Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Buồn Vui Đời Lính - Đỗ đức Thịnh
caoduy
post Oct 16 2009, 08:57 AM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 13,947
Joined: 18-November 08
Member No.: 775
Age: 52
Country




Buồn Vui Đời Lính


Đỗ đức Thịnh

(Bài trích đăng trong Đặc San GĐ81/BCND số 3 ngày 1 tháng 7 /2001)

Thấm thoát thế mà đã ba năm kể từ ngày Đặc-San số 2 của Gia-Đình 81/BCND đến với quý độc-giả vào ngày 4 tháng 7 năm 1998. Dư âm của ngày Đại-Hội năm 98 chưa tan loãng, chúng ta lại chuẩn bị bài vở cho số Đặc-San số 3 sẽ được ra mắt vào Đại-Hội năm 2001. Trong phần kết của bài "Hai tháng tử thủ An-Lộc" tôi có viết: "Những địa danh đã đi qua để lại trong tôi quá nhiều kỷ-niệm. Đời quân ngũ không có gì là sung sướng. Chúng tôi đã tìm lấy niềm vui trong gian khổ, đã nhẫn nại trước thử thách gian truân, và những éo le cay đắng của đời quân ngũ đã tạo cho tôi lòng thương yêu, mến phục những con người đã một thời được gọi là lính Việt-Nam Cộng Hòa."

Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, và tương lai có ai quyết định được cho mình sự vẹn toàn của cuộc sống. Tương lai như một giấc mơ đẹp, giật mình tỉnh giấc thì mộng cũng bay cao. Thế nhưng những giấc mộng luôn được hồi sinh tái diễn. Quá khứ là những kỷ niệm đẹp và kỷ niệm đó chỉ đến với ta có một lần trong đời và chỉ một lần duy nhất thôi. Tôi xin gửi đến các bạn những kỷ-niệm, tâm tình vụn vặt của những tháng ngày xa xưa ấy. Những mảnh vụn của đời lính được chắp nối lại trong thời gian tôi phục vụ ở Trung Tâm Huấn Luyện Hành Quân Delta và Liên-Đoàn 81 Biệt Cách Nhẩy Dù sau này. Tôi hy vọng truyện kể sẽ mang đến các bạn những nụ cười thoải mái. Cùng các bạn Delta và Biệt Cách Dù, nếu lỡ tên tuổi của các bạn được đưa lên màn bạc xin các bạn đừng vác súng hẹn tác-giả ở "Rừng lá thấp" văn của Phó Cu (Phó quốc Dũng). Và chuyện của lính thì văn phong nhiều khi phát thanh lạc tần số nên hơi khó nghe, xin quý vị nữ giới điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe hoặc thanh lọc tần số là thượng sách. Còn các đại huynh chỉ huy cũ được biết thêm ngoài sự tuân lệnh răm rắp của đàn em ngoài trận mạc, mặt trái của cuộc sống của người lính nó cũng lao xao, sôi nổi ly kỳ.....

Kẻ Ở Miền Xa

Người lính dưới mắt nhìn của người lính thì họ hoàn toàn khác biệt với mắt nhìn và ý nghĩ của người dân. Ngoài ba lô súng đạn cùng chung chiến trường thì họ cũng bình thường như mọi người. Họ cũng mang đủ thất tình "Hỉ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục.". Và trong tập thể của Quân-Đội thì nhân tài có quá nhiều, từ những nhân tài tơ lơ mơ cho đến những bậc thầy trứ danh đủ mọi ngành nghề. Một thí dụ nhỏ để dẫn chứng, điển hình trong 12 toán thám sát của Delta, tôi lại không ngờ sau bộ đồ rằn ri không đeo tên tuổi cấp bậc mỗi khi đi nhẩy toán lại có khá nhiều ca sĩ và nhạc sĩ tơ lơ mơ. Những ca nhạc sĩ tơ lơ mơ này đã mang đến cho chúng tôi những giây phút thật thoải mái trong những ngày đi hành quân hay ở hậu cứ. Những bản nhạc thời trang, kích động nhạc qua các ca sĩ nhà nghề trình diễn trên TV hay phát thanh qua làn sóng điện để gọi là "Anh trai tiền tuyến, Em gái hậu phương." làm sao hát hay hơn được hạ-sĩ Nguyễn Miễn của liên toán thám sát Delta.

Hạ-sĩ Nguyễn Miễn có khuôn mặt chữ điền vuông vức, da sạm đen, tiếng nói lớn. Đầu tóc húi cua nên trên đầu Nguyễn Miễn lại phô trương đủ cỡ đồng hồ Seiko trắng (Sẹo lớn, sẹo nhỏ). Thân hình vạm vỡ sau bộ đồ bông, tay áo sắn lên cao đưa ra hai cánh tay cuồn cuộn bắp thịt xâm đầy hình ảnh rồng rắn. Từ nhân dáng của Miễn tự nó thoát ra một tay hảo hán, tứ chiếng giang hồ và dân nhà binh gọi nôm na là: "Dân chơi bốn mùa lá rụng". Mỗi lần chúng tôi đi bát phố mọi người thường né tránh ánh mắt nhìn của Miễn. Với vóc dáng cô hồn như thế nhưng hạ-sĩ Nguyễn Miễn được Trời ban cho một giọng hát mượt mà truyền cảm nhiều khi dí dỏm. Những bản nhạc Nguyễn Miễn hát đã để lại sâu thẳm trong tâm hồn tôi những ray rức của tháng ngày xưa cũ. Thú thật với các bạn khi còn đi học tôi không mấy khoái cải lương, nhạc thời trang mà chỉ chạy theo những bản nhạc tiền chiến hay nhạc ngoại quốc nhiều khi khó nhai, khó nuốt. Những ngón đàn ngoại quốc học lóm của bạn bè để giựt "le" tôi cũng chẳng vớt được con nhạn nào. Cái kiến thức âm nhạc nửa mùa của tôi, nhiều khi tôi không dám phát biểu ý kiến trong các buổi họp mặt văn nghệ có các em gái hậu phương thơm phưng phức vì sợ mình bàn trật quẻ. Và tôi càng lớ ngớ hơn khi nghe các em đưa các bản nhạc của Schubert, Chopin, Beethoven ra so sánh rồi đấu hót xem nhạc của ai lãng mạn hơn. Tôi đành cúi đầu bái phục các cô để trở về với cái nhạc thời trang mà Miễn đã truyền lại trong tôi từ lúc nào không biết.

