Welcome Guest ( Log In | Register )

3 Pages V  < 1 2 3 >  
Reply to this topicStart new topic
> TRUNG/TIỂU HỌC MINH ĐỨC Văn và Thơ, Phụ Trang GĐMĐ/LTPN Pleiku (Nội San #4- 5/31/08)
Bryce
post May 19 2008, 01:03 AM
Post #13


Thân Hữu
***

Group: Members
Posts: 291
Joined: 16-April 08
From: California
Member No.: 26
Country



Ôi Pleiku


Tặng Hà ( ngày xưa ở cư xá SQTĐ20CBCĐ)



Mưa còn có bay trên núi đồi xanh đó
Xuân có còn hồng như lời nói hôm nao
Pleiku ơi, nỗi nhớ vẫn còn cao
Từng dãy phố thân quen ngày xưa ấy
Trường Minh Đức con đường xa biết mấy
Những nấc thang cao, học lẫn với đợi chờ
Cao quá sương về che lấp cả niềm mơ
Lần bỏ lớp học đi tìm tin trong ấy
Phố nhỏ xôn xao vui chiều thứ bảy
Giờ có còn không và người có đợi chờ
Một ngày trở về mà cứ ngỡ là mơ
Được sống lại những ngày thơ thuả đó
Đường Quang Trung Phượng vẫn còn rơi đỏ
Xe Jeep còn qua những buổi tan trường
Guốc ngập ngừng pha lẫn với nhớ thương
Xin trả lại Pleiku và quá khứ
Ngừơi ở, người đi, đổi thay và mọi sự
Nhưng trong lòng vẫn hoài niệm Pleiku
Nhưng trong lòng vẫn yêu mãi thiên thu…

Nguyễn Thị Phượng 11C-NK: 1970-1971


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Bryce
post May 19 2008, 01:08 AM
Post #14


Thân Hữu
***

Group: Members
Posts: 291
Joined: 16-April 08
From: California
Member No.: 26
Country



Pleiku dấu yêu



Lâu lắm rồi mới thấy một hoàng hôn đẹp như thế. Vẫn mây trời trong. Vẫn sắc chiều vàng. Và lòng tôi thì mênh mông thương nhớ. Tôi nó với chị Phượng điều này khi hai chị em đang trên đường đi từ Houston tới Dallas. Tôi nhìn những hàng cây bên đường và nhớ tới Pleiku. nỗi nhớ cứ dềnh lên làm tôi muốn ngộp . Cái nơi chốn tôi đã rời bỏ và chưa một lần quay lại. nhưng khi nhìn bức hình ngôi trường Minh đức do chị Phượng đưa xem tôi muốn khóc. Vẫn màu vôi vàng, vẫn 3 dãy tầng lầu im , vẫn cánh cổng sắt đóng. Tất cả chỉ là một bức hình nhưng nó dắt về trong trí nhớ tôi một thủa hồng mơ, mộng biếc, với mắt trong, với môi cười thời mới lớn. Thế đó đã 30 năm xa. Thoáng chốc đã 30 năm già.
Tôi về đây ngồi trong căn phòng nhỏ nhưng ấm cúng của vợ chồng Thầy Doanh và chị Lân với một lòng vui và mọt trời kỷ niệm đang theo nhau lớp lớp xô về.
Ôi ! Đức Cha Oanh ! Ngài Hiệu Trưởng nghiêm nghị thủa nào với áo chùng đen, gọng kính trắng và cây roi ve vẫy trên tay, đứng chờ mỗi ngày bên khung cửa hẹp những đứa học trò ham chơi đi học trễ. Tôi ôm Cha thật chặt. Hôn hai má Cha. Chao ôi, bao năm qua Cha vẫn thế. Chỉ cho con biết với, sao tình Cha bao la thương hết mọi người, Cha vẫn trẻ. Còn riêng con chỉ chút tình bé mọn mà lao đao, vất vả đến giờ. Đây là vợ chồng thầy Cát, đây là vợ chồng thầy Hiếu Anh, Vợ chồng cô Bích, Thầy Sinh.
Đây là chị Tình, chị Ngọc, chị Mai, Liên Hương…anh Toán, Nam, Bá Thanh, Chị Bình. Nhiều người nữa tôi không nhớ tên do lớp lớn hơn hay nhỏ. Tất cả đều cười nói ồn ào vay quanh Đức Cha Oanh là người ít nói nhất
Thầy Doanh khóc khi nói đến Thầy Dự gởi thiệp về mùng ngày họp mặt Minh đức từ Canada. Tôi thương thầy quá. Làm như những người sống quá nhiều bằng tình cảm đều khó có thể ngược xuôi, bươn chải. Gánh nặng trên đôi vai quá nặng và những ngọn gai đời cào chân sướt gót tôi nhớ có làm mấy câu thơ

Bố mẹ ủ con trong trăm chiều thương mến
Nên lớn khôn con vẫn vụng về,
Nên vẫn thèm có người dỗ khóc
Nên vẫn thường giận dỗi bâng quơ
Đời không đủ trăm tay nâng dậy
Những lần sai, chân sướt, lệ đầm
Lời người nói không hẵn lời mật ngọt
Nên nếm vào lòng xót xa đau !


Liên Hương hát với thầy Hiếu Anh đệm guitar. Bài hát về những tháng hè xa thầy nhớ bạn. Tiếng hát của Liên Hương làm mắt tôi mờ đi. Ôi ! người xưa biết đâu mà tìm !. Người xưa, Tình xưa. Và cả tôi cái thời xưa đó cũng xa rồi. Có lẽ sau Cha Oanh, Liên Hương là người ít thay đổi nhất. Nhớ nhé, một dịp nào. Chúng mình sẽ gặp nhau, có cả Ngọc Ánh nữa để đàn hát, để ngâm thơ, để đi hát KaraOke một đêm, rồi nhớ một đời.
Tôi cười với Thanh, chảy cả nước mắt, khi nghe ông anh rể của Thanh nói về cái hên được làm rể của Minh đức. Thanh với dáng gầy và râu ria hôm nay. Thanh với giọng Huế ngày xưa đón đưa tôi hai buổi tan trường . Thanh ơi, 30 năm qua chúng mình thay đổi biết bao. Giờ đây ngồi gần nhau, nhìn nhau cười cho kỷ niệm đẹp ngời và cho trong trí nhớ chúng mình mãi hoài là 20 tuổi.
Liên Hương nhờ Thanh dẫn ra xa lộ về lại Houston vì sợ lạc đường. Lúc vẫy tay chào nhau qua khung cửa xe tôi nhớ tới hai câu thơ

Huy thư tự tư khứ
Tiêu tiêu ban mã minh


Sao cuộc đời cứ phải chia xa ? Sao hôm qua, hôm nay lại có nhiều buồn vui đến thế ?
Tôi thương cô Bích quá khi nghe cô nói “ Cô muốn hát”. Dáng cô ngồi, giọng cô hát vẫn ngọt ngào, đằm thắm như cô Bích dạy toán của tôi năm lớp sáu thủa nào. Anh Quỳnh bảo “ Cô ơi, chừng nào cô sẽ ra CD đây “, riêng tôi, lúc nào cô cũng là cô giáo có giọng nói du dương như một tiếng đàn
Vui nhất là bài thơ không dấu của thầy Cát do chị Lân viết trên bảng cho mọi người cùng hoạ vận. Chị Lân ơi ! Chị đã cho mọi người một “Big Surprise” đó nhé. Bây giờ thì em hiểu thầy Doanh có tới 7 cái hên lận. đó là được làm đức lang quân của một MC vô cùng duyên dáng. Bài thơ của thầy Cát :

Minh Đức, Minh Đức biết mấy dấu yêu
Những tầng lầu lộng gió, xanh mây chiều
Phượng thông soi bóng đường Lê Lợi
Áo trắng , nơ xanh lung linh dáng kiều.


Đã được chị Tiên Sa hoạ lại tuyệt vời.

Minh Đức muôn đời vẫn dấu yêu
Thầy xưa bạn cũ nhớ thương nhiều
Bao năm gặp lại tình xưa đậm
Xiết chặt vòng tay một chữ yêu.


Ngoài ra cũng còn hai câu thơ của cô Bích nói về Cha Oanh, đọc lên ai cũng ôm bụng cười

Xa xa bóng dáng người cầm gậy
“ Mau chạy bây ơi ” kẻo bị đòn !


Khi tôi về lại Houston trời thay áo sẫm. Lại một hoàng hôn nữa lại theo cùng. Khác chăng hoàng hôn của lúc đi về không có sắc mây trong, chỉ có một sắc đỏ buồn trong hai con mắt nhỏ.

Phạm Thu Hương, 2006
Cựu H/S Minh Đức, Lớp 11A, NK 1970-1971


This post has been edited by Bryce: May 20 2008, 03:26 PM


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Bryce
post May 19 2008, 01:14 AM
Post #15


Thân Hữu
***

Group: Members
Posts: 291
Joined: 16-April 08
From: California
Member No.: 26
Country




HOÀI NIỆM



Tiếng chim hót ngoài song gợi nhớ
Một thuở nào ngỡ đã xa xôi
Tôi về đây ngập trong kỷ niệm
Đời cuồng xô lạc mất nhau rồi


Tôi làm mấy câu thơ này vào 1 buổi sáng của một tháng về thăm nhà vội vã. Sáng nào mùi hoa ngâu ngọt ngào, mùi hoa ngọc lan ngây ngất và líu lo bầy chim yến ngoài song cửa cũng thức tôi dậy từ sáng sớm. Tôi thích nằm thật lâu trên giường để cảm nhận cái hạnh phúc thật gần như có thể nắm được trong tay là mình đang ở nhà với bố mẹ như thuở xưa còn bé - thuở mắt chưa cay, môi chưa mặn với những âu lo, toan tính của cuộc đời.

Tôi không nhớ ngày xưa – lúc mình 18 tuổi, thì cái tâm trạng thiếu nữ buồn vui bất chợt với cảm nghĩ tình yêu mỏng như cánh chuồn chuồn đã rung động lòng tôi thơ trẻ như thế nào, còn bây giờ, lúc này sao tôi buồn thế.

Tôi về, và rất ít khi đi lại trên những con đường cũ, không phải vì phương tiện thiếu, mà đúng hơn do lòng tôi đã khác xưa nhiều. tôi không thể nào tìm ra được mình của mười, hai mươi năm trước với cùng một ý nghĩ, một niềm vui, nỗi buồn nữa. Chính điều này mới làm cho tôi buồn quá. Thời gian ở tuổi hai mươi là một khám phá với tất cả sự say mê, lòng rung động, mỗi nhiệt thành. Còn ở tuổi tôi bây giờ - giống như một hoài niệm - nửa muốn vùi quên bước tới, nửa ngần ngại tiếc nhớ sau lưng. kỷ niệm là một viên ngọc quý rực rỡ sắc màu, mà thời gian như lớp dầu đánh bóng bên ngoài. Tôi có thói quen không nhớ kỹ tháng ngày, nên kỷ niệm cứ như một mớ chỉ rối mù – trong đó mọi nơi chốn, từng khuôn mặt, luôn ẩn hiện với nguyên vẹn sự xúc động của một thời yêu dấu đã qua
Tôi rủ Ti ăn gỏi đu đủ ở đường Đinh Tiên Hoàng, Tí ù dắt xe vào lề đường, còn tôi lững thững theo sau, người bán hàng đưa cho hai chị em hai miếng nilon dày hình vuông trải trên vỉa đường thay cho những cái ghế gỗ thuở xưa. Tôi gọi một đĩa đu đủ cho ít tương ớt, còn Tí thì vừa ăn, vừa xuýt xoa vì cay. Ti gọi thêm đĩa thứ hai, kêu
- Chị đừng ăn nữa khéo đau bụng

Tôi ừ, ừ và buồn buồn nhớ lại những chiều tan học ở Sở Y Tế ra, cả bọn tôi hay dắt xe đạp đi dài theo con đường này. mới đó đã mấy chục năm qua. Trên con đường này tôi hay đi cùng Nghiệp, và ưa nhìn vào mỗi cánh cổng nhà, đếm xem có bao nhiêu nhà trồng hoa leo trên mái cổng. Tôi nhớ những chùm hoa tím, rủ dài xuống như những con pháo chuột, toả mùi thơm hắc, tôi có lần nhặt chúng trên tay, vò nát. Bây giờ, tôi không tìm ra được một chút thân quen nào còn sót lại. Tên con đường không thay, những xe gỏi không đổi, chỉ có những cảm xúc không nói nên được tên trong lòng tôi là đổi thay thôi. Điều đó có gì khó hiểu. thuở xưa tôi hồn nhiên quá, và dưới mắt nhìn của tôi, mọi vật đều hiện ra dưới một bóng mờ, không rõ nét. Còn bây giờ, dù muốn hay không, những cảnh sắc của cuộc đời cứ phơi bày ra dưới một gốc độ nào tinh quái nhất. Không hiểu có phải do mình đang già dần đi, hay suy nghĩ đã trượt sang hướng khác, chỉ biết một điều, có nguyên một lòng trống trãi và cảm giác buồn sắc như dao trong tôi khi nhìn những đỏi thay đến từ bên ngoài và ngay chính nơi mình.

