Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Hồn quê, Y Nguyên
Đông Nhi
post Jan 20 2016, 02:51 PM
Post #1


Bảo vệ tổ quốc
***

Group: Năng Động
Posts: 2,835
Joined: 9-October 09
Member No.: 5,482
Country




Cây me nhà ông hàng xóm


"... Khi ta ở - chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi - đất bỗng hoá tâm hồn..."


Đêm chuyển thành dòng đen đặc ngoài trời. Đêm tràn qua cửa sổ vào phòng - như tấm màn nhung - nhẹ nhàng trùm lấy bà cụ Quê, xoá đi những vệt lồi lõm chân chim trên khuôn mặt già nua. Đêm làm đen nhánh mớ tóc bạc, làm dầy dặn, săn chắc những bắp tay, bắp chân gầy guộc. Đôi mắt - nửa loà vì đục thuỷ tinh thể - cũng trở nên tinh tường trong đêm. Tuổi già ít ngủ. Giấc ngủ cứ đến bất chợt, vô duyên như một mụ già đỏng đảnh. Bà có thể ngủ ban ngày, ngủ trong tiếng ồn ào đầu hôm của lũ trẻ - thậm chí - ngủ trong cả bữa cơm. Nhưng - khi cái cho đời sống tạm ngừng cơn sùng sục - bà lại bắt đầu thao thức.

Gió xào xạc ngoài vườn. Gió quăng quật bành bạch những tàu lá chuối. Gió luồn lách loạt soạt qua những túm lá khô. Một lằn chớp rạch ngang nền trời. Tiếng sấm ì ầm, mơ hồ từ phía biển hoà trong tiếng ếch nhái râm ran. Sắp mưa đây - bà Quê nghĩ bụng. "Chớp đông nhay nháy..." - cái món "dự báo thời tiết" - bà đoán mười lần chỉ trật một. Cuối hạ, đầu thu - tiết trời nóng bức; Lúa con gái đương thì, gặp mưa tốt phải biết. Hồi ông Quê còn sống, gặp mưa thế này bất kể nửa đêm, gà gáy, ông đều vùng dậy băng ra đồng, đắp kín các trổ nước. Nước mưa đầu mùa còn tốt hơn cả bón phân. Từ ngày ông mất, bà phải thay ông. Cực quá. Lắm lúc vừa buồn, vừa giận. Ô hay! Bà lẩn thẩn mất rồi. Bà đang ở phố cơ mà. ở phố - đào đâu ra tiếng ếch nhái - đào đâu ra tiếng gió loạt soạt chui luồn qua những túm lá khô? Cả tiếng sấm ì ầm kia nữa - Chắc cũng do bà tưởng tượng ra hết. Vậy mà - kỳ lạ thật - tai bà vẫn nghe tiếng gió lùa, tiếng sấm động, tiếng ếch nhái râm ran, mắt bà vẫn nhìn rõ từng lằn chớp xanh rạch ngang dọc trên bầu trời đen sẫm.

... Gió - hình như càng lúc càng lúc càng dữ. Gió cuốn rào rào ngoài vườn - hun hút qua những khe cửa. Một quả ổi, hay quả xoài non vừa rơi đánh bộp, lăn lộc cộc trên mái nhà. Có tiếng vỡ đánh xoang nơi góc sân. Thôi rồi - chắc là ngói rồi. Cái mái nhà lợp ngói vẩy cá lâu năm - ẽo à ẽo ợt - rui mè mục cụ Bà đã bao lần nhắc ông phải sửa. Ông cứ lần lửa mãi. Rồi ông ra đi, để lại cho bà - vẫn cái mái nhà ẽo ợt - càng ẽo ợt thêm theo thời gian. Phía chái sau, sức nặng của ngói đá đè xệ một mảng bằng cái nong. Bà phải hè hụi dùng cây chêm, chống để nó không đổ ụp xuống trong những trận mưa đầu mùa. Ấy là nói chuyện mưa - chứ gió thì...

Loay hoay chán với cái mái nhà, bà Quê bắt đầu lo lắng cho khu vườn. Khu vườn rộng hơn sào đất, trồng toàn chuối, chen vài cây xoài, ổi, cam chanh. Mưa tốt cho cây cối thật, nhưng gió to thế này - các tàu chuối - cứ gọi là te tua như xơ mướp. Lũ ổi non, xoài non sẽ tha hồ mà rụng trắng đất. Bà nhớ hai cây ổi đầu nhà - hai cây ổi quả vừa to, vừa ngọt, da lên nước nâu bóng bởi lũ trẻ nhà thường xuyên leo trèo, cọ lưng vào thân cây. Những trưa hè đổ lửa hay những đêm trăng vằng vặc, ông Quê hay mang chiếc võng gai cột hai đầu vào hai chạc ổi - rồi vừa nằm đung đưa, vừa phì phèo điếu thuốc sâu kèn. Cũng chiếc võng gai ấy, sau này, bà đỡ khiêng ông ở ngoài ruộng về nhà - người đầy máu me, lỗ chỗ những vết đạn. Chiếc võng bà đốt; Nhưng vết hằn do hai đầu võng mài lõm trên chạc cây vẫn còn. Mỗi lúc nhớ ông, bà lại ra, tựa người vào gốc ổi - những ngón tay rờ rẫm, lần tìm vết lõm trên thân cây - như muốn tìm lại chút hơi hướng thân yêu - rất xa mà cũng rất gần...

