Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Đà Lạt thầm lặng. Tri Ân, Nguyễn Văn Nhớ.
BienHo
post Jan 2 2018, 03:35 PM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 5,105
Joined: 25-April 08
Member No.: 50
Country




Đà Lạt thầm lặng. Tri Ân


Bài viết của Họa sĩ Nguyễn Văn Nhớ, khóa sinh khóa 24 CB/CTCT thụ huấn tại trường Đại Học /CTCT/Đà lạt, và cùng di tản với trường. Họa sĩ Nhớ là cựu Thiếu úy, Phòng TLC Sư Đoàn 2BB, hiện ở Portland.

***

Những ngày đầu tháng Tư năm 1975 là thời điểm mà toàn bộ các tỉnh miền Trung và cao nguyên Việt Nam đã rơi vào tay cộng sản. Trước áp lực của địch quân, để bảo toàn lực lượng, trường Đại học CTCT Đà lạt đã thực hiện cuộc rút quân an toàn về đến Sài gon.

Trước hàng quân trong buổi sáng chào cờ lần đầu tiên của chúng tôi tại Tiểu đoàn 30 CTCT tại Tam Hiệp, Biên hòa, Đại Tá Nguyễn Quốc Quỳnh Chỉ huy trưởng Trường Đại Học CTCT đã nói với chúng tôi: “Chúng ta tất cả đã được về đây, tùy theo tôn giáo của mình, hãy yên lặng năm phút để cám ơn ơn trên đã che chở, đưa chúng ta về đây an toàn’’. Trong không khí yên lặng, thiêng liêng giữa sân cờ, trước tình hình đất nước đang bị dầu sôi lửa bỏng với hiểm họa của Cộng sản, tất cả các sĩ quan chúng tôi đều lắng lòng và xúc động. Hình như có vài tiếng nấc trong hàng quân. Với tôi đã 32 năm qua, lời nói của Đại tá Nguyễn Quốc Quỳnh giữa sân cờ ngày nào vẫn theo mãi trong cuộc đời tôi, nó tạo cho tôi sức đề kháng trước những con người phản bội. Cho tôi biết hổ thẹn mỗi khi trong lòng tôi khởi sự kiêu căng, tự hào hay ích kỷ. Thời gian ở trong quân đội, tôi chưa bao giờ nghe một vị chỉ huy nào nói giữa đoàn quân về sự tri ân đối với ơn trên. Cám ơn Đại tá cho tôi thêm lòng khiêm cung và biết ơn đời sống bao la và sự huyền diệu của cuộc sống. Và đã qua rồi những năm tháng bất hạnh, tù đày. Có lúc xác thân sống qua như loài súc vật. Vật và Người, Thiện tâm và Ác tâm, biên giới thật mong manh. Đôi khi tự hỏi! Nhờ đâu, ta còn sống? Nhờ đâu, ta thoát được những viên đạn vô tình, có phải ơn trên đã hộ mạng cho ta vượt qua những phút giây nguy nan, những gọi mời của thần chết.

