Vọng Cổ Hài : Thiếu cả người viết lẫn người ca, Lê Phước |
Vọng Cổ Hài : Thiếu cả người viết lẫn người ca, Lê Phước |
Jun 12 2014, 01:18 PM
Post
#1
|
|
Hạnh ngộ Group: Năng Động Posts: 5,776 Joined: 25-October 08 Member No.: 480 Country |
Hài cải lương Văn Hường Vọng Cổ Hài : Thiếu cả người viết lẫn người ca Trong làng vọng cổ, không chỉ có những bài ca mùi với những chuyện tình lâm ly bi đát làm rơi nước mắt, mà người mộ điệu có khi cười ra nước mắt với những bài vọng cổ vui nhộn thường được gọi là “Vọng cổ hài”. Một vở cải lương dài mà cứ khóc than hoài thì cũng không được. Bên cạnh cái mùi, cải lương cũng cần cái hài. Gần 100 năm hình thành và phát triển, vọng cổ mùi đã biết đến rất nhiều giọng ca đặc sắc như Út Trà Ôn, Thanh Hương, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Phượng Liên, Minh Cảnh, Tấn Tài, Thành Được, Minh Vương…Thế nhưng vọng cổ hài thì chỉ vỏn vẹn có Hề Minh, Văn Hường và Hề Sa là thật sự khẳng định được tài năng trong lĩnh vực ca vọng cổ. Sau ba giọng ca hài đặc sắc này, theo thời gian vọng cổ hài dần bị mai một. Hề cải lương và hề ca vọng cổ Trước tiên cần phân biệt giữa Hề cải lương và Hề ca vọng cổ. Trên sân khấu cải lương, các đào kép chánh thường là những đào kép mùi, thủ những vai bất hạnh bi thương để lấy nước mắt và sự cảm thông của khán giả. Thế nhưng, xem một vở cải lương mấy tiếng đồng hồ nếu mà cứ cảnh khóc than hoài thì cũng không được. Bởi vậy, bên cạnh cái mùi, sân khấu cải lương cần có cái hài. Trách nhiệm của các vai hài là làm sôi động sân khấu để phá tan đi cái ngột ngạt của những tình tiết lâm ly bi đát, nhằm mang lại tiếng cười cho khán giả. Những cây hài nổi danh của thể loại này có thể kể đến: Quái Kiệt Ba Vân, Hề Tư Xe, Hề Lập, Hề Tám Cũi, Hề Tư Rọm, Hề Kim Quang, Hề Văn Hường, Hề Minh, Hề Quới, Hề Sa, Hề Vui, Hề Văn Chung. Sau đó có thể kể đến Trường Xuân và Giang Châu. Thật ra thì Trường Xuân xưa kia chuyên trị vai kép độc, còn Giang Châu thì là kép mùi, nhưng cả hai khi tham gia vở cải lương Ngao Sò Óc Hến của soạn giả Nguyễn Thành Châu trong vai Bác Ngao và Trùm Sò, cái tài hài hước của họ đã được khẳng định. Sau đó, hài cải lương có thể kể đến Phú Quý, Duy Phương, Thanh Nam, Tấn Beo, Bảo Chung… Thể loại hài vừa kể trên là hài cải lương, tức tham gia ca diễn trong một vở cải lương. Vào thời vàng son của cải lương, tiếng tăm và tiền cát sê của một số anh hài cải lương không thua kém gì đào kép chánh. Cũng có khi khán giả mua vé đến xem một đoàn hát không phải vì yêu mến cặp đào kép chánh mà là vì ái mộ anh hài của đoàn. Hài thể loại này phải biết diễn xuất cải lương, phải biết ca các bài bản cải lương, tức cũng là một diễn viên cải lương thực thụ nhưng chuyên trị các vai gây cười. Vai trò của họ rất quan trọng: Nếu anh kép chánh mang lại sự cảm thông và làm rơi nước khán giả, thì anh kép hài có nhiệm vụ làm cho khán giả lấy lại sự cân bằng cảm xúc, được dịp vui cười. Vọng cổ là bài ca vua của sân khấu cải lương. Không chỉ vậy, ở các sân chơi đàn ca tài tử, vọng cổ luôn là bài ca chủ đạo. Về phần khán giả, khi đánh giá phần ca của nghệ sĩ cải lương, đa phần đều để ý đến cách vô vọng cổ có được ngọt