PLEIKU( Gia Lai ) |
PLEIKU( Gia Lai ) |
Aug 2 2008, 12:39 PM
Post
#13
|
|
Bảo vệ Tổ Quốc Group: Trang Chủ Posts: 11,665 Joined: 7-April 08 Member No.: 6 Country |
Minh Đức Họp Mặt -------------------- Mmm |
|
|
Aug 6 2008, 10:33 AM
Post
#14
|
|
Bảo vệ Tổ Quốc Group: Trang Chủ Posts: 11,665 Joined: 7-April 08 Member No.: 6 Country |
Có những món mà muốn ăn được thì phải chế biến khá tỉ mẩn, nhưng bù lại những người chưa ăn bao giờ, chỉ nhìn thấy thôi cũng cầm lòng không đặng. Lòng heo nướng nghệ ở Pleiku là một ví dụ. Lòng heo mua về, rứt bớt mỡ dính bên ngoài, rửa sạch xong thì pha độ nửa thau nước với hai thìa canh muối, một quả chanh bỏ lòng vào ngâm độ 30 phút. Tiếp đến bỏ vào nồi nước trong luộc sơ. Vớt ra cắt thành từng khúc độ 3cm. Sả, tỏi củ: lột vỏ, đập dập băm nhỏ, củ nghệ giã nhỏ chắt lất nước; tiêu xay nhỏ, thêm chút bột nêm, tất cả đem trộn ướp với lòng độ 10 phút cho thấm. Than hoa quạt đỏ rồi thì cứ gắp bỏ lên vỉ nướng đến khi thấy mỡ ứa lủi sủi bên ngoài, miếng lòng vàng rộm và tỏa mùi thơm của các gia vị quyện với mùi mỡ là được. Lên Pleiku, vào tiết trời mát mẻ dễ chịu. Sau một buổi bồi dưỡng văn hóa xứ sở của chàng Đam San ở công viên Đồng Xanh, ghé vào cái quán nhỏ bên đường cách đó không xa, hai bên là những vạt rau xanh nõn, quán có cây trứng cá nên gọi là quán Trứng Cá. Nếu không biết, ăn các món khác đã no lắm rồi nhưng thấy bàn bên bưng ra một đĩa vàng vàng, một cái bếp lò đặt cạnh, cứ vừa quạt vừa gắp, một lúc mùi thơm bốc lên, đảm bảo không thể nào đừng được. Cúc Phương -------------------- Mmm |
|
|
Oct 26 2008, 01:09 PM
Post
#15
|
|
Bảo vệ Tổ Quốc Group: Trang Chủ Posts: 11,665 Joined: 7-April 08 Member No.: 6 Country |
Buổi Sáng Pleiku Và Những Điều Cảm Nhận Hoang Vắng với những người bận rộn buổi sáng của họ bắt đầu bằng: hối hả chạy xe đi làm, tranh thủ làm ly cafe nếu là nam giới, hoặc ăn sáng và đến công sở bắt đầu bằng những công việc ngập đầu theo xu hướng xã hội công nghiệp, đôi lúc chúng ta đâu có thời gian cảm nhận cuộc sống như thế nào?? nhưng với pleiku phố núi này thì đôi lúc dù bận rộn cỡ nào bạn cũng không thể không cảm nhận những đặc trưng riêng của thiên nhiên ban tặng cho phố núi này như: cái lạnh của miền núi, sương mờ nhân ảnh núp bóng dứoi ánh mặt trời, ly cafe buổi sáng như thói quen của riêng tôi... ở pleiku này nếu bạn muốn có một cảm giác lãng mạn và hứng thú của một ngày mới thì rất dể cảm nhận nó: buổi sáng khi đi làm hay đi học bạn mặc thêm áo ấm và cả bao tay vì thời tiết hơi lạnh, khi ra đường cảm giác bạn càng thú vị hơn khi sương bao phủ mờ dưới ánh nắng tất cả những cảm giác đó bạn ngồi bên một quán cóc ven đường trên là bóng cây làm một ly cafe sáng vừa có vị thơm ngon đậm đà, vừa lâng lâng ngây ngất say say với thiên nhiên và mùi vị cafe và nhâm nhi cảm nhận một ngày mới với tôi một buổi sáng như thế thì đó là cả một ngày hứng thú và mang nhiều cảm giác sáng tạo..... nếu bạn là người mới đến pleiku công tác, du lịch hay cái gì khác đừng quên thưởng thức cảm giác thiên nhiên và cảm nhận của riêng bạn nhé. -------------------- Mmm |
|
|
Oct 26 2008, 01:16 PM
Post
#16
|
|
Bảo vệ Tổ Quốc Group: Trang Chủ Posts: 11,665 Joined: 7-April 08 Member No.: 6 Country |
Pleiku, Đóa Quỳ Vàng Và Những Hồn Thi Sĩ Nguyễn Mạnh Trinh Pleiku, một thành phố nhỏ heo hút ở cao nguyên, nhờ thơ và nhạc, đã thành một nơi chốn đầy thơ mộng. Thành phố ấy, có những tương phản kỳ lạ. Chiến tranh đã làm phố núi ấy có một bộ mặt, khi thì lãng mạn thơ mộng với những tà áo dài nữ sinh đi học buổi sớm mai nhưng cũng có lúc đầy nhục dục xác thịt. Con đường từ phố đến camp Holloway đầy những quán rượu và những cô gái phấn son lòe loẹt. Và, thành phố cũng đầy những sắc lính. Những người từ mặt trận trở về, đốt tiền mua vội một đêm vui rồi sáng mai trở lại miền gió cát. Những người lính đồn trú ở đây, ráng làm quen với cuộc sống ở vùng nắng bụi mưa sình, trong một giây phút nào, cũng nao nao vì những tà áo trắng buổi sáng trong sương mù Pleiku, tìm thấy một chút thơ mộng trong đời để làm kỷ niệm. Pleiku, những cuộc tình có thực đầy dông bão của những người lính và những cô gái giang hồ. Nhưng Pleiku cũng có những êm ái thánh thiện của tình học trò áo trắng và người lính dạn dầy trong khói lửa. Pleiku có con đường đầy quán rượu cho lính G.I. viễn chinh nhưng cũng có con đường có hai hàng cây cao vút rợp bóng lá và những tà áo học trò tung bay theo nắng. Người làm thơ, có lúc cũng cảm khái vì cái không gian, thời gian của thành phố ấy. Mưa cũng là cái mưa đặc biệt, mỗi mỗi hạt mưa như chứa đựng cả những nỗi niềm của tất cả những địa phương xa lạ thu góp về. Nắng cũng là cái nắng không phải của một nơi chốn nào khác, nó mang đến cái hanh hao khó chịu nhưng cũng trong màu nắng ấy lấp lánh những tình cảm thầm thì khó tả. Lạnh cũng chẳng phải là cái lạnh lẽo bình thường mà hình như cỏ cây, đường phố, núi non,... ở đây cũng se mình và chia sẻ chung vui buồn với con người. Trong giây phút hiếm có trong đời, cảm xúc đã làm ngôn ngữ tăng thêm lôi cuốn và tạo nhiều ấn tượng. Nguyễn Bắc Sơn, một chứng nhân của cuộc chiến, làm thơ như một cách thế sống, đã coi công việc viết như một phần của đời người. Sống ở Plei ku và viết những bài thơ để gửi Pleiku. Thơ ông, có chút cảm khái ngậm ngùi của thời tao loạn nhưng cũng có những xúc động bềnh bồng của tâm tư lãng mạn hay đùa cợt với cuộc đời. Thơ, phảng phất vóc dáng một chàng cuồng sĩ... Ðọc bài thơ “Hoa Quì Vàng Lạnh Pleiku,” tự nhiên tôi như người trở về thời gian ấy, không gian ấy. Trở về những ngày tuổi trẻ, của những giây phút bốc đồng coi mọi việc như cuộc đùa chơi. Cái lạnh, chưa hẳn là lạnh lẽo mùa đông, mà còn chứa đựng một chút nồng ấm nào đó của mùa hạ. Lạnh ở bên ngoài nhưng rần rần nóng hổi ở tim óc bên trong. Sương mù ban đêm trên đỉnh cao nhìn về phố buồn, tâm thức cũng ào ạt như sóng theo tầm nhìn vời vợi... “Ðứng trên núi thấy hàng đèn thị trấn Là thấy mình buốt lạnh mấy nghìn năm Vì đêm nay trời đất lạnh căm căm Nên chợt nhớ chút lửa hồng bếp cũ Nên phải nhớ mắt một người thiếu nữ Ðã nhìn mình rất ấm một ngày xưa Dù mai sau ngày nắng tiếp ngày mưa Nhưng vĩnh cửu chút mơ màng thuở đó... ” Tôi cũng đã sống ở Pleiku gần ba năm. Thời gian ấy trong hơn tổng số bẩy năm ở lính của tôi chắc là đáng kể và đầy chật những điều đáng nhớ. Ngày đầu tiên khi từ Nha Trang xuống phi trường Cù Hanh là một ngày mưa u ám. Mưa sủi bọt trên mặt nhựa phi đạo và bầu trời nặng nề u ám mầu mây đen. Gió ào ạt lồng lộng ngoài kia khiến cho tôi thấy mình quá nhỏ nhoi trong cái buồn mênh mang của đất trời. Lúc ấy, tôi thấy những câu thơ vẩn vơ trong óc của Kim Tuấn, Du Tử Lê, Vũ Hữu Ðịnh, Nguyễn Bắc Sơn,... Thơ tự nhiên thành một phần của một ngày, một tháng, một năm,... của riêng tôi. Thơ để quên đi hiện tại. Những giọt mưa quất vào mặt, buốt rát. Những ngọn gió thốc vào ngực. Nặng tê... Ðọc bài thơ dài của Nguyễn Bắc Sơn tôi chỉ thấy có hai câu nói về mầu hoa quì vàng. Thế mà cái mầu sắc hoa man dã ấy chỉ một nét thoáng qua nhưng lại gợi nhiều dư âm. Màu vàng, có khi là màu vàng lạnh, nhưng có khi là màu nóng chói chang của nắng. “Phố núi kia ơi, một đời phố lạnh. Lạnh hoa vàng, núi đỏ, thác đèo cao.” Hoa quì vàng, một loài hoa nhỏ, cây từa tựa giống như hoa cúc, tôi đã nhìn thấy miên man màu vàng khi trên phi cơ nhìn xuống. Màu vàng, mênh mang trên những ngọn đồi loang lổ màu xám của đá và màu đỏ của đất. Hoa quì, lẻ loi một cánh trên tay thú thực cũng chẳng hấp dẫn lắm nhưng nếu bạt ngàn dưới cánh phi cơ, rào rạt trong nắng trong gió sẽ trở thành một ấn tượng khó quên cho cảm xúc. Ơi hoa quì, màu vàng không phải kiêu sa như màu hoàng cúc của áo tôn nữ mà có sự gần gũi với tà áo vàng của dân dã, của thiên nhiên. Hèn chi, cũng có nhiều nhà thơ vấn vương với hoa quì vàng, như Nguyễn Xuân Thiệp, như Kim Tuấn,... Người thơ kể chuyện của mình, một câu chuyện có lẽ rất quen tai của những người lính thú. Cũng đi xuống, đi lên, cũng loay hoay bồn chồn như những chàng gà trống... “Ðời lang bạt của một người lính thú Sáng hôm qua tôi là người thiếp ngủ Ði một mình lên xuống phố mù sương Phố núi kia ơi, phố có con đường Lên xuống dốc tìm không ra bạn hữu Không có bạn tôi làm sao uống rượu Tôi làm sao sống nổi một ngày đây Phố núi kia ơi, kẻ lạ đông đầy Nhìn gã lính không khác gì gã lính...” Không có bạn tôi làm sao uống rượu. Tôi làm sao sống nổi một ngày đây. Nghe như một câu nói thường ngày, không có chất thơ mà sao nghe tràn đầy thi tứ. Chắc lúc ấy, sự cảm khái của người thơ đã lên cao độ, và, nỗi lạnh lùng thiên cổ như bám vào da vào thịt. Có nỗi nhớ mong, có niềm tiếc nuối. Người em, bây giờ lưu lạc ở đâu? “...Tôi vận rủi làm một người lãng đãng Ngó mông hoài khuất bóng của người em Sáng hôm nay đời sống thật bình yên Sao phố lại đuổi đi người yểu điệu Vườn đá tảng bàn chân em huyền diệu In gót hồng lên lớp bụi đời tôi Là từ khi tôi hạnh phúc rong chơi Và quên lãng con thú mù phẫn nộ Ôi phố núi đêm nay là cổ mộ Một hàng đèn sáng lạnh cõi bi hoang...” Bài thơ thứ hai tôi đọc để nhớ Pleiku là của Nguyễn Xuân Thiệp, bài “Pleiku, tháng Ba 1974.” Ba mươi năm trôi qua, nhưng ngày tháng đó vẫn còn sinh động. Thơ, không ghi chép lại nhật ký ngày tháng mà sao đầy dấu viết của một quãng đời. Ngày ấy, lửa cháy đỏ. Ngày ấy, người thi sĩ kể chuyện một mình. Ðâu cần ai hiểu, chỉ để nỗi niềm loang vào sương đêm thành nỗi nhớ mịt mùng. “Cầm bút viết, tháng Ba rực cháy Hàng dầu cao trong bình minh Cơn sốt của trái chín và cánh đồng Trận gió hung trưa ngày ấy Cầm bút viết, đồi hoa quỳ vàng Tháng Ba xuống khu rừng Bóng quạ rung những nhánh cây màu tàn lửa tiếng thét hư không. Chiều rượt qua ngàn...” Những hình ảnh đan vào nhau với những liên tưởng tiếp nối. Ảnh tượng có khi như không liên quan nhau, chỉ là những nét phác sơ lược nhưng lại làm nổi bật được một không gian đầy biến động. Ðồi hoa quỳ vàng, khu rừng, bóng quạ, nhánh cây màu tàn lửa, tất cả như chìm đắm trong nỗi bàng hoàng của thế thời. Cơn bão lửa dậy lên từ hoang vu: “Tháng Ba, chân trời chớp tía Những chuyến xe lên đường, cơn mưa chợt đến Rào qua mái nhà, bàng hoàng mưa ngưng bặt Ðêm. Những căn nhà gỗ sáng đèn. Tháng Ba. Trên đồi vông nở. Tôi trở về thị trấn tháng Ba Những sợi dây trời cắt đau trí nhớ Cườm tay em nhỏ máu hè xưa...” Xa rồi những ngày thơ mộng. Gần lắm rồi những nỗi kinh hoàng. Cái linh cảm của một cuộc địa chấn là cái linh cảm chung của những người như những con chuột đang cuống cuồng trong rọ. Thị trấn sẽ thành biển lửa, nay mai. Sẽ đầy những cuộc chia ly đầy nước mắt. Thảm họa sụp xuống, như cơn hồng thủy đến. “...Vò nát chiếc khăn và đừng khóc chiều nay. Chớp bể mưa nguồn chia tay nhau. Sương phụ người đi râu bám bụi đường tháng Ba. Em. Những căn nhà gỗ ánh đèn khuya. vệt máu hè xưa, đừng tiếc chiếc khăn tay ngày ấy sẽ bay trong lửa hoàng hôn tháng Ba. Cơn giông rền mặt đất.” Ðọc xong hai bài thơ, tôi như người hụt hơi. Ðời sống, như một hơi khói nhẹ, loãng bay vào hư không.Tự nhiên, thấy lòng mình chùng xuống những kỷ niệm. Những bài thơ. Thuở đã xa. Ngày còn trẻ. Và hoa quì vàng, cái màu vàng loang sắc nắng của buổi nào, bây giờ có còn vương trên núi đồi không? Cái sắc màu hỏa hoàng trong những buổi chiều nhạt nắng ấy sao nhức nhối ký ức. Thị trấn ấy, như câu thơ Vũ Hữu Ðịnh: “ Phố núi cao phố núi trời gần Phố xá không xa nên phố tình thân Ði dăm phút đã về chốn cũ Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng Em Pleiku má đỏ môi hồng Ở đây buổi chiều quanh năm mùa Ðông Nên mắt em ướt và tóc em ướt Da em mềm như mây chiều trong...” Có khi em Pleiku chỉ là tưởng tượng. Thi sĩ đã làm thành một nhân dáng nữ tuyệt vời để tô điểm cho phố núi ấm áp hơn trong cái lạnh se se Tây Nguyên. Thơ như tháp cánh vút lên, để những hàng cây dầu hai bên con đường học trò vươn lên mầu lá xanh hiền. Thành phố có em, là thành phố mà tình yêu đã làm một thứ trang sức cho đời lính thú biên trấn xa xôi. May mà còn có niềm vui. Thơ về Pleiku thì nhiều, nhiều lắm. Kim Tuấn, Diên Nghị, Du Tử Lê, Võ Ý, Lê Bá Ðịnh, Lâm Hảo Dũng,... đã trãi lòng mình lên thành những rung động thật với nơi chốn mà mình đã qua hoặc gắn bó. Pleiku, nhắc đến nó để nhớ lại một thời lửa đạn. Và, nếu có người sưu tập thành một tuyển tập có chủ đề về nơi chốn ấy, chắc sẽ có một quyển sách cả ngàn trang mới mong đầy đủ hết thơ văn của những người hoài vương vấn với mưa sình, nắng bụi cao nguyên... Nguyễn Mạnh Trinh -------------------- Mmm |
|
|
Oct 26 2008, 01:23 PM
Post
#17
|
|
Bảo vệ Tổ Quốc Group: Trang Chủ Posts: 11,665 Joined: 7-April 08 Member No.: 6 Country |
Pleiku phố núi ơi! Pleiku thân yêu của tôi. Tomato Nắng sớm chiếu thẳng vào nhà cùng tí gió se se lạnh làm cho mọi thứ như bừng tỉnh dịu dàng và dễ chịu ghê! có rất nhiều cảm xúc xen lẫn nhau khó giải thích! nó làm mình nhớ hương vị ngày tết ở Pleiku, nó làm mình nhớ ngôi nhà mà mấy mẹ con bao năm gắn bó, ngôi nhà ấy sáng nào cũng đón anh bình minh chiếu qua khung cửa kính sáng rực, ấm áp xua đi cái sương lạnh phố núi sau một đêm dài. Mình không nghĩ rằng ở phố biển cũng có lúc thời tiết giống như thế, nắng vàng và se lạnh. Khoác chiếc áo len mỏng ra phố, đi dọc bờ sông Hàn để nhìn ngắm, xúyt xoa, hít hà cho thỏa nỗi nhớ nhung rồi lại đòi hỏi, giá mà có thêm một ai đi bên cạnh mình nhỉ? cái tâm hồn lãng mạn, nhạy cảm của mình lại trỗi dậy, nhiều khi nó phiền phức lắm nhưng dù sao nó cũng là con người của mình. Nơi mình sinh ra người ta vẫn hay gọi là rừng thiêng nước độc, ấy vậy mà dòng nước nơi ấy,không khí thông xanh trong lành nơi ấy , tất cả những gì nơi ấy đều nuôi dưỡng tâm hồn con người đầy lãng mạn, đầy tình người, có quá không khi mình cho là như vậy nhỉ? nhưng nó là sự thật, ở nơi ấy dân bản địa là các dân tộc thiểu số, còn người kinh thì 100% là dân từ nơi khác đến sinh sống, gieo trồng, làm ăn buôn bán rồi gắn bó lâu dài, sinh con đẻ cháu, thế hệ như mình thì đúng là sinh ra ở đó nhưng gốc gác thì vẫn là ở nơi khác đến. Cũng vì hòan cảnh xa quê hương như nhau nên người kinh sông gắn bó với nhau hơn, và văn hóa , tập quán, ẩm thực cũng thực sự phong phú. trên đất ấy bạn muốn ăn tô phở bắc do người bắc nấu ! Có ngay , có ngay, hủ tiếu miền nam? có ngay có ngay. Mì quãng , bánh bèo của miền trung! có ngay có ngay! mà món nào cũng là dân của miền ấy nấu, nên chắc chắc không khác hương vị gốc là mấy đâu nhé! ngược lại bạn muốn ăn thịt rừng như thỏ, heo , nai , rắn, nhím, chồn,.. chính hiệu thì đúng là phải đến đất này thì mới thưởng thức được. Vào những ngày tết, nắng tràn khắp phố, treo lơ lửng trên những ngọn thông xanh rì rào gió. vì ít họ hàng nên người kinh mình đều tập trung lên nghĩa trang thăm những người đã khuất, nó thành cái thông lệ không thể thiếu của mọi nhà! sau đó mọi người mới đi thăm hỏi bạn bè, hàng xóm, rồi lũ trẻ con tập trung đánh bài, chơi các trò chơi dân gian. Dù bây giờ mình không ở nơi đất ấy, nhưng trong lòng mình những ngày tháng ấy không thể nào phai mờ được!,,, cái phận sống xa quê hương mới thấy quê hương ăn sâu trong tâm hồn, trong đôi mắt chờ đợi một ngày về.... -------------------- Mmm |
