Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Thư Canada 5 - GS. Nguyễn Đăng Dự
M&N
post Jan 18 2011, 03:49 PM
Post #1


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Trang Chủ
Posts: 11,665
Joined: 7-April 08
Member No.: 6
Country






Thư Canada 5


Thư Canada 5
Nguyễn Đăng Dự
Tháng 1 năm 2011, Québec ( Canada )



Tôi vừa đọc xong bài “Những ngày trở lạnh” của Pm Nguyễn Thị Đức trong trang web Liên Trường Pleiku. Tiếng hát quen thuộc từ mấy năm nay trong những bài hát tôi vẫn thích nghe đang vang lên ngọt ngào dịu dàng trong căn phòng nhỏ, mùi cà phê thơm ngát , hơi ấm toả nhẹ từ chiếc lò sưởi.
Tia nắng buổi sáng mấp mé bên thềm. Mầu nắng vàng tươi óng ánh trên lớp tuyết mỏng mới rơi đêm qua. Nắng vàng bao giờ cũng đẹp ! Tôi chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Phan thi Ngôn Ngữ ” Nắng đâu đậu mãi chân thềm, để ta nhớ bậu cho mềm ruột gan…” Hình như con người ai cũng có những nỗi nhớ nhung luôn thấp thoáng đâu đó ! Lời văn chải chuốt diễn tả đúng cái lạnh buốt của thành phố Pleiku gợi cho tôi trở về với những ngày của mùa đông năm 69.
Mùa đông Pleiku hồi đó lạnh lắm. Những căn nhà nhỏ ở trung tâm thành phố, những dẫy nhà tôn dài thấp lè tè của những trại gia-binh, những rặng thông rải rác khắp nơi vẫn không ngăn được những cơn gió rừng thổi về.
Gió len qua kẽ hở của bức tường căn gác trọ của tôi trên đường Cô Giang làm bằng những miếng gỗ dài cắt ra từ thân những cây thông ken lại với nhau làm cả căn phòng chỗ nào cũng lạnh. Buổi tối tôi thường ngồi co chân trên chiếc ghế, cái đèn dầu hoa kỳ để thật sát trên bàn vừa để chiếu sáng xấp bài đang chấm vừa để mang lại cho tôi chút hơi ấm. Có những đêm trời thật lạnh, lâu lâu tôi lại phài đưa 2 bàn tay chụm quanh chiếc bóng cho đỡ cóng rồi mới chấm tiếp. Giây phút ấm áp nhất trong ngày là lúc ngủ đắp trên mình chiếc chăn mỏng nhẹ nhà binh của quân đội Mỹ.bán đầy ở Chợ trời.
Trường học thời đó được xây cất thích hợp cho những ngày nóng. Cửa sổ quay làm bằng những miếng kính mỏng gắn trên những khung gỗ tạp chiếm gần hết một nửa diện tích của bức tường dọc theo hành lang và bức tường đối diện. Khi tôi về trường khoảng một phần ba những tấm kính của những lớp học đã bể mà không được thay thế, Mùa đông tôi bước vào lớp học với chiếc áo len dầy xụ. Gió lạnh thổi lướt qua những khung cửa trống đôi khi làm tôi run lên vì lạnh. Những em học sinh của tôi nép sát vào nhau, có những em phong phanh trong chiếc áo sơ mi trắng môi tái mét. Nữ sinh hồi đó thường khoác chiếc áo lạnh xậm mầu ngoài chiếc áo dài, nam sinh thuờng ít khi mặc áo lạnh ngoài bộ đồng phục quần xanh áo trắng.
Bốn mươi năm qua rồi, đất nước tôi vẫn chưa thay đổi để những em học sinh những vùng có mùa đông vẫn phải học trong những ngôi trường mà cách xây cất chỉ thích hợp với mùa nóng. Bốn mươi năm rồi, đất nước tôi vẫn còn những em học sinh phong phanh áo mỏng tới trường.
