Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Nhà tiên tri Mỹ Edgar Cayce và nhân quả luân hồi, Hoàng Thị Quỳnh Hoa
PhuDung
post Nov 23 2020, 12:25 PM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 2,169
Joined: 17-December 08
Member No.: 1,269
Country




Nhà tiên tri Mỹ Edgar Cayce và nhân quả luân hồi


Nhân quả luân hồi ngày nay không còn xa lạ đối với xã hội Tây phương nữa. Dù không phải Phật giáo hay Ấn giáo – hai tôn giáo của phương Đông nói về luân hồi từ mấy ngàn năm – người Âu Mỹ cũng tìm hiểu và tin chết không phải là hết vì họ đã được đọc nhiều tác phẩm đưa ra những trường hợp người lớn, trẻ con nhớ kiếp trước của mình. Những trường hợp này được kiểm chứng nghiêm túc theo phương pháp khoa học trước khi sách được xuất bản. Tiêu biểu là Dr. Ian Stevenson của đại học Virginia ở Charlottsville, Hoa Kỳ đã bỏ ra hơn 40 năm đi cùng khắp năm châu để kiểm chứng hiện tượng nhớ kiếp trước kiếp sau. Vào Google, gõ chữ Reincarnation, ta sẽ thấy không biết bao nhiêu sách viết về luân hồi. Chỉ năm nay thôi (2013) đã có mười bảy cuốn viết về hiện tượng nhớ kiếp trước.

Sách tôi mới được đọc là cuốn “Soul Survivor – The Reincarnation of a World War II Pilot” kể chuyện một bé trai ở Mỹ, khi mới biết nói, đã làm cha mẹ bực mình vì cứ nói đến cái chết của mình ở kiếp trước khi bé là một phi công trẻ tuổi. Bruce và Andrea Leininger, cha mẹ của James, là tín đồ Tin Lành và không tin luân hồi. Khi chưa đầy hai tuổi, ban đêm James hay la hét trong trong giấc ngủ, cứ lập đi lập lại câu, “Máy bay cháy! Máy bay cháy! Phi công không nhảy ra được.” và ban ngày thì vẽ đủ thứ máy bay thả bom, hàng không mẫu hạm. James còn biết rành rẻ tên của nhiều bộ phận trên chiếc máy bay chiến đấu. Cha mẹ lấy làm lạ và rất hoang mang. Khi lên 4 tuổi, thấy cha đang đọc cuốn “The Battle for Iwo Jima, 1945” của tác giả Derrick Wright, cậu bé xà tới, chỉ vào trang có hình chiếc máy bay đang bốc cháy và nói: “Máy bay của con đó, bị bắn. Cha bé hỏi :”Ai bắn?”, bé trả lời: “The Japanese!” Cậu bé còn nói thêm là chiếc máy bay cất cánh từ hàng không mẫu hạm Natoma. Cha hỏi James có biết ai trên chiếc tàu đó không thì cậu nói có quen Jack Larson. Cha cậu vội tìm kiếm hồ sơ của chiếc hàng không mẫu hạm Natoma và sững sờ thấy hình ảnh chiếc tàu đó tham chiến ở Thái Bình Dương năm 1945. Ngày 3, tháng 3, 1945, một máy bay tác chiến bị quân Nhật bắn trúng, phát cháy và rơi xuống biển. Phi công là trung úy James M. Huston, người độc nhất chết trận hôm ấy. James chỉ hình chiếc máy bay đang phát cháy trong cuốn sách của Derrick Wright và nói là máy bay của mình bị quân Nhật bắn rơi. Cha của cậu cũng tìm ra người phi công có tên là Jack Larson. Hiện ông này còn sống ở Arkansas. Ông cũng tìm được một người phi công nữa, cũng cất cánh từ chiếc Natoma tên là Ralph Clarbour. Ông này nói máy bay của ông bay bên cạnh chiếc máy bay bị bắn rơi của trung úy James M. Huston. Về sau họ còn tìm ra thân nhân của người phi công tử trận. Đến đây thì Bruce và Andrea Leininger không còn nghi ngờ gì nữa. Họ tin rằng con trai họ là hậu thân của James M. Huston Jr.

