Printable Version of Topic

Click here to view this topic in its original format

PLEIKU PHỐ NÚI FORUMS _ LỊCH SỬ - VĂN HÓA - BÌNH LUẬN _ Kinh tế Việt Nam sau cách mạng tháng Tám 1945

Posted by: thaolam Aug 14 2008, 10:54 AM


Nhìn lại kinh tế Việt Nam trong thế kỷ XX


Lời mở đầu

Giai đoạn 1900-1945
Nông nghiệp
Công nghiệp và thủ công nghiệp
Giao thông vận tải
Tiền tệ, ngân hàng, buôn bán
Giai đoạn sau cách mạng Tháng tám 1945
Giai đoạn 1945- 1954
Giai đoạn 1955- 1975

Giai đoạn1976-1999
Giai đoạn 1976 -1985
Giai đoạn 1986- 1995
Những sự kiện kinh tế nổi bật trong những năm gần đây (1996- 1999)


Lời mở đầu

Có lúc nào các bạn, những người quan tâm tới nền kinh tế Việt nam lại tự hỏi rằng chủ nhân đầu tiên của nền kinh tế Việt nam là ai không?. Chủ nhân sáng tạo ra nền kinh tế thời nguyên thuỷ ở Việt Nam là người vượn từ Bình Gia (Lạng Sơn), núi Ðọ (Thanh Hoá), hang Gòn, Dầu Giây (Ðồng Nai) thuộc thời đại đồ đá cũ, cách đây 30 vạn năm, đến người hiện đại (Homo Sapiens) ở mái đá ngườm, văn hoá Sơn Vi thời đại đồ đá giữa, cách đây 23-24 nghìn năm đều là cư dân bản địa phát triển dần lên, trải qua hàng chục vạn năm thành người Việt cổ, chủ nhân của nền kinh tế văn hoá Việt Nam.

Và đến ngày nay, một thế kỷ nữa sắp trôi qua, khắp nơi mọi người đang nô nức đón chào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của khoa học kỹ thuật, kỷ nguyên số hoá và nền kinh tế toàn cầu. Nằm trong vòng quay chung của nền kinh tế thế giới, Việt Nam cũng tự nhìn nhận lại mình qua một thế kỷ, nền kinh tế và những đổi thay mà 100 năm, với những nỗ lực, những bước chuyển của lịch sử, của những cuộc cách mạng, của chiến tranh, sự tàn khốc và lòng kiên cường vươn lên. Hôm nay, bên thềm của thế kỷ mới, nền kinh tế của Việt nam đã có nhiều thành tựu đáng kể.


Giai đoạn 1900-1945


Nửa cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam với mục đích mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm nguồn nguyên liệu và bóc lột lao động.

Nông nghiệp

Năm 1900, thực dân Pháp đã chiếm được hơn 301.000 ha đất canh tác, năm 1907 tăng lên 470.000ha. ở Bắc kỳ, năm 1907 chúng lập được 244 đồn điền, phần lớn là trồng lúa, một số đồn điền trồng cà phê và cây cao su, chè. năm 1907 , số gạo xuất khẩu là 1.427.553 tấn, năm 1918 là ; 1.189.000 tấn.

Năm 1920, sau chiến tranh Thế giới I, Pháp tập trung đầu tư vốn vào Ðông Dương

- Số lượng kênh đào tăng nhanh, năm 1900 mới chỉ đào được 10.216.00m2 đất kênh, năm 1930 đã đào được 165.637.000 m2.

- Kênh đào tăng nhanh đã làm tăng diện tích đất canh tác và tăng sản lượng lúa gạo. từ năm 1918 đến năm 1938 , Việt nam thường đứng thứ 2, thứ 3 về xuất khẩu gạo trên thế giới.

- Tư bản Pháp đua nhau mở nhiều đồn điền cao su ở Miền Ðông Nam Bộ , năm 1930 diện tích trồng cao su đã lên đến 110.000 ha. Ngoài ra một số loại cây công nghiệp khác như: mía, bông gòn, dừa, chè, cà phê, hồ tiêu cũng được phát triển.

- Các loại máy móc nông nghiệp và phân hoá học đã bắt đầu được sử dụng.

Từ năm 1930- 1945: nông nghiệp không được phát triển nhiều, Pháp chú trọng nhiều hơn vào hầm mỏ , kỹ nghệ. nông nghiệp sút giảm, công cuộc khẩn hoang giảm tốc độ và dừng hẳn

Công nghiệp và Thủ công nghiệp

- Số mỏ than tăng nhanh, năm 1907 chỉ có chỉ có 33 mỏ năm 1911 tăng lên 92 mỏ, tổng lượng than khai thác tăng lên nhanh chóng và được xuất khẩu chủ yếu sang Viễn Ðông.

Việc khai thác quặng mỏ kim loại cũng được tiến hành sớm.

Các nghề thủ công bị mai một

Một số xí nghiệp công nghiệp được mở ra như: xi măng, gạch ngói, đIửn, nước, chế biến nông lâm sản, xy xát gạo, làm giấy, diêm, thuốc lá, rượu, đường, .... . đưa số xí nghiệp từ con số 82 năm 1903 lên 200 xí nghiệp năm 1906.

