Welcome Guest ( Log In | Register )

Profile
Personal Photo
Options
Options
Personal Statement
PhuDung doesn't have a personal statement currently.
Personal Info
PhuDung
Bảo vệ tổ quốc
Age Unknown
Gender Not Set
Location Unknown
Birthday Unknown
Interests
No Information
Other Information
Country: Canada
Statistics
Joined: 17-December 08
Profile Views: 32,494*
Last Seen: Private
Local Time: Nov 13 2024, 03:30 PM
2,169 posts (0 per day)
Contact Information
AIM No Information
Yahoo No Information
ICQ No Information
MSN No Information
* Profile views updated each hour

PhuDung

Năng Động

***


Topics
Posts
Recent wiki edits
ibProBattle
Arcade
Blog
Shared Photos
Comments
Friends
My Content
23 Nov 2020

Muôn sự tại duyên.


Mọi sự vật trên thế gian và cả vũ trụ này đều được tạo thành bởi rất nhiều điều kiện. Ngay cả hạt điện tử là đơn vị cực nhỏ cũng không phải là một thực thể riêng biệt, chúng luôn ở vào tình trạng liên kết. Chính vì mọi cá thể đều phải nhờ vào vô số điều kiện mới có thể biểu hiện và tồn tại, nên ta gọi đó là duyên sinh. Nhìn một cơn mưa, ta biết cánh đồng lúa vừa tiếp nhận thêm duyên là nước và trên bầu trời cũng bớt đi duyên là mây.

Tiến trình đến đi của duyên sinh vô cùng kỳ bí. Chúng không hề có tướng trạng cố định, hoặc khi chúng ở dạng không hình tướng. Vì vậy, ta không thể dùng con mắt bình thường hay kỹ thuật của khoa học mà có thể thấy rõ sự vận hành của chúng. Trừ phi, ta có thể vượt thoát được ý niệm sai lầm về cái tôi riêng biệt và phá vỡ được ranh giới hạn hẹp ấy, tầm nhìn của ta có thể vượt qua phạm vi thời gian và không gian có thể tính được thì ta mới thấy rõ tiến trình hoạt động của mọi duyên từ nơi chính mình và vạn vật xung quanh. Tuy nhiên, mọi duyên đều tuân theo nguyên tắc nhân quả, nên còn gọi là nhân duyên. Nhân là cái đã xảy ra trước đó. Nghĩa là không bao giờ có cái duyên hoàn toàn mới lạ, mà luôn có một số duyên nhỏ trong đó đã từng gặp gỡ và liên kết với nhau rồi. Vì thế, duyên hôm nay cũng chính là nhân của tương lai.

Người xưa hay nói muốn làm nên việc gì cũng phải hội đủ ba yếu tố quan trọng: thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Thiên thời là điều kiện thích hợp từ vũ trụ đưa tới. Địa lợi là hoàn cảnh xã hội phù hợp với việc ta làm. Nhân hòa là sự yểm trợ nhiệt tình của mọi người xung quanh. Nhưng người xưa còn cho rằng thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi lại không bằng nhân hòa. Có nhân hòa thì sẽ dễ dàng có được hai yếu tố còn lại, vì yếu tố nhân hòa nằm ngay trong chính ta, ta có thể chủ động để tạo ra nó. Chỉ cần ta buông bỏ bớt tâm cao ngạo và đố kỵ, hết lòng kính trọng và nâng đỡ mọi người xung quanh – tức là sống có phước có đức – thì tự nhiên ta sẽ kết nối được với hai yếu tố kia. Dù ta có tài năng và bản lĩnh đến đâu mà thiếu một trong ba yếu tố này, đặc biệt là không thu phục được lòng người, thì ta không thể nào thành công được. Nếu có thì cũng mau chóng sụp đổ. Nên nhớ duyên có hợp có tan, có đến có đi. Ta đừng tin chắc rằng những gì mình có được hôm này sẽ tồn tại mãi mãi. Tuy ta không thể hoàn toàn chủ động tạo ra hết mọi nhân duyên cho mình, nhưng ta có thể tạo ra sự liên kết để nhân duyên duy trì hay tan rã.

Tâm ta cũng là một cơ chế rất kỳ bí. Mỗi ý niệm tốt sẽ phát sinh ra vô số năng lượng tốt và mỗi ý niệm xấu sẽ phát sinh vô số năng lượng xấu. Chúng sẽ liên kết trực tiếp với những năng lượng tốt hay xấu khác đang bàng bạc khắp nơi trong vũ trụ, và đến khi gộp đủ nhân duyên thì cũng sẽ tạo nên những hiệu ứng lớn đến không ngờ. Vì thế, tâm ta chính là nguồn gốc tạo ra hầu hết nhân duyên thích ứng cho ta. Nhưng nếu không đủ sức phát huy được ưu thế của tâm để bồi đắp thêm cho nhân duyên mình đang có, thì ta phải đành chấp nhận để nhân duyên ra đi. Thái độ này chính là tùy duyên. Ngoài ra, không mong cầu bất cứ nhân duyên nào khác cũng là thái độ tùy duyên.

Tùy duyên là vui lòng chấp nhận những gì xảy ra trong hiện tại, tạm ngưng tranh đấu và bình thản chờ đợi nhân duyên thích hợp hội tụ. Nhiều khi chính thái độ ngưng tranh đấu và bình thản chờ đợi lại là nhân duyên quan trọng để kết nối với những nhân duyên tốt đẹp khác. Đừng quên, một việc thành cần phải hội tụ hàng triệu nhân duyên, chỉ cần thiếu một duyên thì nó cũng có thể bất thành. Nếu ta có hiểu biết sâu sắc hay từng trải nghiệm, thì trong vài trường hợp ta cũng có thể đoán biết được mình nên làm gì và không nên làm gì, để cho nhân duyên tốt hội tụ đầy đủ trở lại hay nhân duyên xấu sớm tan biến đi.

Ta thường gọi nhân duyên tốt là thuận duyên và nhân duyên xấu là nghịch duyên, tức là những điều kiện có lợi và bất lợi cho ta. Có những duyên thuận với ta nhưng lại nghịch với kẻ khác, và có những nhân duyên thuận với kẻ khác nhưng lại nghịch với ta. Đó chỉ là nói trong phạm vi con người, trong khi nhân duyên vốn luôn xảy ra với vạn vật ở khắp nơi trong vũ trụ. Bản chất của nhân duyên thì không có thuận nghịch, tốt xấu. Nó chỉ hội tụ hay tan rã theo sự thích ứng giữa các tần số năng lượng phát ra từ mọi cá thể mà thôi.

Thói quen của hầu hết chúng ta khi đón nhận thuận duyên thì luôn cảm thấy sung sướng và rất muốn duy trì mãi nhân duyên ấy. Còn khi gặp phải nghịch duyên thì luôn cảm thấy khó chịu và tìm cách tránh né hay loại trừ. Nhưng chưa hẳn thuận duyên sẽ đem lại giá trị hạnh phúc, hay nghịch duyên sẽ mang tới khổ đau thật sự. Nhiều khi nghịch duyên đưa tới sự trưởng thành, còn thuận duyên lại dễ khiến ta yếu đuối. Có khi thuận duyên ban đầu nhưng lại biến thành nghịch duyên sau này, hay nghịch duyên bây giờ nhưng lại là thuận duyên trong tương lai. Tất cả đều tùy thuộc vào bản lĩnh và thái độ sống của chúng ta. Do đó, ta không cần phải khẩn trương thay đổi những nhân duyên mà mình không hài lòng, hay cố gắng tìm kiếm những nhân duyên mà mình yêu thích. Khi tâm ta đã vững chãi đủ để tạo ra những nhân duyên an lành thì những nhân duyên tương ứng sẽ tự động kết nó mà thôi. Mà thật ra, khi tìm được sức sống từ nơi chính mình, ta sẽ không còn quan trọng điều kiện bên ngoài nữa. Nhân duyên nào cũng được cả. Rất tự tại.

Tùy duyên phải bất biến

Tùy duyên còn là thái độ biết tận dụng những nhân duyên mới mẻ đang hội tụ trong hiện tại để giải quyết vấn đề, hay tạo nên những đột phá tốt đẹp hơn. Nó sẵn sang bỏ qua những dự tính, kể cả nhưng khuôn thước đã được đặt để trước đây. Thái độ này chỉ có những kẻ bản lĩnh và vững chãi thật sự Họ phải đảm bảo phẩm chất không những không bị thay đổi mà còn tuyệt vời hơn trước khi hành động. Điều này khác hẳn với sự bùng vỡ của cảm xúc – quyết liệt làm cho được như ý rồi mau chóng chán nản và buông xuôi.
Nhà thiền có một câu chuyện rất thú vị. Hai sư Huynh đệ nọ trên đường du phương hóa độ, bỗng thấy một cô gái đang loay hoay tìm cách đi qua dòng suối chảy xiết. Người sư Huynh liền tiến tới hỏi: “Này cô! Cô có muốn tôi cõng cô qua bờ bên kia không?”. Cô gái vô cùng mừng rỡ gật đầu đồng ý. Sau khi qua con suối rồi, hai huynh đệ giã từ cô gái và tiếp tục cuộc hành trình. Đi được một đỗi đường, người sư đệ không kiềm chế được nữa bè bức xúc lên tiếng: “Sao sư huynh lại làm như vậy?”. Người sư huynh ngạc nhiên hỏi: “Làm chuyện gì?”. “Thì chuyện cõng cô gái hồi nãy đó, chúng ta là người xuất gia tu hành kia mà!” – người sư đệ hơi cáu gắt. Người sư huynh mỉm cười, vỗ vai người sư đệ: “Ta đã để cô gái ấy lại bên bờ suối rồi, sao sư đệ còn mang tới đây!”.

Người sư đệ không giúp cô gái qua sông thì không có gì sai. Vì trình độ tu tập của người sư đệ còn yếu kém, cần phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh để tâm hồng không bị khuấy động mà dễ dàng thiền định. Nhưng cái sai của người sư đệ là nghĩ người sư huynh cũng cùng trình độ như mình, cũng phải giữ sự thực tập y như mình, nên đã bất mãn với việc sư huynh giúp đỡ cô gái. Đành rằng sự thanh tịnh tâm hồn là yêu cầu bắt buộc đối với người đã xuất gia tu hành, nhưng đó không phải là mục đích sau cuối của sự tu hành. Tu hành đâu phải cốt để bảo vệ giới luật cho thật trong sang, còn ai khổ mặc ai. Giới luật mà chỉ bảo vệ cho mỗi sự thanh tịnh thôi thì giới luật ấy chỉ dành cho những kẻ sống vì bản thân hay còn quá yếu kém. Nó không có giá trị thích ứng cho những người đã có đủ bản lĩnh bất động trước những xáo động của hoàn cảnh. Cho nên, ta không thể căn cứ trên vài hiện tượng bên ngoài để thẩm định mà không suy xét đến động cơ và kết quả. Vấn đề là sau hành động đột phá ấy thì họ đánh mất chính mình hay nâng cao phẩm chất hơn.

Câu nói “Ta đã để cô gái ấy lại bên bờ suối rồi, sao sư đệ còn mang tới đây?” đã xác định phần nào trình độ bất nhiễm của vị sư huynh. Tất nhiên, phải cần có thêm những kiểm chứng thực tế khác thì ta mới đủ tin vào khả năng tùy duyên mà không thay đổi phẩm chất của một người nào đó. Bởi vì có nhiều người rất thích đột phá, nhất là những người trẻ. Họ luôn muốn dùng hết năng lực để nắm bắt những nhân duyên trong hiện tại để làm nên kỳ tích, nhưng số người thành công thì rất ít ỏi. Hầu hết gặp thất bại là do họ đã quá tự tin, đánh giá thấp hoàn cảnh, bị tham vọng chi phối, bị thói quen thay đổi lập trường kích động, hoặc không biết mình đang chiều theo sự tùy hứng. Tuy họ cũng tùy duyên nhưng lại…biến mất.
Thay đổi chiến lược bất ngờ, vượt qua nguyên tắc quan trọng, bất chấp sự cản trở của những người xung quanh, nhưng cuối cùng không đạt được mục đích mà còn phải trả những cái giá rất đắt thì đó là vết thương tâm lý rất nặng. Vết thương ấy sẽ khiến ta đánh mất niềm tin nơi bản thân và trở nên rất dị ứng với những thay đổi sau này. Chính vì hậu quả khó lương như thế nên người từng trải chỉ thích lối sống bình thường, giữ theo khuôn thước cho yên ổn. Nhưng cuộc đời đâu phải lúc nào cũng bình thường. Sẽ có lúc ta buộc phải vượt thoát sự bình thường ấy mới có thể cứu lấy bản thân hay giúp đỡ được kẻ khác thì ta phải làm sao? Thế nên, trang bị sẵn một khả năng đủ lớn để ứng phó trước những nghịch cảnh là hành động của những kẻ trải nghiệm và có hiểu biết sâu sắc. Thiền Sư Trần Nhân Tông thời nhà Trần của Việt Nam đã từng khuyên: “Ở đời vui đạo phải tùy duyên/ Hễ đói thì ăn mệt ngủ liền” (Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ Cơ tắc xan hè khốn tắc miên – Cư trần lạc đạo). Nghệ thuật giữ gìn sự thanh thản trong tâm hồn ngay giữa bao sự phiền nhiễu của đời thường chính là thái độ tùy duyên. Theo Thiền Sư Trần Nhân Tông, tùy duyên có nghĩa là đói thì ăn mệt thì ngủ. Nhưng ăn ra ăn và ngủ ra ngủ; việc nào ra việc ấy, không trộn lẫn nhau, không thấy việc nào quan trọng hơn việc nào; việc nào đến trước thì giải quyết trước, không nôn nóng không bâng khuâng. Mới nghe qua thật dễ, nhưng làm được thì rất khó. Ta phải thay đổi những thói quen rất lâu đời như vội vàng, lo lắng và sợ hãi. Ngay cả những kẻ sống trong chốn u nhàn cũng vẫn còn đầy rẫy những khắc khoải mong cầu thì đừng nói chi ta đang sống giữa chốn lao xao.