Hai tay đưa lên trời, lắc lắc cái mông trong vũ điệu Twist, Miễn hát"Đời lính chuyên môn giặt quần đàn bà, tay cầm bàn chải tay cầm xà bông, Anh mong làm sao giặt quần cho trắng, giặt xong rồi anh tắm, Ấy! Lính mà em. Từng từng tưng tưng tưng tứng tưng từng...." Đó là bản "Lính mà em" (1) qua sự sửa lời của Nguyễn Miễn. Những cái ngô nghê têu tếu của Nguyễn Miễn nhiều khi cũng mang chút cay đắng tình đời, qua cái cười mếu máo.

"Đã lâu rồi, đăng lính tính nuôi em nhưng em chê tiền anh ít, thích tiền đô nên em đành lấy Mỹ cho tơ duyên mình bẽ bàng. Và nơi đó em ơi có tiền dư xin "măng đa" về cho anh, ít "ghim" anh xài. Đêm nay binh sập xám, em ơi thua nhiều quá. Em ơi biết cho chăng đời lính ....binh nhì." (2)

Thế nhưng có một bản nhạc mà hạ-sĩ Nguyễn Miễn luôn luôn hát với sự trịnh trọng, và thả hồn mang theo tất cả những rung động của con tim của Miễn là bài "Kẻ ở miền xa" của nhạc sĩ Trúc-Phương.

Năm 1969 khi Trung tâm huấn luyện hành quân Delta đi hành quân thám sát đường mòn Hồ chí Minh vùng I chiến thuật. Hành quân Delta 45 và 46. Trung tâm hành quân đóng ở gần làng Cùa (Mai-Lộc) tỉnh Quảng-Trị. Từ Quảng Trị đi vào làng Cùa là con đường đất độc đạo vừa đủ rộng cho một chiếc xe chạy qua. Con đường ngoằn ngoèo uốn quanh những đồi cỏ tranh vàng úa. Làng Cùa rất nhỏ, làng gồm vài dẫy nhà tranh chung vách chạy dài như khu gia binh. Đa số dân chúng lập nghiệp ở đây là dân chạy giặc từ Khe-Sanh sau chiến trận khốc liệt năm 1968. Dân tình mộc mạc, sống rất xa phố thị nên họ thật chất phác hiền hòa. Dân chúng sống ở đây một phần lớn cũng là gia đình binh sĩ của tiền đồn Khe Sanh ngày trước, nên ngoại trừ các bà vợ lính trong làng chẳng có bóng hồng nào còn độc thân để các chàng Kinh-Kha của Delta lâm ly nỉ non ca bài :"Ai cho tôi tình yêu? để làm duyên nụ cười. Tôi xin dâng tình tôi trọn đời. Người hỡi người , xin đừng e ấp làm tim nghẹn ngào..." (3) Trong cái cảnh thâm sơn cùng cốc ở làng Cùa đó các dũng sĩ Delta đành ngậm ngùi ca bản:"Gio Linh đón thây giặc về làm phân xanh cây lá. Tây Ninh nóng nung trời mà trận địa thì loang máu rơi, Đồng Tháp vắng bóng hồng Tôi Yêu Ai? (4) Đã không có bóng hồng để mơ tưởng nhớ nhung, và cũng trớ trêu thay, trong những dũng sĩ Delta coi thường mạng sống của mình lại có những tay nhát gái số một. Các tâm hồn đơn lẻ đó lại tả oán đến não nùng :"Chân nghe lạ từng khu chiến thuật, áo đường xa không ấm gió phương xa. Nghìn đêm vắng nhà..." (5) Để sưởi ấm lòng kẻ chinh nhân đóng ở làng Cùa các tửu linh "thợ nhậu" của Delta và tiểu đoàn 81/Biệt Cách Nhẩy Dù thường hay ra quán duy nhất trong làng. Quán chị Ba. Quán chị Ba nghèo nàn nhưng chị Ba lại có tấm lòng thật tốt đối với những người lính nghèo như bọn tôi. Chị Ba cho nhậu chịu cuối tháng lãnh lương trả lại. Tiền bạc thanh toán sòng phẳng nên các đại ca Huấn, đại ca Quế không hay biết thuộc cấp của mình đã vi phạm lệnh cấm.

