Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Nuôi tằm dệt tơ sắp trở thành cổ tích?, TLL
lalan
post Jul 6 2016, 02:21 PM
Post #1


Phố Cũ
***

Group: Năng Động
Posts: 2,691
Joined: 21-April 08
Member No.: 43
Country




Nuôi tằm dệt tơ sắp trở thành cổ tích?


Tơ lụa xuất phát từ Hoa Lục. Nói đến tơ lụa là người thế giới nghĩ đến Hoa Lục, một sản phẩm bền bỉ nhất trong mọi loại sợi để dệt vải.

Nhà khảo cổ tìm thấy vật dụng khảm hình tượng kén tằm, vật dụng được định tuổi trên dưới 4,000 năm trước Tây Lịch, nói giản dị hơn, theo di tích này, việc nuôi tằm dệt vải dường như đã có mặt từ Hoa Lục trên dưới 6,000 năm!

Lịch sử Hoa Lục kể theo truyền thuyết là Lei Zu, thứ phi của Vua Huang Di, người đầu tiên đã “sáng chế” cách nuôi tằm lấy tơ.

Tằm tên khoa học là Bombyx mori, loại côn trùng được nuôi dưỡng để lấy tơ dệt vải.
Trứng nở thành sâu trong khoảng 14 ngày; sâu ăn nhanh ăn mạnh để lớn thành tằm. Tằm ưa chuộng loại dâu có tên “white mulberry” qua mùi cis-jasmone. Sau 4 lần “thoát xác”, sâu tằm có màu ngà; tằm cuộn mình và nhả tơ từ tuyến nước miếng.

Sâu tằm khi đến đủ độ lớn, mọc nanh mọc cánh, sẽ cắn vỡ kén (cocoon) bằng cách đục lỗ để chui ra ngoài và bay xa. Khi kén vỡ là sợi tơ bị đứt thành nhiều đoạn, và không dùng được nữa, mất giá trị. Nhà nông tính ngày, nhắm độ lớn, mà bắc nước sôi luộc những kén tơ, nước nóng sẽ giết sâu và giúp sợi tơ rời ra, không quyện chặt vào nhau nữa, dễ tháo gỡ để đánh thành “suốt” chỉ.

Tóm lại là nhà nông chỉ dùng tằm trong thời gian còn là “sâu” chứ khi chúng hóa bướm thì hỏng việc; dĩ nhiên là họ chừa ra một số kén lớn để làm giống mùa sau. Tằm hóa bướm sinh nở và tạo ra lứa tằm kế tiếp.


Kết kén – nguồn perrochon.com

Kén là một sợi tơ dài 300-900 thước cuộn chặt vào nhau tạo thành một cái vỏ che chở sâu nằm bên trong. Sợi tơ mảnh, đường kính khoảng 10 microns.

Ta cần 2,000 – 3,000 chiếc kén để có một cân Anh sợi. Một cân Anh sợi tơ có chiều dài 1,000 dặm! Thế giới sản xuất khoảng 70 tỉ dặm tơ hàng năm.

Ngày nay, tơ tằm không chỉ dệt vải lụa mà còn được dùng để chế tạo nhiều sản phẩm khác như chỉ khâu vết thương trong ngành giải phẫu.

Từ năm 300 trước Tây Lịch, từ Hoa Lục tơ lụa đã theo thương buôn rong ruổi trên các con đường Tơ Lụa mà đến Âu Châu.

Giữ bí mật gia truyền là cá tính thâm căn cố đế của người Hoa tự muôn đời. Những bí mật về tơ lụa cũng được bưng bít kỹ lưỡng cẩn thận. Cả mấy trăm năm, người Âu vẫn tưởng tơ tằm… mọc trên cây cho đến khi kén tằm được giấu trong ruột mấy cái gậy đi đường trống rỗng. Mang được kén tằm về Constantinople, dân Âu Châu mới biết đến con tằm và bắt đầu nghề nuôi tằm lấy tơ tại địa phương.

