làm gì được cho gia đình. Anh như một cuồng sĩ lang thang phiêu bạt. Nghe nói chị Vân vất vả lắm để nuôi mẹ anh, một bà mẹ đã "lẫn" và tật bênh cùng một đàn con. Ngày xưa tôi không ưa anh lắm vì những điều này. Tôi vốn khắc nghiệt. Tôi không thích những người vô trách nhiệm, thiếu bổn phận...Hai mươi năm nay tôi lại giống anh lúc trước ! tôi mới hiểu đưọc và thương anh. Khi tôi hiểu được thì không còn Định nữa để mời một chén rượu cảm thông. Tôi không nghĩ anh là người ham danh, hay nhẹ nhàng hơn, có chút ưu ái hơn các bạn tôi rằng anh là người say đắm thơ, rượu. Tôi biết rằng những tháng năm đen tối đời anh không nhờ thơ, rượu thì không biết con người anh sẽ ra sao ! Và cuối cùng thơ rượu đã cứu rỗi anh. "....Cũng có khi nào anh trở lại. Mai đây, mốt nọ biết đâu chừng và có một lời anh sẽ nói giữ giùm nhau một chút hồn chung..." Anh đã mất mười bảy năm tròn. Nhưng anh cũng vừa trở lại với chúng ta bằng tập thơ "Còn Một Chút Gì Để Nhớ". Trong thơ anh, tôi đã nhìn thấy rõ anh hơn những ngày tháng giang hồ lãng bạt. Tôi thấy anh quằn quại khổ đau. Tôi thấy cả tấm lòng anh đầy ắp thương yêu gia đình, vợ con, bè bạn, quê hương, nhân loại...Thơ anh nhân ái, cao cả mà hồn anh thì ray rức ngậm ngùi. Tôi nói với tôi : "Thơ Vũ Hữu Định không thường đâu, tôi ạ!" Mong rằng những tập thơ của anh còn được chị Vân, anh Tấn hoạc bằng hữu của anh cất giữ đầy đủ. Cũng mong rằng Trần Từ Duy hoặc một Trần Từ Duy khác sẽ xuất bản được cho anh thêm vài tập nữa. Đynh Trầm Ca -------------------- |
|
|
Nov 8 2014, 11:30 AM
Post
#2
|
|
Phố Cũ Group: Năng Động Posts: 2,691 Joined: 21-April 08 Member No.: 43 Country |
chẳng hay Chiều dựng mùa đông mây xám ngắt núi cao trời thấp có ta về giang hồ đâu có ai phong ấn mà nghĩ từ quan trở lại quê Ta đi, xưa gió đưa vài dặm ta đi, xưa mưa ướt vừa căm quê nhà ngoảnh lại mờ trong gió hình như không đủ buồn trong lòng Ta đi, có những ngày trú quán lòng mốc tình khô như lá bay ngồi quán suốt ngày trông thiên hạ ta có sầu không ta cũng chẳng hay Ta đi, có những ngày khô héo chẳng nhớ quê nhà, chẳng muốn về mẹ, chị, đàn em như bóng khói nương với đời ta quay quắt trong mê Ở đâu rồi cũng đời vất vưởng chiều lặng lòng câm dạt phố người khi không ta có đời lang bạt đời học trò xưa khép cánh hổ ngươi Chiều nay không hẹn ta lại về mùa đông dài vẫn níu chân quê ta về gió đón phong sương lạnh ta về, mưa đón ta về quê Thôi chẳng về chi thôn xóm quạnh nhà xưa giờ chắc cũng điêu tàn đứng đây đường cái quan bên núi ta cũng đã trầm lòng mê mê Chiều dựng mùa mưa bên vách núi chiều neo sương khói buổi ta về mẹ, chị, đàn em không có mộ thăm ai? thăm ai? ta về quê. Tác giả: Vũ Hữu Định -------------------- |
|
|
Nov 8 2014, 11:34 AM
Post
#3
|
|
Phố Cũ Group: Năng Động Posts: 2,691 Joined: 21-April 08 Member No.: 43 Country |
còn một chút gì để nhớ phố núi cao phố núi đầy sương phố núi cây xanh trời thấp thật buồn anh khách lạ đi lên đi xuống may mà có em đời còn dễ thương phố núi cao phố núi trời gần phố xá không xa nên phố tình thân đi dăm phút đã về chốn cũ một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng em Pleiku má đỏ môi hồng ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông nên mắt em ướt và tóc em ướt da em mềm như mây chiều trong xin cảm ơn thành phố có em xin cảm ơn một mái tóc mềm mai xa lắc bên đồi biên giới còn một chút gì để nhớ để quên Tác giả: Vũ Hữu Định -------------------- |
|
|
Nov 8 2014, 11:37 AM
Post
#4
|
|
Phố Cũ Group: Năng Động Posts: 2,691 Joined: 21-April 08 Member No.: 43 Country |
