"Bốn nữ tặc" của văn chương một thời đã qua, Thế Uyên |
"Bốn nữ tặc" của văn chương một thời đã qua, Thế Uyên |
Aug 14 2017, 02:14 PM
Post
#1
|
|
Bảo vệ tổ quốc Group: Năng Động Posts: 2,169 Joined: 17-December 08 Member No.: 1,269 Country |
"Bốn nữ tặc" của văn chương một thời đã qua Túy Hồng Trong những tác phẩm đầu tiên, Túy Hồng vẫn còn ở trong quan điểm cổ điển là người nữ thụ động, hay nạn nhân trong tình dục. Bà tả một người nữ bị chàng hôn môi hôn miệng mà đã tàn bạo, bức bách: "Thuyền chồng chành muốn lật úp, tôi nhắm mắt đưa tay quằn quại đón Vĩnh đang cầm nạng gỗ lần từng bước qua thăm bên tôi. Chàng bóp nghiền đôi vai, kê mặt vào gáy, chàng ngậm vành tai tôi, búng cái mũi rồi bốn cái môi run rẩy mười chiếc hôn, hôn lên tiếng hát ngọt, lên hai huyệt mũi phập phồng hơi thở nóng. Các mạch máu bây giờ là vô sốâ con kiến bò ngổn ngang trong cơ thể mùa hạ oi bức, cơ thể tôi mòn khô chịu nắng suốt lộ trình con gái..."(Vết thương dậy thì) Đó chỉ mới là cái hôn môi hôn miệng, nhưng cái mới của Túy Hồng là mô tả được phản ứng cơ thể, cảm xúc phụ nữ khi bị hôn như vậy. Trước bà, thiếu gì nam nhân đã tả cái hôn, nhưng chỉ sơ lược, một phía thôi, còn người nữ cảm thấy thế nào, bây giờ mới có Túy Hồâng tả kỹ. Vẫn trong chuyện hôn hít, đôi khi Túy Hồng sử dụng đối thoại, nghe lén để thay cho sự trực tả, và lần này đỡ tàn bạo, bức bách hơn: "...Nghe trong phòng có tiếng cười khúc khích, rồi tiếng đàn bà: - Làm sao tôi tin được mình, lính tráng lôi thôi lắm, đi đến đâu vợ con đến đó, reo rắc hạt giống tùm lum ra, ngoại tình tưới ra... Giọng đàn ông đĩnh đạc: - Vợ bé vợ nhỏ làm gì. Lính chết thì vợ lính khổ, chứ mèo của lính thì vẫn hây hây cái đũng quần hồng. - Anh dám thề với em là không có vợ bé không? - Sao lại không? Tiếng khúc khích lại nổi lên cùng với tiếng lăn trở thân thể, giọng đàn ông cười cợt: - Tại sao không cho người ta hôn? Đưa đây một miếng coi. - Ý ý đừng đừng... Em vừa ăn cơm với canh mơ lông xong. - Mơ lông cũng được, đây không có ngán mùi mơ lông rồi đa! Người đàn bà sau một hồi nín thinh: - Không được, không được, đây vừa ăn rau diếp cá xong. - Đây cũng không ngán mùi diếp cá". (Biển điên) Trên đây mới là màn giáo đầu với truyện hôn môi hôn miệng, sau đây là cảnh một người con gái mất trinh với người quen biết, chứ không phải cảnh công nương tiểu thư bị cường đạo cưỡng hiếp: "Anh ôm ghì tôi, cắn má, bóp tay, thoa nắn hai chiếc đùi và vuốt bụng... Tôi cảm thấy một cơn sốt dễ chịu nhưng tôi vẫn rút gọn người, vùng đạp. Trời. Anh muốn xé tôi ra, dìm tôi xuống, ngồi lên tôi. Tôi co cùi chỏ đâm vào sườn anh, cắn vai anh, vật lộn với anh. Tôi có cảm tưởng như mình là cục bột rất dẻo, rất to và anh đang vọc tay, những ngón tay muốn lún vào... Lăn lóc. Vất vả. Anh chồm tới cắn cổ tôi, nghiến răng bẹo tôi, hai gọng tay kèm cứng thân tôi. Anh hành hạ tôi nhiều sao tôi không thấy đau?". Truyện như trên mà xảy ra ở Hoa Kỳ hiện nay, chàng sau đó có thể bị nàng truy tố ra tòa về tội "date rape" và đi tù ba đến bảy năm như không. May là ở Việt Nam không có quan niệm "date rape", và giả thử nàng có bị hiếp thật, cũng không mấy khi đi kiện. Coi như gặp tai nạn, thường giữ kín để còn có đường đi lấy chồng... Nhưng sau đó nàng rất có thể cảm thấy như cô Trầm trong truyện dài Những sợi sắc không: "Bàn tay anh đã đi hết miền thân thể em, leo lên hai trái ổi cồn cào, tụt xuống da bụng mịn như lá nhãn non... Yêu anh, em đã trườn mình trên cuộc đời cắm chông và dao kéo, em đã lăn lộn vất vả giữa đường trường vãi đầy muối độc và hóa chất đau buốât vừa nát tan cùng thâm cung và buồng trứng con gái. Danh tiết đã mốc meo hoen ố có bao giờ tẩy sạch. Tương lai tím bầm như da trời da biển và da em. Tên đao phủ của tình yêu, anh đã bóp chết đời con gái của em... anh đã truất phế em khỏi địa vị được làm con gái, em trở thành đàn bà, tiếc như không còn gì tiếc hơn...!"(Những sợi sắc không) Thật là dữ dội, đúng như lời truyền tụng của nam nhân thời đó, gái Huế tán lâu và mất công vì họ thủ trinh tiết rất kỹ, và lỡ phá trinh cô nào, phản ứng sẽ dữ dội như miêu tả trên, cho đến khi người đàn ông phải đền bù bằng nhiều cách, hiệu nghiệm nhất là hỏi cưới, chứ nàng không im lìm trong tiếng khóc cho đến khi chàng "Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây" và"Trăm con chim mộng về bay đầu giường" (Huy Cận)... Thời gian qua, Túy Hồng chuyển từ những nhân vật nữ thẹn thùng ngập ngừng ở ngưỡng cửa tình yêu và tình dục, thụ động và nạn nhân nam giới, sang những nhân vật nữ khác hẳn, đối nghịch, sành sõi và đam mê có kiểm soát trong dục tình. Thí dụ như cô Trầm, một giáo sư đã ly dị chồng, sống độc lập, phóng khoáng, buông thả có kiểm soát, hút thuốc lá Salem, uống rượu mạnh thoải mái với các bạn trai, ở cố đô Huế, trong truyện dài Những sợi sắc không đã từng được giải Văn Học Nghệ thuật toàn quốc miền Nam 1969-1970. Hãy coi độc thoại sau của Trầm: "Đừng khóc húp mắt, đừng mất ngủ hóp má... Tập tự tin, tập kiêu hãnh và cóc cần. Ta không có quyền bỏ ăn bỏ ngủ. Tình yêu đâu hữu ích bằng hạt cơm. Tình yêu đâu có cần bằng đánh một giấc ngáy khò khò. Phải luyện làm sao để một ngày nào đó ta không còn biết tình yêu là gì nữa, khi ấy ta sẽ không bao giờ làm khổ ta nữa!"