Welcome Guest ( Log In | Register )

Profile
Personal Photo
Options
Options
Personal Statement
Hoài Yên doesn't have a personal statement currently.
Personal Info
Hoài Yên
Bình Yên Một Thoáng
Age Unknown
Gender Not Set
Location Unknown
Birthday Unknown
Interests
No Information
Other Information
Country: United States
Statistics
Joined: 9-May 08
Profile Views: 338*
Last Seen: 28th July 2008 - 03:49 AM
Local Time: Apr 27 2024, 03:28 AM
28 posts (0 per day)
Contact Information
AIM No Information
Yahoo No Information
ICQ No Information
MSN No Information
Contact Private
* Profile views updated each hour

Hoài Yên

Members

**


Topics
Posts
Recent wiki edits
ibProBattle
Arcade
Blog
Shared Photos
Comments
Friends
My Content
9 May 2008
Tí Dần

Tí Dần năm nay hai mươi ba tuổi, cao to hơn cả bố mẹ và mọi người trong gia đình nên đã không còn là "tí" từ lâu lắm rồi . Tí Dần cũng chẳng phải tuổi con cọp để được gọi là "dần" . Tên Việt Nam của Tí Dần là Minh Đăng, cái tên mà ông nội đã cẩn thận chọn cho thằng cháu đầu tiên như một ngọn đèn sáng soi cho cả dòng họ . Tóm lại hai chữ "Tí Dần" chẳng ... ăn nhập gì đến Tí Dần một li ông cụ nào cả . Vậy mà nó đã trở thành một cái tên thông dụng nhất, được mọi người từ trong gia đình cho đến những người thân quen cũng như bạn bè Việt Nam dùng để gọi Tí Dần . Và bây giờ thì ngay cả Sarah, cô bạn gái không cùng chủng tộc cũng ... ưu ái gọi Tí Dần như thế . Tí Dần được thừa hưởng cái tên ... hách xì xằng như thế chỉ vì:

- Tí Dần may mắn có được một người dì với đầu óc phong phú như dì Đông Nghi đấy .

Đó là câu nói tôi hay hất mặt nghênh ngang dùng để giải thích với Tí Dần từ những ngày Tí Dần còn nhỏ xíu mặc cái lườm đe doạ và cái nguýt dài thườn thượt của chị Đan Chi :

- Nó xui xẻo có một con dì cà chớn như mi thì có . Người ta bảo "chém cha không bằng pha tiếng". Hên cho mi là ba má anh Minh hiền chứ nếu không thì mi chết .

Để tôi lại bai bải:

- Ai chẳng biết ba má chồng của bà hiền . Khoe hoài . Mà ai nói với bà là tui pha tiếng, bà nội Tí Dần gọi nó làm sao thì tui bắt chước gọi làm vậy thôi chứ bộ, tui có thêm thắt gì đâu .

Gia đình tôi là bắc kỳ di cư chính hiệu ... ông cả cần . Mặc dầu sinh ra trong nam nhưng vì bị nhốt ở trong nhà không được ra đường chơi nhiều với con nít hàng xóm nên chị em chúng tôi nói rặt giọng bắc . Sau ngày mất nước tôi không được học trường ma-soeur của các chị ngày xưa mà phải học trường "thuộc khu vực", đi học tôi cứ nghe tụi nó chọc là "bắc kỳ ăn cá rô cây ăn nhằm lựu đạn chết cha bắc kỳ " . Hồi nhỏ tôi ma lanh lắm (nói thế không có nghĩa là bây giờ tôi đã hết ma lanh, phải đính chính liền như thế kẻo mất công bị ... chỉnh) nên dĩ nhiên là tôi thuộc cái câu phản kháng lại "bắc kỳ ăn cá rô cây ăn nhằm trứng cá đẻ ra nam kỳ", nhưng tôi rất ít khi trả đũa . Bởi cho dù ở cái tuổi còn vẩy mực vào áo đứa nào chọc tức mình thuở đó tôi cũng đã biết "hy sinh vì đại nghĩa" đủ để nhận ra rằng tôi không bắc kỳ bằng bọn ... bắc kỳ thứ thiệt . Có khi tôi còn "cẩn thận" hỏi lại đứa đang chọc mình:

- Mày chửi tao hay là mày chửi tụi nó vậy ?

Rồi để ... chứng minh rằng mình không đứng chung hàng ngũ với những kẻ vừa nghênh ngang "tiến vào thành phố" tôi bèn bắt chước nói giọng Nam . Ngặt một điều lúc đó ngôn từ văn phạm chẳng hiểu là bao nhiêu nên tôi ... dịch hết những từ ngữ thường dùng của người bắc ra chữ tiếng Nam cứ loạn xạ cả lên làm chẳng ai hiểu tôi muốn nói gì . Lũ bạn hàng xóm thấy cái thiện cảm của tôi bèn tội nghiệp an ủi:

- Thôi Đông Nghi ơi, mày cứ nói tiếng Bắc đi, tụi tao không có chọc mày đâu .

Thật ra thì tôi cũng chẳng biết mình nói giọng Nam hay giọng Bắc nữa, vì ở trong Nam thì người ta bảo tôi nói giọng Bắc, sau này khi ra ngoài Bắc thăm nuôi Bố trong tù thì mấy người ngoài đó lại nói với Mẹ tôi:

- Sao Bác nói giọng Bắc mà con bé lại nói giọng Nam ?

Thật là chẳng biết đường đâu mà lần .