- Lực lượng công nhân cũng tăng nhanh, năm 1919 mới có 11840 người, năm 1929 đã lên đến 53240 người.

Về giao thông vận tải:

Ðường bộ được mở rộng đến những khu đồn điền, bến cảng , các vùng biên giới quan trọng, và đến cả những nơI xa xôI hẻo lánh.

Năm 1925-1930 , việc đi lại, chuyên chở bằng ô tô bắt đầu phát triển mạnh. Ðến năm 1930 –1940 việc giao thông vận tải bằng ô tô trên đường bộ đã trở thành phổ biến, có thể đi lại thông xuốt giữa các tỉnh, các miền, các xứ.

Nhiều cầu sắt, cầu xi măng kiên cố đã được xây dựng qua các sông rộng.

Ðường thuỷ được khai thông mở rộng với các phương tiện mới ngày càng nhiều là ca nô, tàu thuỷ chạy bằng hơi nước.

Thực dân Pháp đã đào thêm hàng ngàn cây số kênh đào mới ở Nam Bộ, các kênh đều ngang hàng, cân đối, bằng nhau và rất đẹp.

Các cảng biển phát triển mạnh, các cảng mới được xây thêm: cảng hải Phòng, Ðà Nẵng, Cam Ranh, Sài Gòn.

Các hãng tàu biển của tư sản Việt Nam cũng phát triển như : Nhà tư sản Nguyễn Hữu Thu, Bạch Thái Bưởi,..

Ðường sắt Việt nam mới có từ thời Pháp thống trị, tuyến Hà Nội- Hải Phòng : khởi công xây dựng năm 1901, hoàn thành năm 1902, tháng 12-1908 đoạn đường sắt Hà Nội- Lạng Sơn (148 km) rồi nối tiếp lên Ðồng Ðăng – Nam Quan hoàn thành. Ðến năm 1939, tổng độ dài đường sắt đã làm trong thời Pháp thống trị là 2.908 km. Có nhiều đường hầm đào xuyên núi. Năm 1939, đường sắt Việt Nam đã có 300 đầu tàu, 650 toa chở khách, 2800 toa chở hàng, trung bình chạy 4km/h

Năm 1913 , chiếc máy bay đầu tiên ở Việt nam bay từ Sài gòn xuống Gò Công. Sân bay đầu tiên ở Việt Nam là sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó là sân bay Gia lâm.

Tiền tệ, ngân hàng , buôn bán:

Ngày 16-5-1900, Chính phủ Pháp có sắc lệnh cho phép Ðông Dương ngân hàng phát hành số sao phiếu nhiều gấp 3 lần số số chuẩn bị kim, tiền tệ bị cưỡng bức lưu hành.

Năm 1930, Pháp bỏ ngân bản vị theo kim bản vị.

Thông qua hàng lọt các đạo luật thuế quan (gần nhất là ngày 13-4-1928), thực dân pháp ngày càng cột chặt thị trường Việt Nam vào thị trường Pháp. Quan hệ buôn bán của Việt Nam với Pháp ngày càng được tăng cường từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Những năm 30, hàng hoá của các nước như Mỹ, Ðức, bỉ, Hà lan, cũng đã xuất hiện ở Việt Nam.

Trong suốt hơn 80 năm xâm lược và thống trị Việt nam, cùng với quá trình đầu tư khai thác kinh tế và thực thi hàng loật các chính sách về chính trị, xã hội , văn hoá, giáo dục, thực dân Pháp đã du nhập vào nước ta một phương thức sản xuất mới có tính chất tư bản chủ nghĩa.

Sự hiện diện của phương thức sản xuất mới này có tác dụng kích thích sự hình thành và phát triển của chủ nghã tư bản dân tộc và làm thu hẹp và phá vỡ dần các quan hệ sản xuất phong kiến và tiền tư bản ở trong nước. Các quan hệ tư bản hoà trộn, đan xen và trùm lên các quan hệ phong kiến, thống trị và chi phối các quan hệ phong kiến, trở thành nhân tố quyết định xu hướng phát triển của xã hội Việt Nam. Ðây chính là hình thái kinh tế xã hội đặc thù của các nước thuộc địa tư bản chủ nghĩa. Sự tồn tại đồng thời của cả hai phương thức sản xuất tư bản và phong kiến vừa là một hiện tượng khách quan, vừa phản ánh mục đích chủ quan của thực dân Pháp. Pháp muốn duy trì phương thức bóc lột phong kiến bằng cách hạn chế sử dụng các loại máy móc và các phương tiện kỹ thuật hiện đại mà chủ yếu là tận dụng sức người và lao động thủ công với giá thành rẻ mạt để thu lợi nhuận tối đa. Trong nông nghiệp, tư bản Pháp không kinh doanh theo phương thức thuê mướn nhân công rồi trả tiền công mà tiến hành phát canh thu tô, bóc lột kiểu phong kiến.

