Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Bộ râu, Lê Anh Hoài
PhuDung
post Apr 3 2017, 09:51 AM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 2,169
Joined: 17-December 08
Member No.: 1,269
Country




Bộ râu


Này cậu, cậu là phóng viên chụp ảnh, nghĩa là người chuyên tìm cách thể hiện khuôn mặt người khác? À, tất nhiên là cậu còn chụp những cái không phải là mặt người. Nhưng gì thì gì, cậu cũng phải tìm mọi cách để diễn tả những cái ấy sao cho phù hợp với ý cậu và quan trọng hơn, là phải hợp với số đông những người xem ảnh. Họ sẽ reo lên: Đẹp quá, chân thực quá... Tóm lại là Chân, Thiện, Mỹ gì gì đó. Giống như chính cậu lúc nãy đã bắt tôi xoay ngang luồng ánh sáng và cậu reo lên sau khi bấm máy: bộ râu của bác được chụp công sáng thật tuyệt, chụp bác mà không diễn tả được bộ râu thì hỏng.

Cậu đã nhận lời ngồi lại chuyện phiếm với tôi thì cứ dông dài một tí nhé. Cũng ít khi tôi được rỗi như thế này, công việc của tôi trông cứ như chơi nhưng kỳ thực không phải. Tôi bận rối rít. Cậu bảo nhiều lần thấy tôi ngồi ở quán Nhạc sĩ chơi cả buổi, không, đấy là làm việc. Tôi nói chuyện với các nhạc công, tôi giao dịch với các trưởng đoàn, và tôi vỗ về các ca sĩ. Tất cả là vì công việc thôi. Sao, cậu bảo thật may mắn cho cậu à, may mắn cái gì đâu. Tôi với cậu, chúng ta nói chuyện phiếm bình thường và bình đẳng. À, nhưng dù sao tôi cũng hiểu là cậu chân thành, tuy cậu nhầm. Tôi nổi tiếng nhưng tôi vẫn là một thằng người bên trong cái vỏ ấy. Người ta đã nói lải nhải về điều đó, nhưng người ta vẫn hành động như cậu. Tất nhiên, cũng có những kẻ nổi tiếng nông cạn, họ không lúc nào làm được người bình thường nữa. Tôi có vẻ lạc đề rồi nhỉ, thật ra cũng chưa lạc đâu, nhưng thôi cũng chẳng cần nói nhiều về chuyện này, những cái ấy cậu cứ sống tự nhiên sẽ hiểu. Tôi muốn nói thêm rằng có những người còn già hơn tôi nhiều cũng vẫn nhầm lẫn như cậu bây giờ.

Nhưng thôi, tôi sẽ nói ngay vào chuyện chính. Chuyện mà chính cậu đã gợi cho tôi. Chuyện bộ râu. À, để tôi ngắm kỹ lại cậu, râu ria cậu cạo nhẵn, nhưng tôi đoán chắc là nếu cậu để thì cậu sẽ có một bộ ria đẹp. Cậu bảo nó chưa hợp với cậu à, chưa hợp cái gì? Với khuôn mặt, với tuổi, với người yêu cậu, với phụ huynh, với cơ quan hay với chính ý thích của cậu? Cậu lúng túng, à thì ra cậu cũng chưa nghĩ kỹ về việc này. Thế thì tại sao lại nói chữ hợp. Mọi người bây giờ không còn dùng chữ này với tôi cậu à, mà người ta gắn luôn bộ râu với tôi. Như thể bộ râu cũng ăn uống, yêu đương, và sáng tác nhạc như tôi, và thay tôi. Chính vì thế, nếu tôi cạo râu đi thì cái gì sẽ xảy ra? Ô, cậu ngạc nhiên. Và hơn thế, cậu hoảng hốt. Buồn cười thật, cậu đừng giận nhé, để tôi cười một chút. Thiên hạ cũng hồn nhiên như cậu vậy. Nhưng thôi, cậu hãy nghe chuyện này, cách đây độ chừng bốn hay năm năm, tôi đã cạo râu một lần. Hồi đó, cậu có để ý không? À, cậu mới đi làm báo có hai năm, nên không biết là phải, chứ cánh phóng viên theo dõi văn hoá văn nghệ khoái những biến cố như vậy lắm. Họ rôm rả đến vài tuần.

