An Thới - Giờ tan hàng, Từ Linh Nctd |
An Thới - Giờ tan hàng, Từ Linh Nctd |
Mar 7 2018, 03:56 PM
Post
#1
|
|
Bảo vệ tổ quốc Group: Năng Động Posts: 5,513 Joined: 22-September 09 Member No.: 5,173 Age: 53 Country |
An Thới - Giờ tan hàng (Những Cơn Sóng Ngầm V4) Từ Giang Đoàn 44 Ngăn Chặn ở Long An, thuyên chuyển về Hải Đội 3 Duyên phòng (HĐ3DP) tại Cát Lở, vào đầu tháng 10 năm 1974, với tôi là một niềm vui, vì Vũng Tầu không chỉ là một thị trấn du lịch xinh xắn, với những con đường rợp bóng phi lao và thông cao vun vút, có bãi trước ngợp những hàng dừa xanh um đầy bóng mát, thắng cảnh đẹp, có những kios bán bia rượu và cho thuê ghế nằm, đủ mầu sặc sỡ chạy dài theo bãi, với những cô chiêu đãi viên trẻ đẹp xinh tươi, lúc nào cũng niềm nở đón chào, xen lẫn những bà, cô gánh hàng rong kèo nài mời mọc, kiếm độ nhật qua ngày, nào dừa tươi, nào tôm, cua, sò mực nướng tỏa mùi thơm bắt mũi, mà lại gần Sàigòn và nhất lại là hải đội an bình nhất, vừa là nơi tôi có nhiều kỷ niệm thuở thanh xuân, tuy không hào hùng nhưng đầy hào hứng, cuộc sống vừa mới tạm gọi là ổn, tôi đã thuê được một căn phòng trọ nhỏ, trong khu lao động ngoài phố Vũng Tầu, để thỉnh thoảng người yêu ra thăm có chỗ tá túc, khỏi phải vào trại lính, nhiều phiền phức lắm nhiêu khê; Nhưng trời không chiều lòng người, niềm vui chưa tới, chưa có dịp đi đó đây, hay tìm lại những dấu chân đầu đời ngỡ ngàng, trải dọc trên triền đồi cát bãi sau, hun hút chạy dài lên tới tận Phước Tỉnh, mà tôi đã một thời ngang dọc cách nay đúng 10 năm, đó là vào những năm đầu quân đội Mỹ tham chiến ở Việt Nam, thì lại nhận được lệnh thuyên chuyển khẩn ra HĐ4, mãi tận ngoài Phú Quốc; Nếu như vào thời điểm của vài năm trước, thì đây cũng là một điều thú vị, một dịp may không kém. Cách nay ba năm, vào mùa hè 1972 khi còn phục vụ trên Y tế hạm Hàn-Giang HQ 401, tầu có lần đưa Sinh viên học sinh Sàigòn ra thăm đảo Thổ Châu, nhưng không có cơ hội ghé An Thới, tôi biết Phú Quốc qua sách vở báo chí, và nghe nói có nhiều danh lam thắng cảnh, gần Hà Tiên thủ phủ của đồi mồi, nghe thì nhiều mà tiếc thay, chưa có dịp đặt chân lên đảo, còn Thổ Châu (Poulo Panjang) thì quá đẹp và thơ mộng, như những đảo thần tiên, trong xi nê mà hồi trẻ tôi rất say mê. Nhưng trong tình hình đất nước đang ở vào thời kỳ khẩn trương, dầu sôi lửa bỏng hiện nay, Quân đoàn II tan rã trên đường triệt thoái khỏi cao nguyên, vùng I đang di tản, vùng II bắt đầu rối loạn, sự sống còn ai cũng tiên đoán chỉ là vấn đề nay mai, thì việc tôi thuyên chuyển ra HĐ4, quả là một điều chẳng vui, vì sự liên lạc của tôi với gia đình ở Sàigòn, chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại. Suốt thời gian hơn 5 tháng ở HĐ3, tôi được chỉ định xuống PCF 3825 do Trung úy BTK (khóa 10 OCS) làm thuyền trưởng, với tôi đây là sự điều hành đi ngược lại truyền thống HQ, vì không có việc một SQ xuống tầu làm SQ cơ hữu, do một người kém thâm niên hơn làm thuyền trưởng, ngoại trừ SQ thực tập, tôi khiếu nại và yêu cầu Ban Nội vụ trình lên Chỉ Huy Trưởng (CHT), và câu trả lời chỉ là ráng chờ đợi một thời gian để xem xét lại, khó chịu! nhưng đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Mãi đến khoảng giữa tháng 3, tôi có công vụ lệnh làm Th/trưởng PCF 3827, thay thế Trung úy LQH thuyên chuyển đi, trong lúc đang chờ tầu công tác trở về, thì tôi cũng nhận sự vụ lệnh thuyên chuyển … thế là khỏi bàn giao. Hình như BTL/HQ đã tái điều động, hàng loạt nhân viên của các đơn vị duyên phòng, bắt đầu kể từ khi thủy thủ đoàn của 1 PCF bị Việt cộng sát hại, vì bất cẩn và nội tuyến sao đó, ngoài cửa sông Ông Đốc gần mũi Cà Mâu, sự việc này đã đưa nhiều người vào tình trạng dở khóc dở cười, với những đơn vị di tản từ miền Trung vào là chuyện chẳng đặng đừng, hay độc thân như tôi thì cũng dễ, nhưng những nhân viên, thủy thủ có gia đình thì quả là khó khăn, trong tình trạng hỗn loạn và kinh tế èo uột này, nhất là những người vừa mới tân đáo không lâu; Cùng thuyên chuyển với tôi từ HĐ3 ra HĐ4, còn có một số nhân viên nữa, lính tráng chúng tôi chỉ còn biết than thầm, và phàn nàn với nhau là ông Phó Đề Đốc tân TL/HQ này quá “nguyên tắc”, làm vậy để chứng tỏ có sự đổi mới chăng! Đơn vị cấp giấy đi đường cho tôi đúng ba ngày, tôi về Sàigòn thăm nhà được một ngày, ngày hôm sau tôi ra xe đò đi Rạch Giá, rồi ngồi đò ra Phú Quốc, bởi chẳng muốn bị phiền hà, vì điều luật vắng mặt quá 24 tiếng, là coi như đào ngũ mới ban hành. Vào trình diện đơn vị mới, xế chiều ngày 27 tháng 3, ánh nắng gay gắt của buổi trưa vùng nhiệt đới, vẫn còn bốc lên hừng hực từ mặt sân cát, nhấp nhô vết chân người và bánh xe, tôi nương theo bóng mát của những dãy nhà sàn tiền chế, nằm song song hai bên sân, bên trong phần lớn trống trơn, lỏng chỏng một vài chiếc giường sắt và ghế bố, nhân viên thưa thớt vắng vẻ. Đưa mắt đảo một vòng toàn doanh trại, thấp thoáng một hai người vội vã bước ra từ dãy nhà này, rồi lại khuất ngay trong dẫy nhà khác, không thấy bóng dáng nào thân quen; Nếu như lúc đò đi ngang qua vịnh, từ ngoài khơi nhìn vào, những dẫy nhà tôn trắng nằm song song mấy lớp, khu nọ nối khu kia, kế tiếp nhau chạy dài theo bờ biển, nổi bật trước rặng núi xanh thẫm phía xa đằng sau, trông hiền hòa giữa biển nước mênh mông, cho tôi chút cảm giác thoải mái, thì bây giờ ngược lại nó cho tôi một ấn tượng ảm đạm và lạnh lùng, lạnh lùng vì thiếu sinh khí, phải chăng tôi đến đây không đúng lúc, đúng thời! Lần mò tìm lên Bộ chỉ huy Hải đội, may mắn gặp lại người bạn ngày đầu quân ngũ, Trung úy Phô cùng Đại đội 19D, khóa 1/70 Quang Trung, bây giờ là Sĩ quan Nội Vụ kiêm Hành quân HĐ, nhớ lại sau ba tháng Quân sự ở Quang Trung, một số chúng tôi về học sinh ngữ, còn một số khác trong đó có Phô, tiếp tục thụ huấn chương trình Sĩ quan trừ bị, tại trường Bộ Binh Thủ Đức, sau khi trao đổi vài thủ tục thông thường của nhân viên mới tân đáo, Phô dẫn tôi xuống hai dẫy nhà ngoài cùng phía gần biển, đây là hai dãy nhà xây bằng gạch xi-măng khối, mỗi dẫy có bốn hay năm gian, dành riêng cho Sĩ quan ở, Phô nói “Bạn thấy gian nào còn chỗ trống và thích thì cứ việc vào ở, cần gì thì mai liên lạc phòng nội vụ hay Quản nội trưởng”, CHT hiện không có mặt ở đơn vị, khi nào ổng về tôi sẽ nhắn bạn lên trình diện, nhưng chỉ mươi ngày sau thì CHT (Tr/Tá TVH) cũng rời khỏi HĐ và tôi cũng chưa có dịp trình diện ông. Sáng hôm sau, lang thang lên câu lạc bộ (CLB), kiếm ly cà phê và tí gì lót dạ, cũng để làm quen với chủ nhân hòng còn ghi sổ về sau, bởi chưa biết chừng nào mới có lương. Bên trong hội quán, dăm bẩy người ngồi rải rác, thấy người lạ bước vào, vài người ném một cái nhìn bâng quơ về hướng tôi, rồi quay đầu ngay vì không quen, và tôi cũng không có gì đặc biệt đáng chú ý, lại gặp Trung úy Phô, Phô kêu tôi lại ngồi cùng bàn, rồi quay gọi chủ quán lại giới thiệu với tôi, đây là Trung úy Minh chủ CLB, còn đây Trung úy D, SQ tân đáo, sau cái bắt tay thăm hỏi xã giao làm quen, Minh trở lại quầy lo việc buôn bán, trong khi chờ đợi cà phê, Phô và tôi chuyện trò lăng nhăng, qua loa về thời gian và những đơn vị đã phục vụ, Phô hỏi tôi thích xuống tuần duyên (WPB), hay duyên đĩnh (PCF), tôi nói tùy nhu cầu, tôi thì sao cũng được, WPB tôi chưa đi, còn PCF thì cũng được dăm tháng; Uống hết ly cà phê Phô đứng dậy chia tay, và không quên an ủi tôi là, tạm thời nghỉ ngơi một hai ngày, chờ gặp CHT rồi tính sau. Ăn uống xong tôi trả tiền bước ra ngoài, lần mò xuống cầu tầu, thẫn thờ thả bộ trên cầu nổi của đơn vị, nối kết nhau bằng những pontoon, mong tìm hiểu và làm quen với nếp sinh hoạt ở đơn vị mới, nhưng chỉ có dăm ba chiếc vừa tuần duyên đĩnh, lẫn duyên tốc đĩnh, cũ kỹ móp méo, trên boong đồ đạc ngổn ngang bề bộn, hình như đang nghỉ bến sửa chữa, và chẳng thấy bóng dáng một ai, lính Hải quân có khác, đơn vị nào cũng thế, tầu về bến nhân viên lặn mất hết, may lắm chỉ còn một mạng ở lại canh chừng, tà tà đi dọc theo bãi ngược về phía căn cứ yểm trợ, có đến hơn chục chiếc nằm xếp hàng trên các càng kéo di động, từ bãi đậu sân trước vào đến bên trong xưởng, đủ loại nào thuyền ferro xi-măng tới tầu chuyển vận LCU, LCM và tuần duyên, coi nhân viên thủy xưởng đang chăm chú làm việc, kẻ hàn xì, người sưả chữa máy móc, anh gõ xét, gõ hà, sò và thổi sơn, trông họ rất bận rộn, khác hẳn với thủy thủ ở các đơn vị tác chiến hay hải đội, tà tà và