Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Bùi Bảo Trúc, PhamAnhDung
PhuDung
post Jan 6 2017, 06:08 PM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 2,169
Joined: 17-December 08
Member No.: 1,269
Country




Bùi Bảo Trúc


BÙI BẢO TRÚC
(1944-2016)

Ông sinh năm 1944 tại làng Trình Phổ, tỉnh Thái Bình. Đi học ở tỉnh Hải Phòng năm 1952, sau lại dời lên Hà Nội vào năm 1953 để theo học Tiểu học tại trường Lý Thường Kiệt nằm ở phố Sinh Từ. Thời gian này ông cư ngụ ở ngõ Yên Sơn, đối diện với Chùa Bà Ngô, là một ngôi chùa nhỏ kế cận Văn Miếu, tức Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ông thường nói ông đã từng có tuổi thơ vui đùa chạy nhẩy trong Văn Miếu với những cây muỗm cây xoài rậm rạp và những con rùa đội bia tiến sĩ ở nơi này.

Năm 1954 ông di cư theo gia đình vào Nam, theo học nốt chương trình bậc Tiểu học ở trường Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn, sau đó tiếp tục bậc Trung học ở trường Chu Văn An, và tốt nghiệp Tú tài Toàn phần, Ban C năm 1963.

Sau đó ông du học ở Tân Tây Lan (New Zealand) và trở về nước năm 1965 để dạy Anh ngữ ở Hội Việt Mỹ và trường London School của giáo sư Nguyễn Ngọc Linh.

Thời gian sau ông qua làm việc với Phủ Tổng Ủy Dân Vận và Chiêu Hồi của ông Hoàng Đức Nhã.

Năm 1973 ông đảm nhiệm chức vụ phát ngôn viên chính phủ, mà trong cương vị này, với khả năng Anh ngữ lưu loát, ông đã đối phó với nhiều ký giả ngoại quốc một cách thích đáng và hữu hiệu để bảo vệ lập trường của Việt Nam Cộng Hòa trong tình thế khẩn trương – Hồi đó, do cuộc chiến càng lên cao độ, ký giả ngoại quốc càng hay soi mói, đặt ra nhiều vấn đề.

Năm 1974, ông làm việc tại Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Anh Quốc, và sau biến cố tháng 4-1975, ông qua Canada vào tháng 6 cùng năm.

Năm 1977 ông làm việc cho đài VOA ở Hoa Thịnh Đốn cho đến năm 2001 thì nghỉ hưu. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục viết loạt bài Thư Gửi Bạn Ta cho nhiều báo, được rất đông độc giả tán thưởng.

Ông cũng cộng tác với đài Little Saigon Radio, Hồn Việt TV trong hai chương trình Ngày Này Năm Xưa, Chào Hoàng Hôn mỗi ngày, và Anh Ngữ Trong Đời Sống hằng tuần.

Sau vài tháng trở bệnh, ông từ giã cõi trần hồi 11:45 pm hôm 16-12-2016 tại Fountain Valley, California.

____________________________________________________________________

CÁO PHÓ

Tôi không nhớ đã đọc cái cáo phó đầu tiên hồi nào nhưng chắc không phải ở Hà Nội. Hồi ấy (trước năm 1954) ở Hà Nội chỉ có hai tờ nhật báo là tờ Tia Sáng và tờ Giang Sơn mà tôi (mới biết “đọc báo” ) cầm chúng lên, ở tuổi lên 8 hay lên 9, tôi chỉ thích xem những bức hí họa của hai họa sĩ Mạnh Quỳnh và Dzuy Nhất cùng với những truyện bằng tranh mà phòng thông tin Hoa Kỳ cung cấp cho các báo này, trong đó có một truyện tuyên truyền chống Cộng rất hấp dẫn của George Orwell, Trại Thú Vật (Animal Farm). Thỉnh thoảng tôi cũng tò mò đọc những bản tin về chiến sự và nhờ đó, biết lơ mơ về những trận đánh ở Na Sản, Cánh Đồng Chum, Điện Biên Phủ, rồi hội chợ ở Bờ Hồ, đức Quốc Trưởng Bảo Đại đi đâu, làm gì… Nhưng những mẩu cáo phó thì không và cũng vì hình như chúng rất ít thì phải. Ngay hồi chú tôi tử trận ở Đại Đồng, Bùi Chu năm 1954 gia đình tôi cũng không đăng cáo phó trên hai tờ Tia Sáng và Giang Sơn ở Hà Nội. Có lẽ phải tới khi vào Sài Gòn khoảng cuối những năm 50 tôi mới đọc những thứ tin này.
Tôi không biết những tờ báo tiên phong của nền báo chí Việt Nam có đăng những cáo phó không, nhưng khi tôi biết đọc “nhựt trình” thì chúng đã có rồi, khoảng những năm cuối của thập niên 50 ở Sài Gòn. Rất tiếc cụ Vương Hồng Sển không còn nữa để hỏi cụ.
Phải tới khoảng giữa những năm 50 tôi mới tìm đọc chúng. Cáo phó là thông báo về sự qua đời của một người mà gia đình của người đó muốn gửi tới bạn bè và quyến thuộc. Nhưng chúng được viết theo một lối văn đặc biệt không biết ai là người đầu tiên viết xuống để sau đó được những người khác viết theo. Có thể trong lúc tang gia bối rối, gia đình không có thì giờ cho câu cú văn chương để viết mẩu tin thông báo chuyện buồn của gia đình. Thế là cứ theo những cáo phó đã đọc thấy trước và viết lại.
Chính vì thế mà tôi tìm đọc chúng trên những tờ báo hồi ấy. Và cũng đó mà lần đầu tiên tôi biết những từ ngữ như vãng sinh miền cực lạc, qui tiên, phiêu diêu nơi tiên cảnh, hưởng nhan Thánh Chúa…