Lẽ dĩ nhiên, không ai bắt buộc ta phải tùy duyên. Nhưng khả năng tùy duyên của ta càng lớn thì sự thanh thản trong tâm hồn sẽ càng lớn. Nếu ta vẫn còn tiếp tục đi tìm hạnh phúc ở bên ngoài thì chắc chắn ta sẽ mãi còn mong muốn và áp đặt nhân duyên thuận theo ý mình. Chỉ khi nào ta đã tìm thấy giá trị hạnh phúc chân thật nơi chính mình thì ta mới chấp nhận được mọi hoàn cảnh. Hòa nhập mọi hoàn cảnh để giúp người giúp đời mà không bị hòa tan, đó chính là mẫu người lý tưởng nhất của xã hội trong mọi thời đại.

Sưu tầm
23 Nov 2020

Nhà tiên tri Mỹ Edgar Cayce và nhân quả luân hồi


Nhân quả luân hồi ngày nay không còn xa lạ đối với xã hội Tây phương nữa. Dù không phải Phật giáo hay Ấn giáo – hai tôn giáo của phương Đông nói về luân hồi từ mấy ngàn năm – người Âu Mỹ cũng tìm hiểu và tin chết không phải là hết vì họ đã được đọc nhiều tác phẩm đưa ra những trường hợp người lớn, trẻ con nhớ kiếp trước của mình. Những trường hợp này được kiểm chứng nghiêm túc theo phương pháp khoa học trước khi sách được xuất bản. Tiêu biểu là Dr. Ian Stevenson của đại học Virginia ở Charlottsville, Hoa Kỳ đã bỏ ra hơn 40 năm đi cùng khắp năm châu để kiểm chứng hiện tượng nhớ kiếp trước kiếp sau. Vào Google, gõ chữ Reincarnation, ta sẽ thấy không biết bao nhiêu sách viết về luân hồi. Chỉ năm nay thôi (2013) đã có mười bảy cuốn viết về hiện tượng nhớ kiếp trước.

Sách tôi mới được đọc là cuốn “Soul Survivor – The Reincarnation of a World War II Pilot” kể chuyện một bé trai ở Mỹ, khi mới biết nói, đã làm cha mẹ bực mình vì cứ nói đến cái chết của mình ở kiếp trước khi bé là một phi công trẻ tuổi. Bruce và Andrea Leininger, cha mẹ của James, là tín đồ Tin Lành và không tin luân hồi. Khi chưa đầy hai tuổi, ban đêm James hay la hét trong trong giấc ngủ, cứ lập đi lập lại câu, “Máy bay cháy! Máy bay cháy! Phi công không nhảy ra được.” và ban ngày thì vẽ đủ thứ máy bay thả bom, hàng không mẫu hạm. James còn biết rành rẻ tên của nhiều bộ phận trên chiếc máy bay chiến đấu. Cha mẹ lấy làm lạ và rất hoang mang. Khi lên 4 tuổi, thấy cha đang đọc cuốn “The Battle for Iwo Jima, 1945” của tác giả Derrick Wright, cậu bé xà tới, chỉ vào trang có hình chiếc máy bay đang bốc cháy và nói: “Máy bay của con đó, bị bắn. Cha bé hỏi :”Ai bắn?”, bé trả lời: “The Japanese!” Cậu bé còn nói thêm là chiếc máy bay cất cánh từ hàng không mẫu hạm Natoma. Cha hỏi James có biết ai trên chiếc tàu đó không thì cậu nói có quen Jack Larson. Cha cậu vội tìm kiếm hồ sơ của chiếc hàng không mẫu hạm Natoma và sững sờ thấy hình ảnh chiếc tàu đó tham chiến ở Thái Bình Dương năm 1945. Ngày 3, tháng 3, 1945, một máy bay tác chiến bị quân Nhật bắn trúng, phát cháy và rơi xuống biển. Phi công là trung úy James M. Huston, người độc nhất chết trận hôm ấy. James chỉ hình chiếc máy bay đang phát cháy trong cuốn sách của Derrick Wright và nói là máy bay của mình bị quân Nhật bắn rơi. Cha của cậu cũng tìm ra người phi công có tên là Jack Larson. Hiện ông này còn sống ở Arkansas. Ông cũng tìm được một người phi công nữa, cũng cất cánh từ chiếc Natoma tên là Ralph Clarbour. Ông này nói máy bay của ông bay bên cạnh chiếc máy bay bị bắn rơi của trung úy James M. Huston. Về sau họ còn tìm ra thân nhân của người phi công tử trận. Đến đây thì Bruce và Andrea Leininger không còn nghi ngờ gì nữa. Họ tin rằng con trai họ là hậu thân của James M. Huston Jr.

Không hiểu sao vẫn có độc giả cho rằng câu chuyện này không thật tuy chứng cớ đã rành rành như thế. Ben Cox, một mục sư Tin Lành từng nghiên cứu nhiều về hiện tượng nhớ kiếp trước kiếp sau để viết luận án, nói rằng tuy không tin hẵn là có luân hồi nhưng ông tin câu chuyện này có thật và kết luận rằng, “Dù niềm tin tôn giáo của mình là gì đi nữa thì cũng nên chấp nhận rằng sự hiểu biết của mình về đời sống này và về sự tiếp nối của đời sống rất hạn hẹp” (No matter what our religious faith is, there are more to life, and its continuance than we know).

Nhân quả luân hồi là định luật của vũ trụ, không phải do Ấn giáo hay Phật giáo đặt ra, nên dù tin hay không tin, tất cả chúng ta đều bị luân hồi nhân quả chi phối rất công bằng, nghĩa là kiếp lai sinh của một người xấu tốt tùy duyên nghiệp của người ấy định đoạt, không do một Đấng Sáng Tạo hay thần linh nào quyết định cả. Nghiệp lành nghiệp dữ là nhân và quả của hành động, lời nói, hay ý nghĩ của mình ở đời này và nhiều đời trước. Chỉ dấy lên một ý nghĩ xấu trong đầu cũng đã gây một nghiệp xấu. Cuốn Many Mansions – The Edgard Cayce Story on Reincarnation của tiến sĩ Gina Cerminara trình bày rõ ràng sự tiếp nối của đời sống, sự liên hệ nhân quả nhiều đời. Bà tin rằng nguyên nhân bệnh hoạn, nguyên nhân của sự bất hạnh của con người ở kiếp này là do những nghiệp xấu ác tích lũy từ nhiều kiếp trước mà người ta nói là bệnh nghiệp, nghiệp dĩ, vì bà đã phân tách và chiêm nghiệm hơn 2000 mãnh đời do nhà tiên tri/ngoại cảm Edgar Cayce để lại. Ông Edgar Cayce của thế kỷ 20 nổi tiếng là “The Miracle Man of Virginia Beach” vì ông, một người chỉ học xong lớp 8, khi thiếp đi đã có khả năng chẩn bịnh chính xác, cho toa thuốc chính xác chữa lành bệnh cho những ai đã tìm đến nhờ ông giúp đỡ. Khi tỉnh ra thì ông không biết mình đã nói gì, ông không biết một tí gì về y học! Thật là một hiện tượng kỳ lạ, mầu nhiệm, vượt trên sự hiểu biết của con người. Từ 1901, ông chỉ chẩn bệnh và chữa bệnh, nhưng 22 năm sau, tự dưng ông nói đến kiếp trước kiếp sau. Khi tỉnh dậy, ông rất lo sợ vì kinh thánh của tôn giáo ông không nói đến luân hồi. Nhưng, tuy không dạy luân hồi, Jesus có nói đến trường hợp John the Baptist là Elias tái sinh (xem kinh thánh Mathew 17:12-13), ông thấy yên tâm. Bệnh phát ra vì cơ thể vật lý (physical body) ở kiếp này có vấn đề được gọi là ‘physical reading’. Có người đến xin “soi căn” để biết kiếp trước mình đã làm gì mà kiếp sống hiện tại quá cơ cực, tinh thần lẫn vật chất. Trường hợp này được gọi là ‘life reading’, tạm dịch là soi căn. Hồ sơ của hơn 2000 vụ soi căn này được tàng giữ ở thư viện của hội Association for Research and Enlightenment ở Virginia Beach, tiểu bang Virginia. Những người đến soi căn thường được cho biết tên tuổi, việc làm của mình ở kiếp trước. Họ còn được chỉ dẫn phương pháp kiểm chứng như tìm tên ấy trong trong một cuốn sách cũ, trong sổ bộ đời, hay tên tuổi.

Tiến Sĩ Gina Germinara, một nhà tâm lý học cận đại, trong cuốn Many Mansions –The Edgard Cayce Story of Reincarnation – đã phân tích rõ ràng cho ta thấy nhân và quả theo nhau như bóng với hình. Một nhân lành dù nhỏ nhiệm đến đâu cũng sẽ đưa đến một nghiệp lành nhỏ nhiệm tương xứng. Bà nói đến nhiều loại nhân quả như Boomerang Karma. Boomerang là một dụng cụ bằng gỗ được đẻo thành hình thù như một thanh gươm ngắn hai đầu bằng nhau do thổ dân Úc sáng chế. Khi phóng ra mạnh theo một tư thế nhất định mà không trúng vật gì thì thanh gỗ đó sẽ dội lại quay về phía người phóng nó. Một hành động xấu ác nhằm vào người khác thì người phạm điều ác này cũng sẽ bị một quả báo tương tự ở đời sau, như trường hợp một phụ nữ 40 tuổi, từ nhỏ đã bị dị ứng với nhiều thức ăn. Chỉ ăn một tí bánh mì hay hạt ngũ cốc gì (cereal grains) là bắt đầu hách xì hơi dữ dội như người bị “hay fever” nặng [dị ứng với cây cỏ và phấn hoa]. Khi đụng những chất làm bằng da (giày da) hay plastic (cọng kính đeo mắt), bà thấy đau đớn ở phía trái như giây thần kinh bị chạm. Bà đã đi khám nhiều bác sĩ nhưng không có kết quả. Năm 25 tuổi, bà thử dùng thôi miên thì cơn đau có thuyên giảm, nhưng sáu năm sau thì những chứng đau nhức như thế trở lại. Khi nghe danh ông Cayce, bà đến xin một “physical reading” [định bệnh] hy vọng ông sẽ cho biết phương thuốc chữa trị. Nhưng khi ông Cayce thiếp đi thì ông nói rằng bệnh của bà là bệnh nghiệp (karmic origin), rằng một kiếp trong quá khứ bà là một nhà hóa học và đã dùng nhiều chất hóa học gây ngứa ngáy cho nhiều người. Bà còn dùng chất hóa học làm cho hơi thở của người khác phát ra chất độc. Kiếp này bà phải trả giá cho những nghiệp dữ đó. Toa thuốc của ông có thể chữa lành những bệnh thông thường, còn bệnh nghiệp thì khó chữa. Ông nói rằng thuốc thang, mổ xẻ, vật lý trị liệu v.v… có thể giúp cơ thể phục hồi sức khỏe nhưng nếu là bệnh nghiệp thì người bệnh, ngoài những phương tiện trên, phải tự mình tu tâm dưỡng tính để chuyển nghiệp mới mong khỏi bệnh được.

Một thứ nhân quả thứ hai mà bà gọi là Organismic Karma nói về người nào lạm dụng một bộ phận (organ) của cơ thể mình ở kiếp trước thì kiếp sau bộ phận đó sẽ không được lành mạnh, như trường hợp của một người đàn ông 35 tuổi. Từ nhỏ, bộ phận tiêu hóa của ông rất yếu. Ông đã phải kiêng ăn nhiều thứ, vậy mà, sau mỗi bữa ăn, phải cần nhiều giờ thức ăn mới tiêu hóa được. Cái tật ăn uống khó tiêu này làm cho ông nhiều lần bị bỉ mặt, khốn khổ trong vấn đề giao tế. Edgard Cayce nói lên rằng, ở một kiếp xa xưa, khi ông là cận vệ của vua Louis XIII ở Pháp, ông có thói xấu là ăn uống quá độ, tham ăn quá mức. Và gần đây, kiếp trước của kiếp này thôi, là ngự y của ông vua Ba Tư, ông cũng tham ăn lắm. Như vậy là qua hai tiền kiếp, ông không tự chủ được, đã phạm tội buông thả, tham lam thì nay cần phải kìm bớt lại, nên khi ra đời với một bộ phận tiêu hóa yếu, ông không thể ăn uống như một người bình thường được.

Loại nhân quả thứ ba được gọi là Symbolic Karma cũng thể hiện qua sự việc cơ thể bị trừng phạt (physical karma). Một thanh niên trẻ tuổi bị bệnh thiếu máu từ nhỏ (anemia). Cha cậu là bác sĩ đã tìm hết phương pháp chữa trị mà cũng không ăn thua gì. Người con vẫn bị thiếu máu trầm trọng. Khi soi căn cho thấy nguyên nhân của căn bệnh này ở một tiền kiếp xa xưa, cách kiếp này năm kiếp khi anh dùng thủ đoạn độc ác cướp chánh quyền ở xứ Peru làm đổ máu bao nhiêu người, nên bây giờ phải gánh chịu hậu quả là thân thể mình không đủ máu. Đây không phải trường hơp lạm dụng một bộ phận (Organismic Karma), cũng không phải hại một người khác (Boomerang Karma) mà là một trường hợp trừng phạt tượng trưng (Symbolic Karma), chỉ một bộ phận của cơ thể chịu sự trừng phạt. Có lẽ trong tiềm thức của ông (unconscious mind), ông vẫn cảm thấy tội lỗi, vẫn còn ký ức ghê rợn của những cuộc đổ máu . Những trường hợp soi căn của Cayce cho thấy tinh thần và thể xác tương tác ảnh hưởng nhau rất rõ ràng như khoa phân tâm học ngày nay đã chứng minh.