Buổi tối ngồi ăn ở sân quán Thanh niên. Nguyên đòi vào bên trong cho mát, nhưng tôi kêu thích ở ngoài trời hơn. Lần đầu tiên tôi tới nơi này. Lần đầu tiên tôi ngồi đối diện với người mà thuở xưa đã có thời là một kỷ niệm êm đềm - dưới mái của những tàng lá tre dài từ trên cao rủ xuống. Trên đầu tôi, những đám mây không còn rực rỡ ánh vàng như lúc mới vào – màu xám hồng của buổi chiều tàn nom ngậm ngùi như câu nói lúc chia tay. Trước mắt tôi là ba dãy bàn dài – có một đại gia đình đang ăn uống, nói cười. Xê bên trái - một cặp tình nhân – trên bàn, trước mặt cô gái có một quyển sách nhỏ ( tôi đoán là tự điển ) vì thỉnh thoảng sau một lúc thì thầm, cô gái lại lật cuốn sách ra và lại cười cười, to nhỏ tiếp với người đàn ông ngoại kiều bên cạnh.

Tôi nhìn những lát thịt heo luộc thái thật mỏng xếp quanh trong lòng chiếc đĩa hoa viền đỏ nổi mờ những cánh hồng màu như bạc, khác hẵn hôm đi ăn bánh tráng Trảng Bàng với bố mẹ - một đĩa thịt heo, cắt miếng dày, xếp như bỏ đống - mới nhìn đã ớn chẳng muốn ăn. Nguyên bảo : - Thu biết không , cái bánh tráng này, người ta phơi sương cho ẩm chứ không nhúng nước, nên khi cầm lên nó không bị dính vào nhau. Tôi cười sao cầu kỳ quá. Tôi nhìn đĩa rau thơm, nom thật đẹp mắt với những loại rau tôi chưa thấy bao giờ. Lúc Nguyên toan quấn cho tôi một cuốn, tôi lấy lại cái chén cười cười : - Để Thu làm, đây là món ruột của mình.
Bửa ăn bắt đầu như thế. Một nhẹ nhõm thảnh thơi. Một êm đềm trong kỷ niệm. Thỉnh thoảng trên vai, trên tóc tôi có tiếng khẻ chạm của chiếc lá tre vàng rơi theo cơn gió nhẹ. Dưng không, tôi nhớ chiếc lá buổi tối nào Hoàng Trần đi với Tô Bình Lư lại quán đưa cho tôi với miệng cười với câu hát – Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em. Hoàng Trần bây giờ nghe nói văn nghệ sĩ như xưa. Còn Tô Bình Lư thì đã mù tăm ở nơi nào trong cái xứ Canada nghìn trùng biển rộng.
Tôi ăn món cá chiên ròn, nhắm tô canh chua có vài lát ớt đỏ nổi lên mặt như hoa rắc, vừa nghe Nguyên kể về tên gọi của những bạn bè xưa, của những nơi chốn cũ. Tôi hỏi Nguyên về ngôi trường Minh Đức cũ, mà trong trí nhớ của tôi chỉ thấp thoáng hiện ra với sắc vôi vàng. Tôi không hiểu mình sẽ có cảm giác buồn hay mất mát khi về thăm lại trường cũ, ngồi lại chính cái bàn, cái lớp học thủa xưa. Pleiku. Tên gọi một tỉnh lị nhỏ xíu trên bản đồ, mà khu phố chính nói như nhà thơ Vũ Hữu Định “ Đi dăm phút đã về chốn cũ ” thế mà Pleiku đối với tôi lại là tất cả của mộng mơ, của hy vọng, của hạnh phúc, của những tháng năm vàng thiếu nữ. Chao ôi, sao mà nhớ những sớm chiều sương nhẹ, những trưa nắng say, ngày tôi và Minh hay đi bộ về trên con đường Trịnh minh Thế có những hàng cây cao xanh lá. Sao mà nhớ những tối ngồi trong gian quán nhỏ, mà mắt cay vì khói thuốc, mà tai ù theo những tiếng nhạc bập bùng, tôi đã để hồn mơ tới những chân trời….Những mơ hồng mộng biếc, những lãng mạn nổi trôi, những yêu thương đằm thắm một thời để nhớ một đời tôi đã có từ nơi chốn đó. Nhưng sao tôi chưa một lần quay lại ? vì sợ ư ? Sợ chính cái cô đơn to lớn của mình khi đối mặt lại với khung cảnh cũ, mà người xưa, mà tình xưa đã lạc mất tự bao giờ ? Hay vì ích kỷ tôi chỉ muốn nâng niu trong trái tim, trong ý nghĩ những hình ảnh mong manh tươi đẹp cũ ?
Nguyên chở tôi về. Tôi đòi đi một vòng quanh chợ Bến Thành. Trời hôm nay mát và có nhiều gió. Tôi nhìn giòng xe cộ chen nhau lượn vòng theo những con đường lớn, quanh những toà nhà cao tầng mới xây sau ngày tôi đi. Tất cả hân hoan như chào đón, vừa dấu đâu đó một cái nhìn lạnh lẽo. Tôi vừa về lại nơi thân yêu mình mong chờ,
nhưng đã lại nhanh chóng chuẩn bị cho mình một cuộc ra đi. Đây là cảm nghĩ đầu tiên của tôi về sự cô đơn. Đây là buổi tối đầu tiên ( kể từ ngày về ) tôi đi một mình đúng nghĩa. Tới trước cổng, chỉ một nắm tay nhẹ “ Thu về nhé, ngủ ngon ” Không biết tôi ngủ ngon không, hay trong giấc mơ chỉ là chập chùng sương phủ ?

Houston, 2007


This post has been edited by Bryce: May 20 2008, 03:28 PM


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Bryce
post May 19 2008, 01:22 AM
Post #16


Thân Hữu
***

Group: Members
Posts: 291
Joined: 16-April 08
From: California
Member No.: 26
Country



một chuyến đi



Từ lúc nhận được thư mời Về Nguồn của Ban Liên Lạc Cựu Học Sinh Pleiku, vào giữa tháng 3, tôi bắt đầu hồi hộp mong chờ, thực ra đã 2 lần tổ chức Về Nguồn, nhưng vì công việc hàng ngày, trách nhiệm của một người vợ, một người mẹ và sắp làm xuôi gia, cưới vợ cho thằng con trai đầu của tôi, tôi không thể đi được…
Khi con dâu tôi đưa thư mời cho tôi (nó nhận từ tay Bưu tá), thấy bì thư đề tên anh Mãnh, Đại diện anh chị em c.h.s Pleiku, tôi vội lấy kéo cắt bì xem, Về nguồn…, thấy mặt tôi và những câu nói sau đó của tôi, con dâu tôi hỏi :
- Chuyện gì vậy Me.
Tôi trả lời
- Mấy chú, mấy bác bạn học cũ của mẹ mời mẹ về nguồn, trở lại Pleiku, nơi ngày xưa Mẹ ở với ông bà ngoại, và học mấy năm ở đó,
- Mẹ có đi không ?
- Muốn lắm chứ nhưng con thấy đó, công việc nhà mình thế này thì đi làm sao được, cả đi lẫn về phải 3 ngày, ai quán xuyến cho mẹ, ba mày, công việc dạo này cũng nhiều, mệt mõi hay cáu gắt, nên…
Con dâu rất thương tôi, nhất là khoảng thời gian này, tôi thường thức đêm coi con cho nó ngủ, con trai tôi phải lên tiếng “ Mẹ chiều con dâu quá , lâu ngày sinh tật đó mẹ à” nó bàn với tôi, nó sẽ quán xuyến mọi thứ giúp tôi trong 3 ngày, lúc này nó khoẻ đôi chút vì đứa cháu nội tôi chưa đầy 3 tháng tuổi, nhưng ngoan, ít quấy, cơ quan còn cho nghỉ phép 3 tháng nữa, nên không bận rộn gì, và thời gian tổ chức về nguồn, nó vẫn còn phép.Việc còn lại, là làm sao chinh phục ông xã,
Buổi tối, tôi cố tình để bao thư trên bàn trong phòng khách, thế nào ông cũng thấy, tôi soạn ra 1 kịch bản, nếu ổng hỏi thì mình chỉ thở dài, kiếm chuyện bận rộn việc này nọ,có dây dứt nhớ thương mãnh đất cao nguyên nhiều kỷ niệm kia thì cũng đành chịu vậy…làm sao mà đi được.
Việc đến đã đến, sau giờ cơm, lên phòng khách xem TV, tôi cố tình để anh ấy lên trước, lát sau tôi lên, thấy anh ấy đang đọc tờ thứ hai, “điều kiện tham gia…”, tôi vờ không thấy, dọn mấy thứ lộn xộn trên bàn, bổng nghe anh ấy à 1 tiếng lớn,
- À, này em, cái vụ này, em có tham gia không ? mà về Pleiku hả ?, theo kịch bản tôi thở dài
- Bao nhiêu việc, con cái giúp tôi được thì tôi mới bàn chuyện này, đằng này tụi nó…, tôi bỏ lững câu nói.
- Em nghĩ sao thế, ngày mình lấy nhau thiếu thốn trăm bề, cũng bằng tuổi tụi nó bấy giờ…anh quan tâm tới là vì dịp này anh cũng được nghỉ phép, lại có thằng bạn học cùng khoá, giờ đang công tác trên Pleiku, tiện dịp anh đi luôn cho vui, trong thư mời có nói đến vợ hay chồng được tham gia mà..
Bạn chồng tôi là kỹ sư điện, làm ở thuỷ điện Yaly, lâu nay anh ấy viết thư kèm theo ảnh, hoặc gọi điện thoại cho chồng tôi hay kể về cao nguyên hùng vỹ mà anh ấy chọn làm nơi gắn bó cuộc đời, và đôi bên cũng hứa hẹn sẽ đón chồng tôi tại Pleiku,
Được lời như cởi tấm lòng, tôi ôm anh ấy vào lòng ( lâu lắm rồi, tôi lo cho cháu nội, ngủ phòng với con dâu, ít chăm sóc anh ) giờ nghe anh ấy nói thế bỗng thấy vui lên…, tôi biết tính ông xã tôi, ít chiều vợ chuyện mua sắm linh tinh, nhưng sẵn lòng cho tôi được đi chơi có tổ chức.
Anh chỉ khẽ đẩy tôi ra – khéo nịnh…
Đến ngày đi còn hơn 2 tháng nhưng sao những lúc rãnh rỗi, buổi chiều, buổi tối, bao nhiêu chuyện nhỏ, chuyện lớn thời còn là cô nữ sinh, áo dài tha thướt, vô tư, với chiếc nơ xanh ở cổ áo, dần dần hiên về, tôi âm thầm tìm lục trong mấy cuốn album cũ kỹ, những hình ảnh còn mang theo được sau biến cố 1975, những tấm ảnh ố vàng theo năm tháng, chính ảnh của tôi mà tôi nhìn còn không ra, khuôn mặt thơ ngây, này đây là Biển hồ trong một lần đi chơi, đây là trại Noel ở sân nhà thờ Phú thọ, đây là thác An Mỹ…, đây là ảnh chụp hôm thi thể dục trong sân vận động, Ô, sân vận động, nơi hay kéo nhau cả bầy đi xem con trai đánh lộn ( thủa ấy, học sinh nam giận nhau, tức nhau vì bất cứ chuyện gì là bọn tôi thường nghe nói “ này dám bắt tay ra sân vận động không ?” Nom tinh thần thượng võ ra phết ) là nháy nhau, chờ bọn nó đi trước, bọn tôi kéo theo sau, hình như sự có mặt của bọn con gái làm cho mấy người hùng đánh nhau hăng hơn !, dẫu biết hậu quả là sứt mẻ, bị đuổi học vài hôm và thư mời phụ huynh…
Pleiku bắt đầu hiện về dần dần trong tôi, hơn 30 năm rồi, thủa là một cô bé tuổi trăng tròn, nhiều mơ lắm mộng, mỗi sáng với áo khoác len vàng, áo dài trắng, cặp da đen, ôm trước ngực, hoà vào trong sương mai phố núi, cách khoảng không xa lắm đã khuất bóng người, tôi nhớ sương mù thủa ấy, tuy mỗi năm có dăm bảy chục ngày như thế, sương phủ dày 1 lớp sát mặt đường và trên không thì trời trắng đục, chỉ chừa 1 khoảng giữa thấp thoáng thấy bóng người, xe cộ chạy không nhanh, như sợ tan lớp sương mai tuyệt đẹp ấy, từng cặp, hay ba bốn nam sinh hoặc nữ (đi học thường ghé nhà rủ nhau đi, đôi khi dù có ngược đường đôi chút, ) hơi thở như người hút thuốc, cứ mỗi tiếng nói ra, là phì phò khói, đùa vui líu lo, như đàn chim câu trắng trong buổi mai. Đoạn đường từ nhà tôi đến trường, dài hơn cây số, bước chậm đều lên con dốc cầu hội phú, sương đọng dần thành hạt lấp lánh trên tóc, trên những sợi tơ len của áo khoác, thoáng long lanh trong ánh ban mai.
Ba tôi thường cho tiền đi xem lam, nhưng tôi thường đi bộ dành mấy đồng để ghé quán bà cai giờ ra chơi, làm tô bún riêu học trò, chỉ có bún và nước lèo, ít rau sống và vài cục tiết, riêu thì vớt váng, chỉ thấy màu mà thôi, thế mà cũng ngon đáo để với đám học trò chúng tôi, thỉnh thoàng canh me, Cha Hiệu trưởng không có ở Văn phòng là lẻn ra đường mua bắp rang ngào đường, thơm thơm giòn giòn.
Tôi nhớ những chiều, đi theo con đường Quang Trung, hướng lên con dốc, một biệt thự bằng gỗ của chính quyền khi ấy làm nhà khách, nằm trong khuôn viên có hai hàng phượng dẫn từ hai cổng vào, khuôn viên rộng lắm, vẫn nhớ những chiều sinh hoạt hướng đạo, nam, nữ, thiếu, ấu , sói, kha…hàng trăm mà vẫn còn thênh thang rộng.
Nhớ con đường Trịnh Minh Thế, có hàng cây cao, không biết tên gì, lá nhỏ, mỗi cơn gió qua là bay bay, rồi vương lên tóc, lên áo, nhưng qua mùa xuân thì thường đi trên đường này thi thoảng nghe tiếng thét bất chợt và thất thanh của đám nữ sinh chúng tôi : sâu kèn, những con sâu nhỏ thò đầu ra khổi một kén nhộng, đeo 1 sợi tơ dài từ trên cây theo gió đu đưa xuống đất, vướng vai cổ, không ngứa ngáy gì nhưng mất hồn, vốn chúng tôi lại nhát sâu…
Thung lũng Hoa Lư, nghe tên thơ mộng, qua mấy con dốc đất đỏ và nhiều rác đi xuống dần, đến 1 con suối nhỏ, thật nhỏ, bên 1 cây bằng lăng bị cưa trụi mấy cành, toả chút bóng bên mấy cục đá to, ngồi đây nhìn qua phi trường, thầm nghĩ đến mấy chàng lính Không quân hào hoa !, nhấm nháp me xanh muối ớt hay mắm ruốc Huế tuyệt vời. Ăn xong , đi hái chà là, non già gì cũng hái, ăn chát miệng nhưng có vị béo, nhiều thứ lắm…
Tôi nhớ ra đường Hai bà Trưng, đường Hoàng Diệu, đường Phó đức Chính, Am bà, Biệt điện, nhà thờ Hiếu Đạo; từ trên dốc Trà Bá, nhìn xuống thị xã, ngập trong rừng thông, xanh ngát, đẹp làm sao, nổi bật lên trong rừng thông ấy có Toà án trên Lý Thái Tổ, và nhà thờ Hiếu đạo hình lục giác, tháp chuông 3 trụ bê tông, mỗi sáng sớm, mỗi chiều về, 3 giọng chuông trầm bỗng cất cao trong gió vời vợi,