Hồi đó, tôi đang ở giai đoạn tiến từ nổi tiếng ở cỡ bình thường lên thành nổi tiếng ở cỡ thời sự. Phải nói cậu hay rằng giới sáng tác nổi tiếng thật khó, cậu cũng có chụp ảnh nghệ thuật, hẳn cậu biết rồi nhỉ? Tại sao tôi lại được nổi tiếng như thế, thú thực tôi cũng không rõ. Hồi đó, tôi cho là do tôi sáng tác hay hơn lên. Nhưng giờ nghĩ lại, thấy không phải. Nổi tiếng vì lý do sáng tác có lẽ chỉ hơi đúng vào giai đoạn đầu của tôi. Sau đó, may là tôi vẫn còn sáng tác được nên giữ được cái tiếng.

Thế rồi bỗng vào khoảng thời gian ấy, tôi được quan tâm đặc biệt. Tổ chức đêm tác giả ở nhà hát lớn nhất nước này hàng tuần, các đoàn thi nhau mời tôi xuất hiện trong những buổi gọi là “tác giả và dư luận”, tôi lên ti vi, đài thì ra sức phát những bài hát của tôi. Và, có cô ca sĩ thì lại nổi tiếng vì biểu diễn những bài hát của tôi. Nhân chuyện này cũng phải nói rằng chúng tôi thường không được nổi tiếng bằng ca sĩ. Thậm chí như anh B, anh C lại chỉ được nhớ đến vì có bài hát được cô ca sĩ nổi tiếng nọ hát. Mà các anh ấy, riêng anh B thì đã mất, tài năng hơn hẳn tôi.

Cậu không sốt ruột chứ, uống nước đi, đây là thứ chè ngon nhất vùng chè mà tỉnh T. cho người đưa về tận nhà để biếu tôi đấy. Tôi nói đến đâu rồi nhỉ, à, như vậy lúc đó tôi đang phải làm những buổi “tác giả - tác phẩm” ở Nhà hát Lớn. Việc này rất mệt. Cậu nói vậy là vì cậu chưa hiểu. Khi người ta cứ diễn những tác phẩm của mình ở đâu đó thì chẳng có chuyện gì. Nhưng khi mình chường mặt ra đó, giữa đám thính giả thì ít mà khán giả thì nhiều, để chịu đựng cái cảm giác bị dò xét, cái cảm giác phải chịu trách nhiệm về những hành vi vô thưởng vô phạt của mình - nhưng dường như có quan hệ rất mật thiết tới tác phẩm đang diễn trên sàn - thì thật kỳ cực hình. Ấy là chưa kể đến những lúc phải đăng đàn nói cười. Tóm lại, đấy là diễn, mà dù là diễn chính mình thì cũng hết sức mệt. Mà không, có lẽ tôi đã nói không chuẩn. Phải nói rằng trong những trò diễn thì diễn vai mình mới là khó khăn nhất, cậu ạ.

Hôm ấy, trước đêm diễn thứ tư hay thứ năm gì đó. Tôi ngủ mãi đến quá trưa mới dậy. Đêm hôm trước tôi đã uống quá nhiều trong một cuộc chiêu đãi khoa trương và long trọng. Tôi đi vào phòng tắm và nhìn mặt mình trong gương. Mặt tôi bàng bạc, mắt đỏ quạch và bộ râu thì nói thế nào nhỉ, nó ngổn ngang tung toé. Bỗng nhiên tôi thấy nó vướng víu hết sức.

Hồi ấy tôi mới để râu được khoảng một năm hoặc ít hơn. Tôi vốn tốt râu, chỉ cần bốn năm tháng gì đó là tôi có ngay một bộ râu rất khả kính. Cậu nhìn đây, hiện nay râu tôi cũng đã có những sợi bạc, nhưng hồi đó, nó còn xanh mướt. Cậu hỏi vì sao tôi quyết định để râu? Chà, một câu hỏi rất phóng viên. Nhưng chẳng sao, dù cậu có hay không tin thì tôi cũng phải nói rằng hồi đó tôi để râu chẳng vì cái gì cả. Nếu truy tận ngọn ngành thì hình như chỉ tại tôi lười. Tôi vốn có nghề tay trái là đi dựng chương trình cho các đoàn yêu yếu, hoặc các hội diễn ngành nghề gì đó. Gần đây tôi mới bỏ việc này, bởi cũng mệt lắm. Hơn nữa, người ta cho rằng tên tuổi như tôi không nên làm việc đó. Lại nữa, những người có nhu cầu cũng chẳng dám mời những người có tên tuổi như tôi. Đấy, cậu lại ngạc nhiên rồi, nhưng thói đời vẫn kỳ cục như vậy: hèn quá thì chết mà sang quá cũng gay. Hồi đó, tôi đi dựng chương trình cho một đoàn tận miền núi, cả tháng quên chẳng cạo râu, về đến nhà, nhìn cũng hay hay, tặc lưỡi để tiếp. Đấy, sự tích bộ râu hồi ấy của tôi là như vậy.

