Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Khối lạ trong vú (Breast masses), Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
Tulip
post Sep 13 2015, 02:24 PM
Post #1


Hoa cô đơn
***

Group: Năng Động
Posts: 5,417
Joined: 28-October 08
Member No.: 516
Country




Khối lạ trong vú (Breast masses)


Tính chung, suốt cuộc đời, cứ 10 phụ nữ, có 1 người bị ung thư vú. Ung thư vú xảy ra nhiều như vậy, nên luôn là nỗi ám ảnh của các vị phụ nữ. Có gì lạ trong vú, họ lo âu, hồi hộp. Bác sĩ cũng... rét theo. Lỡ đại lượng “tha lầm” một ung thư.

Xác định trong vú có gì lạ, nhiều khi không dễ, nhất là với phụ nữ còn kinh. Mô vú thường lổn nhổn (nodular), đặc biệt ở phần trên mé ngoài, và phần dưới của vú. Lổn nhổn ấy, nếu nó thay đổi lúc nhiều lúc ít theo chu kỳ kinh nguyệt, là một trạng thái sinh lý bình thường của vú, không đáng ngại.

Những khối bất thường trong vú, ngược lại, lúc nào cũng vậy, không thay đổi dạng thể, lúc bé lúc to theo chu kỳ kinh nguyệt. Những khối này hoặc riêng rẽ hoặc khó xác định, nhưng chúng khác biệt về tính chất so với mô vú chung quanh, và cả với vùng tương ứng ở vú bên kia. Một khối lạ trong vú có thể là u nang (cyst, bọng, trong thường chứa dịch lỏng), một bướu đặc lành (fibroadenoma), vùng cộm lên của bệnh nang xơ (fibrocystic disease, một bệnh vú lành tính, gây những vùng mô sợi lổn nhổn trong vú), hoại thư mỡ (fat necrosis), và ung thư.

U nang vú

Những u nang vú (cystic breast masses, trong chứa dịch lỏng) là nguyên nhân thường hay gây những khối lạ trong vú ở những phụ nữ còn kinh trên 40 tuổi. Phụ nữ dưới 40 ít bị hơn. Dẫu rằng những u nang vú có thể xuất hiện ở bất cứ tuổi nào, chúng hiếm khi xảy ra cho phụ nữ đã mãn kinh không dùng kích thích tố.

Những u nang vú thường lúc to lúc bé theo chu kỳ kinh nguyệt, và đặc biệt hay xuất hiện vào những lúc kinh không đều. Ta phân biệt được chúng dễ dàng với mô vú bình thường chung quanh. Chúng chắc (firm) và di động, lay tới lay lui được (mobile). Những u nang lớn nhanh có khi thốn khi sờ.

Khi thăm khám, thường bác sĩ khó mà phân biệt đây là một u nang trong chứa dịch lỏng hay một bướu đặc. Dùng siêu âm (ultrasound) hoặc đâm kim vào khối bướu thử rút ra dịch lỏng (aspiration) có thể giúp ta phân biệt được điều này. Nếu khi đâm kim vào khối bướu rút ra được dịch lỏng, và sau đó khối bướu biến mất, không thấy xuất hiện lại, bác sĩ xoa tay hài lòng, vui vẻ nói với bạn rằng, đây là một u nang vú lành tính, nó đã đi luôn rồi, ta không phải làm gì thêm. Song nếu dịch rút ra từ khối bướu là máu (bloody fluid); hoặc khối bướu không hoàn toàn biến hẳn sau khi rút dịch; hoặc trong một thời gian ngắn, khối bướu vẫn tái phát sau nhiều lần rút dịch, nó cần được mổ lấy ra để đem thử thịt (biopsy).

Sau khi bác sĩ đâm kim hút chất dịch ra từ u nang trong vú bạn, và u nang biến mất, bạn nhớ trở lại tái khám bác sĩ trong vòng 4 đến 6 tuần lễ, xem nó còn lưu luyến xuất hiện lại chăng. Chưa thấy nó xuất hiện lại, ta tạm mừng, song thỉnh thoảng bạn đến khám bác sĩ nữa nhé, để ta biết chắc nó đã đi luôn.

Trên là nói về những u nang trong vú sờ thấy khi thăm khám. Cũng có những u nang nhỏ xíu, sờ không thấy, song khi chụp phim vú (mammogram) tình cờ thấy, và khi làm thêm siêu âm, siêu âm bảo đúng, có chúng đấy, song chúng là u nang lành tính. Với những u nang nhỏ không sờ thấy, chỉ tình cờ thấy trên phim vú và siêu âm này, chúng ta để chúng yên, không cần làm gì cả.

Khối đặc trong vú

Một khối bướu đặc trong vú (noncystic mass), khác biệt hẳn với mô vú chung quanh luôn luôn cần được tìm hiểu xem nó lành hay độc, bằng đâm kim thử thịt (fine-needle aspiration or needle biopsy) hoặc mổ lấy ra đem thử thịt (excisional biopsy). Chỉ nên theo dõi khối bướu trong vòng một hay hai chu kỳ kinh nguyệt, nếu ta chưa thực rõ nó là khối lạ hay chỉ là những lổn nhổn bình thường trong vú.

1. Phụ nữ dưới 40 tuổi:

Ung thư vú ít khi xảy ra cho người phụ nữ dưới 40 tuổi. Bạn dưới 40, đến khám bác sĩ vì nghi trong vú có gì lạ?

