Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Sự chết và người Y sĩ, TG
KhoaNam
post Nov 2 2013, 08:41 AM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 7,735
Joined: 8-August 09
Member No.: 4,377
Country








Sự chết và người Y sĩ


“TÔI MUỐN CHẾT” : MỘT THÔNG ĐIỆP CẦN ĐƯỢC DIỄN DỊCH

Trong đa số trường hợp, khi bệnh nhân nói với Y Sĩ : “Tôi muốn chết”, thì người ta phải diễn dịch lại là :“tôi không muốn phải chịu đau đớn, khổ sở nữa”. Tìm sung sướng, tranh đau khổ, là nguyện vọng tự nhiên của mọi loài hữu cảm. Người ta có thể đi tìm sự chết vì thất tình, thua bạc, vỡ nợ, thi trượt, và hàng trăm nguyên do có vẻ vớ vẩn khác, khi mà, theo nhận định chủ quan của đương sự, những nguyên do ấy đem lại một sự khổ đau to lớn hơn lạc thú có thể mong chờ được nơi sự sống.

Người bệnh nặng, phải chịu nhiều đau đớn, kể cả đau đớn gây nên bởi việc trị liệu (điển hình là việc thay băng hàng ngày cho những mảng lở loét gọi là escarres, hay mỗi giờ phải bị chọc ống vào phế quản để hút những đàm thấp ứ đọng...), có thừa nguyên do để đi tìm sự chết.

Tuy nhiên, khi nhận ra được rằng họ “muốn chết” tức là “muốn đỡ đau khổ”, thì bổn phận của Y Sĩ là phải nỗ lực làm giảm đau cho người bệnh (thí dụ chích một liều morphine phụ trội mỗi khi thay băng escarre, dùng morphine bằng ống tiêm điện do người bệnh tự điều chỉnh, dùng Tricycliques, carbamazépine, clonazepam, v.v...) đồng thời làm giảm bớt những khổ sở khác trong đời sống bệnh tật của họ như : buồn nôn, ngứa, khó thở, đại tiểu tiện không thông, hoặc ngược lại tiêu tiểu bừa bãi, nuốt không được, mùi hôi thối do lở loét, chứng mất ngủ, lo lắng, v.v... Khi đó, có nhiều hy vọng đòi hỏi “muốn chết” sẽ tự nó tiêu tan. Người bệnh sẽ ra đi khi mà họ phải ra đi...(1)

ẢNH HƯỞNG VĂN HÓA LA-TINH

Một tường trình về trị liệu cho biết Y Sĩ Pháp ít sử dụng Morphine hơn Y Sĩ ở các nước Anglo-Saxons đến khoảng 50 phần trăm. Hiện bộ trưởng Bernard Kouchner đang đưa ra một kế hoạch để điều chỉnh tệ trạng này. Lý do của thái độ tránh né thuốc giảm đau cỡ morphine của Y Sĩ Pháp được cắt nghĩa là do ảnh hưởng văn hóa La Tinh. Văn hóa này thường coi sự đau khổ như điều không thể tránh, như một cái giá phải trả cho cuộc sống.

Tôn Giáo ở các xứ La Tinh thường tập trung vào sự đau khổ của Đức Giê-Su trên thập giá, tôn thờ sự khổ đau ấy, coi nó như điều kiện của Cứu Rỗi. Chính để chuộc tội cho con người mà Đức Giê-Su phải tự nguyện đau khổ, thế thì làm sao con người tội lỗi lại có thể khước từ đau khổ như Đức Giê-Su ? Người ta cũng cho đau khổ là sự thử thách do Thiên Chúa gửi đến, con người phải gánh chịu lấy để xứng đáng được hưởng lạc thú trên Nước Trời sau này !

Người Anglo-Saxons thực tế và ít giáo điều hơn. Ta cũng thấy đạo Tin Lành trong các nước này thường dùng cây Thánh Giá trống trơn, không có hình ảnh Đức Giê-Su đau khổ máu me bê bết trên đó.

NHỮNG SỰ RA ĐI TẺ LẠNH :

Một nhận xét khác : thống kê cho biết trên 90 phần trăm người Pháp muốn được trút hơi thở cuối cùng ở nhà mình, giữa gia đình thân thương. Nhưng trong thực tế, không tới 10 phần trăm người Pháp được chết ở nhà. Đại đa số qua đời trong khung cảnh tẻ lạnh của nhà thương, giữa những máy móc vô tri.

Lỗi ở gia đình và xã hội muốn tống khứ sự chết “đi chỗ khác chơi”, vì sự chết làm rộn cuộc sống của họ, vì họ kinh tởm sự chết, hay hoang mang không biết phải làm gì, nói gì trước sự chết ? Hoặc giả lỗi ở Y Sĩ không dám thú nhận sự bất lực của Y Khoa trong cuộc tranh đua với Thần Chết, không dám tuyên bố đầu hàng, bảo gia đình đem bệnh nhân về nhà chăm sóc và nâng đỡ cho sự ra đi của người thân mình được nhẹ nhàng êm thắm ?

