Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Tuổi trẻ gốc Việt có thực sự thích học tiếng Việt?, Ngọc Lan/Người Việt
Đông Nhi
post Aug 22 2017, 02:38 PM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 2,835
Joined: 9-October 09
Member No.: 5,482
Country




Tuổi trẻ gốc Việt có thực sự thích học tiếng Việt?


Không thích nhưng vẫn học tiếng Việt vì bị ép

Trước đây, trong bài viết “Trẻ em Little Saigon nghĩ gì về tiếng Việt,” phóng viên Người Việt đã có dịp tìm hiểu vì sao một số em học sinh gốc Việt tại đây lại cố gắng học nói tiếng Việt. Với những học sinh này, lý do để các em thích nói ngôn ngữ mẹ đẻ là vì “để ba mẹ, ông bà hiểu em,” “để bạn khác không biết mình đang nói gì,” và nói tiếng Việt “để thấy mình thuộc về cộng đồng”.
Tuy nhiên, trên thực tế, dù có đang theo học những lớp tiếng Việt tại trường trung học, các trung tâm Việt ngữ trong vùng, hay tự học ở nhà, nhiều em vẫn không ngần ngại thừa nhận, “Em không thích nói tiếng Việt.”

Trong một lớp học tiếng Việt của Trung Tâm Văn Hóa Hồng Bàng. Có bao nhiêu em dù đi học nhưng vẫn không thích? (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Trong một bài viết ngắn tại lớp, cô giáo Thảo Ly Nguyễn, giáo viên dạy tiếng Việt tại trường trung học Westminster, thuộc thành phố Huntington Beach, ra đề tài, “Khi nào em nói tiếng Việt? Em có thích tiếng Việt không?” Kết quả, trong số 64 học sinh của 2 lớp cô Thảo Ly giảng dạy, có 23 học sinh thừa nhận “em không thích tiếng Việt,” và 10 em khác cho rằng “vừa thích lại vừa không thích tiếng Việt”. 31 em còn lại “thích tiếng Việt” nhưng phần lớn viết, “học tiếng Việt vì ba mẹ bắt buộc”.

Không thích tiếng Việt vì không hiểu, vì nói không giỏi
Nhiều học sinh không thích tiếng Việt bởi vì “em nói tiếng Việt không hay”.

Một thí sinh làm bài thi giải Khuyến Học 2011. Nhiều em không thích học tiếng Việt vì cho rằng tiếng Việt khó. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Em Tammy Nguyễn nói một cách từ từ, “Em không sử dụng tiếng Việt tại vì em không muốn, và em nói tiếng Việt không hay. Em chỉ sử dụng tiếng Việt khi ba mẹ em muốn.”
Trong một bài luận văn, một học sinh lớp 11 tỏ ra “ấm ức,” “Khi em nói tiếng Việt thì mẹ em nói là em nói tiếng Việt nghe kỳ vì vậy em không thích nói tiếng Việt. Em chỉ nói tiếng Việt trong lớp tiếng Việt. Gia đình của em chọc em khi em nói tiếng Việt nhưng vẫn bắt em nói tiếng Việt.”
Em Kelvin Trần dường như “mắc cỡ” khi thừa nhận, “Em không thích tiếng Việt tại vì em không hiểu gì hết.”
Andrew Nguyễn chỉ nói ngắn gọn, “Em không thích nói tiếng Việt tại vì em không giỏi.”
Với lý do “không hiểu,” hay “nói không giỏi,” các em lại càng dễ mang tâm lý “né” tiếng Việt chừng nào hay chừng đó. Em chỉ nói khi “bị bắt buộc”. Mà người bắt buộc các em không ai khác hơn chính là cha mẹ, ông bà.
Chị Diễm Châu, phụ huynh có hai con đang theo học tiếng Việt tại các trung tâm Việt ngữ nói, “Làm gì có chuyện tụi nó tự nguyện nói tiếng Việt. Phải ép nó. Phải bắt buộc mới được.”
Lý do “phải ép,” “phải bắt buộc” con học tiếng Việt, theo chị Diễm Châu là “để không bị mất gốc”.
“Người Việt Nam thì ít nhất cũng phải biết nói tiếng Việt chứ, nếu không thì tệ quá!” Người mẹ này nêu suy nghĩ.
Một em học sinh viết, “Em chỉ dùng tiếng Việt khi em ở nhà tại vì bị bắt buộc. Khi em ở trường em không dùng tiếng Việt tại vì em không thích.”
Nhưng có em lại khẳng định “Ba má có bắt buộc em nói tiếng Việt Nam nhưng em không nói tiếng Việt với ba má.” Em này thừa nhận, “Khi em ở nhà và ở trường em không thích nói tiếng Việt. Em chỉ nói tiếng Việt lúc trong lớp tiếng Việt.”
Có lẽ chính vì lý do này mà thầy Dzũng Bạch, giáo viên dạy tiếng Việt tại trung học La Quinta đã cho rằng “điều khó nhất khi dạy tiếng Việt cho các em là gieo vào đầu các em tình yêu tiếng Việt”.
Tuy nhiên, phải gieo như thế nào để các em không mang tâm lý ngán ngại tiếng Việt là điều không đơn giản.
Tại “Hội Nghị Quốc Tế Về Tiếng Việt” do Viện Việt Học tổ chức vào trung tuần Tháng Bảy năm nay tại Nam California, Giáo Sư Phạm Kim Dung, trong đề tài “Giảng dạy tiếng Việt tại Mỹ,” đã đưa ra một nhận xét không mấy vui rằng, “Nay thì thế hệ trẻ tại Mỹ vì gia đình còn lưu luyến đến tiếng Việt nên cho con em đi học tiếng Việt. Nhưng số trẻ này học tiếng Việt cũng chỉ đạt được căn bản, đại đa số không viết và đọc được tiếng Việt nói chi đến văn hóa, lịch sử và địa lý.”

