Phía sau Thế Vận Hội Rio 2016, ÐYT |
Phía sau Thế Vận Hội Rio 2016, ÐYT |
Aug 16 2016, 11:06 AM
Post
#1
|
|
Hạnh ngộ Group: Năng Động Posts: 5,776 Joined: 25-October 08 Member No.: 480 Country |
Phía sau Thế Vận Hội Rio 2016 Đối diện với cơn khủng hoảng kinh tế nặng nề nhất vẫn đang còn đè nặng lên người dân Brazil cùng với một nền chính trị bất ổn khi nữ tổng thống đương quyền vừa bị quốc hội Brazil bãi nhiệm, cộng thêm việc không ít người dân biểu tình hay chống đối việc tổ chức Olympic 2016 lần này, cộng đồng quốc tế dù biết rằng Brazil đã đối diện với nhiều thách thức và chưa có sự chuẩn bị hoàn hảo cho Olympic. Nhưng cũng chẳng còn chọn lựa nào khác hơn. Olympic 2016 vừa tưng bừng khai mạc hồi tuần trước. Đàng sau những màn trình diễn ngoạn mục, những loạt pháo hoa tung trời trong đêm khai mạc, một Brazil mang nhiều điều ưu tư phía sau bộ mặt lễ hội của mình. Quyết định chọn Rio de Janeiro làm thành phố tổ chức Olympic 2016 lần này đã được Ủy Ban Olympic Quốc Tế IOC công bố năm 2009, giữa khi kinh tế Brazil còn đang bùng phát mạnh mẽ và một sự tin tưởng vào khả năng của Brazil sẽ đủ sức tổ chức thành công cả hai sự kiện thể thao trọng đại của thế giới là World Cup 2014 và Olympic 2016. IOC đã chọn Rio với mục đích giúp cho Brazil tiếp tục sự phát triển của mình và đại diện Nam Mỹ xứng đáng để lần đầu tổ chức Olympic tại khu vực này. Những chùm pháo hoa ăn mừng, những nắm bông giấy confetti tung đầy trên bãi biển sau công bố trao quyền tổ chức cho Rio. Nhưng Brazil và cả IOC đã không lường trước được cơn giông bão trước mặt quốc gia này. Kể từ sau khi trúng quyền đăng cai tổ chức, từ năm 2011, kinh tế Brazil bắt đầu tụt dốc và đang ở mức tệ hại nhất. Xuất cảng xuống dốc, tỉ lệ thất nghiệp và lạm phát tăng cao, người dân Brazil khó lòng trả được những món nợ mà họ đã hào hứng vay mượn đương khi còn lạc quan với nền kinh tế của mình. Chính phủ Brazil thiếu hụt ngân sách cho các công trình và sự chuẩn bị Olympic. Sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ các cấp cùng các hãng dân sự trong các dự án và công trình chung cho Olympic bị đình trệ và trễ nải, phần lớn cũng từ việc thiếu kinh phí này. Năm 2014, IOC cũng nhận thấy điều này và trong một báo cáo của mình, đã cho biết Brazil là quốc gia thiếu sự chuẩn bị nhất trong những quốc gia từng đăng cai tổ chức. Nhưng đã quá trễ. Một phụ nữ vô gia cư trên một đường phố, nơi xây dựng một tuyến đường sắt mới phục vụ cho Thế vận hội mùa hè đã bị trì hoãn ở Rio de Janeiro. Credit Mario Tama / Getty Images Với khoảng hơn 200 triệu dân, Brazil – một cựu thuộc địa của Bồ Ðào Nha, là quốc gia Nam Mỹ lớn nhất trong khu vực Mỹ La Tinh, cả mặt dân số, diện tích và kinh tế. Vài thập niên qua, kinh tế Brazil từng bước phát triển khá nhanh và trong thập niên đầu của thế kỷ 21 này, Brazil từng được nằm trong danh sách những quốc gia phát triển kinh tế mạnh mẽ và hứa hẹn nhất về một nền kinh tế thành công của thế giới. Báo chí liên tục nhắc đến Brazil và sự tăng vụt con số những tân tỉ phú của quốc gia này. Nhưng trong vòng bốn năm qua, kinh tế Brazil chậm lại và tụt dốc, dẫn đến cơn khủng hoảng bất ngờ như hiện nay. Nhiều yếu tố đã đưa đến một cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng tựu trung là những lý do thông thường mà một quốc gia đang phát triển cũng đang gặp phải: xuất cảng giảm khi dầu thô và giá trị hàng hóa thế giới sút giảm, dẫn đến việc thu nhập giảm và hệ lụy tất nhiên là việc tiêu xài, sức mua của người dân cũng sút giảm. Kinh tế chậm lại thì đầu tư nước ngoài cũng sút giảm và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao. Vấn đề bất ổn về chính trị tại Brazil cũng góp phần không nhỏ vào cơn khủng hoảng kinh tế hiện nay, khi người dân bất mãn với nữ Tổng thống đương quyền Dilma Rousseff, người đang bị bất tín nhiệm hiện nay qua lá phiếu quốc hội như đã nói trên, thay vì một cuộc đảo chánh do quân đội thực hiện như người ta vốn e ngại trước đây. Số phận của Tổng thống Rousseff sẽ được quyết định sau khi Olympic kết thúc, trong khi Tổng thống lâm thời của Brazil hiện nay cũng chẳng mấy gì được lòng người dân. Thêm vào