cà nhỏng, chỉ có việc chia phiên canh gác mà thôi; Dư thời giờ và chẳng biết làm gì hay đi đâu, lại có bóng mát của công xưởng to lớn che gần hết khoảng sân trống, tôi đứng ngó quanh nhìn quẩn, xem tầu bè nằm ụ, để tìm hiểu và học hỏi thêm kiến trúc lườn, bánh lái và chân vịt các loại tầu tuần duyên, hầu biết cách ứng xử đối phó về sau; Nhìn những chiếc vừa được sơn phết lại, trông cũng đẹp và tốt, lòng tôi cũng thấy phấn khởi chút ít, nghĩ bụng đi tuần vùng này có nhiều hải đảo cũng thích thú lắm, chứ ở trên căn cứ buồn và chán chết được, ra đây mới có hai ngày mà tôi đã chán ngấy tới cổ rồi, quan sát một lát tôi quay ra phía bên ngoài cầu tầu, mong hóng vài cơn gió biển, thả tầm mắt nhìn ra ngoài khơi xa xa, hướng về phía hòn Thơm, chợt thấy bóng dáng một chiếc PCF đang rẽ sóng hướng về căn cứ, nhìn con tầu ngóc đầu, chẻ nước làm hai khối bọt trắng xóa, tung bay trước mũi, tôi nghĩ thầm mấy tay này đi đâu về mà phóng gớm vậy, chắc đang tiến với vận tốc tối đa, rồi tự an ủi chính mình, chỉ mong nhận tầu với máy tốt, được trong tình trạng như chiếc này, chứ đừng có nằm ụ. Hôm nay ngày cuối tuần, vẫn cái nóng khó chịu buổi trưa, tuy căn cứ nằm ngay bờ biển, nhưng trời im gió qúa, nên biển cũng không giúp được gì, từ cái nóng bên ngoài, cũng như cái nóng lòng trong tôi, nhất là chung quanh trại lại chẳng có lấy một bóng cây, tôi muốn đi ra ngoài thăm cho biết dân tình, nhưng trong túi không còn một đồng, tháng ba vừa rồi ở HĐ3 cũng chưa kịp lãnh lương, ở đây thì chưa quen ai, đang tựa cửa thẫn thờ nhìn ra sân, nhớ về những người thân ở Sàigòn, thì từ đầu hành lang bên trái đi tới, có hai chàng sĩ quan trẻ dẫn vợ con, chắc vừa ở Sàigòn ra, một người tôi biết là Trung úy T khoá 7 OCS, người nhỏ con, còn người kia là Thiếu úy, nhìn cử chỉ tôi đoán chắc hai người này cùng tầu, và hai người đàn bà trẻ đẹp áo dài tha thướt, một người dẫn một bé gái khoảng hai tuổi, trắng bóc, mặc váy đầm rất dễ thương, người khác tay sách một cái nôi có em bé còn nhỏ, sáu ánh mắt bất chợt gặp nhau, rồi thật nhanh như ánh đèn của ngọn hải đăng, tiếp tục quay theo chiều của nó, không ai chào hỏi ai một tiếng, họ đi ngang vào hai phòng kế bên tay phải, nhìn theo, tôi bất chợt nghĩ đến mình, không biết chừng nào mình mới đón được người yêu ra ngoài này. Ngày cuối tuần rồi cũng chậm chạp qua, sang ngày thứ hai tôi nhận được công vụ lệnh bàn giao PCF 3808 thay thế Trung úy VAT, cùng nhận công vụ một lượt có vài Sĩ quan tân đáo nữa, Trung úy NT Khánh (Th/Phó PCF3811), Trung úy NP Thọ (Th/Tr PCF3916), Trung úy LB Phước (Th/Tr PCF 3812), cả ba người này tôi cũng biết nhưng không thân, mà nói trắng ra tôi cũng không có một người bạn nào, gọi là thân thiết từ ngày bước chân vào HQ, phần lớn bởi cái mặc cảm lớn tuổi, và xã giao kém cỏi của tôi, riêng Phước và tôi được thêm lệnh biệt phái qua BTL/V4 ngay, Phô bảo tôi phải hoàn tất bàn giao chiến đĩnh chiều nay, và qua trình diện BTL sáng mai, vì công điện đã gởi rồi, và tầu tôi sẽ là soái đĩnh. Lệnh biệt phái khiến tôi càng thêm nản chí, vốn dĩ tôi không thích gần mặt trăng mặt trời, mất hết tự do, và nó cũng đồng nghĩa là, tôi đã bị tước đi nhiệm vụ thuyền trưởng, của một tuần duyên đĩnh, một phần của giấc mộng hải hồ, công việc soái đĩnh với tôi cũng giống như tài xế xe nhà, không hơn không kém, đó là chưa kể đôi khi còn phải thi hành, những công tác không phải là công vụ, phần lớn là chuyện riêng tư cá nhân, như tôi từng được nghe kể về vài vị tư lệnh khác, bao gồm luôn đưa đón bồ nhí, gái gẫm cho các quan lớn, du ngoạn hải đảo quanh vùng, để các quan lấy le, ăn nhậu và đú đởn, dù không dám vơ đũa cả nắm, nhưng ở cái giai đoạn vàng thau lẫn lộn này, tìm được một người thanh liêm chính trực, nhất là trong đám các quan võ biền thì khó như mò kim đáy biển, lại một lần nữa đành chịu, lệnh thì phải thi hành, đúng là số con rệp. Buổi chiều tôi xuống tầu để bàn giao thì gặp chàng Thiếu úy trẻ, thuyền phó chính là người đi ngang phòng chiều qua; Hôm sau tôi sang trình diện BTL, gặp vị SQ trưởng phòng hành quân, và có NQ Tụng, cũng là bạn cùng thời với Phô, Tụng đi khóa 5 OCS, hiện giờ là SQ ban hành quân BTL vùng, âu cũng là một chút an ủi, công tác chính của hai tầu biệt phái lúc này, là làm cầu nổi nối liền các tàu lớn neo ở ngoài khơi, đưa đón phái đoàn này nọ ra vào BTL, Tụng dặn tôi cho nhân viên ứng trực vô tuyến 24/24, để nhận lệnh từ phòng hành quân BTL, tôi nghĩ cũng tốt, có việc để làm quên đi thời gian, chứ cái kiểu nằm một chỗ chờ đợi chẳng khác tù giam lỏng, tôi định bụng chờ vài tháng, quen nước quen cái sẽ xin đổi qua tầu khác. Suốt từ ngày 16 tháng 3 khi QĐ II thi hành kế hoạch “Tái phối trí lực lượng”, triệt thoái khỏi Cao nguyên, để rút về giữ các tỉnh đồng bằng và duyên hải bị thất bại nặng nề, thì tình hình miền Trung cũng rối loạn theo, cuộc di tản cao nguyên không những đã khiến lòng dân mất tin tưởng vào Chính phủ, mà binh sĩ cũng nản lòng, tinh thần chiến đấu xa sút theo, nhất là từ sau vụ tết Mậu Thân, dân chúng đã quá sợ Cộng sản, cũng như tin đồn chính quyền VNCH sẽ rút lực lượng tổng trừ bị về giữ Vùng III và IV,nên hễ thấy các đơn vị tinh nhuệ rút khỏi vùng nào, thì dân vùng đó cũng vội vàng ồ ạt, trà trộn chạy theo đến đó, các tỉnh miền Trung từ đó, lần lượt theo nhau rơi vào tay Cộng quân, đến cuối tháng 3 thì vùng I mất, đầu tháng 4 Vùng II cũng mất, như một vết dầu loang, loang từ trên cao nguyên đổ xuống, cứ thế tiếp tục lan ra tới biển, đến giữa tháng 4 dân quân miền Trung di tản đã được đưa vào tận Phú Quốc. Cộng quân thừa thắng xông lên đè nặng áp lực vào Vùng III trên mọi hướng, trong khi đó thì trên phương diện chính trị, và ngoại giao, người ta bàn tán xôn xao về các giải pháp ba thành phần, và trung lập do chính phủ Pháp làm trung gian, càng làm lòng dân hoang mang hơn, v..v. Đảo Phú Quốc bình thường rất hiền hòa yên lặng, nhưng giờ đây cũng bị xáo trộn vì phải đón nhận hàng chục ngàn người tị nạn tứ xứ đổ về bất đắc dĩ, quá bất ngờ và vội vã, trở thành náo động hỗn tạp, kéo thêm nỗi âu lo lẫn sợ sệt đến với người bản địa, cung cầu chênh lệch đâm ra thiếu thốn đủ mọi thứ, bầu không khí u ám bao trùm như những cơn mưa nhiệt đới đổ ập về bất chợt hàng ngày, căn cứ Hải quân An Thới, tầu bè lớn nhỏ tới lui tấp nập, HĐ4 có thêm nhiều công tác mới chuyên chở bất thường, ngoài những công tác tuần tiễu, hành quân thường lệ, ghe thuyền dân sự ngược xuôi nối liền Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc cũng đông hơn, ngoài khơi những chiến hạm Mỹ và các thương thuyền xuất hiện thường xuyên, chiếc American Challenger thả neo nằm chờ, sẵn sàng đón nhận những người làm việc cho Mỹ, sẽ được không vận từ Sàigòn ra, cộng thêm những vụ hành quyết, những tay cướp của trên các tàu đi tản, mà TT Thiệu đã ủy thác cho các TL Vùng, toàn quyền hành động không cần tòa án xét xử, khiến cho tình hình trên đảo càng xáo trộn, và căng thẳng hơn. Mấy hôm nay, đài phát thanh SG cho phát nhạc suốt ngày, y hệt như những ngày các Tướng Tá phường chèo, đảo chánh một thời của vài năm trước, thỉnh thoảng chen vào một vài tin chiến sự như các đơn vị tổng trừ bị đang anh dũng cầm chân, hoặc đẩy lui các mũi dùi tấn công của Việt Cộng, nhắm tiến vào thủ đô, v.v.., dù đó là sự thật, nhưng ai cũng hiểu mục đích lúc này chỉ là để trấn an dân chúng, thực tế những người có chút điạ vị danh vọng, tiền tài hoặc liên quan đến người Mỹ, đang tìm mọi cách để rời khỏi SG, tìm mọi phương tiện để ra tầu Mỹ. Chính phủ của Tân Tổng Thống TV Hương đã hầu như tê liệt, chỉ còn thoi thóp từng ngày, không cách gì có thể hoạt động, hay cứu vãn được, một cơ đồ nát bét như tương bần trên mọi lãnh vực, mọi khía cạnh, từ quân sự, xã hội đến chính trị do NV Thiệu để lại. Cách đây vài ngày tôi nhận được thư của người em trai kế, Đản Sĩ quan tiểu khu Pleiku, đơn vị đã bị tan rã suốt từ ngày Pleiku thất thủ, Đản cho biết đã phải trốn chui trốn nhủi, băng rừng lội suối cả tháng trời, và vừa mới lần mò về tới Sàigòn được hai ngày, trong thư Đản nhắc tôi ghi tên gia đình nếu như đơn vị cho di tản, thật tình tôi không hay biết BTL/HQ hay BTL vùng có lệnh lạc, kế hoạch gì cho quân nhân Hải quân hay không, tôi tuyệt nhiên không có một lệnh lạc gì cả, không một tin tức gì từ trung tâm hành quân BTL vùng, cũng như từ HĐ4 về việc di tản, hay kế