không, giọng ca có mùi không. Thậm chí mấy ông bà bầu xưa kia khi muốn nhận một ai đó vào làm nghệ sĩ cho đoàn mình, thì việc thử giọng đều nhắm vào bài vọng cổ. Bởi thế, các nghệ sĩ thành danh của làng sân khấu cải lương Nam Bộ, tuyệt đại đa số đều ca vọng cổ rất hay và rất mùi. Nếu sân khấu cải lương cần có những vai hài, thì bài vọng cổ cũng cần có những giọng ca hài. Làm hề cải lương thì tập trung vào diễn, còn ca chỉ là động tác hỗ trợ cho vai diễn mà thôi. Đối với ca vọng cổ hài, anh hài tập trung vào động tác ca là chính. Tức là, trên sân khấu cải lương, một anh hài cải lương có giọng không hay và nhịp không chắc cũng không sao, cái quan trọng là anh ta diễn xuất trọn vai để lấy tiếng cười của khán giả. Còn trong ca vọng cổ hài, thì động tác chính của người nghệ sĩ hài là ca, còn động tác chính của người mộ điệu là thưởng thức bằng cách nghe, bởi thế anh hài ca cổ đòi hỏi phải có bản lĩnh ca vọng cổ thật sự. Đòi hỏi này cũng giống như đối với những giọng ca vọng cổ mùi thực thụ, nhưng cái khác là ở đây người nghệ sĩ hài ca những bài vọng cổ hài. Nói như vậy thì hề ca cổ phải có giọng tốt và nhịp nhàng vững chắc, cùng với kỹ thuật ca và phong cách ca tạo được dấu ấn riêng. Ba tay cự phách trong làng vọng cổ hài Những nghệ sĩ hài đã khẳng định tên tuổi trong làng vọng cổ hài có thể nhắc đến là Hề Minh, Văn Hường và Hề Sa. Trong ba cây hài nói trên, Hề Minh là bậc tiền bối. Tên thật của Hề Minh là Nguyễn Văn Minh. Vào khoảng năm 1955, Nguyễn Văn Minh được nhận vào đoàn cải lương Kim Thoa của ông bầu Nguyễn Huỳnh Phước và được đặt cho nghệ danh Hề Minh. Sự nghiệp Hề Minh bắt đầu từ đó. Hề Minh có khả năng vừa diễn xuất tốt vai hài trong các vỡ cải lương, vừa ca vọng cổ hài rất hay. Hề Minh có giọng trầm, chân phương, và hơi không dài. Bởi vậy anh ca như nói, rất chân phương, rất gần gũi với bà con nông dân vùng sông nước Cửu Long. Bộ nhịp của Hề Minh rất chắc, anh ca như làm xiếc trên dây đờn. Đặc trưng của bản vọng cổ hài là thường có rất nhiều chữ, vì thế người ca phải ca chạy chữ thật nhanh để cho kịp nhịp. Mà ca chạy chữ làm sao để người nghe vẫn nghe được rõ ràng lời ca để có thể hiểu được lời văn và nội dung bài ca. Vì làn hơi không dài nên Hề Minh không chọn cách luyến láy, mà anh có cách sắp chữ thần sầu phù hợp với giọng ca và làn hơi của anh. Đặc trưng lớn nhất của Hề Minh là anh ca rải đều chữ, ca như nói, người nghe nếu không để ý sẽ không biết anh ca gần tới song lang cuối câu chưa, nhưng Hề Minh ca bình bình rồi xuống song lang cuối câu lúc nào cũng thật ngọt thật hay. Hề Minh nổi tiếng nhất với các bài vọng cổ: Tôi Mến Làng Tôi, Bức Thư Tình, Mèo Lại Hoàn Mèo… Thế nhưng, phải chờ đến Văn Hường thì vọng cổ hài mới có thể nói là thật sự làm mưa làm gió trên thị trường cổ nhạc. Văn Hường tên thật là Nguyễn Văn Hường, sinh năm 1934 tại Thủ Đức, Sài Gòn. Tài năng của anh được phát hiện vào năm 1960 tại quán Lệ Liễu ở Sài Gòn. Số là một hôm, ông bầu Bảy Cao của đoàn Hoa Sen-một đoàn hát đình đám lúc bấy giờ ở Sài Gòn, đến giải trí tại quán Lệ Liễu, và phát hiện ra chất hài trong giọng ca Văn Hường, nên đã lập tức đề nghị ký giao kèo với anh. Thế