Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Giữa bọ, cây và người, Trần Lý Lê
lalan
post May 10 2016, 09:30 AM
Post #1


Phố Cũ
***

Group: Năng Động
Posts: 2,691
Joined: 21-April 08
Member No.: 43
Country




Giữa bọ, cây và người


Dendroctunnus, hình ảnh của Forest Service, Hoa Kỳ

Từ New Mexico đến British Columbia, những cánh rừng thông bạt ngàn rủ nhau đau ốm và ngã gục hàng loạt. Những cánh rừng ngọc thạch trở thành những bụi cây khô nâu đỏ. Montana mất cả triệu mẫu rừng. Colorado và Wyoming còn tệ hại hơn nữa, và những con bọ cánh cứng kia chính là thủ phạm!

Bọ cánh cứng (beetle) màu đen, kích thước chỉ nhỉnh hơn đầu ngón tay chút xíu, chọc thủng vỏ cây và tạo một địa đạo trong thân cây mà gửi trứng. Khi trứng nở thành ấu trùng bên trong vỏ cây, chúng thủng thẳng ăn dần lớp cambium chứa chất dinh dưỡng nuôi cây. Một công đôi việc, bọ cánh cứng mang nấm đến thân cây, loại nấm này chặn đứng sự vận chuyển của nhựa cây vì nhựa cây có thể làm ấu trùng chết đuối. Loài nấm kia nhuộm xanh các thân cây thông. Cứ như thế các đàn bọ cánh cứng thiêu hủy những rừng thông từ vùng đất này sang vùng đất khác.


Tên cũng như vật, những con bọ cánh cứng kia có một cái tên không oan uổng chút nào: Dendroctonus, tiếng La Tinh có nghĩa là “diệt cây”! Và chúng là tử thần của cây cối, không dữ dội như thần hỏa nhưng ác liệt không kém.

Vỏ quýt dầy như thế thì móng làm sao? Cây có làm chi được chăng? Cây cũng có phản ứng, và phản ứng của cây là tiết ra nhựa mỗi khi thân cây bị tổn thương. Đôi khi cây thắng, những con bọ cánh cứng và trứng chết đuối trong vũng nhựa dính như sáp, và cây sống. Nhưng hầu hết các cuộc chiến tranh giữa cây và bọ thì bọ gần như bách chiến bách thắng, nhất là những năm hạn hán sau này, mưa ít nên đất khô, cây cằn; mà cây cằn thì đâu có nhiều nhựa để phản kháng?

Con người làm chi để giúp cây sống còn? Các nhà nông lâm dùng hóa chất có tên “aggregator pheromone” để đánh lừa bọ; biểu rằng cây đã có quá nhiều bọ rồi, đừng đến nữa, một hình thức đánh dấu lãnh thổ của loài bọ cánh cứng. Nhưng lừa gạt thế nào thì lừa gạt, các con bọ kia cũng khôn ngoan ra mà đánh bài lờ, nghĩa là cái món pheromone kia chẳng mấy hiệu quả nữa!

Với những cây được xem như có “giá trị”, chủ nhân của những cánh rừng đành dùng thuốc diệt bọ, xịt thuốc từ gốc đến ngọn, và mỗi cây tốn từ 10-15 Mỹ kim nếu cả cánh rừng đều được xịt thuốc bảo vệ. Nhưng cả triệu cây như thế thì làm sao mà xịt thuốc cho xuể?

Thời tiết mấy năm nay lại không mấy thuận lợi cho con người. Năm 2006, Wyoming và Colorado chết mất một triệu mẫu thông, năm 2007, 1.5 triệu mẫu cây nữa cũng hư hại, năm nay người ta ước chừng sẽ có khoảng 2 triệu mẫu cây chết khô chết héo vì bọ cánh cứng. Bên kia bên giới, người Canada còn khốn đốn hơn, British Columbia mất 33 triệu mẫu thông, thêm cơn gió chướng thổi những con bọ cánh cứng kia qua đến Alberta, và các chuyên gia về nông lâm đang lo sốt vó, họ lo ngại rằng dịch bọ cánh cứng có thể lan rộng đến vùng Great Lakes. Đây là một trận dịch bọ lớn nhất trong lịch sử của vùng Bắc Mỹ!