Tôi nhớ ra Hang đá Đức Mẹ của nhà thờ Thăng Thiên, cạnh trường tôi, con đường Lê Lợi đoạn đi qua trường tôi một dãy phượng, cứ hè về nở bung đỏ rực, cái rạp Diệp Kính bằng gỗ tối om đầy rệp, rạp hát Diên hồng ghế lưới sắt, ngồi không để ý, đứng dậy rách quần, nhớ chợ mới, vừa ồn ào, vừa hôi mỗi khi theo mẹ đi chợ, ngay cả ông tàu bán kem sầu riêng, dáng mập mập, đậm người chậm chạp đẩy xe kem, cái chuông nhỏ ghé sát tai lắc kinh koong,
Bỗng dưng hàng ngàn kỷ niệm ùa về trong tôi, những ngày trốn học vì không thuộc bài, những buổi được nghỉ hai giờ sau, lang thang qua phố nhỏ, nghe xa xa, anh chàng quảng cáo cho phim chiếu ở rạp Diên Hồng, anh chàng có dáng đi cà thọt, ngồi trên xe lam, thả những tờ prồ-gờ-ram in ảnh tài tử, tám tắt nội dung phim…: “…đúng tám giờ ba mươi tối hôm nay, màn ảnh Diên hồng hân hạnh trình chiếu cùng quý vị một đại xuất phẩm kiếm hiệp Trung Hoa chưa từng chiếu tại tỉnh nhà…” nói có vần có điệu lên xuống.
Vậy là hai tháng nữa, đất Cao châu lại đón tôi về…
Bây giờ trở về với bộ dạng của một người đã lên chức bà nội, không biết cao nguyên còn nhớ tôi không ?, dấu chân xưa in hằn đâu đó, những buổi bị đòn roi, những ngày trốn học theo đám con trai đi trộm trái cây vườn ông Hai, những lần ké xe đi biển hồ, hay thỉnh thoảng đi làng plei róh nghe cồng chiêng lễ giỗ của người thượng, coi họ say rượu, nói ba xí ba tú, không hiểu gì…
Không biết Cao Châu thương nhớ của tôi, một trời đầy kỷ niệm tuổi trăng tròn, bây giờ ra sao, có còn sương mù vắt ngang ngọn Hàm rồng, có còn nắng xiên qua hàng thông mỗi sáng, có còn tiếng thông reo vi vu mỗi cơn gió qua, lá kim bay bay, dồn xuống gốc như 1 chiếc đệm láng và thơm dìu dịu,
Không biết Cao châu thương nhớ của tôi giờ còn bụi đỏ vương vương gót chân, có còn cơn mưa bất chợt đến nhưng mãi không ngừng, mưa ăn cơm tháng, tôi vẫn ví thế, vì trú mưa ở nơi nào thì tốt nhất nộp tiền cho chủ nhà nấu cơm tháng cho ăn mà đợi mưa dứt,
Cao châu với con dốc dài lên trường Tuyên đức, trường Phao lô
Cao châu với con dốc xuống lò Ba Toa, xuống thung lũng Hoa lư,
Cao châu con đường Trịnh minh Thế dài nhiều cây xanh bóng mát, lắm sâu
Cao châu với khu Đức an với các bác, các chị dân miền trung lên, nói phải có phiên dịch mới nghe, hiểu được…

Tôi bắt đầu mơ về Pleiku. Minh đức, màu vôi vàng, 3 dãy lầu, một giảng đường, văn phòng, thư viện, tiếng trống, ông cai tên gì tôi không nhớ nhưng dáng người thấp lắm nên hay gọi ông cai lùn, Bác thâu ngân già người miền trung, kính dày cộm, dáng gầy gò hiền hậu, viết chữ tuyệt đẹp, khoan thai ghi biên lai học phí; cổng trừơng bằng sắt sơn loang lỗ vết đất đỏ, luôn khép kín, phần cửa nhỏ 1 bên, Cha Hiệu trưởng có đôi môi dày, nhân trung rộng, mũi lớn, hay núp chờ cô cậu nào không đồng phục hay đi trể, lục lọi cậu nào bị nghi ngờ mang thuốc lá vào trường, với cái roi gỗ, doạ nhiều hơn đánh, lũ con gái bị kiểm tra cặp có thức ăn mất vệ sinh không, thường là mắm ruốc…
Tôi mơ về Minh đức dấu yêu của tôi 1 thời kỷ niệm, những buổi chào cờ, phát bảng danh dự cuối tháng, văn nghệ mỗi dịp lễ, thi đua làm bích báo, bầu cử ban đại diện học sinh, dân chủ học đường đầu tiên ở cao nguyên,
Tôi nhớ Minh đức với Thầy Hoa, người phụ trách thể thao, đánh vũ cầu mạnh xa suốt sân trường, thầy Sơn tăngô, nhạc sĩ gầy gò, dáng đi lúc nào cũng như sơn ca nhảy nhót, thầy Hoàng làm thơ, làm nhạc, Cô Bích hiền hoà, hay cười, à nữa, cô Henriette, dáng nhỏ như cô nữ sinh lớp 8, dạy Pháp văn, thầy Huề dạy anh văn với chiếc honda dame, câu dây điện bình xe lên lầu, mở loa cho cát xét đọc, mà đi kiểm tra học trò, Thầy Doanh “vì rằng thì là…”
Các Thầy, Cô nhiều tôi nhớ không hết, và chắc rằng các Thầy, Cô cũng không nhớ tôi, con bé gầy gò thủa nào trong hàng ngàn học sinh của Thầy Cô.
Tôi đang mơ về Pleiku, về Minh đức, về bạn bè chắc giờ gặp mặt khó nhận ra nhau và cũng có thể quên cả tên.
Tôi đang mơ về nguồn đây…

-----------------------
Đôi dòng ghi thêm : thế rồi, đến ngày đi, tôi đột xuất bấn với trăm việc, cháu tôi “làm nghề”, bắt đầu biết lật, biết lẫy, chảy tướt, mẹ nó nóng ruột nhưng bó tay, tôi không đi được, ông xã đành thất hẹn với người bạn, còn tôi thất hẹn với chính mình, 30 năm một lần hẹn lại không thực hiện được, nuối tiếc vô cùng, và muốn khóc…
Không biết ngày nào , nhưng rồi cũng phải 1 lần về thăm trường cũ, đất Cao châu thương nhớ…



Một cựu học sinh Trung Học Minh Đức, 2006
Trích từ Nội San Gia Đình Minh Đức số 2


This post has been edited by Bryce: May 19 2008, 08:34 AM


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Bryce
post May 19 2008, 08:37 AM
Post #17


Thân Hữu
***

Group: Members
Posts: 291
Joined: 16-April 08
From: California
Member No.: 26
Country