Không hiểu sao vẫn có độc giả cho rằng câu chuyện này không thật tuy chứng cớ đã rành rành như thế. Ben Cox, một mục sư Tin Lành từng nghiên cứu nhiều về hiện tượng nhớ kiếp trước kiếp sau để viết luận án, nói rằng tuy không tin hẵn là có luân hồi nhưng ông tin câu chuyện này có thật và kết luận rằng, “Dù niềm tin tôn giáo của mình là gì đi nữa thì cũng nên chấp nhận rằng sự hiểu biết của mình về đời sống này và về sự tiếp nối của đời sống rất hạn hẹp” (No matter what our religious faith is, there are more to life, and its continuance than we know).

Nhân quả luân hồi là định luật của vũ trụ, không phải do Ấn giáo hay Phật giáo đặt ra, nên dù tin hay không tin, tất cả chúng ta đều bị luân hồi nhân quả chi phối rất công bằng, nghĩa là kiếp lai sinh của một người xấu tốt tùy duyên nghiệp của người ấy định đoạt, không do một Đấng Sáng Tạo hay thần linh nào quyết định cả. Nghiệp lành nghiệp dữ là nhân và quả của hành động, lời nói, hay ý nghĩ của mình ở đời này và nhiều đời trước. Chỉ dấy lên một ý nghĩ xấu trong đầu cũng đã gây một nghiệp xấu. Cuốn Many Mansions – The Edgard Cayce Story on Reincarnation của tiến sĩ Gina Cerminara trình bày rõ ràng sự tiếp nối của đời sống, sự liên hệ nhân quả nhiều đời. Bà tin rằng nguyên nhân bệnh hoạn, nguyên nhân của sự bất hạnh của con người ở kiếp này là do những nghiệp xấu ác tích lũy từ nhiều kiếp trước mà người ta nói là bệnh nghiệp, nghiệp dĩ, vì bà đã phân tách và chiêm nghiệm hơn 2000 mãnh đời do nhà tiên tri/ngoại cảm Edgar Cayce để lại. Ông Edgar Cayce của thế kỷ 20 nổi tiếng là “The Miracle Man of Virginia Beach” vì ông, một người chỉ học xong lớp 8, khi thiếp đi đã có khả năng chẩn bịnh chính xác, cho toa thuốc chính xác chữa lành bệnh cho những ai đã tìm đến nhờ ông giúp đỡ. Khi tỉnh ra thì ông không biết mình đã nói gì, ông không biết một tí gì về y học! Thật là một hiện tượng kỳ lạ, mầu nhiệm, vượt trên sự hiểu biết của con người. Từ 1901, ông chỉ chẩn bệnh và chữa bệnh, nhưng 22 năm sau, tự dưng ông nói đến kiếp trước kiếp sau. Khi tỉnh dậy, ông rất lo sợ vì kinh thánh của tôn giáo ông không nói đến luân hồi. Nhưng, tuy không dạy luân hồi, Jesus có nói đến trường hợp John the Baptist là Elias tái sinh (xem kinh thánh Mathew 17:12-13), ông thấy yên tâm. Bệnh phát ra vì cơ thể vật lý (physical body) ở kiếp này có vấn đề được gọi là ‘physical reading’. Có người đến xin “soi căn” để biết kiếp trước mình đã làm gì mà kiếp sống hiện tại quá cơ cực, tinh thần lẫn vật chất. Trường hợp này được gọi là ‘life reading’, tạm dịch là soi căn. Hồ sơ của hơn 2000 vụ soi căn này được tàng giữ ở thư viện của hội Association for Research and Enlightenment ở Virginia Beach, tiểu bang Virginia. Những người đến soi căn thường được cho biết tên tuổi, việc làm của mình ở kiếp trước. Họ còn được chỉ dẫn phương pháp kiểm chứng như tìm tên ấy trong trong một cuốn sách cũ, trong sổ bộ đời, hay tên tuổi.