|
|
Oct 26 2008, 01:39 PM
Post
#18
|
|
Bảo vệ Tổ Quốc Group: Trang Chủ Posts: 11,665 Joined: 7-April 08 Member No.: 6 Country |
Đáng Yêu Như Pleiku Sưu Tầm Được nghe nhiều và từng một lần đến Pleiku trong đêm, tôi vẫn cảm nhận được niềm vui sướng và nôn nao muốn đặt chân lên phố núi một lần nữa. Nằm giữa Tây Nguyên bao la, Pleiku như một bông hoa Pơlang, mang trên mình tất cả vẻ đẹp của núi rừng. Chiếc xe lao đi vun vút. Cảnh vật hai bên đường cứ chạy lùi ra sau, thau vào tầm mắt của mọi người là những cảnh vật mới. Dường như cái lạnh khiến mọi người trở nên ấp áp, hồng hào và dễ thương hơn trong những chiếc áo khoác, nón len và bao aty. Cái lạnh của đêm không làm du khách ngại ngùng mà còn khiến Pleiku hấp dẫn hơn như một nàng công chúa giá băng huyền bí. Đường vào thành phố Pleiku là một con dốc dài, nâng thành phố lên cao hơn. Vì phố núi cao nên trời đành thấp lại. Và chính vì vậy, phố núi giàu có biết bao khi sở hữu một bầu trời đêm đầy sao. Sao thật gần và lung linh như những viên ngọc được gắn trên màn nhung đen. Cái ánh sáng trong trẻo, dịu dàng làm mê đắm những người có chút hồn lãng mạn. Giơ tay lên là cảm thấy như chạm được vào ngôi sao mình thích. Ngẩng mặt lên là có thể đếm, tìm những chòm sao chiếu mạng của người thân… Chút giây phút làm nhà thiên văn học cũng mang đến sự thú vị về một đêm yên bình mà vùng đồng bằng không sao có được. Dạo một vòng quanh chợ đêm Pleiku. Giống chợ đêm Đà lạt (chợ Âm Phủ), người dân Pleiku cũng đặt cho nó cái tên khá ghê rợn là “chợ ma”. ‘Chợ ma” chuyên bán rau cải. các mối lái, cửu vạn, người mua kẻ bán tấp nập. Những cuộc mưu sinh đúng nghĩa đang diễn ra trong đêm. Ở đây có tất cả hỉ-nộ-ái-ố của cuộc đời, nhưng điều đặc biệt nhất là trên những gương mặt đẫm mồ hôi ấy đều ánh lên niềm vui hạnh phúc. Hạnh phúc còn có việc để làm và một ngày mai tươi sáng đang đến. Trời về khuya, cái lạnh càng tê tái, thưởng thức một ly cà phê nóng là điều hợp lý. Ly cà phê sóng sánh. Đưa chiếc ly lên ngang mặt, nhắm mắt lại và hít đầy một hơi hương cà phê đang bốc lên ngào ngạt. Nhấp từng ngụm nhỏ để cảm nhận được hương vị đất trời phố núi. Những món ăn hương vị cay nồng, bốc khói nghi ngút đã hấp dẫn du khách trong cái lạnh tê lòng. Trời hừng đông, hoa dã quỳ bắt đầu hiện diện, vàng rực hai bên đường. Tưởng như vầng hào quang không hư ảo mà hiện thực, rõ ràng. Đẹp nhất có lẽ là những vườn cà phê bạt ngàn đang nở hoa trắng toát, ngợp cả một vùng rộng lớn, kéo tầm mắt ra xa, xa hơn nữa. Bầu trời vừa toả nắng, vừa nghịch những vốc sương la đà, vừa như cận kề, quấn quýt với phố núi. Phố xá, con người ở đây đều mang một phong cách nhẹ nhàng. Dù toát lên vè hiện đại của khu thành thị, nhưng Pleiku vẫn phảng phất những nét duyên e ấp của cô gái miền cao. Pleiku vẫn cứ dịu dàng, cứ đằm thắm, cứ đung đưa ngọn gió, nụ hoa mà làm say lòng du khách. Kiến trúc những ngôi nhà ở phố núi gần giống nhau: nho nhỏ, nhiều mái nhọn và đều nằm giữa cây xanh, hoa kiểng. Mỗi ngôi nhà giống như một tổ ấm giữa rừng xanh. Khi đứng giữa phố núi, ngắm nhìn và hít thở bầu không khí quyện mùi sương, một cảm giác rất lạ len nhẹ vào tâm hồn bạn, như thể vừa gặp lại người quen và bất ngờ với những gì người ấy mang đến. Sau tất cả những cảm xúc, ấn tượng khó quên thì khi rời Pleiku thì bạn vẫn được phố núi “chiêu đãi” món tráng miệng thật dễ thương. Không khí lạnh tràn vào xe, mang theo những làn mây mỏng nhưng cũng đủ làm những người đến đây phải rùng mình. Chiếc xe như bồng bềnh trong mây. Mây thấp lắm, cảnh vật cứ mờ mờ ảo ảo. Đứng trên mặt đất nhưng du khách vẫn cảm giác như mình đang trên lưng chừng trời. Một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực thẳm hun hút, không thể ước lượng độ cao vì du khách bị chìm trong những đụn mây trắng đầy bí ẩn. Và chắc chắn một điều khi sống với Pleiku đêm, sẽ không ai quên được nó. Nếu đã đến sẽ không muốn về, và khi về thì sẽ háo hức quay trở lại. Có lẽ đây là sự huyền diệu của phố núi đêm. Ra về, du khách hẳn sẽ còn nhớ mãi câu hát: Phố núi cao, phố núi mờ sương… May mà có em, đời còn dễ thương! -------------------- Mmm |
|
|
Oct 26 2008, 03:28 PM
Post
#19
|
|
Bảo vệ Tổ Quốc Group: Trang Chủ Posts: 11,665 Joined: 7-April 08 Member No.: 6 Country |
Phố Núi Mờ Sương Sưu Tầm Không chỉ có Đà Lạt được mệnh danh là “thành phố sương mù”, Pleiku cũng nổi tiếng với những con dốc dài mờ sương, với khí trời se se lành lạnh đủ khiến khách lạ thấy lòng bâng khuâng... “Còn chút gì để nhớ” Gia Lai rộng lớn hút hồn khách lạ ngay từ cái nhìn đầu tiên với những con đường đất đỏ ngoằn ngoèo rực lên trong ráng chiều, hòa mình cùng ánh tà dương. Những vườn cà phê bên đường trĩu bông trắng muốt, hương hoa nồng nàn đến ngất ngây. Lại thêm những đồi chè xanh ngát và rừng thông tíu tít reo vui trong gió. Vào đến thành phố Pleiku, du khách lại bắt gặp một vẻ đẹp khác. Phố núi với những con đường nhấp nhô uốn lượn theo triền dốc, những ngôi nhà hiện đại đan xen với những căn nhà cổ. Nếu đi ngang một ngôi trường vào giờ tan học, khách lạ sẽ phải ngẩn ngơ trước những cô “em Pleiku má đỏ môi hồng” ríu ra ríu rít. Không hiểu nắng gió Tây Nguyên tôi luyện thế nào mà các cô gái Gia Lai đẹp đến thế! Làn da trắng ửng hồng trong gió lạnh, mái tóc đen mượt xõa dài và dáng dong dỏng cao. Pleiku không còn chật chội đến mức “đi dăm phút đã về chốn cũ” như trong lời thơ Vũ Hữu Định, nhưng dường như “đời” vẫn “dễ thương” hơn nhờ cái đẹp “như mây chiều trong” của các cô gái phố núi. Buổi tối, thú vị nhất là “ngồi đồng” trong những quán cà phê sân vườn trên đường Wừu, nghe tiếng nhạc Trịnh Công Sơn dìu dặt lãng đãng trong màn sương mù, lặng ngắm phố xá lên đèn lấp lánh mà nhìn thấy một Pleiku đang phát triển từng ngày. Thăm thú Pleiku Nếu muốn đi xa hơn về phía ngoại thành Pleiku, khách du lịch sẽ được người dân bản xứ giới thiệu một cách tự hào về Biển Hồ Tơ Nưng – nguyên là một miệng núi lửa đã ngưng hoạt động cách đây hàng triệu năm. Mảnh đất giàu truyền thuyết Tây Nguyên đã kể về Biển Hồ như một hồ nước mắt của dân làng khóc thương cho người thân bị chôn vùi bởi tro bụi khủng khiếp của núi lửa. Biển Hồ khá rộng, nước trong xanh leo lẻo và hầu như không có sóng. Đây là nơi cung cấp nguồn nước chính cho cả thành phố Pleiku và cũng là “ngư trường” chính cho thành phố cao nguyên này. Đứng trên tháp cao của Biển Hồ, bạn sẽ thấy tâm hồn khoáng đạt hơn khi nhìn ngắm những cánh rừng bạt ngàn, những ngọn đồi uốnlượn trập trùng và những chiếc thuyền nhỏ bé nhẹ nhàng lướt trong không gian bao la của mặt hồ buổi sớm mai. Chẳng thế mà Biển Hồ được ví như đôi mắt, như hạt ngọc của Pleiku nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Sau Biển Hồ, khách du lịch cũng thường được khuyên ghé thăm khu du lịch Đồng Xanh, bởi nơi đây đang lưu giữ cây cổ thụ hóa thạch lớn nhất có đến hàng triệu năm tuổi. Nếu không tận mắt chứng kiến lớp vỏ cây mộc mạc xù xì đồng thời sờ tay vào mặt gỗ mát lạnh, bạn hẳn sẽ cho rằng đây chỉ là huyền thoại. Thế nhưng, từ ngoài vào đến trong, thân cây có từng sớ gỗ với màu sắc và chi tiết không khác gì gỗ mộc thông thường, chỉ khác ở chỗ nặng và lạnh đúng với tính chất của đá. Khi ra về, nhiều du khách còn mua những miếng gỗ hóa thạch vỡ ra từ thân cây lớn. Không hiểu với đà khai thác du lịch này sẽ còn bao nhiêu du khách được hưởng niềm vui sở hữu một miếng đá huyền thoại? Độc đáo ẩm thực Đến Pleiku, bạn không thể không tìm cách thưởng thức rượu cần và phở khô. Trước hết là rượu cần. Thứ rượu uống vào ngòn ngọt này dường như chỉ khiến bạn lâng lâng bay bổng, như thắp một ngọn lửa vừa đủ lan tỏa và giữ ấm cho cơ thể trong hơi lạnh của phố núi, ấy thế mà say! Cái say cũng đến rất sẽ sàng khi vừa tàn tiệc, đủ để ru bạn vào giấc nồng dịu nhẹ. Thực ra, rượu cần ở Pleiku thường được gọi phổ biến bằng cái tên rượu ghè. Rượu làm trong những ghè xưa bằng đất nung sẽ ngon hơn cả. Gọi là rượu nhưng đầu tiên, trong ghè chỉ là một hỗn hợp gạo nếp và men khô trộn với trấu, có phủ một lớp lá chuối hoặc cây rừng. Khi uống, người ta mới thêm nước lạnh vào, để khoảng nửa giờ đồng hồ cho rượu “thôi” ra và cắm cần (ống hút) vào uống dần dần, khi hết có thể thêm nước hai, nước ba. Có nơi, trước khi uống, người ta còn vắt thêm một quả cam sành cho rượu thêm ngọt và dịu nhẹ Nhưng nhắc đến Gia Lai mà quên phở khô là một thiếu sót lớn. Người Gia Lai xem món phở này như một phần không thể thiếu trong nét văn hóa ẩm thực nơi đây. Bánh phở nhỏ và tròn sợi hơn so với phở thông thường. Mỗi tô phở là một vắt bánh phở trụng mềm, phía trên là thịt nạc heo băm nhuyễn và hành phi. Bên cạnh luôn có một tô nước dùng trong vắt với thịt gà, thịt bò non hoặc bê đã chần qua nước lèo, thêm vài cọng hành lá điểm xuyết màu xanh. Rau ăn chung với phở khô gồm xà lách, cần tây và rau quế. Những gia vị không thể thiếu trên bàn ăn là tương xay và sa tế. Người sành ăn sẽ trộn đều tương với bánh phở, thêm ít sa tế để có vị thơm cay. Gắp một miếng phở hơi ngọt vị tương và nồng vị sa tế, ăn kèm miếng rau sẽ thấy sự độc đáo của món phở khô, cuối cùng húp thêm miếng nước dùng để cảm nhận vị ngọt của miếng thịt non mềm cùng vị thanh tao của nước lèo, quả không uổng một chuyến đi tận phố núi để thưởng thức cho được món phở danh bất hư truyền. Phố núi đã làm thổn thức tim bao người nghệ sĩ. Nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng đã từng thốt lên trong một ca khúc của mình: “Em đẹp quá Pleiku ơi…”. Thế nhưng Pleiku không chỉ có phố núi. Đi sâu vào các buôn làng, khách đồng bằng sẽ còn bắt gặp những nét đẹp hoang sơ của nền văn hóa Tây Nguyên giàu bản sắc… -------------------- Mmm |
|
|
Nov 21 2008, 10:28 AM
Post
#20
|
|
Bảo vệ Tổ Quốc Group: Trang Chủ Posts: 11,665 Joined: 7-April 08 Member No.: 6 Country |
Còn Chút Gì Để Nhớ Để Thương Thái Tú Hạp Có những bài thơ, những nhạc phẩm, gợi nên những lưu luyến nhớ nhung đến những thành phố thân yêu trên quê hương, mà nay đã nghìn trùng cách biệt. Những “Đêm Tàn Bến Ngự” của Dương Thiệu Tước, “Sầu Cố Đô” của Duy Khánh, “Ai Lên Xứ Hoa Đào” của Hoàng Nguyên, “Nha Trang Ngày Về” của Phạm Duy, “Sài Gòn” của Y Vân “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội” của Phạm Đình Chương... Và “Còn Một Chút Gì Để Nhớ” đến Pleiku Cao Nguyên bụi mờ, thơ của Vũ Hữu Định, Phạm Duy phổ nhạc. Cũng từ nhạc phẩm này, Sĩ Phú đã yêu thích lấy tên cho CD mới nhất của anh, “Còn Chút Gì Để Nhớ”. Trong đêm họp mặt lần cuối với Sĩ Phú, anh chị em văn nghệ sĩ đã quây quần bên anh với những nụ cười, ánh mắt và những lời nói chân thành chia xẻ đã làm cho Sĩ Phú vô cùng cảm động và anh đã cố gắng hát lại một đoạn trong bài hát mà anh yêu thích từ nhiều năm qua... “Còn Một Chút Gì Để Nhớ”... và anh cũng kêu gọi mọi người nên giữ gìn sức khỏe và hãy yêu thương nhau... Vài ngày sau đó chúng tôi thật bàng hoàng xúc động khi nghe tin Việt Dzũng - Minh Phượng thông báo tin buồn là ca sĩ Sĩ Phú đã vĩnh biệt cõi trần vào lúc 0 giờ 55 phút sáng Thứ Tư ngày 19 tháng 7 năm 2000 tại bệnh viện UCI, thành phố quận Cam, California. Sĩ Phú có giọng hát trầm ấm tuyền cảm, trữ tình qua những nhạc phẩm tiền chiến. Nhà thơ Du Tử Lê đã viết về Sĩ Phú: “Nếu ta có thể hình dung mỗi tiếng hát tự thân là một nhan sắc, thì, sớm, muộn gì, nắng, mưa cũng mang đến cho ta một, hay nhiều phó bản. Với sức sống ngồn ngộn bình minh của những lên đường rói tươi, và, với kỹ thuật, đôi khi phó bản đã làm mờ, lu, thậm chí, đẩy lùi chính bản vào quên lãng. Nhưng, tiếng hát Sĩ Phú, trong cảm nhận của tôi, không chỉ là một nhan sắc có lấy cho nó một thời, rực rỡ, mà hàng hàng riêng lẻ. Hơn ba mươi năm kể từ ngày tiếng hát Sĩ Phú chợt cất lên, như một viễn du bốc đồng hạnh phúc và, khổ đau cùng lúc, đã trôi qua. Hơn ba mươi năm, tôi nghĩ, đủ cho nhận, biết, nắng mưa dường như bất lực, hay lú lẫn chối bỏ thói quen hăm hở tạo, sinh phó bản. Cũng có thể, tự căn bản, nắng mưa đã bẵng quên tạo sẵn mẫu mã, trước khi giữ vào tiếng hát Sĩ Phú, một nhan sắc... Nên tiếng hát kia, nhan sắc nọ, sẽ mãi còn, như một tình yêu đời đời đi tìm trái tim thất lạc, của chính nó...”