Welcome Guest ( Log In | Register )

14 Pages V  < 1 2 3 4 5 > »   
Reply to this topicStart new topic
> PLEIKU( Gia Lai )
M&N
post Dec 24 2008, 11:40 AM
Post #25


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Trang Chủ
Posts: 11,665
Joined: 7-April 08
Member No.: 6
Country






Đêm Thấy Ta là Thác Đổ


M Pleiku lớn lên sau thời loạn, nhưng không phải thế mà bình yên tìm đến. Sau cơn mưa trời lại không sáng mà tối như mực. M Pleiku bắt đầu lớn lên trong khủng hoảng tinh thần lẫ kinh tế...
M Pleiku bắt đầu thấy cái khổ thật sự, nhưng không phải chỉ một mình em trải qua, mà là toàn quốc lâm vào "Nạn hồng thủy".
Thưở bé, M chỉ biết đến trường, và cuối tuần về thăm bố mẹ. Có lần, M nhớ khi về thăm nhà, tình cờ thấy trước nhà có một chiếc xe quân đội. Đứng trong phòng ăn, nhìn qua song cửa, M thấy trong nhà mình có một ông Th/tá. Không biết ông là ai? Nhưng nhìn ông trong bộ quần áo bay, trông rất oai và phong nhã. M thầm nghĩ, chắc ông ta phải nhiều đào lắm???
Thời gian trôi qua, M trưởng thành và trở thành cô giáo, đi dạy học. Đời sống rất chật vật, nhưng vì mến chức nghiệp cô giáo, cái chức nghiệp được nhiều người yêu mến, qúy trọng (nhất là đàn ông), nên M vẫn chấp nhận cái chức nghiệp nầy và đời đống khó khăn thiếu thốn ấy.
nơi M dạy học, ở trong một vùng kinh tế mới, cách Pleiku về hướng Nam khoảng gần 10 cây số (gần tiền đồn 32). Không biết người Th/tá năm xưa còn nhớ không?...Vả lại người thường bay ở trên trời nên có khi nào lặn lội đến những nơi M vừa kể.

M pleiku có một căn phòng rất dễ thương, làm toàn bằng đất sét, mái lợp bằng cỏ tranh, tuy vậy, rất nhiều khách du lịch ở kinh tế mới đến thăm!.
Trong nhà trang trí đơn giản nên ai cũng thích. Điều M muốn nói là, căn nhà của M ở ngay bên cạnh một cái thác nước, trong một buông của người Thương. mỗi sáng sớm, khoảng 5 hoặc 6 giờ sáng, khi thức dậy, M nghe tiếng nước của dòng thác nầy đổ ầm ầm dữ dội, để rồi sau đó những tiếng ầm ầm nầy, chìm vào trong nhiều tiếng ồn ào cuộc sống thường nhựt của cư dân chung quanh. Để về đêm, tiếng thác đổ lại ầm ầm, dữ dội trong thinh lặng đêm tối. Nhất là vào mùa mưa, những cơn mưa dai dẳng không dứt, ầm ầm gào thét dữ dội hơn, như tiếng oán hờn, trách móc của cuộc đời, của Tâ Nguyên, hay của thinh không ở lại, M không hiểu được.

Cho đến tận bây giờ, nơi tây Nguyên xa vắng ấy chắc chắn vẫn còn dòng thác kia, vẫn còn tiếng ầm ầm nước đổ oán hờn, trách móc mà M từng nghe, từng sống với và thương nhớ nó trong bây giờ, lúc này.
Đây là kỷ niệm của M.

M Pleiku

(Người viết không để tên thật, địa chỉ hay tung tích gì. Bài viết ngắn, nhưng khiến người đọc, nhất là trong chúng ta đã một thời hiện diện ở vùng đất mà người viết mô tả, cõi lòng chúng ta bồi hồi ray rức, vết thương tự qúa khứ chợt thức giấc, gây cảm giác nhức nhối, đau buốt...Chúng ta hãy đọc để chia xẻ cùng người viết những suy tư chưa tìm ra lời giải đáp. BĐ118)


--------------------
Mmm
Go to the top of the page
 
+Quote Post
M&N
post Dec 24 2008, 01:32 PM
Post #26


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Trang Chủ
Posts: 11,665
Joined: 7-April 08
Member No.: 6
Country






Tình Bạn Và Đời Lính

Trần Thế Phong


Thành phố Pleiku, thành phố Cao nguyên nắng bụi mưa bùn. Thành phố như thơ Võ Hữu Định: Đi giam phút trở về chốn cũ...Ở đây mỗi chiều quanh năm mùa đông...Thành phố như thơ Kim Tuấn: Buổi chieèu ở Pleiku những cây thông già đứng leen cũng bụi mù...Buổi chiêøu ở Pleiku không có mặt trời, chỉ có mưa bay trê đầu ngọn núi...Ra trường truyền tin Vũng-Tàu, tôi quyết định chọn đơn vị ở thành phố Pleiku, để xa tít mù xa, để quên em và cho em quên tôi, nhưng muốn quên , lại càng nhớ, muốn xa, lại càng gần. Thành phố buồn bã đó đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp trong đời quân ngũ và gặp những mất mát đau thương...

Thành phố đó tôi gặp lại Trần Văn Toàn, Lê Văn Minh và Đoàn Thạnh, ba thằng bạn thân thương từ thời thơ ấu thời học sinh, sinh viên và đời lính chiến.

Trần Văn Toàn: Trung úy Không Quân, Phi Đoàn 530 Khu Trục. Tôi học chung với Toàn lớp đệ nhị và đệ nhất. Toàn đẹp trai, hát hay, ăn nói duyên dáng, gốc người Huế, sinh và lớn lên ở Đà Nẵng, mỗi tối thứ bảy, Toàn thường đến ty thông tin Đà Nẵng hát với biệt hiệu là Duy Hải. Nhiều em rất đẹp mê Toàn với giọng ca truyền cảm. Năm đệ nhất là năm cuối ở Đà Nẵng, tôi và Toàn thường đèo nhau trên chiếc gobel đi phá làng phá xóm. Đậu tú tài 2 Toàn ra Huế học Luật, tôi vào Saigon học Văn khoa, biệt tăm nhau trong mấy năm, không ngờ gặp nhau trên thành phố heo hút này, một thằng sĩ quan Không Quân, một thằng sĩ quan Truyền Tin

Lê Văn Vinh, trung úy Phi Đoàn 229 trực thăng quê ở Quảng Ngãi, không đẹp trai lắm nhưng ăn nói có duyên, chơi đàn guitar và ngâm thơ rất hay. Biết nhau trong những năm ở Đại học Văn-khoa, nhưng thân nhau trong đoàn thanh niên chí nguyện Việt Nam. Đoàn thanh niên chí nguyện Việt Nam qui tụ nhiều thanh niên lãng tử, nhưng có lý tưởng. Bốn mươi lăm ngày học tập ở sân vận động Cộng Hòa đã cho tôi một thời gian đẹp và dạy tôi rất nhiều nghề. Những đêm sinh hoạt cộn đồng, Vinh phổ nhạc những bài thơ của Nguyễn Tịnh Đông và tập cho anh em hát. Tôi làm thơ, Vinh ngâm cho anh em nghe. Vinh có một chuyện tình buồn khi còn học trung học Quảng Ngãi. Vinh có kể cho tôi nghe một lần. Sau thời gian huýan luyện; mỗi đứa đi công tác mỗi nơi, không gặp nhau và không ngờ gặp lại nhau trên thành phố này. Đoàn Thạnh: Thiếu úy Phi đoàn 235 Trực thăng; cao gầy, nước da đen, lầm lỳ, ít nói, hay cười. Thạnh và tôi cùng quê, Tam Kỳ, Quảng Nam nghèo khổ, cha mẹ Thạnh, cha mẹ tôi cũng là bạn nhau, người nhà quê chân chất, thật thà. Cố gắng tảo tần, nuôi con ăn học và mong con lớn lên có một nghề vững vàng. Không theo nghề nông vất vả nhọc nhằn. Tuổi thơ tôi và Thạnh gắn liền với nhau. Thạnh học sau tôi hai lớp, cùng chung một mái trường tiểu học, trung học. Những ngày hè cùng tắm trên một dòng suối, cùng chơi đá banh trên sân ga và chiều chiều nhín những con tàu qua lại. Ước mơ lớn lên được theo tàu đi một chuyến thật xa. Những ngày Tết, cỡi xe đạp chạy quanh làng thăm bạn bè và khoe áo mới, những đêm trăng quê nhà ngồi trên chiếc chõng tre trước sân nhà tôi, nghe mẹ tôi kể chuyện đời xưa...Thạnh và tôi cùng chung một lý tưởng và sinh hoạt một đoàn. Thạnh chơi với bạn rất chân thật. Năm tôi ra Đà Nẵng học, nghỉ hè thường gặp nhau, đi chơi với nhau, nhưng khi vào Sài gòn, thì không gặp Thạnh, và cũng không ngờ lại gặp nhau ở thành phố buồn hiu này!

Làm sao biết được chữ ngờ, thời cắp sách đến trường, ai cũng mơ ước tìm một nghề mình thích như bác sĩ, kỹ sư, dạy học hay luật sư...và có vợ đẹp con thơ; ai có ngờ vào lính đâu. Bốn thằng chun đầu vào lính, lại gặp nhau trên thành phố cao nguyên nắng bụi mưa bùn...Gặp lại tôi, ba thằng bạn trở nên thân nhau hơn.

Những ngày cuối tuần, tôi lái xe jeep từ Câu Lạc Bộ Sĩ Quan Quân Đoàn 2 ra Phi trường Cù Hanh đón ba thằng đi cùng khắp thành phố Pleiku. Những đêm khuya khoắt ngồi uống rưỡu ở Phượng Hoàng. Những sáng Chủ Nhật lang thang ở Biển Ho ngắm người đẹp. Những trưa thứ bảy ăn thịt vịt ở Thanh An; thịt vịt Thanh An (khu dinh điền của Tổng Thống Diệm thời trước) ngon hết chỗ chê. Khoảng ba, bốn chục con vịt cồ mập ú nhốt trong một cái vý khoanh tròn; khách vào chọn một hay hai con mình thích, chỉ cho chủ quán, khoảng 5 phút sau có đỉa tiết canh lai rai với rượu thuốc, hoặc bia 33 và tiếp tục là vịt rô-ti, vịt luộc, cuối cùng là cháo lòng vịt. Ba người, một con vịt mấy chai bia là quên đường về. Tuần nào ba thằng cũng kéo nhau đi ăn vịt Thanh An và trở về phố uống cà phê. Ở Pleiku có nhiều tiệm cà phê đẹp hữu tình: Thiên Lý, Văn, Hoàng Lan. Nhưng tiệm cà phê Dinh Điền là nổi tiếng rất ngon; ai đến Pleiku mà không uống cà phê Dinh Điền là chưa biết Pleiku. Từ sáng sớm đến khuya đều đông khách. Có những người lính tiền đồn xa xôi về thị xã công tác, cũng phải tranh thủ ghé vào Dinh Điền uống một ly cà phê, trở lại tiền đồn mới an lòng, có khi đông khách hết chỗ ngồi, ngồi trên một cái nón sắt, súng kê lên đùi uống một ngụm cà phê, hút một hơi thuốc Captai, thấy tâm hồn sảng khoái yêu đời...

Thành phố Pleiku là thành phố của lính; buổi sáng rất tĩnh lặng, buổi chiều toàn là lính. Chợ trời bán đồ Mỹ ngay trên đường Hoàng Diệu và quanh khu Diệp Kính; buổi chiều những rạp ciné hát nhạc inh ỏi. Chiều chiều, buồn buồn để xe trước nhà thờ, bốn thằng đi lang thang quanh khu Diệp Kính ngắm những cô nữ sinh má đỏ, môi hồng tan trường về trên đường Hoàng Diệu. Nhiều lúc nghĩ cũng buồn cười, ba thằng Không Quân mặc đồ bay, một thằng lính ngành mặc đồ treilli đi lang thang ngoài phố; đi để cho mọi người ngắm, lính này cũng đẹp trai lắ chớ bộ...

Mỗi lần bắt gặp một cô gái nào đẹp: Tìm đến nhà làm quen, bốn thằng trổ tài tán tỉnh, cuối cùng Toàn là kẻ chiến thắng. Vinh có lúc hạng nhì, tôi và Thạnh hạng chót! Có một lần tôi nhớ hoài. gần tiệm thịt vịt Thanh An có một tiệm cà phê vườn rất đẹp, chủ quán người Bắc di cư lên đây lập nghiệp, có hai người con gái rất dễ thương học đệ tam và đệ nhị Pleiku. Cuối tuần nghỉ học, thường ra coi quán. Cô chị tên Oanh, cô em tên Thục. Mỗi lần ăn thịt vịt xong, bốn thằng vào quán ‘’Không Tên ‘’ uống cà phê ngắm người đẹp, ngắm riết rồi trồng cây si, lần này Thạnh và tôi bàn nhau phải chiến thắng. Oanh của tôi và Thục của Thạnh. Vẻ bên ngoài ăn nói thì thua Toàn và Vinh, nên tôi và Thạnh đi chiến thuật bỏ nhỏ. Tôi tán Thục cho Thạnh, Thạnh tán Oanh cho tôi, và nói Toàn, Vinh đã có bồ ở Sài gòn sắp cưới. Khùng mới lấy những thằng đàn ông sắp cưới vợ; dù có đẹp trai. Thế là tôi và Thạnh chiến thắng...Đêm văn nghệ cuối năm ở trường Trung Học Pleiku; tôi và Thạnh nhật được hai thiệp mời của Oanh và Thục. Đêm đó hai đứa ngồi uống rượu đợi. Tôi và Thạnh trở về trong niềm vui yêu đời.

Cứ tưởng thời gian êm đềm trôi qua, bốn thằng làm hết bổn phận, của người sĩ quan QLViệt NamCH; tâm nguyện công tác trên thành phố cao nguyên một thời gian rồi xin đổi về Sài gòn lập gia đình. Sống một cuộc sống êm ả hơn.

Có ngờ đâu năm 1972, chiến trận lại bộc phát mạnh. Cộng Sản tăng cường xâm lấn miền Nam, đánh chiếm Quảng Trị và vùng cao nguyên. Tại vùng 2 Chiến Thuật, Việt Cộng đánh mạnh vào Thị xã Kontum; chiếm Tân Cảnh. Thị xã Pleiku thiết quân luật. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2, và các đơn vị chung quanh, Tiểu khu Pleiku, cấm quân 100%. Tướng Toàn thay Tướng Ngô Du – tái chiếm Tân Cảnh giải tỏa Kontum. Các gia đình sĩ quan, binh sĩ và dân sự ở thành phố đều di tản khỏi thành phố Pleiku – Mùa Hè đỏ lửa năm 1972, thành phố Pleiku như thành phố chết. Yên lặng như chờ đợi bước chân tử thần...

Tôi, suốt ngày đêm trực ở đơn vị. Toàn bay khu trục suốt ngày lên xuống Kontum oanh tạc. Vinh và Thạnh bay trực thăng chở quân tiếp viện Tân Cảnh, Kontum, Dakto, Pleime. Mổi lần trở về đều gọi điện thoại cho tôi trong những tiếng thở dài. Co lần Toàn báo cho tôi mừng, trong một phi vụ oanh tạc xe chở quân của Việt Cọng bị súng phòng không bắn lên, may Toàn bay ra khỏi làn đạn thoát chết. Một tối, tôi vào thăm thì thấy khuôn mặt ba thằng đều hốc hác, bơ phờ và lo lắng. Riêng Thạnh có vẻ đăm chiêu, suy tư nhiều hơn. Ngồi uống cà phê lặng lẽ, không như những lần trước tươi cười, đùa giỡn vô tư...Trong giây phút yên lặng đó, lòng tôi thương ba thằng bạn thân vô cùng. Dù sao với tôi, lính ngành truyền tin, cũng an toàn hơn. Còn Toàn, Vinh và Thạnh ngày đêm đối diện với súng đạn, đối diện với cái chết; Trời kêu ai nấy dạ. Tôi cầu mong ơn trên phù hộ cho bốn thằng, khi tàn cuộc chiến vẫn còn ở bên nhau mãi mãi...

Bỗng dưng Thạnh cười thật lớn, vỗ vai tôi và nói: ‘’Cuộc chiến càng khốc liệt, rồi có ngày cũng tàn, nhưng ngày tàn đó không biết bốn thằng bạn mình có còn lại đủ không? Nếu mình có hy sinh, bạn nào còn lại nhớ đưa xác mình về quê để an nghỉ với ông bà. Đối với VC không đàm không điếc gì cả, phải đánh tới cùng mới chiến thắng.’’ Nói xong Thạnh lại cười lớn; đứng dậy ôm vai tôi, bắt tay tôi, bắt tay Toàn và Vinh, xin phép về phòng nghỉ để mai bay sớm tiếp viện quân cho Tân Cảnh. Thạnh đi rồi ba thằng còn lại cũng chia tay, tôi lái xe về đơn vị lòng buồn vời vợi...