Gần đây, chính tôi cũng đã không đủ can đảm cãi lại đồng nghiệp trong bệnh viện, và lãnh trách nhiệm đem một bà cụ bị tai biến mạch máu não và suy tim nặng, về nhà chờ ngày ra đi trong tình thương của con cháu. Ít hôm sau, khi Y Sĩ bệnh viện tìm cách để ống vào bao tử để tiếp thức ăn cho bà, thì bà tắt thở trong đau đớn, giữa những kẻ xa lạ, đang cáu kỉnh, bực bội vì một động tác làm không được... Nửa ngày sau, con cháu mới mò đến khóc lóc vài phút, trước khi bà bị tống vào một ngăn kéo trong phòng lạnh, chờ hai hôm sau ra nhà thờ khoảng nửa giờ, rồi đem chôn chớp nhoáng, tất cả giải quyết trong vòng hai tiếng đồng hồ ! (2)

CÂU CHUYỆN ĐỜI SAU :

Một điều có khi phải đề cập đến với bệnh nhân là sự hoang mang của họ trước khi đi vào cõi chết. Thường họ chỉ dám hỏi :“có phải tôi sắp chết ?” hay “khi nào tôi mới chết ?”. Họ ít dám tiến thêm một bước nữa và đề cập đến cái “sau khi chết”. Một cách ý thức hay vô thức, họ không muốn lôi chúng ta, Y Sĩ, hay người thân thương, vào chỗ của họ, không muốn đặt chúng ta trước cái chết của chính chúng ta, với vấn nạn nền tảng của nó.

Sự tế nhị ấy không phải là lý do để chúng ta tránh né bỏ chạy. Cần kín đáo tỏ thái độ sẵn sàng trao đổi về vấn đề quan trọng này, nhưng không bao giờ trực tiếp và trắng trợn lôi nó ra để “giảng đạo”, tràng giang đại hải dạy cho người sắp chết những quan điểm triết lý hay niềm tin tôn giáo của mình. Cần nghe họ, vì chính trong lời nói của họ mới có cái sự thật mà họ đang sống, con đường mà họ đang đi, con đường mà chúng ta cũng sẽ đặt chân lên, một ngày nào đó.

Theo thiển ý, thì viễn tượng một cuộc sống vĩnh cửu, không có hy vọng thay đổi, sau cuộc đời hiện tại, có thể là một hình ảnh vô cùng ghê rợn. “Xuống Hỏa Ngục” và ở dưới đó muôn đời chỉ vì chút trách nhiệm mơ hồ trong cuộc sống chớp nhoáng nơi trần thế này, có một vẻ gì không cân xứng. Nếu lấy giai thoại được Doãn Quốc Sĩ nhắc đến trong bài “Không Tâm...” (Thế Kỷ 21, số 109, trang 39), thì đây chính là bắt ông sư ôm cô gái vượt qua vũng bùn phải tiếp tục vác cô đi suốt thiên thu... Hình ảnh sống chết nối tiếp nhau như một chuỗi biến cố ràng buộc bởi liên hệ nhân quả, có lẽ dễ đem lại cho con người nhiều hy vọng hơn, vì dù cho đời sống này có tệ hại cách mấy, đời sống sau vẫn có thể khá hơn chút đỉnh, không có gì mất mát vĩnh viễn.

Thật ra, tôi tin rằng cả hai cách nhìn đều sai, nhưng cách nhìn sau có ích hơn. Tuy nhiên, tôi chẳng bao giờ nói chuyện ấy với bệnh nhân người Pháp, vì sự khác biệt văn hóa quá to lớn. Khi họ đặt câu hỏi “tôi sẽ đi đâu sau khi rời khỏi cuộc đời này ?”, thì tôi thường đặt họ trước một câu hỏi khác :“ông hay bà đã ở đâu trước khi bước vào cuộc đời ấy ?” (3)

Bs Nguyễn Hoài Vân
5 tháng năm 1998

(1) Trong một số trường hợp, bệnh nhân muốn chết vì sợ làm rộn gia đình, con cháu, nhất là khi họ được chăm sóc ở nhà. Bổn phận của Y Sĩ ở đây là tổ chức sự chăm sóc làm sao cho nhẹ nhàng nhất đối với người chung quanh. Ở Pháp, Sở An Sinh Xã Hội cho phép Y Tá đến nhà chăm sóc bệnh nhân khoảng 4 lần một ngày (kể cả để lau chùi, rửa ráy). Có thể gọi thêm “Kiné”, tức chuyên viên xoa bóp, đến thêm hai lần trong ngày, để giúp bệnh nhân đi lại chút đỉnh, hay giúp tập thở v.v...

(2) Nhớ bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine :

Người chết ra đi, buồn bã
Về nơi an nghỉ cuối cùng
Linh Mục bước đi, hớn hở
Gấp gấp chôn kẻ mệnh chung ...

(Un mort s'en allait tristement
S'emparer de son dernier gite
Un curé s'en allait gaiement
Enterrer ce mort au plus vite !)
(Fables: Livre VII; 11)

(3) Ở thời phôi thai của Thiên Chúa Giáo, Giáo Phụ và Nhà Thần Học Origène (khoảng 183-252), do ảnh hưởng quan điểm luân hồi của Platon (có lẽ cũng chịu ảnh hưởng của triết lý Arien “Ấn Âu"), đưa ra thuyết tiền hiện của linh hồn. Sau Ông bị Giáo Hội lên án, nhưng vấn đề ông nêu lên vẫn chưa được các nhà giáo điều giải quyết ổn thỏa. Cần nói là Origène cũng không tin là có Hỏa Ngục.


--------------------
“Vì Danh Dự Dân Tộc: Chống giặc Tàu.
Vì tương lai Dân Tộc: khai tử tập đoàn bán nước Việt Cộng”


Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 5th November 2024 - 02:19 PM