Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Bản Chất Đàn Bà - Sầu Đông
delta
post Apr 28 2008, 09:42 AM
Post #1


Chốn Xưa
***

Group: Members
Posts: 585
Joined: 7-April 08
Member No.: 7
Country



Bản Chất Đàn Bà

Phần Một



Trong một nghiên cứu đáng ngạc nhiên mới đây thực hiện ở Tây Âu ta thấy một số sự kiện nổi bật như sau: những mái (đã có trống, xem như là ‘chồng’) thường chọn đi lẻ thêm với những trống bề thế, già hơn, ngoại hình hấp dẫn hơn, thân hình cân đối hơn, và những trống này cũng đã có những mái kề cận (kể như là ‘vợ’). Những mái thường thích lăng nhăng hơn nữa nếu những anh trống là loại chiều lụy, trẻ hơn, ngoại hình ít hấp dẫn, thân hình mất cân đối. Nếu sửa sang ngoại hình của trống bằng giải phẫu thẩm mỹ ta thấy trống có thêm nhiều cơ may trong những cuộc ngoại tình. Trống càng hấp dẫn bao nhiêu càng ít là người cha chăm chút con cái bấy nhiêu. Khoảng một phần ba ‘trẻ’ sơ sinh ở Tây Âu là hậu quả của những vụ ngoại tình.

Nếu bạn thấy sự kiện này khó tin hay kỳ cục quá bạn không cần phải lo lắng: con người không phải là đối tượng của nghiên cứu ấy nhưng là loài chim sẻ - loài chim vô tư, đuôi nhọn, tíu tít quanh những nhà vựa và cánh đồng vào mùa hè. Liệu giống người chúng ta có khác những chim sẻ đó chăng?

Ám Ảnh Hôn Nhân

Những hậu cung của các bạo chúa thời xa xưa đã cho thấy đàn ông có thể lợi dụng ưu thế quyền lực trong việc truyền sinh, nhưng ta không thể bảo đó là điều kiện điển hình của con người trong giòng lịch sử của mình. Ngày nay ta thấy đã có kẻ bày ra một giáo phái nào đó, tìm cách tẩy não những phụ nữ tin vào tính cách thần thánh của gã, và gã đã biến họ thành những ‘bà trùm’ trong hậu cung của gã. Ðó có lẽ là cách duy nhất để có thể tạo lập tam cung, lục viện kiểu mới. Nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau con người trong thời hiện đại có lẽ đang sống trong những hệ thống xã hội rất gần với hệ thống của thời kỳ ‘săn bắn – hái lượm’ hơn là với thời kỳ sơ khai của lịch sử thành văn của con người. Chuyện đa thê rất hiếm xảy ra trong những xã hội ‘săn bắn- hái lượm’, và định chế hôn nhân đơn thê rõ ràng là phổ biến. Con người sống quây quần thành những nhóm lớn nhưng gia đình vẫn là cái nhân chính: chồng, vợ, con. Hôn nhân là một định chế nhằm vào việc nuôi dạy con trẻ. Nơi nào tôn trọng định chế này, vai trò người cha ít nhất vẫn là giữ một phần trách nhiệm trong việc chăm sóc con cái, ngay cả khi họ chỉ cung cấp đồ ăn, thức uống mà thôi. Trong phần đông các xã hội, đàn ông thường có khuynh hướng đa thê nhưng chỉ có một số rất ít thành công.

Hệ đơn thê phổ biến đặt loài người chúng ta khác xa với những loài có vú khác, kể cả các linh trưởng. Trong những con vượn, đười ươi, khỉ đột, và khỉ lông dài màu đỏ (orangutan), chỉ có vượn có lối sống khiến ta nghĩ đến một kiểu cách hôn nhân nào đó. Loài vượn sống thành từng cặp trung thành với nhau trong những khu rừng rậm vùng Ðông Nam Á; mỗi cặp sống riêng trong lãnh địa của mình.

Nếu bản chất của đàn ông là gian díu đa tình thì điều gì khiến cho hôn nhân đã có thể xảy ra? Dẫu rằng đàn ông ưa thay đổi nếu ta nghe được một câu nói cửa miệng nơi những nạn nhân của những gã chuyên dụ gái như “ Anh sợ bị ràng buộc phải vậy không nào? ” họ cũng vẫn lấy vợ và cũng gánh vác phần nào chuyện gia đình, dù là họ vẫn không mấy chung thủy với vợ.

Hai mục tiêu này mâu thuẫn nhau chỉ là vì phụ nữ tự bản chất không hề tách bạch thành hai vai trò: vừa là vợ, vừa là ‘gái’. Phụ nữ chẳng phải là món đồ sở hữu thụ động trong tay những bạo chúa. Họ là đối thủ năng động trên bàn cờ tính dục, và họ có những mục tiêu của riêng họ. Lý thuyết về người nam mạnh mẽ, cứng cỏi so với người nữ e lệ, dịu dàng thật khó lòng giải thích được câu hỏi sau: tại sao phụ nữ lại ngoại tình?

Hiệu Quả Herod

Vào khoảng những năm 1980 một số những nữ khoa học gia dưới sự hướng dẫn của Sarah Hrdy bắt đầu lưu ý là hành vi tính dục bừa bãi nơi những khỉ đột cái và khỉ khiến cho lý thuyết của Trivers có phần lúng túng trong giải thích cho rằng sự đầu tư rất nhiều của khỉ cái trong việc nuôi dưỡng con cái đã trực tiếp dẫn đến sự chọn lựa ( khỉ đực) của nó. Những nghiên cứu của Hrdy về giống khỉ đuôi dài ở Ấn (langur) và của học trò của bà là Meredith Small về khỉ macaque hình như cho thấy một loại thú cái rất khác với loại hình của lý thuyết tiến hoá: một khỉ cái lẻn khỏi bầy để đến nơi ‘hò hẹn’ với khỉ đực; có khỉ cái lại chủ động tìm nhiều bạn tình; và có cả khỉ cái mào đầu những đưa đẩy làm tình chẳng khác khỉ đực. Còn hơn cả chuyện chọn đực, nhiều loài khỉ, vượn hình như còn là những kẻ đầu têu những trò lăng nhăng, bừa bãi như thế. Hrdy bắt đầu nêu ý kiến cho rằng có gì đó không ổn trong thuyết tiến hoá liên quan đến động thái tính dục. Một thập niên sau vấn đề đột nhiên trở nên rõ ràng: dưới ánh sáng mới về chuyện tiến hoá nơi động thái giống cái qua một tập hợp những ý tưởng được biết dưới tên gọi “ lý thuyết cạnh tranh tinh dịch”.

Giải đáp cho mối quan tâm của Hrdy nằm ngay trong công việc của bà. Trong nghiên cứu giống khỉ đuôi dài vùng Abu ở Ấn, Hrdy đã thấy một sự kiện khủng khiếp: những khỉ con bị khỉ đực lớn giết hại là chuyện xảy ra như cơm bữa. Mỗi khi một con đực thành trùm mới giữa một bầy cái, nó giết hết khỉ con. Cùng một hiện tượng như thế, ít lâu sau người ta cũng khám phá ra nơi những con sư tử: Khi một nhóm sư tử anh em với nhau dành được một bầy sư tử cái, công việc đầu tiên là chúng tàn sát những con ngây thơ, vô tội. Như những nghiên cứu về sau cho thấy rõ hơn, nạn sát hại những con còn non tuổi là điều thường xảy ra nơi những loài gặm nhấm, loài thú ăn thịt, và các linh trưởng. Ngay nơi những con tương cận với giống người, bọn khỉ đột cũng không thoát khỏi tội này. Nhiều nhà thiên nhiên học chịu ảnh hưởng của những chương trình truyền hình in đậm dấu ấn tình cảm về lịch sử thiên nhiên có khuynh hướng coi chuyện giết những con thú non trẻ là một xáo trộn bệnh lý, nhưng Hrdy và các đồng sự của bà nhìn cách khác. Nạn giết con nhỏ theo họ là một “cách thích nghi” - một chiến lược “tiến hoá”. Khi giết những đứa con ghẻ những con đực khiến quá trình tiết sữa ngừng lại và làm vậy sẽ khiến con cái có thể thụ thai trở lại. Một con khỉ đuôi dài hay một cặp anh em sư tử chỉ có một khoảng thời gian ngắn làm trùm, và nạn sát hại ấu sinh giúp những con này có thể làm cha đến mức có số con tối đa trong thời gian ấy ( theo Mertram, 1975; Hrdy, 1979; Hausfater và Hrdy, 1984.)

Tầm quan trọng của việc sát hại ấu nhi nơi các linh trưởng dần dần giúp những nhà khoa học hiểu được hệ thống phối giống (mating system) của năm loại linh trưởng vì đột nhiên nó cung cấp lý lẽ tại sao những con cái trung thành với một hoặc một nhóm con đực- và ngược lại: nhằm bảo vệ các thành tố di truyền thoát khỏi những con đực hiếu sát. Nhìn rộng hơn thì mô thức xã hội của những khỉ cái cũng như những linh trưởng khác có nguyên nhân là phân bố nguồn thực phẩm. Những con khỉ lông dài màu đỏ cái sống một mình trong những lãnh địa rất giới hạn. Những con đực cũng sống như thế và tìm cách nắm độc quyền trên những lãnh địa của vài con cái. Những khỉ cái này dựa vào bảo vệ của ‘chồng’ nếu những con đực khác xuất hiện.

Vượn cái cũng sống một mình. Vượn đực có thể bảo vệ một khu vực đến năm vượn cái, và chúng cũng dễ dàng thực hành kiểu đa thê như khỉ lông đỏ: một con đực đi ‘khám điền thổ’ những lãnh địa của những con cái trong tầm kiểm soát của mình và ‘cặp’ với tất cả những con ấy. Nhưng khó có thể bảo vượn đực là cha của những vượn con được. Chúng không nuôi con, không bảo vệ vượn con khỏi bị diều hâu sát hại, và cũng không hướng dẫn chỉ bảo chi nhiều cho lũ vượn con. Vậy thì tại sao chúng lại gắn bó trung thành với một con vượn cái như vậy? Nguy hiểm lớn nhất đối với vượn con là bị vượn đực khác sát hại. Theo Robin Dubar của trường Ðại Học Liverpool thì việc đơn thê ở vượn đực nhằm ngăn ngừa nạn vượn con trẻ bị giết.

Con đười ươi (gorilla) cái cũng trung thành với chồng chẳng khác bất cứ con vượn nào. Nó theo ‘chồng’ đến bất cứ xó xỉnh nào mà anh chồng mò tới, và làm bất cứ những gì mà anh chồng làm. Ðười ươi chồng cũng trung thành với vợ. Gã ở với vợ trong nhiều năm và canh chừng nàng trong lúc nàng chăm sóc đười ươi con. Nhưng có một sai biệt lớn lao: chàng có dưới trướng vài chị đười ươi, và rất chung thủy với những chị vợ ấy. Richard Wringham của Ðại Học Harvard tin là hệ thống xã hội của đười ươi có mục đích ngăn ngừa nạn giết hại đười ươi con.

Bọn khỉ đột đã tạo ra một sách lược ngăn ngừa nạn sát hại con nhỏ bằng một hệ thống xã hội có phần khác hơn. Vì chúng ăn những thực phẩm ở rải rác nhiều nơi như trái cây và chúng sống phần lớn thời gian nơi những khoảng trống trên mặt đất, các khỉ đột sống thành những đàn lớn ( một bầy đàn lớn có nhiều cặp mắt canh chừng hơn bầy đàn nhỏ); những đàn này thường phân tán thành những đàn nhỏ hơn trước khi chúng lại họp thành đàn lớn với nhau. Những đàn lúc tán, lúc tụ như vậy khiến một con đực khó lòng thống trị được tất cả. Cách thức để một con đực leo tới đỉnh cao của hệ thống là lập thành những liên minh với những con đực khác, và những bầy khỉ đột thường có nhiều con đực. Như thế một chị cái nay có thêm rất nhiều gã đực có vai trò cha ghẻ. Hậu quả là chỉ có một trường hợp duy nhất mà con đực có thể biết chắc khỉ đột con không phải là con mình: đó là khi nó chưa từng thấy mặt con cái lần nào. Như Jane Goodall đã thấy, những con khỉ đột đực luôn luôn tấn công những con cái lạ mặt có khỉ con bên cạnh và giết khỉ con đi. Chúng không tấn công những con cái không con.

Vấn đề của Hrdy đã được giải quyết. Tính lăng nhăng nơi khỉ và các linh trưởng có thể giải thích bằng nhu cầu cùng chia vai trò làm cha giữa nhiều con đực để ngăn nạn sát hại khỉ con. Ðiều này áp dụng vào loài người được chăng?

Ta có thể trả lời ngay : không. Người ta cũng biết rằng xác suất những đứa con ghẻ bị chết là sáu mươi lăm lần nhiều hơn những đứa trẻ sống với cha mẹ ruột của chúng ( Daly và Wilson, 1988), và có một sự thật khó phản bác là trẻ con thường mang nỗi kinh hoàng khó khắc phục nổi khi phải sống với cha dượng. Nhưng đây chỉ là những dữ kiện áp dụng vào trường hợp những trẻ con đã lớn, không áp dụng cho những trẻ sơ sinh. Những cái chết của chúng không giúp cho người mẹ tự do nuôi dưỡng con cái.

