Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Bâng khuâng nhớ Huế, Cao Nguyên
KhoaNam
post Feb 15 2018, 05:14 PM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 7,735
Joined: 8-August 09
Member No.: 4,377
Country




Bâng khuâng nhớ Huế


(Thân tặng Kinghawk Nguyễn Xuân Hiếu )

.. Tôi và Anh xa nhau hình như hơn ba mươi tám năm, từ lúc anh rời PĐ 239 sang PĐ mới thành lập 253, còn tôi trụ lại đó đến đầu năm 1975 cũng đổi về vùng III CT. Sau ngày 30.4.75 định mệnh, nghe nói anh đi học cải tạo rồi đưa gia đình về quê ở Ninh Hòa. Tôi cũng về làm nông dân ở Mỹ Tho. Rồi cùng trải qua những thời kỳ khó khăn của những năm ngập lụt, thiếu ăn. Anh đi theo diện HO từ năm nào tôi cũng không biết. Tôi thì suốt ngày quần quật với ruộng vườn,chưa bao giờ gặp lại.

Nhưng mổi lần nghe ai đó nói về Huế, hoặc nghe giọng hát Nam Bình văng vẳng từ đâu đó, tôi lại nghỉ về anh, bởi trong ký ức của tôi luôn nhớ đến anh cùng những kỹ niệm về một thời trai trẻ của mình .

Tháng 12 năm 1970, khóa 2CP của tôi tốt nghiêp ra trường sau sáu tháng học chuyên môn và phi huấn. Lúc chúng tôi vác sắc-ma-ranh tới Đà Nẳng ký “Ski” thì cũng là lúc khóa hoa tiêu của anh vừa từ căn cứ Blackcat về sau đợt bay thực tập. Điễm đến của chúng tôi là PĐ 233 tân lập, nhưng lúc đó cái tên PĐ 233 chỉ có trên giấy tờ, cơ sở không, máy bay cũng không nên tất cả được điều đi hành quân chung với PĐ kỳ cựu 213.
Và những hoa tiêu, CP mới toanh từ trường huấn luyện về đã được tung ra thử lửa ngay trong chiến dịch LS719 hạ Lào.

Tuy có cấp bậc, chức vụ rõ ràng nhưng chúng tôi đối xử với nhau như là anh em, bởi số tuổi sàn sàn nhau: mười chín,đôi mươi .
Còn khoảng cách tri thức lại chỉ cách nhau bằng một cái bằng Tú Tài .

o0o

Khóa 5/69CP của tôi khi là tân binh phần lớn là những thằng thi rớt Tú Tài 1, một số ít có Tú tài 1 nhưng lại sợ đi bộ binh nên “trốn “vào KQ cho chắc ăn. Nhưng không ngờ HSQ/CP là chỉ số tác chiến nên ra trường không bao lâu đã rơi rụng khá nhiều. Rồi cũng có đến quá nữa quay trở lại quân trường làm SVSQ. Nhiều đứa đến cuối năm 1974 trở lại chiến trường và ngồi ghế Pilot. Cũng có thằng bụi đời hơn bỏ hẳn nghành bay, đến lúc tan hàng đã mang cấp bậc Tr/u BK dù.
Với tính cách phong nhã của binh chủng KQ, chúng tôi đã nhanh chóng trở thành một gia đình mới, sống gắn bó ở tuyến đầu .

Lam Sơn 719 chính là cuộc thử lửa đầu tiên của chúng tôi lúc bắt đầu binh nghiệp.Từ Đà Nẳng, các phi đội UH được biệt phái đến Đông Hà –Quảng Trị để hàng ngày bay vào trực chiến tại BTL chiến dịch đóng ở thung lũng Khe Sanh. Thời tiết Đông Hà năm ấy khá khắc nghiệt, nhiệt độ ban đêm xuống đến dưới 10 độ. Sáng sớm thức dậy, các “công tử bột “ như chúng tôi không dám đánh răng vì nước lạnh buốt. May sao các đợt biệt phái của tôi đều có Tây-một người bạn Xạ thủ đi cùng tốt bụng sáng nào cũng nấu sẳn nước sôi cho tôi rửa mặt . Anh gốc bộ binh sang nên rất chịu khó và tôn trọng cấp bậc quân đội. Chưa bao giờ tôi nghe anh phàn nàn gì về chổ ở hay miếng ăn. Anh nói với tôi:- bây giờ được ở KQ là sung sướng nhất rồi.

