Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Tiếng Việt Ở Sài Gòn, Sự Lùi Bước Của Giá Trị Cũ?, Cao Tự Thanh
M&N
post Apr 26 2008, 02:15 PM
Post #1


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Trang Chủ
Posts: 11,665
Joined: 7-April 08
Member No.: 6
Country



Tiếng Việt Ở Sài Gòn, Sự Lùi Bước Của Giá Trị Cũ?


LTS. - Cao Tự Thanh đang sống tại VN. Ông là nhà nghiên cứu về văn hoá - lịch sử VN, và tên tuổi đã trở nên khá quen thuộc đối với với giới nghiên cứu văn hoá - lịch sử VN, cả trong và ngoài nước. Ngoài các công trình nghiên cứu đã được xuất bản, Cao Tự Thanh còn viết nhiều bài khảo cứu về một số lĩnh vực khác gần gũi với văn hoá - lịch sử, trong đó có khá nhiều bài khảo cứu về Việt ngữ. Mục “Chuyện Chữ Nghĩa” trân trọng giới thiệu một số bài khảo cứu về 'chữ nghĩa' của Cao Tự Thanh. Những bài viết này đã được giới thiệu rải rác trên một số website.

... Có thể thấy trong 20 năm qua ngôn ngữ cả nói lẫn viết ở Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua nhiều thay đổi lớn.

Trên phương diện là một công cụ giao tế, nó thể hiện rất rõ ràng những thay đổi về khuôn mẫu hành vi, còn trong ý nghĩa là một công cụ tư duy, nó bộc lộ những cơ chế quan trọng của sự thay đổi hệ giá trị. Tương ứng với lối tư duy thời bao cấp, trong tiếng Việt thời gian 1975 – 1985 từng xuất hiện một mảng từ có thể tạm gọi là uyển ngữ.

Thất nghiệp thì gọi là Chưa có việc làm.
Học sinh bướng bỉnh thì gọi là Học sinh cá biệt.
Thiếu niên phạm pháp thì gọi là Trẻ em chưa ngoan.
Tiền hối lộ thì gọi là Quà biếu trên mức tình cảm.

Cùng với những sáo ngữ như Dưới ánh sáng..., Tiến thêm một bước..., Phát huy tinh thần... và những từ ngữ có nguồn gốc chiến tranh như Chiến dịch (dọn vệ sinh), Chiến sĩ (diệt chuột), Ra quân (làm thủy lợi), Mặt trận (giáo dục), hệ thống từ ngữ và những cách thức tạo từ nói trên quả thật giống một vết sẹo bị đốt bằng sắt nung đỏ trên quá khứ ngôn ngữ của cả một dân tộc. Cùng với hệ giá trị nghiêng về các chế định chính trị trong thời bao cấp, mảng từ nói trên góp phần tạo ra một phong khí ngôn ngữ chính thống ở đó công thức từ ngữ thay cho thao tác tư duy. Nhưng từ 1986 trở đi, ngôn ngữ ở thành phố trên các phương diện từ ngữ và phong cách đã có nhiều thay đổi. Nhìn chung so với cách nay ba mươi năm tiếng Việt trong ngôn ngữ cả nói lẫn viết đã thay đổi rất nhiều, cấu trúc câu đơn điệu hơn trước, số lượng thành ngữ tục ngữ bớt đi, tỷ lệ từ ngữ Việt Hán giảm xuống, tỷ lệ thuật ngữ khoa học kỹ thuật và quản lý phương Tây mà chủ yếu là tiếng Anh không (hay chưa) được Việt hóa tăng lên.

