Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Đứa con lính, Trần Phước
KhoaNam
post Jul 1 2015, 09:36 AM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 7,735
Joined: 8-August 09
Member No.: 4,377
Country




Đứa con lính


Những tháng gần đây, tin quốc tế và nhứt là tin Hoa Kỳ hằng ngày đều đề cập tới sự thách thức (showdown) Irak, nói rõ ra là có nên đánh Irak hay không ? Và ngày 26 tháng 2 năm 2003 vừa qua chính Tổng Thống G.Bush cũng đã nói với quốc dân Hoa Kỳ về viễn ảnh tương lai Irak, chung quy cũng chỉ là nêu lý do, trưng ra bằng chứng, để lấy đó mà đánh Irak một cách chính đáng vì dư luận quốc tế qua Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc gồm 5 nước, trong đó có 3 nước Nga, Pháp, Tàu không đồng ý.

Dẫu chưa đánh thực sự, nhưng lực lượng quân sự Hoa Kỳ đã chuyển tới Vùng Vịnh Ba Tư , trong đó có con của chúng tôi, là một sĩ quan cấp Tá hoa tiêu của đoàn quân Thủy Quân Lục Chiến.

Thuở thơ ấu

Nó là đứa con thứ bảy trong gia đình mười đứa, về trai, là đứa thứ tư trong số năm đứa. Hồi còn bé, mới sáu tháng đã biết tự tiết chế vấn đề vệ sinh cá nhân. Nhằm lúc tôi bị biệt phái phục vụ tại Trường Ðại Học Quân Sự Ðà Lạt ba năm, từ năm 1966 đến năm 1969, lúc ấy nó còn quá nhỏ chưa đầy một năm, mới chập chững biết đi, tôi thường đem nó theo mỗi lúc tôi đi công tác ở Nha Trang, vì nó thích đi tàu bay. Thấy ý thích của con như vậy, nên nhà tôi đã may cho nó những bộ đồ bay bằng vải dù màu trắng, đỏ và rằn ri cùng với mũ lưỡi trai. Nó thích ăn nhứt là món trứng chiên, thường gọi là oeuf sur plat, và uống coca cola. Vì thương con, nên ngày nào cũng cho nó ăn hai quả trứng, đến nỗi da nó vàng. Ði khám, bác sĩ cho hay là kết quả của sự ăn quá nhiều trứng. Chúng tôi làm cha mẹ, thật là dại dột vì thiếu kinh nghiệm. Sau đó phải bắt buộc ngưng ăn món trứng chiên kia, nhưng nó không bao giờ vòi vĩnh hay khóc la vì không được ăn món ưa thích độc nhất này, bởi rằng nó là đứa con hết sức dễ dạy. Cho dẫu nó đang ăn ngon miệng, nhưng nếu bảo nó ngưng ăn nửa chừng, nó ngưng ngay không chút phàn nàn. Ngay đến giờ ngủ cũng vậy, nó đang vui chơi, có ai bảo đi ngủ, nó đi ngủ ngay. Nhiều lần mấy người giúp việc vì muốn rảnh rang nên bảo nó đi ngủ không đúng giờ, bị tôi rầy la khi bắt gặp.

Sau khi tôi trở về lại Không Quân, điều hành Trường Chỉ Huy & Tham Mưu Trung Cấp ở Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân, Nha Trang vào cuối năm 1969 đầu năm 1970, nó chưa đầy năm tuổi, nhưng đã tỏ ra cần mẫn giúp việc lặt vặt trong nhà và rất hiếu thảo không những đối với chúng tôi mà ngay cả đối với anh chị em trong gia đình nữa. Bữa ăn nào nó cũng đi lấy nước cho cả gia đình trước khi ngồi vào bàn ăn. Vì bé bỏng, làm việc chậm chạp, nên có nhiều bữa ăn có món ăn ngon, chúng tôi vì bận, ăn sau, các anh chị nó ăn hết phần ngon của nó. Chẳng những thế, mà lại có đứa lớn còn trêu chọc nó, rằng hết đồ ăn rồi, mày ăn cơm với nước cá cặn. Nó chẳng một lời đáp lại. Biết như thế, nên chúng tôi bảo nó cùng ngồi ăn một lần với gia đình, nó vâng lời ngay, nhưng nó không vui, có cảm tưởng rằng, phải có bổn phận phục dịch các người lớn và giúp đỡ các em. Bởi vậy nên bữa nào có đồ ăn ngon, chúng tôi thường hay để riêng phần cho nó, vì nó ăn uống rất điềm đạm.

Hồi còn bé nó đã thích bay và đã biết nhận dạng các loại phi cơ, chưa đầy sáu tuổi nó đã có dấu chỉ biết điều khiển máy bay.Vào cuối tuần, tôi hay bay một mình bằng T-41, để góp một số giờ bay cho đơn vị, tôi thường cho nó đi theo. Khi lên trời, tôi chỉ bảo cho nó cách bay. Sau khi đã điều chỉnh tàu bay bằng *trim* rất cẩn thận. Xong, tôi bảo nó “Bây giờ con bay một mình, nhắm hướng đó … và giữ thăng bằng như thế này…, cha ngủ đây” Rồi tôi nhắm mắt giả vờ ngủ. Nó biết cách sử dụng tay lái, qua lại, lên xuống. Có lần bay về, nó mách với nhà tôi, hôm nay nó suýt chết bởi tàu bay A-37 của chú Lạc đâm vào tàu bay nó, vì tôi ngủ để nó bay một mình, trong lúc có A-37 bay xẹt trước mũi tàu bay nó. Chúng tôi cùng ở chung cư xá với gia đình cố Ðại Tá Ðặng Văn Lạc trong khu cư xá sĩ quan Long Vân, Căn Cứ Không Quân Nha Trang. Mỗi khi anh Lạc đi bay về, anh đi ngang qua cổng cư xá chúng tôi trước khi vào nhà anh; bữa nào con chúng tôi bắt gặp cũng chạy lại chào, anh Lạc thấy nó ăn mặc đồ bay nên cũng dừng lại bông đùa với nó một vài câu, nên nó tôn sùng chú Lạc lắm, mỗi lúc thấy A-37, nó reo lên, kìa kìa tàu bay của chú Lạc đang bay đó.