Dưới tác động của phương thức sản xuất TBCN do tư bản Pháp du nhập vào, nền kinh tế Việt Nam dần chuyển biến từ một nền nông nghiệp lạc hậu, tự cung tự cấp sang một nền kinh tế thuộc địa- TBCN. Việc sử dụng phương thức kinh tế theo lối TBCN đã tạo ra bước phát triển nhanh chóng của lực lượng sản xuất. Nền kinh tế bắt đầu hình thành và phát triển ở một số khu vực sản xuất. Các sản phẩm làm ra không không phải chỉ đảm bảo các nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn dùng để xuất khẩu ra thị trường thế giới. Nhờ có các hoạt động kinh tế với nước ngoài mà lần đầu tiên nền kinh tế Việt Nam đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia để tiếp cận và từng bước hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Như vậy có thể nói là so với giai đoạn trước , nền kinh tế Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1945 đã phát triển nhanh chóng và có những chuyển biến căn bản . Quan hệ TBCN đã được mở rộng và giữ vị trí quan trọng trong nhiều ngành kinh tế. Có thể nói cho đến trước năm 1945, cơ cấu nền kinh tế thuộc địa- tư bản chủ nghĩa đã thực sự được xác lập ở nước ta. Tuy nhiên điều đó cũng gây nên sự mất cân đối trong phát triển: sự phân chia khu vực, ngành sản xuất.

Mặc dù vậy, sự xác lập các ngành kinh tế mới và đi liền với nó là sự ra đời và phát triển của các lực lượng xã hội mới đã tạo những tiền đề vật chất cần thiết cho sự tiếp thu các quan điểm và tư tưởng mới, làm cơ sở và động lực thúc đẩy sự phát triển của phong trào dân tộc, đưa xã hội Việt nam chuyển nhanh vào quỹ đạo vận hành của toàn nhân loại.

sau cách mạng tháng Tám 1945

Căn cứ vào đặc điểm lịch sử và tính chất của công cuộc xây dựng, có thể chia quá trình phát triển kinh tế của nước ta từ năm 1945 đến nay thành các giai đoạn: 1945- 1954, 1955- 1975, 1976- 1990, 1991-1996, 1997-1999.

Giai đoạn 1945- 1954:

Là giai đoạn đầu tiên trong xây dựng chế độ kinh tế mới ở Việt Nam, là giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất, với các cuộc chiến của nhân dân Việt Nam chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

ở vùng tự do và căn cứ kháng chiến ngoài việc đẩy mạnh xây dựng công nghiệp quốc phòng, còn xây dựng được một số cơ sở cơ sở công nghiệp khai khoáng và sản xuất vật phẩm tiêu dùng . Trong thời kỳ này, kinh tế nông thôn có vị trí đặc biệt quan trọng.

Tháng 12-1953 luật cải cách ruộng đất được ban hành.

Giai đoạn 1955- 1975

Ðây là giai đoạn đất nước bị tạm thời chia cắt. Nhân dân Việt Nam phải tiến hành hai nhiệm vụ: xây dựng miền Bắc và tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.

Thực hiện kế hoạch 3 năm (1955-1957) khôi phục và phát triển kinh tế.


Thực hiện kế hoạch 3 năm (1958-1960) cải tạo và phát triển kinh tế.

Những năm này, tổng mức đầu tư của Nhà nước Việt Nam không ngừng tăng lên qua các năm, nếu lấy mốc năm 1955 so sánh thì đến năm 1975 tổng sản phẩm xã hội gấp 3,4 lần; thu nhập quốc dân gần gấp 2,5 lần.

giai đoạn 1976-1999

Giai đoạn 1976 -1985

Ðây là giai đoạn sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội được đưa lên hàng đầu.

Thực hiện kế hoạch 5 năm 1976-1980: khắc phục hậu quả nặng nề sau chiến tranh và cải tạo kinh tế miền nam cho phù hợp với mô hình kinh tế mới.

Thực hiện kế hoạch 5 năm ( 1981- 1985), đã có hàng loạt bước thể nghiệm mà mục đích là sửa đổi cơ chế quản lý. Các chính sach nhằm khắc phục cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, phát huy tính năng động địa phương và cơ sở được đưa ra.

Ngày 13-2-1981: Ban bí thư ra chỉ thị 100 về công tác khoán trong nông nghiệp.

Ngày 17-6-1985 Hội nghị TW Ðảng lần thứ 8 đã ra nghị quyết về Giá - Lương - Tiền với nội dung cơ bản là xoá bỏ bao cấp.

Nhìn chung trong giai đoạn này tăng trưởng thấp(3,7%năm), làm không đủ ăn và dựa vào nguồn viện trợ nước ngoài ngày càng lớn. Thu nhập quốc dân trong nước sản xuất chỉ đáp ứng được 80-90% thu nhập quốc dân sử dụng. Năm 1985, tỷ trọng các nguồn viện trợ, cho vay từ bên ngoài chiếm 10,2% thu nhập quốc dân sử dụng.

Giai đoạn 1986- 1995:

Ðây là thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước bằng pháp luật và các công cụ khác.

Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách mở bằng các chuyến công du của các vị lãnh đạo cao cấp của Ðảng và chính phủ: chính sách Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước.

Thực hiện kế hoạch 5 năm (1986-1990), trong giai đoạn này nền kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 3,8%.

Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1991- 1995).

Năm 1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN, từ đó chính thức gia nhập vào thị trường kinh tế thế giới.

Chỉ tính riêng trong 4 năm (1991- 1994) tổng sản phẩm trong nước đã tăng 35,4%, bình quân mỗi năm tăng 7,9%, trong đó năm 1991 tăng 6,0%.

