Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> "Tin hay không tin " có linh hồn hay không ?, Hoàng Dân Bình
AnAn
post Jul 11 2014, 07:25 AM
Post #1


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 6,737
Joined: 12-November 08
Member No.: 702
Country







"Tin hay không tin " có linh hồn hay không ?


Con người có linh hồn hay không? Bản chất của linh hồn là gì? Những câu trả lời vẫn chỉ là những giả thuyết “tin hay không tin”. Trong cuộc sống, vẫn có nhiều hiện tượng cho thấy có sự tồn tại của linh hồn. Các nhà thần học giải thích linh hồn như là ánh sáng của Thượng Đế. Một số các nhà tư tưởng nhìn nhận sựỳ tồn tại Thượng Đế (Trời), và sự linh ứng của vạn vật nhưng tránh bàn luận hay giải thích về những vấn đề siêu hình. Các nhà khoa học trong những thập niên gần đây đã đặc biệt chú tâm khám phá về môi trường tâm linh. Trong khi linh hồn chưa được giải thích theo khoa học thì người ta thường chấp nhận sự tồn tại của linh hồn qua những hiện tượng siêu cảm (transcendentialism) và siêu hình (metaphysics).

Ý Niệm về Linh Hồn

Tính linh hoạt của sự sống và sự lặng lẽ của sự chết cho người ta cảm nhận có linh hồn trong một cơ thể sống. Dân thuộc các bộ lạc xa xưa tin tưởng rằng khi một người chết đi thì linh hồn của họ rời thể xác trụ ở cây cỏ hay gốc đá nào đó. Người Việt thường nói tới con người có tới ba hồn bẩy vía hoặc chín vía.

Thiên nhiên với sự to lớn vô cùng tận và những hiện tượng kích cảm huyền diệu đã khiến cho con người cảm nhận sự hiện hữu
của một Đấng Tạo Hóa Quyền Năng Tuyệt Đối. Ở Trung Hoa, Lão Tử, nhà sáng lập ra Đạo Lão (Taoism), nổi tiếng với thuyết Vô Vi: “Không làm mà là làm một cách hợp với lý của Đạo, vô tư, không vụ lợi, không ràng buộc; để không tạo một nhân quả nào.” Ông chủ trương lối sống trở về với thiên nhiên nếu con người muốn đạt Đạo, vì Đạo được coi như là nguyên lý của vũ trụ. Ông nói: trở thành một với Đạo là hằng cửu, và dù cho thể xác có chết, Đạo vẫn không bao giờ mất đi cả. Những người theo đạo Lão tin rằng: bằng cách sống hòa với Đạo, hay với thiên nhiên, người ta có thể kết hội với những bí mật của thiên nhiên và trở thành miễn nhiễm đối với độc hại của thể chất, các bịnh tật, và ngay cả cái chết.

Trong một thời gian dài, nền hội họa Trung Hoa đã sản xuất ra nhiều những bức danh họa về núi non, sông hồ, và cây cỏ phản ánh lý tưởng sống hòa với thiên nhiên để trở về với nguyên lý của vũ trụ là Đạo. Môn phái luyện Yoga cũng phát xuất từ Đạo Lão.

