Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> James Clerk Maxwell – Einstein của Scotland, Sưu tầm
AnAn
post Jun 15 2020, 11:23 AM
Post #1


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 6,737
Joined: 12-November 08
Member No.: 702
Country




James Clerk Maxwell – Einstein của Scotland


Nếu như hỏi người dân Anh và phần đông nhân loại rằng ai là nhà vật lý người Anh vĩ đại nhất thì chắc hẳn phần đông sẽ trả lời là Isaac Newton. Nếu hỏi tiếp rằng sau Newton là ai? Có thể sẽ là Stephen Hawking, Michael Faraday,… Vương quốc Anh là một cái nôi khoa học kỹ thuật của nhân loại, nơi đã sản sinh ra nhiều nhà vật lý học vĩ đại mà tên tuổi của họ được ghi vào sách giáo khoa và được số đông nhân loại biết đến, mà điển hình như Isaac Newton, Michael Faraday, hay Stephen Hawking được nhắc ở trên. Nhưng cũng có những nhà vật lý vĩ đại với những đóng góp có thể sánh ngang với Newton, Einstein nhưng tên tuổi của họ lại không được nhiều công chúng biết đến. James Clerk Maxwell là một nhà khoa học như thế. Công trình của ông về lý thuyết trường điện từ ra đời cách đây hơn 150 năm có tầm vóc sánh ngang với Lý thuyết Tương đối của Albert Einstein, hay các định luật cơ học của Newton và đến nay vẫn là một trụ cột của vật lý học hiện đại. Nhưng Maxwell không được nhiều công chúng nhắc tới như Einstein, Newton.

1. Tuổi thơ đầy sóng gió

James Clerk Maxwell chào đời cách đây đúng 185 năm, vào ngày 13 tháng 6 năm 1831 trong căn nhà số 14, phố India ở thành phố Edinburgh, thủ phủ xứ Scotland trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen. Cha của ông, là John Clerk, đã thêm họ Maxwell để đáp ứng một số điều kiện pháp lý cho phép ông được thừa hưởng một mảnh đất ở vùng nông thôn Middlebie, Galloway (Tây nam Scotland). John Clerk Maxwell là một người nhạy cảm, và thận trọng. Ông kết hôn với bà Frances Cay, người mà tính cách cũng như ông, nhưng kiên quyết và thẳng thắn hơn. Tính cách của họ là bổ sung cho nhau, và James, người con trai duy nhất của họ đã may mắn được thừa hưởng một số điểm tốt của cả cha lẫn mẹ. Họ xây dựng một trang trại nhỏ ở Middlebie và gọi tên là Glenlair (trong tiếng địa phương Scotland có nghĩa là “thung lũng Lair”). Maxwell thực sự yêu mến căn nhà này vì nó là nơi ông giành toàn bộ tuổi thơ cũng như cuộc sống “ẩn dật tự do” sau này. Khi Maxwell lên 8 tuổi, cuộc sống bình dị của gia đình ông tại Glenlair bị phá vỡ bởi cái chết đau đớn của mẹ ông ở tuổi 48 do ung thư dạ dày mà sau này chính Maxell cũng mắc phải khiến ông cũng mất ở khi còn trẻ ở độ tuổi tương tự. Thái độ của ông trước nỗi đau này khác hẳn với những mất mát to lớn trong lòng của ông “ Tôi vui vì giờ đây mẹ tôi sẽ không còn phải chịu thêm cơn đau nào nữa”.[1]
Glenlair, nơi gia đình James Clerk Maxwell từng sinh sống (ảnh chụp từ Wikipedia.org).