Dr. Cerminara đưa ra nhiều thí dụ về quả báo của tính khinh người, tính cười nhạo kẻ khác . Tiêu biểu là chuyện một người con gái kiếp này bước đi khập khiểng vì bị lao ở xương hông. Nguyên nhân xảy ra từ hai kiếp trước khi cô sống ở xã hội La Mã. Kiếp ấy cô sinh trưởng trong gia đình quý tộc, họ hàng của hoàng đế Nero. Cô lấy làm thích thú khi ngồi trên cao nhìn cảnh những người theo Đạo Chúa (Christians) bị những con thú xé xác ở đấu trường. Rõ rệt nhất là cô đã cười lớn khi thấy một cô gái bị móng vuốt của một con sư tử cào nát một bên hông.

Một trường hợp chế nhạo kẻ khác phải chịu nghiệp báo xảy ra cho một cô gái 18 tuổi. Cô có thể được xếp vào hạng người xinh đẹp như hoa khôi nếu cô không bị nặng cân quá. Bác sĩ nói tuyến yên (pituitary gland) của cô có vấn đề. Nhưng tuyến yên có vấn đề làm cô bị bệnh mập là vì cô đã từng chế nhạo những người mập trong quá khứ. Soi căn cho thấy hai kiếp trước đây, cô là một lực sĩ (athlete) vừa xinh đẹp vừa có thực tài nhưng cô hay châm biếm các cô đồng nghiệp không nhanh nhẹn, gọn gàng như cô vì thân hình họ quá tải.

Chuyện thứ ba về một người nam 21 tuổi theo đạo Ky-tô có khuynh hướng đồng tình luyến ái. Cha mẹ muốn cậu đi tu nhưng cậu không cảm thấy có ơn kêu gọi nên đã sống với bản năng đồng tình luyến ái của mình. Kết quả soi căn cho thấy, ở kiếp trước khi cậu sinh sống ở Pháp thời còn vua chúa, cậu đã mỉa mai châm biếm những người đồng tình luyến ái. Là một người có tài vẻ tranh hí họa (cartoonist), cậu dùng tài mọn của mình lật tẩy, cười nhạo những người đồng tình luyến ái của thời ấy. Đúng là ghét của nào trời trao của ấy.

Qua những câu chuyện soi căn, tác giả nhận xét rằng những gì xảy ra ở trên đời không phải ngẩu nhiên mà đều do nhân duyên trong đời trước. Nhân duyên xấu thì quả xấu. Nhân duyên tốt thì quả tốt, không sai chạy vào đâu được. Cũng vì nhân quả nghiệp báo khác nhau mà trong một tai nạn xe cộ, có người chết, người bị thương, và có người thì bình yên vô sự. Cũng vì nhân quả nghiệp báo khác nhau mà anh em cùng cha cùng mẹ, cùng huyết thống nhưng cá tính lại rất khác nhau, ngay cả anh em sinh đôi cũng không giống nhau. Người thì thông minh dĩnh ngộ, người thì u mê, chậm chạp. Một người sinh ra với một ngoại hình xinh đẹp là do người ấy đã tích lũy được nhiều nghiệp lành trong quá khứ. Thân thể chỉ là ngôi nhà cho linh hồn tạm trú ở một kiếp. Linh hồn hiện hữu trước khi đứa bé chào đời và vẫn hiện hữu sau khi ngôi nhà tạm trú bị hoại. Linh hồn sẽ tìm một ngôi nhà mới cho một kiếp mới. Lý nhân quả đã giải thích một cách rất hữu lý những sự bất công của xã hội. Thuyết luân hồi cho con người một mối hy vọng là kiếp sau sẽ khá hơn nếu kiếp này mình sống một cuộc sống lương thiện, không hại người hại vật. Tin nhân quả luân hồi, con người sẽ sống thánh thiện hơn, bình an hơn, hạnh phúc hơn vì tâm không tham luyến quá mức, không ganh ghét quá mức, không sân si quá mức.

Chương 14 nói về nhân quả và những mãnh đời cô đơn khá thú vị. Có người đặt câu hỏi tại sao nhiều người, cả nam lẫn nữ, suốt đời phải chịu cảnh cô đơn một mình, dù họ cũng có một cuộc sống bình thường, mặt mày cũng dễ coi, tại sao không gặp đối tượng để kết hôn. Phải chăng là do nhân quả, nghiệp báo? Những hồ sơ soi căn của Edgard Cayce có gặp những trường hợp này không?

Người Pháp có một câu nhận xét rất dí dỏm về định nghĩa hôn nhân như sau: “Hôn nhân được ví như một pháo đài đang bị bao vây: “Những người ở ngoài thì muốn vào trong, còn những người ở bên trong thì muốn thoát ra ngoài!” Nghe thì có vẻ khôi hài nhưng nghiệm lại thì cũng có phần đúng. Hôn nhân đã đem lại nhiều ưu phiền, khổ não cho nhiều người. Nhưng ngạc nhiên thay, số đông vẫn muốn kinh qua kinh nghiệm của hôn nhân. Thật vậy, tuy ai cũng biết đời sống vợ chồng thường gặp nhiều khó khăn phiền toái nhưng những người không lập gia đình lại có mặc cảm là mình bị thua thiệt, bị mất mát một thứ gì qúi báu, đã thất bại trong cuộc sống, cảm thấy cô đơn ray rứt. Trong một xã hội văn minh, thường thì người nữ hay lo lắng về vần đề hôn nhân hơn người nam. Ngoài sự việc sống một mình cô đơn, buồn nản, họ còn có cảm tưởng xã hội bớt lòng kính trọng họ.

Câu chuyện người phụ nữ cô đơn giữa thành phố Nữu Ước ồn ào sau đây cho thấy bà phải trả giá cho những việc làm của kiếp trước. Gốc người Na-uy, bà là một phụ nữ khá xinh đẹp với một phong cách đài các. Khi tìm đến xin soi căn lần đầu khi bà 47 tuổi thì đã có hai đời chồng. Sau khi kết hôn không bao lâu, người chồng thứ nhất qua đời. Bà tái giá với một người đàn ông lớn tuổi hơn và đời sống vợ chồng lần này chỉ mang lại khổ đau nên không bao lâu sau thì bà ly dị. Bà không có con. Người thân trong gia đình bà chết hết không còn ai. Quả thật ở trên thế gian này bà thật trơ trọi đơn độc. Với chức vụ một bí thư giao tế, bà thường xuyên gặp gỡ nhiều người, nhưng đó là những cuộc gặp gỡ xã giao hời hợt thôi. Bà rất muốn đi bước nữa nhưng không có cơ hội. Bà thật sự là bơ vơ giữa cuộc đời. Bà muốn hỏi tại sao mình cứ phải chịu cảnh một mình đơn chiếc, tại sao không gặp được người bạn đời tử tế, tại sao không giống ai (a misfit). Soi căn cho thấy hai kiếp trước bà đã phạm một tội nặng: tự kết liễu đời mình, nên đời nay phải chịu cảnh đơn độc không chồng, không con. Ở kiếp ấy bà có chồng, có hai con. Không hiểu vì nguyên nhân gì, chồng bà bỗng dưng bị cộng đồng khinh khi. Sau khi sinh đứa con thứ hai, bà không chịu được cảnh bị khi dễ nên nhảy xuống hồ tự tử. Hành động tìm cái chết của bà chứng tỏ bà là một người ích kỷ, đã cướp đi sự yêu thương săn sóc đối với chồng và con. Bà không tôn quý mái ấm gia đình, chỉ nghĩ đến mình, không làm tròn trách nhiệm với con, không nhẫn nhục bên cạnh chồng.

Câu chuyện thứ hai cũng nói về một phụ nữ muốn trốn nợ đời nên đã gặp quả báo. Mồ côi cha mẹ rất sớm, cô được hai người cô già săn sóc. Lớn lên với hai người già, cô thấy khó hòa hợp với những người đồng tuổi. Cô trở nên người hướng nội, khép kín (introvert), sống đơn độc xa những người đồng trang lứa. Tuy có nghề dạy trẻ (mẫu giáo), cô luôn ước ao có một gia đình riêng nhưng không gặp đối tượng thích hợp. Cô cũng có qua lại thân mật với một người tình, nhưng không hợp tính nên đành phải chấm dứt. Sau đó, cô thấy đời mình quá trống rỗng, quá vô duyên. Cô để hết tâm trí vào công việc nhưng lâu lâu lại bị trầm cảm, có lúc kéo dài vài tuần rồi sau đó mới nguôi ngoai. Những lúc buồn bả chán nản, cô đã có ý nghĩ muốn tìm cái chết. Người ngoài không ai có thể tin nổi cô giáo dạy trẻ này nhiều lúc đã muốn tự tử, vì bề ngoài cô là một phụ nữ xinh đẹp, yêu nghề, nhiệt tình. Kết quả soi căn cho thấy bốn kiếp về trước, cô là con một tù trưởng ở Ba Tư. Khi bộ lạc Bedouin đến cướp phá, cô là một trong mấy người bị ông tù trưởng Bedouin bắt làm con tin. Sau đó ông này giao cô cho ông phó của mình. Rồi cô có con với người này. Nhưng sau khi hạ sinh một bé gái, cô tự tử chết vì uất ức không chịu được sự nhục nhã bị cưỡng ép. Cô là một cô gái kiêu ngạo, cứng đầu với một cái “tôi” rất lớn, thà chết chứ không chịu nhục mà quên đứa con sơ sinh của mình bị bỏ lại không người săn sóc cưu mang. Con người cô, trong kiếp hiện tại, tính khí vẫn mạnh mẽ, độc lập, tự chủ, tự cường như đàn ông, những nét đặc thù của kiếp trước làm cho người phái nam không muốn gần. Và lạ thay, ở kiếp này cô lại muốn có con. Nếu không vì hai người cô già khó tánh, cô đã xin một bé gái về nuôi từ lâu rồi. Và cũng như ở kiếp trước, cô thường nghĩ đến quyên sinh mong chấm dứt cuộc đời cô quạnh, buồn tẻ hiện tại. Nhưng từ khi soi căn thì cô không còn giữ ý tưởng tự tử nữa, vì thấy rằng nghiệp thì phải trả, không trả bây giờ thì mai sau cũng phải trả thôi. Cô còn được biết rằng nếu từ nay về sau cô biết nghĩ đến người khác, tìm cách giúp đỡ những người chung quanh thì sẽ có một ngày cô gặp hạnh phúc lứa đôi, nhưng muộn. Cô cần một thời gian thử thách để chuyển nghiệp.

Nhân quả nghiệp báo giải thích được mọi hiện tượng trên cõi đời này, giải thích được tại sao có người được sinh ra trong một xã hội văn minh với những tiện nghi vật chất đầy đủ, có người lại sinh ra ở một xứ nghèo nàn thiếu thốn đủ điều. Hôn nhân cũng không thoát khỏi được sự vận hành của nhân quả nghiệp báo. Cayce nhấn mạnh rằng hai người trở nên vợ chồng ở kiếp này là để trả nợ nhân quả cho nhau. Không khi nào hai người mới gặp nhau lần đầu mà thành phu phụ cả. Họ đã gặp nhau trong nhiều đời, nhiều kiếp, khi thì cha/mẹ con, khi thì vợ chồng, anh em, hay bạn bè, mà cũng có thể là người thù oán nữa. Thật đúng là không oan nghiệt thì bất thành phu phụ. Ông cũng nói rằng hiện tượng không trung thành của vợ/chồng, hiện tượng đồng tình luyến ái, ly dị, tái hôn v.v… đều có căn duyên từ một hay nhiều đời trước.

Vừa rồi, một nữ xướng ngôn viên của một đài truyền hình khẳng định rằng ông già Noel và Chúa Jesus là người da trắng như để đáp lại lời tuyên bố của một phụ nữ da đen cho rằng ông già Noel và Chúa Jesus không phải người da trắng. Rất kinh ngạc là ngay sau đó không biết bao nhiêu người đồng loạt lên tiếng mạ lị cô xướng ngôn viên là kỳ thị chủng tộc! Và không biết rồi cuộc tranh cải này sẽ đi về đâu. Phải chi mọi người hiểu và nhận nhân quả luân hồi là định luật của vũ trụ thì không còn có những tranh cãi vô bổ như thế này. Vì mọi người trên thế gian này đã luân hồi nhiều lần, đã từng sinh sống ở nhiều nơi trên quả địa cầu. Một người có thể sinh ra ở Mông Cổ kiếp này, nhưng kiếp trước thì sinh ra ở Châu Phi, kiếp trước nữa thì ở Châu Âu, Châu Á v.v… Khi thì làm người nam, khi thì người nữ, khi thì sống trong nhung lụa, có khi sống trong cảnh bần hàn tùy duyên nghiệp trong những kiếp quá khứ của mình, như những câu chuyện luân hồi của Bác Sĩ Brian Wise trong cuốn Many Lives Many Masters, Only Love is Real hay những chuyện tái sinh của bà Carol Bowman, Edgar Cayce, Hans Ten Dam, Brad Steiger, Tom Shroder, Michael Newton, Sylvia Cranston và nhiều tác giả nữa mà tôi chưa được đọc. Chỉ trong cuốn Many Mansions – The Edgard Cayce Story on Reincarnation, tác giả cũng đã đưa ra số phận của hằng trăm mãnh đời được chiêm nghiệm qua nhiều kiếp và đã chịu sự vận hành của nhân quả nghiệp báo. Muốn biết thêm, xin mời đọc cuốn sách rất hấp dẫn của Dr. Gina Cerminara. Vào Google hay Amazon.com sẽ thấy nhiều sách về nhân quả luân hồi.

Hoàng Thị Quỳnh Hoa
23 Nov 2020

Một thoáng Sài Gòn


Tôi như nhiều người không sinh ra tại Sài Gòn nhưng suốt học trình từ tiểu học lên đại học được sống với thủ đô của miền Nam, qua tên gọi mỹ miều là “Hòn Ngọc Viễn Ðông.” Tôi suy tư về nguồn gốc các danh từ Sài Gòn và Hòn Ngọc Viễn Ðông.

