Richard George, Nguyễn Đình |
Richard George, Nguyễn Đình |
Sep 5 2017, 02:54 PM
Post
#1
|
|
Phố Cũ Group: Năng Động Posts: 2,691 Joined: 21-April 08 Member No.: 43 Country |
Richard George Ngày 4/10/2015, kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Richard George, anh hùng tình báo vĩ đại của Liên Xô nhưng cho tới tận hôm nay những bí mật về cuộc sống và hoạt động tình báo của ông vẫn còn được giữ kín. Đa số những câu chuyện về ông đều được viết giống như các tiểu thuyết huyền thoại với nhiều tình tiết hư cấu và xuất hiện sau khi Nhật Bản công bố quyết định treo cổ ông, Trưởng nhóm tình báo Liên Xô ở Nhật, tại nhà tù Tokyo vào ngày 7/11/1944. Richard George sinh ra tại thành phố Bacu, thủ phủ của ngành công nghiệp dầu lửa vùng Caspien. Bacu khi đó đang nằm trong thành phần của Đế chế Nga. Bố của ông, Gustav Wilheim Richard George, một kỹ sư người Đức làm việc tại Bacu và mẹ của ông, Nina Koboleva, con gái một công nhân đường sắt Nga. Năm Richard George tròn ba tuổi, gia đình ông trở về Đức sinh sống và ông đã ở lại Đức trong suốt 26 năm sau đó. Sau khi học xong phổ thông trung học, Richard George tình nguyện tham gia quân đội Đức chiến đấu trong Thế chiến thứ nhất, leo lên tới chức hạ sĩ quan và giải ngũ vào tháng 1/1918. Ông bị thương và được nhận Huân chương Chữ thập sắt của Đức. Có lẽ đây là phần thưởng đầu tiên và cũng là cuối cùng mà nước Đức đã trao tặng cho ông. Nhưng cũng chính Thế chiến thứ nhất đã làm cho ông thay đổi lập trường, trở thành một người cách mạng chân chính. Trong nhật ký của mình, Richard George nhiều lần nhắc đến Fridrick Aldolph George (anh ruột của ông nội ông và rất gần gũi với ông), một trong những người lãnh đạo Quốc tế cộng sản I và là thư ký của Karl Marx. Chính người ông này đã dẫn dắt ông đến với cách mạng. Năm 1924, Richard George sang Moskva và trở thành cộng tác viên của Quốc tế cộng sản III. Đường tới nước Nhật Chàng thanh niên Đức ấp ủ nhiệt huyết cách mạng, với hai bằng Tiến sĩ về chính trị và kinh tế, cảm thấy công việc tại văn phòng Quốc tế cộng sản quá nhàm chán. Công việc hằng ngày của ông bị bó hẹp trong 4 bức tường với cả đống tài liệu giấy tờ. Ông nhiều lần đề đạt ý kiến muốn được chuyển công tác khác cho phù hợp nhưng lãnh đạo Quốc tế cộng sản không hề quan tâm đến những đề nghị của ông. Nhưng rồi số phận của ông đã thay đổi khi lãnh đạo cơ quan tình báo quân đội Liên Xô, lúc đó gọi là Cục IV Bộ Tổng tham mưu, để mắt tới ông. Vào những năm 20-30 của thế kỷ trước, Quốc tế cộng sản có mối quan hệ gắn kết với tình báo Liên Xô và được xem là nguồn cung cấp các cán bộ tình báo bất hợp pháp tương lai cho tình báo Liên Xô. Năm 1929, Richard George đã được tuyển chọn bí mật làm cán bộ Cục IV Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Liên Xô. Một năm sau, Richard George được cử tới Thượng Hải, Trung Quốc với tư cách là một cán bộ của Quốc tế cộng sản. Ông ham học hỏi và tỏ ra là một người có năng khiếu nghiên cứu về phương Đông. Sau ba năm công tác, Richard George đã thiết lập được các mối quan hệ cần thiết cho công tác tình báo, kết thân với một số nhân vật người Đức, Nhật có ảnh