Văn chưa đầy 2 tuổi

Ðời niên thiếu

Ngày mất nước ra đi, nó chưa đầy mười tuổi. Bốn năm đầu gia đình chúng tôi định cư ở Greenville, New York. Ba anh trai nó đi học trường xa, nay nó trở thành trai lớn trong gia đình, giúp tôi quán xuyến mọi công việc nặng nhọc, trong đó có việc xúc tuyết về mùa đông và cưa cây về mùa hè. Mùa đông tuyết rơi ngập đuờng sá, để xe cộ có thể lái ra đường, đi làm việc hay đi công chuyện, tôi và nó bắt buộc phải xúc tuyết các lối ra vào bằng xẻng, trong lúc dân địa phương dùng máy móc. Có bữa thấy mặt nó đỏ ửng vì lạnh, tôi bảo nó ngưng tay, vào nhà nghỉ ngơi, nó trả lời “Con chưa lạnh và chưa mệt” Ngoài trời tuyết lạnh, trong nhà thiếu ấm, mặc dầu nhà chúng tôi đang ở có hai hệ thống sưởi, một lò đốt dầu, một lò đốt củi, nhưng vì chúng tôi không đủ tiền cho chi phí này. Cảm thông nỗi thiếu thốn của gia đình chúng tôi, các nhà thờ và nhà giàu địa phương với vườn tược bát ngát, cây cối um tùm, đã cho phép chúng tôi vào vườn của họ thâu nhặt các cây gỗ chết, nên vào những ngày nắng ráo, tôi và nó thường hay vào cưa cây ở những vườn này, đem củi về đốt lò sưởi trong sáu tháng liền.

Có bữa hai cha con chúng tôi, vì không biết, nên bị cây độc (poison ivy) làm ngứa cả thân mình, chữa trị cả tháng không hết. Nay vết sẹo vẫn còn trên hai cánh tay nó, thấy mà đau lòng. Nó người nhỏ, sức yếu, nên nó đã nghĩ cách làm một cái xe chở gỗ bằng những khúc cây kết lại, rồi buộc dây kéo gỗ từ trong vườn ra ngoài đường. Không những thế, nó còn biết sửa chữa các máy móc trong nhà, hoặc chế biến hay ráp nối những cơ phận hư hỏng của các đồ chơi trẻ con bằng máy móc, thành những vật hữu dụng. Bởi vậy các anh nó đặt tên cúng cơm cho nó là *Thằng Beo*


Văn 10 tuổi

Ðầu tháng 8 năm 1979, gia đình chúng tôi trốn chốn lạnh lẽo khổ nhọc, dời về Houston, lúc đó nó vừa đúng mười bốn tuổi, một thiếu niên khỏe mạnh. Nó vừa đi học vừa đi làm cho hãng Handy Dan trước kia, chuyên bán những vật liệu làm nhà (hãng này sập tiệm bởi hãng Home Depot), nên việc sửa chữa nhà cửa nó rất rành. Nó tự thay quạt trần một mình không cần ai giúp đỡ, vừa cao, vừa nặng, trèo lên tụt xuống trần nhà vừa nhỏ hẹp vừa nóng cháy người. Cũng như nó tự ráp ván (paneling) cho phòng ăn một cách ngay ngắn thành thạo chỉ trong nửa ngày. Ngoài ra, nó còn tham gia vào những Ðội Thiếu Sinh Thiện Nguyện, được mặc đồ lính. Rất nhiều cuối tuần lễ, nó cùng toán Thiếu Niên này đi tìm kiếm những người mất tích và nhứt là đi kiếm tàu bay bị tai nạn trong các rừng sâu. Ðây là dấu hiệu báo trước về ý định nó muốn sau này trở thành một người lính phi công. Mỗi lần đã tìm thấy xác tàu bay bị nạn trong rừng, sau khi về nhà tuy mệt nhọc ðói khát và áo quần ýớt sũng, lẽ ra nó cần ãn uống và nghỉ ngõi, nhýng nó rất vui vẻ kể lại mạch lạc công tác khó nhọc vừa qua, mặc dầu nó là ðứa con ít nói nhứt nhà, và tỏ ý tán phục người phi công.

Ðời lính tráng

Năm đang học trung học vào những năm cuối, nó cũng như hầu hết mọi học sinh khác muốn tiếp tục học vấn, đều làm đơn xin vào các trường đại học. Chúng tôi cứ nghĩ rằng nó sẽ chọn một trong ba trường của Texas, như Ðại Học Houston, Ðại Học Austin hay Ðại Học Rice như các anh chị nó đang học. Nhưng năm 1983 sau khi ra trường Trung Học hàng thứ bảy trong lớp, nó báo cho chúng tôi biết là nó đã chọn trường Texas A&M. Chúng tôi rất đồng ý, vì đây cũng là một trường tốt của Texas. Ðến khi nó bảo trong bốn năm đại học, nó sẽ theo chương trình quân sự ROTC, ngành Marines tức là Ðoàn Huấn Luyện Sĩ Quan Trừ Bị, Thủy Quân Lục Chiến, nhà tôi hết sức ngạc nhiên, tôi cũng giao động, nhưng cố trấn an, hỏi “ Tại sao con chọn Quân Chủng khó khăn và có tiếng cực nhọc như vậy ?” “ Vì con thích” Nó trả lời không chút ngập ngừng và tiếp “ Con sẽ học lái tàu bay” Bây giờ đến phiên tôi há hốc mồm vì quá ngạc nhiên. Vì không những nó chọn Quâm Chủng đã khó, mà còn muốn trở thành một hoa tiêu của Thủy Quân Lục Chiến lại càng khó hơn, vì lực lượng không quân cơ hữu quá hạn chế, tức là số hoa tiêu được lựa chọn cũng ít hơn, tất nhiên tiêu chuẩn lựa chọn càng gắt gao hơn. Sau một vài phút bình tâm, tôi bèn nói “Nếu muốn trở thành một phi công, thì tại sao con không chọn Không Quân hay Hải Quân Không Quân có phần dễ dàng hơn vì có nhiều cơ hội”. Nó đáp “Con muốn là người Việt Nam, chứ không muốn là người Lào hay Cao Miên”. Nghe vậy, tôi mỉm cười, nó tưởng tôi chưa hiểu, nên giải thích thêm, rằng Thủy Quân Lục Chiến mới oai hùng như người Việt chúng ta, còn Hải Quân là Lào, Không Quân là Miên. Ða số quân nhân đều có thiên kiến, cho rằng Quân Binh chủng mình đang phục vụ là oai hùng hơn cả, nên thường nêu ra những ưu điểm trội nhứt của Quân Binh chủng mình, nhưng không ai có lối so sánh lệch lạc và trẻ con như con chúng tôi. Suy ra cũng không lấy chi làm lạ, vì nó còn quá trẻ, chưa đầy mười tám tuổi, suy nghĩ non nớt lại tiêm nhiễm những quảng cáo tuyên truyền trong đường lối tuyển mộ của Thủy Quân Lục Chiến. Như vậy chứng tỏ nó đã có định kiến và nay nhớ lại trong phòng ngũ của nó treo đầy những hình ảnh về Thủy Quân Lục Chiến. Tôi thấy không cần giải thích hay tranh luận gì thêm vì ước định của nó vừa mới bắt đầu, cần khuyến khích nó mới phải, nên tôi ôn tồn bảo “ Ừ, Thủy Quân Lục Chiến hay, cha mong con đạt được những gì như ý con nguyện” Nó không đáp lại, nhưng nhìn trong ánh mắt thấy nó vui, như vừa mới chinh phục được tôi.


