Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi, LS. Ngô Tằng Giao
Đông Nhi
post Apr 23 2015, 10:06 AM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 2,835
Joined: 9-October 09
Member No.: 5,482
Country




Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi


Chuyện phiếm về pháp luật

NGÔ TẰNG GIAO sinh năm 1940 tại Hà Nội. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, ông từng giữ chức vụ Luật sư Toà Thượng Thẩm Sài Gòn. Ông bắt đầu cầm bút viết từ na7m 2001. Tác phẩm: Mưa Xuân (chuyển ngữ thơ Anh-Việt); Đà Lạt Ngày Tháng Cũ (hoài niệm về Đà Lạt) và 20 cuốn sách về Phật Giáo (Truyện Cổ, Truyện Tiền Thân, Truyện Thiền, Cuộc Đời Đức Phật, Kinh Pháp Cú, Kinh Bách Dụ, Quan Âm Thị Kính, Mục Liên Thanh Đề, Niết Bàn, Luyện Tâm Như Chăn Trâu v.v…)

Từ ngàn xửa ngàn xưa tình yêu nam nữ luôn luôn là một nguồn cảm hứng bất tận của biết bao nhiêu văn sĩ, thi sĩ và nhạc sĩ… Khi đã yêu thì nhìn cái cành cây khô cằn trơ trụi giữa trời cũng hình như phảng phất đầy hoa thắm, nụ tươi. “Ái tình như ngọn đũa phù thủy biến túp lều tranh thành lâu đài bằng vàng”, tục ngữ nước Đức nói vậy đó. Thi sĩ Lamartine nói: “Khi đã yêu, không một trở ngại nào làm cho người ta lo sợ”. Tục ngữ nước Pháp nói: “Đời không tình yêu như trời không có nắng”. Mẹ Theresa thời nói: “Tình yêu là trái chín của mọi mùa. Nằm trong tầm với của mọi bàn tay”. Ông thánh Paul lại hăm he là: “Thiên đường sẽ chẳng mở cửa để đón chào những người cằn cỗi, thiếu tình yêu”. Còn chàng thi sĩ Xuân Diệu thời viết:

“Ðời không ái ân, đời vô vị.

Kiếp sống không yêu, kiếp sống thừa.”

Thôi thì những lời “hoa thơm cỏ lạ” và những vần thơ kiểu này đầy rẫy trong sách báo. Nam nữ yêu nhau thường ước mơ được sống bên nhau dù trong “một túp lều tranh” chăng nữa nhưng có “hai trái tim vàng” là đủ và đó chính là cái động cơ để tiến tới hôn nhân. Tuy ai cũng biết đời sống không thể thiếu đàn bà, nhưng sống được với một người đàn bà không phải dễ. Chưa bao giờ như ngày nay, hôn nhân và gia đình đang bị công phá tứ bề. Nhiều ý kiến khiến ta phải suy ngẫm.

Có người nói: “Phải cầu nguyện một lần trước khi ra trận mạc, cầu nguyện hai lần trước khi bước chân xuống tàu ra biển khơi, nhưng phải cầu nguyện đến những ba lần trước khi… kết hôn!” Hoặc hôn nhân chẳng khác chi một cuốn tiểu thuyết mà trong đó vị anh hùng… “chết ngay từ chương đầu tiên.” Có câu tục ngữ lại ví von rằng người ta lấy vợ lấy chồng “không khác nào thọc tay vào một cái bao trong đó có đựng chín con rắn độc và một con lươn, chắc khó mà bắt được trúng con lươn!”