Hơn thế, sự kiện cho rằng chúng ta là linh trưởng có thể đã trật hướng. Ðời sống tính dục của loài người khác rất xa với những ‘bà con’ của chúng ta. Nếu chúng ta giống như orangutan, phụ nữ sẽ sống một mình, xa cách với những người khác. Ðàn ông cũng thế: họ sẽ sống một mình nhưng thường xuyên đi lại với vài phụ nữ ( hoặc nằm chèo queo! ) . Nếu hai đàn ông gặp nhau, hẳn sẽ có một trận quyết đấu. Nếu chúng ta là vượn, đời sống của chúng ta hẳn sẽ khó nhận biết nổi. Mỗi cặp sẽ sống xa nhau hàng nhiều dặm và chiến đấu đến chết nếu có kẻ lạ xâm nhập vào lãnh địa bất khả tương nhượng. Dẫu rằng thỉnh thoảng ta cũng có gặp người láng giềng; và người này cũng rất ít muốn giao tiếp với người khác. Nhưng lối sống của chúng ta không phải như thế. Ngay cả khi ta lui về trong những căn nhà ở những vùng ngoại ô ta không trốn luôn trong đó mà không hề gặp gỡ kẻ lạ. Chúng ta sống cùng với nhiều người trên một vùng đất chung, làm việc, mua sắm, giải trí. Chúng ta là loài sống hợp đoàn và ưa chuộng đời sống xã hội.

Chúng ta cũng không phải là đười ươi. Nếu là đười ươi, có lẽ chúng ta sống trong cấm thành, mỗi cấm thành là một ông khổng lồ trung niên ngự trị, nặng gấp đôi phụ nữ, độc quyền về tính dục trên tất cả các phụ nữ trong thành và luôn hầm hè đe dọa những gã khác. Chuyện tính dục xem chừng còn hiếm hơn cả những ngày lễ các thánh, ngay đối với chàng vạm vỡ, to lớn, chỉ vào khoảng mỗi năm một lần. Còn với những anh chàng khác thì kể như nằm không, chay tịnh ( theo Martin và May, 1981).

Nếu chúng ta là những khỉ đột không lông, xã hội của chúng ta xem ra vẫn có vẻ quen thuộc nhìn theo nhiều cách khác nhau. Chúng ta sống trong gia đình, rất thích giao tiếp với nhiều người khác, biết trên, biết dưới, sống trong những khu vực quen thuộc, và thường khi hung hăng đối với những nhóm người khác với nhóm của ta. Nói cách khác thì ta lấy gia đình làm căn bản, sống nơi thị tứ, là những người có ý thức giai cấp, tinh thần ái quốc, và bài ngoại. Ðàn ông thường dành nhiều thời gian cố leo lên cho được trong nấc thang chính trị hơn là dành nhiều thời gian cho gia đình. Nhưng nếu ta trở lại vấn đề tính dục thì xem chừng ta thấy nhiều chuyện rất khác. Ta vẫn cứ giả định ta là những con khỉ đột không lông thì ta chẳng hề phải nuôi con, không hề phải trả bất cứ một khoản trợ cấp cho con nào; cũng không có lấy tí chút ràng buộc hôn nhân. Phần lớn đàn bà sẽ cặp với đủ hạng đàn ông, dù rằng anh đàn ông ngự trên đỉnh của nấc thang xã hội ( ta gọi là tổng thống chẳng hạn) chắc chắn có quyền chủ tể trên phần lớn những chị đàn bà mắn đẻ. Tính dục là công chuyện liên lỉ, đặc biệt vượt trội trong thời kỳ hứng tình (estrus) của phụ nữ, nhưng họ sẽ quên hẳn trong nhiều tháng, năm khi họ có thai hay nuôi con nhỏ. Việc rượng đực của phụ nữ ai cũng biết vì bộ phận phiá dưới mửng đỏ lên khiến bất cứ chàng nào trông thấy cũng phải ngây ngất, choáng váng. Và các chàng tìm mọi cách để có thể độc quyền những nữ nhân ấy trong vài tuần; không phải lúc nào những anh chàng này cũng đều thành công. Họ cũng mất hứng rất mau khi cái bộ phận mưng đỏ hấp dẫn kia xẹp xuống. Jared Diamond của Ðại Học California ở Los Angeles đã khẳng định là hoạt động trong xã hội sẽ xôn xao biết là chừng nào khi nữ lang xinh đẹp đến sở làm xin việc vào ngày nàng đang ửng hồng ấy.

Nếu chúng ta là những con khỉ đột nhỏ thó hay con bonobo, ta sẽ sống trong những nhóm chẳng khác những con khỉ đột ta vừa đề cập bên trên, nhưng có lẽ sẽ có vài ‘băng’ những anh chàng khát tình thường tìm viếng vài nhóm phụ nữ. Hậu quả là phụ nữ phải đảm trách vai trò nuôi dạy con như vẫn còn thấy rộng lớn ngày nay, và những con bonobo cái ta không thể chối vào đâu được là những chị cũng rất khát tình như thói quen của chúng. Chỉ cần tí chút ‘đầu mày, cuối mắt’ cũng đủ để bonobo cái lâm trận ngay lập tức, và lâm trận theo nhiều kiểu khác nhau ( gồm cả khẩu dâm lẫn đồng tính luyến ái) . Chúng cũng hấp dẫn bọn bonobo đực trong những khoảng thời gian dài. Một con bonobo cái đến một thân cây nơi những con khác đang ăn, trước tiên nó sẽ ‘cặp’ với từng con đực một , và sau đó mới lo đến miếng ăn.

Trong khi một đười ươi cái giao tình khoảng mười lần trước mỗi lần đẻ con, một khỉ đột cái cặp từ năm trăm đến một ngàn lần, và một bonobo khoảng ba ngàn lần. Bonobo- cái rất hiếm khi bị bonobo- đực sách nhiễu, gây hấn bởi một con đực gần bên khi chị ta đang cặp với một anh đực dưới vai vế của anh bonobo ấy; bonobo cái cặp rất nhiều đến mức rất ít khi thụ thai. Thể tạng của bonobo-đực cũng khiến nó ít hung hăng, gây chiến: những con đực không to lớn hơn những con cái và dùng rất ít năng lực để leo lên trong nấc thang giống đực nếu so với loại khỉ đột thông thường. Chiến lược tốt nhất dành cho một anh đực bonobo nhằm duy trì dòng giống đến muôn đời là ăn cho no, đêm trước ngủ cho khoẻ, và chuẩn bị một ngày dài hào hứng.

Những Con-chim-con-hoang

So sánh với đám linh trưởng họ hàng của chúng ta thì chúng ta - giống thông thường nhất trong những linh trưởng lớn nhất - là giống đáng ngạc nhiên hơn cả. Chúng ta đã tái lập chế độ đơn thê và việc chăm sóc con cái mà không mất thói quen sống thành những nhóm đàn ông lớn lao. Như loài vượn, đàn ông lấy đàn bà và giúp vợ nuôi con, tự tin về tình phụ tử, nhưng như những khỉ đột, phụ nữ sống trong xã hội và giao tiếp thường xuyên với những nam nhân khác. Các linh trưởng khác sống trong những xã hội không sao so bì được với chúng ta. Tuy nhiên so với các loài chim, ta có chỗ tương đồng. Nhiều giống chim sống thành bầy nhưng chỉ cặp riêng với một bạn tình trong bầy. Và sự tương ứng với giống loài này dẫn ta đến một giải thích hoàn toàn khác về việc phái nữ cũng thích huê dạng trong tính dục. Một nữ nhân chẳng cần phải ban đặc ân tính dục cho nhiều nam nhân để tránh nạn trẻ con bị sát hại, nhưng có nàng có lý do phân phát đặc ân này cho một tu mi đã được nàng chọn kỹ càng ngoài đức ông chồng của nàng. Có chuyện này là vì ông chồng của nàng, cứ theo định nghiã, thường không phải là anh đàn ông ngon lành nhất. Giá trị của ông chồng là ông ta chỉ lấy một vợ và sẽ không phải chia sớt cố gắng nuôi dạy con cái cho vài gia đình. Nhưng tại sao nàng lại nhận những gien của ông chồng nàng? Và sao lại chẳng cùng lúc có được sự chăm sóc con cái của ông ta mà nàng thì vẫn có thể mang những gien của những chàng khác?

Trong việc mô tả hệ thống phối giống của giống người ta thật khó lòng nói chính xác cho được. Con người là loài rất uyển chuyển trong những thói quen, tùy theo nguồn gốc chủng tộc, tôn giáo, tài sản, và môi sinh. Tuy nhiên ta vẫn thấy một vài nét đặc trưng phổ quát. Trước tiên là phụ nữ thường tìm đến hôn nhân đơn thê, ngay trong những xã hội cho phép đa thê. Hầu như không có biệt lệ, họ thường muốn chọn một cách thật cẩn thận, và chừng nào mà chàng còn xứng đáng, họ thường muốn độc quyền chàng suốt đời, họ tìm cách để chàng cùng chia trách nhiệm nuôi dưỡng con cái, và có lẽ muốn cùng được chết với chàng. Thứ đến là phụ nữ tự thân không tìm đến tính dục ngoại hôn. Dĩ nhiên là có những ngoại lệ về những phụ nữ thật sự ngoài đời hay trong truyện tưởng thường bảo là chuyện lăng nhăng không mảy may lôi cuốn họ, và không có lý do gì mà ta không tin họ. Một nữ nhân quyến rũ thích qua đêm với một gã đàn ông mà nàng chẳng rõ danh tánh chẳng qua chỉ là một kiểu bay mướm do sách báo khiêu dâm của bọn đàn ông cung cấp mà thôi. Những phụ nữ đồng tính, thoát khỏi những cưỡng chế do bản chất giống đực đặt định, không phải đột nhiên dấn thân vào chuyện tình dục hoang đàng; ngược lại họ rất muốn đơn phu. Ta không phải ngạc nhiên về điều này . Những con thú cái ‘được’ rất ít trong những giao phối thêm, vì khả năng sinh sản của chúng bị giới hạn không phải bởi số lượng nhiều ít những con đực giao phối với chúng nhưng là tùy vào thời hạn chúng mang thai con. Về phương diện này, đàn ông và đàn bà rất khác nhau.

Nhưng còn điều thứ ba: phụ nữ đôi khi không chung thủy. Chuyện ngoại tình không phải toàn do đàn ông gây nên. Tuy là hiếm khi hoặc chẳng bao giờ phụ nữ giao phối bất thường với đĩ đực hay kẻ lạ, một phụ nữ trong cuộc đời thật hay trên sân khấu hoàn toàn có thể chấp thuận hoặc khơi mào chuyện yêu đương với một người đàn ông mà họ biết, ngay cả khi họ có “hạnh phúc” trong hôn nhân. Ðây là một mâu thuẫn. Ta thấy ba cách giải quyết. Chuyện ngoại tình có thể qui trách cho gã đàn ông, rằng khả năng thuyết phục của kẻ quyến rũ vợ người vẫn luôn có thể chiếm được một vài trái tim, ngay cả những trái tim khó khăn. Ta cứ gọi điều này là lối giải thích theo kiểu “ Những Quan Hệ Nguy Hiểm” (Dangerous Liaisons)*. Ta cũng có thể qui trách cho xã hội tân tiến và bảo rằng những xốn xang cùng những phức tạp của đời sống mới, của những cuộc hôn nhân không có hạnh phúc,… đã khiến mẫu mực tự nhiên bị đảo lộn và đã đưa tới thói quen xa lạ nơi phụ nữ. Hãy gọi cách giải thích này là “Dallas”**. Hoặc ta cũng có thể nêu ra lý do sinh học nào đó khiến phụ nữ tìm đến giao phối ngoài hôn nhân. Một loại bản năng nơi phụ nữ là không chối từ “ kế hoạch B” khi kế hoạch A không diễn ra xuôi chèo, mát mái. Hãy gọi giải thích này là sách lược “ Emma Bovary”***.

Matt Ridley lập luận rằng ngoại tình có thể đã giữ một vai trò lớn trong việc định hình xã hội loài người vì ta luôn thấy những ưu thế cho cả hai phái khi họ tìm kiếm bạn tình ngoài hôn nhân đơn thê của họ. Kết luận này dựa trên những nghiên cứu về xã hội loài người, xưa và nay, và trong việc so sánh với các loài linh trưởng cũng như các loài chim, bằng cách mô tả chuyện ngoại tình như là một nguồn lực định hình hệ thống giao phối của chúng ta. Theo ông, con người không gì “tự nhiên” hơn là đối tượng bị cắm sừng hay ăn gian. Ta không nên hiểu là tác giả tìm cách biện minh cho chuyện ngoại tình; đúng hơn ông chỉ muốn minh hoạ những cơ năng luật pháp và xã hội nhằm làm nản lòng những kẻ muốn ngoại tình. Ông không khen, hay chê. Ông mô tả một hiện tượng xã hội mà ông cho là ngoại tình, cũng như những chống đối lại chuyện này là “tự nhiên”.

