Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Tưởng nhớ những người đã ra đi trong năm qua, Đoàn Thanh Liêm
KhoaNam
post Aug 11 2014, 07:11 AM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 7,735
Joined: 8-August 09
Member No.: 4,377
Country







Tưởng nhớ những người đã ra đi trong năm qua


Trong năm 2013 – 2014 này, riêng trong gia đình Tư pháp gồm các giáo sư, luật sư và thẩm phán, thì đã có tới cả chục người đã ra đi. Cụ thể như các giáo sư Trần Như Tráng, Nguyễn Quang Quýnh, các thẩm phán Mai Văn An, Đaò Minh Lượng, Phạm Văn Phú và các luật sư Phạm Quỵ, Mai Văn Lễ, Lưu Đức Quỳnh, Vũ Ngọc Tuyền, Nguyễn Phước Đại, Trần Danh San, Đào Văn v.v…
Giới nhà báo, thì cũng mất đi đến bốn nhân vật có tiếng tăm như Lê Thiệp, Ngô Vương Toại, Cao Sơn, Vũ Ánh.

Giới nhà giáo, thì cũng mất đi ít nhất là hai người, như giáo sư Nguyễn Văn Sở, Nguyễn Minh Diễm.

Giới nghệ sĩ, thì cũng mất đi hai người rất nổi tiếng và được đông đảo quần chúng mến chuộng, đó là nhạc sĩ Việt Dzũng, ca sĩ Quỳnh Giao.

Một người được rất đông bạn bè quý mến mà cũng đã lìa đời vào cuối năm 2013, đó là kỹ sư Đỗ Đình Trinh.

Một nhân sĩ đáng kính trọng đã ra đi vào tuổi 97, đó là bác sĩ Nguyễn Tường Bách, người con út của gia đình Nguyễn Tường với các người anh đều có tên tuổi lớn trong giới văn học Việt nam thời tiền chiến như Nhất Linh, Hòang Đạo, Thạch Lam.

Vì quá đông người đã ra đi như vậy, nên trong bài viết này, tôi xin chỉ ghi lại vắn tắt một số kỷ niệm thân thương với một số nhân vật mà tôi có duyên được gần gũi thân thương gắn bó trong thời gian cách đây không lâu.Điển hình là các vị sau đây.

1 – Bác sĩ Nguyễn Tường Bách (1916 – 2013)


Cũng như nhiều nhân vật bất đồng chính kiến với Việt minh cộng sản, nên vào năm 1946 bác sĩ Bách đã phải sang lánh nạn ở bên Tàu. Nhưng từ cuối năm 1949 sau khi Mao Trạch Đông chiếm được lục địa Trung hoa, thì bác sĩ Bách ở lại miền đất do người cộng sản chiếm đóng. Một phần là do phu nhân Hứa Bảo Liên lại là người Hoa, nên ông được chính quyền Trung cộng cho cư ngụ theo quy chế của một ngọai kiều và được quyền hành nghề bác sĩ tại một thành phố nhỏ tên là Phật sơn. Và đến đầu thập niên 1990 lúc đã vào tuổi 70, do một sự may mắn ông và gia đình được qua định cư tại Mỹ. Chi tiết về cuộc đời họat động lâu dài của ông đã được đích thân bác sĩ Bách ghi lại trong hai cuốn sách nhan đề : “Trên sông Hồng cuồn cuộn” và “Việt nam – một thế kỷ qua”. Đó là chưa kể cuốn hồi ky của người bạn đời của ông là bà Hứa Bảo Liên nhan đề “Nguyễn Tường Bách và Tôi”.‎

Họat động vào cuối đời đáng chú ý nhất của bác sĩ Bách là ông đã nhận làm cố vấn cho Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQ) được thành lập từ năm 1997. Anh chị em trong Mạng Lưới đã nhận được nhiều lời khuyên bảo chỉ dẫn thật quý báu của nhân vật có nhiều kinh nghiệm họat động chính trị thực tiễn và có tầm nhìn xa rộng thông thóang này. Ông luôn nhắc nhở cho chúng tôi về tính chất nhất quán, tích cực và triệt để – mà lại bất bạo động của lãnh vực tranh đấu nhân quyền. Đó là một đặc trưng mà Mạng Lưới cần phải lưu ý để tránh được những sai sót trong hành động chuyên biệt của mình.

So với ba người anh là Nhất Linh, Hòang Đạo, Thạch Lam, thì bác sĩ Bách – dù cũng viết báo với bút danh Viễn Sơn – không để lại một văn nghiệp lẫy lừng nào, nhưng ông luôn giữ vững được một lập trường quốc gia kiên định, một nhân cách trong sáng suốt cuộc đời khá dài gần 100 năm của mình.

