Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Pleime Trong Ký Ức Tôi - Hoàng Thúy Nga
delta
post Apr 21 2008, 02:16 PM
Post #1


Chốn Xưa
***

Group: Members
Posts: 585
Joined: 7-April 08
Member No.: 7
Country



Pleime Trong Ký Ức Tôi



(Hoàng Thúy Nga)



Năm 1967, trường nữ trung học Plei me được xây xong, tọa lạc trơ trọi một mình trên một ngọn đồi trọc & thấp với 3 dãy lớp tạo thành hình chữ U, mặt chính diện có 4 phòng, cánh tả & cánh hữu mỗi bên 2 phòng. Mỗi phòng dành cho 1 lớp, mỗi lớp chỉ học 1 buổi, lúc ấy học sinh chỉ học buổi sáng, buổi chiều trường không có học sinh nên im ắng, vắng vẻ & cô quạnh đến nao lòng ( vì xung quanh không có nhà cửa, cư dân ở gần)

Vì nằm trên ngọn đồi đất đỏ, nên năm học đầu tiên, khi ra về tụi nữ sinh chúng tôi đi từ cổng chính ở trên cao xuống dốc đồi, lúc ấy ai đứng dưới đồi nhìn lên chỉ thấy những chấm trắng di động từ trên tỏa xuống gợi một cảm giác lạ mắt & vô cùng sinh động, trong trí tưởng tượng của tôi, một con bé học đệ thất, đoàn nữ sinh áo dài trắng ấy như 1 đàn kiến trắng đang chậm rãi bò trên mặt 1 ổ bánh bông lan được phết lớp chocolate đậm màu. Về sau, trường mở thêm cổng phụ ở bên hông, cổng chính chỉ dùng để đón tiếp quan khách trong các buổi lễ, chúng tôi ra về không phải leo đồi nữa, đường về nhà ngắn được 1 đoạn nhưng lòng tôi luôn cảm thấy tiếc nuối cái hình ảnh dễ thương đó của những năm tháng đầu tiên học ở Pm.

Tướng Vĩnh Lộc là người đặt viên đá đầu tiên cho việc xây dựng trường & cũng là người tài trợ chính cho trường thời gian ông còn làm tư lệnh quân đoàn II, cũng nhờ ông mà trường chúng tôi hay được tiếp đón nhiều vị khách rất nổi tiếng. Niên khóa 1967-1968 là niên khóa đầu tiên trường thu nhận học sinh .

Lúc ấy, trường chỉ có 8 lớp học/ 8 phòng : 2 đệ thất, 2 đệ lục, 2 đệ ngũ, 2 đệ tứ; mỗi đệ có 1 lớp Anh & 1 lớp Pháp; đệ thất 1 là lớp Anh, đệ thất 2 là lớp Pháp, cứ thế mà tiến lên, nếu lên lớp cao hơn sẽ được trường cho đi “du học” ở trung học Plei ku, nói nôm na là đi học nhờ trường nam. Về sau, cứ mỗi năm trường lại mở thêm 2 lớp: 1 lớp ban A – 1 lớp ban B (dù sinh ngữ chính là Anh hay Pháp cũng đều học chung 1 lớp nếu cùng ban, chỉ đến giờ sinh ngữ mới tách ra học riêng), dĩ nhiên là bắt đầu mở từ đệ tam, sau đó đến đệ nhị rồi đệ nhất nên nữ sinh Pm không phải đi học ké nữa, tuy vậy đối với lớp 12 B thì lại không thể mở 1 lớp được vì quân số quá ít, cụ thể như niên khóa 1973-1974, chỉ còn có 8 đứa chúng tôi theo lên học 12B nên trường vẫn phải đành lòng gửi gấm tụi tôi đi “ăn nhờ ở đậu” tại trung học Pk, rất tủi thân!!

