Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Ở đâu cũng hạnh phúc, Phạm Đình Lân
Đông Nhi
post Feb 6 2017, 03:35 PM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 2,835
Joined: 9-October 09
Member No.: 5,482
Country




Ở đâu cũng hạnh phúc


Tôi có một người bạn ấu thời. Chúng tôi thân nhau từ nhỏ cho đến ngày cả hai chia sẻ sự lao đao của toàn dân ở miền Nam Việt Nam.

Bạn tôi mồ côi cha. Mẹ anh là cô giáo. Sau khi cha anh mất bà rời quê ở Gò Công lên sống ở Lái Thiêu với hai con nhỏ. Bà bỏ nghề dạy học và tập buôn bán ngoài chợ. Chị của bạn tôi là một mỹ nữ. Sắc đẹp của chị gây ra cảnh đổ máu của hai thanh niên tại địa phương khi đất nước chìm trong khói lửa của cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất. Sau khi học hết bậc tiểu học chị có chồng ở Sài Gòn. Bạn tôi phải phụ mẹ mọi công việc hàng ngày. Ngày nào bạn tôi cũng phải thức dậy thật sớm để phụ mẹ khiêng hàng ra chợ bán rồi mới đi học. Anh đến trường khi trống trường đã điểm và tất cả học sinh đều sắp hàng ngay ngắn để chuẩn bị vào lớp.

Bạn tôi rất ít nói và ít nghĩ ngợi mặc dù anh rất cực khổ và cô đơn. Qua bức ảnh của cha anh tôi thấy ông là người trên người bình thường rất nhiều: mắt sáng, trán rộng; tóc chải gỡ gọn gàng, mặc áo bành- tô (paletot) và mang cà-ra- quách (cravate). Vì mồ côi cha khi còn nhỏ nên bạn tôi không biết vì sao cha anh chết. Có thể anh biết nhưng không nói. Có một lần anh vui miệng cho tôi biết chú của anh là một người có tên tuổi trong một tôn giáo ở Nam Kỳ.

Thấy bạn tôi cô đơn và cực khổ vài bạn học hùa nhau ăn hiếp anh. Người thì chọc cho anh ấy giận để xúm nhau đánh anh cho bằng thích. Người thì đổ mực vào áo anh. Người khác lấy cả thùng rác đổ vào hộc bàn của anh. Mỗi lần bị bạn bè hiếp đáp như dậy anh chỉ biết ôm mặt khóc mà thôi. Tôi lên tiếng trước những việc không thể im lặng được. Thế là tôi có vài người bạn học thù ghét tôi. Bạn tôi thân thiện với tôi kể từ những mẩu chuyện lặt vặt như vậy ở học đường. Tôi khám phá vài điểm tương đồng giữa bạn tôi và tôi:
– cả hai chịu ảnh hưởng của cuốn sách thông thiên học biếu không ngoài chợ Lái Thiêu giữa những tiếng rao quảng cáo nhang trầm hương Ấn Độ và các loại thuốc do nhà thuốc Đại Từ Bi sản xuất.
– tôi thường giao du với ông Thầy Chùa Lùn ở Chùa Giác Nguyên, Phú Long, và được thầy cho tôi vài cuốn sách về tội ác và hình phạt sau khi chết. Tôi không biết ông thầy tên gì. Chỉ nghe người ta gọi ông là Thầy Chùa Lùn vì ông rất lùn. Bạn tôi thích nói chuyện Quần Tiên Hội.
– cả hai thích nói chuyện quê hương khi đi trên những con đường vắng vẻ trong xã Tân Thới như hương lộ nối liền Lái Thiêu- Thủ Đức.
– cả hai chúng tôi đều yêu nghề và tận tụy với nghề của mình. Bạn tôi yêu ngành y tế. Tôi thích giáo dục. Rồi cả hai đều bị bắt buộc phải rời bỏ nghề nghiệp khiêm tốn mà mình yêu thích.

Mặt mày bạn tôi sáng sủa như người cha đã mất của anh. Khi trả bài thuộc lòng thì không ai sánh kịp với anh ấy. Lúc nào thầy cũng ghi những dòng chữ Thuộc làu làu trong tập của anh.