Năm 1995, giai đoạn tăng trưởng bùng nổ của nền kinh tế Việt Nam (9,54%).

Những sự kiện kinh tế nổi bật trong những năm gần đây (1996- 1999)

Những sự kiện kinh tế 1996

1. Ðại hội lần thứ VIII ÐCS Việt Nam

Diễn ra vào cuối tháng 6, tỗng kết 10 năm thực hiện đường lối đỗi mới, Ðại hội VIII của Ðảng khẳng định, công cuộc đỗi mới 10 năm qua đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiệm vụ do Ðại hội VII đề ra cho 5 năm 1991-1995 đã được hoàn thành về cơ bản. Nước ta đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng và kéo dài hơn 15 năm, tuy còn một số mặt chưa vững chắc, song đã tạo được tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới: đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Sau Ðại hội, Quốc hội đã bỗ nhiệm 8 bộ trưởng mới và thành lập 15 tỉnh và một thành phố mới.

2. Lạm phát 4,5%

Ðây là mức lạm phát thấp nhất kể từ năm 1991 là năm khởi đầu của thời kỳ Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, bình quân trên 8 % /năm. Mức lạm phát chỉ xấp xỉ một nửa chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho năm 1996. Giá các mặt hàng chủ yếu tương đối ổn định trong cả năm. ấn định tiền tệ là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tình trạng giảm phát liên tục trong 4 tháng, từ 4,3 % trong tháng 3 và tháng 4 xuống 2,2 % trong tháng 8 đã gây nên những khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, trong điều kiện nền kinh tế mới bước vào thời kỳ tăng trưởng cao, thì việc giữ lạm phát ở mức thấp như năm 1996 liệu có lợi cho tăng trưởng kinh tế không còn là vấn đề cần được thảo luận kỹ càng.

3. Thâm hụt cán cân thương mại

Xuất khẩu năm nay đạt 7 tỷ USD tăng 32 % so với năm 1995 là một cố gắng lớn. Nhập khẩu đạt 11 tỷ USD, tăng 22 % so với năm trước. Trong đó các doanh nghiệp có vốn nước ngoài nhập 2,2 tỷ USD, tăng 33 % so với năm trước. Nhập khẩu hàng tiêu dùng giữ ở mức 10 % kim ngạch nhập khẩu và 16 % kim ngạch xuất khẩu. Thâm hụt cán cân thương mại năm 1996 là 4 tỷ USD so với 2,3 tỷ năm ngoái. Với tổng thu nhập quốc dân cả nứơc là 25 tỷ USD thì nhập siêu ở mức 16 % GDP là dấu hiệu đáng quan ngại cho sự phát triển nhanh và bền vững cho một quốc gia. Ðồng tiền Việt Nam lên giá so với một số ngoại tệ mạnh và tình trạng mở L/C trả chậm trong 3 quý đầu năm là những tác nhân chính khuyến khích tình trạng nhập siêu trong năm.

4. Xuất khẩu gạo đạt mức cao

Những ước tính dè dặt nhất cho thấy năm 1996 xuất khẩu không dưới 3 triệu tấn gạo, tăng 1 triệu tấn so với năm 1995. Mặc dù thiên tai liên tiếp xảy ra ở mức độ nặng nề trên cả ba miền nhưng sản lượng lương thực vẫn tăng trên 1 triệu tấn, với sản lượng quy thóc đạt 28,5 triệu tấn trong đó lúa đạt 25,8 triệu tấn. Mức tăng trưởng chung của nông nghiệp vẫn đạt 4 %, tương đương các năm trước. Ngoại trừ có những đột biến về năng suất, trong những năm tới sản lượng gạo xuất khẩu khó có thể vượt được mức của năm 1996 do dân số Việt Nam gia tăng nhanh ; ngoài hai vùng Ðồng bằng sông Cửu Long và Ðồng bằng sông Hồng đủ khả năng cung cấp lượng thực tiêu dùng tại chỗ còn các vùng khác đều ở trong tình trạng thiếu lương thực hoặc bấp bênh ; còn tới gần 20 % dân số tiêu dùng dưới 2100 calo/ngày, trong đó 4-5 % số người còn đói, trên 40 % phụ nữ và trẻ em đang trong tình trạng suy dinh dưỡng.

5. Giảm lãi xuất ngân hàng

Lãi suất tiền gửi giảm mạnh, khoảng trên 30 %, lãi suất tiền vay cũng giảm đáng kể trên cơ sở giữ mức chênh lệch giữa hai loại lãi suất này là 0,35 %. Tuy nhiên tác động của việc giảm lãi suất đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không mạnh mẽ. Các doanh nghiệp thiếu vốn vay trung hạn và dài hạn nhưng do cơ cấu nguồn vốn, các ngân hàng không đáp ứng được nhu cầu này mặc dù có những thời điểm các ngân hàng thương mại dư thừa vốn nhiều. Việc xiết chặt các điều kiện vay vốn là cần thiết nhất là trong tình trạng nhiều năm trước đây nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nặng nhưng vẫn tiếp tục được vay vốn dẫn đến chỗ không có khả năng thanh toán. Tuy nhiên điều này cũng dẫn đến những khó khăn cho đầu ra của không ít ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng thương mại quốc doanh. Việc buông lỏng quản lý các doanh nghiệp vay vốn nước ngoài dưới hình thức mở L/C trả chậm cũng là nguyên nhân quan trọng làm ứ vốn trong các ngân hàng.