Dù bác sĩ Bách đã ra đi, nhưng anh chị em trong MLNQ thì không bao giờ lại quên được tấm gương sáng ngời của một người chiến sĩ với đày đủ phẩm chất Nhân, Trí, Dũng của bậc trượng phu quân tử trong truyền thống tốt đẹp của Dân tộc chúng ta vậy.

2 – Kỹ sư Đỗ Đình Trinh (1937 – 2013)

Đỗ Đình Trinh là thứ nam của ông Đỗ Đình Đạo một chiến sĩ của Quốc Dân Đảng ngay từ thời những năm 1930 – 40. Anh Trinh không phải là một nhân vật có những họat động bề nổi được công chúng biết đến, nhưng lại có nhiều đóng góp âm thầm mà vững chắc cho chính nghĩa quốc gia. Anh say mê tìm hiểu về báo chí của dòng chính tại Mỹ và viết những bài báo có giá trị đề cao lập trường chính đáng của người quốc gia thời Việt nam Cộng hòa, hoặc phê phán những luận điệu thiên vị sai lạc của giới truyền thông quốc tế đối với người tỵ nạn cộng sản tại các nước Âu Mỹ.

Với kinh nghiệm lâu năm trong lãnh vực truyền thông báo chí ở Mỹ, anh đã tìm cách chỉ dẫn cho một số nhà báo trẻ tuổi tránh được những sai lầm về nghề nghiệp và nhất là vạch ra cho họ một lối tiếp cận thích hợp với những vấn đề nổi cộm hiện nay của giới truyền thông chuyên nghiệp trên thế giới. Kể từ ngày về nghỉ hưu ở California, anh ít viết bài cho các báo, nhưng lại kín đáo khuyến khích và hỗ trợ cho một vài nhà báo trẻ thuộc lớp đàn em, giúp họ cố gắng nâng cao phẩm chất và hiệu quả của sự khai phá tìm kiếm trong lãnh vực thông tin báo chí.

Đặc biệt riêng đối với nhóm thanh niên tự nguyện chúng tôi trong Chương trình Phát triển Quận 8 Saigon, thì anh Trinh luôn khích lệ cho công việc anh chị em chúng tôi cùng sát cánh với đồng bào địa phương để cải thiện cuộc sống của họ trong khu vực kém may mắn nhất tại quận ven biên Sài gòn hồi giữa thập niên 1960 đó. Chương trình này chính là một thí điểm của giới thanh niên về công tác phát triển cộng đồng mà được nhiều người biết đến.

Và rồi trong mấy năm gần đây trên đất Mỹ, anh Trinh còn luôn động viên khuyến khích việc tôi chú tâm nghiên cứu tìm hiểu về đề tài Xã hội Dân sự. Tôi không bao giờ lại có thể quên được những đóng góp tích cực mà kín đáo của một người bạn thân tình hòa nhã ‎tuyệt vời đến như thế.

3 – Nhà giáo Nguyễn Văn Sở (1939 – 2014)

Là một giáo sư dậy học nhiều năm tại trường Orange Coast College (OCC), anh Sở được nhiều môn sinh ưa chuộng‎ mến mộ vì sự tận tâm hướng dẫn giảng dậy. Anh cũng được các bạn nhà giáo đồng nghiệp người Mỹ cũng như người Việt đánh giá cao về hiệu quả của lối giảng dậy của anh khiến cho sinh viên đạt được những tiến bộ thật ngọan mục.

Vì là một sĩ quan chuyên dậy Anh văn tại Trường Sinh ngữ Quân Đội, nên sau năm 1975, anh Sở phải đi “ở tù cải tạo” một thời gian. Và sau năm 1990, thì được qua định cư tại Mỹ theo diện HO. Vì đã có bằng Master về môn dậy Anh ngữ như là một ngọai ngữ, nên anh đã trở lại nghề dậy học một cách tương đối dễ dàng và đã đạt được thành tích đáng kể trong nghề với sự mến chuộng của các đồng nghiệp cũng như của sinh viên như đã ghi ở trên.