. Và Bích Huyền - Uyển Diễm đã nhận định “...Tiếng hát ấy, mỗi lần nghe là mỗi lần bồi hồi, vì nó chứa đầy ấp những kỷ niệm và thấp thoáng những mảnh đời của chính mình, một không gian đầy thơ nhạc của thuở áo trắng sân trường, một bến sông vắng hay một lần đưa tiễn trên sân ga. Tiếng hát ấy, cũng có những đau thương, tan tác, của chính đời ta, nhưng cũng chính tiếng hát ấy đã dịu dàng gói ghém những mất mát đó lại, để cuối cùng cũng là kỷ niệm. Đó là tiếng hát Sĩ Phú, rất nồng nàn, lãng mạn và chan chứa thương yêu...” Sĩ Phú là Cựu Thiếu Tá Không Quân QL.VNCH. Đã từng thụ huấn về phi công tại Hoa Kỳ trong thời gian từ 1963 đến 1965. Từ năm 1968, khán thính giả tân nhạc Việt Nam đã biết đến tên tuổi Sĩ Phú, khi anh xuất hiện trong chương trình văn nghệ đặc biệt do Đài Truyền Hình VNCH thực hiện nhân dịp kỷ niệm Ngày Thành Lập Quân Chủng Không Quân. (Theo tài liệu V.H.A.) Và từ đó Sĩ Phú trở nên một giọng ca nam được yêu thích qua những nhạc phẩm tiền chiến. Tại hải ngoại, Sĩ Phú thỉnh thoảng có tham gia vào sinh hoạt văn học nghệ thuật, nhưng vì biến cố đau buồn, đứa con gái duy nhất của anh bất ngờ ra đi, nên từ năm 1983, theo ca sĩ Kim Anh cho biết, Sĩ Phú không còn tha thiết đến chuyện ca hát nữa. Đến năm 1995, do sự thúc đẩy của một vài thân hữu trong gia đình văn nghệ tại Nam California, nên Sĩ Phú mới trở lại sân khấu, và cũng nhờ sự tiếp tay nồng nhiệt của anh em nên Sĩ Phú mới quyết định thực hiện cuốn CD cuối cùng với tựa đề “Còn Chút Gì Để Nhớ”. “Còn Một Chút Gì Để Nhớ” là tên một bài thơ của Vũ Hữu Định, viết về thành phố Pleiku, khi anh ghé đến thăm người em gái nhỏ dễ thương vào năm 1970. Bài thơ mang nội dung như sau: Phố núi cao phố núi đầy sương Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn Anh khách lạ đi lên đi xuống May mà có em đời còn dễ thương Phố núi cao phố núi trời gần Phố xá không xa nên phố tình thân Đi dăm phút đã về chốn cũ Một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng Em Pleiku má đỏ môi hồng Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông Nên mắt em ướt và tóc em ướt Da em mềm như mây chiều trong Xin cám ơn thành phố có em Xin cám ơn một mái tóc mềm Mai xa lắc bên đồn biên giới Còn một chút gì để nhớ để quên. (Còn Một Chút Gì Để Nhớ) Vũ Hữu Định sinh năm Nhâm Ngọ, 1942, tại Huế, nhưng định cư tại Đà Nẵng lâu năm và thường xuyên tham gia trong nhóm sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật Quảng Đà. Trước 1975, với những tên tuổi Luân Hoán, Hà Nguyên Thạch, Trần Quang Lộc, Hoàng Lộc, Thành Tôn, Đinh Hoàng Sa...anh làm thơ rất nhiều, có thơ đăng trên các tạp chí Văn Học xuất bản tại Sài Gòn. Nhưng đợi đến khi Phạm Duy phổ nhạc bài thơ “Còn Một Chút Gì Để Nhớ” và qua tiếng hát vượt thời gian của Thái Thanh, mới thực sự chắp đôi cánh tuyệt vời cho ý thơ anh bay bổng, và chính tôi cũng yêu thích bài thơ của anh từ đó. Anh đã có công đưa thành phố núi cao đầy sương và bụi mù đó vào trong trái tim của mọi người... “Phố núi cao, phố núi trời gần. Phố xá không xa nên phố tình thân...” Tôi đã có dịp đến thăm một nhà thơ ở Pleiku, và tôi đã yêu phố núi cao đó qua lời thơ của Vũ Hữu Định. Thành phố có cái nắng hiu hắt thật buồn “...Anh khách lạ đi lên đi xuống. May mà có em đời còn dễ thương...”. Nếu không có em, lữ khách sẽ cảm thấy buồn vô tận, chính vì thế mà tôi phải vội vã rời Pleiku trước khi mặt trời khuất sau dãy núi xa thẳm. Trước khi giã từ Đà Nẵng, tôi có gặp lại nhà thơ Vũ Hữu Định thêm một lần ở Café Chợ Cây Me. Anh vẫn thế, nghĩa là vẫn vô sản hơn những người vô sản sau những ngày giông bão tới. Khi chúng tôi đến định cư ở Hoa Kỳ, được tin nhà thơ Luân Hoán cho biết, Vũ Hữu Định đã chết vì say rượu té từ căn gác xuống đất tại nhà một người bạn bên bờ sông Đà Nẵng vào một đêm trăng tháng Giêng tuyệt đẹp năm Tân Dậu 1981. Thời gian như giòng sông cuồn cuộn trôi qua, những nhà nghệ sĩ tài hoa như Phạm Đình Chương, Lê Uyên Phương, Trầm Tử Thiêng, Hùng Cường, Văn Phụng, giờ chắc đã thong dong nơi miền Vĩnh Cửu, đã hết vướng bận những khổ lụy nơi trần thế. Bây giờ đến lượt Sĩ Phú đã ra đi, nhưng dư âm của giọng hát trầm ấm “Còn Một Chút Gì Để Nhớ” cho chúng ta gợi nhớ đến một buổi chiều trên phố núi đầy sương có chàng thi sĩ Vũ Hữu Định lang thang u hoài viết nên bài thơ để đời. Có biết hay chăng nơi phố núi Pleiku ngàn trùng thương nhớ đó, người đẹp năm xưa như một tiền kiếp đợi chờ, cả người thơ và nhà nghệ sĩ không gian có tiếng hát như ru em vào cõi mộng mơ miên viễn, bây giờ xa vắng hết chỉ còn rơi lại nỗi sầu muôn thuở như ánh nắng vàng bên triền núi thiên thu. -------------------- Mmm |
|
|
Nov 22 2008, 03:18 PM
Post
#21
|
|
Bảo vệ Tổ Quốc Group: Trang Chủ Posts: 11,665 Joined: 7-April 08 Member No.: 6 Country |
Pleiku - Đà Lạt Phạm Lương Còn khoảng hơn tháng là Tết lại về, nhiều nhà khá giả trong thành phố đã chuẩn bị sơn nhà, dọn dẹp trước sau, chuẩn bị những chậu kiểng, tiả cành, bón thêm phân cho mấy cây bông Thược Dược. Mấy chậu Cúc bắt đầu trổ nụ nho nhỏ. Nhà nào cũng có vài chậu. Chăm sóc cây kiểng cũng có nhiều thú. Mỗi buổi sáng, những cụ già tay cầm tách trà nóng, tay khẩy nhẹ vào cành bông, ngắt chiếc lá chưa kịp vàng, như sợ lây sang những lá khác. Dân chúng đếm từng ngày, mong tới tết. Những tiệm buôn, chuẩn bị mua thêm hàng. Xe đi Qui Nhơn tăng thêm chuyến, xe từ Sài Gòn chạy thẳng lên Plei Ku. Không khí nhộn nhịp, mọi người quên hẳn tin tức từ giới Quân Sự, chiến trận có thể xảy ra ngay trong thành phố. Họ nghe quen những tin này, chẳng ai thèm để ý. Suốt ngày, suốt tháng, suốt năm, lúc nào cũng thấy lính, đủ mọi Binh Chủng, nhiều nhất vẫn là Biệt Động Quân. Họ nhìn bảng xanh, đỏ, tím, biết ngay là tiểu đoàn nào. Bảng Xanh, 22, bảng đỏ,11, bảng tím 23. Thiết Giáp, Lữ Đoàn 2, cũng là cơ hữu. Thật sự, ba tiểu đoàn bđq thay phiên hành quân vòng đai hơn hai tháng, hết Hàm Rồng, Thanh An, An Khê, lại Quốc Lộ 14, 19, Mang Giang. Tin tức Việt Cộng điều quân khắp nơi, từ Tân Cảnh, Dakto, An lão, Ban mê Thuột, Đèo Mang Giang, xuống tận Qui Nhơn, dọc theo hướng Bắc, Phù Củ, Bồng Sơn ,Tam Quan, mật khu An Lão, chạy thẳng lên Kontum. Họp hành quân, nghe phòng Hai thuyết trình trận điạ, phòng Ba, kế hoạch hành quân, nếu Việt Cộng tấn công vào Pleiku. Chủ lực chống đỡ Pleiku vẫn là BĐQ và Thiết Giáp và các tiểu đoàn Điạ phương Quân. Plei Ku luôn có Sư Đoàn Hai Không Quân, nằm ngay cạnh Quân Đoàn, và phi trường, nhiều phi cơ chiến đấu lên xuống dễ dàng. Nếu cần, phi trường Holloway cuả Mỹ sẵn sàng lâm chiến. Xa hơn nữa, Nha Trang, hơn nưả giờ bay, với nhiều phi cơ chiến đấu cuả Quân Lực VNCH. Tất cả chỉ chờ lệnh Quân Đoàn, tổng hành dinh ngay tại Pleiku.Tất cả những đường tiến sát vào thành phố đều có xe M113 án ngữ. Càng gần Tết, tiểu đoàn tôi càng về gần thành phố. Chỉ còn vài ngày nưã là Tết. Tiểu đoàn 11, ứng chiến Plei Ku. Thật ra chỉ đại đội 4, do Lạn, cùng khoá tôi làm Đại Đội Trưởng, ứng chiến Tiểu Khu, nằm ngay trong phố, phòng thủ kho đạn. Ba đại đội, và đại đội chỉ huy ở Biển Hồ, ứng chiến tại chỗ. Hai đơn vị đạn, năm ngày ăn, khi có lệnh, tâp họp trong vòng nưả giờ là di chuyển. Tiểu đoàn có sẵn đoàn quân xa cùng ứng chiến. Không khí tuy khẩn trương nhưng đám Sĩ Quan trẻ tụi tôi cũng đi tứ tán. Nếu có tin gì, tiểu đoàn thể nào cũng cho xe chở về Biển Hồ, đón xe ngay tại bến xe lam, gần nhà thờ Pleiku. Hơn ba năm tham chiến, đi cũng nhiều nơi, nhưng khi Tết về, tôi thâý nhớ nhà. Nhớ ngày còn đi học, nhớ khi còn nhỏ, tôi luôn đi quanh hàng xóm, kiếm tiền lì xì. Má tôi mua cho con heo đựng tiền. Tôi muốn mua cái mũ nồi, mấy năm chưa mua được. Tiền bỏ heo chưa được nửa ngày lại moi ra cho vào đám bầu, cua , tôm , cá. Có lẽ vì vậy, khi vào lính, tôi chọn BĐQ. Quanh năm suốt tháng, chiếc mũ nồi ước mơ thuở nhỏ ở trên đầu. Giờ này, hằng năm, ba tôi gói bánh chưng. Ba tôi gói rất vuông và đẹp, sau đó, luộc bánh. Cái thú canh nồi bánh chưng, ba tôi luôn để tôi coi bánh ban ngày. Về đêm, ba tôi canh lửa, châm nước, lưả đều, bánh mới dền. Tôi thích nhất chiếc bánh nậm, chiếc bánh gói cuối cùng, khi thịt nhiều, khi đậu nhiều, khi thì gạo chiếm hết nưả. Lúc nào bánh nậm cũng ngon, vì cả năm mới ăn lại bánh chưng Tết. Tiểu đoàn ở Biển Hồ, gia đình binh sĩ nhộn nhịp đón Xuân. Mấy khi vợ chồng, con cái đoàn tụ cạnh nồi bánh chưng, xoong thịt gà kho, hũ dưa hành, củ kiệu, vài lít rượu ngon, con có bộ quần áo mới. Tất cả chỉ chờ Giao Thưà, và Tết đến. Tôi lái xe jeep, ra phố, uống cà phê, chơi Billard, mua tờ báo, rồi về. Làm ban ba tiểu đoàn, tối đến tôi ngủ tại hậu cứ. Thiếu Tá Huân, nhà tại phố nên cũng tới lui. Phần canh gác, thường vụ tiểu đoàn sắp xếp. Từ hậu cứ đi hơn sáu trăm thước là tới khu gia binh. Mọi người đều vui, chờ Xuân mới. *** Khoảng 10 giờ sáng ngày 30, năm Mậu Thân, vưà ra khỏi quán cà phê, Tôi tính lái một vòng coi chợ Tết rồi về Biển Hồ. Tay cầm chiếc chià khoá, tôi chợt khựng lại. Một cô gái tóc ngang vai, áo sơ mi màu, chễm chệ ngồi trên xe, chiếc xe của tôi không thể lầm được. Nhưng một thoáng thôi, tôi nhận ra Phượng. Cô ta đang soi chiếc gương chiếu hậu, lấy tay sửa lọn tóc, cũng vừa nhận ra tôi. Tôi làm bộ hỏi: - Sao em dám ngồi lên xe, không sợ lộn xe ư. Phượng cười : - Làm sao lộn đuợc, số 117989, xe của anh chứ của ai nữa. Mà có nhầm xe, em cười trừ là xong ngay. - Em đi đâu giờ này, anh tưởng em về Saigon ăn tết rồì chứ! - Em ở lại ăn tết với anh. Phượng cười thật tươi. - Em có nói lộn không, nói lại đi. - Thật mà, em tìm anh hai ba buổi rồi. Em vòng mấy quán cà phê anh hay tới, không gặp. Thấy ai mang bảng đỏ, em đều hỏi, họ nói giỡn, anh về Dalat cưới vợ rồi. Họ nghĩ em và anh chắc thân nhau lắm. - Thân quá đi chứ. Tôi tỉnh bơ . - Không dám đâu. Cách đây một bữa, thấy xe anh, em ghé vào tiệm bánh. Tiệm đông, phải chờ. Khi ra khỏi tiệm, anh đi mất tiêu, tức muốn chết. Hôm nay, em chờ bằng cách này chắc ăn nhất. Bây giờ anh đi đâu? Phượng hỏi. - Anh tính lái một vòng rồi về hậu cứ. Giao thưà ở tại trại. - Anh chở giùm em lên chợ mới một chút, rồi em nói chuyện này cho nghe. Tôi và Phượng quen nhau gần môt năm. Tôi nhớ, một lần lái xe lên Phượng Hoàng, thấy Phượng vừa đi vưà nhìn như muốn tìm xe quá giang. Tay Phượng xách một giỏ thật nặng, tay trái còn lủng lẳng chiếc thau nhôm, thấy tôi, Phượng gọi to: "anh Lương, cho em đi nhờ một chút". Một thoáng ngạc nhiên, tôi dừng xe. Phượng biết tôi muốn hỏi làm sao Phượng biết tên tôi, liến thoắng một hơi: - "Em thấy anh nhiều lần ở Phượng Hoàng. Em nhớ nhất, đêm 19 tháng 6, anh ngồi một bàn BĐQ. Có con Kim, thêm hai cô ở ngoài, có vẻ nữ sinh, thật đẹp. Em ngạc nhiên nhất vì một cô, giọng Bắc, lên ca bài "Bây giờ tháng mấy", để riêng tặng anh Lương và các anh BĐQ. Cô ta ca thật hay. Bữa đó, em đang ngồi bàn danh dự với Đại Tá Tự." - "Ông ta lại biết anh", tôi nói, "Đại Tá Tự là anh rể của bạn anh tên Trần Dân Chủ "(Chủ sau này bị bắt làm tù binh, hay tử trận, tôi không gặp, khi trở lại Pleiku năm 1974). - Em tò mò, hỏi anh Tự, "anh chỉ anh Lương cho em". Anh Tự vưà chỉ vưà nói: "thằng Trung úy, đồ rằn đang ngồi nghe cô bé ca đó". Em hỏi anh biết cô đó tên gì không, anh chịu. Đêm đó , em hỏi Kim, Kim nói hình như tên Mậu. "Mày thấy nó đẹp không, đẹp, ăn nói có duyên và vui nữa." Tôi dừng xe ngay sát cổng Phượng Hoàng. Phượng cám ơn rồi xuống xe, nhưng chợt khựng lại, hỏi tôi: - Anh có bận không, em muốn mời anh đi uống Cà Phê. Tôi vui vẻ gật đầu. - Vậy anh chờ em chút, em cất mấy thứ này. Tôi dặn với, 5 phút thôi nghe, anh không chờ lâu đâu. Thật đúng 5 phút, Phượng chạy ra, một chiếc áo sơ mi mới, cổ áo may thật khéo, chiếc quần Jean ka ki trắng vưà vặn. Phượng thật xinh. Phượng lên xe, - Anh làm em không kịp thở, anh không gallant chút nào, nhưng em thích vậy, đàn ông phải có cá tính chứ. _ Thôi để nhận lỗi, anh mời em cà phê vậy - Tôi cười. - Không , chỉ nhờ anh chở tới quán nào anh thích là được. - Vây mình đi quán Văn trên chợ mới nghe. Vừa lái, vừa hỏi, - Quê em ở đâu? - Em ở Sài Gòn. Đường Trần Quí Cáp, hướng đường xe lửa hay rạp Nam Quang, anh rành vậy. - Anh ở đó mà. Em thử hỏi chỗ nào , anh trả lời cho. - Thật nghe, anh biết quán cơm tấm gần chợ Đũi không? - Gần xe chè và xe nước mía, chợ Đũi trên đường Lê văn Duyệt chứ. Tôi vặn lại, Phượng cười thật to. Tới quán Văn, tôi và Phượng chọn chiếc bàn nhỏ, ngay góc nhà. - Anh uống gì? Cà phê sữa nóng. Còn em, cho em ly chanh Rhum, em uống Rhum Deoda nghe. - Em làm lâu chưa? Tôi hỏi Phượng. - Được 4 tháng rồi, sao anh không biết. - Trời làm sao anh biết được. Mà biết làm gì chứ. - Nói vậy thôi, em thấy anh mấy lần rồi. Một lần anh nhẩy với con Thanh. Một lần anh nhẩy với cô nào đẹp lắm, không phải bọn em. Tôi biết Mậu, nhưng làm bộ nói, - Nhẩy với Thanh thì có. Đâu có ai nưã mà đẹp. - Anh nói dối, Nhưng thôi, không phải chuyện em. Ly cà phê và ly chanh rhum mang ra. Phượng khuấy ly cà phê của tôi, vưà hỏi, - Sao anh đi lính dữ vậy? - Lính nào hiền. Tôi làm bộ ngơ ngác. - Lính bộ binh hiền, lính bđq dữ. Anh hiền hay dữ, ai biết. Phượng đanh đá trả lời. Câu chuyện cứ dần dà thêm chi tiết. Phương kể, - Em học Hưng Đạo, thi tú tài rớt, gặp con bạn ở Pleiku về, rủ lên đây. Em mới tập thêm, con bạn em dậy. Em không thích công việc này lắm, chừng vài năm, em về Saigon lại. Em nói dối má em, đứng bán tiệm cho gia đinh ngườì quen. Phượng có vẻ tin tôi nên nhiều khi không dấu diếm. - Anh biết không, nếu đông khách, hàng tuần cũng khá lắm. Em để dành, mở trương mục tiết kiệm, em không xài nhiều đâu. Tôi biết nhiều về mấy vũ nữ. Nhiều cô xài không đếm, tới khi Phượng Hoàng cấm quân là đói dài dài. Trung úy Quảng, quản lý Phượng Hoàng là bạn tôi, nên tôi ra vào hội quán thường xuyên. Các cô ở ngay sau toà nhà lớn, tôi biết mặt và quen gần hết. Tổng cộng hơn 10 cô, đa số đều trẻ, trang lưá tôi. Có chị Hà lớn , làm tài pán, biết tôi khi mới ra trường. Phượng hỏi tôi có bồ chưa. - Anh có hỏi em có bồ đâu mà em hỏi anh. Tôi trả lời. - Tại anh không hỏi. -Vậy em có bồ chưa? -Có rồi. Hai người, chủ tiệm vàng, và một ông lính. - Lính gì? - Bđq. Tôi biết Phượng nói gì, nhưng tảng lờ im lặng. - Anh có đi nhẩy nhiều không? - Tiền đâu mà đi nhiều. - Em thích câu trả lời cuả anh, nhiêù ông trả lời loanh quanh. Anh cứ tới sớm, em ra ngồi nói chuyện với anh, khi nào em có khách thì anh về. Anh biết không, nhiều bữa em ngôì cả giờ. Em có ông thương gia khá lắm, nhiều khi ngồi có hai giờ, ông ta trả em luôn 15 ticket. Buồn cười ghê anh, ông ta cứ đòi em làm bé. Ông ta cho tiền tháng, và mua nhà cho em nưã. - Em trả lời