đêm mưa thiếu rượu nhớ lý hạ Lý Hạ xưa say bằng huyễn mộng ta nay say bằng rượu pha cồn cảm đau thân thế người trong sử rượu đắng cay mà sao thấy ngon Lý Hạ yêu người mà hóa quỷ ta yêu người nên nghèo rớt mồng tơi đêm mưa thiếu rượu thương người cũ ngâm vài câu Lý Hạ, rợn người cứ tưởng nằm kề bên họ Lý gác chân nhau nói chuyện biển dâu ma quỷ sợ tâm hồn ướt rượu gối chai không mà thương nhớ nhau thời đại thánh thần đi mất biệt còn lại bơ vơ một giống sầu rót mãi, bao nhiêu tình cũng cạn nâng ly, nhìn thấy tóc bạc mau mưa nhức, mưa như cuồng, tức thở thịt rồng đâu ? nem phượng ở đâu ? đũa ngọc, chén vàng đâu mất cả mắm ruốc, me chua cũng cháy hết sầu mời nhau một chén đêm huyền sử Lý Hạ đâu ? - còn ta đâu ? Tác giả: Vũ Hữu Định -------------------- |
|
|
Nov 8 2014, 11:40 AM
Post
#5
|
|
Phố Cũ Group: Năng Động Posts: 2,691 Joined: 21-April 08 Member No.: 43 Country |
Đò ngang Cứ ngồi ngó mãi ra sông Trông con đò khách giữa giòng lại qua Ai về, ai bước chân ra? Có ai về ở cùng ta chốn này Quê hương mộng dữ bao ngày Đã xanh phơi phới màu cây cổng làng Chạnh lòng ngó chuyến đò ngang Tiếng kêu sương gió dặm đường quạnh hiu Tiếng kêu của những buổi chiều Tiếng kêu mái quán ngày xiêu dốc rừng Đi, về. Lòng quá bâng khuâng Nơi đây quê thấp nhớ rừng quê cao. Tác giả: Vũ Hữu Định -------------------- |
|
|
Nov 8 2014, 11:50 AM
Post
#6
|
|
Phố Cũ Group: Năng Động Posts: 2,691 Joined: 21-April 08 Member No.: 43 Country |
Đứng giữa đồng không một bầy sáo nhỏ qua sông một em tôi đã cầm lòng đi xa như con sông nhỏ thật thà sớm hiu hắt tạnh, chiều sa mưa nguồn một bầy sáo đã đi luôn một em tôi đã để buồn lại đây con chim quyên đã lạc bầy xuống sông vọc nước đợi ngày xế ngang một bầy sáo nhỏ bay hoang một em tôi đã bỏ làng đi xa tôi ngu ngơ giữa chiều tà em đi để lại mình ta giữa đồng Tác giả: Vũ Hữu Định -------------------- |
|
|
Nov 8 2014, 11:54 AM
Post
#7
|
|
Phố Cũ Group: Năng Động Posts: 2,691 Joined: 21-April 08 Member No.: 43 Country |
kỷ niệm con đường đất có màu xanh bữa nọ cây bên đường màu lá lục hôm kia con chim bỏ đi có bận quay về cất tiếng hát chào niềm vui của gió anh ra đứng sau hè nghe để ngó không thấy chim mà thấy tiếng kinh chiều vui trong lòng anh đã bước chân theo em có nói là em không trở lại hôm em nói em đi buồn biết mấy anh có nghe bên đường tiếng chim kêu con chim chi buồn chết cả buổi chiều từ bữa đó anh nhớ đường ra ngõ con đường đất bàn chân từ thuở nhỏ một ngày vô bốn bận đi về cây bên đường, cỏ bụi, hàng tre quen đến nỗi không nhớ gì tha thiết hôm em đi anh bắt đầu thấm mệt thấy trường xa con đường ngại đi về mắt anh nhìn lên đọt ngọn tre dõi mấy bụi tìm con chim nhỏ con chim nhỏ có nằm trong vạt cỏ bữa hôm nay anh mới thấy cỏ vàng con chim đời nào lại sống trong hang anh vô cớ soi tìm trong đụn đất tuổi mười một anh biết mình đã mất một cái chi không nên ảnh thành hình cho tới bây giờ hết tuổi học sinh râu đủ bộ vẫn còn ngơ ngẩn mãi con chim nhỏ có bao giờ trở lại em năm nay không biết mấy con rồi con chim lạ lùng năm nọ của tôi ơi hóa mấy kiếp mà sao tôi vẫn vậy Tác giả: Vũ Hữu Định -------------------- |
|
|
Nov 8 2014, 12:03 PM
Post
#8
|
|
Phố Cũ Group: Năng Động Posts: 2,691 Joined: 21-April 08 Member No.: 43 Country |