John Clerk Maxwell là một người cha yêu con, nhưng cái chết của người vợ dường như khiến ông đau buồn đến độ quên hết những việc cần làm để dạy con trai mình. Ông giao hết việc dạy dỗ cậu bé James cho một gia sư có lối giáo dục cứng rắn và tẻ nhạt. Lewis Campbell, người viết tiểu sử của Maxwell từng mô tả là lối giáo dục khắc nghiệt của vị gia sư này cũng có một phần tích cực đối với Maxwell khi nó rèn luyện cho ông một tâm lý “không ngại đắng cay”. Cuộc đời của cậu bé James chỉ thay đổi khi dì ruột của ông, bà Jan Cay chứng kiến việc dạy dỗ của vị gia sư khắc nghiệt, và thuyết phục được ông bố thay đổi ý định, gửi James tới sống cùng gia đình bà ở Edinburgh, và theo học Học viện Edinburgh.[2]

2. Học viện Edinburgh và công trình toán học đầu tiên

Những trải nghiệm đầu tiên của Jame ở học viện không mấy vui vẻ đối với James. Cậu bé James luôn xuất hiện với một bộ đồ cũ có dáng dấp thôn quê kèm với giọng nói vùng Gallovidian đã làm ông trở thành tầm ngắm cho những nhóm bạn hay trêu trọc ở trường học. Những cậu bạn tinh nghịch hay chọc phá ông đã đặt cho ông một biệt danh mới là “Drafty” có nghĩa là “kì quặc đến mức ngớ ngẩn” hay là “kẻ lập dị’’ theo ngôn ngữ hiện đại ngày nay. Học viện đã làm chút ít cho việc chinh phục tâm hồn và cỗ vũ cho những việc làm sáng tạo của ông. Ông đã kết thân với một số người trong đó có Lewis Campbell người sau này viết tiểu sử của ông và Peter Guthrie Tait người sau này là giáo sư triết học tự nhiên của Viện Đại học Edinburgh.
Học viện Edinburgh, ngôi trường Maxwell theo học khi còn nhỏ (ảnh từ Wikipedia.org).

Vào thời đại của Maxwell, Scotland có một thần đồng là William Thomson, người được biết đến sau này là Huân tước Kelvin nhờ nhứng đóng góp vĩ đại cho vật lý học và phát triển kỹ thuật ở Scotland. Khác với Thomson, Maxwell không phải là một thần đồng, cũng không có dấu hiệu sớm nào của một thiên tài toán học. Nhưng người ta tin rằng Maxwell có một người cha nhạy bén là John Clerk Maxwell, người luôn nhiệt tình khuyến khích con mình các vấn đề của khoa học và kỹ thuật là điểm tốt cho sự phát triển tài năng của con trai mình. Hai cha con Maxwell thường tham dự các cuộc họp của Hiệp hội Nghệ thuật Edinburgh và Hội Hoàng gia Edinburgh.[3] Ở tuổi 14, với những ý tưởng hình học xuất hiện trong đầu, Maxwell đã viết một bài báo mô tả phương pháp để xây dựng hình ellipse. John Cleck Maxwell đã nhìn thấy công trình của con trai mình giống với chủ đề mà Jame Forbes – một giáo sư triết học tự nhiên ở Edinburgh đang theo đuổi và đã nói chuyện với Forbes. Forber cho rằng phương pháp “rất đáng chú ý trong nhiều năm qua” và thông báo bài báo cho Hội Hoàng gia Edinburgh. Và đây là chìa khóa khai mở sự nghiệp khoa học của cậu bé James. Jame Forbes đã mời Maxwell cùng tham gia nghiên cứu với mình ở Đại học Edinburgh, cùng với cả một giáo sư khác là William Hamilton. Hamilton và Forbes là hai đối thủ trong các cuộc tranh luận khoa học nảy lửa, nhưng đều có chung một quan điểm rằng rằng James là một đứa trẻ xứng đáng đặc biệt quan tâm. Forbes đã giúp ông trong phòng thí nghiệm còn Hamilton giúp về toán học và ảnh hưởng của họ đối với Maxwell là rất lớn cho đến mãi sau này.
3. Sinh viên xuất sắc và lập dị ở Cambridge