Văn Cadet

Thời Sinh Viên Sĩ Quan

Ðầu năm học 1983-1984, chúng tôi chở nó đến trường Texas A&M ở College Station, cách Houston, nơi chúng tôi đang ở hai giờ lái xe. Thành phố College Station nhỏ mà có được một đại học to lớn với những địa ốc rải rác khắp nơi và số khóa sinh trên dưới bốn mươi lăm ngàn người, nên có thể nói được đây là thành phố Texas A&M vì mọi sinh hoạt và dịch vụ đều liên quan tới đại học này.

Chúng tôi giúp nó mang đồ đạc vào nơi lưu trú; thấy phòng ốc tuy chật hẹp, nhưng khang trang và đầy đủ tiện nghi, nên chúng tôi cũng an tâm. Trước khi ra về, chúng tôi an ủi nó đôi lời và dặn dò, nếu cần gì cứ gọi về nhà, chúng tôi sẽ thỏa mãn hay đến thăm vì kể ra cũng gần. Hai tuần lễ sau chẳng được tin con gọi về, nhà tôi sốt ruột, dục tôi chở đi thăm nó vào cuối tuần. Khi đến nơi, vừa bước xuống xe đã thấy nó đứng chờ sẵn ở bên ngoài phòng trại. Chúng tôi hết sức sững sờ khi nhìn thấy nó với đầu trọc là lẽ dĩ nhiên, nhưng hình hài nó hốc hác tiều tụy không thể ngờ được, nhà tôi vừa ôm nó vừa khóc và bảo tôi khuyên nó bỏ chương trình quân sự này đi, vì cho rằng chỉ mới một thời gian ngắn mà nó đã ốm o, hư hao như thế, không biết sau này nó có thể chịu đựng được không, sợ rằng sẽ ảnh hưởng tới vấn đề học văn hóa của nó. Tôi đã từng phục vụ Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân/Nha Trang trong một thời gian dài, nên rất thấu hiểu, đây là thời gian huấn nhục của các Sinh Viên Sĩ Quan của các Quân Trường. Tôi nói sơ qua cho nó biết về những khổ nhục gian lao trong mấy tuần lễ tới sẽ còn nặng nề hơn nữa. Rồi tôi hỏi “ Con có thể chịu đựng được không ?” Nó đáp không chút ngập ngừng “Con chịu đựng được” Tuy nghe nó nói cương quyết như vậy, ngay như tôi đã từng trải qua mà khi ra về cũng cảm thấy xót xa, huống nữa là nhà tôi, dĩ nhiên rất buồn.

Sau thời kỳ huấn nhục, nó cùng bảy bạn đồng khóa về nhà thăm chúng tôi. Nhà tôi rất mừng nay gặp lại con với hình hài khỏe mạnh, đầu đã được phép để tóc dài nửa phân. Nhà tôi làm bữa cơm thết đãi chúng nó với các món ăn thường như chả giò, cơm chiên và tôm rang muối. Khi ăn, chúng nó xin phép dùng tay bốc ăn một cách tự nhiên và rất lanh lẹ, ngay cả khi ăn cơm chiên. Vừa ăn, chúng nó vừa kể lại những hình thức huấn nhục trong thời gian qua, trong đó có chuyện lúc ngồi ăn là đáng ghi nhớ hơn cả. Khi ngồi vào bàn ăn, bụng đứa nào cũng đang đói cồn cào, nhưng các huấn luyện viên chưa cho ăn ngay, bắt phải ngồi đợi cả mươi phút, rồi hỏi “Các anh là ai ?”. Mọi sinh viên đồng thanh trả lời là “Cá”. Bây giờ tôi mới nhớ lại, nơi cửa phòng của các sinh viên đều có chữ FISH, ý muốn ví người lính THỦY Quân Lục Chiến nhanh nhẹn như kình ngư dưới nước, khó săn tìm hơn là cọp beo trên rừng. Thời gian ăn chỉ trong hai phút, khi nghe tiếng còi của huấn luyện viên, mọi sinh viên cùng đứng phắc dậy. Hèn gì mà phải ăn bốc, mới có thể no hay lưng lửng bụng; nếu dùng dao nĩa thì chắc chắn phải đói. Nhưng nào đâu đã hết, có khi đang ăn như vậy, huấn luyện viên, phần nhiều là các cán bộ thâm niên của khóa đàn anh, cầm cả dĩa đồ ăn nước đổ ngay vào cổ áo trước ngực hay sau lưng. Thật ra mục đích huấn nhục là tập cho người lính mới hay sinh viên sĩ quan biết nhẫn nhục với những điều trái ý hay bất công, hầu đem lại sự tuân hành mênh lệnh tuyệt đối. Phần hành xác là tập sự chịu đựng và dẻo dai. Có như thế mới đem lại sức mạnh khi lâm chiến là mọi người cùng đồng lòng thi hành mệnh lệnh của cấp chỉ huy. Có thể hành hạ sinh viên lao nhọc mất ngủ, nhưng không thể lấy thức ăn đỗ vào người, chẳng những dơ dáy mà làm cho người ta đói. Theo tôi, đây là một hành động tàn nhẫn, không chấp nhận được. Nếu con chúng tôi cho tôi biết sự việc này trong thời gian huấn nhục của nó, thì có lẽ nay nó không còn ở trong quân đội. Chính tôi cũng không ngờ lúc trước nó hư hao như vậy vì bao phen bị đói.