THĂM NHÀ NUÔI TRẺ KHUYẾT TẬT



Theo con đường đất đỏ gồ ghề và trơn trợt sau cơn mưa, chúng tôi, mấy anh chị em cựu học sinh Minh Đức, tìm đến địa chỉ mới biết trong thời gian gần đây theo lời giới thiệu và hướng dẫn cả thầy Nguyễn văn Hào, là cựu giáo sư trung học Minh Đức, tìm đến Nhà nuôi trẻ khuyết tật của các chị nữ tu nuôi dưỡng nằm trong làng dân tộc Jarai, làng Pleiku Ngð.
Qua cánh cổng ngõ xiêu vẹo làm bằng gỗ, Ngôi nhà nằm khuất sau những hàng cây, vừa đủ rộng cho sinh hoạt, nhưng được các chị bố trí gọn gàng với những vật dụng bình thường, tọa lạc giữa khu vườn trồng một số cây ăn quả, được các chị khéo léo trồng thêm các cụm hoa, đủ màu sắc dọc hai bên con đường nhỏ từ cổng dẫn vào nhà, một chiếc xích đu làm bằng sắt đã tróc sơn đặt phía trước hiên, chỗ mà sau này chúng tôi biết được là dùng cho các em thay phiên nhau ra ngồi hóng gió mát trong những ngày trời oi bức, nay vào mùa đông, nó nằm chơ vơ lạnh lẽo;
Căn nhà không rộng lắm, nơi nghỉ ngơi của các chị khiêm tốn, toàn bộ dành cho các cháu khuyết tật cả, một phòng khách nhỏ, nằm chung trong phòng khách là “gara” với những chiếc xe đẩy, ghế ngồi có “safe bell” gắn thêm mấy bánh xe nhựa để đẩy khi di chuyển, chiếc bàn tròn và mấy ghế nhựa để tiếp khách, phòng làm chỗ ngủ và tập hoạt động chân tay cho các cháu, phòng vệ sinh, phòng tắm, gian bếp gọn gàng và một phòng ăn đơn sơ.
Chiếc TV là vật có thể nói là có giá nhất trong nhà mà chúng tôi có thể trông thấy, các chị cũng chỉ xem được chút tin tức vào đầu buổi tối tranh thủ trong khi dùng bữa tối, còn ban ngày mỗi người chia nhau mỗi việc, chị ra làm vườn tưới cây, chăm sóc rau màu để có cái ăn cho các em, chị lo nấu nướng, chợ búa lo thức ăn cho các em, chị thì lo tắm rửa, giặt những quần áo được thay liên tục vì các em không tự chủ được vấn đề vệ sinh cá nhân, hỏi ra cũng có những lúc phải mở TV lên, vì trong số các em có một em chỉ nín khóc khi ngồi trước TV, dù em không nhận thức được gì cả, phải chiều em vì còn thời gian lo cho các em khác.
Tiếp chúng tôi ở phòng khách nhỏ, bên cạnh có 2 em ngồi trên 2 chiếc ghế bằng sắt có bánh xe do các chị tự tạo để có thể đẩy em ra vào, nhìn 2 em thấy tội nghiệp, thấy chúng tôi vào các chị nhắc em : - nào ai đến thăm các con đây, chào các bác đi, đáp lại là ánh mát như lạc hẵn và vô hồn của các em, đầu cổ ngoặt nghoẹo, tay chân quơ quào vào khoảng không và mấy tiếng u ớ trong cổ họng, thỉnh thoảng lại rú lên to hơn, dù quen với những hoàn cảnh như thế này rồi, nhưng thấy cũng rờn rợn và lúng túng; một chị nói với chúng tôi, so với các em ở đây thì 2 em này là khá hơn cả, tuy khuôn mặt không em nào đều đặn cả, miệng môi, răng lợi lệch lạc, nhưng rất dễ thương, chẳng biết cười nói, chẳng biết khóc dỗi, chân tay luôn nguậy ngọ cùng với cái đầu ngúc ngắc hết bên trái rồi đến bên phải, lại cúi gầm, chốc chốc ngẫng lên, không chút nghỉ ngơi,
Ngôi nhà này các chị đã sống thời gian đã khá lâu và việc làm của các chị cũng đã mấy năm nay, nhưng âm thầm làm việc và nuôi dạy các em với hy vọng có một chút tiến triển hay thay đổi ở các em, âm thầm chịu đựng những thiếu thốn để sẻ chia tình yêu thương cho các em.
Bước vào phòng trong, trên những chiếc giường xếp bằng sắt mặt được đan bằng sợi vải, nằm dọc theo tường nhà, kê không cao lắm (là cách an toàn nhất cho các em, nhỡ khi trở người có thể rơi khỏi giường nguy hiểm) chúng tôi hỏi thăm về tình trạng của một em nằm gần cửa ra vào (có lẽ như đang khóc, vì chúng tôi thấy nước mắt và tiếng rên ri rỉ nho nhỏ) được biết, em là người dân tộc Sêđăng, vào đây đã mấy năm nhưng không tiến triển gì hơn ngày mới vào, suốt ngày nằm vật vạ trên giường, năm nay đã là 15 tuổi, vào tuổi dậy thì của con gái, vì thế mà nãy sinh nhiều phức tạp trong thay đổi sinh lý cơ thể, lứa tuổi hoa hồng như bao nhiêu em gái khác, đang phát triển, nếu là trẻ bình thường, sẽ là cô thiếu nữ xinh tươi tràn đầy sức sống, tuổi hoa niên thơ mộng; các chị bảo, không phải một em này thôi đâu, ở đây có 3 em đã bước vào tuổi dậy thì, nhìn quanh chúng tôi không đoán ra em nào đã đến tuổi này cả nếu các chị không chỉ cho, dưới bộ dạng của một em bé lên 8, lên 10 mà tuổi thực của các em đã 15 rồi ư? những khó khăn lại chồng chất lên công việc hằng ngày của các chị, cạnh đó một bé trai chừng 7 tuổi hai tay quắp lại uốn éo cơ thể gầy gò, mắt mở to trừng trừng khoảng không, nhưng không hoạt động và mất vẻ tinh anh, em bại não nên thần kinh thị giác cũng tắt nốt, vặn vẹo theo bản năng sinh tồn của một khối tế bào, hay nói kiểu của mấy ông thầy khoa học nghành y là “sống thực vật”, một em nằm trong mùng suốt ngày, không hiểu thế nào, em này có mùi thu hút muỗi ghê gớm, chỉ hở ra là muỗi bu vào đốt em ngay dù chung quanh có nhiều người, nhưng không ai bị muỗi bu cả,
Cuối phòng một em kêu lên ú ớ, chị bảo nó đòi đi vệ sinh đấy, chỉ có 1 em này là biết báo động, còn lại là cứ tự nhiên cho đến khi có người phát hiện, một chị ẳm lên chiếc ghế cao bằng sắt có khoét thủng, đặt một chiếc bô nhựa bên dưới, nhìn chúng tôi ái ngại : - ai lại làm xấu khi có khách thế này hả con ! công việc này tôi nghĩ chắc chẳng có mấy ai muốn làm, trừ các chị mà thôi,
Chúng tôi đến với từng em, quan sát để chia sẻ thương tâm thôi chứ có giúp gì cho các em được đâu, vì những tổn thương này phải lâu dài mới hy vọng điều trị thuyên giảm phần nào mà thôi, mà chúng tôi thỉnh thoảng mới có được một khoảng thời gian ngắn để đến thăm, lần này biết chỗ biết nơi, nhưng lần kế tiếp biết ngày nào đây ?, cùng xắn tay giúp các chị lau mặt lau tay cho các em, em Hạnh, con của một người bạn học Minh đức, hiện đang là học sinh trường Trung Học Lâm Nghiệp cùng đi với chúng tôi, ẳm một em đi ra đi vào, ầu ơi hát ru cho em nghe, nhưng tội nghiệp, em nào cảm nhận được tiếng hát ru ầu ơi kia, tiêng hát ru mà bao nhiêu trẻ em Việt Nam khác sinh ra đều được nghe chị, mẹ hay ông bà hát lên để dỗ giấc ngủ, một em khác bọt mép liên tục trào ra, lau đi lại trào ra tiếp, miệng em mỗi lần được lau có vẻ như nở nụ cười, ý cám ơn? Nhưng sao tôi thấy nụ cười ngây dại quá và tội nghiệp quá.
Loay hoay đã đến bửa cơm trưa của các em, các chị dọn ra nhiều món lạ, thấy chúng tôi nhìn có vẻ muốn thắc mắc hỏi, một chị nói : - các em đây đều rất khó ăn uống, các em thích hợp món gì chúng tôi làm món đó cho các em, có em ăn với chuối, không có thứ khác vào, đành phải nghiền chuối với cơm đút cho ăn, em khác ăn 1 thứ trái cây khác như đu đủ chẳng hạn nhưng trộn với thịt, có em chỉ ăn được cá hoặc rau, món lạ nhất là cơm với sữa, nhưng dinh dưỡng cho các em cần phải đầy đủ các chất, nên phải cố tình trộn lẫn và cố gắng “thuyết phục” hay vỗ về cho các em ăn, ra thế nữa, mỗi bửa ăn của mỗi em là một phần ăn kì lạ lần đầu chúng tôi thấy, đúng món “ăn chơi” của mình là các em ăn, nuốt ngay, ngược lại là lè ra, phun phèo phèo, thức ăn lẫn nước dãi văng cùng mặt cùng mày các chị ; - cũng quen rồi các anh chị ạ, dễ dàng và đúng khẩu vị em thì bửa ăn kéo dài cho mỗi em chừng 25, 30 phút, còn hôm nào bổng nhiên em thích “đổi món” là phải hết cả một giờ như chơi, thường chúng tôi lo cho các em đến quá trưa, mới có thể lo cho phần mình sau khi dỗ dành các em ngủ! nhìn thấy các chị đút cơm cho các em mà tôi nghĩ đến sự kiên nhẫn vô cùng, một đức hy sinh đáng trân trọng biết bao (ở nhà mà mấy nhỏ của tôi thế này chắc có roi đòn ngay thôi, không thể nào chịu nỗi).
Chúng tôi không tiện hỏi là tại chỗ các chị có bao nhiêu người, mà loáng thoáng chỉ thấy có ba người lui tới với hàng trăm công việc, từ trong nhà ra ngoài vườn, nhưng dù có hơn nữa thì cũng không chia sẻ hết một lúc, lại nghe nói, sắp đến còn nhận thêm 3 em nữa, tôi đùa với các chị - chắc lúc đó các chị hết thì giờ để đọc kinh hôm mai, nguyện ngắm sáng chiều rồi, các chị chỉ cười với nụ cười hồn hậu – các anh chị chưa quen thôi, chúng tôi cũng dần quen rồi, ngày nào cũng như thế này nên cũng biết cách sắp xếp, tuy có đôi khi vượt quá sức mình nhưng cố gắng thì cũng xong cả, chỉ ngại nhất là những khi dịch bệnh đau yếu, sợ các em lây cho nhau nên có khó khăn cực nhọc hơn đôi chút.
Các em, người kinh, người thượng, nằm đó bình thường là bất đồng ngôn ngữ, nhưng đây chẳng em nào nói gì cả, các chị cũng chỉ nói với các em đôi câu tập cho các em nghe, nhưng với những khuôn mặt vô cảm, chắc là các em chẳng hiểu gì, chỉ ngúc ngắc cái đầu trên cần cổ gầy gò, một hai em có cha mẹ, thỉnh thoảng cha mẹ có đến thăm, quà cho con mấy mẫu bánh, trái cây, nhưng không thể nào cho em ăn được, ngậm ngùi mà hôn lên trán con, đứa con bất hạnh một nụ hôn trong nước mắt mà gởi gắm lại cho các chị, còn những em mồ côi hay khi bị bệnh như thế, cha mẹ đem vứt bỏ, những người khác trông thấy thương tâm nhặt được đem về giao cho các chị, cũng có người thỉnh thoảng ghé qua chơi xem thử thế nào, rồi thưa dần…
…Sau mấy lần lui tới thăm các em, chúng tôi có họp nhau bàn cách có thể nào giúp đỡ các em không, và một chút gì đó đưa vai giúp đỡ nhẹ gánh cho các chị, và hợp với tinh thần và tôn chỉ của Gia Đình Minh Đức, trước mắt, anh P. từ Saigon ra, đã giúp ít tiền và vợ chồng anh chị K.T. từ Saigon có gởi cho anh P. mang ra một số quần áo cho các em, cháu Hạnh, là thế hệ con em của Minh Đức, nhà ở vùng sâu Ia-Sao, tuy đang đi học, chưa có tiền riêng, nhưng đã nhịn quà sáng, góp cho các em được một số tiền, dù nhỏ nhoi, khiêm tốn nhưng nói lên những tấm lòng tốt, biết chia sẻ thương yêu, và vì mọi người của thế hệ Minh Đức nối tiếp, việc làm của cháu cũng đáng trân trọng lắm thay.
Và rồi sau này, những lần đi kế tiếp, kế tiếp; những địa chỉ kế tiếp, kế tiếp cũng đang chờ trông tinh thần Gia Đình Minh Đức của tôi, của bạn, của tất cả chúng ta, và thế hệ con em Minh Đức của chúng ta.