Trời cũng đã vào đông ở đây. Ngoài trời nhiệt độ đang là 12 độ dưới độ đông đá. Nếu bây giờ tôi mở cửa hắt cà phê nóng trong chiếc tách đang cầm trên tay xuống đất thì chỉ vài giây sau cà phê sẽ đông thành đá. Có nhiều em sau khi đọc những bài viết của tôi đã nghĩ rằng người dân ở đây thật can đảm để chịu đựng được những mùa đông lạnh đến như vậy. Tôi đã trải qua những mùa đông ở Pleiku và những mùa đông ở đây nên có nhận xét là người dân ở đây đã khắc phục được mùa đông để không còn phải chịu đưng mùa đông nữa.
Mùa đông hầu như kéo dài gần 6 tháng từ đầu tháng 11 cho đền cuối tháng tư. Tuy nhiên trong nhà, trong lớp học,nơi làm việc, chợ búa lúc nào cũng là nhiệt độ ấm áp của mùa xuân. Nhà cửa được xây kín cách nhiệt. Hồi xưa khi chưa có điện nhà nào cũng có lò sưởi dùng than, dùng củi để sưởi ấm, tiến bộ hơn người ta đã dùng hơi đốt và bây giờ mỗi phòng là một máy sưởi chạy điện điều chỉnh tự đông theo sở thích nóng lạnh từng người.Chiếc lò sưởi dùng củi nằm giữa phòng khách nay chỉ còn có tính cách trang hoàng và là nơi để mọi người quay quần bên nhau bên ánh lửa bập bùng.
Chính nhờ tạo lập được ngôi nhà lúc nào cũng ấm áp nên mùa đông lạnh lẽo thật ra chỉ là những giây phút ngắn bước từ nhà ra xe. Làm một con tính đơn giản mỗi ngày tối đa khoảng đôi giờ phải đối diện trực tiếp với mùa đông thì thực sự mùa đông ở đây chỉ còn dài không tới 1 tháng. Theo tôi nghĩ , với cái lạnh ở Pleiku ngay cả ban đêm cũng không bao giờ xuống tới độ đông đá thì việc tạo một ngôi nhà tương đối ấm áp cũng không khó và tốn kém lắm. Bên Nhật, trong những ngôi nhà tranh người ta cũng thường đặt một lò sưởi nhỏ giữa nhà và đã giúp xua tan được một phần nào cái băng giá của những đêm giá lạnh.
Những tiến bộ về những chất liệu vải vóc dùng trong quần áo mùa đông ở đây cũng làm cho người ta không cảm thấy lạnh khi phài ra ngoài. Có thể nói những bộ quần áo ấm rất nhẹ dùng cho những người leo núi Hy Mã Lạp Sơn, thám hiểm vùng Bắc cực hay những người chơi những thể thao mùa đông mà mọi người thấy trên tivi đa số đều được sản xuất tại Canada.
Quen với cách ăn mặc của dân bản xứ tôi thấy dù có đi ra ngoài thì mùa đông nơi tôi đang ở hình như cũng không khó chịu bằng những mùa đông xưa tôi ở Pleiku.Tôi vẫn giữ thói quen đi dạo 5 cây số 2 lần một ngày ngay cả những ngày lạnh của mùa đông mà đôi khi nhiệt độ xuống thấp đến 20 độ dưới độ đông đá !
Còn 3 tuần nữa là đến Tết. Nghệ Trí, một em cựu học sinh Phạm Hồng Thái nay đang cư ngụ tại một tỉnh miền Nam, muốn được biết người Việt Nam xa xứ ăn Tết như thế nào. Hai tuần nữa tôi sẽ bay qua Los Angeles để ăn Tết. Cộng đồng người Việt tị nạn bên đó đông đúc nhất và cũng được tiếng là ăn Tết giữ đúng phong tục cổ truyền và xôm tụ nhất trong tất cả các cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Hẹn thư tới tôi sẽ kể lại cho em nghe những điều tai nghe mắt thấy.
Tivi mới loan tin nhà độc tài Ben Ali đã cai trị Tunisie bằng bàn tay sắt suốt 23 năm trời vừa trốn khỏi xứ dưới áp lực của hàng trăm ngàn người dân bất mãn với chế độ cùng xuống đường biểu tình trên đường phố mấy ngày vừa qua. Trông người lại nghĩ đến ta. Trong lòng tôi đang nhen nhúm lên một niềm hy vọng !

Nguyễn Đăng Dự
Tháng 1 năm 2011, Québec ( Canada )


--------------------
Mmm
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 28th April 2024 - 02:49 AM