Những hình thức huấn nhục quá đáng này đã giết chết một sinh viên khóa của nó. Có một sinh viên sau khi chạy mấy vòng về đến đích đã gần đứt hơi, anh ta đi chầm chậm lờ đờ, nhưng các huấn luyện viên tưởng anh ta giả vờ để lánh phần tập luyện kế tiếp, nên đã mang anh ta vào phòng tắm tranh nhau dội nước vào người anh, có lẽ, có ý làm cho anh ta tỉnh, không ngờ anh ta chết ngay trước mặt mọi người. Báo chí địa phương kể cả Houston đều đăng tin không lành này, nên có một số phu huynh các sinh viên khóa này phản đối chương trình huấn nhục có tính cách dã man này. Sau vụ chết người này, vị sĩ quan cao cấp đặc trách và một số huấn luyện viên ngành Thủy Quân Lục Chiến/ Ðại Học Texas A&M bị đổi đi nơi khác. Tai nạn thứ hai chết người trên mười mấy sinh viên xảy ra mấy năm gần đây, lúc đó nó đã ra trường, nhưng chính nó và các bạn đồng khóa đã từng đóng góp mồ hôi và máu trong thời gian thụ huấn bốn năm, đó là tai nạn lửa trại, vì khiếm khuyết kỹ thuật chồng chất, làm sập tháp gỗ đè chết những sinh viên đang làm việc chung quanh. Hằng năm, Ðại Học Texas A&M có truyền thống đốt lửa trại (bonfire) vào mùa Thu cho sinh viên toàn trường vui chơi trong một đêm. Thời gian chuẩn bị trước đó, các sinh viên sĩ quan vào trong các rừng già đốn hằng mấy ngàn cây thông to bằng hai người ôm, đem về dựng nên hình cái tháp bốn từng, cao tới bảy mươi hai bộ (feet) . Trong lúc dựng tháp tuy có dùng cơ giới, ngoài ra toàn dùng sức người, khó nhọc biết bao, nặng nhọc nhứt là công việc chặt cây và khiêng vác, sinh viên người nào người nấy đều bị bầm vai, tuột da tay, bít tất dính trong chân và muỗi mòng cắn khắp thân người. Các bạn con chúng tôi khi ngồi ăn, nhắc lại chuyện này, đứa nào cũng thốt lên lời bất mãn hay chửi thề. Không những bằng ý tưởng, bằng lời nói mà bằng hành động; bảy sinh viên sĩ quan này đã rút lui khỏi chương trình ROTC này vì những sự hành xác quá đáng kia.

Hai tai nạn chết người này đã gây sôi nổi một dạo, không những ở địa phương mà toàn cả nước Mỷ. Từ đó đến nay, Ðại Học Texas A&M không còn đốt lửa trại hằng năm nữa, chương trình huấn nhục cũng cải tiến và chắc rằng Quân Ðội và Ðại Học Texas A&M đã phải bồi thường thiệt hại cho những gia đình nạn nhân trong hai tai nạn kia.

Ngoài ra, chương trình cơ bản thao diễn trong bốn năm rất khổ nhọc, nhứt là phần vừa diễn hành đội hình vừa bắt súng, các sinh viên nào cũng than van. Các phụ huynh và thân nhân của các sinh viên Ðại Học Texas A&M, không phân biệt quân sự hay không quân sự, hằng năm vào những ngày lể lớn như Ngày Chiến Sĩ hay ngày mãn khóa, đều nô nức đi xem chương trình này; các sinh viên sĩ quan biểu diễn một cách thuần thục và ngoạn mục chẳng khác gì những đội cơ bản thao diễn chuyên nghiệp. Các sinh viên sĩ quan không những đi đứng và bắt súng rập ràng mà quân phục cũng phải gọn gàn thẳng nếp, nhứt là đôi giày ống (boot) hết sức bóng loáng. Bởi vậy, mỗi lần về thăm nhà, con chúng tôi đều ôm kè kè theo mình một hộp carton lớn, trong đựng đôi bốt, chẳng khác gì như một vật báu, và hễ có thì giờ rãnh rỗi là nó đem giày ra đánh bóng ngay.


CH-53 (trực thăng lớn nhứt của QĐHK)

Thời gian huấn luyện phi hành

Cuối năm 1987 con chúng tôi ra trường sau bốn năm đại học vừa văn hóa vừa quân sự. Vợ chồng chúng tôi tham dự lễ ra trường, tôi được mời làm chứng lễ tuyên thệ của nó chính thức gia nhập Thủy Quân Lục Chiến, bằng cách cầm bản ghi các lời trung thành với tổ quốc Hoa Kỳ, đưa ra trước mặt cho nó đọc. Sau đó, nó được đưa đến Căn Cứ Quân Sự Hải Quân ở Pensacola để học bay. Ban đầu nó học bay trên T-34, sự huấn luyện bình thường, duy chỉ có một tai nạn suýt bỏ mạng, là hôm đó nó ngồi phía sau ôm nguyên một con ngỗng trời máu me tùm lum vì tàu bay đụng phải, bể kiếng chắn gió phòng lái. May mà tai nạn xảy ra gần phi trường nên cả thầy trò về đáp an toàn. Tiếp theo, nó học lái trực thăng trên H-57 và tốt nghiệp vào giữa năm 1990. Năm này bốn đứa con chúng tôi cùng ra trường bốn bực khác nhau, đứa y khoa, đứa đại học, đứa trung học và nó là trường bay. Ðại gia đình chúng tôi tham dự lễ mãn khóa của nó đông đảo hơn cả. Các thân nhân của các sĩ quan tốt nghiệp bay đều được phép thăm viếng căn cứ quân sự Pensacola. Bãi đậu san sát hai loại phi cơ T-34 và H-57. Các cháu nội ngoại chúng tôi được phép leo vào trong các phòng lái, đùa nghịch với tay lái Sau đó, chúng tôi dự lễ gắn cánh bay chính thức ở bên trong một hội trường. Lễ nghi đơn giản, nhưng rất ý nghĩa và cảm động. Cha mẹ hay người đỡ đầu được mời gắn cánh bay. Sau khi đã gắn cánh bay vào túi áo trên đại lễ phục trắng của các sĩ quan tốt nghiệp, các bậc trưởng thượng đều nắm bàn tay lại thật chặt thụi vào ngực con mình thật mạnh, theo tập tục. Vợ chồng chúng tôi cũng làm như thế, để chứng tỏ rằng con mình nay đã khôn lớn, có thể đứng vững giữa phong ba bảo táp.

Tham dự lễ gắn cánh bay này tôi rất xúc động, nhớ lại ngày mất nước ra đi, nó chưa đầy mười tuổi, không biết một chữ Anh văn, mà mười lăm năm sau trở thành một hoa tiêu trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, trải qua biết bao nhiêu gian lao thử thách. Con đường cam go này nó tự chọn cách nay bảy năm khi cha con chúng tôi bàn luận với nhau, ngày đầu nó bước chân vào đại học, tưởng rằng không đủ sức đi tới đích, vì trở ngại ngôn ngữ và sự chịu đựng về thể chất, không ngờ nay nó đạt được như ý nguyện. Phần tôi đã giã từ bay bổng, tưởng rằng không còn dính dấp gì nữa, không ngờ nay lại chính tay tôi gắn cánh bay cho con tôi. Ðây là một điều rất hãnh diện đối với tôi.