là Văn Hường về hát cho đoàn Hoa Sen. Thật ra lúc đầu Văn Hường chuyên ca vọng cổ mùi. Về đoàn Hoa Sen anh cũng ước được leo lên hàng kép chánh. Thế nhưng, ông bầu Bảy Cao đã đề nghị anh tập trung vào ca diễn hài. Và trong vở tuồng đầu tiên, Văn Hường đóng cặp với Diệu Hiền trong vai cặp ở đợ và nữ tỳ. Đêm diễn thành công ngoài mong đợi, Văn Hường đã bắt đầu khẳng định tên tuổi của mình trên làng hài cải lương. Thế nhưng, lợi thế của Văn Hường không phải là diễn, mà là ca. Văn Hường lúc đầu ái mộ Hề Minh vì ca vọng cổ hài trước Văn Hường thì có thể nói chỉ có Hề Minh. Văn Hường cũng rất thích giọng ca của bậc tiền bối Tám Thưa với lối ca “ơ..ơ..” rất Tài Tử Nam Bộ. Thế là Văn Hường nghiền ngẫm cách sắp chữ của Hề Minh để tạo cho mình một lối sắp chữ không kém phần thượng thừa đối với người đi trước. Đặc biệt, Văn Hường đã thay cái “ơ..ơ…” của Tám Thưa thành “ự…ự” rất riêng, rất Văn Hường. Và cái lối ca “ự…ự’’ đó đã trở thành thương hiệu riêng của Văn Hường, làm say đắm không biết bao nhiều con tim người mộ điệu. Đi sâu vào kỹ thuật ca vọng cổ của Văn Hường, ta thấy anh có giọng đối lập với giọng ca của Hề Minh: Hề Minh có giọng trầm còn Văn Hường có giọng trong trẻo và cao vút. Hề Minh thì hơi không dài chứ Văn Hường thì có hơi dồi dào mặc sức tung hoành luyến láy. Đặc biệt hơn hết bộ nhịp của Văn Hường thuộc hàng thượng thừa. Nhờ có bộ nhịp thượng thừa, Văn Hường mặc sức tung hoành trên dây đờn. Có thể nói rằng, anh thuộc hàng “sư phụ” của kỹ thuật “làm xiếc trên dây đờn”. Như đã nói bên trên, các bài vọng cổ hài thường có rất nhiều chữ, nghệ sĩ hài ca phải chạy chữ cho kịp nhịp. Về vấn đề này, Văn Hường ca chạy chữ thuộc hàng sư phụ. Có nhiều bài chữ nhiều lắm, nhưng anh ca rất rõ ràng, rất cảm xúc và về song lang chính xác “như để” vậy. Soạn giả chấp cánh cho Văn Hường là “ông vua” Viễn Châu. Thử làm một thống kê nhỏ ta sẽ thấy rằng hầu hết các bài vọng cổ hài nối tiếng nhất của soạn giả Viễn Châu đều được viết theo kiểu “đo ni đóng giày” cho Văn Hường. Vào năm 1960, Viễn Châu cũng đã phát hiện ra giọng ca Văn Hường và giới thiệu cho hãng dĩa thu âm với bài vọng cổ hài đầu tiên là Đêm Tân Hôn. Rồi sau đó là trên một trăm bài vọng cổ dành cho Văn Hường: Tư Ếch Đi Hội Chợ, Tư Ếch Đại Chiến Văn Hường, Lá Sớ Táo Quân, Vợ Tôi Tôi Sợ, Tề Thiên Đại Thánh, Tào Tháo Cháy Râu…Nhiều lắm, không thể nào kể hết được. Ta thấy rằng, trong đời nghệ sĩ, một nghệ sĩ tạo dấu ấn trong vài bài vọng cổ đã là quý, còn đối với Văn Hường, anh đã thật sự thành công trong quá nhiều bài vọng cổ hài. Những bài vọng cổ hài của Viễn Châu đã đưa Văn Hường đạt được vương vị “Vua Ca Vọng Cổ Hài”, bên cạnh “Vua Viết Lời Vọng Cổ” Viễn Châu và “Vua Ca Vọng Cổ” Út Trà Ôn. Thủ Đức đã sinh ra Văn Hường vào năm 1934, thì vào năm 1941 lại tặng thêm cho làng vọng cổ hài một giọng ca hài điêu luyện khác, đó là Hề Sa. Từ nhỏ, Hề Sa đã mê vọng ca Văn Hường qua sóng phát thanh. Cảm thấy giọng ca của mình rất giống Văn Hường, nên Hề Sa luôn tập ca theo thần tượng. Và quả thật, Hề Sa có giọng cao và trong như Văn Hường. Hề Sa đã kế tục Văn Hường lối vô vọng cổ theo kiểu “ự..