Cải lương và tôi, Đỗ Văn Phúc |
Cải lương và tôi, Đỗ Văn Phúc |
Jun 5 2017, 01:40 PM
Post
#1
|
|
Bảo vệ Tổ Quốc Group: Năng Động Posts: 6,737 Joined: 12-November 08 Member No.: 702 Country |
Cải lương và tôi Sau ba tiếng gõ mạnh trên sàn, tấm màn nhung màu xanh biển được kéo lên, sân khấu hiện ra trong một ánh sáng mờ mờ chiếu lên một bộ ván ngựa, một bàn thờ có đủ khói hương. Màn phông là cảnh trí một đồng quê xa nhìn từ khung cửa sổ của một vách nhà bằng đất. Hàng trăm khán giả ngồi im phăng phắc, chờ đợi sự xuất hiện của các nghệ sĩ tài danh Việt Hùng, Kiều Phượng Loan mà trong chốc lát sẽ diễn vở tuồng Tấm Lòng Của Biển, từng làm rơi lệ hàng ngàn khách mộ điệu từ Nam ra Trung. Ðó là một buổi diễn tại Căn cứ 20 Chiến thuật Không quân Phan Rang mà chúng tôi đã tổ chức vào khoảng giữa năm 1972 để phục vụ 3000 quân nhân đồn trú tại đây. Sân khấu lộ thiên của căn cứ rất rộng lớn, nằm ở chân núi phía tây căn cứ, nơi có con đường quanh co leo lên Câu lạc bộ Hạ sĩ quan. Trên đỉnh núi là dàn radar vĩ đại mà Công binh Hoa Kỳ đã thiết lập để phục vụ truyền tin và không lưu của các tình Ninh Thuận, Bình Thuận. Là sĩ quan Chiến tranh Chính trị của căn cứ, ngoài việc tổ chức học tập chính trị, chúng tôi còn phải lo lắng đến các phương tiện giải trí cho càc anh em quân nhân mà đa số từ miền Nam ra trú đóng. Lính xa nhà, ở trong một căn cứ cách thị xã khoảng 10 cây số, lại vừa bị cấm quân, vừa không có phương tiện di chuyển; các chương trình văn nghệ thường được anh em tiếp nhận một cách nồng nhiệt. Những đoàn văn nghệ Bộ Tư Lịnh Không quân, Cục Chính Huấn, Biệt đoàn Văn nghệ Trung Ương của Tổng cục CTCT là các đoàn thường xuyên lưu diễn tại căn cứ. Lần này, chúng tôi thay đổi món ăn tinh thần, mời nguyên một đoàn cải lương chuyên nghiệp đến. Thú thực, đã hơn 35 năm trôi qua, tôi không còn nhớ tên của đoàn, chỉ nhớ đến tên vài nghệ sĩ và tên vở tuồng đã diễn. Thời gian này, miền Nam có các đại ban như Dạ Lý Hương, Hương Mùa Thu, Kim Chung với các nghệ sĩ tài danh như Việt Hùng, Hữu Phước, Hùng Cường, Ngọc Giàu, Thanh Nga, Bạch Tuyết, Mộng Tuyền, Ngọc Hương, Kim Chung, Thành Ðược, Út Bạch Lan vân vân. Tuy sinh trưởng tại miền Trung, tôi lớn lên và hoạt động tại miền Nam nên tâm hồn cũng rất nhạy cảm với các điệu lý, câu hò miền Nam. Các loại hình văn nghệ truyền thống miền Trung là Hát bội và hò mái nhì thì không còn sức lôi cuốn lớp thanh thiếu niên; gần như hầu hết thanh niên miền trung ưa tân nhạc và lại rất chọn lọc trong sở thích từ điệu nhạc cho đến ca sĩ và lời ca. Tôi còn nhớ vở tuồng cải lương đầu tiên tôi được xem ở rạp Ðại Chúng, thị xã Quảng Trị, là một thiên tình ca bẻ bàng, ai oán đầy nước mắt. Tôi đã thấy các bà các cô cứ sụt sùi khóc khi cô đào chánh ca những lời trăn trối về một mối tình dang dở. Ðó là một vở tuồng xưa, y trang lộng lẫy, khung cảnh huy hoàng. Lại có đủ các màn đấu kiếm, phóng dao rất hấp dẫn. Sau đó, tôi được xem thêm nhiều tuồng xã hội rất ý nghĩa và cảm động như Ðời Cô Lựu, Nửa Ðời Hương Phấn. Nhờ có người anh là ca sĩ Duy Khánh, tôi có nhiều dịp đứng từ hậu trường sân khấu để nhìn thấy hết những sinh hoạt của các nghệ sĩ tân cũng như cổ nhạc. Những sáng chủ nhật tại rạp Quốc Thanh, Hưng Ðạo; khi các nghệ sĩ tân nhạc tấp nập chuẩn bị sân khấu cho chương trình nhạc hội; cũng là lúc mà các nghệ sĩ cải lương còn mơ màng trong giấc