Tôi đang ngồi làm việc nghe điện thoại reo. Cầm điện thoại nghe, giọng Toàn bên kia đầu dây ngập ngừng báo tin: Thạnh đã chết trong chuyến bay sáng nay tại Tân Cảnh. Máy bay của Thạnh bị bắn rơi; phi hành đoàn chạy thoát, Thạnh chạy sau cùng bị một loạt AK của VC bắn phía sau lưng. Xác Thạnh được toán phi hành đoàn của Mỹ lấy được đem về quàn tại Quân Y Viện Pleiku. Tôi chạy ra xe như xác không hồn sang QYV Pleiku. Thạnh nằm đó như ngủ. Thân hình bị cháy xám. Tôi vuốt mặt Thạnh, không nói nên một lời, nước mắt chảy dài trên hai má. Bạn bè Thạnh đứng xung quanh, Toàn, Vinh đều khóc và nhìn Thạnh trong niềm uất nghẹn...

Ngày hôm sau phi đoàn cho một chiếc trực thăng bay về quê Tam Kỳ, rước cha mẹ Thạnh lên nhận xác con. Tôi nhìn cha mẹ Thạnh già nua, ốm yếu quê mùa, nhận xác Thạnh trong chiếc hòm kẽm. Ông bà không còn nước mắt để khóc cho con, quờ quạng như xác không hồn. Chiếc máy bay đưa xác Thạnh, và cha mẹ Thạnh cùng với toán lính hộ tống tiễn đưa, cất cánh bay lên, bỏ lại ba thằng bạn thân thương đứng nhìn theo, và khóc rống như trẻ con. Chiếc máy bay đã khuất trên bầu trời, ba thằng trở về phòng Toàn, đêm hôm đó không ngủ, ngồi kể lại những kỷ niệm với Thạnh, và khóc suốt đêm...

Thạnh ơi bây giờ bạn đã trở về quê theo lời bạn mong ước, gần cha mẹ ông bà, bên dòng suối mát; bên sân ga, chiều chiều nhìn những con tàu chạy ngang qua, hụ còi inh ỏi...

Thạnh đã mất rồi, còn lại tôi, Toàn và Vinh buồn bã lặng lẽ. Và theo lời Thạnh nói, cuộc chiến bộc phát dữ dội rồi sẽ tàn. Tân Cảnh được tái chiếm, Kontum được giải tỏa. VC được đánh bật ra khỏi lãnh thổ Quân Đoàn 2. Thành phố Pleiku trở lại yên bình...Và ba thằng tôi tiếp tục làm tròn bổn phận của người Sĩ Quan QLViệt NamCH cho đến năm 1975...

Thạnh ơi đã 28 năm rồi, bạn bỏ đi về quê, chắc bạn nhìn thấy nổi trôi của đất nước; điêu linh của dân tộc mình và không biết đến bao giờ tìm lại được những thời hoa mộng của tuổi trẻ, của đời lính gian truân, nhưng đầy vàng son.

Và bây giờ tôi đang sống lưu vong trên đất người, Toàn và Vinh bây giờ không biết đang ở đâu? Dã mùa xuân năm 2000 rồi, tôi chưa gặp lại các bạn, nếu các bạn đọc được những dòng chữ này, mong các bạn tìm gặp nhau để cùng thắp một nén nhang, tưởng nhớ Đoàn Thạnh-người bạn thân thương ngày cũ.

Trần Thế Phong


--------------------
Mmm
Go to the top of the page
 
+Quote Post
M&N
post Jan 16 2009, 10:26 AM
Post #27


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Trang Chủ
Posts: 11,665
Joined: 7-April 08
Member No.: 6
Country





Niềm vui chợt tắt!

(Để nhớ về Phi-Hổ Trịnh Đức-Tự, một hiệp-sỹ không-gian của vùng trời hỏa- tuyến ngày nào…)

Trần Ngọc Nguyên Vũ

*****
…Vào một buổi trưa Chủ-Nhật, trời PleiKu thật buồn. Từng tảng mây mù từ trên đỉnh núi chậm-chạp trôi về rơi rụng phủ kín sân bay…Những người lính chiến của Không-Đoàn 72 Biên-Trấn tụ-tập nhau tại câu-lạc-bộ của không-đoàn, ngồi uống cà-phê, kể truyện tiếu-lâm, truyện tình phố núi và truyện đời bay bổng…trong lúc chờ thời tiết khá hơn để cất cánh lao mình vào chiến trận. Trên bầu trời mịt mờ sương khói, trong một phi-vụ huấn-luyện không-hành ĐàNẵng-SàiGòn-ĐàNẵng, trên đường về, Tự làm IFR xuyên mây, đáp phi-trưòng Cù-Hanh ghé thăm tôi. Bạn thân mỗi lần gặp nhau lòng như mở hội. Tôi rủ Tự và người co-pilot của anh ra ngoài căn-cứ thưởng-thức món chả chìa độc-đáo của cái thành phố quanh năm gió núi mưa rừng này. Tôi vỗ vai người phi-công trẻ nói đùa:

- Lát nữa cậu chỉ được phép uống nước lạnh để còn đưa “ông thầy” về Đà-Nẵng đó nghe.

Người phi-công trẻ cười, cất giọng hào-sảng nói:

- Hì…Hì…Thiếu-Tá đừng lo, em là thợ…thợ bay phi-cụ mà. Hồi nãy đáp, phi-cơ đang chạy trên phi-đạo, ông thầy em giật mình tỉnh giấc, cứ tưởng em còn đang cho phi-cơ xuyên mây…Nhưng thôi…Thiếu Tá cho em khất lần tới đi, chứ chả chìa, giềng mẻ mắm tôm mà đi với nước lạnh thì…sợ người ta chê không-quân mình cù lần chăng.

Tôi vỗ vai người sỹ-quan trẻ, nhìn Tự nói:

- Dân Không-Quân miền Hỏa-Tuyến các cậu gáy nghe cũng không tệ lắm.

Cả ba chúng tôi cùng cười. Bỗng nhiên tôi khựng lại, và chợt nhớ ra là Tự có người yêu là cô giáo đang dậy học ở PleiKu. Anh thiếu-úy trẻ hình như cũng đọc được ý nghĩ của “ông thầy” mình; anh nhìn tôi nheo mắt nói:

- Em có thằng bạn cùng khóa ở PĐ-530, Thiếu-Tá cho em qúa–giang tới thăm nó thì đẹp qúa.

Tôi nhìn người phi-công trẻ lém-lỉnh, cười rồi quay qua nói với Tự:

- Thôi, cậu giao ông thiếu-úy này cho mình rồi đến thăm nàng. Trời này mà bất chợt ghé thăm người tình, để nhìn “mắt em ướt, và tóc em ướt” để thấy “môi em mềm như mây…” thì thật là tuyệt-vời.

Rồi tôi dúi chiếc chìa khóa xe jeep vào tay anh nói:

- Tụi này đợi cậu tại quán ăn nơi cuối phố, từ đây về Đà-Nẵng không đầy một tiếng theo đường chim bay. Cậu còn nhiều thời giờ chán…Nhưng đừng quên ghé đón anh em đó nghe.

…Đó là lần cuối cùng tôi gặp Tự. Một thời gian sau, cũng vào một buổi trưa, tôi nhận được điện-thoại từ một người bạn ngoài Đà-Nẵng báo tin Tự đã hy-sinh trong một phi-vụ hành-quân, đơn-vị đang xúc tiến việc lấy xác người phi-công tuẫn quốc. Tôi lặng người đi một lúc như không muốn tin đó là sự thật…Tôi mới gặp Tự đây mà…Rồi thì cả một vùng kỷ-niệm nhạt-nhòa trong dĩ-vãng bỗng hiện ra trước mắt tôi như đang coi một cuốn phim đời…Tôi nghĩ đến gia-đình và thân nhân của Tự. Rồi tôi nghĩ đến Phượng, người yêu của Tự, không biết nàng sẽ như thế nào khi nhận được tin dữ này…Tôi cũng nghĩ đến những cuộc tình của một thời chinh-chiến; không có gì để bảo đảm cho một tương-lai đầy bất trắc cho những người trai hàng ngày vẫn lạnh lùng leo lên chiếc quan tài bay, lao vào vùng trời lửa đạn, bỏ lại một ngày cho đời mình, một ngày cho những quằn-quại đau thương của dân-tộc và một ngày cho những đôi mắt vời-vợi chờ trông nơi chốn chân mây ở tận cuối trời…

…Còn nhớ ngày nào, vào khoảng mùa Hè năm 1962, chúng tôi gồm mấy đứa, Tự, Nguyễn Phúc-Hưng, Sĩ-Phú, Đào-Văn-Năng, và tôi cùng nộp đơn vào Không-Quân. Vì số người tình-nguyện qúa đông nên phòng tuyển-mộ đã chia chúng tôi ra thành 2 toán. Toàn đầu, trong đó có Sĩ-Phú được gởi ra Nha-Trang và trở thành khóa 62C. Tôi và Hưng vì thiếu cân nên phải đợi tái khám và bị dồn xuống toán sau, ra Nha-Trang ngày mồng 2 tháng Giêng năm 1963 trở thành khóa 63A cùng với Nguyễn Hoàng-Dự, Mai Tiến-Đạt, Tứ, Ngô Đức-Cửu, Thặng... Còn Tự và Năng bị trục-trặc về mắt, tai, mũi, họng nên chúng tôi phải tạm chia tay…Mấy tháng sau, Hưng, Nghiêm Ngọc-Ẩn và tôi cùng một số SVSQ nữa được gọi về Bộ-Tư-Lệnh KQ làm thủ tục du học. Trong thời gian đang thụ-huấn tại NAS Pensacola, FL thì tôi được tin Tự đã hội đủ điều kiện sức khỏe để nhập Không-Quân. Riêng về phần Năng thì đành bỏ mộng đi mây về gió để trở về làm bạn với vùng xình lầy, đồng ruộng, và núi rừng trùng điệp trong Binh-Chủng Biệt-Động-Quân…Cũng kể từ đó tôi không có cơ-hội gặp lại Tự và Năng cho đến khi mãn khóa về nước, phục vụ ở Biệt- Đoàn 83, rồi đi biệt phái Đà-Nẵng thời kỳ biến-động miền Trung mới gặp lại Tự ở Phi-Đoàn Phi-Hổ 516. Riêng về Năng thì vì không cùng quân-binh-chủng nên chỉ biết anh đang sải vó ngựa hồng, miệt mài theo khói lửa…

Là một đại cao-thủ của VoViNam, cùng nhóm với Đào Văn-Năng (Biệt-Động-Quân), Nguyễn V Tựu (Biệt Kích Dù)…Cũng như Năng và Tựu, Tự có vóc dáng và phong-độ hào-sảng của một đại-hiệp trên chốn giang-hồ trừ gian giệt bạo. Tuy là con nhà võ nhưng lại mang một tâm hồn nghệ-sỹ, Tự rất thích thơ văn. Những bài thơ mang tính cách lãng-mạn của thời chiến như “Tha La xóm đạo” của Vũ Anh Khanh, “Mầu tím hoa xim” của Hữu-Loan, và “Làng tôi” của Yên-Thao, “Bên kia sông Đuống” của Hoàng-Cầm, hoặc Hồ-Trường của Dương B. Trạc, hay “Bài ca Phạm Thái” của Nguyễn Đình-Toàn…Tự đều thuộc lòng. Hồi còn ở ngoài dân sự, mỗi lần gặp nhau là thế nào cũng có một đêm văn-nghệ bỏ túi cùng các bạn như Hà-Linh-Bảo, Phạm Văn-Hiến, Hồ Hải-Trân và Hoàng Hương-Trang họp mặt để đàn hát, ngâm thơ và thổi sáo,…

Khi Biệt-Đoàn 83 giải tán, tôi được thuyên chuyển ra Đà-Nẵng, cùng ở 516 với Tự, lúc này thì anh em mới thực sự gắn bó như xưa. Chỉ còn thiếu Năng. Còn nhớ hồi ở Đà-Nẵng, một buổi sáng mùa Xuân năm Mậu-Thân, tôi cùng Nguyễn-Du thi-hành phi-vụ tuần-thám võ-trang “Đà-Nẵng Quảng-Ngãi Đà-Nẵng”. Chúng tôi cất cánh sớm hơn giờ dự trù, hy-vọng về đáp sớm để còn bay một phi-vụ không-hành về Sài-Gòn chúc Tết Ông Bà Bố Mẹ. Khi vừa lên cao độ bình-phi thì phát hiện một đoàn người từ hướng núi tiến ra bờ sông Hàn, và như đang định bơi qua sông để vào Đà-Nẵng. Mới đầu chúng tôi tưởng là dân chúng đi trẩy hội Tết, nên bay xuống thật thấp để làm một cái “low pass” chúc Tết mừng Xuân. Nhưng vừa xuống thấp khoảng 100 thưóc thì ở dưới bắn lên tới tấp. Chúng tôi hoảng hồn phóng vút lên lấy cao độ, rồi báo cáo về Panama là có một đoàn quân Cộng-Sản chừng một Trung-Đoàn đang định vượt sông Hàn để vào Đà-Nẵng. Panama không dám quyết định, yêu cầu chúng tôi làm vòng chờ trên cao độ đợi xin lệnh quân-đoàn I. Đoàn người ở dưới biết là đã bị lộ nên ào hết xuống sông để qua bờ bên kia. Nguyễn Du tính nóng như lửa, hối thúc tôi phải hành động ngay, vì nếu để đám quân này qua được bờ sông thì chúng sẽ lẩn vào nhà dân chúng và tình thế sẽ trở nên rất nguy-hiểm. Hai chiếc khu-trục A1 cùng song hành nhào xuống thật thấp, oanh-kích trực xạ vào đoàn quân Cộng-Sản…Từng chùm hỏa tiễn từ hai chiếc khu-trục cơ phóng vụt ra, cầy tan mặt đất…Xác người vỡ nát, thịt xương bắn tung lên. Những viên đại-bác 20ly công phá xuyên thủng những tấm bia thịt đang ngụp lặn giữa dòng sông…Xác nổi lềnh bềnh như xác quân Mãn-Thanh, mặt nước đỏ ngầu như nước sông Hồng mùa Xuân năm Kỷ-Dậu...Chỉ trong khoảng thời-gian chưa đầy 15 phút, hai chiếc khu-trục A1 đã trút hết hoả-tiễn và đại-bác 20ly, tiêu diệt hơn một nửa số người trong đoàn quân xung-kích của địch. Đám người còn lại vứt bỏ vũ khí quay đầu chạy ngược vào phía núi…Lúc đó thì Panama mới liên-lạc cho biết lệnh Quân-Đoàn là phải ngăn chặn đoàn quân này bằng mọi giá. Chúng tôi cho Panama biết là phi-vụ đã hoàn tất. Trên trời cũng vừa có Thiên-Phong 11 do Dị và Thiếu-Uý Chín của PĐ 110 trên vùng tiếp-tục công việc theo dõi, và một phi-tuần Phi-Hổ của Đoàn-Toại và Tự cũng vừa lên kịp để thay thế cho chúng tôi về đáp…Khi về đến phi-đoàn chúng tôi thấy toàn bộ chỉ-huy của KĐ41 cùng Phi-Đoàn-Trưởng, Truởng Phòng Hành-Quân và các nhân-viên phi-hành của PĐ516 đều có mặt đầy đủ. Tiếng chuông điện thoại reo tới tấp, và trên bảng phi-lệnh chi chit những phi-vụ chờ cất cánh. Lệnh cấm trại 100% được ban hành, lúc bấy giờ chúng tôi mới biết là Việt-Cộng tổng công-kích toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Mùa Xuân Mậu-Thân năm ấy, trong một hoàn cảnh rất tình cờ mà Nguyễn Du và tôi đã cứu được thành phố Đà-Nẵng thoát khỏi thảm họa do đám người cuồng tín gây nên như ở Huế hay các thành phố khác…

Sau lần đó, chúng tôi kết với nhau thành một “băng ăn nhậu” gồm có Du, Hoàng, Tự, tôi và Đoàn-Toại…Sau những phi-vụ hành-quân hàng ngày, chúng tôi thường ra phố nhậu nhẹt ở quán thịt bò Ba-Quy trong một con hẻm ở đường Độc-Lập. Thành-phố Đà-Nẵng thời bấy giờ thường xuyên ở trong tình-trạng “giới nghiêm”, nhưng đối với những người lính Biệt-Động-Quân, Nhẩy Dù, lính Hải-Quân, lính Biệt-Hải, Thủy-Quân-Lục- Chiến…và với những cái tên mà mới đọc lên đã thấy ngất ngây như say men rượu như: Bảo, Ban của Hải-Quân; Hoàng-Phổ, Quách-Thưởng, Đức ghiền, Nguyên, Ngộ, Thanh mặt xanh, Ngoạn của Biệt-Động-Quân; Hùng, Vũ của Biệt-Hải; Liêu bến tầu, Nho Saxaphone ngoài dân sự… thì lại là giờ ra đường làm việc của họ, nên quán nhậu cứ sau 12 giờ đêm mới vui…cái vui của những “Anh-Hùng tứ xứ”; chỉ một lần gặp gỡ qua chén rượu giang-hồ mà tình bạn, tình đồng-ngũ như đã thiên-thu bất diệt…