hoạch gì ráo, cho đến giờ phút này, vẫn chỉ là công tác như thường lệ, và vẫn phải ứng trực 24/24 tại cầu tầu. Vài ngày trước tôi có về họp SQ bên HĐ4, lúc ấy hình như tôi vẫn còn thấy ông mang lon Thiếu tá, tân CHT - PTTh trấn an là, cho dù chính phủ nào lên thì mình cũng vẫn làm việc như thường, thật tình nghe cũng hợp lý, vì ông Hương, ông Huyền hay ông Minh thì cũng thế mà thôi, lính là thiên lôi, lệnh chỉ đâu thì phải đánh đó, chứ có ai ngờ có một ngày 30/4 ! Sáng 29/4, sau khi Ngoại Trưởng VV Mẫu đọc bản văn, yêu cầu Hoa Kỳ phải rút hết nhân viên về nước trong vòng 24 giờ, mấy thằng em trên tầu từ chợ về nói, trên đảo những người có tiền của đang nháo nhác tìm phương tiện, và chuẩn bị ghe thuyền để rời khỏi đảo. Nghe vậy trong lòng tôi vốn đã âu lo, lại càng nóng như lửa đốt, tôi biết bố mẹ và anh em tôi ở Sàigòn đang mong chờ tôi dữ lắm, vì chỉ có tôi mới có chút hy vọng, giúp phương tiện cho gia đình di tản, nếu như cộng sản chiến thắng, hoặc một chính phủ liên hiệp do MTGPMN cầm đầu, còn Loan nữa, suốt từ hôm ra đây tôi không được một tin tức gì cả, không hiểu nàng ở đâu, có liều lĩnh mò ra ngoài này tìm tôi không ? Nàng đã trở về gia đình hay vẫn còn nơi nhà trọ? Ruột gan rối như tơ vò, nhưng tôi biết phải làm gì bây giờ, tôi không thể bỏ nhiệm sở, bỏ nhân viên, lỡ có chuyện gì thì ai sẽ hướng dẫn họ, hơn nữa lại là soái đĩnh cho TL vùng, tôi có thể bị gọi lên trình diện bất cứ lúc nào, nên khó mà bỏ đi, dù chỉ nửa ngày, và tiền bạc cũng không có một xu, vả lại tôi cũng thuộc không có gan lớn như gan bò, không có máu ba gai, chưa bao giờ đi trễ về sớm hay bỏ công tác, trong suốt thời gian quân ngũ, kể cả lúc còn là Sinh viên Sĩ quan (SVSQ), cũng chưa hề biết mùi ‘cải hối thất’ hay ‘ký củ’ là gì cả, bản tính tôi là vậy, chứ không mong mỏi nhận cái “Quân Phong Bội Tinh”, sau ba năm kể từ ngày leo lên đoàn xe GMC rời Bạch Đằng II. Đến khoảng trưa tôi được lệnh ra đón phái đoàn dân sự Mỹ trên tầu Challenger vào BTL, và đến chiều tối thì một đoàn xe GMC chở người tỵ nạn từ trên trại tạm trú đổ xuống, đèn pha sáng trưng tiến vào căn cứ, nghe nói họ là nhân viên đài Mẹ Việt Nam, hay Gươm thiêng ái quốc gì đó, và những người làm việc cho các cơ quan Mỹ, hai chiếc LCM của căn cứ được xử dụng để đưa họ ra thương thuyền Challenger, và nghe đồn là Mỹ sẽ đưa họ qua Guam lánh nạn, điều này càng làm cho những người có chút kiến thức chính trị, hiểu ngầm rằng tương lai của miền nam VN đã trở nên đen tối. Mặt trời đang lặn ở cuối chân trời, mọi hoạt động ồn ào của ban ngày đã lắng dịu, sử soạn nhường cho sự yên tịnh của thế giới về đêm, nhưng thay vì là cái thế giới hải đảo mộng mơ và huyền ảo, tình tứ và lãng mạn, thì lại là cái thế giới của ma quỷ và hồ ly, thế giới của kinh hoàng và lo sợ, đang chực chờ ở mọi nơi mọi chỗ, và bất cứ giây phút nào cũng có thể ập tới. Với chúng tôi bây giờ là khoảng thời gian của đợi chờ và nghe ngóng, nó đã trở thành một nhu cầu tinh thần cần thiết, cho mọi người trong những ngày tháng gần đây, từng nhóm năm ba người quây quần quanh chiếc radio để nghe ngóng tình hình, xem có những tin tức biến chuyển nào để còn tìm cách ứng phó. Tôi vừa ăn xong tô mì gói cho bưã cơm chiều, suốt cả tháng nay ăn mì gói nhiều hơn ăn cơm, vì tôi và hơn phân nửa nhân viên cơ hữu trên tầu là nhân viên mới tân đáo, chưa được bổ túc quân số ở Hải đội nên chưa có lương, cho nên cả tầu đều đói rách. Đang ngồi nơi phòng lái bâng khuâng nhìn ra ngoài, suy nghĩ về điều kiện sinh sống hiện tại của chính bản thân, của nhân viên, về những biến chuyển quân sự từ hai tháng nay, tình hình chiến sự thay đổi quá lẹ, và mỗi ngày miền Nam cứ thu hẹp dần, nhanh hơn cả dự đoán, cuả những nhà bình luận quân sự đại tài, lịch sử thời Trịnh Nguyễn phân tranh sắp đến hồi kết cuộc, nhưng thay vì đằng trong thắng đằng ngoài, lần này đằng ngoài đang trên đà thắng thế, ngày xưa đằng trong được thực dân Pháp hỗ trợ, lần này đang bị người Mỹ bỏ rơi. Nhiều tỉnh miền Trung trong vòng hai tháng qua, lần lượt theo nhau bỏ ngỏ, Vùng một và hai đã hoàn toàn mất, vùng ba mất hơn nữa và ngay cả thủ đô Sài Gòn cũng đang bị đe dọa nặng nề. Buồn cho vận mạng đất nước, chán cho hoàn cảnh của mình, bó tay mặc cho giòng đời trôi nổi, tôi bước ra trước mũi tầu tựa lan can, đón những cơn gió biển mang đầy hơi nước lành lạnh, bầu trời mây đen che phủ chẳng thấy một vì sao, càng làm mặt biển thẫm đen hơn, những ngọn đèn vàng khè trên cầu tầu và chung quanh căn cứ không đủ thắp sáng ngày mai, tứ bề yên lặng, một sự yên lặng đến ngột ngạt, bỗng tiếng rè rè từ máy vô tuyến giọng Trung úy Tụng, Sĩ quan trực trên phòng hành quân, muốn gặp tôi có chuyện gấp. Độ này cứ mỗi lần nghe máy là lại thêm một lần chán nản, chỉ một công việc đưa và rước người, lập đi lập lại ngày này qua ngày khác, tôi thẫn thờ ném những bước chân rời rạc nhàm chán trên cầu tầu, chẳng biết lệnh lạc gì nữa đây, rồi tôi lại tự an ủi chính mình, dẫu sao vẫn còn may mắn hơn là phải đưa đón “gái”. Suốt từ ngày về đây chỉ một lần duy nhất, được hoạt động yểm trợ tác chiến Bộ binh, ở về phía Tây Bắc đảo vùng gần cưả Cạn, cách nay chừng hơn tuần, dưới sự điều động của Hạm trưởng (HT) Giang pháo hạm hay Trợ chiến hạm gì đó; Vừa tới gần cửa BTL, thì thấy Tụng đi ra trong tư thế hấp tấp, vẻ mặt khẩn trương, Tụng kéo tôi ngược ra ngoài cầu khẽ nói nhỏ đủ cho tôi nghe : - Tối nay TL sẽ dùng soái đĩnh ra ngoài tầu Mỹ, có cả thân nhân của ông đi theo, nếu mày muốn đi Mỹ, thì hãy nhân cơ hội này theo đi luôn, tao nghe mấy quan thì thầm là, ông sẽ ở lại ngoài đó luôn, chứ không quay trở vào nữa, tao linh cảm chuyến đi này có phần nguy hiểm, nếu mày không muốn đi Mỹ, có thể họ sẽ hành động để chuyện ra đi không bị bại lộ. Nghe Tụng nói vậy tôi phân vân vô cùng, không lẽ các quan lớn bỏ nhiệm sở ra đi cả hay sao ! Đi Mỹ ai không thích, nhưng đi trong tình huống này thì tôi hoàn toàn không muốn, dân thường thì họ đi được, chứ còn mình là một quân nhân mà bỏ đi thì coi sao được, đất nước còn Quân đội cũng vẫn còn, bỏ đi lúc này chẳng khác gì đào ngũ, vả lại gia đình còn ở cả Sàigòn, bỏ đi một mình sao được, còn Loan nữa, tôi sẽ rất ân hận, nếu lỡ nàng vẫn còn chờ tôi ở Sàigòn ? Chứ đâu có biết chỉ còn một đêm ngắn ngủi là tất cả cũng tan hàng. Tôi trả lời ngay: - Tao không thể bỏ đi, tao không muốn mang tiếng là kẻ đào ngũ và tao cũng không thể bỏ gia đình lại được, ông bà cụ tao còn ở cả Sàigòn. Tao cám ơn mày đã cho tao biết ! Tụng nói tiếp : - Mày về tàu suy nghĩ kỹ đi, dăm phút nữa tao sẽ gọi, và nếu mày không đi thì hãy báo cáo tầu bất khiển dụng. - Tao nhất định không đi, mày gọi thằng khác ! tôi trả lời không suy nghĩ hơn. Tụng nói : - Chỉ có mày và thằng Phước biệt phái, nếu mày không đi thì tao gọi thằng Phước, nhưng tao sẽ không cho nó biết tin này, lỡ chuyện đổ bể hoặc có sự thay đổi vào phút chót, tao sẽ gánh mọi hậu quả phiền phức. Nghe Tụng nói vậy, tôi cũng cảm thấy áy náy và trong lòng bất an vô cùng, dù không biết là sự thể sẽ như thế nào, có phải sự thật là vậy không? Nhưng tôi không thể đùn sự nguy hiểm có thể xẩy ra cho người khác, tôi bèn bàn với Tụng một kế hoạch bảo vệ tàu bạn, để đề phòng trường hợp bất trắc, nếu như sự việc Tụng nghi ngờ là thật, mọi giả thuyết có thể xẩy ra, thì tôi sẽ phải làm gì, và ứng phó ra sao, Tụng và tôi bàn bạc một lúc, chúng tôi đồng ý với các đề phòng và phản ứng. Tụng quay trở lên BTL, tôi xuống tầu âm thầm chuẩn bị những kế hoạch, tôi không có ý hại ai, nhưng tôi có nhiệm vụ phải bảo vệ bạn bè, và đồng đội, tôi dặn cầm chừng hai nhân viên còn lại trên tầu, chuẩn bị súng ống để sử dụng khi cần, nhất là cây đại liên 50ly trên nóc, hãy chờ và làm những gì tôi yêu cầu, đêm nay có thể có biến động, ngoài ra tôi không cho thêm chi tiết nào khác, để tránh hoang mang cũng để bảo vệ cá nhân hai chúng tôi. Như dự định về tới phòng hành quân, Tụng gọi tôi nhận lệnh công tác khẩn, tôi báo cáo tầu bất khiển dụng, máy đề không nổ, cơ khí trên tầu đã cố gắng sửa chữa, nhưng chưa được, chưa biết nguyên do, chờ báo cáo về HĐ cho nhân viên xuống sửa, sẽ báo cáo khi sẵn sàng. Cầu tầu vắng lặng như tờ, những con thiêu thân bay dầy đặc, vòng quanh hai ba ngọn đèn vàng quành quạch rọi trên cầu, không một bóng người, bầu trời đêm càng làm cho mặt biển thêm đen hơn, một mầu đen thẫm, đen như