Bà cụ Quê trở mình. Những miếng đêm chao đảo; tụt xuống khỏi thân bà; rồi lập tức dềnh lên, sóng sánh. Người bà cứ bềnh bồng - như đang nổi trôi trong khối chất lỏng đen không hình dạng ấy. Gió -hình như đã lặng. Không còn tiếng lá xào xạc, không còn tiếng sấm ì ầm; không còn tiếng ếch nhái râm ran. Vạn vật dường như đã thiếp ngủ; nhưng bà Quê biết không phải thế. Bà cảm thấy khó thở, tức tức nơi ngực.

Mưa. Ban đầu, chỉ là những tiếng lộp độp xa xa, rời rạc. Dần dần, mưa đến gần hơn, mau hơn. Bây giờ là tiếng rào rào. Gió cũng đã trở lại. Gió cuốn băng những làn mưa - đưa ra xa, rồi kéo lại gần - quất ràn rạt lên mái nhà, quất ràn rạt vào cửa sổ. Tiếng nước chảy ồ ồ trên máng xối.

Bà Quê chợt thấy lạnh. Kéo tấm chăn bông lên đến tận cằm, bà mỉm cười, căng ngực hít cái mùi nồng nồng, ngai ngái của lá mục, của đất khô lâu ngày gặp nước. Mưa to thực. Bà đã bảo mà. Lũ con cháu cứ bão bà lẩm cẩm; té ra, bà vẫn còn sáng suốt lắm. Mà chúng nói cũng có cái đúng. Chuyện phố xá - chẳng hạn - ra đường đi bên phải hay bên trái - chuyện đài, báo, ti vi, chuyện mua bán, tiền nong... quả là bà lẩm cẩm thực. Nhưng còn chuyện nắng mưa, chuyện cây cối, đất đai sinh sôi, nẩy nở, cần gì, muốn gì - thì bà biết rõ lắm. Ngay thằng cu nhà bà - lớn tồng ngồng - nhưng mỗi bận ra đồng - sểnh bà ra là lập tức làm hỏng chuyện. Bây giờ chẳng hạn - trong tiếng nước chảy ào ào, trong tiếng mưa quất ràn rạt, bà vẫn nghe đất đang phập phồng thở, cây cối ngoài vườn đang lao xao, chí choé như đàn trẻ nít nghịch ngợm trong mưa. Bà vui lây với cái vui của đất trời cây cỏ - như khi nhìn lũ con thơ vui cười hỉ hả quanh gói quà về chợ...

Lan man - bà lại nghĩ đến ông. Mưa gió thế này, không biết ông có lạnh lắm không. Các cụ bảo: "Sống có mái nhà, thác có nấm mồ". Đối với người chết - mồ là nhà. Nhưng bà vẫn không thể hình dung, không thể tin được. Người sống - như bà chẳng hạn - rành rành đang nằm trên giường, chăn êm nệm ấm. Cái mái trên đầu - dẫu có xập xệ - cũng còn che được nắng mưa. Còn ông - trong lòng đất bên trên là đất - xung quanh cũng là đất - làm sao cho khỏi thấm lạnh. Bà thương ông quá đỗi. Lâu rồi, bà chưa về thăm ông. Bà nhớ như in cái gò đất cao trong khu nghĩa trang cuối làng - trước mặt có dòng sông nhỏ chạy ngang và sau lưng là luỹ tre dày. Tiết đầu thu, cứ mỗi cơn gió đi ngang, những thân tre lại kẽo kẹt, rào rào những chiếc lá khô vọng đầy mộ chí. Không biết lâu nay thằng cu có thăm nom, quát nạt lũ trẻ làng chuyên thả rong trâu bò ủi phá trên mộ không? Cái vuông đất ấy còn rộng rãi chán. Một bà già tám mươi như bà cũng cần tính toán, dọn chỗ cho mình là vừa. Nhà cửa - là nơi trú ngụ một đời; Nhưng mồ mã - mới là nơi trú ngụ muôn đời. Bà đã phải xa ông gần trọn một đời. Bà không muốn xa ông thêm nữa. Khi "về", bà muốn bên ông. Những đêm mưa gió - như đêm này chẳng hạn - bà lại nhớ ông da diết. Bọn trẻ bây giờ - cứ tưởng chuyện yêu đương, nhung nhớ là độc quyền của chúng. Bà lại mỉm cười. Chúng thì nhớ nhung gì - quá lắm - chỉ một chốc là lăn ra ngáy khò; có đâu như người già - lắm lúc - trằn trọc đến năm canh. Mà sao ông lại ra đi vội vàng đến thế nhỉ? À - bà nhớ ra rồi. Chiến tranh!

