Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Thế giới giun đất, National Geographic
VanAnh
post Aug 23 2016, 02:00 PM
Post #1


Hạnh ngộ
***

Group: Năng Động
Posts: 5,776
Joined: 25-October 08
Member No.: 480
Country




Thế giới giun đất


Không cần nhìn đâu xa, hãy nhìn xuống đất, dưới lớp đất mặt là cả một thế giới sinh vật nhớp nhúa mà hầu hết phụ nữ đều ghê sợ. Con giun đất ghê ghê đó là con vật quan trọng nhất trong thế giới loài vật đã góp phần kiến trúc tầng đất mặt cho địa cầu. Nhờ có giun, đất đai được tơi xốp, hấp thụ dinh dưỡng từ phân thải của nó biến đất đai thành màu mỡ. Không những vậy, giun còn là loại thực phẩm của nhiều dân tộc. Và người ta còn phân chất chế biến chất nhờn của loài giun thành nhiều loại mỹ phẩm làm đẹp cho chị em phụ nữ, trong đó có son môi.

Các nhà khoa học ngày nay thu thập và thống kê dưới lớp mặt đất vài centimet có đến 2,000 loại giun sinh sống. Có con dài phá kỷ lục đến hơn 6 mét to như con trăn. Ðiều đặc biệt là loài giun to hay nhỏ đều rất hiền lành, chưa bao giờ gây “chiến tranh” với các loài sinh vật khác. Chúng chỉ biết tự vệ mà không bao giờ trả thù bằng cách tiết ra những bụi nước dịch thể bắn ra trong không khí. Trong dịch thể này có chất alkaline làm nhức da thịt kẻ thù. Còn trong thế giới hòa bình, có loài giun nhỏ như cây tăm làm đẹp cảnh màn đêm khi bò lên trên mặt đất. Một thứ ánh sáng như lân tinh của loài thiêu thân, có thể làm cho một vùng đất sáng rực như những ngôi sao rơi trên mặt đất.


Nuôi giun công nghiệp tại Canada – Nguồn: National Geographic

Giun sanh con đàn cháu đống dưới những rừng mưa nhiệt đới, thậm chí ngay cả vùng đất nhiễm phèn có nhiều độ ẩm để làm tốt những hạt đất li ti. Nó làm cho quả địa cầu thêm kiên cố bằng cách ăn đất khô và thải ra đất ướt. Nó giúp sự tăng trưởng của cây, giúp cho đất thông thoát và ngay cả ngăn chặn sự xói mòn. Một điều đáng ghi công trạng cho loài sinh vật này, là sự kiên trì làm việc không biết mệt mỏi mặc dầu cuộc sống của chúng lúc nào cũng vùi dưới lớp đất để làm tăng trưởng mặt đất thêm 2.5cm cho toàn thể địa cầu.

Một loài giun thông thường nhất, sống khắp nơi trên quả địa cầu mà ta thường gọi là giun đất. Loài này có chiều dài gần như cố định khi trưởng thành, chừng 10cm. Nó sống dưới lớp đất mặt sau vườn nhà. Nhưng điều kỳ lạ mà tạo hóa ban cho nó khiến các nhà khoa học ngạc nhiên. Nó có đến 10 quả tim và 2 bộ bắp thịt mạnh mẽ, một tròn, một dài. Chân là những cọng lông cứng hình móc, 8 cái cho mỗi đốt. Khi di chuyển, những cọng lông đó bấu vào đất trong khi các đốt duỗi ra giúp nó bò đi.