Ngày xuân ở quán con gái mùa xuân như mới tắm buổi mai sương ướt cỏ hoa ngời lòng đá chợt mềm chao rất nhẹ nhớ mình vừa vượt tuổi ba mươi năm nay ăn tết cùng ông quán mồng một đời cay miếng mứt gừng chén rượu ngày xuân sao đắng miệng giang hồ nghe cũng đã đau lưng vẫn đi như một anh hành khất đuối sức nhưng quê đâu mà về ta sống một đời mây nhuốm bệnh bồng bềnh sầu đụn màu nhiêu khê sáng nay nghe pháo ran ngoài phố ngòi pháo đời ta cũng cháy ngầm thấy gái xuân tươi lòng cũng thẹn chuồn chuồn xếp cánh đậu bâng khuâng Tác giả: Vũ Hữu Định -------------------- |
|
|
Nov 8 2014, 12:06 PM
Post
#9
|
|
Phố Cũ Group: Năng Động Posts: 2,691 Joined: 21-April 08 Member No.: 43 Country |
Thời tiết cơn bão lớn về bình nguyên giục gĩa run theo cây mùa lúa rạp buồn rầu cát bụi lộn đường bay tản về đâu khung cảnh dựng mùa nguyên sơ man dã con sông nước về tràn mọi ngã thuyền bè đi, đi mất tự bao giờ những bến chiều tấp nập mộng ban sơ đã hun hút trong triều lên trắng xoá làng hôm trước bây giờ trông cũng lạ màu muôn năm đã khác lối đi rồi những cánh chim tai ách cuộc đời đã bay chập chờn rao cơn mộng dữ chiều ngấm lạnh màu hoang liêu rất cũ mây đi đâu, trời chỉ một màu tro gió vi vu ầm ỉ khúc nhạc buồn đã réo rắc sầu gian nan phủ tới người em gái của buổi nào nắng mới con đường đi em có biết đi đâu có dắt theo hình ảnh một con trâu em ngất ngưởng hát khúc tình đang lớn những quang gánh đem theo hồn của mọn con gà con, con lợn nhỏ, thằng cu bước tới quay lui chập choạng sa mù mắt có ngước tìm người trôi theo nước nẻo vô núi đường lên cao rậm rịt ngậm mà nghe con gió đẩy nhau về những lưng còng đau đớn nợ phu thê mắt ráo hoảnh sững hai bàn tay trắng người bó gối nghe phút vừa im lặng dế run theo mạch chuyển trận mưa nguồn mai mốt đi về đồng trắng phơi xương bay lên núi lũ trâu bò ngơ ngác mẹ có đứng vỗ tay cười nên nhạc hoà âm theo réo rắt trận cuồng phong cha có say sưa vững dáng trời trồng hồn lộn lạo theo xác nhà xác ruộng gió xê dịch màu tang thương đêm xuống nước đem lên con trăng đỏ lộn hồn con trăng lưỡi liềm nhạt nét chiều hôm mới thoáng hiện mà sao màu đã khác ở trên núi trên rừng đi lưu lạc thấy trăng lên con nai nhỏ vội mừng đi men về bờ suối cũ bâng khuâng đám cỏ mộng đã thơm mùi đất mới dòng suối chảy đã nghe chiều vời vợi dần lan xa hơi của chuyện đổi dời con nai buồn nhưng cũng vội tin vui cứ thoang thả, rừng hôm nay đã vậy qua trôi giạt của cuồng phong hồng thủy ruộng hôm nay đã thay lốp phù sa làng hôm nay đã thay lại nếp nhà thêm mồ mã thêm những đường mới mở con sông nọ một bên bồi bên lở lở bao nhiêu thay mất bến đò đi bồi bao nhiêu có nên ruộng đồng lì đứng mãi mãi cho lúa mùa được mọc bao nhuêu kẻ nhìn ra sông để khóc bao người vui vì thửa ruộng vừa bồi chuyện ruộng đồng cũng là chuyện buồn vui năm ba tháng cây quen màu đất mới năm ba tháng người quen đời thay đổi cỏ đã xanh trên mồ mã chưa già lũ trai làng đã thèm khát đi xa chuyện ly biệt thay chuyện mùa nước lụt chuyện cô phụ có hai hàng nước mắt gượng mà vui đưa tiễn bước người đi làng, xóm, thôn, ngày vội nối ngày trống gọi mõ, đêm sáng đèn gọi lửa từ bữa đó, trẻ không còn nhớ nữa người già quên vì không muốn đau thương mùa nước đôi khi mấp mé lên đường già thì sợ, trẻ con mừng khấp khởi mưa mãi sai mùa, gió sai chiều tới lũ chim tai ách quen lối tìm về những bóng chim mù bay dợm trong quê nhiều giấc ngủ một đêm mà bạc tóc chuyện làng xóm, chuyện tiếng cười tiếng khóc nắng sớm, mưa trưa, chiều bão không ngờ sương của mùa nguyên thủy rất đơn sơ đã có lúc mù quê nghe dễ sợ tuổi bé dại không biết mình đang thở lớn khôn ra tiếng thở cũng rụt rè bạc tóc, ngập ngừng theo nẻo hồn quê chuyện thời tiết nghe ra già trước tuổi Tác giả: Vũ Hữu Định -------------------- |
|
|
Lo-Fi Version | Time is now: 14th November 2024 - 02:03 PM |