Ở Việt Nam, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585) được coi như là người chịu ảnh hưởng sâu đậm của Lão Tử: Ông yêu thiên nhiên, muốn xa lánh trần tục. Ông nói: “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao.”
Ở Tây Phương, thiên nhiên cũng tác động mạnh trên tâm thức của các nhà thơ, nhà văn như Lamartine, Coleridge, và Wordsworth; các nhà họa sĩ như Turner, Palmer, và Friedrich; và các nhà soạn nhạc như Weber, Berlioz, Liszt, và Wagner. Ở Hoa Kỳ, Henry David Thoreau (1817 ố 1862), học trò của Ralph Waldo Emerson (1803- 1882) về Siêu Nghiệm (Trascendentalism) [một môn phái phát xuất từ những lý tưởng gia người Đức nổi tiếng là Kant và từ những triết học huyền bí Đông Phương tin tưởng vào tính thần linh và sự hợp nhất của con người và thiên nhiên và sự ưu đẳng của trực giác là nguồn gốc của tri thức đối với lý trí và nhận thức của các cảm quan khác.] đã ghi lại cuộc sống một mình với thiên nhiên trong hai năm hai tháng bắt đầu đúng vào ngày Hoa Kỳ Độc Lập: ngày 4 tháng 7, 1845 tại Ao Walden ( gần Concord, Massachuseetts.) trong một căn nhà chòi tự làm, tự tay kiếm ăn và sống rất đơn sơ vì ông cho rằng cuộc sống bon chen của xã hội văn minh chỉ làm hại thiên nhiên và con người. Ông ca ngợi những buổi sáng và tôn thờ Bình Minh như những nguời Hy Lạp. Ông nhắc tới câu ghi trong Kinh Vedas, “Mọi tri thức đều thức dậy với buổi sáng.” Ông viết “tất cả thi sĩ và các anh hùng là những người con của Bình Minh, và khởi tấu nhạc vào lúc mặt trời mọc.” Trong sự vắng lặng, ông thực sự cảm nhận sự khoái cảm trong từng lỗ chân lông. Ông hòa nhập với thiên nhiên với một tự do kỳ lạ, như mình là thành phần của thiên nhiên. Thật là vô cùng lãng mạn khi ông mô tả: “ Hồ nước là một nét đẹp và gợi cảm nhất. Hồ là con mắt của đất, nhìn vào trong đó người ngắm cảnh có thể đo được chiều sâu của chính thiên nhiên.” Với cuộc sống, ông nói: “Sao chúng ta nên hối hả vô vọng như vậy để mong thành công. Nếu có ai không bắt kịp với những bạn đồng hành thì chính là vì người đó đã nghe một điệu trống khác.” Tóm lại, thiên nhiên chứa đầy sự học hỏi và huyền diệu đã được coi như là con đường trở về với cội nguồn của sự sống là Thượng Đế.