Từ Đông Hà vào Khe Sanh phải đi theo QL9 dài đến 70km. Đường đi ngoằn ngòeo dọc theo bờ suối khá đẹp. Đoạn suối rộng nhất là Dakrông, qua Kà lu, sau đó là vượt đèo Rào Quán. Trước khi đến Khe Sanh, khách lữ hành sẽ bắt gặp sân bay Tà Cơn nằm bên bờ vực bên phải .

Khe Sanh trước đây vốn là một làng dân tộc thiểu số gốc Vân Kiều, nhưng thu hút được người Kinh đến sinh sống là nhờ có đồn điền cà phê của Pháp. Lúc chiến dịch LS719 diển ra thì các đồn điền đã bị bỏ hoang từ lâu.

Thực ra lực lượng KQ chính yễm trợ chiến dịch là USAF, với các đại đội trực thăng đóng ở sân bay Ái Tử và Non Nước, còn phản lực hầu hết đều ở Đà Nẳng. Trực thăng của SĐ1KQ chỉ là phụ, làm các việc như tiếp tế, tải thương từ vùng biên giới Việt-Lào trở lại. Ấy vậy mà ngay từ những ngày đầu đã bị bắn rơi hai chiếc khi làm nhiệm vụ tiếp tế cho một tiểu đòan BĐQ đã được thọc sâu vào vùng đất Savanakhet-Lào .

Bay Số 1 và 4 của phi đội hôm đó là Pilot 213, số 2 và 3 là hai cặp Pilot 239, là những chàng phi công Blackcat như Trình, Đạt..và nhóm CP 569 có Ánh, Tiêm và tôi. Phi vụ hôm đó có hai phi hành đòan đi mãi mãi không về.Trên tàu có cả một số phóng viên chiến trường của một số hảng thông tấn Mỹ .

Tôi nhớ trưa hôm đó cũng là ngày đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp tôi được gọi trỉnh diện một tướng 3 sao ngay tại mặt trận . Số là sau khi phi đội gặp nạn, Leader bị bắn rơi, hai chiếc UH còn lại buộc phải giảm cao độ đột ngột để chạy thoát về Khe Sanh. Nhưng khi đến Khe Sanh thì lại đáp ở hai nơi :-số 3-PHĐ của tôi ngay pad A1, còn số 2 lại đáp ở BTL Dù. Đồi A1 là hầm chỉ huy của Tướng TL, sau khi nghe tin dữ, ông đã cho gọi ngay PHĐ chúng tôi vào trình diện nhưng vẫn không tin đó là sự thật bởi mới vừa rồi ông còn gặp gở các phóng viên nước ngoài trước khi máy bay cất cánh .
Trong cơn giận dữ của tướng 3 sao, may mắn cho chúng tôi là đã sớm thóat được ra ngòai trước khi ông cho PHĐ mỗi người một cái “đá chết mẹ” !

Chiến dịch LS719 sau đó cũng kết thúc. Các nhà quân sự có nhiều đánh giá khác nhau về kết quả. Có người khi được nhắc đến luôn cố tình lảng tránh. Riêng Tướng TL 3 sao, sau chiến dịch chúng tôi không còn nghe nhắc đến hay gặp lại ở Vùng I lần nào nữa..

Chúng tôi tạm rời vùng nóng bỏng một thời gian. Rồi PĐ 233 cũng có cơ ngơi, được giao nhiệm vụ chính là hổ trợ hành quân khu vực phía nam đèo Hải Vân đến Sa Hùynh. Tuy nhiên thỉnh thỏang chúng tôi cử đi Huế tăng cường cho TK TT hoặc là những phi vụ liên lạc kỹ thuật.
Anh và tôi thường đi chung với nhau trong những phi vụ nầy .
Sáng sớm Đà Nẳng, trưa Huế, chiều tối lại Đà Nẳng . Đi về trong ngày nhưng vẫn có đủ thời gian để chúng tôi lang thang trước cổng trường Đồng Khánh hay vào quán cà phê nghe nhạc Trịnh .