Chúng tôi, lứa học sinh đầu tiên vào trường từ ngày đầu tiên trường hoạt động & cũng từ lớp đầu tiên - lớp bé nhất (đệ thất), đa số tóc còn buộc đuôi ngựa, 1 số buộc 2 đuôi, có đứa thắt bím, tất cả đều ngây ngô – sung sướng vì mới được vào trung học, mới được mặc áo dài lần đầu tiên. Giờ ra chơi, tụi tôi buộc túm 2 tà áo dài lại để chơi nhảy dây cho thoải mái, có đứa không chơi gì, rủ nhau đi bách bộ trong sân đất, vừa đi vừa học bài, bị những đứa thích đùa len lén đi sau lưng & len lén cầm 2 tà áo dài sau của 2 đứa đi cùng buộc vào nhau, các nạn nhân không hề biết gì, chỉ mãi đến khi đi xa ra 2 bên thấy vướng, quay lại nhìn mới phát hiện ra áo dài mình bị buộc để rồi lúc ấy.., tất cả nạn nhân cũng như kẻ thủ ác đều cười giòn giã, thích thú, trông như những con nai con sóc, mà thật sự 1 bạn trong lớp đệ thất 1 có nickname ở nhà là Nai đấy nhé!

Kỷ niệm trong thời gian học ở Pm thì thật nhiều, thật vụn vặt, nhiều đến nỗi có lần 1 bạn ở Mỹ về Sg rủ họp mặt, tụi tôi tranh nhau kể & tranh nhau cười, đến nỗi các món ăn trên bàn hầu như còn nguyên mà đã đến lúc phải ra về, mà chúng tôi nào có còn trẻ trung gì đâu cơ chứ, đa số đã là bà nội, bà ngoại hết cả rồi đấy!

Năm đệ thất:

• Cô giáo dạy môn quốc văn người miền Nam, đọc chính tả bài gì tôi không còn nhớ rõ, chỉ nhớ nhất là khi chấm điểm xong, phát lại vở, cô đã vừa khẻ tay nhỏ bạn kế bên & đay đi đay lại rằng “Đọc là An Dương Dương mà viết là An Dương Dương” !!! lúc ấy thật tội cho nhỏ bạn tên NTNT, cứ thế mà giơ tay ra hứng chịu những cây thước kẻ của cô, còn tôi thì cúi gầm mặt xuống bàn để cố dấu bộ mặt muốn cười của mình, cô thật là phát-xít!.

• Có lần 1 cô khác gọi bạn PDM lên trả bài, bạn ấy để tóc xõa dài ngang lưng trông rất yểu điệu thục nữ, thế nhưng cô mắng bạn xối xả “Buộc cái tóc lên, muốn làm điệu thì đợi đến đệ nhị - đệ nhất rồi hãy xõa tóc, cứ giờ tôi thì tất cả phải lấy sợi chun buộc tóc lại.”!!! cô cũng thật là phát-xít!

• TA ngồi đằng sau hay bị cái đuôi ngựa dài của tôi quét rơi xuống đất nào bút, thước, gôm, khiến TA cứ phải nhặt lên lau lau chùi chùi vì TA rất chi là sạch sẽ. Lúc đầu TA còn lịch sự chỉ âm thầm nhặt lên lau chùi thôi, nhưng thật khổ cho TA khi bị ngồi sau tôi, cái đầu tôi nó cứ lúc thì quay sang phải nói với NT, lúc thì quay sang trái hỏi vóng sang TH ở đầu bàn bên kia, nên mọi vật dụng của TA cứ thế rơi liên tục, có khi vừa nhặt xong đã lại phải cúi xuống nhặt nữa ngay, mà nào có phải chỉ nhặt suông đâu, còn phải lau lau chùi chùi nữa cơ, thế nên bực quá TA mới giật giật đuôi tóc tôi mà nói “N này, kì ghê nghe” thế là tôi âm thầm sửa mình bằng cách không ngồi dựa lưng vào bàn sau nữa để khỏi làm phiền TA nhưng cũng không khỏi hơi giận TA chút xíu.