Không thích tiếng Việt vì khó

Nhưng nếu các em không giỏi tiếng Việt, và lý do nhiều em không thích học tiếng Việt, là bởi “Tiếng Việt khó hơn tiếng Anh”.
Một học sinh lớp 11 viết, “Ở nhà khi tôi nói chuyện với ba tôi, tôi thường nói tiếng Anh, nhưng khi nói chuyện với mẹ tôi phải nói tiếng Việt. Tôi không thích nói tiếng Việt vì tiếng Việt khó hơn tiếng Anh.”
Một học sinh khác bày tỏ, “Khi em ở nhà em phải nói tiếng Việt với mẹ em, còn ở trường em chỉ nói tiếng Việt trong lớp tiếng Việt của em mà thôi. Em rất ít nói tiếng Việt tại vì tiếng Việt phiền lắm, có nhiều chữ tiếng Anh khác nghĩa tiếng Việt.”
“Tôi không thích tiếng Việt vì mấy cái dấu của tiếng Việt khó quá.” Một em khác nêu lý do.
Theo thầy Dzũng Bạch, giáo viên dạy tiếng Việt tại trường trung học La Quinta, “đặc tính của tiếng Việt là một ngôn ngữ loại 3”.
Tức là, theo nghiên cứu của Bộ Quốc Phòng Mỹ, giả sử nếu một người có năng khiếu đặc biệt về ngoại ngữ chỉ cần mất 10 tuần để học thì có thể đạt được trình độ khá về tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Spanish. Trong khi đó, tiếng Việt Nam, tiếng Nga, tiếng Ả Rập đòi hỏi phải mất nhiều thời gian hơn.
Cho nên việc nhiều học sinh không thích nói tiếng Việt vì “tiếng Việt khó hơn tiếng Anh” cũng là điều dễ hiểu.
Em Vicent Nguyễn, đang học lớp 9, nói, “Em ít nói tiếng Việt vì tiếng Việt phiền lắm, có nhiều chữ tiếng Anh khác tiếng Việt.”
Bằng giọng nói tiếng Việt trọ trẹ kiểu “con nít Mỹ,” em Hoa Phạm, học sinh lớp 10, thổ lộ, “Ở nhà không có ai bắt em nói tiếng Việt, em muốn thì em nói thôi. Ở lớp tiếng Việt thì em phải dùng nhiều vì cô nói không dùng là bị 'phặt hết' (phạt hát). Em không thích dùng tiếng Việt tại vì khó 'lám'.”

Không nói tiếng Việt vì thấy không cần thiết, không thích

Trong khi các học sinh đang theo học tiếng Việt tại các lớp tiếng Việt trong các trường trung học, như một môn học bắt buộc, nêu ra lý do không thích tiếng Việt là vì thế này thế kia, thì một số người trưởng thành, lớn lên tại Mỹ lại thẳng thắn cho rằng, “Không nói học tiếng Việt vì thấy không cần thiết.”
Nguyên Nguyễn, 38 tuổi, sang Mỹ từ lúc 10 tuổi, hiện đang là thầy giáo tại Los Angeles, nói, “Từ khi sang Mỹ, anh em tôi chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Ít nói chuyện với ba mẹ vì họ bận đi làm. Khi mẹ tôi mất rồi thì tôi lại càng ít khi nói tiếng Việt, ngoại trừ thỉnh thoảng nói với ba tôi.”
Hiện giờ, Nguyên có vợ và hai con, ngôn ngữ chính anh dùng trong nhà chính là tiếng Anh. “Tiếng Việt có nói là đôi khi nói với vợ. Hai đứa con chắc cũng hiểu tiếng Việt nhưng không bao giờ chúng nói tiếng Việt.” Anh cho biết.
Cô Kelly Nguyễn thì cho rằng “tiếng Việt là không cần thiết” với cô nữa. Vì cô sang Mỹ từ nhỏ, hiện giờ chồng cô cũng không phải người Việt, mà bản thân cô cũng chẳng còn người thân nào ở Việt Nam để lui tới. Người phụ nữ tốt nghiệp master ngành hóa học này dường như cũng không hề có ý định cho đứa con 3 tuổi của cô học tiếng Việt, vì “không cần thiết”.
Một em học sinh lớp 11 viết, “Em thấy nói tiếng Việt không khó nhưng mà dễ làm cho em không thích.”
“Em không ghét tiếng Việt, em chỉ không thích.” Em nói thêm.
Anh Joe Châu, một kỹ sư điện toán, sang Mỹ từ năm 6 tuổi. Joe có thể đọc, viết, và nói tiếng Việt khá thông thạo. Tuy nhiên, khi được hỏi có thích tiếng Việt không, Joe lại ngần ngừ, “Không biết nữa, cứ khi cần thì dùng thôi.”
Tuy nhiên, theo Joe, nếu phải lựa chọn, thì chắc chắn Joe “sẽ chọn tiếng Anh. Vì tôi cảm thấy nói tiếng Anh ở đây thoải mái và dễ dàng hơn tiếng Việt”.

Ngọc Lan/Người Việt



--------------------
Mùa nào cũng buồn ...
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 8th November 2024 - 03:55 PM