Theo sự truy nguyên, Sài Gòn thuở ban đầu là đất của người Khờ-me, nguyên là một làng đánh cá tên đầu tiên Prey Nokor: Prey là thánh thần (dieu, god) và Nokor là thành phố hay đô thị (la ville; town, city), mang ý nghĩa “thành phố thánh thần. ”

Năm 1862, khi miền Nam Việt Nam thành thuộc địa của Pháp, người Pháp đặt tên chính thức là Saigon: Do theo âm ngữ Trung Hoa (Thầy Ngòn, Xi Coóng) hay Miên ngữ “Prey Nokor,” từ đó tên được Việt hóa là Sài Gòn. Thành phố này được Pháp xây dựng rất tối tân, mới lạ, được xem là bậc nhất của vùng Ðông Nam Á vào thời bấy giờ. Dân các xứ xung quanh gọi đó là Hòn Ngọc Viễn Ðông (la Perle de l’Extrême-Orient, the Pearl of the Far East), và người Pháp ví von là Paris Phương Ðông (Paris de l’Orient, Paris in the Orient) để ám chỉ là một thành phố phồn thịnh, lịch lãm nhất của Pháp ở vùng Ðông Nam Á.

Giả thuyết khác như theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Ðôn viết năm 1776, năm 1674 Thống Suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh Chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ “Lũy Sài Gòn” (theo tài liệu này viết là “Sài Côn,” chữ “Gòn” được dùng thế cho “Côn”). Ðây là lần đầu tiên chữ “Sài Gòn” xuất hiện. Như vậy, ngay từ năm 1674 đã có địa danh Sài Gòn, không phải đợi đến năm 1778 khi người Tàu ở Cù Lao Phố bị quân Tây Sơn tiêu diệt rồi chạy xuống lập nên Thầy Ngòn tức Ðề Ngạn, hay Xi Coóng tức Tây Cống.

Dù sao thì Sài Gòn và Hòn Ngọc Viễn Ðông vẫn là một nơi quyến rũ, ấp ủ con tim bao thế hệ dân gốc Âu hay Á. Trước khi tôi rời Sài Gòn vì biến cố chính trị 1975, những kỷ niệm lưu luyến với Sài Gòn hay Hòn Ngọc Viễn Ðông có nhiều lắm. Thuở ấy thời sinh viên sao mà đẹp đẽ… Thời gian trôi qua như cái chớp mắt nay đã gần 4 thập niên ly hương, nhìn lại thấy mình không còn ở lứa tuổi hai mươi của Sài Gòn mộng mơ. Không còn nữa kỷ niệm đêm đêm tản bộ hóng mát dọc theo bờ sông Sài Gòn, hướng mắt về mái nhà lồng bên kia là Thủ Thiêm từ bến đò, bến bắc, gió thổi mát rượi từ mé sông. Không còn nữa kỷ niệm Sài Gòn mưa lãng mạn mà ta phải luồn lách giữa những vũng nước không tên, trong cái giá lạnh khi lượn xe gắn máy chạy trong cơn mưa rào xối xả từ trời cao nước mưa bắn văng tung tóe… Sài Gòn cũng đã chìm khuất vào dĩ vãng xa xôi. Rồi khi kỷ niệm trở về chỉ còn lại những nỗi nhớ đáng yêu bằng nước mắt ấm đầy ắp những lưu luyến yêu thương trong tâm tưởng… Cơ hồ như Sài Gòn đã sống dậy mãnh liệt trong tiềm thức cũ, mãi mãi theo ta những nhớ nhung không nguôi như bài ca:

“Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng?
Tà áo em bay theo giọt nắng vàng
Con đường ta đi dòng sông kỷ niệm
Nỗi nhớ trong em nỗi nhớ dịu dàng
Sài Gòn bây giờ mưa giăng ngập lối
Hai đứa bên nhau âu yếm không rời
Ðôi mắt yêu thương làn môi chờ đợi
Từng đợt mưa rơi… bối rối bồi hồi
Sài gòn bây giờ lòng ai vương vấn
Mai anh đi rồi còn nhớ em không?
Ðôi mắt nai tơ buồn xa vời vợi
Cơn gió vô tình đuổi lá vàng rơi
Sài gòn bây giờ có buồn không em?
Mưa vẫn rơi rơi… từng giọt êm êm
Suối tóc thơm bay hương tình dịu nhẹ
Ngây ngất dạt dào con phố về đêm”
(Sài Gòn Niềm Thương Nỗi Nhớ; Tác Giả: Võ Tá Hân, Trần Ngọc)

Sài Gòn gắn bó với tôi bắt đầu bằng những thơ ngây cũ nơi mà thành phố như một chốn phồn hoa đô hội. Người ta có thể bị choáng ngợp với một đô thị mang dáng vẻ Tây phương, như người con gái kiều diễm, kiêu sa, đài các… Ở một góc nào đó Sài Gòn ủ dột của phố đêm, lầy lội của xóm nghèo, trong nét bình dân của tiếng rao hàng, những con kinh nước đen,…

Nhiều người sống với Sài Gòn, dù mưa hay nắng, ban ngày hay ban đêm, bận rộn tất bật hay nhàn rỗi rong ruổi với phố xá của nó. Thưởng thức những món ngon mà cả nhóm bạn tôi khoái khẩu. Nào là Mì Cây Nhãn, Mì Chú Hỏa, mì La Cay Nguyễn Tri Phương. Nào hủ tiếu gà cá chợ cũ, hủ tiếu saté Lệ Thanh Chợ Lớn… Lề đường Sài Gòn xưa có hàng me Nguyễn Du, có hàng sao cao vút khúc Võ Trường Toản, Trưng Vương.

Tôi nhớ rõ có những hàng phượng vĩ và hoàng điệp trong sân trường Petrus Ký. Sài Gòn có trường Gia Long với món bò bía, xe đậu xanh đậu đỏ. Có trường Luật Khoa trên đường Duy Tân với xe nước dừa uống môi em ngọt. Có trường Dược khoa, Văn khoa trên đường Cường Ðể chạy thẳng xuống bờ sông Sài Gòn, Bến Bạch Ðằng,… Sài Gòn có những quán kem, quán cà-fê, quán ăn vỉa hè,…

Những sinh hoạt bình dị có quán cơm Bà Cả Ðọi, quán Bắc Bà Ba Bủng… để thưởng thức những món Sài Gòn khoái khẩu với hệ quả Pavlov cồn cào dạ dầy, sau những buổi tan học ngày cũ bạn bè rủ nhau đi ăn hàng Sài Gòn. Tôi nhớ con hẻm kín đáo Casino Sài Gòn nào những bún chả, bánh cuốn Thanh Trì, bánh tôm Cổ Ngư; những gánh hàng rong, những xe bán thức ăn của khu Bàn Cờ, khu Nguyễn Thiện Thuật, Chợ Vườn Chuối, Chùa Kỳ Viên, Chợ Ðũi,… Xen kẽ trong trí nhớ có nhiều lưu niệm trong ký ức xưa, có những nhà hàng, những điểm hẹn hò: Passage Eden, Casino Sài Gòn, Mini Rex, La Pagode, Pôle Nord, Givral, Brodard, khu thương xá Tax,… Nhắc đến Sài Gòn có những nơi như Continental, Caravelle, Majestic,… Lề đường Sài Gòn còn có những gánh hàng rong. Thương nhớ làm sao kỷ niệm Sài Gòn có nước mía Viễn Ðông có thịt phá lấu, có gỏi đu đủ gan cháy khô bò, có bánh bột chiên, có món bánh cay gần khu Chùa Chà Và mà nhà văn Thinh Quang nhắc tôi hôm nọ. Những thực khách của những nhà hàng sang trọng theo cung cách kiểu Tây phương của Sài Gòn… Chính họ cũng là giới hâm mộ thường trực tại các quán cóc trên vỉa hè Sài Gòn. Ðó là những nét đặt thù của Sài Gòn, của người Sài Gòn, hay thuật ngữ phương Tây “Saigonais,” “Saigonese.”

Nhớ Sài Gòn, làm sao quên nổi những góc phố, những con đường của nơi ấy nhỉ? Năm 1865, Phó Ðô Ðốc Pierre Paul Marie de la Grandière (1807-1876) đại diện cho chính quyền Pháp tiến hành việc đặt tên cho 26 con đường trên địa bàn của Sài Gòn mà trước đó chỉ được đánh số thứ tự. Trải qua hơn 300 năm xây dựng và phát triển, Sài Gòn đã có hơn 1,500 con đường lớn, nhỏ và từ lâu các tên đường đã bao lần thay đổi do yếu tố chính trị: Thời Pháp thuộc đường Tự Do xưa của ta là đường Catinat… Pháp đã đặt Charner cho tên đường Nguyễn Huệ, Mac Mahon là Công Lý sau đó. Bonard thành Lê Lợi, Mossard là Nguyễn Du… Ðường mang tên Phó Ðô Ðốc HQ Pháp De La Grandlière ta thay bằng tên vua, đường Gia Long. Paul Blanchy tên ta là Hai Bà Trưng. Mayer thành đường Hiền Vương… Và đại lộ Boulevard de la Somme phe ta đặt tên vua, đại lộ Hàm Nghi… Nhà tôi ở đường mang tên Tây D’Espagne sau thành Lê Thánh Tôn.

Những khách sạn thời Pháp thuộc tọa lạc ngay trung tâm Sài Gòn cũng đã là nhân chứng cho bao năm binh biến, vật đổi sao dời. Khách sạn Continental đã được kiến trúc sư Pháp thiết kế và xây dựng vào năm 1880 và nay là khách sạn lâu đời nhất Việt Nam. Continental từng đón tiếp nhiều nhân vật nổi tiếng, như nhà thơ Nobel của Ấn Ðộ là Rabindranath Tagore, văn hào Pháp André Malreaux là tác giả của La Condition humaine(Thân phận con người 1933), sau làm bộ trưởng Văn Hóa Pháp (1959-1969); văn hào Anh Graham Greene(tác giả của sách bestseller “The Quiet American” – Người Mỹ Trầm Lặng); cựu Tổng Thống Pháp Jacques Chirac, và nữ tài tử điện ảnh Catherine Deneuve (thủ diễn trong các phim đoạt giải điện ảnh Indochine, Le Dernier Métro, Belle de Jour),…

Chủ nhân đầu tiên của Continental là Pierre Cazeau, nhà sản xuất vật liệu xây dựng, sau được bán lại cho Công Tước De Montpensier. Chủ sau nữa là Mathieu Francini. Ngoài ra, Continental còn có tên là “Radio Catinat,” nơi mà giới báo chí truyền thông tụ hội, trao đổi, thu nhặt tin tức thời sự “nóng“nhất, sai có, đúng có.

Nhà hàng kỳ cựu sau Continental là Majestic, thành lập năm 1925, nằm ở góc đường Catinat và Luro(sau là Cường Ðể) nhìn ra bờ sông Sài Gòn, do một thương nhân người Tàu giàu có và nổi tiếng nhất nhì Sài Gòn thời bấy giờ là Hui Bon Hoa (tức chú Hỏa) xây dựng theo đồ án thiết kế của một kiến trúc sư người Pháp. Suốt gần 90 năm tuổi của mình, Majestic đã đón tiếp nhiều nhân vật quốc tế: Tổng Thống Pháp Mitterrand, Thái Tử Nhật Akishino, Thủ Tướng Lý Hiển Long của Singapore, Thái Tử Ðan Mạch Henrick, Thái Tử Anh Andrew, Công Chúa Thái Lan Maha Chakri Sring Dhorn.

Các quán cà phê như La Pagode là nơi hội tụ của giới thơ văn, báo chí Sài Gòn một thuở như tụ quán Caffe Trieste nằm trên Vallejo Street (góc đường Grant) hướng Bắc của phố San Francisco, chủ nhân là một người Ý di cư, nhưng quán cà phê này là nơi mà giới tao nhân mặc khách, những nghệ sĩ lui tới gặp gỡ nhau… Nó còn là phòng hội của những nhà văn Lawrence Ferlinghetti, Alan Watts, Jack Kerouac, Allen Ginsberg, Richard Brautigan, Bob Kaufman, Gregory Corso, Michael McClure, Kenneth Rexroth, Neeli Cherkovski,… nhà thơ nổi tiếng Jack Hirschman, nghệ sĩ Peter Le Blanc, Don Moses và nhiếp ảnh gia giải Pulitzer là Joe Rosenthal, rồi những Jimo Perini, Bill Cosby, Paul Kantner, Liam Mayclem, Joey Reynolds và Mal Sharpe,… Trieste còn là nơi thi sĩ gốc Nga giải Nobel văn chương Joseph Brodsky lui tới trau chuốt thơ của mình. Còn nữa. Rồi ở góc phòng còn phảng phất bóng dáng của nhà đạo diễn nổi danh Francis Ford Coppola ngồi đọc và đánh bóng kịch bản phim “The Godfather” những năm 70.

Paris có Café de Flore, ở ngay ngã tư của Boulevard Saint-Germain và đường St. Benoit, nơi gặp gỡ ngày xưa của văn và triết gia như André Breton, Francoise Sagan, André Malraux, Francois Mauriac, Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Albert Camus,…

Cái chung của La Pagode của Sài Gòn, Caffe Trieste của San Francisco, hay Café de Flore của Paris là những địa điểm tụ họp của giới văn hóa nghệ thuật, những nơi có lịch sử riêng biệt của chính nó.

Sài Gòn có thơ Nguyên Sa, có nhạc Ngô Thụy Miên… Hỡi những ai đã từng đi dưới cơn nắng của Sài Gòn, bạn còn nhớ chứ?