• Liên trường Pk – Pm tổ chức văn nghệ mừng tết Mậu Thân, cô Thủy (dạy Anh văn & là giáo sư hướng dẫn) chọn 12 đứa múa bài Danube bleu, 12 đứa được cô ưu tiên cho đi tập văn nghệ trong khi các bạn khác vẫn phải học, y phục múa thì áo trắng tự túc kiểu gì cũng được, trường chỉ may cho mỗi đứa 1 cái váy 2 tầng bằng vải mùng màu thiên thanh, loại rẻ tiền nhất, thế mà tụi tôi quý nó & hãnh diện lắm khi được mặc vào múa thử, hôm diễn chính thức bạn AL kể rằng trước đó đã khóc hết nước mắt vì bị 2 ông anh Tuấn & Dũng làm đổ chai mật ong vào váy. Đêm ấy tụi tôi núp sau cánh gà xem các tiết mục được diễn trước mình, khi xem vở kịch Sơn Tinh – Thủy Tinh của mấy anh chị lớp lớn bên trường trung học Pk tôi đã phục các anh chị sát đất, lúc ấy chị Yến, chị của Nai đóng vai công chúa Mỵ Nương rất đẹp; còn tiết mục của tụi út ít chúng tôi bị bắt nạt, cho xuất hiện hơi về cuối ( cũng đúng thôi, vì đây là sân nhà của dân trung học Pk mà & tiết mục của các anh chị lớn dĩ nhiên là phải hay hơn chúng tôi rồi!), mà lúc ấy thì đêm đã khuya, cô Thủy lo cho tụi tôi còn bé đi về sợ không an toàn nên đấu tranh đòi cho trình diễn sớm hơn nhưng không được, thế là cô tức quá dắt tụi tôi ra về luôn, cả cô lẫn trò đều nước mắt dầm dề như mưa Pk vì không được múa Valse! Cô Thủy thật là người thầy yêu văn nghệ & yêu lũ học trò bé bỏng chúng tôi (ghi theo lời kể của AL)

• Sau khi đắc cử, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu & Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đi công du Plei ku có ghé thăm trường, lúc ấy Tổng thống Thiệu hỏi thăm nhỏ bạn đang đứng xếp hàng (chào đón quan khách) điều gì đó, bạn ấy trả lời “Thưa thầy,…..”, nhỏ LTN kể rằng đã quá sức ngạc nhiên khi thấy bạn này lại có thể không biết rằng đó là Tổng thống mà lại “Thưa thầy”!, & nhỏ LTN đã phải kéo áo bạn ấy nhắc “Tổng thống đấy!” để bạn ấy có trả lời nữa thì biết đường mà “Thưa Tổng thống” chứ đừng “Thưa thầy” (ghi theo lời kể của LTN)

Năm đệ lục:

• Một hôm sáng sớm vào lớp, tất cả được đọc 1 bức thư tình sao y bản chính trên bảng mà 2 nhân vật chính đã được đổi cho cái nickname là Trâu & Bò để tăng phần tuyệt mật cho 1 bức thư tình đã được bật mí.

• Có lần trống trường vừa điểm giờ ra chơi, nhỏ VTH đứng dậy đi ra đến cửa lớp, vừa đi vừa nói “Tôi phải thoát ly cái lớp này mới được!”, tôi cũng vừa đọc xong quyển tiểu thuyết mang tựa Thoát ly của Khái Hưng nên hùa vào ngay “Ừ, tụi mình cùng thoát ly đi”, cô Kim Chi dạy toán lúc ấy vừa trờ đến bên cửa lớp nghe đầy đủ ngọn ngành, cô tủm tỉm cười hỏi “Nào thế bây giờ các cô định thoát ly đi đâu?”, cô cũng biết tỏng tòng tong tụi tôi vừa nghiền ngẫm xong cái tác phẩm này & câu nói ấy ở cửa miệng những đứa con gái mặt búng ra sữa mới buồn cười làm sao.