Viết tại Pleiku, 2006
Tiểu Đăng, Cựu H/S TH Minh Đức


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Bryce
post May 19 2008, 08:50 AM
Post #18


Thân Hữu
***

Group: Members
Posts: 291
Joined: 16-April 08
From: California
Member No.: 26
Country



THƯ GỬI CÁC HỌC SINH và SINH VIÊN

NHÂN NGÀY HIẾN CHƯƠNG NHÀ GIÁO 2006


Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh
Giáo Phận KonTum, Việt Nam
Cựu Giám Đốc Trường Trung Tiểu Học Minh Đức Pleiku






Kontum ngày 18 tháng 11 năm 2006


Mến gởi các học sinh sinh viên
Thuộc Giáo Phận Kontum


Các con thân mến
Cùng với các con, cha chúc mừng các thầy cô và cầu cho các con sống Ngày Nhà Giáo năm nay thật vui, thật hữu ích. Nhân dịp này, Cha có một vài suy nghĩ muốn chia sẻ với các con và qua các con gởi với các bậc cha anh của các con.
Các con thân mến
Ngày nhà giáo, ngày biết ơn. Đây phải là ngày hội lớn. Các con cần đem hết tâm trí để thể hiện lòng biết ơn đối với thầy cô ! Các con đừng quên mình là sinh viên học sinh Công Giáo ! phải chăm, phải ngoan, phải giỏi ! Đấy là cách đáp trả công ơn cha mẹ, công ơn thầy cô thật thiết thực và cụ thể. Hãy học trọn hai bề chữ và nghĩa. Ít lâu nay đã thấy xuất hiện lại câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Cả hai nội dung này phải đi song song với nhau, để các con được đào luyện trở thành con người phát triển về mặt đạo đức, về mặt trí tuệ, mặt sức khỏe. đấy là cái học toàn diện. Học để làm người, làm người với mọi người, biết sống có tình có nghĩa, biết tôn trọng công bằng và lẽ phải, biết phục vụ trong chân lý và trong tình thương.
Nhưng ít lâu nay, việc dạy thêm, học thêm đã và đang làm điên đầu các bậc cha anh các nhà giáo cũng như những người có tâm huyết với nền giáo dục. Tâm trạng đó đã được một nữ sinh bày tỏ trên trang mạng www.edu.net.vn gởi ông Bộ Trưởng Giáo Dục-Đào Tạo mới đây : “Cháu thực sự muốn Bác biết rằng: chúng cháu đã, đang và có thể không còn sức chịu đựng với những gì mà các Bác đề ra, các Bác quy định” (xem CG&DT số 151 tuần từ 27-10 đến 2-11-2006, trang 9 ). Thật đáng suy gẫm !
Thay vì chịu khó dọn bài, nghe giảng, đào sâu bài học, đặc biệt qua bài tập, thì nhiều học sinh sinh viên chọn giải pháp “nhẹ nhanh” là học từ chương, học nhồi nhét. Càng nhồi nét càng mất căn bản. Càng mất căn bản càng phải học thêm dần dà dẫn đến suy sụp và nẫy sinh nhiều tệ nạn như chán học, bỏ học, quậy phá. Kết quả thật thảm thương : kiến thức nửa vời, tiền của tốn kém, sức khỏe tổn thương, thầy cô vất vả, cha mẹ lo lắng. xã hội được gì ? Được đón nhận những con người “thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết, thiếu khả năng suy nghĩ và sáng tạo, tệ hơn nữa thiếu đạo đức để sống hùng, sống mạnh, sống thánh”.
Riêng các học sinh sinh viên Công giáo, cái tệ nạn đi học thêm này đã và đang làm đảo lộn sinh hoạt trong nhiều gia đình và xứ đạo. không còn thì giờ dành cho gia đình, cho bạn bè, cho xứ đạo, cho Chúa. Nhiều cha mẹ cũng nghiễm nhiên để cho con cái bỏ luôn việc thờ phượng ngày Chúa nhật và giáo lý cũng như các sinh hoạt đạo đức khác trong xứ đạo, vì con cái phải đi học thêm. Học thêm đã trở thành gánh nặng cho mọi người. Thật đáng tiếc ! Làm sao đây?
Giải pháp đến từ bậc cha anh, từ xã hội và nhất là từ chính các học sinh sinh viên.
Phần các sinh viên học sinh, các con nên nhớ và triệt để thực hiện 3 điều cần này
1- Cần phải học
Cha ông đã nói “một kho vàng không bằng một nan chữ”, cũng có vị nói “Tiền của có ngày rớt, nhà cửa ruộng vườn có ngày mất, chữ nghĩa bỏ vào đầu đi đâu cũng đem theo được”. Phải ý thức việc học là tối ưu quan trọng. Học, học mãi, học đến chết. học để thành người hữu ích cho đời, để phục vụ tha nhân. Nhiều bậc cha anh chưa quan tâm tới đủ việc học của con em. Nhiều con em chưa ý thức đủ việc học quan trọng như thế nào. Hãy gẫm suy gương sáng chói của Tổng thống Abraham Lincoln Hoa Kỳ. Dù nghèo chỉ tới trường tổng cộng suốt đời vỏn vẹn có 365 ngày, nhưng với ý thức sâu sắc, ông đã tự học để trở thành vĩ nhân của Đất Nước và của nhân loại.
2- Cần phải chăm học với quyết tâm cao
Cha ông vẫn dạy :”Có chí thì nên”, “Có công mài sắt, có ngày nên kim” hay câu nói bất hủ của ông Thomas Edison : “Sự thành công bởi một phần trăm thông minh cộng chín mươi chín phần trăm cần cù”. Chính Thomas Edison – nhà phát minh bóng đèn điện và hơn ngàn phát minh khác cho nhân loại – cả đời ông ngồi trên ghế nhà trường chỉ có 6 tháng, nhưng cũng đã kiên trì tự học tập nên người hữu ích và nêu gương sáng cho hậu thế
3- Cần phải chăm chỉ với quyết tâm cao và có phương pháp
Người ta bảo học tập. Nếu không có thời gian nghiền ngẫm điều mình mới học, mới đọc thì có nhồi nhét thêm cũng uổng phí! Đây là một điều rất đơn giản, nhưng hình như ít học sinh sinh viên áp dụng nghiêm túc. Thời nay người ta chỉ biết đẩy nhau đến chỗ nhồi, nhét, thuộc lòng, từ chương, sao chép lại bài mẫu. Ăn uống cần có giờ tiêu hóa. Việc học cũng thế ! Được bao nhiêu học sinh sinh viên dọn bài ở nhà trước khi tới lớp, chăm chú lắng nghe và ghi chép lời thầy dạy ở trường, rồi về nhà đối chiếu với bài đã học, đã được giảng dạy cùng nghiền ngẫm cho thành của “chính mình”, đặc biệt qua các bài tập?
Đứng trước vấn đề gai góc này, các gia đình, các xứ họ, các thầy cô và cả xã hội có giải pháp nào để “giải thoát” cho con em khỏi “cái học chết người” này ? Có phải từ chỗ đồng lương thầy cô không đủ nuôi bản thân và gia đình nên nảy sinh hiện tượng “tràn lan lớp học thêm” không ? Có ai đã ngồi lại tính xem nếu các phụ huynh chấp nhận đóng góp thêm cho nhà trường để nâng cao mức thu nhập của thầy cô sẽ có lợi hơn là dốc tiền cho con học thêm không ? Có ai nghĩ rằng đã đến lúc trả lại cho tư nhân, đoàn thể và tôn giáo cái quyền giáo dục lớp trẻ chính là một giải pháp thích hợp không? (xem Vat.2, SL Giáo dục số 6:1 và 3)
Các con thân mến,
Các con hãy nhớ : là học sinh sinh viên Công giáo, “các con là men, là muối, là ánh sáng, là nhân chứng cho một niềm tin” trong môi trường học đường. Đừng chỉ cậy vào sức riêng mình, mà còn nhờ ơn Chúa giúp. Từ đó, phải là những học sinh sinh viên ngoan, giỏi.
Nguyện Chúa ban muôn vàn ân thánh cho các con và qua các con cho cha anh và các thầy cô cùng bạn bè của các con.
Hiệp thông cùng các con trong tâm tình tôn vinh và tạ ơn Chúa.



+ Micae Hoàng Đức Oanh
Giám mục Giáo Phận Kontum



Trích từ Nội San Số 2, Gia Đình Minh Đức.


This post has been edited by Bryce: May 19 2008, 09:01 AM


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Bryce
post May 31 2008, 09:14 AM
Post #19


Thân Hữu
***

Group: Members
Posts: 291
Joined: 16-April 08
From: California
Member No.: 26
Country




Pleiku và kỷ niệm



Về Pleiku sau bao ngày xa cách, tôi hồi hộp, nao nao khi chuyến xe đêm xuyên suốt quốc lộ 14,
Ở bến xe miền đông, tôi nhìn quanh, rất nhiều xe về Pleiku trong đêm nay, chắc là cũng trên 10 chiếc, mỗi xe 45 người, vị chi khoảng 450 người, nhưng nhìn mãi tôi không thấy khuôn mặt nào quen thuộc cả, họ đi đơn lẻ có, đi đôi có, đùm đề thê tử có, giọng nói nào là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Bắc, Nam, nhưng phần nhiều là giọng Bình Định.
Cũng chẳng có gì trong chuyến đi này, chỉ là về xem lại mồ mả cha mẹ như thế nào thôi, bây giờ tôi cũng đã luống tuổi, trong đầu không còn nhiều ký ức khơi lại hàng ngày như thủa còn trẻ, mặc dầu tôi vẫn nhớ nhiều, nhưng công việc và lũ cháu con lao nhao hằng ngày tôi suýt quên bẵng chuyện đã giỗ lần thứ 31,
Cha tôi từ Quảng Ngãi lên Pleiku khi còn là chàng lực điền trai trẻ, trận bão lụt năm Thìn, mất mát tất cả, cha mẹ bị lũ cuốn trôi, họ hàng ly tán, nghe có người nói lên xứ Thượng du làm ăn được lắm, nên kéo nhau cùng mớ bạn bè lên Pleiku tìm phương kế sinh nhai.

Tôi từng nghe cha tôi kể lại :