“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Ðông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng…”

Nhà thơ Vũ Uyên Giang cho bài thơ nhớ Sài Gòn xưa, Sài Gòn nhớ nắng, nhớ mưa:

“Nhớ quá Sài Gòn của thuở xưa
Ta từ Bưu Ðiện bước ngang qua
Nhà thờ Ðức Mẹ nằm im lặng
Con phố Hàn Thuyên nắng nhạt nhòa…
Nhớ đến Sài Gòn một thuở xưa
Buổi chiều nhạt nắng lại rơi mưa
Gọi thầm khe khẽ tên ai đó
Ðất khách trong lòng đang đổ mưa.”

Sài Gòn qua nỗi nhung nhớ của nhà văn Trần Mộng Tú:

“Âm thanh của những tiếng động hàng ngày, như tiếng chuông nhà thờ buổi sáng, tiếng xe rồ của một chiếc xích lô máy, tiếng rao của người bán hàng rong, tiếng chuông leng keng của người bán cà rem, tiếng gọi nhau ơi ới trong những con hẻm, tiếng mua bán xôn xao khi đi qua cửa chợ, vẻ im ắng thơ mộng của một con đường vắng sau cơn mưa… Làm lên một Sài Gòn bềnh bồng trong nỗi nhớ.

“Sài Gòn mỗi tháng, mỗi năm, dần dần đổi khác. Chúng tôi lớn lên, đi qua thời kỳ tiểu học, vào trung học thì chiến tranh bắt đầu thấp thoáng sau cánh cửa nhà trường. Ðã có những bạn trai thi rớt Tú Tài phải nhập ngũ. Những giọt nước mắt đã rơi xuống sân trường. Sau đó, với ngày biểu tình, với đêm giới nghiêm, với vòng kẽm gai, với hỏa châu vụt bay lên, vụt rơi xuống, tắt nhanh, như tương lai của cả một thế hệ lớn lên giữa chiến tranh.

“Sài Gòn như một người tình đầu đời, để cho ta bất cứ ở tuổi nào, bất cứ đi về đâu, khi ngồi nhớ lại, vẫn hiện ra như một vệt son còn chói đỏ. Sài Gòn như một mảnh trầm còn nguyên vẹn hương thơm, như một vết thương trên ngực chưa lành, đang chờ một nụ hôn dịu dàng đặt xuống.”

Thi sĩ Phạm Sĩ Trung nhớ Sài Gòn:

“Sài Gòn ơi Sài Gòn
Những con đường thân quen
Hàng cây cao bóng mát
Tình yêu thật êm đềm
Sài Gòn ơi Sài Gòn
Nơi tôi đã lớn lên
Nhớ thương buồn vời vợi
Suốt đời chẳng sao quên”


VietHai
23 Nov 2020

Tiếng Việt


Tiếng Việt là độc âm nghĩa là nói từng tiếng góp lại thành một câu, viết từng từ góp lại thành một bài văn. Tiếng Việt dùng 32 chữ cái của mẫu tự La Tinh để viết, nguyên thủy do các linh mục Bồ Đào Nha và Pháp mang vào Việt Nam từ thế kỷ 16, phiên âm tiếng Việt để truyền đạo Thiên Chúa, dần dần lập thành Chữ Quốc Ngữ thay thế Chữ Nho cho đến nay.

Tôi nhận thấy so với tất cả các nước dùng mẫu tự ABC trên thế giới thì chỉ có từ ngữ Việt Nam mới có thể chỉ dùng những từ có cùng một Phụ Âm đứng đầu để kể một câu chuyện có vần Phụ Âm đó, hoặc viết một bài văn với cùng một Phụ Âm ở đầu từ.

Để chứng minh, tôi đã viết được 5 Chuyện với cùng một Chữ bắt đầu:


1. Chữ B: Bà Ba Bán Bún (522 chữ B)
2. Chữ C: Chuyện Cậu Chính (720 chữ C)
3. Chữ H: Hẹn Hò (404 chữ H)
4. Chữ T: Tiểu Truyện Toàn Tê (2216 chữ T)
5. Chữ V: Viết Văn (378 chữ V)

Nguyễn Văn Luận

1.BÀ BA BÁN BÚN
Bà Ba buồn bã bế bé Bưởi bủng beo, bi bô, biết bò. Bà bẽ bàng bởi bà bị bắt ba bốn bận, bố bé Bưởi bội bạc, bỏ bà, biền biệt, bà bị bịnh …bón. Bà Ba bán bún, bọn “bọ”(cán bộ) bảo bà bán bún bò. Bà bất bình, bà bảo bà bán bún bung. Ba bà bạn buôn, bán bún bị bắt. Bà Ba buồn, bèn bỏ bán bún, bán bánh bèo. Bánh bèo bằng bột, bọn “bẩm báo” biết bà bán bánh bèo, báo bà …bán bánh bằng bột! Bà bừng bừng bực bội, bóp bét bánh bèo, bôi bê bết “Biên bản bắt bán bánh bằng bột”

Bộ (công an) bắt bà Ba, bảo bà bán bánh bằng bột, bừa bãi, bướng bỉnh, báng bổ. Bọn bồ bịch “bác Bình bên Bộ” biết bà Ba bầu bĩnh, béo bở, bèn bô bô bảo bà: “Biếu bác Bình bốn bách”, bác Bình bãi bỏ “Biên bản bán bánh bèo”.

Bà Ba bấm bụng, biếu “ba bách”. Bà biết bà bị bắt bí, bởi bánh bèo bà bằng bột …bo bo . “Bầy bịp bợm, bọn bưng bô, bết bát, bê bối, bèo bọt, bắt bừa bãi …!” Bộ ban bố: “Bắt bún, bắt bánh bằng bột”. Bọn bồi bút bênh Bộ, bốc “Bắt…bắt !” bất biết. Bọn “bọ” bắt bà Biên, bà Bích, bà Bạch bán bánh bao. Ba bà bàn bạc, bỏ bán bún, bánh bao, bánh bèo, buôn ….bắp ! _ Buôn bắp bấp bênh, “bị bắt bỏ bu ! “, bà Ba bảo bạn.

Bà Ba bèn bồng bé Bưởi bi bô, buôn …bầu bí. Bầu bí buôn ba bán bảy ! Bập bùng, bì bõm bến bãi, bờ bụi, bà Ba bứt bí, bứt bầu, bó bầu, bó bí bỏ bị bự, bán buôn bớt bận bịu ! Bạn bè bốc: “bà Ba Bị bán bầu bí …bộn bạc!”

Bà Ba buồn bời bợi bởi bố bé Bưởi bội bạc bỏ bà, bởi bịnh bón. Bà bực bội, bất bình bởi bọn “bọ” bám bà, bức bách bà, bắt bà bảy bận, bòn bóc bà bởi bà biết buôn bán. Bà bỏ Bất Bạt (Sơn Tây), Bắc bộ, bỏ bán bầu bí, bế bé Bưởi bụ bẫm, bôn ba, bao bọc bởi bác Bàng Bến Bính (Hải Phòng), bung buồm bám biển, bị bão, bồng bềnh… Bà Ba bế bổng bé Bưởi, bíu bác Bàng biết bơi.., bơi bì bạch biển Bắc bão bùng … Bà bye bye bọn Bắc Bộ bẩm báo, bức bách, bắt bớ bừa bãi…! Bóng bẩy, bảnh bao, bà Ba bước bên bờ biển Boston biêng biếc, bàng bạc. Bé Bưởi bắt bóng balloon bay bướm, bước bên bà, bé bảo: “Bờ biển Boston blue…beautiful !” Bà Ba bưng bát bún bò, bảo bé Bưởi: “Bún bò Boston bát bự bằng bún bò Bolsa …!”. Bánh bao Bolsa…bôi bơ béo bổ, bánh bao Boston bềnh bệch, bánh bèo Boston bột …bở! Bé Bưởi bửa bánh bao, bỗng bảo bồi bàn : “Ba bát bún bò ….!”. “Bún bò Boston Bistro bát bự, “bảy bucks”,”beautiful….beautiful…!

2. CHUYỆN CẬU CHÍNH
Cậu Chính con cả cụ Chánh Chợ Cầu, chững chạc, cứng cỏi, chăm chú, chần chừ chọn các cô Chanh, Cốm, Cẩm, Châu… cho chót chuyện cha cậu cấm cậu cặp cả …chín cô! Chấn chỉnh, cậu Chính compare các cô, confused…! Cô Cẩm cùng cục, cong cớn, cô Chanh chậm chạp, chắt chiu, cô Cốm chanh chua, cà chớn…Cuối cùng cậu Chính cảm cô Châu. Cậu chịu cô Châu: cô chăm chỉ, cần cù, cổ cao, co chuẩn, con cụ Chất có cồn cỏ cạnh Chùa Cam. Cụ Chất cám cảnh còm cõi, cơ cực, chuân chuyên, chợ chiều chen chúc, cụ chỉ có Châu, cụ chăm chút, chiều chuộng, cố chọn chồng có của cho con. Cụ chấm cậu Chính: “Con cả cụ Chánh Chợ Cầu cặp cùng con cụ, chắc chắn cha con cụ chứa chan…của cải!” Cụ Chánh Chợ Cầu cũng chịu cô Châu con cụ Chất Chùa Cam, cầu cho con cụ cùng cô Châu…chính chuyên, chặt chẽ! Cô Châu cười chúm chím: “Con chịu…!” Các cô Chanh, Cẩm, Cốm chắc chắn chuyện cậu Chính cặp cái Châu, cay cú, cau có, cãi cọ chán chê, cùng chạy cầu cứu cụ Còng, cầy cục cụ can cụ Chánh Chợ Cầu: “Chúng cháu cao cả, chẳng chịu cảnh chồng chung, cụ che chở cho chúng cháu, cậu Chính chỉ chực …chôm của!” Các cô cũng cảnh cáo cậu Chính “Can chi cặp cái Châu chích chòe?” Cậu Chính chợt choáng, chẳng chịu các cô chỏng chảnh, chập chờn con chuồn chuồn, cuống con cào cào “Chết chắc…!” Các cô cố chê, chéo chân, choạc cẳng chửi cô Châu: Cô Cốm: ” Con Châu cổ cò, chân cong…Cậu Chính cay con cà cuống, chó chầu cục cứt!” Cô Cẩm: ” Cái Châu còi cọc, chiu chít, cổ cáu chằng chịt chân chim, chồm chỗm con cú chê con chẫu chuộc!” Cô Chanh: ” Con Châu chảnh chọe, chủ chứa, cạp củ cải cháo chua, con cầy chộp con cóc chết!” Các cô càng châm chọc cô Châu, cậu Chính càng chê các cô. Cậu chua chát: ” Các cô cáo chồn, cà chớn, chán chết…!” Cuộc chiến chiếm…con chim… cù cưa, con cò chết cháy…! Cô Châu cột chặt…cột cờ, còng chân cậu Chính! Các cô Chanh, Cốm, Cẩm cố công cầm cự chí chết, cãi chầy cãi cối chửi cô Châu, chung cuộc… chết chìm…! Các cô còn chỉ cậu Chính ca cẩm: ” Con cá cắn câu, con cò cất cánh…cóc cần…coi chừng…cắt chim!”, chửi câu cuối cùng, các cô cùng chập chững co cẳng …chạy! Cậu Chính chỉ cho cụ Chánh, cha cậu, chứng cớ các cô cạy cửa, chẹt cổ cô Châu, công chúa của cậu, còn cắn cậu , cấu cậu. Cụ Còng, con cô con cậu của cái Cẩm, cố chấp, che chở con Chanh, con Cốm cản cậu. Con Chanh chồng chết, cái Cốm cancer, cùng cực, chồng chê cõng con…chuồn…! Cái Cẩm cầm cái, cướp cơm của chú cháu con Chi, cả community chê cười ! Căn cứ cử chỉ của các cô “chuột chết”, cụ Chánh Chợ Cầu chào cụ Chất Chùa Cam: “Cho các cháu…chập chùng, chũm chọe chuyện chiếu chăn..!” Cậu Chính cắt cây cảnh, cắt cỏ, cô Châu chăm chậu cúc, cặm cụi chẻ củi, chặt con cá chép, cơm canh, cỗ cúng. Chập choạng chiều, cô Châu chải chuốt, cậu Chính chững chạc cắp cặp cùng các cụ, các con, các cháu chuyển cỗ cúng, cùng chè chén chứa chan chuyện con cà, con cút, con chim cánh cụt. Cơm cúng cỗ có : Canh chua cá catfish, Canh cải cà chua, Cá chép chiên, Chả chìa, Càng cua cặp củ cải chua chiên chảo, Cam, Chuối chín cây, có cả Chocolate cookies, Coconut candies . Cụ Chánh cùng cụ Chất chạm cốc. Cụ Chất chúc: ” Chúc cụ Chánh chân chính, cha chồng cháu Châu, cầm cân cho chắc, chống Cộng chuyên chế, chó càn cướp của, chúc các con có cu Chính con coming!” Cụ Chánh chếnh choáng, chớp chớp, cầm chừng, chực cảm. Cụ cười, cất cao cổ ca câu chuyện chữ C: Chiều chiều chênh chếnh cánh cò ! Con công, con cú, con chim chích, con cu, Có con cóc cái, chu choa…chộp con cào cào…!