• Cô Ngọc Dung bị đứt ngón tay phải, bàn tay băng bó trắng xóa mà vẫn vào lớp giảng bài thật kỹ, không viết được bằng tay phải, cô cố gắng cầm phấn viết nguệch ngoạc bằng tay trái để lời giảng của mình được dễ hiểu hơn. Với sự giảng dạy tận tâm của mình cô là người đã đi vào trái tim của tất cả những ai đã được học với cô ở Pm. Về sau, khi cô đổi đi Sg, tụi tôi cứ tiếc mãi vì không còn được học với cô nữa.

Năm đệ ngũ:

• Vào giờ ra chơi, nhỏ VTH đứng dựa cột khóc thút thít, gạn hỏi mãi, nhỏ vừa nức nở hơn vừa nói rõ lý do khóc “Tụi nó gọi tao là De Gaulle!” vì nhỏ có cái mũi rất cao, tôi phải an ủi rằng “Mũi De Gaulle thì đẹp chứ sao, việc gì mà phải khóc”.

• Đang học độ nửa năm đệ ngũ thì lúc bấy giờ có cuộc cách mạng đổi tên lớp bằng số chứ không đệ này đệ kia nữa & đệ ngũ trở thành lớp 8.

• Thầy Vưu mỗi lần vào dạy đều chê lớp tôi “Mặt người nào người nấy như cái đống mền rách”, làm tụi tôi rất tức & đứa nào đứa ấy cứ xị mặt ra đình công không thèm trả lời những câu hỏi trong giờ dạy của thầy, còn thầy thì cứ cười mím chi. Sau này thầy mới bảo rằng “Làm như vậy để các em nhớ đến thầy khi không còn học với thầy nữa”!

• Thầy Hòa đổi về Pm, dạy giảng văn thật hay, đến những đoạn cao trào mà thầy tâm đắc thì thầy vừa đọc thơ vừa dậm chân thình thịch, nhờ thầy Hòa mà tụi tôi biết viết nguệch ngoạc vài bài thơ chữ Nho như Lương Châu Từ của Vương Hàn & Khuê Oán của Vương Xương Linh.

• Thầy Mẹo về Pm cùng đợt với thầy Hòa, mỗi khi giảng bài xong, thầy thường chiêu đãi bọn tôi những bài thơ, bài văn hay mà thầy sưu tầm được của Nguyên Sa, Đinh Hùng, lòng yêu thích thơ & tự đi sưu tầm thơ của tôi bắt đầu có từ đây, xin cảm ơn thầy Hòa & thầy Mẹo đã vun xới cho lứa chúng tôi tấm lòng yêu thích văn chương thi phú, thay mặt lớp đệ ngũ 1 năm ấy kính xin thầy Mẹo tha lỗi cho bọn chúng em về 1 việc đùa có phần hỗn với thầy, có lẽ thầy còn nhớ việc này vì đó là năm đầu tiên thầy mới ra trường mà!

Năm lớp 9 :

• KV hay làm những chiếc nhẫn bằng dây điện đủ màu đem vào lớp tặng hết bạn này đến bạn nọ.

• Cô Lựu với vóc dáng thanh thanh, giọng nói êm như nhung & vẽ hình bài vạn vật trên bảng thật đẹp, giờ của cô tụi tôi chỉ mong bài hôm ấy chóng xong để vòi cô hát cho nghe 1 bài, cô mà hát thì đến cả chim muông cây cỏ xung quanh trường Pm cũng phải nghiêng đầu lắng nghe cơ đấy.

Năm lớp 10 :

• AL hay hát cho cả lớp nghe những bài hát tiếng Pháp như Tous les garcons et les filles, Le temps de l’ amour của Francoise Hardy, giọng AL thật hay, nghe hết bài rồi mà cứ muốn nghe lại lần nữa, lần nữa.

Năm 11 B :

• Thầy Chảng dạy lý hóa hay bị tụi tôi vòi tiền mua yaourt & đòi nghỉ sớm.