Năm 1850, Maxwell tới Cambridge và theo học ở Trinity College dưới sự hướng dẫn của William Hopkins. Ở Cambridge, Maxwell vẫn bị coi là người có tính cách lập dị, nhưng dường như đó lại là một lợi thế cho ông. Campbell viết:

“Ông đã thử một số thí nghiệm kỳ quặc trong việc sắp xếp thời gian làm việc và ngủ. Từ 2 giờ đến 2 rưỡi sáng, ông dậy tập thể dục bằng cách chạy dọc hành làng, xuống cầu thang, đi dọc hành lang dưới, đi lên thang và tiếp tục như vậy cho đến khi những người sống cùng dãy hành lang tỉnh dậy, nấp sau cánh cửa để ném cho ông một loạt nào giày, bàn chải tóc,… mỗi khi ông chạy qua”.
James Clerk Maxwell khi theo học ở Trinity College, Cambridge (ảnh từ Wikipedia.org).

Tais thì viết về những trò hài hước khác của Maxwell:

“Ông ta từng đứng trên những giá gỗ trong nhà tắm chung, buông người rơi sấp trong bồn nước, lặn ngang bể để sang giá gỗ bên kia, đổ ngửa cả người xuống nước. Ông nói rằng nó kích thích tuần hoàn máu”.

Với nỗ lực tuyệt vời và tài năng toán học, James đã vị trí Wrangler hạng hai trong kỳ tốt nghiệp truyền thống ở Cambridge vào năm 1854.[4] Hopkins nói về cậu học trò Maxwell của mình rằng “anh ta là một người đàn ông phi thường chẳng có gì phải nghi ngờ, trong suốt cuộc đời dạy học của tôi”.

4. Nhà nghiên cứu xuất sắc và một giáo viên tồi

Thành tích xuất sắc của Maxwell ở kỳ thi tốt nghiệp đã đem lại cho ông học bổng và một vị trí nghiên cứu tại Trinity College. Trong suốt thời gian thanh bình này, ông bắt đầu các nghiên cứu về điện từ và yêu cô em họ tuổi teen Elizabeth Cay, “một thiếu nữ xinh đẹp và thông minh tuyệt vời” như theo lời mô tả của Everitt. Tuy nhiên sự lãng mạn không kéo dài bởi vì những quan ngại của gia đình về việc “những hiểm họa của quan hệ cận huyết trong một dòng họ thuần chủng”. Trong hai năm đó, Maxwell đã xây dựng phương pháp chụp ảnh màu đầu tiên bằng cách sử dụng các màu sắc cơ bản. Hai năm sau, ông nhận vị trí giáo sư triết học tự nhiên ở Marischal College,[5] Aberdeen, Scotland vì mong muốn được sống gần cha ông khi mà sức khỏe của ông John Clerk Maxwell ngày càng tệ. Nhưng khi James nhận được thông báo bổ nhiệm vị trí giáo sư (năm 1856) cũng là lúc cha ông, ngài John Clerk Maxwell qua đời.

Trái ngược với phong cách của một nhà khoa học xuất chúng, Maxwell lại không phải là một thầy giáo giỏi. Dù chuẩn bị bài giảng một cách cực kỳ tỉ mỉ, nhưng giờ học của Maxwell lại luôn vô cùng tẻ nhạt và không mấy thu hút sinh viên vì lối giảng vòng vo, rối rắm và khó hiểu. David Gill, một nhà thiên văn học tài năng của Scotland, người từng là sinh viên của Maxwell ở Marischal College, vẫn luôn ấn tượng về Maxwell:

“Các bài giảng của Maxwell, như thường lệ, hầu hết được viết và sắp xếp một cách rất cẩn thận và tỉ mỉ trong một mẫu vừa với các bản in và thường được phép sao chép thoải mái. Trong khi giảng bài ông lại thường bắt đầu bằng việc đọc bản thảo, nhưng sau đó năm phút thì hết hoặc là dừng lại và chú thích: “Có lẽ tôi nên giải thích chỗ này”, và sau đó ông lòng vòng với những ý tưởng vừa hiện lên trong đầu, hay vừa nghĩ ra khi mà ông vừa viết kín cả bảng với những hình vẽ, biểu tượng, hay những nội dung vượt qua khả năng hiểu biết của chúng tôi. Rồi ông lại trở lại với bản thảo, thì lúc này giờ giảng cũng gần như hết và người nhắc giờ xuất hiện, hoặc là phải tiếp tục vào ngày hôm khác. Thỉnh thoảng cũng có một số minh họa thí nghiệm, nhưng chúng thường thất bại, cho thấy rằng Clerk Maxwell không phải là một giáo sư giỏi. Nhưng Maxwell cực kỳ cao hứng với những người chỉ cần nắm bắt được một vài ý tưởng mà ông vạch ra trên bảng trong các bài giảng, hoặc khi chuyện phiếm với ông sau bài giảng.”

Có lẽ vì lý do này mà Marischal College không mấy mặn mà trong việc tiếp tục hợp đồng với Maxwell mặc dù ông từng được trao giải thưởng Adam Prize năm 1859 cho công trình nghiên cứu về vành đai của sao Thổ. Maxwell đã chứng minh bằng lý thuyết vành đai tuyệt đẹp bao quanh sao Thổ là các thiên thạch và phải rất lâu sau nhân loại với chứng minh được dự đoán này của ông. Nhưng có lé những nghiên cứu xuất sắc của ông không thuyết phục được lãnh đạo Marischal College tiếp tục hợp đồng với ông, và hợp đồng của ông với Marischal College chấm dứt khi trường này sáp nhập với King College để trở thành Viện Đại học Aberdeen vào năm 1860.

5. London và lý thuyết trường điện từ

Thế nhưng lãnh đại của King College London lại có cách nhìn khác đối với Maxwell. Họ đã mời Maxwell một vị trí giáo sư mà không đặt gánh nặng giảng dạy cho Maxwell và đây có lẽ là quyết định tuyệt vời nhất của lãnh đạo nhà trường. Năm năm ở London của Maxwell là những năm tuyệt vời và sáng tạo nhất trong suốt cuộc đời ông Tại đây, Maxwell tiếp tục các nghiên cứu về điện từ, và năm 1861 đã lần đầu tiên trình diễn phương pháp tạo ảnh màu ngay trong bài giảng “On the Theory of Colour Vision” trước công chúng của Royal Institution.[6] Công trình này của ông được ghi nhận bằng Huy chương Rumford được trao bởi Hiệp hội Hoàng gia London,[7] và ông được chính thức bầu làm Viện sĩ của Hiệp hội này. Tuyệt vời hơn, chỉ trong vòng năm năm làm việc tại đây, Maxwell đã hoàn thành lý thuyết về trường điện từ, đóng góp vĩ đại nhất của ông cho nhân loại.