đó khoảng 60% dân biểu quốc hội Brazil đang bị điều tra về sự tham nhũng. Nội tình chính trị rối ren. Những cuộc biểu tình bên ngoài các vận động trường Olympic hiện nay mang nhiều xu hướng khác nhau. Có nhóm phản đối Olympic, có nhóm ủng hộ TT Rousseff và cho rằng đã có một cuộc “đảo chánh” vi hiến nhằm lật đổ bà, có nhóm bày tỏ sự bất mãn với Tổng thống và chính phủ lâm thời. Ðó là điều mà ban tổ chức chủ nhà cùng IOC không hề mong đợi chúng sẽ xuất hiện giữa những ngày hội thể thao được tổ chức mỗi bốn năm. Giới truyền thông cũng tránh né, giới hạn ống kính của mình nhắm vào những đoàn biểu tình để giữ không khí tranh tài được trọn vẹn hơn. Brazil khai triển quân đội liên bang ở ba khu nhà ổ chuột ở phía bắc Rio , tấn công những kẻ buôn ma túy. nguồn REUTERS / Ricardo Moraes Bên cạnh những bất ổn về kinh tế và chính trị, Brazil còn đối diện với vấn đề tội phạm và băng đảng tăng cao. Theo nhận định và số liệu từ Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế, Brazil là một trong những quốc gia có tỉ lệ sát nhân cao nhất thế giới, với khoảng 42,000 người bị thiệt mạng vì súng đạn hàng năm. Người dân đã quen gặp với những nhóm tội phạm và cảnh sát vũ trang đến tận răng trên đường phố, nhưng vốn xa lạ và còn hay đùa giỡn về các nguy cơ khủng bố quốc tế đang xảy ra khắp thế giới, nay phải đối diện thêm với nguy cơ khủng bố khi các phái đoàn Olympic và hàng triệu du khách đổ vào Brazil. Bởi các nhóm khủng bố không nhắm vào chính Brazil nhưng vẫn có thể nhắm đến các phái đoàn lực sĩ trong mục tiêu của mình. Không ai có thể đoan chắc được không có những âm mưu khủng bố đang ngấm ngầm thực hiện hoặc sẽ không xảy ra. Những người chịu trách nhiệm ắt không quên cuộc thảm sát phái đoàn lực sĩ Do Thái tại Olympic 1972 tổ chức tại Munich, Tây Ðức vào năm 1972 và không hề muốn một sự tái diễn, khi các tổ chức hay cá nhân cảm tình với ISIS chẳng từ bất cứ cơ hội nào. Chỉ hai tuần trước lễ khai mạc, các nhân viên công lực đã bắt giữ một nhóm cảm tình viên của ISIS, những kẻ đang có âm mưu gây ra các cuộc tấn công tại Olympic. Brazil bắt giữ 10 nghi phạm âm mưu khủng bố tại Olympic – nguồn www.scmp.com Cho dù những phân tích tình báo từ các cơ quan an ninh Brazil và thế giới nhận xét rằng, nguy cơ khủng bố tại Thế Vận Hội Rio 2016 có thể không cao so với cuộc tranh tài túc cầu Euro 2016 vừa tổ chức tại Paris hồi tháng trước, hàng trăm ngàn binh lính và nhân viên an ninh, mật vụ vẫn đang ngày đêm túc trực bảo vệ các lực sĩ, những trung tâm thi đấu và các địa điểm công cộng tại Rio De Janeiro, nơi đang tổ chức ngày hội thể thao toàn thế giới trong ba tuần Tháng Tám này. Trước sự lo ngại của các quốc gia tham dự, Brazil đã phải tăng con số binh sĩ và cảnh sát từ 85,000 dự định ban đầu lên trên 100,000 người để túc trực bảo vệ từ làng Olympic, các trung tâm thi đấu cho đến phi trường, trung tâm thành phố, các khu vực công cộng đông người. Các đoàn lực sĩ toàn thế giới trong Lễ Khai Mạc – nguồn forher.aleteia.org Không để Brazil tự lo liệu vấn đề an ninh Olympic, có khoảng 65 quốc gia đã cùng chia sẻ các tin tức tình báo với Brazil. Từ vài năm qua, các cơ quan tình báo và an ninh Hoa Kỳ đã huấn luyện, phối hợp cùng Brazil để bảo đảm an ninh cho Olympic lần này. Gần 400 mật vụ Mỹ đã được điều sang Brazil để trực tiếp bảo vệ phái đoàn lực sĩ Hoa Kỳ và khoảng 800 nhân viên an ninh khác có nhiệm vụ thu thập và phân tích các tin tức tình báo liên quan đến Olympic 2016 ngay tại Mỹ. Ðây là lần đầu tiên mà nước chủ nhà có sự hợp tác chặt chẽ với cảnh sát quốc tế, các cơ quan an ninh và phản gián của đông đảo các quốc gia trong mục đích bảo vệ an ninh cho Olympic nên hy vọng sẽ không có những sự việc ngoài mong đợi. Bốn năm một lần, gác bỏ mọi định kiến, sắc tộc và chính kiến, lực sĩ toàn thế giới tụ họp để tranh tài trong tinh thần thượng võ, nhằm cổ vũ cho một thế giới đoàn kết, thông hiểu và tốt đẹp hơn. Mong rằng tinh thần Olympic này sẽ là một làn gió mới để giúp Brazil và người dân của họ vượt qua cơn thử thách hiện nay. ÐYT -------------------- Cõi mơ |
|
|
Lo-Fi Version | Time is now: 16th November 2024 - 07:05 AM |