Phố kim cương New York, Đinh Yên Thảo |
Phố kim cương New York, Đinh Yên Thảo |
Jan 25 2016, 03:06 PM
Post
#1
|
|
Bảo vệ Tổ Quốc Group: Năng Động Posts: 6,737 Joined: 12-November 08 Member No.: 702 Country |
Phố kim cương New York Chỉ vài lốc đường từ Times Square hay trung tâm thương mại Rockefeller, Phố Kim Cương New York nằm trên đường 47 khoảng giữa đại lộ số 5 và 6 là một trong những trung tâm kim cương của thế giới. Với tổng giao dịch lên đến hàng trăm tỉ đô la mỗi năm, chỉ một đoạn đường ngắn này đã có khoảng 2,600 công ty, nhà thầu, các hiệu kim hoàn lớn nhỏ tụ tập giao dịch và làm đầu mối cung cấp hầu như toàn bộ thị trường kim cương cả nước Mỹ. Với khách tiêu thụ thông thường, nếu so sánh và chuẩn bị kỹ lưỡng, những đồ nữ trang kim cương mua nơi đây có thể giảm khá nhiều so với khi mua tại các hiệu buôn lẻ tại thành phố của mình. Nhưng nếu chẳng có nhu cầu mua sắm gì, cũng thú vị để các bạn làm một cuộc “window shopping” quanh khu phố kim hoàn đắt giá nhất thế giới này Có thể những nhà sản xuất, thiết kế, những hãng phân phối hay xuất nhập cảng nằm đâu đó trong những tòa cao ốc trên con đường 47 của phố kim cương này, còn với du khách, từ đại lộ số 5 rẻ trái vào đây, không khí mua bán trên hè phố và ngay mặt tiền con đường xem ra "gần gũi" hơn cho khách hàng bình thường. Nghe những giao dịch bạc triệu, bạc tỉ, khó có thể hình dung được rằng du khách cũng có thể mua những món nữ trang giả ngay trên vỉa hè con phố này với giá chỉ năm ba đô hay các món trang sức thời trang vừa túi tiền bên trong các sạp bán lẻ. Muốn khác hơn thì chỉ thêm dăm bước, họ cũng có thể mua những món nữ trang chưng bày có giá trị đến nửa triệu hay hơn trong các tiệm sang trọng. Mà thật, theo số liệu các tổ chức thương mại New York, mỗi ngày một lượng kim cương trị giá 400 triệu đô la được mua bán và trao tay ngay tại con phố này, giá cả nào mà không thể có. Phố Kim Cương Phố Kim Cương này có mặt tại New York gần cả trăm năm nay, nhưng trở thành một trung tâm giao dịch quan trọng trong kỹ nghệ kim cương thế giới thì phải kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, khi những thương gia gốc Do Thái trốn chạy Đức Quốc Xã từ Châu Âu để đổ dồn về đây. Và họ vẫn tiếp tục là những ông trùm tại phố Kim Cương này, cho dù cũng theo các số liệu của phòng thương mại thành phố chỉ rằng, hai phần ba nhân viên làm việc tại khu phố này là dân ngoại bang tứ xứ đổ về làm việc, lập nghiệp hay theo nghề cha truyền con nối. Từ những người cầm bảng quảng cáo trên hè cho đến những thợ kim hoàn danh tiếng khắp thế giới. Nơi đây nghe được đủ các thứ tiếng mà người ta có thể kể ra. Nhưng những tiếng nói nặng ký ắt phải từ những ông trùm gốc Do Thái. Không như nhiều tôn giáo hay triết thuyết huấn dạy về sự phù phiếm của cải vật chất hoặc kiểu "biết đủ là đủ" (tri túc tiện túc), người Do Thái vốn tôn sùng tài sản và sự giàu có nên mục tiêu và khả năng kiếm tiền của họ vốn nổi tiếng. Họ có một khả năng thương mại siêu đẳng, từ lý thuyết