cuộc đời, của những người lính thấp cổ bé miệng chúng tôi, mà mấy chàng thủy thủ, thường đùa cợt là đen hơn mõm chó, chỉ biết chờ và đợi. Các xếp lớn bàn bạc họp hành thường xuyên, họ quyết định mọi chương trình ra đi, mọi kế hoạch di tản cho gia đình họ, thuộc cấp họ, tuyệt nhiên không cậy răng, cho các đơn vị khác chung quanh, sĩ quan cấp nhỏ biết một tí ti gì, ngoại trừ con số không to tổ bố, to như cái bầu trời trước mặt, đến độ những gào thét của đại dương, những thịnh nộ của cuồng phong, cũng âm thầm tan nhanh như bọt sóng, xa xa con tầu Challenger mờ mờ ảo ảo, dưới vài ánh đèn của chính nó. Phước và Tôi thường cặp cầu Bắc, về phía bên Hải đội, tôi phía trong còn Phước ở vị trí ngoài đầu cầu; Tắt hết đèn bên trong bên ngoài, và khóa hết ba cánh cửa, dò chừng mọi động tĩnh chung quanh, ngồi trên ghế lái, nhìn qua phía bên kia cầu, một chiếc tầu Hạm đội biệt phái, đen thùi lũi nằm sừng sững, trên hạm kiều người thủy thủ canh gác đi tới đi lui, đến khoảng chừng gần 10 giờ tối, một chiếc xe Jeep lùn từ từ tiến về phía cầu tầu, rồi dừng lại chỗ ngang con tầu tôi. Tuy là soái đĩnh của TL vùng cả tháng nay, nhưng chưa bao giờ tôi đối diện với ông, cũng chẳng biết tính tình ông ra sao ! tốt xấu thế nào, chưa nghe gì về ông như đã từng nghe về những vị tư lệnh khác, đây là lần đầu tiên tôi thấy bóng dáng ông, nhưng không thấy rõ mặt vì tối trời, bóng đèn vàng đổ từ trên cao và chênh chếch từ phía sau lưng tới, theo bên là hai người phụ nữ, và hai hay ba cận vệ có võ trang, họ phụ nhau xuống soái đĩnh số 2, đậu phía trước tầu tôi vài mét, bằng chiếc thang sắt cạnh cầu, rồi chuyển những chiếc Samsonize xuống, khi mọi người đã vào hết trong khoang, và phòng lái, tầu vội vàng tách bến chực chỉ chiếc thương thuyền Challenger, thủ thủy đoàn thản nhiên và không hề hay biết những lo âu, sắp xếp của Tụng và tôi. Đợi cho tầu Phước đi khoảng chừng hơn hải lý, không còn nghe được tiếng máy tầu nổ, hay nhìn thấy rõ rệt bóng dáng con tầu, chỉ còn thấy ngọn đèn hải hành, bên trên cái bóng đen lờ mờ, và đoán chừng từ tầu trước chắc cũng không còn ai ngoái nhìn lại cầu tầu làm gì, tôi cũng âm thầm tách bến ra khơi, không đèn không đóm, tôi mở máy vô tuyến theo dõi mọi âm thanh bất trắc, hay đối thoại nếu có từ tầu Phước, qua chiếc máy truyền tin trên tần số phòng hành quân, và 1 qua tần số của riêng tôi và Tụng, ba chúng tôi ngồi cả trong phòng lái nghe ngóng, và cố dùng ống nhòm theo dõi bọt sóng trắng, lờ mờ sau đuôi con tầu phía trước, tôi lầm bầm cầu nguyện Phật Bà Quan Âm, ban phước lành cho mọi người được bình yên, đừng có điều gì đáng tiếc xẩy ra, ai muốn đi cứ ra đi bình thản, và ai muốn ở lại cũng được ở lại an lành. Bình thường ban ngày mỗi lần chở người ra ngoài tầu lớn, mất khoảng nửa tiếng là cùng, nhưng sao bây giờ tôi cảm thấy thời gian dài lê thê, đoạn đường trước mặt như xa vô tận, và con tầu dường như đứng nguyên một chỗ, nhưng tôi cũng không dám cho máy tiến tốc độ tối đa, vẫn giữ khoảng cách để không nhìn thấy rõ nhau trong đêm tối, tôi đếm từng giây phút nặng nề trôi ì ạch cùng với con tầu. May mắn thay khoảng nửa đường, thì nghe tiếng Tụng từ phòng hành quân gọi cho Phước, mời mặt trời lên máy, vì có cha xứ sở tại và vài đại diện giáo dân, đã vào BTL và xin được gặp TL, chúng tôi đã giải thích TL bận họp không có mặt, và sẽ trình TL biết, để gặp quý cha khi TL trở về, nhưng cha xứ nhất định ngồi chờ, và yêu cầu đích thân gặp mặt TL, nếu không gặp ông không về, vì ông nghe tin căn cứ Hải Quân chuẩn bị di tản bỏ dân chúng, ông nói nếu không gặp được TL đêm nay, dân chúng có thể sẽ tràn vào trại, sau vài phút viện lý do này nọ không xong, cuối cùng thì TL đã phải đồng ý, sẽ quay trở vào sau khi đưa thân nhân lên tàu Challenger. Tôi không biết cha xứ và các giáo dân cảm giác ra sao, có vui mừng hay không! riêng tôi khi nghe mẩu đối thoại trên, tôi thở phào nhẹ nhõm, như quẳng được gánh nặng ngàn cân, đang đè trên vai xuống biển, tôi thầm cám ơn Phật Bà, và Đức Mẹ đã đáp lời cầu nguyện của chúng tôi, tôi ngưng máy thả tầu lềnh bềnh, chờ cho đến khi Phước cặp vào tầu Challenger an toàn, và bắt đầu quay trở về căn cứ, lúc bấy giờ tôi cũng cho tầu trở về, và cặp nguyên vị trí cũ, trước khi tầu Phước có thể nhìn được thấy bến, khi thấy bóng tầu Phước sắp sửa về tới cầu tầu, tôi tắt máy vô tuyến và chui xuống phòng nằm yên suy nghĩ vẩn vơ, cuộc đời trớ trêu oái oăm quá ! khi tới bước đường cùng, dường như người ta cũng đánh mất hết niềm tin cho nhau ! Kể từ khi người Mỹ trực tiếp tham chiến ở VN, cho đến thời điểm xáo trộn này, vỏn vẹn có 10 năm, họ đã không thành công trong nhiệm vụ bảo vệ, cái mà họ gọi là tiền đồn Tự Do này ở Đông Nam Á, nhưng hình như họ đã thành công trong việc đào tạo được một lớp người, một giai cấp tham mưu mới, có tư tưởng tạm cho là cấp tiến phóng khoáng, theo chủ nghĩa nhân quyền kiểu Mỹ. Người Mỹ đặt bút ký hiệp định Paris, để nhận sự bảo đảm an toàn cho lính Mỹ, được rút khỏi VN về nước, còn những người lãnh đạo miền Nam mới này, dân sự cũng như một số cấp chỉ huy trong quân đội, suốt mấy tuần nay cũng họp hành bàn bạc liên miên,chẳng biết là các ông có kế hoạch nào chung cho đất nước, cho tập thể quân lực VNCH, hay chung cho một đại binh chủng, nhưng chẳng có một kế hoạch nào, cho các đơn vị thuộc cấp nhỏ, ngay tại Vùng 4 này, tất cả có 4, 5 đơn vị nắm cùng chung một hàng rào, và duyên đĩnh tôi biệt phái, hoạt động trực tiếp với BTL vùng, mà cũng không hề biết, hay nhận một tin tức gì về việc nếu có di tản, HĐ4 cũng không thấy có một kế hoạch gì cả, hình như dân đen và binh lính thì có sống hay chết, với những người lãnh đạo cấp cao, là điều kiện ắt có và phải có, để bảo đảm cho cái nhân quyền của họ được an toàn, không bị đối phương bắt bớ, tra tấn hay hành hạ, cầm tù “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” muôn đời là thế. Cái tình nghĩa chia ngọt xẻ bùi, vui cùng hưởng, khổ cùng chia của cái nho học ngày xưa, như Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo : “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” hay nghĩa khí ngút ngàn như Hưng Đạo Đại Vương khi thảo Hịch tướng sĩ : “Dẫu trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, ngàn xác này gói trong da ngựa thì cũng cam lòng”, nay không còn nữa, họa chăng chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay; Phần nhiều các vị lãnh đạo bây giờ chẳng ngu dại gì, ở lại cùng chia sẻ cái khổ nhục với dân lành, điển hình là NVT và TTK đã cao chạy xa bay ra ngoại quốc, ngay sau khi trao được căn nhà đang cháy, lên tới nóc vào tay người khác, còn Tổng Tham Mưu Trưởng Quân lực cũng vậy, theo gót thượng cấp cũng từ nhiệm, để dễ dàng trốn chạy ra tầu Mỹ trước. Nhưng cuộc đời mà, thời nào chẳng thế những hạng giá áo túi cơm thì đông như ruồi như muỗi, nhưng người tài sĩ khí thì qúa ít “Tuấn kiệt như sao buổi sớm, Nhân tài như lá cuối thu” (Nguyễn Trãi), âu cũng là vận mạng của đất nước tới hồi mạt vận, mới sinh ra những loại người lãnh đạo như vậy. Sớm ngày 30/4, tầu Challenger dời vị trí ra neo tuốt ngoài khơi, mấy chiến hạm HQ cũng nhổ neo, tách bến nối đuôi nhau chạy lòng vòng ngoài xa, nhiều thuyền đánh cá từ đảo Phú Quốc, và trong đất liền nhắm chiếc thương thuyền Mỹ tiến ra, nhấp nhô trên từng đợt sóng; Tình hình chiến sự dường như đã đến hồi kết cục, mọi người chờ đợi không biết chuyện gì sẽ xảy ra, hy vọng một sự rút lui bảo toàn lực lượng, cố thủ vùng 4 chiến thuật, như ông Tướng ‘Cao Bồi’ từng tuyên bố : ”Sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng !” hoặc bám víu vào một giải pháp chính trị ‘Hòa hợp, Hòa giải Dân Tộc ba thành phần !’ mong manh, bất đắc dĩ theo kiểu ông Big Minh, mà các nhà chính trị và ngoại giao ở Sàigòn, đang cố gắng điều đình, để cứu vãn một miền Nam còn có thể thở chút không khí Tự Do. Sáng sớm hôm nay tôi đã phải làm hai cuốc Taxi, chuyên chở một số Sĩ quan ra ngoài Chiến hạm, đang trên hải trình vào bến, với đầy miên man suy nghĩ, chẳng biết tình hình sẽ thay đổi thế nào, mà các quan lớn di tản chiến thuật cả rồi, nhưng không một vị nào hé môi, hay hỏi tôi một tiếng, không một vị nào cho biết BTL vùng đã và đang di tản, hay tan hàng, tôi nghĩ nhiều người chắc trong thâm tâm họ, dư biết đó là chuyến đi cuối cùng, tôi cảm thấy hoang mang lẫn thất vọng, đúng lúc ấy thì trên đài phát thanh Sàigòn, phát lời tuyên bố của tân Tổng Thống Minh, ra lệnh cho quân đội VNCH, buông súng đầu hàng tại chỗ, lúc bấy giờ khoảng 10 giờ sáng. Cái tin như sét đánh ngang đầu, thật bàng hoàng, thật đột ngột, thật kinh khủng, không ai có thể ngờ, đây là giải pháp cuối cùng của miền Nam VN. Tôi có cảm tưởng như đang bị cuốn giữa giòng thác lũ, đầu óc quay cuồng, choáng váng, trong thoáng giây cơ thể tôi hoàn toàn tê dại, và có lẽ đó không phải là trạng thái của riêng tôi, mà là của chung tất cả mọi người dân và quân miền Nam, giây phút yên lặng quá, yên đến độ, chỉ còn có tiếng sè sè nho nhỏ từ cái speaker màu xanh cứt ngựa, cũ kỹ treo ở góc phòng lái, thi đua cùng tiếng sóng vỗ ì ầm vào thành tàu, tiếng bọt nước tung lên và rớt xuống sàn tầu ào ào, rồi loãng tan nhanh giữa lòng biển cả. Tuy nhiên cái khoảnh khắc bất động đó, cũng không kéo dài bao lâu, người người choàng tỉnh, chợt nhận ra đó không còn là mộng, mà là một sự thực, một sự thực quá hiển nhiên, một cơn ác mộng quá phũ phàng, liền tức khắc là những tiếng ồn ào, tiếng gọi nhau ơi ới tới tấp, dồn dập của các tàu bè, chiến đĩnh, của những đơn vị bạn, họ gọi bảo nhau chuyển tần số riêng, những tiếng kêu như gió rít trong xa mạc, bão hú giữa đại dương. Tôi chợt bàng hoàng biết gọi ai bây giờ! ở đây tôi không biết mấy ai! chỉ có NQTụng và NVPhô, Tụng thì đã nói với tôi đêm qua là Tụng sẽ ở lại không đi, vì nếu đi thì cũng đã theo BTL đi rồi, còn Phô từ hôm biệt phái không hề gặp lại, Phô không nói chuyện với tôi lần nào cả, cũng không biết HĐ, có chương trình gì cho người đi kẻ ở, những sĩ quan bên Hải đội thì không biết có những ai, và họ cũng đi công tác xa hết. Cách đây vài tuần tôi có gặp Sơn cũng khóa 1/70 Quang Trung, chỉ thoáng một lần, nhưng Sơn ra đây công tác trên trại tị nạn; Tôi kéo cần ga cho tàu chậm lại, chờ xem có tàu nào quen biết, để cùng bàn tính xem sao, nhưng chẳng gặp ai thân, vài chiếc đang phóng về hướng thương thuyền Mỹ, đột nhiên có tiếng gọi : - Zoulu ! Zoulu ! đây Tango nghe rõ trả lời ! - Tango ! đây Zoulu nghe 5, tôi vội đáp. - Ông đang ở đâu vậy ? Đó là tiếng Trung úy PTT (6/69 Thủ Đức) thực tập thuyền trưởng trên tầu, tôi khấp khởi mừng thầm trong bụng, như nguời đang trôi ở giữa giòng vớ được cái phao, quả thật kiếm một người bạn đồng hành trong giây phút này, như tìm được bức tường chắn gió, mặc dù cũng biết không ai giúp được ai trong lúc này, nhưng đỡ trống vắng biết bao, - Vừa qua hòn Thơm đang trên đường vào bến, ông ở đâu ? Bây giờ tính sao ! tôi vội trả lời và dồn dập hỏi. T giọng khẩn khoản năn nỉ, - Ông làm ơn vào bến cho tôi xuống với, tôi đang ở trong BTL, các quan lớn đi hết cả rồi, chỉ có vài thằng em con bà phước, mình vào Rạch Giá tìm đường về Sàigòn thôi, nói xong T cúp máy. Cặp trở lại vào cầu tàu, tôi bảo Trung sĩ cơ khí Năm lên HĐ tìm hết nhân viên vắng mặt, và nhân thể ghé qua phòng tôi, xách dùm cái túi quần áo mầu xanh. Xa xa ngoài khơi thấp thoáng vài chiếc PCF, từ vùng công tác đang hốt hoảng xả hết tốc lực chạy về, đùa những cụm bọt trắng xóa trước mũi tàu; Đột nhiên từ sau núi, phía mũi ông Đội, xuất hiện hai chiếc khu trục cơ nhắm hướng căn cứ HQ An Thới, các tàu lo sợ có thể xảy ra vụ A-37 hôm nào ở Sàigòn, nên gọi nhau chuẩn bị súng phòng không, trên căn cứ có tiếng súng nổ lốp đốp, may mắn thay, một chiếc Skyraider bay xà xuống vừa để tránh đạn, vừa vẫy cánh liên hồi, như để ra hiệu cho biết là bạn, chứ không phải thù, thì ra đó là những cánh Đại Bàng không quân vỡ tổ, cũng đang ngơ ngác tìm đường thoát thân, giống như những con Kình Ngư chúng tôi, mới hôm qua còn ngang dọc khắp vùng sông nước, mà bây giờ bỗng lạc bầy tứ tán, chiếc khác đảo hai vòng thật thấp, như nhìn lần chót phần đất cuối cùng lãnh thổ, thầm nói lên lời chào từ biệt, rồi vội vàng vươn cánh nối đuôi nhau biến mất về phía trời tây, tôi đoán hướng về căn cứ không quân Utapao bên Thái, thỉnh thoảng lẻ tẻ, một hai chiếc trực thăng vỗ gió phần phật, bay tút trên trời cao để tránh súng phòng không, uể oải như những cánh hạc cô đơn, muộn màng buổi chiều, bay về phía biển Đông nơi có những chiến hạm, của Hải quân Hoa Kỳ đang hoạt động, và các chiến hạm của HQVNCH đang đổ ra, nhìn cảnh tượng này, trong lòng tôi thấy buồn tê tái, thê lương qúa, không còn gì ảm đạm hơn trên cõi đời này ! Không ai có thể ngờ cả một Quân đội hùng mạnh, đứng vào hàng thứ 7, 8 trên thế giới, lại có thể tan rã một cách nhanh chóng đến như vậy. Khoảng chút sau Tài, Năm và một đoàn dăm bẩy người nữa kéo xuống đến nơi, Năm cất tiếng : - Tôi không thấy cái túi sách của Trung úy đâu cả. Nghe Năm nói vậy tôi thoáng buồn, hơi chút bực tức, không biết hắn nói thật hay hắn nói dối, tôi nửa muốn quay trở lên tìm, nửa lo ngại không muốn rời tầu, phân vân không biết phải làm sao, vì rời tàu trong giây phút này nguy hiểm vô cùng, là tự hủy hoại đôi chân của chính mình, rất có thể sẽ bị mất phương tiện di chuyển vĩnh viễn, cái xách tay của tôi không có gì ngoài cuốn Album, kỷ niệm cuộc tình với Loan mà tôi luôn mang theo, và ba bộ đồ lính, bất chợt nghe phòng hành quân Hải Đội ra lệnh trên máy, tiếng rất quen hình như đó là tiếng gọi của Trung úy P: - CHT/HĐ4 kêu gọi tất cả các thuyền trưởng mang tàu cặp bến và đợi lệnh; những danh hiệu từng tàu một, lần lượt được gọi, nhưng chỉ một vài chiếc trả lời cầm chừng, còn phần lớn đã lặn và tẩu tán đi hết rồi, có một số đã lên tầu Mỹ. - Zoulu nghe 5, đang đậu tại cầu số 1. Tôi thẫn thờ trả lời khi nghe trên máy gọi đến mình, lòng đầy chán chường, tại sao không kêu gọi anh em vào chở nhân viên và gia đình cùng đi, chắc chắn vì tình bạn không ai lỡ bỏ, lệnh lạc chỉ làm anh em hoang mang và lo sợ hơn. Cá nhân tôi cũng không dám chắc là mình có dám ở lại đây đợi lịnh, bằng mọi giá tôi không thể rời tầu, không biết tính sao, ở lại hay vào Rạch Giá, tôi leo lên cầu tàu đảo mắt nhìn một vòng, bên căn cứ một chiếc LCM đầy ắp người, máy nổ phập phồng, nhả từng cụm khói đen ngòm hai bên hông nặng nề tách bến, bên Hải Đội một số nhân viên hối hả đổ dồn xuống cầu tầu, chỉ còn lại vài chiếc Duyên tốc đĩnh (PCF), hai ba Tuần Duyên đĩnh (WPB), chẳng ai rõ có bao nhiêu còn khiển dụng, ngoài khơi mấy chiếc chiến hạm HQ đang nối đuôi nhau ra khơi, kéo đằng sau những vệt dài trắng xóa, bỏ lại những chiến hữu cùng một màu áo hoang mang trên bờ, bỏ lại những chiến đĩnh nhỏ bé, hốt hoảng chạy lung tung chở đầy thất vọng, và BTL vùng đã hoang vắng, trên bãi dọc căn cứ, người ta đang vội vã đổ xuống các cầu tầu, tôi còn đang lưỡng lự, thì mấy nhân viên trên tầu ơi ới thúc dục: - Trung úy xuống tàu nhanh lên, không có người ta tràn xuống thì chìm tàu đó. Tài đã đề máy và nhân viên chuẩn bị gỡ dây cột, Tôi nghĩ có lẽ trong tâm trí mọi người, khúc phim thảm thương khốc liệt, di tản miền Trung đang được quay lại, tôi vội vàng nhẩy xuống, vừa chạm chân lên boong, thì con tàu đã lẹ làng tách bến, nếu tôi không lanh tay chụp vào lan can thì đã bị hất văng xuống biển. Trên phòng hành quân Hải Đội, người Sĩ quan trực vẫn điềm nhiên làm nhiệm vụ kêu gọi tàu vào bến, chừng dăm phút sau phát hiện tôi đã tách bến, anh ta réo gọi. - Zoulu ! Zoulu ! đi đâu vậy, cặp tàu trở lại ngay ? CHT kêu tất cả các tàu vào bến, tôi bốc máy định trả lời nhưng suy nghĩ sao lại thôi, bây giờ biết nói gì đây, tôi cũng muốn ở lại chờ xem đơn vị tính sao, nhưng tiếc thay tân CHT đâu có chương trình, hay kế hoạch gì, mặc dầu tàu Mỹ nằm chình ình ngoài khơi ngay trước mặt, tôi nghĩ với số lượng tàu bè của HĐ, đủ sức để di tản tất cả những ai muốn đi, tôi phân vân đi thì mang tiếng bỏ đồng đội, nhưng vào thì tôi sẽ bị kẹt ở đây, tương lai không biết sẽ ra sao! trong người không có một xu dính túi, thì làm sao trở về nhà được, mà cho dù tôi có muốn trở vào, những anh em trên tàu chưa chắc đã chịu, bao nhiêu ý nghĩ lẩn quẩn trong đầu, và lời của Thiếu tá CHT cách đây mấy ngày, ‘Chính phủ nào lên thì mình cũng làm việc như thường !’ vẫn còn văng vẳng bên tai, cái khổ là không ai hiểu ông muốn ám chỉ chính phủ nào? Chính phủ ba thành phần hay Cộng sản ? Tôi tự nhủ thầm, bây giờ cộng sản đã thắng, họ có cho mình làm việc hay không, hay họ sẽ hành hạ mình như họ đã từng làm, người cộng sản làm gì có lương tâm hay tình nghĩa, từ cảnh đấu tố ở miền Bắc trước năm 1954, tới thảm cảnh Mậu Thân ở Huế năm 1968, vẫn còn sờ sờ ra đó, ở lại cái chết nhiều hơn cái sống, mà chưa chắc đã được gặp mặt thân nhân, nên tôi quyết định phải rời khỏi nơi đây, tìm đường về Sàigòn càng nhanh càng tốt, để ông bà cụ được an tâm, nhìn thấy con cái trở về đầy đủ, để xem Loan bây giờ ở đâu, có còn nơi nhà trọ (?), tôi thầm mong nàng đã trở về với gia đình, như vậy an toàn và đỡ phần lo lắng, nhưng trước hết phải đưa những người này ra ngoài tàu Mỹ đã, trên đường ra tôi lại đón thêm khoảng chục người, trên các ghe đánh cá nhỏ, có vài SQ cấp cao cấp bộ binh, lên được tầu nỗi vui mừng thấy rõ, chắc họ cũng như tôi chỉ muốn rời khỏi nơi này bằng bất cứ giá nào ! Khi tôi cặp vào cạnh chiếc LCM dùng làm đầu cầu, cho người leo lên tầu Challenger, tất cả người quá giang, nhân viên và kể cả Tài, cũng đổi ý không vào Rạch Giá nữa, lần lượt leo qua, chỉ còn Trung sĩ N và tôi quay vào, trên đường vào bờ vừa đi lại vừa vớt thêm người, cả dân lẫn quân, phần lớn họ là các Quân nhân ở Phú Quốc, vì sợ tù nhân VC trả thù, nên họ đã tìm mọi phương tiện ra đi, bất kể thuyền to hay nhỏ, bất kể đi đâu, miễn rời khỏi nơi đây. Qua khỏi đám hòn Tây, hòn Đông, tôi đẩy tay ga cho máy tiến nhanh hơn, thân tàu rung động, ầm ầm lướt tới, mũi tầu nhẩy chồm lên, chẻ từng đợt sóng làm đôi, hất tung những lọn nước trắng xóa phủ lên thân tàu, con tàu nghiêng ngả liên hồi, như một người say, không say rượu, say tình hay say sóng, mà đang say vì thời cuộc như tôi, tôi muốn gào lên thật to cho vang vọng đất trời, ngoài trời không mưa, nhưng mắt tôi đã thấy nhạt nhòa, những cơn gió vẫn lồng lộng thổi, cuốn theo bụi nước bay vào phòng lái, táp trên mặt tôi, tôi thấy vị mặn trên bờ môi, không biết là vị mặn của biển cả hay của cơn bão tố trong lòng người. Người Sĩ quan Hải Đội cũng không còn réo gọi ra lệnh như hồi sớm, mà chỉ nhỏ nhẹ kêu gọi những tàu ở lại, hay đang trên đường vào bến kéo theo những con tàu thả trôi về, những lời buồn bã nữa như thì thầm với chính bản thân, nưả như đã chấp nhận sự bất lực, không thể điều động được ai nữa, như những người hốt hoảng leo lên tàu Mỹ cũng bất lực, mọi người đều bất lực cả với chính mình, đã mấy ai tự chủ được bản thân, để mặc hành động trôi theo hoang mang, cuốn vào khối đông, mỗi con người là một cánh lục bình trôi dạt giữa giòng sông, hay như chiếc lá bị cuốn hút trong cơn lốc định mệnh, trước mặt tôi, bên trái bên phải, tầu thuyền đánh cá túa ra như bầy ong vỡ tổ, hối hả hướng ra tầu Mỹ ngoài khơi, tôi nhìn những con thuyền đánh cá, những chiếc PCF, nhiều chiếc không người mà máy vẫn còn nổ, trôi lềnh bềnh quay lòng vòng, chỉ vài phút trước đây nó là lẽ sống, là linh hồn, là cứu cánh của rất nhiều người, mà bây giờ trở thành hoang vu, phế bỏ, tôi cầu mong tất cả những con tầu, những chiếc thuyền bé nhỏ này, sẽ về được một bến bờ an toàn, như chính nó đã cho người ta an toàn đến được nơi họ muốn. Tôi nhìn nó mà thương bản thân tôi, tôi cũng như nó, có biết đâu mà đi, có chỗ nào mà tới, tôi có gia đình mà không dám về, đành bỏ lại, có quê hương mà không chỗ nương tựa, nó có bến mà không ai đưa vào, tôi muốn thòng dây kéo nó, nhưng biết kéo nó đi đâu, ngay cả bản thân tôi, còn chưa biết kéo nổi hay không? Tôi chợt nhớ lời Phô hôm đưa tôi công điện, biệt phái qua BTL vùng “Mai mốt có chuyện gì đừng bỏ anh em nghe!” tôi chợt thấy đau lòng, xấu hổ với chính mình, xin lỗi Phô nhe, tôi rất cảm ơn Phô ! Tôi không bỏ anh em, tôi chỉ mong có một câu “Hãy vào đưa anh em rời khỏi nơi đây!” chắc chắn tôi sẽ quay vào, nhưng “Hãy mang tầu về bến đợi lệnh !”, thì tôi qúa sợ, vì chúng tôi đã chờ và nghe “lệnh” quá nhiều, nên mới ra nông nỗi này ! Qua khỏi hòn Thơm trên đường vào Rạch Giá, từ xa xa trước mặt, một chiếc thuyền đánh cá chạy ngược chiều trở ra, đứng trước mũi bóng dáng một quân nhân hải quân đang cầm cái mũ vẫy lia lịa, Tôi đưa ống nhòm lên xem thì nhận ra là một sĩ quan HQ, chiếc thuyền nhắm tầu tôi tiến tới, đến gần thấy quen quen, nhưng tiếc thay tôi không nhớ tên. Tôi ngưng máy, chiếc ghe tiến gần, rồi cặp sát bên cạnh, chẳng đợi hỏi han hắn lẹ làng nhẩy qua, vừa lấy được thăng bằng, hắn đã hỏi ngay : - Ông định đi đâu đây ? cũng vẫn một câu hỏi, mà tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần từ sáng tới giờ. - Tôi vào Rạch Giá tìm đường về Sài Gòn, tôi trả lời. Hắn nhanh miệng, - Ông vào làm gì nữa, tôi định về Biên Hòa đón ông bà già, chờ cả ngày hôm qua mà không có xe, đành phải trở ra lại, ông quay lại đi thôi. Rồi hắn tiếp : - Đường về Sài Gòn họ nói bị cắt làm mấy khúc lận ! Câu nói của người bạn này đã cắt đứt tất cả hy vọng trở về gặp lại gia đình trong tôi, bố tôi sẽ lo lắng lắm, mấy tháng trước cụ đã mất ăn mất ngủ chờ tin Đản, nay lại đến phiên tôi, cụ đã già còn sống được bao lâu, mà đến cuối đời cũng vẫn khổ vì con, không một phút giây thoải mái, tôi cảm thấy buồn rười rượi, khung trời trước mặt bỗng nhạt nhòa, rồi lại thấy mằn mặn bờ môi, chẳng biết nước mắt đã đổ tự lúc nào ! Không còn hy vọng gì đi bằng đường bộ, cũng không muốn mất thêm thì giờ, chỉ còn mỗi cách giữ con tàu này làm cứu cánh, trở về bằng các cửa sông lớn, nhưng đường biển thì đến thưở nào mới về tới nhà… Mặc kệ! dẫu sao có con tàu còn hơn không, tôi có thể dùng nó lần mò về Vũng Tàu, hay bất cứ cửa nào có thể xâm nhập Trần Đề, Định An, Cổ Chiên, Hàm Luông, Cửa Đại, cửa Tiểu, Soài Rạp, và từ đấy sẽ lần mò đường bộ về Sài Gòn, muốn ra sao thì ra. Nghĩ vậy tôi đành quay tàu ra khơi trở lại, Người bạn Trung úy trẻ khẩn khoản muốn tôi đưa ra tàu Mỹ, và khuyên tôi cùng đi, vài người quá giang bây giờ cũng phụ vào năn nỉ, tôi nghĩ đó cũng là cách tốt để giúp họ ra đi, vả lại càng ít người trên tầu càng đỡ lo, và càng dễ dàng cho tôi lẩn tránh. Hành trình tới gần chiếc thương thuyền Challenger càng thu hẹp, thì càng thấy nhiều thuyền bè không người trôi lềnh bềnh trên mặt biển, thuyền dân, thuyền lính đủ cả,…Ghé cặp sau đuôi chiếc LCM cho mọi người qua, Năm từ trước tới giờ vẫn muốn bám sát tôi, bây giờ cũng do dự và đổi ý sách gói leo qua, Tài vẫn còn trên chiếc LCM và chưa lên được tàu lớn. Trời về chiều, gió càng lúc càng mạnh và sóng càng lớn, thuyền bè trồi lên, hụp xuống va chạm vào nhau ầm ầm, khiến không ai có thể lên tầu Mỹ, bằng cầu thang sắt bên cạnh tầu, họ phải thả thang dây xuống, nhưng cũng vô ích vì sóng qúa lớn, không ai dám leo, sau cùng họ phải dùng cần trục thả lưới bốc dỡ hàng hóa xuống, để kéo người lên, tuy chậm nhưng an toàn hơn. Thời gian chờ đợi khá lâu, đã đến 4 giờ chiều mà người lên thì chẳng được bao nhiêu, vì càng về chiều,sóng càng to, gió càng mạnh, cộng thêm sự hỗn độn, đàn bà trẻ em đã chậm chạp, mà lại còn chen lấn tranh dành nhau, khiến cho việc bốc người càng trì trệ, trong khi đó thuyền bè mỗi lúc vẫn đổ ra mỗi nhiều, thấy mọi người ra đi tôi nghe lòng chột dạ cũng nao nao, nhưng ngước nhìn lên tàu, toán lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, chĩa những họng súng M16 đen ngòm, xuống thuyền bè phiá dưới, một vị Linh Mục VN ở trên tàu, dùng loa phóng thanh cầm tay, luôn miệng yêu cầu tất cả mọi quân nhân VN, vứt bỏ khí giới quân dụng xuống biển trước khi lên, có quan tháo lon gỡ lá, cầu vai, bỏ mũ, nhét vào túi áo, túi xách, có ông mân mê những khẩu Colt nhỏ bé xinh xinh, nhìn ngắm một chút rồi quăng xuống biển. Tôi bỗng thấy buồn cho thân phận nhược tiểu, quay vào phòng lái đề máy, tiếng máy nổ bập bùng hòa trong sóng nước, Tài, Năm đang bám trên thành chiếc LCM chừng như cũng nản chí vì chờ đợi, và nhất là Năm còn kẹt vợ và đàn con dại năm đứa ở Cát Lở, có lẽ chùn lòng không đành lòng đi, nên lại quay trở về tàu, Năm hỏi. - Ông thầy định đi đâu. - Tôi tính về Vũng Tầu. Tài xen vào. - Có về Vũng Tầu nổi không ? - Chưa đi PCF về bao giờ nhưng chắc có lẽ được. Tài tiếp, - Ông liệu chừng mấy ngày thì tới. - Tôi đoán cũng phải mất hai ba ngày đêm. Năm nói, - Tàu mới lãnh dầu hôm kia, tôi nghĩ đủ về Vũng Tàu. Tôi ngắt lời. - Nhưng tàu đã chạy liên tu cả hai ngày rồi, nhưng ăn thua gì, đủ tới được cửa nào tôi táp vào cửa đó. Tôi lùi tàu ra khỏi đám thuyền bè hỗn độn, cũng trong lúc ấy chiếc LCM chở đầy người bên trong, bị đứt giây trôi dạt ra sau, dòng theo hàng chục chiếc thuyền đánh cá cột chung quanh, thân tàu bị sóng nhồi đập và sắp chui vào đuôi tàu lớn, cột cờ và radar bị gãy, nhân viên LCM không còn