Trở lại chuyện chính nhé, cậu bạn trẻ, tôi thoáng thấy cậu hơi mệt mỏi, có lẽ bởi tôi lý sự nhiều quá. Ồ, cậu thú à, tôi đã không nhầm khi đánh giá cậu hơn hẳn cái vẻ ngoài của cậu. Nhưng cậu cũng phải đề phòng đấy, thiên hạ chỉ đánh giá con người bằng độc hai thứ, là bề ngoài và lời lẽ. Sao, cậu nói đến khoa xem tướng, về cái ấy cậu hiểu làm sao? Còn tôi thì chỉ biết rằng có những thầy nọ thầy kia nhưng nhìn người mà chỉ thấy người, lại có người mù chữ nhưng nhìn người là nhìn ra được tấm lòng. Thôi, tôi lại mắc tật lý sự rồi.

Như vậy là tôi đã kể đến đoạn tôi thấy bộ râu thật vướng víu. Rồi tôi cạo râu, cạo râu xong tôi tắm và tôi thấy rất khoan khoái... Chắc cậu lại tò mò muốn biết tại sao tôi cạo râu nhưng cậu ngượng không dám hỏi? Thì có gì đâu, tôi thấy khó chịu, một cảm giác khó chịu rất bất chợt, cụ thể và, nói thế nào đây, rất xác thịt cậu ạ. Sao, cậu thắc mắc rằng tại sao tôi không có cảm giác ấy trong những lúc trước đó? Không sao! Có gì mà ngượng, tôi vừa nói mà, cảm giác có tính xác thịt, không điều khiển được, tựa như đói khát, muốn bài tiết hoặc yêu. Thế thôi.

Trong bữa cơm, vợ tôi bảo: từ nãy em thấy anh cứ khang khác nghĩ mãi mới ra là anh đã cạo râu. Cơm xong tôi ở nhà đến tối. Đúng bảy giờ, tôi xuống gác chờ ô tô của nhà hát đến đón. Vừa đến chân cầu thang thì thấy cậu phó phòng tổ chức biểu diễn vội đi đến. Cậu ta nhìn tôi, tôi đưa tay ra, nhưng lạ quá, cậu ta vẫn cứ băm bổ leo lên. Tôi gọi, thầm nghĩ chắc cậu này cận nhưng quên kính. Cậu ta giật mình, quay lại ngỡ ngàng: ồ bác, trông bác lạ quá, em không nhận ra. Tuy cậu ta cười tươi nhưng khi vào đến xe rồi, thỉnh thoảng cậu ta vẫn ngỡ ngàng nhìn tôi và câu chuyện nhạt hẳn. Cậu này rất tếu nhưng hôm ấy không mở miệng đùa một câu nào.

Vào tới hậu trường, tôi ngồi trong một phòng cạnh phòng hoá trang uống nước. Xung quanh nhộn nhịp như cảnh thường xảy ra trước các buổi diễn: các nhạc công kiểm tra nhạc cụ lần cuối, các ca sĩ cau có trước gương, những người phụ trách ánh sáng và phông màn quát tháo lẫn nhau... Nhiều người đi lướt qua tôi, và dần dần tôi nhận ra một điều khác lạ: họ nở một nụ cười khá gượng và qua mặt tôi nhanh hơn thường lệ. Hay là đã có một chuyện buồn xảy ra? Tôi tự hỏi và lục tìm trong đầu các khả năng xấu: Nhạc công violon số 1 bị say xỉn, cô ca sĩ lãnh trách nhiệm ba bài hát bị chồng giữ ở nhà, sở điện đe doạ cắt điện... Không thể có những chuyện đó được. Mà tại sao đến giờ mà vẫn chưa thấy người dẫn chương trình đến trao đổi với tôi trước giờ diễn nhỉ. Anh ta là một nhà lý luận âm nhạc, giữ một cương vị trong Hội nhạc sĩ, một con người nghiêm túc trong công việc và có duyên trước công chúng. Cậu muốn biết anh ấy? Tôi xin không nêu tên nhé, anh ấy cũng có sáng tác, bài X, cậu không biết à. Để tôi nhớ nhé, thế bài Y, ồ cậu cũng không biết. Không, không, như vậy không phải là cậu kém. Cuối cùng thì anh ta cũng đến. Nói liến thoắng, trái với lệ thường, và nhìn tôi, để tôi diễn đạt chính xác nhé, nhìn tôi gần như lo âu. Đang trao đổi, không nén được tôi bèn hỏi: Có chuyện gì thế? Có lẽ lúc đó tôi bị ám ảnh bởi một lo lắng vô cớ có nguồn gốc từ không khí xung quanh nên giọng nói cũng không bình thường. Người dẫn chương trình nhìn tôi, nở nụ cười gượng gạo y hệt những nụ cười mà tôi đã nhận thấy từ nãy, đáp: không, không có gì đâu anh ạ. Tôi càng nhận rõ, đã có một điều nghiêm trọng xảy ra mà mọi người giấu diếm. Chỉ còn ít phút nữa màn mở, chúng tôi nói thêm dăm câu ba điều rồi im lặng.