Những người bạn ngoài quân-chủng rất thích kết-giao với dân KQ. Một phần vì cái vẻ hòa-hùng qua những chiếc áo bay mầu đen, mầu cam, mầu xám…thêm những thứ phụ-tùng lỉnh kỉnh như khăn quàng mầu tím, dao găm, xúng ngắn P-38 đeo xệ bên hông, đạn flares…đã biến những con người thư-sinh mảnh-khảnh kia thành những trang “hiệp-khách phò nguy cứu khổ”, và nếu cần thì cũng có thể quá giang những người bạn KQ trên chiếc AD5 trong một phi-vụ liên-lạc không-hành nào đó để về Sài-Gòn như Đại-Úy Nguyễn Đình-Bảo của Nhẩy Dù hồi Tết Mậu-Thân. Nhưng phần chính là những người lính chai lỳ này đã được chứng kiến tận mắt những hình ảnh bi-hùng của người anh em KQ nơi chiến địa. Hình ảnh những chiếc phi-cơ vận-tải, quan-sát gẫy cánh, chao đảo trên không như một con đại bàng bị trúng tên rồi gục xuống bìa rừng, những chiếc trực-thăng nổ tung như một qủa cầu lửa của những hợp-đoàn lầm-lỳ bay vào trận địa, những chiếc khu-trục lao mình cắm đầu xuống mặt đât, rồi cháy bùng lên như một ngọn hỏa-diệm-sơn trong cơn phẫn nộ chuyển mình, những cánh dù bung ra như một đóa hoa hồng lửng-lơ giữa vòm trời lửa đạn…Để rồi khi trở về thành-phố, nhìn những dáng dấp thư-sinh trong chiếc áo bay, gồ-ghề mà thanh-thoát…tình tri-kỷ, tình đồng-đội tự nhiên đến với họ. Nhưng nhiều khi cũng có những đụng chạm nẩy lửa, đánh nhau vỡ đầu, sứt trán rồi mới nhận anh em, và trong những trường hợp đó thì Tự là người luôn luôn mang lại chiến thắng cho “phe ta” và lòng cảm phục của phe “địch”. Mỗi khi ra khỏi căn cứ, cũng như Đoàn-Toại, Tự rất ít khi mặc áo bay, và nếu có thì cũng rất giản-dị. Chỉ một chiếc áo bay, không dao, không súng, cùng những thứ lỉnh-kỉnh như những anh em khác. Củng vì những nét đặc-thù này mà trông Tự nổi bật trong đám đông, chẳng khác nào như một bạch-diện thư-sinh trên tay chỉ có một chiếc quạt cũng đủ làm khiếp đảm giang-hồ hắc bạch…

…Những hình ảnh của ngày xưa đó cứ lần lượt hiện về trong trí tôi như những đám mây đen từ đỉnh Trường-Sơn cuồn-cuộn trôi về phủ kín cả bầu trời phố núi…Nhìn đồng hồ, thấy sắp đền giờ tan học. Tôi lái xe ra trường Trung-Học Pleime để đón Phượng. Tôi đậu xe dưới một gốc phượng-vỹ gần cổng trường, nhìn những tà áo dài phất-phới như cánh bướm của các cô nữ sinh, những tiếng cười cùng giọng nói liến-thoắng, ríu rít như chim hót mà thấy lòng mình như chùng xuống. Tuổi trẻ thật là vô-tư yêu đời, không thấy được những hiểm-nguy đang rình rập cuộc sống…Lẫn lộn trong đám học sinh đổ ào ra như đàn chim vỡ tổ, Phượng đi cùng một người bạn ra phía cổng trường. Thấy tôi Phượng mừng rỡ chạy đến reo lên:

- Anh! Lâu qúa sao không thấy anh ghé Phượng chắc là anh bận lắm hả. Anh Tự mới gởi thư cho em nói tuần tới anh ấy sẽ ghé PleiKu cho em qúa giang A37 về Sài Gòn đó. Thế nào cũng lại phiền anh ra chở vào phi-trường.

Tôi cười buồn chưa kịp nói gì thì Phượng đã liến-thoắng nói:

- Anh thật là có số ăn. Ngày mai tụi em được nghỉ nên em mời chị bạn về nhà ăn cơm tối. Nếu anh không chê thì xin mời anh lại dùng cơm luôn thể với tụi em.

Rồi với giọng tinh nghịch Phượng nói tiếp

- À…em xin giới thiệu với anh đây là chị Tường-Vy, cô giáo mới từ Huế đổi lên đây để được gần người yêu. Người yêu của Tường-Vy là Trung-Úy phi-công Trực-Thăng, chút nữa gặp thế nào anh cũng nhận ra người quen. Anh ấy nói là có biết anh.

Tường-Vy cúi đầu chào tôi, cặp má hơi hồng lên cùng với vẻ e thẹn cố-hũu của những cô gái Huế khi gặp người lạ. Tôi cúi đầu chào lại và kín đáo quan sát người bạn của Phượng. Cũng như Phượng, Tường-Vy có một khuôn mặt đẹp tuyệt vời, đặc biệt với cặp mắt sâu buồn vời-vợi như chứa đựng cả một bầu trời thu trong đó…Tôi mời hai người lên xe. Trên đường về nhà Phượng, nàng nhờ tôi cho nàng ghé qua chợ mua thêm ít đồ gia-vị cần thiết. Phượng vẫn vô tình cười nói luôn miệng kể chuyện nàng và Tự cho Tường-Vy nghe. Nhìn hai người, tôi bỗng thấy xót xa cho kiếp hồng-nhan của một thời ly-loạn…Định-mệnh thật qúa khắt-khe, đã đưa đường dẫn lối cho Thục-nữ giai-nhân gặp gỡ khách anh-hùng, sao còn nỡ dang tay bẻ gẫy cuộc tình…Trong lúc ngồi ngoài xe đợi Phượng và Tường-Vy vào chợ, tôi quyết định sẽ báo tin Tự đã hy-sinh cho Phượng biết vào một dịp khác. Bây giờ đây…tôi không dám làm tắt niềm vui của Phượng và Tường-Vy cho dù nó rất ngắn ngủi.

Trần Ngọc Nguyên Vũ

(Một thời ly-loạn)


--------------------
Mmm
Go to the top of the page
 
+Quote Post
M&N
post Jan 30 2009, 04:43 PM
Post #28


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Trang Chủ
Posts: 11,665
Joined: 7-April 08
Member No.: 6
Country






Rươu Cần Tây Nguyên


Rượu cần là cách gọi của người Kinh căn cứ vào cách uống của loại rượu này – đó là rượu ủ men, không qua chưng cất, ủ trong vò sành và hút bằng cần trúc. Rượu Cần là loại rượu uống phổ biến nhất của các cư dân bản địa Tây Nguyên. Làm rượu cần và uống rượu cần đã trở thành phong tục có nguồn gốc lâu đời, thành nét văn hóa trong đời sống của họ. Với đồng bào Tây Nguyên, bất cứ nhà nào cũng có ché để ủ rượu, thậm chí nhiều gia đình có hàng dãy ché chạy sát vách nhà dài. Trong các dịp cúng thần hoặc trong các lễ tang, lễ cưới, lễ rước hồn lúa, lễ chúc sức khoẻ, lễ cầu mùa… đều phải có rượu, tất cả nam, nữ, già, trẻ đều uống. Để có một ché rượu ngon, người làm rượu phải thực hiện một quy trình các thao tác khá công phu.

Rượu cần là một thứ rượu thường làm bằng củ sắn hoặc gạo tẻ, khi có lễ đặc biệt quan trọng thì dùng gạo nếp. Phương pháp làm rượu đơn giản, gạo nấu thành cơm rồi trộn với trấu, dàn mỏng rồi phơi. Men rượu được người dân tộc chế từ vỏ cây Hiam lấy trong rừng trộn với bột ớt, bột gừng, bột gạo trộn với nước và vắt thành từng bánh nhỏ, phơi thật khô, sau đó để từ 10 – 15 ngày giã nhỏ rắc lên trên nia cơm, sau đó trộn thêm một lần trấu nữa rồi đổ vào ché trấu ủ từ 1 đến 2 ngày, lấy lá chuối khô ủ kín. Sau một tháng đem ra dùng, khi uống lót lá chuối tươi ở trên, đổ nước lá đầy ché, dùng cần cắm xuyên qua các tầng lá xuống đấy ché, uống cạn đến đâu lại chế thêm nước lã đến đấy. Rượu cần được uống trong các bữa ăn, một bữa rượu cần bản thân nó được coi là một bữa tiệc, một ngày hội. Để chuẩn bị cho các lễ lớn người ta phải ủ rượu trước hàng tháng trời. Trước đây người ÊĐê thường dùng các loại ché Tuk, ché Tang màu da lươn là những loại ché quý dùng trong dịp lễ lớn. Hiện nay họ chỉ dùng các loại ché thường như ché ba. Còn người M’nông thì dùng các loại ché mà họ gọi là Yang Bung, R’ Lungman…. Người ta chỉ cần nhìn chiếc ché là có thể đoán được lễ này có quan trọng?

Khác với các dân tộc khác, người Êđê và M’nông chỉ dùng một chiếc cần duy nhất để uống. Thứ tự uống cũng khác, khi thầy cúng cúng xong, mọi người vít cần uống rượu theo thứ tự nữ uống trước, nam uống sau: Chủ nhà, thầy cúng, anh hoặc em bà chủ nhà, người già,… nếu có khách quý thì chủ nhà uống xong cầm cần mời khách. Đều hết sức đặc biệt là cần rượu duy nhất đó không bao giờ rời khỏi bàn tay con người, ai đó mà thả cần rượu ra khỏi tay là thất lễ với chủ nhà. Tại sao sau khi chúng ta uống phải lấy tay bịt đầu cần rồi truyền cho người khác? Có 2 cách giải thích:
Cách 1: Nếu chúng ta uống như thế thì nước miếng của chúng ta không nhiễu xuống ché rượu.
Cách 2: Người dân tộc sợ bùa vì mọi người nơi đây tin bùa ngãi nên nếu chúng ta uống không bịt cần lại thì họ cho rằng chúng bỏ bùa vào ché rượu.

Người Êđê có câu: đàn ông uống như cột nhà, đàn bà uống như cột bếp, nghĩa là đàn ông thông thường phải uống 4 ly giống như 4 cây cột của ngôi nhà và đàn bà uống 3 ly giống như 3 cái kiềng bếp.
Trong giao tiếp, đồng bào Tây Nguyên rất hiếu khách, sẵn sàng mời bạn uống rượu cần. Đối với đồng bào Tây Nguyên khi uống rượu cần mang tính cộng đồng cao và rất sâu sắc đối với họ. Điều đáng chú ý là khi uống rượu cần bao giờ cũng có những qui định theo phong tục. Những người có uy tín nhất là chủ nhà hoặc chủ lễ uống trước. Điều này vừa có tính chất tôn trọng, song cũng có ý nghĩa thông báo với mọi người đây là ché rượu tốt, hoàn toàn vô hại. Sau đó, người chủ nhà hay chủ lễ mời khách uống rồi mới tới lượt các thành viên trong cộng đồng. Tùy vào điều kiện gia đình của người tổ chức, cuộc rượu, có thể họ mời khách uống 1 ché, 3 ché, 5 ché, 9 ché, rất ít cuộc rượu mà có số ché chẵn. Đây là một đặc trưng trong phong tục uống rượu cần của người Tây Nguyên.

Với các cư dân Tây Nguyên nói chung và DakLak nói riêng, mỗi năm có một mùa ăn chơi thường diễn ra sau mùa thu hoạch từ tháng một đến tháng ba. Đây là thời gian giao thời giữa 2 chu kỳ nông nghiệp, là thời gian rũ bỏ nhọc nhằn trong một năm, tạ ơn và cầu xin các thần linh phù hộ cho mùa lúa mới đầy may mắn. Đây chính là mùa của lễ hội, “mùa ăn năm, uống tháng” của đồng bào. Mời bạn đến với các buôn làng Tây Nguyên để say trong men rượu cần và hòa nhịp cùng những lời ca, điệu múa mang hương sắc của núi rừng Tây Nguyên.

cutikhoe


--------------------
Mmm
Go to the top of the page
 
+Quote Post
M&N
post Feb 22 2009, 02:15 PM
Post #29


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Trang Chủ
Posts: 11,665
Joined: 7-April 08
Member No.: 6
Country





Chén rượu tiễn!


(Để tưởng nhớ về Lê Ngọc Độ, một trong “Ngũ-Thập Tam Thái-Dương chi-bảo” của vùng trời Tây-Nguyên ngày nào…)

“Rót cho nghiêng dải giang-hà”
“Cho nghe vang vọng trong ta một thờì…”


Trần Ngọc Nguyên Vũ

*****
Rời khỏi phòng hành-quân của phi-đoàn để ra phi-cơ, Đại-Úy Hai vỗ vai Thiếu-Uý Độ nói đùa:
- Bữa nay là ngày ông Táo về trời, cẩn thận nghe chú mày, đừng để tao phải tiễn mày theo ông Táo đó.
Độ nhe răng cười:

- Hì…hì…bom đạn vô tình, hơi đâu mà lo chuyện đời lính trận. Nhưng tui là dân miền Tây, nếu phải tiễn tui, ông nhớ đi một cặp ‘Đậu Nành” Cần-Thơ cho ấm lòng người chiến-sỹ đó nghe…
Cả hai ông phi-công khu-trục của phi-đoàn 530 Thái-Dương cùng cất tiếng cười vang rồi leo lên hai chiếc AD6 trang bị đầy bom đạn…

Hai chiếc phi-cơ nổ máy, lầm lỳ di-chuyển vào đậu song song trên phi-đạo. Hai ra hiệu cho Độ rồi nhả chân thắng và từ từ đẩy tay ga lên vị thế cất cánh. Chiếc phi-cơ lao mình về phía trước. Một luồng gió giật nổi lên như muốn bứng chiếc phi-cơ ra lề cỏ. Hai kềm cứng chân đạp để giữ thăng bằng, rồi gọi số hai:
- Thái-Dương 32 coi chừng gió giật mạnh bên cánh phải.
- Thái-Dương 32 hiểu

Chiếc AD6 của Độ chưa kịp nhấc bánh đáp đã vặn mình qua bên trái, đập mạnh trên lề cỏ, cầy lên một đường thẳng khoảng 50 thước rồi quay ngang trên mặt phi-đạo và bùng cháy. Có mấy trái bom văng ra khỏi phi-cơ, lăn trên mặt nhựa của sân bay. Những trái còn lại dính hai bên cánh, chập chờn ẩn hiện sau đám lửa, và cột khói phủ quanh chiếc khu-trục cơ bị nạn như đang chờ lệnh khai hỏa của tử-thần. Hai nghe trên tần-số ground của đài kiểm-soát PleiKu dồn-dập vang lên qua nón bay:

- Thái-Dương 32, phi cơ đang bốc cháy, bạn thoát ra ngay đi. Coi chừng bom có thể phát nổ.
Hai thấy toàn thân mình lạnh cứng như một tảng băng, anh cho phi cơ quẹo gắt với 90 độ nghiêng. Chiếc khu-trục cơ vặn mình rít lên trong không khí, kéo theo hai lằn khói trắng dài hai bên cánh như con thần long đang cuốn nước. Hai cho phi cơ bay ngược chiều phi-đạo ở cao độ 50 feet. Anh thấy Độ nằm vắt ngang bên hông phòng lái, thân hình chìm trong ngọn lửa ngùn-ngụt bốc lên, như đang chống trả với thần chết, để vượt qua khỏi quãng tử-lộ ngắn ngủi của đời người. Không biết là Độ có nghe được tiếng mình qua tần số hay không nhưng anh vẫn gọi như hét lên: “Độ ráng lên đi, coi chừng bom phát nổ!”. Không có tiếng Độ trả lời, anh kéo vút phi cơ lên cao rồi vòng lại một lần nữa. Đoàn xe cứu hỏa, xe cứu thương và toán “tháo gỡ chất nổ” (EOD) đang từ bên kia sân bay phóng qua. Từ trên cao độ, Hai thấy những chiếc vòi rồng đang phun chất bột foam trắng xoá như tuyết phủ trùm lên ngọn lửa và những trái bom nằm lăn lóc xung quanh. Hai liên-lạc với đài kiểm-soát:

- Đài kiểm-soát PleiKu! Xin bạn cho biết tình-trạng của Thái-Dương 32.
- PleiKu đài nhận rõ. Xin báo cho Thái-Dương 31 biết là số hai đã được đưa ra khỏi phi-cơ và đang trên đường tới bệnh xá.
- Thái-Dương 31 hiểu, cám ơn bạn.
Hai rời tần số của đài kiểm-soát, cho phi-cơ lên cao độ, bay một vòng trên sân bay rồi chuyển hướng tới mục-tiêu…Anh mở tần-số liên-lạc với phi-cơ quan-sát:
- Bắc-Đẩu đây Thái-Dương 31 gọi. Hiện tại tôi đang ở hướng Đông Nam của mục-tiêu, cao độ 5,000 bộ. Tôi lên vùng trễ vì số 2 bất ngờ bị nạn trên phi-đạo.
Giọng nói trầm ấm của người phi-công quan-sát chuyền qua nón bay như rót vào tai Hai những lời vỗ-về an-ủi:
- Bắc-Đẩu nhận Thái-Dương rõ. Chúng tôi đang ở hướng 9 giờ của bạn đó, cao độ 2,000 bộ. Xin bạn cứ yên tâm, Bắc-Đẩu đã được Peacock cho biết tình-trạng của Thái-Dương 32, và đã điều động thêm 2 phi-tuần A37 từ Phan-Rang lên thay thế. Xin bạn cho biết trang bị

Hai cảm động trước mối chân tình của những người bạn Quan-Sát. Anh bấm máy trả lời:
- Cám ơn Bắc-Đẩu. Tôi còn đủ sáu trái Napalm 500 cân, và 800 viên đại bác 20ly.
- Bắc-Đẩu nhận rõ. Tôi sẽ cho bạn một trái cam ngay ổ con chuồn chuồn. Bạn có thể salvo làm một pass.
- Thái-Dương nghe bạn 5/5.
Chiếc O1 nghiêng cánh chúi xuống bắn trái khói rồi vút lên cao. Một cột khói mầu cam cuồn cuộn bốc lên giữa đám rừng cây xanh ngắt. Tiếng người phi-công quan-sát lại vang lên:

- Thái-Dương đây Bắc-Đẩu! Mục tiêu ở ngay trái khói là một đoàn xe Molotova của địch được nguỵ-trang, đang ẩn dưới lùm cây, trông có vẻ như một đoàn xe tiếp tế đạn dược...Coi chừng có phòng không 37ly và SA7.
Hai bấm máy trả lời rồi làm một vòng roll quay tròn phi-cơ lao xuống mục tiêu. Anh bấm nút khai hỏa bốn khẩu đại bác hai bên cánh để bắn phủ đầu, và cho phi-cơ xuống một cao độ sát với đầu ngọn cây, vừa để tránh tầm nhìn của địch vừa lấy thêm tốc độ để thả bom lửa. Thấp-thoáng từ những lùm cây bên dưới vút lên những tia đạn đan chéo bên cánh phi cơ. Hai thấy miệng mình đắng chát, mồ hôi trán rịn ra, anh mím môi bấm nút thả từng trái một xuống mục tiêu. Một cuộn lửa trải dài như tấm lụa hồng bung ra phủ trùm lên đầu cây ngọn cỏ...Thả xong 6 trái napalm, Hai kéo mũi phi-cơ thẳng đứng làm một nửa “vòng số tám”, quay ngược đầu chúi xuống bắn thêm một tràng đại bác 20ly nữa rồi phóng lên cao độ làm vòng chờ để lấy kết qủa. Tiếng người phi-công quan-sát hét lên qua ống nghe trong nón bay:

- Tuyệt cú mèo! Thái-Dương 31 đánh qúa đẹp. Xin báo cho bạn biết là có nhiều tiếng nổ phụ. Thái-Dương 31 đã đánh trúng đoàn xe tiếp tế đạn dược của địch rồi đó.
Hai cười bấm máy trả lời người bạn quan-sát:
- Cám ơn bạn qúa khen. Chỉ là chuyện nhỏ thôi. Thái-Dương 31 đã thả hết bom, đạn, bây giờ tôi rời vùng. Cẩn thận nghe Bắc-Đẩu.
Nói xong Hai lắc cánh, lấy hướng về phía Bắc-Đẩu, làm một vòng roll 360 độ để chào người bạn quan-sát ở lại nơi chiến trường, rồi kéo mũi phi-cơ vút lên, lao mình mất hút sau những cụm mây xám trong vòm trời cao rộng…Có tiếng người phi-công quan-sát gọi với theo:
- Phải “Hiệp-Sỹ say Hai còi” đó không.
Hai bấm máy cười trên tần-số:

- Ha…ha…ha…Hai còi đây. Hẹn gặp lại bạn đêm nay tại câu-lạc-bộ không-đoàn.
Rời tần-số FM, Hai chuyển qua UHF để liên-lạc với Peacock. Anh được đài kiểm-báo của quân-khu 2 cho biết là phi-trường PleiKu hiện còn đang đóng cửa để toán EOD tháo gỡ ngòi nổ của những trái bom còn dính trên phi-cơ, và chuyển lệnh của phòng hành-quân-chiến-cuộc không-đoàn 72 chiến-thuật yêu cầu Thái-Dương 31 về đáp Phù-Cát. Nhận lệnh từ Peacock, Hai kiểm soát lại đồng hồ nhiên-liệu trên bảng phi-kế thấy còn đủ xăng để bay thêm khoảng 2 tiếng nữa, anh cho phi-cơ lên khỏi trần mây, và bình-phi ở 11,500 bộ rồi lấy hướng đi Phù-Cát. Nhìn bầu trời đầy mây phủ trắng xóa cả một mảnh không-gian, anh thấy lòng mình chùng xuống khi nghĩ đến Độ, người phi-công trẻ mới về phi-đoàn, như một con phượng-hoàng vừa rời tổ, chưa đủ thời giờ để mài nanh giũa vuốt, đã phải xoải cánh cô đơn bay vào vùng trời đầy dông bão…Anh cho phi-cơ xuyên mây, rồi mở tần-số liên-lạc với Phù-Cát xin đáp…
Hai cho phi-cơ vào ụ đậu theo sự hướng dẫn của người cơ trưởng rồi tắt máy, leo ra khỏi phòng lái. Một chiếc pickup chạy tới, người trung-sỹ mở cửa xe bước ra tươi cười hỏi Hai:

- Hôm nay là ngày ông Táo về trời, Đại-Uý xuống đây có một mình.
Hai bắt tay người Trung-sỹ rồi đáp:
- Đi hai chiếc nhưng số hai làm “crashed” trên phi-đạo, phi-trường đóng cửa, nên phải bay xuống đây.
- Tôi vừa đổi ca trực nên không biết. Xin lỗi Đại-Uý.
Hai cười vỗ vai người trung-sỹ rồi quăng bộ giây nịt dù lưng và nón đựng mũ bay vào thùng xe nói:
- Ồ không có gì, trong những phi-vụ hành-quân, tai nạn xẩy ra là chuyện thường.
Vào đến phòng hành-quân-chiến-cuộc của căn-cứ Phù-Cát, hai mượn điện-thoại “Hot Line” để gọi về PleiKu hỏi thăm tình trạng của Độ thì được biết là Độ bị phỏng nặng nên đã được đưa về bệnh-viện dã-chiến của Hoa-kỳ ở Long-Bình để chữa trị. Hai gác máy, gương mật đăm-chiêu, ngả người nhìn lên trần nhà, và để thoát ra một tiếng thở dài...Trong cuộc đời chinh-chiến, nhiều lần vào sanh ra tử, nhưng chưa lần nào anh thấy cô-đơn và trống vắng như lần này. Một sự trống vắng pha trộn lẫn với sự hối-hận là đã bỏ lại người bạn đồng hành đang quằn-quại trong cơn đau đớn của thể xác… Anh cảm thấy mình như thiếu trách-nhiệm đối với Độ. Đáng lẽ anh không nên để cho Độ cất cánh trong lúc gió ngang giật mạnh như vậy. Hai lắc đầu xua đuổi những ý nghĩ tiếp nối…
Tiếng người sỹ-quan trực đưa Hai trở về với thực tại:

- Đại-úy đáp giờ này chắc là chưa dùng cơm chiều, tôi vừa xuống ca trực, để tôi chở đại-úy tới khu gia-binh trong căn-cứ, mình làm vai chai cho ấm bụng. Bữa nay ngày cúng ông Táo, chắc là có nhiều món ăn đặc biệt.
Hai cười cám ơn người sỹ-quan trẻ hào-phóng. Anh móc túi coi còn bao nhiêu tiền. Bỗng anh khựng lại khi biết mình chỉ còn chưa tới hai trăm, không đủ để chi một bữa ăn tối cho một người. Anh nói:
- Cám ơn thiếu-úy, tối nay tôi ngủ nhờ nơi phòng trực ở đây được rồi, nếu tiện, nhờ thiếy-úy mua dùm một ổ bánh mì.
Ông thiếu-úy như hiểu ý Hai, tươi cười nói:

- Đại-úy đừng ngại, thằng Độ là bạn cùng khóa rất thân với tôi, hồi nãy nghe báo cáo trên máy tôi cũng có ý chờ đại-úy xuống. Đêm nay đại-úy cho tôi thay nó đứng ra đãi khách nghe.
Ông trung-úy vừa đổi phiên trực cũng phụ họa the
- Đại-úy đừng bận tâm, thằng này là con ông chủ trại bưởi Biên-Hòa, đẹp trai con nhà giầu và chơi với bạn bè rất có tình nghĩa. Nó biết đại-úy cùng phi-đoàn với thằng Độ, nó sẽ không để cho đại-úy ở đây một mình đâu.
Hai cảm-động và thấy lòng mình như ấm lại sau lời nói chân-thành của ngưòi sỹ-quan trẻ; mặc dù chưa hề quen biết, nhưng mới chỉ qua một lần đầu gặp gỡ, mà đã thấy đâu đây phảng-phất những nét giao-tình. Thứ tình bằng-hữu, tri-kỷ của những người trai thời loạn…

…Buổi chiều cuối năm. Bầu trời Tây-Nguyên mịt mù sương khói. Những đám mây đen từ đỉnh núi đang kéo về như báo hiệu một cơn dông sắp đổ tới. Phi-hành-đoàn của chiếc C130 đã lấy xong hành-khách từ hậu trạm tiếp-liên, và đang cho phi-cơ di chuyển để rời phi-đạo. Nơi đầu sân bay 09, chuyến bay cuối cùng trong ngày của hãng Hàng-Không Việt Nam cũng vừa bốc khỏi mặt đất, trả lại cái vắng lặng cố hữu cho vùng núi rừng biên-trấn. Nhìn đồng hồ thấy đã 6 giờ chiều. Phi-vụ túc trực bao vùng cuối cùng cũng vừa được hủy bỏ vì thời tiết xấu. Hai gấp tấm bản đồ hành-quân rồi quay qua nói với “Mai râu”:

- Hôm qua bọn thằng “Tuấn Bocassa” và thằng “Xuân tóc đỏ” bên trực-thăng được ông chủ đồn-điền trà tặng con heo rừng. Tụi nó hẹn tối nay đốt lửa đón giao-thừa, nếu Thiếu-Tá không có hẹn với ai thì ghé chung vui với tụi này luôn thể. Hồi trưa ông “Bá chủ” ghé phi-đoàn cho hai chai rượu đậu nành để anh em ăn Tết.
Mai cười rung rinh hàm râu giang-hồ nói:
- Tao có hẹn với bọn thằng Phong, thằng Chánh, thằng Hậu, thằng Quán bên Biệt-Động-Quân và mấy thằng Lôi-Hổ ở KonTum tối nay ngoài quán Diễm…
Mai chưa kịp nói hết câu thì có tiếng điện-thoại reo, anh ngừng lại với tay nhấc điện-thoại:
- Thiếu-tá Mai phi-Đoàn 530 tôi nghe. Xin lỗi ai đầu giây.
Hai nhìn Mai nói đùa:
- Giờ này mà điều-động cất cánh là tui làm “abort take off” đó nghe…
Hai bỗng khựng lại khi thấy gương mặt Mai bất chợt thay đổi. Mai gác máy, rồi nhìn Hai, giọng nói như lạc đi:
- Thằng Độ đi rồi…

Hai lặng người cảm thấy như có một luồng lãnh khí chạy luồn từ chân lên đầu, anh để rơi tấm bản đồ, hướng tia mắt lạc thần nhìn lên bảng phi-lệnh như để tìm kiếm một tên tuổi thân quen…Mai đặt tay lên vai Hai, bóp nhẹ để biểu lộ một sự cảm-thông với tâm-tình u-uẩn của người bạn trẻ rồi nói:
- Thôi mình đi về cư-xá. Tối nay tụi mình sẽ họp nhau đốt lửa đón giao-thừa và để tiễn thằng Độ…
Hai không nói gì, lẳng-lặng theo Mai ra xe.

…Chung quanh đống củi đang cháy, ánh lửa bập-bùng chiếu hắt lên từng khuôn mặt rắn rỏi của những người lính chiến Không-Quân của Không Đoàn 72 chiến-thuật. Vầng trán phong sương của mỗi người hằn lên những vết nhăn buồn…Hai cầm chai rượu đậu nành rót cho từng người rồi cất giọng hào-sảng nói:
- Đ.M…Ngày xưa khi lớn lên vừa lúc biết say cuộc tình, đã phải gĩa từ người yêu để vào say cuộc chiến…Bây giờ cuộc tình đã vỗ cánh bay xa, và trong cuộc chiến bạn bè cũng lần lượt bỏ ta đi, trong ta…chỉ còn lại có cuộc rượu đời để tiễn những thằng ra đi, và say với những thằng còn lại…
Nói rồi anh giơ cao ly rượu hướng về phía phi-đoàn trưởng “Mười Lung”, “Hiệp cò”, “Thặng Fulro”, “Mai râu”, “Sơn Đ…”, “Liêu say”, Trung, Long, Xuân, Phúc, Lộc, Cơ, Xanh, Kỳ, Thành, Chỉnh… cùng các bạn khác nói:
- Dzô thiếu-tá, tụi bay… Ly này uống cho thằng em vừa nhập cuộc, chưa kịp thi thố tài năng, đã gĩa từ cuộc chiến. OK! Dzô…

Nói xong anh ngửa cổ uống cạn rồi rót đầy ly khác tưới lên đống lửa nói:
- Ly này để tiễn người hiệp-sỹ đã qua sông không bao giờ trở lại…
Ngọn lửa bùng lên như cánh tay tráng-sỹ giơ cao, nâng ly cùng chiến-hữu, uống cạn chén rượu ân tình…Văng vẳng từ xa ngoài phố thị, vọng lên tiếng pháo giao-thừa mừng mùa Xuân mới nơi vùng trời biên-trấn…

Trần Ngọc Nguyên Vũ
(Một thời ly-loạn!)


--------------------
Mmm
Go to the top of the page
 
+Quote Post
M&N
post Jun 15 2009, 06:23 PM
Post #30


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Trang Chủ
Posts: 11,665
Joined: 7-April 08
Member No.: 6
Country




1. Biển Hồ (Hồ Tơ Nuêng)




Sưu Tầm

Nằm cách trung tâm TP. Pleiku 6km về hướng Bắc. Biển Hồ, trước đây nguyên là một miệng núi lửa đã ngưng hoạt động cách đây hàng triệu năm, với diện tích khu vực 460 ha, trong đó diện tích mặt nước khoảng 250 ha và có độ sâu trung bình 15-18m. Dân trong vùng gọi Hồ là Biển và thế là có tên Biển Hồ.

Hồ mang tên Tơ Nuêng - tên một làng cổ trong huyền thoại. Chuyển kể rằng: Làng Tơ Nuêng xưa to và đẹp lắm, dân bản sống yên vui hòa thuận, bổng một hôm núi lửa ập tới lấp làng Tơ Nuêng, những người sống sót khóc thương làng minh và người thân mãi không nguôi, nước mắt chảy thành suối đổ về làng mà thành Hồ. Hồ giữ lại tên Tơ Nuêng, một kỷ niệm chung của bản làng,... ngày 16/11/1988, thắng cảnh thiên nhiên Biển Hồ : Di tích danh thắng.

Biển Hồ ngoài tác dụng trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho dân cư Tp. Pleiku, nó còn tạo ra một vùng sinh thái rộng lớn. Đặc biệt là các di chỉ khảo cổ học được phát hiện tại Biển Hồ đã đem lại một bộ sưu tập hiện vật phong phú, là bằng chứng chứng minh lịch sử lâu đời của mảnh đất Gia Lai tươi đẹp và huyền bí...