Công trình này của Maxwell được truyền cảm hứng từ những nghiên cứu thực nghiệm về các hiện tượng điện từ của Michael Faraday, William Thomson, John Kerr. Năm 1855, ông xuất bản công trình đầu tiên về lý thuyết các đường sức từ trên tạp chí khoa học của Viện Đại học Cambridge khi còn làm việc ở Trinity College. Khi tới London, ông đã tiếp tục hoàn thiện công trình này và xuất bản công trình hoàn thiện mang tên “On physical lines of forces” (Về các đường sức vật lý) xuất bản trên tạp chí Philosophical Magazine vào năm 1861.[8] Công trình này nêu lên mối quan hệ giữa từ trường xoáy và dòng điện dịch xuất hiện, giúp cho việc giải thích các hiện tượng cảm ứng điện từ một cách bản chất nhất. Bài báo nổi tiếng nhất của Maxwell được xuất bản vào năm 1865,[9] mang tên “A dynamical theory of electromagnetic field” (Lý thuyết động học của trường điện từ) mô tả toàn bộ quan hệ giữa các thành phần từ trường, điện trường của trường điện từ, cũng như sự hình thành các sóng điện từ và đưa ra cách tính tốc độ truyền sóng điện từ mà sau này thực nghiệm đã chứng minh tính đúng đắn của nó. Có thể nói rằng các công trình của Maxwell, mà ngày nay nhân loại tổng kết thành 4 phương trình Maxwell mô tả toàn bộ mối quan hệ giữa điện từ trường, trường điện từ, sóng điện tử và là nền tảng cho vật lý học ngày nay. Lý thuyết của Maxwell lần đầu tiên được kiểm chứng hơn 20 năm sau khi Maxwell công bố (1887) bởi nhà vật lý học trẻ yểu mệnh người Đức, Heinrich Hertz,[10] bằng thí nghiệm mô tả sự hình thành và ghi nhận sóng điện từ. Các phương trình của Maxwell được Albert Einstein sử dụng như những nền tảng cho lý thuyết tương đối của ông. Nhà vật lý học Richard Feynman đã nói về Maxwell rằng: “Nhìn vào lịch sử loài người thì có lẽ 10 ngàn năm nữa cũng không có gì phải nghi ngờ rằng phát hiện của Maxwell về lý thuyết điện từ là sự kiện quan trọng nhất thế kỷ 19”. Các nhà vật lý đều nhìn nhận tầm quan trọng của công trình của Maxwell có thể sánh ngang với lý thuyết tương đối của Einstein hay các công trình cơ học của Newton. Nó không chỉ làm nền tảng cho công nghệ truyền thông bằng sóng điện từ mà còn là một trụ cột không thể thiếu của vật lý hiện đại.

6. Một nhà bác học tự do và ẩn dật

Maxwell là một con người có tâm hồn tự do và thích cuộc sống bình dị. Sau khi công bố lý thuyết trường điện từ, ông cho rằng để tiếp tục công việc nghiên cứu của mình (vốn dựa nhiều vào tính toán lý thuyết), ông cũng chẳng cần đến một vị trí khoa bảng nào như những công việc chẳng hợp với ông chút nào mà ông vẫn phải làm. Ông có những suy nghĩ hết sức độc lập một cách thoải mái và có tất cả những mối liên hệ trong giới học thuật mà ông cần đến để có thể trao đổi những phát kiến mà ông tìm được trong thế giới khoa học. Tất cả những gì ông cần đến là thời gian và sự tự do như ở Glenlair, “để được đi dạo trên những cánh đồng và kết bạn với những chú ếch nhỏ hay những con chuột nước già” như ông đã làm trước đây. Vì thế, năm 1865, ông đã xin từ chức vụ giáo sư ở King College và trở về sống là Glenlair. Campell đã mô tả những tháng ngày vui vẻ của Maxwell ở Glenlair:

“Kể từ lúc đó và về sau, bài thể dục mà ông và vợ ông yêu thích nhất là cưỡi ngựa bởi ông có khả năng nhất trong môn này. Một người hàng xóm có nhớ lại là vào năm 1874, trên lưng một chú ngựa đen tên là Dizzy, nỗi thất vọng lớn của những người chủ trước, ông đã điều khiển chú chạy vòng tròn trong sự thích thú của bọn trẻ ở Kilquhanity, ném qua và bắt lại cái roi da, nhảy qua các rào,..

