Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> câu chuyện thầy lang hay là một bệnh nhân sáng suốt, Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức M.D
Tulip
post Oct 10 2019, 11:24 AM
Post #1


Hoa cô đơn
***

Group: Năng Động
Posts: 5,417
Joined: 28-October 08
Member No.: 516
Country




câu chuyện thầy lang hay là một bệnh nhân sáng suốt


Các cụ ta xưa nay vẫn có câu nói “Phúc Chủ, Lộc Thầy” khi đề cập tới mối tương quan giữa thầy thuốc-bệnh nhân.

Chữa được khỏi bệnh là nhờ âm đức ông bà của người bệnh còn thầy thuốc chỉ góp phần khiêm tốn. Đó là vào thời xa xưa, khi mà kiến thức chuyên môn của các vị lương y căn cứ vào kinh nghiệm của thầy, của chính mình, chứ không có hướng dẫn quy mô và khoa học thực nghiệm hỗ trợ.

Ngày nay thì y khoa học đã tiến rất xa trong việc tìm bệnh, trị bệnh cũng như phòng bệnh. Kết quả các nghiên cúu được hệ thống hóa, ghi thành cả kho tài liệu trong sách báo cũng như trên internet để mọi người tham khảo. Người thầy thuốc phải trải qua cả mươi năm để học hỏi kiến thức, kỹ thuật chuyên môn, cho nên họ được trang bị khá đầy đủ trước khi “xuống núi, cứu nhân độ thế”. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc cứu chữa bệnh. Trong khi đó, vì rừng kiến thức y khoa quá nhiều, người bệnh không thu nhận được hết, nên họ tùy thuộc vào bác sĩ. “Thôi thì trăm điều “nhờ” ở sự mát tay của quan đốc”.

Nhưng “nhờ” chưa đủ mà còn cần “hợp tác” với bác sĩ.

Một bác sĩ tận tâm cộng với “con bệnh sáng suốt” biết phải làm gì, sẽ dễ dàng thành công hơn trong cuộc chiến chống lại nan y.

Trước hết là làm sao có được một bác sĩ mà mình tin tưởng để trao thân, gửi phận về phương diện điều trị chăm sóc sức khỏe. Bác sĩ nào cũng quan trọng, nhưng vị lương y gần gũi với mình hơn cả là Bác Sĩ Gia Đình.

Thay vì điều trị một cơ quan, bộ phận, một loại bệnh như các bác sĩ chuyên ngành khác, bác sĩ gia đình được huấn luyện để chữa trị “thượng vàng, hạ cám” toàn thân người bệnh, dù là nam hoặc nữ, già hay trẻ, bệnh cấp tính hay kinh niên.

Vị đó cũng là người thực hiện các xét nghiệm sớm tìm ra bệnh cũng như hướng dẫn bệnh nhân trong nếp sống hàng ngày để phòng tránh bệnh. Nếu gặp ca phức tạp, bác sĩ gia đình cũng không ngần ngại hỏi ý kiến hoặc giới thiệu tới bác bác sĩ chuyên môn khác. Vì y học là lãnh vực quá rộng lớn, rất khó cho một người có được đầy đủ các kiến thức.

Ngoài khà năng chuyên môn cao, bác sĩ tận tâm cũng nên dành cho bệnh nhân một khoảng thời gian vừa đủ để nghe kể lể rồi giải thích bệnh tình, trị liệu cho người bệnh.

Cái mục kể lề này xét ra cũng rất quan trọng.

Sáng suốt, thứ tự kể hết bệnh trạng, dù là chi tiết tưởng như nhỏ nhặt.

Các điều mà bác sĩ cần biết gồm có:

-Tất cả các bệnh hiện có hoặc đã xảy ra trong quá khứ

-Danh sách tất cả các dược phẩm đang dùng, dù là do bác sĩ cho đơn, mua tự do hoặc dược thảo.

-Đã chích ngừa loại bệnh nhiễm nào.

-Y sử thân nhân, gia đình

-Tại sao tới bác sĩ hôm nay?

Nghĩa là nói hết mọi chi tiết về bệnh. Dù là phong tình, giang mai, lậu mủ trong quá khứ hoặc kém ước tình chăn gối hiện giờ. Thầy thuốc trị bệnh chứ không phán xét hành vi, hạnh kiểm của mình mà phải e dè, mắc cỡ.

Trước khi gặp bác sĩ, nên ghi các điều muốn nói trên miếng giấy, rồi thứ tự trình bầy. Nhiều khi, vì quá xúc động trước mặt lương y mà mình quên chi tiết này, dấu hiệu kia, một chuyện thường xảy ra cho mọi người. Nên nhớ bác sĩ cũng như nhà thám tử điều tra, cần có các dữ kiện do bệnh nhân cung cấp để tìm phương thức giải quyết vấn đề

Đừng “chần chừ”, chờ coi xem bệnh tiến triển ra sao rồi mới đi khám. Vì đôi khi quá trễ. Một cơn đau bụng ngầm ngầm có thể do ruột dư vỡ mủ. Phân lẫn những vết máu đỏ tươi có thể do ung thư ruột già. Không sớm mổ, không đi nội soi ruột ngay thì nhiễm trùng vùng bụng nghiêm trọng và ung thư đại tràng có thể đã thành hình. Để rồi tự trách mình coi thường, sao lãng, mà bác sĩ cũng tốn nhiều công sức điều trị.