Ai đó còn nhắc lại câu nói bất hủ của một người chồng bị vợ bạo hành lừng danh nhất thế giới, đó là nhà hiền triết cổ Hy Lạp Socrates. Ổng nói: “Bằng mọi giá bạn phải cưới vợ. Nếu bạn gặp được một người vợ tốt thì bạn có hạnh phúc. Còn nếu bạn gặp phải bà chằng thì bạn sẽ trở nên một triết gia”. (By all means, marry. If you get a good wife, you’ll become happy; if you get a bad one, you’ll become a philosopher)

Văn hào Mỹ, Mark Twain lại cảnh giác: “Quý vị tưởng tình yêu lớn lên nhanh vào bậc nhất ư? Không phải đâu, tình yêu lớn lên chậm rì như rùa bò. Chẳng ai, dù nam hay nữ, thực sự hiểu được tình yêu hoàn hảo là thế nào, mãi cho tới khi đã ở trong đời sống hôn nhân cả một phần tư thế kỷ.”

Người ta còn kể là có một thầy giáo nọ hỏi đám học trò rằng: “Ai có thể nêu lên hai sự kiện lớn trong cuộc đời của nhà thơ Anh Milton?” Một học sinh đã trả lời ngay rằng: “Thưa thầy, sau khi kết hôn nhà thơ viết tác phẩm có nhan đề là ‘Thiên đường đã mất.’ Rồi đến khi vợ ông qua đời ông viết cuốn ‘Thiên đường trở lại’.”

Hôn nhân và tình yêu thường đi sánh đôi, thế mà hai thứ đó đã trở thành đối nghịch trong tư tưởng của nhiều người. Chẳng hạn như Oscar Wilde, văn thi sĩ lừng danh của xứ Ái Nhĩ Lan, đã tuyên bố: “Bạn phải luôn luôn sống trong tình yêu. Đó chính là lý do bạn chớ bao giờ nên kết hôn cả.” Còn đại văn hào George Bernard Shaw lại nói rằng: “Nếu hai kẻ đang yêu nhau mà lại nghĩ đến chuyện kết hôn thì không còn gì thiếu khôn ngoan hơn.”

Triết gia Herbert Spencer lại chơi chữ: “Hôn nhân là ‘marriage’, lẽ ra phải đọc là ‘mirage’ (ảo ảnh) mới chính xác.” Diễn viên hài lừng danh, Bill Cosby thời diễu cợt: “Vatican đúng là đã quên không thừa nhận một phép lạ: đó là việc hai người kết hôn sống đời ở kiếp với nhau.”

Mới đây có người hỏi cựu tổng thống George W. Bush bí quyết nào khiến cuộc hôn nhân của ông được lâu dài. Ông trả lời rằng: “Chúng tôi thường thoải mái đi tới nhà hàng hai lần một tuần. Có thắp đèn cầy, ăn tối, nhạc nhẹ và khiêu vũ. Bà ấy đi vào những ngày thứ Ba. Còn tôi đi vào những ngày thứ Sáu!” (We take time to go to a restaurant two times a week. A little candlelight, dinner, soft music and dancing. She goes Tuesdays, I go Fridays.)

Mới đây có tin ông Tổng Thống Putin của nước Nga cũng vừa ly dị vợ sau đúng… 30 năm thành hôn. Nhân đó, có người còn kể chuyện nằm mơ thấy người bạn thân qua đời hiện về khoe rằng: “Tớ được đưa ra trước tòa phán xét của Thượng Đế. Có tiếng loa: ‘Ai có vợ, và đã sống với vợ từ 30 năm trở lên, hãy đứng sang bên phải.’ Tớ theo tiếng loa, chạy vội đứng sang bên phải. Đông người lắm! Ai trông cũng thiểu não quá sức. Chừng mấy phút sau, bỗng lại nghe có tiếng vọng từ trên trời cao: ‘Các con yêu quý, lúc còn sống, các con có vợ và đã ở với vợ được trên 30 năm, như thế các con đã được toi luyện ở chốn địa ngục cả mấy trăm năm rồi, các con coi như đã gột được sạch mọi tội lỗi và đáng được lên Thiên Đàng ngay lập tức để hưởng nhan Thiên Chúa’. Tớ mừng quá xá!!!!”