Sau những thủ tục ban đầu của đêm diễn, tôi bước ra giữa ánh đèn sân khấu chói loà. Nói cậu hay, ánh đèn sân khấu nó có ma lực rất dữ dội. Bước vào đấy là say, không, phải nói là như bị lên đồng. Tôi đo được điều đó nhưng tôi cũng cảm thấy khó cưỡng được ma lực ấy, mặc dù tôi vốn là người tỉnh táo. Sao, cậu ngạc nhiên trước lời bộc bạch này? Đó chẳng qua là cậu bị ảnh hưởng của cái thành kiến cho rằng giới nghệ sĩ là phải thơ ngây, mơ màng, ngơ ngẩn, nhìn chung là không lý tính.

Khi tôi bước ra, theo kịch bản sẽ có màn công chúng tặng hoa trong tiếng nhạc. Những đêm trước, màn này thường rất rôm rả, nhưng lần này lạ quá, công chúng dường như ngỡ ngàng, do dự. Họ không ùa lên sân khấu một cách bồng bột và thoả thuê, mà họ có dáng ngập ngừng và đo đếm. Điều này, chỉ có tôi và người dẫn chương trình đang nở nụ cười nghề nghiệp là cảm nhận được. Anh ta thoáng có một nét xuất hiện rất nhanh trên khuôn mặt, thể hiện sự không vừa ý như một đạo diễn phim vừa thấy một pha lỗi vào hôm phim được trình chiếu.

Tôi xuống, ngồi lại trên chiếc ghế danh dự dành riêng. Những ánh mắt kín đáo có, lộ liễu có dõi theo từng cử động của tôi. Tiếng xì xào từ bốn phía lan tới. Công chúng bao giờ cũng hiếu kỳ và không bao giờ thoả mãn được họ. Chắc cậu cũng biết ở nước ngoài đám đông công chúng thích sưu tầm chữ ký và các vật dụng của những người nổi tiếng. Ở ta đến giờ vẫn phổ biến việc sưu tầm những cuộc tiếp xúc. Loại sang là những cuộc toạ đàm, loại trung thì là những cuộc ăn uống trong đó họ đóng vai trò điếu đóm và loại bình dân thì chính là những cuộc giao lưu như tôi đang kể cậu nghe. Ồ, cậu đỏ mặt, tôi xin lỗi nhé, cậu ngượng. Chính cái ngượng này làm tôi càng quý cậu hơn. Nhưng cuộc nói chuyện này là do tôi mời cậu cơ mà. Cậu có biết tại sao những nhân vật nổi tiếng nhất thiết phải có khu sinh hoạt dành riêng không? Chính là để họ có thời gian mà nghỉ ngơi. Cậu hãy hình dung trong toa lét mà cũng bị để ý thì thật bất tiện, nhỉ?