... "Sau mấy năm ngủ yên, con gấu cái trở lại trường đời... Những bước chân phóng đãng lại tiêu hoang cuộc đời mô phạm... tôi yêu cũng dễ như tôi ăn, tôi yêu đến nỗi không còn biết tình yêu là gì nữa. Những chiếc hôn lẻ tẻ được xâu thành chuỗi, một hôn, hai hôn, ba hôn, bốn hôn vào má vào môi vào tóc; khi tôi ngủ với X không có nghĩa là tôi đã quên Y, khi tôi không ngủ với X không có nghĩa là tôi nhớ Y... Tình yêu dễ dàng như một trận đá gà... Mũi tên xuyên qua tâm, đó là vết thương tình ái người đàn ông này gây ra thì đã có người đàn ông khác chữa lành, đó là mối hận mang từ người đàn ông nọ, ta lại đá người đàn ông kia để trả thù đời."... "Trầm nghĩ tới các bàn tay trườn đi trên thân thể nàng: Sinh, Truyền, Lực, Siêu và vân vân.. Họ và nàng yêu nhau? Ái tình đó sao? Ái tình khởi đầu bằng hai cái miệng liếm nhau rồi ma dẫn lối quỷ đưa đường bàn tay đàn ông hành quân trên bốn vùng chiến thuật của thân thể đàn bà... Tình sử không biết có phải là một sự lập lại? Những động tác làm tình đúng ***c là một sự lập lại." Nhưng cái cô Trầm dút dát e thẹn, thụ động và nạn nhân trong cuộc làm tình, bây giờ đã là một phụ nữ trưởng thành về tình dục, đến độ nhiều khi có thể tự động hứng tình: "Tại sao có nhiều buổi sáng mình lại cảm thấy bên trên thân thể thì khô mà bên dưới lại ướt như thế này nhỉ?" Và khi nhập cuộc làm tình, nàng đã biết hưởng thụ tối đa, kể cả khi chàng khẩu dâm cho mình:"Sinh liếm môi cười rồi chợt đâm bổ tới nằm nhào ra giường, gối đầu lên đùi Trầm. Sinh ngửa mặt trông chiếc quạt điện một hồi ngắn rồi cầm vạt áo dài đắp để rúc đầu vào vùng tối ám giữa hai cột thịt đùi người đàn bà. Chàng chợt so sánh cơn cuồng nộ nhục dục với những viên thuốc trụ sinh. Một bên mặt chàng và một cái tai chà xát mạnh vào miền dưới bụng người đàn bà. Vùng khoái cảm vỡ vụn ra thành từng hạt li ti hòa tan trong huyết quản hai người và cả một khu vực sung sướng không thể tích vỗ nhẹ lên bờ thân thể vỡ muôn vàn mạch máu nhỏ run rẩy..." Truyện khẩu dâm, oral sex, vốn đã có từ ngàn xưa, nhưng các cụ chỉ làm cho nhau mà không ghi lại trong văn chương. Chỉ nói đại khái như một vị quân tử Tàu trong một cuốn sách của Lâm Ngữ Đường: "Trong chốn phòng khuê, không có gì là nhã, không có gì là tục..." Và "luật pháp của nhà vua ngừng lại ngưỡng cửa phòng ngủ của hai vợ chồng", nghĩa là đôi nam nữ muốn làm tình kiểu chi, mặc kệ, miễn là vui thú cho nhau thì thôi. Không khắt khe như nhiều tiểu bang Mỹ còn cấm khẩu dâm cho nhau, cấm kê gian... Ca dao Việt Nam cũng không nhắc nhở gì đến chuyện này và trong thời tiền chiến (trước 1945), dù có sự rộng rãi trong vấn đề kiểm duyệt của người Pháp, chỉ có mỗi một nhà văn là Vũ Trọng Phụng miêu tả khẩu dâm trong cuốn truyện dài Làm đĩ. Nhưng ở trường hợp đặc biệt: Trong đêm tân hôn và kế tiếp, chú rể chỉ thưởng thức cô dâu bằng tay thôi vì bị bệnh lậu đang điều trị. Nhưng rồi bức xúc quá, một đêm chú rể đưa lưỡi thám hiểm chỗ mà Vũ Trọng Phụng gọi là "sào huyệt của ái tình". Nhưng chỉ một lần ấy thôi cũng đủ cuốn sách ấy của Vũ Trọng Phụng bị tru diệt trong một thời gian dài ở cả hai miền Nam Bắc Việt Nam. Văn chương Túy Hồng nói chung là một hiện tượng không ai nghiên cứu văn học có thể bỏ qua trong hậu bán thế kỷ 20. Bà viết bạo dạn, thẳng thắn về tình dục nơi phụ nữ, từ những xúc cảm nhẹ nhàng của văn học lãng mạn, đến những cảm xúc mạnh mẽ dữ dội về sinh lý, nơi thân thể người đàn bà. Bút pháp của bà độc đáo, sử dụng khéo léo phép tỉ dụ, dùng toàn những thứ mặn như muối, cay như ớt, đắng như bồ hòn, hôi như bọ xít... để cụ thể hóa những xúc cảm người nữ. Một từ ngữ của bà hay được nam nhân nhắc tới là "hơi thở rướn cong"... Bà sử dụng ngôn ngữ Việt khéo léo như có ma thuật, một sự khéo léo mà nhiều năm về sau ở hải ngoại mới có nhà văn Trần Vũ ở Pháp là có thể so sánh được. Nhưng sự quyến rũ chính của văn chương Túy Hồng là ở điểm bà mở một cánh cửa khuê phòng cho độc giả (bà có lần nói đùa về phụ nữ viết văn: Khôn ngoan mang việc khuê phòng kể ra...). Độc giả, nhất là độc giả nam giới, được một dịp nhìn ngó khá nhiều đời sống thầm kín của phụ nữ, nhưng Túy Hồng biết tự chế ngòi bút của mình, để mọi sự vẫn là ở địa hạt văn chương, không tiến sang địa hạt dâm ô như một số nhà phê bình khó tính khó nết, thanh giáo Công giáo và thanh giáo xã hội chủ nghĩa... đã kết án bà trước đây, trong nội địa cũng như hải ngoại. Một số nhà văn nam giới khi mô tả tình dục của các nhân vật nữ, thường hay mắc lỗi là tưởng tượng, là cường điệu quá các xúc cảm của đàn bà, làm thiếu gì các nữ độc giả khi đọc tới thường chê là "các ông chả biết cái chi về phụ nữ". Ngược lại, nhà văn nữ cũng dễ mắc những lỗi lầm tương tự khi tả những gì liên quan tới thế giới đàn ông, thí dụ Túy Hồng, trong Những sợi sắc không, khi chê bai đàn ông thường gọi họ là thứ chuyên môn cởi hay tụt quần gái điếm... Sự thực gái điếm thường tự mình thoát y lấy nhanh ***ng: khi khách cởi xong quần áo của mình, cô gái điếm đã nằm ngửa tênh hênh đợi sẵn. Có thể là họ muốn tranh thủ thời gian để còn tiếp khách khác, có thể quần áo, nhất là nịt vú quần lót, là dụng cụ hành nghề của họ. Họ sợ bàn tay vội vã hối hả của khách làm hư hại "đồ nghề" của mình... Như một ông phó mộc hay thợ nề rất kỵ trẻ con táy máy nghịch ngợm cái bay cái búa cái cưa cái bào... của mình. Nguyễn Thị Thụy Vũ Trái với Túy Hồng gốc cố đô Huế cổ kính, quan liêu và quý tộc, Nguyễn Thị Thụy Vũ xuất thân từ miền đất mới, là dòng sông Cửu Long. Bà mang sắc thái của thứ "văn minh miệt vườn" (chữ của nhà văn Sơn Nam), biểu lộ đầu tiên và rõ nét là văn phong của bà ngay thẳng, đôi khi thiếu chau chuốt, một truyền thống Nam kỳ từ thời cụ Nguyễn Đình Chiểu, thẳng băng, ít ẩn dụ, chữ khó và còn đượm màu sắc