hưởng. Đây cũng chính là giai đoạn Hitler lên nắm quyền ở Đức và nước Nhật đang quân phiệt hóa, tham vọng thâu tóm toàn bộ vùng Viễn Đông với Học thuyết “Đại Đông Á”. Hiểm họa về một cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đã hiện rõ. Những người lãnh đạo Liên Xô đã dự báo trước được tình hình, về nguy cơ bị tấn công quân sự từ phía Tây và phía Đông của đất nước. Đã đến lúc tình báo Xô Viết cần phải có một trung tâm tình báo mạnh tại Nhật Bản để nắm tình hình và phát hiện những âm mưu, kế hoạch xâm lược của đế quốc “Mặt trời mọc”. Richard George (mang bí danh Ramsei) đã được lãnh đạo tình báo quân sự Liên Xô chọn giao nhiệm vụ chỉ huy Tổ tình báo bất hợp pháp tại Nhật Bản. Như vậy, sau 3 năm làm việc tại Thượng Hải, Richard George-Ramsei, được Trung ương tình báo quân sự Xô Viết quyết định điều chuyển sang Tokyo hoạt động. Năm 1933, lần cuối cùng Richard George trở về nước Nga quê mẹ. Sau khi nhận mọi chỉ thị cần thiết từ lãnh đạo Cục Tình báo quân sự, Richard George được đưa sang Berlin để hợp pháp hóa vỏ bọc công tác, phóng viên của một tờ báo Đức được cử sang Tokyo tác nghiệp. Đối với ông, vỏ bọc này là hết sức phù hợp. Công việc của một phóng viên có nhiều điểm tương đồng với công tác tình báo. Ông đã thể hiện một cách xuất sắc về nghiệp vụ của cả lĩnh vực báo chí lẫn tình báo. Có lẽ những gì mà người ta biết về đời tư của Richard George đến lúc này hoàn toàn là sự thực, còn phần tiếp sau cuộc đời của ông mang đậm chất huyền thoại. Người ta đã thêu dệt rất nhiều câu chuyện huyền thoại về ông. Xin nêu hai câu chuyện được cho là bí hiểm nhất, nhưng có lẽ cũng phi lý nhất. Dư luận cho đến nay vẫn còn đồn thổi rằng Richard George Ramsei có quyết định triệu hồi về Moskva và chờ nhận một án kỷ luật rất nặng, thậm chí có thể bị tù và xử tử. Nhưng qua những trang hồ sơ gồm rất nhiều các bức điện mật và thư công tác của George còn lưu tại Cơ quan tình báo quân sự (GRU) thì vấn đề lại hoàn toàn khác. Chính ông chủ động xin được về nước nhưng yêu cầu của ông đã bị lãnh đạo khước từ nhiều lần với lý do chưa tìm được người có thể thay ông, mặc dù Cục IV đã cân nhắc không ít ứng cử viên. Theo phân tích của một số chuyên gia tình báo Liên Xô và Nga thì vào giai đoạn đó Richard George đã là một nhân vật rất quan trọng của bức tranh chính trị Tokyo. Sự biến mất của ông vào giai đoạn đầu của Thế chiến thứ hai, chắc chắn sẽ tạo nên một sự chú ý không cần thiết. Nếu rút ông về, toàn bộ mạng lưới cơ sở bí mật, chủ yếu do ông xây dựng và lãnh đạo, sẽ sụp đổ. Ông thực sự có vai trò hết sức quan trọng trong giới lãnh đạo chính trị-quân sự Nhật và cộng đồng ngoại giao nước ngoài tại Tokyo. Nhiều tờ báo Đức và nước ngoài trông đợi vào các thông tin, tư liệu có giá trị của Richard George gửi về. Một câu chuyện huyền thoại thứ hai nói rằng Stalin không tin vào những lời cảnh báo chính xác của Richard George về kế hoạch gây chiến của phát xít Đức. Câu chuyện huyền thoại này xuất hiện vào giai đoạn Khơrútsốp đang tập trung vào cuộc chiến chống “tệ sùng bái cá nhân” với mục đích là loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Stalin. Tuy nhiên, người