Những Niềm Tin và Thuyết về Linh Hồn

Ở Tây Phương, từ ngữ linh vật tính (animism) được E.B. Tylor (1832 - 1917) [Giáo Sư đầu tiên về ngành khảo cổ của Đại Học Oxford (Anh)] sử dụng lần đầu tiên để chỉ một niềm tin đại chúng vào những linh vật mà ông cho rằng niềm tin đó là nguyên thủy của mọi tôn giáo. Ông đề xuất rằng những kinh nghiệm như là những giấc mơ, những thị ảnh (visions), những ảo giác (hallucinations), và sự vô hồn của những xác chết đã khiến cho người cổ xưa kết luận rằng thân thể con người có một linh hồn (anima) trú ngụ. Một nhà khảo cổ khác, R.R.Marett (1866 ố 1943) sửa lại linh vật tính bằng thuyết duy linh (animatism). Sau khi nghiên cứu những niềm tin của người Melanesians của các hòn đảo Thái Bình Dương và các thổ dân của Phi Châu và Mỹ Châu, ông kết luận rằng đáng lẽ có một khái niệm về linh hồn của cá nhân, người cổ xưa tin rằng có một sức siêu nhiên làm cho mọi vật có hồn, và niềm tin này tạo ra những cảm xúc kinh hoàng và sợ hãi trong con người.
Người Ai Cập tin là linh hồn là bất diệt. Khi thể xác bị hủy hoại thì linh hồn sẽ nhập vào một xác thân khác. Pythagore cho rằng tất cả đều có linh hồn thênh thang quanh quẩn trong thế giới hữu cơ. Platon cho rằng linh hồn sống lâu hơn thể xác. Linh hồn liên tục sanh rồi tái sanh trở lại thế gian. Wordsworth nói: “cái sanh của chúng ta chỉ là một giấc điệp và một sự lãng quên. Cái linh hồn -vì tinh tú của đời sống xuất hiện với ta hôm nay - đã có cơ sở ở một nơi nào từ phương xa tới. Huxey viết: “Cũng như thuyết Tiến Hóa, thuyết chuyển sinh linh hồn bắt nguồn từ thực tế.” Francis Bowen (Harvard) ghi: “ Cái ta gọi là chết chỉ là biến dạng đưa đến một đời sống khác trên quả địa cầu và nếu đời sống ấy không được cao quý tốt đẹp hơn kiếp sống vừa chấm dứt thì chính là tại ta.”
Người Trung Hoa cổ đại tin có sự sống lại sau khi chết. Người Hindu (Ấn Độ) tin rằng mỗi người có một linh hồn riêng biệt và trải qua nhiều đầu thai và hồn phải cố gắng để hội nhập với “Thực Tại Tối Cao”, gọi là Brahman hay Brahm.
Ngược lại với Ấn Độ giáo, Phật giáo không nhìn nhận một linh hồn bất tử nhưng giải thích cá nhân như là “một sự kết hợp của những lực vật thể và tâm thể hay là năng lượng,” và con người trải qua hết kiếp này sang kiếp khác theo định luật nhân quả. Sự chết chỉ là sự tan rã của vật chất, còn những năng lượng, “ tiềm lực làm sống” chúng sanh, có chứa những thèm muốn thì vẫn còn tồn tại và sẽ tiếp tục tác động trên một thân xác khác và đó là sự tái sinh.
Ngoài danh (tâm) và sắc (vật chất) là hai thành phần cấu tạo nên chúng sanh, Phật Giáo không nhìn nhận có một linh hồn vĩnh cửu. Đức Phật không đề cập đến lịch trình tiến hóa của vũ trụ vì cho rằng người nào muốn hiểu vấn đề đó sẽ có thể chết trước khi được nghe giải thích. Ngài nói: “Như Lai không hề nêu lên vấn đề thế gian có vĩnh cửu hay không, không gian có giới hạn hay vô tận. Tai sao? - Bởi vì những điều ấy không tạo ích lợi, không làm nền tảng cho đời sống chấm dứt phiền não, khổ đau, không dẫn tới sự dập tắt, vắng lặng, trí tuệ, và giác ngộ hay Niết Bàn.” Người Nhật theo Thần Đạo (Shinto) tin rằng linh hồn của người chết hãy còn nhân cách và còn ở lại với phần uế tạp sau khi chết, nên thân nhân cần phải tẩy uế thì linh hồn mới siêu thăng.
Do Thái Giáo (Judaism) là đạo lâu đời nhất trên thế giới (có ảnh hưởng lớn tới Cơ Đốc Giáo Và Hồi Giáo) coi thế giới là sự tạo lập của một vị thần linh và dân Do Thái là dân tộc được vị thần đó lựa chọn. Người Do Thái tin là con người có một linh hồn bất tử tồn tại sau khi thân thể chết.
Cơ Đốc Giáo cho rằng có nguyên nhân đầu tiên tạo ra sự sống và nguyên nhân ấy là Thượng Đế Toàn Năng: mọi việc trong đời sống đều do nơi ý muốn của Ngài. Con người sẽ được cứu vớt qua niềm tin đặt nơi Đấng Christ; tội lỗi được tha thứ và con người sẽ nhận được một đời sống mới, vĩnh cửu. Cơ Đốc Giáo không tin có luân hồi hay tái sinh. Khi Lazarus chết, Jesus nói với các môn đồ là Lazerus đã yên nghỉ, so sánh trạng thái chết với giấc ngủ. Sau này Jesus cùng đi với em gái của Lazarus tới mồ và gọi Lazarus thức dậy.