Trong thời gian thụ huấn phi hành, nó thường liên lạc với tôi bằng điện thoại, kể cho tôi nghe nhiều chuyện, ngoài chuyện bay bổng ra, nó còn cho tôi hay, sinh viên Smith, sinh viên Jones chưa tốt nghiệp mà chúng nó đã biết trước ngành chuyên môn, tức là loại phi cơ sẽ được bay và đơn vị sẽ phục vụ, vì cha mẹ chúng nó là nhân viên cao cấp trong chính quyền hay là sĩ quan cao cấp hay Tướng lãnh trong quân đội. Vừa nghe vậy, tôi hiểu nhầm nó cần sự cầu cạnh, vội hỏi “Con có cần cha giúp đỡ gì không ?” Nó đáp ngay “ Không, con không cần gì hết, miễn là được bay trục thăng, loại gì cũng được. Ðơn vị phục vụ, nơi nào cũng không sao”. Thì ra ở đâu cũng có sự gửi gắm, thiên lệch vì quyền thế.

Ðúng như lời con chúng tôi nói, trong lúc bên trong hội trường đang làm lễ gắn cánh bay, cho biết loại phi cơ sắp bay và đơn vị sắp đổi tới, thì ngoài kia đã có người viết lên kiếng sau của xe con chúng tôi với nét chữ rất lớn CH-53, Camp LeJeune. Ra đến ngoài bãi đậu xe, chúng tôi hết sức ngạc nhiên, khi nhìn thấy các chữ này, vì hồi nãy đâu có. Con chúng tôi rất vui mừng khi biết mình sẽ được lái CH-53, một loại trực thăng lớn, mạnh và đi nhanh, bấy lâu nó mơ ước. Còn Camp LeJeune ở North Carolina là căn cứ chính của Thủy Quân Lục Chiến xưa nay.

Ðời bay bổng

Ðổi tới đơn vị mới ở Camp LeJeune, NC, nó bắt đầu xuyên huấn trên CH-53 gần một năm trời mới trở thành hoa tiêu chính vào lúc có chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, dưới thời của Tổng Thống Bush Cha. Nó đi đổi quân (relay) nhằm lúc chiến tranh ở đây chấm dứt, vì chỉ đánh nhau chính thức có bốn ngày. Trong lúc đoàn quân nó gồm cả trực thăng được chở từ nội địa đến Vùng Vịnh mất cả tháng. Một cuộc chiến tranh mà các nhà vạch kế hoạch và các Tướng Lãnh Hoa kỳ tự hào rằng ngắn nhứt trong lịch sử chiến tranh thế giới, nhưng thực ra, sự chuẩn bị và chuyển quân trước đó mất cả năm. Trở về từ Vùng Vịnh, nay nó tập bay hành quân ở sa mạc vùng Nam California giáp giới với Nevada. Mỗi kỳ thực tập như vậy kéo dài cả hai hay ba tháng, chịu trận với khí hậu và sương gió, ban ngày có hôm nóng tới 120 độ F , ban đêm xuống còn 40 độ F, gió có khi thổi ba bốn chục miles một giờ, bụi mù trời làm áo quần dơ bẩn, thân thể rít rát. Rồi đến phần tập hành quân thủy bộ, sinh sống hằng tháng trên những chiến hạm chật hẹp và nóng bức, có khi bắt buộc phải sinh hoạt gần buồng máy, nóng trên 120 độ F, lại cọng thêm mùi dầu cặn rất khó chịu, muốn nôn. Những giờ phút chịu cực nhọc như vậy, nó xem báo chí thấy các phạm nhân đòi hỏi đủ điều về tiện nghi ăn ở; nó bảo tại sao chính quyền không đưa các phạm nhân ấy xuống chiến hạm hay đến sa mạc sinh sống với lính, để cho các phạm nhân hiểu rằng đời sống vật chất của chúng nó trong tù sung sướng hơn lính khi thực tập hay hành quân. Trong những lần tập trên đại dương, nó có dịp sinh hoạt với đoàn viên tàu ngầm mấy tuần lễ. Những lần thực tập hành quân hỗn hợp, nó gặp rất nhiều lính Phi (Phi Luật Tân) trên tàu thủy, hễ rảnh rang là họ chơi mạt chược, chẳng khác nào như trước kia nhân viên phi hành thường hay xoa trong những lúc trực hành quân, để cho đầu óc bớt căng thẳng và thì giờ qua mau.

Trong công tác thường nhật có những lần đi tiếp nhận tàu bay từ nơi xa. Có mấy lần nó đi lấy tàu bay từ bên California về North Carolina, phải dừng lại nhiều nơi để tiếp tế xăng, trong đó có trạm dừng chân ở phi trường Ellington Field, cách nhà chúng tôi ở chưa đầy một mile, nên chúng tôi đón nó đi ăn trưa và có dịp quan sát chiếc CH-53 bên trong bên ngoài một cách tỉ mỉ. Từ trước tới nay, chỉ nghe nó tả về trực thăng nó đang bay với những đặc tính như hình thù to lớn, máy mạnh và bay nhanh, tôi chỉ mường tượng, nay mới thấy tận mắt. CH-53 đúng là một chiếc trực thăng khổng lồ.

Trong một phi vụ không hành bằng đội hình bốn trực thăng, nó may mắn thoát chết thật lạ lùng. Khi đi, vô sự. Khi về, có một bạn hoa tiêu rất ngại bay với cấp chỉ huy, vì ông ta khó tính, nên xin hoán chuyển phi hành đoàn với nó. Là kẻ vô thưởng, vô phạt, nó bay với ai cũng được, nên bằng lòng. Trên đường bay từ Florida trở về North Carolina, phi cơ anh ta dẫn đầu bay với một vị Thiếu Tá, bị nổ tung ngay trước mặt, khi nó đang bay bên cánh phải. Sau đó cả đội hình đáp ở một phi trường khẩn cấp thuộc South Carolina và vị chỉ huy đã xin hoa tiêu thay thế và phi cơ vận tải chở ông ta về Camp LeJeune, North Carolina. Nhưng nó đã xin tình nguyện bay với các phi hành đoàn khác. Sau một hồi suy nghĩ, vị chỉ huy đổi ý và cùng nó tiếp tục bay về bằng trực thăng. Phi cơ vận tải nay chỉ chở các quân nhân không phi hành. Điều nó ngại bay với mấy vị sĩ quan cao cấp tham mưu không phải vì khó tính hay dễ tính, mà vì vấn đề kỹ thuật; các vị này ngồi văn phòng lâu ngày, thỉnh thoảng mới bay cho đủ giờ ấn định hằng năm, nên bay rất loạng quạng, nhất là khi thực tập đáp trên tàu thủy. Nó bảo, bay với mấy vị này còn khó khăn hơn bay với mấy hoa tiêu mới ra trường vừa đổi tới đơn vị cần xác nhận hành quân.