Rừng núi ở Dillon, Colorado. Credit: Whit Bronaugh

Các chuyên gia tính toán rằng nếu loài bọ kia mà không sớm bị diệt trừ thì trong vòng 5 năm sắp tới, hầu như mọi cây thông có đường kính trên 5 phân Anh sẽ mất dấu, cỡ 5 triệu mẫu cây như thế! Sự mất mát đang diễn ra hàng ngày và người ta nhìn thấy ngay trước mặt mà chưa biết làm sao để cứu vãn tình thế.

Trận dịch bọ cánh cứng đến từ nhiều lý do: Thần hỏa đi vắng khá lâu nên hầu như các rừng thông đều có cùng tuổi, và tuổi già nên dễ nhiễm bọ. Hơn nữa qua nhiều năm thiếu mưa nên đất khô, đất khô nên cây cằn và thiếu nhựa. Những mùa đông lạnh giá khiến cây khô cằn hơn nữa, vỏ cây mềm dần và trở nên dễ dàng hơn cho những con bọ cánh cứng kia xâm nhập rồi xâu xé. Bọ tăng trưởng con đàn cháu đống qua việc vắt nhựa sống của cây.

Không chỉ những rừng cây hoang dã bị phá hủy mà cả những rừng thông tại các vùng nghỉ mát, trượt tuyết cũng xơ xác, trông hết cả đẹp! Và người ta đang hì hục trồng cây mới.
Những rừng thông chết dần mòn ảnh hưởng khá sâu đậm đến môi sinh. Ở Yellowstone, bọ cánh cứng hủy hoại các rừng thông vỏ trắng. Những rừng thông này cho một loại hạt, pine nut, chứa nhiều chất béo và là thức ăn chính của loài gấu grizzly. Gấu đói nên tấn công người! Cây chết nên chẳng còn thứ gì để giữ chân tuyết đá. Mùa xuân đến tuyết sẽ tan và đồng bằng sẽ lụt lội chưa kể những đồi tuyết đá kia sẽ tan đồng loạt khi trời ấm, và các dòng nước lạnh sẽ hủy hoại môi sinh của những con cá hồi ở hạ nguồn. Sự hư hại kéo nhau đi theo kiểu dây chuyền, chỉ có giống chim đục gỗ (woodpecker) và các loại vật ăn sâu bọ thì mới có dịp đục nước béo cò!

Cây khô nên dễ cháy, và người ta lo ngại những trận cháy rừng dễ dàng như chỉ cần một que diêm! Thế là các cơ quan nông lâm hè nhau chặt cây chết khô.

Người ta làm gì với cả triệu mẫu cây khô kia? Gỗ thì không dùng được chỉ có cách xay nhuyễn mà chế tạo giấy chăng? Giấy loang lổ các vùng xanh xanh vì nhiễm nấm thì ai mà mua? Thế là họ phải tìm cách “tẩy” các vệt nấm lỗ chỗ kia để bột giấy còn có chỗ mà tái tạo! Colorado đã xây thêm hai nhà máy để tiêu thụ các rừng cây chết khô. Họ xay thân cây thành bột rồi ép bột cây thành từng “bánh” gỗ dùng đốt lò sưởi. Tóm lại là người ta đang tìm lối sống từ cái chết của cả mấy chục triệu mẫu rừng kia trong khi chờ đợi ngày mai trời lại sáng!

Còn những khu rừng nghỉ mát thì sao? Cây đâu có mọc xanh tươi nhanh chóng như thế? Ít ra là cũng phải chục năm để có những rừng thông bạt ngàn ngọc thạch như xưa, thế nên người ta đành thở dài mà bảo nhau, nơi nghỉ mát mà xấu xí thế này thì nhìn ngó cái chi bây giờ?
Ôi chao là tai ương, và bắt đầu từ những con bọ cánh cứng nhỏ xíu kia. Ai ngờ đâu một vật thể bé tí như thế mà có sức hủy hoại lớn khó tưởng? Thì ra sự tai hại nào cũng có thể khởi đầu bằng những điều nhỏ xíu, ông bà ta quả không sai khi dạy dỗ con cháu cái sảy nảy cái ung?

TLL


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 23rd June 2024 - 10:14 AM