Bẵng đi mấy năm không ở trong nước, không đọc báo Việt ngữ, đến khi đọc lại báo chí trong nước, thì bỗng một hôm đọc thấy tên một người bạn cũ thời trung học. Người bạn này nhập ngũ sau khi hỏng kỳ thi tú tài. Sau đó thỉnh thoảng chàng trở lại trường thăm bạn bè. Có người đùa chúc chàng sớm vinh thăng lon mới. Và ít lâu sau, chàng được vinh thăng thật. Rồi xuất hiện trong những cáo phó những từ ngữ mới như truy thăng, anh dũng hy sinh, truy tặng bảo quốc huân chương với nhành dương liễu…
Thế là những mẩu cáo phó lại nghe khác hẳn những cáo phó vẫn đọc được trước đó. Và cũng từ đó, tôi chú ý đọc chúng thường hơn. Đó là trong những buổi chiều tan sở ngồi ở một quán cà phê đọc mấy tờ báo vừa phát hành.

Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt thì những trang cáo phó càng nhiều tên tuổi hơn. Và tuổi tác của người chết cũng gần với tôi nhiều hơn. Có những người hơn hai hay ba tuổi, có những người bằng tuổi và có những người thua vài tuổi. Có những người chưa vợ con và có những người để lại mấy đứa con còn rất nhỏ. Đó là những mẩu cáo phó của thời chiến. Cuộc chiến càng dữ dội cuối thập niên 60 và đầu những năm 70 thi những cáo phó như thế càng đọc thấy nhiều hơn. Tuổi của những người ra đi cũng xấp xỉ tuổi của tôi hồi ấy.

Rồi bẵng đi một vài năm sống ở Mỹ, tôi bỗng thấy trong những tin cáo phó đọc thấy trên mấy tờ báo Việt ngữ, tuổi tác của những người ra đi rất gần với tuổi của mình trong hoàn cảnh không còn chiến tranh tang tóc nữa. Lác đác không còn nhiều những trướng hợp hưởng dương dưới 50 tuổi nữa mà đã được coi là hưởng thọ nghĩa là đã sống được trên tuổi 50. Rồi thoắt một cái, những cái tuổi trên 60 cũng ập tới, và nay, những tuổi trên 70 cũng trở thành rất thường. Thỉnh thoảng lại thấy tên một người bạn vừa gặp vài tháng trước.

Nhưng vẫn có một cách viết cáo phó tôi thấy rất kỳ lạ. Đó là những câu như “… đau đớn báo tin XYZ đã được Chúa gọi về…”Tôi nghĩ là được Chúa gọi về phải là một hạnh phúc, môt ân sủng thì tại sao gia đình phải đau đớn ? Tôi có đem hỏi một linh mục thì được ngài cho biết nói như vậy là không đúng. Chúa không bao giờ muốn con của người phải chịu những khổ đau. Nhưng một bữa tôi đã bị một người đàn ông phản bác kịch liệt nói rằng bài báo tôi viết đề cập tới chuyện đó là xúc phạm tới tôn giáo của ông và tôi hoàn toàn sai lầm mặc dù tôi có dẫn lờì của linh mục T.Q.T. nay đã khuất.
Mấy chục năm đọc những cáo phó từ khi những người ra đi hơn tuổi, rồi bằng tuổi và nay là những người ít tuổi hơn có khi cả chục tuổi. Một ông bạn tôi tuần trước viết cho cái e-mail và kết bằng câu “Chẳng cũng khoái ư!”
Nghe cứ như Nguyễn Hiến Lê dịch Lâm Ngữ Đường vậy.

BÙI BẢO TRÚC – August 26, 2016

Nguồn : FB PhamAnhDung


--------------------
-------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 13th November 2024 - 08:17 PM