Những Kinh Nghiệm về Hiện Tượng Siêu Hình

Những hiện tượng về siêu hình được đủ các giới gồm các nhà khoa học và người bình dân tự kinh nghiệm hay kể lại thì rất nhiều. Trong cuốn Hành Trình về Phương Đông (nguyên tác của Baird Spalding: Journey to the East, do Nguyên Phong dịch, NXB Người Việt, 1993) trang 111 có ghi chuyện Bác Sĩ Bandyo, cựu giám độc bệnh viện Calcutta kể lại: Trong lúc ông tuyệt vọng vì không sao cứu chữa cho một cô bé chừng mười bốn tuổi thì đột nhiên trong phòng ông bỗng rực sáng và ông thấy một người đàn bà hiện ra ngay cạnh giường cô bé. Thân thể bà sáng chói hào quang như dòng nước lấp lánh dưới ánh mặt trời. Trong giây phút ông ý thức đó là Đức Mẹ Thế Gian: Đức Quán Thế Âm (Phật Giáo), Đức Mẹ Maria (Thiên Chúa Giáo), Đức Avalokiteshvara (Ấn Độ Giáo). Ông vội quỳ sụp xuống cầu xin cho Ngài cứu cô bé và nguyện theo Ngài vĩnh viễn. Ngày hôm sau cô bé khỏi bệnh. Nhưng ông đã không thể giải thích trường hợp này đối với các đồng nghiệp và Hội Đồng Y Khoa Ấn Độ. Kết quả ông bị xa lánh và người ta gọi ông là “phù thủy”.
Ông kể thêm: kể từ ngày nhìn thấy Đức Mẹ, thần nhãn của ông khai mở, ông bắt đầu quan sát và học hỏi các cõi giới của Thiên Thần. Nhờ khai mở thần nhãn, ông biết trong cõi người có một thế giới vô hình rộng lớn và có những sinh vật khác sinh sống mà thường gọi là ma, quỷ, và thần linh. Các sinh vật này cũng có thứ tốt, thứ xấu như người ta vậy. Có những Thiên Thần (tốt) phụ trách một công việc riêng. Các thiên thần lo về sức khỏe thường liên lạc chặt chẽ với các bác sĩ, y tá. Nhờ có thần nhãn, ông thấy các bác sĩ chuyên phá thai luôn luôn bị các oan hồn bu quanh. Trong các phòng hộ sinh, nơi đây có những thiên thần tạo ra không khí bình an, mát mẻ để đón chào linh hồn nhập thế. Tuy trong cõi vô hình, những giờ phút chào đời cũng có tính chất trang nghiêm như một buổi lễ. Các ánh hào quang không ngớt di chuyển để đem sinh khí cho người mẹ và làm cho người mẹ bớt đau đớn. Khi linh hồn tái sinh nó có vẻ bỡ ngỡ như người mê mới tỉnh, linh hồn thấy ngộp thở, tối tăm, và nặng nề. Vị thiên thần trong coi buổi lễ đã truyền sự nồng ấm của Đức Mẹ vào trái tim người mẹ để lòng người mẹ tràn dâng một niềm vui mừng khôn tả. Tuy nhiên các vị thiên thần thường ít khi can thiệp vào đời sống con người. Thế giới của họ cấu tạo bằng các nguyên tử thanh nhẹ có sức rung động cao hơn nhiều so với các rung động trong thế giới trần tục. Ông cũng cho biết chết không phải là hết mà chỉ là giai đoạn chuyển từ kiếp này qua kiếp sống khác. Người chết có thể nhìn thấy chúng ta qua thể vía (hồn) và hiểu được cảm nghĩ và cảm xúc của chúng ta. Khi mới chết họ còn quyến luyến người thân, sau đó thì họ hòa nhập vào cõi giới mới.
Cũng trong cuốn Hành Trình về Phương Đông (trang 145), Đạo Sĩ Akila Bakhtir cho biết: ông đã có dịp gặp gỡ các bậc thánh nhân. Đó là những người đã được khai mở những năng khiếu để có những khả năng kỳ diệu. Những người này với khả năng hiểu biết vượt xa người thường để hướng dẫn hoặc giúp nhân loại trên chặng đường tiến hóa liên tục. Có bốn nguyên nhân giúp con người tìm ra con đường của Đạo. Đó là pháp thanh lọc linh hồn đón nhận ánh sáng tâm linh:

(1) Tiếp xúc thân cận với những người Thiện Trí Thức.
(2) Nghiên cứu các sách vở và nghe giảng giải về đạo lý.
(3) Tự cố gắng mở mang trí tuệ và suy ngẫm. Đó chính là phương pháp tu Thiền.
(4) Trau dồi phẩm hạnh, làm việc thiện và mở rộng lòng bác ái.
Trong cuốn Những Bí Ẩn của Cuộc Đời do Nguyễn Hữu Kiệt biên soạn (NXB Xuân Thu, 1988) có ghi về ông Edgar Cayce là một người có khả năng thần nhãn. Ông Cayce sinh năm 1877 tại Hopskinville, Kentucky. Sau khi được chữa trị khỏi bịnh tắt tiếng bằng khoa thôi miên, ông bắt đầu chữa bịnh bằng phép soi hồn. Trang 129 có ghi chuyện người đàn bà có hai điều hoảng sợ là dao bén và sợ những loài thú có lông, nhất là loại thú nhà. Cuộc soi kiếp cho biết trong một kiếp trước ở Ba Tư, người đàn này bị giết vì một lưỡi gươm trong lúc chạy loạn. Cuộc soi hồn cũng cho biết từ một kiếp trước ở Atlantide, cô đã trải qua một kinh nghiệm về những loài vật có hình thù ghê rợn.
Đối với riêng tôi, việc tò mò tìm hiểu những hiện tương siêu hình đã nẩy nở trong tôi từ lúc còn nhỏ. Năm ấy chừng mới sáu tuổi, vào một buổi tối tôi thấy cha tôi thắp nhang khấn vái và cùng với hai bà chị họ ngồi để tay lên một chiếc chén tống (ly nhỏ). Chiếc chén di chuyển trên mặt tờ giấy có ghi chữ. Sau này tôi biết đó là phụ đồng chén. Lúc đi học ở làng Đồng Sâm, Thái Bình, tôi còn thấy các bạn tôi lên phụ đồng điếu. Vào cuối năm 1953 khi tôi còn học ở Thái Bình, tôi cùng với Thầy Đinh văn Lô tới xem một ngôi nhà bị ma phá. Chủ nhà là một công chức. Ông kể cho chúng tôi về chuyện chiếc lư đồng khá nặng cứ tự động rời từ bàn thờ xuống giữa nhà mà lúc đó nhà đã khóa trái. Khi chúng tôi ra khỏi căn phòng đó và thầy Lô vừa mới khép cánh cửa và quay lưng đi thì đã nghe tiếng lục đục trong nhà. Mở cửa ra thì chiếc lư đồng đã lại nằm ở giữa sàn nhà. Gian nhà giữa thì thầy pháp đang la hét bắt ấn. Trở ra thì tôi nghe bộp một tiếng. Nhìn ra thì thấy một chai bia cổ lùn rơi đúng vào ngực một anh lính mới vô coi. Tôi mở cửa sau quan sát thì thấy một bãi đất trống có nhiều gò mả và không một bóng người. Hồi đi dạy học ở Sóc Trăng, ông hiệu trường tây học Huỳnh văn Tôn có cho biết một con trai của ông rất nhậy khi ngồi cầu cơ. Có khi phải tạt nước lạnh cơ mới xả. Sau 1975, trong trại cải tạo Trà Nóc, Bình Thủy, chúng tôi cũng thường lén cầu cơ để hỏi khi nào được về. Tôi được chứng kiến lúc đang cầu cơ: hai người ngồi đối diện nhau; một người bịt mắt bằng tấm khăn; người kia thì ngồi quay mặt về phía sau. Cả hai đặt một ngón tay vào tấm cơ. Tôi thấy cơ chạy khá nhanh khiến phải có một người đọc chữ và một người ghi. Khi cơ xả, mới xúm nhau lại tách các chữ thành câu. Tất cả đều là những câu thơ bốn chữ. Mỗi người được cơ giáng bốn câu nói lên những đặc điểm của từng người. Số bài thơ ứng đúng với thứ tự và số người ghi tên hỏi. Chính người tổ chức cầu cơ là một người Công Giáo đã từng kể cho tôi nghe chuyện anh mua phải một ngôi nhà với tin đồn có quỷ. Anh không tin. Nhưng thực sự anh đã thấy quỷ hiện lên nhát vợ anh và anh phải nhờ thầy cúng kiếng mới hết. Một người bạn tôi kể câu chuyện về một bà cô bị ma ám. Vào năm 1945 khi Việt Minh mới nổi lên bà cô đó và người yêu cùng hoạt động trong hàng ngũ thanh niên. Sau chạy loạn mỗi người một nơi. Bà cô đó có chồng và có con. Hơn hai chục năm sau bà cô đó bị