Trong những năm 1970, Roger Short, một nhà sinh học người Anh sau này dời qua Úc, đã ghi nhận điều đặc biệt nơi cấu tạo giải phẫu của loài linh trưởng. Những khỉ đột có tinh hoàn lớn kinh khủng; tinh hoàn của đười ươi khá nhỏ. Mặc dầu đười ươi nặng kí hơn khỉ đột tới bốn lần, nhưng tinh hoàn khỉ đột lớn hơn tinh hoàn đười ươi cũng tới bốn lần. Short đã ngạc nhiên về việc này và đã gợi ý là có thể việc này có liên can tới hệ thống giao phối. Theo Short (1979) thì tinh hoàn càng lớn, linh trưởng càng đa thê.

Ta dễ thấy lý do này. Nếu con thú cái cặp với một vài thú đực thì tinh trùng của những thú đực phải dành nhau để tiến tới trứng trước tiên; cách tốt nhất đối với thú đực để dành phần thắng là có thật nhiều tinh dịch tràn ngập trong tranh dành ảnh hưởng ( Còn có những cách khác nữa: một vài loại ruồi dùng dương cụ rót tinh dịch vào đó trước nhất; chó đực cũng như loài chuột nhảy xứ Úc đều “khoá chết” dương vật của chúng trong con cái sau khi giao phối và dính lẹo trong đó một thời gian. Nơi con người hình như nam giới tạo ra một số lớn tinh dịch “hy sinh” (“ kamikaze” sperm) làm thành một loại chốt đóng kín cửa mình nhằm chặn những ‘kẻ’ đến sau ( theo Eberhard, 1985; Hyde và Elgar, 1992; Bellis, Baker, và Gage, 1990; Baker va Bellis, 1992). Như ta đã thấy khỉ đột sống trong những nhóm trong đó một vài con đực có thể chia nhau một con cái; do đó khả năng chiếm ưu thế là xuất tinh nhiều, và làm nhiều lần – con nào khoẻ trong chuyện này là con có nhiều cơ may thành cha. Quan niệm dựa trên những dữ kiện chưa hoàn toàn này là phổ biến đối với tất cả những loài khỉ và những loài gậm nhấm. Càng chắc chắn độc quyền tính dục, như trường hợp đười ươi, tinh hoàn càng nhỏ; càng sống trong những nhóm nhiều đực cùng giao phối, tinh hoàn càng lớn ( Connor, Smolker, Richards, 1992).

Short đã bất ngờ thấy manh mối về mặt giải phẫu học đối với hệ thống phối giống của một chủng loại: tinh hoàn lớn hàm nghĩa những con cái trong chủng loại thường giao phối với vài con đực. Liệu ta có dùng được thuyết này vào những chủng loại ta chưa làm nghiên cứu? Ta biết rất ít về xã hội những con cá heo và cá voi nhưng về giải phẫu cơ thể ta biết khá rõ về cá voi. Chúng đều có tinh toàn cực lớn. Tinh hoàn của cá voi nặng hơn một tấn và chiếm đến 2 phần trăm trọng lượng toàn thân. Nếu ta lấy khỉ làm mẫu mực thì ta có thể tiên đoán là cá voi và cá heo cái đa phần là loài thú mà con cái giao phối với vài con đực. Tới bây giờ ta được biết đúng như vậy. Hệ thống giao phối của cá heo mũi dài ( giống như cổ vỏ chai) hình như gồm những đàn cá cái lẫn trong những đàn cá đực, và có khi hai con đực cùng một lúc ‘ép’ cái. Ðây là trường hợp cạnh tranh gay gắt giữa các tinh dịch trong nỗ lực truyền sinh mà thế giới loài khỉ đột không so sánh được ( theo Conner, Smolker, và Richards, 1992). Cá voi đực sống trong đàn cá cái của riêng nó có tinh hoàn tương đối nhỏ hơn. Một con đực độc quyền trên một bầy cái và không có cá đực nào khác tranh dành.

Ta thử đem dự đoán này vào loài người chúng ta. So với các linh trưởng thì tinh hoàn của đàn ông thuộc loại trung bình, lớn hơn của đười ươi một cách đáng kể. Cũng như của khỉ đột, tinh hoàn của đàn ông nằm trong một cái bìu lủng lẳng ngoài thân người, nơi đó tinh dịch được tạo ra. Nhờ vậy tinh dịch sống dai hơn. Ðây là bằng chứng rõ ràng phù hợp với thuyết cạnh tranh tinh trùng nơi các linh trưởng ( theo Smith, 1984). Nhưng tinh hoàn của đàn ông không lớn như của khỉ đột, và cũng có bằng cớ là các tinh hoàn này chưa hoạt động hết cỡ của chúng ( và có thể là tinh hoàn của tổ tiên của chúng ta lớn hơn của chúng ta hiện nay): tinh trùng tạo ra tính theo từng gram tinh mô (tissue) nơi giống người rất thấp. Nói gì thì nói, ta có thể kết luận mà chẳng sợ hàm hồ rằng phụ nữ không lăng nhăng cho lắm. Ðó là điều mà chúng ta mong tìm thấy( Harvey và May, 1989).

Không chỉ các loài khỉ, linh trưởng, cá heo là có tinh hoàn lớn khi đương đầu với cạnh tranh tinh dịch. Các giống chim cũng vậy. Và nhìn vào các loài chim mà ta thấy rõ bằng cớ khắng khít về hệ thống phối giống của giống người. Các nhà động vật học đã biết từ lâu là phần lớn những loài có vú là loài đa thê và phần lớn những loài chim là đơn thê. Họ đã cho rằng việc đẻ trứng khiến những con đực có cơ hội rất sớm để chăm lo cho con của chúng hơn là loài có vú. Chim trống hẳn phải bận rộn với việc làm tổ, cùng chia sẻ với chim mái trong việc ấp trứng, và đem thức ăn về cho chim non. Chim trống chỉ không đẻ được mà thôi. Cơ hội góp sức này cho phép những chim trống không chỉ làm một công việc duy nhất là cấy tinh trùng vào chim mái, công việc mà một số điểu loại phải nuôi chim non như loài sẻ, và không chịu nhận việc này trong những loài không nuôi con như loài công chẳng hạn.

Thật vậy, trong một vài loài chim, như ta thấy, con trống làm tất cả mọi chuyện, chỉ nhường cho con mái công việc duy nhất là đẻ trứng – mà trứng lại do nhiều chim đực khác cấy tinh. Trong loài có vú, ngược lại, con đực không thể giúp chi nhiều ngay cả khi chúng muốn đỡ đần một tay. Nó có thể cung cấp thực phẩm cho ‘vợ’ của nó khi vợ nó mang thai và do vậy cũng góp phần vào việc tăng trưởng của phôi thai. Nó có thể mang con đi đây đi đó khi mới đẻ hoặc đem thức ăn tới, nhưng nó không thể đem phôi nhi trong bụng mình hoặc cho con bú khi con mới sanh ra. Con cái nói trắng ra là tự mình phải ôm lấy con nhỏ; ít có cơ hội được giúp đỡ, và con đực thường dành sức lực của mình trong toan tính thành một gã đa thê. Chỉ khi nào cơ hội giao phối rất ít và sự hiện diện của trống là cần thiết cho an toàn cho con nhỏ, như nơi loài vượn, thì ‘gã’ mới trụ lại mà thôi.

Loại lập luận kiểu lý-thuyết-trò-chơi này (xin xem “Game-Theory” sẽ được giới thiệu trong một bài khác) là chuyện thường thấy vào khoảng những năm 1970, nhưng vào giữa những năm 1980 người ta đã có thể thực hiện những thử nghiệm di truyền về máu trên một số loài chim, và những nhà động vật học đã phải kinh ngạc. Họ ngạc nhiên khi thấy là phần lớn chim non trong một ổ không phải là con của con chim-trống-cha. Chim đực cắm sừng lên nhau theo một tỉ lệ lớn. Loài sẻ đất , một loài chim màu xanh da trời nhỏ bé ở Bắc Mỹ, xem ra có vẻ là chim đơn phu rất mực chung tình thì có tới 40 phần trăm những con trong tổ của nó là con hoang ( Payne và Payne, 1989).

Các nhà động vật học đã hoàn toàn xem nhẹ một phần quan trọng của đời sống các loài chim. Họ biết chuyện đó có xảy ra nhưng không đến mức như thế. Trong chuyên môn người ta viết gọn là EPC (extra-pair copulation – giao phối ngoài cặp-bạn-tình). Tôi sẽ gọi chuyện này là ngoại tình, vì đúng là như thế. Phần lớn chim chóc là đơn thê (đơn phu) nhưng chúng không chung tình.

Anders Moller là một nhà động vật học người Ðan Mạch, đã cùng với Tim Birkhead của Ðại Học Sheffield viết chung một cuốn sách tóm lược những điều hiểu biết về việc ngoại tình nơi các loài chim, và đã giúp vén mở một mẫu mực ta cần tìm nơi giống người.

Ðiều trước tiên họ chứng minh là kích cỡ của tinh hoàn của chim thay đổi với hệ thống phối giống của chúng. Nơi các loài chim ‘đa phu’ (khi một vài con đực khiến một con mái của chúng thụ tinh) tinh hoàn lớn nhất. Ta không mấy khó khăn để hiểu tại sao. Con đực nào bắn tinh nhiều nhất là con khiến nhiều trứng nơi con mái có tinh trùng của nó.

Ðiều này không có gì phải ngạc nhiên. Nhưng tinh hoàn nơi một vài loài chim, như con gà gô Châu Mỹ chẳng hạn, là loài mà một con trống có lẽ đã khiến khoảng năm chục con mái thụ tinh trong một vài tuần, lại nhỏ một cách bất thường. Lý do là con mái chỉ giao phối một hoặc hai lần và thường chỉ giao phối với một con đực mà thôi. Ta cần nhớ đến tính chọn lọc của gà gô mái trong khi phối giống. Vì vậy ta thấy là con gà trống làm trùm một bầy không cần phải phí tinh dịch cho từng con mái vì tinh dịch của nó không cần phải cạnh tranh với tinh dịch của những con trống khác. Như vậy không phải là số lần thường giao phối qui định cỡ của tinh hoàn mà chính là số lượng trống mà nó phải cạnh tranh.

Loại đơn thê nằm ở khoảng giữa. Một vài loại có tinh hoàn tương đối nhỏ. Birkhead và Moller ghi nhận rằng những loài có tinh hoàn lớn phần lớn là những loại chim sống thành đàn: hải âu, én, ‘heron’, chim sẻ. Những đàn lớn khiến con mái có nhiều cơ hội ngoại tình với con đực ở tổ kế bên.

Bill Hamilton tin là chuyện ngoại tình có thể giải thích tại sao nơi nhiều loài đơn phu con đực thường màu mè hơn con cái. Lối giải thích cổ điển theo kiểu Darwin là những con đực màu mè nhất hay những con hót hay nhất là những con thu hút mái đến trước nhất, và một tổ (ấm) sớm sủa là một tổ ấm thành công. Ðiều này hẳn phải đúng, nhưng nó không giải thích tại sao tiếng ‘hót’ vẫn tiếp tục nơi nhiều chủng loại rất lâu sau khi chàng đực đã có vợ. Theo Hamilton thì anh đực màu mè không cố lấy thêm vợ nhưng chỉ muốn tuyển thêm người tình.


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post
delta
post Apr 28 2008, 09:44 AM
Post #2


Chốn Xưa
***

Group: Members
Posts: 585
Joined: 7-April 08
Member No.: 7
Country



Sầu Đông:::

Bản Chất Đàn Bà

Phần Hai



(theo Matt Ridley, trong “ The Red Queen-
sex and the evolution of human nature”)
(phần hai)
Emma Bovary* và bầy sẻ mái


Ðối với loài chim chuyện gì đã xảy ra? Những con đực ngoại tình hiển nhiên là cha của nhiều chim con hơn. Nhưng ta vẫn chưa hiểu vì sao những chim mái thường bất trung đến thế. Birkhead và Moller đã bác bỏ một vài gợi ý như chim mái ngoại tình vì phản ứng phụ về mặt di truyền do việc ngoại tình nơi chim đực gây ra, hoặc là vì chị ta muốn chắc chắn một số tinh dịch mà chị tiếp nhận sẽ đậu tinh ( fertile), hoặc vì chị ta siêu lòng trước những gã trống tán tỉnh chị ( như ta cũng thấy trong trường hợp một vài xã hội loài ngườI, hay loài linh trưởng). Không gợi ý nào phù hợp với thực tế. Bảo rằng sự bất trung của những chim mái là do chim mái muốn có những nguồn di truyền khác nhau cũng không ổn. Theo Birkhead và Moller, sẻ mái học đòi bài học chiến lược của Emma Bovary: chị ta cần một anh chồng giúp chị nuôi con, nhưng tới lúc cần thì chị ta nhận ra là những anh chàng ngon lành nhất đã có kẻ chụp rồi. Chiến thuật tốt nhất đối với chị ta là cặp đỡ với một anh chàng tầm thường hoặc với một anh có một khu vực chiếm ngụ khá tốt, và ngoại tình với một chàng hàng xóm có ưu thế về mặt di truyền. Lý thuyết này được hỗ trợ bởi những sự kiện sau: những con mái thường chọn những con đực bề thế, già hơn, hoặc ‘hấp dẫn’ hơn ( ‘sặc sỡ’ hơn) những chim- chồng. Chúng không ngoại tình với những anh chàng độc thân ( ta giả thiết là chúng bị từ chối) nhưng chúng ‘đi lại’ với những anh chồng của những chị mái khác. Ðôi khi chúng tìm cách xúi anh này cà khịa với anh kia và chọn anh nào thắng trong các cuộc dành dật nhau. Chim đực với đuôi giả dài hơn có được bạn tình mười ngày sớm hơn, tám lần nhiều hơn để có lứa con thứ nhì, và hai lần cơ may nhiều hơn nữa trong chuyện quyến rũ vợ người so với những chim sẻ bình thường khác ( theo Wesyneat, Sherman, và Morton, 1990; Birkhead và Moller, 1992).