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, các chuyên gia địa lý, các nhà khảo cổ học thì nếu được đầu tư đúng mức Biển Hồ sẽ trở thành khu du lịch tổng hợp lý tưởng, bởi đây là một trong những tài nguyên du lịch có giá trị của khu vực Bắc Tây Nguyên.

2. Di tích lịch sử - văn hoá Tây Sơn Thượng Đạo

Cuộc khởi nghĩa nông dân vĩ đại do anh em họ Nguyễn lãnh đạo bùng nổ năm 1771. Vùng núi rừng An Khê của Gia Lai trở thành căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa. Chính từ căn cứ Tây Sơn Thượng đạo ở An Khê, đại quân của cuộc khởi nghĩa đã tràn xuống đồng bằng cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng Đống Đa lẫy lừng, quét sạch 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, giành lại độc lập cho tổ quốc. Đây là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử truyền thống đấu tranh yêu nước của nhân dân các dân tộc Gia Lai.

An Khê Đình (Đình ngoài)

Các anh em nhà Tây Sơn mà tiêu biểu là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đã lập được mối quan hệ anh em giữa người Kinh và người Thượng, tập hợp được các dân tộc Bắc Tây Nguyên ở vùng Tây Sơn Thượng đạo như người Bahnar, Jrai vào cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Ngày 14-6-1991 quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo đã được Bộ VH-TT cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa, quần thể gồm 6 di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa của người Anh hùng áo vải Quang trung - Nguyễn Huệ: An Khê Đình, Gò Chợ, hòn đá Ông Bình, hòa đá Ông Nhạc, Vườn mít - Cánh đồng Cô Hầu, kho tiền - nền nhà ông Nhạc.

3. Di tích lịch sử văn hoá nhà lao Pleiku

Di tích ở trung tâm Tp Pleiku, cách Bưu điện tỉnh Gia Lai khoảng 300m về phía Nam có thể đến Di tích bằng các loại phương tiện xe ôtô, môtô hoặc đi bộ.

.Ngày 12-12-1994, Bộ VH-TT đã ra Quyết định số 321/QĐ-BT công nhận Di tích lịch sử: Nhà lao Pleiku, thuộc phường Diên Hồng, Tp. Pleiku.

4. Di tích lịch sử văn hoá làng kháng chiến Stor

Cách thành phố Pleiku khoảng 70km về hướng Đông, làng Stơr (thuộc xã Nam, huyện Kbang) là nơi anh hùng Núp được sinh ra và lớn lên, tại đây anh Núp đã phát động và lãnh đạo bà con dân làng đứng lên đánh Pháp, mô hình "làng kháng chiến" từ chiến trường Gia Lai ra đời. Làng Stơr và Anh hùng Núp đã thực sự trở thành biểu tượng của "Đất nước đứng lên" mà tiếng vang còn vọng đến tận Tây Bán cầu.

5. Hệ thống các thác nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Tiêu biểu cho hệ thống các thác nước còn đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Gia Lai gồm có: Thác Phú Cường, thác Công Chúa, thác Ya Ma - Yang Yung, thác la Nhí, thác Lệ Kim...


Thác Phú Cường

Thác Phú Cường:

Thác thuộc xã Dun huyện Chư Sê, cách TP Pleiku 45km về phía Tây Nam, thác có độ cao cột nước khoảng 45m, đã từ lâu thác Phú Cường được nhiều người biết đến bởi vẻ đẹp tự nhiên, thảm thực vật xanh tốt, nằm trên dòng chảy suối Ia Peet đổ ra sông Ayun về hạ nguồn xuống hồ Ayun Hạ. Khu vực thác Phú Cường đang được ngành du lịch lập quy hoạch chi tiết cho phát triển du lịch.

Thác Công Chúa:

Thác thuộc xã la Mơ Nông huyện Chư Pah, cách TP Pleiku 50km về phía Tây Bắc, đây là một thác nước tự nhiên tuy không cao, nhưng địa hình rất đẹp. Thác nước được dàn trải bởi nhiều tầng đá thấp theo chiều xuôi xuống, với những bậc lên xuống dễ dàng, nước chảy không dữ dội mà êm đềm. Với vẻ đẹp lãng mạng của mình, thác Công Chúa đúng như tên gọi của nó như một nàng Công Chúa giữa chốn rừng xanh.

Thác Ya Ma - Yang Yung

Thác Ya Ma - Yang Yung:

Cách thị trấn Kông Chro 3km, cách TP Pleiku 120 km về phía Đông, đây là hai thác nước được tạo bởi khúc gấp của sông Ba đoạn ngang qua thị trấn Kông Chro. Thác Ya Ma (còn gọi là thác nhỏ) dòng chảy êm dịu, trên nền những bậc đá nối tiếp nhau, đi bộ dọc theo chiều dòng chảy của sông khoảng 3 km ta gặp một thác nước khác có cột nước cao hơn, như được nứt ra từ giữa dòng sông, tạo thành hai vách đá dựng đứng hai bên, đó là thác Yan Yung (còn gọi là thác lớn).

Thác la Nhí:

Thác Ia Nhí thuộc xã Nhơn Hòa huyện Chư Sê, cách TP Pleiku 70km về phía Nam, được tạo bởi suối la Lốp, tuy không có độ cao bằng thác Phú Cường, song bề mặt của thác rộng, dòng chảy không dữ dội mà êm dịu. Đây là điểm du lịch sinh thái dã ngoại hấp dẫn, Công ty Dịch vụ - Du lịch tỉnh đã chọn khu vực thác la Nhí để mở tour du lịch cưỡi voi dã ngoại trong rừng và nghỉ ngơi picnic tại thác.

Thác Lệ Kim:

Thuộc địa bàn xã la Tô, là một thắng cảnh đẹp của huyện la Grai, cách trung tâm huyện khoảng cách 15 km, cách Tp Pleiku 35km về phía tây, được tạo thành từ suối Ia Pech, chảy vào sông Pô kô nằm ngay bên trục lộ 664 la Grai đi Đức Cơ, với cột nước cao gần 30m dội xuống một hồ nước rộng, đứng phía dưới nhìn lên, hơi nước bay ta có cảm tưởng như những làn sương mù bao phủ.

Thác chín tầng:

Thuộc địa bàn xã Ia Sao, huyện Ia Grai, đây là dòng thác rất đặt biệt, cột thác được phân cấp 9 tầng, dòng nước chảy mạnh, phong cảnh hai bên bờ rất đẹp. Khách địa phương trong thành phố, đặc biệt là thanh niên thường tổ chức picnic tại thác. Đây là một trong những điểm có nhiều lợi thế cho đầu tư phát triển du lịch.

6. Thuỷ điện Ialy

Công trình thủy điện Ia Ly được xây dựng trên sông Sê San, một con sông lớn Tây Nguyên. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, lớn thứ hai sau thủy điện Hòa Bình, với công suất 720MW và sản lượng điện trung bình 3,7 tỷ Kwh

Quá trình xây dựng và vận hành Nhà máy Thuỷ điện Ia Ly có ảnh hưởng lớn đối với đời sống KT - VH - XH... đối với Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng, đã tạo cho hàng chục nghìn lao động của địa phương, góp phần nâng cao dân trí của đồng bào trong vùng.

Đường hầm vào Nhà máy
Thuỷ điện Ia Ly

Tổng công suất có thể khai thác của toàn bộ sông Sê San ước khoảng 1.500 MW, trong đó Ia Ly chiếm gần một nửa. Trên và dưới thủy điện Ia Ly dự kiến xây dựng thêm 4 nhà máy thủy điện khác: Sê San 3, Sê San 4, Plei Krông và Thượng Kon Tum. Sê San 3 và Sê San 4 là những nhà máy nằm phía hạ lưu của thủy điện Ia Ly.

Thác Ia Ly nổi tiếng ngày xưa nay được thay bằng cảnh đẹp đập dâng, đập tràn xả lũ và một hồ nước rộng lớn trong xanh nằm giữa núi rừng Tây Nguyên, với diện tích bề mặt hồ rộng 64,5km2 và dung tích 1,03 tỉ m3 (ứng với mức nước dâng bình thường 515m). Nơi đây sẽ là một điểm du lịch tuyệt vời về cảnh quan và môi trường, đồng thời còn là nơi cung cấp các loài thủy sản nước ngọt cho Tây Nguyên.

7. Hồ Ayun hạ

Hồ Ayun Hạ là hồ nước nhân tạo, hình thành khi dòng sông Ayun được chặn lại vào đầu năm 1994, để khởi công xây dựng công trình thuỷ lợi Ayun Hạ, đập chính và cửa cấp nước của hồ nằm trên địa bàn xã Chưa A Thai - huyện Ayun Pa, cách Tp. Pleiku 70km về phía Tây. Vùng ngập chính của hồ thuộc địa phận xã HBông huyện Chư Sê.

Đến nay công trình đã hoàn thành, làm sống lại 13.500 ha đất canh tác, phần nhiều từ 1 vụ biến thành 2 vụ lúa, có dịp đi thăm suốt dọc kênh nằm giữa những cánh đồng bát ngát lúa 2 vụ ken đầy xanh tốt mà ở đó nhiều đời nay đồng bào các dân tộc chỉ trồng cấy 1 vụ nhờ mùa mưa hàng năm, mới thấy được công trình có ý nghĩa to lớn như thế nào đối với người dân nơi đây, công trình thuỷ lợi Ayun Hạ hoàn thành đã đem lại hiệu quả cao ổn định đời sống no đủ cho đồng bào các dân tộc, hạn chế nhiều sự chặt cây, phá rừng.

Du thuyền trên hồ Ayun Hạ

Hồ Ayun Hạ ngoài tác dụng cung cấp nước tưới cho 13.500 ha lúa nước, còn là hồ cung cấp nguồn thuỷ năng lớn ở khu vực, nhày máy thuỷ điện Ayun Hạ đã được xây dựng vừa chính thức hòa điện vào lưới điện quốc gia (đầu năm 2001), với 2 tổ máy đi vào hoạt động có công suất 3.000kwh.

Với bề mặt thoáng của hồ rộng 37km2, dung tích 253 triệu m3 nước (ứng với mực nước dâng bình thường), hồ Ayun Hạ còn là nơi cung cấp nguồn thuỷ sản lớn cho khu vực Ayun Hạ và TP Pleiku. Ngoài ra, mặt hồ còn là nơi tổ chức các hoạt động thể thao dưới nước, tổ chức các đội tàu, thuyền phục vụ khách du lịch tham quan, dã ngoại ngắm cảnh ven hồ.

8. Khu vui chơi giải trí công viên Diên Hồng

Công viên Diên Hồng được xây dựng vào năm 1994, nằm ở phía Tây - Nam trung tâm TP Pleiku, cách trụ sở UBND tỉnh Gia Lai 1,5 km, cách TT thương mại Pleiku 1km.

Với diện tích 12,3 ha, trong đó diện tích mặt thoáng của hồ nước gần 2 ha, mặc dù lưu lượng nhỏ, song nước trong hồ về mùa mưa cũng như mùa khô vẫn luôn đầy.

Công viên được quy hoạch gồm các khu vực:

- Khu vui chơi giải trí;

- Khu vườn hoa, cây cảnh, chuồng thú;

- Khu chòi nghỉ và lữ quán ven hồ;

- Hệ thống các kiôt; khu vực lòng hồ...

9. Công viên Lý Tự Trọng

Công viên Lý Tự Trọng được xem là công viên trung tâm, nằm giữa ngay trung tâm Tp Pleiku, với diện tích 6 ha, được triển khai đầu tư xây dựng từ năm 1998, song vì nguồn vốn hạn hẹp, nên việc đầu tư còn thiếu đồng bộ, một số hạng mục như: Khu vực tổ chức các sân chơi, bể bơi... cho thiếu nhi chưa thực hiện được.

Mặc dù vậy, những năm qua Công viên Lý Tự trọng đã có nhiều cố gắng trong việc tạo lập một không khí trong lành cho môi trường văn hóa của thành phố, thông qua việc tổ các đợt hội chợ, triển lãm, các chương trình vui xuân... đã thu hút khá đông khách đến với công viên.

Đặc biệt, hồ bơi trong công viên đã thực sự lôi cuốn và hấp dẫn lớp trẻ, bởi đây là hồ bơi được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc gia, có cầu nhảy và dải phân cách, giúp tuổi trẻ đến với môn thể thao bơi lội.

10. Công viên Đồng Xanh

Một công trình văn hóa du lịch của Công ty Điện ảnh - Văn hóa Tổng hợp Gia Lai, cách trung tâm TP Pleiku 10 km về phía Đông, nằm trên quốc lộ 19 từ TP Pleiku đi Quy Nhơn. Diện tích 8 ha với các công trình:

- Kiến trúc mang bản sắc dân tộc Tây Nguyên: Nhà rông, nhà dài, nhà mồ, tượng mồ, đàn T'rưng nước...

- Nhà hàng đặc sản truyền thống dân tộc: Cơm lam, rượu cần...

- Sinh hoạt thể thao: Công viên nước, du thuyền...

- Sinh hoạt văn hóa: Tham dự các lễ hội dân tộc Tây Nguyên.

- Tham quan: Hồ sen, hòn non bộ, vườn thú, rừng thiên tuế, vườn bách thảo...


Tượng Diông Công viên Đồng Xanh

Hồ mang bản sắc Tây nguyên Công viên nước

11. Cổng trời Mang Yang Người dân Gia Lai vẫn quen với tên gọi khá huyền thoại "Đèo Mang Yang" là Cổng trời (Mang tiếng Jrai có nghĩa là cổng-cửa, Yang tức là trời). Quảng đường đèo không dài nhưng độ dốc đứng tạo cho ta có cảm giác như lên với trời xanh, có lẽ vì đặc điểm này mà nó rất thích hợp với tên gọi đó.

Nếu ai từng lên Phố núi Pleiku theo quốc lộ 19 và lại vào 2 mùa mưa nắng đặc trưng của cao nguyên này chắc hẳn sẽ không ngỡ ngàng trước hai vẻ đẹp rất riêng, rất nên thơ của phong cảnh nơi đây. Nếu bạn đến vào mùa nắng sẽ như lạc vào rừng cúc quỳ vàng rực rỡ dọc theo đoạn đường lên đến đỉnh trời, và nếu là mùa mưa bạn càng không khỏi ngỡ ngàng trước làn sóng nhấp nhô của cỏ tranh đuổi nhau trên sườn núi. Cảnh quan của Đèo Cổng trời vừa hùng vĩ vừa nên thơ đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

12. Đồi thông Đắc Pơ

Đăk Pơ được thiên nhiên ưu đãi một khu rừng thông tự nhiên và một thảo nguyên cỏ tranh cạnh bên đã tạo nên một vị trí hấp dẫn cho đầu tư một khu du lịch tại đây, vùng đất này thường được gọi là "Đồi thông Đăk Pơ". Là một rừng thông tự nhiên hơn 40 năm tuổi, có mật độ khoảng 500 đến 600 cây/ha, đường kính cây khoảng 40 cm trở lên, cá biệt có một số cây có đường kính từ 1 m trở lên. Đồi thông nằm ở độ cao trung bình 1.150 m so với mực nước biển, có hệ thống suối chạy qua và nhiều thác nước lớn nhỏ tạo nên một quanh cảnh tươi đẹp. Khí hậu ôn đới nhiệt độ từ 15-200C.
Chính sách phát triển kinh tế xã hội của huyện Đăk Pơ đã nhấn mạnh vị trí của Đồi thông này có tầm quan trọng trong sự phát triển du lịch chung của tỉnh

13. Đến với miền hoang dã

Gia Lai với trên 830.000 ha đất lâm nghiệp có khá nhiều gỗ và động vất quí hiếm. Huyện nào cũng còn rừng nguyên sơ rộng và nhiều gỗ quí. Rừng Kon Cha Răng và Kon Ka Kinh là loại rừng thường xanh nhiệt đới ẩm, nhiều tầng, nhiều lớp. Tầng cây chính có thân cao to và thẳng, ở độ cao 20-25m những chạc cây mới bắt đầu xuất hiện. Tầng dưới rừng chằng chịt những dây leo, luôn ẩm ướt.