điệp sau một đêm đem tiếng hát dâng đời. Phiá sau sân khấu, hòm xiểng ngổn ngang; những bộ quần áo chưa kịp thu dọn, vắt la liệt trên những chiếc ghế. Những vua quan, hoàng hậu, công chúa đang say ngủ trong những bộ y phục tầm thường, mà trên khuôn mặt vẫn còn dấu vết phấn son chưa rửa sạch. Ngoài những nghệ sĩ lớn trở về nhà sau vở diễn, hầu hết các nghệ sĩ khác đều ở lại rạp. Có người ở cả gia đình, vợ chồng con cái nheo nhóc. Mãi đến khi tiếng ồn ào của khán giả tân nhạc tràn ngập vào hí trường, các nghệ sĩ cải lương mới chịu thức dậy. Hàng quán bên hông rạp lại tấp nập những nghệ sĩ, mà lúc này giản dị trong bộ bà ba vừa ăn vừa trò chuyện rôm rã. Vua quan, tướng tá, binh sĩ, chủ tớ lúc này gọi nhau bằng mày tao bình đẳng ra phết. Tuy nhiên cũng không ít anh chị vẫn còn những cử chỉ đỉnh đạc, đài các như các nhân vật mà họ đã thể hiện qua nhiều năm trên sân khấu. Tôi thương cuộc đời của các nghệ sĩ. Mang tiếng hát lời ca cống hiến làm đẹp cho đời; nhưng họ lại không được người đời xem trọng. Cũng như nghiệp lính chúng tôi, đem cả tuổi xuân, mạng sống và hạnh phúc gia đình chiến đấu cho tổ quốc và dân tộc; nhưng khi về phố phường bị cái nhìn lạnh nhạt của người thị dân. Rời Saigon, tôi dấn thân vào cuộc đời chinh chiến; lê đôi giày trận trên khắp chiến trường ba tỉnh miền Ðông, tôi không quên mang theo mình một chiếc radio nhỏ xíu. Những chiều dừng quân giữa rừng sâu hay ven đường quốc lộ 13 ngập máu, sau khi ổn định nơi đóng quân, tôi thường nằm đu đưa trên chiếc võng nylon, mở đài Saigon để nghe ca nhạc. Lúc này tâm hồn mở rộng, nghe tất cả các bài hát nào có được trên làn sóng mà không hề phân biệt giọng ca. Những bản nhạc khi còn ở hậu phương chẳng bao giờ chịu nghe, nay cũng trở thành thân thương, quyến rũ. Ðêm rừng âm u, lạnh lẻo. Có khi mưa rơi bồm bộp trên mái poncho; có khi nóng oi bức sau một ngày nắng gắt. Chúng tôi cần một chút gì đó rất quê hương để thấy ấm lại. Tiếng đàn guitar, đàn kìm réo rắt dẫn đưa giọng ca ngọt ngào của Bạch Tuyết, Mộng Tuyền làm cho lòng mình se lại. Buồn da diết, nhớ nhà và nhớ quê; thêm yêu từng con đường phố ngập nắng vàng hay những cánh đồng lúa rì rào chiều quê. Cổ nhạc Việt Nam sao buồn quá, nghe nhiều thãm thiết hơn sống động vui tươi. Có lẽ do một quá trình lịch sử đau thương, bị ngoại xâm chém giết, bị thiên tai làm cho đói nghèo mà tiếng nhạc trở nên buồn bả, ai oán? Phải có một tâm hồn mới nghe hết trong câu hò mái nhì của Huế tiếng than vãn não ruột của người dân nghèo bất hạnh. Ôi cái tiếng ngân dài hò ơ trong đêm thanh vắng như tiếng vọng của bao oan hồn uổng tử vọng lên từ cõi âm u nào đó; hay tiếng than vãn của một nàng cung nữ đang cô đơn trong một góc phòng lạnh lẽo của cấm thành rêu phong chờ hoài mà chẳng được ơn mưa móc của quân vương. Trong các làn điệu miền Nam, tôi thích nhất là Phụng Hoàng, vừa mùi mẫn vừa trong sáng. Nam Ai và Nam Bình thì buồn quá. Các điệu rộn ràng và tương đối vui tai là Xuân tình và lý Con sáo. Trong thời gian đầu sau khi mất miền Nam, chiều nào, trại cải tạo K5 Long Khánh cũng cho phát đi bản vọng cổ ca tụng Hồ Chí Minh do Thanh Nga ca. Giọng ca Thanh Nga thì tuyệt rồi, nhưng nội dung bản vọng cổ tuyên truyền cho Cộng sản làm chúng tôi ghét cay ghét đắng. Thanh Nga mở đầu bài vọng cổ bằng hai câu thơ :”Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất tên vàng