Nói gọn, lý do khiến việc ngoại tình thường xảy ra nơi những đàn chim lớn là chim đực có thể có nhiều con hơn và chim mái sẽ có con nhiều ‘phẩm chất’ hơn.

Một trong những hậu quả kỳ lạ do những nghiên cứu trong những năm gần đây phát hiện ra là những chim đực ‘hấp dẫn’ hơn thường là những chim cha rất chểnh mảng trong chăm sóc con cái. Nancy Burley là ngườI đầu tiên nhận thấy những con sẻ vằn coi những con khác hấp dẫn nhiều ít tùy theo màu của những vạch trên cẳng chân của chúng (Bruley, 1981), và từ đó Anders Moller cho thấy mẫu mực nơi chim sẻ. Khi một chị mái cặp với chàng trống hấp dẫn, chàng ít mất công sức hơn, trong khi nàng phải cặm cụi, lo toan nhiều hơn trong việc nuôi nấng đàn con. Ta có cảm tưởng là chàng đã ban ơn cho nàng bằng cách tặng nàng những gien chiếm ưu thế và nàng trả ơn bằng cách bỏ nhiều công sức hơn vào cái tổ của nàng. Ðiều này dĩ nhiên khuyến khích nàng kiếm một anh chồng tầm thường nhưng siêng làm và cắm sừng lên đầu anh ta bằng cách ngoại tình với anh hàng xóm trội hơn hẳ n(Moller, 1987). Nguyên tắc dùng cho mọi trường hợp là lấy một chàng tử tế, và đi lẻ với xếp trong hãng của mình, hoặc lấy một anh chồng giàu có nhưng xấu trai, và cặp thêm với một gã điển trai chẳng phải ta không thấy nơi giống người. Emma Bovary trong truyện của Flaubert vừa muốn giữ ông chồng giàu có cùng lúc với người tình đẹp trai của nàng.

Những nhà nghiên cứu về chim ít biết về khoa nhân chủng học. Cùng một thể thức, hai nhà động vật học người Anh đã làm nghiên cứu về người vào cuối những năm 1980. Robin Baker và Mark Bellis của trường Ðại Học Liverpool đã tò mò coi xem lý thuyết cạnh tranh tinh dịch có xảy ra với phụ nữ, và nếu có thì coi xem họ có thể kiểm soát phần nào chuyện này. Kết quả đã dẫn đến một giải thích ngộ nghĩnh và ngạc nhiên về cơn khoái lạc cực điểm nơi phụ nữ ( orgasm).

Baker và Bellis đã thấy rằng số lượng tinh dịch còn lại trong âm hộ sau cơn mây mưa tùy vào lúc nàng đạt đến khoái lạc cực độ. Nó cũng còn tùy vào khoảng cách thời gian đối với cuộc giao tình trước đó của nàng. Khoảng cách thời gian càng dài, tinh dịch trụ lại càng nhiều, trừ trường hợp mà những nhà nghiên cứu gọi là cơn khoái lạc cực độ không do cuộc mây mưa xảy ra ở vào khoảng giữa hai trận tình ( noncopulatory orgasm).

Tới đây, những chuyện này không gây ra những ngạc nhiên lớn lao gì. Nhưng hai nhà nghiên cứu còn làm một chuyện khá can đảm. Họ hỏi những đối tượng nghiên cứu về những cuộc ngoại tình của những đối tượng ấy. Họ thấy là nơi những phụ nữ trung thành khoảng 55 phần trăm các cực điểm khoái lạc thuộc loại giữ lại lượng tinh dịch cao. Nơi những phụ nữ bất trung 70 phần trăm những trận tình với người tình thuộc vào loại này, trong khi với chồng chỉ khoảng 40 phần trăm mà thôi. Hơn thế nữa họ còn tìm thấy là những cuộc ăn nằm của những phụ nữ ngoại tình với người tình , thận trọng hay không, thường xảy ra vào những thời điểm dễ thụ thai nhất. Hai kết quả này gộp lại có nghiã là người nữ bất trung trong mẫu nghiên cứu có thể có số lần ‘ngủ’ với chồng gấp hai lần với người tình nhưng xác suất để họ mang thai đứa con của người tình vẫn cao hơn là mang thai đứa con của đức ông chồng. Và Baker cùng Bellis đã diễn giải kết quả của họ như là chứng cứ của thứ chạy đua võ trang trong thuyết tiến hoá giữa nam và nữ. Phái nam tăng cơ may làm cha theo cách tinh dịch của họ không chỉ nỗ lực khiến trứng của người nữ thụ tinh mà còn tìm cách tấn công những tinh dịch của kẻ khác hay tìm cách chặn lối vào của những tinh dịch ấy.

Nhưng trong quá trình tiến hoá người nữ cũng đã thủ đắc một số những kỹ thuật ngừa thụ thai trừ khi họ muốn có thai. Dĩ nhiên là trước kia phụ nữ không biết chuyện này và vì vậy không tìm cách để hoạch định nó, nhưng điều ngạc nhiên là nếu nghiên cứu của Baker và Bellis cho thấy là đúng, thì họ cũng đã làm như thế rồi, dù có lẽ làm một cách không tự giác. Nói cho cùng thì tại sao phụ nữ đã làm tình? Bởi vì họ chủ ý muốn chuyện này. Nhưng tại sao họ chủ tâm như thế? Vì làm tình dẫn tới sinh đẻ, và là con cháu của những người đã sinh đẻ họ đã được chọn lọc trong số những người muốn những chuyện đưa đến việc sinh đẻ thêm. Mẫu mực ngoại tình và khoái lạc cực độ nơi người phụ nữ điển hình đúng hệt điều ta mong tìm ra nếu người phụ nữ không cố ý muốn có thai với người tình, và vẫn không từ bỏ ông chồng.


NỖI LO HOẢNG BỊ CẮM SỪNG

Tuy nhiên anh chồng bị cắm sừng không chịu đứng yên và chấp nhận số phận ‘tiến hoá’ ngay cả khi những gien của anh phải chịu tàn lụi. Birkhead và Moller cho rằng ta có thể giải thích hành vi của chim đực qua giả thuyết cho rằng chim đực thường trực bị hoảng loạn vì sự bất trung của những chị vợ. Chiến lược thứ nhất mà chúng sử dụng là canh chừng gắt gao chị vợ khi chị ta thụ tinh ( khoảng một ngày trước khi đẻ trứng). Nhiều giống chim đực đã làm như thế. Nó bay theo con mái đến bất cứ chỗ nào mà con mái bay tới. Trong trường con mái làm tổ nó cũng bay theo nhưng chẳng hề tiếp tay cho con mái: nó chỉ canh chừng con mái. Khi con mái đẻ xong một đợt trứng, lúc đó chàng trống mới buông xả và bắt đầu tìm những cơ hội ngoại tình cho chính chàng.

Nếu con trống không thấy con mái đâu, nó cất tiếng kêu sớn xác khiến cả bầy sẻ bay lên không, và rõ ràng là làm ngưng trệ cuộc ngoại tình đang xảy ra. Nếu cặp chim mới gặp nhau trở lại sau một cuộc chia phôi hay nếu một chim trống lạ bị đuổi ra khỏi địa phận, chàng chim-chồng thường sẽ ‘cặp’ ngay chim-vợ như thể tinh dịch của chàng phải có mặt ngay để tranh dành ảnh hưởng với tinh dịch của kẻ xâm nhập địa phận của chàng.

Thường thì chiến lược này rất hiệu quả. Những giống chim mà chim-chồng kè kè bên chim-vợ có tỉ lệ ngoại tình rất thấp. Nhưng một vài giống chim không sao kèm sát chị vợ được. Chẳng hạn nơi những con diệc (heron) và chim săn mồi vợ chồng thường xa nhau trong ngày; một con giữ tổ, con kia kiếm mồi. Những giống này có đặc điểm là rất thường ‘nhảy’ lên nhau. Những con Goshawks có thể ‘ nhảy’ vài trăm lần cho mỗi lứa trứng. Việc này không ngăn chặn được nạn ngoại tình nhưng ít nhất nó cũng làm loãng đi ( Birkhead và Moller, 1992).

Như những con diệc và chim sẻ, con người cũng sống với nhau thành cặp đơn-phu-thê trong những quần cư lớn. Cha giúp nuôi con trẻ nếu như chỉ đem về nhà thực phẩm và tiền bạc. Và đặc điểm cần ghi nhận về việc phân công lao động giữa các phái tính đã là đặc điểm của những xã hội săn bắn-hái lượm thời sơ khai ( nói rộng ra là đàn ông đi săn, đàn bà hái lượm), họ thường khi phải xa nhau. Và như thế thì đàn bà có nhiều cơ hội ngoại tình, và đàn ông phải lo canh chừng vợ mình; nếu không phải canh chừng vợ, họ thường ‘ngủ’ với vợ.

Ðể chứng minh nạn ngoại tình là một vấn đề kinh niên của xã hội loài người, hơn là do những xáo trộn của đời sống trong những khối phố ( blocks) quả thật rất khó khăn: hiển nhiên là vì chưa có ai làm nghiên cứu về chuyện này, và kế đến là ai cũng giữ kín chuyện riêng của mình khiến khó lòng làm nghiên cứu thích đáng. Nghiên cứu những giống chim dễ dàng hơn.

Tuy thế đã có những toan tính làm chuyện này. Khoảng 570 ngườI Aché ở Paraguay đã sống bằng săn bắn-hái lượm cho tớI 1971, sống thành 12 nhóm. Họ dần dần tiếp xúc với thế giới bên ngoài và được đưa vào những khu dành riêng cho họ do các giáo sĩ truyền giáo quản lý. Ngày nay họ không còn tùy thuộc vào thịt săn hay trái cây hái được; họ đã trồng phần lớn thực phẩm trong những khu vườn, nhưng họ vẫn tùy thuộc vào kỹ năng săn bắn của đàn ông. Kim Hill của Ðại Học New Mexico đã phát hiện một mẫu mực thật ngỡ ngàng. Ðàn ông Aché thường tặng thịt còn dư cho những phụ nữ mà họ muốn ngủ. Họ không làm như vậy để nuôi những đứa trẻ mà có lẽ họ đã là cha nhưng như là cách trực tiếp trả cho một cuộc dan díu. Hill đã thực hiện nghiên cứu này không dễ dàng. Ông ta đã phải loại những câu hỏi về ngoại tình trong bảng những câu hỏi (questionnaire), vì người Aché dưới ảnh hưởng của các giáo sĩ, trở nên khó khăn trong chuyện bàn về đề tài này. Các tù trưởng và những ông trùm rất miễn cưỡng nói về những chuyện ấy, và ta thật không mấy ngạc nhiên thấy họ là những kẻ ngoại tình nhiều nhất. Vai vế càng cao càng ngoại tình nhiều. Tuy nhiên không như loài chim, không chỉ vợ của những gã đàn ông thuộc tầng lớp thấp can dự vào chuyện ngoại tình. Tuy là những anh đàn ông ngoại tình luôn tặng quà hoặc thịt cho những người tình, nhưng Hill nghĩ rằng động lực mạnh nhất là do phụ nữ Aché luôn sợ bị chồng bỏ. Họ tìm giải pháp thay thế và thường bất trung khi hôn nhân xấu đi. Dĩ nhiên đây là con dao hai lưỡi: hôn nhân tan vỡ khi ngoại tình bị khám phá ( theo Hill và Kaplan, 1988; Hill, trong những phỏng vấn).