Căn cứ hành quân của chúng tôi đóng cách làng Cùa khoảng 1 cây số. Những dẫy bạt (lều lớn cấp trung đội) dựng lên trên những trảng cỏ tranh lớn. Chung quanh lều có chiến hào, hố phòng thủ cá nhân do máy móc của LLĐB Hoa-Kỳ đào hộ. Những mái lều xanh màu olive chen lẫn vào màu cỏ tranh vàng hòa lẫn bụi đất đỏ. Xa kia là dẫy núi Trường Sơn chập chùng. Gió núi nóng hun hút từ hạ Lào thổi về chốn khô khan, đồng không mông quạnh cho tôi thấm thía hơn khi nghe câu hát :"Quê hương anh nước mặn đồng chua, làng tôi nghèo đất cầy lên sỏi đá..." (6)

Từ trung tâm hành quân ở gần làng Cùa này, các toán thám sát Delta được phi đội trực thăng 281 của Hoa-Kỳ bay thả vào đường mòn Hồ chí Minh, đường mòn số 9...Những ngày chờ đến lượt toán của mình ở làng Cùa dài như bất tận. Các bản báo cáo hành quân của các toán đi trước, tình hình địch, hứa hẹn nhiều căng thẳng sau dẫy núi Trường Sơn kia.

Để giải trí cho các toán thám sát, bộ chỉ huy Delta mỗi tuần thường hay chiếu ngoài trời các phim rất mới vào thời ấy. Các phim như Yellow cua.Submarine của The Beatles, phim cao bồi The Good, The Bad and the Ugly, phim chiến tranh Hell in the Pacific vv...chưa chiếu ở ngoài rạp, nhưng chúng tôi đã được xem ở một địa danh ít người biết đến. Ngoài ra khi có chương trình TV của đài truyền hình Huế , bộ chỉ huy mở TV lên cho anh em thưởng thức. Việc bắt sóng không được tốt lắm nhưng anh em cũng theo dõi tận tình. Đa số những người lính trẻ như Miễn thích các chương trình nhạc thời trang nên khi nào có Phương Hồng Quế, Chế Linh, Duy Khánh...Hùng Cường, Mai lệ Huyền là các chàng ngồi nghe chật lều. Có nhiều đêm chương trình phát tin tức dài, sau tin tức mới đến chương trình văn nghệ. Lính ngồi chờ mỏi cổ sau đó người xướng ngôn viên giới thiệu đến ban nhạc Tiếng Tơ Đồng thì tiếng hạ-sĩ Mai Bông bất mãn ra mặt :"Thôi đi dzìa "bắn máy bay", ở đó nghe bà nội Thái Thanh ré lên là "Xe Hoa Ra Nghĩa Địa"? Họ "hạ bia" giải tán một cách mau chóng. Các bản nhạc có âm hưởng dài lê thê, lời nhạc sâu xa có vẻ trừu tượng không len được vào tim óc Mai-Bông, Nguyễn Miễn. Nhưng trong chương trình phát thanh có nhạc thời trang chỉ cần nghe các lời bàn tán của đám lính chúng tôi vừa nghe vừa bàn tán, những cái bàn tán đã phụ chú mặn mà thêm cho bài hát. Trên TV chàng ca sĩ trong bộ quân phục ủi hồ thẳng nếp dang uốn éo ca: "Từ xa tôi về phép, hai mươi bốn giờ tìm người thương trông người thương, chân nghe quen từng viên sỏi đường nhà..." (7) Ôi đang nằm ở nơi khỉ ho cò gáy mà làm sao bạn hình dung được bước chân mình đang lê bước vội vã về nhà. Để rồi lính Delta nhà ta lim dim tưởng tượng :" Bốn giờ đi dài thêm bốn giờ về. Thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi..." Độc thân như bọn tôi tình yêu dư đủ để cho, nhưng không có người nhận nên nếu có 24 giờ phép các chàng đành ra sông Hương đi "lắc đò" hay tác xạ tình yêu ở ngã ba chú Ía. Hãy nghe trung sĩ Thiểu tán thêm :"Nếu tao về phép đúng ban ngày, việc đầu tiên là..." Đánh đêm là nghề của bọn tôi, nhưng còn ban ngày trung sĩ Thiểu phải dùng kế "điệu hổ ly sơn" với thằng con trai 6 tuổi.

* Cu Tí! ba cho con mười đồng ăn kẹo, chạy ra quán bà Xia đong thêm cho ba ly rượu đế thiệt đầy đem về đây. Đi cẩn thận không được tràn giọt nào ra ngoài nghe mậy?

Chị vợ đang tắm sau nhà, trung sĩ Thiểu nhà ta cười khoái chí ôm súng lên giường để "Anh cho em tất cả em ơi, Ta đưa nhau lên đỉnh tuyệt vời..." Ngoài quán bà Xia, thằng cu nhỏ hai tay ôm ly rượu, mắt chong chong giữ cho ly rượu không tràn đang lết chân bước từng bước nhỏ trở về nhà.

Có những đêm buồn, ngồi trong lều tôi lấy đàn guitare của con nhà Lễ ra dạo nhạc chơi, thế nào hạ-sĩ Nguyễn Miễn cũng rề tới.

* E! Thịnh đệm cho tao ca bài "Kẻ ở miền xa" đi mày.
* Ừa! ĐM. Thằng Miễn ca "Kẻ ở miền xa" còn hay hơn Duy Khánh. Trung sĩ Trương cư Chính chõ miệng nói
* ĐM tụi mày đừng có cười, Thịnh mày cứ đờn cho tao luyện giọng, đm rồi có ngày tao cũng hát hay như Duy Khánh
* Mày có giọng nhưng ca trật bù lon, tao nghĩ mày đi bán thuốc mại võ sơn đông, thay thế cho con khỉ nhỏ đạp xe đạp chắc lượm tiền. Vừa nói hạ-sĩ Mai Bông đứng dậy nhe răng quay mặt qua bên trái, bên phải hai tay khuỳnh lại gãi gãi bên hông chân co chân chống như đang đạp xe đạp.
* Thôi đủ rồi Bông để nó ca cho mày.