ông ta ra sao? - Em nói làm lớn thôi, không làm nhỏ ai hết. Ông rủ em đi ăn, em luôn rủ thêm mấy con bạn, ông ta rầu lắm. Nhưng không dám nói. - Em có quyền ghê hé. - Bây giờ thì có, nhưng không biết được bao lâu. - Em thích có uy với ông ấy không? - Em thích tiền của ông ấy, em thích có uy với anh. Phượng trả lời tỉnh bơ. - Em thất vọng rồi, đâu dễ có uy với anh đâu em. - Anh cứ chờ xem. Thôi, em phải về, nhớ nghe, khi nào rảnh, ghé em ngay nghe. - Anh không hưá. - Xí. Mai mốt đừng năn nỉ nghe. Phượng nói. - Không bao giờ. Tôi trả lời. Tình cảm của tôi và Phượng cứ như vậy, không gần, không xa. Tôi coi Phượng như cô em. Còn Phượng cứ lưng chừng, luôn chia xẻ tin tức, đủ mọi truyện riêng tư với tôi. Mỗi lần ghé Phượng Hoàng, Phượng luôn tìm cách ngồi bàn với tôi dù có khách. Có bữa Phượng thấy tôi trong phòng nhảy, Phượng đang ngồi với hai ba ông khách, Phượng chạy tới tôi, dúi tay tôi mấy trăm, - Anh qua phòng ăn gì đi. Khoảng 11 giờ, anh chở em đi ăn bún nhà xác nghe (quán bún gần bệnh viện dân y). Tôi không lấy tiền. Phượng nói, - Ông khách bưã em nói với anh vưà cho em đó. Anh cứ tiêu đi, hết cũng được. Phượng vụt chạy. Tiền rớt xuống sàn, tôi đành phải lượm đút túi. Tôi không phải dạng thích xài tiền đàn bà đưa, và suốt cả đời tôi, cho tới giờ không thay đổi (có vợ tôi làm chứng). Cũng vì phải chờ để trả tiền Phượng, tôi bực lắm. Phượng tuy ngồi với khách, nhưng cứ ngó về phía tôi, chỉ ngón tay ra phía nhà ăn, ý nói tôi đi ăn đi. Cuối cùng, tôi qua nhà hàng bên cạnh, kêu ly cà phê, bực dọc ngồi chờ. Đang ngồi quay lưng về phòng nhảy, hai bàn tay chợt bịt mắt tôi, - Em biết anh chờ em mà. - Thôi cô ơi, lần đầu và lần cuối đấy. Tuy bực nhưng đành phải cười. - Lần cuối của hôm nay. Mình đi ăn bún nghe. Phượng thông minh trả lớì. Phượng vụt chạy. Phượng thay chiếc Jean và mặc Pull. Tôi và Phượng ra chỗ đậu xe. Xe dừng gần quán bún, quán này nhiều người thích. Cô phụ quán, người Huế, xinh xắn. Cô còn đi học, chỉ phụ bà cụ buổi chiều tối. Phượng liến thoắng kêu, hai tô. Hai tô bún trông thật ngon miệng, thêm diã rau thơm. Phượng vưà ăn vưà hít hà, - Cay ghê, để em gắp ớt riêng ra cho anh. Thấy anh ăn bún sao tội nghiệp quá, cay mới ngon. Ăn xong, trả tiền, tính lái xe đưa Phượng về, Phượng năn nỉ, - Anh chở em một vòng tới ngã ba Thiết Giáp rồi về. Tôi đành phải chạy một vòng trước khi trả Phượng về Hội Quán. Vưà lái xe vưà nói đủ chuyện. - Xong đây anh về đâu? - Về Biển Hồ chứ về đâu nưã. - Trời, em tưởng anh còn đi nưã chứ. - Khuya rồi, anh về ngủ, em ngủ ngon nghe. - Mình ngồi trên xe nói chuyện cũng được. Phượng nói. - Thôi cô ơi, vào nhà đi. - Anh đi cho em thấy rồi em mới vào. Phượng bước xuống xe. Tôi lái thật nhanh về hướng Biển Hồ. Đại khái, tôi và Phượng thân, nhưng rất chừng mực. Trong giới Ca ve, kiếm một người còn ngây thơ , học trò như vậy rất khó. Đa số, chỉ tính tới tiền. Phượng đủ yếu tố để thành công, đẹp, nhảy khá, ăn nói có duyên. Phượng bắt đầu, - Anh nghĩ gì mà thẫn thờ vậy. Tối nay anh đưa em đi Chùa, cúng Giao Thừa nghe. Anh đưa sớm, sau Giao Thừa, anh về nhà em, xông nhà. Rồi em cúng, hai đứa mình ăn tết. Ngày mồng ba, em mới lên Phượng Hoàng. Em ở nhà, tối đón em. Như vâỵ là em và anh có 3 ngày, tha hồ ăn tết. Tôi im lặng, thường thì tôi và Mậu hay đi chùa đêm giao thưà. Hôm nay Phượng hỏi, không biết trả lời ra sao. Cũng hơn 10 ngày, tôi và Mậu không gặp nhau, chỉ nhận được thư tay. Mậu gởi cho một sĩ quan Mậu biết quen tôi. Phượng rất tâm lý, - Anh sợ cô nữ sinh hoa khôi của anh phải không. Phượng đưa tay cho tôi đòi nghéo tay. - Anh phải ứng chiến mà. - Thì anh chạy tới lui, không có gì, lại về nhà em. Em thì nấu thức ăn. Em mua đủ thứ rồi, có cả gà nấu đông, chân giò nấu măng, bánh chưng chứ không phải bánh tét đâu. Em chuẩn bị từ lâu, hôm nay mới gặp anh. Tôi buồn cười, ai bầy em nấu món Bắc đấy. -Con Kim. Anh rành Con Kim quá mà. Nó thấy em đi với anh. Nó nói anh dễ thương. Nó coi anh như anh nó. - Anh biết Kim lâu lắm rồi. Tôi ậm ự. Xe tới chợ mới. Phượng nói, - Anh có muốn vào chợ với em không? Anh chờ, phải nửa giờ đó nha, đừng bỏ em lại nghe. Anh muốn mua thêm gì không, em mua cho anh mấy tờ báo Xuân rồi, mua Cà Phê, đủ cả. Tôi ngồi chờ. Chợ 30, tấp nập, chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là xuân mới - Xuân 1968, Mậu Thân. Phượng từ trong chợ ra, xách một giỏ đầy, khá nặng. Tôi xuống xe, lững thững đi về phía Phượng, hứng chiếc giỏ trên tay Phượng. Phượng cười vui, đi với anh hồi hộp thấy mồ, chỉ sợ đi bộ về không à. Em mua gì nhiều thế, mỗi thứ một chút mà nặng ghê. Tôi liếc thấy hộp mứt gừng. -Em thích gừng hả? -Mua cho anh đấy. - Sao em biết anh thích gừng. - Bí mật, anh cũng lạ, ớt thì không ăn mà thích gừng. - Bây giờ, anh bỏ em ở nhà. Anh về hậu cứ, coi xem có gì thay đổi không. Nếu không có gì khác, khoảng 10 giờ tối, anh đón em. Tôi lái xe về nhà Phượng, dặn Phượng, - Đúng giờ đó nha. Em mặc áo dài, em mới may hai cái, đẹp lắm. Phượng hớn hở. Tới nhà Phượng, xuống dốc ngay gần Quân Cụ, phụ Phượng mang giỏ vào, tiện tay mang luôn thùng gỗ , đựng đạn súng cối, lúc nào cũng có sẵn hai bộ đồ, kem bót đánh răng. *** Tôi chạy thẳng về Biển Hồ, hỏi sĩ quan trực, tiểu đoàn - vẫn ứng chiến, trực gác, không có lệnh mới. Loanh quanh tới 5 giờ chiều, tôi lái xe ra Plei Ku. Chạy ngang Diệp Kính, gặp Lạn, ĐĐT ĐĐ4 lái ngược chiều, hai đưá dừng xe. Tôi hỏi Lạn, - Đại Đội mày đóng chỗ nào? - Đóng ngay gần chùa, và trường Thiếu Sinh Quân. - Tao mới ra đây. Tính loanh quanh, tối đưa em Phượng đi chùa, cúng Giao Thưà. Mày có chỗ ăn tết chưa, nếu không thì về nhà Phượng ăn tết cho vui. Tôi trả lời. Mỗi lần gặp mày, mày gọi một tên mới. Tao chẳng biết ai vào ai. Còn em Mậu ra sao rồi? Lạn cười. - Thì vẫn như vậy. - Tao có chai rượu, mày có nhà nào uống không. Tết nhớ nhà, hai đứa uống, nói chuyện cho vui. Lạn chỉ chai Martel, hỏi tôi. Tôi nghĩ, bây giờ mới hơn 5 giờ, uống tới 7 giờ cũng đươc. Dư thời giờ đón Phượng. Tôi vui vẻ, - Tao có chìa khóa nhà thằng Đệ. Chủ phòng tắm hơi đó. Mấy bữa, gặp tao, nó mừng quá, giao chià khóa cho tao, dặn dò: "Mày đi đâu thì đi, thỉnh thoảng ghé nhà tao coi giùm, tao đi tới mồng mười mới ra." Gạo, đường, cà phê, thịt hộp, đủ cả, nếu mày ngủ lại càng tốt. Tôi với Lạn, lái xe tới nhà thằng Đệ. Tôi mở cửa. Lạn có sẵn đồ nhắm. hai đưá cởi áo lính, mặc may ô cho thoải mái. Trước khi uống, tôi hỏi Lạn, - Ai coi đại đội cho mày, - Thằng Lũy, tao dặn nó rồi. Vừa uống, vưà nói chuyện, quên cả thời giờ. Hai đứa ít khi uống, nên hết chai là say. Lạn nằm trên nền xi măng ngủ. Còn tôi, nguyên cả giầy, leo lên chiếc giuờng, ngủ say sưa. Cuộc đời, sau này suy nghĩ lại, tôi vẫn tin, mỗi cuộc đời, mỗi phút, mỗi giây đều có số, đều đã được sắp sẵn. Bữa uống rượu hôm nay ngoài dự tính, nhưng hâụ quả thật khôn lường. Lạn gọi tôi, Lương, pháo gì, giống súng nổ quá, pháo gì nổ, có tiếng gió rít, có tiếng pháo binh, có tiếng M16 và đại liên nưã. Tôi chưa hoàn toàn tỉnh, hỏi Lạn, mấy giờ rồi, hỏi gì nưã, hơn mười hai giờ khuya rồi, nghe hơn mườì hai giờ. Tôi tỉnh hẳn, chết, sao mày không kêu tao, giờ này thì còn đón ai nưã. Tao cũng mới tỉnh khi tiếng đạn réo trên đầu - Tôi vừa nghe tiếng nổ, vừa nghĩ tớí Phượng, tự trách mình, nếu đừng uống rượu thì đâu tới nỗi này. Lạn nói, - Đúng là súng nổ rồi, không còn lầm lẫn gì nưã, tao phải đi về đại đội, không về, có gì thì chết. - Bây giờ, biết ngoài đường ra sao mà mày đi. Lỡ ra, không Việt Cộng, thì cũng bị đơn vị khác bắn chết. Tôi nói, Tôi lắng nghe tiếng súng để định hướng. Pháo binh mình bắn về hướng Thanh An, Hàm Rồng. - Quân mày ở hướng Thiết giáp và chùa, chắc không đến nỗi nào. Tao dặn thằng Lũy kỹ lắm, có gì cứ cầm chừng chờ tao, mà giờ này chắc không đơn vị nào di chuyển đâu, trừ thiêt giáp. Tao có mật khẩu đèn xe, và bán tiểu đội ngay đường xuống chùa, tụi nó sẽ chặn mọi xe khi súng nổ, trang bị M 72, và M 79 nhiều bằng cả trung đội. Lan tiếp. Cuối cùng, Lạn cương quyết, - Tao lái xe chạy thí mạng, chết thì cũng chịu. Tôi biết không thể cản được. Tôi nói: - Cũng may, hướng xe mày không qua Dinh ông Tướng, giờ này đoạn đó kéo kẽm gai hết rồi. Thôi mày đi cẩn thận, sáng liên lạc tao. Nếu gọi được tiểu đoàn, nói với Đại úy Dếnh, tao ở ngoài phố, sáng sẽ tìm về đơn vị. Tao ở đây, mai tìm tiểu đoàn vậy. Lạn choàng vội chiếc áo, lấy cây súng Colt, mở cưả chạy ra xe, cưả mở. Cả hai đưá thấy hoả châu, sáng rực bâù trời, tiếng xe rít trên đường. Tôi thầm cầu nguyện Lạn về tới chỗ đóng quân an toàn. Còn mình tôi, đóng cửa, đầu rối mù. Cũng may chỗ tôi đang nằm, gần Dinh Tướng Tư lệnh, tương đối an toàn. Tôi cầu mong Lạn về tới đơn vị, nghĩ vơ vẩn, chắc Phượng giận tôi lắm, nhưng giờ này,cô bé biết rồi, cô ta biết tôi phải theo tiểu đoàn, chắc không bao giờ Phượng ngờ, giờ này, tôi ở đây, chỉ cách nhà Phượng 7 phút xe. Hướng nhà Phượng, chó sủa liên hồi, tiếng chó như rền vang, hướng Quân Cụ, xóm lò heo, và hướng suối cạn, dưới chân nhà Phượng. Nằm trên giường, nguyên cả giầy, tắt đèn, chỉ mong trời sáng. Nghĩ tới đơn vị, không biết Việt Cộng tấn công hướng nào, không biết tiểu đoàn có gom đủ lính để đi hành quân không. Kinh nghiệm nhiều lần, khi có súng nổ, lính sẽ về tiểu đoàn. Số sĩ quan độc thân, ngủ tại đơn vị hơn 2/3, trừ trường hợp như tôi hôm nay. Tôi cứ vơ vẩn nghĩ. Nếu không uống rượu, đi với Phượng cũng hơn 12 giờ, rồi còn ăn uống như Phượng nói, về tới đơn vị cũng phải hơn một giờ khuya. Tôi nhúm bếp, nấu chút nước sôi, pha miếng trà, ly cà phê sưã, ngồi dưạ trên chiếc salon, vưà uống, vừa nghe tiếng đạn rít trên đầu. Tôi suy tính, đi hướng nào để về tiểu đoàn. Trong đầu tôi, như đang vẽ bản đồ hành quân. Hơn 4 giờ sáng rồi, thỉnh thoảng có tiếng xe GMC chạy. Nhìn ra cưả, trời còn tối quá, khoảng hơn 5 giờ mới đi được. Tôi nhắm mắt, nằm im lặng. Nhìn quanh nhà, không biết thằng Đệ để chiếc Radio ở chỗ nào, muốn nghe tin tức, đành chịu. Tôi thiếp đi khoảng nửa giờ, giật mình khi tiếng súng nhỏ nổ, hướng Bưu Điện, 5 giờ 45. Rưả mặt, và tắm, nước lành lạnh, tôi tỉnh hẳn. Đeo cây súng colt, giây ba chạc, bước ra cửa. Bây giờ mới thấm thiá, lính không đơn vị, không đồng đội, không truyền tin, như người đi lạc. Tôi nhìn chiếc xe Jeep, bánh trước xẹp, không buồn để ý, taị sao. Tôi đi theo sát cửa nhà, từng nhà, từng nhà, đa số đóng cửa. Một vài nhà, cửa mở, không người. Không khí chiến tranh thật sự đã vào thành phố. Đi vài nhà, laị dừng để quan sát. Quãng đường ngắn, đi mất hơn 20 phút, rẽ phải, ngược phiá dinh Tướng và Phượng Hoàng. Nhắm thẳng rạp Diệp Kính. Tôi thầm cám ơn trời, không có gì, phố xá vắng tanh, các đơn vị vẫn án binh bất động. Cứ đi từng nhà, tôi không sợ bị bạn bắn lầm, sợ Viêt Cộng núp đâu đó, thì không còn chỗ đỡ. Tới bến xe Lam, thường. Lính mọi đơn vị hay chờ tại đây để đón xe đi Quân Đoàn, Quân Y Viện, Phi trường, và C2, LLĐB. Tôi đi hơn 200 thước thì nhìn thấy đoàn xe GMC chở BĐQ, lính bảng đỏ, tiểu đoàn tôi, thật mừng. Thiếu tá Huân, dừng chiếc xe Jeep: - Lên xe đi ông tướng. Tôi tưởng cậu đào ngũ rồi chứ. Tôi cười, ngượng ngùng. Chợt hỏi truyền tin, - Có nghe Alpha 4 gọi không mày. - Có, Alpha 4 nói với Đại úy Dếnh, là alpha sẽ về tiểu đoàn khi trời sáng. Nghe tin Lạn, tôi yên tâm, giờ này đánh đấm cỡ nào cũng không ngán. Đoàn xe vừa tới ngã ba Diệp Kính, một chiếc Jeep ngược chiều, dừng khi thấy xe thiếu tá Huân và tôi. Tôi và thiếu tá Huân xuống xe, xe quân đoàn chở một Trung Tá, một Thiêú Tá, một Đaị úy và một truyền tin. Trung tá quân đoàn bắt tay Thiếu Tá Huân và tôi, nói sơ tình hình và giao một phóng đồ. Ông ta nói: - Quân thiếu tá sẽ đổ ngay đây, đi dọc theo Dinh thiếu tướng, ngang dinh gần Phượng Hoàng, bắt đầu khai triển đột hình, đánh ngược xuống khu Hoàng Diệu, Khu Quân Cụ, lò heo, nhưng không vượt qua suối cạn. Khu đó tôi giao cho bộ binh và thiết giáp. Ông Đại úy giao tôi phong bì đặc lệnh truyền tin, còn nguyên dấu nổi màu đỏ, hàng chữ tối mât màu đen. Ông Trung tá hỏi, - Thiếu tá và trung úy có gì hỏi không? Thiếu tá Huân trả lời không. Ông Đaị uý nói với tôi, - Truyền tin theo đặc lệnh mới từ giờ này, cho tới khi có lệnh mới. Xe quân đoàn vưà chạy, thiếu tá Huân cho lệnh xuống xe. Rải quân, an ninh, mời ĐĐT họp. Các đại đội trưởng tới ngồi gần thiếu tá Huân, ngồi ngay bên hè trường tiểu học: - Đđ 3, 2 đi đầu, bộ chỉ huy tiểu đoàn, đại đội chỉ huy, đại đội 1, sau cùng. Nhắc các Alpha, áp dụng tam tam, chiếm, lục soát từng nhà, tránh đi ào ào qua. Tụi VC laị ở đằng sau đánh tới, Thanh toán đâu, giữ tới đó. Chúng ta đi theo hướng Phượng Hoàng, khi nào thấy nhà nghỉ Chính Phủ trên đồi, báo cáo. Tôi sẽ cho lệnh rẽ trái. Chiến trận có thể xảy ra khi chúng ta tới bến xe chợ mới, khu quán cơm Ba Cò. Thiếu úy Thông phát bản đồ, thiếu úy Huấn đổi đặc lệnh truyền tin mới, thử máy. Nhớ, coi chừng bắn lầm dân chúng. Giới hạn tối đa khi bắn M 79, cối 60. Có ai không hình dung ra địa thế không? Các ông họp trung đội trưởng. Sau 15 phút, hành quân bắt đầu. Khi ngồi chờ, tôi chợt nhớ tới Phượng. Không biết Phượng có an toàn không? Tin tức tôi có, Việt Cộng từ phiá Hàm Rồng, theo đồn điền trà, ém quân, tối tiến vào thành phố, theo thung lũng và suối cạn phiá lò heo để chiếm mấy cơ sở dọc theo tuyến từ đồi pháo binh, xuống tới ty Bưu Điện. Như vậy, đêm qua, tôi cách không xa hướng hành quân của VC. Tôi thầm nghĩ, nếu đêm qua, tôi đi với Phượng, có lẽ kẹt trong gọng kềm của VC, vì chắc chắn VC sẽ chiếm toàn khu suối dưới chân đồi, gần nhà Phượng. Một mình Phượng ở căn nhà nhỏ dù sao đỡ hơn có tôi. Đại Đội 3 và 2 báo cáo xuất phát. Đội hình đi thật thưa. Đường phố vắng tanh, nhiều nhà thấy bóng dáng BDQ, rất mừng. Một vài cánh cửa hé mở, vài khuôn mặt tươi cười chào chúng tôi. Mấy quán cà phê dọc theo rạp Diệp Kính, đối diện nhà thờ thường ngày đã mở cửa, giờ này còn đóng. Cổng nhà thờ trang hoàng thật đẹp đón xuân, không một bóng ngườì. Một vài chiếc GMC chạy thật