Bất kể động lực thế nào, Hill và một số người tin là chuyện ngoại tình đã ít được xem có một ảnh hưởng lớn trong tiến hoá của hệ thống giao phối nơi giống người. Trong những xã hội săn bắn-hái lượm anh đàn ông cơ hội có lẽ dễ thoả mãn qua ngả ngoại tình hơn là lấy nhiều vợ. Trừ một, hai trường hợp ngoại lệ phần còn lại trong những xã hội ấy ta thấy rất hiếm khi một đàn ông có hơn một vợ, và lại càng hiếm với một đàn ông có hơn hai bà. Hai biệt lệ tìm thấy thì một ở vùng Thổ Dân Da Ðỏ phiá Tây Bắc Mỹ về phiá Thái Bình Dương; dân chúng ở đây sống dựa vào nguồn cá hồi và có sinh hoạt gần với dân nông trại hơn là vớI kiểu cách săn bắn-hái lượm xét theo cách họ tồn trữ thực phẩm thặng dư. Trường hợp khác là một vài bộ tộc thổ dân ở Úc; họ thực hành một kiểu đa thê đặc biệt: đàn ông không lấy vợ nếu chưa tới bốn chục, và vào khoảng sáu mươi lăm tuổi, thường thường họ tích lũy đến khoảng ba chục bà. Nhưng hệ thống hết sức đặc biệt này khác xa với những gì mà ta thấy bề ngoài. Mỗi ông lớn tuổi có rất nhiều phụ tá trẻ hơn giúp đỡ, bảo vệ, hỗ trợ kinh tế cho ông ta, trong số nhiều điều khác nữa; bù lại ông ta nhắm mắt làm ngơ cho những kẻ trẻ hơn ấy tằng tịu với những bà vợ của ông. Ông ta cũng ngoảnh mặt qua chỗ khác khi thằng cháu đỡ đần một tay cho ông qua lại với một trong những cô vợ trẻ của ông ( K. Hill, theo phỏng vấn).

Ða thê hiếm xảy ra trong những xã hội săn bắn-hái lượm, nhưng nạn ngoại tình là phổ biến. Bằng cách diễn dịch với những giống chim sống thành đàn, ta có thể hy vọng thấy giống người cũng hành xử như vậy: hoặc họ canh chừng bạn tình, hoặc nếu không thì thường xuyên ‘cặp’ với bạn tình. Richard Wrangham đã quả quyết rằng giống người canh chừng bạn tình ngay khi họ không hiện diện gần bên. Họ có những cặp mắt khác thay họ dòm chừng vợ của họ. Nếu người chồng bận đi săn suốt ngày trong rừng, họ có thể hỏi mẹ của họ hoặc người láng giềng về những việc vợ họ làm trong ngày. Trong những bộ lạc người lùn (pygmies) ở Châu Phi mà Wrangham nghiên cứu, những chuyện ngồi lê đôi mách rất thịnh hành và cơ may tốt nhất đối với ông chồng trong việc ngăn cản chuyện lăng nhăng của vợ là bảo cho chị vợ biết ông ta biết trước những chuyện ấy. Wrangham cũng nhận xét là điều này không sao thực hiện được nếu không có ngôn ngữ, vì thế ông ta đã khẳng quyết là sự phân công lao động giữa các phái, định chế hôn nhân nhằm nuôi con trẻ, và sự phát minh ra tiếng nói là ba đặc tính căn bản của giống người khiến họ khác hẳn những linh trưởng khác. Ðặc tính này tùy thuộc vào đặc tính kia.

(hết phần hai)

* Emma Bovary: nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Madame Bovary của Gustave Flaubert. Chán đời sống trong nông trại dơ bẩn của cha nàng, nàng nhận lời lấy Charles Bovary, một bác sĩ vùng quê. Nhưng rồi Emma cũng lại thấy đời sống hôn nhân nhàm chán bên cạnh ông chồng già. Nàng cặp bồ với Leon Dupuis một luật sư trẻ, bảnh trai. Nàng từ chối ngủ với Leon, và đã ân hận về chuyện này. Sau đó nàng lại cặp với Rodolphe Boulanger, một chủ đất giàu có. Gã chỉ muốn qua đường với nàng. Một thời gian sau, gã bỏ nàng. Nàng quay lại với Leon. Hai người đã sống những giây phút cuồng đắm.

Nàng dùng tiền của chồng để bao người tình, nhưng cuối cùng nàng đã tự tử vì sợ chồng tìm ra thất thoát tiền bạc do những chi tiêu thái quá của nàng.


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post
delta
post Apr 28 2008, 09:46 AM
Post #3


Chốn Xưa
***

Group: Members
Posts: 585
Joined: 7-April 08
Member No.: 7
Country



Sầu Đông:::
Bản Chất Đàn Bà

Phần Ba

(theo Matt Ridley, trong The Red Queen- sex and the evolution of human nature)
(phần ba)


Tại sao không dùng được phương pháp dựa trên chu kỳ hành kinh?


Ðiều gì đã xảy ra trước khi ngôn ngữ khiến con người có thể dùng vào việc canh chừng bạn tình? Tới đây ta có thể thấy là cấu tạo thể chất cho ta một đầu mối hấp dẫn. Có lẽ sự khác biệt đáng ngạc nhiên hơn cả giữa hình thái của một phụ nữ và của một khỉ đột cái là không một ai, kể cả chính người phụ nữ, có thể xác định chính xác vào lúc nào trong chu kỳ kinh nguyệt là lúc họ có thể đậu thai (fertile). Dù các y sĩ, những câu chuyện của những bà lão, và ngay cả Giáo Hội Công Giáo La Mã có nói chi chăng nữa, ta không thể trông thấy trứng rụng nơi phụ nữ cũng như không thể tiên đoán được lúc trứng rụng. Nơi khỉ đột bộ phận phiá dưới mửng đỏ; mùi của bò cái khiến bò đực không cưỡng lại được; cọp cái tìm cọp đực; chuột cái rúc rích bên chuột đực, và trong loài có vú , ngày trứng rụng đã được ồn ào báo trước. Ở người, ta không thấy như vậy: khó lòng khám phá ra được chỉ tí chút thay đổi trong thân nhiệt người nữ trước khi có thể dùng đến nhiệt kế. Ở phụ nữ hình như những gien đã ảnh hưởng đến những khoảng cách rất bất thường giữa các kỳ kinh để dấu đi lúc trứng rụng, trong lúc hứng thú tính dục lại hiện diện thường trực.

Tuy rằng phụ nữ có nhiều phần là nguồn hứng khởi của tính dục, sờ mó- xoa nắn, ‘qua lại’ với người tình, hay có chồng cận kề vào ngày trứng rụng hơn là vào những ngày khác thì sự thật cả hai phái đều thấy thích việc tính dục vào bất kỳ lúc nào trong chu kỳ kinh nguyệt. Cả đàn ông lẫn đàn bà đều có thể làm tình khi nào họ thấy thích chuyện này. So với nhiều loại động vật, ta là loài dính mắc vào chuyện tính giao một cách đáng kinh ngạc. Desmond Morris cho giống người là “ linh trưởng sống động bậc nhất trong tính dục” (ông ta viết điều này trước khi có nghiên cứu về loài khỉ- bonobo). Những loài thú thường ‘cặp’ nhau như sư tử, khỉ- bonobo, diều hâu (goshawks), chim gõ kiến (acorn woodpeckers), cò trắng (white ibises) làm chuyện phối giống vì lý do cạnh tranh tinh dịch. Những con đực của ba loài trước sống thành bầy cùng chia nhau những con cái, và vì vậy chúng phải cặp thường xuyên với những con cái khi nào chúng có thể làm chuyện này được, nếu không tinh dịch của con đực khác có thể tìm đến trứng của con cái trước hết. Diều hâu và cò làm vậy để làm tràn ngập bất cứ tinh dịch của con đực nào khác mà con cái có thể cho vào trước khi rời tổ. Loài người rõ ràng không phải là loài lang chạ bừa bãi ; ngay đối với kiểu công-xã-yêu-thả-dàn ( free-love commune) được tổ chức cẩn thận nó cũng phải tan ra trước áp lực của ghen tuông và sở hữu . Trường hợp của cò trắng là trường hợp tương hợp nhất với đối giống người : một loài thú đơn phu (đơn thê) sống từng đàn luôn bị đe dọa bởi nạn ngoại tình khiến chúng có thói quen phối giống thường xuyên. Thông thường con cò trống nhảy mái sáu lần trong ít ngày trước mỗi mùa con mái đẻ trứng. Ðàn ông cũng phải hai lần mỗi tuần trong nhiều năm ( Birkhead và Moller,1992).

Nhưng việc rụng trứng kín đáo nơi phụ nữ không vì đàn ông mà tiến hoá thuận lợi cho họ. Vào cuối những năm 1970 đã có cả một cuộc lập thuyết nhộn nhịp về nguyên ủy của tiến hoá trong việc rụng trứng kín đáo ấy. Nhiều ý tưởng chỉ áp dụng cho giống người. Nancy Burley gợi ý là phụ nữ cổ xưa mà sự rụng trứng hiển lộ ra ngoài đã biết cách sống biệt lập khi thụ thai vì mang thai nơi con người là việc duy nhất nguy hiểm và đau đớn, nhưng những phụ nữ như vậy không để lại hậu duệ của họ, và những trường hợp biệt lệ hiếm hoi những người không rõ kỳ trứng rụng của mình đã là nguồn gốc nơi giống người. Tuy thế việc trứng rụng kín đáo là một thói quen ta cùng chia với một vài loài khỉ và ít nhất là với một linh trưởng (đười ươi). Nó cũng là thói quen ta chia với nhiều loài chim. Chỉ có học thuyết hẹp hòi và phi lý cho rằng giống người là trung tâm của vũ trụ cho phép ta nghĩ rằng sự rụng trứng kín đáo của giống loài chúng ta là đặc biệt của riêng chúng ta.

Tuy nhiên những toan tính giải thích mà đã có lần Robert Smith gọi là “ sự bí hiểm của việc truyền sinh” đáng cho ta duyệt qua vì nó rọi sáng vào lý thuyết cạnh tranh tinh dịch. Những giải thích này phân thành hai loại: loại nêu ra rằng việc rụng trứng kín đáo là một cách bảo đảm những người cha không thể trốn chạy con mình, và loại giải thích hoàn toàn ngược lại. Cách lập luận thứ nhất như sau: vì đàn ông không biết rõ khi nào trứng của vợ mình rụng, ông chồng phải thường xuyên quanh quẩn bên chị vợ và thườ ng ‘ngủ’ với vợ để chắc đứa con là con mình. Nhờ vậy anh ta không làm chuyện ác và bảo đảm là anh ta vẫn còn quanh đó để giúp vợ nuôi con ( Alexander và Noonan,1979).

Lối giải thích sau: nếu phụ nữ muốn phân biệt việc chọn lựa kẻ giao tình thì quảng bá việc trứng rụng của họ rất ít ý nghiã. Việc trứng rụng hiển lộ ra ngoài sẽ có tác động lôi cuốn vài gã đực. Những gã này hoặc phải đánh nhau để dành quyền khiến nàng thụ thai, hoặc cùng nhau chung một nàng. Nếu một nàng muốn sống bừa bãi để chia vai trò làm cha cho nhiều chàng, như ta thấy nơi khỉ đột, hoặc nàng muốn dàn dựng một cuộc tranh chấp mà chàng nào khoẻ nhất sẽ chiếm được nàng, như trâu hoặc ‘voi biển’ (elephant seals-một loài hải cẩu khổng lồ ) vẫn làm thì bàn về chuyện rụng trứng rất có ý nghiã. Còn như nàng chọn một chàng giao tình vì bất cứ lý do nào thì việc rụng trứng nơi nàng, nàng cần giữ kín ( Cherfas và Gribbin,1984).

Ý tưởng này có vài biến thể. Sarah Hrdy đề nghị là trứng rụng âm thầm giúp ngăn ngừa nạn sát hại ấu nhi vì cả ông chồng lẫn anh tình nhân không ai biết ai đã bị cắm sừng. Donald Symons nghĩ rằng phụ nữ sử dụng sự khả hữu tính dục liên tục nhằm lôi cuốn những gã ưa tán tỉnh để đổi lấy quà tặng. L. Benshoof và Randy Thornhill nêu rằng trứng rụng kín đáo cho phép người nữ vụng trộm đi lại với gã đàn ông trội hơn chồng mình mà không cần phải bỏ chồng, hay khiến cho chồng biết được. Nếu điều có thể xảy ra là việc rụng trứng ít âm thầm hơn nơi nàng, khi ấy nó sẽ giúp nàng lợi thêm trong mỗi cuộc tình ngoài hôn nhân của nàng vì nàng ‘biết’ rõ hơn lúc nào nàng có thể trao tình cho người tình của nàng mà chồng nàng vẫn không hề biết khi nào nàng thụ thai. Nói cách khác việc trứng rụng âm thầm là một vũ khí trong trò chơi ngoại tình ( Drdy,1979; Symons, 1979; Benshoof và Thornhill, 1979; Diamond 1991b; Fisher, 1992; Sillen-Tullberg và Moller, 1993).

Việc này dựng nên khả năng một cuộc chạy đua võ trang giữa các bà vợ và những cô nhân tình. Những gien ảnh hưởng đến việc rụng trứng âm thầm khiến cả chuyện ngoại tình lẫn trung thành dễ dàng hơn.