—-oOo—-

Xưa kia người ta thường nói “kết tóc xe tơ” nghĩa là tóc kết chặt lại. Nghĩa bóng dùng để nói sự kết duyên. Đời Hớn trong đêm hiệp cầm, vợ chồng mới cưới kết tóc cho nhau, có ý nói sự thương yêu ràng buộc, xoắn xuýt lấy nhau không gỡ được.

Trong truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:

“Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa

Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày.”

Thường có những lời khuyên răn là phải thật thận trọng khi quyết định kết hôn nhưng trong thực tế đôi bên nam nữ hình như đôi khi cứ phớt lờ đi và cứ hùng hục lao vào con đường “yêu nhau đi chiều hôm tối rồi” hay nghe theo lời xúi, lời “giục giã” của cái ông thi sĩ Xuân Diệu để cùng nhau xây “lâu đài tình ái”:

“Mau với chứ, vội vàng lên với chứ!

Em, em ơi! Tình non sắp già rồi...”

Thế là mờ cả con mắt. Quen nhau. Mê nhau. Tán nhau. Yêu nhau. Lấy nhau. Để rồi cãi nhau. Chán nhau. Ghét nhau. Đôi khi đánh lộn nhau và màn chót là… bỏ nhau. Hồi nào còn cùng “ka ra ô kê” bài “Yêu ai yêu cả một đời…” ấy vậy mà bây giờ lại chuyển giọng diễn ngâm “tao đàn” bài: “Anh đi đường anh, tôi đường tôi. Tình nghĩa đôi ta có thế thôi!” Nghĩ thật là đáng buồn!

Trước khi nói đến chuyện đưa nhau ra tòa chia tay nhau cần phải nói thêm về chuyện “chung sống” (living together) như vợ chồng nhưng không hề làm hôn thú cái đã. Tại Hoa Kỳ, theo những báo cáo của sở thống kê thì vào năm 1990 có hơn 3 triệu “mái ấm gia đình” trong đó có một người nam độc thân và một người nữ độc thân sống chung với nhau. Vào cuối những năm 2000 thì con số này tăng lên gần 52 triệu households.

Hơn 12 ngàn phụ nữ trong tuổi từ 15 tới 44 được mời tham gia trong cuộc thống kê giữa các năm từ 2006 tới 2010. Kết quả 48% nói rằng họ sống với bạn trai nhưng không kết hôn. Trong năm 1995 con số này chỉ là 35%. Trong năm 2002 là 43%.

Về mặt pháp lý thì chuyện nam nữ tuy không lấy nhau nhưng vẫn chung sống một thời bị coi là vi phạm pháp luật. Nay lại được chấp nhận là hoàn toàn hợp pháp. Nếu cấm đoán việc này có thể bị coi như vi phạm vào “quyền tự do hội họp” (right to free association) quy định trong Tu Chính Án Thứ Nhất của Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Một vài tiểu bang ở Hoa Kỳ vẫn còn có luật cấm những người không cưới nhau mà có quan hệ tình dục. Đây là tội gian dâm, thông dâm (fornication) (consensual sexual intercourse between two persons not married to each other). Một vài tiểu bang khác lại cấm quan hệ tình dục giữa hai người cùng một giới tính. Nhưng trong thực tế các luật lệ này khó mà áp dụng được nếu các đương sự là những người đã trưởng thành, cùng đồng thuận và nhất là mọi chuyện chỉ xảy ra trong nơi kín đáo riêng tư, trong… “phòng the”.