6. Thay đổi trong cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài

Có thể bi quan nếu chỉ nhìn vào tình hình đầu tư nước ngoài trực tiếp tại thành phố Hồ Chí Minh: số dự án và vốn đăng ký đều giảm đi một nửa so với năm 1996. Vốn FDI ở Hà Nội cũng giảm sút. Tuy vậy những dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh trong năm đã đóng góp cho ngân sách thành phố trên 6700 tỷ đồng, tăng 45 % so với năm 1995, chiếm trên 16 % GDP của thành phố. Tổng vốn đầu tư FDI năm 1996 đạt xấp xỉ 7 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm 1995, nhưng được phân bổ tại các địa bàn mới ngoài hai thành phố lớn. Nếu tính tổng vốn FDI thực hiện là trên 1,7 tỷ USD với vốn ODA đã giải ngân thì tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài so với ttỏng vốn đầu tư xã hội trong năm 1996 đạt 40,3 %, một tỷ lệ làm hài lòng các nhà hoạch định chính sách. Vào tháng 10 Quốc hội đã thông qua luật đầu tư nước ngoài sửa đổi. Tuy có sửa đổi nhưng Bộ luật vẫn không làm mất đi tính chất "khá hào phóng" của nó. Ðây cũng là nỗ lực mới của Chính phủ Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra vẫn đang có những nỗ lực để soạn thảo một bộ luật đầu tư chung cho cả trong và ngoài nước.

7. Ðồng loạt khởi công các công trình cầu và đường

Năm 1996, cơ sở hạ tầng trong đó đặc biệt là cầu và đường thực sự "được mùa", tạo nên sức bật mới trong xây dựng phát triển đất nước. Cầu Phú Lương, Lai Vu... những đoạn đường huyết mạch như QL5, QL183, đường Nam Thăng Long, Mai Dịch... Những công trình vốn lớn, có vai trò trọng yếu đối với lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế như QL1, QL5, đường 18, cao tốc Láng - Hòa Lạc (Hà Nội, Xuân Mai, Hòa Lạc), cao tốc 51 Long Thành - Bà Rịa (Ðồng Nai - Vũng Tàu), cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn... đã lần lượt được khởi công.

Ngòai số vốn do các nước và các tổ chức quốc tế cung cấp, số công trình cầu đường xây dựng bằng vốn trong nước được khánh thành, khởi công suốt từ Bắc vào Nam từ Lạng Sơn, Tuyên Quang, đến Ðắc Lắc, Bến Tre, Long An, Cà Mau.

8. Tồn kho lớn các sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong nước đều tồn kho ở mức cao, có thời điểm lên tới 16.000 tấn gi y, 100.000 tấn phân bón, 400.000 tấn thép và 700.000 tấn xi măng. Nhiều nhà máy phải giảm sản lượng 20 - 30% so với khả năng thực tế. Cuối tháng 11 Nhà máy giấy Tân Mai buộc phải ngừng sản xuất . Nhà máy Supe phốt phát Long Thành chỉ khai thác được 60% công suất thiết kế. Công ty thép miền Nam, Công ty gang thép Thái Nguyên và nhiều nhà máy xi măng, đặc biệt là xi măng lò đứng suốt cả năm rơi vào tình trạng chậm tiêu thụ. Nguyên nhân chủ yếu là do việc điều tiết nhập khẩu các sản phẩm này thiếu chặt chẽ, không cân đối được khả năng sản xuất trong nước và nhu cầu thực tế. Ðiều này làm nản lòng các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong việc gia tăng năng lực sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu. Tuy nhiên, trong cả năm, ngành công nghiệp Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao: 14%.

Năm 1997: những sự kiện kinh tế nổi bật

1. Xuất khẩu gạo: huy chương bạc

Bằng việc xuất khẩu 3,5 triệu tấn gạo trong năm nay, Việt Nam đã vượt Mỹ, trở thành nước thứ hai sau Thái Lan về xuất khẩu gạo. Tuy nhiên , do giá gạo trên thị trường thế giới năm nay xuống thấp , nên mặc dù số lượng gạo xuất tăng hơn năm trước trên nửa triệu tấn nhưng kim ngạch thu được không tăng.

Việc nới rộng đầu mối xuất khẩu gạo trực tiếp đã làm cho giá mua thóc của nông dân đỡ thua thiệt hơn năm trước, mặc dù có thời gian tương đối dài, nông dân vẫn không thể bán được thóc bằng giá sàn do Chính phủ quy định. Ðặc biệt, năm nay miền Bắc cũng đã tham gia xuất khẩu gạo.