ai nữa, vài thủy thủ cố gắng đề máy nhưng không được, những người trên tàu Mỹ hốt hoảng dùng loa kêu cứu, Tôi đành quay tàu lại cố gắng kè chiếc LCM trở về vị trí cũ, người cầm loa trên tàu cảm ơn thuyền trưởng và thủy thủ đoàn 3808, khi tháo dây buộc ra thì lại có một thêm thủy thủ trẻ nhảy từ bên chiếc LCM qua, thủy thủ này nhỏ con và còn quá trẻ thò đầu vào hỏi. - Trung úy đi vào bờ hả ? - Không, tôi về Vũng Tàu, cậu có đi không ? tôi hỏi lại. Người thủy thủ nói : - Dạ, bây giờ đi đâu cũng được. - Nhưng tại sao cậu không chờ lên tàu Mỹ ? - Em biết gì đâu, thấy người ta đi thì em cũng đi vậy thôi, nhưng đi Mỹ biết làm gì mà sống, em có biết chữ nào đâu, người thủy thủ trẻ điểm nụ cười thành thật trả lời. Tôi hỏi: - Cậu tên gì và nghề gì ? - Dạ Hiền, vận chuyển. Thế là trên tàu có tất cả bốn người, Tôi quay tàu nhắm hướng đảo Thổ Châu (Poulo Panjang) mà đi, Tài xuống dưới phòng ngủ, chừng 15 phút sau trở lên trong bộ đồ tiểu lễ trắng, Quân phục chỉnh tề, tay cầm khẩu M16, vẻ mặt đầy tuyệt vọng. Tôi ngạc nhiên hỏi. - Giờ này ông còn thay đồ tiểu lễ làm gì ? Tài thẫn thờ trả lời : - Tới nước đường cùng rồi, tự tử chết quách cho rồi, chứ còn sống làm gì cho nhục. Nhìn cử chỉ của Tài, và nghe lời nói rất thật chứ không phải đùa, Tôi kiếm lời an ủi mặc dù trong thâm tâm cũng buồn không kém, chỉ trong khoảnh khắc đời sống đã trở nên thừa thãi, bốn phương vô định, không biết nơi đâu mà đi, bến nào mà về, cả một tương lai chỉ còn là con số không, đành phó thác cuộc đời cho định mệnh. - Ông có chết bây giờ cũng chỉ giải quyết được riêng cá nhân ông thôi, chứ không giải quyết được gì cả, thân nhân của ông chẳng bao giờ biết được cái tin cuối cùng này, chi bằng ta cứ tìm cách lẻn về gần Sài Gòn rồi sau sẽ tính, những kẻ cầm quyền, những kẻ có trách nhiệm, Tướng Tá còn bỏ quân mà chạy thoát thân trước, còn mình cắc ké đã lo cho biết bao nhiêu người việc gì phải chết, tôi phân giải. Tài nói : - Nhưng có sống cũng bằng thừa mà thôi. - Đành là như vậy nhưng chết còn lãng phí hơn, cuộc đời còn quá dài, ông xem trời nước mênh mông, trên tàu đầy đủ ai làm gì được mình, tới đâu hay tới đó, sao lại phải tự vận chết khơi khơi, tôi trấn an. Nghe chừng như cũng có lý, Tài lặng thinh, Tôi tiếp, - Tôi nói ông nghe, nếu mình về tới được Vũng Tàu thì tốt, còn không quay lại trốn ở mấy hải đảo này, chẳng ai biết đấy là đâu, nếu chúng có tìm được, thì với số súng ống đạn này, chúng có bắt được mình chắc cũng không dễ ! Năm thêm vào : - Ông D nói có lý đó, thôi Trung úy xuống thay đồ nằm nghỉ một chút cho tỉnh ! Mặt trời đã xuống ở cuối chân mây giáp lằn ranh với biển cả, lằn ranh tranh chấp giữa ánh sáng và bóng tối, tròn xoe và chói lọi đỏ như máu, rồi chuyển thành vàng vọt ma quái, hắt lên từ vùng lăng kính tím thẫm, trên mặt biển mênh mông, giống như cuộc đời của những người xa cơ thất thế, đã vì lý tưởng Tự Do mà dâng hiến, nửa chừng gẫy gánh, tương lai là những âu lo, sợ hãi đang chờ đợi nếu ở lại, và những mịt mùng vô định nếu ra đi, nửa bầu trời phương Nam mây đen che phủ, biển trời nối liền làm một, chỉ một mầu đen, đen như thân phận, của những người chiến sĩ vô danh Việt Nam hôm nay, đêm nay thế nào cũng mưa to gió lớn. Tôi tự nhủ thầm rồi bàn với nhân viên, tới đảo Thổ Châu tạm thời nghỉ ngơi, ăn uống vì từ sáng tới giờ chưa có chút gì vào bụng cả, nỗi lo sợ, niềm hoang mang đã làm mọi người quên đói, ở đó nghe ngóng tình hình, chờ sáng mai hãy lên đường về Vũng Tàu, hoặc táp vào cửa sông nào đó là tốt nhất, mọi người đều đồng ý, trên hải trình thỉnh thoảng lại gặp một chiếc thuyền trôi lềnh bềnh, mà chủ nhân và khách qua đò bất đắc dĩ, đã lên cả tàu Mỹ rồi, tôi táp lại cạnh một hai chiếc, tìm được một số thùng mì gói, gạo và đồ hộp, chúng tôi lấy để làm lương thực cho những ngày sắp tới. Khoảng 9 giờ tối tôi thấy Thổ Châu phía trước mặt cách chừng dăm hải lý, tôi cho tầu nhắm hướng thẳng tới để tá túc qua đêm, trên đầu lúc này cả một bầu trời mây đen thật thấp nặng trĩu đầy hơi nước, tôi biết mưa sẽ ập xuống chỉ trong giây lát, 10 giờ mưa trút xuống tầm tã, ngoài trời tối đen như mực, không thể thấy được gì bên ngoài, con tầu lần mò trong đêm đen, dần dà hòn núi khổng lồ sừng sững hiện ra trước mặt, radar không còn hữu hiệu, tôi cho tàu chầm chậm tiến vào gần, tới lúc thấy có vẻ đã gần lắm rồi, vì tôi thấy một bức tường đen sát ngay trước mắt, tôi ngưng máy, bảo Năm và Hiền ra thả neo, neo rơi đến hết dây mà vẫn chưa đụng đáy, không biết vì dây quá ngắn hay hãy còn quá sâu, càng lúc trời mưa càng lớn và nặng hạt, tối không thấy được gì, cũng không biết rõ vị trí con tầu với đảo. Tôi dọi đèn pha về vách núi, và bảo Tr/Úy Tài cùng Hiền ra ngoài canh nhìn cho kỹ xem nếu thấy gần núi thì nói, tôi tiếp tục cho tàu chạy chầm chậm men dọc bờ để đi về phía tây đảo, hy vọng tìm được cái vịnh nhỏ hình móng ngựa, mà mùa hè năm 1971 tôi đã có dịp ghé một lần, vịnh có bãi cát thoai thoải và nước trong trông thấu đáy thật đẹp, chẳng biết có đơn vị nào đóng ở đó không, khuya quá rồi đành liều vậy, chỗ này cũng rất tiện lợi cho tàu tránh sóng to gió lớn. Lần mò một hồi dọc phía tây đảo và cuối cùng vào được vịnh, tôi bảo anh em thả neo, rồi xem có gì nấu nướng ăn dằn bụng đỡ đói. Thả neo xong xuôi tôi với tay mở máy truyền tin, nghe thử xem có tin tức tàu bè nào ở quanh đây không, vì tôi đã tắt máy từ hồi trưa, sau khi quyết định trở về Vũng Tầu bằng đường biển, dò tới dò lui bất chợt bắt được cuộc điện đàm của hai chiếc tàu chẳng hiểu là ai, nhưng nghe giọng nói một trong hai người, thì giống như là Ph, thuyền trưởng soái đĩnh 2, Nghe tiếng máy xè xè Tài cũng bước vào. - November, đây Papa, mày chạy chầm chậm lại, tao không thấy đèn của mày đâu nữa, coi chừng lạc đó. - Papa, November tao nghe, tao chạy trước mày không xa đâu, mắt thần tao vẫn thấy mày mà, đừng lo. - Mưa lớn quá không thấy mẹ gì cả, chắc không còn con cá nào ở ngoài này nữa đâu. - Nhưng cũng phải ghé Thổ Châu nghỉ đêm, sáng mai hãy về, khuya quá rồi ! Nghe tiếng quen tôi mừng rỡ, vội vàng chen vào tần số. - Papa ! November ! Papa ! November ! đây Zoulu nghe rõ trả lời. Một thoáng im lặng, không nghe trả lời, tôi lại gọi, - Papa ! November ! Papa ! November ! đây Zoulu nghe rõ trả lời. Vẫn không nghe trả lời, nhưng lại nghe hai tàu đối thoại, - Ê Papa, có thằng Zoulu nào đó gọi, Zoulu là thằng nào vậy ? - November ! mắt thần mày có thấy nó không ? - Không, mưa lớn quá không thấy gì cả - Hay là nó núp trong hòn đá. - Không biết, cũng có thể. Tôi tiếp tục gọi lần này xưng tên luôn cho rõ nhận nhau : - Papa ! November ! Papa ! November ! có phải Ph không, tôi Dz đây, nghe rõ trả lời ! Tiếp tục vài lần, vẫn không một lời đáp lại, và hai tàu tiếp tục đối thoại : - November ! thằng Dz hình như soái đĩnh 1, hãy theo sát nó. Chợt một giọng khác lên máy, giọng y hệt người gọi trên BCH/HĐ sáng nay : - Ráng tìm nó đừng để mất nghe ! Đến lúc này thì tôi hoang mang thật sự, tôi bàn với Tài : - Tại sao chúng nó nghe mình gọi, mà chúng nó không trả lời, tôi nghi chắc là Hải Đội đi tìm tàu kéo về. Tài cũng nói, - Chắc là vậy, nghe tiếng thằng nào giống thằng P, SQHQ HĐ 4 quá, tụi nó tới đây tao nghi là có chuyện. Tôi nói : - Tôi cũng e vậy, vì tụi nó cố tình không liên lạc với mình, nếu tụi nó bắt mình về mà mình không theo, sợ là có nổ súng. Dẫu sao cũng là bạn bè cả, không lẽ bây giờ lại bắn nhau, thôi nhổ neo tránh đi cho rồi. Hiền đang nấu nước chuẩn bị làm mấy gói mì cho anh em dằn bụng, còn Năm từ nãy giờ ngồi yên lặng, nghe đối đáp, anh ta coi mòi cũng sợ có nổ súng nên chen vào. - Tôi với thằng Hiền ra kéo neo nghe ông thầy, rồi không đợi trả lời Năm kêu Hiền ra phụ kéo neo; Tôi đề máy và cho tàu quay ra khơi trở lại, vừa ra khỏi vịnh chừng non hải lý thì nghe. - Papa ! Mắt thần tao phát hiện có một con cá bơi ra từ bên đảo, hướng 12 giờ, cách khoảng hai hải lý. - Thiệt không, tiếp tục theo dõi xem. - Đúng rồi, một con cá nhỏ Tôi thử nhìn trên Radar xem có thấy nó không, nhưng chẳng thấy được gì, Radar trên tàu quá tệ ! - Papa ! tao thấy nó rõ rồi. - Mày thấy nó đi hướng nào ? - Nó đi về hướng 1 giờ. - Mày có gần nó không. - Không, còn cách xa, hình như nó tiến full, vì khoảng cách xa dần. Tôi chẳng buồn lên tiếng nữa, tôi đẩy cần ga tăng tốc tối đa, trực chỉ hướng Tây Nam 230 độ mà chạy, tránh xa vùng