Nhìn qua nước Pháp thì thấy đương kim Tổng thống của nước này là François Hollande khôn quá. (Vớ vẩn, cứ khen phò mã tốt áo mà làm chi!). Chàng không bao giờ chịu ký hôn thú gì hết trơn hết trụi! Chàng đã từng lần lượt hứa đưa mấy em về… “chân trời tím”. Sau khi “gom hết mây hai đứa xây lâu đài yêu” tại điện Elysée chàng lại chơi trò “có mới nới cũ”. Chàng cho về hưu sớm hai bà vợ không bao giờ cưới của mình nay đã về già là Ségolène Royal, 61 tuổi, rồi đến Valérie Trierweiler, 51 tuổi để tòm tem với một em sexy hơ hớ xuân thì là Julie Gayet, 41 tuổi, vợ cũ của một anh Parisien nào đó.

Không rõ các bà vợ (cũ) của Tổng thống Pháp muốn vào ở điện Elysée vì thương chàng Hollande hay chỉ muốn làm Đệ nhất Phu nhân với quyền lực tột đỉnh, với đời sống kiêu sa? Con người ta say mê quyền lực có khi còn mãnh liệt hơn tình yêu nữa. Kissinger từng đưa ra nhận xét: “Quyền lực là chất kích thích và quyến rũ đàn bà mãnh liệt hơn hết”.

Với thành tích tình cảm “sống chung hòa bình” không hôn thú này François Hollande quả thật là một tay playboy Phú Lãng Sa thứ thiệt. Mới đây vào đầu năm 2014 chuyện của chàng bị tờ báo lá cải Closer phanh phui ra tùm lum. Điện Elysée lên cơn rung chuyển. Nhân đó người ta nhớ lại là Vua François 1er từng để đời một câu nói có lẽ ảnh hưởng mạnh đến các vị Tổng thống và chánh khách Pháp sau này. Vua nói: “Cung điện mà không có đàn bà -tình nhơn hay cung phi- thì cũng giống như vườn trong hoàng cung mà không có bông hoa vậy”. Chàng Bill Clinton nước Hoa Kỳ chắc cũng học… tiếng Tây và thuộc nằm lòng “ranh” ngôn này!

—-oOo—-

Giải tán một cuộc hôn nhân bằng thủ tục ly dị là biện pháp mà người ta thường hay theo nhất thời nay. Khi yêu nhau thì “trái ấu cũng tròn”, “yêu cả đường đi lối về”… thậm trí nếu em yêu đêm nằm có ngáy to quá khiến chồng mất ngủ thì “chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà”… Khi “tình yêu vỗ cánh bay xa” thì quái lạ thật, nào đi đứng, nào nằm ngồi cái gì trông cũng thấy chướng tai gai mắt cả. Cho tới nay lý do thông thường nhất để xin ly dị là sự bất hòa. Vợ chồng không còn thấy thích hợp để tiếp tục chung sống cùng nhau nữa.

Cũng có thể gọi đây là trường hợp cô đơn. Một nỗi cô đơn “đồng sàng dị mộng”, tuy chung sống dưới cùng một mái nhà nhưng hai tâm hồn lại “gửi gió cho mây ngàn bay” theo hai hướng khác nhau. Tây họ gọi là “solitude à deux” (cô đơn tay đôi).

Câu chuyện vợ chồng ở nước Hoa Kỳ này bỏ nhau dễ dàng… “như thay áo” mới nghe tưởng như giễu chơi! Ai ngờ lại chẳng xa sự thực là mấy! Theo thống kê pháp lý vào những năm gần 2000 thì hầu như một nửa các cuộc hôn nhân trên đất Hoa Kỳ đều được chấm dứt bằng một màn ly dị. Con số này so với năm 1950 đã tăng gần gấp đôi. Chắc chắn con số thống kê mới cho những năm sau 2000 này sẽ phải gia tăng thêm nữa vì đó là… “chân lý” không bao giờ “nhúc nhích”!