Nguyên nhân tai nạn, một con ốc ở trục quay bị gẫy, mặc dầu chiếc trực thăng này vừa mới nhận lãnh cách đấy sáu tháng. Sau tai nạn này, các CH-53 ngưng bay trong mấy tháng để xem xét lại và tu sửa. Cũng nhân về vụ này, tôi có hỏi về vấn đề bảo trì, nó cho biết khả dụng phi cơ tối đa là 75%, có khi chỉ 50%. Ðôi khi khẩn cấp cũng có tháo các bộ phận tốt của các phi cơ đang đợi bảo trì để ráp hay sửa chữa cho các phi cơ cần thiêt khác, vì thiếu cơ phận thay thế, có khi phải chờ hằng mấy tháng.


Văn với CH-53

Đầu năm 1992, nó đi thực tập nơi vùng tuyết lạnh ở Na Uy. Ngày lên đường nhằm lúc nhà tôi đau nặng, tưởng rằng không qua khỏi, nhưng tôi đã không giữ nó ở lại, vẫn để nó ra đi, vì đây là cơ hội hiếm có. Tôi nghĩ rằng, dẫu nó có ở lại cũng không làm thay đổi bệnh trạng nhà tôi. Ba tháng sau, thực tập xong, trong khi trở về, đi theo đoàn quân mất cả tháng, nên tôi đã làm đơn xin cho nó trở về trước, đồng thời tôi có nói chuyện bằng điện thoại với cấp chỉ huy trực tiếp của nó. Một điều làm tôi khó chịu, là sau khi tôi đã xưng danh và nói liên hệ cha con, nhưng vị chỉ huy của nó bảo tôi phải làm đơn qua Red Cross ở địa phương, họ mới đồng ý. Tôi đành làm theo thủ tục, con tôi liền được chấp thuận cho ra về trước. Và vị chỉ huy của nó điện thoại báo cho tôi hay ngày phi cơ quân sự đưa nó đến Luân Ðôn, rồi từ đó nó mua vé máy bay dân sự bay về Houston. Thời gian hai tuần lễ nó về thăm, nhà tôi vẫn còn mê man, ngày nào nó cũng ở trong nhà thương bên giường bệnh nhà tôi cho tới khi hết giờ thăm viếng bệnh nhân, nó mới ra về. Những lần phép trước và sau này, nó chỉ nằm nhà, ngủ cả ngày một cách say sưa, có khi nửa thân trên divan, nửa dưới sàn nhà.Chỉ thức khi giờ ăn hay bị các cháu phá rầy, bắt bồng ẵm hay đưa chúng đi xinê. Nó rất hiền và thương cháu, đến đỗi tôi phải can thiệp, bảo các cháu để cho chú ngủ. Trong hai tuần lễ cha con gặp nhau với tâm trạng buồn phiền, nó chỉ kể cho tôi nghe một chuyện về một trực thăng bị lún tuyết vào ngày nó rời bãi tập, và không rõ sau đó như thế nào.

Học Chỉ Huy & Tham Mưu

Sau khi thực tập hành quân trên sa mạc, trên vùng tuyết băng và thủy bộ, cuối năm 1992 nó theo học khóa Chỉ Huy & Tham Mưu trung cấp. Tháng Ba năm 1993 ra trường, nó được cắt cử hành quân ở Somalia trong chiến dịch dẹp loạn đoàn quân của Tướng Adi Amin, nhưng không thành công. Ðến tháng Mười năm ấy, hết nhiệm kỳ sáu tháng, toán quân của nó được rút về, giao công tác lại cho Bộ Binh. Một số lính Bộ Binh này bị giết. Tướng Amin muốn bêu xấu, đã cho lôi xác một tử sĩ này ra ngoài đường cho dân chúng Somalia chà đạp. Hành động man rợ này đã khích động tâm lý dân chúng Hoa Kỳ nói chung và làm đau lòng biết mấy các thân nhân của tử sĩ kia, nói riêng. Nhưng chính phủ Hoa kỳ cũng đành bó tay. Sau đó rút đoàn lính Bộ Binh kia về, mặc cho dân chúng Somalia tự giải quyết lấy. Riêng tôi vì cảm xúc vụ này, đã có ghi lại trong bài viết của tôi “ Khổ Tâm Ðời Lính”. Tôi xin ghi lại một đoạn đối thoại giữa cha con chúng tôi. Con tôi nói:
“-Cha có thấy trên TV xác một lính Mỷ bị bọn Somalia kéo ra ngoài đường và chà đạp lên người không ?
-Ừ, cha có thấy. Tôi đáp.
-Tụi Somalia dã man chi lạ. Tụi không quân Bộ Binh thay thế tụi con ở Somalia, chúng nó giỏi lắm, mà sao làm việc nhút nhát, bậy bạ như thế. Nếu là tụi con (Thủy Quân Lục Chiến) thì thế nào cũng lấy xác về bằng mọi cách.
-Ừ, cha cũng đồng ý với con. Và cha chắc rằng các cấp chỉ huy liên hệ cũng nghĩ như chúng ta, đã tìm mọi phương cách thu hồi xác nhưng không thực hiện được. Có ai thấy đồng đội mình lâm nguy mà không cứu ? Có cấp chỉ huy nào thấy thuộc hạ mình tử trận mà không tìm cách đem xác về ? Chẳng qua là vì ngoài khả năng mà thôi. Nhìn cảnh tượng kia, con có cảm nghĩ gì ?
-Con thấy bực mình lắm và rất tội nghiệp cho anh lính kia.
-Nhìn xác kia, con xót thương bạn đồng ngũ và tức giận dân Somalia. Vậy thân nhân kẻ tử sĩ kia đau đớn biết chừng nào. Riêng cấp chỉ huy trực tiếp và liên hệ khổ tâm biết mấy. Nay con mới cấp Úy thừa hành, sau này thăng lên cấp cao, chức vụ lớn, trách nhiệm nặng nề, con sẽ hết sức khổ tâm khi phải đối đầu với những trường hợp tương tự. “

Một điều ngạc nhiên, con chúng tôi cho hay, là con của ông Tướng Amin là một Trung Sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, sau đó giải ngũ về giúp cha mình. Suy nghĩ kỹ, thì đây là chìa khóa Hoa Kỳ dàn xếp vụ Somalia.