3. HẸN HÒ
Hăng hái học hành, Huệ, Hồng, Hương, Hảo, Hạnh, ham hội họp, hào hứng, hớn hở, hát hò. Hạnh hát “Hello”, Hảo hát “Hoàng Hôn Hawaii”, Hương hát “Haiti hiu hắt”, Hồng hết hơi “hông hát…!” Huệ hò Huế hay …hơn hết! Huệ hao hao Halle-Berry, Hồng… hot, hở hang, Hương hơi hư hỏng, Hảo ham hàng hiệu, Hạnh …hiền hòa. Huệ hợp Hảo, học hình họa, hí hoáy họa hình hổ, hình hươu, hình hoa hòe, hoa huệ. Hồng, Hương ham hóa học, hì hục hốt …hành, hẹ, hột hồi, hoa hiên, hoa hồng hòa hỗn hợp…hăng hăng! Hạnh ho he học hàng hải…hão huyền! Hết hè, Hồng háo hức, hí hửng hỏi Hương: “Hương hẹn hò Huỳnh Hữu Hải, hứa hôn hả?” Hương hốt hoảng, hậm hực: “Hải Hủi, hắn hippy, hâm hấp, hẹp hòi…Hương hầu hạ hắn, hắn hờ hững, hắt hủi Hương, hằn học hành hạ Hương…!” Hương hụt hơi, hổn hển: “ Hắn hung hãn hành hung Hương, hích Hương, húc Hương, hét ‘Hương hooker’. Hắn hăm hở, hùng hục, hoạnh họe, hà hiếp Hương hai hôm, Hương hận hắn..hu..hu …!” Hồng hiểu hồi hôm Hương hốc hác, hết hồn, hắt hơi, ho hù hụ, héo hon, hết hồng hào. Hương hãi hùng, hối hận, hét hết hơi: “Hải Hủi hèn hạ, hôi hám…!”. Hải hầm hầm, hắn hoảng, hắn hét, hắn hầm hè, hục hặc, hùng hổ …hù Hương… Hương hớt hơ hớt hải hỏi Hồng: “Hu hu..hỡi Hồng! help Hương… hầu hắn hết hung hăng, hãm hại Hương”. Hồng hiểu hết, hối hả, hào hiệp, hét: “Hải hỗn hào! ha ha… hành hung hả?”. Hồng hô:”Huệ, Hảo, Hạnh, …Help…Help…!” Hải hoảng hồn…hết hung hãn! Hảo: ” Ha…ha…hì…hì Hải Hủi…hấp hối…! Huệ hò Huế hay huyền hoặc hôm Holiday, hội họp. Hạnh hân hoan hỏi Huệ: “How…hè Houston..? Hẹn hò hay hứa hôn…?” Huệ hoan hỉ: “Hôm hẹn hò, Huệ, Hoàng hái hoa hồng, hưởng hoàng hôn Houston huy hoàng. Hoàng: “Hân hạnh…hân hạnh…!” Huệ hơi hoảng hốt…Hoàng hào hoa, háo hức… hôn Huệ!…Huệ hiểu Him hơn hết. He hiểu Huệ hoàn hảo. He hiền hòa, hôn Huệ hoài…hôn hoài. Huệ hắt hơi, húng hắng ho. Hoàng hối hả, hà hơi… hôn Huệ, Huệ hết ho, hả hê, hú hí. Hè Houston hồng hồng, Hoàng hugs Huệ, hái hoa hồng hỏi Huệ hứa hôn. Huệ hold Him, háo hức, Huệ… hò Huế. Huệ happy. Hallelujah !

4. TIỂU TRUYỆN TOÀN TÊ: TÌNH THU THỦY
Tôi tên Trần Toàn. Thuở thiếu thời trú tại Thừa Thiên, thường tụ tập tụi trẻ trong thôn tập tuồng. Trưởng thành thời Tổng Thống Thiệu, tôi thích thể thao, thuộc tuyển tập Trần Thiện Thanh, thích Thái Thanh, Thanh Thúy, Thanh Tuyền. Trở thành trai thời thượng, tôi thường tới trang trại tại Thủ Thiêm tìm Thu Thủy, tay trong tay thủ thỉ, thì thầm, tình tứ, trân trọng, thiết tha. Tôi thương Thu Thủy, thư từ thề thốt, Thu Thuỷ thương tôi thiệt tình, tấm tình trong trắng, thanh tao. Thu Thuỷ tuổi Thìn, tôi tuổi Tuất, theo thầy tướng tuổi Thìn tuổi Tuất tác thành thật tuyệt! Tập thành tạo thao tác tại thao trường, tôi theo tướng Thái tận tụy từng trận tảo thanh, tham trận thắng Tết Thân thần thoại, thăng tiến, tháp tùng tỉnh trưởng thanh tra tỉnh Thừa Thiên. Tình thắm thiết, tràn trề, tôi tặng Thu Thuỷ tập thơ Thanh Tâm Tuyền, Thu Thuỷ thổn thức thương tôi, tặng tôi Trái Tim Thiên Thần, thoáng trong tiếng thở, từng tiếng “thương Toàn”, “thương Toàn” tưởng thấu tới Trời trong tiết Thu thanh tịnh. Thời thế tráo trở, tháng Tư … tang thương! Tôi tập trung tại trại Tân Trào tỉnh Thanh, thất thểu từ tỉnh Thanh tới tỉnh Thái, tỉnh Tuyên, tối tăm, thê thảm tới Tám Tám (1988). Tình Thu Thuỷ tan tác. Từng tháng, từng tháng trôi trong thương tiếc, tuổi trẻ tàn tạ trong tù. Tôi thao thức, trằn trọc, thui thủi, thẫn thờ, tìm từng tiếng thân thương trong tiềm thức, tưởng tượng Thu Thuỷ thỏ thẻ tâm tình thời trước Tết Thân. Thỉnh thoảng tôi thảng thốt, thều thào, tâm thần tức tưởi, toan tính trốn tù. Tuần tiếp theo, trưởng tại tập trung tám trăm tù, tra tấn tư tưởng. Trại trên thông tin tới trại tôi: tên Trật Tự Trại thủ tiêu tù trốn trại. Tôi trấn tĩnh, tinh thần tỉnh táo, thôi thì từ từ tính toán… Trước Tết Tám Tám(1988), tôi thoát tù, tới Texas. Trời thương! Tôi tưởng thân tan từ Tết trước. Tuy tiều tụy, thiếu thốn, tám tháng trời tại Texas, tôi tập thể thao, tập tạ, trở thành tươi trẻ toàn thân, tay to, tóc tốt. Thoát thân tù tội, tra tấn tư tưởng, tôi thấy từ tên thiếu tá trưởng trại tù tới tên trật tự trại thật tầm thường, ti tiện! Trước tiên, tôi tức tốc truy tìm tin tức Thu Thuỷ, trầm tĩnh tìm tòi trên tờ Tuần Tin Tức, từng trang, từng thứ, từ tin thể thao tới tin thị trường thiêu thụ. Tìm thên trong tờ Time, thấy tin thật thương tâm: tám tên tài tử túng tiền, tự tử tại Toronto tối thứ tư tuần trước.Tin tổng thống tính tăng thuế, tin tụi tống tiền tiểu thương trốn thoát, tẩu tán trốn trong Town…Từ từ, tằn tiện, tích tiền, tôi thuê thám tử thạo tiếng Tầu, tiếng Thái, tiếng Tây, truy tìm Thu Thuỷ từ Texas tới Toronto, từ Taiwan tới Tây Tạng. Tâm trí thẫn thờ, thấp thỏm, tin tức Thu Thuỷ tiêu tăm, thành thử tối trông trăng tôi thao thức, trăng tàn tôi thở than. Tình Thu Thuỷ tha thiết trong tim tôi tựa Truyện Tình Thiên Thai thuở trước. Thôi thì tạm thời thôi tiếc thương, tôi take train theo Tour từ Texas tới Tahoe, tới Tampa, tới Tennesse, thật thích thú! Tôi tiếp tục travel từ Toronto tới Tokyo, tới Turkey, tới tận Tahiti …! Tám tháng trời thấm thoắt …! Thăm thầy Thông tại Tampa(thầy thắng Tèo trường tôi thuở trước), thầy tiếp tôi trong tư thất, tường trắng toát. Thưởng thức trà Tầu thơm, thầy Thông thôi thúc tôi theo thầy thảo tập Thơ Tình Tuyệt Tác. Tôi thưa: thơ thì tôi trao Thu Thuỷ, tình thì tan tác, tim trống trải, tứ thơ thất tán! Thôi thì tôi thử tìm tòi từng tiếng, tạo thành “truyện tếu toàn Tê”. Thầy Thông tán thành, tôi thấy thanh thản trong tim. Thầy Thông thật tử tế! Trước Tết Tân Tỵ, tôi thong thả, tìm từng tiểu tiết trong trí. Từ thuở tám tuổi, tại trường thằng Tèo thao thao truyện Thảo Tóc Tiên, tôi tưởng tượng, thêm thắt thành Truyện Tình thực tại.

5. TÌNH THẢO TÓC TIÊN – TƯ THẸO TẠI TEXAS.
Trời tháng Tám, tiết Thu, thoảng từ tiệm Tầu tiếng tiêu thánh thót, trữ tình, Thảo Tóc Tiên thẹn thò, thủ thỉ: _ Thảo thiệt tình thương Tư! _ Thiệt thế? Tư thân Thảo từ thuở thiếu thời, Tư thương Thảo thành thực! Tư Thẹo tỏ tình, thì thầm tha thiết, Thảo Tóc Tiên tức thời thút thít: _ Thảo tức thiệt, thằng Tí Thộn theo Thảo, thấy Thảo thương Tư, trêu tức Thảo, to tiếng: “Thảo tóc thưa, tai teo, trán thẹo, tò te tí te!” Thảo thưa thầy Tám Thuốc Tễ (thằng Tí thường theo thầy tán thuốc), thì thầy Tám tủm tỉm, trơ trẽn, tức thiệt, tức thiệt! _ Thiệt thế, Thảo? Tư trợn trừng. Tư Thẹo trước theo thằng Trâu Trắng tập thiền Tây Tạng tám tháng, từng tấp tểnh trở thành thám tử tìm tầu Titanic. Thấy Thảo Tóc Tiên thút thít, Tư tất tưởi, tóc tua tủa, tức tốc tìm tới thầy trò Tám Thuốc Tễ, Tí Thộn. Thảo tòn ten theo Tư. _ Tiểu tử Tí Thộn thật ti tiện, Tư Thẹo thét to. _ Tao ti tiện? Tí Thộn thét theo,” Tư Thẹo tí tởn tán Thảo Tóc Tiên tai teo, trán thẹo, tò te, tò te!” _ “Thầy Tám Thuốc Tễ trơ trẽn trắng trợn, tiếng Thảo the thé, thằng Tí Thộn tồi tàn, trêu tao thì tao…” Thảo toan túm tóc thằng Tí thì tuột tay. Tư Thẹo tung tay tống trúng trán thầy Tám. Thầy Tám thụp thật thấp theo thế Tề Thiên thỉnh Tam Tạng, tẩu thoát. _ Trời! thằng tục tử tham tàn, tao thề tặng tí tiết! Tí Thộn tiến tới, thuận tay thụi tới tấp Thảo Tóc Tiên, từ tai tới tim. Thảo té, te tua, tức thở, túi tiền tung toé, trông thực thảm thương! Tí Thộn , tay thọc túi thách thức… Tư Thẹo tọa thân theo thế Tào Tháo Tế Thần, tay trái thọc Tí Thộn. Tí Thộn tài tình tránh thoát. Tư Thẹo thẳng thừng tống tiếp, Tí Thộn teo tởn tưởng tiêu, trườn thân tạo thành thế Thám Tử Trèo Tường, thét to ”Tao tẩu!” Thảo Tóc Tiên thích thú, thều thào: “Tư…ư …thư…ơng!” Tư Thẹo, Thảo Tóc Tiên, tay trong tay, tình tứ, từ từ, thong thả, thất thểu tìm tới tiệm…thuốc Tây! Tí thộn thua trận, tới thầy Tám Thuốc Tễ than thở : _ Thưa thầy, tôi thua thằng Tư Thẹo trận trước tại tôi tương tư Thảo Tóc Tiên, tâm thần thảng thốt. Thầy thật tử tế, thí tôi tí tiền, tôi tập tạ, tháng tới tôi trả thù, thách thằng Tư Thẹo thi tài. Thầy Tám từ từ, thủng thẳng: _ Thế thì tốt …! Tao tức thằng Tư Thẹo tống tao trúng trán, tao toan tống trả thì tao thôi. Tao té te tua, tưởng theo tổ tiên tức thời. Tán thành tiểu tử tập tạ, tao tặng tám trăm. Tập tốt thì thắng, thua thì tao …thiến! Tao tìm thuốc trợ tim, tháng tới tao trợ thủ. Thầy Tám tán thuốc tễ, trộn tam tinh, thịt trăn, tương, trứng, tôm, tỏi, thêm tiêu, trà Thanh Tâm, thành thứ thuốc …thất tộc! Tí Thộn thoạt trông tim tím thưởng tiết trâu. Thầy Tám tán thêm: “Toa thuốc Trợ Tim từ thời thầy Tham Tán toà Thượng Thẩm từng theo Tôn Thọ Tường truyền tới tao. Thuốc trợ tim thứ thiệt! Thừa tướng triều Thành Thái thử thuốc, thấy tim tốt, tâm trạng thảnh thơi, tâu Thái Tử, Thái Tử tâu Thánh Thượng, Thánh Thượng thăng thầy Tham Tán thành Thượng Thư! Tiếp tục tìm tiền, Tí Thộn tới thăm Thỏ Thơm, tán tỉnh. Thỏ Thơm tuổi Tý, tha từ trại tập trung trẻ theo Tầu tiêu thụ thuốc Tây, thích thằng Tí trẻ trung, trắng trẻo, tuy…thộn! Thỏ Thơm thấy Tí Thộn thao thao thì tố thêm: _ Tí thân thương …! Thằng Tư Thẹo thắng tám thiên, tiền thưởng trận tháng trước, tậu Toyota tung tẩy. Thỏ thấy Thảo Tóc Tiên tí ta tí tởn theo Tư Thẹo tới tiệm thuốc Tây, tay thoa trán Tư Thẹo, tay thọc túi thằng Tư tìm tiền trả tiệm thuốc, trông thật tục tĩu. Thỏ toan thét to :”thật tởm!”, thấy thằng Tư trợn tròn thì Thỏ thôi, tức thiệt! Tí Thộn tiếp: _ Tháng tới Tí trả thù thằng Tư Thẹo tục tằn! Thầy Tám trợ thủ Tí tất thắng. Thỏ thương, Tí tập tạ từ tuần trước, thiếu tiền. Thỏ thương Tí thì …thảy tạm tí tiền, Tí thề trả thù tháng tới! Thỏ Thơm tặng Tí Thộn tám trăm.