Ngày nay tại các xã hội Tây phương, vụ vợ chồng già bỏ nhau sau ba, bốn chục năm sống chung trong hòa bình chen lẫn với chiến tranh lạnh đã trở nên khá quen thuộc. Đối với các cặp vợ chồng già Việt Nam thì không rõ lắm, nhưng có người nói rằng cảnh khá phổ biến là khi ông lên ở tầng trên thì bà xuống tầng dưới, ông chuồn vào trong phòng ngồi gõ computer thì bà né ra ngoài phòng khách ngồi xem Asia hay Thúy Nga Paris By Night hoặc phim bộ Đại Hàn, bà cất giọng oanh vàng cằn nhằn lải nhải thì ông làm thinh như đang tập trung… thiền định.

Tại Hoa Kỳ, luật pháp đặt trên căn bản cá nhân bình đẳng cho nên quan niệm về ly dị cũng có phần rộng rãi hơn xã hội cổ truyền Việt Nam. Theo tinh thần đó, bất cứ cặp vợ chồng nào khi sống với nhau không còn thấy hạnh phúc nữa thì có thể nhờ pháp luật cho “ly dị” (divorce). Ly dị cũng còn được gọi là “giải tán hôn nhân” (dissolution of marriage). Đây là bản án của tòa án tuyên phán một cuộc hôn nhân không còn tồn tại nữa.

Bọn trẻ chia tay nhau sau năm, bảy năm “đầu gối tay ấp” thì người ta gọi là “ly dị nóng” (hot divorce), còn quý vị cao niên hát bài ca giã từ nhau sau ba, bốn chục năm “quạt nồng ấp lạnh” thì đó là “ly dị nguội” (cold divorce). Bản án ly dị giúp cho cặp vợ chồng được phân chia tài sản, quyền giám hộ, quyền thăm viếng và trợ cấp con thơ… Sau khi ly dị cả hai người hôn phối được trả lại đời sống độc thân và tự do tái hôn làm lại cuộc đời mới tốt đẹp hơn.

Đúng như J. Paul Sarte ghi nhận: “Thường người ta nói mối tình đầu là mối tình đẹp nhất nhưng mối tình cuối cùng mới thực sự là mối tình bất diệt.” Rất tiếc sau khi ly dị mà tái hôn thì không rõ lần này có phải là lần cuối hay không đây? Vì cô nàng Zsa Zsa Gabor, nữ tài tử thượng thặng Mỹ nổi danh thì có tới 9 đời chồng. Nàng qua mặt nữ tài tử Liz Taylor vì nàng Taylor chỉ mới có 7 đời chồng mà thôi. Chính nàng Zsa Zsa Gabor đã từng nhận xét về giới mày râu như sau: “Một người đàn ông đang yêu sẽ vẫn còn là chưa hoàn hảo mãi cho tới khi đi lập gia đình. Nhưng ngay sau đó thì đời chàng coi như đi đứt luôn.”

Dù rằng ly dị rất lộn xộn về tình cảm, nhưng phần đông 95% các vụ ly dị không đưa ra tranh tụng trước tòa án. Thông thường hai vợ chồng thương lượng và thỏa thuận dàn xếp với nhau những vấn đề liên hệ, qua trợ giúp của luật sư. Báo chí quảng cáo là trong trường hợp ly dị đồng thuận, không tranh chấp chỉ cần chi ra vài ba trăm đô la là mọi việc xong ngay. Ðôi khi đôi bên đạt được thỏa thuận do dàn xếp của một chuyên gia hòa giải (professional mediator). Ðôi bên sau đó cùng trình bản thỏa hiệp do kết quả hòa giải hay điều đình cho vị chánh án. Tòa án sẽ tự động chấp thuận bản hợp đồng đó nếu đạt được tiêu chuẩn công bằng tối thiểu. Nếu đôi bên không đồng ý về một khoản nào đó thì họ có thể đưa nhau ra tòa để xin tòa án phân xử một hay tất cả các vấn đề trên.