Giọng miền nam thì tôi không bắt chước được nhưng đồ ăn của người miền nam thì tôi ... rành sáu câu bởi vậy nên bạn bè của tôi toàn người miền nam . Gia đình anh Minh chồng chị Đan Chi gốc Bến Tre . Không hiểu ngày đám cưới chị Đan Chi, tôi với chị ai là người vui hơn vì má của anh Minh nấu đồ ăn ngon không chê chỗ nào được . Hai Bác Tư có hai người con trai, anh của anh Minh lấy vợ trên miền Bắc, nhà chỉ còn một mình anh Minh nên hai bác đề nghị anh Minh lấy vợ xong thì ở luôn với hai bác . Bà Đan Chi nhà tôi khôn khỏi biết, hai bác vừa hiền lành vừa chiều con nên chị Đan Chi gật đầu bằng lòng lia lịa . Chả là chị em chúng tôi chỉ hạp với ... ăn thôi chứ không hạp với ... nấu . Nhà hai bác lại nằm gần trường tôi học nên tôi đến thăm chị Đan Chi rất thường xuyên . Mặc dầu có khi ở nhà hai bác cả buổi về đến nhà mẹ hỏi:

- Chị Chi hết bịnh chưa Nghi ?

Tôi mới ngớ ra vì tôi đâu có biết chị Đan Chi bị bịnh đâu mà biết khỏi hay chưa . Rồi từ lúc nào chẳng rõ tôi thân với Bác Tư gái còn hơn là chị Đan Chi vì tôi hay luẩn quẩn bên chân Bác để nếm đồ ăn dùm Bác . Tí Dần chào đời trong sự vui mừng và đón đợi của cả gia đình nội ngoại hai bên . Steven Minh Đăng Nguyễn, tên trên giấy khai sinh của Tí Dần cũng dài ngoằng như cái tình thương yêu Tí Dần được thừa hưởng . Hai Bác Tư vui lắm vì anh hai của anh Minh lập gia đình trước anh Minh nhưng lại chưa có con nên Tí Dần đương nhiên được mang chức cháu đích tôn đương thời . Bác Tư gái đi đâu cũng bỏm bẻm khoe thằng cháu . Bác gọi Steven nghe như "sờ-tí-dần" . Từ đó tên Steven bị tôi đặt lại cho thành "Tí Dần" trước cặp mắt hốt hoảng của mẹ vì sợ hai bác giận . Mẹ đâu có biết bác Tư gái cùng ... phe với tôi nên bác chỉ cười hiền lành:

- Mày nhái bác đó hở Nghi ? Ừa, mà nghe cũng xuôi tai đó chớ chị xui, thôi từ nay ở nhà gọi nó là Tí Dần đi cho tiện .

Thế là tên Steven được chính thức đổi thành "Tí Dần" trước sự hả hê của cả hai họ . Từ những giây phút đầu tiên gặp Tí Dần là tôi đã khoái thằng bé liền tù tì . Tí Dần là một đứa bé rất ... quậy, nó chẳng bao giờ chịu nằm yên, hết quay qua bên trái lại quay qua bên phải, hai tay thì cứ giơ ra trước mặt quơ quàng như Muhammad Ali thuở còn đánh bốc . Tí Dần rất ít khóc, chừng như nó cảm thấy cười phải vận dụng ít bắp thịt hơn là khóc nên lúc nào nó cũng nhe ... lợi ra cười . Lần đầu tiên làm mẹ nên chị Đan Chi lo lắng rất chu đáo, chị có cả một tủ sách, tiếng việt cũng như tiếng mỹ nói về cách nuôi dưỡng và sự phát triển của trẻ em . Chị tiên đoán và háo hức mong chờ từng cái mốc quan trọng từ cái sự sống nhỏ bé anh chị mới hình thành . Khổ một nỗi Tí Dần dường như muốn trêu tức mẹ nó hay sao đó mà nó cứ ... phe lờ những công việc mà nó có bổn phận phải hoàn tất theo đúng sự ghi chép trong sách vở . "Ba tháng biết lật, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi" gì gì đó đều bị Tí Dần coi như pha, nó cứ tà tà đi theo cái chu kỳ của riêng nó mặc cho bà chị tội nghiệp của tôi lo xanh cả mặt . Lần nào đi bác sĩ chị cũng căn vặn và lần nào thì chị cũng được trấn an rằng mỗi đứa bé có sự phát triển riêng của nó không thể so sánh đứa bé này với đứa bé kia được . Chị thắc mắc hỏi tôi:

- Họ nói vậy thì tại sao họ lại để những cái mốc đó vào sách vở để làm gì ?

Tôi nhún vai:

- Để dụ tiền mấy người cả tin như bà .

Nhưng rồi khi nhìn thấy vẻ mặt lo lắng của chị tôi lại tội nghiệp trấn an:

- Tí Dần mạnh khoẻ như vậy bà lo làm gì . Vả lại nó có gene của ... gia đình mình sợ gì không thông minh ?

Chị cười:

- Tao chỉ sợ nó khờ giống mi .

Tí Dần không biết có khờ giống tôi không nhưng chắc chắn một điều là nó lười giống tôi . Nó gom bao nhiêu chuyện cần thi hành lại làm một lúc cho tiện . Mãi đến hơn sáu tháng Tí Dần mới nhẩn nha tập lật nhưng sau đó thì nó biết bò luôn . Chín tháng Tí Dần bắt đầu tập nói và cứ thế ngồi một chỗ mà nói chứ không thèm tập đi . Cách phát âm của Tí Dần pha trộn cả giọng bắc lẫn giọng nam, ngôn ngữ thì lai cả tiếng An Nam lẫn tiếng ... Ăng Lê học lóm nghe trọ trẹ dễ thương vô cùng . Bác Tư hay để Tí Dần ngồi trong cái xe tập đi, bác bắt bác trai thay hết thảm trong phòng khách và phòng ăn thành sàn gỗ, bao nhiều bàn ghế hai bác thu gọn hết lại một góc để Tí Dần ... đi lại cho tiện . Mỗi lần thấy bóng tôi từ đàng xa là Tí Dần phóng xe vù ra đón và luôn miệng bi bô:

- Ni, Ni ... ai chớp du ... Ni, Ni ...