6. TRẬN TRANH TÀI TẠI TRẠI TRÂU, TEXAS.
Trời thanh thanh, tiếng trống tùng tùng. Ta, Tây, Tầu, từng tốp, từng tốp tới Trại Trâu từ trưa. Trọng tài tề tựu từ trước, trông thật trang trọng. Tụi thằng Tom thiếu ticket, tức tối tiểu tiện tứ tung! Thầy Tám Thuốc Tễ thổi trumpet thôi thúc trận trả thù. Thầy thao thức tập thổi trumpet từ tuần trước. Thỏ Thơm tháo túi thuốc Trợ Tim từ tay thầy Tám, tiến tới thì thào: “Tí… thư…ơng, thoa thuốc…! Thuốc thum thủm. Thỏ Thơm thoa từ trên trán, thoa tai, thoa tóc, thoa tay Tí Thộn. Toyota Tư Thẹo từ từ tiến tới Trại Trâu trong tư thế thắng trận, Thảo Tóc Tiên thấp thỏm, trông trắng toát. Thầy Tám Thuốc Tễ tỉnh táo tiến tới trung tâm Trại, thổi trumpet tám tiếng toe toe…Toàn thể theo thứ tự, tạo thành từng tốp thẳng tắp. Tư Thẹo thoạt trông Tí Thộn tay tím, tóc tai thum thủm thì tởn tận tim. Thầy Tám thổi tiếp …tu…tu, tới tiếng “tu” thứ tư thì Tí Thộn theo thế Thăng Thiên, tống thẳng từ trên tới Tư Thẹo. Tư Thẹo tránh thoát, thận trọng từng tí: “thằng tiểu tử tận tâm trả thù!” Thỏ Thơm thét: “Tiến tới…tiến tới.. .Tí thương!” Thảo Tóc Tiên tiếp theo: “Thận trọng…thận trọng…Tư thương!” Tiếng trumpet thầy Tám Thuốc Tễ từ tu…tu thành toét…toét thì Tí Thộn, thuận tay trái, tống tới tấp Tư Thẹo. Tuy Tư thụp thật thấp theo thế Tiểu Tăng Thoát Tục, Tí Thộn tống thêm thùm thụp, trúng từng trái. Tư Thẹo té, tả tơi! Thầy Tám Thuốc Tễ thổi tiếp…té…té, Tư Thẹo thều thào: ”Tha tớ…thiệt tình tớ …thua!” Tí Thộn thét to: _ Thua thì tao tịch thu Toyota, trả tiền thì tao trả, thiếu tiền thì…thôi! Thỏ Thơm thích thú, thét: “Ta thắng …ta thắng!” Thầy Tám thôi thổi trumpet, tủm tỉm: “Thuốc Trợ Tim thầy Tham Tám Toà Thượng Thẩm thật tuyệt!” Thỏ Thơm thả tóc thướt tha, theo Tí Thộn, thầy Tám Thuốc Tễ tới tịch thu Toyota Tư Thẹo. Thầy Tám thong thả từng tiếng: _ Ta thắng trận, toàn thể theo tao tới tiệm Tầu Tân Tiến tiệc tùng thỏa thích, thưởng thức trứng tôm tráng tương, trà tầu Tam Tỉnh, tiền tao trả…! Tư thẹo tái tê, thều thào: “Ta thà tự tử, tiếng tăm ta tiêu tan, thân ta tơi tả…Trời!” Thảo Tóc Tiên thương Tư thua trận, thút thít: _ Tư …thương! Từ từ tính toán, trận tới trả thù…Tư tới thầy Thông Thái tìm thuật triệt thuốc Trợ Tim thầy Tám Thuốc Tễ thì ta thắng. Thất thểu, tủi thân, tiếc Toyota, Tư Thẹo theo Thảo Tóc Tiên tạ từ Trại Trâu trong tiếng tiêu thánh thót, thảm thê, thoảng từ tiệm Tầu trước Trại… Tờ Tin Tức tường thuật: Thầy Tám Thuốc Tễ trợ thủ Tí Thộn trả thù Tư Thẹo. Tí Thộn thoăn thoắt tựa Tề Thiên, Tư Thẹo tuy to, thua trông thấy. Tiếng Thỏ Thơm the thé, tiếng trumpet thầy Tám toe toe, tiếng trống thôi thúc tài tình, Tí thắng trận. Tí Thộn tịch thu Toyota Tư Thẹo, Tư tiếc Toyota toan tự tử. Tờ Thời Thế thuật tiếp: Tin từ Trại Trâu, Texas. Thầy Tám tức Tám Thuốc Tễ tìm tòi tạo thành thuốc Trợ Tim từ thuốc Tễ, trộn thêm tỏi, tôm, thịt, tương, tam tinh, trà Tầu thành thứ thuốc thần thông, trợ thủ Tí thắng Tư trong tích tắc. Toa thuốc truyền từ triều Thành Thái tới tay thầy Tám, truyền tụng từ Texas tới Toronto, tới tận Toà Thánh. Tờ Tennesse Time thông tin: Trận tới, Tư Thẹo tìm thầy Thông Thái triệt thuốc Trợ Tim thầy Tám Thuốc Tễ, thách thức Tí Thộn tranh tài tại Toronto Tower, tháng Tám, Trung Thu. Tiền thưởng tám triệu tính theo tiền Tầu. Tuy thị trường tiêu thụ thụt từng tháng, từng tuần, Trump tính tài trợ thêm trăm triệu tính theo tiền Thái. Tổng Tống Tiệp, Thủ Tướng Togo trù tính tới Toronto. Thị trưởng Torocto, theo tin thất thiệt, thương thuyết tăng tiền ticket. Tin tức truyền trực tiếp trên Tivi, từ tầng thứ tám Toronto Tower. Tickets …tìm tại tiệm ta, tiêm Tầu, tiệm thuốc Tây, tiệm tóc, tại Toronto, tại Texas.

7. VIẾT VĂN
Vân vô vàn vất vả, vừa vun vườn, vừa việc vặt vãnh…Vân vào ven vách, vạch vali, vớ vuông vải viền vàng vắt vòng vai, vơ vẩn… vạch…vạch…vẽ vòng vèo, vo viên… Võ vẽ viết văn, Vân viết vào ‘Vở Việt Văn’…viết về việc Vạn vụng về vần vò vợ, vì vậy Vân vương vấn Vũ Văn Vinh, viết về Valentine, Vermont và Virginia Vân Vinh vi vu, vui vẻ vacations. Vân vất vuông vải viền vàng vào vali, vò võ, vẩn vơ…Vạn vừa về, vội vàng, vờ vồn vã với vợ. Vạn vồ vập vuốt ve Vân, vuốt vai, vuốt vế, vạch vú, vọc váy vợ…vòi vĩnh! Vân vùng vằng: “Vớ vẩn…!” Vạn vẫn vân vê, vẹo vú, vớt vát, van vỉ… Vân vươn vai, vênh váo: ” Vất va vất vưởng , vờ vĩnh, vòng vo, vung vít, vụng về… Vợ vất vả vẫn vần vợ…võ vàng!” Vạn vặn vẹo: “Võ vàng!…võ vàng với Vinh ? ..Vinh ve vãn, Valentine vui vẻ… vacations, vắng vẻ, vấn vương..?” Vân vội vớ ‘Vở Việt Văn’ vừa viết vất vào vách, vạch vali vơ vài vuông vải, vờ vịt vắt vẻo vá víu… Vạn vít vai Vân, vừa véo vai, véo vế, véo vú, vừa vụt Vân vèo vèo. Vạn vất vài vật vướng víu va vào vách vỡ vụn, vương vãi vung vít, vừa vụt vừa văng…”Võ vàng…võ vàng…!”. Vân vùng vẫy, vịn vào vách, vấp vuông vải, vật vã, vàng vọt, vật vờ, vì vậy…vội vàng vô Viện. Vinh vạm vỡ, vác Volvo vòng Virginia vùn vụt về với Vân, vào Viện, vẫy vẫy Vân, vỗ vai, vỗ về Vân, vương vương vời vợi…! Vạn vung vẩy, vênh váo vào Viện, vồ Vinh, vồ vào vai, vừa vụt Vinh vừa vụt Vân vút… vút…very violent! Vinh vật Vạn, véo vành vai, vằn vài vết. Vân vén váy, vỗ vỗ, văng vào Vạn: ” Vạn vẩu…! vượn Vẹm..!, vớ vẩn, vo ve, vô vị, vụn vặt, vật vứt vào vại…!” Vạn vất vưởng về ‘vòm’, vật vờ, vô vọng, vơ vét vòng vàng vù về Vancouver. Vân Vinh vọn vẹn vui vầy, ví với vầng vân vũ vằng vặc. Vân vịn vai Vinh vui vẻ vào Vương Viện vái…vái… Vạn vật vô vi !

Câu chuyện bằng chữ ” C “ Cậu Cẩn con của cụ Chánh, cháu của cô Cúc, cháu của chú Chiến. Cậu Cẩn có con chó cỡ con chồn, cẳng con chó cao cở cẳng con cò, cổ cũn cởn cở cổ con cóc. Cổ con chó cậu cột cái chuông. Cậu cưng con chó cùng cực, con chó cũng cưng cậu. Cứ chiều chiều cậu cõng con chó, cầm chiếc cần câu chăm chỉ câu cá chép cạnh chân cầu cuối cồn cát. Cậu chăm chú canh chừng cước cần câu, chốc chốc cậu cất cao cần câu coi. Con cá chép cắc cớ cắn câu, cậu Cẩn cất cao cần câu, cậu cười. Chốc chốc cả con cá chuối cũng cắn câu. Cậu Cẩn cầm con cá chuối chặt cổ, chìa cho con chó cưng của cậu. Con chó của cậu cắn cổ con cá chuối co cẳng chạy. Cậu Cẩn cất cần câu, cùng các cậu choai choai chơi cờ cạnh cổng chợ. Chơi cờ chán chê, cậu cõng con chó. cầm con cá chép cậu chuồn. Cậu Cẩn cho con chó của cậu chui chuồng, cậu cầm con cá chép cậu cạo, cậu chặt, cậu cho chảo cậu chiên. Cá chín, cậu Cẩn cùng cụ Chánh chén cá chép chiên chấm cà cuống cùng chuối chát. Con chó cưng của cậu Cẩn cứ chập chờn cửa chuồng chở chực. Cuối cùng cậu Cẩn cho con chó chén cơm chiên cùng chút cá chép. Con chó cạp chén cơm chui chuồng. Cụ Chánh côi cút, cụ cũng có con chim chích choè cùng cái chuồng chim cáo cạnh, cụ cưng con chim của cụ. Cứ chốc chốc cụ cầm cái chổi chà chống chân, cụ chầm chậm chộp các chú chuồn chuồn chập chờn cạnh cây cam cho con chim của cụ chén. Có chiều, cậu Cẩn cùng các chú choai choai câu cá, câu cua chỗ cống của cậu Cử. Cậu=2 0cột con chó cưng của cậu cạnh cửa. Con chó của cậu Cẩn cà chớn cứ chực cắn con chim của cụ Chánh. Cụ Chánh cầm cây chổi chọc con chó, con chó co cẳng chạy. Cụ Chánh cảnh cáo cậu Cẩn, cậu chỉ cười cậu còn cãi cối. Cũng có chiều cậu Cẩn cần công cán chỗ công cộng. Cậu cũng cột con chó của cậu cạnh cửa chuồng. Cụ Chánh cùng cụ Chẩn chơi cờ. Cụ Chẩn cũng có con chó choai choai, cụ chẳng coi chừng, cụ cột con chó cạnh chỗ con chim của cụ Chánh. Con chó của cụ Chẩn cùng con chó của cậu Cẩn cắc cớ chỉ chờ chực cắn chim của cụ Chánh. Cụ Chánh cầm cây cố cản, con chó cứ cào cấu, cứ cằn cằn. Chợt con chó của cậu Cẩn chồm cẳng cao cắn cái chuồng chim của cụ Chánh. Con chim chích choè chạy cuống cuồng cầu cu cụ Chánh. Con chó của cụ Chẩn cắn cụt cánh, con chó của cậu Cẩn chặn cửa cắn chân, cắn cổ con chim. Chim của cụ Chánh cụt cẳng, cụt cánh, cuối cùng chết cứng, chỉ còn cái chân còn cục cựa. Cụ Chánh cay cú cầm cây cối chục cân cất cao choảng con chó. Con chó của cụ Chẩn cà cuống co cẳng chạy. Cái cối cán cẳng con chó của cậu Cẩn cái “cộp“ chát chúa, con chó cố chạy – cụ Chánh cầm cây cuốc cuốc cổ con chó. Con chó của cậu Cẩn chùn chân. Cuối cùng cụ Chánh chém con chó chết cứng. Cụ Chánh cùng cụ Chẩn cắt cổ con chó, các cụ cầm chép các cụ cạo, các cụ chất con chó cạo vào chỗ có củi cháy. Cẳng con chó cong cong, các cụ chờ con chó chín các cụ chặt, các cụ cưa. Cụ Chánh cất cho cậu Cẩn cái cẳng, cái cổ. Còn cả con chó các cụ cho chảo các cụ chiên. Con chó chết các cụ có cớ chè chén. Chó chiên, chả chìa, củ chuối. Chốc chốc các cụ cùng chạm cốc, các cụ cười. Cậu Cẩn chăm chú coi chân, coi cổ con chó. Cậu Cẩn cấu cụ Chánh: “Chó chết!”