Những Cuộc Ẩu Ðả Giữa Những Chim Sẻ

Chính những cuộc tranh dành giữa phụ nữ đã là nguồn cung ứng dấu mốc cuối cùng cho lý do ngoại tình, hơn là do chế độ đa thê, có lẽ đã là cách thông thường nhất khiến đàn ông có nhiều bạn tình. Loài chim-đen-cánh-đỏ (red-winged black-birds) , loài làm tổ nơi những đầm lầy ở Canada, là loài đa thê; những con trống có những địa vực tốt nhất mỗi con hấp dẫn vài con mái đến làm tổ ở đó. Nhưng những con có nhiều mái nhất trong địa vựa của chúng cũng là những con lăng nhăng nhiều nhất, và là chim-cha của phần lớn chim con trong những địa vực kế cận. Chuyện này gây ra câu hỏi tại sao những chim mái – bồ bịch không đơn thuần là những chị vợ thêm vào số vợ chính thức làm tổ trong địa vực.

Có một loài cú nhỏ có tên là cú-Tengmalm trong những rừng ở Phần Lan. Trong những năm nhiều chuột, một vài cú đực có hai cú-vợ, mỗi cú-vợ làm tổ trong một khu vực, trong lúc nhiều cú đực khác không có nổi một chị vợ nào. Những con mái lấy những con trống nhiều vợ rõ ràng là nuôi ít con hơn những con mái chỉ có một chồng. Tại sao chúng lại chịu như thế? Sao chúng không bỏ đi lấy những chàng độc thân kế cận? Một nhà sinh vật học người Phần Lan tin rằng những con chim đa thê đã đánh lừa những nạn nhân của chúng. Những con mái xem những con đực thích hợp với chúng tùy vào số chuột mà những con đực có thể bắt được để nuôi chúng trong thời kỳ tán tỉnh nhau. Năm nào có nhiều chuột chim đực bắt được nhiều chuột đến mức nó liên tiếp gây cho hai con mái ấn tượng nó là một anh đực ngon lành; nó có thể cung cấp cho mỗi chị mái nhiều chuột hơn là nó có thể bắt được trong năm bình thường ( Korpimaki,1991)

Những cánh rừng ở Na Uy hình như đầy những gã lang chạ dối trá như thế. Chỉ vì một thói quen tương tự do một giống chim ta nhìn lầm là rất đỗi ngây thơ ấy đã dẫn đến một cuộc tranh cãi rất dài trong văn chương khoa học vào những năm 1980. Vài con trống của một loại chim (pied flycatchers) trong những rừng vùng bán đảo Scandinavia là loài đa thê bằng cách chiếm ngụ hai khu vực, mỗi khu vực có một con mái, giống như những chim cú, hoặc như Sherman McCoy trong truyện Bonfire of the Vanities của Tom Wolfe là người có một bà vợ rất mực đắt giá ở Park Avenue và một người tình thật đẹp trong một ‘ấp’ mướn ở bên kia thành phố. Hai nhóm nghiên cứu về chim đã đi đến hai kết luận khác nhau. Các nhà khoa học Phần Lan và Thụy Ðiển cho rằng con mái-tình nhân bị lừa vì tin là con đực chưa có mái-vợ. Những nhà khoa học Na Uy bảo rằng chị vợ đôi khi đến viếng tổ của chim mái- tình nhân và tìm cách tống cổ tình địch đi thì chắc hẳn chị mái- tình nhân kia chẳng hề nuôi ảo tưởng. Chị ta chấp nhận sự kiện anh đực của chị có thể bỏ chị mà về với vợ nhưng hy vọng khi có tình huống xấu xảy ra nơi tổ của chị vợ chính, chàng ta sẽ quay lại giúp chị nuôi con. Chàng chỉ bỏ đi hoàn toàn khi hai khu vực quá xa nhau, và chị vợ không thể thường ghé ‘nhà’ tình nhân để quậy tung lên. Nói cách khác, theo những nhà nghiên cứu Na Uy, đàn ông lừa dối vợ chứ không lừa dối người tình (Atalo, Lundberg và Stahlbrandt, 1982; Veiga, 1992; Slagsvold, Amundsen, Dale, và Lampe, 1992.)

Do đó thật không rõ ràng là vợ hay người tình là nạn nhân của chuyện gian trá nhưng có một điều chắc chắn: chim trống pied flycatcher đã đạt chiến tích nhỏ, làm cha của hai lứa con trong một mùa. Chim-vợ và chim-tình nhân của nó có lẽ sẽ sống khoẻ hơn nếu mỗi con chỉ độc chiếm một chim-chồng hơn là cùng nhau chia một gã.

Ðể trắc nghiệm gợi ý cho rằng cắm sừng lên đầu một ông chồng trung thành hơn là bỏ ông ta để thành vợ bé của một lão nhiều vợ, José Veiga đã nghiên cứu những đàn chim sẻ nuôi trong nhà ở Madrid. Chỉ khoảng 10 phần trăm chim đực trong đám là đa thê. Bằng cách loại ra khỏi đàn một vài con đực và con mái một cách chọn lọc ông ta đã trắc nghiệm những lý thuyết khác nhau về việc tại sao số chim đực đơn thê trong bầy lại đông hơn những chim đa thê. Việc trước tiên là ông ta bác khước ý niệm cho rằng những con trống cần cho việc nuôi con. Những con mái trong những hôn nhân đa thê cũng nuôi nhiều con như những con trong những cặp đơn thê, dẫu rằng chúng phải làm việc vất vả hơn. Thứ đến, bằng cách loại ra một vài con trống và quan sát xem những con mái goá chồng chọn con nào để tái giá, ông ta bác khước ý tưởng cho là những con mái ưng tìm tới những trống chưa vợ hơn; nhưng những mái goá lại ưng chọn cặp với những trống đã có vợ và từ khước những chàng độc thân. Thứ ba ông ta bác khước ý tưởng cho rằng những con trống không thể tìm được những con mái thặng dư; 28 phần trăm những con đực cặp lại với những chị mái không nuôi con vào năm trước. Rồi ông ta đặt những chiếc hộp làm tổ gần nhau để con trống có thể trông chừng hai mái cùng một lúc; ông ta nhận thấy là số chim đa thê không hề tăng thêm. Ông đi đến giải thích việc ít đơn thê nơi loài chim sẻ: những chị vợ lớn không chấp nhận chuyện chồng có thêm vợ bé. Cũng như việc chim trống canh chừng những chị vợ của mình, chim-vợ lớn tìm mọi cách xua đuổi và tấn công những chim mái mà anh chồng tính lấy thêm làm vợ. Những chim mái trong chuồng bị những chim có chồng thường xuyên tấn công. Chúng làm như vậy vì ngay cả khi chúng có thể nuôi con một mình, nuôi con với sự phụ giúp của chim chồng dễ dàng hơn nhiều ( Veiga, 1992).

Luận điểm của tôi ( Matt Ridley) là đàn ông cũng thể như loại cò, hay chim én, hoặc chim sẻ dưới một vài khiá cạnh chủ yếu. Họ sống trong tập đoàn lớn. Những con trống dành nhau các khu vực sinh sống. Phần lớn trống là đơn thê. Nạn đa thê bị ngăn ngừa do những bà vợ không chịu cảnh chồng chung, hoặc ít ra ông chồng cũng phải đóng góp vào việc nuôi con. Ngay cả khi họ có thể nuôi một mình, tấm chi phiếu của chồng là vô giá. Nhưng việc luật pháp cấm đa thê không ngăn chặn được chuyện đàn ông kiếm thêm phụ nữ ngoài hôn nhân. Nạn ngoại tình là chuyện thường thấy. Ta thường thấy nhất giữa bọn đàn ông thuộc tầng lớp trên với lũ đàn bà thuộc đủ mọi giai tầng. Ðể ngừa chuyện này, đàn ông thường canh chừng vợ, và cực kỳ hung bạo đối với tình nhân của vợ mình, và thường xuyên ‘ngủ’ với vợ, không chỉ trong giai đoạn chị vợ có thể thụ thai. Ðó chính là đời sống của loài chim sẻ nhìn dưới nhãn quan của những người coi con người là trung tâm của vũ trụ.

Ðời sống của con người nhìn dưới nhãn quan chim sẻ là trung tâm diễn ra như sau: những con chim sống và nuôi con trong những quần thể gọi là bộ tộc hoặc đô thị. Những gà trống tranh dành nguồn thực phẩm và t2im cách chiếm chiếm vị thế ‘cao’ trong quần thể, mà ta gọi như “ kinh doanh” và “ chính trị ”. Trống rất tích cực ghẹ ( tán tỉnh) mái, đặc biệt là những trống ‘lão’, đổi vợ để lấy những mái trẻ hơn, hay cắm sừng lên đầu những trống trẻ hơn bằng cách kín đáo ngủ với vợ người.

Ðiểm chính không nằm trong những chi tiết của đời sống chim sẻ. Có những dị biệt rõ rệt, gồm cả sự kiện là nơi giống người có khuynh hướng phân bố ưu thế thống trị, quyền lực, và tài nguyên trong một quần cư. Nhưng họ chia cùng một đặc tính với tất cả các loài chim sống thành đàn trên một lãnh điạ: đơn thê, hay ít nhất cũng là sống có đôi với nhau, cộng thêm nạn ngoại tình tràn lan hơn là đa thê. Kẻ man rợ quí phái ấy còn lâu mới được sống yên lòng trong bình lặng tính dục , đã hoảng kinh về việc họ trở thành, hoặc việc họ có ý định biến anh hàng xóm thành một gã bị cắm sừng. Ta ít ngạc nhiên là tính giao nơi giống người trước tiên và trên hết trong mọi xã hội là công chuyện riêng tư mà người ta tìm cách giữ kín. Ở giống bonobo ta thấy khác, nhưng ở những loài chim đơn thê sự việc xảy ra thật đúng như thế. Lý do số lượng những chim con hoang cao đến mức sửng sốt khiến rất ít những nhà tự nhiên học có thể chứng kiến được chuyện ngoại tình giữa hai con chim. Chúng làm chuyện ấy trong chỗ riêng tư ( Moller và Birhead, 1989).

Con Quỉ Mắt Xanh

Nỗi kinh hoảng bị cắm sừng đã ăn sâu vào tâm tưởng con người. Việc dùng khăn che mặt, các bà vú đi kèm, khăn trùm đầu (purdah), nạn thiến thiếu nữ, giây-lưng-an-toàn-trinh-tiết ( chastety belts) đều là những chứng cứ rộng rãi về nỗi lo sợ bị cắm sừng của đàn ông, và mối lo rằng vợ, hoặc những người- có- thể- trở- thành- vợ là những kẻ có thể trở thành bất trung. Margo Wilson và Martin Daly của trường McMaster University ở Canada đã nghiên cứu hiện tượng ghen tuông nơi giống người và đưa đến kết luận phù hợp với lối giải thích của trường phái tiến hoá. Ghen tuông là chuyện phổ biến nơi giống người; không một xã hội loài người nào thiếu chuyện này. Dẫu với biết bao nhiêu nỗ lực của những nhà nhân chủng học để truy tìm một xã hội không có ghen tuông và như vậy chứng tỏ rằng ghen tuông chỉ là một xúc động tình cảm do áp lực độc hại của xã hội đem lại hay chỉ là một dạng bệnh lý; ghen tuông về mặt tính dục hình như là điều không thể tránh khỏi nơi con người. Wilson và Daly tin là một nghiên cứu về xã hội loài người cho thấy một tiền niệm mà những biểu hiện khác nhau về chi tiết nhưng “ một điệu giống nhau trong suy nghĩ .” Ðó là “đối với những hôn nhân được công nhận về mặt xã hội, chuyện ngoại tình được quan niệm như là một vi phạm vào tài sản, vào giá trị của sự trinh trắng nơi phụ nữ, của việc đánh đồng ‘ bảo vệ’ phụ nữ với việc bảo vệ các tiếp xúc tính dục, và đặc biệt sự bất trung là nguồn lực rất mạnh gây ra hung bạo.” Nói gọn là ở mọi nơi, mọi lúc, đàn ông hành xử như thể họ là chủ sở hữu của những ‘âm hộ’ của vợ họ ( Wilson và Daly, 1992).

Wilson và Daly nghiệm rằng tình yêu là một xúc cảm đáng trọng, trong khi ghen tuông là điều đáng khinh, nhưng chúng là hai mặt của một đồng tiền, như bất cứ ai đã từng trải qua trường tình đều đã thấy. Chúng đều là thành phần của tuyên bố sở hữu tính dục. Như nhiều cặp vợ chồng đều rõ, thiếu vắng ghen tuông, thay vì là yên lòng về tình yêu, nó chính là nguyên nhân của bất an. Nếu chàng hoặc nàng không hề ghen tuông khi ta để ý đến một người đàn ông hay một phụ nữ khác, thì khi ấy chàng hoặc nàng không thèm biết đến mối quan hệ đôi bên nữa. Những nhà tâm lý đã rõ là những cặp vợ chồng thiếu đôi lúc ghen nhau là những cặp dễ xa nhau hơn các cặp khác.