ra đến thực tiễn. Ai lại chẳng nhớ đến các Thống Đốc Ngân hàng Liên Bang Hoa Kỳ tiền nhiệm là Alan Greenspan và Ben Bernanke - những người từng "cầm cân nẩy mực" kinh tế Hoa Kỳ và thế giới, cũng đều có gốc Do Thái. Và cũng chẳng cần kể thêm hàng loạt những người từng đứng đầu Ngân Hàng Thế Giới và các tỉ phú, các nhà tài phiệt lừng danh thế giới, ngay tại New York thì chỉ một "ông trùm" tỉ phú Michael Bloomberg kiêm cựu Thị trưởng New York cũng đủ góp phần khuynh đảo giang hồ và góp phần thế lực cho cộng đồng Do Thái tại đây. Họ nắm những vị trí quan trọng ở Phố Wall, ở cấp liên bang và thế giới nên việc kiểm soát Phố Kim Cương này cũng chẳng là điều quá ngạc nhiên. Kim cương hè phố Mặt tiền và tầng trệt của dãy phố này hầu hết là các tiệm bán lẻ. Có những tiệm bề thế, sang trọng nằm riêng biệt và có những trung tâm mua sắm đổi chác (exchange center), thực sự thì cũng chỉ là những tiệm có diện tích hơi rộng hơn các tiệm bình thường, nhưng bên trong san sát vài chục quầy mua bán, đổi chác nữ trang vàng bạc. Nửa thân thiện, mời chào đon đả, nửa cách biệt, dò xét vì lý do an ninh, những tay cò mồi kiêm bảo vệ đứng ngoài tiệm buông lời mời khách đi ngang. Có người dường như không để ý nhưng cũng có kẻ khoát tay, ra dấu không được chụp hình vào tiệm hay những ô cửa kính chưng bày đầy nữ trang. Đàng sau ô kính chưng nữ trang này hoặc là những cô gái xinh đẹp, hoặc là các "ông bụt" trông rất phúc hậu, mỉm cười nhẹ nhàng và ra dấu mời gọi khách vào tiệm để ... cắt cổ con mồi. Một thủ thuật chung để tạo một cảm giác an tâm và tin tưởng ban đầu cho khách hàng, ở đâu chẳng bắt gặp. Đưa một tay anh chị rằn ri, xăm mình thì khách ngó vào đã phát hoảng, có mà chạy nhanh. Một tay mang áo choàng lịch sự mời chào phía ngoài tiệm, "Vào mua cho cô vợ xinh đẹp của anh một chiếc nhẫn hột xoàn đi". Người Mỹ nói chuyện hay thêm mỹ từ, tính từ. Tôi cười, chỉ vào hai đứa con nhỏ: "Cảm ơn, có hai... hột rồi". Anh ta cũng cười theo câu đùa của tôi. Anh có lẽ mời gọi theo thói quen, chứ ắt cũng biết khách du lịch có con nhỏ đâu đến đây để mua kim cương. Dạo chơi ngoài đại lộ Fifth Avenue danh tiếng ngay đó có lẽ rực rỡ và phong phú hơn nhiều. Nhưng tôi cũng vào thử bên trong một trung tâm đổi chác vì trông có vẻ bình dân. Ít ra cũng khoảng bốn hay hay năm chục quầy nằm san sát nhau. Một cặp vợ chồng gốc Á Châu mở miệng chào mời chúng tôi bằng tiếng Hoa, không biết nhìn sao mà nghĩ chúng tôi là người gốc Hoa. Thấy có vẻ thân thiện, tôi cũng đáp đùa bằng một câu tiếng Hoa "tủ", trước khi chuyển qua tiếng Anh. "Chúng tôi là người Việt". "Vậy sao, ông bà ở đâu đến?". "Texas" - tôi trả lời. Không bận khách, họ trò chuyện cởi mở, biết đâu có thêm một khách hàng. Họ là người gốc Hồng Kông, mở sạp hơn mười năm nay. Không mua nên tôi cũng chẳng biết nữ trang, vàng bạc chưng trên bàn là thật hay giả, dù họ cũng mời chào tận tình "Mua cho bà nhà chiếc nhẫn hột xoàn đi. Tụi tôi bán giá rẻ cho". Câu này thì nghe quen. Giá rẻ là bao