Mưa - hình như đã tạnh. Gió cũng bắt đầu lặng; Chỉ thỉnh thoảng nhẹ nhàng đu đưa những tán lá sũng nước. Bà Quê hình dung được điều đó - bởi thỉnh thoảng bà nghe tiếng những hạt nước rời cành, đua nhau rơi lách tách xuống sân. Hình như có tiếng chó sủa. Đúng rồi - tiếng chó sủa. Tiếng sủa cầm canh, kéo dài hàng tràng, không có mục tiêu rõ rệt. Kiểu ngứa mõm sủa nhăng này thì bà chẳng lạ gì. Bà nhớ đến con Ki Ki nhà bà. Con chó khôn đáo để. Nó mà đã sủa - nhất định có ngời. Bà còn nhớ như in cái thân hình cao lớn, đen mướt như bôi mỡ với hai đốm mắt và bốn khoeo chân màu trắng. Ngày ông Quê nhặt nó về, nó còn là chú cún con ghẻ lở, xơ xác - thảm hại như một nùi giẻ rách. Vậy mà ba tháng sau, nó trở lên cao lớn, phổng phao - đường hoàng như tác phẩm chú chó săn chính cống. Lão Vạn - thợ săn làng bên - nài nỉ trả hơn trăm bạc. Nhưng ông bà nhất định không bán. Lũ chồn cáo chuyên rình rập chuồng gà, lũ chuột nhà phá phách vựa lúa - cứ gọi là rờ hồn với nó. Nó bắt chuột còn giỏi hơn cả mèo. Chuột chui vào hang, nó cứ ghé mõm mà suýt một lúc là họ hàng nhà tí đâm bổ ra ngay. Ông Quê đi đâu, nó lẽo đẽo theo sau như bóng với hình. Ngày ông mất, nó ra mộ ông nằm rên ư ử - nhất định không ăn không uống. Bà phải dỗ dành đến ba ngày nó mới chịu về nhà. Hồi năm sáu tám, đánh nhau dữ quá, cẩ làng phải bồng bế tản cư. Bà đã cẩn thận cột sợi dây dừa vào cổ, dắt nó đi theo. Nhưng cứ ra khỏi làng, nó lại bứt dây, đâm đầu chạy về. Túng thế bà đành bỏ mặc. Nó chết trong một trận càn của giặc. Lúc về làng, không thấy nó, bà đâm bổ đi tìm. Nó nằm phủ phục trên mộ ông Quê - ruồi bâu kín mắt. Nơi bụng, một vết thủng toang hoác, thòi cả ruột gan ra ngoài...

... Bà Quê thiếp đi. Trong mơ, bà thấy bà đang cầm sợi dây cố lôi con Ki Ki đi theo. Nó - vừa vùng vẫy chống cự - vừa rên ư ử. Xa xa phía đầu làng, ông Quê - quần áo nâu bết đầy bùn đất - đang đưa tay vẫy.

Bà cụ Quê thức giấc. Trời đã sáng bạch. Dưới nhà, vọng lên tiếng ồn của phố xá, tiếng rao của người bán bánh mì rong lẫn trong tiếng nhạc disco dậm dựt. Rửa mặt, chải đầu xong, bà thay quần áo mới, lụm cụm xếp dọn đồ đạc vào chiếc giỏ mây cũ. Ông con bước vào phòng - ngạc nhiên:

- Ủa, mẹ... mẹ làm gì vậy?

Bà cụ hấp háy đôi mắt đục lờ nhìn ra cửa sổ , nơi có một khoảng phố mù bụi dưới cái nắng tháng sáu chói chang. Lát sau, bà mới khẽ khàng:

- Mẹ định nói với chúng mày... cho mẹ về nhà...

Ông con cứ ngơ ngẩn nhìn giọt nước mắt chực ứa ra từ hai khoé mắt già nua của người mẹ.

Tuy Hoà - đầu thu Kỷ Mão

Y Nguyên


--------------------
Mùa nào cũng buồn ...
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 28th March 2024 - 10:57 PM