Phần đáng kể của những buổi tối là giành cho Chaucer, Spenser, Milton hay một vở kịch của Shakespears mà ông đọc to cho vợ mình nghe. Vào ngày chủ nhật, sau khi ở nhà thờ về, ông sẽ giam mình trong công việc của một con chiên già. Đối với thần học, sự đồng cảm của ông phần lớn đã đi qua trong quá khứ giống như văn học. Ông có quan hệ rất tốt với láng giềng và đặc biệt là bọn trẻ. Ông giành nhiều thời gian thăm hỏi những người bệnh trong làng, đọc kinh và cầu nguyện cùng với họ trong những lúc họ cần sự cứu giúp. Những người tới thăm Glenlair giữa thời gian từ 1865 tới 1869 đặc biệt quen thuộc với những lời cầu nguyện được tiến hành bởi người chủ nhà. Lời cầu nguyện dường như ngay lập tức gây ấn tượng mạnh bởi ý nghĩa của chúng. Maxwell giờ là một điền chủ, vai trò mà ông rất thích.”
James Clerk Maxwell và vợ, bà Katherine Maxwell khi ở Glenlair năm 1869 (ảnh từ Wikipedia.org).

7. Những năm cuối đời ở Cambridge

Nhưng rồi cuộc sống ẩn dật của Maxwell cũng không kéo dài được lâu khi Viện Đại học Cambridge thành lập Phòng thí nghiệm Cavendish và sẽ bổ nhiệm một vị trí giáo sư thực nghiệm mang tên “Giáo sư Cavendish”.[11] Cambridge đã nhận ra khá chậm rằng họ đã đi sau các trường đại học ở Scotland và Đức, và thậm chí cả Oxford, trong đào tạo khoa học nên cần khẩn cấp xây dựng các phòng thí nghiệm cho sinh viên và các nhà nghiên cứu. Hiệu trưởng danh dự của trường, công tước vùng Devonshire, William Cavendish, đã hào phóng hiến tặng cho trường một khoản để mở một phòng thí nghiệm mới. William Cavendish, chính là hậu duệ của nhà vật lý, hóa học quý tộc ẩn dật ở thế kỷ 18, Henry Cavendish, người đã tiến hành những thí nghiệm tiên phong về điện và lực hấp dẫn. Ban đầu người ta mời William Thomson vào vị trí này, nhưng Thomson đã giành tâm huyết ở Đại học Glasgow và không nghĩ đến chuyện rời khỏi đó. Thomson liền được nhờ đánh tiếng với Helmholtz nhưng cũng thất bại, Helmholtz vừa được bổ nhiệm làm giáo sư vật lý ở Berlin và giám đốc viện vật lý mới thành lập. Và sự lựa chọn thứ 3 là Maxwell, một nhà nghiên cứu tự do và ẩn dật ở Glenlair. Maxwell không thể từ chối nổi trách nhiệm này nhưng chấp nhận ngồi vào ghế giáo sư Cavendish với điều kiện ông có thể đổi ý vào cuối năm đầu tiên, và ông bắt đầu công việc ở Cambridge từ năm 1871.

Lúc này Maxwell lại chứng tỏ vai trò của một nhà vật lý thực nghiệm xuất sắc khi ông đặt những viên gạch đầu tiên để Cavendish trở thành một trung tâm nghiên cứu vật lý đứng đầu thế giới với việc thiết lập các phòng thí nghiệm, hoàn thiện các nghiên cứu về chất khí, về phép đo trọng lực, và phát triển nghiên cứu về thống kê phân tử khí. Maxwell giờ đây đã có các nghiên cứu sinh và nhóm nghiên cứu, nhưng phong cách của ông không phải là cố ép họ vào một nhóm bình thường. Một trong những sinh viên đầu tiên của Cavendish, Arthur Schuster, đã mô tả lại quan điểm của Maxwell là: “tốt nhất cho cả sự phát triển của khoa học và đào tạo những bộ óc của sinh viên, là mỗi người nên theo đuổi con đường riêng của mình…Tôi chẳng bao giờ cố gắng ngăn một chàng trai thử làm một thí nghiệm nếu như anh ta chưa tìm thấy những gì mà anh ấy muốn, và anh ấy có thể tìm thấy một thứ gì trong đó”. Tuy nhiên, Maxwell vẫn chẳng có chút cải thiện về khả năng giảng dạy khi các bài giảng của ông vẫn không thu hút được mấy sinh viên theo học. Cùng với Newton và một số nhà khoa học vĩ đại khác ở Cambridge, Maxwell được xếp vào nhóm “giáo sư của bốn bức tường” vì lớp học của họ vắng tanh.