HCM.” Chúng tôi sửa lại và ngâm nga như sau: “Trong hầm thối nhất cứt khô, Việt Nam tởm nhất tên HCM.” Những năm ở tù trong các trại cải tạo, gần gủi với những anh từng có duyên nợ với cải lương, tôi đã học được những bài ca ngắn nhưng vẫn không thể nào sửa được giọng ca cho đúng giọng Nam kỳ. Thanh Nga và nhiều nghệ sĩ đã phản bội nhân dân miền Nam, những người đã ái mộ và đưa họ lên đài vinh quang, đem lại đời sống sung túc hạnh phúc cho họ. Cũng như ngày nay, nhiều người tị nạn đã phản bội lý tưởng của mình, đón tiếp các văn công Cộng sản qua trình diễn. Họ có thể không hiểu biết về các kế hoạch văn hoá vận tinh vi của Cộng sản, hoặc tham lợi mà đứng ra tổ chức cổ vũ cho các nghệ sĩ văn công này. Bọn văn công và người tổ chức không quan tâm đến số khán giả đến dự nhiều hay ít, vì đã có tài trợ của chính phủ Việt Cộng. Họ đã lợi dụng không khí sinh hoạt chính trị tự do dân chủ tại Hoa Kỳ để làm công cụ cho cộng sản thực hiện mục tiêu là gầy được cơ sở bước đầu để sau này chúng sẽ đưa ồ ạt các đoàn văn công lớn. Những người quốc gia phải đối phó với một tình huống khó xử. Là những chiến sĩ tự do, chúng ta không thể ngăn cấm các buổi văn nghệ của các nghệ sĩ từ Việt Nam do Cộng sản đưa qua, cũng không thể ngăn cản những người tham dự; dù trong đó có những anh em tị nạn, cựu tù nhân chính trị của chúng ta. Chúng ta phải tôn trọng quyền lựa chọn của họ trong lãnh vực văn nghệ khi chúng ta chưa đáp ứng được đúng đòi hỏi của quần chúng. Vì thế, khi nhóm Thân Hữu Cổ Nhạc của nghệ sĩ Viễn Phương ra đời tại Houston, quy tụ các tài năng cổ nhạc để thành lập các chương trình ca diễn phục vụ đồng bào tha hương, chúng tôi rất phấn chấn. Phải nhận rằng đây là một sự hy sinh lớn lao của những người tổ chức và các nghệ sĩ. Tiền mua sắm cho dàn dựng, y trang, dụng cụ di chuyển cồng kềnh, vé máy bay từ các tiểu bang để tập hợp lại một thành phố lạ. Tiền thu do bán vé không mong trang trải đủ cho sở phí. Thế mà họ vẫn vui vẻ, một phần nhờ tình yêu nghệ thuật, một phần lớn là do tình thần quốc gia, ý chí chiến đấu trên mặt trận văn hoá để đánh bại âm mưu thâm độc của Cộng sản. Hai lần, tôi được xem hai vở tuồng, một tại Houston, một tại Austin. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên mà thấy rằng, dù phương tiện eo hẹp, khó khăn về tập dượt, các đêm diễn đã thành công rực rỡ, vừa về mặt ca diễn vừa về bài trí, tổ chức. Tôi đã có dịp nói chuyện với anh Viễn Phương và các nghệ sĩ và tìm thấy trong họ, những tấm lòng tha thiết yêu nghề, nhiệt tình đóng góp vì lý tưởng rất cao; cao hơn nhiều những người mang tiếng tị nạn, HO mà lại đi mua băng nhạc Việt Cộng, đi xem bọn văn công Cộng sản. Dù rằng tại hải ngoại những người Việt Nam lớn tuổi rồi sẽ bớt dần đi, giới trẻ lớn lên tại không biết gì về cổ nhạc, chúng ta vẫn phải cố gắng để khơi dậy ý thức về dân tộc của họ qua việc giới thiệu những tinh túy văn hoá qua những chương trình cổ nhạc đặc trưng của dân tộc. Không những thế, phải nhắm vào đối tượng là công chúng Hoa Kỳ, vì xã hội Hoa Kỳ là một xã hội đa dạng, sẵn sàng dung nạp văn hoá các nơi như họ từng chấp nhận nhạc Jazz, Soul, Rap của người da đen, nhạc Rumba hấp dẫn của người Nam Mỹ, hay các điệu nhạc réo rắt của người Ả Rập. Đỗ Văn Phúc -------------------- ***Bình yên một thoáng***
|
|
|
Lo-Fi Version | Time is now: 14th November 2024 - 12:48 PM |