Othello cho thấy một nhận biết khác về trường hợp cực đoan: chỉ một chút nghi ngờ sự bất trung của vợ cũng đủ đẩy người đàn ông vào cơn điên cuồng khiến ông ta có thể giết vợ. Othello là nhân vật tiểu thuyết, nhưng rất nhiều nàng Desmondona thời mới đã phải trả giá cuộc sống bằng sự ghen tuông của chồng. Và như Wilson cùng Daly đã từng nói: “ Nguyên nhân chính trong phần lớn những vụ giết người phối ngẫu là vì người chồng biết được hoặc nghi ngờ vợ mình không chung thủy hoặc có ý bỏ mình”. Ðàn ông giết vợ vì ghen tuông khó lòng lấy lý do điên cuồng bào chữa cho họ vì truyền thống pháp lý trong hệ thống Anh-Mỹ xem hành vi ấy là “ hành vi của người có lý trí ” ( Wilson và Daly, 1992 ).

Cách giải thích về ghen tuông này xem ra rất tầm thường. Nói cho cùng nó chỉ đặt một quan điểm tiến hoá vào những gì mà mọi người đều biết trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng trong giới những nhà xã hội học và tâm lý học đó là điều vô nghiã có tính cách dị giáo. Những nhà tâm lý học có khuynh hướng coi chuyện ghen tuông là một dạng bệnh lý không nên khuyến khích và đáng xấu hổ, như là điều chi đó áp đặt bởi “xã hội” kẻ ác làm hỏng bản chất con người. Theo họ, tính ghen tuông cho thấy người ta đã hạ thấp lòng tự trọng, và để cho xúc cảm cuốn đi. Quả thật là vậy, và đúng hệt điều mà lý thuyết tiến hoá dự đoán. Ðàn ông bị vợ xem thường đúng là mẫu người có nguy cơ bị cắm sừng, vì chị ta có thôi thúc tìm kiếm một người cha khá hơn cho những đứa con của chị ta. Ðiều này cho đến nay có thể đã dẫn tới một sự kiện lầm lẫn đặc biệt rằng những người chồng của những nạn nhân bị hiếp dâm thường bị chấn thương tinh thần, và thường nhờm tởm những người vợ bị hiếp nếu người ấy đã không bị tổn thương thân thể trong vụ cưỡng bức. Tổn thương thân thể là dấu chứng người nữ đã kháng cự lại. Những người chồng hình như đã được ‘ lập trình’ (programmed) qua tiến hoá để luôn hoảng loạn nghi ngờ là vợ họ chẳng hề bị hiếp, hay tệ hơn là còn “ yêu cầu chuyện ấy” ( Thornhill và Thornhill, 1983, 1989; Posner, 1992)

Bị cắm sừng là một số phận không quân bình. Một phụ nữ chẳng mất đi tí gien nào nếu chồng của chị ta không chung thủy, nhưng một anh đàn ông có cả một nguy cơ không tự giác nuôi một đứa con hoang . Như để làm yên lòng những người cha, nghiên cứu cho thấy người ta thường nói một cách hết sức lạ lùng là “ cháu ( trai / gái) trông giống bố quá nhỉ, hơn là nói “ trông cháu giống mẹ cháu”; và thường thì thân nhân của người mẹ hay nói như thế hơn cả. Nói như vậy không có nghiã là người đàn bà không cần phải để ý đến chuyện anh chồng bất trung, vì anh chồng bất trung có thể sẽ bỏ bà ta, hoặc sẽ tiêu phí tiền bạc và thời gian cho người tình, hoặc có khi còn mang bệnh ‘quỉ ’ vào người. Nhưng điều này hàm nghiã rằng đàn ông quan tâm hơn đến chuyện vợ ngoại tình. Lịch sử và luật pháp từ lâu đã phản ánh chuyện này. Trong phần lớn những xã hội, vợ ngoại tình là bất hợp pháp và bị trừng phạt nặng nề, trong khi đàn ông ngoại tình được bỏ qua, hoặc xử nhẹ. Cho tới thế kỷ thứ mười chín ở Anh, một ông chồng đau khổ có thể đưa vợ ra toà vì “ nói chuyện tội lỗi” ( criminal conversation) . Ngay dân đảo Trobiand được Bronislaw Malinowski vào năm 1927 khen là giống dân không bị cấm kị về tính dục, phụ nữ phạm tội ngoại tình bị kết án tử hình ( Malinowski, 1927).

Lưỡng chuẩn này là thí dụ rõ ràng về kỳ thị giới tính (sexism) trong xã hội, trong khi đó luật pháp lại không kỳ thị về những tội phạm khác: phụ nữ không hề bị trừng phạt nặng hơn nam giới về tội trộm cướp, giết người. Ít nhất thì trong những bộ luật ta chưa từng thấy như thế. Tại sao ngoại tình lại là một trường hợp đặc biệt đến thế? Có phải vì danh dự của đàn ông? Vậy thì phải phạt đàn ông không kém đàn bà ngoại tình vì nó cũng có hiệu quả ngăn chặn y hệt việc trừng phạt đàn bà vậy. Vì đàn ông liên kết với nhau trong trận chiến bênh vực phe phái mình? Họ không liên minh với nhau ngoài chuyện này. Luật pháp rất hiển nhiên về chuyện này: tất cả những luật được nghiên cứu đến nay định nghĩa ngoại tình “ căn cứ trên tình trạng hôn nhân của phụ nữ. Còn việc đàn ông ngoại tình là không tương ứng” ( D. E. Brown, phỏng vấn). Và họ làm như vậy vì rằng “ không phải chỉ vì chính ngoại tình mà luật pháp trừng trị nhưng chỉ là vì khả năng đưa một đứa trẻ lạ vào trong gia đình, ngay cả khi không chắc chắn về chuyện này. Ðàn ông ngoại tình không đưa đến hậu quả như vậy” ( theo luật thờI cách mạng Pháp, dẫn theo Wilson và Daly 1992)). Vào tối tân hôn, khi Angel Clare thú thật với vợ mới cưới của mình là Tess , trong truyện Tess of the D’Ubervilles của Thomas Hardy, là anh ta đã gieo những hạt giống hoang dại của anh ta trước hôn nhân, nàng đã nhẹ nhàng trả lời anh ta bằng câu chuyện chính nàng đã bị quyến rũ bởi Alec D’Urberville và về đứa con trai vắn số mà nàng có với hắn ta. Nàng đã nghĩ rằng việc phạm lỗi ( của đôi bên) đã quân bình.



“ Hãy tha thứ cho em như anh đã được tha thứ! Em tha thứ cho anh, Angel của em ạ.”
“ Anh- phải, chính anh đã từng làm (điều ấy) mà.”
“Nhưng sao anh không tha thứ cho em?”

“Ô! Tess, sự tha thứ đã chẳng áp dụng cho trường hợp này sao! Trước kia anh là một người; nay anh là người khác. Lạy Chúa tôi- làm thế nào mà sự tha thứ lại gặp phải trò quay quắt vô lý như thế!”

Ðêm ấy Clare đã bỏ nàng.


CHUYỆN TÌNH NƠI CUNG ÐÌNH

Những hệ thống giao phối của giống người thật hết sức phức tạp vì sự kiện thừa hưởng gia tài. Khả năng thừa hưởng gia tài hay vị thế xã hội từ cha mẹ không chỉ độc nhất đối với loài người. Có những giống chim thừa kế sở hữu những địa vực của cha mẹ chúng bằng cách ở lại giúp cha mẹ chăm những lứa sau. Linh cẩu thừa hưởng tầng lớp thống trị từ những bà mẹ của chúng ( trong loài linh cẩu, những con mái thường là những con áp đảo trong đàn và cũng to con hơn); nhiều loài khỉ và linh trưởng cũng vậy. Nhưng giống loài chúng ta đã đưa thói quen này đến trình độ nghệ thuật. Và thông thường họ ưa chuyển tài sản cho con trai hơn là cho con gái. Nhìn qua có vẻ kỳ cục. Một người để của lại cho con gái có nhiều phần thấy là của cải sẽ được chuyển qua các cháu gái. Một người để lại tài sản cho con trai có nhiều phần thấy của cải có thể sẽ truyền đến cháu trai hoặc không. Nơi một vài xã hội theo chế độ mẫu hệ thật sự có sự hỗn độn khiến đàn ông không chắc chắn về việc mình là cha thật, và trong những xã hội như thế chính những ông chú, ông bác đã đóng vai cha đối với những đứa cháu. (Alexander, 1974, Kurland, 1979).

Trong những xã hội chia thành nhiều đẳng trật, người nghèo thường ưu ái con gái hơn con trai. Ðiều này không phải vì họ không chắc chắn là cha của những đứa trẻ nhưng những đứa con gái nhà nghèo có nhiều phần nuôi con hơn là những đứa con trai nhà nghèo. Con trai của một chư hầu phong kiến có nhiều phần không con, trong khi cô em gái bị đưa vào lâu đài của lãnh chúa trong vùng để trở thành tì thiếp. Có phần hiển nhiên là vào thế kỷ thứ mười lăm và mười sáu ở Bedfordshire ( Anh), nông dân để của lại cho con gái nhiều hơn là cho con trai ( Chagnon, 1968; Chagnon 1988). Ở Ostfriesland ( Ðức) vào thế kỷ thứ mười tám, trong khi số nông dân không thay đổi có những gia đình nghiêng về số nữ một cách kỳ lạ ( oddly female-biased families,) trong lúc đó ở những nơi dân số gia tăng những gia đình thường thiên về nam. Ta khó lòng tránh khỏi kết luận là những đứa con trai thứ ba và thứ tư là nguồn bòn rút tài sản của gia đình nếu không có những cơ hội làm ăn mới, và người ta đã phải lo đến việc này một cách tương ứng ngay khi sinh con, khiến tỉ lệ phái tính nghiêng về nữ trong những dân ngưng trệ về dân số ( Voland, 1988, 1992).

Nhưng tận trên cùng của xã hội, thiên kiến đối nghịch chiếm thượng phong. Các lãnh chúa thời trung cổ tống rất nhiều con gái vào nhà dòng. Khắp nơi trên thế giới những gã đàn ông giàu có luôn luôn dành ưu đãi cho con trai, và thường chỉ một đứa mà thôi. Một ông bố quyền thế hay giàu có, bằng cách truyền lại vai vế xã hội hay những phương tiện để đạt đến nó, để lại rất nhiều tiền bạc để chúng lại trở thành những gã ngoại tình có rất nhiều con hoang. Không một lợi điểm nào như vậy có thể tích lũy cho những đứa con gái giàu có.

Việc này đưa đến hậu quả đáng để ta tò mò tìm hiểu. Nó mang ý nghiã là điều thành công nhất một đàn ông hay đàn bà có thể thực hiện là tạo ra kẻ thừa kế chính danh cho một người đàn ông giàu có. Cái lô-gíc như thế gợi ý là không cần phải phân biệt những gã chuyên dụ gái. Họ thường quyến rũ những phụ nữ có những gien tốt nhất và có những ông chồng giỏi giang nhất, và do vậy có khả năng tạo ra những đứa con trai để lại nhiều con nhất. Vào thời trung cổ điều này đã được nâng lên hàng nghệ thuật. Việc cắm sừng của các thiếp hoặc của những phu nhân của các lãnh chúa lớn được xem như hình thức cao nhất của mối tình cung đình. Các trận đấu đao – thương giữa các hiệp sĩ không chi khác hơn là cách để những chàng nịnh đầm gây ấn tượng nơi các mệnh phụ phu nhân.

Vào thời kỳ mà đứa con trai chính thống và lớn tuổi nhất của một đại lãnh chúa không những chỉ thừa hưởng gia tài của cha mình mà còn cả hậu cung nữa, việc cắm sừng lên đầu những lãnh chúa ấy quả là một trò thể thao. Tristan muốn kế thừa vương quốc của ông bác, Vua Mark, ở Cornwall. Trong lúc ở Ái-nhĩ-lan chàng ta không để mắt tới mối quan tâm của nàng Isolde xinh đẹp cho tới khi nàng được Vua Mark cầu hôn. Bị mối kinh hoàng bởi ý tưởng sẽ mất quyền thừa kế nhưng quyết tâm giữ nó ít nhất là cho con mình, đột nhiên Tristan chú tâm vô bờ đến Isolde. Ít nhất thì Laura Betzig đã kể lại chuyện xưa như vậy.

Phân tích của Laura Betzig về lịch sử thời trung cổ bao gồm ý tưởng về chuyện những kẻ thừa kế giàu có là nguyên nhân chính của những tranh biện về mối quan hệ Giáo Hội – nhà nước . Một loạt những biến cố liên hệ đã xảy ra vào khoảng thế kỷ thứ mười. Quyền lực của những ông vua suy giảm và quyền lực của những lãnh chúa địa phương gia tăng. Hậu quả là giới quí tộc dần dần trở nên quan tâm hơn với việc sản sinh những kẻ kế thừa hợp pháp để thừa kế chức vị của họ, như hệ thống lãnh chúa về quyền con trưởng thừa kế đã lập. Họ ly dị những bà vợ không con và để tất cả lại cho đứa con trai sinh ra đầu tiên. Trong lúc Thiên Chúa Giáo trổi lên đã chinh phục được hết những kẻ đối nghịch và trở thành tôn giáo áp đảo ở Bắc Âu. Giáo Hội thời sơ khai đã hết sức quan tâm đến những vấn đề hôn nhân, ly dị, đa thê, ngoại tình, và vô luân. Hơn thế, vào thế kỷ thứ mười Giáo Hội bắt đầu tuyển hàng giáo phẩm trong giới quí tộc.