ta đã không tìm được một bằng chứng nào trong hồ sơ khẳng định câu chuyện hư cấu trên. Thực tế, R. George đã không ít lần báo cáo tin về khả năng phát xít Đức sẽ mở các cuộc tấn công vào lãnh thổ Liên Xô với những ngày giờ khác nhau. Nhưng, thứ nhất là ông không phải là cán bộ tình báo Liên Xô duy nhất báo cáo loại tin như thế này. Thứ hai, R. George chưa lần nào nhắc đến ngày 22 tháng 6 (ngày phát xít Đức mở cuộc tấn công vào lãnh thổ Liên Xô) trong các báo cáo tin của ông. Điều này có thể tình báo Đức đã cố tình tung tin giả về chiến dịch tấn công Liên Xô và thời gian tấn công luôn thay đổi. Cũng có thể, sau hàng loạt thông tin khác nhau về ngày giờ Phát xít Đức tấn công Liên Xô, lãnh đạo Cục Tình báo quân sự Xô Viết đã nghi ngờ độ tin cậy của các tin tình báo của nhiều trung tâm tình báo ở nước ngoài kể cả ở Tokyo và yêu cầu kiểm tra, xác định lại các tin đã báo cáo; kết quả là xuất hiện thêm ngày càng nhiều thông tin mới về ngày giờ Đức có thể tấn công Liên Xô. Mùa xuân cuối cùng của nhà tình báo vĩ đại Mạng lưới tình báo của R. George bị phản gián Nhật phát hiện mùa thu năm 1941. Trước khi bị bắt, ông đã kịp báo cáo tin về việc nước Nhật chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh chống Liên Xô vì Tokyo còn phải dồn toàn lực cho cuộc chiến chống Mỹ trong thời gian tới. Đây là thông tin hết sức qúy giá, tác động không nhỏ tới diễn biến cuộc chiến vào cuối năm 1941, thuyết phục Stalin điều chuyển những sư đoàn quân tinh nhuệ từ Siberie về ngoại ô Moskva để bắt đầu cuộc tổng phản công. Trong suốt 3 năm điều tra, phản gián Nhật chỉ biết được rằng Richard George làm việc cho Quốc tế cộng sản. Richard George không hề khai ra sự thật ông là người của Tình báo quân sự Xô Viết. M. George chỉ khai nhận mình là người của Quốc tế cộng sản và làm công tác tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản ở Nhật Bản và những việc ông làm là nhằm ngăn chặn một chiến tranh giữa Nhật với nước Nga. Lời khai của ông đã được chuẩn bị kỹ, tỏ ra hết sức hợp lý khiến cơ quan điều tra Nhật không có một chút nghi ngờ. Cho dù một thành viên trong tổ, nhân viên điện đài-mật mã Marc Klauzen, đã khai trong cuộc hỏi cung rằng M. George là người phụ trách công tác của tổ thì phía Nhật cũng không tìm được bằng chứng rằng M. George làm việc cho Tình báo quân sự Liên Xô. Cuối cùng, Tokyo đã quyết định treo cổ M. George cùng hai cộng sự của ông và người bạn cũ thuộc nhóm Thượng Hải, nhà báo Nhật Kosumi Odzaki với tội danh điệp viên của Quốc tế cộng sản. Cho dù M. George có khai nhận là tình báo viên của Moskva thì về nguyên tắc phía Liên Xô cũng sẽ lên tiếng bác bỏ. Trong suốt 20 năm kể từ ngày M. George hy sinh, ngay trên quê hương của ông, người dân Xô Viết cũng không hề biết gì về người tình báo vĩ đại này. Mãi tới năm 1964, để tưởng nhớ công lao của người tình báo vĩ đại, một bức tượng đồng M. George đã được dựng lên. Đi kèm sự kiện này thêm một câu chuyện huyền thoại đã được đồn thổi lên. Hình như cũng vào năm 1964, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô, Nikita Khơrútsốp, sau khi xem cuốn phim của đạo diễn người Pháp, Ive Champli “Ông là ai, tiến sĩ George?”, đã yêu cầu lãnh đạo tình báo Liên Xô báo cáo về vụ này và sau đó là bắt đầu thời kỳ “sùng bái Ramsei”. Ông là ai, tiến sĩ George? Rất khó xác định thực hư của câu chuyện Khơrútsốp, sau khi xem phim của đạo diễn người Pháp, yêu cầu lãnh đạo tình báo quân sự báo cáo lại vụ M. George. Nhưng năm 1964, đúng là Phòng lưu trữ hồ sơ của Tình báo quân sự Liên Xô nhận được lệnh tìm lại tất cả những thông tin, tài liệu về M. George. Công việc cũng kết thúc trong năm đó vì lượng hồ sơ lưu lại không nhiều. Một nhóm cán bộ Tình báo quân sự (GRU) được giao nhiệm vụ phục hồi những thông tin, tư liệu về “tiến sĩ Gorge”. Trong số này có Mikhail Sirokin, cựu cán bộ Phòng Nhật Bản, người còn lưu giữ một số tư liệu quan trọng về M. George và hoạt động nhóm tình báo ở Nhật những năm Thế chiến thứ hai. Trên cơ sở những tài liệu lưu trữ, nhóm làm việc đã đưa ra một số kết luận cuối cùng như sau: Việc nghiên cứu các tư liệu về hoạt động của Tổ tình báo “Ramsei” cho phép đưa ra kết luận rằng Richard George-Ramsei là một cán bộ tình báo Xô Viết tâm huyết và trung thành. Để đi đến kết luận này, nhóm làm việc đã không chỉ nghiên cứu kỹ lưỡng bối cảnh và những hậu quả từ sự đổ vỡ của mạng lưới và những ý kiến chỉ trích Ramsei, mà còn phân tích, đánh giá những kết quả thực tiễn của tổ tình báo do Richard George lãnh đạo, những tin tức và tài liệu do tổ thu được trong suốt quá trình hoạt động. Những ý kiến nghi ngờ về lòng trung thành của ông và cho rằng rằng ông là một “điệp viên hai mang” là hoàn toàn không có cơ sở. Một số sai lầm của Ramsei khi hoạt động tại Thượng Hải, vi phạm nguyên tắc nghiệp vụ hoặc ngẫu nhiên, có thể là nguyên nhân dẫn đến việc phản gián Nhật phát hiện ra Ramsei. Xét về tổng thể, nhóm làm việc kết luận, Richard George-Ramsei là một cán bộ tình báo nghị lực và tài năng, biết tự định hướng hoạt động trong mọi tình huống, quyết tâm đạt được mục tiêu đã đặt ra. Công lao của Ramsei là ở chỗ trong những điều kiện hết sức khó khăn, ít được nghiên cứu về tình hình nước Nhật, ông vẫn tìm được cách thức xây dựng mạng lưới tình báo và trong suốt 8 năm tiến hành công tác tình báo có hiệu quả, che mắt được các cơ quan phản gián phát xít Đức. Tất nhiên, Ramsei với tư cách là một cán bộ tình báo và Tổ trưởng tổ tình báo cũng có những điểm yếu và đôi khi cũng để xảy ra những sai lầm cả trong cuộc sống lẫn công tác. Những kết quả hoạt động thực tế của mạng lưới tình báo “Ramsei” xứng đáng được đánh giá cao. Với những đánh giá cao như vậy, ngày 5 tháng 11 năm 1964, tròn 20 năm sau khi hy sinh, Richarrd George mới được công nhận Anh hùng Liên Xô. Thế là cuối cùng, lịch sử và nhân dân cũng đã rửa oan cho ông, Richard George, người tình báo vĩ đại của nhân dân Xô Viết. Nhưng có lẽ còn rất nhiều chiến sĩ tình báo Xô Viết khác không có được cơ hội như vậy. Họ là những chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận thầm lặng, xa gia đình, xa tổ quốc, chịu đựng mọi khó khăn giữa vòng vây của địch và đôi khi cả những thị phi của nhân dân. Nguyễn Đình -------------------- |
|
|
Lo-Fi Version | Time is now: 15th November 2024 - 02:59 AM |