--------------------
Mmm
Go to the top of the page
 
+Quote Post
M&N
post Jun 15 2009, 06:32 PM
Post #31


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Trang Chủ
Posts: 11,665
Joined: 7-April 08
Member No.: 6
Country




Cảm xúc mưa



Nhok_KenZ


“…NHÌN MƯA NÀY TA NHỚ MƯA XƯA…”

Những cơn mưa đầu mùa tháng ba đổ xuống như xua tan cái nắng “cháy da đổ lửa” Mưa trong tôi là một cái gì đó hoài niệm xa xăm về thành phố đất đỏ tôi yêu-Pleiku.Tuổi thơ tôi lớn lên ở nhiều nơi,cuộc sống ở những nơi tôi đến ,tôi ở đều để lại những cảm xúc rất riêng về miền đất đó và một trong số đó có Pleiku.Pleiku có một thứ mà không thể tìm ở một nơi nào khác-đó là Mưa.Mưa Pleiku không có cái vẻ bình thường ở Ayunpa,không lẫn vị mặn của nước biển như ở Tuy Hoà,không ướt át mãnh liệt như ở Buôn Ma Thuột cũng không có cái "bất chợt"của Sài Gòn mà nó thân thương đến lạ kì.Mưa Pleiku là một cái gì đó có thể cho tôi cảm giác bình yên, xua tan mọi mệt nhọc của cuộc sống một cậu bé phố huyện lên tỉnh học.Nhiều lần đi học về trú mưa dưới gốc cây Không Tên già bên góc đường Trần Phú,lạnh lắm ,lạnh đến run người ấy chứ nhưng tôi thấy vui vì được cây Không Tên che chở -cây to như tấm lòng người Pleiku dành cho tôi vậy,yêu lắm.Mưa Pleiku là mưa trên những con dốc dài , đất đỏ đua nhau quện vào chân người đi.Bên trong cửa sổ nhìn ra mà thấy thương lạ kì.Mưa Pleiku còn gắn trong tôi những buổi chiều lãng mạn bên “em”; mưa che lối, ướt mặt hai đứa đi học về.Ngày ấy “em” tinh khôi và hồn nhiên lắm,nét trẻ con, nhí nhảnh hiện rõ lên đôi mắt và nụ cười của “em” chứ không u sầu và buồn bã như bây giờ-khi tôi “làm vỡ” trái tim “em” một-lần- nữa.Tôi không biết tự khi nào “em” đã yêu tôi-bối rối quá làm sao đây?Tình bạn mà chúng tôi dựng xây thật đẹp ,tôi không muốn làm “em” buồn cũng chẳng muốn đánh mất những kỉ niệm xưa và hơn đó là không muốn phụ lại những tình cảm ngọt nào “em” dành cho tôi khi xưa.Thật lòng xin lỗi “em”.Xin “em” đừng gọi tôi là “anh” nữa nhé!Hãy cứ tự nhiên như lúc xưa đi “em”, sống bên tôi “em” chẳng được hạnh phúc đâu!Xin “em” đừng khóc,tôi biết tôi đã phụ tình em rồi nhưng “em” hãy hiểu cho tôi bởi vì tôi không xứng đáng với em và tôi…đã có người trọn trao giấc mơ(dù cho cô ấy từ chối tôi một năm trước rồi).Bạn bè nói “em” và tôi sẽ không bao giờ được ở bên nhau lâu, đúng vậy xa nhau cả trăm cây số ,mấy năm rồi chỉ vài cú điện thoại ,hơn chục lá thư thôi nhưng tôi biết “em” vẫn còn yêu tôi nhiều ,khi tôi vui vẻ,say sưa nơi này,mấy ai biết được ngoài kia “em”lặng lẽ nhìn qua khung cửa sổ nhớ về tôi.

Có lẽ định mệnh đã gắn tôi vào cùng với mưa Pleiku.Buổi chiều hôm ấy-cái buổi chiều tôi đặt chân lên Phố Núi,mưa rào rạt ướt người tôi,mưa như thấm quyện vào nỗi lo lắng của tôi :rồi đây tôi sẽ ra sao,xoay xở thế nào khi chỉ còn mình tôi trên đất khách quê người.Rồi mưa của buổi chiều cuối cùng ,tôi phải trở về Ayunpa thôi!Chia tay bạn bè sao mà quyến luyến quá,làn gió khẽ nhẹ đưa tán lá cây Không Tên già như muốn nói với tôi điều gì, ở đến 2 năm mà tôi chẳng biết tên của cái cây ấy là gì chỉ biết tự bao giờ nó mang cái Không Tên của tôi đặt cho;ngày chia tay,nước mắt khẽ hoen trên đôi mắt “em”,giọt buồn thoáng lên mi mắt của “em”.Bước lên xe ,trời đổ cơn mưa ào ạt,phải chăng mưa muốn tiễn tôi đi?,phải chăng mưa muốn xoa dịu sự luyến tiếc của tôi?...

Quán cà phê buổi chiều mưa tháng ba,vang lên một câu hát quen thuộc đánh thức kí ức xưa về trong tôi,lời của bài hát cũng là lời tôi gửi đến Pleiku:”…Mùa mưa lại về trên nỗi nhớ.Mưa buồn như muôn thưở,mưa buồn muôn thưở, và em muôn thưở.Tình yêu tôi Pleiku mộng mơ…”.
Nhok _KenZ


--------------------
Mmm
Go to the top of the page
 
+Quote Post
M&N
post Jun 16 2009, 11:47 AM
Post #32


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Trang Chủ
Posts: 11,665
Joined: 7-April 08
Member No.: 6
Country



Địa chỉ ăn uống ....

Sưu Tầm

1.Phở : phở 2 tô hay còn gọi là phở khô có thể nói là đặc điểm nổi bật ở Pk . Tô phở khô được dọn lên, ngoài chén nước dùng, các loại rau, còn một gia vị không thể thiếu là tương xay và sa tế. Tương có vị vừa mặn nhưng vẫn có chút ngòn ngọt của đậu được lên men . Rau ăn chung với phở khô là xà lách, cần và rau quế.
Phở Tàu Lý -Trần Phú, phở Ngọc Linh – Sư Vạn Hạnh , phở Hồng – Nguyễn Văn Trỗi, phở Ngọc Sơn – Hùng Vương

2. Khu ăn uống đập Đức An (đường Thống Nhất)
- Đặc sản: gỏi, ốc um, trứng vịt lộn, nem chua, bánh ướt, chè các loại,... nhưng món được teen ưa thích nhất là món gỏi gan bò. Món này hơi cay một chút nhưng ăn thêm vài li chè là hết ý.
Ăn xong còn có thể qua hồ dạo chơi ngắm cảnh còn gì thú vị hơn
- Thời gian: từ chiều đến tối.

3. Khu ăn uống đường Hùng Vương (đối diện bưu điện TP)
- Đặc sản: cơm cháy chiên giòn, cút, gà nướng, ốc um, trứng vịt lộn,... Trong đó, cơm cháy chiên nóng giòn, phết mỡ hành và nước mắm là hấp dẫn nhất.
- Thời gian: từ 17g trở đi.

4. Bánh xèo Bà Tám (05 Trần Bình Trọng)
- Địa điểm teen đến ăn đông nhất là quán bánh xèo bà Tám: bánh xèo bò ,bánh xèo trứng ,...cuốn với rau sống, bánh tráng. Bánh xèo ngon cũng nhờ nước mắm được pha chế ngon cực kì luôn!
Ăn bánh xèo xong, mời bạn “lê” người qua quán chè sát bên để tráng miệng nữa nhé!
Nhắn nhỏ nè: bạn có thể đợi hơi lâu vì quán rất đông khách
- Thời gian : từ 6g sáng đến trưa.

5. Bánh mì
- Được “truyền tụng” là nơi bán bánh mì ngon nhất Gia Lai, bánh mì bà Mỹ (89B Đinh Tiên Hoàng) có nhân rất ngon, pa-tê có mùi vị rất đặc trưng không thể lẫn với nơi khác được.
- Thời gian : từ chiều đến tối.
- Bánh mì Loan Phú (41 Sư Vạn Hạnh) cũng có mùi vị rất riêng, nhân lạ miệng. Ngoài bánh mì ổ, còn có phở bò kho, mì xíu mại, sữa đậu, ...
-Thời gian: từ 6g sáng đến trưa.
- bánh mì Tam Ba với rất nhiều loại bánh mì khác nhau,bánh mì ngọt,mặn và bánh mì thịt với nhiều loại hương vị …

6. Lụi (122 Cao Bá Quát)
Quán lụi được teen Gia Lai “yêu thích” nhất là quán lụi Bà Sáu, ngoài món chính là lụi (500đ/xiên), còn có thịt nướng (1000đ/xiên), bánh cuốn (3000đ/cuốn)...đặc biệt, nước tương me dùng chấm lụi rất ngon! Vừa ăn vừa nướng, ăn bao nhiêu nướng bấy nhiêu nhé!
- Thời gian: từ chiều đến tối.

7. Bún cua
- Là món bún được nhiều teen Gia Lai mê mẩn. Nổi tiếng về bún cua phải kể đến Khu chợ nhỏ, hẻm Lê Lợi và Số 87 Phan Đình Phùng, mỗi nơi có một hương vị khác nhau.
Giá chỉ 3000đ/tô, bạn có thể ăn kèm với chả cây, nem chua; ngoài ra còn có nhiều loại giải khát, sinh tố, nước mía,... tha hồ lựa chọn.
- Thời gian : từ chiều đến tối.

8. Chè, giải khát
-Khu giải khát đường Hai Bà Trưng (nằm đối diện bên phải siêu thị Vinatex) có nhiều loại sinh tố, cocktail, kem, xôi mặn... Không gian ở đây rộng rãi, thoáng mát, bán vào buổi tối
- Chè bà Dũng (05 Nguyễn Thái Học, đối diện trường tiểu học Cù Chính Lan) có tất tần tật các loại chè, từ chè nóng cho tới chè đá, các loại cocktail... Chỉ có 3000đ-5000đ/món.
- Chè Thái (17 Võ Thị Sáu, đối diện Nhà Sách Thanh Niên đi lên) tập hợp rất nhiều loại sinh tố lạ miệng, si rô nhiều mùi vị, chè Thái, kem, trái cây... Khám phá hết mùi vị các thức uống nơi đây cũng thích lắm chứ! Giá cả từ 5000đ trở đi.
- Thời gian: qui tụ khách đông nhất là từ chiều đến tối.
- kem : Thanh Long – Hoàng Văn Thụ , lên hồ Diên Hồng kem cũng ngon
- yaout : ở Nguyễn Du hoặc Cù Chính Lan ,trên Cù Chính Lan bạn còn có thể thưởng thức 1 rừng các loại bimbim…thích lắm nha
- chè ở dọc wừu hoặc gần trường Hùng Vương : với các loại chè,gỏi,xoài,me ngâm,bắp xào sẽ tha hồ cho bạn thưởng thức

9. Bánh canh : có 2 loại là bánh canh gạo và bánh canh mì .Bánh canh mì sợi dai dai, được nấu với giò heo , chả, riêu …
1 số quán như : bánh canh Nhớ - Phan Đình Phùng , bánh canh Nguyễn Đình Chiểu , bánh canh bà Bảy – Cù Chính Lan …bánh canh Nguyễn Trường Tộ
- Thời gian từ chiều tới tối
Ngòai ra bạn còn có thể thưởng thức món bánh canh chả cực ngon ở chợ trên đường Nguyễn Thái Học vào buổi sáng hoặc ở cổng sau trường Nguyễn Huệ đường Sư Vạn Hạnh vào buổi chiều …

10.Bánh bèo : nếu thích những món bánh theo kiểu này bạn có thể thưởng thức ở 1 quán nằm trên hướng lên trường Cao đẳng sư phạm , với bánh bèo,bánh bột lọc,bánh nậm … chủ quán là người Huế nên làm những món này cực ngon ..

Ngòai ra bạn cũng có thể thưởng thức những món này ở đường Nguyễn Đình Chiểu ..

Còn 1 số món nữa như :
- bún thịt nướng ở Phan Đình Phùng hoặc ở Cù Chính Lan ..hoặc trên A1
- cơm gà : Mỹ Tâm – Nguyễn Văn Trỗi , Hải Nam – Hai Bà Trưng
- trà sữa : quán này rất hợp cho teen ở đường Hai Bà Trưng đối diện Vinatex
- ăn sáng buffet ở khách sạn Tre Xanh
- mì quảng ở Nguyễn Đình Chiểu
- bún riêu quán Chi – Phan Đình Phùng

đến với Pk là bạn đã đến với 1 cái thiên đường những quán cà phê , hầu như dọc đường nào cũng có những quán cà phê , vì là xứ cà phê mà ….
- Hạ Vàng , Cà Phê Đen ở đường Lê Qúy Đôn , Email với thủy tạ ngay hồ Diên Hồng
- Cà phê ở khách sạn Hoàng Anh Gia Lai : bạn có thể ngắm nhìn cả thành phố Pk về đêm , sẽ rất đặc biệt đấy … đ/c 01 Phù Đổng
- Hoàng Nhật , New Wonder, Lucky ở đường Nguyễn Du
- Hình Như Là, An An, Đùng Đình , cà phê Nhạc Trịnh , Dáng Xưa ở đường Wừu …
- Biển hồ Xanh ….
Địa điểm uống cafe nữa đó là ngay cổng Biển Hồ , không gian cực thoáng buổi tối gió se se lạnh thú vị ( đặc biệt là đi cùng ai đó để cảm nhận cái ấm áp


--------------------
Mmm
Go to the top of the page
 
+Quote Post
M&N
post Jun 16 2009, 03:32 PM
Post #33


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Trang Chủ
Posts: 11,665
Joined: 7-April 08
Member No.: 6
Country






Pleiku - Gia Lai và núi lửa


Núi lửa, thật là một thảm họa kinh hoàng, nhưng cũng thật kỳ diệu, diệu kỳ hơn cả đất trời, cây cỏ. Cả nỗi kinh hoàng và sự kỳ diệu đều sẵn mang trong nó những gì lãng mạn nhất. Không hiểu sao tôi lại quyết tâm đi làm cái việc còn mênh mông hơn cả tuổi thơ nằm trong nong chè của mẹ rồi tròn mắt đếm sao trên trời như thế. Tôi đi tìm miệng núi lửa, tìm dòng dung nham cũ của núi lửa, tìm những dấu tích thú vị và thuyết phục của những ngọn núi lửa trên đất Việt Nam. Không ngờ núi lửa đã hiện ra. Pleiku - Gia Lai được mệnh danh là thành phố nằm trên bờ miệng của 15 ngọn núi lửa.

Theo cuốn Thiên nhiên Việt Nam của Cố giáo sư Địa lý Lê Bá Thảo (NXB Khoa học và kỹ thuật, năm 1977) thì tại cao nguyên Kontum, Pleiku thuộc thành phố Pleiku-Gia Lai ngày nay "người ta có thể quan sát thấy nhiều di tích núi lửa ở 12km nam Pleiku: ngọn Chư Hơ Đrông ngày nay đã tắt ngấm nhưng vẫn còn giữ được dạng đỉnh hình nón cụt, những hồ miệng núi lửa tròn vành vạnh và những trũng hình hơi tròn mà người Gia Lai gọi là "Đô nau" ". Đỉnh núi lửa khổng lồ nhất Tây Nguyên kể trên chính là đỉnh Hàm Rồng nằm cách thành phố Pleiku 13km. Đỉnh Hàm Rồng có hình chóp nón cụt ngọn vàng rực toàn hoa cúc quỳ, món quà của những dòng dung nham ba-zan núi lửa.

Đỉnh núi hõm xuống với cái miệng núi loe tròn như miệng chén, nhưng vì không có một điểm cao hơn để quan sát (trên cao nguyên này, hầu như Hàm Rồng là đỉnh cao nhất), nên bạn chỉ có thể quan sát được những góc núi hình chữ U - con đường mà dung nham núi lửa đã trổ lối để chảy ra thành những cánh đồng ba-zan mênh mông tươi tốt. Đứng trên đỉnh Hàm Rồng, phóng tầm mắt bao quát thành phố Pleiku, bạn có thể thấy rất rõ những vòng chảy vân vi cao thấp, uốn lượn của dòng dung nham ấy.

Bạn có tin được rằng, khi núi lửa hoạt động, cả vùng cao nguyên Pleiku hiện nay sẽ sôi xình xịch như nồi cháo sệt, trong lúc cả khối cao nguyên hùng vĩ đang đông đặc lại thành đất ba-zan thì chợt có vài bọt khí từ lòng đất trồi lên, nổ vang rền. Các bọt khí nổ ra tạo thành vô số những hố tròn xoe như lòng một cái đĩa, các hố tròn ấy tồn tại một cách lạ lùng đến tận ngày nay. Bọt khí nằm ở làng Ốp - trong thành phố Pleiku - tròn tới hơn bất cứ hình tròn nào trong tự nhiên, tròn tới mức khó tin.

Điều thú vị nữa là nếu Hàm Rồng là cái miệng "dương" nhô cái dáng hình phễu của mình lên mặt đất thì Biển Hồ - đôi mắt Pleiku - lại là cái miệng "âm" của một núi lửa khác. Thế giới cũng có quá nhiều cái miệng núi lửa "âm" biến thành hồ nước trong vắt như thế này. Biển Hồ cách thành phố Pleiku 14km, cũng tròn một cách không tin được.

Trong quá trình đi tìm núi lửa ở Cao nguyên, chúng tôi nhận thấy một điều: câu chuyện về núi lửa đã đi vào tới tâm thức của các dân tộc cộng đồng Tây Nguyên như hiện nay vừ là một bằng chứng về sự hiện diện khó có thể phủ nhận của núi lửa Việt Nam, vừa cho thấy rằng không phải đợi đến lúc các nhà khoa học viết về núi lửa thì núi lửa mới hiện ra như giấc mơ lạ trước mắt các cộng đồng người sinh sống quanh các miệng núi lửa.