Ngày đó, tôi là một sĩ quan theo học khóa 24 CB/CTCT, thuộc Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt theo đoàn quân rút lui rời bỏ trường vào tối ngày 29 tháng 3 năm 1975. Đã trên 32 năm, trí óc đã mòn mỏi nên không biết có nhớ ngày tháng được chính xác hay không, nhưng với những biến cố lớn trong đời thì khó mà quên được. Bây giờ tôi vẫn còn những vết hằn trong ký ức để tưởng nhớ... Chiều hôm đó, vào lúc chập choạng tối, chúng tôi được lệnh tử thủ. Tất cả được bố trí để dàn quân chung quanh vòng đai của trường. Những xẻng đất bắt đầu móc lên để làm hố cá nhân. Những khẩu M72 chống chiến xa được phân phát, nhưng chỉ sau vài phút ngắn ngủi, lệnh được thâu hồi và lệnh di tản ban ra. Đoàn quân trong thế sẵn sàng bắt đầu di chuyển trong đêm tối. Thành phố Đà Lạt đã lạnh lại càng lạnh hơn với tâm tư của những người lính phải di tản rời bỏ đơn vị của mình theo lệnh trên. Trong hoàn cảnh hỗn loạn của người và xe, trong người tôi lại chợt nóng lên với những cảm nghĩ xung đột trước tình hình biến chuyển quá nhanh. Một góc phố nào đó rực lên ánh hỏa châu. Những đám lửa cháy, bốc cao, khói cuộn mạnh từ phía Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Một số bạn bè chung quanh nói: Có lẽ đốt tài liệu để rút quân. Đoàn quân di chuyển qua phía bờ Hồ Xuân Hương, bóng tối sập xuống, ánh sáng hỏa châu đâu đó từ xa chiếu xuống mặt hồ, mặt nước như sẫm lại. Thôi rồi!.. thành phố sau lưng bỏ ngỏ. Bỏ hết. Riêng tôi đã có một chút may mắn vào buổi chiều vì đã gặp được D... Tôi đâu có ngờ đó là phút giây cuối cùng vĩnh biệt. Vì D... đã không biết tôi phải bỏ thành phố sau đó vài giờ. Tất cả đều là bí mật, là bất ngờ. Định mệnh chia ly... (Ôi. 32 năm ! buồn ... biệt ly... Biệt ly những tối với thơ nhạc, với cố tri, với lò sưởi ở quán Café Lục Huyền Cầm, đường Võ Tánh Đà lạt. Chủ quán là vợ chồng Lê Uyên Phương giọng hát thường xuyên đêm thứ sáu. Biệt ly, người bạn lớn tuổi với bao kỷ niệm là Đại úy Thuyết... với gịong hát trầm buồn, bạn của Lê Uyên Phương, tất cả đã về lòng đất lạnh... Cầu cho các anh về cõi vĩnh hằng được gặp lại nhau. Biệt ly những đồi thông, những bờ hồ, những vườn hoa đầy sắc hương, những bước chân mềm cùng giá vẽ, với những tấm tranh còn ướt, mùi sơn dầu phảng phất và... tóc em mềm bay. Biệt ly... biệt ly không bao giờ gặp lại, bởi cuộc đời vô thường, nghiệt ngã, những năm tháng tù đày, mù tăm, mất hút.. .dấu tích... Em...Nếu ở đâu đó, có còn trên cõi đời, xin coi đây là lời mãi mãi tri ân.)

Trời đã khuya, nghe đâu Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam cũng rút đi một lần cùng với Trường Đại học CTCT. Đoàn quân âm thầm, tiếng giày dồn dập tiến về phía Cầu Đất. Hôm sau, đoàn quân được di chuyển bằng quân xa từ Đà Lạt về thành phố Phan Rang. Buổi chiều, cảnh hỗn lọan diễn ra khắp nơi trong thành phố vì không còn lực lượng an ninh trật tự của chính quyền. Những chiếc xe Jeep mui trần, thiết trí súng đại liên, những thanh niên mặc sắc phục lính và dân, những nhóm thanh niên tự trang bị súng ống đã xả súng bắn bừa bãi. Tình trạng của một thành phố bỏ ngõ vô chính phủ. Tôi ngồi trên chiếc xe GMC mui trần chạy ngang qua phố. Những loạt đạn không rõ từ đâu nổ xé qua trần xe, tôi thoát chết, mặt tôi lạnh toát, năm đó tôi khoảng 32 tuổi. Ừ! Biết đâu, tôi đã đi rồi trong giây phút đó. Chỉ một tích tắc, sống chết thật mong manh. Xin tri ân trời đất bao la và sự diệu kỳ của ơn trên như lời nói của Đại Tá Quỳnh.