2. Giảm nhập siêu

Nhập siêu năm 1997 là 2,5 tỷ USD, thấp hơn một chút so với năm 1995 (2,7 tỷ USD), thấp hơn 1,4 tỷ USD so với năm 1996. Nếu nhìn về xu hướng thì năm nay là năm đầu tiên thâm hụt cán cân thương mại giảm từ khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới. Nguyên nhân là do Chính phủ đã sử dụng nhiều biện pháp kiểm soát chặt nhập khẩu, nhất là đối với hình thức nhập thông qua mở L/C trả chậm. Tuy thế, tỷ lệ nhập siêu/ GDP vẫn còn ở mức khoảng 10%. Ðây là tỷ lệ đáng lo ngại vì nó cao gần gấp đôi so với mức mà các nước khác có khả năng chịu đựng. Cơ cấu hàng nhập khẩu chưa rõ nét theo hướng sản xuất hàng hoá để xuất khẩu mà là theo hướng thay thế nhập khẩu.

3. Xử lý những vụ tham nhũng và tệ nạn xã hội lớn

Quyết tâm chống tham nhũng trong năm nay của Chính phủ được đánh dấu bằng việc xét xử vụ tham nhũng Tamexco với 4 bản án tử hình. Những người cầm đầu của công ty thương mại quốc doanh này thông đồng với một số quan chức của Vietcombank của thành phố Hồ Chí Minh đã chiếm đoạt của Nhà nước một khoản tiền trên 250 tỷ đồng. Tiếp đó là vụ điều tra những dấu hiệu phạm pháp của hai công ty tư nhân thuộc loại lớn nhất tại thành phố Hồ Chí Minh là Minh Phụng và Epco, tạm bắt trên 70 người có liên quan để điều tra xét hỏi, trong đó có cả những người lãnh đạo trong hai ngân hàng quốc doanh là Vietcombank và Incombank thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1997 cũng chứng kiến việc xử vụ án buôn lậu ma tuý lớn nhất: 224 kg heroin, với 24 bị can, trong đó có cả những người trong lực lượng công vụ của Nhà nước, tử hình 8 bị can. Cũng tại Hà Nội, Toà án cũng đã xét xử hai băng đảng xã hội đen do Phúc"bồ" và Khánh "trắng" cầm đầu.

4. Ðầu tư trực tiếp mới của nước ngoài giảm

Khả năng tối đa thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)của năm 1997 là 6,2 tỷ USD, kể cả các dự án đang hoạt động được cấp phép tăng vốn, ít hơn trên 2 tỷ USD so với năm 1996. Tuy nhiên hoạt động thu hút vốn FDI năm nay cũng có một số điểm mới. Miền Trung bước đầu có những chuyển động mới trong thu hút đầu tư do có cơ chế thông thoáng. Số vốn thực hiện đạt 3 tỷ USD, tăng 35% , không kể đến vốn thực hiện của Liên doanh dầu khí Việt - Xô, trong khi số dự án bị giải thể giảm 35% so với năm trước. Cải thiện môi trường đầu tư vẫn là vấn đề bức xúc hiện nay của những nhà hoạch định chính sách, nhất là những vấn đề về thủ tục hành chính, nạn quan liêu, tham nhũng.... Ðặc biệt, trong bối cảnh tài chính của các nước trong khu vực thiếu ổn định như hiện nay thì việc cải thiện môi trường đầu tư vừa là thách thức, vừa là cơ hội để gia tăng thu hút vốn FDI của Việt Nam. Thu hút vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) năm nay đạt 2,4tỷ USD, tương đương với năm trước.

7. Lạm phát tiếp tục giảm

Lạm phát năm 1997 là 4%, giảm 0,5 % so với năm trước. Lạm phát thấp có mặt tốt là góp phần ổn định môi trường kinh doanh, ổn định đời sống dân cư. Tuy nhiên trong một số tháng đã diễn ra tình trạng giảm phát, điều này cũng tác động bất lợi đến kinh doanh của các doanh nghiệp, làm cho thị trường kém sôi động. Ngoài ra, tăng giá USD chưa tác động mạnh đến chỉ số lạm phát nhưng những biến động về tỷ giá trong những tháng cuối năm cũng tác động bất lợi đến sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp.

5. Mức tăng sức mua chững lại

Mức tăng của tổng mức bán lẻ hàng hoá toàn xã hội chỉ bằng khoảng một nửa so với năm 1996, và nếu loại trừ yếu tố lạm phát thì mức tăng này chỉ còn bằng 2/3 mức tăng GDP. Ðiều này phản ánh tình trạng sức mua của xã hội bị ngưng trệ. Thành phố HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, quỹ tiêu dùng của dân cư chỉ tăng 5,5% sau khi đã loại trừ yếu tố lạm phát, tiêu dùng bình quân của người dân chỉ tăng 3,1 %, thấp hơn năm 1996 (8%). Ðáng chú ý là cánh kéo giá cả giữa hàng nông sản và hàng công nghiệp và dịch vụ ngày càng doãng ra do giá cả nông sản giảm, làm cho sức mua của 80 % dân cư cả nước suy giảm.

6. Xã hội hoá các hoạt động dịch vụ

Tại phiên họp tháng 3 Chính phủ đã quyết định khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, và văn hoá. Bên cạnh đầu tư của Nhà nước, Chính phủ khuyến khích nhân dân mở các lớp mẫu giáo, 10-15% trường phổ thông cấp 1, 25 % cấp 2 và 50% cấp 3. Chính phủ Việt Nam cũng khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các hoạt động đại học và cao đẳng. Cùng với việc khuyến khích mở các cơ sở khám chữa bệnh dân doanh, trong năm 1997 cũng đã khai trương Bệnh viện quốc tế tại Hà Nội với 53 giường đạt tiêu chuẩn quốc tế bằng vốn của các nhà đầu tư Australia. Cùng với việc xúc tiến cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước, việc xã hội hoá các lĩnh vực trên là một trong những giải pháp nhằm phát huy nội lực của dân cư nhằm thực hiện đường lối CNH, HÐH đất nước.