Lần đầu tiên mấy nhỏ bạn theo tôi đến nhà hai bác chúng nó đã ngớ ra không hiểu Tí Dần muốn nói gì . Tôi lại phải thông dịch :

- Tí Dần nói "Nghi, Nghi, I love you" đó mà . Tụi bay thấy thằng cháu tao khôn ngoan hết xẩy chưa ? Còn chưa biết đi mà đã rành tâm lý con gái rồi .

Không biết Tí Dần "chớp" tôi bao nhiêu nhưng tôi thì mê Tí Dần như điếu đổ . Những ngày Tí Dần lớn ngoài giờ đi học, đi làm và dĩ nhiên là giờ đi chơi với bạn bè ra tôi dành hết thời gian còn lại cho Tí Dần . Tôi làm vậy cũng chỉ vì tôi thương Tí Dần chứ đâu phải tại tôi ... "nhác việc nhà chẩu đi chơi" như mọi người nghĩ đâu . Chị Đan Chi cứ "vu oan giáng họa" cho tôi là làm Tí Dần hư:

- Người ta bảo con hư tại mẹ, cháu hư tại bà chứ thằng Tí Dần nó mà hư là chỉ tại con Nghi tất cả .

Nói thế thì cũng oan uổng cho tôi vô cùng vì tôi đâu có làm hư Tí Dần hồi nào đâu . Tôi chỉ dạy cho Tí Dần những điều ... căn bản cần thiết để sinh tồn trong cái thế giới nhiễu nhương này thôi . Thí dụ như lần tôi đưa Tí Dần ra công viên gần nhà chơi, mấy đứa con nít mỹ ỷ thân hình phương phi vạm vỡ hơn Tí Dần nên cứ lấy hết đồ chơi trong thùng cát của Tí Dần, tôi nhìn mà ... ngứa mắt bèn nói với Tí Dần:

- Đứa nào lấy đồ chơi của Tí Dần thì Tí Dần đánh vào tay của nó rồi nói "It's mine" nghe chưa ?

Chỉ có vậy thôi mà chẳng biết bà mẹ nào "mách lẻo" lại với chị Đan Chi, lần sau vừa thấy mặt tôi là chị xỉa xói:

- Con khỉ, mi dạy thằng Tí Dần cái gì mà mấy bà hàng xóm nói với tao là Tí Dần không chịu chơi chung với mấy đứa bé khác, cái gì nó cũng bảo "của tao, của tao" là sao ?

Tôi cãi:

- Thì đồ chơi của nó thật thì nó bảo của nó chứ sao ?
- Nhưng nó phải biết chia xẻ với bạn bè chứ, mi dạy cho nó ích kỷ như vậy ai mà thèm chơi với nó nữa ?

Tôi bĩu môi:

- Không thèm chơi thì thôi, báu gì mấy đứa bé đó mà bà phải tiếc ? Tui thấy tụi nó bốc cát bỏ đầy túi áo, túi quần . Nói năng thì câu không thành câu, vần không ra vần . Tí Dần nhà mình chơi với mấy đứa đó phí cả trí thông minh của nó .

Chị thở dài:

- Tao rầu mi quá Nghi ơi . Tí Dần nó mới có ba tuổi, nó cần chơi với bạn bè đồng trang lứa, nó phải học cách chia xẻ, cách hoà đồng chứ .

Mỗi lần về nhà ông bà ngoại Tí Dần thích vô phòng tôi lắm vì đó là nơi lưu trữ bánh kẹo . Tí Dần mở ngăn kéo nào ra cũng thấy toàn là "đồ ăn dự trữ" của dì Nghi . Nó bắt chước đem kẹo về nhà giấu đầy trong ngăn tủ, chị Đan Chi khám phòng nó thấy bao kẹo ném đầy gầm giường và kẹo để đầy ngăn tủ . Thế là tôi lại một phen bị mắng:

- Tao không mua kẹo vì không muốn nó ăn kẹo nhiều thì mi lại cung cấp cho nó thì cũng như không .

Tôi hậm hực:

- Bà cấm nó làm gì vậy ? Hồi mình còn nhỏ ở Việt Nam không có kẹo ăn thèm nhỏ rãi bây giờ con bà sinh đẻ ở đây tại sao lại bắt nó nhịn ?
- Ăn kẹo nhiều hư hết răng thì sao ?
- Sao bà lo bò trắng răng quá bà Chi ơi . Ở đây Colgates với Aquafresh đầy chứ có phải dánh răng bằng muối với bằng vỏ cau đâu mà sợ sún răng ? Bà có thấy đứa con nít mỹ nào sún răng chưa ?
- Ừ, mi cứ chỉ cho Tí Dần cách giấu kẹo với ăn kẹo lén như vậy hoài thì cháu của mi sẽ là đứa con nít đầu tiên ở mỹ sún răng .

Lần khác khi tôi ghé ngang trường mẫu giáo của Tí Dần thăm thấy thằng bé đang đứng ủ rũ ở góc phòng . Tôi hỏi thì cô giáo Tí Dần cho biết Tí Dần nghịch trong giờ ngủ trưa nên bị phạt . Tôi nhớ lại những giờ trốn ngủ trưa của mình xưa kia nên giải thích với cô giáo rằng Tí Dần không ngủ được nên cựa quậy vậy thôi chứ không có ý "phá rối trị an" lớp học đâu . Nhỏ nhẹ giải thích vậy rồi mà cô giáo cũng không tha cho Tí Dần, tôi tức mình dẫn Tí Dần về hai dì cháu đưa nhau đi ăn kem . Trường học không nói gì được vì chị Đan Chi đã lỡ để tên tôi vào trong danh sách những người có thể đón Tí Dần . Cũng may thuở đó điện thoại cầm tay chưa thông dụng nên hai dì cháu đã yên ổn rong chơi cả buổi chiều mà không bị chị Đan Chi tóm cổ về.