Đoàn quân xa tiến về phía Phan Thiết. Bóng tối chùng xuống, ánh đèn của nhiều loại xe, đoàn người chuyển động về phía Nam, uốn lượn, khổng lồ. Những bước chân nặng nề, nhọc nhằn lê đi, gồng gánh đủ loại tài sản. Đài BBC đã nói về cuộc bỏ phiếu bằng chân của đồng bào miền Nam. Thật bất hạnh, bởi cái Ác đã thắng cái Thiện bằng những phương cách ác xảo. Không lẻ Đất Trời bắt người lương thiện phải đọa đày mãi trong quỹ đạo ác xảo đó hay sao? Sắp vào thành phố Phan Thiết, những ngọn đồi hai bên mờ tối, đèn đường tắt ngỏm. Đoàn xe ngừng lại và có lệnh xuống xe. Tôi và một số bạn ngồi nghỉ dưới ngọn đồi thấp gần quốc lộ 1. Xe Jeep bảo vệ chạy về hướng thành phố Phan Thiết, rồi chạy ra, lửa cháy trong thành phố. Lại thêm một thành phố bỏ ngõ vô chính phủ. Tôi nghe đâu đó người sĩ quan truyền tin nói: Đại tá Chỉ Huy Trưởng muốn tất cả phải an toàn, chắc là không vào Phan Thiết để theo đường bộ về Sàigon. Từ phút đó không hiểu sao tôi bắt đầu nghĩ đến khuôn mặt của vị Đại tá mà tôi chỉ được gặp tình cờ trong thời gian của khóa học. Khuôn mặt tròn đầy đặn, đức độ. Tôi có tính hay quan sát những khuôn mặt. Có lẽ, bởi bệnh nghề nghiệp. Quan sát là một thói quen của họa sĩ. Họa sĩ quan sát càng nhiều thì nét vẽ càng chi tiết và càng độc đáo. Quan sát càng sâu sắc thì vẽ càng sâu sắc hơn. Quan sát những ẩn tướng để diễn tả cho được tính chất đặc thù của khuôn mặt, giúp người xem nhìn ra chân tướng là một điều khó khăn. Trong lịch sử hội hoạ thời xưa khi chưa có máy ảnh, các bậc đại đế, quan tước, mệnh phụ phu nhân thường hay mời họa sĩ đến vẽ chân dung. Bức tranh Mona Lisa của Leonardo da Vinci (1452-1519) là một ví dụ. Nụ cười muôn thuở trên tranh bây giờ vẫn còn là điều bí mật. Khi vẽ những bậc đại đế, quan tước, họa sĩ quan sát những ẩn tướng, tốt, xấu trên khuôn mặt, nếu có tiềm ẩn sự độc ác, nguy hiểm, họa sĩ có lương tâm thường hay diễn tả những bí mật đó lộ ra trên tác phẩm để người đời thấy biết mà tránh, khỏi mang họa. Tôi tin hai chữ sát quân, cho nên tôi thường nghĩ đến khuôn mặt và vóc dáng của những vị chỉ huy. Từ khi Trường Đại học CTCT về đến Sàigon an toàn, và từ đó đến nay ngay cả trong những năm tháng trong chốn tù đày, bất hạnh, gặp lại anh em cùng di chuyển vào đợt đó, trong thâm tâm tôi luôn nghĩ về cái đức của vị Đại tá Quỳnh chỉ huy trưởng. Tôi thầm cám ơn cái đức không sát quân của đại tá. Tôi tin, tôi tin những loạt đạn không xuyên qua đầu tôi khi tôi ở trên chiếc xe GMC là nhờ ơn trên che chở, trong đó có cái đức của Đại tá Nguyễn Quốc Quỳnh. Bao nhiêu năm tôi thầm nghĩ như thế, và lòng tri ân đã thúc giục tôi viết bài này.