Ngày ấy thị xã Pleiku nhỏ lắm, từ cái “ngã ba bót công trôn” (ngày nay là ngã ba Phù Đổng), cửa ngõ vào thị xã, có một trạm kiểm soát của cảnh sát, kiểm tra xuất nhập của xe đò, đổ con dốc cầu Hội Phú, đường trải nhựa nhưng nhỏ hẹp, lưng lửng con dốc xuống suối Hội Phú có 1 quán hớt tóc, bên cạnh là một hiệu tạp hóa, nhà chuyên cung cấp dầu lửa hiệu con gà, hình như vậy, ông chủ dùng ván làm một con gà thật to trước cửa hiệu, sau này hư nát ông lại dựng bằng tôn, một địa danh còn tồn tại mãi cho đến ngày nay. Một xóm nhỏ dân cư mua bán, hình thành cái tên “chợ con gà”…, lên đình dốc, ngã ba Diệp Kính, có cái rạp hát, cứ chiều chiều là lên tiếng nhạc qua cái loa sắt treo trên đỉnh mái, cái rạp hát trang bị ghế bằng gỗ, chật chội và đầy rệp, hầm hập nóng, chen chúc những người có vé và những người vào cửa bằng tiền lót tay anh chàng xét vé, rẻ hơn mua một vé, chỉ có cái phải đứng để xem. Thường là phim ca vũ nhạc Ấn Độ, đen trắng hay tô màu, nói cho oai thế chứ ba tôi chỉ vào rạp ấy chỉ mấy lần đầy kỷ niệm, là thủa quen mới mẹ tôi, tiền không có nhiều, khi có chút tình ý với nhau, mua ghế hạng trẻ em, rẻ nhất rồi ngồi sát màn bạc, xem váng cả mặt; nhích lên phía trên một tị, phía trái có cái chợ sau này người ta gọi nó là chợ cũ, khi có cái chợ mới thành lập năm 1961, nó sau này trở thành bến xe tải, hồi ấy gọi là bến “xe ba lua”, chẳng rõ từ ngữ nước nào, mãi đến sau này góc phải trước trường Bồ Đề có tiệm Saigon Mới vẫn còn tên ấy một thời gian dài, bà Saigon Mới đã dọn nhà mở một đại bài gạo lớn trên chợ mới, gian nhà 3 tầng đồ sộ nhất vào khi ấy. Con đường Hoàng Diệu khi ấy hẹp lắm, đi một đoạn nữa có nhà Bưu Điện trên có chữ PTT đắp bằng xi măng, tường vôi vàng lợp ngói, góc bên này đường xuống lò ba toa có cái Kho Bạc nhỏ xây kiểu nhà Pháp, đồn lính Bảo an nằm trong bức tường xây bằng đá sáng chiều thổi kèn đồng, có cái “sa tô đô” cao ngất, thỉnh thoảng có mấy đàn ong về làm tổ, bên này là nhà máy điện máy nổ ầm ì ngày đêm, lên tị nữa là trường tiểu học, học chung cả nam lẫn nữ, sau đó mới dời trường nữ xuống đường Lê Lợi, chỗ ngày trước là trường Trung Học Pleiku, đằng sau Dân Y Viện. Cha tôi nhớ cặn kẽ vì lý do nghề nghiệp mà tôi xin kể sau.
Từ Diệp Kính đi lên có cái nhà thờ mới xây, nhà thờ Mông Triệu Thăng Thiên, phía trước có một hang đá to, ngày lễ Noel thường tổ chức ngoài trời, giáo dân đến dự lễ và người không có đạo cũng tò mò vào xem, bên cạnh là ngôi trường của cha xứ mở ra, gồm 3 gian lớp học, sau này xây lại phía bên kia đường Lê Lợi gồm 2 dãy nhà một ngang một dọc.
Chân ướt chân ráo đến đất lạ, cha tôi bị sốt rét đau gần chết, vào nằm bệnh viện công, có cái tên là Dân Y Viện, trên đường Trinh Minh Thế, nay là Trần Hưng Đạo, khu Dân Y nay đã di dời đi về bệnh viện mới, đang xây dựng lại một quảng trương rộng lớn, thủa ấy gọi là dân y bởi vì bên kia đường là Quân Y Viện của quân đội khi ấy, (do đại đội 20 quân y đảm trách, sau này dời đi xa, kề quân đoàn 2, nay là viện quân y 211) chỗ quân y viện cũ ấy ngày nay là trường Trung Học Y Tế;
Tiền bạc mang theo mấy đồng, cắc ca cắc củm để dành rồi cũng đội mũ ra đi, cơm nước thuốc men thì được cấp miễn phí, chỉ khi khoẻ mò ra đường làm 50 xu kẹo kéo, hay mấy cái bánh bò bồi dưỡng. Thủa ấy có ông tàu bán bánh bò, người quê Quảng Ngãi lên, nghe ông rao mà không hiểu, chỉ nghĩ là “đánh mày, đánh tao, giò tao… gãy”, hóa ra là bánh mì, bánh bao, giò cháo quẩy.
Ngày được xuất viện, đã khỏe hẳn rồi, nhưng không biết làm gì, tiền trong túi trỏm hết, lo sợ không biết làm sao thì may mắn được Bác Cẩm, quản lý Bệnh viện, ( Sau này bác có một thời gian làm thu ngân cho trường Minh Đức khi tôi học các lớp trung học ) nghe ba tôi than thở mà độ lượng cho mấy chục đồng cầm hơi nơi đất khách quê người, lại được dịp may sao có một ông tàu bán phở đêm, ông cứ rao phở mà âm thanh nghe như “hớ…ớ…ớ” rất dài đang cần người gõ phách xực tắc cho ông, cha tôi xin theo gõ 2 miếng trắc kích thích cái đói bụng theo phản xạ của khách ăn quen, suốt ngày của tuần đầu tiên ông bắt học thuộc cái gõ lệnh, xực tắc, xực xực tắc, tắc xực tắc tắc…, gõ nhịp gây chú ý, gõ nhịp báo…v.v..và gõ món do khách yêu cầu 1, 2 tô, không hành,.. nước lèo, béo…đều có nhịp điệu riêng, như người ta đánh morse, đứng trong xóm gõ, ngoài đường ông ta nghe được là chế biến phở theo tín hiệu, cha tôi từ từ ra và đã có xong mấy tô phở bê vào không phải đợi chờ…( bây giờ tôi vẫn nghe gõ mà hình như chỉ gõ cho có vậy chứ không như cha tôi kể ngày trước ). Đấy, nhờ cái nghề gõ này mà ông đi khắp thị xã và nhớ như in trong đầu từng ngõ ngách, đường đi, hẽm lối…
Chuyện tình cha mẹ tôi, kể ra đây với niềm thương nhớ, biết ơn, pha chút hãnh diện với bùi ngùi, nhưng với con tôi thì chúng bảo đừng nhắc nữa, giờ chúng nó đã là kỹ sư, giáo viên dạy chuyên, xếp…
Một buổi tối, cha tôi bị hiến binh bắt nhốt vào đồn chỗ đối diện trường Tiểu học, vì nghi ngờ ông tàu bán phở với cha tôi làm việc quốc sự, vì mấy đêm trước có người làm việc quốc sự rải truyền đơn, ông tàu bán phở khuya với người gõ xực tắc bị tóm vào đồn, cùng nhiều người khác, sau một trận điều tra bầm mình bầm mãy, mấy người đưa ba tôi về phòng, ở đó có mấy chị cùng bị bắt cũng nghi cùng một tội, có chị bán hột vịt lộn, lang thang hết xóm này qua xóm khác hàng đêm mà lanh lãnh rao, cũng bị bắt vào đây, chị có chai dầu khuynh diệp bác sĩ Tín, cám cảnh tội tù với nhau, đắp thoa mấy vết bầm trầy cho cha tôi, mấy ngày sau tất cả được tha vì bắt oan…ai về làm việc nấy…nhưng bị lưu ý không được đi trong bóng tối, những đêm tiếp nghiệp xực tắc của cha tôi, người phụ nữ bán hột vịt lộn chăm sóc cho cha tôi trong bót hiến binh ấy thỉnh thoảng gặp nhau, nhớ câu “…ở đây đất đỏ trời vàng…”cha tôi độ thêm, “…em bán hột vịt còn chàng làm thuê, thương nhau thì dắt nhau về, bán hột vịt lộn là vợ, làm thuê là chồng…” mà nên duyên phận, chẳng được mâm cao cổ đầy chi, chỉ có mấy ông khách quen và ông tàu bán phở làm chủ xị, rồi có lũ chúng tôi…
Vẫn kiên trì với cái mãnh gỗ trắc, ông tàu dần dần khá hơn, đã mua được một căn nhà đầu phố Quang Trung, mở tiêm Hủ tiếu Hoành thánh mì, thương ba tôi kiên nhẫn, nên để lại cái gánh phở cho, và chỉ cho cách nấu nước lèo, trụng phở và các chiêu cho tô phở trong, thơm, cách làm bò viên, cách lựa thịt v.v…với một vài quy ước cạnh tranh nghề nghiệp của người tàu, từ đó mẹ tôi thay nghề vịt lộn qua xực tắc, ba tôi gánh gánh phở đi.
Khi chiến tranh lan dần về phố, có giới nghiêm, nghề này nguy hiểm, nên cố dành dụm và vay mượn một ít người quen, cha tôi mua 1 căn nhà nhỏ, mở cửa hiệu phở trên đường Lê Văn Duyệt, nay là đường Trần Phú, chỉ đề vỏn vẹn một chữ “phở”, vì phở bắc lại khác, cái mà gọi phở này trong Nam gọi là hủ tiếu, được cái có khách ra vô, nên chúng tôi lau nhau 1 lũ đều được đi học.
Cái trường tiểu học ở gần đồn hiến binh ba tôi muốn cho tôi vào học lắm nhưng nghĩ đến những lần đưa đón con ngại gặp lại mấy anh mũ kết đỏ đã từng đấm đá ba tôi nên ba tôi cho học ở trường Minh Đức…
Tôi còn nhớ như in trong tâm, dù lúc ấy còn bé, ngoài khu vực nhà thờ, phía sau có một ngôi nhà nằm trong cỏ dại, vắng vẻ, mà chúng tôi gọi là nhà ma, trên cửa sắt lớn thấy ghi hàng chữ màu sơn đen: Nhà Kỷ Luật, nhưng không thấy ai ra vào cả, căn nhà này ngày nay sở hữu của gia đình anh Nguyễn Văn Hạnh, cựu học sinh Trung Học, từ lưng hè nhà thờ, nhìn suốt qua đến sân vận động, không bóng nhà, sân vận động không có xây tường mãi cho đến năm tôi vào trung học, mới xây tường, cổng; ngoài đường Quang Trung khi ấy có mấy căn nhà, nhà sách Thống nhất ở góc đường Phó Đức Chính-Phan Bội Châu; đối diện là Ty Thông Tin, nơi có phòng đọc báo công cộng mà lũ trẻ chúng tôi hay vào xem chuyện tranh vẽ nhiều kỳ 3 anh em Bờm Bê Bốp trên tuần báo Tuổi Trẻ, hay tranh vui trên nhật báo Chính Luận, báo Dân Ta, báo Xây Dựng, đôi khi ngồi mê mãi xem bác Lê Sĩ kẻ băng rôn, bác viết chữ bằng cọ sơn và viết bằng tay trái, mấy câu khẩu hiệu chào mừng ngày lễ hay tuyên truyền phòng chống sốt rét v.v..thấy bác huơ huơ tay chia chia thử thử trên không, trên tấm vải rồi viết, chả cần nháp mà bọn tôi nể phục, hoặc xin mấy cuốn Quê Hương, Thế Giới Tự Do về đọc mê đọc mãi chuyện miệt vườn miền Nam của nhà văn Bình Nguyên Lộc, nào những chuyện đá cá lia thia, chuyện đâm chuột mùa nước lớn, chuyện xưa thổ dậy, chuyện rắn, cá sấu rừng U Minh, chuyện ông Ba Phi…, tạp chí Thế Giới Tự Do thì giấy tốt hơn, về xem xong rồi tách ra bao tập vở, dán thêm cái “ăng ti két” tự chế hoặc mua ở quán là đẹp tuyệt,
(Tuy nhiên ba tôi thấy mấy bìa vở “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời” thì không cho chúng tôi bọc lại vì ý nghĩa của câu ấy rất hay).
Tôi có mấy đứa bạn ở đường dốc Lò Ba Toa đi lên, nó quê ở miền trung mà tụi tôi thường liệt chung là người Huế, nói giọng của nó làm bọn gốc Quảng Ngãi như tôi nghe khó mà hiểu được, qua khỏi gốc đa to trên dốc, quẹo trái mấy căn là nhà nó, thủa ấy chưa thành hình khu Đức An, vắng teo, mà con dốc lầy lội trơn trợt do xe xuống lấy nước về cung cấp cho trại lính, nhà dân, một cái hố to xây bằng đá, nước ngầm chảy mãi, bơm mãi mà cứ đầy.
Bến xe mới, nay là bến xe nội tỉnh, chung quanh chỉ có mấy kiôt, bốn góc là 4 cái lớn, còn lại là nho nhỏ vừa đủ 1 bàn bida, hay hàng nước ngọt, phía quanh chợ mới cũng vậy.
Một sân đất rộng sau này làm bến xe quân đội, nơi mấy đơn vị lính hồi ấy đi chợ về nấu ăn cho lính, đám lính đi chợ nghe gọi là hỏa đầu quân, khi có bến xe này, bót công trôn lại dời từ dốc Hội Phú về nằm ở chỗ sau này thành lập Hội Trường Diên Hồng, mỗi kỳ hè các trường được tổ chức phát thưởng trong Hội trường này, hoặc có những đoàn cải lương về hát, ầm ỉ mấy đêm, bây giờ là Khách Sạn Tre Xanh. Tôi có anh bạn trai tên Khảm, nghe đâu là con nuôi của một vị bác sĩ làm ở bệnh viện tỉnh, thỉnh thoảng lấy giấy mời của bố nuôi đưa chúng tôi vào xem phim
Sân vận động Hoa Lư thành lập từ thủa năm 61, 62 gì đó bên cạnh đường đi KonTum, một khán đài xây bằng đá hộc, cho đến năm 1972 thì phá bỏ xây dựng nhà ở.
Con đường Hai Bà Trưng ngay từ đầu đường trước năm 61 có cái nhà gọi là quận Lệ Trung, sau đó tháo dỡ dời xuống chỗ huyện Đák Đoa ngày nay, để xây một căn nhà gác gỗ gọi là biệt điện, sân cỏ rộng cho chúng tôi sau này là những Hướng Đạo Sinh vào sinh hoạt mỗi chủ nhật, hoặc vào đó ôn bài và… tình tự nữa chứ…đối diện là tòa Hành Chánh, lính gác đầy mà trẻ con tụi tui cứ chui rào vào hái hoa, sau này xây rào cao hơn mới thôi,
Kể sao cho hết, địa danh nào là Hội quán Phượng Hoàng, Khu Tạo Tác, Ty Thanh Niên, Thung Lũng Hoa Lư, Dojo Bạch Đằng, Đạo quán Hướng Đạo, Nhà thờ Hiếu Đạo Kitô Vua, chẩn Y Viện Tin Lành Ia Dran, Tòa Hòa Giải rộng quyền, Tòa án trên đồi đường Lý Thái Tổ, chợ Truyền tin, chợ Thần Phong, Dạ Lữ Điếm ( căn nhà 5 gian có mấy cái giường gỗ, mùng chiếu dùng cho người đi xa lỡ buổi có chỗ nghỉ ngơi về đêm với cái giá mỗi đêm vừa 2 ổ bánh mì, mọi thứ do chính phủ đài thọ…ở góc đường Phan Đình Phùng-Lý Thái Tổ; về trường học thì có trường Trung Học Công Lập, Nam tiểu học, nữ tiểu học, trường Thánh Phao Lồ, trường Pleime, Trường Vĩnh Hưng, trường Bồ Đề, trường “tàu” Tuyên Đức, trường Trương Quang Ân, Trường Trần Quốc Toản; có những tên chết với thời gian như ngã ba Diệp Kính, Chợ Mới, Hoa Lư, Diên Hồng, hay một tên rất Mỹ mà người lớn tuổi còn nhớ “Kem Hô Lô Quay” (Camp Holloway), hay địa danh “mả ông dân biểu”…
…Sau này ông Phở Đại Hưng ra món phở khô, nhà tôi ế dần, thiên hạ theo ông làm phở khô, mà bí quyết nghe ra không khó lắm, tuy nhiên ba tôi không muốn theo nghề nữa nên đánh đổi nghề khác, cho nhà bớt mùi mỡ bò, ông nói vậy.
Hết chiến tranh, mơ ước về quê chưa kịp, đi làm rẫy xa, khai dỡ mấy mảnh rẫy, vô phúc vướng bom bi rải trong chiến tranh còn sót lại, cha tôi chết khi chuyển về đến bệnh viện, mẹ bị thương, sau đó một năm kiệt sức cũng qua đời, lũ chúng tôi lao vào cuộc sống mới, cuộc sống của những trẻ mồ côi, tự lực cánh sinh, nghĩ như ba tôi ngày rời quê lên, thiếu thốn trăm điều, xã hội nhiễu nhương, chiến tranh kề mang tai mà sống được chẳng lẽ giờ bình yên, không sống được sao, nên cố gắng dìu nhau, sắn khoai ăn học, kinh doanh từ chợ trời đến hàng lậu, hàng bộ đội ăn cắp ra bán, buôn chuyến, chụp giật đánh đổi những bữa cơm độn khoai sắn, bo bo mà thành công, nay vào nề nếp, chồng con đầm ấm…
Về Pleiku thăm lại, viết đôi dòng kỷ niệm vụn vặt, mà nhắc lại chuyện xưa cũ lòng thấy bùi ngùi lẫn vui vui, vậy thôi.