Tiến Sĩ Gina Germinara, một nhà tâm lý học cận đại, trong cuốn Many Mansions –The Edgard Cayce Story of Reincarnation – đã phân tích rõ ràng cho ta thấy nhân và quả theo nhau như bóng với hình. Một nhân lành dù nhỏ nhiệm đến đâu cũng sẽ đưa đến một nghiệp lành nhỏ nhiệm tương xứng. Bà nói đến nhiều loại nhân quả như Boomerang Karma. Boomerang là một dụng cụ bằng gỗ được đẻo thành hình thù như một thanh gươm ngắn hai đầu bằng nhau do thổ dân Úc sáng chế. Khi phóng ra mạnh theo một tư thế nhất định mà không trúng vật gì thì thanh gỗ đó sẽ dội lại quay về phía người phóng nó. Một hành động xấu ác nhằm vào người khác thì người phạm điều ác này cũng sẽ bị một quả báo tương tự ở đời sau, như trường hợp một phụ nữ 40 tuổi, từ nhỏ đã bị dị ứng với nhiều thức ăn. Chỉ ăn một tí bánh mì hay hạt ngũ cốc gì (cereal grains) là bắt đầu hách xì hơi dữ dội như người bị “hay fever” nặng [dị ứng với cây cỏ và phấn hoa]. Khi đụng những chất làm bằng da (giày da) hay plastic (cọng kính đeo mắt), bà thấy đau đớn ở phía trái như giây thần kinh bị chạm. Bà đã đi khám nhiều bác sĩ nhưng không có kết quả. Năm 25 tuổi, bà thử dùng thôi miên thì cơn đau có thuyên giảm, nhưng sáu năm sau thì những chứng đau nhức như thế trở lại. Khi nghe danh ông Cayce, bà đến xin một “physical reading” [định bệnh] hy vọng ông sẽ cho biết phương thuốc chữa trị. Nhưng khi ông Cayce thiếp đi thì ông nói rằng bệnh của bà là bệnh nghiệp (karmic origin), rằng một kiếp trong quá khứ bà là một nhà hóa học và đã dùng nhiều chất hóa học gây ngứa ngáy cho nhiều người. Bà còn dùng chất hóa học làm cho hơi thở của người khác phát ra chất độc. Kiếp này bà phải trả giá cho những nghiệp dữ đó. Toa thuốc của ông có thể chữa lành những bệnh thông thường, còn bệnh nghiệp thì khó chữa. Ông nói rằng thuốc thang, mổ xẻ, vật lý trị liệu v.v… có thể giúp cơ thể phục hồi sức khỏe nhưng nếu là bệnh nghiệp thì người bệnh, ngoài những phương tiện trên, phải tự mình tu tâm dưỡng tính để chuyển nghiệp mới mong khỏi bệnh được.

Một thứ nhân quả thứ hai mà bà gọi là Organismic Karma nói về người nào lạm dụng một bộ phận (organ) của cơ thể mình ở kiếp trước thì kiếp sau bộ phận đó sẽ không được lành mạnh, như trường hợp của một người đàn ông 35 tuổi. Từ nhỏ, bộ phận tiêu hóa của ông rất yếu. Ông đã phải kiêng ăn nhiều thứ, vậy mà, sau mỗi bữa ăn, phải cần nhiều giờ thức ăn mới tiêu hóa được. Cái tật ăn uống khó tiêu này làm cho ông nhiều lần bị bỉ mặt, khốn khổ trong vấn đề giao tế. Edgard Cayce nói lên rằng, ở một kiếp xa xưa, khi ông là cận vệ của vua Louis XIII ở Pháp, ông có thói xấu là ăn uống quá độ, tham ăn quá mức. Và gần đây, kiếp trước của kiếp này thôi, là ngự y của ông vua Ba Tư, ông cũng tham ăn lắm. Như vậy là qua hai tiền kiếp, ông không tự chủ được, đã phạm tội buông thả, tham lam thì nay cần phải kìm bớt lại, nên khi ra đời với một bộ phận tiêu hóa yếu, ông không thể ăn uống như một người bình thường được.