Bác sĩ sẽ thăm khám kỹ, nếu không thấy có gì lạ trong vú bạn, bác sĩ sẽ trấn an bạn, và chỉ dẫn cho bạn cách khám vú hàng tháng như thế nào. Nếu khi khám, bác sĩ trầm ngâm, chưa rõ trong vú bạn thực có bướu hay không, chúng ta làm siêu âm cho chắc ăn. Siêu âm không cho thấy gì lạ, bác sĩ sẽ hẹn bạn tái khám trong vòng 2-4 tháng. Với phụ nữ trong hạn tuổi 35 đến 40, siêu âm hoặc là bình thường, hoặc cũng lờ mờ lơ mơ không rõ, có khi ta làm thêm phim vú (mammogram) xem sao. Với phụ nữ dưới 35 tuổi, mô vú rất dầy, phim vú ít khi cho ta thấy rõ được những gì trong vú, làm thường không ích gì, thêm tốn tiền.

Bây giờ, nếu bác sĩ tìm thấy quả như bạn nghĩ, trong vú bạn có một khối lạ bất thường thực. Chúng ta sẽ xử trí khối bướu tùy bác sĩ nhìn nó bằng cặp mắt nghi ngờ nhiều hay ít:

- Nó khả nghi: nếu nó chỉ hiện diện đơn độc có một mình (solitary), cứng (hard), và thường dính vào mô vú chung quanh (adherent to adjacent tissue). Nó khả nghi như vậy, ta làm phim vú xem thêm cho rõ, rồi mổ lấy nó ra. Lấy nó ra ngoài rồi: biết rõ nó là bướu lành ư, tốt, đằng nào ta cũng đã lấy nó ra, xong; ngược lại, nếu là bướu độc tức ung thư ư, những chữa trị kế tiếp còn tùy nhiều yếu tố khác (chẳng hạn, ung thư đã ăn lan đến đâu, tuổi tác của bạn, ...).

- Nó có vẻ lành: chúng ta sẽ thảo luận xem bạn muốn mổ lấy nó ra, hoặc để nó đấy theo dõi. Nếu bạn muốn mổ lấy nó ra phứt cho rồi, được, bác sĩ sẽ chiều ý bạn, và xong, vấn đề đã được giải quyết. Nếu bạn ngại ngùng chưa muốn mổ lấy nó ra, chúng ta sẽ cần làm thêm siêu âm (hoặc phim vú) và đâm một kim nhỏ vào khối bướu lấy chút thịt đem thử (fine-needle aspiration), để biết chắc nó lành. Siêu âm (hoặc phim vú) cho thấy vẻ hiền hòa của bướu, mà đâm kim thử thịt cũng xác định tính nó không độc, ta tạm yên tâm, để nó đấy theo dõi theo ý bạn. Song bạn phải nhớ giữ đúng hẹn với bác sĩ, trở lại tái khám mỗi 3-4 tháng, trong vòng 1 năm, đặng chúng ta biết chắc nó không trở mặt. Cách theo dõi này cần được thực hiện bởi một bác sĩ có nhiều kinh nghiệm đương đầu với những khối lạ trong vú.

2. Phụ nữ trên 40 tuổi:

Trên 40 tuổi, bắt đầu dễ bị ung thư vú. Thế nên, với bất cứ khối lạ nào khám thấy trong vú, ta cứ áp dụng chánh sách “nghi lầm hơn tha lầm”, cho tới khi biết chắc khối lạ không phải ung thư.

Ở phụ nữ trên 40 tuổi, phim vú là phần quan trọng trong việc thẩm định một khối đặc trong vú. Với phụ nữ có triệu chứng bất thường trong vú, phim chụp vú thông thường dùng truy tìm ung thư vú không đủ. Bác sĩ chuyên khoa Quang tuyến (radiologist) cần được cho biết chỗ vú có triệu chứng, để khi chụp phim, bác sĩ quang tuyến sẽ đánh dấu chỗ vú này bằng mực cản quang, và khi phim chụp ra, nếu có gì bất thường, bác sĩ sẽ xem cái bất thường trên phim có nằm ngay tại chỗ vú có triệu chứng hay không. Rồi nếu cần, bác sĩ quang tuyến sẽ chụp thêm phim, ở chỗ vú có triệu chứng, xem cho rõ thêm. Mục đích của sự thẩm định kỹ như vậy là để ghi nhận khối bướu, nếu là ung thư, đã lan ra đến đâu, và xem trong vú có gì khác nữa không. Tất cả những dữ kiện này sẽ giúp bác sĩ giải phẫu quyết định xem vú ung thư có phải cắt hết, hoặc có thể giữ lại vì lý do thẩm mỹ, chỉ cắt đi phần bị ung thư.

Trường hợp rõ ràng khám thấy một khối bất thường trong vú, song phim chụp vú lại bình thường, chẳng cho thấy gì lạ, ta đừng bao giờ đặt lòng tin tuyệt đối vào phim vú, cho rằng phim vú đúng, ta sai, trong vú không có ung thư đâu. Người bác sĩ chính (primary care doctor) vẫn phải gửi người bệnh đi bác sĩ giải phẫu thôi. Vì 9 đến 22% những trường hợp ung thư vú, phim vú lòa, không thấy được ung thư.

Ung thư vú, nỗi ám ảnh của mỗi phụ nữ, và các bác sĩ. Có gì lạ trong vú, ai cũng lo. Nắm vững cách xử trí những khối lạ trong vú, chúng ta đỡ sợ “tha lầm” một ung thư vú.

Quyết liệt với ung thư là đúng, cả thế giới đều làm. Quyết liệt với người dân, xem dân như kẻ thù, nghi ngờ bất cứ ai, động cái bắt bớ, bỏ tù, “giết lầm hơn tha lầm”, vô nhân như vậy, thì chỉ có trong thế giới Cộng sản.


Bác sĩ Nguyễn Văn Đức


--------------------

*******
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 28th March 2024 - 09:49 PM