Tuổi thanh niên chúng tôi sau đó lại tiếp tục lao vào vòng xóay của cuộc chiến, nhưng với tôi đó là thời kỳ trẻ trai hào hùng và thơ mộng nhất .

o0o

Tôi không nghỉ là có một ngày nào đó mình sẽ được đặt chân lên đất Mỹ vì bản thân không có chút điều kiện khả thi nào .
Ấy vậy mà đến thật. Lần đầu là ở Atlanta, lần hai khá hơn đi một loạt qua các bang Mexico, California và Washington State. Nó như là một cuộc hành trình “đi tìm đồng đội” của mình .
Lần nầy trở lại Atlanta, rồi nghe lời rủ rê của thắng cháu đi thăm Boston, nhưng thực tế là muốn xem đời sống của đứa cháu ra sao .

Sỉ-cháu tôi sống ở Boston đã gần 20 năm. Người VN thường nghe nói đến Boston như là một thành phố lớn, phồn thịnh của nứơc Mỹ. Nhưng khi đón tôi ở sân bay về, vượt qua trung tâm thành phố rồi đi qua nhiều cánh rừng đến gần một giờ đồng hồ thì tôi mới biết là nhà cháu Sỉ ở tận một vùng thung lủng xa lắc xa lơ.
Đó là thị trấn nhỏ Fitchburg cách Boston đúng 60 dặm về hướng Đông.
Đường xa, nhà thưa, lại trời mưa phùn, gío lạnh; khách mới tới vùng nầy sẽ có một cảm giác giống như bắt gặp mưa phùn ở Huế mùa Đông. Lở một cô dâu nào đó mới được rước từ VN sang chắc phải nảo lòng .
Tôi thì không ở vào tâm trạng ấy nhưng vẫn cảm thấy “ôi sao mà buồn vậy!”

Thị trấn quá nhỏ, đi lòng vòng có vài con đường, chỉ nổi bật được vài ngôi nhà thờ nên gia đình cháu Sỉ phải thường xuyên lái xe qua thành phố bên cạnh để mua sắm thức ăn, đồ dùng .

Nhà cháu có bốn người, hai vợ chồng là trụ cột gia đình, đều đi làm ca sáng nên 6g đã rời nhà. Cô cháu dâu cũng khá đảm đang ,mỗi tối thường nấu nướng sẳn thức ăn để sáng ông chú thức dậy ăn sáng và ăn trưa. Buổi chiều thì 5g cả hai đều cùng về nên có thể ăm cơm chung .Có điều là ông chú đến thăm thì tiếp tục ”tử thủ” ở buồng riêng do đứa cháu gọi bằng Ông nhường lại. Đôi lúc nhìn thằng cháu quấn mền nằm chèo queo trên salông phòng khách thấy cũng ngài ngại, nhưng phải chấp nhận vì không lẻ “ Ông “phải thế chổ thằng cháu kia nằm ngáy khò khò ở phòng khách coi không được tí nào.


Cộng đồng dân cư Việt Nam tại thị trấn Fitchburg phần đông là người miền Tây, đến sinh sống tại đây từ những năm đầu thập niên 80.Tuy đến và ở lại chỉ vài hôm nhưng tôi cũng tìm hiểu được vài nét sinh hoạt của cư dân Việt. Họ sinh hoạt từng nhóm nhỏ theo mối quan hệ gia đình, thân thuộc và hàng xóm của nhau từ thời ở quê nhà. Cháu Sỉ một mình tha hương đến đây, gặp vợ người Bến Tre, sinh con và ở lại cho đến ngày hôm nay.
Khi tôi đến thì cả hai vợ chồng cháu đều đi làm ca sáng. Sỉ cho hay cháu sắp thất nghiệp vì Xí nghiệp di chuyển về nơi khác, hiện đang thu dọn máy móc. Nhưng cháu lại nằm trong nhóm cuối cùng thu dọn nên phải làm thêm cho xong việc mới được nghỉ. Ở Mỹ bị thất nghiệp cũng không lo lắm vì có trợ cấp thất nghiệp do xí nghiệp trả, tháng cũng 6,700 đô. Thời gian có thể kéo dài đến khi mình tìm được việc làm mới . Chính vì thế mà người Việt hay đi làm chui để lấy tiền mặt thêm chi dùng cho gia đình.