Giun khổng lồ do những người đào giun bắt được ở Canada – Nguồn: National Geographic

Ðiều kỳ diệu hơn với loài giun là có thể “tái sinh”. Chặt đầu con giun ra làm hai. Một cái đầu hay cái đuôi mới sẽ mọc ra nhưng nó không thể biến thành hai con được. Cái đầu khác sẽ mọc ra trong vòng ba tuần. Tuy vậy không có gì bảo đảm là nó sẽ sống trong thời gian đó mà không có thức ăn. Chặt ngay giữa thân thì sao, cái đuôi tự động sau vài ngày mọc ra như có phép thần thông. Nó tiếp tục tồn tại để có cuộc sống ích lợi cho con người. Giun là loài không có mắt, không có tai nhưng những điểm tiếp nhận cảm giác trên tấm da trơn ướt của nó rất nhạy. Những tế bào tiếp nhận ánh sáng dưới da giúp nó biết chỗ nào có ánh sáng cho dù le lói. Da nó còn cảm nhận được những tiếng động của một con chim nhỏ đang bay sà xuống hay nhảy tửng vồ nó. Thậm chí loài chuột đồng rón rén chực đớp con giun đang bò trên đất, thì những tế bào trên da sẽ báo động nguy hiểm cận kề, giúp nó trườn nhanh xuống đất và cuộn tròn thân lại.

Giun cũng chẳng có phổi, chẳng có mũi. Nó thở bằng bề mặt lớp da. Bề mặt da trơn ướt giúp nó hấp thụ không khí trong lòng đất hoặc trên mặt đất. Ðến đây, nhiều người đặt câu hỏi giun nó tự tái sinh trong điều kiện có thực phẩm, có không khí nhưng nếu không có không khí, không thực phẩm nó có chết không? Tức nhiên là chết. Nhưng trong bao lâu, bạn xem những thí nghiệm của các nhà sinh học tổng kết rằng, con giun không dễ chết. Nước có thể làm nó chết ngạt vì thiếu oxy nhưng phải đến 247 ngày trong điều kiện không có thức ăn. Giun mất nước trong cơ thể, cho dù đến 70% trọng lượng cơ thể, cũng không chết. Lúc gặp hạn hán, nó ngủ, chẳng thèm làm gì cả dù ăn đất để tinh lọc chất dinh dưỡng giúp cuộc sống nó tồn tại. Nó cuộn tròn mình nằm một chỗ có không khí trong lòng đất, ngủ vùi cho đến khi nào đất ẩm trở lại sau những cơn mưa.


Nhà khoa học Stephen Hopkins tìm được con giun khủng- Nguồn: National Geographic

Sống nơi tăm tối, làm việc “kiếm sống” bằng cách đào bới. Không như một số loài sinh vật khác đào đất đẩy qua một bên, con giun đào tới đâu ăn đất tới đó, trích ra chất dinh dưỡng cần thiết nuôi cơ thể rồi thải ra phân cùng một số chất cần cho cây trồng. Nó đào tới đâu nước nhờn tiết ra gắn chặt con đường hầm nó đã đào làm cho không khí tiếp sâu vào lòng đất, mở đường lưu thông cho nước giúp cây cối đâm rễ vào đất dễ dàng. Ngoài đất, giun còn ăn gì? Giun là loài ăn tạp, cái gì có dưới đất là nó nuốt tuốt, từ côn trùng chết cho đến chồi cỏ non, lá cây hay một mảnh dăm gỗ cứng. Nó sẽ làm mềm đi “thực phẩm” khó nuốt trước khi nghiền nát chúng thành bột đất bằng cách tiết ra chất nhờn phủ lên những thứ đó, “cất” lại trong kho dưới lòng đất cho đến khi chất nhờn này làm mọi thứ mục rữa.

Phân của giun chứa chất alkaline và acid mang tính trung hòa tạo cho nước thấm vào đất có thêm nhiều chất khoáng làm màu mỡ đất đai. Những nơi có nhiều giun sống, lớp đất thường có độ dinh dưỡng gấp nhiều lần đất bình thường nơi không có giun sống. Nguyên tố nitrate gấp năm lần, calcium gấp hai lần, phosphorus gấp bảy lần, potassium gấp mười một lần và một chất quan trọng làm mục rữa các chất hữu cơ thành đất mùn có rất nhiều, đó là chất actinomycete. Các nhà khoa học địa sinh vật tính toán được rằng, mỗi con giun trưởng thành hằng năm tạo ra được khoảng nửa ký đất mặt tơi xốp. Một mẫu tây đất có 50,000 con giun, cá biệt có những chỗ một mẫu 7 triệu con giun, ta có thể tính ra được giun sản xuất ra được đến 12.5 tấn đất mặt.


