Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Giúp cho xe phục vụ lâu dài, Phạm Ðình
BienHo
post Nov 15 2014, 08:19 AM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 5,105
Joined: 25-April 08
Member No.: 50
Country







Giúp cho xe phục vụ lâu dài


Chúng ta đã nói nhiều về xe và những việc cần làm để bảo trì xe. Giống như cái xe luôn luôn cải tiến thì chuyện nói về xe cũng không bao giờ hết, thiên kinh vạn quyển vẫn là còn thiếu. Nhưng hôm nay có bạn đọc muốn “thử thách” chúng tôi bằng một câu hỏi sau đây: “Cháu là người mới đến Mỹ định cư, dành dụm mãi mới để dành tiền mua được cái xe, không mới brand new, nhưng đối với cháu là rất mới. Chú có thể nói thật vắn tắt cách làm thế nào để giữ cho xe chạy tốt lâu dài hay không. Cám ơn chú!”

Trùm mền cả khi đậu xe trong bãi thật là quá kỹ. Nhưng trùm mền quá lâu, không sử dụng, cũng chưa hẳn đã tốt cho xe.

Sở dĩ gọi “thử thách” là bởi vì rất khó để nói vắn tắt về một đề tài lớn như vậy. Chúng tôi nhớ có một nhà bác học nào đó đã viết cho bạn mình thế này: “Tôi xin lỗi bà, hôm nay tôi rất bận nên không thể viết cho bà một lá thư ngắn hơn.” Ngược đời, phải không? Người ta thường nói là bận quá không viết dài được, chứ ai lại bảo không viết ngắn được. Hôm nay suy gẫm lại câu nói trên mới thấy nó không ngược đời, là bởi vì viết ngắn mà viết cho đầy đủ là rất khó, khó tới mức... bác học luôn. Phạm Ðình chỉ là một học trò, nhưng cũng xin cố gắng, tập tễnh nói được chút nào hay chút ấy theo tầm hiểu biết của mình. Mong các bạn góp ý thêm.

Không hiểu bạn là nam hay nữ, nhưng nói về chuyện xe cộ thì người ta hay nghĩ rằng đó là việc của nam giới. Thực ra, biết về những điều căn bản hầu giúp kéo dài tuổi thọ của xe là một điều ai cũng cần biết, bất kể nam hay nữ một khi đã có bằng lái xe, chứ không phải là chuyện dành riêng cho phái nam.

I. Công tác bảo trì

Công tác bảo trì là những việc bạn phải làm định kỳ, tức là sau một thời hạn nào đó, để giữ cho tình trạng xe được ổn định. Việc bảo trì căn bản có thể kể ra như sau:

1) Thay nhớt máy

Công việc thường xuyên nhất phải làm là thay nhớt máy. Nhớt máy cần phải được thay mới sau mỗi 5000 dặm đường hoặc 6 tháng. Trong khi thay nhớt, nhớ thay luôn cả lọc nhớt (oil filter). Chuyên cần làm việc này, bạn có thể giữ cho xe chạy tới 200,000 dặm hoặc nhiều hơn nữa, không phải là điều khó khăn.

Nhớt máy phải trong, không đen bẩn. Chuyển sang màu đen bẩn là dấu hiệu nhớt đã ở trong máy quá lâu. Nhớt nhờ nhờ trắng là thứ nhớt đã ô nhiễm, thường là do nước Coolant bị rò, chảy vào.

2) Nước coolant

Nước Coolant, cũng còn được gọi là Antifreeze, chứ không đơn thuần là nước. Coolant cần thiết có mặt và phải luân lưu đầy đủ để làm cho đầu máy dịu lại tới một nhiệt độ cần thiết, có nghĩa là không quá nóng và không quá lạnh. Phải kiểm tra nước Coolant thường xuyên, mỗi lần đổ xăng. Hiện nay, nước Coolant bán trên thị trường có nhiều màu, như xanh, vàng, hoặc hồng. Ðừng pha lẫn các loại nước coolant với nhau.

Nếu chuyển sang sắc nâu, ấy là coolant đã bị thoái hóa do nhiều chất dơ bám vào, cần phải được thay mới. Cần thiết phải thay Coolant cứ mỗi 25,000 dặm hoặc sau 2 năm.