Loại nhân quả thứ ba được gọi là Symbolic Karma cũng thể hiện qua sự việc cơ thể bị trừng phạt (physical karma). Một thanh niên trẻ tuổi bị bệnh thiếu máu từ nhỏ (anemia). Cha cậu là bác sĩ đã tìm hết phương pháp chữa trị mà cũng không ăn thua gì. Người con vẫn bị thiếu máu trầm trọng. Khi soi căn cho thấy nguyên nhân của căn bệnh này ở một tiền kiếp xa xưa, cách kiếp này năm kiếp khi anh dùng thủ đoạn độc ác cướp chánh quyền ở xứ Peru làm đổ máu bao nhiêu người, nên bây giờ phải gánh chịu hậu quả là thân thể mình không đủ máu. Đây không phải trường hơp lạm dụng một bộ phận (Organismic Karma), cũng không phải hại một người khác (Boomerang Karma) mà là một trường hợp trừng phạt tượng trưng (Symbolic Karma), chỉ một bộ phận của cơ thể chịu sự trừng phạt. Có lẽ trong tiềm thức của ông (unconscious mind), ông vẫn cảm thấy tội lỗi, vẫn còn ký ức ghê rợn của những cuộc đổ máu . Những trường hợp soi căn của Cayce cho thấy tinh thần và thể xác tương tác ảnh hưởng nhau rất rõ ràng như khoa phân tâm học ngày nay đã chứng minh.

Dr. Cerminara đưa ra nhiều thí dụ về quả báo của tính khinh người, tính cười nhạo kẻ khác . Tiêu biểu là chuyện một người con gái kiếp này bước đi khập khiểng vì bị lao ở xương hông. Nguyên nhân xảy ra từ hai kiếp trước khi cô sống ở xã hội La Mã. Kiếp ấy cô sinh trưởng trong gia đình quý tộc, họ hàng của hoàng đế Nero. Cô lấy làm thích thú khi ngồi trên cao nhìn cảnh những người theo Đạo Chúa (Christians) bị những con thú xé xác ở đấu trường. Rõ rệt nhất là cô đã cười lớn khi thấy một cô gái bị móng vuốt của một con sư tử cào nát một bên hông.

Một trường hợp chế nhạo kẻ khác phải chịu nghiệp báo xảy ra cho một cô gái 18 tuổi. Cô có thể được xếp vào hạng người xinh đẹp như hoa khôi nếu cô không bị nặng cân quá. Bác sĩ nói tuyến yên (pituitary gland) của cô có vấn đề. Nhưng tuyến yên có vấn đề làm cô bị bệnh mập là vì cô đã từng chế nhạo những người mập trong quá khứ. Soi căn cho thấy hai kiếp trước đây, cô là một lực sĩ (athlete) vừa xinh đẹp vừa có thực tài nhưng cô hay châm biếm các cô đồng nghiệp không nhanh nhẹn, gọn gàng như cô vì thân hình họ quá tải.

Chuyện thứ ba về một người nam 21 tuổi theo đạo Ky-tô có khuynh hướng đồng tình luyến ái. Cha mẹ muốn cậu đi tu nhưng cậu không cảm thấy có ơn kêu gọi nên đã sống với bản năng đồng tình luyến ái của mình. Kết quả soi căn cho thấy, ở kiếp trước khi cậu sinh sống ở Pháp thời còn vua chúa, cậu đã mỉa mai châm biếm những người đồng tình luyến ái. Là một người có tài vẻ tranh hí họa (cartoonist), cậu dùng tài mọn của mình lật tẩy, cười nhạo những người đồng tình luyến ái của thời ấy. Đúng là ghét của nào trời trao của ấy.