Người Việt sống ở Mỹ mà thấy người Việt từ quê nhà sang chơi hay du lịch cầm xấp tiền 100 đô trên tay hẳn là thèm thuồng lắm. Vì tất cả chi phí, thu nhập đều được tính bằng thẻ. Ở Mỹ muốn mua cái gì cũng được, cứ cà thẻ là xong. Nhưng cúôi tháng cái “bill” chạy về thì le lưởi. Phải ký “séc” trả. Mua ngôi nhà xinh xắn, sang trọng vài ba trăm ngàn đô có ngân hàng lo, chỉ cần trả trước từ một ít, số còn lại trả góp 5,10,20 năm, nhưng có khi phải “trả cả đời ! ”.

Sỉ xem người cậu vợ như cha vì cậu nuôi Phụng-vợ Sỉ từ nhỏ. Khi sang đây Phụng theo cậu rồi được cậu gả chồng . Vừa là cha vợ vừa là bạn nhậu nên hai cha con tỏ ra thân thiết nhau lắm. Thấy tôi đến thăm mà vợ chồng Sỉ không nghỉ phép được nên cậu cũng lo. Buổi chiều khi Sỉ về thì cậu cũng vừa về, ghé lại nhà cháu rể thăm tôi, trò chuyện, hỏi han sợ tôi buồn. Rồi thêm mấy người cháu, hai anh bạn cùng quê..nên chiều nào nhà cháu Sỉ cũng trở nên đông vui đến tối.
Nói là trò chuyện nhưng đúng ra là tâm sự với nhau bằng bia. Tửu lượng nhà vợ cháu Sỉ cũng khá, mỗi người ít nhất là ba,bốn chai. Nhưng hay một điều là cứ đến khỏang 21g là dừng. Ai cũng cáo từ về nghỉ để sáng đi làm sớm, không như bạn nhậu ở Việt Nam hay có câu “ xả láng sáng về sớm” .
Người Việt ở Mỹ rât quí việc làm. Bởi có đi làm mới chi phí đầy đủ cho gia đình, khi về hưu mới hưởng được chế độ trợ cấp xã hội. Người nào đi làm nhận tiền mặt có khi nhiều hơn, thực tế hơn nhưng sẽ không có tương lai khi về già.

Vậy mà cũng có nhiều chàng Việt kiều thất nghiệp, về Việt Nam nổ như pháo Gò Vấp “Tui làm kỷ sư nầy, chuyên viên nọ, được nghỉ phép về chơi “ . Phép gì mà ngao du hàng mấy tháng trời không sợ bị xí nghiệp đuổi ( có xí nghiệp đâu mà đuổi ) ..! Rồi xài hết tiền, mượn nợ.. Có khi dụ được một em thơm, hám mác Việt kiều, bao bọc ăn ở còn cho tiền mua vé máy bay về Mỹ với hy vọng anh sẽ bảo lảnh sớm qua xứ thần tiên. Nhiều gia đình ở Việt Nam cũng ôm hận mất cả chì lẩn chài vì cái mác “Việt kiều nổ “ ấy .

o0o

Ở Mỹ, con là con mình từ nhỏ đến 18 tuổi. Có gia đình có con vừa đúng 18 là xách gói ra ở riêng không ngó ngàng gì đến Cha Mẹ nữa! Anh Tám-cậu vợ Sỉ nói với tôi như vậy khi nhận định về con cái người Việt ở Mỹ. Do lớn lên ở đất Mỹ, sống quen theo lối sống Mỹ, chúng có tư tưởng không muốn lệ thuộc gia đình. Nhiều gia đình đông con nhưng rồi đứa trước, đứa sau cũng nối gót ra đi bỏ lại hai “con khỉ già “ sáng tối nhìn nhau mà gây gổ.
Chính vì thế, nhiều ông bà khi sắp đến tuổi về hưu đã sắp sẳn kế hoạch hồi hương về Việt Nam sống để có tình nghĩa xóm làng.
Đối với đời sống sinh hoạt ở Việt Nam thì với số lương hưu của hai người chừng một ngàn đô là khỏe. Nhưng làm sao nở bỏ con cái mà về. Con cái bỏ cha mẹ thì có chớ có bao giờ Cha Me lại bỏ con !

o0o

Tôi gặp anh Xuân Hiếu, người bạn cũ tại Boston là điều khá bất ngờ. Có thể nói đã hơn 38 năm. Tình cờ có được địa chỉ của anh với mã vùng bên cạnh nhà cháu Sỉ. Cháu Sỉ sốt sắng tìm đường và điện thoại hẹn cho tôi gặp ngay tối hôm tôi mới đến Fitchburg. Thời trai trẻ cả hai chúng tôi đều có “nick name “ riêng nên nhân diện nhau qua điện thoại một cách nhanh chóng .