Đại khái "mối thâm giao" của Tí Dần và tôi nổi trôi như vận mệnh nước nhà như thế đó . Sau này tôi hay than thở với Tí Dần:

- Hồi xưa dì Đông Nghi độc bị mẹ mắng vì Tí Dần .

Tí Dần cười:

- Mẹ bảo Tí Dần hư là tại dì Đông Nghi đấy . Thành ra Tí Dần hay bị phạt cũng là do dì Đông Nghi bày đầu têu thôi . Dì Đông Nghi không kể công được đâu .

Ai cũng bảo Tí Dần giống tôi nhất ở cái tài hay cãi và ưa lý luận . Nhưng nếu tôi hay lý luận cùn thì Tí Dần lý luận có bài bản, nói có sách mách có chứng đàng hoàng . Chị Đan Chi bảo:

- Nhiều khi tao đang la nó mà nó lý luận một hồi tao lại thấy là mình sai .

Tôi thường nghĩ Tí Dần mà học luật thì chắc cỡ Judge Judy cũng còn thua xa lắc xa lơ . Nhưng Tí Dần có những tính toán riêng của Tí Dần . Ngay từ hồi còn bé Tí Dần đã mê đời binh ngũ . Tí Dần có thể bày trận với những chú lính mủ xanh xanh chơi hàng giờ không chán . Mỗi lần đến nhà ông bà ngoại Tí Dần lại xà vào lòng ông ngoại đòi kể chuyện hồi xưa ông ngoại chỉ huy lính cho Tí Dần nghe . Muốn Tí Dần làm điều gì chỉ cần thòng vô câu "muốn làm lính thì ...", ắt Tí Dần sẽ làm theo ngay . Năm Tí Dần hơn ba tuổi, chị Đan Chi có bé Na rồi mà Tí Dần vẫn ... thản nhiên mặc tã . Bác Tư làm thế nào Tí Dần cũng không chịu bỏ tã . Tí Dần tỉnh bơ lấy tã tự mặc cho mình mỗi khi phải làm những ... phế thải cần thiết chứ không chịu vô toilet. Vậy mà ông ngoại chỉ tuyên bố mỗi một câu:

- Tí Dần không bỏ tã không đi lính được đâu .

Thế là Tí Dần bỏ tã cái rụp .

Những ngày Tí Dần còn nhỏ, khi chiến tranh chỉ là những gợi nhớ xa xôi của một ký ức cũ mờ, khi cái chết của những người lính Mỹ trẻ tuổi chỉ là những trường hợp cá biệt, lẻ tẻ, khi tin tức chiến sự ở Bosnia hoạ hoằn lắm mới được nhắc tới trên truyền hình thì ước mơ làm lính của Tí Dần chỉ đem lại những nụ cười hóm hỉnh cho chúng tôi . Có chú nhóc tì nào mà không mê mặc áo trận, không thích làm anh hùng, không "hiên ngang anh giơ súng ngay tim bang-bang" ? Tôi là đứa lớn miệng cổ võ sở thích của Tí Dần nhất:

- Con trai phải "làm trai cho đáng nên trai" như vậy chứ . Dì Đông Nghi mà là con trai dì Đông Nghi cũng thích làm lính .
- Ca dao có câu "trai khôn tìm vợ chợ Đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân" mà . Tí Dần đi lính có làm nên "công cán" gì hay không thì không biết nhưng chắc chắn một điều là không lo ế vợ .
- Tướng Tí Dần mà mặc quân phục thì chẳng thua gì Richard Gere trong phim "An officer and a gentleman" đâu .

Chẳng biết những câu ba hoa chích choè của tôi có ảnh hưởng tí gì đến lý tưởng của Tí Dần hay không nhưng càng lớn Tí Dần lại càng chuẩn bị kỹ càng cho đời sống binh nghiệp của mình . Tí Dần tham gia mọi đoàn thể từ sói con cho đến hướng đạo . Làm đủ mọi việc thiện nguyện từ rửa xe quyên tiền cứu lũ lụt cho đến đi vận động bầu cử . Hăng hái trong tất cả những công tác xã hội mà Tí Dần được phép tham dự . Hết học võ lại quay qua chơi thể thao để rèn luyện thân thể . Ước mơ lớn nhất của Tí Dần là được vào trường đại học quân sự West Point . Trường đại học West Point không phải là một nơi dễ vào . Trường dành quyền ưu tiên cho những thí sinh có thân nhân trong quân đội . Dân dã như Tí Dần để có cơ hội vào trường ngoài điểm cao ở trung học, điểm thi vào đại học, sức khoẻ tốt ra còn phải chứng minh được rằng mình có khả năng lãnh đạo và nhất là phải có lời giới thiệu của thượng nghị sĩ hay dân biểu của tiểu bang mình cư ngụ . Mỗi năm các vị này chỉ được đề cử 10 học sinh . Tôi xúi:

- Tí Dần viết thư cho người ta bảo ông ngoại của Tí Dần cũng ở trong quân đội chứ bộ, là quân lực Việt Nam Cộng Hoà . Biết đâu họ chẳng vị tình đồng minh mà cho Tí Dần vào học .