Những sự kiện kinh tế việt nam năm 1998

Tốc độ tăng trưởng sụt giảm

Tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) từ 9% xuống còn 6-7%, công nghiệp từ 13,5% xuống còn 10-11%, nông nghiệp từ 4,7% còn 3-3,5%, xuất khẩu từ 25-16% còn 10%, lạm phát dưới 10% thay cho 6-7%... Lần đầu tiên, Quốc hội đã phải điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kinh tế năm 1998 dưới sức ép của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực và những yếu kém của bản thân nền kinh tế. Dưới tác động của cuộc khủng hoảng khu vực, xuất khẩu bị thu hẹp về thị trường và bất lợi về giá (kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm 1998 chỉ mới đạt gần 8,5 tỉ USD so với tiêu chuẩn cả năm là 11 tỉ USD); đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh (chỉ bằng 51% so với cùng kỳ năm trước); dịch vụ cho khách quốc tế sút kém; thị trường ngoại hối có biến động.

Nông nghiệp tiếp tục đạt thành tựu mới Dù bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, nông nghiệp vẫn tăng trưởng 3%, lương thực đạt sản lượng 31,8 triệu tấn, đưa mức bình quân đầu người lên trên 400 Kg, đạt mục tiêu đề ra cho năm 2000. Xuất khẩu gạo dự kiến có thể vươn tới kỷ lục mới, đạt đến 3,8 triệu tấn, tăng hơn 2% về lượng và hơn 18% về giá trị so với năm 1997.

Việt Nam chính thức tham gia APEC

Việt Nam đã chính thức được kết nạp vào APEC ngay trước Hội nghị cấp cao lần thứ 6 của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu á - Thái Bình Dương (APEC) họp từ 17 đến 18-11-1998 tại Kuala Lumpur (Malaysia). Các thành viên APEC là các đối tác kinh tế chủ yếu, chiếm tới 80% kim ngạch ngoại thương, 75% tổng số vốn đầu tư nước ngoài và là nguồn cung cấp ODA lớn nhất của Việt Nam. Bên cạnh những lợi ích và sự hội nhập APEC mang lại là thách thức lớn đặt ra đối với sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.



Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 diễn ra tại Hà Nội từ 15 đến 16-12-1998

Các nhà lãnh đạo 9 nước ASEAN đã thông qua tuyên bố Hà Nội, cam kết thực hiện khu Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) đúng lịch trình và đã quyết định kết nạp Campuchia làm thành viên chính thức thứ 10 của ASEAN.

Lần đầu tiên tại Hội nghị cấp cao chính thức ASEAN đã diễn ra các cuộc gặp cấp cao ASEAN với 3 bên đối thoại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật. Hội nghị cấp cao ASEAN lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội là một thành công lớn về đối ngoại và hội nhập khu vực của Việt Nam.

Ðồng Việt Nam giảm giá 16,31 %

Qua 2 lần điều chỉnh tỷ giá: lần 1 từ 11.175 đồng/USD lên 11.800 đồng/USD từ ngày 16-2-1998 và lần 2 lên 12.998 đồng/USD từ ngày 7-8-1998, đồng thời thu hẹp biên độ mua bán ngoại tệ từ 10% xuống 7%, đồng Việt Nam đã giảm giá 16,31% so với đồng dollar Mỹ.

Thiên tai liên tiếp gây thiệt hại nặng nề

Hậu quả của cơn bão số 5 năm 1997 chưa khắc phục xong, lại tiếp đến hạn hán gay gắt kéo dài chưa từng thấy kéo dài ở nhiều vùng trong năm 1998. Tiếp đến, các cơn bão sỗ,5,6,7,8 ập đến tàn phá nhiều tỉnh miền Trung, làm chết và mất tích hàng trăm người. Bên cạnh đó là những thiệt hại to lớn về nhà cửa, trường học, ruộng lúa, hoa màu, tàu thuyền, các công trình thủy lợi và giao thông, mà phải mất hàng chục năm mới khôi phục được.

Chuẩn bị áp dụng thuế giá trị gia tăng

Luật thuế giá trị gia tăng (VAT) lần đầu tiên đưa vào áp dụng ở nước ta từ ngày 1-1-1999 đã trở thành một vấn đề thời sự nóng bỏng đối với nhiều doanh nghiệp. Dù đã có nhiều buổi hội thảo, hội nghị, tập huấn, hướng dẫn triển khai và một số điều chỉnh về thuế suất, việc áp dụng thuế giá trị gia tăng đã và đang làm cho nhiều doanh nghoệp phải tính toán lại chuyện làm ăn.