Qua những câu chuyện soi căn, tác giả nhận xét rằng những gì xảy ra ở trên đời không phải ngẩu nhiên mà đều do nhân duyên trong đời trước. Nhân duyên xấu thì quả xấu. Nhân duyên tốt thì quả tốt, không sai chạy vào đâu được. Cũng vì nhân quả nghiệp báo khác nhau mà trong một tai nạn xe cộ, có người chết, người bị thương, và có người thì bình yên vô sự. Cũng vì nhân quả nghiệp báo khác nhau mà anh em cùng cha cùng mẹ, cùng huyết thống nhưng cá tính lại rất khác nhau, ngay cả anh em sinh đôi cũng không giống nhau. Người thì thông minh dĩnh ngộ, người thì u mê, chậm chạp. Một người sinh ra với một ngoại hình xinh đẹp là do người ấy đã tích lũy được nhiều nghiệp lành trong quá khứ. Thân thể chỉ là ngôi nhà cho linh hồn tạm trú ở một kiếp. Linh hồn hiện hữu trước khi đứa bé chào đời và vẫn hiện hữu sau khi ngôi nhà tạm trú bị hoại. Linh hồn sẽ tìm một ngôi nhà mới cho một kiếp mới. Lý nhân quả đã giải thích một cách rất hữu lý những sự bất công của xã hội. Thuyết luân hồi cho con người một mối hy vọng là kiếp sau sẽ khá hơn nếu kiếp này mình sống một cuộc sống lương thiện, không hại người hại vật. Tin nhân quả luân hồi, con người sẽ sống thánh thiện hơn, bình an hơn, hạnh phúc hơn vì tâm không tham luyến quá mức, không ganh ghét quá mức, không sân si quá mức.

Chương 14 nói về nhân quả và những mãnh đời cô đơn khá thú vị. Có người đặt câu hỏi tại sao nhiều người, cả nam lẫn nữ, suốt đời phải chịu cảnh cô đơn một mình, dù họ cũng có một cuộc sống bình thường, mặt mày cũng dễ coi, tại sao không gặp đối tượng để kết hôn. Phải chăng là do nhân quả, nghiệp báo? Những hồ sơ soi căn của Edgard Cayce có gặp những trường hợp này không?

Người Pháp có một câu nhận xét rất dí dỏm về định nghĩa hôn nhân như sau: “Hôn nhân được ví như một pháo đài đang bị bao vây: “Những người ở ngoài thì muốn vào trong, còn những người ở bên trong thì muốn thoát ra ngoài!” Nghe thì có vẻ khôi hài nhưng nghiệm lại thì cũng có phần đúng. Hôn nhân đã đem lại nhiều ưu phiền, khổ não cho nhiều người. Nhưng ngạc nhiên thay, số đông vẫn muốn kinh qua kinh nghiệm của hôn nhân. Thật vậy, tuy ai cũng biết đời sống vợ chồng thường gặp nhiều khó khăn phiền toái nhưng những người không lập gia đình lại có mặc cảm là mình bị thua thiệt, bị mất mát một thứ gì qúi báu, đã thất bại trong cuộc sống, cảm thấy cô đơn ray rứt. Trong một xã hội văn minh, thường thì người nữ hay lo lắng về vần đề hôn nhân hơn người nam. Ngoài sự việc sống một mình cô đơn, buồn nản, họ còn có cảm tưởng xã hội bớt lòng kính trọng họ.