Tôi can ngăn khi nhìn thấy con nhà Miễn bị chọc quê hơi quá đáng. Tôi dạo đàn guitare theo nhịp điệu mùi mẫn Bolero. Thằng Miễn mắt lim dim mơ màng, tay phải đưa ra trước mặt như đang cầm micro, tay trái hơi đưa ra như đang nâng nhẹ sợi dây micro vô hình đi qua đi lại như đang ở trên sân khấu chờ tiếng đàn đệm dứt câu nhạc để bắt đầu ca. Tai chàng đang chăm chú nghe tiếng đàn "tắng tăng tăng tằng tăng tằng" Trung sĩ Chính cười hề hề "Dzô"

"Tôi ở miền xa, trời quen đất lạ, nhiều đông lắm hạ năm tháng đi qua, thiếu bóng đàn bà. Người NÂNG LÍNH KHỔ viết bởi câu ca Vì TIỀN hay THIẾT THA...Xin đối diện một lần bên tôi, cho tôi yêu bằng hình hài đó không thôi. Đến với tôi, hãy đến với tôi. Đừng yêu lính....bằng lời...." Lời ca mộc mạc nhưng trong khung cảnh buồn như chấu cắn ở căn cứ hành quân làng Cùa thật sự đang gặm nhấm thấm sâu vào nỗi suy tư của những thằng lính như bọn tôi. Lời ca của Miễn đang phá tan cái yên lặng của một đêm cô đọng những tâm hồn xa nhà. Giọng Miễn ngọt ngào quanh tiếng đệm đàn guitare. Nó đang miên man "Đơn vị thường khi nằm trên đất giặc...Thèm trong hãi hùng, tiếng hát môi em, tiếng hát ngọt mềm...Ngoài kia súng nổ ổ.. ổ.. ổ.. ổ.. ổ.. ổ.." Miễn đang say sưa ngân dài chữ nổ cho giống Duy Khánh ngân bỗng có tiếng của hạ-sĩ Mai Bông hát chen vô "ĐÀO LỖ CHÔN ANH" Cả bọn phá ra cười bò lê bò càng, cười sặc sụa. Con nhà Miễn đang say sưa diễn tả bị hạ sĩ Mai Bông thọc cây gậy lãng nhách vô bánh xe nên cụt hứng.

* ĐM. thằng Mai Bông! ĐM. thằng Mai Bông! hạ sĩ Miễn chửi thề.

Những cái tiếu ngạo giang hồ đó là chuỗi ngày vui sống của bọn lính tôi. Chiến trường mỗi ngày mỗi khốc liệt, thằng biệt phái về đơn vị này, đứa tình nguyện về binh chủng khác, mỗi thằng một ngả. Nhưng người lính nào dù có ở đâu, cũng vẫn tay ôm súng, chân mang giầy trận đi khắp nẻo quê hương để diệt thù. Và từng ngày, từng đêm súng vẫn nổ nên chuyện "ĐÀO LỖ CHÔN ANH" là chuyện dĩ nhiên thường tình đối với người lính. Nhưng kẻ ở miền xa Nguyễn Miễn đã bị hạ-sĩ Mai-Bông chôn tức tưởi trong đêm tối ở làng Cùa trong tiếng cười vang vang của lính thám sát Delta.

Giờ nay mỗi đứa một phương trời, sau bao nhiêu năm lưu lạc. Một đôi khi rỗi rảnh mở nhạc lên nghe, những lời ca của bản nhạc đã làm tôi chao đảo, hụt hẫng...

"Người ngỡ đã xa xăm, nhưng người vẫn quanh đây..." (8) Nguyễn Miễn ơi! Giờ này mi ở đâu?

_______________________________
Chú thích: Tên của các bản nhạc chính

(1) Lính Mà Em Anh Thy

(2) Đêm Buồn Tỉnh Lẻ Tú Nhi

(3) Ai Cho Tôi Tình Yêu Trúc Phương

(4)(5) Trên 4 Vùng Chiến Thuật Trúc Phương

(6) Không nhớ tựa và tên tác giả

(7) 24 giờ phép Trúc Phương

(8) Tình Nhớ TCS

____________________
Xe Hoa Ra Nghĩa Địa

Trong toán 6 hạ sĩ quan về Trung -Tâm Huấn Luyện Hành Quân Delta ở Nha Trang cuối năm 1968 gồm có tôi, TS Nguyễn văn Ký, TS Nguyễn hãi Hùng, TS Trần văn Điển, TS Nguyễn duy Thạch, và TS Nguyễn hữu Khỏe. Mỗi nhân vật nêu trên đều có với tôi những kỷ niệm kỳ thú trong những ngày sống với đời lính mũ vải Delta.