Tôi vừa yên vị thì phía sau một người đàn bà ăn mặc lịch lãm ôm một bó hoa tiến tới. Trước khi ngồi xuống tôi còn phải làm động tác chào bốn phía và trong lúc ấy, tôi đã nhận ra bà này. Nhưng vai trò của tôi lúc này là nhìn bao quát, cố gắng chia đều khuôn mặt của tôi cho bốn phía, làm như nhìn vào tất cả các khuôn mặt đang hau háu ngóng chờ. Và sau đó là đĩnh đạc ngồi xuống. Tôi biết ngay sau đó, tôi sẽ làm ra vẻ ngỡ ngàng cảm động nhìn lên và làm như hơi bối rối đón nhận bó hoa của người hâm mộ là bà ấy. Tôi đã làm đúng như vậy khi bà ta đến bên tôi, khuôn mặt tươi rói phấn khích. Cũng vừa lúc đó, tôi nhận ra một thanh niên cầm máy ảnh đã xuất hiện từ lúc nào (anh chàng này quả thật có tài hiện ra và biến mất đúng lúc, như một vai phụ xuất sắc) và cậu biết không, tôi đã có một thoáng hết sức khó chịu. Nhưng như mọi nhân vật nổi tiếng giữ đúng vai trò, tôi không biểu lộ điều đó ra nét mặt, vẫn giữ được nụ cười rạng rỡ trong lúc ánh đèn chớp loé lên. Vào đúng khoảnh khắc ngưng đọng của ánh chớp, tôi nhận thấy nét mặt người đàn bà cứng lại những nét ngơ ngác. Tôi đã nhiều lần tiếp xúc với những người đàn bà loại này, họ không từ bỏ một cơ hội nào để khẳng định hai điều về mình - xinh đẹp và giàu sang. Tôi biết rõ tấm ảnh trong đó tôi đóng vai trò tương đương với chùa Một Cột hoặc một con thú nhiệt đới hiếm sẽ được phóng to, được đem ra khoe trong những dịp mạn đàm văn nghệ của các bà. Nhưng tại sao đúng lúc phải đóng vai một người lịch thiệp bà ta lại bộc lộ bộ mặt ngơ ngác như vậy nhỉ? Tôi băn khoăn một lúc trong lúc vẫn ra vẻ say sưa nhìn lên sân khấu cho đến khi một quan chức của ngành văn hoá là chỗ quen biết ngồi cạnh tôi ghé sang hỏi nhỏ: Anh khoẻ chứ? Tôi trả lời lễ độ là tôi khoẻ, thế nhưng vị kia chừng như vẫn không thoả mãn, cứ nhìn tôi như thể tôi vừa qua một trận ốm nặng.

Tôi sẽ không đi sâu thêm vào các chi tiết, cậu nhỉ. Thông minh một chút là đoán ngay ra tất cả những phản ứng lệch pha một cách tinh vi tế nhị của mọi người đối với tôi chẳng qua vì diện mạo tôi đã thay đổi đột ngột. Hơn thế nữa, tôi lại dường như làm họ bị xúc phạm, bị lừa vì đưa đến cho họ một hình ảnh lạ. Và hình như, thậm chí thiếu Chân, Thiện, Mỹ, gì gì đó.

Sẽ là phóng đại nếu như tôi bảo với cậu rằng buổi biểu diễn hôm đó bị hỏng chỉ vì tôi đã cạo râu. Nhưng, để tôi diễn đạt cho chính xác nhé, nó đã không được thành công mỹ mãn và rực rỡ, nói như cánh nhà báo các cậu.

Tất cả những điều này tôi chỉ thực sự cảm nhận được về sau này. Ngay tại đó, tôi chỉ nhận ra được cái vỏ của sự việc. Giữa hai tiết mục, trong tiếng vỗ tay rào rào, tôi nghe một tiếng nói rất khẽ vẳng lên cách tôi khoảng hai hàng ghế: Ông ấy đã cạo râu. Giọng nói vang lên rất rõ đối với tôi, nó sắc nhọn, đầy vẻ thoả thuê đố kỵ, chắc là của một đồng nghiệp, nhưng cũng có thể không phải, người nói có thể chỉ là một kẻ hâm mộ. Trong đám người cuồng tín, lúc nào cũng tiềm ẩn những kẻ khoái trá đập phá thần tượng.

Từ đó cho đến nay, tôi không dám cạo râu nữa. Niềm tự tin vào bản thân của tôi cũng sụp đổ từ hôm đó. Và, cậu biết không, tôi còn bắt đầu chăm sóc bộ râu, tôi chải nó, và tỉa nó mỗi ngày.

Ồ, cậu đã phải về. In ảnh để đưa ngay vào số báo đang lên khuôn. Ôi, công việc. Tôi và cậu, chúng ta đều hăm hở lao vào công việc, hầu mong ngoi lên được trong đám đông. Này cậu, tôi biết cậu sẽ thành đạt, lúc đó cậu sẽ hiểu được câu chuyện của tôi.

Sau khi cậu về, tôi sẽ cạo râu, tôi thấy nặng nề và ngứa ngáy quá chừng. Một cảm giác có tính xác thịt. Nhưng có lẽ không được, bởi vì người ta định làm một bộ phim về tôi. Tuần sau khởi quay rồi cậu ạ.

Lê Anh Hoài


--------------------
-------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 28th March 2024 - 11:30 AM