nhiêu? Người mẫu kim cương Kim cương là thứ hàng hóa khó mua nhất. Muốn mua phải có dăm kiến thức căn bản. Ít ra cũng biết sơ khái niệm 4C, tỉ dụ như nước E hay F (Color), độ trong VS1 hay VSS1 (Clarity), độ cắt nông sâu như thế nào (Cut) và dễ dàng nhất là hạt lớn nhỏ (Carat). Lý thuyết là vậy, nhưng thật ra chúng phức tạp hơn nhiều vì giá trị thực của viên kim cương phụ thuộc liên đới cả bốn yếu tố, mà mỗi yếu tố lại chia ra hàng năm bảy thang bậc khác nhau. Người không rành thì nhắm vào giấy giám định của các lab chứng nhận. Nhưng đây lại là một vấn đề khác vì giấy giám định của GIA khác với giấy giám định của AGS, EGL và càng cách biệt với các phòng lab xa lạ nhái na ná những cái tên khác, đại loại như GIA, AGL...., nên giá trị thật của kim cương cũng khác xa. Mặt khác, các phòng lab chỉ giám định các yếu tố kỹ thuật 4C của kim cương nói trên, chứ không trị giá món đồ, nên bao nhiêu tiền chỉ có người bán biết chứ người mua làm sao biết được. Không phải kiểu chuẩn bị đám cưới, cứ ra tiệm nghe mời chào ngọt ngào, "Nhẫn này một carat, nước F, không bột, có giấy chứng nhận đó em" là yên tâm. Khách hàng không biết về kim cương là điều bình thường vì mấy khi có dịp đụng tới. Nên mức độ "tôi đã lầm" bao nhiêu, phụ thuộc vào sự thành tín của tiệm. Nhưng ai bắt họ phải "thành thực". Muốn đo lường mức độ "thành thực" này, cứ đem "hột" mua vài năm trước trở lại cùng tiệm xem họ mua lại bao nhiêu. "Diamond is forever", kim cương đâu hư mòn, mất giá như đồ xài, nếu giá mua lại chênh lệch quá nhiều so với khi họ bán ra, bạn đo được phần trăm của sự "thành thực" theo quảng cáo hay môi mép khi bán. Không ít hiệu kim hoàn giàu sụ là nhờ vậy. Phía ngoài con phố dày đặc các máy thu hình và an ninh nổi, an ninh chìm theo như các hãng bảo hiểm bắt buộc, không kể thêm các cảnh sát sắc phục đứng rải rác đó đây. Nhưng an ninh và an toàn đến vậy mà hồi cuối năm rồi cũng đã xảy ra vụ cướp một tiệm kim hoàn tại đây, lấy đi số nữ trang gần bạc triệu. Bắt được băng cướp thì mới biết là, té ra có tay trong thông đồng để cướp chủ. Dù lý do gì thì phòng ngừa vẫn là điều cần thiết. Vì có những tiệm, chủ nhân vừa là tay buôn, vừa là tay chơi đồ cổ với những món nữ trang rẻ tiền nhất cũng từ nửa triệu đô. Để tấm hình dãy phố này lên facebook, tôi viết đùa "Một vụ cướp thế kỷ đã có thể xảy ra tại Phố Kim Cương New York, nhưng "kẻ cướp" chỉ ... chụp hình và làm phóng sự". Một cô bạn liền trả lời "Sẽ đón đọc phóng sự". Không biết vì cô vốn là độc giả các bài viết của tôi hay vì thích... kim cương. Dù vì điều gì thì cô và các bạn cũng đã lướt qua con phố kim cương qua các hình ảnh và bài viết này rồi đó. Để có dịp lên New York, ghé ngang con phố này mua chơi... năm bảy hột. Nhưng tôi cũng cần thêm rằng, "Tác giả không chịu trách nhiệm về "nội dung" các hột xoàn mua ở con phố này". Bên trong một trung tâm giao dịch Đinh Yên Thảo -------------------- ***Bình yên một thoáng***
|
|
|
Lo-Fi Version | Time is now: 15th November 2024 - 08:45 PM |