Câu chuyện người phụ nữ cô đơn giữa thành phố Nữu Ước ồn ào sau đây cho thấy bà phải trả giá cho những việc làm của kiếp trước. Gốc người Na-uy, bà là một phụ nữ khá xinh đẹp với một phong cách đài các. Khi tìm đến xin soi căn lần đầu khi bà 47 tuổi thì đã có hai đời chồng. Sau khi kết hôn không bao lâu, người chồng thứ nhất qua đời. Bà tái giá với một người đàn ông lớn tuổi hơn và đời sống vợ chồng lần này chỉ mang lại khổ đau nên không bao lâu sau thì bà ly dị. Bà không có con. Người thân trong gia đình bà chết hết không còn ai. Quả thật ở trên thế gian này bà thật trơ trọi đơn độc. Với chức vụ một bí thư giao tế, bà thường xuyên gặp gỡ nhiều người, nhưng đó là những cuộc gặp gỡ xã giao hời hợt thôi. Bà rất muốn đi bước nữa nhưng không có cơ hội. Bà thật sự là bơ vơ giữa cuộc đời. Bà muốn hỏi tại sao mình cứ phải chịu cảnh một mình đơn chiếc, tại sao không gặp được người bạn đời tử tế, tại sao không giống ai (a misfit). Soi căn cho thấy hai kiếp trước bà đã phạm một tội nặng: tự kết liễu đời mình, nên đời nay phải chịu cảnh đơn độc không chồng, không con. Ở kiếp ấy bà có chồng, có hai con. Không hiểu vì nguyên nhân gì, chồng bà bỗng dưng bị cộng đồng khinh khi. Sau khi sinh đứa con thứ hai, bà không chịu được cảnh bị khi dễ nên nhảy xuống hồ tự tử. Hành động tìm cái chết của bà chứng tỏ bà là một người ích kỷ, đã cướp đi sự yêu thương săn sóc đối với chồng và con. Bà không tôn quý mái ấm gia đình, chỉ nghĩ đến mình, không làm tròn trách nhiệm với con, không nhẫn nhục bên cạnh chồng.

Câu chuyện thứ hai cũng nói về một phụ nữ muốn trốn nợ đời nên đã gặp quả báo. Mồ côi cha mẹ rất sớm, cô được hai người cô già săn sóc. Lớn lên với hai người già, cô thấy khó hòa hợp với những người đồng tuổi. Cô trở nên người hướng nội, khép kín (introvert), sống đơn độc xa những người đồng trang lứa. Tuy có nghề dạy trẻ (mẫu giáo), cô luôn ước ao có một gia đình riêng nhưng không gặp đối tượng thích hợp. Cô cũng có qua lại thân mật với một người tình, nhưng không hợp tính nên đành phải chấm dứt. Sau đó, cô thấy đời mình quá trống rỗng, quá vô duyên. Cô để hết tâm trí vào công việc nhưng lâu lâu lại bị trầm cảm, có lúc kéo dài vài tuần rồi sau đó mới nguôi ngoai. Những lúc buồn bả chán nản, cô đã có ý nghĩ muốn tìm cái chết. Người ngoài không ai có thể tin nổi cô giáo dạy trẻ này nhiều lúc đã muốn tự tử, vì bề ngoài cô là một phụ nữ xinh đẹp, yêu nghề, nhiệt tình. Kết quả soi căn cho thấy bốn kiếp về trước, cô là con một tù trưởng ở Ba Tư. Khi bộ lạc Bedouin đến cướp phá, cô là một trong mấy người bị ông tù trưởng Bedouin bắt làm con tin. Sau đó ông này giao cô cho ông phó của mình. Rồi cô có con với người này. Nhưng sau khi hạ sinh một bé gái, cô tự tử chết vì uất ức không chịu được sự nhục nhã bị cưỡng ép. Cô là một cô gái kiêu ngạo, cứng đầu với một cái “tôi” rất lớn, thà chết chứ không chịu nhục mà quên đứa con sơ sinh của mình bị bỏ lại không người săn sóc cưu mang. Con người cô, trong kiếp hiện tại, tính khí vẫn mạnh mẽ, độc lập, tự chủ, tự cường như đàn ông, những nét đặc thù của kiếp trước làm cho người phái nam không muốn gần. Và lạ thay, ở kiếp này cô lại muốn có con. Nếu không vì hai người cô già khó tánh, cô đã xin một bé gái về nuôi từ lâu rồi. Và cũng như ở kiếp trước, cô thường nghĩ đến quyên sinh mong chấm dứt cuộc đời cô quạnh, buồn tẻ hiện tại. Nhưng từ khi soi căn thì cô không còn giữ ý tưởng tự tử nữa, vì thấy rằng nghiệp thì phải trả, không trả bây giờ thì mai sau cũng phải trả thôi. Cô còn được biết rằng nếu từ nay về sau cô biết nghĩ đến người khác, tìm cách giúp đỡ những người chung quanh thì sẽ có một ngày cô gặp hạnh phúc lứa đôi, nhưng muộn. Cô cần một thời gian thử thách để chuyển nghiệp.