Đường xa lộ thì dể, nhưng đường vào khu phố thì chưa rành nên hai chú cháu tôi phải dừng lại bên ngòai chờ anh ra đón .
Tôi nhận ra ngay anh từ bên kia đường. Vẫn cái dáng khòm khòm, vẫn bộ râu rậm đậm chất KQ. Chỉ có điều là già dặn và phong trần hơn .

Gặp lại anh, tôi bổng nhớ lại thời kỳ chiến tranh VN bắt đầu nóng bỏng nhất.Với anh, tôi đã cùng sống trong những giờ phút nguy hiễm nhất ở Khe Sanh, rồi Ba Tơ, Gia Vực.. ( Quảng Ngãi) ..nhưng cũng có những thời gian lản mạn, trử tình bên bờ Hương giang thơ mộng.

Tôi mãi nhớ thời trai trẻ ấy ở Huế. Nhớ cổng trường Đồng Khánh, nhớ đường Lê Lợi -con đường đã đi vào thơ ca với “Em tan trường về đường mưa nho nhỏ… Tóc dài tà áo vờn bay….”

Và ở đó tôi đã chứng kiến từ đầu mối tình đẹp của anh và chị P, cô nữ sinh ĐK ngày xưa và là vợ anh ngày nay.


Anh XH cũng chuẩn bị bia và nướng sẳn hai con khô mực để đón tôi ( tưởng tôi là bợm nhậu chắc !).Chúng tôi ôm lấy nhau cùng cảm động. Tôi hỏi sao có mình anh đi lạc tới đây ? Anh cười :-thì nó đưa mình đi đâu mình đi đó. Mà đúng thật, cùng đơn vị với tôi phần lớn các bạn định cư ở Cali, Texsas hay Seattle thì anh lại ở Boston. Không phải Boston phố mà là Boston rừng .

Ngày xưa lúc đi làm ở Huế tôi và anh cùng thích bài thơ “Đưa em tìm động hoa vàng “ của Phạm Thiên Thư. Có lẻ vì vậy mà khi đến Mỹ anh lại chọn chốn “khỉ ho cò gáy “ nầy mà dung thân.

Trước khi đến nhà anh, tôi đã biết tin chị Phượng không được khỏe nhiều năm nay. Nhưng khi nhìn thấy chị khó nhọc lăn xe lăn từ phòng trong ra chào tôi bổng thấy xót xa làm sao ! Chị bị liệt một bên người, và lệch một phần mặt sau một cơn tai biến bất ngờ. Từ đó việc đi lại phải bằng xe lăn, nói năng cũng hạn chế. Mọi việc chăm sóc gia đình,con cái đều do một tay anh đảm đang.
Các con anh đều lớn cả..Mấy đứa đầu đã có gia đình, mấy đứa sau cũng ra riêng. Khi tôi đến căn nhà trống vắng mênh mông .
Ở anh, tôi thấy tóat ra được sự nhẩn nại, thủy chung, có tình có nghĩa với mối tình thơ mộng cũ mà anh chị mang theo từ đất Thần kinh, từ thời “em tan trường về ..anh theo Ph về ..”
“Thời oanh liệt nay còn đâu!” , với anh chỉ còn lại bóng dáng của một người Việt lẻ loi nơi đất khách quê người.

Tôi và anh lại chia tay. Mưa tầm tả suốt đường về Ficthburg . Qua màn mưa, tôi bổng thấy lòng mình như chùng lại và bâng khuâng nhớ Huế ,/,

…………………….
CAO NGUYÊN
Boston T4/2011


--------------------
“Vì Danh Dự Dân Tộc: Chống giặc Tàu.
Vì tương lai Dân Tộc: khai tử tập đoàn bán nước Việt Cộng”


Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 28th March 2024 - 04:28 AM