ự” rất đặc sắc. Anh cũng có một bộ nhịp thượng thừa và một lối sắp chữ thuộc hàng cao thủ. Năm 16 tuổi, Nguyễn Văn Sa bắt đầu cuốn gói theo gánh hát. Năm 21 tuổi anh đầu quân cho đoàn Thủ Đô, rồi sau đó là đoàn Kim Chung, Thanh Nga…Và cái tên Hề Sa bắt đầu trở nên lẫy lừng. Có thể nói rằng, sau Văn Hường thì Hề Sa kế tục xứng đáng người đi trước trong lĩnh vực vọng cổ hài dù rằng sự nghiệp của anh không lừng lẩy bằng “sư phụ” Văn Hường. Đến hiện tại, trong khi Hề Minh đã về với tổ nghiệp vào năm 1985 ở cái tuổi 58, Văn Hường do tuổi cao không còn hát nữa, thì Hề Sa vẫn đi biểu diễn thường xuyên. Hề Sa nổi tiếng với các bài Pháp Sư Giải Nghệ, Trời Sinh Voi Sinh Cỏ, Tôi Đi Lính… Đặc trưng của bài vọng cổ hài Viễn Châu được mệnh danh là “Ông vua viết lời vọng cổ” với hơn 2000 bài vọng cổ. Ông là soạn giả “đo ni đóng giày” thành công nhất bởi chính bài ca của ông đã chấp cánh cho hầu hết các tên tuổi hàng đầu của thế hệ nghệ sĩ vàng: Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Phượng Liên, Thành Được, Tấn Tài, Minh Cảnh, Thanh Sang, Minh Vương… Còn trong làng vọng cổ hài thì Viễn Châu cũng đã đo ni đóng giày thành công cho giọng ca Văn Hường. Và nếu Văn Hường là “Vua Ca Vọng Cổ Hài”, thì Viễn Châu phải là “Vua Viết Lời Vọng Cổ Hài”. Ông viết riêng cho Văn Hường trên 100 bài vọng cổ hài. Chưa kể là các bài ông viết cho Hề Minh và Hề Sa ca như Tôi Mến Làng Tôi hay Pháp Sư Giải Nghệ. Bên cạnh Viễn Châu, còn có một số soạn giả vọng cổ hài ăn khách khác là Quy Sắc, Loan Thảo …Ta thấy rằng, chẳng những nghệ sĩ ca vọng cổ hài đã hiếm, mà soạn giả viết vọng cổ hài thành công cũng không nhiều. Nhìn vào các bài vọng cổ hài đã được khán giả chấp nhận, ta thấy có mấy đặc điểm sau : - Nội dung bài hát thường là châm biếm thói hư tật xấu hay những hủ tục trong xã hội. Nó đưa được đời sống thường nhật lên sân khấu, để người nghe cảm nhận được điều châm biếm trong bài hát cũng thật sự tồn tại đâu đó, hoặc dã là tồn tại ở chính bản thân người nghe. Để từ đó, mỗi người tự ý thức mà sửa chữa lỗi lầm bản thân hay giúp người khác sửa chữa, nhằm làm cho con người được hoàn thiện hơn, xã hội được tốt đẹp hơn, đúng với tinh thần chung của cải lương Nam Bộ. - Sự châm biếm phải thật nhẹ nhàng và tế nhị. Lời văn phải được chọn lựa kỹ càng, phải dí dỏm và phải được đặt đúng nơi đúng chỗ. - Nghệ sĩ hài biểu diễn phải thật sự có năng lực ca vọng cổ, tức phải có giọng ca, phải có bộ nhịp cho vững để có thế tung hoành trong bài hát một cách dí dỏm nhằm gây cười cho khán giả, phải có sự tập luyện bài bản và kiên trì để có được một lối ca điêu luyện. Vọng cổ hài hiện tại : thiếu người viết lẫn người ca Nhìn vào hiện tại, vọng cổ hài thiếu nghiêm trọng, thiếu người ca lẫn người viết. Soạn giả Viễn Châu thì tuổi già sức yếu không thể cầm bút được nữa, những bài vọng cổ của ông nói chung và vọng cổ hài nói riêng được hát đi hát lại mãi. Gần đây, trong chương trình Vầng Trăng Cổ Nhạc tại Thành Phố Hồ Chí Minh, Hề Sa phải ca lại bài Văn Hường Đi Suzuki của Viễn Châu. Để giới thiệu cho bài ca này, người dẫn chương trình khi ấy giới thiệu rằng, đó là bài mà Viễn Châu viết từ cảm nhận hiện tượng tai nạn giao thông