Nhưng điều nổi bật nhất nơi vị thầy giáo này là tính tình đằm thắm ôn hòa và rất mực đạo hạnh của anh. Là một Phật tử thuần thành, anh Sở có mối giao tiếp thân tình với nhiều bạn hữu thuộc niềm tin tôn giáo khác với mình. Cụ thể là anh rất thân thiết với anh bạn Phạm Tất Hanh cũng là một sĩ quan dậy Anh văn và cũng bị đi tù cải tạo như anh. Anh Hanh lại là một giáo dân mộ đạo gốc tại giáo phận Phát Diệm có tiếng ở ngòai miền Bắc. Không may anh Hanh bị bệnh ung thư phổi và qua đời vào cuối năm 2011, nhưng mọi người thân thiết của anh Hanh đều rất cảm kích trước sự tận tình chăm sóc của anh Sở đối với anh Hanh suốt nhiều năm tháng kể từ lúc phát hiện căn bệnh cho đến ngày anh Hanh tắt thở tại miền Dốc Mơ Gia Kiêm ở quê nhà. Đây rõ ràng là mối tình keo sơn gắn bó tuyệt vời giữa hai người bạn một bên là Phật tử đạo hạnh và bên kia là một con chiên ngoan đạo. Và bây giờ, thì hai người bạn thân thiết này đã tái ngộ gặp lại nhau nơi cõi Vĩnh Hằng rồi.

4 – Nhà báo Cao Sơn Nguyễn Văn Tấn (1946 – 2013)

Nguyễn Văn Tấn tham gia sinh họat với tổ chức Hướng Đạo từ thời còn là một thiếu niên, nhờ vậy mà có nhiều kinh nghiệm tháo vát năng nổ để tham gia họat động với phong trào sinh họat thanh thiếu niên ở miền Nam vào giữa thập niên 1960. Nhiều người cảm phục sự can đảm kiên trì của Tấn khi anh hết lòng chăm sóc bảo vệ cho người bạn là Ngô Vương Tọai trong vụ Tọai bị nhóm khủng bố cộng sản bắn thủng bụng trong buổi sinh họat văn nghệ do sinh viên tổ chức nơi khuôn viên trường Đại học Sài gòn hồi năm 1967.

Sau này, Tấn gia nhập ngành truyền thông báo chí với bút hiệu là Cao Sơn. Vốn tính tháo vát nhạy bén trong việc đi săn lùng tin tức thời sự tại nhiều nơi, nhiều lãnh vực, nên Cao Sơn tạo được mối liên kết thân thương với rất nhiều bạn hữu đồng nghiệp. Và các bạn thường đùa giỡn mà gán cho anh cái danh hiệu “Tấn mốc” vì anh bạn trẻ này có làn da ngăm đen với một số mụn nốt ruồi màu trắng xỉn.

Sau năm 1975, Tấn bị đi tù khá lâu, dễ đến 10 năm. Sau khi ra tù, Tấn mới lập gia đình với cô Trần Thị Thu và hai người có được một cháu gái được đặt tên là Nguyễn Cao Việt Hà. Nhưng vào đầu năm 1990, Tấn bị bắt lần nữa trong một vụ án chung với tôi, anh Đỗ Ngọc Long, Nguyễn Trọng Liêm – vì có liên hệ với Mike Morrow là một thương gia Mỹ có trụ sở ở Hongkong. Nhưng may mắn, Tấn chỉ bị giam giữ chừng hơn một năm thì được trả tự do và rồi cùng gia đình qua định cư tại Mỹ.

Qua Mỹ chưa bao lâu, thì Cao Sơn đã lăn xả trở lại ngành truyền thông báo chí. Và sau vài ba năm anh đã tự lập đứng ra xuất bản một tờ tuần báo riêng lấy tên là “Tin Việt” phát hành ở vùng Thung lũng Hoa vàng San José. Tấn kéo cả vợ và con vào chuyện báo chí này, vì anh coi đây là cái duyên cái nghiệp của đời mình. Nhưng rồi do căn bệnh ung thư quái ác, Tấn đã lìa đời vào cuối năm 2013 lúc mới ở vào tuổi 67.

Điều đáng ghi nhận nữa, đó là tuy Tấn đã ra đi, nhưng tờ Tin Việt cho đến nay vẫn tiếp tục ra mắt độc giả vì cô Thu vẫn cố gắng hết sức để duy trì cái sự nghiệp mà Tấn luôn say mê ôm ấp lúc còn tại thế.

* * Bài viết đến đây đã dài rồi, tôi xin được tạm ngưng nơi đây với lời cầu chúc chân thành gửi đến tất cả quý vị và quý bạn mới ra đi trong năm gần đây luôn được an nhiên thanh thản nơi cõi Vĩnh Hằng./

Thành phố Costa Mesa California, ngày 3 tháng Tám năm 2014

Đoàn Thanh Liêm


--------------------
“Vì Danh Dự Dân Tộc: Chống giặc Tàu.
Vì tương lai Dân Tộc: khai tử tập đoàn bán nước Việt Cộng”


Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 18th November 2024 - 03:20 PM