ma ám, biếng ăn, bỏ ngủ, tinh thần xa sút, không thuốc thang nào chữa khỏi. Đi hỏi đồng, đồng nói hồn người yêu cũ về quấy phá. Gia đình tìm về Nha Trang nơi người yêu xưa trú ngụ và được biết anh đã tự vẫn trong giếng nước. Tìm thầy trục hồn ma không kết quả. Hồn ma nhiều lần đòi bắt người yêu đi hoặc là đòi xin đôi mắt vì đôi mắt của bà rất đẹp. Cuối cùng gia đình năn nỉ xin làm đàn chay cầu siêu. Hồn bắt phải mặc áo trắng để tang. Gia đình cũng phải chịu. Sau khi lập đàn cầu siêu tại giếng nước thì bà cô hoàn toàn phục hồi sức khỏe.
*
Tôi còn trải qua một số kinh nghiệm bản thân đối với sự hiển linh của thế giới vô hình, nên tôi hoàn toàn tin rằng con người có linh hồn và có một mối liên hệ có quy luật nhất định giữa thế giới tâm linh và thế giới vật lý hữu hình. Tôi tin có đấng Tạo Hóa tạo ra vụ trụ, vạn vật với những quy luật tự quản để tự tồn tại. Tôi tin “Có trời mà cũng có ta”. Tôi tin “chết là thể xác, còn là tinh anh.” Tôi tin có Trời, Phật, các Thần Linh, và ma quỷ; có luân hồi, nhân quả và tái sinh. Nhưng tôi không tin có địa ngục mà địa ngục chính là những gì tàn độc, và bất nhân vẫn thường diễn ra chính trong thế giới loài người. Tôi tin có những linh hồn ô trọc và những linh hồn tinh khiết. Tôi tin con người có tự do để làm và chịu trách nhiệm về việc làm của mình.
Về linh hồn, tôi cho linh hồn là một thứ ánh sáng. Sự phát minh ra tia Laser (tia sáng của loài người đầu tiên rọi tới được mặt trăng) đã khiến tôi càng tin rằng bản chất của linh hồn cũng là ánh sáng chứa đựng hàng triệu chương trình của sự sống tiềm tàng trong toàn thân của con người. Các chương trình này sẽ hoạt động do nơi kích động của những vũ trụ tuyến phát ra từ mặt trời và các vì sao. Vạn vật cỏ cây cũng đều có sẵn những chương trình sống để phát triển. Tất nhiên là có nhiều chương trình mà con người không mở được vì không tiếp xúc được với vũ trụ tuyến. Một số những nhà luyện khí công hay tham thiền thành công là nhờ khám phá được những bí quyết và có khổ công tu tập. Nhiều bí ẩn trong lãnh vực siêu hình sẽ có thể hoàn toàn giải thích được khi khoa học tiến bộ hơn nữa. Tuy nhiên cũng có thể có những bí ẩn siêu hình không thể nào giải thích được trong không gian vật lý của loài người.
Nhìn nhận có linh hồn và nhìn nhận Đấng Tạo Hóa chính là để cho chúng ta vững lòng tiến vào hướng đi lên đến Toàn Thiện, Toàn Chân, và Toàn Mỹ. Niềm tin đó đòi hỏi chúng ta phải kiên trì thanh lọc tâm thân và trí, thực thi lòng bác ái với toàn thể mọi người, vươn lên khỏi tinh thần chủng tộc, quốc gia, không còn trụ bám vào văn hóa cái tôi của loài người. Như vậy đã là đạt thăng hoa ngay tại thế gian này.
*
Nhập Thế

Ta Nhập Thế phút Linh Tố tạo Hồn
Cho Ta đủ cơ trình sự sống.
Ánh dương quang truyền tinh xạ khai thông
Mở cửa Trí, Tâm khai hoạt
Lọt lòng Mẹ, oa oa cất tiếng
Rời U Minh mở miệng chào Đời
Đón Tinh Quang muôn phương trời đổ tới
Vạn sinh bào khởi nhịp Động Cơ Yêu
Con ra đời từ Nguồn Yêu của Mẹ
Con chào đời nối Mạch Sống của Cha
Nụ hôn đầu cha nhẹ hôn trán bé
Vòng tay bồng khóe mắt mẹ long lanh
Phút linh thiêng: Sự Sống Đã Hoàn Thành
Con tiếp nối Cuộc Tồn Sanh Bất Diệt

HOÀNG DÂN BÌNH
(Arizona, USA)


--------------------
***Bình yên một thoáng***
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 29th March 2024 - 07:24 AM