nhanh về hướng Thiết Giáp. Tiếng súng nhỏ nổ nhiều. Tôi tỉnh táo, không như đêm qua. Niềm tự tin trở lại, tôi buồn buồn nhìn khu phố. Khu này là trung tâm sinh hoạt của Pleiku. Ngang qua tiệm chè Diệp Kính, cửa đóng, tôi nhớ tới Mậu. Không biết khu Phan Đình Phùng nơi Mậu ở có sao không? Hai năm vừa qua, tôi đón Mậu đi chùa, năm nay, lại khác. Tôi và Mậu vẫn thân, rất thân. Nhưng đôi khi như hôm qua, Phượng làm tôi quên Mậu. Nhiều khi tôi cũng không hiểu mình muốn gì. Tôi ít lệ thuộc trong tình cảm lắm. Mậu hay trách tôi như vậy. - Em thấy anh khó hiểu quá, như có ai mới vậy. - Tại em nghĩ vơ vẩn chứ anh có gì khác đâu. Dại gì xa em thì còn kiếm ra ai hơn nữa. Tôi cười. Được cái Mậu rất dễ tha thứ, bao giờ Mậu cũng vui vẻ liền. Thường thì sau mỗi lần như vậy, tôi và Mậu đi nhẩ. Mấy cô Phượng Hoàng quen tôi hay nói đùa, cho cả hai người nghe, - Anh Lương quên tụi em rồi nghe. - Sao không nghe anh trả lời. Ghé tai tôi, Mậu cười. - Trả lời sao? - Trả lời là chưa quên ai hết. Trong mấy cô, có Kim, bắc kỳ, rất bạo, cố tình nắm tay tôi kéo lại - Người yêu anh Lương đẹp quá, hèn nào. Mậu không bao giờ giận hờn khi có đông người, Mậu nói vui theo, - Em chỉ mượn của mấy chị thôi. - Thôi tha anh đó. Cả bọn cùng cười, - Anh Lương, bữa chị này mặc đồ rằn, anh phải cho em một bộ đó. Thanh gọi. Tôi và Mậu vào phòng nhảy. Tôi nhẩy không hay. Mậu khá hơn tôi một chút. Hai đứa lại thích nhẩy. Tôi luôn coi nhẩy là môn giải trí dễ thương và lịch sự nhất. Tất nhiên, không kể những người, coi nhẩy như một phương tiện khác. Đại đội 2 và 3 đã tới ngã ba Ba Cò, bến xe cũ. Nhà vẫn đóng cửa, quán cơm, càphê, trạm xe đi liên tỉnh không bóng người. Thiếu Tá Huân dặn dò, - Cậu rành khu này, nhớ nhắc tụi nó cẩn thận, đánh trong thành phố khác hẳn, không ào ạt, không súng lớn. Tôi thấy thấp thoáng từng toán nhỏ bđq tiến theo đường, biến mất sau mấy căn nhà mái tôn. Tiểu đoàn cũng phải tự phòng thủ, theo từng toán nhỏ. Thiếu tá Huân, tôi và 3 máy C25, thêm mấy lính theo để bảo vệ. Tôi đề nghị, - Mình dừng cạnh chổ bán vé xe để theo dõi các đơn vị. Đại úy Dếnh, đang chỉ huy Bộ chỉ huy, tổ chức phòng thủ. Hơn một giờ, hai đại đội vẫn lục soát từng nhà, bung rộng hướng lục soát. Vùng này nhà san sát, nhưng càng ra xa, nhà thưa thớt, cho tới khi chỉ thấy đồi thấp, không có cây lớn. Thiếu tá Huân nói nhỏ: - Chắc tụi nó xâm nhập chưa nhiều vì ngoài vòng đai thành phố có thiết vận xa M113, mà đường xâm nhập thì trống trải . Có lẽ đêm nay, tụi nó sẽ tăng cường thêm. Tiếng súng AK réo trên đầu, tiếng súng Carbine BDQ trả lại dòn dã (BDQ chỉ trang bị M16 khoảng tháng 5, 1968, Mậu Thân 2). ĐĐ2 và 3 báo loáng thoáng thấy bóng VC tại những vị trí gần nhà, nhưng cũng gần đường. Có lẽ VC chấp nhận đánh ngoài thành phố hơn là nằm cạnh nhà, vì bọn nó sợ lạc đồng đội. Thiếu tá Huân cho tôi làm việc với máy ĐĐ nhiều hơn với máy Liên Đoàn và Quân Đoàn. Dân chúng khi thấy chúng tôi lục soát và giữ từng cụm nhà, bắt đầu chạy ngược lại với chúng tôi. Họ mừng rỡ vì sợ nằm trong vòng kiểm soát của VC. Thấy một người khoảng trung niên chạy với vợ và đứa con gái, tôi kêu anh ta, cho ngồi xuống góc mấy bức tường để hỏi tình hình. Tôi hỏi, - Anh thấy nhiều VC không? Bọn nó mặc đồ gì? Tụi nó có vào nhà không? - Em thấy ít. Ka ki xám, nhiều đứa đồ đen. Buổi tối, khi mới tới, vào nhà lục soát, nhưng mờ sáng ra ngoài. Anh ta lễ phép - Nó mang nhiều đạn không? Có súng lớn không? - Không nhiều. AK và súng trường, lựu đạn cán gỗ nữa (lựu đạn chầy). Tiếng súng trao đổi, nhiều hơn. Tiếng alpha 3 gọi tôi: - Alpha 12 hả, một súng trường bá đỏ và một tên VC mặc aó đỏ. Nó đang ngó giớn dác, lính tôi cho một băng, gần lắm 12 ơi. Tôi nói vớí thiếu tá Huân, - ĐĐ 3 thu một súng, bắn chết một em. Tiếng lựu đạn nổ, tiếp theo một tràng súng, máy báo cáo, - Một em tính chém vè ra ngoài lãnh nguyên một băng. Tôi nhắc hai alpha, đỊa thế sẽ cao và thưa nhà khi họ tiến về hướng đồi pháo binh và truờng Trung Học, nhưng càng đông nhà khi đi theo hướng về thành phố. Tôi chợt nhớ khi mới quen Mậu, đi hành quân về, tôi hay lái xe theo hướng trước mặt để lên trường trung học. Thiếu tá Huân nói, - Tụi nó không thể di chuyển đi đâu được vì ra ngoài, toàn đồng trống. Nói với mấy alpha, coi chừng về chiều và xẩm tối, chắc chắn nó phải đánh mạnh để chờ tụi ngoài vào thêm. Đánh trong thành phố rất khó khăn, vì dân chúng, tiếp tục chạy ngược để tránh hai lằn đạn. Tiếng súng càng ngày càng nhiều. Hai bên thật sự tiếp chiến, tiếng súng nổ nhiều. Khi đđ 2 xuống thung lũng, có cả tiếng M79. Ngườì truyền tin đưa ống liên hợp cho tôi. - Alpha 2 gọi. Báo cáo cho 54, lượm 3 AK, hai em VC áo đỏ. - Mình có sao không? - Một áo vàng nhẹ. Tôi chuyển lời cho thiếu tá Huân. Khoảng ba giờ chiều, sau hơn 4 giờ lục soát và tiến quân, đoàn đã tịch thu được 7 súng, một colt. Tụi tôi 3 bị thương, đánh thành phố thường kết quả không nhiều vì địa thế rất khó, lính tránh làm hư hại nhà cửa hay bắn lầm dân. Nhìn địa thế thành phố, tôi nói với thiếu tá Huân, - Mình còn xa khu lò heo và khu ĐĐ Quân Cụ lắm, Cứ đà này, phải chiều mai, mới tới trung tâm Bưu Điện, ngã ba Hoàng Diệu và Dinh Thiếu Tuớng. Gần chiều, lệnh cho các đại đội phòng thủ, dựa vào địa thế để canh gác, tuy không thành tuyến tròn nhưng theo từng cụm nhỏ. Tiểu đoàn nằm trong vòng đai của bốn đại đội, không đào hố, dựa vào nhà cửa, các bức tường, và cây lớn để đóng quân. Qua máy Quân Đoàn, tôi biết Thiết Giáp trúng mánh, buổỉ chiều khoảng 3 giờ, máy bay L19 thấy VC núp duới đồn điền trà hướng Hàm Rồng, báo cho Thiết Giáp. Các Thiết Vận Xa, cứ vậy mà xả, 30 và 50. Lính sư đoàn 23 tùng thiết cứ theo lượm súng, và đếm xác. Tịch thu hơn 70 súng, đếm hơn 40 xác. Tụi tôi cũng nhờ vậy mà không đụng nhiều, VC không thể đưa quân thêm vào thành phố. Địa thế của PleiKu rất khó xâm nhập, ra khỏi thành phố, toàn đồi thấp, không cây lớn, tầm mắt nhìn rất xa. Chỉ cần một Chi Đoàn M113 với bộ binh tùng thiết là có thể bảo vệ vòng đai thành phố. Suốt cả ngày, quên luôn hôm nay là mồng một tết, đa số dân chúng di tản lên tới các nơi không có tiếng súng. Tôi nằm ngay cạnh một gốc cây lớn với hai máy truyền tin và người lính bảo vệ. Thiếu Tá Huân, Đại úy Dếnh, nằm cách vài thước. Lính rất lanh, họ tản vào mấy nhà, nấu nhờ cơm, xẩm tối là có cơm nóng, thức ăn nhiều vì mang theo khi dời Biển Hồ. Thành phố không điện, nằm trong bóng đêm, tôi nghĩ đủ thứ. Đài phát thanh nói VC tấn công hầu hết các tỉnh. Sau bản tin là nhạc hành quân rộn ràng. Dalạt và Lâm Đồng cũng bị tấn công. Tôi lo lắng, không biết nhà tôi có sao không? Dòng suy nghĩ lan man. Chỉ cách hơn một cây số, hướng chợ mới, đường Phan Đình Phùng, nhà Mậu, không nghe tiếng súng. Hơn hai cây số, hướng về đại đội Quân cụ, Lò Heo, nhà Phượng, nằm gần suối cạn, rất đông dân, cả ngày nghe đủ loại súng lớn nhỏ. Không biết Phượng có chạy ra khỏi chưa? Tôi quấn chiếc poncho Line, gối đầu trên chiếc ba lô, không ngủ. Buổi tối, không khí im lặng, nhiều khi nghe hàng loạt đạn Carbine lẫn tiếng AK, chó sủa nhiều hướng đồi pháo binh. Tôi thiếp được hơn một giờ, tiếng máy truyền tin sè sè, liên lạc đầu giờ. Tôi nghe hai truyền tin hỏi tin tức nhau, cười khúc khích. Sáng ngày mồng hai, mở đầu bằng hàng loạt AK và carbine, tiếng súng liên tục. Đại đội hai báo, VC tấn công mạnh, nhưng không vượt qua được con đường ranh, và dãy nhà bên kia đường. Tôi kêu máy gần lại chỗ thiếu tá Huân để dễ nhận lệnh. Trời sáng hẳn, các đơn vị lại bắt đầu lục soát, tiểu đoàn cho lệnh lục soát về hướng trung tâm thành phố. Hai đại đội tiến nhanh. Tiểu đoàn và hai đại đội còn lại thế chỗ. VC thất bại vì không đưa thêm quân vào thành phố được vì bị thiết giáp làm thịt từ ngoài. Đơn vị chúng tôi trở nên nhẹ nhàng, đụng nhẹ, chỉ từ từ tiêu diệt tụi VC vào từ đêm 30 thôi. Cả hơn nửa thành phố, dân chúng đã trở về, tuy nhiên họ chỉ ở trong nhà. Nhiều người mang bánh, mứt cho lính. Tới hai giờ chiều, đại đội một, ba, đã tiến tới Bưu Điện, và làm chủ khu lò heo, lục soát khu suối cạn. Tại đây đại đội một đụng khá nặng với VC, súng nổ hơn nửa giờ. Đếm được 9 xác, bắt được hai tên bị thương, giao cho phòng Hai Quân Đoàn chở đi. Thiếu tá Huân, tôi cùng mấy truyền tin và bộ chỉ huy đứng sát ty Bưu Điện và mấy toà nhà lớn, vừa quan sát vừa điều động hai ĐĐ bung rộng ra, nằm tại chỗ. Thỉnh thoảng từ trong dãy nhà sát ĐĐ Quân Vận, một vài VC bỏ nơi ẩn trốn, chạy vụt xuống chân đồi, hàng loạt súng bắn theo. Cứ thế mà cũng được 4 em, lấy 4 súng. Nhìn dãy nhà san sát, tôi chợt buồn cười, chỉ cách khoảng 500 thước, khuất một ngã ba, là trở về nhà thằng bạn. Tôi và Lạn uống rượu đêm 30. Lính tới đâu, dân theo tới đó. Họ chạy loanh quanh, chỗ nào không nghe tiếng súng, hoặc có bóng dáng BĐQ, là họ chạy tớ. Nhiều người núp ngay bên hè những tiệm buôn lớn, coi đánh nhau. Từ phía Phượng Hoàng và dinh Tướng Tư lệnh, một nhóm 6, 7 người đi về hướng chúng tôi. Tôi chợt chăm chú vào một cô gái, aó sơ mi tay dài, chiếc quần tây xám, mang chiếc giỏ, và một chiếc sắc trên vai, theo toán người về hướng tôi và hai máy truyền tin. Cô ta dừng lại, rồi bất chợt chạy thật nhanh, vừa kêu tên tôi. Phượng. Tôi nhận ra Phượng, ra dấu cho Phượng tới sát thềm ty Bưu điện, cạnh thiếu tá Huân. Phượng mừng khi biết chắc là tôi. Phượng vừa thở, vừa chùi nước mắt. - Trời ơi, từ qua tới nay, em cứ nghĩ tới anh. Không biết anh có sao không? - Em chào Thiếu tá rồi mình đứng nói chuyện. Tôi chỉ Thiêú tá Huân. - Em để xắc xuống đây nghe. Phượng cúi đầu chào. Thiếu tá Huân rất dễ tính, ông kêu hai máy tới cạnh ông. Mấy người lính tò mò, nhìn Phượng. Phượng ngồi ngay trên hè xi măng, vừa nói, - Giờ này, mới chắc anh còn sống. Đêm 30, em chờ anh tới 9 giờ không thấy, em giận anh quá trời. Định bụng nếu anh tới em cũng không đi nữa. Em nấu thức ăn, trái cây, sắp trên bàn thờ, quần áo ủi sẵn, sợ anh về, chờ lại nhăn. Anh biết không, cũng may anh không về. Khoảng 10:30 tối, em tức anh, ngủ không được, chắc anh đưa cô bạn anh đi, quên cả em, chợt tiếng đập cửa nhà bên cạnh, chưa kịp phân biệt tiếng gì, thì tới cánh cửa nhà. Em sợ điếng hồn, giờ này ai kêu cửa làm gì. Thêm một nhát dộng ngay cánh cửa, em lật đật kéo then. Trời đất, 3 thằng VC, mang súng vào nhà, còn hai thằng ở ngoài. Vừa vào là lục khắp nhà. Một tên bắt em ngồi ngay cạnh giường, nó xoi cả gầm giường, cả nhà tắm. Chợt thấy bộ đồ rằn treo trong cánh tủ, tụi nó xúm lại hỏi, - Chồng mày đâu? - Em không có chồng. Em run lập cập, - Mày nói dối. Ai mặc đồ này? Nó ở đâu? - Anh của em. Dạ em không biết. Nghe anh ấy nói, đi đánh giặc rồi. - Mày ăn nói kiểu đó, ông đánh gẫy răng đấy. Ai là giặc? Một thằng nắm tóc em, - Em im lặng, cầu trời anh đừng về nhà em. Cả xóm nhà nào cũng nghe gõ cửa, lẫn trong tiếng súng. Khoảng hơn nửa giờ, ba tên đó hỏi em đủ thứ. Em trả lời cho qua. Chợt một tên ở ngoài vào nói nhỏ. Cả 3 tên đi ra, sau khi cấm em không được ra ngoài. - Em đóng cửa, thắp nhang trên bàn thờ rồi lên giường nằm. Em nhớ anh, giờ này anh làm gì, ở đâu? Thật may mắn, nếu không, nó bắt anh hay bắn anh rồi. Tôi im lặng nghe Phượng, khuôn mặt mệt mỏi, nhưng dáng dấp rất cân đối, hèn nào Phượng được rất nhiều khách kêu ngồi bàn. Phượng thấy tôi chăm chú nhìn, - Tóc em chải không kỹ phải không? - Đâu có, em lúc nào cũng xinh xắn. - Thôi cám ơn, để dành cho cô nữ sinh của anh đi. Sao không thấy lính đâu hết anh. Phượng nhìn chung quanh, - Đông lắm nhưng rải khắp nơi. - Giờ này duới nhà em, lính cũng đông lắm. Đụng cũng nặng phía suối cạn. - Bây giờ em đi đâu? - Nếu không kẹt mấy cái giỏ này, em theo tiểu đoàn làm lính luôn. Em không biết đi đâu. Nếu không gặp anh, em đi theo cô gái mới quen, ngủ nhờ nhà bà con cô ta vài ngày. Cô ta bằng lòng rồi, và cho địa chỉ rồi. Phượng chợt hỏi, - Anh ăn gì? Ai nấu ăn cho anh. Em vào nhà kia, nấu nhờ cơm nghe? Em nài gạo và thức ăn, rồi trả tiền chắc họ cũng bằng lòng. Từ lúc Phượng tới, chỉ có tiếng súng xa xa thôi. Thiếu tá Huân cho lệnh thu hẹp vòng đai, chuẩn bị phòng thủ đêm. Tôi để Phượng ngồi tạm chỗ cũ, đi tới mấy căn phố gần, đề nghị, tiểu đoàn phòng thủ tại đó, tránh tầm nhìn từ bên kia phố. TIểu đội bảo vệ tới trước, chia ra lục soát kỹ, rồi làm thành vòng đai. Hai người lính chuyên theo tôi cũng đã có chỗ ngủ đêm cho 3 người, gần thiếu tá Huân, Đại úy Dếnh, truyền tin, ban hai. Tôi chỉ hướng cho cây đại liên, dặn thường vụ canh gác, đổi mật khẩu ban đêm, rồi kêu Phượng tới. - Anh có chìa khóa nhà thằng bạn thân. Đêm qua anh uống rượu sau khi chia tay em, định khoảng 8 giờ tối xuống đón em. Nhưng anh và thằng bạn say, ngủ quên, nên lỗi hẹn, mà còn sống. Em thấy số anh cao chứ không chết rồi. Phượng ôm chầm lấy tôi, quên cả mấy người lính và thiếu tá Huân bên cạnh. Thiếu tá Huân thì biết tôi rồi. Nhiều khi cuối tháng, không có tiền, tôi tới nhà ông, bao giờ cũng vậy, ông kêu chị Huân, em, Lương nó tới thăm em kià. Chị vui vẻ hỏi, em muốn bao nhiêu? Chị cho em mượn 1000 thôi. Sao ít vậy? Thôi vậy đủ rồi. Chị Huân có hai em gái cùng ở chung nhà. Chị luôn nói vui, sau này, ai mà lấy cậu, chắc đói quanh năm. Lấy vợ thì khác chứ chị. Chị cười. Mà thật vậy, từ khi lấy vợ, cuộc đời tôi thay đổi hẳn. Sau này, lần cuối cùng tôi gặp thiếu tá Huân khi anh làm Quận Trưởng tại Qui Nhơn. (Viết tới đây, tôi nhớ bài đăng trên BĐQ khi anh Huân chết năm vưà rồi. Tất nhiên, nếu không phải là thiếu tá Huân, tôi không thể nào nói chuyện với Phượng khi tiếng súng còn nổ, ngay trên chiến trường). - Nhà bạn anh cách đây chưa quá 400 thước, ngay ngã ba, em vừa đi ngang. Em thấy chiếc xe jeep của anh, bánh xẹp lép nằm ngay con hẻm. Em theo con hẻm, nhà thứ tư bên trái, số 7. Em cứ vào ở đó, gạo, mắm, đường, cà phê, sữa hộp, nước máy, nhà tắm đầy đủ. Ở bao lâu cũng được. Hai vợ chồng nó nói ngày 10 sẽ ra, nhưng kiểu này thì không biết bao giờ mới ra lại. Anh dặn hờ, nếu anh phải đi xa bất ngờ, nó ra, em nói tên anh, nó sẽ để em ở bao lâu