Tại Hoa Lục, từ thế kỷ XIV đời Nguyên Mông, dân làng quanh vùng Tô Châu đã bắt đầu chế tạo những tấm lụa bền bỉ, sắc sảo. Thời tiết khí hậu địa phương thích hợp cho nghề trồng dâu nuôi tằm, nổi tiếng nhất là làng Jili, lụa xuất phát từ nơi này mềm mại và bóng, được xem như “nhất phẩm”. Lụa Jili được tiến vua, dùng để may hoàng bào trong suốt mấy trăm năm thời Minh và thời Thanh.


Ươm tơ, kéo sợi

Mãi đến năm 1842 sau Chiến Tranh Nha Phiến, nhà Thanh thua trận, lúc ấy lụa Jili mới được bán sang Âu Châu cho “bạch quỷ” (người Tàu gọi dân da trắng là “bạch quỷ”) sử dụng!

Vào thời cường thịnh nhất của nghề tơ tằm, xưởng dệt tơ của triều đình có đến 10,000 khung cửi. Nhiều vị vua Thanh, nổi tiếng nhất là Càn Long, đã thân hành đến tận Tô Châu để xem xét cơ xưởng dệt tơ. Trong cổ văn Hoa Lục, ta thấy khá nhiều thi phú về dệt tơ, dệt lụa.

Khi nghề dệt tơ lụa trở thành kỹ nghệ, Thượng Hải mở cửa buôn bán với các công ty ngoại quốc, thì 4 gia tộc nắm giữ hết mọi nguồn buôn bán của kỹ nghệ này, họ được mệnh danh là Tứ Tượng. Lợi tức của Tứ Tượng tương đương với tổng số thuế thu góp của triều đình thủa ấy! Thượng Hải đầy những đại sảnh của mấy gia tộc này. Ngày nay chỉ còn ngôi nhà tại Nanxun xây từ đầu thế kỷ XX, ngôi nhà lưu trữ 600,000 cuốn sách và được xem như bộ sưu tập sách vở lớn nhất trong thời nhà Thanh.

Sau thủa cường thịnh thì đến hồi suy yếu. Kỹ nghệ tơ lụa suy thoái dần khi máy móc chiếm từ từ công việc của con người. Những súc tơ lụa dệt tay tại Jili không thể tranh lại giá bán của hãng xưởng trong vùng; đến năm 1949 thì nghề dệt tơ lụa chỉ còn thoi thóp. Khắp nơi tại Hoa Lục không mấy ai còn mặc áo quần bằng tơ lụa dưới thời cộng sản.

Rồi Hoa Lục chuyển mình, không khí cũng như nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng. Rừng dâu không còn xanh lá, tằm cũng èo uột và tơ không còn óng ả bền bỉ như ngày xưa. Thêm một nỗi khác, Hoa Lục bị cuốn hút vào con sóng kỹ nghệ, người trẻ tuổi bỏ nông thôn ra tỉnh đi làm thuê làm mướn, không mấy ai còn giữ nghề cha ông mà nuôi tằm dệt lụa.

Ðến năm nay thì nghề chăn tằm chỉ còn để bán kén mà vẫn khó sống. Giá kén suy sụp thảm hại và người mua cũng chẳng còn mấy ai. Nói một cách khác, nông dân chăn tằm thức canh thâu trong suốt một tháng, những con nhộng ăn lá dâu rào rào, mỗi ngày cả chục lần. Tiếng mẹ có câu “ăn như tằm ăn rỗi” để mô tả giai đoạn này, tằm ăn liên tục để lớn mà nhả tơ. Giá tằm dựa trên trọng lượng của kén, khoảng 2 mỹ kim một cân Anh. Thế mà vẫn không có người mua!

Những nhà nông chăn tằm nhìn nhau ngao ngán, nghề truyền đời từ cha ông họ dường như sắp chấm dứt, họ sẽ ngưng nuôi tằm vào mùa xuân sắp tới. Như thế những bài hát chăn tằm dệt tơ sẽ chỉ còn trong chuyện cổ tích?

TLL


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 25th June 2024 - 05:24 AM