Tôi và bạn tôi bắt đầu xa nhau sau khi học hết bậc tiểu học ở Lái Thiêu.

imagesMẹ anh đành chấp nhận sống một mình để anh sống nương nhờ người chú hầu tiếp tục việc học hành. Anh học trường Long Hoa, Tây Ninh, cho đến khi đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp. Chú của anh gặp khó khăn sau ngày đất nước qua phân. Bạn tôi không đủ điều kiện theo học xa hơn. Anh nghĩ đến việc tìm một ngành học ngắn hạn để làm việc kiếm tiền phụ giúp cho bà mẹ già. Anh đậu vào khoá đào tạo cán sự y tế. Trước năm 1954 điều kiện thi vào lớp y tá bịnh viện Chợ Rẫy là bằng CEPCI (Tiểu học) và thời gian học là 03 năm. Điều kiện dự cuộc thi tuyển vào lớp cán sự y tế là Trung Học Đệ Nhất Cấp tức bằng BE hay DEPSI trước kia. Chương trình học kéo dài 03 năm. Các lớp đào tạo cán sự ra đời theo gương đào tạo và phát triển của Tây Đức để đất nước có đầy đủ chuyên viên đủ mọi ngành từ thủ đô đến tỉnh, quận và xã. Việc đào tạo cán sự vừa dễ dàng, vừa nhanh chóng để đất nước có đủ chuyên viên trong buổi giao thời. Đào tạo cán sự là chú trọng về số lượng. Đào tạo kỹ sư, bác sĩ là chú trọng về phẩm. Người ta ước lượng 03 cán sự có thể thay thế một bác sĩ hay kỹ sư phục vụ ở các đơn vị hành chánh địa phương hạ từng nơi hiếm thấy sự có mặt của bác sĩ hay kỹ sư.

Được đậu là một tin mừng. Nhưng sau tin mừng là sự lo âu. Bạn tôi rơi vào hoàn cảnh gần như tuyệt vọng không lối thoát. Anh không có tiền cũng không có thân nhân họ hàng ở Sài Gòn. Vì tự trọng và vì óc tự lập, tự túc, tự sinh tồn anh không nghĩ đến việc nhờ vả chị và người anh rể. Không biết do đâu anh tìm một chỗ ở trong một ngôi chùa. Sống trong chùa anh phải ăn chay, vừa đỡ tốn kém vừa tránh được sự va chạm nội qui của nhà chùa. Việc nầy không có gì khó khăn đối với bạn tôi vì bạn quen nếp sống của các quần Tiên. Không có tài liệu khả tín nào nói các ông Tiên ăn gì để sống nhưng xem chừng các vị ấy hạnh phúc và hồn nhiên lắm. Bạn tôi không phải là Tiên nhưng đang tập nếp sống của các đấng siêu phàm. Bạn không bịnh hoạn. Da bạn hơi mét xanh nhưng bạn rất khỏe mạnh. Sức khỏe tinh thần của bạn rất cao. Nó giúp cho bạn lạc quan và tránh xa tâm lý thù đời và thói suy bì ganh tỵ với người khác thường thấy trong xã hội loài người.

Trong thời gian học về y tế bạn tôi về thăm mẹ mỗi tuần. Tôi ít khi gặp bạn vì tôi cũng bận việc học hành ở Sài Gòn.

duoi-bat-hanh-phucBạn tôi có tâm lành và tinh thần hiếu học. Bạn có vẻ thích hợp với nghề y. Bạn tìm hiểu và đọc nhiều sách về y học để tự trau dồi khả năng nghề nghiệp của mình. Tốt nghiệp lớp đào tạo cán sự y tế anh được bổ nhiệm làm trưởng chi y tế ở một quận kém an ninh trong tỉnh trú quán của anh: Bình Dương. Anh không một tiếng than phiền về việc này và cũng không một thoáng suy nghĩ sẽ tìm cách rời khỏi nơi kém an ninh nhất tỉnh. Trong đầu óc của anh chỉ có lương tâm chức nghiệp và tận tụy với công việc đang đảm nhận. Anh không có bạn cũng không có thù. Anh rất độc lập trong hành động. Không a dua theo đồng nghiệp, không tỏ ra mình là người lịch lãm, thạo đời bằng tửu, sắc, tài, phiện để vừa lòng cấp trên hay được cấp trên quí mến. Chính vì vậy mà anh không được cảm tình của cấp trên và đồng nghiệp mặc dù anh không vi phạm đạo đức nghề nghiệp, không hỗn láo với cấp trên, không đụng cham đồng nghiệp và người chung quanh, không gây khốn khó cho bịnh nhân, không tham nhũng, hối lộ hay biển lận của công.