cũng được. Phượng ngây thơ, em xin Thiếu tá ở đây được không? Ở chỗ nào. Anh ngủ dưới gốc cây kia kìa, càng vui, giống cắm trại hướng đạo quá.. - Thôi cô ơi, đừng tưởng tượng, Thiếu tá cho nói chuyện như vậy là quá rồi. Tôi chợt hỏi, em có tiền không? Phượng nói nhỏ, chỉ túi xách, em có nhiều lắm, xài vài tháng không hết, anh cần tiền không? - Không, tụi anh có tiếp tế rồi, mà cũng sắp lãnh lương. Thôi, trời sắp tối rồi, em đi đi. Khi nào yên ổn, rảnh, anh sẽ tới. Nếu em đi xa, để chià khóa trong hộp thư, anh sẽ lấy. Nhớ viết vài chữ, cho anh biết. - Anh phải hứa, em mới đi. Khi nào rảnh phải ghé em. - Thời gian nào cho người đẹp của anh. À quên, nhưng anh phải công bằng. Cứ đi đi. Tôi cười, nói đùa. Phượng tới lễ phép chào Thiếu tá Huân. Thiếu tá Huân hỏi. - Bây giờ cô đi đâu? - Cháu đi tới nhà bạn anh Lương. cháu có chià khoá rồi, chúc Thiếu tá và các anh lính luôn bình an. Phượng bịn rịn, nhìn tôi. - Để anh cho lính mang giùm giỏ cho em. Tôi cười khuyến khích. - Chú mang giùm cô này hai chiếc giỏ, tới ngã ba đằng trước kia. Đưa cô ta vào nhà, rồi trở lại. Toi nôi vớì Hoành. Hoành vui vẻ gật đầu. - Em đi nghe anh. Mai, anh còn ở đây không? Em mang cơm tới cho anh và Thiếu tá ăn luôn. Phượng kêu khẽ. - Em cứ lo cho em đi. Ngày mai, làm sao biết anh sẽ ở đâu? Tiểu đoàn sau đêm đó, di chuyển về sân vận động. Hai ngày sau, gắn huy chương, nhận lênh ra phi trường Holloway để đi hành quân vùng khác. Tôi chỉ gặp Phượng vài lần, mỗi lần chừng một giờ. Phượng ở nhà bạn tôi. Khi tới thăm, tôi chở theo hai thùng cơm sấy, một thùng thịt và cá hộp, chục hộp sữa và mấy ký đường. Tôi ngạc nhiên, Phượng, Kim, Thanh, ba cô làm ở Phượng Hoàng cùng ở chung. Phượng ríu rít, - Kim ơi! Anh Lương tới, mang nhiều đồ ăn cho mình nữa. Kim đang nấu cơm, Thanh và Phượng lau nhà. Kim mừng: - Anh ăn cơm với tụi em luôn. Hôm qua, con Phượng ra phố, gặp hai đứa em, rủ về ở chung. Nó nói nhà bạn anh. Tụi em nói chuyện về anh cả ngày. Tính ngày mai, mang quà bánh đi tìm tiểu đoàn anh. Phượng nhìn tôi, cảm động, cứ xớ rớ. Tôi biết nếu không có hai cô bạn, Phượng sẽ không cho tôi đi, ngồi nói chuyện cả giờ. Giòng đời đẩy đưa, tôi phải theo tiểu đoàn. Hơn nửa tháng sau, tôi nhận thư Phượng khi đang hành quân Dalat. Thư dài. Thư như gói trọn cả chuỗi ngày Phượng và tôi biết nhau, gần và xa, đậm đà nhưng luôn cách trở. _________________ -------------------- Mmm |
|
|
Nov 30 2008, 02:11 PM
Post
#22
|
|
Bảo vệ Tổ Quốc Group: Trang Chủ Posts: 11,665 Joined: 7-April 08 Member No.: 6 Country |
Người Về Từ Cõi Chết NGÔ TRÚC KHÁNH Ngô Trúc Khánh sinh tại Chợ Lầu, Hòa Ða, Bình Thuận. Cựu học sinh Trung Học Phan Bội Châu, Phan Thiết 1958-1965. Trước khi vào lính, là công chức Bộ Thông Tin-Chiêu Hồi (Sài Gòn). Tốt nghiệp Khóa 7/1968 tại Trường Bộ Binh Thủ Ðức. - Từ 1969 tới 1971, Ðại Ðội Phó/ÐÐ 238 ÐPQ thuộc Chi Khu Hòa Ða(Bình Thuận). - 1972 Biệt phái ngoại ngạch Cảnh Sát Quốc Gia : Trung Uý Trưởng Cuộc Hòa An và Lại An (Thiện Giáo-BT). - 1973 Trưởng Cuộc Cảnh Sát, Thị Xã Hậu Bổn (Phú Bổn) ố Sĩ quan Hành Chánh , Phụ Tá Biện Lý Tòa Hòa Giải Pleiku. - 1974 tới tháng 2/1975 : Phụ Tá Trưởng phòng Hành Quân/BCH/CSQG/Phú Bổn. Ngày 10-3-1975 thủ phủ của cao nguyên Trung Phần là thành phố Ban Mê Thuộc thất thủ. Pleiku tổng hành dinh của Bộ Tư Lệnh Quân Khu /Quân Ðoàn II Chiến Thuật coi như bị cô lập và vây hảm vì hai quốc lộ chính 14 và 19 đã bị cộng sản Băc Việt cắt đứt và bịt kín nhiều đoạn. Mặc dù ở đây có rất nhiều đơn vi chiến đấu thiện chiến nhất là Biệt Ðộng Quân nhưng giờ chót cũng được lệnh di tản chiến thuật về duyên hải, nói là để bảo tồn lực lượng cố thủ các tỉnh còn lại của quân đoàn. Ngày 17-3-1975, bắt đầu cuộc triệt thoái của Quân Ðoàn II tại Pleiku, chặng đầu tới Phú Bổn tình hình tốt đẹp, mọi liên lạc, từ đoàn xe về Nha Trang, qua hệ thống siêu tầng số, liên tục và rõ ràng. Liên Ðoàn 6 Công Binh và những Ðơn Vị BÐQ mở đường, nhiều Liên Ðoàn BÐQ khác + Lử Ðoàn 2 Thiết Giáp đoạn hậu. Cảnh tượng xô bồ chưa từng có khi đoàn xe bắt đầu chuyển bánh . Nguyên do là hầu như ai kể cả cây cột đèn ở đây cũng đều muốn chạy khỏi vùng đất chết sắp xãy ra. Vì vậy nên mọi kế hoạch của cuộc hành quân di tản gần như đảo lộn với sự có mặt của hàng vạn đồng bào chạy loạn bằng đủ thứ phương tiện từ xe gắn máy, xe thồ, xe ngựa, xe kéo tới xe ô tô các loại. Cứ thế dân theo lính nối đuôi nhau không làm sao mà đếm nổi số lượng kéo dài hằng hằng cây số. Hởi ôi chiến tranh là chết chóc đau khổ thế nhưng cộng sản VN vì chủ nghĩa đế quốc và lợi lộc nên lúc nào cũng gây ra chiến tranh. Ðồng bào vô tội qua thời gian của cuộc chiến quá sợ cộng sản phi nhân bạo tàn nên biết đi là chết nhưng vẫn cứ chạy theo QLVNCH để xa lánh quỷ dử Việt Cộng. Những trang lịch sử cận đại của nước nhà ngày nay đã ghi rõ ràng từng đoạn đường thảm tuyệt của người dân chiến nạn từ Tết Mậu Thân 1968, Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972 và tàn khốc dã man có một không hai, đó là cuộc thảm sát của cộng sản Bắc Việt nhắm vào dân thường trên liên tỉnh lộ 7. Ðó là mồ chôn nhiền chục ngàn xác đồng bào và trẻ thơ vô tội, xóa sổ cả một đoàn quân cùng chiến cụ của cao nguyên lừng danh, từng làm cho giặc xiêu hồn bạt vía, kéo theo sự sụp đổ của đất nước vào cuối tháng 4-1975. Lúc 18 giờ 15 ‘ cùng ngày, đoàn xe tới Phú Bổn, ban đêm lính Thượng nổi loạn, đốt nhà, cướp của, đồng lúc VC pháo kích dồn dập vào Thị Xã Cheo Reo, khiến cho thành phố nhỏ bé của miền núi, như đắm chìm trong biển lửa và hổn loạn. Vì vậy mọi đơn vị của Tiểu Khu, cũng tự động di tản theo Quân Ðoàn. Phòng Hành Chánh của Cảnh Sát Phú Bổn lúc đó, gồm ba sĩ quan (1 Ðại Úy + 2 Trung Úy ) với gia đình tôi (vợ + ba con nhỏ), tổng cộng 7 người, chất trên 1 xe Jeep. Riêng tôi đi bằng chiếc xe Honda Dame, chạy trước dẫn đường về được Chi Khu Phú Túc, sau hai ngày đêm may mắn, thoát khỏi đạn pháo của Cộng Sản và các nút chặn của Thượng Cộng Thượng Fulro, trên Tỉnh Lộ 7. Lúc này, một số du kích VC đã dùng súng cối, pháo vào đoàn xe với mục đích làm trì trệ cuộc di chuyển, chờ quân chính qui của Sư Ðoàn 320, từ Ban Me Thuột, kéo tới với nhiều đại bác 122 ly của SD23BB bỏ lại. Bấy giờ , Tư lệnh QÐ2 là Tướng Phạm Văn Phú, đang bay trên C-47, ra lệnh cho Tướng Trần văn Cẩm, điều động LÐ7BÐQ và Lữ Ðoàn 2 Thiêt Giáp, phối hợp bảo vệ đoàn xe. Các đơn vị trưởng có trách nhiệm trong cuộc di tản trên, ngoài Tướng Phú (Tư Lệnh), Tướng Cẩm (Tư Lệnh Phó), còn có Ðại Tá Lý (TMT/QÐ2), Tướng Tất (CHT/BDQ/V2), Ðại Tá Ðồng (CHT/TG) và Các Liên Ðoàn Trưởng BÐQ. Rút sau cùng là LÐ4 và 25 BÐQ, vì kẹt ở Thanh An (Pleiku). Trong lúc mọi việc tưởng đâu tốt đẹp, thì xui xẻo lại tơi, khi Không Quân bỏ bom lầm, làm cháy 2 Thiết Vận Xa M113, khiến một số Binh sĩ TG và BDQ thương vong. Chết chóc, khổ đau.. bắt đầu từ giây phút đó. Hổn loạn bắt đầu từ 15 giờ ngày 18-3-1975. Theo nhận xét chung của mọi người, nếu người chỉ huy lúc đó là Cố Ðại Tướng Ðổ Cao Trí, tướng Trương Quang Ân hay Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn. thì họ sẽ nhảy ngay vào Mặt Trận, để trực tiếp chỉ huy , nên chăc chắn sẽ không có cảnh ‘ mạnh ai náy làm, coi mệnh lệnh của thượng cấp, kể cả chỉ thị của TT Thiệu, Bộ TTM/QLVNCH như cỏ rác ‘.Nhưng tướng Phú đã không bao giờ làm vậy thay vì bay trực thăng xuống thẳng Phú Bổn, để trực tiếp chỉ huy đoàn quân di tản, lúc đó như rắn không đầu vì chẳng ai phục ai, mà chỉ ngồi chờ tại Bộ Tư Lệnh QÐ2 ở Nha Trang, để chực đón phái đoàn cao cấp từ Sài Gòn của Thủ tướng Khiêm tới ban lệnh miệng. Trong khi đó tin tức dồn dập từ mặt trận báo về, Trung Ðoàn 9/SÐ968 của Cộng Sản Bắc Việt + nhiều Tiểu đoàn Du kích Thượng Cộng, đã lập xong một phòng tuyến dài trên tỉnh lộ, để chờ chận đánh đoàn xe, trong đó có rất nhiều đồng bào tháp tùng chạy loạn lánh nạn. Lúc 1 giờ 15 sáng ngày 19-3-1975, Tướng Tất báo cáo từ dưới đất về Nha Trang : Quận Phú Túc bị pháo nặng và tràn ngập nhưng LÐ7 BÐQ và Thiết Giáp đã tới giải vây. Trận chiến thật ác liệt, cuối cùng LÐ7 BÐQ cũng đã tái chiếm lại được quận, mặc dù chung quanh VC vẫn còn bám trụ, đóng chốt, pháo kích pha nátÔ đoàn xe. Cùng lúc, hai Tiểu đoàn K9, K13 của VC Phú Yên, đã đóng chốt từ Hiếu Xương lên tới quận Sơn Hòa. Tuy đoạn đường này, chỉ dài 25 cây số nhưng lại là đoạn đường máu lệ, chẳng khác nào chốn quỷ môn quan, đã tàn sát không biết bao nhiêu mạng lính và dân, trong đoàn người di tản phải vượt qua, trước khi tới được Tuy Hòa. Tại Phú Túc, tôi và các bạn đi chung với vợ con trên chiếc xe Jeep, đã bị thất lạc, trong chốn loạn quân, cho tơi ngày thứ 4 (21-3), mới gặp lại bên bờ này sông Ba. Từ đó, mọi người chia tay vì chiếc xe Jeep phải bỏ lại. Riêng gia đình tôi, còn phải chịu thêm 8 ngày nữa, trong địa ngục trần gian, để vượt qua đoạn đường tử thần này, dưới đất có hàng trăm ngàn quả mìn gài sẳn, của cả VC và Ðại Hàn từ bao năm trước. Còn trên đầu thì đầy trời Rocket và bom lửa của Không Quân + hàng trăm chốt của giặc, luôn nả đạn pháo vào đoàn người, bất kể quân, dân, người lớn hay trẻ con, khi chạy ngang tầm súng. Ðoàn xe ứ đọng kéo dài và ngừng hẳn vì giòng sông Ba chắn ngang trước mặt. Ðâu đâu cũng vang dậy tiếng khóc của đồng bào di tản từ trẻ sơ sinh thiếu sửa cho tới những nạn nhân đang quằn quại vì bom đạn và sự cướp bóc diễn ra. Tội nghiệp nhất là các đơn vị QLVNCH vừa phải mở đường, chiến đấu và thêm trọng trách đùm bọc đồng bào đang cùng với lính trong cơn chiến nạn. Ai cướp của dân, ai giết dân để mà cướp của thì ngày lịchsử cũng đã ghi lại rõ ràng qua miệng đời của chính những nhân chứng còn sống sót. Tuy vậy lịch sử cũng không thể nào bỏ sót công trạng thật là vĩ đại của những người lính Công Binh Chiến Ðấu của QLVNCH. Không có họ can đãm đầu đội bom dạn, mệt nhọc hy sinh tánh mạng , hiên ngang trầm mình dưới giòng nước lủ sông Ba để hoàn thành cho được một cây cầu nổi bằng vỹ sắt nối hai bờ sông, giúp đoàn xe tiếp tục về Tuy Hòa, tránh một cuộc thảm sát khi bộ đội Bắc Việt đang trên đường truy đuổi sắp bắt kịp. Hởi ôi đời là vậy đó vì ngày trước hay bây giờ vẫn còn một số người đâu có bao giờ nghĩ tới sự hy sinh vô bờ bến của những người lính VNCH. Họ chiến đấu vì ai mà phải hy sinh xác thân nơi sa trường, lại phải chịu đói khát cực khổ như đơn vị Công Binh đang thi hành nhiệm vụ tại Sông Ba. Toán này lo đón nhận những chiếc vỷ được thả xuống từ trực thăng trong khi toán khác tiếp ngay để ráp lại thành một chiếc cầu dã chiến. Phía dưới nước chảy thật xiết, mặc kệ hai chiếc xe ủi vẫn liên tục làm việc ủi đất và đá lấp kín một khoảng sông và thả vỷ sắt trên đó. Có một cảnh tượng mà tới bây giờ chắc những người có mặt bên bờ sông Ba sẽ không bao giờ quên được. Ðó là chuyện đàn bò gần 200 con của đồng bào quận Cũng Sơn được dẫn theo với chủ tị nạn. Nhưng khi chúng vừa lội qua tới bờ bên kia thì bị đơn vị Việt Cộng đang chốt sã súng đủ loại kể cả lựu đạn giết không chừa một con. Tội nghiệp thịt xương của những con vật vô tội văng tứ phía còn nước sông thì nhuộm đỏ máu bò. Một vài con may mắn dù bị thương vẫn cố lết lên bờ và lũi vào rừng núi biệt dạng. Cảnh tượng trên làm cho mọi người thêm khiếp đãm, thêm vào đó là sự chen lấn leo bừa lên trực thăng gây nên cảnh chết tan xương nát thịt khiến cho ai nhìn thấy cũng phải đau lòng. Suốt thời gian này, ai cũng vậy chẳng riêng gì gia đình tôi, đói thì lượm đọt rau và củ sắn dại trong rừng để an, còn khát thì uống nước vũng bùn, lợn cợn đầy máu, mỡ của xác người. Riêng đạn bom, mìn bẩy thì đành giao cho số mệnh . Cuối cùng nhờ Trời Phật và Tổ Tiên hộ trì, Tôi cùng Vợ và ba con nhỏ, sau 12 ngày đêm đói khát, lặn lội trong địa ngục bom đạn máu lửa, cũng về được Tuy Hòa ngày 25-3-1975 rồi Khánh Hòa. Tại Nha Trang, Ðài truyền hình liên tiếp tường thuật lại cuộc di tản của QÐ2 trên Liên Tỉnh Lộ 7, mở đầu là Những Thiết Vận Xa M113 của Lử Ðoàn 2 Thiết Giáp, kế tới là hình ảnh của một sĩ quan trẻ tuổi, râu tóc dựng ngược, mặt mày hốc hác, quần áo rách nát tả tơi, chỉ còn nguyên vẹn 1 đôi giầy lính, tấm bản đồ hành quân và khảu P.38 ngắn nòng. Dân chúng tại Nha Trang đã túa ra hai bên đường, để đón mừng, tiếp tế cho đoàn người về từ cỏi chết, mà người dẫn đầu, chính là Trung Úy Ngô Trúc Khánh, chỉ có chiếc xe Honda Dame, đã mang được vợ và ba con về từ địa ngục có thật. Sau ngày CSQT cưởng chiếm được toàn Miền Nam VN, như hằng triệu quân công cán cảnh của VNCH, Trung Uý Khánh lần lượt trải qua nhiều địa ngục trần gian, từ Kà Tót, Tổng Trại 8 Sông Mao, Lương Sơn, Tà Dôn, Long Hoa tới trại A.30 Tuy Hòa, Tổng cộng hơn 7 năm tù khổ sai. Ðược tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ ngày 26-4-1992, qua diện HO 11, cùng vợ với 2 con. Cuối cùng ngày 28-3-2006, sau 14 năm chờ đợi, đứa con trai lớn mới tới Mỹ để đoàn tụ cả gia đình. Ðời trai kiếp lính thời loạn là vậy đó, bi thảm, cùng tận.. thế nhưng tới nay có được mấy người cảm thông thương tiếc ? Tóm lại cuộc di tản của QD2 coi như hoàn toàn thất bại, không phải vì người lính không chịu chiến đấu hay không đủ vũ khí đạn dược, để chống chọi với kẻ thù, mà do một hệ thống chỉ huy tồi tệ, từ Bộ TTM/QLVNCH cho tới BTL/QÐ2, toàn những kẻ sợ chết, ganh tị, vô kỷ luật, chỉ biết chia phe kết đảng, mới đưa đến cái thảm họa mất nước vào tay đảng CSQT, đẩy dân lính vào con đường chết. Cũng may trong đoàn di tản, còn có được những Liên Ðoàn BÐQ thiện chiến, Các đơn vị Thiết Giáp, Công Binh, những đơn vị Lôi Hổ, Biệt Kích.. chịu hy sinh, nên mới đem được hơn 2000 xe đủ loại và mấy chục ngàn người từ các tỉnh Cao nguyên Kon Tum, Pleiku, Phú Bổn về được Phú Yên. Kết quả 70% chiến xa M48,41 bị hũy diệt, 100% Pháo binh tan hàng. Có hơn mấy chục ngàn đồng bào, đa số là trẻ thơ, đàn bà bị thảm sát, 20.000 chiến sĩ thuộc QD2, gồm BÐQ, Lử Ðoàn 2 Thiết Kỹ, Liên Ðoàn 6 Công Binh Chiến Ðấu. Pháo Binh, Lực lương Thám Sát, Biệt Kích, Lôi Hổ.. tán mạng.. Ðau đớn như vậy, thế nhưng suốt 13 ngày đoàn quân di tản, cho tới lúc số sống sót về được Tuy Hòa, Nha Trang. Trong lúc đó, các tướng lãnh Cao Văn Viên (TTMT), Lê Nguyên Khang và Ðồng văn Khuyên được coi là ba tướng lãnh có quyền uy cao nhất lúc đó, cũng không hề rời Sài Gòn, đi máy bay ra Tuy Hòa hay Nha Trang.. thăm viếng, ủy lạo các nạn nhân mới từ địa ngục về. Ðó là sự thật của lịch sử. Trong nổi buôn ly xứ dường như trong tôi luôn ‘ Còn Một Chút Gì Ðể Nhớ ‘ như nhà thơ Vũ Hữu Ðịnh đã nhớ về Pleiku thời binh lửa năm nào : ‘ phố núi cao phố núi đầy sương phố núi cây xanh trới thấp thật buồn anh khách lạ đi lên đi xuống may mà có em đời còn dễ thương .’ California tháng 8-2008 NGÔ TRÚC KHÁNH -------------------- Mmm |