• Lớp bấy giờ chỉ có 16 đứa thế mà bạn NVTM đang ở trong xưởng cưa của nhà mình thì bị xe tông chết, tụi tôi buồn lắm, lúc bấy giờ mấy bạn ngồi gần M mới cho biết 1 chi tiết về M, đó là bạn ấy chả bao giờ học bài ở nhà trước cả mà chỉ lo đọc truyện thôi, khi vào lớp lúc thầy cô dò bài bạn ấy mới ngồi học & sẽ thuộc ngay, cho nên nếu bị gọi trả bài đầu tiên thì bạn ấy sẽ không bao giờ thuộc.

• Sau khi M chết có hôm vào lớp TĐ nói nhìn thấy M ngồi ở chỗ cũ, TĐ hét lên gọi M, làm cả lớp từ đấy sợ ma, ra chơi là ra hết sạch mà khi vào lớp thì đợi nhau cùng vào một lúc.(ghi theo lời kể của TĐ)

Kỷ niệm thì nhiều & vụn vặt quá, có thể làm mất thì giờ của những ai đọc nó nhưng tôi không thể không viết ra đây vì nói đến Pm là tôi lại nhớ đến những chi tiết ấy.

Khi tôi về thăm lại Pm lúc trường chưa xây thêm lớp & chưa sửa sang lại, tôi không khỏi chạnh lòng khi thấy những dãy lớp thấp lè tè & ít ỏi vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, trong đầu tôi hình ảnh nguyên 1 lớp đệ thất 1 hiển hiện rõ ràng như mới hôm qua, này nhé bàn đầu là Thúy Nga, Ngọc Tới, Lê Thị Lang, Kim Phượng; bàn thứ 2 là Tân An, Phùng Thị Hoa,…, các bàn sau là Dung Mỹ, …, Lệ Thu, Kim Liên, Xuân Hằng, Ngọc Lan, Bích Loan dãy bên kia là Thu Hà, Kim Vân, Văn Thị Hưng,Ái Loan, Ngọc Ái, Lê Thị Như, Diệu Thảo, Nguyễn Thị Loan, Dương Thị Liên, Ngọc Hải.…, đầu bàn 3 là Thu Đào rồi Tuyết Mai, Hồng Phước, Kim Trung có đôi mắt thật sáng hay vẽ hình hoàng tử công chúa rất đẹp sau đó là Đào Thị Kim Anh, Nguyễn Thị Lộc, Kim Sen, Nguyễn Thị Đoàn, Kim Chung cao lêu đêu ngồi bàn chót,… ,…,…,…

Những khoảng trống xung quanh trường nay đã lấp đầy bằng nhà cửa đông vui, từ ngoài đường cái nhìn vào, không còn thấy ngôi trường đứng cô độc như trước nữa, cũng phải thôi, đã mấy chục năm dâu bể rồi mà. Lòng tôi chợt vang lên giai điệu 1 bài hát mà tôi nghe nói rằng của 1 anh học trò trường Bưởi cảm khái sáng tác khi anh về thăm lại trường cũ, lời bài hát tôi còn nhớ lõm bõm như sau:



“Bao tháng ngày xa vắng trôi còn đâu nếp trường xưa,
Xa vắng càng thiết tha mong bên mấy khung song thưa.
Say ngắm từng gian lớp xinh lòng xao xuyến tình thơ
Ôi tình thơ ngây những lúc vui chơi,
Cùng ngồi quanh bóng mát cùng reo cười.
Cây bàng xưa kia lá tốt xanh tươi,
Chạnh lòng ai nhớ tiếc khó nguôi ….”



Tôi không nhớ chính xác bài hát lắm, nhưng cảm thấy nó hợp với tâm trạng mình vô cùng.

Các bạn Pm ơi, tôi nhớ đến đâu kể lại đến đấy, tranh thủ chút thì giờ cố gắng viết ra đây để mong cùng góp lại những đốm lửa còn nhen nhóm trong lòng lứa học sinh Pm đầu tiên của chúng ta. Giữa bộn bề những công việc đời thường chỉ có vài dòng tâm tình gửi cho Pm & các bạn của tôi.


2008 - Hoàng Thúy Nga


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 23rd June 2024 - 08:42 PM