TTH
Cựu học sinh Minh Đức




--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Bryce
post May 31 2008, 09:27 AM
Post #20


Thân Hữu
***

Group: Members
Posts: 291
Joined: 16-April 08
From: California
Member No.: 26
Country




Những vu vơ

từ một hành tinh khác


love1.gif

Một chút tình
Em Minh Đức – tóc dài tha thướt
Người đi qua đời tôi
Dửng dưng mà như khóc
Oán trách nhiều không người

Nhà thờ và hàng thông
Vãn thường như nhau
Phượng hồng giờ đã mất
Sân trường cũ về đâu
Em cũng mờ xa khuất
Mà vẫn thương như nhau…
Rồi ấm ức một niềm đau

Chỗ em ngồi
Hang đá nay đâu
Tương tư mãi sân trường
Giờ ở nơi nào

Trong anh áo xưa màu trắng
Vẫn trắng
Và vị đắng cuộc đời
Hồng ?
Anh vẫn nhớ em

Hồn xưa và hôm nay
Tàn theo gió heo may
Sắt se cơn gió lạnh
Theo sương mờ bay bay

Em vẫn bay bay
Như mơ mà như thực
Sương mờ bay
Và vẫn nhớ em say…!
H Nguyen - Minh Đức



Cảm đề bài thơ và tâm sự của một người anh học trên lớp, xin gởi đến HNg, bạn thân của tôi ngày đó. Mong HNg đọc được và hãy mỉm cười cho những kỷ niệm xa xưa nơi sân trường Minh Đức.

Lời than thở thay lời tạ tội:
83.gif
Gởi cho người giờ đã rất xa xôi
Mái tóc cũ nhạt nhòa pha ký ức
Mà sao lòng vẫn thổn thức đầy vơi !..
.


Một Cựu Học Sinh Minh Đức




--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Bryce
post May 31 2008, 09:39 AM
Post #21


Thân Hữu
***

Group: Members
Posts: 291
Joined: 16-April 08
From: California
Member No.: 26
Country




love1.gif

Những Đoản Thơ Tình Dễ Thương

LêXuânHảo

gift5pb.gif

Tôi về ôm cõi riêng tư
Thương sao yêu dấu hình như. . . không còn
Ngày mai Dallas có buồn
Houston còn khóc dỗi hờn không Anh?
Ngày mai đời vắng. . . Chúng mình
Đi. Về - Texas - mông mênh lạc loài. . .
Với tôi: Anh cả một đời
Với Anh: Tôi chỉ một thời đam mê
Anh. Về nắng sớm mưa trưa
Tôi. Trong tim đợi từ chưa. . . biết buồn!

Dallas! Bây giờ buồn vui ra sao?
Trong Anh còn chút ái yêu nào?
Tôi! kỳ vọng từng âm hưởng cũ
Nghe hồn mình chùng ngã lao đao. . .

Ngày mình chia tay
Biển mặn Anh về; Nắng khô Tôi ở
Gió trên môi ngồi chờ
Nụ hôn yêu khuân chở
Vấn vương trong hồn làm tim Tôi bơ vơ. . .
Nhớ ơi là nhớ!!!
Tháng Năm nào? mình gặp lại?
Vâng!
Nhớ ơi là nhớ!!!
Đôi mắt chùng trong nhau.
Lòng hắt hiu; Hoàng hôn bật máu
Đời buồn. Đêm thênh thang trong góc phố sầu ơi
Thương sao Tôi trái tim mồ côi



((*!!*)))LêXuânHảo
Tặng Ntyd, tháng 5 năm 2008




--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Bryce
post May 31 2008, 09:45 AM
Post #22


Thân Hữu
***

Group: Members
Posts: 291
Joined: 16-April 08
From: California
Member No.: 26
Country




Một thời Kỷ niệm



Năm 1966, lớp đệ ngũ của trường Trung Học Minh Đức bỗng nổi lên chuyện lạ, một tờ bích báo ra đời, tờ Thông Reo. Và ở Pleiku khi đó là tờ báo tường của học sinh đầu tiên xuất hiện ở Minh Đức.
Là thằng học trò của lớp đệ thất, là lớp út éc nhất của trung học, lần đầu trông thấy 1 tờ báo lạ của mấy anh lớp lớn làm, chẳng hiểu vì sao tôi đâm ra mê, mê đến kỳ lạ, nào là tranh vẽ, nào là thơ, nào là phóng sự mấy hồi, chuyện tiếu lâm, tranh vui cười, màu sắc đủ loại trên tờ croqui trang nhã được bấm pinair vào một tấm bảng thông cáo.
Mở đầu bằng cái tên báo Thông Reo và kèm 1 câu thơ nói về tên của tờ bích báo mình : Thông thẳng sống ngay, sống giữa trời, Reo vang tiếng nhạc khắp nơi nơi…chủ biên khi ấy có mấy anh mà tôi vẫn còn nhớ : Anh Nguyễn Văn Hà, anh Trần Đức Chỉ, anh Nguyễn Quang, mỗi anh đều là thần tượng của lớp nhỏ chúng tôi, anh Chỉ người tuy có chiều cao khiêm tốn, luôn chải chuốt, miệng luôn luôn nở nụ cười với mọi người, hoặc 1 mình thì cũng dáng như cười mím chi, được biết anh làm thơ thì nhanh như máy, văn viết của anh được thầy Nguyễn Hướng, thầy Phan Ngọc Nguyên luôn cho những điểm cao anh có những bài viết mà chúng tôi đọc say mê, vẫn còn thuộc trong đầu nhiều câu cho đến ngày nay, hoặc có bài 3 anh viết chung rất tiếu lâm mà tôi có dịp sẽ kể lại khi nhớ hết, anh ấy còn nhơi đàn accordeon, thổi harmonica, chơi guitar và tập tò soạn nhạc, anh Hà thì cao hơn, đẹp trai, đàn hát văn nghệ, diễn kịch thì không ai bằng, hình ảnh của anh tôi vẫn nhớ mãi, những buổi cắm trại trong niên khoá, ôm cây đàn ghi ta màu sơn đen bóng, hát những tình khúc, những bài du ca, những bài nhạc tây lạ lẫm với chúng tôi khi đó, văn chương của anh chẳng thua kém gì anh Chỉ, bài nào cũng vui tươi, có những bài thơ ngắn mà chúng tôi “rình” chép vào sổ tay, sau này ghi vào lưu bút của mình, nhưng vẫn mở ngoặc ghi chữ “anh Hà” để tôn trọng tác giả; anh Quang là thần tượng chúng tôi về môn bóng rổ, một anh học sinh Việt Nam nhỏ con so với mấy anh chàng lính Mỹ to xác, anh vẫn chơi bóng trong sân trường mỗi chiều với những anh chàng lính Mỹ ghiền bóng rổ khi đi ngang qua trường, và nhanh không thua ai, những cú ném bóng tuyệt vời mà người Mỹ thán phục, có những quả bóng ném từ giữa sân mà lọt thỏm vào trong cái rổ được vỗ tay tán thưởng, rồi bị bế lên, tung hứng, trì trồ ra vẻ khen ngợi tài năng, bài viết cũng chẳng thua kém gì mấy anh kia, đặc biệt nhất, là chữ viết của anh Quang tuyệt đẹp, được biết, hàng năm, anh vẫn được thầy Tùng thư ký văn phòng khi ấy nhờ viết các chứng chỉ học trình cho học sinh toàn trường nhờ vào nét chữ đẹp nhất trường ấy.
Cũng mấy anh này, à có 1 anh nữa chứ, anh Trọng, chuyên về bóng đá, đã giúp Hiệu Trưởng thời ấy là Lm Nguyễn Bá Quý, tổ chức những buổi so tài bóng đá giữa các lớp trên sân vận động tỉnh, anh Trọng làm trọng tài, chạy trong sân, thổi còi toe toe : manh, nu , cọc ne, pê nan ti, ọc giơ…những cái từ nghe lạ lẫm mà có vẻ chuyên nghiệp của các anh, so tài bóng rổ giữa các lớp, anh Quang vừa là huấn luyện viên, khi đấu thì làm trọng tài, nom chuyên nghiệp không thua gì trong những phim thể thao ngày nay thấy trên TV, đang chạy thổi toe 1 cái, hai tay ra hiệu xoay xoay như trẻ em làm động tác lái xe, khi thì dậm chân chỉ 1 tay lên 1 tay ra hiệu gì đó, khi 2 tay dằn chéo, hạ xuống trông hay lắm.
Anh Chỉ, chăm sóc tờ bích báo Thông Reo, thấy tôi thích thú, anh xúi, em làm 1 tờ đi, làm rồi sẽ quen, tôi chẳng biết viết, chẳng biết vẽ gì, anh bảo “bây giờ em mua 1 tờ croqui, anh chỉ cho” , tôi làm theo, anh đặt tên cho tờ báo của tôi là The Drake, có nghĩa là vịt cồ, là phụ trương của Thông Reo, chỉ sưu tầm toàn chuyện vui cười, và tranh hài hước thì vẽ lại trong những tạp chí tiếng Pháp anh đưa cho tôi mà thôi, chẳng có gì sáng tác cả, rồi sau đó được sự đồng ý của Lm Hiệu Trưởng, khi đó là cha Nguyễn Bá Quý, chỉ hơn 1 tháng sau khi tờ bích báo Thông Reo và The Drake thử nghiệm ra đời, nhà trường có đợt thi đua bích báo toàn trường đầu tiên, mà khi đó cũng là đầu tiên của tình Pleiku về bích báo, nào là những tờ Bình Minh, Tuổi Hoa Niên, Tuổi Thơ, Chăm Học, Chuyên Cần…lần lượt được các lớp chọn cho mình… Hừng Đông là tên tờ bích báo của lớp chúng tôi, được cô Vũ Thị Lạng là Giáo sư cố vấn, theo danh xưng lúc bấy giờ, đặt tên sau 1 buổi họp lớp rất dân chủ, nghĩ là rất vui khi cô viết bài đầu tiên dưới bút danh Người Chị Cả, các lớp khác, các thầy cố vấn cũng viết 1 bài, còn lại là những bài văn, bài thơ ngô nghê của đám học trò nhỏ tập viết báo, tuy nhiên tuyệt đối không nhờ vã, cóp pi, sao chép của ai cả, bút màu và croqui thì có tiệm Nguyên Thành, hoặc nhà sách Như Ý gần Air Việt Nam bán, tha hồ mua và trình bày, và những lần thi đua như thế, Tờ Thông Reo thoạt đầu luôn giải nhất, thế đấy, nhưng sau đó một vài tháng, khi đã có kinh nghiệm hơn, mua hẳn một cuốn sách Những Mấu Chữ Đẹp của tác giả Bùi Bá Nghệ về xem kiểu chữ mà trình bày, từ đó, tờ bích báo Hừng Đông của chúng tôi trở thành tờ cạnh tranh ngôi số 1 của trường với tờ Thông Reo của anh Hà anh Quang, Anh Chỉ.
Phong trào làm bích báo đuợc sinh ra từ đó, và lan qua các trường khác.
Truyền thống này đến thời Lm Hoàng Đức Oanh về thay Lm Nguyễn Bá Quý, lại tăng thêm tờ tin tức hàng tháng 8 trang được in ốp xét trên giấy “pơ luya fo” loại A4 ngày nay, và giai phẩm Minh Đức Giáng sinh, Giai phẩm xuân, Kỷ yếu hè, và xuất bản 2 cuốn sách của thầy Đặng Phúc Nguyên : Phụ Huynh liệu đã lỗi thời và Tuổi Trăng Tròn, mấy tập thơ Tan Mùa, Dựng mùa của đám thi sĩ học trò, tập thơ Bản Thảo Một Đời của thầy Cao Đình Vưu ( Cao Thoại Châu ), một tập thơ của thi sĩ Hoàng Khởi Phong, 1 tập nhạc của thầy giáo nhạc sĩ Anh Sơn, thơ của thầy Vũ Hoàng, thơ Ngựa Hồng về Núi gì đó của thầy thi sĩ Kim Tuấn, bản nhượng quyền của tác giả bộ Động Từ Bất Quy Tắc Trong Tiếng Anh…v.v…báo tường xuất hiện liên tục hàng tháng, dù có thi đua hay không. Đặc biệt, trường Minh Đức của chúng tôi có một thư viện lớn với hàng ngàn đầu sách có giá trị, mê nhất là những cuốn sách của các tác giả từng đoạt giải Nobel. Hay những cuốn tuyệt tác Trung Hoa như Tam Quốc Chí, Đông Châu Liệt Quốc, Thủy Hử..v.v…
Có một sự kiện năm 1970, một tờ báo tường bí mật dưới tên “Rùa” chẳng hiểu của anh nào, lớp nào, trình bày đẹp và trang nhã, viết toàn chuyện tiếu lâm và ra kiểu “ phe đối lập”, chủ trương như tờ báo “Con Ong” của người lớn vậy, có chút Trạng Quỳnh ở trong tờ báo ấy, vì phía dưới có câu “đọc xong chưởi bố đứa nào phê bình”, ra được mấy số, đọc giả bu đen mỗi khi tờ Rùa xuất hiện, sau đó hết chuyện hay sao ấy, nên không thấy xuất hiện tiếp, tờ này làm 1 số thầy khó chịu vì bài viết không nêu đích danh nhưng ngụ ý, lồng ghép trong mẫu chuyện cổ tích hay chuyện giả tưởng, mà người đọc có liên quan thấy nhột bụng, đã góp ý với Hiệu trưởng cấm hoặc xé nó đi, nhưng sau khi bàn với ban Đại Diện Học Sinh ( Cái Ban Đại Diện này là tính cách dân chủ học đường đầu tiên của các trường ở Pleiku do Trường Minh Đức tổ chức bầu cử vui lắm như người lớn bầu nghị viện vậy, có cả bác Phóng viên Thanh Bình quay phim nhựa, chiếu giờ thời sự trong các rạp hát suốt hơn 1 tuần ) Hiệu trưởng vẫn cho nó tồn tại, vì tiếng nói này thể hiện cái ý thức dân chủ, tính phản kháng của tâm lý tuổi trẻ, cần có nó để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của học sinh, tuổi mới lớn, khi mà nền giáo dục vẫn áp đặt truyền thống cứng ngắc Quân Sư Phụ, có những điều học sinh muốn bày tỏ mà không dám…
Sau 2 năm làm hiệu trưởng, Lm Hoàng Đức Oanh (nay là Giám Mục Micae) nhận tác vụ khác, Lm Trần Sơn Nam về làm Hiệu trưởng tiếp tục những hình thức tổ chức này, và phát triển thêm lên, vẫn bích báo, Nội San, Giai phẩm, Thư Viện và Ban Đại Diện học sinh đi bên cạnh Hội Phụ Huynh học sinh giúp nhà trường trong việc học tập và sinh hoạt học đường của học sinh .
Nhìn lại cái vẻ vang của trường Minh Đức lúc ấy tự hào lắm, cái gì với tôi hình như cũng đi trước cả, cái gì với tôi cũng hay cả…
Viết đôi dòng kỷ niệm thời áo trắng, tươi đẹp, dễ thương.

