Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Ballade pour Adeline, NT
VanAnh
post Mar 30 2016, 01:55 PM
Post #1


Hạnh ngộ
***

Group: Năng Động
Posts: 5,776
Joined: 25-October 08
Member No.: 480
Country




Ballade pour Adeline




Xưa nay, có lẽ mọi chuyện trên đời, xảy ra hoặc diễn ra, đều do sự kết hợp của nhiều cái duyên. Trong thế giới nghệ thuật, cũng không tránh khỏi chữ “Duyên”. Một ví dụ điển hình khi chúng ta nhìn lại sự nghiệp của dương cầm thủ Richard Clayderman, hay chính xác hơn là bản nhạc đầu tiên của ông đến với công chúng: Ballade pour Adeline.

Chuyện bắt đầu từ một nhạc sĩ “tài tử” người Pháp. Gọi là “tài tử” vì ông không biết đàn địch và nhạc lý gì cả. Nhưng hai chữ tài tử phải để trong ngoặc kép vì ông thực sự là một nhạc sĩ chuyên nghiệp. Sỡ dĩ như vậy vì ông có một biệt tài: sáng tác giai điệu. Ông chỉ cầm một cái máy thu âm nhỏ trên tay rồi cứ là lá la vào đấy. Xong, nhờ người khác viết lại trên giấy nhạc. Đấy là Paul de Senneville. Năm 1976, ông cùng một người bạn lập ra hãng nhạc Delphine Productions, chuyên sản xuất và phát hành nhạc hòa tấu. Delphine là tên con gái đầu lòng của ông. Cùng năm đấy, vợ ông cho thêm một cô con gái thứ hai khiến ông quá hạnh phúc sáng tác luôn một bản nhạc trữ tình mang tên Ballade pour Adeline; nghĩa là Nhạc Khúc dành cho Adeline, tên của cô bé. Sẵn có “cây nhà lá vườn” là hãng Delphine Productions, ông lên luôn kế hoạch cho thu âm và phát hành.

Hơn 20 dương cầm thủ tham dự cuộc tuyển chọn của Delphine Productions để đàn bản nhạc này. Trong số ấy có một anh chàng mới ngoài 20 tuổi tên Philippe Pagès. Thuở nhỏ, anh học chơi đàn từ thân phụ của mình, một giáo viên dạy dương cầm. Lên 12 tuổi, anh được nhận vào Conservatoire de Paris là nhạc viện nổi tiếng của Pháp. Được vài năm thì bố anh qua đời, gia đình lâm vào cảnh túng thiếu. Anh phải từ bỏ mơ ước trở thành một nghệ sĩ nhạc cổ điển để kiếm một chân thư ký ở nhà băng và cuối tuần đi đệm đàn cho một số ca sĩ. Khi nghe Delphine Productions mở cuộc thi, anh chạy tới ghi danh liền. Và anh được chọn. Cảm thấy đây đúng là con đường âm nhạc của mình, anh lấy nghệ danh là Richard Clayderman (với tham vọng sau này sẽ nổi danh khắp thế giới). Chứ cái tên khai sinh của anh nghe cũng hay nhưng khó phát âm đối với người không biết tiếng Pháp. Thuở đầu, anh chơi các sáng tác của Paul de Senneville và một số của Olivier Toussaint, là người đồng sáng lập Delphine Productions.

Olivier Toussaint là một người đa tài. Cha mẹ, ông bà nội ngoại của ông đều là ca nhạc sĩ danh tiếng ở Pháp. Nhờ cái “máu” đó, ông đàn và hát đều hay. Thế nhưng, ông lại theo học hai ngành kinh tế học và xã hội học. Lấy xong 2 bằng đại học đó, ông chuyển sang viết nhạc cho xi-nê và ti-vi. Năm 1968, ông làm bạn với Paul de Senneville và hợp tác viết ca khúc cho các danh ca thời ấy như Michel Polnareff, Christophe, Dalida, Petula Clark, Claude François, và Mireille Mathieu. Một tài đặc biệt khác của ông là… kinh doanh. Ông là người điều hành chính cho hãng Delphine Productions và cũng là người quản lý lo về mọi thứ cho sự nghiệp âm nhạc của Richard Clayderman mãi đến bây giờ.

Sự nghiệp âm nhạc của Richard Clayderman, theo dự tính ban đầu của ông là nhạc cổ điển. Nếu thân phụ của ông không mất sớm, ông tốt nghiệp nhạc viện Conservatoire de Paris, rồi theo con đường nhạc cổ điển. Dù có nổi tiếng thì cũng chỉ trong giới mê nhạc cổ điển mà thôi. Chắc chắn, ông không thể nổi tiếng (và giàu có) như ngày nay. Ở Việt Nam, mấy chục năm qua, ai cũng nghe tên tuổi hoặc tiếng đàn của Richard Clayderman. Năm ngoái, khi ông đến Hà Nội biểu diễn, người đi xem chật kín. Điều buồn cười là nhiều người Việt cứ lầm tưởng ông chính là tác giả của những bản nhạc mà Paul de Senneville (cũng như Olivier Toussaint) sáng tác. Những bản nhạc của hai ông sáng tác (riêng hoặc chung) có giai điệu hay và lạ. Chính vì thế mà bản hòa tấu đầu tiên ra mắt công chúng là Ballade pour Adeline được đón nhận nồng nhiệt. Trong lần phát hành đầu tiên, có đến 22 triệu bản được bán ra trên 38 quốc gia. Thời điểm ấy, nhạc disco đang thịnh hành; chẳng ai thích nghe loại “du dương buồn ngủ” ấy làm gì. Olivier Toussaint nhớ lại hồi đó ông chỉ mong bán được 10 ngàn bản là mừng lắm rồi. Còn Paul de Senneville, vì bài đó viết cho con gái mới sinh của ông, bán được bao nhiêu thì mừng bấy nhiêu! Nhưng người mừng nhất chắc phải là Richard Clayderman. Từ đó ông nổi như cồn, từ Pháp ra khắp thế giới. Một phần là nhờ, có lẽ, nhiều người tưởng là nhạc của ông, như ở Việt Nam.

Nếu như Paul de Senneville cũng có tài như… Yanni, tự chơi nhạc của mình sáng tác, thì không còn chỗ cho Richard Clayderman thi thố. Đặc biệt là bản nhạc viết riêng tặng con gái, ai lại đi nhờ người khác đàn giùm? Nhờ cái “bất tài” của ông Paul mà cái tài của Richard được có cơ hội. Cũng nhờ cái tài sáng tác giai điệu của ông Paul mà Richard mới có đất dụng võ. Giai đoạn ấy, phong trào nhạc disco thịnh hành khắp thế giới, nếu không có những giai điệu hay lạ như của Paul de Senneville, thì không sao thu hút được người nghe. Sau này, khi đã quá nổi tiếng, Richard chuyển qua chơi những bản nhạc thông dụng của cổ điển hoặc phổ biến trên phim thì thời của disco cũng đã qua. Thành ra, mỗi tí mỗi ít, nếu vợ ông Paul không sinh thêm cho ông cô con gái thứ nhì thì nhiều chuyện đã khác.

Có lẽ những ai yêu chuộng tiếng đàn của Richard Clayderman nên cảm ơn không chỉ mình ông mà nhiều người khác. Và luôn cả cô Adeline đã bước vào cuộc đời này!

NT



--------------------

Cõi mơ
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 22nd May 2024 - 07:39 PM