Trong những cái thằng trung sĩ mới này có Trần văn Điển là tay có số đào hoa hơn bọn tôi nhiều. Nó biết lấy lòng những nhân vật chủ yếu trong gia đình nào có con gái. Với những món quà con con nhỏ nhặt nhưng lại có "ép phê" hiệu quả vô cùng to lớn. Cái món quà con con nhỏ nhặt ấy có gì đâu, một vài con cá mú đá, ký tỏi khô khi đi phép về và nhất là cu cậu lại chịu khó ra tay nghĩa hiệp, làm cái công việc nhà không hề than thở khó khăn nặng nhọc. Từ việc đóng chuồng gà, vá lại lưới cá, vác dừa tươi cho quán sinh tố bên bãi biển Nha-Trang nên Trần văn Điển là tay sáng giá nhất khi tụi tôi được nghĩ dưỡng quân ở Nha-Trang. Nó được ăn những bữa cơm gia-đình thật ngon từ Thành, Hòa Ra, bến đá,được dung giăng, dung dẻ, đưa em bé đi xem ciné.v...chả bù với tụi tôi, những thằng nghèo kinh niên. Sau ngày lãnh lương ăn nhậu huy hoàng, cơm tiệm có canh chua cá bông lau làm chuẩn, thuốc lá Pall Mall thủ hai ba cây. Huy hoàng chói lói hạnh phúc chỉ được hai ba ngày, sau đó về nhà trọ cơm gạo sấy, thịt hộp hay cá tuna làm chuẩn. Ấy! có thịt hộp cá hộp là sang đấy chứ có nhiều ngày đói dài dài chỉ mong được đi hành quân để có cơm ăn do hỏa đầu vụ nấu cho ăn.

Các bạn khó tính thì bảo, ê! đi lính có lãnh lương phải biết để dành ăn dần chứ. Nhưng bạn ơi với tuổi trẻ "Dân chơi bốn vùng chiến-thuật" thì cái khó nó bó cái khôn. Mà đã túng thì phải tính phải không thưa bạn. Sông biển đâu có xa trại TTHQ Delta Nguyễn văn Tân là bao. Muốn có ba khía, cua đinh, cá đem về nhậu tụi tôi chỉ cần hai hay ba tiếng đồng hồ là đem về ăn mút chỉ.

Điển trước khi nhập ngũ, sống ở Cần-Thơ. Tướng tá lùn lùn thích mặc quần áo bó chẽn và rất giỏi võ Thiếu-Lâm và bơi lội. Ngoài cái số đào hoa ra Điển hơn hẳn bọn tôi về nấu các món nhậu, món ăn. Mưu sinh thoát hiểm thì Điển là số một. Nó nấu từ thằn lằn, rắn mối, dế cơm. Nó biết hầu hết tất cả những cây từ nhãn lồng (hồng tiên), lá giang, tàu bay, diếp trời (bồ công anh) trên những vùng hành quân lạ hoắc, và những thứ này nấu với cái gì mới bắt mùi. Nhờ có Điển nên tôi cũng học được từ nó những món ăn mà sau này lâu lâu trổ tài đã làm vợ tôi ngạc nhiên quá đỗi.

Cái món cá đối nướng trui của trung sĩ Điển thật ngon và không thể nào quên được. Sau doanh trại của tụi tôi ở Nha-Trang, trong đám hạ sĩ quan mỗi thằng mỗi công việc sau khi đi bắt cá bằng lựu đạn về. Thằng đi kiếm thùng đạn bằng gỗ về chẻ ra làm củi, đứa sang nhà dân xin tước bẹ chuối từ thân cây chuối đem về, đứa ra bờ mương hái rau ngò ôm (ngổ) thằng lo làm cá. Điển bắt đầu trổ nghề, những con cá đối to bằng cánh tay đã được làm ruột sạch sẽ và được ướp muối tiêu, trong bụng cá được bỏ thêm nhiều rau ngổ. Thằng Điển chỉ cho bọn tôi xếp cá vào bẹ chuối, xong bẻ gập bẹ chuối phủ lên con cá. Thêm một lớp bẹ chuối nữa bao chỗ còn hở của tàu lá đầu tiên. Sau đó tước những giây dài từ các bẹ chuối khác và quấn quanh các bẹ chuối có cá ở trong đó. Con cá được gói kín mít ở trong đó. Nhiều thằng gói cá nên công việc nhanh và dễ dàng. Chúng tôi ném những bẹ cá này vào đống củi than hồng, rồi chất thêm củi thông chẻ từ thùng đạn lên trên. Lửa cháy phừng phừng, tiếng sì sì của nước nóng phát ra từ các bẹ chuối xanh, khoảng 15 phút sau lệnh của Điển phải lấy cá ngay, "chín rồi" nó tuyên bố. Các bạn ơi nhìn những cái gói cháy đen thui không còn mang hình thù gì nữa tôi nói: "Cháy đen thui mẹ nó hết rồi còn gì nữa mà ăn" Mấy thằng khác phụ họa theo nhưng Điển lầm lì lăn những gói cháy đen thui đó trên mặt đất cho tróc lớp than đen cháy bên ngoài, sau đó nó xếp những gói cá đen thui đó trên lá chuối xanh mang vào doanh trại. Thật ngạc nhiên bạn ơi, khi mở cái bẹ chuối cháy ở ngoài ra thì mới biết sự nhiệm mầu của bẹ chuối dùng để trui cá. Mặt trong bẹ chuốiù vẫn còn tươi nhưng nóng bỏng. Mùi thơm của bẹ chuối quện vào mùi rau ngổ và mùi cá chín thơm lừng làm nước bọt tôi nhễu nhão. Lớp da cá đã dính vào mặt trong của bẹ chuối nên khi mở ra da cá đã tróc ra trình bày thịt cá trắng nõn nà trên màu xanh của lá. Gắp miếng cá đưa lên miệng là cả một niềm "hạnh phúc" lâng lâng. Miệng lúng búng nhai món cá trui tuyệt trần mà tôi không biết tự đâu con nhà Điển lại biết pha trộn cái mùi đậm đà sơn hào hải vị ấy.