tươi rói của cuộc đời đang diễn ra. Lui ra một khoảng cách không gian và thời gian, để thấy tại Nam kỳ lục tỉnh có hai thứ văn hóa, đạo lý song hành với nhau. Một là của tầng lớp trên, ảnh hưởng hơi nặng Khổng Mạnh, một thứ nho giáo nguyên thủy, nguyên chất hơn các miền khác. Lý do chính là khi tiến vào vùng đất mới, các quan lại và thầy đồ Việt đụng độ dân Cao Miên và dân Chàm thuộc một nền văn minh khác hẳn, chịu ảnh hưởng Ấn Độ, chứ không phải Trung Hoa nữa. Ngay cả Phật giáo miền này cũng là Tiểu thừa, chứ không Đại thừa quen thuộc cả ngàn năm. Và khi đụng độ một nền văn minh khác, cao chẳng kém gì mình, phản ứng người Việt là đề cao hẳn lên thứ nho học truyền thống của mình, áp dụng nguyên văn và khắt khe hẳn lên, như là phản ứng tự vệ về văn hóa nhằm bảo vệ bản sắc, căn cước của mình. Đó là tầng lớp trên, thiểu số tất nhiên, nhưng không quá thiểu số vì thêm sự hiện diện của đồng minh, là cộng đồng Hoa đã đông thì chớ lại còn trải rộng trên địa bàn Nam Kỳ lục tỉnh, mà cộng đồng Hoa thì dù ở đâu trên trái đất, cũng bảo tồn được thứ văn hóa đạo đức của mình. Cộng các yếu tố vừa trình bày, tầng lớp trên của Nam kỳ thường "nhân lễ nghĩa trí tín", các nhà văn thơ hay "văn dĩ tải đạo", đời sống và sinh hoạt văn hóa nhiều nơi còn cổ kính hơn cả miền Bắc... Năm 1958-1960, khi nhận chức thầy đồ trẻ nơi trường trung học Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho) và trung học công lập Kiến Hòa (Bến Tre), người viết đã ngạc nhiên thấy học sinh nam nữ còn mặc bà ba trắng đi học và cư xử với thầy cô, người lớn, một cách lễ nghĩa khỏi chê. Đến những giờ ***t trước khi nghỉ tết Nguyên Đán, theo truyền thống cho học sinh được liên hoan, lập tức lớp chia làm hai phe nam nữ, hò với nhau vui vẻ như ông bà nội ngoại trên sông rạch, coi như không biết tới văn minh Tây phương là cái gì. Nếu tầng lớp trên của Nam kỳ lục tỉnh sống đạo đức gò bó như vậy, tầng lớp dưới, tầng lớp nông dân ít chữ, thậm chí có nơi còn mù chữ, lại có nếp sống đích thực là dân khai hoang. Nghĩa là người nữ bình đẳng hơn với người nam, vợ chồng có bất đồng thì uýnh lộn nhau, chứ không có mục người vợ chịu ép một bề cho chồng đánh đập như miền đất cũ. Và dĩ nhiên truyện yêu đương và tính dục, cũng trực tiếp, nhanh ***ng và thoải mái nhất nước. Trai gái đi đến đụng chạm thân xác dễ dàng, và cư xử với nhau bình đẳng, ít có mục con gái bắt đền con trai. Nếu gặp chàng họ Sở, chơi rồi chạy, người con gái có bầu vẫn có thể bình tĩnh sinh con và nuôi con, không có cảnh bị làng xã bắt vạ như miền đất cũ. Đất nước đầy kênh rạch chằng chịt, người nữ ***t lỡ bước có thể chống xuồng đi miền khác dễ dàng, làm lại cuộc đời. Sau khi phác thảo sơ khởi bối cảnh văn hóa xã hội miền Nam là như thế, khi đi vào văn chương Nguyễn Thị Thụy Vũ, sinh tại Vĩnh Long năm 1937, mới hiểu khi bắt đầu viết, tác giả này hay than thở về sự gò bó đến như ngạt thở của cái xã hội bà phải sống từ khi lớn lên, đầy những thành kiến hẹp hòi, cổ lỗ. Một nhân vật của bà than thở: "Tao nói với mày là phải đi khỏi tỉnh Vĩnh Long. Tao không chì đá như mày tưởng, tao chịu đựng không bền trước sự soi bói của bạn bè, người quen. Tao làm lơ, nhưng tao không đĩ thõa như thiên hạ tưởng... Đàn bà phạm tội vì trót yêu một người rồi giết một mầm sống trong bụng, phải trả một giá quá đắt... dẫu cho nước sông Cổ chiên cũng chưa rửa hết nhục nhã. Phải nuốt nước mắt, phải bịt mặt mà đi chỗ khác, để mai kia mốt nọ còn có cơ hội đi lấy chồng. Ở đây chỉ tổ làm gương xấu cho gái nhà lành. Tao phải đi, dầu có vào nơi cùng cốc thâm sơn cũng cam lòng". Thụy Vũ và nhân vật trên của bà thuộc tầng lớp trên nên mới khổ sở nhiều về dư luận như vậy. Còn tầng lớp dưới, như đã nói, thường là nông dân gốc khai hoang, dư luận xã hội không gắt gao như vậy. Vợ người viết có lần mướn người làm là một cô gái quê Sa Đéc xinh xắn, được một thanh niên gốc Hoa thương yêu. Chàng thuê cho nàng một căn nhà nhỏ, ngay gần nhà chủ, để sáng đi làm, chiều tối về tổ ấm với chàng. Sống như một cặp vợ chồng, dù chẳng cưới xin gì cả vì chàng là con trưởng, do đó gia đình không chịu có dâu trưởng người Việt – dâu thứ nhì thì được. Rồi đương nhiên nàng có bầu. Khi cái bụng bắt đầu lớn, vợ người viết quyết định cho cô nàng nghỉ làm, về Sa Đéc ở với mẹ, không phải vì lý do đạo lý, mà vì tránh bạn bè dị nghị, nghi ngờ oan ông chồng của mình là tác giả cái bầu...! Hơn một năm sau cô gái Sa Đéc trở lại thăm, cho biết cô sinh con trai. Bố mẹ chàng người Hoa mừng vì có cháu đích tôn, thân chinh đi xuống Sa Đéc điều đình đón cháu về nuôi. Với gái Bắc không cưới xin mà chửa đẻ như thế, thường sẵn sàng cho bố mẹ của chàng nuôi đứa nhỏ để mình dễ đi lấy chồng khác, con gái Nam thì không. Cô người làm kể tiếp: Cháu chửi tưới hạt sen hai ông bà một trận, ai bảo không chịu cưới cháu trước đây. Còn đứa nhỏ do cháu đẻ ra, là con của cháu chớ, mắc mớ gì đến ai. Hai ông bà cứ lần khân hoài, cháu lên cơn giận cành hông, vô nhà lấy cái đòn sóc ra, quơ lên đuổi, cứ thế rượt chạy tới bến đò luôn!... Mấy năm sau vợ chồng người viết gặp lại cô đang ngồi bán bánh cuốn ở lề đường Nguyễn Kim, cô cho biết đã lấy chồng khác, và mọi sự vẫn zui zẻ... như thường. Dù phản ứng có khác nhau như thế, hai người nữ, một của nhân vật Thụy Vũ thuộc giai cấp tư sản có học, một của giai cấp nông dân ít học như cô gái người làm gốc Sa Đéc, sau cùng có cách ứng xử giống nhau: bỏ nơi cũ mà đi thôi. Nhà văn Uyên Thao khi viết về Thụy Vũ, đã luận bàn khá hay về sự