Theo luật pháp Hoa Kỳ thì ly dị có hai hình thức khác nhau: “ly dị vì lỗi” (fault divorce) và “ly dị không lỗi” (no-fault divorce). Về mặt pháp lý thuần túy thì đa số các cuộc ly dị là do một bên vợ hay chồng phạm “lỗi”. Nguyên do ly dị vì lỗi thay đổi trong từng tiểu bang ở xứ Hoa Lỳ, nhưng nói chung là:

1) Bạo hành, ngược đãi (cruelty), tức là gây ra những sự đau đớn về thể xác hay về tinh thần cho người kia. Đây là nguyên cớ ly hôn được dùng nhiều nhất.

2) Ngoại tình (adultery) hoặc còn gọi là hành động chuyển nhượng tình cảm (alienation of affection) là hành động tình dục, sự liên hệ xác thịt giữa một người đang có vợ có chồng với một người khác, khác hơn là người “phối ngẫu” (spouse) tức là người chồng hay người vợ của chính mình. Ngoại tình có thể vừa là một tội phạm về mặt hình sự, vừa là một lý do để ly dị, tùy theo pháp luật từng tiểu bang.

Tội ngoại tình không phải chỉ dành riêng cho ông chồng. Bà vợ cũng có thể phạm tội chứ. “Nam nữ bình quyền” mà! Nếu tại quê nhà có lắm… “cỏ non” cho quý ông thì nghe nói cũng có lắm phi công trẻ hành nghề… “lái máy bay bà già” nữa đấy!

Nếu cả đôi bên vợ chồng đều phạm tội ngoại tình thì cái cảnh “ông ăn chả, bà ăn nem” này dễ bị tòa án bác đơn xin ly dị. Một điểm khác là khi có chuyện ngoại tình xảy ra nếu muốn ly dị thì phải ly dị ngay. Nếu nghe lời nỉ non đường mật mà bỏ qua và tiếp tục chung sống hoà bình thì coi như một sự “tha thứ ngoại tình” (condonation), sau này nếu đổi ý thì không còn có quyền để nêu vấn đề ngoại tình mà đòi ly dị nữa. Nhưng nếu người “phối ngẫu” sau khi được “tha thứ” lại ngựa quen đường cũ, giở thói trăng hoa, thói mèo chuột một lần thứ hai nữa thì đây là một sự kiện “mới” và lần “tái phạm” này vẫn có thể bị kiện ly dị vì ngoại tình.

3) Bỏ phế gia đình (desertion), bỏ nhà ra đi sống ở một nơi nào khác trong một thời gian, không ngó ngàng gì đến gia đình nữa.

4) Bị kết án và bị giam giữ trong lao tù (confinement in prison) thường là về một tội hình sự.

5) Không có khả năng về sinh lý (physical inability to engage in sexual intercourse) để có thể hoàn tất nghĩa vụ vợ chồng trong việc “chung chăn chung gối”, nếu điều này không được tiết lộ trước khi kết hôn… Đối với phái nam thì có người diễn nôm là chàng mắc bệnh “chưa đi đến chợ đã tiêu hết tiền”.

Không biết ngày trước Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ ở trong tình huống nào mà Cụ lại than rằng:

Tao ở nhà tao tao nhớ mi

Nhớ mi nên phải bước chân đi

Không đi mi bảo rằng không đến

Đến thì mi hỏi đến làm chi

Làm chi tao có làm chi đựơc

Làm được tao làm đã lắm khi…

Đàn ông có vợ ngoại tình được bà con lối xóm coi là bị “cắm sừng”, nhưng gần đây thì kể cả đàn bà cũng có thể được gọi là bị chồng “cắm sừng” nữa. Nhưng thôi xin tạm ngưng chuyện không vui. Mời quý độc giả nghe lời William Shakespear khuyên: “I always feel happy, you know why? Because I d’ont expect any thing from anyone.” (Tôi luôn luôn cảm thấy sung sướng. Bạn biết tại sao không? Vì tôi không trông mong chút gì vào bất cứ ai cả).

LS. Ngô Tằng Giao


--------------------
Mùa nào cũng buồn ...
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 20th April 2024 - 03:56 AM