hoạt động này cho chúng khỏi theo, tránh những ngộ nhận không cần thiết khi cuộc chiến đã tàn; Dù chẳng nhìn thấy gì bên ngoài, ngoài một bầu trời đen che phủ, nhưng tôi chắc chắn một điều, không thể bị mắc cạn, hay đụng đá ngầm giữa biển khơi mênh mông này được, trời vẫn mưa lớn, nhưng không biết mưa có rửa sạch được những tang tóc của chiến tranh, những loang lổ của cuộc đời, những hận thù chiến tuyến, nhưng hình như đã trôi sạch tình người, mưa tuy đã rửa sạch những vũng máu, mới đổ ngày qua trên cầu Tân cảng, chung quanh vòng đai thủ đô, nhưng không rửa được những tấm gương anh hùng đó, sẽ mãi mãi ghi trong sử sách, buồn thay những anh hùng vô danh muộn màng ấy, không nhận những phát súng chào, những tiếng kèn tiễn đưa, không biết thân nhân họ có tìm được họ hay không !!! Mưa không rửa sạch được những hoài nghi và sợ sệt trong lòng người; Khoảng chừng 15 phút sau thì nghe tiếng Nobember, ‘Mắt thần tao hết thấy nó rồi, nó chạy lẹ lắm’, tôi cũng không ngờ hai bạn vẫn bám theo tôi. Người ta lo bỏ đi, nhưng tôi suốt đêm lo lẩn tránh những người bạn cũ cùng đơn vị, những người cùng mầu áo, cùng chung chiến tuyến chiều qua, cũng chỉ tại vì không hiểu được lòng nhau, nếu các bạn không phải vì mục đích tìm kiếm tàu kéo về, sao các bạn không lên tiếng, không nói với tôi một lời, để niềm tin của tôi không bị bốc thành mây khói, để câu hỏi này không có lời giải đáp !! hy vọng cuối cùng trong tôi, chắc bạn cũng đang nghi ngờ tôi. Quả thật người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, cho dù ánh bình minh đang ló dạng ở phuơng Đông, báo một ngày mới đầy nắng ấm, ánh nắng giát trên từng triền sóng long lanh, như ngàn chiếc thảm bạc, không phải những chiếc thảm huyền diệu, nhiệm mầu trong phim “Aladdin & Cây đèn thần”, nhưng đó là những triền sóng dài thườn thượt, đưa con tàu lên tuốt đỉnh chơi vơi, rồi lại kéo nó tuột xuống vực sâu thăm thẳm, tưởng chừng như muốn nuốt gọn cả con tàu bé nhỏ, nhận chìm nó giữa lòng biển cả mênh mông, không biết giây phút nào những chiếc thảm này, sẽ gói ghém thân xác bốn người chúng tôi, vào lòng đại dương, cho trọn một kiếp hải hồ ? Nhưng giây phút này tâm không yên, lòng không động, có còn điều gì để mà sợ sệt, cái chết thật tình không còn nghĩa lý gì nữa, bởi thật sự đó chỉ là hơi thở, của những tế bào đã không còn linh hồn, sống trong sự chết hay chết trong cái sống, cũng vậy mà thôi, không ai còn can đảm để mà thưởng thức cảnh đẹp của bình minh, chung quanh tôi bây giờ là biển cả mênh mông, chẳng biết tôi đang ở chỗ nào vì không có gì để định vị trí, ngoài mặt trời, tôi đoán chừng đã xa hải phận Việt Nam lắm rồi, vì radio không còn bắt được đài nào cả, Tài, Năm và Hiền cũng đã thức giấc, mọi người ngơ ngác nhìn chung quanh, buồn vui pha lẫn, vui vì đã sống qua được một đêm đen, đúng là đêm ba mươi có khác, 30-4 ! và mặt trời đã lên phá tan tăm tối, buồn vì nhớ nhà, nhớ quê tuy chưa hẳn đã mất quê hương, đến lúc này mọi người mới thấm mệt và đói, 24 giờ đồng hồ qua không có chút gì trong bụng, Năm đi pha Càfé còn Hiền đi nấu mì, nấu theo kiểu dã chiến và phải ngồi ôm cái cà mèn mà ăn không thì nó nhẩy xuống sàn, thả tàu trôi lềnh bềnh bốn anh em ngồi ăn sáng, chia nhau từng ngụm café nóng, những giọt cafe đen ngọt lịm, từ đầu lưỡi chẩy đến tận cuối cổ, mùi thơm, chất đắng xen lẫn vị ngọt, làm mọi người tỉnh hẳn ra, quên hết những chông gai sẽ đến, chẳng cần nghĩ đến ngày mai, chỉ biết hiện tại, đang hít thở không khí tự do, tôi đang sống, tôi không là kẻ đào ngũ, chẳng phải kẻ phản bội, tôi được sinh ra từ nước, và cát bụi, nếu mai này có trở về với nước và cát bụi, thì cũng là lẽ tự nhiên, bây giờ tôi cảm thấy thản nhiên vô cùng. Sau bữa café sáng, tôi lấy tấm bản đồ hải hành, duy nhất có trên tàu trải lên bàn, bản đồ này bao gồm từ vùng Phú Quốc trái xuống tới tận hòn Khoai, và một phần miền đông vịnh Thái Lan, tôi nói với Tài, mình mới đi được 7-8 tiếng, chưa xa lắm đâu, bây giờ nếu quay trở lại trục 90 độ, thì đêm nay tôi nghĩ mình sẽ tới vùng hòn Khoai, hay Côn Sơn, nếu các anh đồng ý về, tôi sẽ quay lại, tất cả đều đồng ý, thế là tôi lái con tàu quay ngược trực chỉ hướng 90 độ. Khi quay về gần vùng trời Quê hương, thì cũng đã xế trưa sang chiều, Tài mở Radio bắt đài Sàigòn, và lời đầu tiên nghe được là giọng nói đanh thép, của cô Xướng ngôn viên kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền mang tàu trở về đầu hàng, thì sẽ được Cách mạng và nhân dân khoan hồng… Bất chợt tôi khẽ mỉm cười, khoan hồng đâu chưa thấy, nhưng những lời lẽ sát khí đằng đằng, mang đầy tính cách đe dọa, Tài và tôi nhìn nhau, tinh thần căng thẳng, và cùng ngầm hiểu, bây giờ họ đã kiểm soát mọi nơi rồi, khó mà lọt vô lắm, e là trở về sẽ bị bắt liền tại chỗ, gia đình chưa biết tin thì đã bị nhốt vô tù, hay đã bị bắn bỏ không chừng. Tôi nói cho anh em biết ý nghĩ của mình, Tài nẩy ý định đi Singapore, hắn nói hắn có người chị bà con ở đó, sang đó sau này liên lạc với Sàigòn cũng dễ dàng hơn, nếu anh em đồng ý thì đi, thế là mọi người lại đồng ý quay đi Singapore, thực ra thì chỉ có tôi và Tài quyết định thôi, còn Năm và Hiền thì lúc nào cũng ”Ông thầy đi đâu tụi tôi đi đó”, tôi lại quay tàu ngược chiều trực chỉ hướng 220 độ, chỉ hy vọng sẽ đến được gần nó thôi. Suốt cả ngày mồng một đến trưa ngày mồng hai, tôi vẫn không thể quyết định, sẽ đưa con tàu nhỏ bé này đi về đâu, hay tới bờ bến nào, con tầu vẫn tiếp tục thay đổi trục la bàn, từ 220 độ lộn về 90, rồi lại đổi 270…, cứ thế năm lần bẩy lượt đổi hướng, hết Đông rồi Tây, lênh đênh giữa vùng biển nước mênh mông trong vịnh Thái Lan, dù chiều qua, Tài cầm trái lựu đạn rút chốt để cùng chết chung, khỏi phải tính toán chọn lựa đi hay về, Năm và Hiền nhẩy lại ôm Tài, nắm chặt bàn tay có trái lựu đạn, ba người chúng tôi cố khuyên can, nài nỉ, tìm cách giải tỏa cơn khủng hoảng thương đau trong tâm trí Tài, có lúc tôi lại giao tàu cho Tài, tự ý quyết định lái đi đâu thì tùy, nhưng chỉ được vài tiếng sau, Tài cũng lại trả cho tôi, vì chính Tài cũng không biết đi về đâu. Ra đi thì nhớ gia đình, nhất là nhớ người yêu, đầu óc tôi miên man xoay lòng vòng, với những câu hỏi không đáp số, chẳng biết giờ này Loan ở đâu, ra sao, đã đi với gia đình hay còn ở nhà trọ, tôi thầm mong nàng đã ra đi cùng với gia đình, mà về thì lại sợ, trước sau cũng chẳng gặp được người thân, chết thì không biết, nhưng ngồi tù và bị khổ nhục thì cầm chắc trong tay, nên không một quyết định nào, kéo dài lâu hơn được nửa ngày, như mặt trời và mặt trăng, vẫn tiếp tục thay nhau đổi ngôi, chiếm đoạt địa cầu. Xế trưa ngày mồng hai Tôi bảo Nhiên đo dầu thì chỉ còn lại hai tấc trong cả hai bể, chung quanh biển nước bao la, chẳng biết vị trí con tàu nằm đâu, hay đã trôi dạt ra tuốt biển Đông, Đông hay Tây hướng nào gần hơn, chắc là đã xa bờ lắm rồi. Ngày mai về đâu, dưới đáy biển sâu, hay vẫn cưỡi trên những ngọn sóng, mịt mùng bất tận xô tới đưa lui, nhưng tôi nghĩ cách tốt nhất để giữ được tự do, và tới được đất liền, vẫn là hướng về phía tây. Tôi lấy tay lái hướng tây 270 độ, với hy vọng sẽ gặp được tầu đánh cá, tôi sẽ trao đổi và bán đồ dùng, TV, máy hát, chén kiểu của những người lên tầu Mỹ bỏ lại, để lấy dầu, rồi sẽ lại quay trở về, may mắn các anh em không ai cằn nhằn gì nữa, tôi không biết có ai hối hận đã theo tôi hay không, nhưng tôi không hề hối tiếc, là đã không lên tầu Mỹ, và thà là chết giữa biển khơi, chứ nhất định sẽ không bao giờ, tự đút đầu vào rọ cộng sản. Quả nhiên đến xế chiều tối, chúng tôi bắt đầu gặp nhiều tầu đánh cá Thái, tôi đổi được hai phi dầu và hỏi thăm họ vị trí, thì mới hay tôi chỉ còn cách bờ Thái khoảng nửa ngày tầu chạy, tôi hỏi đường đi Bangkok, họ nói phải mất hơn một ngày mới tới, tôi cho tầu chạy dọc ngược về hướng Bắc cho đến khi… cạn dầu, thì cũng vừa lúc thấy được lờ mờ, bờ biển nằm phía bên trái ! Tôi biết tôi đã vào hải phận Thái Lan. Lúc này là xế trưa ngày 3 tháng 5, bây giờ tôi mơ ước được thành một cánh hải âu, để có thể bay trở về Quê hương tôi, táp vào một hoang đảo, như hai người lính Nhật Bản trốn trong rừng Guam, mãi 26 năm sau Đệ nhị thế chiến, mới được người ta phát hiện. Tương lai ! gia đình ! đất nước ! ai gây đại họa này nhỉ..!?! Từ Linh Nctd 2000 -------------------- Trăn trở
|
|
|
Lo-Fi Version | Time is now: 10th November 2024 - 12:23 PM |