trong hiện tại. Cách giới thiệu này có phần không tôn trọng khán giả vì ai mê vọng cổ hài mà không biết rằng Văn Hường đã ca thu đĩa bài này mấy chục năm trước rồi. Thế nhưng, ở đây muốn nhấn mạnh rằng, trong hiện tại cuộc sống có quá nhiều việc cần lên án, cần châm biếm, thế mà không hiểu tại sao lại không hề thấy một bài vọng cổ hài có chất lượng nào được ra đời?! Đó là về phần soạn giả, còn phần của nghệ sĩ ca vọng cổ hài thì sao? Ta thấy rằng, sau Hề Minh thì có Văn Hưòng, và Văn Hường đã làm được cái câu “sóng sau dồn sóng trước”. Sau Văn Hường thì có Hề Sa. Dù tự nhận là bản sao của Văn Hường, nhưng rõ ràng Hề Sa đã tạo được cho mình một phong cách riêng, một giọng ca riêng. Người nghe dễ dàng phân biệt được giọng ca Hề Sa với Văn Hường. Dù không vượt được “thầy”, nhưng Hề Sa cũng đã kế tục được vọng cổ hài một cách xứng đáng. Sau Hề Sa thì cũng có một số giọng ca hài đáng chú ý như Giang Châu hay Hề Thanh Nam. Thế nhưng, hai người này gắn bó với cải lương nhiều hơn, tức là chỉ tập trung đóng hài trong các vỡ cải lương chứ chưa tách hẳn ra gia nhập vào sân chơi vọng cổ hài độc lập với cải lương như trường hợp của Hề Minh, Văn Hường hay Hề Sa. Sau những người này, thì thế hệ hiện tại ta thấy có rất nhiều hài, nhưng hầu hết là hài cho các tiểu phẩm hài theo lối kịch, còn trong cải lương thì quả thật hiện tại không thấy có danh hài nào có thể ca diễn bài bản theo lối cải lương cho các vỡ cải lương. Hài cải lương đã thiếu, hài vọng cổ còn thiếu hơn, thiếu đến mức nghiêm trọng. Trong quá nhiều danh hài hiện tại, rõ ràng là không thấy ai có khả năng kế tục được vọng cổ hài. Cần nhắc lại rằng, vọng cổ hài từ thuở Văn Hường đã thật sự trở nên độc lập với cải lương và với vọng cổ mùi. Tức là, nó đã trở thành một lĩnh vực có thể một mình thu hút khán giả, có được lượng khán giả riêng. Trong hiện tại, văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung và cải lương nói riêng đang gặp nhiều khó khăn do phải chia khán giả với quá nhiều loại hình giải trí ngoại nhập khác. Mọi người dù thích cải lương nhưng thật sự khó sắp xếp được thời gian để ngồi xem, thậm chí là nghe trọn vỡ tuồng dài đến mấy tiếng đồng hồ. Trong bối cảnh đó, vọng cổ thật sự trở thành một cứu cánh quan trọng cho nghệ thuật cải lương, bởi một bài vọng cổ 4 câu thì ca độ chừng 6 phút, tức tương đương với một bài tân nhạc. Các nghệ sĩ cải lương khi chạy sô ở các chương trình văn nghệ tổng hợp cũng thường chỉ ca vọng cổ mà thôi. Nhưng vấn đề là, vọng cổ thì thường buồn bã bi ai, mà có một bộ phận người thì sau những bộn bề của cuộc sống, khi rảnh rang họ muốn thư giãn thần kinh bằng những cái gì vui nhộn, tạo được tiếng cười. Bởi vậy, bên cạnh vọng cổ mùi, cần phát triển vọng cổ hài trong hiện tại, vừa để góp phần gìn giữ vọng cổ-cải lương, vừa để góp phần làm cuộc sống bớt căng thẳng, vừa có thể thu hút được bộ phận giới trẻ yêu thích sự sôi động và vui nhộn. Thế nhưng, nhìn đi nhìn lại, như đã nói bên trên, vọng cổ hài trong hiện tại đang thiếu nghiêm trọng cả về người viết lẫn người ca ? Lê Phước -------------------- Cõi mơ |
|
|
Lo-Fi Version | Time is now: 16th November 2024 - 06:43 AM |