Mùa hè trước năm Tí Dần lên lớp mười một Tí Dần được chọn vào chương trình học hè của đại học West Point . Tôi chưa bao giờ được chứng kiến cảnh một người trúng vé số vui mừng ra sao vì gia đình tôi chẳng có ai được cái may mắn đó nhưng tôi nghĩ cũng khó mà vui hơn niềm vui của Tí Dần ngày hay tin . Tí Dần gọi điện thoại cho tôi hét vào trong máy to đến độ tôi bị điếc đến vài ngày sau đó . Tí Dần hứa sẽ "làm bất cứ điều gì dì Nghi muốn" nếu tôi năn nỉ bố mẹ Tí Dần cho Tí Dần tham dự khóa học . Nhờ vào sự hỗ trợ, năn nỉ cũng như ... doạ nạt của cả ông bà ngoại, ông bà nội và các chú dì hai bên mà cuối cùng thì chị Đan Chi cũng phải miễn cưỡng chấp nhận cho thằng trưởng nam "bé bỏng" của chị lên đường đi New York . Ngày Tí Dần trở về Tí Dần người lớn hẳn lên và càng tin tưởng rằng những gì Tí Dần đang theo đuổi là đúng . Chị Đan Chi thì ỉu xìu:

- Bao nhiêu ngành nghề, công việc nó không chọn lại chọn đi về quân sự .

Tôi an ủi:

- Để nó vô đó nó học cho có kỷ luật . Bây giờ Mỹ và Nga vui vẻ đề huề, bức tường Tây Bá Linh xụp đổ, mấy nước cộng sản thay nhau chuyển hướng . Hết chiến tranh rồi, chỉ có đánh đấm lẻ tẻ chẳng đến phiên Tí Dần của bà ra chiến trường đâu mà bà cứ lo cho rách chuyện .

Nhưng có lẽ tại tôi độc mồm độc miệng nên đã tuyên bố hơi sớm . Vụ khủng bố 9-11 xảy ra khi Tí Dần mới bắt đầu vào năm cuối trung học, chiến tranh Afganistan bùng nổ ngay sau đó . Chị Đan Chi cương quyết dẹp bỏ "ý định điên rồ" của Tí Dần không mảy may thương tiếc . Tí Dần buồn lắm, lần đầu tiên tôi thấy nó vừa cãi mẹ vừa khóc:

- Mẹ có biết sau ngày 9-11 số người đăng ký vào lính tăng bao nhiêu phần trăm không ? Mẹ có biết khi trước đa số những người đăng lính chỉ có trình độ trung học không ? Người ta đi lính với mục đích để chính phủ trả tiền cho người ta đi học đại học . Vậy mà sau ngày 9-11 biết bao nhiêu người đang học đại học, đã tốt nghiệp đại học, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, và đủ mọi ngành nghề khác xin vào lính . Có nhiều người đã quá tuổi làm lính cũng năn nỉ xin đầu quân . Những người chưa bao giờ có ý nghĩ mặc áo trận bây giờ cũng tình nguyện xin vào quân trường . Còn con, con là một đứa mê đời quân ngũ từ khi con có chú lính mủ đầu tiên dì Nghi mua cho con . Con chưa bao giờ muốn làm gì khác hơn là làm lính, con chưa bao giờ tưởng tượng ra mình có một cuộc sống nào khác hơn là đời sống quân nhân, con chưa bao giờ cố gắng làm điều gì nhiều hơn là chuẩn bị cho cái ngày mình được đứng trong hàng ngũ của những người chiến đấu cho tổ quốc đó thì mẹ lại không cho con đi . Mẹ biết con đã phải khó khăn bao nhiêu mới xin được vào trường West Point mà .

Chị Đan Chi cũng nghẹn ngào không kém :

- Mẹ chưa bao giờ tán thành quyết định đi học ở West Point của Tí Dần . Ngoài việc không cho Tí Dần đi lính vì một lý do rất ích kỷ là Tí Dần là đứa con trai duy nhất của mẹ ra, mẹ còn một lý do khác để không muốn Tí Dần cầm súng . Mẹ không thích chiến tranh Tí Dần biết không ?

Tí Dần nghiêm mặt:

- Mẹ có bao giờ nghĩ con cũng như mẹ không ? Con muốn làm lính chỉ vì con yêu hoà bình . Không phải mẹ vẫn dạy con khi mình yêu điều gì thì mình phải bảo vệ gìn giữ điều đó sao ?

Nói xong Tí Dần tiu nghỉu nhìn tôi đầy thắc mắc . Tôi lắc đầu buồn bã nhìn xuống chân tránh ánh mắt của Tí Dần . Đó cũng là lần đầu tiên tôi không lên tiếng bênh vực cho Tí Dần với chị Đan Chi . Bởi cũng như chị tôi không còn muốn Tí Dần vào trường đại học West Point nữa . Cũng như chị tôi không còn thấy ý định làm lính của Tí Dần là một điều đáng được khích lệ nữa . Làm sao chị Đan Chi có thể chấp nhận cho Tí Dần bước vào một con đường mà chị biết chắc rằng cùng đích của sự thành danh là nơi chiến trường lửa máu ? Bom đạn vốn không có tình thương, chiến trường vốn thiếu sự bao dung, hận thù vốn không kén chọn từ khước . Nhưng cũng làm sao để nói với một thằng bé 17 tuổi rằng lý tưởng rất cao đẹp mà nó hằng ấp ủ là một điều không được hoan nghênh ?