Nhưng những món ăn ngon đó do trung sĩ Điển "bào chế" đó đã để lại trong tôi một kỷ niệm khó quên. Cũng vào một buổi trưa trời trong xanh, bọn tôi 5 thằng gồm có tôi, Lễ, Điển, Khỏe, Chuyên (Nguyễn văn Chuyên bị VC tử hình ở Nha-Trang sau ngày 30/4/75) tay mang bao cát trong đó mỗi thằng đem theo trái lựu đạn. Chui rào phía sau doanh trại, theo bờ ruộng chúng tôi trực chỉ ra hướng bờ sông. Vừa dọc đến bến sông có khoảng nước sâu tôi móc trái lựu đạn rút chốt ném ra xa bờ. Nhìn theo quả lựu đạn đang bay lòng vòng trên không mà mỏ vịt chưa bung tôi thảng thốt la lớn. "Chết mẹ rồi, tao quên tháo cái móc an toàn ở phía ngoài, tụi mày đừng quăng lựu đạn xuống nữa." Cái khoen có chốt an toàn còn dính lại trong ngón tay cái, tôi chưng hửng nghĩ đến cái nguy hiểm của trái lựu đạn đã bị tôi rút chốt, cái mỏ vịt chỉ còn dính cái vòng giây sắt bao cái tai an toàn. Trái lựu đạn sẽ không nổ nếu không ai đụng vào nó, nhưng bờ sông này sẽ có nhiều thằng khác ra bắt cá như bọn tôi. Cái nguy hiểm là ở chỗ đó. Không thể để trái lựu đạn nằm yên ở khúc sông nầy được, nhưng thằng nào thằng đó ớn lạnh thót d.. khi nghĩ đến việc lặn xuống mò trái lựu đạn nguy-hiểm kia. Chỉ cần cái tay quơ lạng quạng mỏ vịt bung và ta chỉ có 5 giây đồng hồ để kiếm nơi ẩn nấp. Cái lòng sông sâu 6 đến 7 mét đó làm sao bạn ngoi lên cho kịp. Giải pháp tung thêm trái lựu đạn gần chỗ đó may ra trái kia bị chấn động nổ theo cũng không ổn, nếu nó không nổ bị bùn đất phủ lên nữa là hết phương. Tụi nó sỉ vả tôi tơi bời "ĐM, thằng Thịnh quăng lựu đạn kiểu này là nộp vũ khí cho VC"

- "Để đó cho tao" Cởi quần áo ra, Điển phóng mình xuống nước bơi ra chỗ có trái lựu đạn chưa bung kíp. Tụi tôi hồi hộp theo dõi, Điển lặn xuống chỗ này, ngoi lên chỗ kia nhưng vẫn chưa tìm thấy trái lựu đạn đâu. "ĐM, sâu quá nên chỉ thấy lờ mờ" Nó lấy hơi lặn tiếp cả năm lần như vậy sau cùng nó ngoi lên la lớn "tìm thấy rồi" Nó tay cầm trái lựu đạn bắt đầu bơi vào bờ. Tụi tôi thở phào nhẹ nhõm. "Chỗ này cá nhiều" Điển nói xong tháo cái vòng giữ kíp phía ngoài, Điển tung quả lựu đạn về hướng đó. Vài giây đồng hồ sau một tiếng "Ục" mờ đục phát ra, mặt sông nổi lên một cuộn nước nhỏ. Đàng xa kia nguyên cả bầy cá nhỏ phóng lên trên mặt nước. Gần chỗ lựu đạn nổ những con cá nổi lên bơi lờ đờ. Tụi tôi tay cầm bao cát nhẩy ùm xuống nước ra bắt cá. Dưới lòng sông sâu những con cá lớn còn nằm ở dưới đó, tôi lặn xuống cố bắt nhưng cá trơn tuột vì còn ngắc ngoải nên cứ vuột khỏi tay tôi khi chạm đến. Hơi tôi lặn không đủ dài nên chỉ cho Điển biết. Nó lại lặn xuống bắt những con cá to. Lên bờ xong da thằng nào cũng nổi da gà, mặc quần áo vào rồi mồi thuốc lá hút, tụi tôi lội đường tắt trở về "Villa Văn Tôn" chứ không chui vào trại nữa. Gọi là Villa cho sang chứ đó chỉ là căn nhà có vách Ván mái lợp Tôn sau khi tụi tôi từ giã "Villa Cây Dừa". Nhưng nếu đi ngã nầy phải bơi qua một khúc sông rộng khoảng 200 mét (Chỗ hẹp nhất). Con nhà Khỏe nhìn dòng sông lo ra nói "ĐM sông rộng qua sợ tao bơi qua không nỗi."

* ĐM mày dân Phan-Rang, dân miền biển thì chỗ này nhằm nhò gì, tao dân Đà-Lạt, lạnh thốn d.. còn bơi được. Tôi nói.
* Còn quần áo. Khỏe hỏi.
* Đưa đây cho tao. Với lòng tin tưởng vào tài bơi của mình nên tôi đáp nhận lấy quần áo của Khỏe.