Những ám ảnh của Giáo Hội về những vấn đề tính dục rất khác với những bận tâm của thánh Phao-lồ ( St. Paul). Giáo Hội ít nhắc đến chuyện đa thê hay chuyện sản sinh nhiều con hoang dẫu rằng cả hai chuyện ấy rất thường xảy ra và ngược lại tín lý. Thay vào đó giáo hội tập trung vào ba điều: thứ nhất, ly dị, tái giá, và nhận con nuôi; thứ đến, vú nuôi, và giao phối trong giai đoạn hành kinh khi các nghi thức đòi hỏi phải hãm mình; và thứ ba là “ tội phi luân” (incest) giữa những người hôn phối trong bảy nấc của giáo luật ( within seven canonical degrees). Trong cả ba trường hợp hình như Giáo Hội cố ngăn ngừa các lãnh chúa là cha của những kẻ thừa kế hợp pháp. Nếu một người tuân theo tín lý của Giáo Hội vào năm 1100, ông ta không thể ly dị bà vợ không con, ông ta không thể cưới ai chừng nào bà vợ còn sống, và ông ta cũng không thể nhận nuôi một kẻ nối dõi. Vợ ông ta cũng không thể giao một bé gái sơ sinh cho một vú nuôi và sẵn sàng mang thai đứa khác với hy vọng nó là con trai. Ông ta không thể làm tình với vợ “ trong ba tuần vào dịp Lễ Phục Sinh, bốn tuần vào dịp Lễ Giáng Sinh, và từ một tới bảy tuần vào dịp Pentecost; cũng như vào những ngày Chủ nhật, Thứ tư, Thứ sáu, và Thứ bảy – những ngày ăn năn tội hay nghe kinh giảng; cộng thêm những ngày lễ khác.” Ông ta cũng không thể có một kẻ nối dòng chính danh bởi bất cứ chị em họ nào gần hơn người chị em họ thứ bảy, mà như thế sẽ loại phần lớn phụ nữ quí tộc trong ba trăm dặm. Tất cả đều nằm trong việc Giáo Hội tấn công vào việc nuôi con thừa kế, và “ không đợi tới lúc Giáo Hội bắt đầu đông đảo những người anh em trẻ hơn của những nhân vật nhà nước mà cuộc tranh chấp quyền thừa kế qua hôn nhân mới diễn ra.” Các người khác trong trong Giáo Hội ( gồm nhiều đứa con nhỏ hơn không được thừa kế) tìm cách lèo lái những qui ước xã hội liên quan đến tính dục nhằm gia tăng tài sản cho Giáo Hội hoặc ngay cả lấy lại tài sản và tước vụ cho họ. Việc Henry VIII giải tán các tu viện, sau khi tách ra khỏi Giáo Hội La Mã, tiếp theo việc Giáo Hội La Mã không công nhận việc ông ta ly dị với bà hoàng không con Catherine of Aragon, là một loại dụ ngôn trong toàn bộ lịch sử những mối quan hệ Giáo Hội – nhà nước ( Betzig, 1992a).

Quả thật là tranh chấp GH-nhà nước chỉ là một trong nhiều tranh chấp về tập trung tài sản. Cách thực hành con trưởng nối dòng là một cách tốt giữ của, cùng với khả năng giữ nhiều thê thiếp, đã không bị đụng chạm tới trong nhiều thế hệ. Nhưng cũng còn những cách khác nữa. Trước tiên là dùng chính hôn nhân. Lấy một phụ nữ được quyền thừa kế luôn là cách nhanh nhất để có của. Dĩ nhiên là hôn nhân có tính cách chiến lược như vậy và con trưởng nối dòng luôn nghịch lại với nhau: nếu phụ nữ không được hưởng gia tài thì lấy con gái một kẻ giàu có chẳng được lợi lộc gì. Trong những vương triều ở Châu Âu phần lớn phụ nữ có thể kế vị ( khi không có con trai nốI dòng) . Trận Chiến Thừa Kế Tây Ban Nha ( The War of the Spanish Succession) chỉ nhằm ngăn chặn một ông vua Pháp thừa hưởng ngai vàng Tây Ban Nha là hậu quả của một hôn nhân chiến lược. Lần xuống việc thực hành thời Vua Edward VII ( 1901-10) của giới quí tộc nhằm cưới con gái của những ‘ bá tước cướp của người Mỹ’ (American robber barons), liên minh giữa các gia đình lớn luôn là sức mạnh tập trung tài sản.

Còn cách khác nữa, ở những ‘triều đại’ mà chế độ sở hữu nô lệ tồn tại trước đây ở Miền Nam nước Mỹ việc thực hành thường thấy là giữ những hôn nhân trong vòng gia đình. Nancy Wilmsen Thornhill của Ðại Học New Mexico đã chứng tỏ bằng cách nào mà những gia đình như thế đàn ông thường lấy những chị em bà con gần nhất. Bằng cách truy cứu gia phả của bốn gia đình miền nam, bà đã thấy quá nửa những hôn nhân là những trao đổi giữa những người cùng huyết thống hay chị em ( hai anh em lấy hai chị em). Ngược lại trong những gia đình miền bắc, chỉ có sáu phần trăm là lấy nhau trong thân tộc (kin). Ðiều đáng ngạc nhiên là Thornhill đã tiên đoán kết quả trước khi thực hiện nghiên cứu. Tập trung tài sản hiệu quả hơn khi liên quan đến đất đai, mà giá trị tùy phần lớn vào sự khan hiếm, hơn là tài sản trong doanh nghiệp, là những tài sản đã được tạo ra cũng như đã mất đi trong nhiều gia đình( Thornhill, 1990).

Thornhill tiến xa hơn trong lập luận là vì có một số người dùng hôn nhân như động lực nên cũng có những người có động lực ngăn cản chuyện này. Và các vua , cách đặc biệt , vừa có động lực vừa có quyền lực để hoàn thành hai ước muốn ấy. Ðiều này giải thích vì sao có một thực tế ngạc nhiên là những cấm đoán những hôn nhân “ vô luân” rất dữ dội giữa anh em bà con trong một số xã hội, mà lại không thấy ở những nơi khác. Trong mọi xã hội, xã hội chia thành nhiều tầng lớp là xã hội điều phối tình trạng hôn nhân mạnh nhất. Nơi người Trumai ở Ba Tây (Bresil) , một giống dân sống bình đẳng, người ta chỉ cau mày nhìn những hôn nhân giữa những anh em bà con. Nơi người Maasai ở Ðông Phi, mà tài sản rất cách biệt, những hôn nhân như vậy bị trừng phạt nặng nề bằng roi, gậy. Nơi dân Inca, bất cứ ai có gan lấy một thân thuộc nữ ( theo định nghĩa rộng rãi) bị móc mắt và bị xẻ làm bốn. Dĩ nhiên hoàng đế là một biệt lệ: bà hoàng của hoàng đế là em ruột, và Pachacuti bắt đầu một truyền thống là lấy hết tất cả những chị em cùng cha khác mẹ. Thornhill kết luận là những luật lệ này không ăn nhập gì với chuyện vô luân nhưng tất cả chỉ là những luật lệ nhằm ngăn ngừa nhiều gia đình tập trung tài sản hơn chính việc tập trung tài sản của chính họ; họ làm chuyện này chỉ vì họ mà thôi ( Thornhill, 1990)


LỊCH SỬ TIẾN HOÁ

Loại khoa học này lấy tên là lịch sử tiến hoá, và ta có thể đoán trước là những sử gia thứ thiệt sẽ chào nó bằng nụ cười chế nhạo. Với họ tập trung tài sản không cần phải giải thích thêm. Với những người theo thuyết Darwin nó từng là phương tiện nhắm vào cứu cánh truyền sinh. Trong sàng lọc tự nhiên không có yếu tố nào khác đáng kể.

Khi ta nghiên cứu con gà gô hay con hải-cẩu khổng lồ (elephant seal ) trong khu vực sinh sống của chúng, ta có thể tương đối bảo đảm rằng chúng cố đạt đến mức tối đa sự thành công lâu dài về truyền sinh. Nhưng ta khó công bố như thế đối với giống người. Con người nỗ lực làm chuyện gì đó, thường là dành tiền bạc, quyền lực, an toàn hay hạnh phúc. Sự kiện họ không chuyển những thứ này thành con trẻ được nêu lên như chứng cớ hiển nhiên chống lại toàn bộ khảo hướng tiến hoá đối với giống người. Những nhà tiến hoá không bảo rằng những biện pháp thành công ấy ngày nay là chià khoá dẫn đến thành công tính dục, nhưng xưa kia chúng đã từng như thế. Thật thế, chúng vẫn còn diễn ra như vậy đến tận ngày nay. Những gã đàn ông thành công thường lấy vợ nhiều lần và rộng khắp hơn là những anh không thành công, và ngay cả với chuyện ngừa thai chặn lại việc truyền giống thành công, dân giàu có vẫn có nhiều con hơn dân nghèo ( Perusse,1992).

Tuy dân chúng Phương Tây ngày nay rõ ràng tránh việc có nhiều con, William Irons của Northwestern University ở Chicago đã tìm cách giải quyết vấn đề này. Ông ta tin rằng giống người luôn để ý đến nhu cầu tặng cho con trẻ một “ khởi sự tốt đẹp trên đời”. Họ không bao giờ chuẩn bị hy sinh phẩm chất của đứa trẻ thay bằng số lượng. Và như thế khi một giáo dục tốn kém là điều kiện tiên quyết cho thành công và thịnh vượng, vào lúc thời kỳ sinh suất chuyển xuống mức thấp, người ta đã có thể tái điều chỉnh và hạ thấp số con họ có để có thể gởi chúng tới trường. Cũng chính lý do này khiến dân Thái ngày nay có ít con hơn là ông bà, cha mẹ họ khi trước ( W. Irons, phỏng vấn; N. Poulioudakis, phỏng vấn).

Từ lúc loài người còn săn bắn- hái lượm đến nay các gien không thay đổi, nhưng thẳm sâu trong trí tưởng của người đàn ông hiện đại vẫn là một qui luật đơn giản của gã đàn ông săn bắn-hái lượm : cố gắng thủ đắc quyền lực và dùng nó để lôi cuốn phụ nữ mang những đứa con nối dòng của họ; nỗ lực tích lũy tài sản và dùng nó để mua vợ của những người khác; những phụ nữ ấy sẽ đẻ ra những đứa con hoang. Nó khởi đầu từ một gã đàn ông chia một miếng cá hay mật ong đáng giá cho một chị vợ hấp dẫn của người láng giềng để đổi lấy một cuộc tình ngắn hạn ; nó tiếp nối bằng việc một ngôi sao thời đại ( pop star) đưa người mẫu vào trong chiếc Mercedes của hắn. Từ cá cho tới Mercedes, lịch sử không hề bị đứt đoạn: qua da và chuỗi hạt, cày và trâu bò, lưỡi gươm và lâu đài. Tài sản và quyền lực là những phương tiện dẫn đến đàn bà, và đàn bà là phương tiện đưa tới lưu truyền kho tàng di truyền đến muôn đời.

Cũng như thế, sâu thẳm trong trí não người phụ nữ hiện đại là cái ‘máy tính’ căn bản của thời kỳ săn bắn-hái lượm, cũng chỉ mới tiến hoá đây thôi để chưa thay đổi nhiều lắm: nỗ lực kiếm một tấm chồng cung phụng được thực phẩm và chăm sóc cho con; cùng lúc nỗ lực kiếm một người tình có thể đem đến những đứa con có gien thượng thặng. Chỉ khi nào may lắm nàng mới nắm cả hai người như thế trong một thân xác. Câu chuyện khởi đầu từ một phụ nữ lấy một ông chồng chưa vợ săn bắn cực giỏi trong bộ lạc và cặp thêm với một ông cũng vào hàng săn bắn ngoại hạng, và như thế bảo đảm việc các con của nàng có nguồn cung cấp thịt dồi dào. Câu chuyện lại tiếp tục với việc bà vợ của một tỉ phú có đứa con lớn lên trông giống anh cận vệ dềnh dàng của nàng. Ðàn ông luôn bị khai thác như kẻ cung ứng việc chăm sóc con cái, của cải, và gien.

Có chua chát lắm chăng? Không đến một nửa như phần lớn những dữ kiện trong lịch sử nhân loại.

HẾT


--------------------
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 User(s) are reading this topic (2 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



Lo-Fi Version Time is now: 9th May 2024 - 01:43 PM