Sau chiến dịch Somalia trở về, nó theo học khóa Mưu Sinh & Thoát Hiểm. Hằng ngày phải mang chín mươi cân (lbs) hành lý, leo rừng lội suối, vào những ngày nắng trên 100 độ F, bắt buộc phải uống hết một gallon nước trước khi khởi hành, nếu không, thì không thể chịu nổi, vì suốt hành trình dẫu có chết khát cũng mặc; nằm quỵ ở đó, người ta sẽ khiêng về, dĩ nhiên là trượt (fail) khóa học. Nóng đến đổi có hôm bình nước lạnh mang trong người trở thành bình nước nóng, và bít tất dính nơi da chân cởi không ra. Trong chương trình học tập, có phần thả ra ngoài biển, khóa sinh mang quân phục cả giày nặng, tự bơi vào bờ hằng dặm. Và một toán năm người, phải tự túc sinh sống trong rừng một tuần lễ. Nhằm nơi không có trái cây, phải ăn rau cỏ và thịt rắn. Vào ngày chót, có tàu bay thả cho năm miếng thịt bò khô (beef jerky) cho năm người, nhưng có một khóa sinh ví quá đói đã ăn hai miếng, còn lại ba miếng, bốn khóa sinh chia nhau. Sự việc này nếu nói lại cho trường nghe, thì khóa sinh kia bị đuổi khỏi khóa học ngay. Không biết chuyện dấu nhẹm này có lợi hay có hại cho khóa sinh kia.

Mãn khóa Mưu Sinh & Thoát Hiểm, nó tham gia chiến dịch Haiti, với tư cách là một Ðiều Không Tiền Tuyến (FAC), đưa một Linh Mục cựu Tổng Thống bị truất phế trở lại ngôi vị cũ. Bỏ ra ngoài vấn đề chính trị. Báo chí thường đăng tin, rằng quân lính Mỹ mỗi khi hành quân bình định ở các nước ngoài, chỉ nổ súng trường hợp tự vệ mà thôi, nghĩa là có bị bắn trước mới có quyền bắn trả. Tôi có hỏi nó về lệnh này. Nó bảo “ Tụi con mỗi khi vào đất liền, hễ thấy nghi ngờ là bắn ngay, để bảo vệ sinh mạng trước đã. Nếu không, để chúng nó bắn trước, mình mất mạng rồi, đâu còn cơ hội bắn trả”. Và nó đã nêu ra trường hợp khi đổ bộ vào bờ Haiti, thấy mấy tay chạy lui chạy tới có vẻ khả nghi, là bắn ngay. Thì ra, đây là một cách tuyên truyền, cho rằng quân đội Hoa Kỳ là một quân đội hòa bình, chứ không phải hiếu chiến, chỉ bắn trả để tự vệ mà thôi.

Trong chiến dịch Bosnia, nó ở hậu cứ, nhiều lần thay mặt đơn vi trưởng đến chia buồn với những gia đình có con hoặc thân nhân tử trận từ các chiến dịch bên ngoài điện về. Không ngờ những điều nó thắc mắc cách đấy có mấy năm khi còn mang cấp Úy, thì nay nó phải hành xử. Nó bảo công tác đến chia buồn với các gia đình tử sĩ khó khăn hơn là công tác hành quân ở ngoài mặt trận.


Văn, Thiếu Tá

Bị thương

Christmas năm 1998, như thường lệ, tôi ra phi trường đón con chúng tôi về phép. Khi nhìn thấy nó từ trong cửa phi trường đi ra chầm chậm; khi gặp tôi, nó nhếch miệng cười có vẻ miễn cưỡng, không hớn hở như mọi khi. Tôi tưởng rằng nó không được khỏe, cũng là chuyện bình thường, nên không quan tâm. Khi về đến nhà, ngồi vào ghế dài trong chốc lát, nó liền nằm xuống nghỉ ngơi có vẻ mệt nhọc. Tôi hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy vết thương trên đầu nó. Gạn hỏi, nó bảo nó bị thương nặng, nhưng vì nhà tôi đau, sợ xúc động có hại cho sức khỏe, nên tất cả con cái trong gia đình đều không cho hai vợ chồng chúng tôi biết về tin chẳng lành này. Thật hết sức đau buồn khi nghe nó kể lại câu chuyện rủi ro sau đây.

Cuối năm 1998, nhân cuộc công du của Tổng thống Bill Clinton đến mấy nước Nam Mỹ, Phi Ðoàn nó được cắt cử một số phi cơ và phi hành đoàn tháp tùng, như một thành phần trừ bị hay thay thế (back up) khi hữu sự, thì đúng hơn. Khi đến Colombia, toán lính của nó trú ngụ trong một khách sạn ngoài phố, gần dinh thự Tổng thống, nơi đang diễn ra cuộc hội đàm giữa hai Tổng thống Hoa-Kỳ và Colombia. Trong thời gian nghỉ ngơi, toán lính Thủy Quân Lục Chiến phá phách trong khách sạn; là cấp chỉ huy, nó đi can thiệp, bị ngay một mảnh sắt trúng ngay vào đầu, bị thương rất nặng. Nhằm lúc cuộc hội nghị đang tiến hành, nhưng Tổng Thống Bill Clinton đã cho phép vị y sĩ riêng của mình tháp tùng theo chiếc phi cơ đặc biệt đưa con chúng tôi về trước, để chữa trị tại nhà thương Hải Quân ở WDC.

Giờ đây tôi mới nhớ lại những gì nó đã nói với tôi về tinh thần vô kỷ luật của lính Thủy Quân Lục Chiến. Lính đã từng bắn chết cấp chỉ huy ngay ở văn phòng. Nó nói “Con sợ có ngày con chết vì đạn của lính dưới quyền con bắn bậy, khi con can thiệp chúng nó đang đánh lộn” Và chính nó cũng đã từng được các cấp chỉ huy kinh nghiệm khuyên nó phải hết sức cẩn thận, mỗi khi muốn can thiệp các vụ đánh lộn của lính tráng, cần có Quân Cảnh và khí giới đi theo. Vì đã nhiều lần, nghe tin lính đánh lộn, nó một mình, vì sợ trách nhiệm, nên tới hiện trường ngay để mong giải quyết sớm. Nay ở xứ ngoài, không có Quân Cảnh đi theo, nên nó đã bị thương như nó đã từng e ngại, nhưng không cách gì tránh được.

Việc chữa trị một năm thì lành, nhưng cần thêm một năm nữa mới đủ sức khỏe để có thể bay lại. Trong hai năm này, đối với nó là cả một thới gian phấn đấu rất gian lao, tưởng chừng như bỏ cuộc. Phần chống chọi với vết thương đầu, phần phải trải qua không biết bao lần khám nghiệm sức khỏe nhân viên phi hành. Lợi dụng thời gian nghỉ bay này, nó theo khóa Chỉ Huy & Tham Mưu cao cấp. Sau khi tốt nghiệp, nó được đổi đi Nam Hàn hai năm làm Sĩ Quan Liên Lạc giữa quân đội Hoa Kỳ và quân đội Nam Hàn. Hai năm làm việc ở đây rất cực nhọc về phần hành tham mưu, họp hành liên miên. Hằng tháng đều có các phái đoàn quân sự từ nội địa Hoa Kỳ đến thăm viếng Nam Hàn, nên cần phải chuẩn bị các tài liệu thuyết trình cho cấp chỉ huy quân sự Hoa Kỳ tòng sự tại Nam Hàn hết sức chu đáo. Nó đã từng nói với tôi “Hết nhiệm kỳ ở Nam Hàn, con ra đi ngay, không ở lại một phút”. Và nó đã thực hành thật, bằng cách xin nghỉ phép hằng năm vào thời gian đang còn ở Nam Hàn để rút ngắn thời gian phục vụ tại đây, thay vì năm chót về nội địa Hoa- Kỳ rồi mới nghỉ phép.