3) Dầu hộp số

Dầu hộp số cần phải kiểm tra ít nhất 3 tháng một lần. Cần thay dầu hộp số sau mỗi 25,000 dặm với xe đặt lực đẩy trên 2 bánh trước (front wheel drive) Nhưng nếu là xe đặt lực đẩy trên 2 bánh sau (Rear Wheel Drive), bạn có thể thay dầu hộp số sau mỗi 50,000 dặm;

Dầu hộp số có màu đỏ tươi. Khi thấy chuyển màu nâu hoặc nghe mùi khét, ấy là lúc cần phải thay. Tuy nhiên, cũng có ý kiến chủ trương rằng, nếu đã chạy tới trên 50,000 dặm mà chưa thay dầu hộp số, thì đối với nhiều loại hộp số phổ thông, bạn KHÔNG nên bao giờ thay dầu nữa; là vì, dầu hộp số mới có thể gây “nhiễu” do làm bong các thứ vẩn đã đóng cứng nối kết các bộ phận trong hệ thống. Chúng tôi ghi lại đây để các bạn cùng tham khảo. Bản thân người viết chưa trải qua cái kinh nghiệm “lì” đó bao giờ.

4) Dầu thắng

Dầu thắng cũng cần được thay thế sau mỗi 2 năm, hoặc 24,000 dặm (tùy điều kiện nào đến trước). Nhưng điều cần thiết là phải kiểm tra thường xuyên. Nếu đạp thắng mà nghe cảm giác “xốp” nơi bàn chân, ấy là dấu hiệu thiếu dầu thắng.

Nhân nói về dầu thắng, xin nhắc bạn kiểm tra bố thắng, để thay mới kịp thời. Ðừng để nó mòn quá, gây hại thêm cho đĩa thắng.

5) Dầu tay lái tự động (power steering)

Ða số xe đời nay là dùng Power Steering, giúp bạn điều khiển tay lái dễ dàng hơn mỗi khi bẻ góc, sang lane. Hệ thống tay lái hoạt động được là nhờ dầu. Kiểm tra để dầu tay lái có đầy đủ không, nhất là trước khi sắp sửa đi xa.

6) Màng lọc khí (Air Filter)

Màng lọc khí chuyển khí ngoài trời vào đầu máy để thực hiện chu kỳ cháy nổ. Khi màng lọc khí bị nghẹt, đầu máy chạy hao xăng, thậm chí có thể khiến xe ngưng chạy. Cần phải thay màng lọc khí sau mỗi 15,000 dặm. Ðây là việc đơn giản ít tốn kém, ai cũng có thể tự làm bằng cách mua một cái màng lọc tương tự, mở mấy con ốc, rồi đặt vào vị trí.

7) Bình điện

Bình điện là thứ rất ít được để ý, nhưng lại là nguyên nhân của đa số trục trặc khi xe không nổ máy. Thực ra, bình điện không đòi hỏi nhiều sự quan tâm, chỉ cần bạn giữ các “cọc” bình sạch sẽ, đừng để muội trắng bám đầy. Và khi thay bình, nhớ giữ receipt để nếu bình đó yểu mệnh sớm, chúng ta có thể mang ra tiệm để đổi hoặc được giảm tiền khi mua bình mới.

Ðược chạy đường trường, thả giàn “tung vó” mới là điều kiện tốt nhất cho xe.

II. Cách sử dụng xe

Trên đây là những công tác bảo trì căn bản, có thể chưa phải là những việc cần làm ngay. Những việc sau đây mới là những điều bạn phải nhớ mỗi khi ngồi sau tay lái:

1) Tránh những chuyến đi quá ngắn đường (too short trips):

Trái với những gì chúng ta suy nghĩ, chiếc xế hộp là thứ “ngựa chiến” quen với đường xa, dùng ở những khúc quá ngắn là.. hành hạ nó, tệ hơn nữa là đắp mền quá lâu không dùng tới. Những trường hợp “quãng ngắn” có thể kể ra như sau: Lái xe chạy ra tiệm ở đầu đường để mua mấy chai bia cho bàn nhậu, hoặc mỗi tối đều mở máy đưa xe từ sân vào garage.. Bạn có thể nghĩ ra hàng ‘tỉ’ thí dụ khác như vậy. Dĩ nhiên, khi dùng thì vẫn phải dùng: Mục đích mua xe là để nó phục vụ mình, dù đi đường xa hay đường ngắn, chứ không phải là thứ để vuốt ve o bế. Tuy nhiên, càng hạn chế được những trường hợp quãng ngắn chừng nào càng tốt cho xe. Và ít nhất mỗi tuần phải dùng xe một lần, bằng cách đưa lên xa lộ phóng nhanh một quãng dài chừng 30 miles.