Nguyễn Văn Luận
23 Nov 2020

Bản đối chiếu chữ Việt Cộng & chữ Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa


A

Ấn tượng = Đáng ghi nhớ, đáng nhớ

B

Bắc bộ / Trung bộ / Nam bộ = Bắc phần / Trung phần / Nam phần
Bác sỹ / Ca sỹ = Bác sĩ / Ca sĩ
Bài nói = Diễn văn
Bang = Tiểu bang (State)
Báo cáo = Phúc trình, tường thuật, nói, kể
Bảo hiểm (mũ) = An toàn (mũ)
Bảo quản = Che chở, giữ gìn, bảo vệ, bảo trì
Bảo tàng = Viện bảo tàng
Bèo = Rẻ (tiền)
Biên chế = Chính ngạchngạch
Biểu diễn = Trình diễn
Bình ổn = Quân bình, ổn định
Bình quân = Trung bình
Bo mạch = Mạch điện chính trong computer (motherboard)
Bổ sung = Thêm, bổ túc
Bồi dưỡng = Nghỉ ngơi, tẩm bổ, săn sóc, chăm nom, ăn uống đầy đủ
Bóng đá = Đá Banh, Túc cầu
Bức xúc = Dồn nén, bực tức, trăn trở, khó chịu

C

Cá cược = Đánh cá
Cách ly = Cô lập
Cái A-lô = Cái điện thọai (telephone receiver)
Cái đài = Radio, máy phát thanh
Căn hộ = Căn nhà
Căng (lắm) = Căng thẳng (intense)
Cảnh báo = Báo động, phải chú ý, lưu ý
Cầu lông = Vũ cầu
Chảnh = Kiêu ngạo, làm tàng
Chất lượng = Phẩm chất tốt (chỉ đề cập phẩm “quality,” không đề cập lượng “quantity”)
Chất xám = Trí tuệ, sự thông minh
Chế độ = Quy chế
Chỉ đạo = Chỉ thị, ra lệnh, điều khiển
Chiêu đãi = Thiết đãi
Chủ đạo = Chính
Chủ nhiệm = Trưởng ban, Khoa trưởng
Chủ trì = Chủ tọa
Chữa cháy = Cứu hỏa
Chức năng = Khả năng, nhiệm vụ
Chuẩn mực = Tiêu chuẩn, Mẫu mực
Chui = Lén lút
Chứng minh nhân dân = Thẻ Căn cuớc
Chùm ảnh = Một số hình ảnh
Chuyên chở = Nói lên, nêu ra (ý nghĩa của câu nói, bài viết, …)
Chuyển ngữ = Dịch (cũng có thể dùng chuyển ngữ)
Cò = Môi giới, Dắt mối
Cơ bản = Căn bản
Cơ bắp = Bắp thịt (Biểu diễn cơ bắp = Khoe bắp thịt)
Co cụm = Thu hẹp
Cơ khí (tĩnh từ!) = Cầu kỳ, phức tạp
Cơ sở = Căn bản, nguồn gốc
Cơ trưởng / Cơ phó = Phi công chính (trưởng) / Phi công phụ (phó)
Công đoàn = Nghiệp đoàn
Công nghiệp = Kỹ nghệ
Công trình = Công tác
Cửa khẩu = Phi cảng, Hải cảng
Cự ly = Khoảng cách, Chiều dài
Cụm từ = Nhóm chữ
Cửa khẩu = Phi cảng, Hải cảng
Cứu hộ = Cứu cấp

D

Diện = Thành phần
Diễu binh / Diễu hành = Diễn binh / Diễn hành (có nghĩa trình diễn, phô trương)
Dự kiến = Phỏng định, dự đoán
Dũng cảm = Mạnh mẽ

Đ

Đại táo / Tiểu táo = Nấu ăn chung, ăn tập thể / Nấu ăn riêng, ăn gia đình
Đại trà = Quy mô, cỡ lớn
Đảm bảo = Bảo đảm
Đẳng cấp = Giai cấp
Đăng ký = Ghi danh, ghi tên
Đào tị = Tị nạn
Đáp án = Câu trả lời, Đáp số, Kết quả, trả lời
Đầu ra/ Đầu vào = xuất kho/nhập kho; Kết quả, sản lượng / Vốn đầu tư
Đề án = Dự án
Đề xuất = Đề nghị
Đi làm suốt = Đi làm suốt ngày, suốt buổi …
Điện cho ai = Gọi điện thoại cho ai, điện thoại cho ai
Đội ngũ = Hàng ngũ
Đội tàu = Hạm đội (Hạm Đội số 7 = Đệ Thất Hạm Đội)
Đồng bào dân tộc = Đồng bào sắc tộc, Đồng bào thiểu số
Động não = Vận dụng trí óc, suy luận, suy nghĩ
Động thái = Động lực, Thái độ và hành động
Động viên = Khuyến khích
Đột xuất = Bất ngờ
Đường băng = Phi đạo
Đường cao tốc = Xa lộ

G

Gia công = Làm ăn công
Giá hữu nghị = Giá tượng trưng
Giá mềm = Giá rẻ
Giải phóng mặt bằng = Ủi cho đất bằng / khai quang / dọn dẹp cho trống (không bừa bãi)
Giải phóng = Lấy lại, đem đi, thoát ra, cứu thoát… (riêng chữ này bị VC lạm dụng rất nhiều)
Giảm tốc = Giảm tốc độ
Giản đơn = Đơn giản
Giao dịch (cs dùng từa tựa như trả giá) = Thương thảo (négocier)
Giao lưu = Giao thiệp, trao đổi
Giáo trình = Chương trình giảng dạy
Gói = (package) Ngân khoản, số tiền

H

Hạch toán = Kế toán
Hải quan = Quan Thuế
Hâm, Tửng = Khùng, mát giây
Hàng không dân dụng = Hàng không dân sự
Hát đôi = Song ca
Hát tốp = Hợp ca
Hạt nhân (vũ khí) = Nguyên tử
Hậu cần = Tiếp liệu
Hệ quả = Hậu quả
Hiện đại = Tối tân
Hiển thị = Xem, Thấy, Hiện ra
Hộ = Nhà, Gia đình
Hộ chiếu = Sổ Thông hành
Hộ khẩu = Tờ khai gia đình
Hộ lý = Dâm nô
Hồ hởi = Phấn khởi
Hoành tráng = Nguy nga, tráng lệ, đồ sộ
Học vị = Bằng cấp
Hội chữ thập đỏ = Hội Hồng Thập Tự
Hưng phấn = Kích động, vui sướng
Hữu hảo = Tốt đẹp
Hữu nghị = Thân hữu
Huyện = Quận

K

Kênh = Băng tần (Channel), Đài (truyền hình / phát thanh = TV / Radio)
Khả năng (có) = Có thể xẩy ra (possible)
Khắc phục = Tìm cách giải quyết
Khẩn trương = Gấp rút, Khẩn cấp, nhanh lên
Khẩu trang = Miếng vải che mặt (bác sĩ, y tá trong nhà thương hoặc tránh hít bụi, khói…)
Khâu = Bộ phận, nhóm, ngành, ban, khoa
Khủng = Rất lớn (không đứng riêng một mình: Khủng khiếp, kinh khủng, khủng hoảng…)
Kích hoạt = Khởi đầu, Mở đầu, Mở màn
Kiệt suất = Giỏi, xuất sắc
Kiều hối = Ngoại tệ
Kinh điển = Hay, Có thể dùng làm thí dụ (Trận đấu kinh điển = Trận đấu hay)
Kinh qua = Trải qua

L

Làm gái = Làm điếm
Làm việc = Thẩm vấn, điều tra
Lầu năm góc / Nhà trắng = Ngũ Giác Đài / Tòa Bạch Ốc
Lên lớp (Anh lên lớp tôi) = Dạy đời, Sửa lưng
Lễ tân = Nghi lễ (Ban lễ tân = Ban nghi lễ, đón tiếp)
Liên hệ = Liên lạc (contact), Nói chuyện với
Liên Hợp Quốc = Liên Hiệp Quốc
Liên hoan = Đại hội, ăn mừng
Lính gái = Nữ quân nhân
Lính thủy đánh bộ = Thủy quân lục chiến
Linh tinh = Vớ vẩn
Lợi nhuận = Lợi tức
Lược tóm = Tóm lược
Lý giải = Giải thích (explain)

M

Máy bay lên thẳng = Trực thăng
Mĩ – Mỹ = (Hoa kỳ = USA)
Minh họa = Tượng trưng (illustrated)
Múa đôi = Khiêu vũ

N

Nắm bắt = Nắm vững
Nâng cấp = Nâng, hoặc đưa giá trị lên, làm tăng phẩm chất, tân trang
Năng nổ = Siêng năng, tháo vát
Nghệ danh = Tên (nghệ sĩ = stage name) dùng ngoài tên thật
Nghệ nhân = Thợ, nghệ sĩ
Nghĩa vụ quân sự = Đi quân dịch (cũng có thể dùng Nghĩa vụ quân sự)
Nghiêm túc = Nghiêm chỉnh
Nghiệp dư = Đi làm thêm (2nd job / nghề phụ, nghề tay trái)
Ngoại hình = Bề ngoài, Dáng người, Hình dung
Nhà giàn = Giàn khoan (dầu khí)
Nhà khách = Khách sạn
Nhân thân = Thân nhân
Nhất quán = Luôn luôn, trước sau như một
Nhất trí = Đồng lòng, đồng ý
Nỗi niềm (tĩnh từ!) = Vẻ suy tư
Nội thất = Trong nhà
Nội y = Quần áo lót (mặc bên trong)

P

Phản ánh = Phản ảnh
Phản biện = Phản đối
Phản cảm = Gây khó chịu
Phần cứng = Cương liệu (hardware)
Phản hồi = Trả lời, hồi âm
Phần mềm = Nhu liệu (software)
Phát sóng = Phát thanh
Phi khẩu = Phi trường, phi cảng
Phí = Giá (không đứng riêng: Lệ phí, Phí tổn, Chi phí)
Phiên bản = Bản (Phiên bản tiếng Việt = Bản tiếng Việt)
Phó Tiến Sĩ = Cao Học
Phục hồi nhân phẩm = Hoàn lương
Phương án = Kế hoạch
Phượt = Đi chơi, Đi Du lịch

Q

Quá đát = Quá cũ, Quá hạn, Phế thải
Quá tải = Quá sức, quá mức
Quan chức = Nhân viên (có thẩm quyền / quyền hạn)
Quân hàm = Cấp bực
Quản lý = Quản trị, kiểm soát, điều hành, điều khiển, sở hữu
Quan tâm = Lo lắng
Quán triệt = Hiểu rõ
Quảng bá = Quảng cáo hay Truyền bá
Quảng trường = Công trường
Quy hoạch = Kế hoạch
Quy trình = Tiến trình

S

Sân bay = Phi trường (tàu sân bay = hàng không mẫu hạm)
Sơ tán = Tản cư
Sốc (“shocked)” = Kinh hoàng, kinh ngạc, ngạc nhiên
Sự cố = Trở ngại
Sư = Sư đoàn
Sức khỏe công dân = Y tế công cộng

T

Tài chủ nước lạ = Tàu cộng xâm lăng
Tạo dáng = Làm dáng, Làm điệu
Tập đòan / Doanh nghiệp = Công ty, Tổ hợp
Tàu vũ trụ = Phi thuyền
Tên lửa = Hỏa tiễn
Tham gia lưu thông (xe cộ) = Lưu hành
Tham quan = Thăm viếng
Thân thương = Thân mến
Thanh lý = Thanh toán, chứng minh
Thi công = Làm
Thị phần = Thị trường
Thiết bị = Trang bị
Thư giãn = Tỉnh táo, giải trí, nghỉ ngơi (bớt căng thẳng)
Thu nhập = Lợi tức
Thuyết phục (tính) = Có lý (makes sense), hợp lý, tin được
Tiến công = Tấn công
Tiến độ = Tiến trình
Tiến sĩ hữu nghị = Tiến sĩ giấy – tiến sĩ dởm
Tiên tiến = Xuất sắc
Tiếp cận = Gần gũi, Giao tiếp
Tiếp thu = Tiếp nhận, thâu nhận, lãnh hội
Tiêu dùng = Tiêu thụ
Tố chất = Tư chất (cuả một người)
Tổ lái = Phi hành đòan
Tờ rơi = Truyền đơn
Tranh thủ = Cố gắng
Trí tuệ = Kiến thức
Triển khai = Khai triển (điều quân – dùng trong quân đội)
Truy cập = Vào xem (vào xem trang báo điện tử)
Tư duy = Suy nghĩ
Tư liệu = Tài liệu
Tư vấn = Cố vấn (conseiller)
Từ = Tiếng, chữ
Tuyến đường = Con đường
Tuyển = Đội tuyển (khi nói về một đội thể thao)

U

Ùn tắc = Tắt nghẽn

V

Vận động viên = Lực sĩ
Vận hành = Điều hành
Vấn nạn = Vấn đề
Viện Ung Bướu = Viện Ung Thư
Vô tư = Tự nhiên
Vống (nói) = Nói quanh co, lòng vòng

X

Xác tín = Chính xác
Xe con = Xe du lịch
Xe khách = Xe đò
Xe tải = Xe vận tải, chở hàng
Xử lý = Giải quyết, thi hành
Xuất khẩu / Nhập khẩu: Xuất cảng / Nhập cảng



Mời Quý Vị Tham Gia Và Bổ Túc Cho Đầy Đủ Hơn Để Chúng Ta Cùng Tham Khảo.


Chú thích: Dựa theo ý kiến và bản biên soạn đầu tiên của Trần Văn Giang

Tham Khảo:
Đào Văn Bình: Tự Điển Tiếng Việt Đổi Đời (Từ vần A-X)
Last Visitors


27 Jan 2023 - 3:45


3 Feb 2014 - 8:52


5 Mar 2012 - 12:04


3 Feb 2012 - 12:53


23 Jan 2012 - 6:45

Comments
Other users have left no comments for PhuDung.

Friends
There are no friends to display.
Lo-Fi Version Time is now: 13th November 2024 - 07:30 PM