Nhân quả nghiệp báo giải thích được mọi hiện tượng trên cõi đời này, giải thích được tại sao có người được sinh ra trong một xã hội văn minh với những tiện nghi vật chất đầy đủ, có người lại sinh ra ở một xứ nghèo nàn thiếu thốn đủ điều. Hôn nhân cũng không thoát khỏi được sự vận hành của nhân quả nghiệp báo. Cayce nhấn mạnh rằng hai người trở nên vợ chồng ở kiếp này là để trả nợ nhân quả cho nhau. Không khi nào hai người mới gặp nhau lần đầu mà thành phu phụ cả. Họ đã gặp nhau trong nhiều đời, nhiều kiếp, khi thì cha/mẹ con, khi thì vợ chồng, anh em, hay bạn bè, mà cũng có thể là người thù oán nữa. Thật đúng là không oan nghiệt thì bất thành phu phụ. Ông cũng nói rằng hiện tượng không trung thành của vợ/chồng, hiện tượng đồng tình luyến ái, ly dị, tái hôn v.v… đều có căn duyên từ một hay nhiều đời trước.

Vừa rồi, một nữ xướng ngôn viên của một đài truyền hình khẳng định rằng ông già Noel và Chúa Jesus là người da trắng như để đáp lại lời tuyên bố của một phụ nữ da đen cho rằng ông già Noel và Chúa Jesus không phải người da trắng. Rất kinh ngạc là ngay sau đó không biết bao nhiêu người đồng loạt lên tiếng mạ lị cô xướng ngôn viên là kỳ thị chủng tộc! Và không biết rồi cuộc tranh cải này sẽ đi về đâu. Phải chi mọi người hiểu và nhận nhân quả luân hồi là định luật của vũ trụ thì không còn có những tranh cãi vô bổ như thế này. Vì mọi người trên thế gian này đã luân hồi nhiều lần, đã từng sinh sống ở nhiều nơi trên quả địa cầu. Một người có thể sinh ra ở Mông Cổ kiếp này, nhưng kiếp trước thì sinh ra ở Châu Phi, kiếp trước nữa thì ở Châu Âu, Châu Á v.v… Khi thì làm người nam, khi thì người nữ, khi thì sống trong nhung lụa, có khi sống trong cảnh bần hàn tùy duyên nghiệp trong những kiếp quá khứ của mình, như những câu chuyện luân hồi của Bác Sĩ Brian Wise trong cuốn Many Lives Many Masters, Only Love is Real hay những chuyện tái sinh của bà Carol Bowman, Edgar Cayce, Hans Ten Dam, Brad Steiger, Tom Shroder, Michael Newton, Sylvia Cranston và nhiều tác giả nữa mà tôi chưa được đọc. Chỉ trong cuốn Many Mansions – The Edgard Cayce Story on Reincarnation, tác giả cũng đã đưa ra số phận của hằng trăm mãnh đời được chiêm nghiệm qua nhiều kiếp và đã chịu sự vận hành của nhân quả nghiệp báo. Muốn biết thêm, xin mời đọc cuốn sách rất hấp dẫn của Dr. Gina Cerminara. Vào Google hay Amazon.com sẽ thấy nhiều sách về nhân quả luân hồi.

Hoàng Thị Quỳnh Hoa


--------------------
-------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 31st October 2024 - 06:33 PM