trốn chạy:"...Trong thế giới tù hãm của cuộc sống tỉnh lẻ vừa vụn vặt, vừa khắc nghiệt ấy, Thụy Vũ đã cho thấy tất cả những người đang sống chỉ thực sự sống bằng cách chạy trốn. Trong khi những kẻ yếu đuối chạy trốn vào vùng trời tưởng tượng bi thảm của mình thì những kẻ tương đối mạnh dạn hơn chạy trốn vào sự giả dối, che đậy. Ngoài hai lớp người ấy là một lớp người chạy trốn thực sự, chạy trốn bằng cách ném mình vào những cuộc phiêu lưu mà mọi tính toán chỉ dừng lại ở một điểm duy nhất: miễn là tách xa được thế giới tù hãm này". (Các nhà văn nữ VN 1900-1970, Nhân Chủ SG 1973, Xuân Thu tb 1991) Đọc văn Túy Hồng, thấy thiếu gì chàng ra vô nườm nượp, nhưng thường là loại "người tình không chân dung"... Với Thụy Vũ, dân xứ nhiệt đới, dân miệt vườn gốc di dân khai hoang, mọi sự là khác: thân thể người nam người nữ đều được tả, đề cập tới một cách thẳng thắn. Sau đây là một "chân dung" một người tình nam: "Duy choàng tay qua đôi vai tôi, đôi môi chàng màu tro nặc mùi thuốc lá hờ hững đặt lên môi tôi... Tôi lách ra khỏi vòng tay ấy, ngoái lại nhìn chàng. Da mặt chàng trắng nhờn nhợt như da bụng con thằn lằn. Mắt chàng sần sùi và thở nặng như một tảng đá không còn làm da thịt tôi nháng lửa nữa. Đôi vai rộng và mông tròn của chàng ngày trước đã lôi cuốn sự chú ý của tôi..." (Chiều mênh mông) Thụy Vũ có viết một truyện ngắn kể lại một ni sư già, khi hấp hối, nhất định đòi những người đang bao quanh lấy cho một muỗng nước mắm, một muỗng nước mắm thôi. Đó là ước nguyện sau cùng trước khi viên tịch của ni sư: thèm húp một muỗng nước mắm, nước mắm mà thôi. Những người chung quanh từ chối không lấy, cho rằng cả đời ni sư đã ăn chay niệm Phật, nay sắp thành chánh quả lại dở chứng đòi ăn mặn... là mê sảng, là bị Ma Vương quyến rũ... Rút cục ni sư sắp lìa đời còn thều thào: nước mắm, cho muỗng nước mắm. Nhìn "chàng" mà thấy da mặt chàng giống như "da bụng con thằn lằn", nhìn bản thân khi tắm thấy bộ ngực lép xẹp, dư luận thì cổ lỗ soi mói khắt khe, còn về phía tăng lữ, ni sư cuối đời, lúc hấp hối còn thèm húp một muỗng nước mắm... Thụy Vũ và nhân vật của bà phải bỏ tỉnh lẻ Vĩnh Long mà lên Sài gòn, là phải thôi. Nhiều nhà văn khi đổi không gian sinh sống, môi sinh, khi viết cũng dễ đổi loại các nhân vật: Để mưu sinh nơi mới, Thụy Vũ đã có thời kỳ làm cô giáo kèm Anh văn cho các cô gái bán bar cho Mỹ. Cô giáo này vừa tò mò, vừa có trí nhớ tốt, ghi nhớ mọi chuyện để rồi sau này tạo dựng hai cuốn Lao vào lửa và Mèo đêm, hai tác phẩm đưa tác giả từø chỗ nổi tiếng bậc trung đến chỗ vang danh khắp nước, xếp vào hàng ngũ "bốn con nữ tặc"... Thụy Vũ dùng ngôn ngữ nói hàng ngày, trực tả mọi sự, không có "ke" là tục hay nhã, ghi nhận sự việc sự cố và ngôn ngữ trung thực như một ký giả đi làm phóng sự vậy. Đủ mọi chuyện: gái bán bar bị lính Mỹ hành hạ thể xác, lính Mỹ biểu tình chống "Sàigòn-tea" tại vài đường phố Sàigòn để phản đối chủ các bar chém quá nặng, gái bán bar lường gạt lính Mỹ, coi cọp người khác tắm, đi phá thai, bị bệnh hoa liễu (hồi đó loài người chưa phát kiến ra bệnh AID), gái mới nhập môn học các ngón nghề của bậc đàn chị, trong nghệ thuật bán bar, và đôi khi đi khách như một gái hạng khá đắt tiền. Nghề bán bar, xét thuần túy về sự vụ, đã có từ ngàn xưa ở châu Á cũng như châu Âu. Công việc hầu rượu, chuốc rượu cho đàn ông, trong mọi tiệc rượu, liên hoan lớn nhỏ, ở châu Âu như Pháp, Ý kêu là các nàng courtisane, ở Nhật được chuyên môn hóa cao độ thành các nàng geisha, ở Việt Nam các cụ gọi là đào rượu, phân biệt với các cô ca sĩ được gọi là đào hát. Dù là đào rượu, chứ không phải gái điếm, đôi khi khách say không về được, cũng cho khách nằm chung giường nhưng không có mục giao hợp. Chuyện đó phải có mục tán tỉnh, thỏa thuận trước đã. Bởi thế một trong những truyện tiếu lâm các ông nội ngoại chúng ta hay kháo nhau, là đêm hôm dùng lưỡi dao cạo cắt lén dây quần các cô đào... (Thời trước phụ nữ ngoài Bắc không mặc quần dây thun, mà quần có giải rút luồn trong cạp quần, khi cần phòng thủ thụ động, kéo một sợi dây cho nút cột tắc tị, rất khó cởi). Như vậy chuyện gái hầu rượu cũ như việc ăn rau muống uống nước dừa, nhưng tự nhiên ồn ào hẳn lên trong thập niên 60 đầu 70 vì sự hiện diện của nửa triệu quân Mỹ và đồng minh nhập nội miền Nam. Dĩ nhiên họ khỏe mạnh sung sức (không quân đội nước nào bắt các ông Liễu Hạ Huê, quý ông Bá Di Thúc Tề, các thứ đàn ông bất lực, nhập quân ngũ cả), nên trông cậy ở đàn bà địa phương giải trí và giải quyết nhu cầu sinh lý cho họ... (ông Heftner &ø Cty có lần xin cho nhập tổ chức Playboy club và các cô playmate xinh xắn sexy ăn mặc như thỏ, nhưng chính quyền Việt lúc đó, lãnh đạo bởi thành phần công giáo bảo thủ, không cho phép). Lính Mỹ đến nước nào cũng vậy không có mục hiếp đàn bà, và vốn là một dân tộc trọng thương mãi, họ điều đình mua, thuê những phụ nữ cần thiết cho nhu cầu giải trí, giải lao và giải quyết sinh lý của mình. Dĩ nhiên bằng tiền mặt, những đồng dollar xanh hay đỏ (dollar đỏ chỉ dùng để mua hàng trong các PX của quân đội Mỹ), thứ đồng tiền vạn năng, mơ ước của dân nghèo, nhất là phụ nữ, ở Nhật (sau đệ nhị thế chiến), ở Phi Luật Tân, Nam Việt Nam, Nam Hàn... và nhiều nước kém mở mang khác. Phụ nữ ở đâu cũng vậy, khi phải dùng của trời cho, vốn tự có để kinh doanh, cũng tiện tặn mặc cả ráo riết với đàn ông. Chỉ ngồi uống ruợu chung bàn thôi tán chuyện lăng nhăng, giá biểu khác, tính theo từng ly rượu chai bia chàng uống, từng ly nước trà giả rượu nàng uống (tục gọi "Saigon tea"). Cao hứng muốn sờ soạn lung tung, thì giá khác (khi quân đội Mỹ ra đi, ngày nay dân Việt từ bỏ các bar rượu, thay thế bằng các quán bia ôm, hiện nay thị trấn, thành phố nào cũng có, từ Hà Nội đến Cần Thơ...). Còn muốn giao hợp, dĩ nhiên ở một nơi ngoài quán, giá cả là thương lượng, cao thấp tùy ngoại hình xấu đẹp, nhiều hay ít kinh nghiệm, trẻ hay già, và kiểu giao hợp chọn lựa. Hoạt cảnh sau đây là điển hình trong các bar : "Một tên Mỹ cao lớn, râu ria cạo nhẵn thính, những vết cạo trên râu quai nón vẫn làm tối sầm khuôn mặt hắn. Hắn nhẹ cười mơn trớn hỏi: - Em tên gì? Tôi trả lời cộc lốc: - Tina. Hắn lôi tôi vào lòng rồi đặt lên bắp đùi hắn. Bàn tay hắn sờ soạn lên ngực và eo của tôi. Chị Nam thường nói với tôi là tụi đàn ông Âu Mỹ lông lá như con dã nhân, mỗi ngày cạo râu hai lần thì hành sự rừng rú chịu không nổi. Tôi sợ sệt nhìn cánh tay hắn. Hắn buông thõng tay tôi tiếp tục cười: - Ngủ với tôi đi. Tôi giơ tay làm hiệu: - Mười ngàn nghe. Hắn lắc đầu: - Mắc lắm cưng ơi! Nếu mười ngàn thì em phải trả tiền phòng và tiền ticket. Tôi lãnh đạm lấy bông phấn ra sửa soạn lại nhan sắc... (Mèo đêm) Thụy Vũ chuyển nguyên văn các đối đáp của gái bán bar ngoài đời vào truyện, thí dụ như đoạn tả ma cũ bắt nạt ma mới: "Thắm nheo mắt châm chọc nhìn cô ả Khương. Nhan sắc như vầy mà dám vác mặt tới White Snow, chỗ hội họp của những người đẹp. Đã vậy nó còn dụ khị được tên Mẽo đi quân dịch nữa chứ. Từ hôm Khương về đây cô ả chưa thèm trình diện nàng. Đã vậy khi gặp nàng là ả phớt lờ, không coi nàng ra một gờ ram nào. Vừa khi Khương định bước đi liền có tiếng gọi giật lại: - Ê, con kia! Ở ngõ ngách nào tới đây? Khương gượng cười: - Tôi từ trên Phú Nhuận dọn về. Thắm cười rũ và nhìn vào mặt ả: - Ở đó gần Gò Vấp, Hạnh Thông Tây mà. Biết Thắm ám chỉ mình là gái ăn sương hạng bét, chỉ chui rúc ở chỗ tối tăm nên Khương mím môi, nuốt nước miếng. Thắm đứng ưỡn ngực hách dịch hỏi: - Ê, ra nghề hồi nào? Khương đáp cụt ngủn: - Cũng gần mười năm rồi. Thắm cười châm chọc: - Ủa, té ra cũng chưa già tay ấn đó mà. Nè, cái con hỗn láo kia, mày biết bà cố này đây là ai không?... Trời ơi! Té ra em này chưa biết danh bà Thắm Ngựa chớ"... (Ngọn pháo bông) Ngôn ngữ sinh động, sống sượng như thế tiếp tục trong cuốn Lao vào lửa: "Một người bạn cầm tay tôi suýt xoa: - Cô Tina sắm chiếc nhẫn này bao nhiêu? ***** "bồ" của con Thúy mua tặng đó hả? Mới vào nghề mà sao có phước quá. Chắc là con gái của ông trời. Tụi gái già này là thứ con ghẻ của ổng. Đôi mắt hờn ghen quay sang lũ bạn. Một ả khác trầm trồ bằng giọng uốn éo: - Gái trinh mới có giá như vậy chớ. Còn tụi tui tan hoang như ống cống thì chỉ có cách kiếm tiền mua hột xoàn giả..." Như trên đã trình bày, gái hầu rượu có từ thời cả Jesus, Tất Đạt Đa, Mohamet, Khổng Mạnh... chưa ra đời, chỉ thay đổi tên gọi theo không gian, thời gian. Và thế giới của xóm dưới, xóm nhà lá, xóm chị em ta, xóm bình khang, khu đèn đỏ... thời nào nơi nào chẳng có. Nhưng ít thôi và thường ở vị trí khuất mặt bà con. Thập niên 60 và nửa thập niên 70 của thế kỷ 20, quân đội Hoa Kỳ đóng quân ở đâu, là lập tức các bar rượu xuất hiện ở đó, ngay ở các cổng ra vào có lính Mỹ. Và cái câu sáo ngữ "đồng tiền, khách hàng là vua, là Thượng Đế" vẫn cứ đúng, thêm một đặc điểm: vì có nhiều dollar tuôn ra, các chủ bar có phương tiện trang trí trang bị phòng ốc tối tân đẹp mắt, đủ màu xanh đỏ, giàn âm thanh tốt... dĩ nhiên với quầy rượu với các ghế cao cẳng bọc da giả, các kiều nữ ăn mặc nhiều màu nhưng hà tiện vải, đi đi lại lại như trong các saloon của Mỹ thời Tây tiến. Mới đi ra ngoài ngõ vô đã thấy bắt mắt, các nhà đạo đức thật và giả địa phương rên la khóc than cho văn hóa dân tộc, truyền thống văn hiến có từ thời công chúa Tiên Dung còn tắm khỏa thân ở bãi cát ven sông... Những cái gì xảy ra bên trong các bar, các ông bà già trầu đâu có biết rõ, bây giờ bỗng có một nhà văn nữ loại có tài văn, là Nguyễn Thị Thụy Vũ, ghi chép thành văn chương và mang ra trình bày trong sách báo công khai, làm sao dư luận không sửng sốt, xôn xao, bàn tán khen chê, đôi khi còn kết án tác giả làm bại hoại phong hóa đạo đức dân tộc... Quên luôn Thụy Vũ ngoài đời chỉ là một cô giáo tỉnh nhỏ xinh xắn và đoan trang, sử dụng ngòi bút của mình miêu tả thế giới của gái bán bar lừng lẫy một thời. Miêu tả một cách trung thực, dùng ngôn từ đôi khi sống sượng gây sốc cho một số người đọc, chỉ vì các gái bán bar ăn nói như thế. Không lẽ lại để cho cô Tina hay Thắm Ngựa ỏn ẻn với một ông G.I. râu và lông rậm rạp vừa hành quân trong rừng về, như thế này: Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha? (Kiều)... Trùng Dương Một vài nhà biên khảo về văn học miền Nam thời kỳ 1954-1975 thường nói tới ảnh hưởng của triết thuyết hiện sinh của Pháp đối với Việt Nam. Những nhận xét kiểu như vậy chỉ đúng cho một số nhỏ giáo chức và linh mục thường tốt nghiệp các đại học bên Pháp, Bỉ... Triết thuyết hiện sinh và các phụ tùng của nó thực ra chưa rời khỏi các sách vở biên khảo, dịch thuật và giảng đường các đại học. Cái mà ảnh hưởng tới, vào các nhà văn Việt thời kỳ đó, là các tác phẩm văn chương, nhiều hay ít chất hiện sinh, của các tác giả Pháp, hoặc được dịch hoặc được đọc nguyên tác Pháp ngữ (ảnh hưởng nói chung của Mỹ còn xa lắm, tít bên kia biển Thái Bình). Khi trường phái Tiểu Thuyết Mới ra đời ở Paris, cũng chỉ ảnh hưởng tới một vài nhà văn có nhiều năm học nơi trường trung học Pháp ở Đà lạt, Sàigòn, ban Triết của Đại