Nhiều năm nay dư luận cũng không ngớt than phiền, cảnh báo về phương pháp giảng dạy và chất lượng học tập của học sinh từ phổ thông tới đại học về môn ngữ văn tiếng Việt. Nhưng phía sau sự giảm sút về kỹ năng sử dụng tiếng Việt mà học sinh sinh viên là tiêu biểu nhất ấy còn có một cơ chế xã hội nào đó đang tác động, và quả thật quá trình tái cấu trúc xã hội đang tác động tới ngôn ngữ trên cả hai phương diện phương tiện nhận thức và công cụ giao tế. Những từ như Nội lực, Trưởng lão vốn xuất phát từ tiểu thuyết võ hiệp ở Sài Gòn trước 1975 và gần như tuyệt chủng trong văn viết thời gian 1975 – 1985 đến 1986 lại hồi sinh rồi bước vào cả các văn kiện chính trị, diễn văn trang trọng như Nội lực kinh tế, Trưởng lão cách mạng..., điều này rất xa lạ với hệ giá trị cứng nhắc trong lề lối tư duy của xã hội bao cấp. Giới tội phạm có từ Đua nóng (cướp giật trên đường) thì giới công an cũng có từ Bắt nóng (bắt tại chỗ đối tượng đang phạm pháp), rồi mở rộng ra Bắt nguội (bắt sau khi điều tra), Phạt nóng (viết biên lai tại chỗ), Phạt nguội (gửi giấy phạt về nhà).

Trên phương diện tạo từ, hai lực lượng đối lập với nhau này đã được quy đồng về cùng một mẫu số thị dân. Một số khẩu hiệu quảng cáo như Luôn luôn lắng nghe luôn luôn thấu hiểu, Sự lựa chọn của giới trẻ, Hãy để thế giới biết bạn là ai vân vân được ứng dụng, cải biên trong nhiều tình huống đã hiện diện như một loại thành ngữ mới trong thực tiễn ngôn ngữ ở thành phố.

Cũng cần nói tới việc xuất hiện những cụm từ hài hước nhại tiếng nước ngoài về ngữ âm như Xây xẩm sau khi xỉn (nhại tiếng Lào), Ai phẹt ra sân (nhại tiếng Anh), Eo chang hy/ Y chang heo, Chong xoi dôi/ Chơi xong dông (nhại tiếng Hàn Quốc) và từ Việt Hán như Thôi Mặc Quần... Bên cạnh đó, các bài văn “rùng rợn” trong những kỳ thi tốt nghiệp phổ thông mà báo chí phản ảnh đều có những nét chung là câu cú khá dài và từ ngữ khá mộc mạc. Nguời ta có cảm giác những học sinh này đang bắt đầu hướng tới một cấu trúc tư duy - ngôn ngữ nào đó xa lạ với cấu trúc kinh viện sáo rỗng mà các em được học nhưng thất bại trong việc thể hiện vì thiếu kinh nghiệm ngôn ngữ và chưa làm chủ được các thao tác tư duy. Theo đường hướng này, cũng có thể thấy những bít rùi khổ lém (biết rồi khổ lắm), banana (chuối = chối), papa ku (bố mày) phổ biến trong ngôn ngữ chat đang làm méo mó việc sử dụng tiếng Việt ở giới trẻ là một nỗ lực không thành công trong sự tránh né lối mòn vì rơi vào chỗ phi quy chuẩn, chứ thật ra chúng xuất phát từ sự cố gắng diễn đạt như mình muốn chứ không theo công thức.

Có thể nói về phong cách thì trong 20 năm qua con người thành phố đã nói và viết một cách trang nhã mà ít nghiêm nghị hơn, đồng thời đang tiến tới một cách diễn đạt hài hước mà sâu sắc hơn. Cùng với sự lùi bước của hệ giá trị cũ, phong cách ngôn ngữ đồng phục cũ cũng bắt đầu lui vào quá khứ. Trong ý nghĩa này, sự thay đổi về ngôn ngữ ở thành phố cho thấy xã hội thị dân ở đây đang trong giai đoạn chọn lựa một khuôn mẫu hành vi mới, một hệ công cụ mới không chỉ trong hoạt động ngôn ngữ mà còn cả trong phương thức tư duy.


(Tháng 11. 2006)
Cao Tự Thanh


--------------------
Mmm
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 9th June 2024 - 03:44 AM