Kể rồi cũng cần hỏi thêm các điều liên quan tới bệnh mà mình chưa biết. Đừng ngần ngại. Nếu không nêu ra thắc mắc, bác sĩ cho là mình đã thấu hiểu tất cả các điều mà họ đã nói.

Ghi rõ các chi tiết cần thiết để khỏi quên. Nhiều bệnh nhân cẩn thận, xin phép bác sĩ cho ghi âm và mang theo người thân để nhớ hộ.

Đừng tự làm thầy thuốc, tự cho toa hoặc tự ý thay đổi toa thuốc của bác sĩ. Chỉ định rằng uống 10 ngày thì cứ uống hết trong 10 ngày, vì bệnh cần số thuốc như vậy để lành. Ngưng thuốc giữa chừng, gia giảm liều lượng mà không hỏi ý kiến lương y thì chỉ “tiếp tay” cho bệnh lâu hết và trở lại mau hơn.

Cũng chẳng nên “bác sĩ cho tôi kháng sinh này, viên con nhộng kia”, vì lần trước thuốc đó làm bệnh hết ngay. Mỗi bệnh có nguyên nhân khác nhau, mỗi tác nhân gây bệnh chỉ nhậy cảm với thuốc riêng biệt.Chứ làm gì có thuốc trị dứt được bá bệnh như thường nghe quảng cáo trên đài, trên báo, trên bươm bướm tờ rơi.

Nếu có một bệnh thường hay tái diễn thì nên cho bác sĩ coi toa thuốc hoặc chai đựng thuốc cũ để bác sĩ dựa vào đó mà điều trị, với thay đổi đôi chút. Như vậy tiết kiệm được thời gian. Nhưng đừng tự tiện ra tiệm mua thuốc đã dùng về uống vì bệnh có thể hơi khác trước, khiến cho thuốc giảm công hiệu. Và không bao giờ dùng dược phẩm đã quá hạn, thay đổi mầu sắc, cấu tạo.

Như đã nói, ngày nay có rất nhiều nguồn cung cấp các kiến thức về bệnh tật, thuốc men, về điều trị, phòng tránh cũng như những quảng cáo, giới thiệu. Trên internet, qua truyền thông báo chí. Vì quá nhiều đôi khi lại trái ngược nhau nên cũng khiến mọi người ngẩn ngơ, chẳng biết thực hư ra sao. Có người dè dặt nói rằng “Đừng tin mọi điều mình đọc” kể cũng quá đa nghi. Nhưng cẩn tắc vô ưu.

Trước hết coi xem kiến thức đó từ đâu mà ra. Do một nhà chuyên môn y học phổ biến hoặc biên tập, góp ý với bài viết của người ngoài lãnh vực. Đó là một sự kiện có chứng minh hay chỉ mới là một ý kiến mới được nêu ra để thăm dò phản ứng. Kiến thức có cập nhật hay là đã quá xưa, vì hiện nay khám phá khoa học ngày càng tiến bộ, càng nhiều. Đặc biệt là những “thông tin” có tính cách hướng dẫn làm sao cho khỏe mạnh mà lại kèm theo giới thiệu một số sản phẩm “đặc chế, gia truyền” đã được giáo sư này, bác sĩ kia khen ngợi, đang dùng.

Sáng suốt để hiểu rõ quyền hạn của người bệnh. Hoa Kỳ có Patients Bill of Rights do Hiệp Hội các Bệnh viện soạn thảo năm 1972 và cập nhật năm 1992 trong đó có ghi các quyền hạn này.

Hy vọng là quê hương mình cũng sớm có “Bill” tương tự. Để bệnh nhân được chăm sóc chu đáo, tôn trọng nhân vị. Để biết rằng những gì ghi trong hồ sơ bệnh lý của mình là mình có quyền coi lại và xin bản sao, khi cần. Mình cũng có quyền bổ túc điều mình đã khai mà hồ sơ không ghi lại. Cũng có quyền biết kết quả các thử nghiệm và được giải thích ý nghĩa. Hồ sơ không được tiết lộ cho ai, ngoại trừ khi có yêu cầu của cơ quan tư pháp, công lực hoặc y tế dự phòng để bảo vệ sức khỏe chung.

Kể ra còn nhiều điều mà người bệnh sáng suốt cần biết cần làm. Nhưng thực hiện được các điều kể trên cũng tạm đủ để duy trì sức khỏe tốt rồi.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức M.D.


--------------------

*******
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 14th November 2024 - 06:36 AM