học Công giáo Đà lạt, và các tác phẩm của các vị này ít được quần chúng thưởng ngoạn, vì các khoản hấp dẫn của tiểu thuyết thông thường lại không có. Nhà văn Pháp có nhiều ảnh hưởng tới lớp trẻ và một vài nhà văn Việt Nam, là một nhà văn nữ trẻ tuổi của Pháp (trẻ với hồi ấy, sau cũng lên lão như tài tử sexy Brigitte Bardot và nay vừa qua đời), đó là Francoise Sagan. Những tác phẩm của cô (gọi là cô vì hồi đó trẻ lắm, mới hơn hai mươi) được đọc nguyên tác hay chuyển ngữ: Bonjour tristesse (Buồn ơi, chào mi), Dans un mois dans un an (Trong một tháng trong một năm), Un peu de soleil dans l’eau (Một chút mặt trời trong nước)... Giới trẻ Việt Nam trình độ tú tài và đại học hâm mộ Sagan qua văn chương đã đành mà còn say sưa thưởng thức qua điện ảnh Pháp, trong đó những nhân vật nữ của Sagan được đóng bởi các tài tử trẻ xinh đẹp và dễ thương. Một số độc giả và khán giả khó tính có chê bai thái độ sống buông thả trong tình yêu, khiêu vũ và rượu, biển và tình dục của các nhân vật ấy, nhưng không thể ghét được: ghét làm sao được những thứ tuổi trẻ nõn nà, những thứ thường được gọi là thực phẩm tươi đẹp ngon lành của trần gian này. Chung cục của các tác phẩm của Francoise Sagan hay buồn, không phải là cái buồn não nề, đau lòng, mà là thứ buồn khi nhìn lá vàng rụng vào mùa thu, nỗi buồn khi ngồi trên đá tảng nghe sóng vô tận trên đá. Cứ như thế từ ngàn năm, trong khi đời mình và tuổi trẻ thật phù du: chưa chi những cái gọi chung là thực phẩm ngon lành của trần gian, cái quyến rũ của thân xác phàm tục, cái trái ương chưa cắn vào đã thấây ghê răng, các trái chín mọng làm mềm môi ngọt miệng... đã rời xa khỏi tầm tay với. Các tác phẩm làm Trùng Dương nổi tiếng một thời nằm trong giòng văn chương ảnh hưởng văn hóa Pháp, văn chương Francoise Sagan nói chung, với một chút triết lý hiện sinh. Francoise Sagan và các nhân vật của bà thường buồn chán, tiếng Pháp là l’ennui, tiếng Anh là boring, nhưng không triết lý xa gần. Còn các nhân vật nữ của Trùng Dương uống rượu ít hơn, và lúc nào cũng lý luận, tìm hiểu mọi sự ở đời. Dĩ nhiên ở vị trí một cô gái con nhà khá giả, không phải lao động mới có ăn và tiền học, miêu tả đại khái như trong tác phẩm Vừa đi vừa ngước nhìn của Trùng Dương:"Tôi còn được bố mẹ cho ăn nhờ ngày hai bữa cơm, cho ngủ nhờ và không ngớt chê bai tôi là vô dụng vì tôi chê bai cả chính tôi vì chính tôi chả là cái gì cả. Tôi thiếu một chỗ đứng, không có một chỗ đứng. Biết vậy nhưng vẫn phải sống. Biết vậy, nhưng không thể chết. Để cứ mãi chán ngán, buồn nản... Tôi không hiểu tại sao, bỗng dưng tôi lại tách rời ra khỏi lứa tuổi của tôi để bây giờ muốn trở lại nhưng không tìm thấy đường vào... cảm thấy mình trôi dạt vào một hòn đảo nhỏ xíu giữa biển sóng lớn nước mênh mông. Ở giữa đảo là một cái cây trụi lá..." Đọc những đoạn văn trên, thấy phảng phất đâu đây không những không khí Francoise Sagan mà còn của cả anh chàng Roquentin ngồi nhìn cái rễ cây trong công viên, thấy mình là thừa mứa đến buồn nôn lên được, trong một tác phẩm nổi danh một thời của Jean Paul Sartre. Nhưng là đàn bà, nhân vật của Trùng Dương không thèm để ý đến cái rễ cây hòn đá vô duyên, mà lao vào tình dục, một địa hạt đảm bảo là đỡ chán hơn, coi làm tình như một cách thế "để xác nhận mình đang sống, đang tồn tại". Một triết gia Pháp đã nói một câu để đời:"Tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu", bây giờ Trùng Dương sửa lại cho hấp dẫn hơn, đại khái:"Tôi làm tình, vậy tôi hiện hữu". Nhân vật "tôi" của Trùng Dương còn tiến hơn một nấc nữa, bằng cách tách rời tình yêu với tình dục, love đi một đằng sex đi một nẻo, điều mà ở đàn ông mới thường thường hay có (đi chơi gái điếm, là do nhu cầu về sex, không phải tình yêu), còn đàn bà, thường phải có tình yêu, cảm tình trước đã, rồi làm tình sau. Nhân vật nữ của Trùng Dương có thể làm tình đã, còn có yêu hay không tính sau, như đàn ông vậy: "Từ trước, tôi vẫn nghĩ rằng mình ghê tởm vấn đề sinh lý. Nhưng lầu đầu tiên tôi thấy mình thèm muốn thực sự. Tôi ngạc nhiên về sự thèm muốn ấy, nhất là tôi lại không thèm muốn anh, một người đàn ông, và là một người đàn ông tôi không yêu... Trong lúc cô độc, người ta thường khao khát, đôi khi cũng không ý thức là mình khao khát, thèm muốn nữa. Đêm thứ hai nằm với anh, tôi nhận là mình cảm thấy thèm muốn. Sao không chứ? Anh đã thỏa mãn tôi... Sự thực đối với tôi, sự việc ấy khá tự nhiên. Tôi ít gần đàn ông, nhưng tôi yêu con người nên tôi yêu những gì gọi là tự nhiên của con người, như những đòi hỏi của nó chẳng hạn... Nhưng anh ạ, tại sao chúng ta phải hổ thẹn khi đề cập tới việc ấy chớ? Tôi cho rằng phần lớn chúng ta đã bị thành kiến nhiễm độc rồi. Thật ra việc yêu đương đâu phải là một tội lỗi. Tôi cho rằng chỉ có những người biết yêu con người, như những nhà văn yêu thương và nâng niu những nhân vật của mình mới hiểu được ý nghĩa sâu xa của việc thụ hưởng này... Tôi đã trao thân cho anh và ý thức việc làm của mình. Tôi không hối hận, không xấu hổ về việc làm ấy..." (Mưa không ướt đất) Suy nghĩ như thế, vào thập niên 60 của thế kỷ 20 ở Việt Nam, đúng là một thứ cách mạng nhỏ rồi, nhưng phù hợp với giới trẻ thời nội chiến đang diễn ra dữ dội. Trai ra trận mạc, gái nằm nhà Đêm nghe tiếng đại bác (Nhã Ca). Một lần chia tay, ở cổng nhà hay quán cà phê, là một lần tự hỏi không biết còn có thể trông thấy nhau lần nữa, nên trai gái thế hệ thời chiến đã yêu, là yêu bằng cả tinh thần lẫn thể xác. Càng sớm càng tốt, chưa cưới hỏi cũng không