Văn với dạ phục Trung Tá

Thời gian không được bay vì lý do sức khỏe, lại phải đảm trách công việc tham mưu nặng nề, trung bình mỗi ngày phải làm việc mười hai giờ đồng hồ, thay vi thông thường ai cũng buồn chán, nhưng nó vẫn hy vọng một ngày nào đó nó sẽ được bay lại. Ước nguyện này đã đến với nó khi nó đang nghỉ phép thường niên ở Sydney, Úc Châu vào tháng 6 năm 2002. Báo tin mừng này với tôi, nó rất hớn hở không những về những ngày bay bổng sắp tới, mà còn cảm thấy sung sướng vì nay sức khỏe đã bình phục như một nhân viên phi hành. Hết phép, trở về nội địa, đổi đến đơn vị mới, nó phải bay lại trong thời gian sáu tháng để được xác nhận hành quân. Christmas 2002 vừa qua, nó về nhà nghỉ phép với đại gia đình chúng tôi đúng một tuần lễ. Ngày 1 tháng 1 năm 2003, nó trở về đơn vị để chuẩn bị lên đường, vì nay nó còn kiêm luôn cả sĩ quan bảo trì nữa. Ðiều này đối với tôi là một điều lạ, nhưng nó cho biết, đã là sĩ quan cao cấp của Thủy Quân Lục Chiến thì phải đa năng. Ngày 22 tháng 1 năm 2003, nó gửi một điện thư, báo cho mọi người trong đại gia đình chúng tôi biết nó lên đường. Nó bảo trong ba tuần lễ vừa qua nó rất háo hức về việc xuất hành và nhứt là rất bận rộn về sắp xếp và chuyển vận những đồ nghề và cơ giới cho việc bảo trì phi cơ. Bởi rằng, trong quá khứ, phi đoàn nó đã gặp trở ngại về bảo trì, vì khi ra đi đã quên mang theo một đồ nghề sửa chữa đặc biệt, nên cả phi đoàn phải ngưng bay trong bốn ngày. Riêng quân trang cá nhân nó cũng trên 200 lbs, mà nó nghĩ rằng e cũng đang còn thiếu một vài thứ, sẽ tính liệu sau. Hai tuần lễ sau ngày khởi hành, nó gửi điện thư về cho gia đình biết là đang ở trên một chiến hạm tiến về Vùng Vịnh Ba Tư, kèm theo hình ảnh nó đang ngồi trong tàu thủy. Và bảo rằng, những ngày sắp tới là thời gian yên lặng, mọi thư từ hay tin tức sẽ bị ngưng. Sự kiện này chứng tỏ đơn vị nó đang tiến sát vào vùng chiến.

Từ hôm nó ra đi đến nay đúng sáu tuần lễ, trong thời gian này, qua tin tức báo chí, qua bài diễn văn và buổi họp báo của Tổng Thống Bush đối với đồng bào và giới truyền thông Hoa Kỳ, cho thấy rằng chính phủ Hoa Kỳ đang gặp trở ngại trong vấn đề chiến tranh với Irak, trong đó có trở ngại về rải quân, (deployment) là đưa lực lượng quân sự đến trú đóng gần vùng chiến, mà địa điểm thuận lợi nhứt là xứ Thổ Nhỉ Kỳ, nhưng nước này đã khước từ, mặc dầu Hoa Kỳ cam kết chịu bồi thường 26 tỉ đô la. Cho nên chúng ta có thể khẳng định đa số tiềm lực quân sự của Hoa Kỳ, trong đó có phi đoàn con chúng tôi phục vụ, đang lênh đênh trên đại dương ở Vùng Vịnh Ba Tư.

Tôi biết rằng, viết và khen ngợi con mình là điều không hay, vì rằng nhiều gia đình Việt Nam tỵ nạn nói chung và các gia đình Không Quân nói riêng, cũng có con cái đang phục vụ trong Quân Ðội Hoa Kỳ, không những một đứa mà đến ba bốn đứa, mang cấp bực cao hơn con chúng tôi nữa. Những đứa con khác của chúng tôi, đứa nào, về văn hóa cũng học cao hơn đứa con lính này, nhưng tại sao tôi lại viết về nó, vì nó là đứa con ngoan hiền nhứt nhà, nhưng đã có một ý chí sắt đá và kiên trì, một mình tự phấn đấu để vươn lên. Khi vào quân đội, nó đã chọn Thủy Quân Lục Chiến, quân binh chủng khổ cực nhứt, để làm binh nghiệp của mình.

Hơn nữa, viết về con chúng tôi đang phục vụ trong quân đội, để hé mở cho chúng ta biết rằng, quân đội nào trên địa cầu này, ngay cả quân đội Hoa Kỳ, một quân đội tự hào tân tiến, dân chủ và kỷ luật nhứt thế giới, nhưng cũng không ngoại lệ, cũng có những vấn đề khó khăn và khuyết điểm của nó, như : kỷ luật, huấn luyện, chỉ huy, bay bổng, kỹ thuật và tư vị vì quyền thế.

Con cái chúng ta, thế hệ thứ hai, sau hai mươi tám năm sống tại Hoa Kỳ này, đa số đã thành công trong vấn đề học vấn, đã đóng góp một phần cho sự thịnh vượng của xứ sở này về mọi lãnh vực, nhưng đóng góp về xương máu là quí giá và thiết thực hơn cả. Tuy con chúng tôi không thật sự đổ máu ở chiến trường, nhưng nó cũng bị thương tích vì công vụ và đã chảy không biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt ở các chiến dịch khắp thế giới. Nó đã thay cho đại gia đình chúng tôi đền đáp ân tình của dân tộc và xứ sở Hoa Kỳ này, đã cưu mang chúng tôi trong bước đường tỵ nạn lưu vong từ trước đến nay. Và đây cũng là niềm hãnh diện gia đình, há không đáng nói lên sao ?

Ngày 7 tháng 3 năm 2003.


Cha gắn cánh bay cho Văn, ngày Văn tốt nghiệp trường bay ở Pensacola


Trần Phước


--------------------
“Vì Danh Dự Dân Tộc: Chống giặc Tàu.
Vì tương lai Dân Tộc: khai tử tập đoàn bán nước Việt Cộng”


Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 29th March 2024 - 05:21 AM