Không có một người mẹ nào có can đảm nhìn đứa con mình đã bảo bọc cưu mang, đã thương yêu dạy dỗ lao người vào chốn hiểm nguy mà không lên tiếng cản ngăn, không làm tất cả những gì mình có thể làm được để giữ chặt lấy nó trong vòng tay, trong bình yên . Nhưng rồi cũng không có người mẹ nào có can đảm nhìn đứa con thông minh yêu đời của mình đắm chìm vào một vũng buồn tuyệt vọng . Thế nên cuối cùng thì tình yêu mẹ dành cho con cũng vẫn lớn hơn tình yêu mẹ dành cho mẹ, cuối cùng thì mẹ cũng đành mím chặt đớn đau để cho con có một nụ cười trên môi, cuối cùng thì mẹ cũng đành ôm lấy niềm lo để cho con đạt được điều con ước mơ . Cuối cùng thì Tí Dần cũng lên đường vào đại học West Point giữa nụ cười đưa tiễn méo xệch của chị Đan Chi .

Anh Minh ôm chị dỗ dành an ủi:

- Em à, mình sinh con ra nuôi dạy và thương yêu chúng với tất cả khả năng của mình nhưng cũng phải tôn trọng cái bản chất riêng tư của chúng nữa . Em nên mừng vì em đã thành công trong việc đem lại cho đời một thằng con trai đầy lý tưởng như Tí Dần . Trong lúc biết bao đứa bé bằng tuổi nó chỉ lo ăn chơi hoang đàng, lạc lõng không hướng đi thì con trai mình lúc nào cũng biết nó muốn gì và cần phải làm gì cho nó và cho những người chung quanh . Đó là một điều đáng hãnh diện mà Đan Chi .

Nhưng xui cho anh là chị em nhà tôi không những bướng mà còn ... chướng nên chị Đan Chi ném cho anh một cái nhìn đầy đe doạ:

- Em chẳng muốn đem lại cho đời một cái quái gì hết . Em chỉ muốn con có một giấc mơ bình thường như mọi người khác . Em chỉ muốn con luôn ở bên mình để em có thể săn sóc chở che . Em không cần hãnh diện vì con, em chỉ cần sự hiện diện của con thôi anh biết không ?

Bốn năm đại học của Tí Dần là bốn năm chúng tôi hồi hộp theo dõi từng biến chuyển chính trị thế giới . Chưa bao giờ tôi lại chăm chỉ theo dõi tin tức từ một miền đất xa lạ nhiều như thế . Chưa bao giờ những địa danh khó đọc như Kabul, Kandahar hay Baghdad, Suni Triagle ... lại in hằn trong đầu tôi nhiều đến thế . Mỗi năm vào dịp nghỉ lễ Tí Dần về Tí Dần lại rắn rỏi ra một chút, người lớn lên một chút nhưng duy mãi những thương yêu lém lỉnh, những gần gũi thân quen là vẫn như ngày tháng cũ, như Tí Dần chưa hề xa chúng tôi bao giờ . Như Tí Dần chưa hề có những buổi tập quân sự lao khổ, những buổi học chính trị khô khan . Tôi hỏi Tí Dần:

- Học ở đó chắc chán lắm phải không Tí Dần vì dì Đông Nghi chẳng thấy cô nữ quân nhân nào xinh bao giờ .

Tí Dần cười lém lỉnh:

- Không phải dì Đông Nghi vẫn dạy Tí Dần rằng lấy vợ chỉ nên lấy người thông minh chứ không nên lấy người đẹp mà rỗng sao ? Vì con gái thông minh thì sẽ biết cách làm cho mình đẹp còn người rỗng tuếch thì chẳng làm sao cho ... đặc được . Học ở đó mệt nhưng vui lắm dì Đông Nghi à . Tí Dần nghĩ khi mình được làm việc gì mà mình mong muốn thì bao giờ mình cũng thấy nó dễ dàng và hạnh phúc .

Tí Dần nói đúng vì trong lúc bao nhiêu người bạn của Tí Dần phải khốn khó lao đao với chương trình học và chương trình tập luyện thì lúc nào nhìn Tí Dần cũng ung dung nhàn nhã . Tí Dần tiếp tục là một sinh viên xuất sắc trong mọi môn học . Lần về nào Tí Dần cũng đem theo vô số giấy khen, phần thưởng đưa chị Đan Chi . Chị Đan Chi luôn luôn đón Tí Dần bằng nụ cười rạng rỡ thản nhiên nhưng tôi biết càng gần đến ngày Tí Dần ra trường chị lại càng siêng năng đi nhà thờ nhiều hơn . Dường như chúng tôi sinh ra là để nguyện cầu cho hòa bình . Hết lo cho chiến tranh nơi quê hương mình lại lo cho chiến tranh ở nơi đâu đâu đó . Nhưng chưa dứt trận chiến này thì họ lại bắt đầu một trận chiến khác . Ngày Tí Dần mũ áo ra trường đâu đó trong những giọt nước mắt hãnh diện của chị Đan Chi là những giọt nước mắt lo lắng cho một thực tại phũ phàng mà chị có thể tiên liệu nhưng lại vô phương kềm chế . Tí Dần chỉ ở nhà có vài tuần rồi lại hăm hở lên đường vô trại lính . Tí Dần chọn binh chủng hải quân với mơ ước được tham gia vô đội tuyển Navy Seal . Tí Dần càng hăm hở bao nhiêu thì tôi lại càng cáu kỉnh bấy nhiêu . Tôi không lo lắng trong sự trầm tĩnh và phó thác được như chị Đan Chi . Tôi bực tức với chính phủ, với chiến tranh quay qua nhấm nhẳng luôn cả với Tí Dần:

- Dì Đông Nghi thấy cuộc chiến này nó vô lý lắm Tí Dần biết không ?

Tí Dần cười:

- Có cuộc chiến nào là cuộc chiến có lý đâu hở dì Đông Nghi ? Nói đến chiến tranh là nói đến những điều vô lý bắt nguồn từ sự vô tâm nào đó .