sao. Người nữ không cần phải triết lý dài dòng như nhân vật của Trùng Dương, cũng trao thân dễ dàng cho người yêu. Bởi thế các đám cưới thời chiến, nhiều cô dâu thản nhiên và sung sướng mang bầu ba bốn tháng dự đám cưới của chính mình. Không cần biết số đào hoa của mình có ngộ sao Thai không nữa, cứ thản nhiên tiền dâm hậu thú mới ra vợ chồng (Ca dao). Nếu giới Công giáo bảo thủ (ở đâu thời nào chẳng bảo thủ, không ít thì nhiều) với quan niệm tội tổ tông, tội lỗi xác thịt, các ông đồ còn sót lại từ thời trước (hơi đông), các cán bộ Cộng sản theo thanh giáo XHCN... trước và sau 1975, thường kết tội Trùng Dương là thứ phó sản dư thừa của chủ nghĩa hiện sinh Tây phương, là phổ biến reo rắc tư tưởng đồi trụy, không còn làm chúng ta bây giờ ngạc nhiên. Nếu có điều để ngạc nhiên là những người kết án Trùng Dương, đã không chịu nói rõ là sự kết án của mình nhằm các tư tưởng, những tư duy, những thái độ tà đạo... của tác giả, hay là những hành động, miêu tả thuộc địa hạt tình dục thông thường. Bởi vì tương tự Francoise Sagan, văn Trùng Dương không có miêu tả nào hấp dẫn cả, hơn nữa làm đàn bà mà vừa làm tình vừa triết lý này nọ, khó hấp dẫn ai... Bởi thế các tác phẩm của Trùng Dương không được đông đảo quần chúng thưởng ngoạn, như Túy Hồng, Thụy Vũ... Đọc văn bà, hơi mệt! Nhà biên khảo Uyên Thao trước 1975 đã có lý khi kết luận về bà: "Nhưng cũng chính qua những tác phẩm đó, Trùng Dương còn cho thấy sự hiện diện trong làng văn một con chim rừng đang ghé trên bãi cát. Không có gì bảo đảm con chim đó đậu lại, dù cho tới nay, cũng chưa có dấu hiệu nào xác nhận con chim đó sẽ bay đi... Tuy nhiên có một điều chắc chắn là trong cả hai trường hợp trên, dấu chân chim vẫn đã có và sẽ còn được lưu ý". Nhà biên khảo Uyên Thao quả thực đã có khả năng tiên tri: sang thập niên 70, Trùng Dương thôi làm nhà văn, chuyển sang làm báo và cứ thế làm báo tiếp khi sang định cư ở vùng bờ biển phía tây Hoa Kỳ. Văn chương, đối với Trùng Dương, chỉ là một cái gì đó để xác định mình là mình, khi mình còn trẻ. Nói đến "bốn nữ tặc" của một thời đã qua, tính tới Trùng Dương mới là người thứ ba, vậy ai là người thứ tư? Người thì cho là Nhã Ca, tuy tác giả này viết khá hay và viết nhiều, nhưng bút pháp cổ điển, đôi khi phảng phất Tự lực Văn Đoàn, không phá phách, hùng hổ, không thể là nữ tặc, dù nữ tặc trong văn chương. Cũng có người cho là Lệ Hằng, nhưng nhà văn này xuất hiện chậm và lối viết ngay thẳng, cổ điển, có đụng chạm luân lý nhưng đụng nhẹ như một cô gái mới lớn, mới ra khỏi tuổi hồng tuổi ô mai... Vậy nếu không lầm, bậc nữ tặc thứ tư có lẽ chỉ là Nguyễn Thị Hoàng, cũng là con gái xứ Huế như Túy Hồng và cũng là một cô giáo. Nguyễn Thị Hoàng Cô giáo Trâm, nhân vật chính của Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng, đã theo học đại học nhiều năm ở Sàigòn trước khi lên Đà lạt dạy một trường trung học nam. Cô thuê một căn nhà quá lớn để chỉ ở một mình, trong một khung cảnh:"Trong những chiều hiu quạnh như chiều hôm nay, chỉ còn có mình Trâm đối diện với chính mình, với niềm cô độc, xót xa giữa tòa nhà hai tầng vắng lạnh. Như chiều hôm qua, chiều hôm kia, bao nhiêu buổi hoàng hôn yên lặng đi qua, Trâm lại thấy cần một cái gì phá tan thế giới im lìm này... Những ngày còn đi học, mỗi khi nhìn mặt biển nối tiếp chân trời, Trâm cũng đã khao khát phiêu du... khước từ những năm tháng đều đặn, nếp sống lầm lì, công thức sáo hủ của cuộc đời". Với một tâm trạng như thế, cô giáo Trâm không chịu chọn giải pháp đời thường là cho mấy cô sinh viên hoặc nữ sinh thuê lại phía dưới, vì như thế là rơi vào "công thức sáo hủ của cuộc đời". Cô quyết định cho một nam sinh tên Minh ở phần dưới nhà: "Vô tình, Trâm đã chỉ cho Minh kê giường trong phòng nó song song và ở ngay dưới giường mình. Vô tình Trâm nhận ra điều đó, sự song song của hai chiếc giường qua một không gian đồng lõa, như hai mặt phẳng số kiếp cùng ở trên một bình diện cuộc đời. Và trong đáy im lìm tiềm thức bỗng mơ hồ vang lên một âm thanh bỡ ngỡ. Một tiếng gọi. Một lời nhắc nhở: Trâm là đàn bà, và người mới tới dù sao cũng là đàn ông. Hai cực Bắc Nam của hai thanh nam châm tiến dần vào một môi trường nguy hiểm là tòa lầu hoang vắng, là tâm hồn sa mạc, là trái tim tha ma của người đàn bà đã từ lâu đơn chiếc..." Khi hiện tượng mà sáo ngữ gọi là "tiếng sét ái tình" bùng ra giữa một đàn ông và một đàn bà, cả Phật lẫn Chúa cũng không còn nghĩa lý, chứ đừng nói luật lệ nhà trường, dư luận và chênh lệch tuổi tác. Vậy đôi trẻ bèn đi một đường yêu nhau, không phải chỉ yêu "trong tinh thần trong lý tưởng" như Loan và Dũng của Nhất Linh, Ngọc và Lan của Khái Hưng, hay như chàng Bắc kỳ lái xe tải bên đông dãy núi, nàng đi dân công phía tây dãy núi, cùng nhớ nhau và cùng chẳng thấy nhau, của Phạm Tiến Duật thời bao cấp ngoài Bắc... Chàng học trò và nàng cô giáo của Nguyễn Thị Hoàng yêu nhau như thế này: "Trong mê sảng, Trâm có cảm giác như có một đôi môi nóng bỏng nào chồm lên mái tóc mình xõa dài sông đêm trên mặt gối. Bàn tay Trâm chới với níu lấy tóc mình. Nhưng bàn tay Minh như vòi mực biển khổng lồ đã quấn chặt tay nàng, dìm xuống, dìm xuống đáy nước cảm giác sôi trào ùa ngập, cho khuôn mặt mình phủ lên trên như một phiến san hô nóng ấm. Những ngón tay Trâm bất động thiếp mê một phút trong tay Minh rồi trở mình xoay nhẹ, xoay như tiếng trục đối chiếu của một bánh xe hốt hoảng đuổi theo cái bóng lờ mờ thoát hiện lên ở một ngã ba đời huyền hoặc... Trục bánh xe im tiếng, chợt