Một cựu học sinh Đệ Thất 1- niên khóa 66-67




--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Bryce
post May 31 2008, 09:48 AM
Post #23


Thân Hữu
***

Group: Members
Posts: 291
Joined: 16-April 08
From: California
Member No.: 26
Country





nature-smiley-009.gif


Những Đoản Thơ Tình Dễ Thương

LêXuânHảo

love1.gif

Tháng Năm rực nắng
Màu hy vọng của mùa Xuân tràn lan trên phố
Tôi không còn Anh để yêu như thuở vừa biết nhớ
Thuở mới chợt nghe - - - dòng máu thì thào trong khuôn tim nhỏ
….hình như là tình yêu
Bây giờ thôi đã cũ
Tháng Năm trở vể gợi trong Tôi kỷ niệm của những buổi chiều
Mang tên quá khứ
Trên những con đường ủ nắng vàng au
Màu tình yêu vừa…
Chín nẫu!

Plano, Dallas, Southlake, Frisco. . .
Chân trời tím tràn Bluebonnet
Ngầy ngật ngàn xưa
Thương quá thể….
Tháng Năm đã về giữa đêm khuya
Và những ngày rất sáng
Cùng những buổi chiều lảng mạng

Trong hồn Tôi
Một Tháng Năm
Dài thênh thang - Rực nắng
Những bước chân đi về
Thương nhớ mãi ngàn xưa
Của một thời vừa biết nhớ


(((*!*))LêXuânHảo
Dallas-CuốiThángNăm-HaiNgànLẻTám






--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Bryce
post May 31 2008, 10:18 AM
Post #24


Thân Hữu
***

Group: Members
Posts: 291
Joined: 16-April 08
From: California
Member No.: 26
Country





HOÀI NIỆM




Sau mấy chục năm xa cách thành phố Pleiku, nay tôi theo nhóm Tận Hiến về Pleiku thăm các làng phong trên miền Phố Núi đầy sương mù và những lúc nắng nóng mịt mù gió bụi của ngày xưa, nơi tôi có nhiều kỷ niệm của một thời học trò, những buồn vui của tuổi mới lớn, những nghịch ngợm của lũ bạn học cùng lớp chạy nhảy trên bàn ghế đuổi nhau làm đổ cái ghế dài trúng ngón chân cái làm tôi đau điếng và bị bong móng, và ngày hôm sau lại đổ thêm một lần nữa và ngón chân cái bên kia lại bong tiếp và lâu thật là lâu 2 móng chân cái của tôi mới trở lại bình thường, người làm đổ ghế là bạn Tiến ( nghe nói bạn đã mất vì nhiễm HIV bị chồng lây sang, cả 2 đã chết và bỏ lại mấy đứa con, thật tội quá ! )
Xe chạy tới Trà Bá bỗng dưng lòng tôi nao nao khó tả. Mình đã thật sự trở lại nơi ngày xưa mình đã từng ở, từng học hành và cùng vui buồn với các bạn cùng lớp.
Xe đã dừng lại trong khuôn viên của Dòng Phao lô. Tôi và cả nhóm xuống xe và theo sự hướng dẫn của Soeur Liên, nhóm chúng tôi đến các phòng mà các Soeur đã sắp xếp để chúng tôi nghỉ ngơi và hôm sau chúng tôi sẽ đi làm việc ở các làng có người phong như Làng Mít, Plei Chuét, Dak H’ding..v.v..( những tên tiếng Jarai, Banar tôi viết không biết có chính xác không ! )
Sau mấy ngày làm việc ở các làng phong và các cô nhi viện Vinh Sơn ở KonTum chúng tôi có một ngày nghỉ ngơi để hôm sau chúng tôi về lại Saigon.
Hôm nay tôi phải đi kiếm người bạn thân của tôi sau mấy chục năm xa cách. Tôi thả bộ từ Dòng Phao Lô xuống đường Quang Trung nơi người bạn tôi ở. Vừa đi vừa ngắm nhìn cảnh vật chung quanh, mọi vật ở đây cũng thay đổi, đường được tráng nhựa không còn đất bụi như ngày xưa nữa. Tôi tìm nhà bạn thấy khác hẵn ngày xưa. Và kìa ! bạn tôi đang đứng bán hàng cho khách, tôi đứng nhìn bạn mình mãi. Nó vẫn thế, dáng gầy cao cao chẳng khác gì mấy, mình nhận ra nó, không biết nó có nhận ra mình không ? Đợi bạn bán hàng xong tôi chạy đến hỏi :
- bạn có phải L. không ?
- ờ, L đây, ai vậy ?
- không nhận ra mình sao ?
- ….
- H. đây mà…
Thế là 2 đứa mừng chảy nước mắt, hỏi thăm nhau hàn huyên câu chuyện đủ thứ. Sau đó L nói : Ông Cương mất lâu rồi, hồi mùa hè đỏ lửa năm 72. Tự dưng tôi hơi nhoi nhói ở tim khi nghe tin này. Mặc dầu đã lâu rồi, ngày xưa tôi cũng chẳng có tình ý gì với người ấy, nhưng nghe nói mình chợt nhớ lại chuyện xưa mà thấy nhoi nhói cho người đã để ý đến mình còn mình thì lại thờ ơ.
Tôi thì không biết người này, nhưng L thì chơi với em gái của người ấy, chẳng biết làm sao mà họ biết tôi. Tôi đâu có đến nhà em gái người ấy bao giờ. Có lần L đưa tôi phong thư, nói : có người gởi cho H nè, tôi hỏi : Của ai vậy? – coi thì biết.
Tôi mở thư ra coi, đó là thư làm quen, tôi đưa lại cho L
- L coi đi, H không biết người này
Thế là từ đó lâu lâu L lại đưa tôi một lá thư và trong thư bao giờ cũng bảo tôi trả lời thư. Nhưng tôi không biết mặt mũi thì làm sao trả lưòi được. có lần L đưa, tôi chẳng coi mà xé đi rồi vất dưới gầm bàn. thế là L la tôi – không đọc thì L đọc, mắc gì xé đi. Sau này tôi mới nghĩ ra L để ý đến người này.
Thư đưa hoài mà không trả lời cũng kỳ. tôi trả lưòi thư cho người ấy là tôi đã có bạn rồi đừng viết thư nữa ( nói vậy thôi chứ tôi có ai đâu )
Nhưng vài hôm sau L nói với tôi
- con Nhung nó nói nó ghét H.
- tại sao vậy ?
- vì H làm cho anh hai nó buồn.
Trong khi đó tôi không biết anh hai nó là ai ?
Có lần trời mưa tầm tã. Tôi đi học tới cuối nhà thờ bỏ áo mưa ra , đang xếp lại thì có người nói :
- đưa áo mưa anh xếp lại cho.
Tôi ngẫng lên nhìn thấy một người dong dỏng cao, đẹp trai đứng ở trước mặt tôi, tôi đoán là ai rồi. Thế là ba chân bốn cẳng túm áo mưa xách cặp chạy như ma đuổi băng qua đường, chạy một hơi lên lầu 2 vào lớp. vạt áo dài bị đất đỏ bắn lốm đốm như tổ ong. Thế là tôi biết mặt nhưng chưa có cảm tình với người ấy. Năm đó người ấy thi tú tài 1 rớt, ít lâu sau thì phải đi lính.
Nghỉ hè năm 1970. buổi cuối cùng của năm học, tôi với người bạn đi bộ từ trường tới nhà thờ Thánh Tâm để đón xe lam về nhà. Vì hồi ấy nhà tôi ở gần phi trường Camp Holloway của Mỹ, thì thấy một người mặc áo lính đi xe honda chạy đến và đưa tôi quyển sách “Vạn Vật Học lớp 10” ( bây gìơ là Sinh Học lớp 10 )
Tôi không nhận và nói là không quen. Người ấy nói cứ nhận đi, khi tôi nhìn thấy chữ “Cương” trên túi áo phải thì tôi biết là người ấy. nhìn mãi và tôi đã nhận cuốn sách ấy. khi tôi cầm quyển sách ấy rồi thì người ấy không nói gì và quay xe đi.
Đến tối, tôi mới lấy quyển sách ra xem, thì bên trong có một bức thư rất dài, đại khái là người ấy yêu đơn phương, nếu có nghĩ đến người ấy thì viết thư theo KBC…còn không thì… hình ảnh của một người con gái đã đi qua đời người ấy. và tôi vẫn còn nhớ mấy câu thơ người ấy viết trong thư :
“ …..Tôi chỉ biết thổn thức trước đối tượng
Lạy Chúa nhân từ con xin thú tội,
Vì nàng đẹp quá hoá con yêu
Tình yêu đâu phải tội lỗi
Đã biết rằng con yêu, vẫn cứ yêu…”
Rồi hè năm đó tôi theo gia đình về Saigon, thế là những sự việc cuốn hút theo năm tháng rồi tôi cũng dần quên người ấy.
Bây giờ L nhắc lại, tôi cũng thấy xốn xang, không biết họ đã quên mình chưa hay là khi chết lại mang theo hình bóng của mình thì chết thật.
Nhưng dù sao đi nữa tôi cũng thấy mình có lỗi và tôi vẫn thường cầu nguyện cho người ấy trong thánh lễ hay những lúc đọc kinh chung với Hội Dòng. mặc dầu sau mấy chục năm mới biết tin người ấy không còn ở trên cõi đới này nữa.
Nguyện cầu cho linh hồn người ấy được thanh thản.

THU TÍM




--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post

3 Pages V  < 1 2 3 >
Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 23rd June 2024 - 08:27 PM