Điển rút dây nịt ra khỏi quần, thắt dây nịt quanh bụng và cột chặt túi cá vào đó, tay phải đưa gói quần áo lên cao, Điển bắt đầu lội ra trước. Tôi tom góp quần áo của Khỏe cột túm lại với quần áo của tôi rồi lội theo Điển không quên dặn thằng Khỏe "Mày bơi theo tao

Tôi bơi một tay, tay kia đưa bó quần áo và 2 đôi bốt đờ sô lên khỏi mặt nước., bên cạnh trung sĩ Khỏe đầu đội nón vải đi rừng lội cùng. Khi còn cách bờ bên kia khoảng 20 thước Khỏe nói :"Thịnh dìu tao vô, tao bơi hết nỗi rồi" Con nhà Điển đã lên bờ rồi, nó cười khoái chí lộn nhào trồng cây chuối. Tôi nói với Khỏe "Còn một chút nữa thôi, ráng bơi đi mày" một mặt tôi la lớn thằng Điển đang ở trên bờ "ĐM! Điển kiếm cái cây kéo thằng Khỏe vô" Tôi đang bơi cách xa thằng Khỏe độ 2 thước... Nhìn thằng Khỏe thụt đầu xuống nước, cái nón đi rừng nổi trên mặt nước và bên cạnh là gói thuốc lá Pall Mall màu đỏ đang trôi lờ lững, cái gói thuốc mà nó đã cẩn thận lấy ra từ túi áo bỏ lên đầu xong đội nón cho khỏi ướt. Trên bờ thằng Điển chạy lăng xăng như gà mắc đẻ kiếm cái cây, nhưng quanh bờ ruộng đó làm gì có cây, có giây trong cái khốn nạn đang xẩy ra trước mặt, giữa dòng sông hai cái đầu của Lễ, Chuyên một tay cũng gói quần áo trên tay mặt mày thất sắc. Thằng Khỏe vẫy vùng cố ngoi lên mặt nước ho sặc sụa vì uống nước, vì hít nước vào phổi, càng vùng vẫy nó càng đẩy người ra xa thêm. Tôi hốt hoảng quăng những thứ đang cầm trên tay bơi về phía thằng Khỏe đang vẫy vùng. Tôi la lớn với Khỏe "ĐM. Mày nắm tay tao thôi nghe, mày ôm tao là hai thằng cùng chết" Tôi đưa tay ra Khỏe chụp lấy, tôi cố nâng nó lên nhưng sức nặng của nó cũng dìm đầu tôi xuống nước. Con nhà Điển phóng xuống nước bơi nhanh về chỗ tôi. Điển nắm tay kia của trung sĩ Khỏe, sau đó tôi và Điển vòng tay của Khỏe quanh cổ để bơi vào bờ. Đến chỗ nước có thể đứng được chân vừa chạm mặt sình tôi cảm cái nặng của thằng Khỏe không còn nữa. Lên đến bờ tôi và thằng Điển cũng xụi lơ bá thở. Thằng Khỏe ọc ra toàn nước, nằm dài trên bờ ruộng nghỉ lấy sức. Mấy thằng tôi lao nhao nhìn thằng Khoẻ :"ĐM hồi nãy đưa cho nó túi cá là chết mẹ rồi, nó phóng sinh hết". Cu Khoẻ vừa thoát chết đang nằm quay cu lơ không nhếch mép cười nổi. Về đến "Villa Văn Tôn" tụi tôi bắt đầu nấu cơm, con nhà Điển dành phần làm cá và nấu ăn. Món ăn gồm có canh chua và cá chiên.

Trong khi ngồi chờ cơm chín, Điển ra trước mái hiên nhà tay cầm đàn guitare tay cầm quyển nhạc dạy độc tấu guitare của Carulli. Nó ngồi hát nghêu ngao nhạc Việt-Nam lâu lâu liếc mắt nhìn về căn nhà đối diện bên kia đường. Sau khung cửa sổ của nhà đối diện cô Hoa đang ngồi học bài. Và mỗi trước khi ca bản khác Điển lật một trang nhạc Carulli không có một chữ Việt nào trong đó. Nó làm sao qua mặt được bọn tôi đang bấm bụng cười cho Delta Điển đang thả dê. Cơm chín dọn ra ăn thằng nào cũng nức nở khen tài thằng Điển nấu đồ ăn ngon quá mạng. Tôi hơi thắc mắc là "sao cá lớn đâu sao không thấy?" Điển nói "tao chặt khúc nấu canh với chiên trong đó rồi." Cơm ngon ăn đã no nên chẳng thằng nào thắc mắc khiếu nại gì nữa.

Ngày hôm sau mẹ cô Hoa sang giếng nước trước cửa nhà tụi tôi để giặt quần áo. Gặp bọn tôi bà nói "Mấy cậu cho tôi gửi lời cám ơn cậu Điển nghe, không biết cá cậu Điển câu ở đâu mà to quá" Tụi tôi cười đáp "Dạ! Dạ..." Buổi chiều Điển vừa vác mặt về trung sĩ Khoe lên lớp :"ĐM, tao xém bị chết đuối vì đi bắt cá, về nhà bao nhiêu cá lớn "ỏng" đem cho gái hết trọi. tranvdien1a.jpg (21638 bytes)Lúc đầu Điển chối lem lẻm, nhưng sau biết không dấu được nữa đành nói :"Tao bốc đem qua cho nhà con Hoa một ít, cá nhiều quá mình ăn đâu có hết, mà cho người ta thì phải lựa cá lớn chớ ". Từ đó tụi tôi biết thêm được cuộc tình si vừa chớm nở của trung sĩ Điển ở "Villa Văn Tôn" với cô Hoa nhà đối diện.