Đất Ba-zan màu mỡ bao giờ cũng chảy ra từ các miệng núi lửa, nếu có thể, bạn hãy lên Hàm Rồng, nhìn hoa cúc quỳ vàng mê mãi như nhắc nhở bạn rằng bạn đang cưỡi lên lưng một ngọn núi lửa kỳ vỹ từng phun lửa đỏ rực trên đất trời Tây Nguyên, như thế và như thế...

(Đỗ Doãn Hoàng - CAND)


--------------------
Mmm
Go to the top of the page
 
+Quote Post
M&N
post Jun 16 2009, 04:01 PM
Post #34


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Trang Chủ
Posts: 11,665
Joined: 7-April 08
Member No.: 6
Country



Gia Lai - Nhà tù Pleiku

Vị trí: Nhà tù Pleiku thuộc phường Diên Hồng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Đặc điểm: Nhà tù Pleiku là nơi giam giữ tù chính trị dưới thời Pháp, Mỹ (trước 1975), nhiều hình thức tra tấn hiện đại và dã man được áp dụng tại Nhà lao này.

Di tích ở trung tâm Tp Pleiku, cách Bưu điện tỉnh Gia Lai khoảng 300m về phía nam, có thể đến Di tích bằng các loại phương tiện xe ôtô, môtô hoặc đi bộ.

Năm 1925, người Pháp cho xây cất Nhà lao Pleiku để giam giữ tù thường phạm, chủ yếu là người dân tộc. Đến năm 1940 phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc phát triển mạnh mẽ, lúc bấy giờ thực dân Pháp đã dùng nơi này để giam giữ những người yêu nước. Tháng 6/1948 chi bộ Nhà lao Pleiku được thành lập.



--------------------
Mmm
Go to the top of the page
 
+Quote Post
M&N
post Jun 22 2009, 07:15 PM
Post #35


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Trang Chủ
Posts: 11,665
Joined: 7-April 08
Member No.: 6
Country




Pleiku - năm tháng chưa xa



Sưu Tầm


Nếu không có gì thay đổi, tháng 4 tới đây, Pleiku sẽ tưng bừng các hoạt động kỉ niệm. Vào ngày đó, sẽ có xe hoa, có ca múa nhạc, có tập san thơ văn và nhiều thứ khác nữa. Tất cả đều chụm vào một ý tưởng định sẵn: Sự phát triển không ngừng của đô thị này trong mấy chục năm qua và, đó là điều không phải bàn cãi. Quả đúng như vậy, bởi Pleiku ngay từ khi mới chính thức được thành lập, cách đây gần 80 năm trước, đã dần là nơi tụ hợp của cư dân đến từ nhiều vùng miền trong cả nước. Từ chỗ lèo tèo vài dãy nhà tranh, cọp vẫn về hằng đêm, từ chỗ nắng bụi, mưa bùn, Pleiku nay đã khang trang, xứng đáng là đô thị loại 2 với ít nhiều vẻ duyên dáng đặc trưng.

Sự đổi thay dễ nhìn thấy nhất ở thành phố này chính là những con đường, góc phố. Sẽ có một triển lãm ảnh Pleiku xưa và nay nhân dịp này? Hay tin, tôi háo hức hỏi lại người có trách nhiệm và câu trả lời là một sự im lặng đến nao lòng. Im lặng là phải, bởi ý tưởng thì quá hay nhưng tư liệu thì vô cùng khan hiếm và thời gian cũng gấp gáp vô cùng. Sau 1975, rất nhiều tư liệu, trong đó có những hình ảnh liên quan đến Pleiku xưa đã được thiêu hủy vì nhiều lí do khác nhau. Sự thực thì vẫn có một vài công dân của thành phố hiện nay “liều mạng” giữ lại những thứ một thời từng được coi là “phản động”, “quốc cấm”. Số người (chôn tư liệu xuống đất hay bỏ vào thùng đạn quẳng xuống giếng) ấy không nhiều và cái họ còn giữ được cũng hạn chế. Bởi đơn giản là vì người ta chỉ giữ lại cho mình những thứ không thể bỏ đi được mà thôi. Những năm sau đó, kinh tế khó khăn là một trong những lí do khiến việc mưu sinh lấn át nhiều nhu cầu về văn hóa tinh thần của người Pleiku. Và rồi khi đời sống dễ chịu dần lên, sự sửa sang nhà cửa, sắm sanh đồ đạc mới đã trở thành nguyên nhân chính để người dân kiên quyết hơn trong việc không cần đắn đo, nuối tiếc trước những gì thuộc về quá khứ, lại thường hay ẩm mốc, xấu xí... Thế là cái gì đến, phải đến.

Trong những ngày qua, tôi đã theo chân vài người làm công tác sưu tầm văn hóa ở địa phương, đến một số nhà quen tìm hỏi những tư liệu về thành phố của mình. Không có hoặc có đấy nhưng những hình ảnh, giấy tờ ấy không thể dùng cho cái triển lãm kia được, là một sự thật. Tiếc và buồn song biết làm sao, khi mà chúng ta đã quá chậm chân. Pleiku là thành phố trẻ nhưng đô thị này cũng đã sắp tròn tuổi 80. Không phim ảnh, không sách báo về Pleiku xưa, làm sao lớp lớp công dân nơi đây có thể hiểu về nơi mình từng được sinh ra, lớn lên, neo đậu, gắn bó,…? Cả một mảng tri thức mang tính địa phương học cần thiết bị thiếu hụt, khó có khả năng bồi bổ. Quả là chẳng thể vui, bởi tình trạng hiện nay của vấn đề có thể sẽ làm người ta chạnh lòng khi buộc phải nghĩ về công tác lưu trữ của chúng ta trong suốt những năm qua. Mà thực ra thì, Pleiku chỉ là một ví dụ, nhiều nơi trong tỉnh cũng đã và đang ở trong tình trạng “thừa hiện đại, thiếu truyền thống” như vậy.

Chưa tìm thấy Pleiku trong các hình ảnh cũ, dù vẫn nuôi hi vọng nhưng tôi đành phải quay lại với những vật chứng một thời của đô thị thân yêu, còn sót lại đến ngày hôm nay.
Nguyễn Quang Tuệ

Thiết nghĩ nếu như bây giờ có thêm nhìu tư liệu về TP chúng ta thì tốt biết mấy !Một bài toán khó của những người làm công tác văn hóa lịch sử tỉnh nhà! !

Những j thuộc về thành phố trong quá khứ có quá ít !Mình nghĩ người GL yêu GL như vậy chắc cũng muốn tìm hỉu về nó !Bạn nào có tài liệu nào về Tp Pleiku trước kia có thể chia sẽ với mình :


--------------------
Mmm
Go to the top of the page
 
+Quote Post
M&N
post Jul 5 2009, 11:09 AM
Post #36


Bảo vệ Tổ Quốc
***

Group: Trang Chủ
Posts: 11,665
Joined: 7-April 08
Member No.: 6
Country




Một thoáng cà phê pleiku...


Nổi hứng, tôi làm một cái điều tra thống kê nho nhỏ về số người uống cà phê của Phố Núi. Kết quả khá bất ngờ với 92% nam giới từ 18 đến 80 tuổi thường xuyên hoăc không thường xuyên uống loại thức uống này, Phía các bà , các cô cũng có tới 56% kể cả thể loại Bạc xỉu ( sữa với một chút ca phê). Nếu kết quả trên phạm vi cả nước mà được như thế này thì có khi cà phê đã trở thành quốc ẩm rồi.

Từ xa xưa, Pleiku vì thế luôn luôn là một thành phố của quán cà phê, số lượng và sự đa dạng còn hơn cả xứ Buồn muôn Thưở, nơi mà ông Trung Nguyên có ý tưởng xây dựng thành “Thiên Đường Cà Phê” của Việt Nam.

Trở về những năm 60, 70 của thế kỷ trước, Pleiku được mệnh danh là thành phố Lính, mà lính thì chẳng ông nào không uống cà phê. Muốn uống một ly buổi sáng, chỉ cần bước chân ra ngõ với vỉa hè , góc phố đâu đâu cũng có. Cần một ly chất đắng với nhạc, không gian thích hợp để nghiền ngẫm sự đời, hoặc để nỗi buồn gặm nhấm tâm can thì cũng chẳng thiếu chỗ. Lúc ấy, mấy quán được ưa chuông nhất phải kể đến Văn, chuyên trị nhạc Trịnh Công Sơn và tiếng hát Khánh Ly, Phong phú hơn về nhạc là Trang, Kim Liên, Phong Lan......, Hoàng Lan thì dành cho cac ông sĩ quan đa tình với cô chủ quán tên Lan có mái tóc dài rất đẹp ở góc đường Phó đức Chính. Văn nghệ sĩ có nơi chốn riêng với Tay Trái ở đường Lê Lai bây giờ, với những đêm thơ nhạc cuối tuần. Năm 1972, người Sài Gòn ra mở cà phê Tâm Giao ở cạnh hội quán Phượng Hoàng với phong cách sang trọng, ghế cao, bàn trải khăn trắng muốt cùng hoa tươi với đối tượng phục vụ là các quan chức , sĩ quan cao cấp thời ấy. Ngày đó, chất lượng ly cà phê là cực kỳ quan trọng để thu hút khách.



Nhưng cái tên Dinh Điền mới thực sự khó quên đối với dân ghiền cà phê Pleiku bởi hương vị của ly cà phê ở đây. Quán rất bình dân, nếu không nói là lụp xụp, nhưng sáng nào khách đến chậm thì chẳng có một chỗ ngồi, riết thành một phong cách uống mà chỉ có ở Dinh Điền: gọi một ly, chẳng cần ngồi, đứng đâu đó, trộn từng ngụm cà phê với khói của hai điếu Ruby queen, Capstan hoặc Pall Mall là xong cơn ghiền buổi sáng. Chẳng thế, thiện hạ còn đồn ầm rằng sái thuốc phiện là một thành phần pha chế của Dinh Điền.

Sau 1975, Dân ghiện Caphe gặp cảnh gian nan vì khẩu hiệu “tất cả cho xuất khẩu”, Bất đầu một thời kỳ “Cà Phê uống lén”, Tuy không gay gắt như ở Ban Mê, nhưng Phố núi Pleiku đành phải đánh mất những gì đã có. Cần ghi nhận sự dũng cảm của ông Giáp (caphe Kim Liên), ông Giác (caphe Thu Hà), kiên trì và chấp nhận “buôn lậu” để có caphe phục vụ thượng đế, mà cái quán Kim Liên ấy giờ nằm trên đường Tăng Bạt Hổ có thể xem như kỳ cựu nhất ở đây rồi, Theo tôi, quán này đã có non nửa thế kỷ theo nghề.

Thời mở cửa, Cà phê Pleiku như vũ bão mà tiến lên không ngừng. Người giàu lên khoảnh khắc, kẻ thất bại ê chề cũng chỉ từ ly cà phê nhỏ.

Bây giờ, Dân uống cà phê Pleiku tha hồ mà chọn lựa cho mình một chỗ với cơ man nào là quán. Ngoài Hoàng Nhật, Hoàng Hà, Trăng Thu,Tennis, Thủy Trúc, Trúc Anh, Tân Cao Nguyên, Uyên, Trâm…. rồi phố núi cũng hình thành cả một con đường cà phê nằm dài con dốc võng trong khu Đức An, nào Nhạc Trịnh, Đùng Đình, Hình Như Là, Dáng Xưa, Souvenir...

Chỉ tiếc rằng đã quá nhiều về số lượng, nhưng tôi chẳng tìm thấy một điểm nhấn nào ấn tượng cỡ Văn hoặc Dinh Điền ngày trước.

Cái cách uống cà phê của người Pleiku bây giờ khá đơn giản, có lẽ một ly cà phê sáng chỉ là một thói quen khó bỏ. Trước đây ít ai uống cà phê đá, bây giờ đã có nhiều biến tấu. Giới trẻ chọn quán với tiêu chí khung cảnh và nhạc là chính, khách không đặt nặng chất lượng cà phê cho lắm! Cà phê Pleiku bây giờ quá nhiều về số, quá phong phú, đa dạng nhưng chưa thể đủ chất nghệ thuật để trở thành CAPHE ĐẠO.
(theo NGUYỄN SƠN)

Bài viết trên có nhắc đến cafe Dinh Điền, theo đánh giá là quán cafe ngon nhất và đặc trưng nhất của phố núi từ khi lập tỉnh lỵ đến nay.

Dinh điền nghĩa nôm na là vùng kinh tế mới với những chính sách di dân khai hoang có từ thời Pháp thuộc. Những năm 1962-1963 thì Gia Lai đã có nhiều khu dinh điền bao quanh thị xã Pleiku : dinh điền Lệ Cần, Lệ Trung, Phú Nhơn, Lệ Minh, Pleime 1, Pleime 2... Thời bấy giờ, những người kinh đi khai phá vùng kinh tế mới được cấp đất, cấp nhà, 3 tháng gạo, giống cây trồng... và họ tự canh tác trên mảnh đất mình được cấp với sự hỗ trợ kinh phí tối đa từ nhà nước. Loại cây chủ yếu được trồng thời ấy là cây đay. Người ta ngâm cay đay trong nước xong bóc vỏ bện thành sợi làm bao bố, có giá trị xuất khẩu cao.

Cafe Dinh Điền do một người gốc Hoa mở ra, quán nằm trong khuôn viên nhà tập thể lái xe khu dinh điền nên có tên là Dinh Điền. Cafe Dinh Điền không còn hoạt động từ trước khi Pleiku được giải phóng (17/03/1975). Địa điểm quán nằm trên đường Hai Bà Trưng, nay là Sở Lao Động Thương Binh và Xã Hội, đối diện với Văn phòng bảo hiểm Bảo Việt. Quán nằm gần Tỉnh Ủy bây giờ (trước đây là khu Biệt Điện), trên đường Quang Trung gần đó là Hội quán Phượng Hoàng (chỉ dùng cho sỹ quan chế độ cũ vui chơi) nay là nhà Bảo Tàng.

Bất cứ ai có thói quen uống cafe ở Pleiku trước năm 1975 đều biết đến cafe Dinh Điền, một quán cà phê lụp xụp, dăm ba cái bàn ọp ẹp, vợ chủ quán chẳng có vẻ cuốn hút gì cả với thân hình phốp pháp nhưng đều công nhận cafe ở đây ngon lắm, như là tẩm thuốc phiện ??
Quán rất đông khách, và thường hết chỗ ngồi, ai đến trễ thích thì đứng, thích thì chạy ra sau nhà tìm ghế hoặc ngồi đâu cũng được.

Nhiều người lớn tuổi khi nhớ về Pleiku thì ít nhiều đều nhớ đến cafe Dinh Điền, như là niềm đam mê một thời của họ :

Trích:
Trích:
Cà Phê Dinh Điền

Này cô chủ , cho thêm vài chiếc ghế
bọn tôi ngồi đây dưới cội thông già
cái cội thông nhắc bao điều kỷ niệm
sau hơn ba-mươi-năm thay lá đổi da

như bạn và ta,đã bao lần thay nơi trú ngụ
vẫn cứ nhớ về những đỉnh núi xa
qua Chư Pao ,đến đồi Đức Mẹ
đứng từ Hàm Rồng thấy đỉnh Pleime
những dấu chân ta trên đường khô nức nẻ
còn đọng hồng giọt máu anh em

uống đi chứ - ngậm ngùi chi quá khứ
giọt cà phê nào cũng đắng ,nhưng ngon
như những tháng năm qua - rất buồn,mà đẹp
vẫn nhiệt nồng trong nỗi xót xa
từ lúc bước vào cuộc hành trình cay nghiệt
ta đã đi , chân chạm thương đau
tim đã vỡ với bao lần ly biệt...

uống hết đi,mùi cà phê đã nhạt
đêm đang vào , sương xuống lạnh vai
hãy cất giữ những buồn vui thuở ấy
làm của hồi môn cho con cháu chúng mình

Thôi tạm biệt nhé - cô chủ nhỏ
"em Pleiku má đỏ môi hồng ".

Ngọc Dung
Trích:
BUỒN CHIA TAY PHỐ NÚI

Sớm mai qua phố núi
Vịn sương mù mà đi
Trưa giăng theo gió bụi
Chiều mưa bạt lối về

Sân trường nữ Pleime
Trắng tinh ngàn cánh bướm
Nắng vui theo bướm lượn
Quanh mây bụi vô tình

Hoa học trò nguyên trinh
Mà sao ươm bụi đỏ
Hay bụi gây niềm nhớ
Quấn quít bàn chân quen ?