|
|
Dec 11 2008, 01:50 PM
Post
#23
|
|
Bảo vệ Tổ Quốc Group: Trang Chủ Posts: 11,665 Joined: 7-April 08 Member No.: 6 Country |
Cao Nguyên: Sương Mù hay Khói Súng Ngày 15 tháng giêng năm 1972, tại bãi đáp trực thăng Ba Gi cách thị xã Qui Nhơn 12 cây số về hướng Tây Bắc, Tư Lệnh Quân Đoàn II/Quân Khu II, Trung Tướng Ngô Dzu trả lời cuộc phỏng vấn của báo chí trong và ngoài nước một cách khẳng định là Cộng quân sẽ đánh lớn tại Quân Khu II. Tướng Ngô Dzu cũng cho biết, hiện nay Trung Đoàn 21 thuộc Sư Đoàn 2 Sao Vàng của Bắc Việt đang thiết lập các căn cứ trong vùng thung lũng An Lão, nằm về phía Bắc của Qui Nhơn. Và cũng theo tin tình báo mới đây thì Bộ Chỉ Huy Quân Khu 5 của Cộng quân được ghi nhận đã xuất hiện trong quận Hoài An, tỉnh Bình Định, làm cho tình hình của vùng này trở nên nghiêm trọng. Trung Tướng Ngô Dzu còn cho biết thêm, quân số của Cộng quân xâm nhập vào Quân Khu II đã lên đến 60 ngàn người, ông cũng tiên đoán chừng một tháng nữa, địch quân sẽ di chuyển các cơ sở đến vùng Tam Biên, sẽ dùng chiến thuật "công đồn đả viện" để đánh Cao Nguyên và biến Kontum thành một Điện Biên Phủ. Một cố vấn dân sự cao cấp Mỹ của Quân Khu II, ông John Paul Vann tin rằng Cộng quân sẵn sàng hy sinh 10 ngàn quân để chiếm cho được vùng Cao Nguyên. Cuộc chiến sẽ trải rộng từ thành phố Kontum đến Pleiku và Bình Định. Ông cũng tiên đoán là chiến xa của Cộng quân sẽ tấn công vào Benhet và Tân Cảnh đầu tiên. Cùng lúc với Tướng Trần Nam Trung của Bắc Việt đọc nhật lệnh kêu gọi Cộng quân đánh lớn, đánh mạnh khắp nơi, thì báo Washington Star của Mỹ, số ra ngày 10 tháng 4 năm 1972 loan tin sư đoàn cuối cùng của Bắc Việt đã lên đường tiến vào miền Nam để tăng cường cho 120 ngàn Cộng quân đang rải dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh. Những tin tức chiến sự như vậy là một hứa hẹn những tháng ngày đầy máu và nước mắt cho cuộc sống đang yên vui bình lặng của người dân miền Nam. Rồi những gì mọi người chờ đợi cũng sẽ đến. Mùa xuân đến và mùa xuân đã qua. Khi những tia nắng của một sớm mai hè vừa đủ ấm để ửng hồng đôi má của người con gái Cao Nguyên thì tiếng súng bắt đầu nổ. Theo tài liệu bắt được trong mình của một Chuẩn Úy Việt Cộng tên Khổng Thanh Hiền thì lệnh tấn công tại mặt trận Tam Biên được ấn định vào ngày 13 tháng 3 năm 1972. Đó cũng là ngày mà lực lượng Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đụng độ ác liệt với các đơn vị của Sư Đoàn Thép 320 Cộng quân chung quanh Căn Cứ Hỏa Lực 5. Sư Đoàn Thép là sư đoàn đã từng chiến thắng tại Điện Biên Phủ trước đây và hiện là một trong những đơn vị nòng cốt của Bắc Việt. Lần ra quân này, chỉ sau 3 ngày đụng trận với một vài đơn vị của Lữ Đoàn 2 Dù, Sư Đoàn Thép đã phải để lại nhiều tổn thất. Một trong những xác Cộng quân bỏ lại chiến trường, có xác của Chuẩn Úy Khổng Thanh Hiền thuộc Tiểu Đoàn Phòng Không của Trung Đoàn 64, Sư Đoàn 320. Những tài liệu tịch thu được trên mình của sĩ quan này là do Tướng Phạm Ngọc Mậu ký ngày 20 tháng 10 năm 1971. Các nguồn tin tình báo của Quân Khu II cho rằng Tướng Phạm Ngọc Mậu đã thay thế Tướng Hoàng Minh Thảo, chỉ huy mặt trận Cao Nguyên Trung Phần mà Hà Nội gọi là Mặt Trận B3. Đúng như sự dự đoán của những giới chức thẩm quyền của Quân Khu II, Tân Cảnh là nơi đầu tiên mà chiến trận bùng nổ. Cuộc chiến diễn ra khốc liệt không thua gì cuộc chiến tại vùng Trị Thiên, chỉ khác nhau về mặt địa thế: một bên là đồng bằng, một bên là rừng núi, và điều này ảnh hưởng phần nào đến sự yểm trợ của chiến xa và không lực. Vào lúc 6 giờ 30 chiều ngày 23 tháng 4 năm 1972, Công Trường 2 Cộng quân được yểm trợ bởi nhiều chiến xa T-54 đã ào ạt tấn công vào căn cứ hỏa lực Tân Cảnh, nơi trú đóng của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Sư Đoàn 22 Bộ Binh do Đại Tá Lê Đức Đạt làm tư lệnh, và đây cũng là bản doanh của Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 42 Bộ Binh do Trung Tá Nguyễn Thông làm Trung Đoàn Trưởng. Thoạt tiên Cộng quân dội xuống Tân Cảnh cả ngàn quả đạn đại bác 82 ly và hỏa tiễn 122 lỵ Trận mưa pháo kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ. Lúc 22 giờ 30 phút cùng ngày, Trung Tâm Hành Quân của căn cứ Tân Cảnh bị hư hại hoàn toàn vì một hỏa tiễn điều khiển chống chiến xa của Cộng quân chui ngay vào cửa hầm. Hầu hết những người trong Bộ Tham Mưu của Đại Tá Đạt và trong Ban Chỉ Huy của Trung Tá Thông đều bị thương. Chỉ có Đại Tá Đạt và Trung Tá Thông là thoát nạn vì đã rời hầm chỉ huy trước đó để đi đôn đốc binh sĩ của mình. Trung Tâm Hành Quân phải dời qua một hầm kế bên. Đến 23 giờ, cánh quân tiền phương của Cộng quân được phát hiện cách quận Dakto chừng một cây số về hướng Tây với sự yểm trợ của 3 xe tăng T-54. Lập tức phi cơ AC-130 cất cánh từ phi trường Nha Trang bay đến oanh kích và bắn cháy ngay 3 chiến xa này khi còn cách Dakto chừng 500 mét, nhưng không ngăn được bước tiến của toán tiền phương địch. Đúng nửa đêm, Cộng quân ào ạt tấn công tiền đồn Tân Cảnh. Sau khi đạo quân tiền phương với quân số chừng một trung đoàn tấn công vào Tân Cảnh, một trung đoàn Cộng quân thứ hai xuất hiện cách Tân Cảnh 3 cây số về hướng Tây Bắc, kéo ra Quốc Lộ 14 và cắt đoạn đường Dakto-Tân Cảnh ra làm bốn đoạn, khiến cho sự liên lạc giữa hai nơi chỉ còn qua máy vô tuyến mà thôị Ngay sau khi phát giác sự xuất hiện của cánh quân thứ hai này, mặc dầu thời tiết được loan báo là xấu, các toán A-1 Skyraider thuộc Phi Đoàn 530 của Không Đoàn 72 Chiến Thuật và các khu trục A-37 của Không Đoàn 62 Chiến Thuật biệt phái cho Pleiku đã nhất loạt cất cánh từ phi trường Cù Hanh để bay lên oanh kích cánh quân này. Khoảng 2 giờ 30 sáng, vừa pháo kích vừa xung phong, hai trung đoàn Cộng quân cố gắng tràn ngập căn cứ Tân Cảnh, nhưng gặp phải sự kháng cự quá ư mãnh liệt của các chiến sĩ Trung Đoàn 42, nên trận chiến kéo dài cho đến lúc trời sáng, Tân Cảnh vẫn còn đứng vững. Trời vừa sáng thì thời tiết trở thành bất lợi cho những người đang tử thủ trong Tân Cảnh. Sương mù xuống thấp làm cho Không Quân bị bó tay, không thể yểm trợ được. Vào lúc 7 giờ sáng ngày 24 tháng 3, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II hoàn toàn mất liên lạc vô tuyến với căn cứ hỏa lực Tân Cảnh. Cả Bộ Tham Mưu của Tướng Ngô Dzu như ngồi trên lửa. Không ai dám mở lời tiên đoán số phận của Tân Cảnh như thế nào. Đích thân Tướng Dzu gọi cho các đơn vị yểm trợ như Không Quân, Thiết Giáp, Pháo Binh... để hỏi, không ai biết số phận của Tân Cảnh bây giờ ra sao. Cho đến 10 giờ sáng, một sĩ quan Truyền Tin la lên, "Liên lạc được rồi." Tướng Dzu chụp lấy máy hỏi dồn. Đại Tá Đạt báo cáo đã đẩy lui được địch quân. Mọi người trong Trung Tâm Hành Quân đều thở phào và nét mặt người nào cũng lộ vẻ phấn khởi. Cũng vào lúc này, thời tiết đã trở nên quang đãng hơn, các phi cơ chiến đấu của Không Đoàn 72 Chiến Thuật bắt đầu cất cánh và mấy chiếc trực thăng tiếp tế đạn dược đã lọt được màn lưới lửa phòng không của địch, đáp an toàn xuống căn cứ Tân Cảnh. Mặc dù vẫn còn đứng vững trước đợt tấn công thứ nhất, nhưng với sự tăng cường thêm một sư đoàn thứ hai của địch quân từ căn cứ hậu cần 609 nằm bên kia biên giới (ở bên Lào) tiến qua, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II đã cho căn cứ Tân Cảnh và một số các căn cứ hỏa lực khác dọc theo dòng sông Poko ở phía Tây Quốc Lộ 14 di tản chiến thuật, rút về lập một phòng tuyến mới ở ngang căn cứ Bravo, cách Kontum 20 cây số về phía Bắc. Cùng với kế hoạch di tản chiến thuật một số các căn cứ hỏa lực ở mạn Bắc thành phố Kontum, Tướng Ngô Dzu đã thành lập một ủy ban có tên là Ủy Ban Di Tản Đồng Bào Kontum và Pleiku. Ủy ban này do Đại Tá Hồ Hồng Nam, Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị của Quân Đoàn II làm chủ tịch. Phương tiện di tản sẽ bằng máy bay C-130 của Hoa Kỳ và C-123 của Việt Nam Cộng Hoà. Một nguồn tin cho biết bệnh tim của Tướng Ngô Dzu bị tái phát, nhưng ông bất chấp, dồn nỗ lực vào hai việc là di tản đồng bào ra khỏi vùng lửa đạn và tái chiếm các căn cứ mà quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã di tản chiến thuật trong những ngày vừa qua. Người dân của hai thành phố Pleiku và Kontum đã sống trong lo sợ phập phồng từ những ngày trước Tết Nguyên Đán vì những tin tức chiến sự ngày càng nặng nề. Cơn ác mộng đó cứ chập chờn trong mọi sinh hoạt của người dân Tây Nguyên cho đến hôm nay, chiến trận đã thực sự bùng nổ. Tôi đến Pleiku trong những ngày thành phố này đang di tản. Thành phố có lệnh giới nghiêm lúc 7 giờ tối, nhưng mới 5 giờ chiều trên các đường phố đã không thấy bóng dáng một người dân. Chỉ có những chiếc xe nhà binh chạy hết tốc lực. Những người ngồi trên xe, ai cũng mặc áo giáp, đội nón sắt cẩn thận. Trong thành phố, nhà nào cũng làm hầm nấp pháo kích. Đa số đều làm hầm nổi. Gia đình của các quân nhân, công chức được lệnh di tản khỏi Pleiku để cho người chiến sĩ rảnh tay chiến đấu. Các công chức chuẩn bị nhận súng khi có lệnh. Vẻ kinh hoàng hiện trên nét mặt mọi người. Nỗi lo âu chồng chất bởi nhiều vấn đề. Di tản: đến đâu, ăn đâu, ở đâu?. Nhà cửa, tài sản để lại, ai trông coỉ Lâu mau mới về? Bà vợ của một giáo sư buồn rầu tâm sự với tôi: - Tôi bụng mang dạ chửa. Cả tuần lễ nay tôi lo quá, chẳng ăn uống gì được. Nhà nào cũng làm hầm, nhưng ăn thua gì cô. Chồng tôi nhất định ở lại đây. Tôi và các cháu tính về Saigon, nhưng giá máy bay đắt quá, cả gia đình phải mấy chục ngàn tiền vé, tiền đâu mà đi! Giá vé máy bay Pleiku-Sài Gòn ngày thường là 3,800 đồng. Nhưng lúc này giá chợ đen khoảng 10 ngàn một vé. Nếu muốn mua giá chính thức thì phải chờ hơn nửa tháng. Súng đạn đã nổ sát một bên rồi, có ai kiên nhẫn chờ hơn nửa tháng nữa mới rời thành phố? Một khu chợ trời thành hình dọc theo đường Hoàng Diệụ Đồ đạc bán rất nhiều và rất rẻ. Người bán nhiều hơn người mua. Những nhu yếu phẩm như gạo, nước mắm, dầu hôi... giá tăng lên vùn vụt. Những người nghèo dành dụm được ít vàng phải đem bán để lấy tiền di chuyển. Vàng xuống giá rất nhanh. Các tiệm vàng đều bán ra mà không mua vào. Vàng y giá 20 ngàn đồng một lượng, trong khi gạo 20 ngàn một tạ. Ai cũng cố bán ti vi, tủ lạnh, radio... để bọc tiền mà chạy. Nhưng ai dám bỏ tiền ra mua mấy thứ đó lúc nàỵ Có người treo bảng bán cả nhà, bán thật rẻ mà đã 3 tuần nay không có một người nào hỏi đến. Lệnh di tản được ban ra. Dân Kontum di tản về Pleiku. Các trường học ở Pleiku được trưng dụng để làm trại tiếp cư. Trong khi đó, gia đình quân nhân, công chức ở Pleiku lại di tản đi nơi khác. Tôi nêu lên sự thắc mắc này, một giới chức thẩm quyền ở Pleiku giải thích: dân Kontum tạm thời di tản về đây để chờ lập cầu không vận chuyển đi các nơi khác như Nha Trang, Saigon... Hôm qua, ngày 27 tháng 4, quân đội Việt Nam Cộng Hòa tiếp tế từ Qui Nhơn lên Pleiku 400 tấn gạo. Người dân Pleiku mỗi ngày tiêu thụ 30 ngàn tấn. Tỉnh Pleiku chưa có kế hoạch nào về việc phân phối số gạo nói trên. Cho tới hôm nay, kho gạo an toàn của Pleiku chưa hề đụng tới. Kho gạo này có thể nuôi toàn thể dân Pleiku trong vòng một tháng. Gạo và những nhu yếu phẩm khác vẫn tăng giá vùn vụt. Mua được một ký gạo là một chuyện rất khó khăn, vì trong hoàn cảnh này, có tiền chưa chắc đã mua được. Tất cả tiệm ăn trong thành phố đều đóng cửa. Khoảng 50 phóng viên Việt Nam và ngoại quốc đang có mặt ở đây phải ăn hủ tiếu hoặc phở thay cơm và bánh mì. Những gia đình giàu có vội vàng ra đị Những người khác lần lượt tiếp nối. Và thành phố Pleiku ngày càng hoang vắng. Sau khi bắt lại liên lạc vô tuyến với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, suốt ngày hôm đó tại căn cứ Tân Cảnh, các chiến sĩ của Trung Đoàn 42 Bộ Binh đã anh dũng đẩy lui nhiều đợt xung phong mãnh liệt của Cộng quân có quân số đông gấp ba lần và được yểm trợ bởi 60 chiến xa T-54 cùng với một trung đoàn pháo. Cuộc chiến đấu hào hùng này đã kéo dài suốt 24 tiếng đồng hồ không ngừng một giây phút. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II theo dõi những diễn tiến tại Tân Cảnh cho đến 19 giờ 45 phút ngày 24 tháng 4 thì một lần nữa mất liên lạc với căn cứ này. Và theo tin của một số binh sĩ và đồng bào vừa thoát khỏi quận Dakto thì Cộng quân đã tràn vào căn cứ Tân Cảnh vào lúc tối ngày 24. Trong lúc đó, tại quận Dakto, Trung Tá Lò Văn Bảo chỉ huy lực lượng Địa Phương Quân vẫn tiếp tục kháng cự với Cộng quân, mặc dù đã có lệnh di tản chiến thuật khỏi nơi này. Trung Tá Bảo gốc người Thái vùng Bắc Việt, ông gọi máy vô tuyến về Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu nói rằng ông sẽ quyết chiến với địch quân, chết chứ không lùi bước. Rồi sau đó cũng như Đại Tá Đạt, người ta không biết số phận của Trung Tá Bảo như thế nào vì mọi liên lạc đều bị gián đoạn. Chờ hai ngày ở phi trường Pleiku dưới trời nắng cháy và cát bụi, đến ngày thứ ba tôi mới được theo máy bay quan sát lên Kontum. Máy bay bay giữa những cụm mây trắng, bên dưới là núi rừng trùng trùng điệp điệp. Pleiku cách Kontum chừng 45 cây số đường bộ. Sau khi Tân Cảnh và Dakto di tản chiến thuật, thành phố Kontum ngày càng chịu áp lực nặng nề của Cộng quân. Con đường duy nhất nối liền Kontum và Pleiku đã bị cắt đứt. Phi trường Kontum bị pháo kích vào mỗi ngàỵ Phương tiện còn lại duy nhất là máy bay quân sự. Hôm trước đến Phòng Báo Chí của Quân Đoàn để xin phương tiện, gặp mấy người từ Kontum về, một anh nói với tôi: - Cô nên mặc áo giáp, đội nón sắt vì trên Kontum Việt Cộng pháo kích dữ lắm, pháo như mưa. Xuống máy bay là phải chạy tìm chỗ nấp liền. Nên kiếm cái ba lô để mang theo thức ăn. Các tiệm ăn trên Kontum đều đóng cửa hết. Tôi nghĩ chết sống có số. Với tôi, nhiều khi mang áo giáp, đội nón sắt rồi nặng quá chạy không nổi thì cũng chết. Ngày đầu chờ máy bay, tôi còn mang theo bánh mì và một bộ quần áo. Nhưng chờ đợi mãi, đến ngày thứ ba, khi leo lên máy bay, tôi chỉ mang cái máy ảnh, ít thuốc cần thiết và băng cá nhân. Người nữ phóng viên chiến trường không cần mang son phấn nên hành trang cũng nhẹ bớt phần nào. Có những đoạn máy bay bay thật thấp. Tiếng người phi công nói qua ống nghe: - Cô nhìn xuống mặt đường, có mấy chiếc xe đò bị Việt Cộng giựt mìn còn xác nằm bên đường đó. Con đường ngoằn ngoèo bên dưới thật vắng, không có bóng một chiếc xe nào đang di chuyển. Thỉnh thoảng thấy một vài chiếc xe hàng bị lật. Trước đây vài ngày, nghe nói có nhiều xe hàng liều mạng chở người tị nạn từ Kontum về Pleiku, giữa đường bị Việt Cộng giựt mìn hoặc từ trên núi bắn B-40 xuống. Máy bay bay ngang một làng nào đó. Khắp làng không thấy bóng dáng một người dân. Tôi hỏi người phi công: - Sao không thấy một người dân nào cả? Đây cách Kontum chừng bao nhiêu cây số và đang ở về hướng nào? Người phi công chấm một dấu đỏ trên bản đồ ghi dấu vị trí hiện tại của máy bay và đưa tấm bản đồ về phía tôi: - Dân đã được di tản rồi. Cô không nhìn thấy những hố bom B-52 dưới kia sao? Còn cách Kontum 20 cây số về hướng Nam. Hai người xạ thủ đại liên nói đùa với tôi: - Nếu thấy Việt Cộng, tụi tôi nhường súng cho cô bắn. Tôi nhìn xuống bên dưới, có 3 chiếc xe mang cờ Công giáo, chiếc đi giữa chở một cái hòm, hình như là một đám tang. Về sau tôi được biết người chết là một thanh niên, một trong những người đang ngồi ở phi trường đợi máy bay để rời Kontum, rồi bị pháo kích mà chết. Hôm đến Phòng Báo Chí của Quân Đoàn II, gặp Đại Úy Vượng, ông khuyên: - Cô lên Kontum thì nên chuẩn bị sẵn cho một cuộc chạy bộ. Hãy mang giày nào cho dễ chạy. Trên đó không có xe cho cô di chuyển. Có mượn được xe cũng không có xăng. Xuống phi trường, cô phải chạy bộ vào thành phố, chỉ chừng 3 cây số thôi. Tại Kontum, bây giờ, một giọt xăng quý như một giọt máu. Vậy là tối hôm đó tôi tìm mua một đôi giày ba ta để chuẩn bị cho một cuộc chạy bộ từ phi trường vào thành phố. Nhưng rồi cũng may, trực thăng hạ cánh cách tòa hành chánh tỉnh chừng một cây số. Thế là tôi chỉ đi bộ vào phố chứ khỏi chạy bộ. Lúc đó Việt Cộng đang pháo vào phi trường. Những đoàn người trên đường ra phi trường phải dừng lạị Một người trong nhóm đó thở dài: - Trời ơi, Việt Cộng pháo vào phi trường mãi. Không biết bà con của mình đợi ở đó có sao không! Tôi đến đây nhằm ngày Chủ Nhật, chỉ có con đường ra phi trường là còn có người di chuyển. Hằng ngàn người, đa số là vợ con của quân nhân và công chức tụ tập trước MACV để xin máy bay di chuyển. Phải có giấy của Đại Tá Tỉnh Trưởng ký trước, rồi đến xin giấy của Đại Tá Mỹ ở MACV. Bao giờ cầm được giấy lên máy bay mới biết chắc mình được đi. Giấy được đi phải là giấy ưu tiên một. Đối với máy bay Mỹ, mọi người giữ được kỷ luật như vậy, còn với máy bay Việt Nam, dân cứ ào lên, ào lên. Không có cách gì để giữ cho được trật tự. Cách đây vài hôm ở phi trường Cù Hanh, hơn 10 ngàn người tràn lên một chiếc máy baỵ An Ninh, Quân Cảnh không thể nào ngăn cản được. Một ông Trung Tá rút súng bắn dọa một phát, viên đạn vô tình lại trúng vào cánh máy bay sao đó mà máy bay không cất cánh được. Và người ta lại kiên nhẫn ăn, ngủ ngay tại phi trường để chờ. Tội nhất là những đứa bé sơ sanh, phải dầm mưa dãi nắng và chịu đói khát, đau ốm đã bao nhiêu lâu rồi. Vấn đề tiếp tế cho Kontum ngày càng trở nên khó khăn, tất cả chỉ còn trông chờ vào các trực thăng Chinook. Những nhu yếu phẩm cần thiết làm sao có đủ cho đồng bào tị nạn chạy về từ Dakto, Tân Cảnh. Tôi đến toà hành chánh tỉnh Kontum vào lúc 10 giờ sáng. Quân nhân, công chức tụ họp từ từng dưới lên cả trên lầu. Họ chia ra từng nhóm, người nào cũng nói về chuyện di tản. Họ đến đây để xin giấy di chuyển cho gia đình. Tôi đang đứng ở cầu thang hỏi thăm mấy người ở đây thì Đại Tá Nguyễn Bá Thìn, Tỉnh Trưởng Kontum đi ra, thấy tôi ông chào hỏi và nói: - Bây giờ tôi đi thăm các trại tạm cư, cô có đi không? Cô nên viết để kêu gọi giúp đở cho hoàn cảnh này. Tôi lên xe của Trung Tá Đổ, Tiểu Khu Phó, hướng về các trại tạm cư. Trường học và các cô nhi viện được trưng dụng để làm trại tiếp cư. Chúng tôi ghé lại một trường học. Trên sân trường, người Thượng nằm, ngồi dưới các gốc cây, họ vừa chạy về từ Dakto, Tân Cảnh. Nét mặt người nào cũng có vẻ ngơ ngác trông thật tội nghiệp. Trong khi Đại Tá Thìn hỏi thăm những cán bộ Bình Định Nông Thôn về vấn đề phân phát gạo cho đồng bào tị nạn, thì tôi đi chụp hình và tìm những người Thượng biết nói tiếng Việt để hỏi thăm. Mấy người này đến từ làng Konkring. Tôi nghe tiếng Đại Tá Thìn hỏi: - Ty Y Tế có rắc thuốc không? Gần 10 năm làm báo, đây là lần đầu tiên tôi thấy một ông Đại Tá Tỉnh Trưởng đi kiểm soát nhà cầu của một trại tị nạn. Vấn đề giữ được vệ sinh ở trại này thật là khó khăn. Cán bộ thì ít, người tị nạn thì đông. Tất cả nhân lực đang dồn vào chiến trận, vào việc di tản dân Kontum đi nơi khác và tiếp cư dân nơi khác về Kontum. Mỗi người được lãnh 500 gram gạo một ngày, nhưng không dám ăn hết, để dành lại một ít phòng hờ ngày mai không được phát gạo nữa. Thời chiến chinh, ai mà biết được những gì sẽ đến trong ngày mai. Vào lúc 16 giờ ngày 29 tháng 4, một phi cơ quan sát trong lúc bay trên không phận Dakto, bỗng nhiên thấy ánh sáng của một tấm kiếng từ dưới đất chiếu lên. Phi công liền xuống thấp để quan sát thì thấy một đám đông đang tụ họp quanh khu chợ. Dakto và ra dấu hiệu cấp cứu. Khi phi cơ xuống thấp hơn nữa, thấy đám đông đó là khoảng 200 binh sĩ của ta. Những người này đang làm dấu hiệu cho phi cơ đáp xuống. Phi công định đáp xuống một bãi trống phía Tây của chợ, nhưng địch biết được ý định đó nên bắn lên máy bay như mưa và đồng thời mở đợt tấn công vào đám binh sĩ của ta đang bị vây. Được tin báo của máy bay quan sát, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II tin rằng nhóm 200 binh sĩ đang bị vây khổn ở chợ Dakto gồm có Bộ Tham Mưu của Đại Tá Đạt và binh sĩ của Trung Đoàn 42 Bộ Binh trên đường di tản khỏi căn cứ Tân Cảnh. Vì vậy, cuộc giải vây cho nhóm 200 người đang cầm cự với địch đã được thực hiện với ưu tiên một. Ngày hôm sau, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II đưa được Đại Tá Lê Đức Đạt, Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh cùng với 200 binh sĩ từ chợ Dakto về căn cứ của Quân Đoàn. Cùng đi với Đại Tá Đạt, có Trung Tá Nghiêm Kế, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 22 Công Binh Chiến Đấu, một đơn vị yểm trợ của Sư Đoàn 22. Ký nhi viện Vincent cũng là một trong những trại tạm cự Chúng tôi đến thăm vào buổi trưa, các dì phước đều mặc áo màu xanh, lúp màu xanh và đang làm việc rất bận rộn. Có mấy dì phước ngồi ghi tên những người mới đến vào danh sách. Người tị nạn ở đây đa số là người Thượng từ các buôn ở mạn Bắc của Kontum chạy về. Tôi ngồi xuống bên cạnh một dì phước rất trẻ, nói được tiếng Barna. Sinh hoạt chung với họ rồi nói được tiếng của họ. Ký nhi viện này ở bên cạnh trường trung học Quenot của cha Trường. Trường học thật khang trang đẹp đẽ. Những cây phượng trong sân nở hoa đỏ rực. Xác hoa phượng phủ đầy các lối đi. Đại Tá Thìn hỏi các dì phước: - Vấn đề vệ sinh ở đây làm cho các sơ vất vả lắm phải không? Một dì phước trả lời: - Người Thượng họ tắm cả ngày, tắm nhiều hơn mình nữa, nhưng họ không có quần áo để thay. Có một bộ đồ là họ mặc cho đến khi rách, chứ không giặt giũ gì cả. Mà muốn giặt cũng không có đồ để thaỵ Tôi hỏi dì phước: - Thưa sơ, trại này hiện có bao nhiêu người? - Đã tiếp nhận hai ngày nay là 950 ngườị Số người mới đến còn đang lập danh sách. Một dì phước quay lại hỏi tôi: - Cô có nghe tin gì về Konkring không? Có mấy sơ ở Konkring cũng thuộc về Vincent de Paul, ở đây chúng tôi không được tin tức gì hết, chắc bị Việt Cộng bắt giữ lại hết rồi. Các dì phước ở đây nhắc đến những người ở Konkring một cách quan tâm và thương mến. Buổi loạn ly bom đạn đâu có tránh ai, Việt Cộng đâu có chừa ai. Rời trại tạm cư ở ký nhi viện Vincent, chúng tôi đến thăm một trại tạm cư khác tại một trường trung học. Chúng tôi đến lúc đồng bào đang ăn cơm. Thức ăn thật đơn giản: rau luộc và một món mặn. Vợ chồng, con cái ngồi bẹp xuống nền của lớp học. Họ ăn một cách ngon lành, nhưng trên mặt vẫn còn những nét sợ hãi vì đoạn đường họ đã vượt qua và những hiểm nguy họ đã gặp. Tôi hỏi một người đàn bà ngồi gần cửa: - Chị chạy mấy ngày mới tới đây? Người đàn bà đặt chén cơm xuống, nhìn tôi rồi trả lời: - Đi 4 ngày trong rừng, mới ló đầu ra là gặp ngay Việt Cộng. Chạy đến chảy máu chân cũng không hay. Về tới đây mới biết mình còn sống. Một ông cụ ngồi nhìn chén cơm mà không ăn, nước mắt rưng rưng: - Mấy đứa con tôi thất lạc hết rồi. Không biết chúng còn sống hay đã chết. Ngày nào tôi cũng đi tìm chúng nó. Có ai thấy chỉ dùm tôi. Tỉnh Kontum có khoảng 50 ngàn dân, gồm 30 ngàn người ở thành phố và 20 ngàn người rải rác các quận chung quanh. Người Thượng ở trong những làng mạc xa xôi hẻo lánh. Trong khi dân Kontum di tản về Pleiku hoặc Saigon, dân ở các làng, các quận lại đổ về Kontum tị nạn. Những gia đình giàu có đã đi hết rồi, bây giờ còn lại đa số là gia đình của quân nhân và công chức. Phía bên Mỹ thông báo rằng, đến ngày 1 tháng 5, họ không cấp phương tiện để di tản đồng bào nữa. Ngày 29 tháng 4, một vị thượng tọa dẫn 5 ngàn tín đồ đi bộ từ Kontum về Pleikụ Đoàn người ngày đi đêm nghỉ, cuối cùng cũng về tới Biển Hồ. Nhà cầm quyền Kontum lo lắng rất nhiều về việc di tản, nhưng không đủ phương tiện. Tướng Ngô Dzu cũng rất khổ tâm về việc nàỵ Một ngày chỉ có 4 chiếc Chinook tiếp tế. Sự tiếp tế nhỏ giọt nên cũng đến ngày thành phố Kontum không có điện vì thiếu dầu, một số dân trong các làng đói vì thiếu gạo. Bây giờ Kontum đã bị cô lập, cuộc sống của những người còn lại ở đây chỉ mong vào sự tiếp tế của máy bay mỗi ngày. Thành phố Kontum chỉ mới hoang vắng, nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Nguyên vẹn với nét đẹp của một thành phố miền Cao Nguyên. Dòng sông Dabla vẫn lặng lờ uốn khúc quanh co, và trên bờ, màu hoa phượng vĩ vẫn rực rỡ trong khói lửa chiến tranh đang bao trùm thành phố. Buổi sáng tôi ra phi trường để gửi bài về toà soạn thì chợt bắt gặp một tà áo xanh, màu áo xanh đồng phục của những nữ tiếp viên hàng không Air Việt Nam. Người con gái có đôi mắt to và đen, nét mặt buồn như muốn khóc. Nàng có vẻ lạc lõng giữa một rừng người đang chờ di tản ở phi trường và hình như đang tìm kiếm một người nào đó. Khi đi ngang qua chỗ Đại Úy Hoà và tôi đang đứng nói chuyện với nhau, người con gái dừng lại ấp úng hỏi vị sĩ quan: - Thưa Đại Úy, Đại Úy có thể cho tôi biết trong số thương binh mà Đại Úy đã di tản về các bệnh viện có Thiếu Úy Nguyễn... không? Đại Úy Hoà, Quân Y, nhìn người con gái một lát rồi chậm rãi trả lời: - Tôi làm sao nhớ hết được. Nếu cô cho tôi thêm số quân, đơn vị của người đó, tôi sẽ tìm dùm cho cô. Chừng nào cô mới có chuyến bay trở lại đây? Người nữ tiếp viên có vẻ mừng rỡ: - Thiếu Úy Nguyễn..., thuộc Trung Đoàn 42, tôi không nhớ số quân của anh ấy. Sau khi Tân Cảnh di tản, tôi không được tin tức gì của anh ấy nữa. Tôi tình nguyện bay đường Saigon-Kontum mỗi ngày hai chuyến, sáng và chiều, để lên đây mong kiếm được tin tức của anh. Nhưng mỗi lần máy bay hạ cánh có một tiếng đồng hồ, nên tôi chỉ luẩn quẩn hỏi thăm ở trong phi trường này mà thôi. Đại Úy Hoà hứa với người nữ tiếp viên hàng không: - Tôi sẽ hỏi phòng hành quân dùm cô. Đồng thời tôi sẽ dò xem danh sách của thương binh. Trưa nay, lúc máy bay của cô đáp xuống, tôi sẽ ra đây trả lời cho cộ Hiện nay, những người sống sót của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Sư Đoàn 22 và Bộ Chỉ Huy của Trung Đoàn 42 đóng ở Tân Cảnh đã về đây hết, tôi cũng sẽ hỏi thăm dùm cô. Sau khi người nữ tiếp viên trở lại máy bay về Saigon. Đại Úy Hoà làm đúng lời hứa, đã đi nhiều nơi để dò thăm tin tức. Nhưng tên của người sĩ quan này không có trong danh sách những thương binh, cũng không có mặt trong số những người về từ Tân Cảnh. Vậy chỉ còn một là thất lạc trong rừng, hai là bị lọt vào tay địch, ba là đã chết mất xác. Tôi thấy Đại Úy Hòa có vẻ ái ngại khi đến giờ phải ra phi trường gặp lại người nữ tiếp viên hồi sáng. Các phi trường Kontum và Pleiku bị pháo mỗi ngày, nhưng nàng vẫn tình nguyện bay lên đây ngày hai chuyến, với hy vọng có chút tin tức hay được gặp lại người yêu. Buổi trưa tôi từ chối không đi cùng Đại Úy Hoà ra phi trường. Tôi sợ phải nhìn thấy những giọt nước mắt và nét tuyệt vọng trên khuôn mặt hiền lành của người con gái đó. Tôi sợ một câu trả lời từ miệng mình thốt ra là một sự thật phũ phàng dập tắt hết mọi niềm hy vọng. Tình yêu của người con gái đó quá đẹp và quá hiếm trong những ngày ly loạn như hôm nay. Kiều Mỹ Duyên -------------------- Mmm |
|
|
Dec 24 2008, 11:39 AM
Post
#24
|
|
Bảo vệ Tổ Quốc Group: Trang Chủ Posts: 11,665 Joined: 7-April 08 Member No.: 6 Country |
Tử lộ 7 Pleiku-Qui Nhơn Anh đi rồi Tây Nguyên lên tiếng gọi Đừng về Xuôi hãy ngược về Cao Quốc lộ 7 bao oan hồn uổng tử Vẫn hằng đêm nghe gió hú kêu gào Anh đi rồi đến bao giờ trở lại Trời Tây Nguyên lặng đứng ngóng trông anh Nắng vẫn đỏ từng ngày qua tháng hạ Rừng hoang vu mong đợi khúc quân hành... Trần Ngọc Nguyên Vũ (để gởi đến những người của một thời ly loạn đã từng gắn bó đời mình với vùng trời Tây Nguyên mịt mù khói lửa) -------------------- Mmm |
|
|
Lo-Fi Version | Time is now: 14th November 2024 - 10:18 PM |