Đến tuổi cuối để nhập ngũ tức là thời gian tạm hoãn dịch vì lý do nghề nghiệp đã hết, bạn tôi vui vẻ lên đường vào quân trường Quang Trung rồi Thủ Đức. Bạn tôi không thấy nơi nào là cực khổ cả. Đối với bạn tôi món ăn nào cũng dễ nuốt cả. Anh hạnh phúc với cái triết lý có còn hơn không. Anh quen với sự cực khổ. Anh quen với nỗi nhục của cô thân, cô thế và bị người chung quanh hiếp đáp. Anh quen với sự bất công trên đời với cảnh:

Mạnh được yếu thua
Phù thịnh bất phù suy,.
Được là vua thua là giặc
Vai mang túi bạc kè kè,
Nói bậy nói bạ chúng nghe rầm rầm.

Tất cả những thứ đó đã quen rồi thì còn gì mà mất hạnh phúc?

que-ngoai-2Những người có chuyên môn như anh đều được biệt phái về nhiệm sở cũ. Thầy giáo về trường học. Nhân viên y tế về bịnh viện v.v. Bạn tôi là người ngoại lệ. Anh không được biệt phái về cơ quan y tế mà anh phục vụ. Anh được chuyển sang ngành Công Binh phục vụ ở Vùng IV Chiến Thuật. Anh vui vẻ chấp nhận công việc trong quân đội với tư cách một sĩ quan Công Binh. Anh dự trù đem vợ con và rước mẹ về sống ở nơi anh phục vụ trên đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng biến cố 30-04-1975 làm cho mọi suy tính của anh đều sai lệch. Bạn tôi là người chấp nhận mọi hạnh phúc tiêu cực nhưng anh cũng không được toại nguyện..

Tình hình đất nước cướp mất cái hạnh phúc tiêu cực ấy của anh. Anh rời đồng bằng sông Cửu Long về nơi trú quán của gia đình anh từ nhiều thập niên qua. Anh đến thăm tôi trước khi đi trình diện học tập cải tạo với nỗi khổ tâm canh cánh bên lòng do sự hục hặc giữa vợ anh và bà mẹ già bị bịnh.

Thượng Đế thử thách bạn tôi quá nhiều rồi NGƯỜI cũng giúp cho anh ấy vượt qua những thử thách một cách mầu nhiệm.

Bạn tôi lên đường đi học tập cải tạo giữa lúc mẹ anh bị bịnh nặng. Thuốc men không có, cơm không đủ ăn. Trong trại học tập cải tạo bạn tôi là người bơ vơ. Các cải tạo viên đều có vợ con hay họ hàng đến thăm nuôi. Bạn tôi không có ai thăm nuôi cả. Anh không buồn, không tủi phận vì biết rằng vợ con anh rơi vào cảnh túng thiếu ngặt nghèo; mẹ anh bị trọng bịnh. Anh bằng lòng với những bữa cơm độn khoai trong trại cải tạo. Khi đi lao động gặp trái cây gì anh cũng ăn cho đỡ đói. Trái nào ăn không chết nhưng không ngon và không biết tên là trái gì thì gọi nó là trái cù lần. Theo lời thuật của bạn tôi khi học tập mới về, cóc, nhái, ếch, rắn, trăn gặp cải tạo viên thì kể như gặp ngày xui xẻo. Sự sống của chúng rất mong manh trước những người thiếu ăn và thiếu chất dinh dưỡng.

Lý lịch của bạn tôi quá ngắn và đơn giản so với các bạn đồng cải tạo. Anh có một người cha đã chết, một bà mẹ bị bịnh kinh niên, một người chị có chồng khi mới học xong bậc tiểu học, vợ và con sống nheo chóc trong cảnh nghèo túng. Không một thân nhân trong dòng họ anh theo Việt Minh, Mặt Trận Giải Phóng để trở thành thương binh, liệt sĩ hay dũng sĩ diệt Mỹ. Bản lý lịch ngắn ngủi và việc không biệt phái về cơ quan y tế của bạn tôi làm cho ban quản giáo trại cải tạo càng nghi ngờ anh nhiều hơn. Một cán bộ hỏi anh:
– Tại sao các giáo chức và y sĩ đều được biệt phái mà anh vẫn ở trong quân đội ngụy?
– Thưa cán bộ, tôi cũng không biết tại sao. Bạn tôi đáp.
– Anh trả lời như vậy thì tôi tin anh sao? Anh muốn ở lại quân đội ngụy để chống Cộng. Người cán bộ nói.