2) Khởi động xe: Warm Up hay không Warm Up?

Warm up là làm cho ấm máy xe trước khi phóng đi, là điều cần thiết. Nhưng phải nhớ cho rằng, warm up không nhất thiết là cho xe nổ máy tại chỗ. Chúng ta có thể chờ chừng vài giây để cài seat belt, chỉnh gương.. rồi bắt đầu cho xe chạy từ từ, từ từ... đến khi kim nhiệt chỉ lên tới chữ C trên đồng hồ nhiệt rồi tăng tốc cho xe chạy bình thường. Ðó là cách warm up tốt nhất.

Bất cứ khi nào mở máy cũng không nên “dzuỷn” một cái, dọt đi như ngựa lồng, đó là một cách hành hạ xe rất tàn nhẫn. Thay vào đó, chúng ta cần phải từ từ tăng gas để cho xe tăng tốc một cách thoải mái. Ngay khi xe đang chạy mà cần phải tăng tốc cũng không nên đạp mạnh cho xe phóng lên. Làm như vậy, hệ thống hộp số không kịp điều chỉnh để vào số thích hợp, gây ra hao mòn cho hộp số.

3) Chăm sóc lốp xe

Bánh xe thiếu hơi làm xe chạy hao xăng, lốp xe mau mòn, các bộ phận khác trên xe bị hư hại. Phải kiểm tra hơi trong lốp xe mỗi tuần một lần, và bơm xe mỗi tháng một lần hoặc bất cứ khi nào cần thiết. Sau mỗi 6,000 dặm, phải hoán vị bánh xe để lốp xe mòn đều. Và cần phải đưa xe đi “cân bánh” (wheel alignment) nếu cảm giác bất thường ở tay lái.

4) Rửa xe

Muối rắc trên đường, bụi bặm, dầu nhớt, ô nhiễm có thể làm cho dàn đồng bị hư hại, đưa đến nhiều sửa chữa tốn kém về body work. Nếu không rửa xe thường xuyên, chỉ cần sau vài ba năm dàn đồng sẽ có dấu hiệu han rỉ ở cửa xe, và nhất là những bộ phận dưới gầm xe, chẳng hạn đường dây thắng.. Những người dùng xe ở các vùng gần biển, hoặc khi đường sá phải thường xuyên rải muối để làm tan băng tuyết lại càng cần phải rửa xe nhiều hơn.

5) Ðọc cẩm nang bảo trì

Cẩm nang bảo trì là cuốn sách được nhà sản xuất “đính kèm” mỗi khi bạn mua xe. Trên nguyên tắc, đây là điều bạn cần làm và phải làm trước hết; mà trên thực tế, đọc cẩm nang là điều xa xỉ, ít ai làm. Nhưng để thực hiện tốt công việc bạn nhờ cậy, Phạm Ðình không thể kết thúc bài này mà không nói: Hãy chịu khó bỏ giờ đọc cẩm nang, cũng gọi là Manual hoặc Handbook. Bạn sẽ khám phá ra nhiều kiến thức “kỳ diệu” liên quan cụ thể đến cái xe của bạn.

dinhcpham@yahoo.com


Xe lột dên, xe kêu lóc cóc, xe rỉ nhớt...? Xin xem Cẩm Nang Bảo Trì Tập III đã phát hành. Cùng với Tập I, Tập II, mỗi tập $6.00+$2.00 cước phí. Money Back Guarantee 3 tháng. Gửi cheque hoặc tiền mặt cho: Phạm Ðình, 9800 Bolsa Ave., #86, Westminster, CA 92683 (địa chỉ mới). Tel: 714-675-8628. Cho biết điện thoại và email, nếu có. Có thể hỏi tại nhà sách Tú Quỳnh 714-531-4284; hoặc Tự Lực 714-531-5290.


--------------------
*****
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 10th August 2024 - 06:05 AM