Thèm hoài ly chanh Rhum
Quán Nhớ đêm giá buốt
Ngấn môi em thấm ướt
Bên thành ly thơm nồng

Say cà phê Dinh Điền
Say men chiều phố nhỏ
Ký ức đầy bụi đỏ
Tình xanh ngắt Biển Hồ

Ơi! phố núi ngày xưa
Em có còn ngóng đợi ?
Người đã đi xa mãi
Mang theo hồn Pleiku !

TRẦN KIÊU BẠC .

ngoài sự thu hút khách từ mọi tầng lớp của cafe Dinh Điền (1 quán cafe cóc không hơn không kém) thì Pleiku trước giải phóng có những quán cafe chuyên phục vụ nhạc, phục vụ tầng lớp tri thức, sỹ quan chế độ cũ, dân nghệ sỹ ... Trong những quán cafe được giới thiệu có 2 quán có tiếng là Văn và Hoàng Lan.

Văn là quán cafe lịch sự, lãng mạn, chuyên phục vụ nhạc Trịnh với tiếng hát Khánh Ly. Đây là địa điểm ưa thích của các bạn học sinh, họ đến đây bay bổng ước mơ cùng nhau bên dòng đời cafe và nhạc. Văn nằm trên đường Lê Hồng Phong (xưa là Phan Than Giản, đường này trước đây đâm thẳng ra Lê Lai, sau này thì bị bít lại tại Hoàng Văn Thụ) phía trên chung cư Hoàng Anh Gia Lai bây giờ (qua khỏi Bưu điện thành phố). "Bộ gõ" của quán được trang bị khá "gấu" với đầu băng cối Akai, receive Sansui, loa Pioneer nên âm thanh cho ra rất mượt mà, mộc mạc, trung thực, đầy nhạc tính . Hiện nay ai sở hữu hệ thống như trên là dân chơi audio có máu rồi.

Quán cafe Hoàng Lan thì như bài viết giới thiệu, nó lôi cuốn giới sỹ quan chế độ cũ và tri thức thời bấy giờ nhờ sự cuốn hút của chủ quán tên Lan. Bên cạnh đó thì phong cách của quán này cũng hơi đặc biệt là chuyên phục vụ nhạc của ca sỹ Lệ Thu. Bài viết có đề cập đến địa điểm quán Hoàng Lan trên đường Phó Đức Chính (nay là Nguyễn Văn Trỗi). Nhưng theo tài liệu của SRR thì Hoàng Lan nằm trên đường Tăng Bạt Hổ, gần ngã ba Tăng Bạt Hổ - Hoàng Văn Thụ (khi xưa là Võ Tánh), đi từ phía nhà văn hoá thanh thiếu niên (trước là Nhà thờ quân đội) về Cao Thắng, qua trụ sở Công an phường Yên Đỗ, cách khoảng 3 căn nhà (lúc trước là căn nhà nhỏ, cũ kỹ, nhưng giờ không biết sao vì SRR mỗi khi về Pleiku cũng ít để ý).

Ngoài ra không thể không nhắc đến cafe Kim Liên, một quán cafe lâu đời nhất tại Pleiku cho đến thời điểm này (nhãn hiệu Thu Hà là rất lâu sau khi Pleiku được giải phóng mới xuất hiện, trong khi thương hiệu Đông Hưng đã có từ trước giải phóng về chế biến cafe bột). Tuy nhiên địa điểm lâu nay trên đường Tăng Bạt Hổ (gần nhà văn hoá thanh thiếu niên) là sau này chứ trước năm 1975 thì cafe Kim Liên nằm trên đường Hùng Vương (xưa là Hoàng Diệu ), đối diện khách sạn Yaly, nằm phía trên Khách sạn Việt Trường. Cafe Kim Liên ngoài phong cách trữ tình, lãng mạn thì còn được biết đến như quán cafe "tình" với những phòng ngăn nhỏ.



Có một Pleiku để nhớ
Lần này trở lại Pleiku, cảm nhận của tôi về một “xứ sở mù sương” đã dần dần khác hẳn. Cái thị xã vốn trầm tĩnh ngày xưa, nay được thổi vào một luồng sinh khí mới. Tấp nập hơn. Đông vui hơn. Thương trường phát triển mạnh mẽ. Khách trong nước, ngoài nước đến du lịch, tham quan cũng nhiều. Dáng dấp của một thành phố tương lai đang hình thành qua việc mở rộng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, nhà ở, trường học.v.v…. Duy chỉ có một đặc trưng của phố núi bao năm vẫn giữ được, vẫn làm cho khách thập phương không thể nào quên, đó là hương vị cà phê đậm đà, nguyên thủy.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, các quán cà phê ở Pleiku như “ nấm mọc sau mưa” có lẽ đây là một dịch vụ nhàn hạ và trên hết, phát huy được thế mạnh của vùng đất đỏ Bazan. Café Pleiku vốn nổi tiếng không thua gì café Ban Mê Thuột.


Nhiều người từng nói với tôi, đến Gia Lai mà không đến tiệm Café Thu Hà ở 09 Nguyễn Thái Học. Thị xã Pleiku, coi như chưa thưởng thức được đầy đủ hương vị của đặc sản vùng cao. Nếu bạn đến Thu Hà vào khoảng 6 – 7 giờ sáng, có thể không có ghế ngồi – dù Thu Hà đã mở rộng hơn so với trước đây 3 – 4 lần. Thanh niên thì thích không khí nhạc hoà quyện với từng giọt café đặc sánh từ từ chảy xuống ly. Lứa tuổi trung niên hoặc lớn hơn lại thích cái êm đềm, thanh lịch cộng với sự nồng đượm, thơm ngát của café, và cho dù bạn là người khó tính, một khi bạn đến quán này, bạn cũng sẽ nhận ra sự ấm cúng, dễ chịu. Một vị khách nửa đùa nửa thật nói với tôi rằng, anh xa Pleiku, lúc trở về việc đầu tiên là ghé vào Thu Hà để nhấp nháp một ly café rồi mới về nhà. Cái “duyên” của Thu Hà không chỉ ở cách giữ khách mà còn là giữ cái chân chất của vị café khiến người ta không quên được. Điều đặc biệt hơn, Thu Hà là quán duy nhất ở vùng cao này vừa trồng vừa chế biến, bán café, tạo thành một vòng khép kín.

Anh Ngô Tấn Giác, chủ nhân Thu Hà cho biết, gia đình anh có 15 ha vườn, trong đó có 11 ha café đã thu hoạch, năm rồi thu hồi được hơn 20 tấn café nhãn và anh chị cũng làm nghề bán café được 15 năm. Qủa là một bề dày kinh nghiệm. Café chế biến của Thu Hà có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Bản thân anh Giác đã từng học ở đại học sư phạm, đại học luật (trước năm 1975), về làm vườn hơn 10 năm nay, từng được Tổng bí thư Đỗ Mười ngợi khen là “ một nông dân rất có kiến thức khoa học”.

Chia tay Pleiku, tạm biệt cái hương vị café nồng nàn, quyến rũ ở Thu Hà, tôi càng thấm thiá hơn câu nói của chủ nhân. “Bán café không phải là nghề khó, quan trọng là giữ được uy tín cho mình, cho đến đời con cái mình. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh mà”.

Chuyện trà dư tửu hậu
Cái se lạnh ở phố thị Sài Gòn làm nhớ đến mù sương phố núi và cốc càphê trong đêm lạnh. Bạn đã nhấm nháp ly cà-phê Tùng nổi tiếng ở ĐàLạt dạo nào? Giờ đây mời bạn đến thử cà-phê Thu Hà ở Pleiku và trò chuyện với ông chủ quán – Một nhà doanh nghiệp đi lên từ lòng kiên nhẫn pha với tính phiêu lưu và sự ….. nghiền cà-phê.

Ly cà-phê ngon ở phố núi

Đến Pleiku nhiều lần, lần nào tôi cũng được bạn bè mời đi uống cà-phê ở quán Thu Hà nằm trên đường Nguyễn Thái Học, với lời giới thiệu đây là quán cà-phê ngon nhất Pleiku. Phin cà-phê buổi tối thật chặt, dăm phút sau mới nhỏ xuống giọt đen đầu tiên. Uống cà-phê ở đây giống như “cà-phê đạo”, nếu nôn nóng thì không sao đạt đến cái ngon của cà-phê. Có phải vì thế mà quán luôn đông khách?

Gặp chủ quán, anh Ngô Tấn Giác với vẻ phong sương của một người nông dân, anh cười :” Tôi vừa mới đi thăm vườn về”. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu với ly cà-phê có hương vị rất riêng trong cái lạnh dịu dàng của phố núi. Qua 10 năm tạo dựng cơ nghiệp với cà-phê cho khách và với nghề trồng cà-phê, giờ đây anh đã trở thành tỷ phú vớ 15 ha cà-phê, chủ nhân một cơ sở sản xuất cà-phê bột và một quán cà-phê nổi tiếng: Thu Hà. Cuộc phiêu lưu của Giác cho đến năm 44 tuổi này cũng đầy gian truân. Sinh ra tại Mũi Né – Phan Thiết – Sau khi tốt nghiệp sư phạm, Giác đi dạy một thời gian và do duyên số đưa đẩy, Giác đã lập gia đình với chị Nam, người Pleiku và quyết định lập nghiệp tại đây vào năm 1981. Lúc ấy, gia đình anh rất khổ, có lúc phải đi vay 50.000 đồng để mua than ra chợ bán. Là dân nghiền cà-phê, nhiều lúc rảnh rỗi, ngồi niếm cà-phê vỉa hè, anh chợt có ý nghĩ: “ Tại sao mình không mở một quán cà-phê ngon?” Hơn nữa, trước giải phóng, gia đình vợ anh đã từng mở một quán cà-phê khá nổi tiếng ở đây một thời. Hai vợ chồng Giác quyết định dựng cơ nghiệp từ cái nền cũ Thu Hà năm xưa.

Trải qua nhiều năm, giờ đây anh đã mua thêm ngôi nhà bên cạnh, xây dựng lại và thiết kế quán Thu Hà trở nên xinh đẹp. Sự thành công của cà-phê Thu Hà có lẽ bởi vợ chồng anh là dân chuyên trồng cà-phê. Lúc đầu chỉ có 6 sào (1 sào: 1000m2). Sau đó lần lần mua thêm và đến hôm nay đã có 15 ha cà-phê ở Chư Á. Trong khi bao nhiêu chủ vườn cà-phê lo ngại vì giá cà-phê hạ thấp, thì vườn cà-phê của anh Giác hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Lý do: Tất cả cà-phê trồng được, anh đều đưa vào chế biến thành cà-phê bột và cung cấp cho các đại lý cũng như cho chính quán cà-phê của mình. Trả lời câu hỏi về bí quyết chinh phục khách hàng của mình, anh Giác cho biết: “ Quan niệm của tôi rất đơn giản : Cà phê phải nguyên chất, không độn. Nguyên chất không đủ, mà cà phê dùng chế biến phải vừa chín trên cây, hái xuống. Cà phê còn non hoặc chín quá khi chế biến điều không ngon”.

Còn kỹ thuật pha chế? Anh chỉ cười, vì đây là bí mật nghề nghiệp. Vậy đó, trên giữa hàng trăm quán cà-phê ở Pleiku, chàng trai Mũi Né đã đến, mở quán cà-phê, trồng cà-phê và giàu lên bởi lòng kiên nhẫn và bí quyết riêng của mình. Thu Hà cũng là quán cà-phê không bán rượu, khách còn có thể yên tâm khi lỡ quên một đồ vật nào đó trong quán. Còn nưã, cà-phê Thu Hà ngon, nhưng giá bán lại không cao.

Sự tồn tại và phát triển của hãng cà phê Thu Hà được có như ngày hôm nay là nhờ tính trung thực, uy tín, chất lượng và giá cả hợp lý của sản phẩm. Đã một lần thưởng thức cà phê Thu Hà, chắc không một ai quên được ấn tượng, hương vị ngọt đắng của ly cà phê trong không khí se lạnh, êm đềm của phố núi, thấy lòng ấm lại, quyện lẫn nỗi nhớ man mác của núi rừng.


Để đạt được chất lượng theo khẩu vị của từng dân tộc, phải có một sự hiểu biết nhất định nào đó. Như người Việt không thích dùng cà phê có vị chua nhưng vị đắng ngọt ngào. Người Tây Phương thích dùng cà phê tinh khiết, thuần tuý, nhẹ nhàng không đậm đặc.

Trước năm 1975, ai đã từng ở Pleiku chắc không thể nào quên được cà phê Dinh Điền, một ấn tượng của một đời người về phố núi. Hãng cà phê Thu Hà tiếp nối của “một cà phê Dinh Điền“. Tuy đã ra đời từ lâu nhưng mấy ai được biết hương vị ngọt ngào của ly cà phê Thu Hà, không ồn ào, không phô trương, nhưng sâu lắng. Đó cũng là một nét đặc trưng của cà phê Dinh Điền trước 75, cũng là cà phê Thu Hà từ 1975 đến nay.

Thực phẩm là một trong những yếu tố đem đến sự sảng khoái và bồi dưỡng thể chất. Biết rằng thương trường là chiến trường nhưng người sản xuất thực phẩm phải biết trân trọng sản phẩm mình làm ra. Không vì lợi nhuận quên đi cái tâm của người sản xuất. Từ quan niệm đó, dù bất cứ hoàn cảnh nào, cà phê Thu Hà bao giờ cũng nguyên chất 100%, không dùng các hàng nông sản khác để làm mất đi hương vị ngọt đắng của cà phê, không dùng các chất phụ gia gây tác hại đến sức khoẻ của người tiêu dùng. Nhất là giữa lúc giao thời, giá cả hàng nông sản chưa ổn định, giữ được cái tâm của người sản xuất là một điều không dễ.

Tìm cho mình một hướng đi để phù hợp với cuộc sống nhất là trong những năm cơ chế còn ràng buộc, cuộc sống gia đình rất cơ hàn, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, lấy đâu ra vốn liếng để đầu tư và phát triển.

Hình thành từ một quán cà phê có tên Thu Hà từ năm 1971 nhưng kinh doanh chỉ gói ghém trong phạm vi gia đình từ công đoạn chế biến đến tiêu dùng.

Sau gần 30 năm , hoạt động thưong hiệu cà phê Thu Hà đã có một chỗ đứng trên thị trường Việt Nam, Việt kiều Mỹ, Uc, Pháp, Nhật, Hoà Lan, Đức, Na Uy, Nga, Anh, Canada về thăm quê hương, đã tìm mọi cách để có cà phê Thu Hà làm quà khi trở lại xứ người. Với chất lượng và uy tín, cà phê Thu Hà đã để lại trong lòng người tiêu dùng một ấn tượng tốt đẹp, một tình cảm trong một Đại gia đình.

Cảm nhận hưong vị cà phê ngọt đắng với không khí se lạnh của núi rừng, cái tình cảm của Ông Chủ quán với Khách : chân chất, mộc mạc, bình dị.


Trích:
tổng hợp các quán cà phê ở pleiku

-Wừu : Tích tắc, Đùn5 Đình, Dáng xưa, Souvenir, Cao nguyên, Hình như là..., Nhạc Trịnh. Hoàng gia. Trâm, HươngGiang.
-Trong hồ Đức An : Hồ Thuỷ tạ, Hạ vàng ( Đang đc sữa chữa), Email. Vương Cát trà.
-Quyết Tiến : Cát đằng,l noname^^!
-Hai Bà Trưng : Cà Phê tem, Bè bạn, Hoa Hướng Dương
-Tăng Bạc Hổ : quán Kim Liên, Phiên Phương, Không gian, Cỏ tranh, Forget me not.
-CMT8 : quán Thiên trúc, quán Huyền thoại
-Ngã 3 Hoa Lư (đối diện cây xăng) Trung Nguyên
-Quang Trung : quán Tennis, Tân Tây nguyên
- Hẽm Hoàng Hoa Thám : Dòng Sê San
- Biển hồ : Biển hồ xanh
-quán Suối reo ( Gần Việt Ken) Đường nào quên mất ùi^^!
-Nguyễn Văn Trỗi :quán khánh Linh,quán Hồng Hà
-Khu trường Cao đẳng : quán Dương Cầm thu ( Nhắc lại là có nhạc sóng dzô chém dzữ áh )
-Phan Đình Phùng : quán Tây nguyên quán ( Là Ai Cập cũ ), Nhân Văn trà
-Hùng Vương : quán Thiên Nga
- Lê Lai : quán Ana
- Trần Khánh Dư : quán Rock
-Lê Hồng Phong : Trà Cung Đình, Trà Mi, quán 38( Gỉai trí cờ tướng^^!)
-Nguyễn Du : New Wonder, Lucky, Hoàng Nhật.


--------------------
Mmm
Go to the top of the page
 
+Quote Post

14 Pages V  < 1 2 3 4 5 > » 
Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 16th November 2024 - 09:25 AM