Lễ hội bắt giun ở Canada, 15 phút có người bắt được cả năm sáu chục con giun – Nguồn: Worncanada

Giun có ngủ không? Như trên đã nói, khi hạn hán giun sẽ đi ngủ. Hoặc mùa khô giun thường ngủ một thời gian ngắn và bắt đầu công việc đào xới mùa đông, mùa xuân hay mùa mưa ở những xứ nhiệt đới. Ở xứ hàn đới, vào lúc này, chúng trườn trong lòng đất đi tìm bạn bè kết nhau thành chùm như một trái banh. Chúng quyện chặt lấy nhau tìm hơi ấm sau những ngày dài làm việc và đến mùa động dục, trái banh bùi nhùi ấy bung ra, anh em đồng loại bắt đầu đại hội tình ca. Giun là loài lưỡng tính. Tất cả giun đều có hai cơ cấu sinh dục đực và cái. Kiểu yêu đương của giun cũng khá đặc biệt khi tìm kiếm một bạn tình đồng vai phải lứa. Nó biết cách để đo chiều dài người phối ngẫu. Cả hai bằng nhau là điều tuyệt vời, chúng bám chặt nhau từ đầu đến đuôi và da tiết ra một chất nhờn. Vài ngày sau, cái kén xuất hiện ngay dưới đầu của mỗi con, trong đó trứng được thụ tinh bởi tinh dịch của cả hai. Bốn tuần sau, trong cái kén đó có từ 1 đến 8 giun con ra đời và bắt đầu cuộc sống đào xới như cha mẹ của chúng. Chúng trưởng thành sau tám tháng nếu không “chết yểu” vì bị loài cóc nhái, chúng sẽ sống đến sáu năm. Nhưng thực tế vòng đời của giun dài lắm chừng hai năm vì những nguyên nhân khác.

Thế thì bản thân con giun chỉ có da, cơ và chất dịch tưởng chừng vô ích thì có chất dinh dưỡng nào giúp ích cho con người? Rất nhiều. Giun có hàm lượng protein cao, giàu nguyên tố vi lượng tương đương thịt thỏ. Trong giun có tới 8 loại acid amin cần thiết cho con người. Hàm lượng vitamin A, E, C cao gấp 10 lần đậu nành và nhiều khoáng chất khác cần thiết. Không ít các quốc gia trên thế giới, nuôi giun làm thực phẩm. Ở Nhật, có tới 200 loại thực phẩm được chế biến từ giun. Ở Ý, món paté giun không xa lạ gì với cư dân bản địa. Ðài Loan rất khoái giun không thua Nhật Bổn. Úc có món giun khô với trứng đánh chiên. Việt Nam có món giun đất chiên giòn.

Ngoài ra ngành công nghiệp mỹ phẩm sử dụng giun để chiết xuất enzim và các chất dược liệu để làm thuốc và mỹ phẩm. Son môi tô bóng làm đẹp bờ môi của quý bà được chiết xuất từ chất nhờn bên trong cơ thể con giun để giữ độ ẩm. Chất selenium (Se) dưới dạng protein làm chậm quá trình lão hóa, bảo vệ tế bào trước các nguy cơ độc hại từ hóa chất giúp cân bằng nội tiết tố. Chất prostaglandin – có tác dụng dưỡng da, dưỡng tóc. Chính vì vậy, nghề bắt giun ở Canada là một nghề hái ra tiền cho nhiều di dân từ các nước. Một số người Việt ở Canada cho rằng nghề bắt giun là nghề “lượm đô la”. Một đêm trúng mánh một người có thể kiếm được năm sáu trăm đô là chuyện bình thường. Ngoài đào bắt ở thiên nhiên, giun còn được nuôi trong những trang trại lớn để đủ cung cấp cho ngành công nghiệp dược và mỹ phẩm. Canada hằng năm đều có lễ hội bắt giun, tôn vinh đó là một nghề như bao ngành nghề khác.

Theo National Geographic



--------------------

Cõi mơ
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 26th April 2024 - 09:57 AM