Điển lúc này vắng nhà luôn luôn vào các giờ em Hoa đi học về. Thời khóa biểu của nó thay đổi hoàn toàn. Những em Cúc bán sinh tố ở bãi biển Nha-Trang, em Vân bên cầu Xóm Bóng không nghe Điển nhắc tới. Mỗi lần gặp bọn tôi các cô đều hỏi thăm anh Điển nhưng bóng anh Điển biền biệt bặt vô tăm. Cho đến một ngày khi tụi tôi ghé lại "Villa Cây Dừa" tán dóc với Nguyễn hữu Tài, Tài đang thuê lại căn nhà sau mà bọn tôi đã thuê ở trước kia. Bên kia vách tường gạch là căn nhà bà chủ, bà chủ nhà vừa ở đó và vừa bán quán. Cái vách chung giữa hai nhà đó có cái cửa sổ đã được trung sĩ Tài đóng cái mền dạ của lính để ngăn che hai bên không trông thấy nhau. Chúng tôi đang ca hát bên này, thì cô Thu con bà chủ quán đem qua một lá thư đưa cho tôi. Thu nói :"Chị Vân nhờ anh đưa thư này lại cho anh Điển." Tôi nhận thư cười nheo mắt với Thu đáp "Em nhắn lại với chị Vân anh sẽ chuyển." Nhưng con chim xanh bất đắc dĩ tôi phải một phen cười ròn rã và đến bây giờ tôi vẫn còn hối hận. Cả bọn nhao nhao hỏi "thơ ai vậy?" "Thơ con Vân gửi cho thằng Điển." Tôi trả lời. Cái thơ tay không dán bì viết trên giấy vở học trò. Thằng Khỏe nói "đưa tao coi" tôi chìa cái thư cho nó sau đó chuyền tay nhau nhưng không thằng nào dám mở. Tính hiếu kỳ nổi lên, thằng nào cũng muốn biết nội dung cái thư. Lễ nói "ĐM, mở ra kiểm duyệt trước rồi đưa cho nó sau. "Đúng! Đúng! Đúng! " cả bọn tán thành thế là con nhà Khỏe đọc thư cô Vân cho mọi thằng nghe.

"Anh Điển, Cả mái tháng nay hông thấy anh vìa thăm em, nơi Xóm Bóng anh đâu có biết em mòn mỏi trông anh. Em biết anh hông còn thươn em nữa nhưng muỗi khi hành quân vìa, anh nhớ đem lựu đạn đi bắn cá với ba em để ba má tưởng mình còn đẹp duyên Chùa Tháp. Đời em thiếu dắng anh, em như con chim lẻ bạn. Anh ơi tình em với anh như sông như biển nghĩ đến anh lòng em như "XE GOA RA NGHĨA ĐỊA"...." Tụi tôi cười lăn lộn qua lời thư Vân gửi cho Điển. Vân không học nhiều nên lá thư viết sai lỗi chánh tả tùm lum. Thằng Khỏe vừa đọc thư vừa diễn giải cả bọn cười ngặt nghẹo. Tôi chạy qua nhà bà chủ mua gói thuốc lá. Bà chủ ngồi yên lặng sau quầy hàng. không cười chào hỏi tôi như thường lệ. Cái bàn học kê gần cửa sổ có che cái mền nhà binh, Thu đang ngồi ở đó, đối diện với Thu là Vân đang ngồi thu nhỏ mình trên ghế. Tôi muốn độn thổ khi chạm ánh mắt của Vân. Vân đã đắng cay ngồi nghe lại hết bức thư của mình bị "giải phẫu tơi bời" qua giọng đọc của thằng Khoẻ? Tôi hỏi nhỏ "Vân mới đến?" Bên kia giọng thằng Khỏe còn vang vang "Chết mẹ thằng "Vịt đạp" (tên tụi tôi đặt cho Điển) chuyến này DÌA là XE GOA RA NGHĨA ĐỊA. Khuở ... Khuở ... Khuở ... Khuở ..." Tiếng cười nham nhở của Lễ, Tài nhăn, Khỏe làm tôi sượng trân. Tôi nói :"Anh xin lỗi Vân đã không làm tròn lời hứa". Nước mắt Vân đoanh tròng. Tôi yên lặng chuồn nhanh về phòng trợn mắt nhìn tụi nó, tay trỏ đưa lên miệng suỵt suỵt ra dấu cho cả bọn im lặng. Cái không gian đang vang vọng tiếng cười tự nhiên im bặt, thay vào đó là yên lặng nghẹt thở của những kẻ phạm tội khi biết được Vân đang ngồi bên kia quán. Cái đau khổ của Vân cũng là cái đau khổ ray rức của tôi, lương tâm dày vò, tôi thất thểu trở về doanh trại.

Tháng ngày hành quân tiếp nối ròng rã, rồi có một ngày sau chuyến hành quân Điển trở lại xóm Bóng thăm Vân khi chàng "Vịt Đạp" không cua nổi cô Hoa. Tôi lại được dịp đi coi ciné với Vân và Điển. Vào một kỳ hành quân khác ở Đức Dục (Bồng Sơn, Quảng Ngãi), Điển lại nhận được thuốc lá thơm, ruốc xã ớt do Vân gửi ra. Trong túi giấy có kèm theo lá thư Vân gửi. Sau khi đọc xong Điển đưa thư cho tôi đọc, tôi đã quên gần hết nội dung lá thư nhưng câu tái bút của Vân tôi vẫn còn nhớ như in. "Tái bút: Người lịt sự không đọc thư người khác dà người lịt sự không đưa thư mình cho người khác đọc." Tim tôi chợt nhói nhưng vẫn không dấu được nụ cười.

Sau mỗi lần đi hành quân về và được nghỉ dưỡng quân ở Nha-Trang, bên Xóm Bóng, lại có chàng trung sĩ Delta theo thuyền câu của bố cô Vân ra biển lưới cá.




--------------------
KHAI TỬ ĐẢNG!
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 3rd May 2024 - 03:56 PM