Dừng quân ngoài vòng đai thành phố, bộ chỉ huy quyết định không vào Phan Thiết, một thành phố bất an với nhiều tiếng súng nổ. Vâng, chỉ một loạt đạn vô tình xuyên qua, một quả lựu đạn ném vào lòng xe GMC mui trần là bao nhiêu thân mạng ngã xuống. Tôi chợt nghĩ đến những giây phút quyết định khó khăn của cấp chỉ huy. Lệnh lại được ban ra! Đoàn quân xa quay ngược hướng, trở ra cửa biển Phan Rí. Tối hôm đó, tại ngôi nhà thờ mà bộ chỉ huy họp, tôi đã đứng bên ngoài nhìn vào. Hình ảnh của Đại tá lúc đó bây giờ vẫn còn loáng thoáng trong tôi. Tôi và một số bạn đi quanh những khu nhà dân chung quanh nơi đóng quân. Bóng tối lập lờ, những thanh niên lạ lảng vảng cùng chúng tôi; tôi nghi vài người trong số họ là Việt cộng. Lệnh di chuyển xuống cửa biển Phan Rí. Ban đêm, sóng biển ào ào. Đoàn quân chuyển lên từng chiếc gọ, loại ghe đánh cá nhỏ. Những chiếc xe Jeep trườn vào lòng ghe. Đoàn quân âm thầm chuyển xuống. Đêm tối, biển đen thẫm, những chiếc ghe đánh cá đầy lính, nổ máy lướt đi trong đêm. Sóng và lòng tôi nhấp nhô. Đoàn quân âm thầm xẻ nước về hướng Vũng Tàu. Thành phố Vũng tàu nghe đâu cũng trong tình trang bất an, lực lượng an ninh trật tự bất lực trước cơn hỗn loạn. Đến trưa, thuyền cập bến Vũng Tàu, tất cả được lệnh về nhà để sau đó sẽ trình diện tại Tiểu đoàn 30 CTCT ở Tam Hiệp, Biên Hoà. Tôi vào một quán nước, ba người lính Thủy quân lục chiến ngồi ở chiếc bàn đối diện. Ba khẩu súng M16 và mấy quả lựu đạn trên bàn. Quán im vắng, họ nhìn qua, liếc mắt vào chiếc balô của tôi. Yên lặng, tôi mở balô lấy ra đôi giày vải lính thay đôi giày da ở chân vì đã phồng lên bởi đoạn đường trên Đà Lạt. Tôi ra đường, đón xe về Saigon, để lại chiếc balô trong quán.Tôi nghĩ, nó cũng như tôi chẳng còn giá trị gì!

Những ngày sau, tôi đến trình diện tại tiểu đoàn 30/ CTCT nhận giấy tờ để trở về đơn vị cũ. Chúng tôi là những sĩ quan thuộc mọi binh chủng của bốn vùng chiến thuật được đưa về nhập khóa học ở trường Đại học CTCT; có nhiều bạn không có đơn vị để trở về, vì đơn vị đã tan hàng. Riêng tôi, gốc Sư đoàn 2 BB, được tin cho hay là sư đoàn đã tan hàng từ Chu Lai, và đang tập họp lại ở Hàm Tân. Trong tâm trạng tan tác như chim lạc đàn và với buổi sáng chào cờ đầu tiên ở Tiểu đoàn 30/CTCT, làm sao tôi có thể quên lời nhắn nhủ tri ân Đất Trời của Đại tá Nguyễn Quốc Quỳnh:

“Chúng ta tất cả đã được về đây, tùy theo tôn giáo của mình, hãy yên lặng năm phút để cám ơn ơn trên đã che chở chúng ta về đây an toàn’’.

Cám ơn người anh cả đã cho tôi những cảm nhận sâu xa thêm về đời sống. Xin tự thấy mình thật nhỏ nhoi, và xin cám ơn Đất Trời bao la diệu vợi.

Nguyễn Văn Nhớ.
Portland Muà Đông 2008.


--------------------
*****
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 28th March 2024 - 10:24 AM