Bạn tôi im lặng khiến cho người cán bộ Cộng Sản càng bực tức và buộc tội anh gắt gao hơn. Anh bình tĩnh, không trách móc cũng không sợ sệt vì anh đã quen với sự đe dọa, hiếp đáp, bắt nạt và bất công. Trong chừng mực nào đó sự nhận chịu và chấp nhận mọi tình huống dù tệ bạc đến đâu giúp cho bạn tôi giữ được sức mạnh nội tâm. Chính sức mạnh này giúp cho anh không bị bịnh hoạn trong những năm học tập cải tạo, ăn uống thiếu thốn và hoàn toàn thiếu chất dinh dưỡng. Dù bị ngược đãi và chịu những lời đay nghiến nhục nhã của kẻ chiến thắng đối với kẻ chiến bại, anh không bao giờ có ý nghĩ tự tử. Là một người thầy thuốc anh không đề cao hận thù mà chỉ biết dùng hết khả năng của mình để xoa dịu sự khổ đau của người bịnh.

Chánh quyền Hà Nội có chương trình tập trung các cải tạo viên và gia đình họ về miền rừng núi. Họ kêu gọi các cải tạo viên ghi danh để hưởng ứng chánh sách này của nhà nước XHCN. Bạn tôi là người ghi danh đầu tiên. Anh chấp nhận làm lại cuộc đời ở miền rừng núi để đổi lấy tự do và sự đoàn tụ với gia đình. Dưới mắt anh ở đâu cũng vậy thôi. Không ai ghi danh sẵn sàng đưa gia đình về sống miền rừng núi ngoại trừ bạn tôi. Để tưởng thưởng người ngoại lệ nầy ban quản giáo quyết định trả tự do cho anh.

Trên đường về nhà bạn tôi ghé thăm tôi trước. Anh bạn nói với tôi về bịnh tình của mẹ anh, về cuộc sống tương lai của anh. Tôi khuyên anh liên lạc với ty y tế Sông Bé (Bình Dương) xem có thể dùng anh lại hay không. Về bịnh suyễn của mẹ anh tôi lưu ý với anh về lá trường sinh. Tôi phải mất nửa giờ để giải thích và thuyết phục bạn tôi cốt để rút ngắn sự lo âu của anh. Bạn tôi vốn đã tin tôi nên cảm thấy nhẹ lo. Trong những ngày liên tiếp bạn tôi lên nhà để trò chuyện với tôi về khả năng sinh tồn trong điều kiện hiện hữu. Bạn tôi có vẻ xanh xao nhưng tinh thần còn minh mẫn, sáng suốt vì đã thành công chế ngự tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố ngay từ thuở ấu thời. Lớn lên anh không hề nghĩ đến tự do tư tưởng. Anh sống một cuộc đời của nhà tu không chùa, không giáo đường, không kinh kệ, không tiếng chuông báo thức mặc dù có vợ, có con, có bổn phận chăm sóc cho mẹ như mọi người khác trong xã hội. Con người nầy trải qua nhiều thử thách cam go ít thấy trên trần gian. Nhưng anh vẫn điềm nhiên không than thân trách phận, không thù hằn kẻ gây đau khổ cho anh. Trong gia đình anh không lớn tiếng với chị, vợ và con. Nhưng anh là người tự trọng: sẵn sàng cam chịu mọi sự đau khổ bản thân chớ không nhờ vả ai như đã thấy với người anh rể khá giả.

Bạn tôi nghe lời tôi lên Ty Y Tế Sông Bé để tìm lại công việc cũ. Anh bị khước từ vì bị xem là thành phần xấu. Mọi nhân viên y tế đều được lưu dụng. Tại sao anh là sĩ quan ngụy để bị học tập? Tội tình nghi lúc nào cũng nặng. May mắn là mạng sống vẫn còn. Hai chế độ chánh trị Quốc Gia và Cộng Sản đối nghịch nhau nhưng cả hai đều đối xử với bạn tôi giống nhau.

Một người quen của anh trong ngành y tế chỉ anh tìm một công việc ở Phú Văn. Tôi không rõ công việc ấy là công việc gì chỉ biết ở đó người ta sản xuất bàn cầu. Mỗi ngày anh được trả $2 tiền Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tương đương với $1,000 tiền Việt Nam Cộng Hoà. Sáng sớm nào anh cũng đạp xe đạp từ Lái Thiêu lên Phú Văn để lao động để có $2 về nuôi gia đình gồm một mẹ già, vợ và ba con. Mỗi buổi chiều, trước khi về nhà anh ghé nhà tôi để bón phân, tưới cây trường sinh và hái vài lá về cho mẹ anh. Anh rất mừng khi thấy bịnh suyễn của mẹ anh thuyên giảm. Làm việc xây bàn cầu ở Phú Văn được vài tháng thì bạn tôi mất việc. Anh theo một người bạn làm nghề nhổ răng. Lúc bấy giờ nhiều người thiếu dinh dưỡng nên răng yếu. Nhưng người ta không có tiền để đến nha sĩ (hành nghề lén lút) mà tự chữa hay tự nhổ răng khi răng đau. Công việc nhổ răng sớm chấm dứt.