- Đành rằng như thế, nhưng có những cuộc chiến cái óc bé nhỏ như hạt đậu của dì Đông Nghi có thể hiểu được thí dụ như cuộc chiến ở Afghanistan chẳng hạn . Vì cuộc khủng bố 9-11 nên mình phải đi tìm bọn Taliban mình ... dằn mặt để phòng ngừa . Nhưng còn cuộc chiến mà Tí Dần sắp sửa lao đầu vào đó thì chẳng ai đụng gì đến mình, đương không mình đổ thừa tại nước người ta có vũ khí hạt nhân rồi mình đem quân đi xâm lăng nước người ta rồi có kiếm được cái gì đâu . Vô duyên thì thôi đi .

Tí Dần trầm ngâm:

- Tí Dần không biết chắc rằng họ có hay không có vũ khí hạt nhân, có hay không có khả năng tạo ra những cuộc chiến tranh vi trùng, sinh học hay hoá học để tiêu diệt nhân loại . Mình không kiếm ra không có nghĩa là họ chưa từng có nhưng đã hủy diệt kịp thời . Tí Dần không dám xác quyết một điều gì, Tí Dần chỉ biết họ từ chối không cho những vị thanh tra từ cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế liên hiệp quốc đến khám xét . Chính thái độ mập mờ đó của họ đã tạo ra nghi vấn . Tí Dần cũng biết được rằng Sadam Husein là một nhà lãnh đạo độc tài, đã từng gây ra nhiều vụ thảm sát không căn cơ . Tí Dần nghĩ cuộc chiến có thể bắt đầu từ những tin tức trinh thám không chính xác nhưng cái kết quả của nó là đem lại cho vương quốc Iraq một nền dân chủ thì cuộc chiến cũng không phải là một việc làm vô ích đâu dì Đông Nghi .

Tôi bĩu môi:

- Sao Tí Dần biết được rằng người dân Iraq cần sự dân chủ đó ? Biết đâu họ bị đè nén lâu rồi nên ... quen . Tí Dần không thấy bây giờ họ còn bị náo loạn hơn xưa, khổ cực hơn xưa sao ?

Tí Dần cười hiền hòa:

- Tí Dần không đồng ý với lập luận đó của dì Đông Nghi đâu . Con người sinh ra ai cũng muốn có cái quyền nói lên tiếng nói của chính mình . Tại sao một đứa bé vừa rời lòng mẹ lại khóc oe oe ? Tại sao không cần chỉ hít vào lồng ngực một luồng không khí là buồng phổi tự động nở ra mà phải khóc thét lên một tiếng ? Tí Dần nghĩ tiếng khóc của đứa trẻ sơ sinh cũng như một tiếng nói của riêng nó hầu nhấn mạnh sự có mặt của nó trên cuộc đời này . Thế giới ngày càng tiến bộ, dân trí ngày càng cao, chỉ có những người lãnh đạo bất tài và kém tự tin mới không cho người ta nói lên những điều người ta suy nghĩ, mới muốn cai trị ngu dân . Dường như có một danh hào người Tây nào đó đã nói "Tôi phản đối điều anh nói nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền được nói ra điều đó của anh" (*). Tí Dần cũng có cùng một suy nghĩ như ông ta . Mình có quyền không đồng ý với những điều người khác nói nhưng không có cái quyền cấm người ta không được nói lên điều người ta nghĩ dì Đông Nghi biết không ? Bố mẹ vẫn kể cho Tí Dần nghe cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi xưa đã bị buộc vào tội sáng tác ra những bản nhạc phản chiến giữa lúc chiến tranh Việt Nam đang trong thời kỳ khốc liệt nhất làm chao động lòng chiến sĩ . Tí Dần thì không nghĩ về ông như thế . Tí Dần nghĩ ông chỉ làm những bản nhạc nói lên cảm giác của ông, nói lên một thân phận con người sinh ra trong khói lửa điêu tàn . Nhưng điều đáng nói là trước ngày mất nước, ngay cả lúc có những người nghĩ về ông như một người đi ngược với quyền lợi quốc gia như thế ông vẫn được tự do sáng tác, tự do phổ biến nhạc của mình mà không hề bị bắt bớ cầm tù . Còn bây giờ, khi nước Việt Nam mình đã được "giải phóng", đã dành được "tự do" thì dì Đông Nghi cứ thử về Việt Nam hát nhạc Nhật Trường coi dì Đông Nghi có được "nhà nước ta" mời vô khám chí hoà không cho biết . Tí Dần cảm thấy rất buồn cười mỗi lần Tí Dần nghe một ai đó nói "Việt Nam bây giờ đổi mới lắm, muốn làm gì thì làm, miễn là đừng phê bình chế độ hay phản đối nhà nước" . Dì Đông Nghi nè, làm sao những cụm từ "tự do", "đổi mới" lại có thể đi cùng với "miễn" và "đừng" được hở dì Đông Nghi ? Tí Dần không thể đem lại cái quyền được nói, được phát biểu linh tinh như dì Đông Nghi thường làm cho những người cùng tiếng nói màu da ở bên kia đại dương ngay lúc này được . Tí Dần chỉ có thể làm được những gì nằm trong khả năng hạn hẹp của Tí Dần thôi . Tí Dần tin rằng những gì Tí Dần đang làm là đúng . Dì Đông Nghi đừng hậm hực nữa nhe .