đứng. Và những ngón tay Trâm quật lên, xoắn lấy những ngón tay Minh siết nhẹ. Siết đau. Rồi siết chặt... Và cuối cùng mười ngón tay buông nhau. Một dòng cảm xúc không tên ào ào ngập lụt trong lòng và Trâm nghe như lưỡi dao bén ngọt nào vừa rạch suốt chiều dài thân thể. Cơn mê sảng đầu tiên kéo dài suốt đêm...". Chỉ có vậy thôi, nhiều chữ nghĩa bóng bẩy, còn về thực chất, cụ thể, đâu có gì là quá mặn, quá sexy. Nếu cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng đã gây ồn ào dư luận một thời, nguyên nhân nằm ở chỗ khác, là vấn đề đạo lý. Như tên cuốn sách đã chỉ rõ, vấn đề là vòng tay học trò... Mỗi xã hội, mỗi thời có những thứ cấm kỵ, taboos, về vấn đề sex, tính dục tình dục của mình. Thời cô Scarlett O’Hara của Nội chiến Nam Bắc Hoa Kỳ, tương tự các xã hội châu Á, không hạn chế tuổi tác nam nữ trong việc làm tình và cưới hỏi. Cô Scarlett lấy chồng năm 16 tuổi, mẹ cô còn lấy chồng sớm hơn: 15 tuổi. Bây giờ ở Mỹ mà như thế, cả cô dâu chú rể và hai họ bị còng tay ra toà hết, ít nhất cũng vì tội child abuse, nếu không phải là tội nặng hơn là hiếp dâm và tòng phạm hiếp dâm. Như vậy ngay ở Mỹ, những tội lỗi liên quan tới sex, giao hợp... thay đổi tùy theo cả không gian lẫn thời gian. Nhất là theo thời gian: ngày người viết mới tới định cư ở nước Mỹ, năm 1987, gay còn là một thứ khinh tội, ai ở lính mà đồng tính luyến ái, dù là nữ với nữ, sẽ bị sa thải ngay lập tức. Còn bây giờ Quân đội áp dụng chính sách Don’t ask, don’t tell (không hỏi tới, nhưng cũng đừng nói ra), một thứ truyền thống vẫn có từ lâu tại các xã hội Đông Á, như Tàu, Việt, Nhật... Hơn thế nữa, trong xã hội dân sự ở San Francisco và tiểu bang Massachusetts... lúc bài văn này đang được viết, đã chính thức cho những cặp nam-nam, nữ-nữ chính thức làm hôn thú với nhau... Nhưng có một thứ, một sự cố Á châu, Âu châu và Mỹ thời nào cũng kết án, cấm cản ít hay nhiều, đó là, như Nguyễn Thị Hoàng đã đặt cho tên tác phẩm của mình, "vòng tay học trò". Do hiện tượng gọi là double standard (con trai làm thì được, con gái thì không), dư luận tương đối khoan dung, cho thầy yêu và lấy học trò, còn cô giáo mà yêu học trò, nhất định không được là không được. Cách đây nhiều thập niên ở Pháp, một bà giáo sư yêu một sinh viên học trò, và dù rằng tình yêu này không có gì trái luật pháp (cả hai đã trưởng thành), nhưng xã hội tỉnh nhỏ Pháp khắt khe ồn ào quá, đâu phóng khoáng như Paris, làm bà giáo sau cùng phải tự tử. Còn ở tiểu bang WA miền tây bắc Hoa Kỳ, gần đây thôi, một bà giáo da trắng đã có chồng con nhưng li dị, không hiểu sao lại đi yêu cậu học trò da nhuôm nhuôm dưới 15 tuổi và có con với "chàng". Mặc dù bà mẹ của chàng nhóc tì sẵn sàng nhận con dâu cô giáo và cháu, chính quyền địa phương vẫn tống giam bà giáo và tòa án xử tới 7 năm tù về tội "cưỡng hiếp trai dưới 15" (nếu cậu này cũng da trắng, chắc bà không bị phạt nặng như thế). Nhưng thôi, dù trắng hay đen hay nhuôm nhuôm, dư luận nói chung chê bản án là quá nặng nên sau khi bị giam một thời gian, bà giáo được cho về quản chế tại địa phương, với điều kiện không được nối lại tình xưa. Nhưng làm sao cấm được tình yêu, cố nhân Đông Tây đều đã phán vậy, nên cô giáo tìm lại "vòng tay học trò", và lại có bầu lần nữa. Cô giáo lại bị bắt giam và phải tiếp tục thi hành bản án đã có. Dù người khen người chê, cũng đều thán phục: Yêu như thế mới gọi là Yêu chứ... Đối với dân Á châu theo phụ hệ kiểu xưa cũ, luật lệ không qui định phạt nữ nhân về tội chọc trai, xách nhiễu tình dục đàn ông, hiếp dâm đàn ông, nên có thể ngạc nhiên về bản án quá nặng chỉ vì "vòng tay học trò" trên. Đâu có biết, do đòi hỏi của phong trào nữ quyền, Hành pháp và Tư pháp Mỹ đã cho đàn bà bình đẳng tuyệt đối luôn, không ke gì đến sự khác biệt giới tính nữa. Nữ được lái máy bay đủ loại, kể cả khu trục cơ và phi thuyền không gian, được phục vụ dưới các chiến hạm và ra trận như đàn ông, và cũng dĩ nhiên, phải coi chừng chàng trai đi chơi tối với mình, xem đã đủ 18 hoặc 21 chưa, không thì đi tù như không. Một trung úy trẻ đẹp chưa chồng lái B.52 chở bom nguyên tử, đã bị cho giải ngũ vì "tội ngoại tình", lý do vì yêu lầm một chàng đã có vợ... Làm dân Mỹ gốc Á châu ngẩn ngơ thấy gái Mỹ chưa chồng vẫn bị phạt hành chánh về tội ngoại tình... Cô giáo tên Trâm yêu và làm tình với trò Minh vị thành niên tại Đà lạt, Việt Nam, Á châu xa xôi, thật may mắn cho cô. Dư luận trong tỉnh có đồn đại ầm ĩ, cấp trên trong ngành Giáo dục chỉ nhẹ nhàng thuyên chuyển cô về Sàigòn, cho mối tình từ từ tiêu tan. Quả thực đúng như vậy, mối tình với cô giáo chỉ là mối tình đầu của trò Minh. Lớn thêm, chàng theo đuổi những người đàn bà khác... Trong cuốn Thần Điều Đại Hiệp của Kim Dung, học trò Dương Quá và sư phụ Tiểu Long Nữ yêu nhau làm ồn cả giới võ lâm lên. Mọi người nhăn nhó chê bai, nhưng không có biện pháp chế tài nào đối với đôi trẻ, ngoại trừ sự khuyên can, cách ly. Chàng và nàng thấy dư luận ồn quá khó chịu, trò Dương Quá bèn mang thầy Tiểu Long Nữ đi tuyệt tích giang hồ, tìm sơn cùng thủy tận mà yêu nhau cho khoẻ. Có thể tạm kết luận về phương diện tình yêu và tình dục, miền Đông Á có những cách xử trí dễ thương, cận nhân tình và có tinh thần nhân bản hơn miền đất Mỹ có những ông bà thanh giáo khó ơi là khó... Nói theo kiểu nhà văn Lâm Ngữ Đường, là "bất cận nhân tình". Dù là nhân tình da trắng da đen da nhuôm nhuôm hay da vàng. Thế Uyên -------------------- ------------- |
|
|
Lo-Fi Version | Time is now: 18th November 2024 - 01:07 PM |