Nổ lực cải thiện môi trường đầu tư

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã tổ chức các cuộc đối thoại với các doanh nghiệp tại Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh và Ðà Nẳng; tiếp đó, Chính phủ đã ban hành các nghị định về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; về khuyến khích đầu tư trong nước nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp. Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài như úc, Nhật, Mỹ và Anh đã được thành lập sau 11 năm có luật đầu tư nước ngoài (1987). Chính phủ cũng đã cho phép các công ty liên doanh làm ăn thua lỗ được phép tái cấu trúc vốn đầu tư và chuyển nhượng phần hùn để thành công ty 100% vốn nước ngoài như BGI, A&B, Coca Cola Chương Dương và Colgate Palmolive. Tuy nhiên, nhiều biện pháp tháo gỡ tích cực khi đi vào triển khai còn gặp quá nhiều cản trở và chưa đạt hiệu quả mong muốn, môi trường đầu tư vẫn chưa thật sự hấp dẫn.

Vụ án buôn lậu Tân Trường Sanh

Chỉ trong một thời gian ngắn, Tân Trường Sanh đã đưa vào thị trường Việt Nam một lượng hàng lậu trị giá trên 367 tỉ đồng. Ðường dây buôn lậu lớn cấu kết với tham nhũng này không những phá hủy nội lực, triệt hạ những doanh nghiệp trong nước, mà còn biến nhiều cán bộ nhà nước trở thành tay sai cho buôn lậu. Cho đến nay đã có 71 người bị khởi tố. Bản kết luận điều tra vụ án của Bộ Công an còn nêu lên các sơ hở, thiếu sót nghiêm trọng trong quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu của bộ thương mại và trong quản lý nhà nước đối với các hoạt động của các doanh nghiệp, cũng như sự yếu kém về tổ chức và hoạt động của lực lượng chống buôn lậu.

Siêu thị phát triển mạnh

Ra đời từ mấy năm trước, siêu thị đã có bước phát triển mạnh trong năm 1998. Chỉ riêng ở Thành Phố Hồ Chí Minh đã có đến 50 siêu thị. Ðặc biệt, dù xảy ra một vài vụ bể bạc, nhưng sự ra đời của một số siêu thị lớn như Cora ở Ðồng Nai, với phương thức quản lý, hoạt động tiên tiến hơn, đã tạo ra cuộc cạnh tranh khá sôi nổi, đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng và góp phần hiện đại hóa mạng lưới phân phối.

Năm 1999: một số thành quả

+ Mặc dù phải chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trong khu vực và thiên tai nghiêm trọng trên một diện rộng nhưng Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khả quan.

+ Giữ vững được ổn định về kinh tế và xã hội trong toàn quốc và tăng trưởng GDP đạt 5%.

- Trong đó nông nghiệp dành thắng lợi lớn nhất, tăng trưởng 5,2 - 5,3%; đạt sản lượng 33,8 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so với năm 1998, xuất khẩu gạo đạt hơn 4 triệu tấn, vượt chỉ tiêu kế hoạch.

- Xuất nhập khẩu tăng hơn 10% so với kế hoạch dự kiến. Lần đầu tiên xuất nhập khẩu đạt 11 tỷ USD. Ðánh giá ở tầm vĩ mô, các chuyên gia kinh tế cho rằng năm nay Chính phủ Việt Nam đã thực hiện tốt việc cân đối kinh tế ở tầm vĩ mô, về thu - chi - xuất nhập khẩu; dự trữ ngoại tệ tăng đáng kể, giá trị đồng tiền ổn định, ngăn chặn được các cơn sốt tiền tệ... Tuy tốc độ tăng trưởng có kém hơn so với năm ngoái, tốc độ đầu tư nước ngoài có giảm sút, sản xuất công nghiệp tăng trưởng với tốc độ chậm hơn các năm trước, song nhìn ,chung, qua từng quý vẫn có chiều hướng tăng trưởng.

- Tuy nhiên cũng phải kể đến trận lũ lụt gây ra tại 7 tỉnh miền Trung Việt Nam hồi đầu tháng 11 đã làm thiệt hại khoảng 1% GDP, đó là mộtthiệt hại to lớn cho nền kinh tế Việt Nam, đồng thời cũng đề ra một loạt những nhiệm vụ khó khăn cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong tương lai.

Năm 2000 có ý nghĩa rất đặc biệt đối với nền kinh tế Việt Nam. Ðó là năm bản lề để bước sang thiên niên kỷ mới; là năm kết thúc việc thực hiện chiến lược 10 năm 1991-2000 và kế hoạch 5 năm 1996-2000 của Việt Nam. Trước tình hình thực tế và yêu cầu cuộc sống đặt ra cho năm 2000 nhiệm vụ phát triển kinh tế toàn diện của Việt Nam sẽ gặp nhiều cam go trên chặngđường đi tới. Dẫu vậy thì Việt Nam vẫn phải hướng tới để phấn đấu đạt một số chỉ tiêu cụ thể như: tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 5,5 - 6%; giá trị nông nghiệp tăng 3,5 - 4%; giá trị công nghiệp tăng 10,5 - 11%; xuất khẩu tăng 9,5%; lạm phát khoảng 6%; dân số tự nhiên 1,53%; tạo việc làm cho 1,2 triệu lao động; giảm tỷ lệ các hộ nghèo đói xuống còn 10%.

VASC Tổng hợp theo Tạp chí Cộng sản, Tạp chí kinh tế thế giới, 50 năm kinh tế Việt Nam...