Rồi cái ngày mà chúng tôi lo lắng sợ sệt sẽ xảy ra rốt cuộc cũng phải đến . Tí Dần được về nhà chơi một tuần trước khi trở lại đơn vị chuẩn bị qua Iraq. Ngày chia tay Tí Dần ở phi trường Tí Dần đã ôm lấy tôi ngậm ngùi:

- Dì Đông Nghi, cám ơn dì Đông Nghi lúc nào cũng là chất keo của Tí Dần .

Tôi cố gắng pha trò mà cổ họng nghẹn đắng:

- Ý Tí Dần nói dì Đông Nghi keo kiết đó hở ?

Tí Dần lắc đầu nghiêm trang:

- Không, ý Tí Dần muốn nói dì Đông Nghi bao giờ cũng là một chất cement gắn chặt những gì thân thương của Tí Dần . Nếu ông bà nội, ông bà ngoại, bố mẹ, Na, Ni, và các chú dì là những viên gạch xây lên bức tường cho Tí Dần dựa thì dì Đông Nghi chính là chất hồ giữ những viên gạch đó lại với nhau cho Tí Dần . Người ta có thể chỉ nhìn thấy viên gạch nhưng chất keo mới thật sự đóng phần quan trọng cho bức tường .

Tôi chớp mắt nhìn Tí Dần, Tí Dần của tôi đã từ một đứa bé biến thành một người đàn ông từ lúc nào chẳng rõ . Tôi biết chị Đan Chi đã phải vận dụng một sức mạnh hết sức phi thường mới không khóc trước mặt Tí Dần . Tí Dần lần lượt ôm chặt từng người thân yêu trước khi lên máy bay . Chị Đan Chi là người cuối cùng Tí Dần ôm, hai mẹ con ôm nhau rất lâu, thời gian dường như đứng lặng . Khi rời vòng tay Tí Dần tôi thấy chị Đan Chi đưa hai tay nắm chặt hai bàn tay của Tí Dần, nhìn sững một lúc rồi mới từ từ buông ra ...

Ừ, cuối cùng thì con cũng thực sự vuột khỏi vòng tay của mẹ . Cuối cùng thì mẹ cũng phải nhìn con rời xa cái nôi ấm áp bình yên lao người vào chốn hiểm nguy giông bão, một nơi mẹ chưa hề đặt chân đến nhưng vẫn hiện về hãi hùng trong giấc ngủ từng đêm . Hãy cho mẹ được nhìn hai bàn tay con một lần nữa . Hai bàn tay bé nhỏ ngày nào quơ quàng trong vô thức sờ chạm khuôn mặt mẹ, nghịch ngợm níu kéo những sợi tóc mẹ đến đau điếng . Từ khi có con mẹ cắt luôn mái tóc dài mượt mà một thời con gái không mảy may nuối tiếc . Không phải chỉ vừa mới ngày hôm qua hai bàn tay này còn nhỏ xíu nắm lấy những ngón tay mẹ chập chững bước đi đầu tiên hay sao ? Không phải chỉ vừa trong chớp mắt cái ngày mẹ cầm lấy bàn tay con nắn nót tập cho con viết A, B hay sao ? Ôi, hai bàn tay xinh xinh đã từng bị mẹ bắt xoè ra vờ khẻ lên bằng ngón tay của mẹ với lời doạ nạt "lần sau con còn hư mẹ sẽ lấy cái cây đánh cho như vầy nè" . Hai bàn tay với những ngón dài mỗi mùa đông bị mẹ bắt bôi kem cho khỏi khô để nghe con phụng phịu "con không phải là con gái" . Ừ, những ngón tay ngô ngây một thuở còn nằm yên cho mẹ cắt móng giờ đây sắp phải dùng để đặt vào cò súng buốt lạnh vô tâm . Hai bàn tay của mẹ bỗng trở thành thừa thãi bất lực trước những hiểm nguy con sắp phải đối diện . Hai bàn tay của mẹ vốn không có khả năng giơ ra chống đỡ cho con những viên đạn vô tình . Hai bàn tay của mẹ xa xôi quá để chở che săn sóc, rồi đây chúng sẽ chỉ còn dùng để ôm lấy niềm lo, để chắp lại trong tiếng nguyện cầu bình an cho con . Phải mà con đừng lớn, phải mà con cứ bé bỏng như hôm xưa để mãi mãi mẹ được giữ con trong vòng tay thương yêu của mình . Hãy cho mẹ được bấu chặt những ngón tay của con một lần nữa như luồng sức mạnh trấn áp những cơn ác mộng sắp đến . Ngày con trở về mẹ có còn được cầm lấy hai bàn tay con nóng hổi như hôm nay ? Ngày con trở về con có còn nguyên vẹn thể xác cũng như tâm linh ? Ngày con trở về con có còn là đứa con đầy nhân hậu yêu thương của mẹ hay những va chạm thảm khốc nơi đó sẽ để lại tì vết trong con, sẽ làm con chai hằn trước tha nhân ? Ngày con trở về con có đem về cho mẹ hết từng phần chi thể mẹ đã góp phần tạo dựng và nâng niu ? Ngày con trở về ... ơi con, mẹ phải tin tưởng rằng sẽ có ngày con trở về . Con phải trở về với mẹ đứa con trai thương yêu của mẹ . Con phải trở về với mẹ vì con chính là trái tim, sự sống, và nguồn tâm linh của mẹ hỡi con yêu dấu ...

(như một lời nguyện cầu bình an gửi đến những đứa con không thể về trong ngày của mẹ ...)

05.07.08
Hoài Yên

(*) I do not agree with what you have to say, but I will defend to the death your right to say it. (Voltaire)


Last Visitors


10 Jun 2008 - 18:42


9 May 2008 - 7:41

Comments
Other users have left no comments for Hoài Yên.

Friends
There are no friends to display.
Lo-Fi Version Time is now: 27th April 2024 - 02:28 AM