Bạn tôi và tôi đều bị du vào thế cùng đường. Tôi tương đối thảnh thơi hơn bạn tôi vì có nhà cửa, có mẹ, anh em, họ hàng nội, ngoại và bên vợ đông đảo nên tôi không đến nỗi lao đao như bạn tôi. Vợ tôi không càu nhàu khi gia đình rơi vào cảnh thiếu thốn ngặt nghèo trong khi tôi vẫn bình tĩnh ngắm mặt trời mọc và mặt trời lặn mỗi ngày, ngồi nghiên cứu Châm Cứu và cây cỏ. Tôi tự biến mình thành một thi sĩ không làm nổi một vần thơ và một nhà hiền triết vô tư tưởng! Bạn tôi tìm sự sống trong lao lực. Anh theo các cựu quân nhân lên Bến Cát, Chơn Thành chở than về bán ở Sài Gòn. Nhờ châm cứu cho các anh em này mà tôi cũng có mít ăn. Đúng là một cuộc sống phong lưu: không có đủ cơm ăn mà lại được ăn trái cây đầu mùa!

Không biết Đường Tơ Lụa như thế nào chớ đường chở than, chở củi từ Chơn Thành, Bình Mỹ, Phú Giáo về Sài Gòn rất nhiêu khê và nguy hiểm vì công an, du kích và thuế vụ. Sinh mạng và sự sống của những người chở than, củi nằm trong tay của ba nhóm người nầy. Có người bị họ bắn chết vì bỏ chạy khi gặp họ. Có người bị tịch thu than. Có người bị bắt giam sau khi bị tịch thu than và xe đạp. Đó là lúc có câu:

Công an, thuế vụ, kiểm lâm
Trong ba thằng đó anh đâm thằng nào?

images-1Uất ức mà nói vậy chớ có thấy công an, thuế vụ, kiểm lâm nào bị đâm đâu. Giải pháp đẹp nhất là đừng gặp nhau. Muốn như vậy phải tránh công an, du kích, thuế vụ và kiểm lâm (cấp cao) bằng cách đi đường rừng qua những đường mòn đầy cát và qua những dòng suối nước chảy xiết. Bạn tôi từng bị tịch thu than nhưng may mắn không bị giam và không mất xe đạp. Nghề chở than đối với anh tuy vất vả nhưng mang lại cho gia đình anh nhiều lợi nhuận. Anh quyết định cho đứa con lớn của anh nghỉ học để phụ chở than. Một bịnh nhân được anh chữa trị cho anh một miếng đất để canh tác. Nhưng anh vẫn tiếp tục dùng lao lực để nuôi thân và nuôi gia đình thay vì ngồi chờ thu hoạch hoa màu. Anh không có kinh nghiệm trồng trọt. Một bịnh nhân khác được anh chữa trị vì bị trọng thương trong biến cố Mậu Thân 1968 khuyên bạn tôi ngừng chở than và hành nghề cũ tại nơi anh từng phục vụ. Người này có thế lực ở địa phương nên bạn tôi trở thành bác sĩ tư đối với những người dân địa phương biết và yêu mến anh. Cuộc sống của anh cải tiến dần. Dân chúng trong vùng luôn luôn gọi anh là bác sĩ với tất cả sự yêu mến.

Trên 30 năm chúng tôi không gặp nhau. Không biết bây giờ bạn tôi ra sao? Tôi yên trí Thượng Đế không bỏ rơi con người đầy thiện tâm này. Trên xứ lạ quê người tôi vẫn nhớ đến người bạn ấu thời đặc biệt này. Một hôm nước mắt tôi tuôn trào khi viết vài dòng về anh:

Hai mươi năm xa cách
Mày trở lại thăm tao.
Đêm ấy mình không ngủ
Lại nói chuyện nước mình.

Tôi đã xa người bạn thân thiết nhất đời tôi. Tôi đã xa quê nội, quê ngoại, xa Lái Thiêu, xã Bình Dương. Tôi đã xa quê hương Việt Nam. Tôi không quên người bạn cô đơn, có thể bị người đời lấn áp, hiếp đáp và chèn ép nhưng bạn vẫn lạc quan và nuôi dưỡng hùng tâm hiếm có. Xin Thượng Đế luôn luôn bên anh và ban cho anh nhiều ân phúc và sự bình yên trong tâm.

PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.


--------------------
Mùa nào cũng buồn ...
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 26th May 2024 - 09:13 PM