Nhưng số phận không quá ưu ái với nhà vật lý vĩ đại. Mới 48 tuổi, Maxwell cũng mắc căn bệnh ung thư dạ dày giống mẹ ông và qua đời vào năm 1879 (ngày 5 tháng 11) khi vẫn đang nỗ lực đặt những viên gạch đầu tiên phát triển Phòng thí nghiệm Cavendish ở Cambridge. Maxwell ra đi một cách thanh thản với một lời để lại cho các đồng nghiệp Cambridge: “Tôi đã suy nghĩ một cách nhẹ nhàng về những gì tôi luôn gặp phải. Tôi cũng chưa từng làm điều gì mãnh liệt trong cả cuộc đời. Mong muốn duy nhất của tôi là có thể được như David để phục vụ mọi người theo ý nguyện của Thiên Chúa và rồi yên nghỉ.” Maxwell được chôn cất ở Parton Kirk, gần với Glenlair nơi ông đã lớn nên. Ra đi khi còn trẻ cộng với bản tính tự do, khiêm tốn, không thích ồn ào khiến những đóng góp vĩ đại của ông ít được công chúng ngoài ngành biết đến. Nhưng điều đó không hề giảm đi sự vĩ đại của James Clerk Maxwell, người được mệnh danh là Einstein của Scotland.

[1] Bài viết này sử dụng tư liệu được trích từ cuốn “Great Physicists, The Life and Times of leading physicists from Galieo to Hawking” của tác giả William H. Gropper (NXB Viện Đại học Oxford, 2001)

[2] Edinburgh Academy, một học viện tư thục dạy trẻ từ 2 đến 18 tuổi được thành lập năm 1824 ở thành phố Edinburgh

[3] Royal Society of Edinburgh, Hàn lâm Viện Quốc gia Scotland, được thành lập từ năm 1783.

[4] Wrangler là danh hiệu giành cho những sinh viên tốt nghiệp đại học (First class Honour) xuất sắc nhất về toán học ở Viện Đại học Cambridge. Đây là một truyền thống có từ năm 1740, người đứng đầu gọi là Senior Wrangler, thứ hai là Second Wrangler. Ví dụ như Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long từng giành danh hiệu này năm 1973.

[5] Ngôi trường này sau này được sáp nhập vào Viện Đại học Aberdeen.

[6] Royal Institution of Great Britain, một học viện phát triển khoa học và giáo dục ở London, được thành lập năm 1799, là nơi nổi tiếng với các bài giảng khoa học đại chúng và các phòng thí nghiệm hóa học.

[7] Royal Society (thành lập năm 1660), Hiệp hội tương đương với Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia của Vương quốc Anh, và là viện hàn lâm khoa học đầu tiên trên thế giới.

[8] J. C. Maxwell, “On physical lines of force”, Philosophical Magazine (Taylor & Francis) 90, 11–23 (1861).

[9] J. C. Maxwell, “A dynamical theory of the electromagnetic field”, Philosophical Transactions of the Royal Society of London 155, 459–512 (1865).

[10] Heinrich Herzt, một giáo sư vật lý ở Đại học Karlsruhe (nay là Học viện Công nghệ Karlsruhe, Đức), sinh năm 1857, mất khi mới chỉ 36 tuổi do bị ung thư máu. Ông chứng minh lý thuyết Maxwell năm 1887 bằng thí nghiệm tạo và ghi nhận sóng điện từ. Cuộc đời của Hertz là một cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy oanh liệt trong khoa học.





--------------------
***Bình yên một thoáng***
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 31st October 2024 - 10:22 PM